QUY CHẾ VỀ SỰ HỢP TÁC
CỦA GIÁO DÂN VỚI THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
(Lm Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp)
Lời tựa
Phần I. Những Nguyên Lý Thần Học
1. Chức Tư Tế Cộng Đồng Và Chức Tư Tế Thừa Tác
2. Tính Duy Nhất Và Khác Biệt Của Những Nhiệm Vụ Thừa Tác
3. Đặc Tính Không Thể Thay Thế Của Thừa Tác Vụ Được Tấn Phong
4. Sự Cộng Tác Của Những Người Tín Hữu Không Được Tấn Phong Với Thừa Tác Vụ Mục Vụ
Phần II. Những Dự Định Thực Hành
Điều 1 Cần Thiết Có Một Danh Từ Thích Hợp
Điều 2 Thừa Tác Vụ Lời (59)
Điều 3 Bài Giảng Phúc Âm (Homélie)
Điều 4 Linh Mục Quản Xứ
Điều 5 Những Tổ Chức Cộng Tác Trong Giáo Hội Địa Phương
Điều 6 Những Cử Hành Phụng Vụ
Điều 7 Nhừng Cử Hành Chúa Nhật Khi Vắng Linh Mục
Điều 8 Thừa Tác Viên Bất Thường Cho Rước Lễ
Điều 9 Việc Tông Đồ Bên Người Bệnh
Điều 10 Chủ Trì Hôn Nhân
Điều 11 Thừa Tác Viên Rửa Tội
Điều 12 Việc Hướng Dẫn Cử Hành Các Nghi Lễ An Táng Trong Giáo Hội
Điều 13 Sự Cần Thiết Tuyển Chọn Và Đào Tạo Đúng Mức
Lời Kết
QUY CHẾ VỀ SỰ HỢP TÁC
CỦA GIÁO DÂN VỚI THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
Lời Tựa
Hệ quả sinh ra từ mầu nhiệm Giáo Hội là tất cả các thành phần Thân Thể Mầu Nhiệm được kêu gọi tham gia tích cực vào sứ mệnh và việc xây dựng dân Chúa, trong một sự hiệp thông hữu cơ giữa các thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau. Những tài liệu Huấn Quyền, cách riêng từ Công Ðồng Vatican II, thường vọng lại lời kêu gọi này (1).
Ba kỳ họp khoáng đại bình thường mới đây của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, hơn hết, phải củng cố lại căn tính riêng biệt của các giáo dân, của các thừa tác viên có chức thánh và của những người thánh hiến, củng cố lại phẩm giá chung của họ trong sự khác biệt nhiệm vụ. Tất cả các tín hữu được khuyến khích xây dựng Giáo Hội, bằng cách hợp tác chung nhau lo cho phần rỗi thế giới.
Phải lưu ý tới tình trạng khẩn cấp và quan trọng của việc làm tông đồ mà các tín hữu giáo dân phải thực hiện cho thời hiện tại và tương lai của việc Phúc Âm hoá. Giáo Hội không thể lơ là kiểu hành động này, bởi vì nó được viết trong bản tính Dân Chúa, và bởi vì Giáo Hội cần nó để thực hiện sứ mệnh truyền giáo riêng mình.
Lời kêu mời tất cả người tín hữu tham gia tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội, không phải là không có tiếng vang. Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1987 đã nhận xét "cách thức Thần Khí tiếp tục trẻ hoá Giáo Hội, bằng cách tạo nên trong Giáo Hội nhiều nghị lực mới mẻ của sự thánh thiện, với sự tham gia của nhiều người giáo dân. Chúng ta có một trong nhiều bằng chứng về điều đó, trong kiểu cách mới mẻ hợp tác giữa các Linh Mục, tu sĩ và giáo dân; trong sự tham gia linh động vào Phụng Vụ, vào việc rao giảng Lời Chúa, vào việc dạy giáo lý; trong nhiều việc phục vụ và nhiệm vụ giao phó cho giáo dân và do giáo dân đảm trách; trong sự phát triển phong phú các nhóm, các Hiệp Hội và phong trào chuyên lo linh thao và kết nạp các giáo dân; trong sự tham gia rộng rãi hơn và đặc sắc hơn của người nữ vào đời sống Giáo Hội và phát triển xã hội". (2)
Cũng vậy, khi chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 1994 về Ðời Sống Thánh Hiến, phát hiện "khắp nơi một ý muốn chân thành thiết lập những tương quan đích thực của sự hiệp thông và cộng tác giữa các Giám Mục, các Tu Hội sống thánh hiến, hàng giáo sĩ triều và các giáo dân". (3) Trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng tiếp sau, Ðức Giáo Hoàng khẳng định phần đóng góp đặc biệt của đời sống thánh hiến cho sứ mệnh và việc xây dựng Giáo Hội. (4)
Thật vậy, tất cả giáo dân đã hợp tác trong cả hai lãnh vực thuộc sứ mệnh của Giáo Hội: trong phạm vi thiêng liêng để mang đến cho con nguời sứ điệp của Chúa Kitô và ân sủng của Người, cũng như trong phạm vi đời để thấm nhuần và hoàn thiện trật tự các thực tại trần gian bằng tinh thần Tin Mừng. (5) Cách riêng trong lãnh vực thứ nhất - việc rao giảng Tin Mừng và thánh hoá - "việc tông đồ giáo dân và thừa tác vụ mục vụ bổ sung cho nhau". (6)
Các giáo dân thuộc hai phái tính có ở đấy vô số cơ hội để hoạt động: nhờ chứng từ liên kết của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội; nhờ việc loan báo và chia sẻ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô trong mọi môi trường; nhờ sức cố gắng giải thích, bênh vực và áp dụng đúng các nguyên lý Kitô giáo cho các vấn đề thời sự. (7) Cách riêng, các vị mục tử được khích lệ "công nhận và cổ võ những thừa tác vụ, những công việc và những nhiệm vụ của người giáo dân, những công việc và nhiệm vụ có nền tảng bí tích trong bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức, và hơn nữa, đối với nhiều người giữa họ, trong bí tích Hôn Nhân" (9).
Trên thực tế, đời sống Giáo Hội trong lãnh vực này, đã hiểu biết một sự phát triển đáng kinh ngạc các sáng kiến mục vụ, nhất là từ khi được Công Ðồng Vatican II và huấn quyền Giáo Hoàng thúc đẩy.
Ngày nay cách riêng, nhiệm vụ ưu tiên của việc tái Phúc Âm hoá, động viên toàn thể Dân Chúa, đòi hỏi các Linh Mục "vai trò đầu tiên riêng cho họ"; đồng thời nó cũng đòi hỏi người ta phải ý thức đầy đủ về đặc tính đời của sứ mệnh người giáo dân. (9)
Việc làm này mở rất rộng cho giáo dân những đường chân trời bao la, mà một số còn cần phải tìm tòi: sự dấn thân vào giữa đời, trong thế giới văn hoá, nghệ thuật và sân khấu, nghiên cứu khoa học, lao động, những phương tiện truyền thông, chính trị, kinh tế, vv...; người giáo dân có trách nhiệm tạo dựng cách sáng trí những điều kiện cho phép các lãnh vực này, một cách luôn chắc chắc hơn, gặp được trong Chúa Giêsu Kitô sự đầy đủ ý nghĩa của nó. (10)
Trong địa hạt bao la này, nơi mà công việc đặc biệt thiêng liêng hay tôn giáo, và sự thánh hiến thế giới (consecratio mundi), đi đôi với nhau, có một lãnh vực hoạt động riêng, liên hệ với thừa tác vụ thánh của hàng giáo sĩ, để thi hành lãnh vực hoạt động này, những người giáo dân - nam và nữ - có thể được kêu gọi giúp đỡ, đương nhiên cũng như những thành phần không được phong chức thuộc các Tu Hội Sống Ðời Sống Thánh Hiến và những Hiệp Hội Ðời Sống Tông Ðồ.
Công Ðồng Vatican II qui chiếu về địa hạt riêng biệt này, khi dạy: "Ðể kết thúc, Hàng Giáo Phẩm trao phó cho giáo dân một số nhiệm vụ liên hệ chặt chẽ hơn với bổn phận các vị mục tử, như trong việc đề xướng giáo lý Kitô giáo, trong một số hành vi phụng vụ hay là trong việc chăm sóc các linh hồn". (11)
Vì đây đúng là những nhiệm vụ liên hệ sâu xa hơn với những bổn phận các vị mục tử - những kẻ, muốn thành mục tử, phải nhận lãnh bí tích Truyền Chức - nên tất cả những ai can dự vào đó bằng cách này hay cách khác, phải có một lòng hăng say đặc biệt, ngõ hầu bảo tồn bản tính và sứ mệnh của thừa tác vụ thánh cũng như ơn gọi và đặc tính đời của người giáo dân. Thật vậy hợp tác không có nghĩa là thay thế.
Chúng ta phải nhận xét với niềm thoả mãn nhiệt thành rằng trong nhiều Giáo Hội địa phương, sự hợp tác của các giáo dân không được truyền chức với thừa tác vụ mục vụ của hàng giáo sĩ, được thực hiện một cách rất tích cực: có nhiều hoa quả, trong sự tôn trọng những giới hạn ấn định do bản tính các bí tích và do sự khác biệt các đặc sủng và những nhiệm vụ Giáo Hội; để đối phó với những hoàn cảnh vắng hay thiếu các thừa tác viên thánh, người ta thi hành những giải pháp quảng đại và thông minh. (12)
Nhờ vậy, người ta biểu thị phương diện hiệp thông mà qua đó một số phần tử Giáo Hội ân cần tự nguyện cứu vãn - trong mức độ có thể làm vậy, vì không có đặc tính bí tích Truyền Chức - những hoàn cảnh khẩn cấp và những nhu cầu dai dẳng, trong một số cộng đồng. (13) Những giáo dân này được kêu gọi và uỷ nhiệm gánh vác những trọng trách rõ rệt, quan trọng cũng như tế nhị, họ đuợc ân sủng Chúa nâng đỡ, được các thừa tác viên thánh chỉ dẫn và được tiếp rước tử tế bởi những cộng đồng họ sẵn sàng phục vụ.
Các vị mục tử thánh biết ơn sâu xa lòng quảng đại nhiều người thánh hiến và giáo dân đã cống hiến cho việc phục vụ riêng biệt này, việc phục vụ hoàn thành với một ý thức (sensus) trung thực về Giáo Hội và một sự tận tụy gương mẫu. Lòng biết ơn và sự khuyến khích nhằm đặc biệt những người hoàn thành những nhiệm vụ này trong những hoàn cảnh bắt bớ cộng đồng Kitô giáo, trong những bối cảnh truyền giáo, lãnh thổ hay văn hoá, nơi mà Giáo Hội chưa được vững mạnh và nơi mà sự hiện diện Linh Mục chỉ còn thưa thớt lẻ tẻ. (14)
Ðây không phải là nơi nghiên cứu sâu rộng sự phong phú thần học và mục vụ của vai trò giáo dân trong Giáo Hội. Tông Huấn Christifideles laici đã làm sáng tỏ sự phong phú đó rồi.
Mục đích tài liệu này chỉ cung cấp một câu trả lời sáng sủa và có thẩm quyền cho những thỉnh cầu cấp thiết và đa dạng gởi đến các Cơ Quan chúng tôi, từ phía các Giám Mục, các Linh Mục và giáo dân, các vị này gặp phải những hình thức mới về sinh hoạt "mục vụ" của những giáo dân không được phong chức, trong bối cảnh những giáo xứ và giáo phận, nên đã yêu cầu có được những chỉ dẫn.
Hẳn thật, thường là những thực hành, tuy nảy sinh trong những hoàn cảnh khẩn cấp và bấp bênh, và thường được dựng nên với ý muốn cung cấp một trợ giúp quảng đại cho hoạt động mục vụ, nhưng có thể sinh ra những hậu quả tai hại trầm trọng đối với vệc hiểu biết sự hiệp thông thật sự Giáo Hội. Những thực hành này trên thực tế, hiện diện cách riêng trong một vài vùng, thỉnh thoảng với những khác biệt lớn trong nội bộ một vùng.
Tuy nhiên, những thực hành đó nhắc các vị sau đây nhớ tới trách nhiệm nghiêm trọng của mình, đó là những vị, và cách đặc biệt các Giám Mục, (15) được giao phó việc cổ võ và tuân giữ kỷ luật chung của Giáo Hội; kỷ luật này đặt nền tảng trên một số nguyên lý học thuyết đã được Công Ðồng Vatican II (16) và Huấn Quyền Giáo Hoàng tiếp theo sau, công bố. (17)
Nội bộ các cơ quan chúng tôi đã thực hiện một công tác suy tư. Những đại diện các hàng Giám Mục có liên quan nhất với vấn đề, đã tham dự một hội nghị chuyên đề nghiên cứu đề tài này, và sau cùng, một sự thăm dò rộng rãi được gởi tới nhiều vị Chủ Tịch các Hội Ðồng Giám Mục, các giám chức khác và các vị chuyên môn trong các môn Giáo Hội học khác nhau và đến từ các nơi khác nhau. Nhờ vậy mà phát sinh một sự đồng qui sáng sủa trong ý nghĩa xác thực của qui chế này; nhưng qui chế này không có tham vọng nói thấu đáo, bởi vì nó giới hạn trong việc xem xét những nố thường xảy ra nhất bây giờ, cũng như bởi vì những nố này xuất hiện trong những hoàn cảnh riêng biệt rất khác nhau.
Việc áp dụng trung thực văn bản này, văn bản biên soạn trên nền tảng chắc chắn của huấn quyền bất thường và thông thường trong Giáo Hội, được giao phó cho các Giám Mục, nhưng cũng được trình bày, để được hiểu biết, cho các giám chức những hạt thuộc Giáo Hội, những hạt tuy chưa biết những thực hành lạm dụng đó, nhưng sớm muộn gì rồi cũng biết, do sự truyền bá mau lẹ ngày nay của các sự kiện.
Trước khi trả lời cho những nố cụ thể gởi đến chúng tôi, xem ra cần nhắc đến một vài yếu tố thần học vắn tắt và thiết yếu về ý nghĩa Chức Thánh trong cơ chế Giáo Hội. Những yếu tố đó khả dĩ giúp hiểu biết hơn những mục đích của kỷ luật Giáo Hội, kỷ luật có ý thăng tiến, vẫn trong sự tôn trọng chân lý và sự hiệp thông Giáo Hội, những quyền và những bổn phận của mọi người, vì "phần rỗi các linh hồn, Giáo Hội phải luôn luôn coi là luật tối thượng". (18)
PHẦN I. NHỮNG NGUYÊN LÝ THẦN HỌC
1. Chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác
Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm và đời đời, đã muốn rằng chức tư tế duy nhất và bất khả phân chia của Người được Giáo Hội chia sẻ. Chính Giáo Hội là Dân Giao Ước Mới, trong dân này, "nhờ việc tái sinh và sự xức dầu của Thánh Thần, những người đã lãnh bí tích Rửa Tội được thánh hiến để hình thành một đền thờ thiêng liêng và một chức tư tế thánh, để dâng, qua tất cả các hoạt động của người Kitô hữu, những lễ tế thiêng liêng và và loan truyền những việc làm cả thể của Ðấng, từ những nơi tối tăm, đã kêu gọi họ tới ánh sáng kỳ diệu của Người” (x. 1 Pr 2, 4-10). (19) "Chỉ có một dân được Chúa tuyển chọn”; “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4, 5); “giá trị của các phần tử là chung vì họ được tái sinh trong Chúa Kitô, ân sủng của các con là chung, ơn gọi tiến tới sự trọn lành là chung". (20)
Ðang khi "tất cả các phần tử đều bình đẳng về mặt phẩm giá và hành động chung cho tất cả mọi tín hữu liên hệ với sự xây dựng Thân Thể Chúa Kitô", thì có một số người, theo ý muốn Chúa Kitô, được đặt ra làm "Thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm mục tử kẻ khác". (21) Chức tư tế cộng đồng của mọi người tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, "mặc dầu khác nhau theo bản chất chớ không phải theo cấp bậc mà thôi, nhưng lại được sắp xếp cho nhau; thật vậy, cả hai, tuỳ theo cách thức riêng mình, tham gia chức tư tế độc nhất của Chúa Kitô" (22) Giữa hai chức tư tế có một sự hợp nhất hữu hiệu, bởi vì Thánh Thần hợp nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông và phục vụ, và bảo đảm cho Giáo Hội những ơn theo phẩm trật và những đặc sủng. (23)
Sự khác biệt thiết yếu giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác, không ở trong chức tư tế của Chúa Kitô, vì luôn luôn là duy nhất và bất khả phân chia, cũng không phải trong sự thánh thiện mà tất cả mọi tín hữu phải đạt tới: "Thât vậy, chức tư tế thừa tác tự nó không có nghĩa là một cấp bậc thánh thiện cao hơn sánh với chức tư tế, cộng đồng của người tín hữu; nhưng, qua chức tư tế thừa tác, các Linh Mục đã được Chúa Kitô, nhờ Thần Khí, ban cho một ơn đặc biệt, ngõ hầu có thể giúp dân Chúa thực hiện cách trung thành và đầy đủ chức tư tế cộng đồng đã ban cho họ" (24)
Trong sự xây dựng Giáo Hội, Thân Thể Chúa Kitô, tuy có sự khác biệt các phần tử và các nhiệm vụ, nhưng chỉ có một Thần Khí, vì lợi ích Giáo Hội, Người phân phát các ơn của Người một cách rộng rãi tương xứng với sự giàu sang của Người và với những nhu cầu của các việc phục vụ (x. 1 Cr 12, 1-11). (25)
Sự khác biệt liên can tới kiểu tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô, và đó là sự khác biệt theo bản chất với nghĩa này là "đang khi chức tư tế cộng đồng của giáo hữu được thực hiện trong sự biểu dương ân sủng rửa tội, sự sống đức tin, đức cậy và đức mến, sự sống theo Thần Khí, thì chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, nó có liên hệ với sự biểu dương ân sủng rửa tội của tất cả mọi người Kitô hữu" (26) Do đó, "chức tư tế thừa tác trong bản chất khác với chức tư tế cộng đồng của giáo hữu, bởi vì nó ban quyền năng thánh để phục vụ các giáo hữu", (27)
Ðể đạt tới mục dích này, Linh Mục được khuyên bảo phải "lớn lên trong ý thức sự hiệp thông sâu xa liên kết họ với dân Chúa "ngõ hầu" gây nên và phát triển sự đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mệnh duy nhất cứu rỗi, bằng cách làm sáng giá, cách ân cần và vui lòng, tất cả những đặc sủng và những nhiệm vụ mà Thần Khí chia cho các tín hữu để xây dựng Giáo Hội". (28)
Ta có thể tổng hợp như vầy những đặc điểm làm khác biệt chức tư tế thừa tác của các Giám Mục và các Linh Mục với chức tư tế chung của giáo hữu, và những đặc điểm đó cũng vạch ra những giới hạn hợp tác của giáo hữu với thừa tác vụ thánh:
a) chức tư tế thừa tác có nguồn gốc trong sự nối tiếp tông đồ, và được phú cho một quyền năng thánh, (29) quyền năng đó bao gồm quyền hạn và trách nhiệm hành động nhân danh Chúa Kitô Ðầu và Mục tử. (30)
b) Chức tư tế thừa tác biến những thừa tác viên thánh thành những tôi tớ Chúa Kitô và Giáo Hội, bằng phương tiện rao truyền với uy quyền Lời Chúa, cử hành các bí tích và hướng dẫn mục vụ các tín hữu. (31)
Ðặt những nền tảng của thừa tác được truyền chức trong sự kế tiếp tông đồ, với tư cách là thừa tác vụ này tiếp tục sứ mệnh nhận lãnh từ các tông đồ thay cho Chúa Giêsu, là một điểm thiết yếu của học thuyết Giáo Hội Công Giáo. (32)
