SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
CHO NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LẦN THỨ 38
Chúa nhật IV Phục sinh: 06/05/2001
ĐỀ TÀI : ĐỜI SỐNG LÀ MỘT ƠN GỌI
Anh em đáng kính trong hàng Giám mục,
Anh chị em thân mến trên toàn thế giới,
1. “Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi” sắp tới, sẽ diễn ra vào ngày 06/05/2001, sau khi kết thúc Năm Đại Toàn Xá mới được vài tháng, có đề tài là : “Đời sống như một ơn gọi”. Tôi muốn dừng lại, dể nhờ sứ điệp này, cùng với anh chị em suy tư về một đề tài có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kitô hữu.
Từ “ơn gọi” nói lên rất đúng mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người trong tình yêu tự do, bởi vì “mỗi đời sống là một ơn gọi” (Phaolô VI, Thông điệp phát triển các dân tộc, số 15). Khi kết thúc công cuộc tạo dựng, Thiên Chúa ngắm nhìn con người và nhận thấy rằng, “đó là điều rất tốt !” (x.St.1,31) : Ngài đã tạo dựng con người “theo hình ảnh mình và giống mình”. Ngài đã trao vũ trụ vào bàn tay cần cù của con người và mời gọi con người bước vào một mối tương quan yêu thương mật thiết.
Từ “ơn gọi” giúp con người thấu hiểu những năng động của Mặc khải Thiên Chúa và do đó khai mở cho họ nhận ra chân lý về đời sống của mình. Như chúng ta đọc thấy trong văn kiện Công đồng Gaudium et Spes : “Đặc tính cao cả nhất của phẩm giá con người nằm trong ơn gọi con người được hiệp thông với Thiên chúa. Thiên Chúa khởi sự mời gọi con người đối thoại với Ngài, cùng với sự xuất hiện của họ trên đời. Bởi vì, nếu con người hiện hữu, là vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tạo dựng họ, và cũng vì yêu thương mà ngài luôn cho họ được sống. Và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý, nếu tự do nhìn nhận tình yêu đó và phó thác cho Đấng tạo dựng nên mình (số.9). Chính dựa trên cuộc đối thoại yêu thương với Thiên Chúa, mà khả năng phát triển theo hình dạng và những đặc tính riêng được xây dựng cho mỗi người. Những đặc tính riêng này, đã nhận được như những ân ban, cũng có khả năng mang lại cho lịch sử và các mối tương quan căn bản của đời sống hằng ngày một ý nghĩa, khi con người tiến tới sự sống viên mãn.
2. Việc coi đời sống như một ơn gọi sẽ trợ giúp tự do bên trong, nhờ khơi dậy trong con người niềm ước vọng trước tương lai, đồng thời từ chối quan niệm về một đời sống thụ động, buồn nản và tầm thường. Như thế, đời sống luôn mang giá trị của “ân ban đã lãnh nhận mà theo bản tính nhằm trở nên điều thiện hảo được ban lại cho kẻ khác” (Những ơn gọi mới cho một Châu Âu mới, Năm 1998, số 16, b). Con người chứng tỏ mình được tái sinh trong Thánh Thần (x.Ga.3,3.5), khi tập sống theo con đường giới răn mới : "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.15,12). Ta có thể quả quyết rằng, theo một nghĩa nào đó, tình yêu là sắc thái đặc trưng (ADN) của con cái Thiên Chúa : đó là “ơn gọi thánh thiện” đã kêu mời chúng ta sống “phù hợp với kế hoạch riêng và ân sủng của Ngài. Ân sủng đó Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện” (2Tm.1,9-10).
Khởi đầu mỗi bước đường ơn gọi, đều có Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở-cùng-chúng-ta. Chính Ngài mặc khải cho chúng ta biết, chúng ta không đơn độc khi xây dựng đời sống mình, bởi vì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta giữa những biến cố liên tiếp, và nếu ta muốn, Ngài sẽ xây dựng với mỗi người chúng ta một cuộc tình kỳ diệu, độc nhất và không giống nhau, nhưng đồng thời lại phù hợp với con người và vũ trụ. Khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử đời mình, sẽ không cảm thấy mình mồ côi nữa, nhưng biết rằng mình có một Người Cha mà ta có thể hoàn toàn tin cậy nơi Ngài : đó là khúc rẽ quan trọng có thể biến đổi triển vọng con người, Và như Hiến chế Gaudium et Spes quả quyết, con người “chỉ nhận ra mình cách trọn vẹn, nhờ việc hiến thân chân thành” (Số 24). Trong những lời của Công đồng Vatican II trên đây, đã hàm chứa bí quyết sống đời kitô hữu và toàn bộ việc thể hiện con người đích thực.
3. Tuy nhiên, ngày nay khi đọc lại đời mình, người Kitô hữu cần phải để ý một số nét đặc trưng của văn hoá phương tây, ở đó Thiên Chúa bị gạt bỏ ra khỏi đời sống hằng ngày. Đó là lý do tại sao một thái độ nhất trí dấn thân của tòan thể cộng đoàn Kitô hữu lại cần thiết để “Tái rao giảng Tin mừng sự sống”. Thái độ dấn thân mục vụ căn bản này rất cần đến chứng tá của những con người nam nữ, là những người có thể biểu lộ một đời sống phong phú có nguồn gốc trong Thiên Chúa, có sức mạnh nhờ vâng phục họat động của Thánh Thần, có sự bảo đảm ý nghĩa đích thực cho những nhọc nhằn hằng ngày nhờ hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo hội. Mỗi Kitô hữu cần khám phá ra ơn gọi cá biệt của mình trong cộng đoàn Kitô giáo và quảng đại đáp lại ơn gọi đó. Mỗi đời sống là một ơn gọi và mỗi tín hữu được mời gọi để cộng tác xây dựng Giáo hội. Mục đích của “Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi” là lôi cuốn sự chú ý đến nhu cầu cấp thiết của thừa tác viên chức thánh và những người sẵn sàng bước theo Chúa Kitô trên con đường thiết thân sống đời thánh hiến nhờ thực hành những lời khuyên Phúc âm.
Ta cần những thừa tác viên chức thánh, để “bảo đảm thường xuyên sự hiện diện cách bí tích của Chúa Kitô, Đấng cứu thế qua các thời đại và nơi chốn khác nhau” (Kitô hữu giáo dân, số 55) và khi loan báo Lời cũng như cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, sẽ hướng dẫn các cộng đòan Kitô hữu trên bước đường dẫn đến sự sống đời đời.
Ta cũng cần những con người nam nữ, để nhờ chứng tá của họ, sẽ “duy trì nơi những người chịu Phép Rửa ý thức sống động về những giá trị căn bản của Tin Mừng” và “làm cho hiện diện liên tục trong ý thức của Dân Chúa, đòi hỏi phải đáp trả một đời sống thánh thiện đối với tình yêu mà Thiên Chúa đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, bằng cách phản ánh trong sinh họat sự thánh hiến mang tính bí tích mà Thiên Chúa thực hiện qua Phép rửa, Thêm sức hoặc Truyền chức” (Đời thánh hiến, số 33 ).
Chớ gì Thánh Thần sẽ khơi dậy nhiều ơn gọi sống đời thánh hiến đặc biệt, để giữa dân Kitô giáo luôn có một sự gắn bó với Tin mừng cách quảng đại hơn và làm cho mọi người hiểu biết cách dễ dàng hơn ý nghĩa đời sống cần phải sáng lên vẻ đẹp và sự thánh thiện của Thiên Chúa.
4. Giờ đây, tôi nghĩ đến biết bao người trẻ đang khao khát các giá trị mà họ không gặp được con đường dẫn họ đạt tới. Phải, chỉ mình Chúa Kitô mới là Đường là Sự Thật và Sự Sống. Vì thế, cần phải giúp họ gặp được Chúa, giúp họ thiết lập một tương quan sâu xa với Ngài. Chúa Giêsu phải bước vào thế giới của họ, đảm nhận lịch sử của họ và mở rộng tâm hồn họ, để họ học biết Ngài luôn mãi và dần dần noi gương Tình yêu Ngài.
Để điều đó trở nên hữu hiệu, tôi nghĩ đến vai trò quan trọng của các Mục tử trong Dân Chúa. Tôi muốn nhắc nhở họ những lời của công đồng Vatican II : “Trước hết, các Linh mục phải hết sức để tâm trình bầy cho các Kitô hữu hiểu biết tầm quan trọng và sự cần thiết của chức Linh mục. Các ngài có thể làm điều đó bằng lời giảng dạy và bằng chứng tá đời sống, một đời sống bộc lộ rõ nét tinh thần phục vụ và niềm vui Phục sinh đích thực … Các ngài cần phải quan tâm và cẩn thận hướng dẫn thiêng liêng cho họ, vì đó là điều rất hữu ích… Nhưng tiếng Chúa mời gọi không thể tới tai các Linh mục tương lai một cách lạ thường như ta tưởng. Đúng hơn cần phải khám phá và biện phân tiếng mời gọi đó, qua các dấu chỉ hằng ngày mà Chúa muốn dùng để tỏ ý Ngài cho các Kitô hữu biết lắng nghe. Đó là những dấu chỉ mà các Linh mục cần phải hết sức quan tâm. (Presbyterorum Ordinis, số11).
Cuối cùng, tôi nghĩ đến những người nam nữ đang sống đời thánh hiến, được mời gọi để minh chứng rằng hy vọng của chúng ta chỉ gặp được trong Chúa Kitô. Chỉ mình Ngài mới ban cho chúng ta năng lực để sống những chọn lựa sống như Ngài. Chỉ cùng với Ngài, mới có thể đón nhận được những nhu cầu cưú độ thâm sâu của con người. Chớ gì sự hiện diện và phục vụ cuả những người sống đời Thánh hiến, có thể mở rộng tâm trí người trẻ tới những chân trời hy vọng đầy tràn Thiên Chúa và giáo dục họ biết yêu mến và phục vụ cách khiêm tốn và vô tư. Chớ gì ý nghĩa mang tính Giáo hội và văn hóa của đời sống Thánh hiến nơi họ, luôn được diễn tả cách tốt hơn nhờ những đề xuất mục vụ chuyên biệt, nhờ những hành động giáo dục và huấn luyện những người trẻ biết lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa, biết sử dụng tinh thần tự do để đáp lại tiếng mời gọi đó, cách quảng đại và nhiệt tình.
5. Các cha mẹ Kitô hữu thân mến, giờ đây tôi xin ngỏ lời với anh chị em, để khuyến khích anh chị em sống gần gũi con cái mình. Không nên để chúng một mình trước những chọn lựa quan trọng của thời thiếu niên và tuổi trẻ. Hãy giúp đỡ chúng đừng bị áp lực bởi việc tìm kiếm nếp sống thoải mái phóng túng và hãy hướng dẫn chúng tới niềm vui đích thực, niềm vui của Thánh Thần. Hãy làm dội vang trong tâm hồn chúng, đôi khi bị nỗi sợ hãi tương lai chiếm đọat, niềm vui giải phóng của đức tin. Như vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Người Tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Phaolô VI đã viết, anh em hãy giáo dục chúng “biết thưởng nếm cách đơn sơ nhiều niềm vui của con người mà Tạo hóa đã đặt trên bước đường cùa chúng : niềm vui phấn khởi của cuộc đời và sự sống, niềm vui của tình yêu trong sạch và được thánh hoá, niềm vui thanh bình của thiên nhiên và thinh lặng. Niềm vui đôi khi khắc khổ vì công việc nặng nề, niềm vui và thanh thỏa của bổn phận được chu toàn, niềm vui trong sáng của nếp sống trong sạch, phục vụ, chia sẻ, niềm vui yêu sách của hy sinh” (Gaudete in Domino, I)
Chớ gì hoạt động của các giảng viên giáo lý, và các nhà giáo dục Kitô giáo, là những người được mời gọi cách đặc biệt để cổ võ người trẻ ý thức ơn gọi. Bổn phận của họ là hướng dẫn các thế hệ mới biết khám phá ra kế hoạch của Thiên Chúa trên chúng, nhờ trau dồi trong chúng khả năng biến đời mình, khi Chúa mời gọi, trở thành một quà tặng cho sứ vụ. Điều này sẽ được thực hiện qua những chọn lựa dần dần, nhằm chuẩn bị cho lời thưa “Xin vâng” cuối cùng, nhờ đó mà toàn diện đời sống được dành cho việc phục vụ Tin Mừng. Anh chị em giảng viên giáo lý và nhà giáo thân mến, để đạt được mục tiêu đó, anh chị em cần giúp đỡ các người trẻ được trao phó cho mình, biết nhìn lên cao, biết thóat khỏi cơn cám dỗ thỏa hiệp thường xuyên. Hãy giáo dục chúng biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha, là Đấng biểu lộ tình yêu cao cả phi thường của Ngài, khi trao phó cho mỗi người một trách vụ cá nhân, nhằm phục vụ sứ vụ trọng đại là “đổi mới bộ mặt địa cầu”.
6. Trong sách Công vụ tông đồ, chúng ta đọc thấy rằng, các kitô hữu đầu tiên “tỏ ra chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, trung thành với việc việc hiệp thông huynh đệ, với việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2,42 ). Mỗi cuộc gặp gỡ Lời Chúa là thời gian thuận tiện cho một lời mời tiến tới ơn gọi. Việc tiếp xúc thường xuyên với Kinh Thánh sẽ giúp ta hiểu được cung cách và thái độ Thiên Chúa thường bầy tỏ khi tuyển chọn, mời gọi, giáo dục và gíup con người tham dự vào tình yêu của Ngài.
Việc cử hành Thánh Thể và cầu nguyện cũng giúp ta thấu hiểu lời của Chúa Giêsu : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38 ; x. Lc.10, 2 ). Khi cầu nguyện cho ơn gọi, ta cần tập ngắm nhìn với sự khôn ngoan của Tin mừng; ngắm nhìn thế giới và những gì mỗi người đang cần để sống và được cứu độ. Hơn nữa, ta cũng cần sống đức ái và lòng trắc ẩn của Chúa Kitô đối với nhân lọai, để nài xin ơn có thể nói lên, theo gương của Đức Trinh Nữ : “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc.1,38)
Tôi mời gọi mọi người hãy cùng tôi khẩn cầu Chúa, để không thể thiếu vắng thợ gặt cho mùa gặt của Ngài :
Lạy Cha chí thánh,
Nguồn suối vô tận của cuộc sống và tình yêu,
tình yêu biểu lộ trong con người đang sống
vinh quang ngời sáng của Cha,
tình yêu đặt trong tâm hồn con người mầm mống tiếng Cha mời gọi,
Xin làm cho không người nào, vì sự lười biếng của chúng con,
mà không biết hay mất đi ân sủng đó,
nhưng xin làm cho mọi người, với lòng quảng đại cao cả,
luôn đi tới việc thể hiện tình yêu của cha.
Lạy Chúa Giêsu,
trong suốt thời gian hành trình trên khắp nẻo đường xứ Pa-lét-tin,
Chúa đã chọn gọi các Tông đồ và trao phó cho họ trách vụ,
Là rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các tín hữu,
cử hành phụng tự thánh,
Hôm nay, xin cũng ban cho Giáo hội Chúa
không thiếu các Linh mục thánh thiện,
Để mang đến cho mọi người
hoa trái của cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa thánh hóa Giáo Hội,
Bằng việc đổ tràn ân sủng Chúa cách liên tục,
Xin đặt trong tâm hồn
những người được mời gọi sống đời thánh hiến.
Một đam mê sâu kín nhưng mãnh liệt vì Triều Đại,
Để với một tiếng “xin vâng” quảng đại và vô điều kiện,
Họ dành trọn đời mình nhằm phục vụ Tin Mừng.
Lạy Trinh Nữ rất thánh, Mẹ không ngần ngại
Tận hiến đời mình cho Đấng Toàn năng
Để thực hiện công trình cứu độ của Người,
Xin khơi dậy niềm tín thác trong tâm hồn những người trẻ,
Để luôn có những vị mục tử nhiệt thành,
Biết hướng dẫn dân kitô giáo trên con đường sự sống,
Và những tâm hồn được thánh hiến có thể minh chứng
Nhờ đời sống trong sạch, thanh bần và vâng phục,
Sự hiện diện giải thoát của Người Con Cha, Đấng đã Phục sinh. Amen.
Từ Vatican, ngày 14 tháng 9 năm 2000.
Gioan-Phaolô II.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét!