ĐTC GIOAN PHALÔ II
BÀI GIÁO LÝ THIÊN CHÚA ĐÃ TRAO BAN
CHO CHÚNG TA QUYỀN QUẢN TRỊ TRÁI ĐẤT
BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG 13-12-2000
1. Thánh Tông Đồ Phao-lô khẳng định rằng "quê hương của chúng ta ở trên trời" (Pl 3,20), nhưng ngài không kết luận rằng chúng ta cứ thụ động chờ đợi để được vào trong quê hương này; trái lại ngài thúc giục chúng ta phải dấn thân tích cực. Ngài viết : "Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gl 6, 9-10).
Mạc khải Kinh thánh và các nhà hiền triết đều nhấn mạnh rằng, một mặt nhân loại nỗ lực tìm kiếm cái vô biên và vĩnh cửu, mặt khác chân vẫn đạp đất, lệ thuộc vào không gian và thời gian. Có một mục tiêu siêu nhiên phải đạt tới nhưng vẫn đi theo một con đường trải dài trên trần thế và trong lịch sử. Những lời của sách Sáng Thế thật sáng tỏ: con người thụ tạo bị gắn chặt vào bụi đất, nhưng đồng thời cũng mang một "hơi thở", liên kết nó một cách trực tiếp với Thiên Chúa (x. St 2,7).
Sự thiếu hoà hợp là hậu quả của tội nguyên tổ
2. Sách Sáng thế cũng nói rằng khi con người được dựng nên từ bàn tay Thiên Chúa, con người được đặt vào "trong vườn Eden để cày cấy và chăm giữ" (2,15). Hai động từ trong nguyên bản Hippri thường được dùng ở nơi khác để chỉ sự "phục vụ" Thiên Chúa và "tuân giữ" lời Người, nghĩa là Israel cam kết giữ giao ước với Đức Chúa. Lối loại suy này dường như gợi lên rằng một giao ước đầu tiên liên kết Đấng Tạo Hoá với Adam và với mỗi con người thụ tạo, một giao ước được chu toàn qua việc làm đầy mặt đất, bằng cách chinh phục nó và thống trị trên mọi loài cá biển, chim trời và mọi loài sinh vật sống trên mặt đất (St 1,28; Tv 8,7-9).
Đáng tiếc thay, con người thường thực hiện sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho mình không như một người thợ khôn ngoan nhưng như một bạo chúa độc đoán. Kết cục, con người nhận thấy mình giờ đây đang sống trong một thế giới bị huỷ diệt và thù địch, trong một xã hội phân tán và chia rẽ, như sách Sáng thế dạy cho chúng ta trong bức hoạ vĩ đại ở chương ba, mô tả cho chúng ta sự đổ vỡ của sự hoà hợp giữa con người với tha nhân, với trái đất và với chính Đấng Tạo Hoá. Đây là hậu quả của tội nguyên tổ, nghĩa là của sự nổi loạn xảy ra ngay từ lúc khởi đầu kế hoạch mà Thiên Chúa trao phó cho con người.
3. Vì thế, với ân sủng của Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc, chúng ta một lần nữa phải đón nhận làm của mình kế hoạch hoà bình và phát triển, công lý và liên đới, biến đổi và sử dụng khôn ngoan các thực tại trần thế chóng qua được tiên báo trong những trang đầu của Kinh thánh. Chúng ta phải tiếp tục cuộc phiêu lưu vĩ đại của nhân loại trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật, khi khám phá những bí mật của thiên nhiên. Chúng ta phải làm phát triển - qua cuộc sống kinh tế, thương mại, và xã hội -sự thịnh vượng, kiến thức và chiến thắng trên nghèo đói và trên mọi điều làm hạ giá nhân phẩm.
Theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa đã trao công trình sáng tạo của Người cho con người để công trình đó được thực hiện qua những khéo léo kỳ diệu của khoa học và kỹ thuật, và qua sự dấn thân hằng ngày của những người thợ, những học giả và những ai, bằng bàn tay và khối óc của mình, ra sức "cày cấy và chăm sóc" trái đất này và làm gia tăng sự liên đới giữa con người. Thiên Chúa không vắng mặt trong công trình sáng tạo của Người, nhưng đã "ban cho con người vinh quang danh dự", như thể là đặt con người làm đại diện cho Người trong thế giới và trong lịch sử, bằng sự tự trị và tự do (x. Tv 8, 6-7).
4. Như vịnh gia nói, vào buổi sáng "con người ra đi làm việc mãi cho tới lúc chiều tà" (Tv 104,23). Trong các dụ ngôn, Đức Kitô cũng đề cập tới công việc của con người trên cánh đồng và nơi biển cả, ở nhà và tại các nơi hội họp, nơi toà án và nơi phố chợ. Người dùng nó để làm biểu tượng minh hoạ cho mầu nhiệm Nước Trời và sự thực hiện lần lần của mầu nhiệm ấy, mặc dù Người biết rằng công trình ấy thường bị sự dữ và tội lỗi, ích kỷ và bất công phá hỏng. Sự hiện diện mầu nhiệm của Nước Trời trong lịch sử nâng đỡ và làm sinh động sự dấn thân của người Kitô hữu trong các công việc trần thế.
Khi dấn thân trong công việc và cuộc chiến đấu này, người Kitô hữu được mời gọi hợp tác với Đấng Tạo Hoá để xây dựng trên trần thế một "ngôi nhà cho con người" phù hợp hơn với nhân phẩm và ý định của Thiên Chúa, ngôi nhà trong đó "tín nghĩa ân tình hội ngộ, hoà bình công lý giao duyên" (Tv 85,11).
Giáo hội nhìn nhận sự độc lập của các thực tại trần thế
5. Trong ánh sáng này, tôi muốn một lần nữa đưa ra để anh chị em suy niệm đoạn văn của Hiến chế Mục vụ, Gaudium et spes (x. chương III và IV) mà Công đồng Vaticanô II nói về "hoạt động của con người trong vũ trụ" và "vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại". Công đồng dạy rằng "đối với các tín hữu, một điều chắc chắn là: hoạt động cá nhân hay tập thể, nỗ lực vĩ đại ấy của con người qua bao thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, không bị đặt thành vấn đề : tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa" (Gaudium et spes, n. 34).
Sự phức tạp của xã hội hiện đại làm cho sự dấn thân để linh hoạt các cơ cấu chính trị, văn hoá, kinh tế, và kỹ thuật vốn thường xơ cứng, càng gay go hơn bao giờ hết. Nơi chân trời khó khăn nhưng đầy hứa hẹn này, Hội Thánh được mời gọi nhìn nhận sự độc lập của các thực tại trần thế (x. Gaudium et spes, số 36) và cũng loan báo cách mạnh mẽ rằng "đạo đức vượt trên kỹ thuật, con người đi trước các sự vật, tinh thần vượt trên vật chất" (Bộ Giáo Giáo dục Công giáo, sách Hướng dẫn Dạy và Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 30.10.1988, số 44). Chỉ theo cách đó, lời tiên đoán của thánh Phao-lô mới được thực hiện : "Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang" (Rm 8, 19-21).
+ Gioan-Phaolô II
Phan Du Sinh