LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

ĐTC Bênêđictô XVI - Lời khuyên dành cho các chủng sinh và linh mục

Xin giới thiệu với bạn những lời khuyên chí lý của Đức Thánh Cha Benedicto XVI dành cho các chủng sinh, linh mục.

LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI
CHO CÁC CHỦNG SINH VÀ LINH MỤC

Chiều thứ bẩy 17-2-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng thăm Đại chủng viện giáo phận Roma lần thứ 2, nhân lễ kính Đức Mẹ tín thác, bổn mạng của chủng viện.
Hiện đang được đào tạo tại đây có 121 đại chủng sinh, trong đó có gần một nửa, tức là 57 thầy thuộc giáo phận Roma, 43 thầy còn lại đến từ các giáo phận khác của Italia và nước ngoài. Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã dành 1 tiếng đồng hồ để nghe và trả lời những câu hỏi do 6 chủng sinh nêu lên.
Sau đây là hai câu trả lời tiêu biểu của ĐTC đáp lại những câu hỏi do hai đại chủng sinh nêu lên. Câu trả lời này có thể là những lời khuyên cụ thể và quí giá cho các chủng sinh và linh mục.

CÔNG DANH CHỨC VỊ TRONG GIÁO HỘI

Trước tiên là Thầy Koicio Dimov, thuộc giáo phận Nicopoli ad Istrum bên Bulgari, đang học năm thứ tư ở chủng viện, tức là năm thứ hai thần học. Thầy nói: "Kính thưa ĐTC, khi viết bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá năm 2005, ĐTC đã nói về những điều nhơ bẩn, cả trong Giáo Hội, và trong bài giảng lễ truyền chức LM tại Roma hồi năm 2006, ĐTC đã cảnh giác chúng con về nguy cơ theo đuổi ”công danh sự nghiệp, cám dỗ muốn leo lên cao, dựa vào Giáo Hội để kiếm cho mình một địa vị”. Vậy làm sao chúng con đối phó với những vấn đề này một cách thanh thản hơn và trong tinh thần trách nhiệm tối đa?”

ĐTC: "Đây là một câu hỏi không dễ dàng, nhưng hình như tôi đã nói rồi, và điều quan trọng là ngay từ đầu Chúa biết rằng trong Giáo Hội cũng có tội lỗi và chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận điều đó, nhìn nhận tội lỗi không những nơi người khác, nơi các cơ cấu, nơi các đấng bậc cao trọng trong hàng giáo phẩm, nhưng cả nơi chúng ta, để biết khiêm tốn hơn và học biết rằng trước mặt Chúa, điều đáng kể không phải là địa vị trong Giáo Hội, nhưng là biết ở trong tình yêu của Chúa và làm cho tình yêu của Chúa chiếu sáng rạng ngời. Bản thân tôi, tôi thấy rằng về điểm này, lời kinh của thánh Ignatio rất quan trọng. Thánh nhân nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin đón nhận trọn tự do của con; xin nhận lấy trí nhớ, trí khôn và toàn thể lòng muốn của con: bất kỳ điều gì con có hoặc sở hữu là do Chúa rộng ban cho con; con xin dâng trọn cho Chúa và để tùy thánh ý Chúa quyết định; xin ban cho con tình yêu cùng với ơn thánh của Chúa, để con được nên phong phú và không mong ước điều gì khác”. Chính phần cuối của lời kinh này, tôi thấy rất quan trọng: đó là hiểu rằng kho tàng quí giá thực sự trong cuộc sống của chúng ta là ở trong tình yêu Chúa và không bao giờ đánh mất tình yêu ấy. Rồi chúng ta thực sự là người giàu có. Một người đã tìm được một tình yêu cao cả thì thực sự cảm thấy mình giàu có và biết rằng đó chính là viên bảo ngọc thực sự đối với mình, và đó chính là kho tàng cuộc sống của đời mình, chứ không phải tất cả những sự gì khác mà họ sở hữu.

