LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Sắc Chỉ Mầu Nhiệm Nhập Thể - Công Bố Khai Mạc Năm Thánh 2000 – Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

SẮC CHỈ : “MẦU NHIỆM NHẬP THỂ”
CÔNG BỐ KHAI MẠC NĂM THÁNH 2000
GIÁM MỤC GIOAN PHAOLÔ
TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
THÂN GỬI ĐẾN CÁC TÍN HỮU
ĐANG HƯỚNG TỚI THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA
LỜI CHÚC SỨC KHỎE VÀ PHÚC LÀNH TOÀ THÁNH
1. Hội Thánh suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa khi chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta nhận thấy cần phải xướng lên bài thánh ca chúc tụng của thánh Tông đồ :
"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người. Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1, 3-5,9-10).
  Những lời trên khẳng định rằng, chỉ trong Đức Giê-su Ki-tô lịch sử cứu độ mới đạt tới đỉnh cao và thể hiện được ý nghĩa tối hậu. Trong Người, tất cả chúng ta được lãnh nhận "hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1,6), và được hòa giải với Chúa Cha (x. Rm 5,10 ; 2Cr 5,18)
  Biến cố Đức Giê-su chào đời tại Bê-lem không phải là một sự kiện đã trôi vào dĩ vãng. Quả thực, toàn bộ lịch sử nhân loại đều liên hệ tới Người : thời đại của chúng ta và tương lai của thế giới có được soi sáng là nhờ sự hiện diện của Người. Người là “Đấng Hằng Sống” (Kh 1,18), “Đấng hiện có, đã có và đang đến” (Kh 1,4). Cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Người là Đức Chúa (x. Pl 2,10-11). Tất cả những ai khi gặp được Đức Ki-tô đều khám phá ra huyền nhiệm cuộc đời của chính mình.[1]
  Đức Giê-su là một Con Người mới đích thực, Con Người ấy trổi vượt trên tất cả những mong đợi của nhân loại và vì thế Người tồn tại qua muôn thế hệ. Do đó, cuộc Nhập thể của Con Thiên Chúa và công trình cứu độ mà Người kiện toàn bằng cuộc thương khó và phục sinh là chuẩn mực chân thực để lượng định tất cả những gì diễn tiến trong thời gian cũng như mọi nỗ lực làm cho cuộc sống này nhân bản hơn.
  2. Năm Toàn xá 2000 đang đến gần chúng ta. Hơn bao giờ hết, ngay từ khi thông điệp đầu tiên của tôi : “Đấng Cứu Chuộc Con Người” (Redemptor Hominis) được ấn hành, tôi đã trông đợi dịp thuận tiện này với mục đích duy nhất là chuẩn bị cho mọi người trở nên ngoan ngùy trước hoạt động của Chúa Thánh Thần.[2] Sự kiện này sẽ được cử hành cùng một lúc ở Rô-ma và ở tất cả các Hội Thánh địa phương trên toàn thế giới. Trong đó sẽ có hai trung tâm chính : một là Thánh đô nơi Đấng Quan phòng đã chọn đặt tòa đấng kế vị thánh Phê-rô, và hai là Đất thánh, nơi đây Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, mặc xác phàm bởi Trinh nữ Maria (x. Lc 1, 27).
  Vì lẽ đó, Năm Toàn Xá sẽ được cử hành không chỉ ở Rô-ma mà còn ở vùng Đất được gọi là "Thánh", bởi lẽ Đức Giê-su đã sinh ra và chịu chết tại đó. Vùng đất này là “chiếc nôi” của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi và cũng là nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình cho nhân loại. Đất Thánh vừa là nơi đánh dấu lịch sử của dân tộc Do Thái vừa là nơi các tín đồ Hồi Giáo tôn kính. Chớ gì Năm Toàn xá này đẩy mạnh cuộc đối thoại tương liên đến một ngày khi mà tất cả chúng ta - những người Do Thái, Ki-tô hữu và người Hồi Giáo - sẽ trao tặng nhau lời chúc bình an ngay tại Giê-ru-sa-lem.[3]
  Năm Toàn xá giới thiệu cho chúng ta một ngôn ngữ đầy ấn tượng mà khoa sư phạm thần học cứu độ dùng để dẫn dắt con người đi đến hoán cải và thống hối. Đây là bước khởi điểm, là phương dược chữa lành, và cũng là điều kiện thiết yếu giúp con người phục hồi những gì mà họ không bao giờ có thể đạt được bằng sức riêng của mình : đó là tình bằng hữu với Thiên Chúa, ân sủng và đời sống siêu nhiên, chính những yếu tố này mới làm thỏa lòng khát vọng sâu thẳm nhất nơi tâm hồn mỗi người.
  Trước thềm Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, mỗi cộng đoàn ki-tô hữu được mời gọi mở rộng đôi mắt đức tin hướng đến những chân trời mới trong việc loan báo triều đại Nước Thiên Chúa. Vì vậy, điều cấp thiết trong lúc này là phải trở về và trung tín hơn nữa với giáo huấn Công Đồng Va-ti-ca-nô II, chính Công Đồng đã chiếu giãi một luồng sáng mới vào sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh khi nhận thấy những nhu cầu của việc Tin mừng hóa trong thời đại hôm nay. Tại Công Đồng, Hội Thánh đã ý thức sâu xa hơn về mầu nhiệm thân thể Hội Thánh lẫn sứ vụ tông đồ Hội Thánh được Chúa ủy thác.
  Nhận thức này nhắc cho cộng đoàn ki-tô hữu nhớ rằng, khi sống giữa trần gian họ phải trở nên “men và linh hồn của xã hội loài người, xã hội ấy cần phải được canh tân trong trong Đức Ki-tô và biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa.” [4] Để đáp ứng cuộc dấn thân này cách hiệu quả, Hội Thánh phải kiên trì trong hiệp nhất và trưởng thành trong đời sống hiệp thông.[5] Sự kiện tiến gần đến Năm Toàn xá là một động lực mạnh mẽ cho tiến trình hiệp nhất.
  Các Ki-tô hữu tiến đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba không phải với thái độ mỏi mệt bởi gánh nặng hai ngàn năm lịch sử. Đúng hơn, các ki-tô hữu phải cảm thấy phấn khởi vì biết rằng họ đem đến cho thế giới nguồn sáng chân lý, nguồn sáng ấy chính là Chúa Ki-tô. Khi loan báo Đức Giê-su Na-gia-rét, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, Hội Thánh mở ra cho mọi người viễn cảnh "được thần hóa" và vì thế con người phải trở nên nhân bản hơn.[6] Đây chính là con đường dẫn đưa nhân loại khám phá ra giá trị cao quý của mình, đó là họ được mời gọi vươn tới mức thành toàn trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.
3. Hưởng ứng tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến [7] của tôi, trong suốt những năm chuẩn bị ráo riết cho Năm Toàn xá này, bằng việc cầu nguyện, dạy giáo lý, hoạt động mục vụ dưới nhiều thể thức khác nhau, các Hội Thánh địa phương đang trong tư thế sẵn sàng dẫn đưa toàn thể Hội Thánh bước vào thời đại mới của ân sủng và sứ vụ. Tiến đến Năm Thánh cũng là dịp khơi dậy mối quan tâm hơn của những người đang tìm kiếm một dấu chỉ thích đáng, nhờ đó, họ nhận ra dấu ấn của Thiên Chúa trong thời đại của mình.
Những năm chuẩn bị cho Năm Toàn Xá được xếp đặt tương kính với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi : qua Đức Ki-tô - trong Chúa Thánh Thần - đến với Chúa Cha. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là khởi điểm và cùng đích của hành trình đức tin, rồi đây, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa muôn đời. Khi cử hành mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng chú tâm đến mầu nhiệm Ba Ngôi. Đức Giê-su Na-gia-rét, Đấng mặc khải Chúa Cha, đã làm thoả lòng khao khát nhận biết Thiên Chúa vốn tiềm ẩn trong đáy lòng mỗi người. Nhờ cuộc mạc khải của Đức Ki-tô, chúng ta nhận thấy bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa đã đóng ấn trên tạo vật, và, hiểu được lời hứa các ngôn sứ thuở xưa đã loan báo. [8]
Đức Giê-su tỏ lộ dung mạo Thiên Chúa Cha là Đấng luôn “chạnh thương và nhân ái” (Gc 5,11). Và qua việc ban Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã tỏ lộ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu. Thánh Thần của Đức Ki-tô luôn hoạt động trong Hội Thánh và trong lịch sử : chúng ta phải lắng nghe Người để nhận ra các dấu chỉ của thời đại mới và làm cho niềm trông đợi ngày Thiên Chúa quang lâm vinh hiển mãi vang vọng trong tâm hồn các tín hữu. Vì thế Năm Thánh phải là một bài thánh thi không ngớt lời ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Tối Cao. Lúc này đây, hẳn những vần thơ của thánh Ghêgôriô Narianzô, vốn từng là một nhà thần học, sẽ giúp chúng ta xướng lên lời ca tụng :
“Vinh danh Thiên Chúa Cha
và Chúa Con là Vua hoàn vũ,
cùng vinh danh Chúa Thánh Thần,
xứng muôn lời chúc tụng ngợi khen.
Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa duy nhất,
Đấng tác tạo và an bài mọi sự :
trên trời cao với muôn loài thần thánh,
dưới đất thấp cùng mọi loài thọ sinh,
nơi biển cả, khe suối, sông ngòi
muôn thủy quái vẫy vùng sóng nước.
Chính Thần Khí cho muôn loài sức sống
Khiến tạo vật dâng lời tụng ca :
Cao cả thay, Đấng Sáng tạo muôn loài,
Chỉ mình Người tặng ban sự sống
cho muôn loài muôn vật tươi xinh.
Đấng tặng ban con người lý trí,
trổi vượt trên hết mọi thụ tạo.
Mãi muôn đời kính Vua trời đất
Người là Cha nhân ái bao dung.”
[9]
4. Khi cử hành Mầu Nhiệm Nhập Thể, xin cho bài thánh thi ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi này được đồng thanh xướng lên từ môi miệng của những người đã chịu phép rửa và cùng chia sẻ một niềm tin trong Chúa Giê-su. Xin cho đặc tính đại kết của Năm Toàn Xá là một dấu chỉ cụ thể của hành trình đại kết mà các tín hữu của các Hội Thánh và các cộng đoàn Hội Thánh đang nỗ lực kiến tạo, đặc biệt là trong những thập niên gần đây. Duy chỉ bằng cách lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông hoàn toàn, chúng ta mới có thể nghiệm thấy rằng, bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa, vì thế, tất cả chúng ta đều là những người con của một Cha. Lúc này đây, lời mời gọi đầy thách thức của thánh Tông đồ lại vang lên trong mỗi chúng ta :
“Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một phép rửa, một đức tin. Chỉ có một Thiên Chúa, cha của mọi người, Đấng ngự trên và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Thật thế, thánh I-rê-nê có lý khi phát biểu : sau khi lãnh nhận Lời Thiên Chúa như mưa nguồn đổ xuống từ trời, làm sao chúng ta lại có thể phác họa cho nhân loại một hình ảnh thế giới khô cằn ; làm sao chúng ta có thể hô hào mọi người trở nên một tấm bánh nếu chúng ta không cho các nhúm bột đã bị phân tán liên kết lại với nhau nhờ tác động của nước đổ trên chúng ta.[10]
Mỗi Năm Toàn Xá là lời mời gọi chúng ta đến dự tiệc cưới. Từ các Hội Thánh khác nhau cũng như các cộng đoàn Giáo hội trên khắp thế giới, tất cả chúng ta hãy đến dự tiệc đã chuẩn bị sẵn sàng : tất cả hãy đem theo những gì đã liên kết chúng ta và qua việc chiêm ngắm chỉ một mình Đức Ki-tô, chúng ta càng lớn lên trong sự hiệp nhất, đó chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ hiện nay của Giám Mục Rô-ma, đấng kế vị thánh Phê-rô, là phải mời gọi khẩn thiết hơn nữa tất cả mọi người hãy đến cử hành Năm Toàn Xá, ngõ hầu dịp kỷ niệm lần thứ 2000 mầu nhiệm trung tâm niềm tin Ki-tô Giáo có thể được trải nghiệm như một hành trình hòa giải và là dấu chỉ hy vọng đích thực cho tất cả những ai đang hướng tới Đức Ki-tô và Hội Thánh của Người, Hội Thánh ấy là bí tích của sự hiệp thông miên mật với Thiên Chúa và là sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại.[11]
5. Có biết bao kỷ niệm đáng nhớ trong lịch sử mà Năm Toàn Xá gợi lên ! Hẳn chúng ta còn nhớ dịp kỷ niệm vào năm 1300, để đáp lại ước mong của người dân Rô-ma, đức giáo hoàng Bô-ni-fa-xi-ô VIII long trọng khai mạc Năm Toàn Xá đầu tiên trong lịch sử. Nối tiếp truyền thống cổ xưa, truyền thống ân xá và tha tội cho những ai thăm viếng Vương cung Thánh đường thánh Phê-rô ở Thánh đô, đức Bô-ni-fa-xi-ô VIII đã ước mong vào dịp trọng đại ấy trao ban “ơn toàn xá chứ không chỉ ơn đại xá.”[12] Từ đó về sau, Hội Thánh luôn cử hành Năm Toàn Xá như những bước tiến đầy ý nghĩa trên cuộc hành trình Hội Thánh hướng về sự viên thành của Đức Ki-tô.
Lịch sử cho thấy Dân Chúa bước vào những Năm Thánh với tâm trạng thật là náo nức, khi nhìn nhận Năm Thánh như là thời gian Đức Giê-su mời gọi hoán cải đã làm cho Năm Thánh có ý nghĩa sâu sắc hơn. Nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử của Hội Thánh, hẳn là không phải không có những lạm dụng và hiểu lầm. Tuy nhiên, những chứng từ về niềm tin trung thực và về đức ái chân thành còn lớn lao hơn nhiều. Xin được nêu ra một chứng nhân tiêu biểu cho vấn đề này, Thánh Phi-líp-phê Nê-ri (Năm Thánh 1550) đã thành lập “Hội Từ Thiện Rô-ma” như dấu chỉ cụ thể để đón tiếp khách hành hương. Người ta còn có thể kể ra bao nhiêu câu chuyện đạo đức đặt nền trên những kinh nghiệm về Năm Toàn Xá và những hoa trái mà ơn tha thứ đã làm trổ sinh nơi các tín hữu đã được hoán cải.
6. Trong nhiệm kỳ Giáo Hoàng, tôi đã vui mừng công bố năm 1983 là Năm Toàn Xá Ngoại Thường để kỷ niệm 1950 năm ơn cứu độ nhân loại được thực hiện. Được kiện toàn nơi cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Đức Giê-su, mầu nhiệm cứu độ là sự viên thành của một biến cố khởi đi từ cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Vì thế, Năm Toàn Xá sắp đến là một sự kiện được xem là “trọng đại” và Hội Thánh bày tỏ ước mong tha thiết của mình là muốn bao bọc tất cả các tín hữu để hiến tặng họ niềm vui của sự hòa giải. Từ khắp mọi miền, toàn thể Hội Thánh sẽ trổi lên bài thánh thi ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa Cha, Đấng chỉ vì trọn nghĩa yêu thương mà đã ban tặng chúng ta Đức Ki-tô, để chúng ta trở thành “người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa" (Ep 2, 19). Dịp đại lễ này cũng mời gọi chúng ta hãy nhiệt thành chia sẻ niềm vui của mình với các tín đồ của các tôn giáo bạn, cũng như với những anh chị em chưa tiếp nhận niềm tin nơi Thiên Chúa. Là anh chị em với nhau trong một gia đình nhân loại, chúng ta cùng bước qua ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ mới, một Thiên Niên Kỷ đòi hỏi nhiều nỗ lực và trách nhiệm nơi tất cả tất cả mọi người.
Đối với chúng ta là những tín hữu, Năm Toàn Xá sẽ làm bừng sáng lên ơn cứu chuộc đã được kiện toàn nơi Đức Ki-tô nhờ cuộc thương khó và sự phục sinh của Người. Sau cuộc thương khó của Người, không còn điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa (x. Rm 8,21-39) ngoại trừ tội lỗi. Ân sủng từ lòng xót thương của Thiên Chúa được ban tặng cho hết mọi người, để những ai đã được hòa giải cũng sẽ “được cứu nhờ sự sống của Người” (Rm 5,10).
Vì thế, tôi long trọng tuyên bố Đại Năm Thánh 2000 sẽ được khai mạc vào đêm vọng lễ Giáng Sinh 1999, cùng với việc mở cửa Vương cung Thánh đường thánh Phê-rô ở Va-ti-ca-nô. Trước đó vài giờ, lễ khai mạc cũng được cử hành tại thành Giê-ru-sa-lem và Bê-lem, cũng như việc mở cửa các Vương cung Thánh đường Thượng phụ ở Rô-ma. Tại Vương cung Thánh đường thánh Phao-lô, cửa thánh sẽ được mở vào thứ ba ngày 18 tháng Giêng năm 2000, nhằm ngày khai mạc tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô Giáo, đó là một cách thức để nhấn mạnh tính cách Đại Kết tiêu biểu của Năm Thánh này.
Tôi cũng chỉ thị rằng, tại các Hội Thánh địa phương, Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày linh thánh nhất, đó là ngày lễ Giáng Sinh, với việc long trọng cử hành nghi thức phụng vụ Thánh thể tại nhà thờ chính tòa do giám mục địa phận chủ sự ; còn tại các nhà thờ lớn khác, đức giám mục có thể cử vài đại diện chủ sự Thánh lễ. Vì nghi thức mở Vương Cung Thánh Đường Va-ti-ca-nô được cử hành đồng thời với những Vương Cung Thánh Đường thượng phụ khác, nên thật thích đáng cho việc khai mạc Năm Thánh ở từng giáo phận, bằng việc thiết định một trạm rước tại một nhà thờ trong giáo phận, đoàn rước sẽ bắt đầu từ đó đến nhà thờ chính tòa, cung nghinh sách Thánh và đọc từng phần của Sắc chỉ này, kết hợp với những chỉ dẫn của “Nghi thức cử hành Đại Năm Thánh ở các Hội Thánh địa phương.”
Chớ gì Lễ Giáng Sinh 1999 sẽ đến với mọi người như là một Đại Lễ ngập tràn ánh sáng, và là khúc dạo đầu cho những kinh nghiệm thật sâu đậm về ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa, bầu khí này sẽ còn kéo dài mãi cho đến khi bế mạc Năm Toàn Xá vào ngày Lễ Hiển Linh, mồng 6 tháng Giêng năm 2001. Tất cả mọi tín hữu chúng ta hãy nghinh đón dịp Đại lễ này bằng lời hát mừng của các Thiên Thần, các vị ấy vẫn không ngừng tung hô : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Như thế, dịp lễ Giáng Sinh sẽ điểm then chốt của Năm Thánh, chuyển thông cho Hội Thánh những ân điển phong phú của Chúa Thánh Thần, hầu chuẩn bị cho cuộc Tin mừng hóa trong thời đại mới.
7. Nhìn lại lịch sử của Năm thánh, việc tổ chức Năm Toàn Xá đã trở nên phong phú nhờ những dấu chỉ, những dấu chỉ này chứng thực lòng tin và nuôi dưỡng lòng đạo đức của người Ki-tô hữu. Một trong những dấu chỉ đó trước hết phải kể đến là ý nghĩa của việc hành hương, ý nghĩa này gắn liền với hoàn cảnh của những ai diễn tả đời mình như một cuộc hành trình. Từ khi chào đời cho đến lúc khuất bóng, ai mà chẳng mang thân phận của kẻ lữ hành. Về phần mình, Kinh Thánh cũng khẳng định ý nghĩa đặc biệt của việc hành hương tới những vùng đất thánh.
Thật vậy, truyền thống cho biết, dân Ít-ra-en đã hành hương tới thánh đô đặt Hòm Bia Giao Ước, hoặc thăm viếng thánh địa ở Bê-ten (x. Tl 20,18), cũng như thánh địa Si-lô, nơi Thiên Chúa đã nhận lời khẩn cầu của bà Ha-na, thân mẫu ngôn sứ Sa-mu-en (x. Sm 1,3). Lại nữa, chính Đức Giê-su đã hết lòng tuân giữ Luật Do thái, Người cùng với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se trẩy hội lên đền Giê-ru-sa-lem (x. Lc 2,24). Lịch sử Hội Thánh là một trình thuật sống động về cuộc hành hương còn dang dở. Đã có vô vàn các tín hữu tham dự những cuộc hành hương tới Đền thánh Phê-rô Phao-lô, tới Đất thánh, hoặc các đền đài xưa nay vốn đã được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và các thánh. Âu cũng vì thế mà họ đã tìm thấy nguồn dinh dưỡng cho lòng đạo đức của mình.
Những cuộc hành hương vẫn luôn là một phần thiết yếu cho đời sống của người tín hữu, tuy cách thức diễn tả có khác biệt do bối cảnh văn hóa ở mỗi thời đại. Hành hương gợi lên hành trình riêng tư của người tín hữu dõi bước Đấng Cứu Chuộc : đó là thực hành khổ chế, mặc tâm tình thống hối vì những yếu đuối của phận người, là sự chuyên cần tỉnh thức để lướt thắng bản tính mỏng dòn, là việc chuẩn bị nội tâm cho cuộc hoán cải. Nhờ tỉnh thức, ăn chay và cầu nguyện, người lữ khách ngày một tiến bước trên đường trọn lành của Đức Ki-tô. Nhờ ơn Chúa giúp và nỗ lực bản thân, lữ khách đạt “tới tình trạng trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4, 13).
8. Bên cạnh việc hành hương, còn có nghi thức mở cửa thánh tại Vương cung thánh đường Đấng Cứu chuộc cực thánh La-tê-ra-nô, cửa này đã được mở lần đầu tiên trong suốt Năm Toàn xá 1423. Nghi thức mở cửa này gợi lên sứ điệp : mọi ki-tô hữu đều được kêu gọi trở nên hoàn thiện, giũ bỏ tình trạng tội lỗi vươn tới đời sống ân sủng. Chẳng vậy, Đức Giê-su đã nói : “Tôi là cửa" (Ga 10,7), điều này khẳng định rằng, không ai có thể đến với Cha mà không qua Đức Giê-su. Sự kiện trên chứng thực rằng, duy một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc được Chúa Cha cử đến. Chỉ có một con đường duy nhất rộng mở dẫn tới cuộc sống thông hiệp với Thiên Chúa đó chính là Đức Giê-su, con đường duy nhất và tuyệt đối dẫn tới ơn cứu độ. Chỉ nơi Đức Giê-su, lời Thánh vịnh mới thực sự được ứng nghiệm : “Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua" (Tv 118, 20).
Khi tập trung vào hạn từ cánh cửa, có ý nhắc nhở mọi tín hữu phải có trách nhiệm bước qua ngưỡng cửa đời sống đức tin. Bước qua ngưỡng cửa đó có nghĩa là tuyên xưng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa, tức là phải kiện cường niềm tin trong Đức Ki-tô để sống cuộc đời mới mà Người đã trao tặng chúng ta. Chính vì phải quyết định mà người ta có tự do lựa chọn và cũng vì thế mà phải can đảm cắt tỉa những gì còn níu kéo phía sau với xác quyết rằng, điều chúng ta lãnh nhận ắt phải là đời sống thần linh (x. Mt 13,44-46). Chính vì mặc lấy tâm tình đó mà Đức giáo hoàng sẽ là người đầu tiên bước qua cửa thánh vào đêm 24 rạng ngày 25/12/1999. Khi bước qua ngưỡng cửa đó, Đức thánh cha sẽ tỏ cho Hội Thánh và thế giới thấy rằng, Tin Mừng chính là nguồn mạch sự sống và hy vọng cho nhân loại tiến đến Thiên niên kỷ thứ ba. Bằng ngôn ngữ biểu tượng, việc đi vào cửa thánh rộng mở vào cuối thiên niên kỷ[13] có ý nói Đức Ki-tô sẽ dẫn chúng ta đi sâu hơn vào trong Hội Thánh là Thân thể và cũng là Hiền thê của Người. Theo cách thức này, chúng ta nghiệm thấy ý nghĩa lời thánh Phê-rô phong phú biết bao khi người viết : “được liên kết với Đức Ki-tô, chúng ta được dùng như những viên đá sống động xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng và nên hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa" (1Pr 2, 5).
9. Một dấu hiệu nổi bật khác rất quen thuộc với các tín hữu đó là việc lãnh nhận ân xá – một trong những yếu tố cấu thành Năm Toàn Xá. Ân xá hé lộ lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa Cha, Đấng hiến tặng mọi người tình yêu của mình, được diễn tả cụ thể qua việc ban ơn tha tội. Thông thường, Thiên Chúa ban ơn tha thứ qua bí tích Hòa giải.[14] Quả thực, khi rắp tâm phạm tội trọng tức là tự tách mình ra khỏi sự sống ân sủng của Thiên Chúa. Tình trạng đó cản bước người tín hữu tiến tới sự thánh thiện mà Thiên Chúa vẫn hằng kêu gọi họ. Nhân Danh Đức Ki-tô, Hội Thánh được lãnh nhận năng quyền tha tội (x. Mt 16,19 ; Ga 20,23), giữa lòng nhân loại, Hội Thánh trở nên sự hiện diện sống động của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã cúi mình xuống tận cùng mọi yếu đuối của nhân loại, ngõ hầu quy tụ họ vào vòng tay yêu thương của Người. Chính xác hơn, qua tác vụ của Hội Thánh, Thiên Chúa hằng tuôn đổ lòng từ bi của Người vào thế giới bằng cách trao cho họ một tặng phẩm quý giá, ngay từ thời xa xưa tặng phẩm này đã được gọi là “ân xá”.
Bí tích Hòa Giải trao cho tội nhân “một khả năng mới để hoán cải và phục hồi ơn công chính hóa” [15] nhờ cuộc hiến tế Đức Ki-tô. Vì thế, tội nhân lại được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và chia sẻ trọn vẹn đời sống của Hội Thánh. Sau khi xưng thú tội lỗi của mình, người tín hữu lãnh nhận ơn tha thứ và được rước Thánh Thể như dấu chỉ hối nhân tìm lại được mối dây thông hiệp với Cha và với Hội Thánh của Người. Tuy nhiên, từ những thế kỷ đầu, Hội Thánh luôn thâm tín rằng, Thiên Chúa ban cho ta ơn tha thứ cách nhưng không. Vì thế, ơn tha thứ luôn bao hàm một sự hoán cải đích thực, dần dần khử trừ những tà ý và canh tân đời sống. Việc cử hành bí tích phải được nối kết với những hành vi hiện sinh, với việc thanh tẩy lầm lỗi, xứng hợp với tâm tình thống hối. Ơn tha thứ không có ý nói tiến trình hiện sinh chỉ là chuyện thừa thãi, đúng hơn, tiến trình ấy được mặc một ý nghĩa mới đó là được chấp nhận và được đón nhận.
Giao hòa với Thiên Chúa không có nghĩa là không phải gánh chịu những hậu quả của tội lỗi, đúng hơn, chúng ta cần phải được thanh luyện khỏi những lỗi lầm. Thành thực mà nói, trong bối cảnh này, ân xá quả là quan trọng, bởi lẽ nó diễn tả “ân sủng vẹn toàn về lòng xót thương của Thiên Chúa”.[16] Mặc dù hối nhân đã được tha tội, nhưng nhờ ân xá, hối nhân được tha những hình phạt tạm.
10. Tội lỗi là sự xúc phạm đến phẩm tính thánh thiện và công bình của Thiên Chúa, khinh thường tình bằng hữu cá vị của Thiên Chúa dành cho con người, vì thế, tội lỗi gây ra hai hậu quả. Trước hết, nếu là tội nặng, tức là bị tước mất khả năng thông hiệp với Thiên Chúa, và vì thế mà không được hưởng sự sống đời đời. Tuy nhiên, đối với những tội nhân thật lòng thống hối, Thiên Chúa giàu lòng xót thương sẽ tha các tội trọng và khoan hồng cho khỏi hình phạt đời đời do hậu quả của tội.
Thứ đến, “tất cả mọi tội lỗi, thậm chí ngay cả tội nhẹ, đều gây tình trạng suy yếu nơi các thụ tạo, trình trạng này cần được thanh luyện ngay ở đời này hoặc đời sau trong luyện ngục. Sự thanh luyện giải phóng con người khỏi “hình phạt tạm” của tội,[17] và việc đền tội sẽ xóa bỏ những gì cản trở sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em mình.
Mạc khải cũng dạy rằng, ki-tô hữu không đơn độc trên lộ trình hoán cải. Trong Đức Ki-tô và nhờ Đức Ki-tô, bằng mối dây mầu nhiệm, sự sống của Người liên kết với đời sống của mọi ki-tô hữu trong sự hiệp nhất siêu nhiên của Nhiệm Thể. Mối liên hệ này thiết lập giữa các tín hữu một sự trao đổi các ân huệ thiêng liêng, nhờ đó, sự thánh thiện của người này sẽ sinh ích cho người khác xét ở tầm mức còn trổi vượt hơn những thiệt hại do tội của người này gây hệ luỵ cho người khác. Biết bao người đã để lại cho hậu thế những tình yêu thật sung mãn, những gương chịu đau khổ vì chính nghĩa, những đời sống thanh khiết và chính trực, những giá trị này đã bổ dưỡng và trợ lực cho bao người khác. Đây quả là một thực tại mang tính “luân chuyển”, dựa trên nền tảng này, toàn bộ mầu nhiệm về Đức Ki-tô được thiết lập. Tình yêu hải hà của Thiên Chúa đã độ trì hết thảy chúng ta. Tuy nhiên, tính cách cao thượng nơi tình yêu Đức Ki-tô không để chúng ta lâm vào tình trạng thọ ơn một cách bị động, nhưng khuyến dụ chúng ta hiệp lực vào công trình cứu độ của Người, đặc biệt là thông dự vào cuộc Vượt Qua của Người. Thật thế, điều này đã được phát biểu trong đoạn thư nổi tiếng của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê : “Những gian nan thử thách Đức ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh " (1, 24).
Cũng vậy, chân lý sâu sắc này còn được diễn tả cách tuyệt vời trong sách Khải Huyền, Hội Thánh được mô tả như một tân nương mặc áo vải gai trắng, loại vải gai tốt nhất, sáng chói và tinh tuyền. Và thánh Gio-an nói tiếp : “Vải gai tốt ở đây chỉ những việc lành của các Thánh” (Kh 19,8). Quả thật, nhờ đời sống của các thánh mà tấm vải gai sáng chói được dệt nên chiếc áo sự sống vĩnh cửu.
Mọi sự đều bắt nguồn từ Đức Ki-tô, nhưng vì chúng ta thuộc về Người nên bất cứ điều gì chúng ta có cũng là của Người và tiềm tàng một sức mạnh chữa lành. Điều này có ý nói tới “những kho tàng của Hội Thánh”, tức là những việc lành của các Thánh. Cầu nguyện để lãnh nhận ân xá có nghĩa là tham dự vào sự hiệp thông thiêng liêng và vì thế cần phải mở lòng ra với mọi người. Cũng vậy, trong lãnh vực thiêng liêng, không ai được sống cho riêng mình. Mọi người cần phải được giải phóng khỏi tâm lý  sợ hãi và não trạng vụ lợi khi lo lắng cho phần rỗi của mình cũng như phần rỗi của tha nhân. Đây quả là một thực tại diễn tả sự thông hiệp giữa các thánh – mầu nhiệm của “sự sống luân chuyển”. Thực tại ấy cũng diễn tả sự hiệp nhất trong lời cầu nguyện như là phương thế hiệp nhất chúng ta với Đức Ki-tô và các thánh. Người dẫn chúng ta đến với Người để cùng Người dệt nên chiếc áo choàng trắng cho một nhân loại mới, chiếc áo sáng ngời này được mặc cho Hiền thê của Đức Ki-tô.
  Vì thế, giáo huấn về các ân xá, trước tiên “dạy cho chúng ta biết, thật đáng  buồn và cay đắng nếu phải xa lìa Đức Chúa (x. Gr 2,19). Khi lãnh nhận ân xá, người tín hữu cần ý thức rằng, bằng nỗ lực của mình họ sẽ không tài nào cải thiện được sự ác mà khi phạm tội họ đã gây ra cho chính mình và cho cộng đoàn, và vì thế họ bị thúc bách bù lại bằng những “nghĩa cử khiêm hạ.”[18] Hơn nữa, chân lý về sự thông hiệp giữa các thánh (các thánh cùng thông công) còn nối kết các tín hữu với Đức Ki-tô và với nhau. Chân lý ấy cũng mặc khải cho biết rằng, dù sống hay chết, mỗi người chúng ta vẫn có biết bao phương cách để có thể giúp nhau  trở nên hiệp nhất miên mật hơn với Cha trên trời.
Rút tỉa từ những lập luận huấn giáo và diễn giải trực giác làm mẹ của Hội Thánh, tôi xin tuyên bố, trong năm thánh này mọi tín hữu đều được tận hưởng dồi dào ơn sủng do việc lãnh ân xá chiếu theo những hướng dẫn đính kèm với sắc chỉ này (x. Sắc lệnh đính kèm).
11. Những dấu chỉ này đã từng góp phần vào truyền thống cử hành Năm Thánh. Vả lại, Dân Chúa cũng không thể không nhận ra những dấu chỉ khác nói lên lòng thương xót của Chúa nơi những việc làm trong năm thánh này. Trong tông thư Ngàn năm thứ ba đang đến (Tertio Millennio Adveniente), tôi đã gợi ý một vài điểm nhằm giúp mọi người biết tận hưởng hồng ân đặc biệt của năm thánh bằng tâm tình phấn khích hơn.[19] Tôi xin được nhắc lại vắn tắt ở đây.
Trước tiên là dấu chỉ về sự thanh tẩy ký ức ; điểm này kêu gọi mỗi người hãy can đảm và khiêm nhường nhìn nhận những lầm lỗi do những người đã hoặc đang mang danh Ki-tô hữu gây ra.
Tự bản chất, năm thánh là thời gian chúng ta được mời gọi hoán cải. Đây là lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su, thật là ý nghĩa khi lời giảng ấy được nối kết với niềm tin thuần thục : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời hiệu triệu của Đức Ki-tô xuất phát từ việc nhìn nhận một thực trạng là “thời kỳ đã mãn” (Mc 1,15). Thời gian viên mãn của Thiên Chúa trở thành lời kêu gọi hoán cải, mà tác động đầu tiên của việc hoán cải là ân sủng. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy mỗi người chúng ta “trở về với chính mình” và nhận ra sự cần thiết phải trở về nhà Cha (x. Lc 15,17-20). Vì thế, việc thẩm vấn lương tâm là một trong những giờ khắc quyết liệt nhất của đời người. Nó đặt mỗi cá nhân trước sự thật về cuộc đời của chính mình. Theo đó, đương sự khám phá ra khoảng cách giữa hành động và lý tưởng mà chính đương sự đã trải qua.
Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử thánh. Tân Ước đã mạnh mẽ khẳng định ấn tín của Bí tích rửa tội : các tín hữu được gọi là “thánh” xét vì họ được tách biệt khỏi thế gian, bởi thế gian đã quy phục tên Ác Thần, họ tự hiến dâng để thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Thực ra, sự thánh thiện này không chỉ toả sáng nơi đời sống của nhiều vị thánh và chân phước đã được Hội Thánh tuyên dương, nhưng còn tỏ hiện trong cuộc đời của muôn vàn những thiện nam tín nữ thầm lặng, đông đảo đến mức không thể đếm được (x. Kh 7, 9). Cuộc đời họ minh chứng cho chân lý Tin Mừng và trao tặng nhân loại dấu chỉ hữu hình về sự hoàn thiện khả dĩ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, lịch sử cũng ghi lại những sự kiện mang tính phản chứng đối với Ki-tô giáo. Khi nhìn lại những sự kiện ấy, xét về phương diện cá nhân, tất cả chúng ta hoàn toàn không chịu trách nhiệm và cũng không có quyền xét xử, duy chỉ mình Thiên Chúa vốn thấu suốt mọi tâm hồn mới là Đấng phán quyết. Thế nhưng, vì mối liên kết hiệp nhất chúng ta với mọi người trong Nhiệm thể Chúa Ki-tô, chúng ta vẫn phải mang gánh nặng do những lỗi lầm và thiếu sót của những thế hệ trước chúng ta. Cũng thế, là những người con của Hội Thánh, khi chúng ta phạm tội, chúng ta đã làm lu mờ vẻ đẹp nơi Hiền thê của Đức ki-tô chiếu sáng trên tất cả chúng ta. Tội lỗi chúng ta đã ngăn cản hoạt động của Thần Khí trong tâm hồn nhiều người. Đức tin èo uột của chúng ta nói lên thực trạng là nhiều người vẫn thờ ơ và thoái bước trong việc tìm kiếm một cuộc gặp gỡ đích thực với Đức Ki-tô.
Trong năm lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, với cương vị là người kế vị thánh Phê-rô, tôi cầu xin cho Hội Thánh được vững mạnh trong sự thánh thiện mà Hội Thánh đã nhận lãnh từ Chúa của mình ; xin cho Hội Thánh được phủ phục trước nhan Chúa và xin Người tha thứ những lỗi lầm cho con cái của mình trong quá khứ cũng như hiện tại. Phải nói rằng, không còn ngờ vực gì nữa : “Tất cả chúng ta đều đã phạm tội” (x. 1V 8, 46), thế nhưng chúng vẫn xác tín rằng : “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đó ân sủng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
Vòng tay thân ái mà Chúa Cha dành cho những tội nhân thống hối trở về sẽ là phần thưởng xứng đáng khi chúng ta khiêm nhường nhìn nhận những lầm lỗi của mình và của tha nhân, có được sự nhìn nhận ấy là nhờ việc ý thức về mối dây liên kết bền chặt giữa các chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi nhận ra những lầm lỗi mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh chị em của mình. Chúng ta hành động như thế không phải là để tìm lại những gì đã mất, nhưng là để được kiện cường bằng chính “tình yêu của Thiên Chúa đã đổ tràn tâm hồn chúng ta” (Rm 5,5). Đồng thời, sẽ không thiếu những người lương thiện có thể nhận ra rằng, lịch sử quá khứ và hiện tại đã ghi lại những vụ việc liên quan đến sự loại trừ, bất công và bách hại với ý đồ trực tiếp chống lại con cái Hội Thánh.
Đừng để một ai trong năm thánh này dám cả lòng tự loại mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa Cha. Đừng có ai lại cư xử như người anh cả trong dụ ngôn Tin Mừng, không chịu vào nhà để dự tiệc ăn mừng (x. Lc 15,25-30). Chớ gì niềm hân hoan của ơn tha thứ sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn bất kỳ một nỗi oán hờn nào. Như vậy, vị Hiền thê của Đức Ki-tô sẽ chiếu giãi trước mặt thiên hạ vẻ đẹp và sự thánh thiện bắt nguồn từ ân sủng của Thiên Chúa. Qua 2000 năm, Hội Thánh đã trở thành chiếc nôi mà Đức Maria đã đặt Đức Giê-su vào và nhờ đó, các dân tộc nhận biết, thờ lạy và chiêm ngắm Người. Xin cho đức tính khiêm hạ của vị Hiền Thê làm tăng thêm vẻ rạng ngời vinh quang và quyền năng của Thánh Thể mà Hội Thánh vẫn luôn cử hành và trân trọng giữ gìn trong cung lòng của mình. Qua dấu chỉ Bánh và Rượu đã được thánh hiến, Đức Ki-tô đã chỗi dậy và được tôn vinh, trở thành ánh sáng chiếu soi mọi dân nước (xc Lc 2,32), mặc khải một thực tại vĩnh cửu về cuộc nhập thể của Người. Người vẫn đang hiện diện sống động ở giữa chúng ta để dưỡng nuôi các tín hữu bằng chính Mình và Máu Người.
Vì thế, chúng ta hãy cùng hướng nhìn về tương lai. Người Cha nhân hậu không xét xử chúng ta như chúng ta đáng tôi (x. Is 38,17). Giờ đây Người đang đổi mới mọi sự và chính vì tình yêu mà Người ban ơn tha thứ để cho chúng ta được thông dự vào trời mới và đất mới.
Vì thế, để nỗ lực canh tân đời sống chứng tá Ki-tô hữu giữa lòng nhân loại trong thiên niên kỷ tới, nguyện cho lòng tin được thêm tươi sáng, lòng trông cậy được thêm vững bền và lòng mến ngày thêm thắm thiết.
12. Một dấu chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa đặc biệt cần thiết cho ngày nay đó chính là lòng bác ái, dấu chỉ ấy mở mắt cho chúng ta thấy nhu cầu của những người nghèo và người bị bỏ rơi. Hiện trạng nghèo đói và bị bỏ rơi đang lan rộng trong các xã hội, bóng tối tử thần của nó đang ập xuống trên các dân tộc. Nhân loại đang phải đối đầu với những hình thức nô lệ mới và tinh xảo hơn bao giờ hết, thực tế cho thấy vẫn có nhiều dân tộc chỉ được tự do trên lý thuyết còn thực chất thì không. Một số quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo bị đè bẹp bởi những món nợ lớn đến mức khó có thể hoàn trả được. Vì thế, sẽ không có sự tiến bộ đích thực nếu không có sự cộng tác đắc lực của mọi người thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc, quốc gia và tôn giáo. Phải chặn đứng những hình thức lạm dụng quyền hành đưa đến việc thống trị người khác, những hình thức lạm quyền như thế sẽ gây tội ác và bất công. Kẻ nào chỉ lo tích trữ kho tàng ở dưới đất (x Mt 6,19) “thì không thể làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21).
Cũng cần phải kiến tạo một nền văn hoá mới về tình đoàn kết và hợp tác quốc tế, nơi đây, tất cả mọi quốc gia, đặt biệt là các cường quốc và mỗi vùng phải có trách nhiệm về một mô hình kinh tế nhằm phục vụ mọi người. Không được trì hoãn những cơ hội mà người nghèo La-gia-rô có thể ngồi cạnh nhà phú hộ, cùng chia sẻ một bàn tiệc và không còn bị cưỡng ép chỉ được hưởng những mảnh vụn từ bàn ăn rơi xuống (x. Lc 16,19-31). Những tình cảnh cùng quẫn là nguồn gốc của bạo lực, đau khổ và tệ nạn, để khử trừ những hiện trạng này, cần phải gia tăng những hoạt động công lý và nhờ đó mà kiến tạo hoà bình.
Năm thánh là lời mời gọi khẩn thiết hơn hết để hoán cải tâm hồn bằng cách thay đổi cuộc sống. Đây cũng là lời nhắc nhở cho mọi người ý thức rằng, họ đừng bao giờ bận tâm quá đáng về của cải vật chất bởi những thứ đó không phải là Thiên Chúa, cũng đừng tuyệt đối hóa khả năng chinh phục của con người cũng như quyền thống trị địa cầu, bởi vì trái đất này thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa và chỉ một mình Người mà thôi : “Trái đất thuộc về ta, các ngươi chỉ là khách trọ, là người cư ngụ bên ta” (Lv 25, 23). Nguyện xin năm hồng ân này tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn những người đang nắm trong tay vận mạng của toàn thể nhân loại !
13. Một dấu chỉ nữa về tính chân thực của đức ái Ki-tô giáo, dù còn non trẻ nhưng thật là mạnh mẽ trong thời đại hôm nay, đó chính là việc tưởng nhớ các anh hùng tử đạo. Chứng từ của các vị ấy sẽ không bao giờ bị quên lãng. Các ngài là những người đã loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình vì lòng yêu mến. Đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay, tử đạo là dấu chứng tình yêu vĩ đại trổi vượt trên tất cả các giá trị khác. Đời sống của các vị tử đạo phản ánh những lời nói phi thường mà Đức Ki-tô đã thốt lên khi chịu treo trên thánh giá : “Cha ơi, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34). Người tín hữu một khi đã suy thấu về ơn gọi Ki-tô hữu của mình, cùng với những gì sách Khải Huyền đã nói về viễn cảnh của phúc tử đạo, thì không thể loại trừ  ân phúc đó ra khỏi tầm nhìn cuộc sống của mình. Thật thế, kể từ khi Đức Ki-tô giáng sinh, hai ngàn năm qua được đánh dấu bằng biết bao chứng tá của các anh hùng tử đạo.
Biết bao chứng nhân thời danh đã được lãnh phúc tử đạo trong suốt thế kỷ này, phần nhiều là do chủ nghĩa phát xít Đức, chủ nghĩa Cộng sản và những cuộc xung khắc giữa các chủng tộc hoặc bộ lạc. Người người ở khắp các cộng đồng xã hội đã phải chịu bách hại vì đức tin, đổ máu mình để trả giá cho lòng trung thành với Đức Ki-tô và Hội Thánh, hoặc kiên cường chịu đựng những năm tháng ròng rã trong ngục tù thiếu thốn mọi thứ, bởi lẽ họ đã không khuất phục trước những ý thức hệ đặt nền cho những chủ nghĩa cai trị độc tài và bất nhân. Dưới góc độ tâm lý, tử đạo là một bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý đức tin, bởi vì đức tin có thể giúp con người bình thản đối diện ngay cả với sự hung tợn nhất của cái chết và hé lộ vẻ đẹp của mình ngay giữa những cuộc bách hại tàn bạo nhất.
Được lãnh nhận dồi dào ân sủng trong suốt năm thánh, chúng ta được tiếp sức để cất cao bài thánh thi tạ ơn Cha bằng tiếng hát : Đạo binh các anh hùng Tử đạo chúc vinh Ngài (Te martyrum candidatus laudat exercitus). Vâng, đây chính là đoàn người “đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14). Vì lẽ đó, Hội Thánh trên toàn cõi đất phải hết lòng bảo tồn và ghi sâu trong tâm khảm của mình lời chứng của các vị tử đạo. Khi được củng cố lòng tin nhờ gương sáng của các chiến sỹ đức tin kiên cường thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và sắc tộc, xin cho Dân Chúa được tràn đầy xác tín tiến bước qua ngưỡng cửa Thiên niên kỷ thứ ba. Từ đáy tâm hồn của mỗi tín hữu, nguyện cho lòng mộ mến phúc tử đạo được bừng cháy bởi tâm tình khao khát theo gương các ngài ; nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chớ gì mọi người đều sẵn lòng đón nhận ơn phúc ấy khi hoàn cảnh đòi buộc.
14. Niềm hoan hỷ của năm thánh sẽ không được tròn đầy, nếu chúng ta không hướng lòng lên Mẹ Maria, đấng đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha để sinh hạ Con Thiên Chúa trong xác phàm vì phần rỗi của chúng ta. Nhân dịp trở về Bê-lem cũng là lúc “mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6),  Mẹ đã được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần và sinh hạ Con Đầu lòng của một tạo thành mới. Ngay từ lúc thụ thai mà vẫn trinh khiết vẹn toàn, Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa và người đã sống sung mãn thiên chức hiền mẫu, sau cùng Mẹ đã chu toàn ơn gọi đó dưới chân thập giá trên núi Calvary. Nơi đây, nhờ hồng ân vi diệu của Đức Ki-tô, người cũng đã trở thành Mẹ Hội Thánh và đã chỉ cho mọi người nẻo đường dẫn đến Chúa Con.
Là một người phụ nữ thầm lặng, sẵn sàng lắng nghe và ngoan nguỳ để Cha dẫn dắt, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a được mọi thế hệ tuyên xưng là : “Đấng đầy ơn phúc”, vì mẹ đã nhận thấy Chúa Thánh Thần đã kiện toàn nơi Mẹ biết bao điều kỳ diệu. Mọi dân nước sẽ không bao giờ ngớt lời kêu cầu mẹ xót thương và luôn tìm thấy nơi nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ. Nguyện xin Mẹ đã cùng Con của mình là Đức Giê-su và bạn trăm năm là thánh Giu-se hành hương lên Đền Thánh của Thiên Chúa hằng che chở mọi bước đường những ai sẽ hành hương trong năm Toàn xá này. Và trong những tháng tới đây, xin Mẹ hằng đoái thương khẩn cầu thiết tha cho các tín hữu, ngõ hầu họ lãnh nhận được dồi dào ân sủng và lòng thương xót khi hoan hỉ mừng hai ngàn năm Đấng Cứu thế giáng sinh.
Vì hồng ân cứu độ được thực hiện nơi Chúa Ki-tô, xin cho lời ca ngợi của Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần được xướng lên bây giờ và mãi mãi.
Ban hành tại Đền thờ thánh Phêrô thành Rôma, ngày 29 tháng 11 năm 1998, Chúa nhật thứ I mùa Vọng, năm thứ 20 triều đại giáo hoàng của tôi.
Gioan Phaolô II
                                                                                               Giáo hoàng
ĐIỀU KIỆN
LÃNH NHẬN ÂN XÁ
Theo sắc lệnh hiện hành, để thực thi ý muốn của đức thánh cha đã ngỏ lời trong sắc chỉ công bố đại năm thánh 2000 và vì năng quyền được ân ban bởi đức giáo hoàng, Toà ân giải thiết định nguyên tắc liên quan đến việc lãnh nhận ơn toàn xá.
Tất cả các tín hữu, khi đã chuẩn bị đầy đủ, đều được tận hưởng dồi dào ân xá trong suốt năm thánh, chiếu theo những quy tắc sau :
Khi những ân xá được ban, hoặc theo cách chung hoặc theo thư phúc đáp đặc biệt, vẫn có hiệu lực trong trong suốt năm thánh, nên lưu ý rằng, ơn toàn xá cũng được chỉ cho những người đã qua đời : đề nghị này được xem là một nghĩa cử nổi bật về đức ái siêu nhiên, bởi vì trong Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, mối dây đức ái liên kết các tín hữu còn đang lữ hành dưới thế với những người đã ra đi. Như vậy, các tín hữu được lãnh nhận ơn toàn xá mỗi ngày một lần, và luật này có hiệu lực trong suốt năm toàn xá.[20]
Đỉnh cao của năm thánh là gặp gỡ Thiên Chúa là Cha, qua Đức Ki-tô là Đấng cứu độ đang hiện diện trong Hôi Thánh và qua các bí tích. Vì lẽ đó, khi khai mạc cũng như kết thúc, các cuộc hành hương trong suốt năm thánh đều cử hành các bí tích Hoà Giải và Thánh Thể, mầu nhiệm vượt qua của Đức Ki-tô, Đấng là sự bình an và hoà giải của chúng ta : đó là sự gặp gỡ có tính biến đổi nhằm mở lòng chúng ta đón nhận ân xá cho chính mình và cho tha nhân.
Chiếu theo điều 960 của Bộ Giáo Luật Hội Thánh Công Giáo và điều 720 §1 Bộ Giáo Luật của Giáo hội Đông phương, sau khi lãnh nhận bí tích Hoà giải theo phương cách thông thường, nghĩa là phải có việc thú tội cá nhân và toàn vẹn, mọi tín hữu có đủ điền kiện cần thiết đều được lãnh nhận hoặc áp dụng ơn toàn xá trong suốt thời gian thích hợp, thậm chí hằng ngày mà không cần phải xưng tội nữa. Tuy nhiên, các tín hữu nên thường xuyên lãnh nhận bí tích Hoà giải, vì nhờ ân sủng của bí tích này, họ mới vươn lên trong hành trình hoán cải và thanh luyện tâm hồn.[21] Bất kỳ việc lãnh nhận ân xá nào cũng đòi buộc phải tham dự thánh lễ, hơn nữa, thánh lễ ấy phải được cử hành trong ngày cùng với những công việc bắt buộc phải làm.[22]
Có hai vấn đề quan yếu cần phải được phối hợp đồng bộ với nhau, trước hết, cần phải có chứng từ về sự thông hiệp với Hội Thánh, được biểu lộ bằng việc cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng cũng như những nghĩa cử bác ái và tâm tình thống hối, đi kèm với những ý chỉ sau đây : những việc làm này có ý diễn tả một tâm hồn hoán cải chân thành, dẫn tới sự thông hiệp với Đức Ki-tô qua các bí tích. Thật thế, Đức Ki-tô chính là Đấng tha tội và là của lễ đền tội thay cho chúng ta (x. 1Ga 2,2).
Vấn đề quan yếu thứ hai đó là việc các tín hữu được lãnh nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, Người là “Đấng tha thứ mọi tội lỗi” [23], Đấng hướng dẫn từng người trở về với Cha nhân từ trong tâm tình con thảo và tín thác. Cuộc hội ngộ này làm nảy sinh quyết tâm hoán cải và canh tân, thông hiệp với Hội Thánh cũng như hành xử bác ái với anh chị em của mình.
Dù quy tắc lãnh nhận ân xá đã được xác định như trên, thế nhưng các cha giải tội vẫn có thể chuẩn chước cho những ai bị ngăn trở vì những lý do chính đáng, các vị có thể chuẩn cả những việc phải làm lẫn những điều kiện phải có.[24] Chẳng hạn, các đan sĩ phải giữ luật nội vi, những người đau yếu và tất cả những ai vì bất cứ lý do nào không thể rời nhà riêng của mình đều có thể thay thế việc viếng nhà thờ bằng việc viếng nguyện đường trong nội thất của mình ; thậm chí nếu không thể làm những việc này, người ta vẫn được lãnh nhận ân xá bằng sự thông hiệp thiêng liêng với những người đang chu tất những việc phải làm theo phương cách thông thường, kết hợp với việc dâng lên Thiên Chúa những tâm tình cầu nguyện, những nỗi đau thương và những hoàn cảnh bi đát. Khi đáp ứng những điều kiện đòi buộc, mọi tín hữu đều được lãnh nhận được ơn toàn xá tại :
1) Rô-ma, nếu thực hiện một cuộc hành hương đến một trong các Vương cung thánh đường Thượng phụ, nghĩa là, Vương cung thánh đường thánh Phê-rô tại Va-ti-ca-nô, Đại Vương cung thánh đường Đấng Cứu độ cực thánh tại La-te-ra-nô, Vương cung thánh đường Đức Bà Cả và Vương cung thánh đường thánh Phao-lô ở Ostiano, sốt sắng tham dự thánh lễ hoặc những hình thức cử hành phụng vụ khác như nguyện Kinh Sáng, Kinh Chiều, hoặc thực hành một việc đạo đức nào đó (ví dụ như viếng Đàng Thánh giá, lần Chuỗi Mân côi tôn vinh Mẹ Thiên Chúa), vả lại, nếu cá nhân hay tập thể viếng một trong bốn Vương cung thánh đường Thượng phụ trên, và có tham dự chầu Thánh Thể có phần suy ngẫm, kết thúc bằng kinh “Lạy Cha”, tuyên xưng đức tin bằng bất cứ công thức nào đã được phê chuẩn và cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
Ngoài việc hành hương đến với bốn Vương cung thánh đường Thượng phụ trên vào dịp lễ đặc biệt này, các tín hữu có thể hành hương đến những nơi khác để lãnh nhận ơn toàn xá với cùng những điều kiện đã nêu trên : Vương cung thánh đường Thánh giá ở Giê-ru-sa-lem, Vương cung thánh đường thánh Lôrenxô tại Campô Veranô, đền thờ Đức Bà giàu lòng thương xót hoặc các hang toại đạo Ki-tô giáo.[25]
2) Thánh Địa, nếu tuân theo các điều kiện trên khi viếng Vương cung thánh đường Mộ Thánh ở Giê-ru-sa-lem, hay Vương cung thánh đường Sinh Nhật tại Bê-lem hoặc Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Na-da-rét.
3) Những địa hạt khác của Hội Thánh, nếu tham dự hành hương về nhà thờ chánh toà hoặc các nhà thờ khác hay những nơi được đấng bản quyền chỉ định và sốt sắng tham dự việc cử hành phụng vụ hoặc những việc đạo đức khác, như đã liệt kê ở trên trong mục thành Rô-ma ; thêm vào đó, dù là tập thể hay cá nhân, nếu có viếng nhà thờ chánh toà hay đền thờ đã được đấng bản quyền chỉ định, dành giờ suy ngẫm, kết thúc bằng kinh Lạy Cha, tuyên xưng đức tin theo bất cứ công thức nào đã được phê chuẩn và cầu nguyện với Đức Trinh nữ Ma-ri-a.
4) Bất cứ nơi nào, nếu thu xếp được thời gian thuận tiện để thăm viếng anh chị em của mình đang cần sự trợ giúp hoặc lâm cảnh khó khăn (bệnh nhân, tù nhân, người già neo đơn, người khuyết tật...) như  thể đi thăm viếng Đức Ki-tô đang hiện diện nơi những anh chị em này (x. Mt 25,34-36), đáp ứng được những điều kiện thiêng liêng thông thường cũng như điều kiện của bí tích, đọc kinh cầu nguyện. Hẳn là các tín hữu sẽ mong thực hiện nhiều lần các cuộc thăm viếng như vậy trong suốt năm toàn xá, bởi vì khi làm như thế, họ được lãnh nhận ơn toàn xá, và tất nhiên mỗi ngày chỉ được lãnh nhận ơn toàn xá một lần mà thôi.
Ơn toàn xá của năm thánh cũng có thể được lãnh nhận thông qua các việc làm cụ thể nhằm bày tỏ lòng quảng đại và tinh thần thống hối. Thật thế, từ trước đến nay, tinh thần thống hối vẫn giữ vai trò trọng tâm trong năm toàn xá. Tinh thần thống hối cũng hàm ngụ việc giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết mỗi ngày (như bớt hút thuốc, giảm uống rượu, giữ chay hoặc kiêng thịt theo luật chung của Hội Thánh và những qui tắc được Hội đồng Giám mục địa phương chỉ định) dành một khoản tiền để chia sẻ với những người túng quẫn, tích cực hỗ trợ  các sinh hoạt tôn giáo và dịch vụ xã hội (đặc biệt vì lợi ích của các trẻ em bị bỏ rơi, những người trẻ đang gặp khủng hoảng, những người già yếu đang cần sự giúp đỡ, những người tha phương vì hoàn cảnh kinh tế) ; chia sẻ một phần thời gian rãnh rỗi của mình cho những hoạt động công ích, hoặc những hình thức hy sinh cá nhân khác nữa.
Ban hành tại Tông toà Xá giải ở thành Rôma, ngày 29 tháng 11 năm 1998, Chúa nhật thứ  I mùa Vọng.
                     Đức Hồng Y William Wakefield Baum
                              Chánh án toà ân giải tối cao
                       Luigi De Magistris - Phụ tá chánh án
                                Hữu Duy Minh chuyển ngữ



[1]   X. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế về mục vụ Hội Thánh trong thế giới ngày nay, 22.
[2]   X. số 1 : Công báo Toà thánh 71 (1979), 258.
[3]   X. Gioan Phaolô II, Tông thư Redemptionis anno (20/4/1984) : Công báo Toà thánh 76 (1984), 672.
[4]   X. Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh trong thế giới ngày nay, 40.
[5]   X. Gioan Phaolô II, Ngàn năm thứ ba đang đến, (10/10/1994), 36 : Công báo Toà thánh 87 (1995), 28.
[6]   X. Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh trong thế giới ngày nay, 41.
[7]   X. các số 39-54 : Công báo Toà thánh 87 (1995) 31-37.
[8]   X. Công đồng Vaticanô II,  Hc tín lý về mạc khải ,   2.4.
[9]   Các bài thơ tín lý, XXXI, Hymnus Ailas : PG 37, 510-511.
[10]          X. Chống lạc giáo, III, 17 : PG 7, 930.
[11]          X. Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh, 1.
[12]          Sắc chỉ Antiquorum habet (22/2/1300) : Bullarium Romanum III2, p.94.
[13] X. Gioan Phaolô II, Ngàn năm thứ ba đang đến, 33 : Công báo Toà thánh 87 (1995), 25.
[14]          X. Gioan Phaolô II, Thống hối và Hoà giải,  (2/12/1984), 28-34 : Công báo Toà thánh 77.
[15]          Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1446.
[16]          Gioan Phaolô II, Sắc chỉ Aperite portas Redemptori (6/1/1983), 9 : Công báo Toà thánh 75 (1983), 98.
[17] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1472.
[18]          Phaolô VI, tông hiến Indulgentiarum doctrina (1/1/1967), 9 : Công báo Toà thánh 59 (1967), 18.
[19]          X. số 33.37.52 :Công báo Toà thánh 87 (1995), 25-26 ; 29-30 ; 36.
[20]          X. Mục lục các ân xá, Libreria Editrice Vaticana 1986, Phần quy tắc tổng quát, 21, § 1.
[21]          X. Sđd, Phần quy tắc tổng quát. 23, §§ 1-2.
[22]          X. Sđd, Phần quy tắc tổng quát. 23, § 3.
[23] “Người chính là ơn tha thứ hết mọi tội lỗi” : Sách lễ Rôma, Lời nguyện trên lễ vật, Thứ bảy sau Chúa nhật VII Phục sinh.
[24] X. Mục lục các ân xá, Libreria Editrice Vaticana 1986, Phần quy tắc tổng quát, 27.
[25] X. Mục lục các ân xá, Libreria Editrice Vaticana 1986, phần áp dụng cho từng việc để lãnh nhận ân xá, 14.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét!