LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Thông Điệp Mùa Chay Năm 2000 - Thầy Ở Cùng Anh Em Mọi Ngày Cho Đến Tận Thế

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
THÔNG ĐIỆP MÙA CHAY NĂM 2000
THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ
Anh chị em rất thân mến,
1. Mùa Chay năm nay, thời điểm hối cải và giao hoà với Thiên Chúa, có một sắc thái đặc biệt vì năm nay là Đại Năm Thánh 2000. Thật vậy Mùa Chay là đỉnh cao của cuộc hành trình hối cải và giao hoà mà Năm Thánh, năm Chúa ban hồng ân, đề ra cho mọi tín hữu để họ có thể đổi mới lòng trung thành của mình với Đức Kitô và công bố mầu nhiệm cứu độ của Ngài với một lòng hăng say mới trong thiên niên kỷ thứ ba này. Mùa Chay giúp cho các Kitô hữu tiến sâu hơn vào mầu nhiệm "đã giấu kín từ muôn thuở" (Eph 3,9). Mùa Chay dẫn họ đến việc tự kiểm điểm mình dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa hằng sống và thúc giục họ từ bỏ nếp sống ích kỷ để có thể tiếp nhận được những tác động cứu độ của Chúa Thánh Thần.
2. "Chúng ta đã chết vì sa ngã" (x. Ep 2,5) : đây là tình trạng của loài người - được thánh Phaolô diễn tả - khi họ không có Đức Kitô. Đó chính là lý do tại sao Con Thiên Chúa đã muốn kết hợp với nhân loại để cứu chuộc họ thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết.
Đó là một sự nô lệ mà con người chịu đựng từng ngày khi họ cảm nhận được là nó đã bén rễ sâu trong lòng mình (x. Mt 7,11). Đôi khi sự nô lệ đó thể hiện ra trong những cách thức đầy bi thảm và khác thường, như đã từng xảy ra trong các thảm kịch của thế kỷ 20. Những thảm kịch đó đã để lại dấu ấn sâu xa trong cuộc đời của biết bao cọng đồng và cá nhân, khiến họ trở thành những nạn nhân của bạo lực dã man. Thảm kịch của những con người bị bắt buộc phải rời xa quê hương, bị huỷ diệt cả dân tộc, bị tước bỏ những quyền căn bản của con người, thảm kịch đó ngày nay vẫn tiếp tục làm nhục loài người. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng thấy đủ các hình thức bất công, thù hận, huỷ hoại và dối trá mà con người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Nhân loại bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Tình trạng bi đát này nhắc nhở chúng ta về lời báo động của Vị Thánh Tông Đồ các dân ngoại : "Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không" (Rm 3,10 ; x. Tv 14,3).
3. Trong bóng đêm bao trùm bởi tội lỗi và tình trạng vô phương tự giải thoát của con người, công trình cứu độ của Đức Kitô đã xuất hiện đầy vẻ huy hoàng : "Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra làm hy lễ đem lại ơn tha tội cho những ai tin vào Người. Như vậy Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính" (Rm 3,25). Chúa Giêsu Kitô là Con Chiên đã gánh hết tội lỗi thế gian (x. Ga 1,29). Ngài đã chia sẻ thân phận con người "cho đến chết và chết trên cây thập tự giá" (Pl 2,8), để cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ, và giúp con người lấy lại phẩm giá con cái Thiên Chúa ban đầu của mình. Đây là mầu nhiệm vượt qua mà nhờ đó chúng ta được tái sinh. Như lời ca tiếp liên trong lễ Phục Sinh "Sự chết và sự sống giao đấu với nhau, cuộc chiến đấu đã kết thúc cách diệu kỳ". Các thánh Giáo Phụ đã quả quyết rằng ma quỷ tấn công toàn thể loài người và đẩy nhân loại vào cõi chết, nhưng trong Đức Giêsu Kitô, nhân loại được giải thoát khỏi chết chóc nhờ sức mạnh vinh quang của Chúa Phục Sinh. Trong Chúa Phục Sinh, quyền lực của sự chết đã bị bẻ gẫy và nhân loại, qua đức tin, có thể đạt được sự thông hiệp với Thiên Chúa. Đối với những ai tin vào Thiên Chúa, Ngài ban cho họ sự sống thật, thông qua tác động của Chúa Thánh Thần, "quà tặng đầu tiên cho những ai tin tưởng" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV). Do đó, sự cứu chuộc hoàn tất trên thập giá đã canh tân thế giới và đem lại sự hoà giải giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau.
4. Năm Thánh là thời của hồng ân, là thời điểm mà chúng ta được mời gọi mở rộng tâm hồn cách đặc biệt để đón nhận lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đã xuống với con người trong chính Người Con Một của Mình, và để đón nhận ơn hoà giải, quà tặng lớn lao của Đức Kitô. Vì thế, năm nay phải trở nên một thời điểm quý giá, không những cho các Kitô hữu mà còn cho mọi người thiện chí, để tất cả cảm nhận được sức mạnh canh tân trong tình yêu tha thứ và giải hoà của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban tặng lòng thương xót của Ngài cho bất cứ ai muốn đón nhận, kể cả những người còn xa cách và ngờ vực. Con người thời đại chúng ta đã mệt mỏi vì sự tầm thường và những niềm hy vọng hão huyền, nay được ban tặng một cơ hội để khởi đầu trên đường dẫn đến sự sống viên mãn. Trong ý nghĩa đó, Mùa Chay Năm Đại Thánh 2000 đặc biệt là "thời điểm thuận tiện… là ngày cứu độ" (2Cr 6,2), là cơ hội vô cùng thích hợp "để làm hoà với Thiên Chúa" (2Cr 5,20).
Trong suốt Năm Đại Thánh, Giáo Hội tạo nhiều cơ hội hoà giải cho cá nhân và cộng đoàn. Các giáo phận đã chỉ định những nơi đặc biệt mà các tín hữu có thể đến để cảm nhận sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa, qua ánh sáng của Ngài, họ nhận thức được tình trạng đầy tội lỗi của mình, và qua bí tích hoà giải, họ bắt đầu bước vào con đường sống mới. Hành hương đến Đất Thánh và Roma có tầm quan trọng khác thường, vì đó là nơi chốn đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa do vai trò độc đáo trong lịch sử cứu độ của những nơi này. Làm sao chúng ta không lên đường tiến về Đất Thánh, ít là trong tinh thần, nơi mà 2000 năm trước đã chứng kiến cuộc vượt qua của Chúa ; nơi mà "Ngôi Lời đã trở nên người phàm" (Ga 1,14), rồi "càng ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến" (Lc 2, 52) ; nơi "Ngài đã đi qua tất cả các thành phố và làng mạc … rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền" (Mt 9, 35) ; nơi Ngài đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó (x. Ga 19, 30) và ban Thánh Thần xuống cho Hội Thánh sơ khai (x. Ga 20, 22).
Chính tôi cũng hy vọng, đúng vào Mùa Chay Năm 2000, sẽ là một khách hành hương về Đất Thánh, đến những nơi mà niềm tin của chúng ta đã bắt đầu, để cử hành Năm Thánh 2000 của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Tôi xin mời gọi tất cả anh chị em Kitô hữu hãy đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện, khi tôi trải qua những chặng đường của cuộc hành hương này. Tôi sẽ khẩn cầu ơn tha thứ và hoà giải cho các con cái của Giáo Hội và cho toàn thể loài người.
5. Con đường hối cải dẫn chúng ta đến sự hoà giải với Thiên Chúa và đến sự sống viên mãn mới mẻ trong Đức Kitô. Đó là một cuộc sống tin cậy mến. Ba nhân đức ấy vẫn được gọi là những nhân đức "đối thần" vì chúng quy hướng trực tiếp về Thiên Chúa trong mầu nhiệm của Ngài, đã được học hỏi cách đặc biệt trong suốt ba năm chuẩn bị cho Năm Đại Thánh. Việc cử hành Năm Thánh này mời gọi mỗi tín hữu phải sống và làm chứng cho những nhân đức ấy một cách đầy đủ và có ý thức hơn. Hồng ân Năm Đại Thánh, trên tất cả mọi sự, đòi mỗi người chúng ta canh tân đức tin của mình. Điều này bao gồm việc gắn bó chặt chẽ với việc tuyên xưng Mầu Nhiệm Vượt Qua, qua đó các Kitô hữu tin nhận rằng họ đã được ơn cứu độ nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết. Ngày qua ngày, họ dâng lên Ngài cuộc sống của họ, chấp nhận mọi sự Chúa gửi đến cho mình với niềm xác tín rằng mình đang được Chúa yêu thương. Đức tin là tiếng "xin vâng" của mỗi cá nhân đối với Thiên Chúa, là tiếng "Amen" thật sự của mỗi người.
Đối với những người theo Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, Abraham là gương điển hình của người tín hữu : đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa, ông đã đi theo tiếng Chúa gọi, dấn bước trên con đường chưa biết sẽ đi về đâu. Đức tin giúp ta khám phá ra những dấu chỉ về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong các loài thụ tạo, trong con người, trong biến cố lịch sử và, trên tất cả, trong những kỳ công và sứ điệp của Đức Kitô, vì Ngài giúp con người nhìn xa trông rộng để vượt qua chính họ, vượt qua những dáng vẻ bên ngoài, để thấy được điều siêu việt mà ở đó họ có thể hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi loài thụ tạo.
Qua hồng ân Năm Đại Thánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta canh tân đức cậy. Quả thật, chính thời gian đã được cứu chuộc trong Đức Kitô và mở ra một viễn tượng về niềm vui bất tận và sự thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa. Đối với Kitô hữu, thời gian được đánh dấu bằng niềm hy vọng sẽ được dự tiệc cưới muôn đời, mà ta được nếm trước mỗi ngày nơi bàn tiệc Thánh Thể. Hướng lòng về bàn tiệc đời đời, Thần Khí và Tân Nương nói : "Xin Ngài ngự đến" (Kh 22,17), chúng ta nuôi được niềm hy vọng sẽ làm cho thời gian thoát khỏi sự lặp đi lặp lại đơn điệu và đạt được ý nghĩa đích thực của nó. Qua đức cậy, các Kitô hữu chứng thực rằng, vượt trên mọi tội ác và vượt qua mọi giới hạn, lịch sử mang trong mình mầm mống tốt lành mà Thiên Chúa sẽ làm cho nó phát triển đến độ tràn đầy. Do đó, họ không sợ hãi tiến vào thiên niên kỷ mới, và đối mặt với các thách đố và các kỳ vọng của tương lai với lòng cậy trông bền vững xuất phát từ niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa.
Cuối cùng, qua Năm Thánh, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta làm sống động lại đức ái. Nước Trời mà Chúa Giêsu Kitô sẽ bày tỏ sự huy hoàng trọn vẹn trong ngày thế mạt, thực sự đã tồn tại nơi những người sống theo thánh ý Chúa. Giáo Hội được mời gọi trở nên chứng nhân cho sự hiệp thông, hoà bình và bác ái, là các dấu chỉ đặc trưng của Nước Trời. Trong sứ mạng này, cộng đoàn Kitô hữu biết rằng, đức tin không có hành động là đức tin chết (x. Gc 2, 17). Vì thế, qua đức ái, Kitô hữu làm cho người khác cảm nghiệm được tình Chúa thương yêu nhân loại thể hiện nơi Đức Kitô, và làm cho sự hiện diện của Đức Kitô biểu lộ ra trong một thế giới "đang tiến đến thời cuối cùng". Đối với người Kitô hữu, bác ái không phải chỉ là một cử chỉ bên ngoài hay là một lý tưởng, nhưng có thể nói, là nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đã ban tặng chính Ngài.
Trong suốt Mùa Chay, mọi người, giàu hay nghèo, đều được kêu mời để mang sự hiện diện của tình yêu Đức Kitô đến cho anh em mình qua những công việc bác ái quảng đại. Trong Năm Thánh này, lòng bác ái của chúng ta được đặc biệt kêu mời để biểu lộ tình yêu Đức Kitô cho những anh chị em đang thiếu thốn, đói khát, hay đang phải chịu đựng bạo lực bất công. Đây là con đường để làm cho lý tưởng về cuộc giải phóng và tình huynh đệ trở thành hiện thực, những lý tưởng này đã được tìm thấy trong Kinh Thánh và lại được Năm Thánh đặt ra cho chúng ta một lần nữa. Năm Thánh của những người Do Thái thời xưa đã đòi hỏi phải giải phóng nô lệ, tha nợ, và trợ giúp người nghèo khó. Ngày nay, những hình thái mới của chế độ nô lệ và của tình trạng nghèo khổ còn bi đát hơn, đang dày xéo biết bao con người, đặt biệt trong các nước thuộc thế giới thứ ba. Đây là tiếng kêu gào nêu lên nỗi đau khổ và tuyệt vọng cần phải được lắng nghe và đáp ứng bởi những ai đang bước đi trên con đường Năm Thánh. Làm sao chúng ta có thể kêu cầu hồng ân Năm Thánh xuống trên chúng ta, trong khi chính chúng ta lại thờ ơ trước những nhu cầu của người nghèo, nếu chúng ta chẳng làm gì để bảo đảm những nhu cầu tối thiểu cho họ sống đúng là một con người.
Ước gì thiên niên kỷ sắp sửa bắt đầu sẽ là thời kỳ để những tiếng kêu gào thảm thiết của vô số anh chị em chúng ta, những người không có đủ những thứ tối cần để sống, cuối cùng, sẽ được nghe thấy và được đáp trả cách quảng đại. Tôi hy vọng rằng các Kitô hữu ở mọi cấp bậc sẽ là những người đưa ra những sáng kiến cụ thể để bảo đảm có được sự phân phối công bình hơn những tài nguyên và đồng thời nâng cao sự phát triển nhân bản toàn diện của mỗi cá nhân.
6. "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". Những lời này của Đức Giêsu bảo đảm cho chúng ta rằng, khi chúng ta tuyên xưng và sống đúng theo Tin Mừng của tình bác ái, chúng ta không lẻ loi. Một lần nữa, trong suốt Mùa Chay Thánh Năm 2000 này, Ngài mời gọi chúng ta trở về cùng Chúa Cha, Đấng đang đợi chờ chúng ta với vòng tay rộng mở, để biến đổi chúng ta thành những dấu chỉ sống động và hữu hiệu của tình yêu đầy lòng thương xót của Ngài.
Lạy Mẹ Maria, Người Mẹ của tất cả những ai đang đau khổ và là Mẹ của Lòng Chúa Xót Thương, chúng con phó thác mọi ý định và quyết tâm của chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ là ánh sao sáng dẫn đưa chúng con trên những nẻo đường của thiên niên kỷ mới này.
Với những tình cảm trên đây, tôi cầu nguyện cho mỗi người được phép lành của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng có từ nguyên thuỷ và hằng có đời đời, Đấng chúng ta sẽ mãi mãi dâng lên lời kinh tạ ơn và chúc tụng Chúa "cho đến ngày tận thế" : "Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, mọi vinh quang và danh dự đều quy về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen".
Từ Castel Gandolfo, 21-9-1999, Công bố ngày 27-1-2000
+ ĐTC. GIOAN PHAOLÔ II
Bản dịch của JB. Đặng Minh An Nguyễn Việt Nam