Chúng ta đã tìm thấy tình yêu Chúa, hay nói đúng hơn, chúng ta đã được tình yêu Chúa tìm thấy và hễ chúng ta đàng để cho tình yêu này đánh động trong đời sống bí tích, trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống hoạt động, trong thời giờ rảnh rỗi, thì chúng ta càng có thể hiểu rằng đúng vậy mình đã tìm được viên ngọc đích thực, tất cả những gì còn lại đều không đáng kể, tất cả những gì còn lại chỉ quan trọng tùy theo mức độ tình yêu Chúa ban cho tôi những điều ấy. Tôi là người giàu có, thực sự giàu có và ở nơi cao nếu tôi ở trong tình yêu ấy, nếu tôi tìm được nơi đây trọng tâm đời sống, và tìm được sự phong phú. Rồi chúng ta hãy để cho Chúa Quan Phòng hướng dẫn và quyết định xem ngài làm gì với chúng ta.

Tôi nghĩ đến câu chuyện nhỏ của thánh nữ Bakhita, vị thánh tuyệt vời của Phi châu, đã từng làm nô lệ tại Sudan, rồi tại Italia, chị đã tìm được đức tin, trở thành nữ tu và khi chị về già, có một GM đến thăm tu viện của chị mà không biết chị là ai; khi thấy một nữ tu Phi châu bé nhỏ, lưng đã còng, vị GM hỏi: "Chị ở đây làm gì vậy?”, chị Bakhita trả lời: "Thưa Đức Cha, con cũng làm cùng một điều như Đức Cha vậy”. Vị GM ngạc nhiên hỏi: "Nhưng chị làm gì vậy?”, chị Bakhita trả lời: “Thưa Đức Cha, cả hai chúng ta đều muốn làm cùng một điều, đó là thi hành thánh ý Chúa”.

Tôi thấy đó là một câu trả lời rất đẹp, vị GM và chị nữ tu bé nhỏ ấy, một người hầu như không còn làm việc được nữa, nhưng cả hai, trong các địa vị khác nhau, đều làm cùng một việc, đều tìm cách thi hành thánh ý Chúa, và vậy là họ ở chỗ đúng của mình.

Tôi cũng nghĩ đến một câu của thánh Augustino nói rằng: "Tất cả chúng ta vẫn luôn chỉ là môn đệ của Chúa Kitô và tòa của ngài ở trên cao hơn, vì tòa này là Thánh Giá và chỉ chiều cao này mới là chiều cao đích thực, đó là ự hiệp thông với Chúa, cả trong cuộc khổ nạn của Ngài. Tôi thiết nghĩa nếu chúng ta bắt đầu hiểu điều này, trong cuộc sống cầu nguyện mỗi ngày, thì chúng ta có thể giải thoát mình khỏi những cám dỗ rất phàm trần.

SUY GẪM VÀ DỌN BÀI GIẢNG

Thầy Marco Ceccarelli, Phó tế, thuộc giáo phận Roma, sắp chịu chức LM vào ngày 29-4-2007 tới đây, hỏi: "Kính thưa ĐTC, trong những tháng tới đây, các bạn con và con sẽ chịu chức LM. Chúng con sẽ đi từ đời sống rất ngăn nắp theo qui luật của chủng viện, tới tình trạng được tổ chức rất khác biệt trong các giáo xứ của chúng con. Đâu là lời khuyên ĐTC có thể cho chúng con để sống tốt đẹp giai đoạn khởi đầu trong sứ vụ linh mục của chúng con?

ĐTC đáp: "Như vậy là ở chủng viện này các thầy có một đời sống tổ chức qui củ. Về điểm thứ I, tôi muốn nói rằng điều quan trọng trong đời sống của các mục tử Giáo Hội, trong đời sống thường nhật của LM, là duy trì bao nhiêu có thể một thứ qui luật như: không bao giờ bỏ Thánh Lễ, nếu không có Thánh Lễ, thì một ngày không đầy đủ, và vì vậy, trong chủng viện, chúng ta đã được lớn lên với phụng vụ Thánh Lễ hằng ngày; tôi thấy một điều rất quan trọng là chúng ta cảm thấy ở với Chúa "trong Thánh Thể”. Đây không phải là một bổn phận nghề nghiệp nhưng là một nghĩa vụ thực sự được cảm nghiệm trong nội tâm, nghĩa vụ ấy là không bao giờ bỏ Thánh Lễ.
Một điểm quan trọng khác, đó là dành thời giờ cho Phụng vụ các giờ kinh, và hành động này cũng do tự do nội tâm như vậy: với tất cả những gánh nặng, phụng vụ này giải thoát chúng ta, giúp chúng ta cởi mở hơn và tiếp xúc sâu xa với Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta phải làm tất cả những gì mà đời sống mục vụ đòi hỏi, đời sống của một cha phó, một cha sở hoặc các nhiệm vụ LM khác. Nhưng tôi muốn nói rằng không bao giờ quên những điểm cố định là Thánh Lễ và Phụng vụ các giờ kinh. Để có được trong ngày một thứ trật tự nào đó, như tôi vừa nói, ta không phải luôn luôn bày ra những gì là mới. "Hãy phục vụ trật tự và trật tự sẽ giúp đỡ ngươi”, như chúng ta đã học. Đó là một lời sự thật.

Tiếp đến, điều quan trọng là không đánh mất sự hiệp thông với các linh mục khác, với các bạn trên đường, và không đánh mất sự tiếp xúc bản thân với Lời Chúa, việc suy gẫm. Làm sao đây? Tôi có một công thức khá đơn giản: đó là liên kết việc chuẩn bị bài giảng chúa nhật với việc suy gẫm, để làm cho những lời này không phải chỉ để nói cho người khác, nhưng thực sự là những lời Chúa nói cho chính tôi, được chín mùi trong cuộc đối thoại thân tình với Chúa. Để làm được điều đó, lời khuyên của tôi là: hãy bắt đầu dọn bài giảng ngay từ thứ hai, vì nếu ta bắt đầu vào thứ bẩy thì quá trễ rồi, việc chuẩn bị sẽ hấp tấp, và có lẽ sẽ bị thiếu hứng nữa, vì có những chuyện khác trong đầu. Vì thế, tôi muốn nói rằng, ngay từ thứ hai, hãy đọc các bài đọc của Thánh Lễ chúa nhật tới, có lẽ các bài này thật là khó hiểu, giống như những tảng đá ở Massa và Meriba, nơi mà Ông Mosê nói: "Từ những tảng đá này làm sao mà có nước được?”

Nhưng chúng ta cứ để như thế, hãy để cho con tim tiêu hóa các bài đọc ấy; trong tiềm thức những lời ấy vẫn làm việc và mỗi ngày có thể trở lại. Dĩ nhiên ta cũng phải tham khảo sách vở bao nhiêu có thể. Và với công việc trong nội tâm như thế, ngày qua ngày, ta thấy có một câu trả lời được chín mùi; dần dần lời ấy được mở ra, và trở thành lời cho tôi. Và vì tôi là một người đồng thời với tha nhân, nên lời ấy cũng trở thành lời cho người khác nữa. Rồi tôi có thể bắt đầu diễn tả điều mà có lẽ tôi hiểu trong ngôn ngữ thần học thành điều trong ngôn ngữ của người khác; nhưng tư tưởng nòng cốt vẫn là một cho tha nhân và cho tôi.
Và như thế, chúng ta có thể có một cuộc gặp gỡ thường xuyên, trong thinh lặng, với Lời Chúa, cuộc gặp gỡ ấy không đòi nhiều thời giờ, vì chúng ta không có nhiều. Nhưng các thầy hãy dành một thời gian cho việc này: và nhờ đó không những bài giảng được hình thành cho chúa nhật, cho tha nhân, nhưng chính tâm hồn mình cũng được Lời Chúa đánh động. Và mình cũng liên tục tiếp xúc với Lời Chúa cả trong một tình trạng trong đó có lẽ chúng ta không có nhiều thời giờ.

Tôi không dám đưa ra nhiều lời khuyên, vì cuộc sống tại thành phố lớn như Roma này khác với cuộc sống mà tôi đã trải qua cách đây 50 năm tại miền Bavière. Nhưng tôi nghĩ rằng điều thiết yếu là: Thánh lễ, các giờ kinh Phụng vụ, cầu nguyện và nói chuyện hằng ngày với Chúa, dù là ngắn ngủi, về những lời mà tôi phải rao giảng. Và đàng khác, không bao giờ đánh mất tình bạn với các linh mục, nghe lời Giáo Hội sinh động, và dĩ nhiên phải sẵn sàng đối với những người được ủy thác cho mình, vì chính những người ấy, với những đau khổ, kinh nghiệm đức tin, những nghi ngờ và khó khăn của họ, cả chúng ta cũng có thể học hỏi, tìm kiếm và tìm thấy Thiên Chúa, tìm thấy Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.


G. Trần Đức Anh OP chuyển dịch (Theo Radio Vatican)