LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Thông Điệp Thưa Thầy Thầy Ở Đâu - Hãy Đến Mà Xem - Gửi Giới Trẻ Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới XII Tại Paris


THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
GỬI GIỚI TRẺ NHÂN NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI XII TẠI PARIS
"Thưa Thầy, Thầy ở đâu?"
"Hãy đến mà xem"
Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi cho Giới Trẻ nhân ngày Giới Trẻ Thế giới lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 8, 1997 tại Paris, Pháp quốc.
"Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" và "Hãy đến mà xem" là chủ đề mà ĐTC đã chọn cho ngày Giới Trẻ Thế giới lần thứ 12 được tổ chức tại Paris vào năm tới, 1997.
Trong sứ điệp này, ĐTC mời gọi chúng ta suy niệm về những lời này trích trong Phúc âm để sửa soạn cho năm Hồng ân 2000. "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" và "Hãy đến mà xem" (Gioan 1:38,39).
Hỡi các bạn trẻ,
Ta đến đây với các con với một niềm vui mừng được tiếp tục nói chuyện với các con, một câu chuyện như tấm vải dài mà cha con ta cùng nhau dệt cho thành nhân ngày giới trẻ thế giới. Trong niềm hiệp thông với toàn thể dân Chúa trên cuộc hành trình về năm hồng ân 2000, ta muốn mời gọi các con trong năm nay cùng nhau hướng về Chúa Giêsu, là Thầy và là Chúa của cuộc sống, và với sự trợ lực qua những lời mà Thánh Gioan ghi lại khi các môn đệ đầu tiên gặp và hỏi Chúa Giêsu "Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?", và Ngài trả lời họ: "Hãy đến mà xem" (Gioan 1:38,39)
Vào những ngày tháng tới, tại mỗi địa phương, các con sẽ cùng nhau gặp gỡ với các vị chủ chiên để suy gẫm về lời này trong Phúc âm. Thế rồi đến tháng 8, năm 1997, cùng với tất cả nhiều người trong các con, chúng ta sẽ cùng nhau sống với nhau trong ngày Giới Trẻ thế giới tại Paris, trong lòng của Au châu. Nơi thành phố đông đúc này, qua nhiều thế kỷ, nơi gặp gỡ của mọi con người, của các nền nghệ thuật và văn hoá, giới trẻ nước Pháp đã và đang sửa soạn với cả lòng nhiệt thành để đón tiếp các bạn trẻ cùng lứa từ mọi nẻo đường của trái đất. Bước theo con đường Thánh giá của Năm Thánh, các lớp người của thế hệ trẻ với lòng tin vào Đức Kitô, một lần nữa trở nên một dấu chỉ sống động của Giáo hội lữ hành trên mọi nẻo đường thế giới. Gặp nhau trong lời cầu nguyện và suy gẫm, trong cuộc đối thoại kết hợp tất cả để vượt trên mọi dị biệt về ngôn ngữ và chủng tộc, để cùng chia sẻ mọi lý tưởng, mọi vấn đề và những niềm hi vọng, những người trẻ này sẽ cùng nhau thực thi một chân lý mà Chúa Giêsu đã hứa "Ở đâu có 2 hay 3 người họp lại vì danh Ta, thì ở đó sẽ có Ta ở giữa họ" (Mt 18:20).
Hỡi các người trẻ của toàn thế giới, các con có thể gặp gỡ Thiên Chúa trên mọi nẻo đường trong cuộc sống hằng ngày! Các con có nhớ rằng các tông đồ xưa đã vội vã đi đến bờ sông Jordan để lắng nghe vị tiên tri cuối cùng trong các vị đại tiên tri, đó là Gioan Baotixita. Ong đã chỉ cho họ thấy Giêsu Nazareth, như là một Đấng Cứu Thế , con chiên Thiên Chúa. Vì tò mò, họ quyết định bước theo Ngài trong một khoảng cách ở đàng sau. Họ hầu như mắc cỡ và ngại ngùng cho tới khi Chúa Giêsu quay lại và hỏi: "Các anh đang tìm gì đó?" . Đó là giây phút mở đầu cho buổi đối thoại đầu tiên dẫn đưa ông Gioan, André và Simon "Phêrô" và các vị tông đồ khác vào một cuộc phiêu lưu mới (Gioan 1:29-51).
Qua vài chữ nhưng đầy đủ nói lên cuộc gặp gỡ thực sự và đầy bất ngờ, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của mỗi cuộc hành trình trong đức tin. Đó là Chúa Giêsu luôn mở đầu câu chuyện mỗi khi chúng ta muốn gặp Ngài. Câu hỏi được hỏi ngược lại: là những người muốn hỏi Ngài, chúng ta lại được hỏi; là những người đi tìm kiếm, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được tìm kiếm. Thật vậy Ngài luôn yêu thương chúng ta trước (Thư I Gioan 4:10). Đây là chiều kích căn bản của cuộc gặp gỡ: chúng ta không tìm cái gì nhưng chúng ta tìm một người, "Đấng đang sống". Người tín hữu không phải là môn đệ của một hệ thống triết lý nào đó, nhưng họ là những người nam người nữ qua đức tin đã cảm nghiệm được sự gặp gỡ Chúa Kitô (Thư I Gioan 1:1).
Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều đổi thay: sự suy đồi mau chóng của những ý thức hệ đã từng được coi là bền vững, lâu dài, vượt thời gian và những cuộc phiêu lưu mở rộng biên giới đến các hành tinh khác. Nhân loại nhiều khi cảm thấy bất ổn, điên cuồng và lo âu (Mt 9:36). Tuy nhiên Lời Chúa không bao giờ suy giảm; qua lịch sử và các biến cố đổi thay Lời Chúa vẫn bền vững và sáng soi(Mt 24:35). Đức Tin của Giáo hội đặt nền tảng trên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc trần gian hôm qua hôm nay và mãi mãi (Heb 13:8). Điều đó cho thấy Chúa Kitô là điểm chuẩn cho câu trả lời mọi vấn đề phát xuất tự lòng người khi phải đối diện với mầu nhiệm sự chết và sự sống. Thực vậy chỉ có Chúa Kitô mới có thể là câu trả lời không bao giờ làm nản chí hay thất vọng bất cứ ai.
Khi Cha nhớ lại những lần nói chuyện trước với các con. Qua đó Cha đã cảm nghiệm được niềm vui lúc chia sẻ cùng chúng con về những bước hành trình tông đồ trên khắp mọi nẻo đường thế giới; hình như Cha đọc được nơi tư tưởng các con một cái gì cấp bách vô cùng quan trọng, một câu hỏi mà các tông đồ xưa đã hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu?" . Các con hãy thử xem các con có thể lắng nghe lại trong thinh lặng của lúc cầu nguyện về câu trả lời của Chúa Giêsu "Hãy đến mà xem".
3. Các bạn trẻ dấu yêu,
Các con hãy bước theo Chúa Giêsu như các tông đồ tiên khởi. Các con đừng sợ khi đến gần Ngài, hãy vượt qua ngưỡng cửa nơi Ngài cư ngụ, nói với Ngài, mặt đối mặt như khi nói chuyện với một người bạn vậy (Ex 33:11). Đừng sợ một đời sống mới mà Ngài trao ban. Chính Ngài mới có thể làm cho các con nhận lấy đời sống đó, nuôi dưỡng nó với sự trợ giúp của ân sủng Thánh Linh. Một sự thực: Chúa Giêsu là một người bạn biết đòi hỏi. Ngài chỉ cho thấy những mục tiêu cao thượng: Ngài mời gọi chúng ta hãy ra khỏi con người cũ để đến gặp Ngài, giao phó cho Ngài cả cuộc sống: "Ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mk 8:35). Lời đề nghị này hình như khó thực hiện và đôi khi gây nỗi lo sợ. Nhưng Cha hỏi các con rằng đàng nào tốt hơn khi sống không lý tưởng trong một thế giới dựa trên những ý thích riêng, quan điểm riêng hay là sống để đi tìm chân lý, sự thiện hảo, sự công chính, sự xây dựng một thế giới phản ảnh những nét đẹp của Thiên Chúa cho dù phải chịu bắt bớ ?
Các con hãy dẹp bỏ những hàng rào cản trở của những phù du, những lo sợ. Nhận thức mình là những người nam, người nữ mới, được tạo dựng lại qua ơn Rửa tội, các con hãy thưa chuyện với Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện và những khi lắng nghe Lời Chúa; hãy cảm nghiệm niềm vui khi được hoà giải qua bí tích Giải tội; hãy rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể; hãy đón mừng và phục vụ Ngài qua các anh chị em chúng con. Các con sẽ khám phá ra chân lý về bản thân của mình, sự hiệp nhất nội tâm và tìm thấy một "Thầy", Đấng chữa lành mọi lo âu, mọi ác mộng cùng các chủ quan làm mất bình an.
4. "Đến mà xem". Các con sẽ gặp Chúa Giêsu nơi những người đang đau khổ cũng như đang nuôi hi vọng: Trong những ngôi làng nhỏ rải rác khắp cùng lục địa và cũng giống như nơi làng Nazareth xưa qua lịch sử, Thiên Chúa sai thiên thần đến với Đức Maria nơi các đô thị, nơi hàng triệu con người sống với nhau như người xa lạ. Trong thực tế, mọi người là "đồng bào" của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đang sống bên cạnh chúng con, trong anh chị em mà chúng con đang tiếp xúc hàng ngày. Khuôn mặt Ngài là khuôn mặt nơi những người nghèo nhất, những người bị đặt bên lề xã hội, những nạn nhân của một cơ cấu bất công nơi đó quyền lợi được đặt trên hết và con người được coi như là một phương tiện hơn là một cứu cánh. Chỗ ở của Chúa Giêsu là nơi ở của người đang đau khổ vì bị chối bỏ quyền lợi, niềm hi vọng bị tước đoạt, niềm lo âu không được đoái nhìn. Chính ở đó, giữa lòng nhân loại, là nơi cư ngụ của Chúa Kitô. Ngài mời gọi các con nhân danh Ngài lau khô những giọt nước mắt và nhắc nhở những ai cảm thấy cô đơn rằng bất cứ ai trông cậy vào Ngài sẽ không bao giờ cô đơn nữa. (Mt 25:31-46).
5. Chúa Giêsu ở giữa những ai cần đến Ngài dù không biết Ngài; ở giữa những ai sau khi đã bắt đầu biết Ngài nhưng rồi vô tình xa Ngài ; giữa những ai tìm kiếm Ngài với tấm lòng thành dù họ đến từ những bối cảnh văn hoá và tôn giáo khác nhau (LG, #16). Là môn đệ và là bạn của Chúa Giêsu, các con hãy trở nên những phát ngôn viên, cùng hợp tác với những tín hữu khác cùng một đức tin vào Thiên Chúa, Đấng Cai quản vũ trụ với tình thương bao la, hãy là những sứ giả của Đấng Cứu Thế mà các con đã tìm thấy và biết được chỗ cư ngụ của Ngài, nơi Giáo hội, để rồi thêm nhiều bạn trẻ cùng lứa với các con có thể bước theo bước chân của Ngài. Đường đi của họ được soi sáng bởi tình bác ái huynh đệ của chúng con và qua niềm vui trên đôi mắt chúng con, đôi mắt đã nhìn ngắm và thấy Chúa Kitô.
Chúa Giêsu ở giữa các con người nam và nữ "được vinh hạnh mang tên là Kitô hữu" (LG, #15). Tất cả đều có thể gặp gỡ Ngài qua Thánh kinh, qua lời cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Vào thời điểm của đêm rạng để qua ngày khác của Thiên niên thứ 3, mỗi ngày mỗi cấp bách để hàn gắn những rạn nứt giữa mọi Kitô hữu, củng cố tinh thần hiệp nhất qua việc đối thoại, cầu nguyện chung và đời sống chứng nhân. Đó không phải là việc không chú ý đến các dị biệt và các vấn đề khác giống như chỉ che đậy vết thương mà không bôi thuốc chữa lành, với nguy cơ làm gián đoạn tiến trình hiệp nhất hoàn toàn. Ngược lại, đó là việc làm dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, với một cái nhìn hướng về sự hoà giải hữu hiệu, phó thác vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước đêm bị nộp: "Lạy Cha, để họ được nên một như chúng ta là một" (Gioan 17:22). Càng gắn bó với Chúa Giêsu, các con càng có thể gần gũi với nhau hơn và sau này khi các con thực thi được những việc hoà giải một cách cụ thể bấy giờ các con mới thấm nhập sâu đậm tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu ở trong lòng xứ đạo của chúng con một cách đặc biệt, giữa các cộng đồng nơi chúng con sống, nơi các hội đoàn và các phong trào công giáo tiến hành mà chúng con gia nhập, và Ngài cũng hiện diện trong các nhóm hoạt động tông đồ nhằm loan truyền Tin Mừng. Đó là một sự phong phú của sự hiện diện các ơn hiện sủng giúp ích cho Giáo hội, và là một sự khuyến khích cho mỗi tín hữu nhằm đem hết cả khả năng của mình để phục vụ một Chúa, nguồn cứu độ cho tất cả nhân loại.
6. Chúa Giêsu là "Ngôn Sứ của Chúa Cha" (Jn 1:1), là quà tặng cho nhân loại, là sự hiện diện mang hình ảnh của Thiên Chúa và mục tiêu của những bước chân sai lạc. Thiên Chúa là Đấng "thuở xưa nhiều lần và nhiều cách đã pah1n dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này Ngài đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài" (Heb 1:1-2). Lời Ngài không phải là mộtsự khẩn nài, mở then cài cửa lương tâm, nhưng là một tiếng nói thuyết phục, một món quà nhưng không; lời kêu gọi một thái độ sẵn sàng và trách nhiệm, một tấm lòng tinh tuyền và một tâm hồn thư thái, nếu muốn nói đến kết quả cứu độ cho đời sống hiện thực của mỗi người.
Hỡi các bạn trẻ, các con hãy tăng gia các dịp lắng nghe và học hỏi Lời Chúa trong các nhóm của chúng con. Các con sẽ khám phá những bí mật của Trái tim Chúa và rút tỉa được lợi ích trong việc nhận định các hoàn cảnh và hoán cải thực tại. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Kinh, chúng con sẽ có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày: và ngay cả "sa mạc" cũng có thể trở thành một "ngôi vườn" nơi đó tạo vật có thể nói chuyện thân thương với Đấng Tạo Hóa: "Khi tôi đọc Thánh Kinh, Thiên Chúa lại rảo bộ trong Vườn Địa Đàng" (Thánh Ambrose, Epistle 49,3).
7. Chúa Giêsu sống giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể, là việc thực hiện cao cả sự hiện diện của Ngài, một sự hiện diện đồng thời với lịch sự nhân loại. Giữa những trôi nổi và chi phối của đời sống hằng ngày, các con hãy noi gương các tông đồ trên đường Emmaus; nói với Đấng Sống Lại khi Ngài tỏ cho họ thấy qua việc bẻ bánh: "Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn" (Lk 24:29). Các con hãy mời gọi Chúa Giêsu ở lại với chúng con luôn mãi trên mọi nẻo đường đến "Emmau" của thời đại này. Cầu xin Ngài là sức mạnh, là điểm tựa, là niềm hi vọng bền vững của chúng con. Các bạn trẻ yêu dấu, Cha cầu xin Bánh Thánh Chúa Giêsu luôn luôn ở trên bàn tiệc sự sống của chúng con. Và cầu cho các con nhận được từ Bánh Thánh sức mạnh làm chứng nhân cho đức Tin!
Chung quanh bàn Tiệc Thánh Thể, sự hiệp nhất hài hoà của Giáo hội được thể hiện và biểu lộ; mầu nhiệm hiệp thông truyền giáo qua đó mọi người cảm thấy được mình là con cái, anh chị em, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tuổi tác, hoàn cảnh văn hoá xã hội. Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, các con hãy có trách nhiệmđóng góp dồi dào vào việc bền chí xây dựng Giáo hội như một gia đình, một nơi đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, một nơi bình an, thương xót và tha thứ.
8. Hỡi các bạn trẻ, được soi sáng bởi Lời Chúa và bổ sức bởi Bánh Thánh, các con được gọi là những chứng nhân khả tín của Ngôi Lời Kitô, Đấng đổi mới mọi sự.
Nhưng làm thế nào để các con được nhìn nhận là những tông đồ đích thực của Chúa Kitô? Bởi sự kiện là các con "yêu thương nhau" (Jn 13:35) giống như Ngài yêu thương: một tình yêu cho không, tình yêu vô cùng nhẫn nại và không từ chối một ai (Cor 13:4-7). Trung thành vào điều răn mới này sẽ là sự đảm bảo rằng các con luôn bền vững trong việc loan truyền Tin Mừng. Đây là sự "mới lạ" to lớn làm thế giới ngạc nhiên, một thế giới không may vẫn còn bị chia cắt bởi những tranh chấp hung bạo, có khi rõ ràng, có khi âm thầm kín đáo. Trong thế giới này các con được kêu gọi để sống huynh đệ, đây không phải là điều lý tưởng nhưng là một thực tế có thể thực hiện; trong xã hội này các con được gọi như là những cán bộ truyền giáo thực sự của Chúa Kitô, đi xây dựng một thể chế yêu thương.
9. Vào ngày 30 tháng 9, 1997 kỷ niệm 100 năm ngày chết của Thánh Têrêsa thành Lisieux. Ngài là nhân vật lôi kéo rất nhiều người hành hương trẻ trong nước. Thánh Têrêsa là một vị thánh trẻ, và sứ điệp của Ngài hôm nay rất đơn giản và gợi cảm, tràn đầy lòng biết ơn và ngợi khen: Thiên Chúa là Tình Yêu ; mỗi người được Thiên Chúa yêu thương, Ngài mong muốn được mọi người đón nhận và yêu thương lại. Hỡi các người trẻ của ngày hôm nay, đây là sứ điệp kêu gọi các con đón nhận và la to cho những người đồng lứa: "Con người được Thiên Chúa yêu thương! Giáo hội có bổn phận loan truyền lời này cho nhân loại" (Christifideles laici, #34)
Từ thời niên thiếu, Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã bộc phát lòng nhiệt thành yêu Chúa, với sự mãnh liệt và dám làm qua các gương tốt . Sự yêu mến thánh thiện của Thánh Têrêsa là bằng chứng xác nhận rằng Thiên Chúa ban dồi dào ngay cho cả người trẻ kho tàng thông thái của Ngài.
Các con hãy đồng hành với Thánh, lớn lên trong đời sống Kitô hữu một cách khiêm nhường và đơn sơ, và trong việc học hỏi Phúc âm. Hãy ở lại với Thánh trong lòng Giáo hội, sống thực sự cho Chúa Kitô.
10. Hỡi các bạn trẻ, trong ngôi nhà Chúa Giêsu cư ngụ, các con hãy đến gặp người Mẹ dịu hiền nhất. Chính trong lòng Mẹ Maria mà Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Nhận lấy vai trò được trao phó trong chương trình cứu chuộc, Đức Trinh Nữ đã trở thành một gương mẫu cho mỗi tông đồ của Chúa Kitô.
Cha phó thác nơi Mẹ sự sửa soạn và cử hành Ngày Giới Trẻ Thế giới lần thứ 12, tất cả với mọi niềm hi vọng và mong đợi của giới trẻ cho Mẹ trên khắp mặt đất: "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói"(Lk 1:38); và những ai sắp gặp gỡ Chúa Giêsu, sắp ở lại với Ngài, vậy hãy sẵn sàng rao truyền cho mọi người đương thời, như các Tông đồ xưa: "Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Cứu Thế" (Jn 1:41).
Với sứ điệp này, Cha thân ái chào mỗi một người trong chúng con và đồng hành với chúng con qua lời cầu nguyện, Cha chúc lành cho chúng con.
Tại Castel Gandolfo, ngày 15 tháng 8, 1996, ngày Lễ trọng kính Đức Mẹ Mông Triệu.
John Paul II.
Bản dịch của Bùi Quang Thạch