Do đó, thừa tác vụ được phong chức, đặt nền tảng trên các tông đồ để xây dựng Giáo Hội: (33) "chức thừa tác này hoàn toàn để phục vụ chính Giáo Hội". (34) Ðặc tính phục vụ của nó liên kết nội tại với bản tính bí tích của thừa tác Giáo Hội. Thật vậy, hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa Kitô Ðấng ban sứ vụ và thẩm quyền, các thừa tác viên thực sự là những "tôi tớ Chúa Kitô" (Rm 1, 1), theo hình ảnh Chúa Kitô Ðấng đã tự nguyện mặc lấy "thân nô lệ" vì chúng ta" (Pl 2, 7). Bởi vì lời và ân sủng mà họ là những thừa tác viên, không phải là của họ, nhưng là của Chúa Kitô Ðấng giao phó những thứ đó cho họ vì kẻ khác, nên họ tự nguyện làm nô lệ mọi người". (35)
2. Tính duy nhất và khác biệt của những nhiệm vụ thừa tác
Những nhiệm vụ của thừa tác vụ được phong chúc, xét chung toàn bộ, làm thành một đơn vị không thể phân chia, do nền tảng duy nhất của chúng. (36) Như trong Chúa Kitô, (37) chỉ có một gốc rễ duy nhất thuộc hành động cứu rỗi, được phát biểu và thực hiện bởi thừa tác viên qua sự hoàn thành các nhiệm vụ dạy dỗ, thánh hoá và quản trị các tín hữu khác. Sự hợp nhất đó cốt yếu chỉ tính cách việc thi hành những nhiệm vụ của thừa tác vụ thánh, những nhiệm vụ đó, dưới những hình thức khác biệt, luôn luôn là một việc thi hành vai trò của Chúa Kitô Ðầu Giáo Hội
Vậy nếu việc thi hành nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và quản trị, do thừa tác viên thánh, tạo nên bản chất của thừa tác vụ mục vụ, thì những nhiệm vụ khác biệt của các thừa tác viên thánh, hình thành một sư hiệp nhất bất khả phân và không thể được nhận thức riêng nhau; ngược lại, những nhiệm vụ đó phải được xem như hỗ tương với nhau và bổ túc cho nhau. Chỉ trong vài nhiệm vụ, và trong mức nào đó thôi, những tín hữu khác không được truyền chức có thể cộng tác với các vị chủ chăn, nếu họ dược kêu gọi hợp tác bởi thẩm quyền hợp pháp và theo những cách thức phải có. Thật vậy Chúa Kitô "trong Thân Thể Người, tức là trong Giáo Hội, luôn ban phát những ân huệ để phục vụ, nhờ những ân huệ đó, nhân danh Người, chúng ta góp phần lo phần rỗi cho nhau". (38)
"Sự thực hành một nhiệm vụ thể đó không làm người giáo dân trở thành mục tử: trên thực tế, điều lập nên thừa tác viên, không phải là sự hoạt động tự nó, nhưng là sự truyền chức bí tích. Duy chỉ bí tích Truyền Chức mới ban cho người thừa tác viên được tham dự vào nhiệm vụ của Chúa Kitô là Ðầu và Mục Tử và được tham dự vào chức tư tế đời đời của Người. Nhiệm vụ thi hành với tư cách là dự khuyết, có được quyền chính thống minh bạch và ngay liền là do sự uỷ nhiệm chính thức nhận lãnh từ tay các vị mục tử và, trong việc thực hành cụ thể nhiệm vụ này, người dự khuyết đó phải phục tùng sự chỉ đạo của thẩm quyền Giáo Hội". (39)
Phải tái khẳng định giáo thuyết này bởi vì một số thực hành, mục đích là bổ sung những con số yếu kém do các thừa tác viên được phong chức ở giữa cộng đồng, thì trong một số trường hợp đã có thể gây sức ép trên quan niệm chức tư tế cộng đồng của các tín hữu, đến nỗi làm xáo trộn đặc tính và ý nghĩa riêng của nó. Ðiều đó lại tán trợ việc suy giảm số dự tuyển vào chức Linh Mục, và làm lu mờ đặc tính chủng viện như là nơi kiểu mẫu cho việc huấn luyện thừa tác viên thánh. Ðây là những hiện tượng liên kết chặt chẽ với nhau, và phải suy nghĩ đích đáng về sự tương quan của chúng, để rút ra những kết luận thực hành.
3. Ðặc tính không thể thay thế của thừa tác vụ được tấn phong
Một cộng đồng tín hữu, để được có thể gọi là Giáo Hội và để được thực sự là Giáo Hội, không thể lấy những tiêu chuẩn tổ chức có tính hiệp hội hay chính trị để hướng dẫn mình. Tất cả Giáo Hội địa phương phải được Chúa Kitô hướng dẫn, bởi vì chính Người, tại nền tảng, đã ban cho Giáo Hội này thừa tác vụ tông đồ. Do sự kiện này, không một cộng đồng nào có quyền tự cho mình sự hướng dẫn này, (40) cũng không thiết lập sự hướng dẫn này bằng một sự uỷ nhiệm. Việc thực hành trách nhiệm huấn giáo và quản trị đòi hỏi phải có sự chỉ định theo Giáo luật hay là pháp luật về phía thẩm quyền phẩm trật. (41).
Chức tư tế thừa tác, do đó, là cần thiết cho sự hiện hữu của cộng đồng với tư cách là Giáo Hội: "Như vậy, người ta không nên coi chức tư tế được tấn phong dường như có (...) sau cộng đồng Giáo Hội, dường như cộng đồng này có thể được hiểu như đã được thiết lập không cần chức tư tế này". (42) Thật vậy, nếu trong cộng đồng mà thiếu Linh Mục, thì cộng đồng đó bị thiếu việc thực hành và nhiệm vụ bí tích của Chúa Kitô Ðầu và Mục tử, là điều cốt yếu cho chính sự sống của cộng đồng Giáo Hội.
Như vậy chức tư tế thừa tác là tuyệt đối không thể thay thế. Từ đó người ta phải suy ra sự cần đến một việc mục vụ ơn gọi đầy nhiệt tình, được chỉnh đốn tốt và liên tục, ngõ hầu cung cấp cho Giáo Hội những thừa tác viên mà Giáo Hội cần; người ta cũng do đó mà suy ra sự cần thiết dành riêng một sự đào tạo tươm tất cho những ai trong các chủng viện dọn mình lãnh chức Linh Mục. Tất cả mọi giải pháp khác để đối phó những vấn đề do thiếu các thừa tác viên thánh, chỉ là tạm bợ thôi.
"Bổn phận cổ võ các ơn gọi thuộc về cộng đồng Kitô hữu toàn diện, cộng đồng này phải hoàn thành bổn phận đó bằng một đời sống Kitô hũu hoàn hảo" (43) Tất cả những người tín hữu có trách nhiệm cổ võ bổn phận này, bằng cách góp phần khuyến khích sự chấp nhận ơn gọi làm Linh Mục, bằng cách theo Chúa Giêsu Kitô luôn trung thành hơn, và bằng cách xa lánh tính thờ ơ nơi mình ở, nhất là trong những xã hội đậm nét chủ nghĩa vật chất.
4. Sự cộng tác của những người tín hữu không được tấn phong với thừa tác vụ mục vụ
Trong các tài liệu công đồng, giữa những phương diện tham gia vào sứ mệnh Giáo Hội của những người không có ấn tín phép Truyền Chức, người ta nghĩ đến sự hợp tác trực tiếp của họ vào những nhiệm vụ riêng biệt của các mục tử. (44) Thật vậy, "khi sự cần thiết hay lợi ích của Giáo Hội đòi buộc, các vị mục tử có thể, theo những qui luật được thiết lập do luật chung, giao phó cho giáo dân một số nhiệm vụ liên quan tới trách nhiệm riêng mục tử của mình, nhưng lại không đòi hỏi phải có ấn tín phép Truyền Chức". (45) Việc hợp tác này sau đó được qui định do luật pháp hậu công đồng và, cách riêng, do Bộ Giáo Luật mới.
Bộ Giáo Luật trước hết nói tới những trách nhiệm và những quyền lợi của tất cả mọi tín hũu: (46) rồi ở điều tiếp sau, dùng để nói tới những trách nhiệm và quyền lợi những người giáo dân, Giáo Luật đề cập tới không những trách nhiệm và quyền lợi xứng với hoàn cảnh đời của họ, (47) mà còn những chức vụ hay phần việc khác không thuộc về họ cách tuyệt đối. Giữa những chức vụ và phận vụ đó, có những thứ thuộc về bất cứ người tín hữu nào, được phong chức hay không; (48) những thứ khác ngược lại nằm trong loại phục vụ trực tiếp thuộc thừa tác vụ thánh của các tín hữu được phong chức. (49)
Những tín hữu không được tấn phong không nắm một quyền nào để thực hành những chức vụ hay phần vụ sau, nhưng họ có "khả năng được các vị mục tử thánh nhận cho làm những trách vụ Giáo Hội và những trách nhiệm mà họ có thể thực hiện theo những dự định của luật", (50) hay là "vì thiếu các thừa tác viên (...) họ có thể làm thay thề một số trách vụ của các ngài (...) tuỳ theo những dự định của luật". (51)
Ðể một việc hợp tác như vậy có chỗ đứng hài hoà trong khoa mục vụ thừa tác, điều cần thiết là muốn tránh những lệch lạc mục vụ và những lạm dụng kỷ luật, thì những nguyên tắc giáo lý phải cho rõ ràng và do đó, với quyết tâm liên kết, người ta đề xướng trong toàn Giáo Hội một sự áp dụng chăm chỉ và trung thực những dự định hiện hành, mà không lạm dụng nới rộng phạm vi chước chuẩn cho những trường hợp không thể hưởng sự chước chuẩn.
Nếu có những lạm dụng và những vi phạm tại bất cứ nơi nào, thì các mục tử huy động những phương tiện cần thiết và xứng hợp để ngăn chận hẳn không cho lan rộng, và tránh gây thiệt hại cho việc hiểu biết về chính bản chất Giáo Hội. Cách riêng, họ nên áp dụng đúng đắn những qui luật kỷ luật đã sẵn, những qui luật dạy cho biết và tôn trọng, trong các sự kiện, sự phân biệt và sự bổ sung của các phận vụ cốt yếu đối với cộng đồng Giáo Hội.
Tiếp theo, nơi nào đã lan tràn những vi phạm thể đó, thì tuyệt đối không thể trì hoãn sự can thiệp có trách nhiệm của thẩm quyền có bổn phận can thiệp; qua sự can thiệp này, thẩm quyền đó thật sự là kẻ xây dựng sự hiệp thông, mà chỉ có thể được thiết lập chung quanh chân lý.
Hiệp thông, chân lý, công lý, hoà bình và bác ái là những từ ngữ tuỳ thuộc nhau. (52)
Dưới ánh sáng những nguyên lý này, dưới đây kê khai những môn thuốc thích đáng để chữa trị những lạm dụng được báo cáo lên các Cơ Quan chúng tôi. Những qui định sau đây được rút ra từ quy phạm của Giáo Hội.
PHẦN II. NHỮNG DỰ ÐỊNH THỰC HÀNH
Ðiều 1: Cần thiết có một danh từ thích hợp
Ðức Thánh Cha, trong bài diễn văn đọc trước những người tham dự hội thảo về "Sự hợp tác của người giáo dân với thừa tác vụ Linh Mục", đã nhấn mạnh tới sự cần thiết làm sáng tỏ và phân biệt những nghĩa chữ lâu nay gán cho danh từ "thừa tác vụ" trong ngôn ngữ thần học và giáo luật. (53)
1. "Ðã qua một thời gian, có thói quen gọi là thừa tác vụ, không những các phần vụ (officia) và các trách vụ (munera) do những mục tử thực hành bằng vào bí tích Truyền Chức, nhưng cũng gọi là thừa tác vụ những phần vụ và trách vụ do những tín hữu không được tấn phong thực hành, bằng vào chức tư tế rửa tội. Vấn đề ngôn ngữ còn trở nên phức tạp và tế nhị hơn khi công nhận tất cả mọi người tín hữu có khả năng thực hành - với tư cách là người bổ sung, do việc uỷ nhiệm chính thức phía các mục tử - một số chức vụ riêng biệt hơn dành cho giáo sĩ, nhưng lại không đòi hỏi phải có ấn tín Truyền Chức. Phải công nhận rằng ngôn ngữ trở nên bất định, hỗn tạp, và như vậy là vô ích để diễn tả giáo lý đức tin, mỗi khi bằng bất cứ cách nào, che giấu sự khác biệt "về bản chất chớ không phải cấp bậc mà thôi" hiện hữu giữa chức tư tế do bí tích Rửa Tội và chức tư tế được tấn phong". (54)
2. "Ðiều này đã cho phép, trong vài trường hợp, nới rộng từ thừa tác vụ đến những trách vụ riêng của giáo dân, vì những trách vụ đó, theo mức độ của chúng, cũng là một sự tham dự vào chức tư tế độc nhất của Chúa Kitô. Những trách vụ tạm thời giao phó cho họ, ngược lại, chỉ là hậu quả của một uỷ nhiệm của Giáo Hội. Chỉ có một sự qui chiếu vĩnh viễn với nguồn mạch duy nhất là "sứ vụ của Chúa Kitô" (...) cho phép, trong một mức độ nào đó. Áp dụng từ thừa tác viên cho các giáo dân, không mơ hồ: nghĩa là từ đó không được hiểu và sống như một nguyện vọng trái với thừa tác vụ được tấn phong, hay là như một sự xói mòn từ từ đặc tính riêng của nó.
Theo nghĩa gốc này, (danh) từ thừa tác vụ (servitium) chỉ mô tả công trình do đó các thành phần Giáo Hội nối dài, cho chính mình và cho thế giới, "sứ mệnh và tác vụ của Chúa Kitô". Ngược lại khi (danh) từ đó được dùng theo nghĩa riêng trong tương quan và so sánh giữa các trách vụ và phần vụ, thì bấy giờ nên cảnh báo rõ ràng rằng duy chỉ nhờ sự Truyền Chức Thánh, (danh) từ đó mới đạt sự đầy đủ và nguyên nghĩa mà truyền thống đã dành cho nó". (55)
3. Người tín hữu không được tấn phong có thể được gọi chung là "thừa tác viên bất thường" chỉ khi họ được thẩm quyền kêu mời thực hành, trong các chức vụ bổ sung mà thôi, những trách vụ nói trong can. 230, 3, (56) và các can. 943 và 1112. Dĩ nhiên ta có thể dùng (danh) từ cụ thể quyết định theo giáo luật nhiệm vụ được giao phó, như ví dụ giáo lý viên, thầy cầm đèn, thầy đọc sách, v. v...
Sự uỷ nhiệm tạm thời trong các việc phụng vụ nói trong can. 230, 2 không đặt một tên riêng nào cho người tín hữu không được tấn phong. (57)
Như vậy điều bất hợp pháp nếu gọi những tín hữu không được tấn phong là "mục tử", "tuyên uý", "tuyên uý nhà nguyện", người tổ chức", "người điều hành" hay là bằng những danh xưng nào khác mà, dù thế nào, có thể lẫn lộn vai trò của họ với vai trò vị mục tử, danh từ chỉ dành riêng cho Giám Mục và Linh Mục. (58)
Ðiều 2 Thừa tác vụ Lời (59)
1. Nội dung thừa tác vụ này bao gồm "việc giảng dạy mục vụ, dạy giáo lý và tất cả huấn giáo Kitô giáo, mà trong đó bài giảng phụng vụ chiếm chỗ ưu tiên". (60)
Việc thực hành nguyên gốc các chức vụ liên quan tới thừa tác vụ này là bổn phận riêng của Giám Mục giáo phận, với tư cách là người điều hành trong Giáo Hội của mình, tất cả thừa tác vụ Lời; (61) đó cũng là bổn phận riêng của các Linh Mục những người cộng tác với Giám Mục. (62) Thừa tác vụ này còn thuộc về các Phó Tế, trong sự hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục đoàn của mình. (63)
2. Những tín hữu không được tấn phong tham dự, tuỳ theo bản tính mình, chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô; họ được thiết lập như những chứng tá của Chúa, họ được trang bị bằng ý nghĩa đức tin và bằng ân sủng Lời. Tất cả được kêu gọi trở nên, luôn mãi, "những tiền hô hữu hiệu của đức tin trong điều phải hy vọng (x. Dt 11, 1)". (64) Ngày nay, cách riêng, đó là việc dạy giáo lý, tuỳ thuộc nhiều vào việc dấn thân và lòng quảng đại của họ trong việc phục vụ Giáo Hội.
Do đó các tín hữu, và đặc biệt những thành viên các Tu Hội Ðời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Thuộc Ðời Sống Tông Ðồ, có thể được kêu mời cộng tác, theo những thể thức hợp pháp, thực hành thừa tác vụ Lời. (65)
3. Ðể sự giúp đỡ này có hiệu nghiệm, cần nhắc lại một số điều kiện liên quan tới những thể thức.
Giáo Luật, điều 766, nêu lên những điều kiện, trong đó thẩm quyền có thể cho những tín hữu không được tấn phong, giảng trong nhà thờ hay nhà nguyện. Chính cách diễn tả, admitti possunt, nhấn mạnh rằng đây không phải là một thứ quyền riêng như quyền của Giám Mục, (66) cũng không phải là một năng quyền như năng quyền Linh Mục hay Phó Tế. (67)
Những điều kiện đi theo sự công nhận này - "nếu sự cần thiết đòi hỏi trong một số hoàn cảnh", "nếu cảm thấy có ích lợi trong những trường hợp riêng biệt" - chứng tỏ sự kiện có tính bất thường dường nào. Giáo Luật điều 766 hơn nữa xác quyết phải luôn hành động theo những mệnh lệnh của các Hội Ðồng Giám Mục. Với điều khoản cuối cùng này, khoản giáo luật trưng dẫn trên thiết lập cái gì là nguồn gốc đầu tiên để phân biệt chính xác sự cần thiết hay hữu ích trong các trường hợp cụ thể, bởi vì những dự định của Hội Ðồng Giám Mục, vì cần sự thừa nhận của Toà Tông Ðồ, phải báo cáo những tiêu chuẩn thích hợp có thể giúp Giám Mục giáo phận ra những quyết định mục vụ xứng hợp: ngài có quyền ra những quyết định này nhân danh chính chức vụ Giám Mục.
4. Trong trường hợp hoạ hiếm mới có được những thừa tác viên thánh, trong những vùng hạn chế phạm vi, có thể xảy ra những hoàn cảnh vĩnh viễn và khách quan của sự cần thiết và hữu ích, gợi ý công nhận các người tín hữu không được phong chức, lo việc giảng dạy.
Việc giảng dạy trong các nhà thờ và nhà nguyện bởi những tín hữu không được tấn phong, có thể được phép để bổ sung các thừa tác viên thánh, hay là vì những lý do riêng có lợi ích trong các trường hợp cụ thể được luật pháp chung của Giáo Hội hay của Hội Ðồng Giám Mục dự liệu, và việc giảng dạy đó không thể trở nên một việc làm bình thường, cũng không thể hiểu như là một sự thăng tiến chính thức hàng giáo dân.
5. Nhất là trong khi chuẩn bị lãnh nhận bí tích, chớ chi các giáo lý viên lưu ý khơi động sự quan tâm của những người học giáo lý đối với vai trò và hình ảnh Linh Mục, cho họ biết chỉ mình người là kẻ phân phát các mầu nhiệm thánh mà họ chuẩn bị nhận lãnh.
Ðiều 3 Bài Giảng Phúc Âm (Homélie)
1. Bài giảng Phúc Âm, hình thức nổi bật nhất của việc giảng thuyết "mà trong suốt Năm Phụng Vụ dựa trên Kinh Thánh mà trình bày các mầu nhiệm đức tin và các qui tắc đời sống Kitô giáo", (68) là thành phần toàn bộ của Phụng Vụ.
Trong lúc cử hành Thánh Thể, bài giảng Phúc Âm phải dành cho thừa tác viên thánh, Linh Mục hay Phó Tế. (69) Tín hữu không được tấn phong, không được giảng, dầu họ giữ vai "kẻ phụ tá mục vụ" hay giáo lý viên, trong bất cứ kiểu cộng đồng hay nhóm nào. Thật vậy không cần đến một sự dễ dàng hơn về sự trần thuyết - một trường hợp ngẫu nhiên - cũng không cần phải được chuẩn bị thần học, nhưng đây là một chức vụ dành cho người được hiến thánh qua bí tích Truyền Chức Thánh; điều này ngăn cản chính Giám Mục giáo phận chuẩn khỏi luật pháp Giáo Luật, (70) vì rằng đây không phải là một luật thuần tuý kỷ luật, nhưng là một luật liên quan những chức vụ huấn giáo và thánh hoá kết hợp chặt chẽ với nhau.
Như vậy người ta không thể thừa nhận thói quen, thực hành trong một số hoàn cảnh, giao phó việc giảng Phúc Âm cho các chủng sinh, các sinh viên thần học chưa được tấn phong. (71) Thật vậy bài giảng Phúc Âm không thể được coi như là một sự thực tập để làm thừa tác vụ mai sau.
Phải kể như điều luật 767, 1 bãi bỏ tất cả qui định trước kia cho phép những tín hữu không được tấn phong tuyên đọc bài giảng trong lúc cử hành Thánh lễ. (72)
2. Ðược phép đề xướng một trình bày vắn tắt giúp hiểu rõ hơn phụng vu cử hành; cách đặc biệt, người ta cũng có thể đề xướng một dẫn chứng tình cờ, luôn thích hạp với các qui luật phụng vụ, nhân dịp các buổi Phụng Vụ Thánh Thể cử hành trong những ngày đặc biệt (Ngày Chủng Viện, Bệnh Nhân, v.v.), nếu người ta xét thấy điều đó xứng hợp cách khách quan để làm nổi bài giảng Linh Mục chủ tế đọc theo luật. Những trình bày và những dẫn chứng đó không nên khoác vào những đặc điểm có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng.
3. Việc có thể "đối thoại" trong bài giảng (73) đôi khi có thể được thừa tác viên chủ sự sử dụng cách khôn ngoan, như là một phương tiện trình bày mà không trao một sự uỷ nhiệm bổn phận giảng thuyết.
4. Bài giảng Phúc Âm ngoài Thánh Lễ thì các tín hữu không được tấn phong có thể giảng, theo quyền hạn và những qui luật phụng vụ, phải tôn trọng những khoản chứa đựng trong đó.
5. Bài giảng không thể giao phó, trong bất cứ trường hợp nào, cho những Linh Mục hay Phó Tế mất tình trạng giáo sĩ, hay là đã bỏ việc thi hành thừa tác vụ thánh. (74)
Ðiều 4 Linh Mục Quản Xứ
Những tín hữu không được tấn phong có thể hoàn thành những nhiệm vụ cộng tác hữu hiệu với thừa tác vụ mục vụ của hàng giáo sĩ, như phải ca ngợi trong nhiều trường hợp, trong các giáo xứ, trong lãnh vực những nhà chăm sóc, cứu tế, giáo dục, tù ngục, bên những nhà cầm quyền quân sự, v.v... Mọi hình thức cộng tác bất thường, trong các điều kiện dự kiến, được qui định theo điều luật 517, 2
1. Sự hiểu và áp dụng đúng khoản luật này, mà do đó "nếu vì thiếu Linh Mục, Giám Mục giáo phận xét là nên cho một Phó Tế hoặc một người không có ấn tích Linh Mục hoặc một nhóm người tham dự vào việc thi hành mục vụ giáo xứ, thì ngài phải đặt một Linh Mục với các quyền hạn và năng quyền của một Linh Mục Chính xứ để điều khiển việc mục vụ", đòi hỏi biện pháp bất thường này phải dự vào trong sự tôn trọng tỉ mỉ những điều khoản nó chứa đựng, đó là:
a) vì thiếu Linh Mục, và không phải vì những lý do được tiện lợi hay là để "thăng tiến mơ hồ hàng giáo dân", v.v...
b) đây nói về sự tham gia vào việc thi hành chăm sóc mục vụ, chớ không phải điều khiển, phối trí, điều hoà, quản trị giáo xứ; một công việc mà theo chính những từ ngữ giáo luật, chỉ thuộc quyền một Linh Mục.
Chính vì ở đây nói đến những trường hợp bất thường nên trước hết phải xét khả năng nhờ những việc phục vụ, ví dụ, của các Linh Mục già nhưng còn sức khỏe, hay là giao phó nhiều giáo xứ khác nhau cho một Linh Mục hay một nhóm Linh Mục. (75)
Dầu vậy không nên coi thường quyền ưu tiên cũng một điều trong Giáo Luật dành cho thầy Phó Tế.
Hơn nữa qui định giáo luật cũng khẳng định rằng những hình thức tham gia này trong việc coi sóc các giáo xứ, không thể thay thế được nhiệm vụ Linh Mục quản xứ. Thật vậy qui định quyết định rằng dầu trong những trường hợp bất thường "Giám Mục Giáo phận (...) phải đặt một Linh Mục với quyền hạn và năng quyền của một Linh Mục quản xứ để điều khiển việc mục vụ". Nhiệm vụ của Linh Mục quản xứ, thật vậy, chỉ được giáo phó thành sự cho một Linh Mục mà thôi (x. can., 521, 1), cho dù trong lúc thiếu thật sự hàng giáo sĩ. (76)
2. Về phương diện này cũng phải để ý đến sự kiện Linh Mục quản xứ là vị mục tử đích thực của giáo xứ được trao phó cho ngài, (77) và ngài vẫn là mục tử bao lâu nhiệm vụ mục vụ chưa chấm dứt. (78)
Sự kiện một Linh Mục quản xứ nộp đơn từ chức vì quá tuổi 75, không đương nhiên kéo theo sự nghỉ việc mục vụ của ngài. Sự nghỉ việc đó chỉ xảy ra khi Giám Mục giáo phận - sau khi đã cứu xét khôn ngoan tất cả mọi hoàn cảnh - dứt khoát chấp thuận việc ngài từ chức, theo qui luật điều 538, 3, và Giám Mục thông đạt cho ngài bằng văn bản. (79) Ngược lại, do những hoàn cảnh thiếu các Linh Mục, hiện tại trong một số nơi, phải đặc biệt xử sự khôn khéo trong vấn đề.
Hơn nữa, xét theo quyền hạn của mỗi một Linh Mục để thi hành những trách vụ liên hệ với chức phận đã lãnh nhận, trừ khi có những nguyên nhân trầm trọng về sức khoẻ hay kỷ luật, nên nhớ rằng tuổi 75 không phải là một duyên cớ đủ để buộc Giám Mục chấp thuận một sự từ chức. Làm như vậy cũng để tránh một quan điểm coi thừa tác vụ thánh như là một chế độ công chức. (80)
Ðiều 5 Những tổ chức cộng tác trong Giáo Hội địa phương
Những tổ chức này, cần phải có và thấy sinh hiệu quả trong đường đổi mới Giáo Hội theo Công Ðồng Vatican II, và được thừa nhận qua luật pháp Giáo Luật, diễn tả một hình thức tham gia sinh động vào sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội như là sự hiệp thông.
1. Quy phạm Giáo luật về Hội Ðồng Linh Mục nêu rõ những Linh Mục nào có thể làm thành viên của Hội Ðồng. (81) Thật vậy Hội Ðồng này dành riêng cho các Linh Mục, bởi vì nó dựa trên sự tham gia chung của Giám Mục và các Linh Mục vào cũng một chức Linh Mục và thừa tác vụ. (82)
Các thầy Phó Tế hay các tín hữu không được tấn phong không có thể hưởng được tiếng nói linh động hay thụ động, cho dầu họ là những cộng sự viên của các thừa tác viên thánh, những Linh Mục đã mất địa vị giáo sĩ hay đã thật sự bỏ thừa tác vụ thánh, cũng không được như vậy.
2. Hội Ðồng Mục Vụ, thuộc giáo phận và giáo xứ (83) và Hội Ðồng Giáo Xứ chuyên lo những việc kinh tế, (84) mà những tín hữu không được tấn phong cũng là thành phần, chỉ có quyền tư vấn và không cách nào có thể trở nên những cơ quan quyết định. Chỉ được bầu vào những trách nhiệm này các tín hữu có những đức tính mà Quy phạm Giáo luật đòi hỏi. (85)
3. Linh Mục quản xứ mới có quyền chủ toạ các Hội Ðồng Giáo Xứ. Cho nên những quyết định thực hành do một Hội Ðồng nhóm họp mà không có sự chủ toạ của Linh Mục quản xứ, cả đến việc họp chống ý ngài, đều bất thành và vô giá trị. (86)
4. Trong tất cả các Hội Ðồng cấp giáo phận, sự đồng thuận với một hành vi của Giám Mục không thể diễn tả thành sự trừ khi luật đòi hỏi phải như vậy.
5. Khi có những thực tại địa phương, các Ðấng Thường Quyền có thể nhờ những nhóm nghiên cứu đặc biệt và những chuyên viên về các vấn đề riêng biệt. Nhưng những nhóm người này không thể trở thành những tổ chức song đôi hay làm cho mất hết ý nghĩa những Hội Ðồng Linh Mục và Mục Vụ cấp giáo phận cũng như cấp giáo xứ: những Hội Ðồng này được chi phối bởi luật chung của Giáo Hội trong các khoản 536, 1 và 537 (87). Nếu trong quá khứ đã nổi lên những tổ chức đó, dựa trên những tập tục địa phương hay nhưng hoàn cảnh riêng, người ta phải vận dụng những biện pháp cần thiết bắt chúng phù hợp với luật pháp của Giáo Hội hiện hành.
6. Các Quản Hạt, cũng gọi là Hạt Trưởng, Linh Mục trưởng, hoặc gọi bằng tên khác, và những vị thay thế, "vị Ðại Diện Giám Mục", "Vị Ðại Diện Hạt Trưởng", v.v... luôn luôn phải là Linh Mục. (88) Do đó ai không phải là Linh Mục thì không thể được chỉ định cách thành sự vào những trách vụ này.
Ðiều 6 Những cử hành phụng vụ
1. Những việc Phụng Vụ phải chứng tỏ rõ ràng sự hiệp nhất được chỉnh đốn của Dân Chúa trong điều kiện hiệp thông hữu cơ của mình (89) và như vậy (chứng tỏ rõ ràng) sự liên kết nội tại giữa việc Phụng Vụ và bản tính được cấu tạo hữu cơ của Giáo Hội.
Ðiều này được thể hiện khi tất cả những kẻ tham gia thi hành vai trò riêng của mình với lòng tin và sốt sắng.
2. Cũng trong lãnh vực này, để bảo toàn căn tính Giáo Hội của mỗi người, phải loại bỏ những lạm dụng thuộc nhiều loại nghịch lại qui tắc khoản luật 907: trong cử hành Thánh Thể những Phó Tế và những tín hữu không được tấn phong không được phép đọc những Kinh Nguyện hay tất cả phần khác dành riêng cho Linh Mục chủ tế - nhất là Kinh Nguyện Thánh Thể với vinh tụng ca kết thúc -, cũng không được phép thực thi những hành động và những cử chỉ dành riêng cho vị chủ tế. Cũng là một lạm dụng trầm trọng nếu cho phép một tín hữu không được phong chức gần như thật sự "chủ toạ" Thánh Thể, còn Linh Mục chỉ giữ phần rất nhỏ cần thiết bảo đảm sự thành sự.
Cũng theo một đường lối này, ai không được tấn phong, thì rõ ràng không được phép sử dụng trong các lễ nghi Phụng Vụ, những lễ phục dành riêng cho các Linh Mục hay Phó Tế (dây các phép, áo lễ, áo dalmatique).
Người ta phải ra sức ân cần xa lánh cho đến hình thức hỗn độn có thể phát xuất từ những thái độ ngoại lệ về mặt phụng vụ. Cũng như người ta nên nhắc các thừa tác viên được tấn phong có bổn phận mặc tất cả những lễ phục thánh bắt buộc theo luật, cũng vậy những tín hữu không được tấn phong không thể mặc cái gì không thuộc riêng về họ.
Muốn tránh tất cả lầm lẫn giữa Phụng Vụ Thánh do một Linh Mục hay Phó Tế chủ toạ, và những hành vi khác do các tín hữu không được tấn phong linh hoạt hay hường dẫn, thì cần dùng những công thức thật rõ ràng cho những hành vi này.
Ðiều 7 Nhừng cử hành Chúa Nhật khi vắng Linh Mục
1. Trong vài nơi, vì thiếu Linh Mục hay thầy Phó Tế, những cử hành Chúa Nhật (90) được hướng dẫn, bởi những tín hữu không được tấn phong. Việc phục vụ này, tuy có thể nhưng cũng rất tế nhị, phải được thực hiện theo tinh thần và những qui luật riêng phát xuất do Thẩm Quyền Giáo Hội về vấn đề này. (91) Ðể được phép hướng dẫn những cử hành này, người tín hữu không được tấn phong phải được uỷ quyền riêng của Giám Mục, người sẽ cẩn thận ban những chỉ dẫn thích hợp liên quan tới thời gian, nơi chốn, những điều kiện của họ và vị Linh Mục trách nhiệm cho họ.
2. Những cử hành thể đó, với những bản văn phải luôn luôn được Thẩm Quyền Giáo Hội phê chuẩn, phải luôn luôn được coi là những giải pháp tạm thời. Cấm đưa vào trong những cấu trúc của chúng các yếu tố riêng cho Phụng Vụ Hy Tế, nhất là "Kinh Nguyện Thánh Thể", dù dưới hình thức thuật truyện, kẻo sinh nên những lầm lẫn trong đầu óc người tín hữu. (93) Trong mục đích này, phải luôn nói với những kẻ tham dự các cử hành này, là những cử hành đó không thay thế Hy Tế Thánh Thể, và người ta làm trọn luật thánh hoá các ngày lễ chỉ bằng cách dự Thánh Lễ. (94) Trong những trường hợp mà những khoảng cách và những điều kiện sức khoẻ cho phép, nên khuyến khích và giúp đỡ những tín hữu cố gắng giữ trọn luật.
Ðiều 8 Thừa tác viên bất thường cho rước lễ
Những tín hữu không được tấn phong từ đã lâu cộng tác với các thừa tác viên thánh trong nhiều lãnh vực mục vụ, ngõ hầu "ân huệ khôn tả Thánh Thể được hiểu biết luôn sâu sắc hơn và người ta tham dự sốt sắng hơn luôn vào hiệu năng cứu rỗi của Thánh Thể". (85)
Ðây nói về một phục vụ phụng vụ đáp ứng những nhu cầu khách quan của các tín hữu, và việc phục vụ này nhằm trước tiên đến những bệnh nhân và những hội họp phụng vụ với số tín hữu đông đặc biệt và ao ước rước lễ.
1. Kỷ luật theo Giáo Luật về thừa tác viên bất thường cho rước lễ phải được áp dụng cho đúng kẻo sinh ra hỗn loạn. Kỷ luật đó dự liệu rằng thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế. (96) Ðang khi những thừa tác viên bất thường là hoặc thầy giúp lễ có chức, hoặc người tín hữu được uỷ nhiệm theo điều khoản giáo luật 230, 3. (97)
Một tín hữu không được tấn phong, vì những lý do thật sự cần thiết cho phép, có thể được Giám Mục giáo phận uỷ nhiệm làm thừa tác viên bất thường, khi uỷ nhiệm thì dùng công thức chúc lành xứng hợp theo Phụng Vụ: (98) để cho rước lễ kể cả bên ngoài việc cử hành Thánh Thể, ad actum vel ad tempus, (theo việc và theo lúc), hay là cách cố định. Trong những trường hợp bất thường và không thể thấy trước, thì Linh Mục chủ sự việc cử hành Thánh Thể có quyền ban phép ad actum (theo việc).
2. Thừa tác viên bất thường muốn cho rước lễ trong lúc cử hành Thánh Thể, thì cần lý do là hoặc không có những thừa tác viên thông thường nào khác đang hiện diện, hoặc là những vị này bị ngăn trở thật sự. (99) Người đó cũng có thể lãnh công tác này khi mà, vì có sự tham dự rất đông đảo của những tín hữu ao ước được rước lễ, mà việc cử hành Thánh Thể có thể kéo dài thái quá do không đủ thừa tác viên thông thường. (100)
Công tác như thế có tính bổ sung và bất thường, (101) và phải được thực hành theo quy phạm của Giáo Luật. Trong mục đích này, Giám Mục giáo phận nên ra những quy phạm riêng để điều chỉnh công tác này cho ăn khớp với luật pháp chung của Giáo Hội. Trong những việc khác phải làm, phải tiên liệu để người được uỷ nhiệm cho công tác đó, được học hỏi đầy đủ về giáo lý Thánh Thể, về đặc tính công tác mình, về những luật Chữ Ðỏ phải giữ để tôn kính một bí tích cao cả dường ấy, và về kỷ luật liên quan tới việc cho rước lễ.
Ðể khỏi gây ra những hỗn độn, phải tránh và vứt bỏ nhiều thực hành phổ biến lâu nay trong nhiều Giáo Hội địa phương, ví dụ như:
- việc tự rước lễ y như mình là người đồng tế;
- việc dự vào sự tuyên đọc lại những lời hứa của các Linh Mục, trong lễ Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, của những hạng tín hữu khác lập lại lời khấn dòng, hay nhận lãnh uỷ nhiệm làm thừa tác viên bất thường cho rước lễ.
- việc thường xuyên dùng các thừa tác viên bất thường trong các thánh lễ, tự ý giải thích rộng rãi quan điểm "tham dự đông đảo".
Ðiều 9 Việc tông đồ bên người bệnh
1. Trong lãnh vực này, các tín hữu không được tấn phong có thể góp phần hợp tác quí báu. (102) Có vô số chứng từ về các công trình và cử chỉ bác ái đối với bệnh nhân, thực hiện do những người không được tấn phong, hoặc với danh nghĩa cá nhân hoặc dưới nhiều hình thức tông đồ tập thể. Ðiều này bảo đảm sự hiện diện Kitô hữu hàng đầu trong thế giới đau khổ và bệnh tật. Nơi nào các tín hữu không được tấn phong theo giúp bệnh nhân trong những lúc trầm trọng nhất, nhiệm vụ chính của họ là khơi lên lòng muốn lãnh các bí tích Sám Hối và Xức Dầu.
Khi phải sử dụng những á bí tích, những tín hữu không được tấn phong sẽ đề phòng kẻo cử chỉ này bị hiểu lầm là bí tích, mà việc cử hành chỉ dành riêng và tuyệt đối cho Giám Mục và Linh Mục. Những ai không phải là Linh Mục thì không khi nào được phép thực hiện những việc Xức Dầu, cho dù với dầu được thánh hiến dùng cho Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, hay với các thứ dầu nào khác.
2. Ðể ban Bí Tích này, pháp luật Giáo Luật nhận lấy giáo lý vững chắc về mặt thần học và việc thực hành ngàn năm của Giáo hội, (103) theo đó thừa tác viên duy nhất ban thành sự là Linh Mục. (104) Quy phạm này liên quan chặt chẽ với mầu nhiệm thần học được biểu thị và thực hiện nhờ việc thực thi sự phục vụ Linh Mục.
Phải khẳng định rằng sự kiện dành tuyệt đối cho Linh Mục thừa tác vụ của Bí tích này, là vì nó liên quan với việc tha tội và việc lãnh Thánh Thể cho xứng đáng. Không ai khác có thể đảm nhận vai trò thừa tác viên thông thường hay bất thường của bí tích này, và tất cả cử chỉ theo chiều hướng này tạo nên sự giả bộ làm bí tích. (105)
Ðiều 10 Chủ trì hôn nhân
1. Khả năng uỷ nhiệm những tín hữu không được tấn phong để chủ trì các đôi hôn nhân, có thể tỏ ra cần thiết trong những hoàn cảnh rất đặc biệt vì thiếu trầm trọng các thừa tác viên thánh.
Nhưng phải có ba điều kiện. Thật vậy, Giám Mục giáo phận chỉ có thể ban việc uỷ nhiệm đó trong những trường hợp thiếu Linh Mục và Phó Tế, và chỉ sau khi được ý kiến thuận của Hội Ðồng Giám Mục đối với giáo phận mình, cũng như được phép cần thiết của Toà Thánh. (106)
2. Trong những trường hợp này cũng phải theo quy phạm Giáo Luật liên quan tới việc thành sự của việc uỷ nhiệm, (107) cũng như sự thích hợp, khả năng và năng lực của người tín hữu không được tấn phong. (108)
3. Ngoại trừ trong trường hợp bất thường - tiên liệu do điều luật 1112 Bộ Giáo Luật - tuyệt đối thiếu Linh Mục hay Phó Tế là người có thể chủ trì việc cử hành hôn nhân, thì không một thừa tác viên được tấn phong nào có thể cho phép một tín hữu không được tấn phong để chủ trì hôn nhân đó, việc chủ trì này bao gồm việc hỏi và nhận sự ưng thuận hôn nhân, theo quy phạm điều luật 1108, 2.
Ðiều 11 Thừa tác viên Rửa Tội
Phải khen ngợi cách riêng đức tin cửa nhiều người Kitô hữu, vì mặc dầu trong những hoàn cảnh khổ cực bị bắt bớ, cũng như trong những vùng đất truyền giáo và trong trường hợp cần thiết cách riêng, họ đã bảo đảm - và bảo đảm luôn - Bí Tích Rửa tội cho các thế hệ mới, vì thiếu vắng các thừa tác viên được tấn phong.
Trừ trường hợp cần thiết, quy phạm Giáo Luật tiên liệu rằng khi vắng bóng thừa tác viên thông thường, hay là khi ngài bị ngăn trở, (109) người tín hữu không được tấn phong có thể được chỉ định như là thừa tác viên bất thường của Bí Tích Rửa tội. (110) Nhưng phải chú ý đến những giải thích quá xa vời và tránh ban phép này dưới hình thức thường xuyên.
Như, ví dụ, khi vắng mặt hay khi ngăn trở cho phép uỷ nhiệm các tín hữu không được tấn phong ban Bí Tích Rửa Tội, thì người ta không thể đồng hoá việc làm quá nhiều về phía thừa tác viên thông thường, hay sự kiện ngài không ở tại địa hạt giáo xứ, hay nữa vì ngài không rảnh rang đúng ngày mà gia đình yêu cầu. Không một lý do nào nói đó là nguyên nhân đủ.
Ðiều 12 Việc hướng dẫn cử hành các nghi lễ an táng trong Giáo Hội
Trong những hoàn cảnh hiện thời chứng kiến việc mất gốc Kitô giáo ngày càng nhiều và sự xa lánh đối với việc thực hành tôn giáo, giờ chết và an táng thỉnh thoảng có thể trở nên một trong những dịp mục vụ thích hợp nhất cho phép các thừa tác viên được tấn phong gặp gỡ trực tiếp những người tín hữu không giữ đạo điều hoà.
Như vậy điều đáng mong ước là, dầu có phải hy sinh nhiều, các Linh Mục và các Phó Tế tự thân chủ trì những nghi thức an táng theo những tập tục địa phương tốt nhất, để cầu nguyện cho kẻ qua đời, lại được gần gũi các gia đình và lợi dụng những dịp này để làm việc tông đồ.
Các người tín hữu không được tấn phong chỉ có thể hướng dẫn những đám tang có tính Giáo Hội trong trường hợp thật sự thiếu thừa tác viên được tấn phong, và phải giữ các quy luật phụng vụ trong vấn đề. (111) Họ cũng phải được chuẩn bị làm công tác này, về mặt giáo lý cũng như phụng vụ.
Ðiều 13 Sự cần thiết tuyển chọn và đào tạo đúng mức
Thẩm Quyền, đứng trước sự cần thiết khách quan phải "bổ sung", trong những hoàn cảnh chỉ định trong các điều trên, có nhiệm vụ chọn một tín hữu thông thuộc giáo lý và sống gương mẫu. Như vậy người ta không thể nhận cho thi hành những công tác này, các người công giáo sống đời sống bất xứng, không có tiếng tốt, hay đang gặp những tình trạng gia đình trái ngược với huấn giáo luân lý của Giáo Hội. Hơn nữa, họ phải có được sự đào tạo cần thiết để chu toàn xứng hợp công tác giao phó cho họ.
Theo những quy phạm thuộc luật riêng, họ phải hoàn thiện những hiểu biết của mình bằng cách theo học, trong mức độ có thể, những khoá huấn luyện mà thẩm quyền sẽ tổ chức tại cấp bậc Giáo Hội địa phương (112) - trong những nơi ngoài chủng viện, vì chủng viện chỉ dành riêng cho những ứng cử viên chức Linh Mục (113) -, nhưng phải chú trọng sao cho giáo lý được dạy phải tuyệt đối phù hợp với giáo huấn Giáo Hội và cho bầu không khí các khoá đó thật sự có tính thiêng liêng.
LỜI KẾT
Toà Thánh giao phó tài liệu này cho lòng sốt sắng mục vụ của các Giám Mục giáo phận trong các Giáo Hội địa phương và cho những Ðấng Bản Quyền khác, tin tưởng việc áp dụng nầy sẽ sinh nhiều hoa quả dồi dào hầu phát sinh trong cộng đồng, những thừa tác viên thánh và những tín hữu không được tấn phong.
Thật vậy, như Ðức Thánh Cha đã nhắc nhớ, "phải công nhận, bênh vực, động viên, tuyển chọn và sắp xếp cách khôn ngoan và quyết định, ân ban riêng của mỗi phần tử Giáo Hội, mà không lẫn lộn các vai trò, các nhiệm vụ hay các điều kiện thần học và giáo luật". (114)
Nếu một bên, trong một số nơi thấy thưa thớt con số Linh Mục, thì trong nhiều nơi khác người ta nhận thấy một mùa nở hoa đầy hứa hẹn các ơn gọi cho phép đoán trước những viễn ảnh tích cực về tương lai. Những giải pháp được đề nghị để cứu vãn tình trạng hoạ hiếm các thừa tác viên được tấn phong, như vậy chỉ là tạm bợ thôi và đi đôi với việc mục vụ đặc biệt ưu tiên là cổ võ các ơn gọi lãnh Bí Tích Truyền Chức. (115)
Về phương diện này Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng "trong một số hoàn cảnh địa phương, người ta đã tìm kiếm những giải pháp quảng đại và sáng trí. Các quy phạm của Bộ Giáo Luật đã đề nghị những khả năng mới, nhưng chúng phải được áp dụng đúng mức để khỏi rơi vào trong cảnh mập mờ, cho là bình thường và đúng luật những hoàn cảnh bất thường vì vắng hay hiếm có các thừa tác viên thánh". (116)
Tài liệu này có ý vạch ra những chỉ dẫn chính xác để bảo đảm một sự hợp tác hiệu nghiệm của những tín hữu không được tấn phong, vì những tình huống đó, và trong sự tôn trọng tính nguyên vẹn của thừa tác vụ mục vụ của các Linh Mục. "Phải làm cho người ta hiểu rằng những qui định chính xác và những sự tuyển chọn này không phát sinh vì bận tâm bênh vực quyền ưu tiên hàng giáo sĩ, nhưng vì cần thiết phải vâng theo ý muốn Chúa Kitô, bằng cách tôn trọng hình thức cấu tạo mà Người đã in một cách bất biến vào Giáo Hội Người". (117)
Việc áp dụng đúng các chỉ thị này, trong khuôn khổ của sự hiệp thông cốt yếu theo phẩm trật, sẽ sinh lợi ích cho chính giáo dân, được kêu mời phát huy tất cả những tiềm lực phong phú thuộc căn tính của họ và "sự sẵn sàng luôn nhiệt tình hơn sống căn tính của họ trong khi chu toàn sứ mệnh riêng của họ". (118)
Lời khuyên bảo sôi nổi Thánh Tông Ðồ Dân Ngoại nói với Timôthê, "Trước mặt Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu tôi tha thiết khuyên anh, (...) hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ (...) hãy thận trọng trong mọi sự, (...) hãy chu toàn chức vụ của anh" (2 Tm 4, 1-5), (Lời khuyên bảo đó) nhắn nhủ rất riêng biệt các vị mục tử thánh, được mời gọi chu toàn vai trò riêng mình là "bảo toàn kỷ luật chung cả Giáo Hội (...) thúc đẩy việc tuân giữ tất cả luật Giáo Hội". (119)
Nhiệm vụ to lớn này tạo nên khí cụ cần thiết để những nghị lực phong phú tích chứa trong mỗi trạng thái sự sống Giáo Hội, được hướng dẫn đúng theo những ý định lạ lùng của Thần Khí, và để sự hiệp thông nên một thực tại hữu hiệu trong con đường hằng ngày của toàn thể cộng đồng.
Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, mà chúng ta phó thác tài liệu này cho Người phù hộ, giúp mỗi người hiểu rõ những ý của tài liệu, và vận dụng tất cả để áp dụng trung thành tài liệu này, hầu có thể nhận được một sự phong phú tông đồ lớn hơn.
Những luật riêng và những tập tục hiện hành trái nghịch với những quy phạm này, cũng như những phép rộng lâm thời được Toà Thánh ban cho ad experimentum (thí nghiệm) hay là bởi tất cả Thẩm Quyền khác tuỳ thuộc Toà Thánh, đều bị bãi bỏ.
Ðức Giáo Hoàng, ngày 13 tháng 8 năm 1997, đã phê chuẩn dưới hình thức đặc biệt Qui Chế này và ra lệnh phổ biến.
Vatican ngày 15 tháng 8 năm 1997,
ngày lễ trọng kính Ðức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Hồn Xác Lên Trời.
Lm Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Ghi Chú (theo bản tiếng Anh, Báo Osservatore Romano, n. 47 - 19/11/1997)
1) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý Lumen gentium, n. 33; Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, n. 24.
2) Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Christifideles laici (30/12/1988), n. 2: AAS 81 (1989), p, 396.
3) Synod of Bishops, Ninth Ordinary General Assembly, Instrumentum laboris, n. 73.
4) x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Vita consecrata (25 March 1996), n. 47: AAS 88 (1996), p. 420.
5) x. Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, n. 5.
6) Ibid, n. 6.
7) x. ibid.
8) Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici (30/12/1988), n. 23: AAS 81 91989), p. 429.
9) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý Lumen gentium, n. 31; Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, n. 15, I.c., pp.413-416.
10) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, n. 43.
11) x. Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, n. 24.
12) x. Gioan Phaolô II, Diễn văn Romano, English editio, 11/5/1994. tại kỳ Hội thảo về "Sự tham gia của người giáo dân vào thừa tác vụ Linh Mục" (22/4/1994), n.2: Osservatore Romano English edition, 11/5/1994.
13) x. Giáo Luật can. 230, 3; 517, 2; 861, 2; 910, 2; 943; 1112; Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici (30/12/1988), n. 23 và note 72: AAS 81 (1989), p. 430.
14) x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (7/12/1990), n. 37: AAS 83 (1991), pp. 282-286.
15) x. Giáo Luật, can. 392.
16) x. Cách riêng Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis và Apostolicam actuositatem.
17) x. Cách riêng Tông huấn Christifideles và Pastores dabo vobis.
18) x. can.1752.
19) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý Lumen gentium, n. 10.
20) Ibid, n. 32
21) Ibid.
22) ibid., n. 10.
23) x.ibid., n.4.
24) Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 17: AAS 84 (1992), p. 684.
25) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, n. 7.
26) GLHTCG, n. 1547.
27) Ibid. n. 1592.
28) Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 74: AAS 84 (1992), p.788.
29) x. Công Ðồng Vatican II Hiến chế Lumen gentium, nn. 10, 18, 27, 28; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis nn. 2, 6; GLHTCG, nn. 1538, 1576.
30) x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, n. 15; AAS 84 (1992), p. 680; GLHTCG, n. 875.
31) x. Gioan Phaolô II Tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992), n. 16: 1.c., pp. 681-684; GLHTCG, n. 1592.
32) x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, nn. 14-16; 1.c., pp. 678-684; Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Thư Sacerdotium ministeriale (6/8/1983), III, 2-3: AAS 75 (1983), pp. 1004 -1005.
33) x. Ep 2, 20; 1V 21, 14.
34) Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992), 16: AAS 84 (1992), p. 681.
35) GLHTCG, n. 876.
36) x. ibid., 1581.
37) x. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo incipiente (8/4/1979), n. 3; AAS 71 (1979) p. 397.
38) Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, n. 7.
39) Gioan Phaolô II Tông huấn Christi fideles laici (30/12/1988), n. 23: AAS 81 (1989), p. 430.
40) x. Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Thơ Sacerdotium Ministeriale, n. III, 2: 1.c., p. 1004.
41) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, Nota explicativa praevia, n. 2.
42) Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, n. 16: 1.c., p. 682.
43) Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh Optatam totius, n. 2.
44) x. Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, n. 24.
45) Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici (30/12/1988), n. 23: AAS 81 (1989), p. 429.
46) x. Giáo Luật, cann. 208-223.
47) x. ibid., can. 225, 2; 226; 227; 231, 2.
48) x.. ibid., can. 225, 1; 228, ? 2; 229; 231, #1.
49) x. ibid., can. 230, 2-3, đối với điều gì thuộc Phụng Vụ; can. 228, 1 trong liên quan tới những lãnh vực khác thuộc thừa tác vụ thánh; đoạn cuối cùng áp dụng cho những lãnh vực khác ngoài thừa tác vụ giáo sĩ.
50) Ibid., can. 228, 1.
51) Ibid., can. 230, ? 3; x. 517, ? 2; 776; 861, ? 2; 910, ? 2; 943; 1112.
52) x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Dẫn nhập Qui tắc Inaestimabile donum (3/4/1980): AAS 72 (1980), pp. 331-333.
53) x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại cuộc Hội thảo về "Sự tham gia của giáo dân vào thừa tác vụ linh mụ?" (22/4/1994), n.3: L’Osservatore Romano English edition, 11/5/1994.
54) Ibid.
55) x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại cuộc Hội thảo về "Sự tham gia của người giáo dân vào thừa tác vụ Linh Mục" (22/4/1994), n.3: L’Osservatore Romano English edition, 11/5/1994.
56) x. Hội Ðồng Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Luật Pháp, Response (1/6/1988): AAS 80 (1988)
57) x. Hội Ðồng Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Luật pháp, Response (11/7/1992): AAS 86 (1994), pp. 541-542. Bất cứ nghi thức nào liên hệ với việc uỷ nhiệm những người không được tấn phong để hợp tác trong thừa tác vụ giáo sĩ, không được có gì tương tự như Nghi Thức Truyền Chức Thánh, nghi thức đó cũng không được có một hình thức giống như Nghi Thức truyền chức đọc sách hay giúp lễ.
58) Những ví dụ đó phải gồm tất cả những phát biểu từ ngữ giống hay tương đương trong ngôn ngữ của nhiều nước, và chỉ một vai trò lãnh đạo hoặc một sinh hoạt thay thế.
59) Cho những hình thức giảng khác nhau, x. Giáo Luật, can. 761; Missale Romano, Ordo lectionum Missae, Praenotanda: Ed. typica altera, 1981.
60) Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum n. 24.
61) x. Giáo Luật, can. 756, 2.
62) x. ibid., can. 757
63) x. ibid.
64) Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, n. 35.
65) x. Giáo Luật, cann. 758-759; 785,
66) Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, n. 25; Giáo Luật, can. 763.
67) x. Giáo Luật, can. 764.
68) Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n. 52; x. Giáo Luật, can. 767, 1.
69) x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae (16 Oct. 1979), n. 48: AAS 71 (1979), pp.1277-1340; Hôi Ðồng Giáo Hoàng giải thích những Sắc lệnh Công Ðồng Vatican II, Response (11/1/1971): AAS 63 (1971), p, 329; Hội Ðồng Phụng Tự, Qui chế Actio pastoralis (15/5/1969), n. 6d: AAS 61 (1969), p. 809; Institutio Generalis Missalis Romani (26/3/1970), nn. 41, 42, 165; Qui chế Liturgicae instaurationes (15/9/1970), n..2a; AAS 62 (1970), p. 696; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Qui chế Inaestimabile donum n. 3: AAS 72 (1980), p. 331.
70) Hội Ðồng Giáo Hoàng Giải Thích Văn Bản Luật Pháp, Response (20/6/1987): AAS 79 (1987), p. 1249.
71) x. Giáo Luật, can. 266, 1.
72) x. ibid., can. 6, 1, 2o.
73) x. Thánh Bộ Phụng Tự, Bản Hướng dẫn các Thánh Lễ Trẻ Em Pueros baptizatos 9 I Nov. 1973), n. 48:AAS 66 9 1974), p. 44.
74) Ðể thông tin về các Linh Mục đã được chuẩn khỏi luật độc thân, x. Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, Những qui luật về việc chuẩn luật độc thân Linh Mục khi có bên yêu cầu (14/10/1980), "Những qui luật cốt yếu", art. 5.
75) x. Giáo Luật, can. 517, 1.
76) Người tín hữu không được tấn phong hay một nhóm giáo hữu được giao phó việc cộng tác để thi hành chăm sóc mục vụ, không được đặt tên là "lãnh đạo cộng đồng" hay là kiểu nói nào khác đồng nghĩa.
77) x. Giáo Luật, can. 519.
78) x. ibid., can. 538, 1-2.
79) x. ibid., can. 186.
80) x. Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam Ðời Sống Và Thừa Tác Vụ Linh Mục Tota Ecclesia (31/1/1994), n. 44.
81) x. Giáo Luật, can. 497-498.
82) x. Công Ðồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, n. 7.
83) x. Giáo Luật, can. 514, 536.
84) x. ibid., can. 537.
85) x. can. 512, 1 và 3; GLHTCG, n. 1650.
86) x. Giáo Luật, can. 536.
87) x. ibid., can, 135, 2.
88) x. ibid., can. 553, 1.
89) x. Công Ðồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, nn. 26-28; Giáo Luật, can. 837.
90) x. ibid., can. 1248, 2.
91) x. ibid., can. 1248, 2: Thánh Bộ về Nghi Thức, Qui chế Inter oecumenici (26/9/1964), n.37: AAS 66 (1964), p. 885; Thánh Bộ Phụng Tự, Kim Chỉ Nam Những Cử Hành Chúa Nhật khi không có Linh Mục, Christi Ecclesia [10/6/1988), Notitiae 263 (1988).
92) x. Gioan Phaolô II, Hội đàm với một số Giám Mục miền Tây Hoa Kỳ viếng mồ Hai Thánh Tông Ðồ (5/5/1993); AAS 86 (1994), p. 340.
93) Thánh Bộ về Phụng Tự, Kim Chỉ Nam Những Cử Hành Chúa Nhật khi không có Linh Mục, Christi Ecclesia (10/6/1988), n. 35: 1.c., x. Giáo Luật, can. 1378, 2; n. 1 và 3; can. 1384.
94) x. Giáo Luật, can. 1248.
95) Thánh Bộ Kỷ Luật Các Bí Tích, Dẫn nhập Qui chế Immensae caritatis (29/1/1973): AAS 65 (1973), p. 264.
96) x. Giáo Luật, can. 910, 1; x. Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae coenae (24/2/1980), n. 11: AAS 72 (1980), p, 142.
97) x. Giáo Luật, can. 910, 2.
98) x. Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Qui chế Immensae caritatis, n. 1: 1.c., p. 264; Missale Romano, Appendix: Nghi thức ủy quyền thừa tác viên cho rước lễ từng nố; Pontificale Romanum, De institutione lectorum et acolythorum.
99) Hội Ðồng Giáo Hoàng Giải Thích Luật Pháp, Response (1/6/1988), AAS 80 (1988), p. 1373.
100) x. Thánh Bộ Kỷ Luật Bí Tích, Qui chế Immensae caritatis, n. 1: 1.c.; Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự, Qui chế Inestimabile donum (3/4/1980), n.10: AAS 72 (1980), p. 336.
101) Can. 230, 2 và 3 Giáo Luật khẳng định rằng những việc phụng vụ có thể được trao phó cho người tín hữu không được tấn phong, chỉ tạm thời mà thôi hay để bổ sung.
102) x. Rituale Romanum - Ordo Unctionis Infirmorum, praenotanda, n. 17: Editio typica 1972.
103) x. Gc 5, 14-15; Thánh Thomas Aquinas, In IV Sent., d. 4. 1; Công đồng Chung Florence, Bull Exultate Deo (DS 1325); Công đồng chung Trente, Doctrina de sacra mento extremae unctinis, đoạn 3 (DS 1697, 1719); GLHTCG, n. 1516.
104) x. Giáo Luật, can. 1003, 1.
105) x. ibid., cann.1397 và 392, 2.
106) x. ibid., can. 112.
107) x. ibid., can.1111, 2.
108) x. ibid., can. 1112, 2.
109) x. ibid., can. 861, 2; Ordo baptismi parvulorum, praenotanda generalia, nn. 16-17.
110) x. ibid. can. 230.
111) x. Ordo Exsequiarum, praenotanda, n. 19.
112) x. Giáo Luật can. 231, 1.
113) Ðây có ý nói về những hoàn cảnh "chủng viện", nơi mà người giáo dân và những kẻ dọn mình lãnh chức Linh Mục được một nền giáo dục và đào tạo như nhau, dường như cả hai đều được làm một chức vụ. Những chủng viện đó được gọi là "hội nhập" hay "hỗn hợp".
114) Gioan Phaolô II, Diễn văn tại cuộc Hội thảo về "Sự tham gia của người giáo dân vào thừa tác vụ Linh Mục" (11/5/1994), n. 3: 1.c.
115) x. ibid., n. 6.
116) Ibid., n. 2.
117) Ibid., n. 5.
118) Gioan Phaolô II, Tông thư Christifideles laici, n. 58: 1.c., p. 507.
119) Giáo Luật, can. 392.
Lm Phêrô Nguyễn Quang Sách (dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét!