LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Thông Điệp Centesimus Annus - Đệ Bách Chu Niên – ĐGH Gioan Phaolô II

THÔNG ĐIỆP "ĐỆ BÁCH CHU NIÊN"
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAO-LÔ ĐỆ II
PHÂN TÍCH HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

Phạm Văn Phồ dịch

LỜI TÒA SOẠN:
Thông Điệp "Centesimus Annus" (Đệ Bách Chu Niên) được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-Lô đệ II công bố vào ngày 2 tháng 5, 1991, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày công bố thông điệp về xã hội hết sức quan trọng của Đức Giáo Hoàng Leo XIII vào năm 1981, thông điệp "Rerum Novarum" (Việc Mới). Ngoài phần ôn lại những nguyên tắc quan trọng được nêu ra trong thông điệp "Việc Mới" , thông điệp "Đệ Bách chu niên" còn nêu lên những vấn đề trọng yếu của thời đại chúng ta, nhất là sau khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ tại Đông Âu và Liên Sô. Nhận thấy đây là tài liệu hết sức quan trọng và tối cần thiết cho tất cả người Công Giáo vì trong đó đề cập tới giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề xã hội, hay nói khác hơn là gói ghém tất cả những điểm căn bản về "học thuyết xã hội Công Giáo", Chúng tôi xin đăng nguyên văn để quý độc giả làm tài liệu hướng dẫn cho các công tác tông đồ và mục vụ trong giai đoạn đầy thử thách hiện nay của thế giới. 


THÔNG ÐIỆP "ÐỆ BÁCH CHU NIÊN"
CỦA ÐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAO-LÔ ÐỆ II
PHÂN TÍCH HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO
PHẠM VĂN PHỔ dịch
 LỜI MỞ ÐẦU
1.Kỷ niệm 100 năm ngày vị tiền nhiệm của tôi, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII, ban hành bức thông điệp mở đầu với hai chữ "việc mới" (1), chính là dịp hết sức quan trọng đối với lịch sử hiện đại của giáo hội và trong triều đại giáo hoàng của tôi. Ðó là một thông điệp đặc biệt được ghi nhận qua những thông điệp của các Ðức Giáo Hoàng vào những dịp kỷ niệm 40 năm và 90 năm ngày công bố thông điệp. Có thể nói con đường lịch sử của bức thông điệp được ghi dấu bằng những tài liệu nhằm đề cao cũng như áp dụng vào những hoàn cảnh đương thời. (2)
Khi cũng làm như thế vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày ban hành thông điệp, thể theo lời thỉnh cầu của nhiều vị giám mục, nhiều học viện và trung tâm nghiên cứu của giáo hội cũng như các giới lãnh đạo thương nghiệp và công nhân, với tính cách cá nhân hay đoàn thể của mình, điều ước ao trước nhất và tha thiết nhất của tôi là nói lên lòng biết ơn của toàn thể giáo hội đối với vị giáo hoàng vĩ đại này và "tài liệu bất tử" này (3). Ðây cũng là dịp để chứng tỏ là những năng lực sinh động bắt nguồn từ thông điệp đó đã không hao hụt qua năm tháng, nhưng lại còn trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Ðiều này được chứng tỏ qua các sáng kiến đã được đưa ra trước và cùng lúc hoặc tiếp theo sau ngày kỷ niệm này, những sáng kiến do các hội nghị của hội đồng giám mục, các cơ quan quốc tế, các đại học và các học viện, các hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan và các cá nhân khác trên khắp thế giới đề ra.
2. Thông điệp này là một phần trong chương trình mừng ngày kỷ niệm, để cảm tạ Thiên Chúa - là nguồn gốc của "mọi sự tốt lành và mọi món quà hoàn hảo (Jas. 1:17) - đã dùng thông điệp được Người kế nhiệm của thánh Phê-Rô công bố cách đây một thế kỷ, đem lại biết bao điều tốt lành và chiếu rọi biết bao sự sáng cho giáo hội và cho thế giới. Mặc dầu ngày kỷ niệm này là để vinh danh thông điệp "Rerum Novarum" (Việc Mới), nhưng cũng là để vinh danh những thông điệp và những tài liệu khác của các vị tiền nhiệm của tôi giúp cho thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Leo hiện diện và sống động trong lịch sử, như vậy tạo nên điều được gọi là "học thuyết xã hội," "giáo huấn xã hội," hoặc ngay cả là "giáo điều xã hội" của giáo hội.
Giá trị của giáo huấn này đã được nêu ra trong hai thông điệp được công bố trong triều đại giáo hoàng của tôi: Laborem Exercens đề cập đến lao động của con người và Solicitudo Rei Socialis nói về các vấn đề hiện tại đối với việc phát triển của các cá nhân và các dân tộc. (4)
3. Bây giờ tôi xin đề nghị ta hãy "đọc lại" thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Leo và mời gọi mọi người hãy "nhìn lại" chính nguyên bản bức thông điệp để có thể khám phá lần nữa sự phong phú của những nguyên tắc căn bản được đề ra để đối phó với vấn đề liên quan tới điều kiện làm việc của thợ thuyền. Nhưng đây cũng là lời mời gọi để mọi người hãy "nhìn chung quanh" để tìm ra "những việc mới" xuất hiện chung quanh chúng ta và trong đó chúng ta đang gặp phải, rất khác với "những việc mới" tượng trưng cho thập niên cuối cùng của thế kỷ qua. Sau hết, đây cũng là lời mời gọi để "nhìn về tương lai" vào thời điểm mà chúng ta đã thoáng nhìn thấy thiên niên thứ ba trong thời đại Ki-tô, đầy những bất trắc nhưng đồng thời cũng đầy những hứa hẹn - những bất trắc và hứa hẹn đánh động trí tưởng tượng và óc kiến tạo của chúng ta và làm sống lại tinh thần trách nhiệm của chúng ta là những đệ tử của "một thầy duy nhất" (xem Mát-thêu. 23:8) để dẫn đường, công bố chân lý và truyền đạt sự sống chính là Ðức Ki-Tô. (xem Gioan 14:6).
Việc đọc lại như vậy sẽ không chỉ xác nhận giá trị trường cửu của những lời giáo huấn đó, nhưng cũng sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của truyền thống của giáo hội, một truyền thống luôn luôn sống động và mạnh mẽ, xây dựng trên nền tảng mà cha ông chúng ta đã đặt ra trong đức tin và đặc biệt trên những gì mà "các tông đồ truyền lại cho giáo hội" (5) nhân danh Chúa Giê-Su Ki-tô, ngài là nền tảng không thể thay thế được của giáo hội (xem 1 Corintô. 3:11).
Cũng chính vì ý thức nhiệm vụ của mình như người kế vị Thánh Phê-Rô mà Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã lên tiếng, và người kế vị Thánh Phê-Rô hiện nay cũng được đánh động bởi một ý thức giống như vậy. Cũng như Ðức Giáo Hoàng Leo và các đức Giáo Hoàng trước và sau ngài, tôi lấy cảm hứng từ Thánh Kinh hình ảnh của "người ghi chép đã được huấn luyện về thiên quốc," người mà Chúa so sánh như "một người quản gia soạn ra từ gia sản của mình những gì mới và những gì cũ" (Mát-thêu 13:52). Gia sản chính là truyền thống dồi dào của giáo hội, gồm có những "gì là cũ" - tiếp nhận và truyền lại từ lúc đầu - và giúp chúng ta giải thích "những việc mới" mà đời sống của giáo hội và thế giới phô ra.
Trong những việc trở thành "cũ" vì đã được coi là truyền thống và đem đến những cơ hội và chất liệu làm phong phú cả truyền thống lẫn đời sống đức tin, có những hoạt động đầy kết quả của hàng triệu người, thúc đẩy bởi giáo huấn về xã hội, đã tìm cách làm cho giáo huấn đó trở thành nguồn hứng khởi đưa tới công tác dấn thân vào trần thế. Những người này, hoặc hành động riêng rẽ hoặc cùng tham gia trong các nhóm, các hiệp hội và tổ chức khác nhau, đều tượng trưng cho một phong trào lớn nhằm bảo vệ con người và duy trì phẩm giá của con người. Trước những hoàn cảnh đổi thay của lịch sử, phong trào này đã góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bằng hơn hoặc ít ra cũng góp phần vào việc ngăn chận bất công.
Thông điệp hiện hữu cố gắng nêu lên lợi ích của những nguyên tắc do Ðức Giáo Hoàng Leo đề ra, những nguyên tắc thuộc về di sản có tính cách giáo điều của giáo hội và như vậy đưa đến việc hành xử quyền giáo huấn của giáo hội. Nhưng mối quan tâm về mục vụ cũng thôi thúc tôi đề nghị một sự phân tích một vài biến cố lịch sử gần đây. Cũng cần nói là trách nhiệm của những kẻ chăn chiên là phải xem xét cẩn thận những biến cố hiện nay để có thể nhận thức được những đòi hỏi mới cho việc truyền bá phúc âm. Tuy nhiên, một sự phân tích như vậy không có nghĩa là đưa ra những sự phán đoán chung quyết, vì điều này không nằm trong thẩm quyền đương nhiên của tín lý. 
CHƯƠNG I
NHỮNG NÉT ÐẶC THÙ CỦA "RERUM NOVARUM" 
4. Vào hồi cuối thế kỷ vừa qua giáo hội đứng trước một tiến trình lịch sử đã diễn ra trong ít lâu nhưng lúc đó chưa tiến tới một giai đoạn quyết liệt. Yếu tố có tính cách quyết định trong tiến trình này bao gồm những thay đổi tận rễ đã diễn ra trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, và trong những lãnh vực khoa học và kỹ thuật, đó là chưa nói tới ảnh hưởng sâu rộng của những chủ nghĩa nổi bật. Trong lãnh vực chính trị, những thay đổi này đem lại một ý niệm mới về xã hội và về quốc gia, và từ đó về chính quyền bính. Một xã hội cổ truyền đã qua đi và một và một xã hội khác đang bắt đầu hình thành - một xã hội đem lại hy vọng cho những tự do mới, nhưng cũng là mối đe dọa dưới những hình thức bất công và nô lệ mới.
Trong lãnh vực kinh tế, trong đó các khám phá khoa học và việc áp dụng thực tiễn đi đôi với nhau, những kiến trúc mới dành cho việc sản xuất các hàng hóa tiêu thụ đã tuần tự hình thành. Một hình thức tài sản mới xuất hiện - tư bản; và một hình thức lao động mới - lao động lãnh lương, với đặc điểm là mức sản xuất cao không phân biệt giới tính, tuổi tác hoặc tình trạng gia đình và được ấn định chỉ bằng hiệu năng mà thôi, với mục tiêu gia tăng lợi nhuận.
Bằng cách này lao động trở thành một món hàng được tự do mua bán trên thị trường, giá của nó được quyết định theo luật cung cầu không cần để ý tới đòi hỏi tối thiểu cho nhu cầu sinh sống của cá nhân và gia đình. Hơn nữa, người thợ cũng không chắc là có thể bán "món hàng của riêng mình," tiếp tục bị đe dọa bị thất nghiệp tức là đe dọa bị chết đói như trước, nếu không có bất cứ một hình thức bảo đảm xã hội.
Kết quả của sự thay đổi này là một xã hội "được phân chia thành hai giai cấp chia cắt bởi một sự tranh chấp sâu xa." (6) Tình trạng này gắn liền với những sự thay đổi rõ rệt diễn ra trong trật tự xã hội đã nói ở trên. Như vậy học thuyết chính trị ưu thắng của thời đạn tìm cách cổ võ cho tự do kinh tế hoàn toàn bằng các luật lệ thích ứng hoặc, ngược lại, bằng sự thiếu can thiệp có chủ đích. Ðồng thời một quan niệm khác về tài sản và đời sống kinh tế bắt đầu xuất hiện dưới một hình thức có tổ chức nhưng thường lại thô bạo, một hình thức hàm ý một cấu trúc chính trị và xã hội mới.
Ở cao điểm của cuộc tranh chấp này, khi cuối cùng người ta bắt đầu nhận thức trọn vẹn về chính sự bất công nghiêm trọng trong các thực tại xã hội tại nhiều nơi và mối nguy bùng phát một cuộc cách mạng thúc đẩy bởi những lý tưởng mà thời đó gọi là "xã hội," Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã can thiệp bằng tài liệu đề cập một cách có hệ thống về "điều kiện của các người thợ." Trước bức thông điệp đã có những tài liệu khác chú tâm vào các giáo huấn về bản chất chính trị; còn có các tài liệu khác xuất hiện sau đó. (7) Ở đây, đặc biệt phải nói tới thông điệp Libertas Praestatnissimum, kêu gọi chú ý tới liên hệ mật thiết giữa tự do của con người và chân lý, khiến cho tự do khi từ chối liên kết với chân lý sẽ rơi vào tình trạng độc đoán và kết cục sẽ tự đặt mình vào những sự độc ác nhất của dục vọng tới độ tự hủy. Thật vậy, cái gì là nguyên do của tất cả những sự xấu xa mà Rerum Novarum muốn trả lời nếu không phải là thứ tự do mà trong lãnh vực hoạt động kinh tế và xã hội, tự cắt đứt khỏi chân lý về con người?
Giáo hoàng cũng lấy hứng khởi từ lời giáo huấn của các vị tiền nhiệm của mình cũng như từ nhiều tài liệu do các vị giám mục ban hành, từ những bản nghiên cứu về khoa học do những thành phần giáo dân cổ võ, từ công việc của các phong trào và các hội đoàn Công Giáo, và từ những thành quả thực tiễn trong địa hạt xã hội trong phân nửa của thế kỷ 19. 
5. "Việc mới" trong đó đức giáo hoàng đặt trọng tâm vào không là gì khác hơn là những việc có tính cách tích cực. Ðoạn đầu của thông điệp diễn tả những "việc mới" (rerum novarum) bằng những từ ngữ mạnh mẽ và đặt cho nó cái tên đó: "Ðó là tinh thần của sự đổi thay cách mạng mà từ lâu đã khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới phản bối rối, tinh thần đó cần vượt qua lãnh vực của chính trị mà tạo ảnh hưởng tới lãnh vực của kinh tế thực tiễn cũng chẳng có gì lạ. Tiến bộ trong kỹ nghệ, sự phát triển của các thương nghiệp mới, tương quan thay đổi giữa chủ và thợ, của cải lớn lao của một thiểu số đối lại với sự nghèo túng của nhiều người, sự tự lập gia tăng của thợ thuyền và sự liên kết chặt chẽ hơn giữa họ với nhau, cũng sự sự suy đồi đáng kể về mặt luân lý: Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến cuộc tranh chấp hiện đang diễn ra." (8)
Ðức giáo hoàng và giáo hội cùng với ngài, cũng như cộng đồng dân sự phải đương đầu với một xã hội đang bị xâu xé vì những cuộc tranh chấp khó khăn và vô nhân đạo hơn vì nó không biết tới luật lệ nào cả. Ðó là cuộc tranh chấp giữa tư bản và lao động hoặc - như thông điệp viết - là vấn đề người thợ. Chính về cuộc tranh chấp này, trong chính những điều kiện rõ rệt xuâqt hiện nơi cuộc tranh chấp đó, mà đức giáo hoàng đã không ngần ngại lên tiếng.
Ở đây chúng ta thấy sự suy nghĩ đầu tiên dành cho thời đại của chúng ta mà thông điệp đã đề nghị. Trên bề mặt của cuộc tranh chấp trong đó giữa người với người mà hầu hết đều giống như "các con chó sói," một cuộc tranh chấp giữa những kẻ cực đoan của sự sống còn về thể xác ở một phía và sự phì nộn ở phía kia, đức giáo hoàng không ngần ngại can thiệp với tư thế "văn phòng tông đồ" của ngài (9), tức là trên văn bản của một trách vụ lãnh nhận từ chính Ðức Giê-Su Ki-tô để "nuôi dưỡng các con chiên của ngài và chăm sóc đoàn chiên" (xem Gioan 21:15-17), và "buộc và cởi trói" trên trái đất cho nước trời (xem Mathêu 16:19). Ý định của Ðức Giáo hoàng chắc là muốn tái lập hòa bình, và độc giả ngày nay không thể không thấy sự kết án mạnh mẽ của ngài, bằng những lời lẽ không phải là không chắc chắn, về cuộc đấu tranh giai cấp. (10) Tuy nhiên, đức giáo hoàng ý thức trọn vẹn rằng hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng công lý: Ðiều cần yếu cho thông điệp chính là lời tuyên bố về những điều kiện căn bản cho công l trong hoàn cảnh iinh tế và xã hội của thời đại. (11)
Bằng cách này Ðức giáo Hoàng Leo XIII, theo vết chân của các vị tiền nhiệm của ngài, đã thiết lập một khuôn mẫu lâu dài cho giáo hội. Trên thực tế, giáo hội có chất liệu để lên tiếng về những tình trạng đặc biệt của con người, cá nhân cũng như cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Giáo hội đã hình thành một lý thuyết độc đáo cho những cảnh huống này, một tập văn giúp giáo hội có thể phân tích những thực tại xã hội, để đưa ra những phán đoán về những thực tại đó và chỉ dẫn hướng đi cần thiết để có một quyết định chính đáng cho những vấn đề liên hệ.
Trong thời đại của Ðức Giáo Hoàng Leo XIII một quan niệm như vậy về quyền và bổn phận của giáo hội rất xa lạ với những gì mà người đương thời nhìn nhận. Thật vậy, một thái độ gồm 2 mặt đã nắm ưu thế: một hướng về thế giới này và cuộc đời này, trong đó đức tin phải giữ tính cách ngoại lai; thái độ thứ nhì nhắm về sự cứu vớt thuần túy thuộc về thế giới khác, thái độ này không soi sáng mà cũng hướng dẫn cuộc sống trên trái đất. Thái độ của đức giáo hoàng khi công bố thông điệp Rerum Novarum đã đem lại cho giáo hội "quy chế công dân" vì giáo hội đang đứng giữa những thực tại đổi thay của đời sống công cộng và chỗ đứng này sẽ được xác nhận đầy đủ hơn sau này. Thực ra, giáo huấn và loan truyền học thuyết xã hội của giáo hội nằm trong nhiệm vụ rao giảng phúc âm của giáo hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp của Ki-tô-giáo, vì học thuyết này đề ra những hậu quả trực tiếp của thông điệp đó trong đời sống của xã hội và sắp xếp công việc hàng ngày và đấu tranh cho công lý trong chức năng làm chứng tá cho Ðức Ki-tô người cứu chuộc chúng ta. Như vậy học thuyết này là nguồn gốc của sự hiệp nhất và hòa bình để đối phó với những tranh chấp không thể không xảy ra trong đời sống xã hội và kinh tế. Do đó có thể đối phó với những cảnh huống mới này mà không cần phải hạ giá nhân phẩm tuyệt luân của con người, hoặc nơi chính mình hoặc nơi đối thủ của mình, và đem lại cho những cảnh huống đó những giải pháp công bình.
Ngày nay, sau 100 năm, giá trị của quan điểm này cho tôi cơ hội đóng góp vào việc phát triển học thuyết xã hội Ki-tô-giáo. Công cuộc " rao giảng phúc âm mới" mà thế giới văn minh rất cần và là điều tôi nhấn mạnh nhiều lần, phải bao gồm trong những yếu tố cần thiết của nó lời tuyên cáo về học thuyết xã hội của giáo hội. Cũng như vào thời Ðức Giáo Hoàng Leo XIII, học thuyết này vẫn còn thích hợp để chỉ dẫn đường đi đúng, đáp ứng lại những thách đố lớn lao của ngày nay, khi các lý thuyết càng ngày càng bị mất giá. Bây giờ, cũng như thời đó, chúng ta cần lặp lại rằng không có một giải pháp thuần túy nào cho "vấn đề xã hội" tách rời khỏi Phúc Âm và rằng "những việc mới" có thể tìm thấy trong Phúc Âm những lời lẽ giúp thấu hiểu một cách chính xác và tìm ra một viễn ảnh luân lý để phán đoán một cách chính đáng. 
6. Với ý định soi sáng cho cuộc tranh chấp giữa tư bản và lao động, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã xác nhận những quyền căn bản của công nhân. Thật vậy, điểm chính của thông điệp là nhân phẩm của người thợ và giá trị của lao động, được dịnh nghĩa như sau: "để cố gắng cung ứng những gì cần thiết cho những mục đích khác nhau của cuộc đời và hơn hết là để tự bảo vệ mình." (12) Ðức giáo hoàng mô tả lao động như "có tính cách riêng tư, vì năng lực được xử dụng gắn liền với nhân cách con người và là tài sản chuyên biệt của người thợ mà chính họ hành xử và hơn nữa, được ban phát cho họ để có thể làm lợi cho mình." 13. Lao động như vậy thuộc về ơn gọi của mỗi người; quả thật, con người biểu lộ cá tính và chu toàn sứ mạng của mình qua lao động. Ðồng thời lao động có một chiều kích "xã hội" qua mối tương quan mật thiết không những với gia đình, nhưng còn cả với công ích, bởi vì "có thể nói đúng là chỉ nhờ vào lao động của người thợ mà các quốc gia mới trở nên giầu có." (14) Ðó là những đề tài mà tôi đã nêu ra và khai triển trong thông điệp LABOREM EXERCENS (15)
Một nguyên tắc quan trọng khác không còn nghi ngờ gì là quyền về "tư sản" (16) Số lượng dành cho đề tài này trong thông điệp cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này gắn liền với thông điệp. Ðức giáo hoàng ý thức rõ rằng tư sản không phải là một giá trị tuyệt đối cũng không phải ngài đã không công bố những nguyên tắc phụ thuộc cần thiết như mục đích phổ cập của các của cải của trái đất." (17)
Mặt khác, chắc cũng đúng thứ tư sản mà Dức Giáo Hoàng Leo XIII chú trọng là quyền làm chủ đất đai. (18) Nhưng điều này không có nghĩa là những lý do để bảo vệ quyền tư hữu hoặc để xác nhận quyền làm chủ những thứ cần thiết cho việc thăng tiến cá nhân và thăng tiến gia đình của mình, dưới bất cứ hình thức nào, ngày nay không còn giá trị nữa. Ðây là điều cần phải được xác quyết một lần nữa trước những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến trong các hệ thống trước đây áp dụng quyền làm chủ tập thể các phương tiện sản xuất cũng như trước tình trạng nghèo khó gia tăng, hoặc nói đúng hơn, những cản trở cho quyền tư hữu ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả trong những hệ thống ưu thế được đặt trên nền tảng công nhận quyền tư hữu. Kết quả của những sự đổi thay này và tình trạng nghèo khó triền miên, cần phải có sự phân tích sâu xa hơn về vấn đề này, một sự phân tích sẽ được khai triển vào phần sau của tài liệu này.
7. Trong mối tương quan chặt chẽ với quyền tư hữu, bức thông điệo của Ðức Giáo Hoàng LEO XIII cũng xác nhận những quyền khác là không thể miễn trừ và đặc thù của con người. Qua việc đức giáo hoàng dành nhiều chỗ trong thông điệp và nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó, những quyền nổi bật nhất là "quyền tự nhiên của con người" được thành lập những hiệp hội tư. Ðiều này có nghĩa trên tất cả là quyền thành lập các hiệp hội về nghề nghiệp của chủ và thợ hoặc của một nình giới nhân công mà thôi. (19) Ở đây chúng ta thấy nguyên do vì sao giáo hội bảo vệ và chấp nhận việc thành lập những hiệp hội thường được gọi là nghiệp đoàn: chắc chắn không phải là vì những thiên kiến có tính cách học thuyết hoặc để chiều theo một não trạng giai cấp, nhưng vì quyền lập hội là quyền tự nhiên của con người do đó quyền này phải đi trước việc con người nam cũng như nữ tổ chức thành xã hội chính trị. Thật vậy, việc thành lập nghiệp đoàn "không thể ...bị nhà cầm quyền cấm đoán," vì "nhà nước buộc phải bảo đảm những quyền tự nhiên, không được hủy hoại những quyền này; và nếu nhà nước cấm đoán người dân của mình không được lập hội, nhà nước đã đi ngược lại ngay chính nguyên tắc mà nhờ đó nhà nước được tồn tại." (20)
Ở đây cũng cần nhấn mạnh là, đức giáo hoàng công khai nhìn nhận quyền này như là những quyền thuộc về người thợ hoặc, nói theo ngôn từ của ngài, thuộc về "giai cấp thợ thuyền," bức thông điệp xác nhận rõ ràng quyền về "những giới hạn giờ làm việc," quyền nghỉ ngơi hợp pháp, và quyền của trẻ em và phụ nữ (21) được đối xử khác biệt tùy theo loại công việc và thời gian làm việc.
Nếu chúng ta lưu ý là lịch sử đã cho chúng ta thấy những tập tục được cho phép hoặc ít nhất không bị luật lệ ngăn cản về cách thức người thợ được mướn làm, không có những bảo đảm về nơi làm việc hoặc ngay cả các điều kiện vệ sinh nơi làm việc hoặc cả việc liên quan tới tuổi tác và giới tính của người học việc, chúng ta có thể hiểu được lời lẽ nghiêm khắc của đức giáo hoàng: "Bắt con người phải lao động quá sức làm lú lẫn tâm trí của họ và làm cho thân thể của họ bị hao tổn là điều không những không công bằng mà còn vô nhân đạo nữa." Và nhắc tới "khế ước" nhằm áp dụng "những tương quan lao động" theo kiểu này, ngài quả quyết một cách chính xác hơn là "trong mọi thỏa hiệp giữa chủ và thợ luôn luôn phải có những điều kiện minh thị hoặc hoặc hiểu ngầm" qui định việc nghỉ ngơi phải được tương xứng với "sự hao tổn sức lực của người ta." Sau đó ngài kết luận: "Thỏa hiệp một cách khác là đi ngược lại với những gì là hợp lý và công bình. (22)
8. Ðức Giáo Hoàng liền sau đó đưa ra thêm một quyền khác mà người thợ có với tư cách con người. Ðây là quyền được nhận một "lương bổng công bằng." mà không thể để cho "sự thỏa thuận tự do giữa hai bên, theo đó người chủ, khi trả số tiền đã được thỏa thuận, như vậy đã làm xong trách nhiệm của mình không cần phải làm gì khác nữa." (23) Vào thời đó người ta cho rằng nhà nước không không có quyền can thiệp vào những điều khoản của thỏa hiệp này ngoại trừ phải bảo đảm việc thực thi những gì đã được minh thị thỏa thuận. Quan niệm này về mối liên hệ giữa chủ và thợ, có tính cách thực tiễn thuần túy và bị ảnh hưởng bởi cá nhân chủ nghĩa đơn thuần, đã bị chỉ trích nặng nề trong thông điệp là đi ngược lại với bản chất song đôi của lao động như một thực thể cá nhân và cần thiết. Vì lao động có tính cách riêng tư nên con người được tự do xử dụng theo khả năng và sức lực của mình, còn lao động được coi như cần thiết nên mỗi cá nhân có trách nhiệm nặng nề phải bảo đảm cho việc "bảo tồn đời sống." Ðức Giáo Hoàng kết luận là "Ðiều cần thiết là mỗi cá nhân có một quyền tự nhiên được cung cấp những thứ cần thiết để sinh sống; và người nghèo chỉ có thể cung cấp cho mình với những gì họ có thể kiếm sống bằng sức lao động của họ." (24)
Lương bổng của người thợ phải đủ để cho họ có thể tự nuôi sống họ, vợ và con cái của họ. "Nếu vì cần thiết hoặc vì sợ hãi về một điều tệ hại hơn người thợ phải chấp nhận những điều kiện khó khăn hơn vì người chủ hoặc nhà thầu sẽ không cung ứng hơn, họ trở thành nạn nhân của sức mạnh và bất công." (25)
Nếu những lời lẽ này, viết vào thời kỳ được gọi là "chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế" được triệt để thi hành thì ngày nay chẳng cần lặp lại với những lời lẽ nghiêm khắc như vậy. Bất hạnh thay, ngay cả vào thời nay người ta thấy những trường hợp trong đó khế ước giữa chủ và thợ không đề cập tới sự công bình sơ đẳng nhất về việc mướn trẻ em hoặc phụ nữ, về giờ làm việc, điều kiện vệ sinh của nơi làm việc và tiền lương tương xứng; và đây là trường hợp xảy ra mặc dầu đã có những bản tuyên ngôn và hội nghị quốc tế lên tiếng về vấn đề này (26) và những luật quốc nội của các quốc gia. Ðức Giáo Hoàng gán cho "giới cầm quyền " "nhiệm vụ chặt chẽ" phải cung ứng một cách thỏa đáng cho phúc lợi của người thợ, vì nếu không làm như vậy sẽ vi phạm công lý; quả thật, ngài không ngần ngại nói đến "công lý phân phối (distributive justice)." (27)
9. Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đưa thêm vào những quyền này một quyền nữa liên quan tới hoàn cảnh của giai cấp thợ thuyền, một quyền mà tôi muốn đề cập tới vì tính cách quan trọng của nó: đó là quyền được tự do thi hành nhiệm vụ tôn giáo của mình. Ðức giáo hoàng muốn công bố quyền này trong khuôn khổ của những quyền và nhiệm vụ khác của công nhân, mặc dầu dư luận chung ngay cả vào thời của ngài cho rằng những vấn đề đó liên hệ tới đời tư của cá nhân mà thôi. Ngài xác quyết nhu cầu cần phải được nghỉ ngơi trong ngày Chủ Nhật để mọi người có thể hướng tư tưởng của mình vào những việc trên trời và để làm việc thờ phượng Thiên Chúa. (28) Không ai có thể tước đoạt quyền này của con người, một quyền dựa trên giới răn; như lời của đức giáo hoàng viết "Không người nào có thể vi phạm mà không bị trừng phạt thứ nhân phẩm đó mà chính Thiên Chúa coi rất trọng, " và do đó nhà nước phải bảo đảm cho người thợ quyền hành xử tự do này. (29)
Nếu không lầm thì lời phát biểu rõ ràng này là đà tiến tới nguyên tắc về quyền tự do tôn giáo, một quyền đã trở thành đề tài cho nhiều bản tuyên ngôn và hội nghị long trọng của quốc tế (30) cũng như bản tuyên bố thời danh của Công Ðồng Vatican II và những giáo huấn được lặp đi lặp lại của tôi. (31) Về vấn đề này, người ta có thể tự hỏi những luật lệ và thực tế hiện nay trong các xã hội kỹ nghệ hóa có bảo đảm một cách hữu hiệu trong chính thời đại của chúng ta việc thực thi quyền căn bản được nghỉ ngơi trong ngày chủ nhật hay không.
10. Một khía cạnh quan trọng khác được áp dụng nhiều trong thời đại của chúng ta là quan niệm về mối tương quan giữa chính quyền và người dân. Thông Ðiệp RERUM NOVARUM chỉ trích 2 hệ thống xã hội và kinh tế: xã hội chủ nghĩa và tự do chủ nghĩa. Phần mở đầu, trong đó quyền tư hữu được tái xác nhận, dành cho xã hội chủ nghĩa. Tự do chủ nghĩa không là đề tài cho một phần đặc biệt, nhưng cần lưu ý rằng việc chỉ trích chủ nghĩa đó đã được nêu lên trong phần nói về nhiệm vụ của chính quyền. (32) Chính quyền không thể tự giới hạn vào việc "đứng về một phía dân," chẳng hạn người giầu có và thịnh vượng, cũng không thể " bỏ quên những giới khác," là giới rõ ràng đại diện cho đa số trong xã hội. Mặt khác, sẽ có sự vi phạm đến luật công bằng trong đó ấn định mỗi người phải nhận lãnh phần nợ của mình. "Khi có vấn đề bênh vực quyền của cá nhân, những người yếu thế và nghèo khổ có quyền được đặc biệt nâng đỡ. Giới giầu đã có nhiều cách để tự che chở và ít cần đến sự trợ giúp nhiều hơn từ chính quyền; trong khi đó khối đa số người nghèo không có nguồn lợi nào để trông cậy vào và phải tùy thuộc phần lớn vào sự giúp đỡ của nhà nước. Chính vì lý do này mà những người đi làm công, vì đa số thuộc vào giai cấp này, cần được chính quyền quan tâm và bảo vệ một cách đặc biệt.
Những đoạn này ngày nay trở nên chủ yếu, đặc biệt trước những hình thức nghèo khổ mới trên thế giới và cũng vì đó là những xác quyết không tùy thuộc vào ý niệm đặc thù về quốc gia hoặc một học thuyết chính trị đặc biệt nào. Ðức Giáo Hoàng Leo XIII lặp lại một nguyên tắc sơ đẳng về tổ chức chính trị đúng đắn, đó là, cá nhân càng bị yếu thế trong một xã hội , họ càng cần được những người khác săn sóc và lưu tâm, và đặc biệt là sự can thiệp của giới chức có thẩm quyền.
Ðó là điều mà ngày nay chúng ta gọi là nguyên tắc liên đới, vừa có giá trị trong trật tự nội bộ của mỗi quốc gia và cả trong trật tự quốc tế mà tôi đã đề cập tới trong thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS, (34) được coi như một trong những nguyên tắc cơ bản trong quan điểm của Ki-tô-giáo về tổ chức xã hội và chính trị. Nguyên tắc này thường được Ðức Giáo Hoàng LEO XIII nói tới, ngài dùng danh từ thân hữu, một quan niệm đã được nói tới trong triết lý Hy Lạp. Ðức Giáo Hoàng Piô XI nhắc tới điều này bằng một danh từ đầy ý nghĩa là bác ái xã hội. Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI, nới rộng ý niệm này để bao gồm nhiều khía cạnh mới trong vấn đề xã hội, đã nói về một nền văn minh của yêu thương. (35)
11. Ðọc lại bức thông điệp trong bối cảnh của thực trạng hiện nay giúp chúng ta nhận thức được mối quan tâm thường xuyên và sự xả thân của giáo hội đối với những người đặc biệt được Chúa Giê-Su thương mến. Nội dung của bản văn là một chứng từ tuyệt hảo nói lên việc làm liên tục trong giáo hội về điều được gọi là "thái độ chọn lựa ưu tiên đứng về phía người nghèo," một lựa chọn mà tôi định nghĩa như một "hình thức đặc biệt ưu tiên trong việc thi hành công tác bác ái Ki-tô-giáo.": (36) Thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Leo về "điều kiện của thợ thuyền" như vậy là một thông điệp về người nghèo và về những điều kiện bi đát mà những tiến bộ mới và thường mang tính cách bạo động của việc kỹ nghệ hóa đã bần cùng hóa rất nhiều người. Ngày nay nhiều nơi trên thế giới những đổi thay về kinh tế, xã hội và chính trị cũng tạo ra những tệ nạn tương tự.
Sở dĩ Ðức Giáo Hoàng Leo XIII kêu gọi nhà cầm quyền cải thiện điều kiện sinh sống của người nghèo cho phù hợp với công lý, chính vì ngài đã nhận thức đúng lúc rằng nhà cầm quyền có bổn phận quan tâm tới công ích và đảm bảo mọi giai tầng trong đời sống xã hội, luôn cả đời sống kinh tế, cùng đóng góp thực hiện công ích đó đồng thời vẫn tôn trọng sự tự trị hợp lý của mỗi giai tầng trong xã hội. Tuy nhiên điều này không thể khiến chúng ta nghĩ rằng Ðức Giáo Hoàng Leo mong đợi chính quyền sẽ giải quyết mọi vấn đề xã hội. Trái lại, ngài thường nhấn mạnh về những giới hạn cần thiết trong sự can thiệp của nhà nước và về bản chất công cụ của nhà nước bởi vì cá nhân, gia đình và xã hội đứng trước nhà nước và vì nhà nước hiện hữu chỉ để bảo vệ quyền lợi của những thực thể này chứ không phải để bóp nghẹt những quyền đó. (37)
Trong thời đại ngày nay của chúng ta những suy tư này vẫn còn chính đáng. Trong phần sau chúng ta cần trở lại vấn đề quan trọng nói về những giới hạn cố hữu trong bản chất của nhà nước này. Bây giờ, những điểm đã được nhấn mạnh (chắc chắn không phải chỉ có những điểm nêu ra trong thông điệp) đã có mặt liên tục trong giáo huấn về xã hội của giáo hội và chiếu theo quan điểm đúng đắn về quyền tư hữu, lao động, tiến triển về kinh tế, thực tại của nhà nước và, trên hết, của chính con người. Những đề tài khác sẽ được nói tới sau khi chúng ta xem xét một vài khía cạnh trong tình thế hiện tại. Từ đây trở đi cũng cần lưu ý là điểm mấu chốt và nguyên tắc hướng dẫn theo một nghĩa nào đó trong bức thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Leo và tất cả học thuyết xã hội của giáo hội là một quan điểm chính xác về con người và giá trị đặc thù của con người vì "con người... là tạo vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa muốn tạo nên vì chính họ." (38) Thiên Chúa đã tạo nên con người giống y hình ảnh của ngài (coi Sk. 1:26), ban cho con người một nhân phẩm không có gì có thể sánh được, như thông điệp vẫn thường nhấn mạnh. Quả thật, ngoài những quyền mà con người có do lao động của mình, còn có những quyền không liên hệ tới bất cứ công việc làm nào của con người nhưng cũng bắt nguồn từ nhân phẩm cần thiết theo tư cách con người.
CHƯƠNG II
HƯỚNG TỚI "NHỮNG VIỆC MỚI" CỦA HÔM NAY 
12. Việc kỷ niệm thông điệp RERUM NOVARUM sẽ không đầy đủ nếu không đề cập tới tình trạng của thế giới hôm nay. Chính tài liệu này đã mở đường cho việc đó vì khung cảnh lịch sử và sự định bệnh đã tỏ ra chính xác một cách lạ lùng y như những gì đả xảy ra từ ngày đó.
Các biến cố xảy ra vào hồi gần cuối năm 1989 và đầu năm 1990 đã đặc biệt xác nhận điều này. Những biến cố này, và những sự đổi thay tận gốc tiếp theo đó, chỉ có thể được giải thích bằng những hoàn cảnh trước đó đã phần nào kết tinh và thể hiện y như những điều mà Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã tiên đoán và những điều mà các đấng kế vị ngài tỏ ra quan ngại. Ðức Giáo Hoàng Leo tiên đoán những hậu quả tiêu cực - về mặt chính trị, xã hội, và kinh tế - của trật tự xã hội do "xã hội chủ nghĩa" chủ trương, mà vào thời kỳ đó mới chỉ là một triết thuyết xã hội và chưa phải là một phong trào được tổ chức quy mô. Ðiều đáng ngạc nhiên là "xã hội chủ nghĩa" xuất hiện vào lúc đầu khi đức giáo hoàng lên tiếng chỉ trích về những giải pháp cho "vấn đề của giai cấp thợ thuyền" chưa mang hình thức một quốc gia mạnh và đầy uy quyền với tất cả năng lực như xảy ra sau này. Tuy nhiên, ngài đã phán đoán chính xác về mối nguy hại gây ra cho quần chúng do cách thức trình bầy khéo léo của chủ nghĩa đó về một giải pháp đơn giản và cực đoan cho "vấn đề của giai cấp thợ thuyền" thời đó - điều này còn đúng hơn nữa khi người ta nhìn vào tình trạng bi đát của những bất công mà giới thợ thuyền trong các quốc gia kỹ nghệ hóa gặp phải.
Có hai việc cần nhấn mạnh ở đây: trước hết, cần phải nhận định rõ ràng điều kiện cơ cực hiện nay của thợ thuyền gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em; thứ hai, cũng cần phải nhìn nhận rõ ràng tệ hại của giải pháp bề ngoài có vẻ làm đảo lộn vị trí của người nghèo và người giầu, trong thực tế lại làm tổn thương cho chính những người muốn giúp đỡ. Giải pháp chữa trị lại tỏ ra còn tệ hại hơn là chính căn bệnh. Khi định nghĩa bản chất của xã hội chủ nghĩa trong thời đại của ngài như là sự bãi bỏ quyền tư hữu, Ðức Leo XIII đã đi vào cốt lõi của vấn đề.
Những lời của ngài cần được đọc lại một cách cẩn thận: "Ðể sữa chữa những sai lầm này (việc phân phối bất công tài nguyên và tình trạng nghèo túng của giới thợ thuyền), những nhà xã hội chủ nghĩa khuyến khích người nghèo ghen ghét người giầu và vận động bãi bỏ tư sản, cho rằng những vật sở hữu của tư nhân phải biến thành tài sản chung của mọi người...; nhưng lập luận của họ rõ ràng bất lực trong việc chấm dứt nghịch lý là, nếu đem ra thi hành, chính nhân công lại là những người chịu đau khổ trước tiên. Hơn nữa nó lại còn bất công, vì cướp đoạt từ sở hữu nhân hợp pháp, làm sai lạc vai trò của chính quyền và tạo nên tình trạng rối ren tận cùng trong cộng đồng." (39) Những tệ hại gây ra do việc thành lập hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu này như là một hệ thống của quốc gia - về sau được gọi là XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ÐÍCH THỰC - không thể nào diễn tả đầy đủ hơn thế được.
(39) RERUM NOVARUM, tr. 99. 
13. Tiếp tục những suy tư của chúng tôi và cũng đề cập tới những gì đã được nói tới trong các thông điệp LABOREM EXERCENS và SOLLICITUDO REI SOCIALIS, chúng tôi phải nói thêm rằng sai lầm căn bản của chủ nghĩa xã hội là sai lầm có tính cách nhân chủng học theo bản chất. Xã hội chủ nghĩa coi cá nhân con người chỉ là một thành tố, một phân tử trong cơ cấu xã hội, theo đó phúc lợi của cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào sự điều hành của guồng máy xã hội kinh tế. Xã hội chủ nghĩa cũng thế chủ trương rằng phúc lợi của cá nhân có thể thực hiện được không cần tới tự do lựa chọn, tới trách nhiệm duy nhất và chuyên biệt mà cá nhân đó hành xử khi đứng trước sự lành và sự dữ. Do đó con người bị giảm xuống chỉ còn là hàng loạt các mối tương quan về xã hội, và ý niệm về con người với tư cách là một chủ thể tự lập đối với các quyết định về luân lý đã biến mất, trong khi chính quyết định với tư cách chủ thể đó lại giúp xây dựng trật tự xã hội. Từ quan niệm sai lầm này về con người mới phát sinh ra việc bóp méo luật pháp trong đó quy định khuôn khổ cho việc hành xử tự do và việc chống đối lại quyền tư hữu. Một người bị tước mất cái họ gọi là "của riêng mình" và khả năng kiếm sống qua sáng kiến riêng mà lại phải tùy thuộc vào guồng máy xã hội và những người kiểm soát guồng máy đó. Việc này gây ra khó khăn hơn cho người đó và làm cản trở việc xây dựng một cộng đồng nhân loại chân chính.
Ngược lại, dưới cái nhìn của Ki-tô-giáo về con người cần phải có một hình ảnh chính xác về xã hội. Theo thông điệp RERUM NOVARUM và toàn bộ học thuyết xã hội của giáo hội, bản chất xã hội của con người không hoàn toàn được thể hiện nơi quốc gia, nhưng được thực hiện trong những nhóm trung gian khác nhau, bắt đầu với gia đình và gồm những nhóm kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa khởi nguồn từ chính bản chất con người và có tính cách độc lập, luôn luôn ý hướng về công ích. Ðây là điều tôi gọi là "tính cách chủ quan" của xã hội, cùng với sự chủ quan của cá nhân, đã bị "xã hội chủ nghĩa đích thực" loại bỏ. (40)
Nếu sau đó chúng ta đi tìm nguồn gốc phát sinh ra quan niệm sai lầm về bản chất của con người này và "tính cách chủ quan" của xã hội, chúng ta phải trả lời nguyên do đầu tiên là chủ nghĩa vô thần. Chính nhờ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa thể hiện qua các sự vật mà con người ý thức được giá trị ưu việt của mình. Mỗi cá nhân phải có sự đáp ứng này, tạo thành tuyệt đỉnh trong nhân tính của mình, và không một cơ cấu xã hội hoặc tập thể nào có thể thay thế được. Việc chối bỏ Thiên Chúa làm con người mất nền tảng và kết quả là đưa tới việc tổ chức lại trật tự xã hội trong đó không nói gì tới nhân phẩm và trách nhiệm của con người.
Chủ nghĩa vô thần mà chúng ta đang nói tới đây cũng có liên hệ mật thiết với chủ nghĩa duy lý của phái Duy Lý, nhìn xem thực trạng con người và xã hội một cách máy móc. Từ đó đưa tới việc chối bỏ cái nhìn thông suốt tối thượng về sự cao cả thật của con người, sự tuyệt diệu của con người đối với những thực tại trần thế, những trái ngược trong tâm tưởng giữa những ước muốn được có đầy đủ những sự tốt lành và việc con người không thể đạt tới điều đó, và nhất là nhu cầu cần được cứu rỗi phát sinh ra từ tình trạng đó.
(40) Coi SOLICITUDO REI SOCIALIS, Số 42. 
14. Cũng từ nguồn gốc vô thần đó, xã hội chủ nghĩa đã chọn lựa các phương thế hành động đã bị thông điệp RERUM NOVRUM lên án, đó là phương thức giai cấp đấu tranh. Dĩ nhiên đức giáo hoàng không có ý định lên án mọi hình thức tranh chấp xã hội. Giáo hội ý thức rõ rằng trong lịch sử không thể tránh được các cuộc tranh chấp về quyền lợi giữa những nhóm khác nhau trong xã hội và trước tình trạng tranh chấp đó người tín hữu thường phải bầy tỏ thái độ một cách công minh và cương quyết. Hơn nữa thông điệp LABOREM EXERCENS đã nhìn nhận rõ ràng vai trò tích cực của sự tranh chấp duới hình thức của một cuộc "đấu tranh cho công bằng xã hội"; (41) QUADRAGESIMO ANNO cũng nói rằng "nếu cuộc đấu tranh giai cấp không mang tính cách thù nghịch và thù ghét nhau, nó sẽ biến đổi dần dần thành một cuộc đối thoại thẳng thắn về những khác biệt đặt nền tảng trên một ước muốn thực hiện công bằng." (42)
Tuy nhiên, điều bị lên án trong quan niệm giai cấp đấu tranh là ý tưởng cho rằng sự tranh chấp không thể bị hạn chế bởi khía cạnh đạo đức và pháp lý hoặc bởi nhân phẩm của người khác (và theo đó cả nhân phẩm của chính mình); như vậy gạt ra ngoài sự thỏa hiệp hợp lý, và điều được theo đuổi không còn là công ích của xã hội mà là quyền lợi phe phái thay thế công ích và phá hủy tất cả những gì gặp phải trên đường tranh đấu. Nói tóm lại, đó là vấn đề chuyển sang cuộc tranh chấp nội bộ giữa những nhóm xã hội theo thuyết "chiến tranh toàn diện," mà chủ nghĩa quân phiệt và đế quốc của thời đó ngự trị trong mối bang giao quốc tế. Kết quả của thuyết này, việc tìm kiếm một thế quân bình thích đáng giữa các dân tộc được thay thế bằng những cố gắng nhằm áp đặt sự thống trị tuyệt đối của phe mình qua việc tàn phá khả năng chống trả của phe kia, xử dụng tất cả mọi phương tiện có thể có được, không loại bỏ việc xử dụng dối trá, các chiến thuật khủng bố chống lại người dân và những võ khí có sức tàn phá khủng khiếp (đó chính là những năm bắt đầu được sáng chế ra). Do đó cuộc đấu tranh giai cấp theo quan niệm Mác-xít và chủ nghĩa quân phiệt đã có chung một gốc rễ, đó là chủ nghĩa vô thần và sự coi thường con nguời, đặt nguyên tắc xử dụng võ lực lên trên lý trí và luật pháp.
(41) Coi LABOREM EXERCENS, Số 11-15.
(42) QUADRAGESIMO ANNO, III, số 113. 
15. RERUM NOVARUM chống lại việc nhà nước kiểm soát các phương tiện sản xuất, biến mỗi công dân thành một "cái răng cưa" trong guồng máy của nhà nước. Bản thông điệp cũng chỉ trích mạnh mẽ không kém quan niệm nhà nước đặt khu vực kinh tế tách biệt hoàn toàn ra khỏi lãnh vực quyền lợi và hành động của nhà nước. Chắc chắn có một lãnh vực hợp pháp của sự tự trị trong đời sống kinh tế mà nhà nước không được phép xâm nhập. Tuy nhiên, nhà nước có trách vụ ấn định khung cảnh pháp lý trong đó các hoạt động kinh tế có thể sinh hoạt và như vậy bảo đảm những đòi hỏi tiên quyết cho một nền kinh tế tự do, trong đó bao gồm một sự bình đẳng nào đó giữa các nhóm để cho một nhóm không có quá nhiều quyền lực tới độ buộc nhóm khác phải chịu thần phục. (43)
Về phương diện này, RERUM NOVARUM đề ra một đường lối đem tới những cải tổ chính đáng hầu có thể tái lập lại giá trị của lao động như là một hoạt động tự do của con người. Những cải tổ này bao hàm việc xã hội và quốc gia đều có trách nhiệm, đặc biệt là bảo vệ giới thợ thuyền tránh khỏi nỗi kinh hoàng bị thất nghiệp. Xét về phương diện lịch sử, việc này đã xảy ra theo 2 cách cùng đi về một hướng: hoặc qua các chính sách kinh tế nhắm bảo đảm mức phát triển và toàn dụng hoặc qua việc bảo hiểm về thất nghiệp và những chương trình huấn nghệ có khả năng bảo đảm một sự hoán chuyển êm thắm công nhân từ các khu vực gặp khủng hoảng sang những khu vực đang phát triển.
Hơn nữa, xã hội và quốc gia phải bảo đảm mức lương bổng tương xứng với việc sinh sống của công nhân và gia đình họ, kể cả có một số tiền nào đó để tiết kiệm. Ðiều này đòi hỏi cố gắng liên tục trong sự cải thiện việc huấn luyện và cải tiến khả năng của công nhân hầu công việc làm của họ trở nên khéo léo và có hiệu năng nhiều hơn, cũng như cần có sự kiểm soát cẩn thận và những luật lệ nhằm ngăn chặn những hình thức khai thác bỉ ổi, đặc biệt bất lợi cho những công nhân yếu kém nhất, của những di dân và những người sống bên lề xã hội. Vai trò của các nghiệp đoàn lao động trong việc thương thảo những mức lương tối thiểu và những điều kiện làm việc có tính cách quyết định trong lãnh vực này.
Sau hết, cần bảo đảm giờ làm việc "nhân đạo" và thời gian nghỉ ngơi tương xứng cũng như quyền biểu lộ cá tính của mình tại sở làm không gặp sự súc phạm tới lương tâm và nhân phẩm của mình. Ðây là chỗ cần nhấn mạnh một lần nữa về vai trò của các nghiệp đoàn lao động, không phải chỉ có nhiệm vụ thương thảo những khế ước lao động, nhưng còn là những "chỗ" mà công nhân có thể biểu lộ con người của mình. Những nghiệp đoàn này giúp phát triển một nền văn hóa về lao động và giúp nhân công có thể chia sẻ một cách đầy nhân tính trong cuộc sống ở các nơi làm việc.
Nhà nước phải góp phần một cách trực tiếp lẫn gián tiếp vào việc thực hiện những mục tiêu này. Một cách gián tiếp và phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ, bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tự do thực hiện sinh hoạt kinh tế, đem lại những cơ hội làm việc và những nguồn tài nguyên dồi dào. Một cách trực tiếp và phù hợp với nguyên tắc liên đới, bằng cách bảo vệ những kẻ yếu kém nhất qua việc đặt ra một số những giới hạn về tự trị của các phần tử có quyền ấn định các điều kiện làm việc và bằng cách bảo đảm trong mọi trường hợp một sự trợ giúp tối thiểu cho công nhân bị thất nghiệp. (45)
Thông điệp và giáo huấn về xã hội liên hệ của giáo hội gây ảnh hưởng sâu rộng trong những năm nối tiếp giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Ảnh hưởng này có thể chứng tỏ qua nhiều cải tổ được đưa ra trong các lãnh vực an sinh xã hội, tiền hưu trí, bảo hiểm sức khỏe và bồi thường tai nạn, trong bối cảnh tôn trọng nhiều hơn các quyền của công nhân. (46)
(43) Coi RERUM NOVARUM, tr. 121-125.
(44) Coi LABOREM EXERCENS, Số 20; cuộc đàm luận với Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế tại Genève (06-15-1982): Inseganamenti V/2 (1982). tr. 2250-2266; Paul VI, đàm luận với ILO (6-10-1969): aas 61 (1969), TR. 491-502. (45) Coi LABORẸM EXERCENS, Số 8. 
16. Những cải tổ này đã được các quốc gia thi hành một phần, nhưng cuộc tranh đấu để thực hiện những cải tổ này phong trào công nhân giữ một vai trò thật quan trọng. Phong trào này, khởi đầu để đáp lại ý thức luân lý trước những hoàn cảnh bất công và nguy hại, đã phát động một chiến dịch cải tổ rộng lớn xa hẳn lý thuyết mơ hồ và gần gũi với những nhu cầu hàng ngày của công nhân. Trên bình diện này, những nỗ lực của phong trào thường được những tín hữu Ki-tô-giáo tiếp tay nhằm cải thiện điều kiện sinh sống của công nhân. Sau này phong trào này phần nào đã bị lý thuyết Mác-xít thao túng đi ngược lại những điều đã được đề cập trong thông điệp RERUM NOVARUM.
Chính những cải cách này cũng một phần là do kết quả của một tiến trình mở rộng trong đó xã hội bằng cách thiết lập những cách thức liên đới hữu hiệu có khả năng hỗ trợ sự khuếch trương kinh tế tôn trọng nhiều hơn những giá trị của con người. Ở đây chúng ta cần nhớ có nhiều tín hữu Ki-tô-giáo đã cố gắng góp sức vào việc thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ, cổ võ công tác phổ thông giáo dục và huấn nghiệp, thí nghiệm nhiều hình thức tham gia khác nhau trong đời sống trong nơi làm việc và trong đời sống xã hội nói chung.
Như vậy khi nhìn vào quá khứ chúng ta có đủ lý do để cảm tạ Thiên Chúa về việc bức thông điệp vĩ đại này đã không phải là không có tiếng vang trong tâm hồn của con người và quả thật đã đem lại một sự đáp ứng nồng nhiệt trêm bình diện thực tế. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng sứ điệp có tính cách tiên tri này đã không được dân chúng thời đó đón nhận một cách hoàn toàn. Chính vì lý do này đã xảy ra một vài thảm họa hết sức nghiêm trọng.
(46) Coi QUAGRAGESIMO ANNO, III, Số 113. 
17. Ðọc thông điệp trong khuôn khổ toàn bộ thánh truyền của Ðức Giáo Hoàng Leo, (47) chúng ta thấy thông điệp đã tiên liệu hậu quả về kinh tế-xã hội đối với sự sai lầm có tầm ảnh hưởng lớn lao hơn. Như đã đề cập, sự sai lầm này gồm việc hiểu sai về tự do của con người làm con người xa rời không còn tuân theo sự thật và kết quả hết còn tôn trọng quyền của những người khác. Bản chất của tự do lúc đó trở thành một thứ tự kỷ tới độ coi thường Thiên Chúa và người anh em của mình, một sự tự kỷ dẫn tới một sự vị kỷ không còn kiềm hãm nổi, chối từ mọi hạn chế do công lý đòi hỏi. (48)
Chính sai lầm này đã có hậu quả vô cùng tệ hại qua hàng loạt các cuộc chiến tranh thảm khốc tàn phá Âu Châu và thế giới trong khoảng 1914 và 1945. Một số cuộc chiến này là do chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa quốc gia quá khích, và từ những hình thức độc tài liên hệ gây ra; một số cuộc chiến do đấu tranh giai cấp gây ra; còn có những cuộc chiến khác là các cuộc nội chiến hoặc chiến tranh mang sắc thái chủ nghĩa. Nếu không có gánh nặng khủng khiếp của hận thù và tức giận do kết quả của bao nhiêu sự bất công chồng chất lên cả trên bình diện quốc tế và trong nội bộ của các quốc gia, những cuộc chiến tranh tàn bạo đó đã không thể diễn ra trong đó các cường quốc đầu tư năng lực của mình và không ngần ngại vi phạm những quyền thiêng liêng nhất của con người, với việc hoạch định và đem thi hành kế hoạch nhằm tiêu diệt toàn thể các dân tộc và các nhóm xã hội. Ở đây chúng ta đặc biệt nhớ lại trường hợp người Do Thái trong đó định mệnh khủng khiếp của họ đã trở thành một biểu tượng về sự lầm lạc mà con người có thể làm được khi đối đầu lại với Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chỉ khi hận thù và bất công được các chủ nghĩa thừa nhận và dựa vào các chủ nghĩa đó hơn là trên sự thật về con người để tổ chức, mà các chủ nghĩa đó đã chiếm trọn toàn bộ các quốc gia và thúc đẩy các quốc gia này hành động. (49) RERUM NOVARUM chống lại những chủ nghĩa hận thù và cho thấy công lý có thể vượt thắng bạo lực và hận thù. Ước gì khi nhớ lại những biến cố khủng khiếp đó sẽ hướng dẫn hành động của mỗi người, đặc biệt các nhà lãnh đạo các quốc gia trong thời đại của chúng ta khi các hình thức bất công khác đang châm ngòi cho những sự thù ghét mới và khi những chủ nghĩa mới cổ võ bạo động đang ló dạng ở chân trời.
(47) Coi ARCANUM DIVIAE SAPIENTIAE; DIUTURNUM ILLUD; thông điệp IMMORTALE DEI (11-1-1885): LEO XIII P.M. ACTA, V, Rome 1886, tr. 118-150; thông điệp SAPIENTIAE CHRISTIANAE (1-10-1890): LEONIS XIII P.M. ACTA, X, Rome 1891, tr. 10-41; thông điệp QUOD APOSTOLICI MUNERIS (12-28-1878): LEONIS XIII P.M. ACTA, I, Rome 1881, tr. 170-183; LIBERTAS PRAESTANTISSIMUM. (48) Coi LIBERTAS PRAESTANTISSIMUM, Số 20. (49) Coi sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1980: AAS 71 (1979), tr. 1572-1580). 
18. Ðúng là vào hồi 1945 súng đã im tiếng ở lục địa Âu Châu, nhưng chúng ta phải nhớ rằng hòa bình thực sự không khi nào đơn thuần do kết quả của chiến thắng quân sự, nhưng đúng hơn còn nhờ vào việc loại bỏ những căn nguyên phát sinh ra chiến tranh và sự hòa giải chân chính giữa các dân tộc. Trong nhiều năm ở Âu Châu cũng như trên thế giới đã có tình trạng không có chiến tranh hơn là có hòa bình đích thực. Nửa phần lục địa nằm dưới sự thống trị của chế độ độc tài cộng sản, trong khi nửa phần còn lại tự tổ chức phòng vệ chống lại mối đe dọa này. Nhiều dân tộc mất khả năng kiểm soát vận mệnh của mình và bị khép kín trong những biên giới nghẹt thở của một đế quốc đang tìm cách tiêu diệt hình ảnh lịch sữ và những gốc rễ về văn hóa có từ ngàn đời. Do kết quả của sự chia cắt thô bạo này ở Âu Châu, những khối người khổng lồ đã buộc phải rời bỏ quê hương của họ hoặc bị trục xuất khỏi xứ sở.
Một cuộc võ trang điên rồ đã nuốt trọn nguồn tài nguyên cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế quốc gia và để viện trợ cho các quốc gia chậm tiến. Những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật đáng lý phải đóng góp vào việc phục vụ con ngưởi, đã biến thành công cụ của chiến tranh: Khoa học và kỹ thuật được hướng về việc sản xuất những võ khí còn hiệu quả và có sức tàn phá hơn bao giờ hết. Trong khi đó, một chủ nghĩa, một sự bóp méo của triết lý đúng đắn, được kêu gọi để biện minh về mặt triết học cho một cuộc chiến tranh mới. Và cuộc chiến này không chỉ đơn thuần có tính cách chờ đợi và sửa soạn mà còn xảy ra thật gây cảnh máu đổ tang thương ở nhiều nơi trên thế giới. Những lập luận về các khối quyền lực hoặc đế quốc, bị nhiều tài liệu của giáo hội và gần đây trong thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS (50) lên án, đưa tới một tình trạng trong đó những mâu thuẫn và bất đồng giữa các quốc gia thuộc Ðệ Tam Thế Giới trở nên nghiêm trọng và bị khai thác một cách có hệ thống để tạo ra những khó khăn cho địch thủ.
Những nhóm cực đoan, tìm cách giải quyết các mâu thuẫn đó bằng cách sử dụng võ khí, nhận được những sự trợ giúp về chính trị và quân sự và được trang bị và huấn luyện sửa soạn cho chiến tranh; những người cố gắng tìm ra giải pháp hòa bình và nhân đạo, với sự tôn trọng các quyền lợi hợp pháp của tất cả mọi phe nhóm, lại bị cô lập và thường trở thành nạn nhân của những đối thủ của mình. Thêm vào đó, tình trạng mong manh của nền hòa bình tiếp theo sau Ðệ Nhị Thế Chiến là một những nguyên do chính đưa đến việc võ trang hóa của nhiều quốc gia Thế Giới Thứ Ba và những cuộc huynh đệ tương tàn cũng như làm lan rộng chiến dịch khủng bố và những phương tiện chiến tranh chính trị và quân sự càng ngày càng thêm man rợ. Hơn nữa, toàn thế giới bị ám ảnh về một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể đưa tới sự diệt vong của nhân loại. Khoa học được xử dụng vào các mục tiêu chiến tranh đã đặt khí cụ quyết định này vào tay của hận thù được tăng cường thêm bằng ý thức hệ. Nhưng nếu chiến tranh có thể chấm dứt mà không có người thắng kẻ bại trong một cuộc tự tử của nhân loại, như vậy chúng ta phải bác bỏ lập luận đem đến việc đó: cái ý tưởng cho rằng cố gắng tiêu diệt kẻ thù, sự đối đầu và chính chiến tranh là những yếu tố đem lại tiến bộ và thăng tiến của lịch sử. (51) Khi ý thức được nhu cầu phải khước bác này, những ý niệm về "chiến tranh toàn diện" và "đấu tranh giai cấp" dĩ nhiên phải được đặt thành nghi vấn.
(50) Coi SOLICITUDO REI DOCIALIS, Số 20. 
19. Tuy nhiên, vào cuối Ðệ Nhị Thế Chiến, một tâm trạng như vậy vẫn còn đang hình thành trong lương tri của con người. Ðiều được người ta chú ý là việc chủ nghĩa độc tài cộng sản lan tràn trên quá nửa phần Âu Châu và trên các miền khác trên thế giới. Chiến tranh, đáng lý đã tái lập lại tự do và trả lại quyền cho các dân tộc, lại kết thúc mà không đạt được những mục tiêu đó. Quả thật đối với nhiều người, đặc biệt những người đã phải chịu đau khổ nhiều nhất trong cuộc chiến, đã có việc đi ngược lại với những mục tiêu này. Có thể nói rằng trước tình trạng đó đã có những giải đáp khác nhau.
Sau sự tàn phá do chiến tranh gây ra, chúng ta thấy ở một vài quốc gia và dưới một vài khía cạnh có sự cố gắng tích cực để xây dựng một xã hội dân chủ bắt nguồn từ công bằng xã hội, để loại bỏ việc chủ nghĩa cộng sản có thể khai thác những khối quần chúng nạn nhân của sự khai thác và áp bức để biến thành các cuộc cách mạng. Nói tổng quát, những cố gắng nhằm duy trì cơ cấu thị trường tự do, bảo đảm bằng một hệ thống tiền tệ vững chãi và sự hòa hợp trong những tương quan xã hội tạo điều kiện cho một sự tăng gia kinh tế đều đặn và lành mạnh trong đó dân chúng bằng công việc làm của họ có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cho gia đình mình. Trong khi đó những cố gắng này nhằm tránh việc biến cơ cấu thị trường thành một chủ điểm duy nhất trong đời sống xã hội, và thường có khuynh hướng đặt nó dưới sự kiểm soát công cộng, theo nguyên tắc hướng về một mục tiêu chung cho các sản phẩm vật chất. Trong chiều hướng này, cơ hội làm việc dồi dào, một hệ thống an sinh xã hội và huấn nghiệp vững chắc, quyền tự do gia nhập nghiệp đoàn và hành động hiệu quả của nghiệp đoàn, sự trợ giúp trong trường hợp bị thất nghiệp, các cơ hội được tham gia dân chủ trong đời sống xã hội - tất cả những việc này có nghĩa là đưa lao động vượt ra khỏi tình trạng bị coi chỉ là "một món hàng" và bảo đảm phẩm giá của nó.
Như vậy đã có những lực lượng xã hội và các phong trào ý thức hệ khác chống lại chủ nghĩa Mác-xít bằng cách thiết lập những hệ thống "an ninh quốc gia" nhằm kiểm soát toàn thể xã hội theo một phương cách có hệ thống để cho chủ nghĩa cộng sản không thể xâm nhập vào được. Với việc đặt nặng và gia tăng quyền uy của nhà nước, những nhóm này muốn bảo vệ dân tộc của họ chống lại cộng sản , nhưng mặt khác khi làm như thế họ lại gặp phải nguy cơ tiêu diệt tự do và các giá trị của con người, là chính những điều mà họ đề ra để chống lại chủ nghĩa cộng sản.
Một hình thức đáp ứng khác, có vẻ thực tiễn, được tiêu biểu qua một xã hội thịnh vượng hoặc một xã hội tiêu thụ. Giải pháp này tìm cách đánh bại chủ nghĩa Mác-xít trên cơ sở vật chất chủ nghĩa thuần túy bằng cách chứng minh một xã hội với kinh tế thị trường tự do có thể đem lại thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người nhiều hơn là chủ nghĩa cộng sản, trong khi đó đồng thời lại cũng gạt bỏ các giá trị tinh thần. Trên thực tế, trong khi một mặt đúng là mô hình xã hội này cho thấy chủ nghĩa Mác-xít đã thất bại trong việc tạo nên một xã hội nhân bản và tốt đẹp hơn, mặt khác, vì chối bỏ sự hiện hữu và giá trị độc lập đối với luân lý, luật pháp, văn hóa và tôn giáo, giải pháp này đã đồng ý với chủ nghĩa Mác-xít ở chỗ giới hạn hoàn toàn con người vào lãnh vực kinh tế và thỏa mãn những nhu cầu vật chất.
(51) Coi John XXIII, thông điệp PACEM IN TERRIS (4-11-63), III: AAS 55 (1963) tr. 286-289. 
20. Cũng trong giai đoạn này, diễn ra một tiến trình lan rộng nhằm "bãi bỏ chế độ thực dân" theo đó nhiều quốc gia được hưởng hoặc tái hưởng độc lập và quyền tự do quyết định vận mệnh của mình. Tuy nhiên, cùng với việc chính thức dành lại chủ quyền quốc gia, những nước này thường thấy mình chỉ mới khởi sự trên bước đường kiến tạo một nền độc lập chân chính. Những khu vực trọng yếu trong nền kinh tế trên thực tế vẫn còn còn nằm trong tay những công ty lớn của ngoại quốc, những công ty này lại không muốn cam kết vào một chương trình phát triển lâu dài tại quốc gia chủ. Chính đời sống chính trị lại do các thế lực ngoại quốc kiểm soát, trong khi bên trong biên giới quốc gia có những nhóm sắc tộc chưa hòa nhập vào cộng đồng quốc gia thuần nhất. Cũng thiếu một giai cấp những người chuyên nghiệp có khả năng có thể quản trị guồng máy quốc gia một cách trong sạch và công minh hoặc cũng không có nhân viên có khả năng để điều hành guồng máy kinh tế một cách hữu hiệu và trong tinh thần trách nhiệm.
Trước tình thế đó, nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa Mác-xít có thể cống hiến một giải pháp cấp thời trong việc kiến thiết quốc gia và guồng máy nhà nước; do đó nhiều hình thức xã hội khác nhau đã phát hiện mang các đặc tính quốc gia. Những đòi hỏi hợp pháp về việc phục hồi quốc gia, những hình thức chủ nghĩa quốc gia và kể cả chủ nghĩa quân phiệt, các nguyên tắc rút tỉa ra từ những truyền thống phổ thông lâu đời (đôi khi phù hợp với học thuyết xã hội Ki-tô-giáo) và những ý niệm và tư tưởng Máxít-Lêninít - tất cả những chủ thuyết này trộn lẫn với nhau trong nhiều chủ nghĩa được hình thành khác nhau tùy theo từng trường hợp. 
21. Sau cùng, nên nhớ rằng sau Ðệ Nhị Thế Chiến và để phản ứng lại những sự kinh hoàng do cuộc chiến đó gây ra, đã phát sinh ra một ý thức sống động hơn về nhân quyền, được công nhận trong một số các tài liệu quốc tế (52) và có thể nói, đã phác họa ra một "quyền của các dân tộc" mới mà Ðức Giáo Hoàng thường xuyên đóng góp. Nắm vai trò then chốt trong cuộc tiến hóa này là Liên Hiệp Quốc. Không những đã chỉ có tiến bộ trong ý thức về quyền của các cá nhân mà còn có sự ý thức về quyền của các quốc gia cũng như sự nhìn nhận rõ rệt hơn về nhu cầu hành động để sửa chữa tình trạng bất quân bình nghiêm trọng giữa các vùng địa dư khác nhau trên thế giới. Trong một khía cạnh nào đó những sự bất quân bình này đã chuyển trọng tâm của vấn đề xã hội từ tầm mức quốc gia sang tầm mức quốc tế. (53)
Tuy hài lòng về tiến trình này, nhưng người ta không thể bỏ quên sự kiện là sự quân bình toàn diện trong chính sách viện trợ để phát triển khác nhau không luôn luôn có tính cách tích cực. Hơn nữa, Liên Hiệp Quốc đã không thành công trong sự sắp đặt thay thế chiến tranh bằng các phương thế hữu hiệu nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế. Dường như đây là một vấn đề khẩn thiết nhất mà cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết.
CHƯƠNG III
NĂM 1889 
22. Dựa trên tình hình thế giới vừa diễn tả ở trên và cũng được đề cập tới trong thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS ta mới hiểu được ý nghĩa không ngờ và hứa hẹn về những biến cố trong những năm gần đây. Mặc dầu những biến cố này đạt tới cao điểm vào năm 1989 tại các quốc gia Trung và Ðông Âu, đã kéo dài lâu hơn và lan rộng ra trong khu vực địa dư lớn hơn. Trong khoảng thập niên 1980, một vài chế độ độc tài và áp chế lần lượt theo nhau sụp đổ tại một vài quốc gia thuộc Châu Mỹ La Tinh và cũng ở Phi Châu và Á Châu. Trong những trường hợp khác bắt đầu có một sự chuyển tiếp khó khăn nhưng hữu hiệu sang những cơ cấu chính trị có tính cách tham gia nhiều hơn và chính trực hơn. Một đóng góp quan trọng, và cũng quyết liệt nữa của giáo hội trong việc bênh vực và đề cao nhân quyền. Trong những tình thế bị ảnh hưởng nặng nề bởi ý thức hệ, trong đó sự chia rẽ đã làm mờ đi ý thức về nhân quyền chung cho tất cả mọi người, giáo hội đã xác nhận minh bạch và mạnh mẽ rằng mọi người - cho dù có một xác quyết cá biệt ra sao - đều mang hình ảnh của Thiên Chúa và vì vậy đáng được kính trọng. Thông thường đa số quần chúng đều cùng có chung một thứ xác quyết như vậy, và điều này dẫn tới việc tìm kiếm những hình thức phản đối và những giải pháp chính trị khả kính hơn cho nhân phẩm của con người.
Từ bước tiến lịch sử này những hình thức dân chủ mới đã hình thành đem lại hy vọng về một sự đổi thay trong cơ cấu chính trị và xã hội mong manh nặng trĩu với hàng loạt những bất công và bất mãn cũng như với một nền kinh tế tàn phá nặng nề và những cuộc tranh chấp xã hội nghiêm trọng. Cùng với toàn thể giáo hội, tôi cảm tạ Thiên Chúa về việc làm chứng tá một cách thường là can đảm trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy của các vị chủ chiên, của toàn thể cộng đồng dân Chúa, các cá nhân giáo dân và những người thiện chí khác; đồng thời tôi cầu xin Ngài sẽ phù hộ cho mọi người đang nỗ lực xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Quả thật, đây là một trách nhiệm không những của người dân của các quốc gia liên hệ, mà còn là trách nhiệm của tất cả Ki-tô-hữu và những người có thiện tâm. Ðây là những vấn đề mà những dân tộc này đang phải đối phó chỉ có thể giải quyết được qua sự đối thoại và tình liên đới hơn là bằng một cuộc chiến đấu để tiêu diệt kẻ thù bằng chiến tranh. 
23. Trong nhiều yếu tố đưa đến sự sụp đổ của các chế độ áp bức, một vài yếu tố cần được nói tới. Chắc chắn yếu tố có tính cách quyết định đem đến những đổi thay là sự vi phạm vào những quyền của công nhân. Ta không thể quên được rằng khủng hoảng căn bản của những hệ thống cho là họ biểu hiện cho quy luật và quả thật cho chế độ độc tài của giai cấp thợ thuyền bắt đầu bằng những cuộc nổi dậy rộng lớn diễn ra tại Ba Lan nhân danh tình liên đới. Ðó là những đám đông gồm thợ thuyền đã từ bỏ ý thức hệ vẫn được coi là nhân danh họ mà nói. Dựa trên kinh nghiệm sống và khổ cực trong lao động và đàn áp, chính họ là những người đã khôi phục và một cách nào đó tái khôi phục lại nội dung và những nguyên tắc của học thuyết xã hội của giáo hội.
Cũng nên nhấn mạnh tới sự kiện là việc sụp đổ hình thức của một "khối" hoặc đế quốc này được thực hiện hầu như khắp nơi bằng những cuộc phản đối ôn hòa, chỉ dùng tới võ khí của sự thật và công lý. Trong khi chủ nghĩa Mác-xít cho rằng chỉ có cách khuấy động những tranh chấp xã hội mới có thể giải quyết nó bằng những cuộc đối đầu bạo động, những cuộc phản đối đưa tới sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác-xít luôn luôn chủ trương phải dùng tất cả mọi đường lối thương lượng , đối thoại và làm chứng cho chân lý, kêu gọi lương tam của đối phương và tìm cách khơi động nơi họ một ý thức về phẩm giá được san xẻ của con người.
Dường như nền trật tự ở Âu Châu có từ Ðệ Nhị Thế Chiến và các thỏa hiệp Yalta chỉ có thể bị đảo ngược bằng một cuộc chiến tranh khác. Trái lại, trật tự đó đã bị lướt thắng do sự tham gia không bạo động của những người luôn luôn từ chối nhượng bộ trước bạo lực, đã nối tiếp thành công trong việc tìm kiếm những phương cách hữu hiệu để làm chứng cho chân lý. Việc này đã tước đoạt võ khí của đối phương, vì bạo lực luôn luôn cần phải tự minh xác bằng dối trá và phải làm ra vẻ, cho dù sai lạc, như để bảo vệ cho một quyền hoặc đáp lại một sự đe dọa từ người khác. (54) Một lần nữa tôi cảm tạ Thượng Ðế đã nâng đỡ tâm hồn con người qua những thử thách khó khăn, và tôi cầu nguyện cho tấm gương sáng này sẽ lướt thắng ở những chỗ khác và những hoàn cảnh khác. Ước gì người ta học cách chiến đấu cho công lý mà không dùng tới bạo lực, chối bỏ đấu tranh giai cấp trong các cuộc tranh chấp quốc nội và từ bỏ chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế.
(54) Coi thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới, tr. 1572-1580. 
24. Yếu tố thứ nhì trong cuộc khủng hoảng chắc chắn là sự thiếu hữu hiệu của hệ thống kinh tế, điều mà không thể coi như chỉ đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật, mà đó chính là hậu quả của việc vi phạm nhân quyền trong lãnh vực sáng kiến tư nhân, về quyền tư hữu và về tự do trong khu vực kinh tế. Cần phải thêm chiều kích văn hóa và quốc gia: Không thể hiểu về một người trên căn bản kinh tế mà thôi hoặc định nghĩa người đó chỉ dựa trên căn bản thuộc một giai cấp nào. Con người cần được hiểu theo một phương cách đầy đủ hơn khi người đó được đặt vào trong khung cảnh văn hóa qua ngôn ngữ, lịch sử và quan điểm của người đó đối với những biến cố căn bản của đời sống như sinh đẻ, yêu đương, làm việc và chết. Trọng tâm của mọi nền văn hóa là thái độ của con người đối với bí mật lớn lao nhất: bí mật về Thiên Chúa. Mỗi nền văn hóa có cách khác nhau để giải thích vấn đề ý nghĩa của cuộc sống cá nhân. Khi vấn đề này bị loại bỏ, văn hóa và đời sống luân lý của các quốc gia sẽ bị băng hoại. Vì lý do đó cuộc tranh đấu để bảo vệ lao động liên quan một cách tự nhiên tới cuộc tranh đấu cho văn hóa và cho quyền của quốc gia.
Nhưng nguyên do thật sự của những diễn biến mới đây là sự trống trải về tâm linh do chủ nghĩa vô thần đem lại, khiến cho những thế hệ trẻ mất đi ý thức về hướng đi và trong nhiều trường hợp, đưa họ đi tìm kiếm một bản thể cá nhân và ý nghĩa của cuộc đời, tìm lại các gốc rễ tôn giáo trong văn hóa quốc gia của họ và tái khám phá ra con người của chính chúa Ki-tô đáp ứng đúng với khát vọng của mọi tâm hồn con người đang hướng về chân, thiện, và sự sống. Cuộc tìm kiếm này được hỗ trợ qua chứng tá của những người mặc dầu trước hoàn cảnh khó khăn và bị đàn áp vẫn trung thành với Thiên Chúa. Chủ nghĩa Mác-xít đã hứa sẽ nhổ tận rễ nhu cầu về Thiên Chúa ra khỏi trái tim con người, nhưng kết quả đã cho thấy rằng không thể thành công trong việc này mà không phải đẩy lòng người vào cảnh hỗn loạn. 
25. Các biến cố 1989 là một thí dụ cho thấy sự thành công trong việc sẵn sàng thương thuyết và việc áp dụng tinh thần Phúc Âm trước một địch thủ quyết tâm không bị trói buộc bởi những nguyên tắc về luân lý. Những biến cố này là một cảnh cáo cho những ai nhân danh thực tế chính trị muốn bãi bỏ luật lệ và luân lý trong lãnh vực chính trị. Không thể hồ nghi là cuộc tranh đấu đưa tới những đổi thay vào hồi 1989 đòi hỏi sự sáng suốt, hòa hoãn, đau khổ và hy sinh. Chắc chắn đó là cuộc tranh đấu phát sinh ra từ sự cầu nguyện, và thật không thể tưởng tượng có thể xảy ra nếu không có sự tin tưởng vô biên vào Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, người nắm giữ con tim của con người trong tay của ngài. Bằng cách hợp với sự đau khổ của ngài nhân danh chân lý và tự do, với những khổ đau của Ðức Ki-tô trên thập giá mà con người có thể thực hiện được phép lạ hòa bình và mới có thể nhận ra được con đường thật nhỏ hẹp ngăn cách giữa thái độ hèn nhát chịu thần phục sự dữ với bạo lực mà duới ảo ảnh chiến đấu chống lại sự dữ lại chỉ làm nó tệ hại hơn.
Tuy vậy, không thể quên được là cách thức mà con người hành xử tự do của mình tùy thuộc vào nhiều phương cách. Trong khi những phương cách này chắc chắn có ảnh hưởng tới tự do, nó không định đoạt tự do đó; nó khiến cho việc hành xử tự do trở nên khó khăn hơn hoặc ít khó khăn hơn, nhưng nó không thể tiêu diệt tự do. Việc coi thường bản chất con người làm nên tự do, không những sai lầm xét trên quan điểm luân lý, mà trên thực tế không thể thực hiện được. Bất cứ ở nơi nào mà xã hội tổ chức để giảm bớt một cách độc đoán hoặc bãi bỏ lãnh vực hành xử tự do sẽ đưa tới kết quả là cuộc sống xã hội sẽ dần dà trở nên hỗn loạn và đi tới chỗ suy đồi.
Hơn nữa, con người, được dựng nên để hưởng tự do, mang trong mình vết thương của tội nguyên thủy, luôn luôn bị lôi cuốn hướng chiều về sự dữ và vì vậy cần được cứu rỗi. Không những học thuyết này là một phần chủ yếu của mặc khải Ki-tô-giáo, nó cũng có giá trị chú giải lớn lao về Thánh Kinh giúp người ta hiểu về thực tại của con người. Con người thường hướng về sự lành, nhưng con người cũng có khả năng làm điều dữ. Con người có thể vượt trên lợi lộc tức thời và vẫn còn bị ràng buộc với nó. Trật tự xã hội sẽ vững vàng hơn nếu người ta chú ý tới sự kiện này và không để lợi lộc cá nhân và toàn bộ quyền lợi của xã hội ở tư thế chống đối nhau, nhưng tìm cách đem lại sự hòa hợp tốt đẹp. Sự thật, nơi nào mà tư lợi bị tước đoạt một cách tàn bạo, nó sẽ được thay thế bằng một hệ thống kiểm soát thư lại khó khăn làm cạn nguồn sáng kiến và sáng tạo. Khi người ta nghĩ là mình nắm giữ bí mật về một phương thức tổ chức xã hội hoàn hảo khiến sự dữ không thể tồn tại được, người ta cũng nghĩ rằng họ có thể xử dụng bất cứ phương tiện nào bao gồm cả bạo động và lừa dối, để có thể làm cho tổ chức đó hình thành. Chính trị lúc đó trở thành một "tôn giáo thế tục" hoạt động với ảo vọng có thể tạo ra thiên đường ở hạ giới. Nhưng không có một xã hội chính trị nào - một xã hội có sự tự trị và luật pháp riêng (55) - lại có thể bị lẫn lộn với Thiên quốc. Ngụ ngôn trong Kinh Thánh nói về những cỏ dại trong lúa (coi Mt. 13:24-30, 36-43) dạy rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền phân loại ra những thực thể Ác và sự phán xét này sẽ diễn ra vào thời kỳ sau hết. Khi tìm cách phán xét ở đây và vào lúc này, con người đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và tự mình chống lại sự nhẫn nhục của Thiên Chúa.
Qua sự hy sinh của Ðức Ki-tô trên thập giá, chiến thắng của Thiên quốc đã hoàn thành ngay. Tuy nhiên, cuộc sống của Ki-tô-hữu bao gồm sự chiến đấu chống lại sự cám dỗ và các lực lượng của sự dữ. Chỉ vào lúc cuối cùng của lịch sử Chúa sẽ trở lại trong vinh quang trong ngày phán xét chung (coi Mt. 25:31) với việc thiết lập một thiên đàng mới và một thế giới mới (coi 2Pt. 3:13; Rv.21:1); nhưng bao lâu thời gian còn kéo dài cuộc tranh đấu giữa lành và dữ vẫn tiếp tục ngay cả trong chính con tim của con người nữa.
Ðiều mà Thánh Kinh dạy chúng ta về các viễn tượng của Thiên quốc không phải là không có hậu quả cho đời sống trong xã hội tạm bợ, mà như tĩnh từ đó diễn tả, thuộc về thực tại thời gian, với tất cả những ám chỉ về sự không hoàn hảo và không trường cửu. Nước của Thiên Chúa, ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian, soi sáng cho trật tự của xã hội con người, trong khi sức mạnh của ân sủng thẩm nhập vào trật tự đó và ban cho nó sự sống. Bằng cách này những đòi hỏi của xã hội xứng đáng với con người được ý thức rõ hơn, những lệch lạc được sửa chữa, lòng can trường làm việc cho điều thiện được tăng cường. Hợp với mọi người thiện tâm, các Ki-tô- hữu đặc biệt là giáo dân, được mời gọi để đảm nhận công tác làm cho các thực tại con người thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. (56)
(55) Coi LABOREM EXERCENS, Số 20.
(56) Coi tông huấn CHRISTIFIDELES LAICI (12-30-1988) Số 36, 39. 
26. Những biến cố hồi 1989 diễn ra chủ yếu ở các quốc gia thuộc Ðông Âu và Trung Âu. Tuy nhiên, những biến cố này đã có tầm quan trọng khắp toàn cầu vì nó có những hậu quả tích cực và tiêu cực khiến toàn thể gia đình nhân loại phải quan tâm. Những hậu quả này không có tính cách máy móc hoặc nguy hiểm, nhưng đúng ra là cơ hội con người có cơ hội hợp tác với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, ngài hành động trong khuôn khổ lịch sử.
Hậu quả đầu tiên là một cuộc gặp gỡ tại một vài quốc gia giữa giáo hội và phong trào thợ thuyền, nhờ vào phản ứng có tính cách luân lý và rõ rệt mang sắc thái Ki-tô-giáo chống lại tình trạng bất công đang lan rộng. Trong gần một thế kỷ phong trào thợ thuyền đã tan rã dưới sự thống trị của chủ nghĩa Mác-xít với chủ trương là giới thợ thuyền, muốn tranh đấu hữu hiệu chống lại sự đàn áp, phải tiếp thu những lý thuyết về kinh tế và vật chất của họ.
Trong cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Mác-xít, sự thúc đẩy tự nhiên của lương tâm người thợ tới chỗ đòi hỏi công bằng và nhìn nhận phẩm giá của lao động phù hợp với học thuyết xã hội của giáo hội. (57) Phong trào thợ thuyền là một phần của một phong trào rộng lớn hơn và của những người thiện tâm trong việc giải phóng con người và xác nhận các quyền của con người. Ðó là một phong trào ngày nay đã lan tràn ra nhiều quốc gia và , không những không hề chống Giáo Hội Công Giáo, mà còn nhìn Giáo Hội với đầy thiện cảm.
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Mác-xít không làm thế giới thoát khỏi những cảnh huống bất công và đàn áp mà chính chủ nghĩa Mác-xít đã khai thác và nuôi dưỡng. Ðối với những người ngày nay đang đi tìm một lý thuyết và thực hành mới và đúng đắn về giải phóng, giáo hội cung ứng không những học thuyết xã hội của mình, và, một cách tổng quát, giáo huấn của giáo hội về con người được cứu chuộc nơi Ðức Ki-tô, đồng thời còn có sự cam kết và trợ giúp cụ thể của giáo hội trong cuộc tranh đấu chống lại bần cùng và đau khổ.
Trong thời gian qua, vì thành thật ước mong đứng về phe những người bị áp bức và để không bị đẩy sang bên lề lịch sử, nhiều tín hữu tìm mọi cách để dung hòa giữa chủ nghĩa Mác-xít và Ki-tô-giáo. Vượt qua tất cả những cố gắng có tính cách ngắn hạn đó, hoàn cảnh hiện nay dẫn tới việc tái xác nhận giá trị tích cực của thần học giải phóng con người hợp nhất. (58) Xét từ quan điểm này, biến cố 1989 chứng tỏ cũng quan trọng đối với những quốc gia thuộc thế giới đệ tam, những nước đang tìm kiếm đường lối phát triển cho riêng mình, và cũng quan trọng cho các quốc gia thuộc Trung Âu và Ðông Âu.
(57) coi LABOREM EXERCENS, Số 20.
(58) Coi Nghị hội về Tín Lý, Hướng dẫn về Tự Do và Giải Phóng của Ki-tô-giáo LIBERTATIS CONSCIENTIA (3-22-1986):AAS 79 (1987), tr. 544-599. 
27. Hậu quả thứ hai liên hệ tới chính dân chúng ở Âu Châu. Nhiều bất công vi phạm đến cá nhân, xã hội, cho cả vùng và quốc gia trong thời gian hoặc trước những năm cộng sản chế ngự; hận thù và ác ý đã chồng chất lên cao. Những điều này có nguy cơ bùng nổ trở lại sau khi chế độ độc tài bị sụp đổ, tạo nên những cuộc tranh chấp và tổn thương nghiêm trọng nếu có sự giảm bớt các cam kết về mặt tinh thần và những nỗ lực làm chứng cho chân lý, nguồn hứng khởi trong quá khứ. Hy vọng rằng hận thù và bạo lực sẽ không thể chiến thắng nơi con tim của mọi người, đặc biệt những người đang tranh đấu cho công lý, và tất cả mọi người sẽ lớn mạnh trong tinh thần hòa bình và tha thứ.
Cần có những bước tiến cụ thể trong việc tạo ra hoặc củng cố những cơ cấu quốc gia có khả năng can thiệp bằng phương thức hòa giải tương xứng trong các cuộc tranh chấp giữa các dân tộc, để mỗi quốc gia có thể duy trì các quyền của mình và đạt được một thỏa hiệp công bình và một sự dàn xếp hòa bình đối với những quyền của các quốc gia khác. Ðiều này rất cần cho các quốc gia tại Âu Châu, những quốc gia có giây liên kết chặt chẽ trong một nền văn hóa chung và một lịch sử lâu năm. Cần thêm cố gắng để tái thiết về mặt luân lý và kinh tế cho các quốc gia vừa mới từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Trong một thời gian dài những tương quan sơ đẳng về kinh tế đã bị lệch lạc, và những đức tính căn bản về đời sống kinh tế như lòng chân thật, sự tín nhiệm và sự làm việc chăm chỉ đã bị bôi nhọ. Cần có một cuộc tái thiết kiên trì về vật chất và tinh thần, ngay cả đối với dân chúng thấm mệt vì bị tước đoạt các quyền quá lâu, đang đòi hỏi chính phủ của họ đưa đến những kết quả rõ ràng và tức thời dưới hình thức những lợi ích vật chất và thỏa mãn thỏa đáng những khát vọng hợp pháp của họ.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác-xít tự nhiên có một âm hưởng lớn lao trong việc phân chia địa cầu thành những thế giới gần gũi và tranh đua với nhau. Nó cũng làm nổi bật thực tế là các dân tộc phải tùy thuộc lẫn nhau cũng như sự kiện là lao động của con người theo bản chất là để hiệp nhất con người chứ không phải để phân hóa. Thực ra, hòa bình và thịnh vượng là những món hàng thuộc về toàn thể nhân loại: ta không thể thưởng thức một cách đúng đắn và lâu dài món hàng đó nếu nó được hoàn thành và duy trì với cái giá mà những dân tộc và quốc gia khác phải trả do sự vi phạm những quyền của họ hoặc loại họ ra khỏi các nguồn phúc lợi. 
28. Thực ra đối với một số các nước Âu Châu giai đoạn hậu chiến thật sự mới chỉ bắt đầu. Việc cải tổ tận rễ những hệ thống kinh tế, trước đó đã bị tập thể hóa, đặt ra nhiều vấn đề và nhiều hy sinh so với những quốc gia Tây Âu đã phải đối phó để tái thiết sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Ðiều cũng đúng là trong tình thế khó khăn hiện tại, các quốc gia cộng sản trước đây cần có sự hợp lực trong việc trợ giúp từ các quốc gia khác. Hiển nhiên chính họ phải là những tác nhân chính yếu trong công cuộc phát triển của xứ sở họ, nhưng họ cũng phải được tạo cơ hội hợp lý để hoàn thành mục tiêu này, điều không thể có được nếu không có sự trợ giúp từ các quốc gia khác. Hơn nữa, điều kiện hiện tại của họ, với những khó khăn và thiếu sót, là do kết quả của một tiến trình lịch sử lâu dài trong đó các quốc gia cộng sản trước đây chỉ là các vật thể chứ không phải là những chủ thể. Do đó họ thấy mình đứng trước một hoàn cảnh hiện tại không do họ tự do lựa chọn hoặc do lỗi lầm của họ, mà chính là hậu quả của những biến cố bi thương của lịch sử áp đặt lên họ một cách thô bạo khiến họ không thể đi theo con đường phát triển kinh tế và xã hội được.
Sự trợ giúp từ các quốc gia khác, đặc biệt các nước Âu Châu là những nước góp phần trong lịch sử đó và cũng có trách nhiệm nữa, tượng trưng cho một món nợ về công lý. Nhưng sự trợ giúp đó cũng tương ứng với quyền lợi và phúc lợi của Âu Châu xét về toàn bộ, vì Âu Châu không thể sống trong hòa bình nếu các cuộc tranh chấp diễn ra do kết quả của quá khứ lại trở nên trầm trọng hơn vì tình hình xáo trộn về kinh tế, sự bất mãn và thất vọng về mặt tâm linh.
Tuy nhiên nhu cầu này không được dẫn tới việc giảm bớt các cố gắng nâng đữ và trợ giúp các quốc gia thuộc Ðệ Tam Thế Giới, là những quốc gia thường phải chịu nhiều điều kiện nghèo túng và thiếu thốn hơn. (59) Ðiều được kêu gọi là cần có những cố gắng đặc biệt để vận dụng các tài nguyên, thực ra xét trên toàn diện không thiếu ở trên thế giới, cho mục đích tăng trưởng về kinh tế và phát triển chung, tái thẩm định những ưu tiên và phẩm trật của các giá trị làm căn bản cho những lựa chọn về kinh tế và chính trị. Những nguồn lợi lớn lao có thể được cung ứng bằng cách dẹp bỏ những guồng máy quân sự khổng lồ được xây dựng cho cuộc tranh chấp giữa Ðông và Tây. Những tài nguyên này có thể còn dồi dào hơn nếu thay vì chiến tranh có thể thiết lập ra những thủ tục giải quyết tranh chấp, với việc quảng bá nguyên tắc kiểm soát võ khí và giảm giới luôn cả trong các quốc gia thuộc Ðệ Tam Thế Giới, qua sự chấp thuận những giải pháp thích ứng trong việc buôn bán võ khí. (60) Nhưng trên hết cần loại bỏ tâm trạng trong đó người nghèo - dù là cá nhân hay dân tộc - bị coi như một gánh nặng, như những kẻ xâm nhập chán ngấy tìm cách tiêu thụ những thứ mà người khác sản xuất. Người nghèo đòi hỏi quyền được chia xẻ trong việc thụ hưởng những món đồ vật chất và được xử dụng tốt khả năng lao động của mình, như vậy có thể tạo ra một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người. Sự thăng tiến của người nghèo tạo ra một cơ hội lớn lao cho sự tăng trưởng về luân lý, văn hóa và cả kinh tế nữa cho toàn thể nhân loại.
(59) Coi diễn văn tại Tổng Hành Dinh của ECWA vào ngày kỷ niệm 10 năm của "Lời Kêu gọi cho Sahel" (Ouagadougou, Burkina Faso, 1-29-1990): AAS 82 (1990). tr. 816-821.
(60) Coi PACEM IN TERRIS, III. 
29. Sau cùng, phát triển không thể được hiểu theo các điều kiện kinh tế mà thôi, nhưng theo phương cách hoàn toàn có tính cách nhân bản. (61) Cũng không phải chỉ là vấn đề nâng cao mọi dân tộc lên bằng với trình độ mà hiện nay các nước giầu đang hưởng, nhưng đúng hơn là xây dựng một cuộc sống xứng đáng hơn qua việc kết hợp lao động, qua việc thăng tiến nhân phẩm một cách cụ thể, qua óc sáng tạo cũng như khả năng đáp ứng của mỗi người đối với ơn kêu gọi của cá nhân mình và cũng là lời mời gọi của Thiên Chúa. Tột đỉnh của phát triển là việc hành xử quyền và bổn phận tìm kiếm Thiên Chúa, để hiểu biết về ngài và sống theo sự hiểu biết đó. (63) Trong những chế độ độc tài và độc đoán, nguyên tắc coi sức mạnh ưu thế hơn lý trí được triệt để thi hành. Con người buộc phải khuất phục trước ý niệm về thực tại áp đặt lên mình bằng sự cưỡng bách và không do phán đoán của riêng mình và việc hành xử tự do của mình. Phải bãi bỏ nguyên tắc này và công nhận các quyền của lương tâm con người , theo đó con người chỉ bị ràng buộc bởi chân lý tự nhiên lẫn chân lý được mặc khải. Việc công nhận những quyền này tượng trưng cho nền tảng chính yếu của một trật tự chính trị tự do chính đáng. (63) Việc tái thẩm định nguyên tắc vừa kể hết sức quan trọng vì nhiều lý do:
a) Vì những hình thức độc tài và độc đoán cũ vẫn chưa biến mất hoàn toàn; quả thật vẫn còn nguy cơ là những hình thức này sẽ hồi phục. Những đòi hỏi này làm sống lại những cố gắng hợp tác và liên đới giữa các quốc gia.
b) Vì tại các quốc gia tiền tiến đôi khi có sự đề cao quá đáng những giá trị thuần túy có tính cách hữu dụng, khêu gợi sự thèm muốn và khuynh hướng muốn thỏa mãn tức thời, khiến cho khó nhìn nhận và tôn trọng thang giá trị thật của cuộc sống con người.
c) Vì tại một số quốc gia những hình thức mới của chủ trương tôn giáo cực đoan (religious fundamentalism) đang xuất hiện ngấm ngầm hoặc còn công khai không cho công dân có tín ngưỡng trừ thuộc thành phần đa số được hành xử đầy đủ các quyền dân sự và tôn giáo của mình, ngăn cản không cho họ góp phần vào tiến trình văn hóa và hạn chế cả quyền của giáo hội được giảng dạy Phúc Âm và các quyền của những người nghe giảng thuyết được chấp nhận và trở lại với Ðức Ki-tô. Không thể có tiến bộ đích thực nếu không có sự tôn trọng quyền tự nhiên và căn bản được hiểu biết chân lý và sống theo chân lý đó. Việc hành xử và phát triển quyền này bao gồm quyền tìm kiếm và tự do chấp nhận Ðức Giê- Su Ki-tô đấng chính là sự tốt lành thực sự của con người. (64)
CHƯƠNG IV.
30. Trong thông điệp RERUM NOVARUM, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã mạnh mẽ xác nhận tính cách tự nhiên của quyền tư hữu, ngài đưa ra nhiều lập luận chống lại chủ nghĩa xã hội vào thời đại của ngài. (65) Quyền này, một quyền căn bản cho sự tự lập và phát triển của con người, cho tới nay vẫn luôn luôn được giáo hội bênh vực. Ðồng thời giáo hội phán dạy rằng việc làm chủ các của cải vật chất không là một quyền tuyệt đối và giới hạn của quyền này được ghi trong chính bản chất của nó như là một nhân quyền.
Trong khi đức giáo hoàng tuyên bố quyền tư hữu, ngài xác nhận một cách rất rõ ràng việc "xử dụng" của cải, khi được tự do, phải phụ thuộc vào mục đích chung hưởng khởi thủy mà của cải được tạo ra cũng như theo ý muốn của Ðức Giê-Su Ki-tô được diễn tả trong Kinh Thánh. Ðức Giáo Hoàng Leo viết:" Những ai được định mệnh ưu đãi sẽ bị khiển trách...họ sẽ phải run sợ trước lời cảnh cáo của Chúa Giê-su Ki-tô...và họ phải kê khai hết những gì họ có cho Vị Phán Xét Tối Cao"; và ngài viết thêm,trích lời Thánh Thomas Aquinas: "Nhưng nếu câu hỏi được nêu ra là tài sản của người ta phải được xử dụng cách nào, giáo hội trả lời không ngập ngừng là người ta không được coi tài sản như của riêng mình, nhưng là của chung của tất cả mọi người," bởi vì "bên trên các luật lệ và sự phán xét của con người còn có luật và sự phán xét của Chúa Ki-tô." (66)
Những đấng kế vị Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã lập lại xác quyết hai phần này: sự cần thiết và do đó sự hợp pháp của quyền tư hữu cũng như những giới hạn đặt ra cho quyền đó. (67) Cũng thế Công Ðồng Vatican II đã nhắc lại một cách minh bạch học thuyết lâu đời bằng những lời lẽ lặp lại như sau: "Khi xử dụng những vật bên ngoài mà ta làm chủ một cách hợp pháp, phải coi nó không phải chỉ là của riêng của chúng ta nhưng còn là của chung, theo nghĩa nó có thể làm lợi không những cho người làm chủ mà còn cho những người khác nữa;" và cần được coi như nằm trong phạm vi của quyền tự do của con người...Theo bản chất, tài sản riêng cũng có tính cách xã hội, tính cách này đặt trên luật lệ chung hưởng của cải." (68) Tôi đã trở lại với chính học thuyết này, trước hết trong bài diễn văn của tôi đọc trước đại hội lần thứ ba của các Giám Mục Châu Mỹ La-Tinh tại Puebla và sau đó trong các thông điệp LABOREM EXERCENS và SOLLICITUDO REI SOCIALIS. (69)
(65) Xem RERUM NOVARUM, tr. 99-107.
(66) Nt., tr. 111-113f.
(67) Coi QUADRAGESIMO ANNNO, II; Piô XII. thông điệp truyền thanh ngày 6-1-1941. tr. 199; MATER ET MAGISTRA, tr. 428-429; POPULORUM PROGRESSIO, Số 22-24.
(68) GAUDIUM ET SPES, Số 69, 71.
(69) Coi diễn văn ngỏ lời với các giám mục Châu Mỹ La-Tinh tại Puebla (1-28-1979), III, 4:AAS 71 (1979), tr. 199-201; LABOREM EXERCENS, Số 14; SOLLICITUDO REI DOCIALIS, Số 42. 
31. Ðọc lại giáo huấn này về quyền tư hữu và mục đích chung hưởng của của cải vật chất áp dụng trong thời đại này, vấn đề cần được nêu lên liên quan tới nguồn gốc của của cải giúp con người sinh sống, thỏa mãn những nhu cầu của con người và là đối tượng các quyền của họ.
Nguồn gốc của tất cả các của cải đó là việc tốt là chính tác động của Thiên Chúa, ngài tạo dựng nên cả trái đất lẫn con người, và ban phát trái đất cho con người để con người làm chủ bằng sức lao động và thừa hưởng những kết quả của sức lao động đó. (Gn. 1:28). Thiên Chúa ban phát trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống toàn thể mọi người không bỏ quên hoặc thiên vị một ai. Ðây là nền tảng cho mục đích phổ quát của của cải trên trái đất. Trái đất, với hoa trái của nó và khả năng có thể thỏa mãn các nhu cầu của con người, là món quà đầu tiên của Thiên Chúa ban cho để nuôi sống con người. Nhưng trái đất không đem lại hoa trái nếu không có sự đáp ứng đặc biệt của con người đối với ân huệ của Thiên Chúa, có nghĩa là, nếu không có lao động. Chính nhờ lao động mà con người, dùng trí thông minh và hành xử tự do của mình có thể làm chủ trái đất và biến nó thành chỗ cư ngụ thích hợp. Bằng cách này, con người đã biến một phần của trái đất thành của riêng mình, chính phần mà con người đã tạo được bằng lao động; đó là nguyên thủy của tài sản cá nhân. Rõ ràng con người cũng có trách nhiệm không được ngăn cản những người khác cũng được lãnh một phần cho riêng mình trong món quà của Thiên Chúa; quả thật họ phải cộng tác v'ocirc;i những người khác để tất cả cùng nhau có thể làm chủ trái đất.
Trong lịch sử, hai yếu tố này - lao động và đất đai - đã xuất hiện ngay từ lúc đầu của bất cứ một xã hội nào. Tuy nhiên, hai yếu tố đó không luôn luôn có cùng một tương quan với nhau. Có một lúc hoa quả tự nhiên của trái đất có vẻ và thực sự là yếu tố chính của của cải, trong khi lao động lại chỉ hỗ trợ và giúp đỡ cho sự sinh hoa kết quả này. Trong thời đại của chúng ta, vai trò của sức lao động của con người trở thành quan trọng hơn nhiều và là yếu tố có tính cách sản xuất cho cả của cải không phải vật chất lẫn của cải vật chất. Hơn nữa, điều cũng rõ ràng hơn là công việc của một người lại liên hệ tự nhiên với công việc làm của người khác. Hơn lúc nào hết, làm việc là làm việc với người khác và làm việc cho người khác: Ðó là vấn đề làm việc gì cho người nào khác. Sự làm việc đạt được nhiều kết quả và hiệu năng hơn bao giờ hết khiến người ta trở nên hiểu biết hơn về khả năng sản xuất của trái đất và ý thức sâu xa hơn về nhu cầu của những người mà công việc nhắm tới. 
32, Ðặc biệt trong thời đại của chúng ta có một hình thức làm chủ khác quan trọng không kém đất đai, đó là việc làm chủ kiến thức, kỹ thuật và tài năng. Tài sản của các nước kỹ nghệ căn cứ nhiều trên loại quyền sở hữu này hơn là trên các tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta vừa nói tới sự kiện là người ta làm việc với nhau, chỉa sẻ trong một "cộng đồng lao động" bao gồm những lãnh vực rộng lớn hơn. Một người sản xuất một vật không phải cho mình dùng thường làm như vậy để những người khác có thể xử dụng sau khi đã trả một giá phải chăng mà đôi bên thỏa thuận qua sự mặc cả tự do. Chính khả năng tiên liệu về nhu cầu của người khác lẫn việc phối hợp các yếu tố sản xuất sao cho thích hợp nhất để thỏa mãn những nhu cầu đó tạo nên một nguồn tài sản quan trọng khác trong xã hội văn minh. Ngoài ra, nhiều sản phẩm không thể sản xuất đủ được nếu chỉ có một cá nhân đơn độc làm việc; nó đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người để làm việc cho một mục tiêu chung. Tổ chức một công trình sản xuất như vậy, dự trù thời gian sản xuất, bảo đảm đáp ứng thuận lợi với những đòi hỏi cần phải thỏa mãn và chấp nhận rủi ro - tất cả cũng là nguồn gốc của tài sản trong xã hội ngày nay. Theo cách này vai trò của sự làm việc có kỷ luật và có óc sáng tạo của con người và, sáng kiến cũng như khả năng quản trị trở nên rõ ràng và có tính cách quyết định hơn nhiều, được coi như là thành phần thiết yếu của việc làm. (70)
Tiến trình này đã đem ánh sáng thực tế vào sự thật về con người mà Ki-tô-giáo vẫn thường xác quyết, cần được xem xét cẩn thận và thuận lợi. Quả thật, ngoài trái đất ra, nguồn tài nguyên chính của con người lại chính là con người. Sự thông minh giúp con người có thể khám phá ra tiềm năng sản xuất của trái đất và nhiều phương cách khác nhau để thỏa mãn nhu cầu của con người. Chính sự làm việc có kỷ luật đồng thời cộng tác chặt chẽ với những người khác đã giúp hình thành những cộng đồng lao động mạnh mẽ hơn mà nhờ đó có thể biến đổi môi trường tự nhiên và nhân bản của con người. Tiến trình này đòi hỏi nhiều đức tính quan trọng như đức tính chăm chỉ, cần cù, thận trọng trong việc chọn lựa những rủi ro hợp lý, đức tính tín nhiệm và trung tín trong các mối liên hệ giữa các cá nhân cũng như lòng quả cảm trong việc thi hành các quyết định khó khăn và đau đớn, nhưng cần thiết cho toàn bộ công việc làm ăn và đón nhận những thất bại có thể xảy ra.
Nền kinh tế làm ăn buôn bán hiện đại có những khía cạnh tính cực. Căn bản của nó là quyền tự do của con người trong lãnh vực kinh tế, cũng như trong nhiều lãnh vực khác. Quả thật hoạt động kinh tế chỉ là một khu vực duy nhất trong rất nhiều các hoạt động của con người, và cũng như mọi khu vực khác, nó bao gồm quyền tự do cũng như bổn phận hành xử tự do trong tinh thần trách nhiệm. Nhưng cần ghi nhận là có sự khác biệt đặc biệt giữa các chiều hướng trong xã hội tân tiến và những xã hội trong quá khứ, ngay cả thời gần đây. Trong khi có lúc yếu tố quyết định trong việc sản xuất là đất đai và lao động và sau này thêm yếu tố tư bản - được hiểu là toàn bộ cơ cấu những dụng cụ dùng trong công cuộc sản xuất - ngày nay yếu tố quyết định là chính con người nhiều hơn, nghĩa là, kiến thức, đặc biệt là kiến thức về khoa học, khả năng tổ chức liên đới và nhịp nhàng cũng như khả năng nhận ra nhu cầu của những người khác và thỏa mãn những nhu cầu đó. 
33. Tuy nhiên, cần nói tới những sự nguy hiểm và những vấn đề liên quan đến phương cách này. Sự kiện là nhiều người, có lẽ ngày nay chiếm đa số, không có phương tiện giúp họ góp phần một cách hữu hiệu và xứng đáng về mặt nhân phẩm trong hệ thống sản xuất mà lao động là chủ yếu thực sự. Họ không thể có kiến thức căn bản giúp họ đưa ra những sáng kiến và phát triển khả năng của họ. Họ không có cách nào gia nhập vào hệ thống kiến thức và thông tin để các giá trị của họ được tiếp nhận và xử dụng. Như vậy, nếu không bị lợi dụng, thì họ cũng đang sống trong tình trạng ngoài lề; có thể nói công cuộc phát triển kinh tế đã qua mặt họ khi không giảm bớt thực sự được phạm vi hạn hẹp của thứ kinh tế sống còn cổ lỗ của họ. Họ không thể cạnh tranh với những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp mới và đáp ứng đúng nhu cầu, những nhu cầu mà trước đây họ đã thường quen đáp ứng bằng các hình thức tổ chức cổ xưa. Trước sức hấp dẫn của thứ xa xỉ mà họ không có khả năng cung cấp và đồng thời do nhu cầu thúc đẩy, những người này tuốn về các đô thị của Thế Giới Thứ Ba nơi họ thường không có gốc rễ về văn hóa và tại đó họ bị đặt trước những hoàn cảnh bất trắc tàn bạo không thể hội nhập được. Phẩm giá của họ không được biết tới, và đôi khi họ có những toan tính loại trừ họ ra khỏi dòng lịch sử qua những hình thức cưỡng bách về kiểm soát dân số đi ngược lại với phẩm giá của con người.
Nhiều người khác, tuy không bị loại ra ngoài lề, cũng sống trong một hoàn cảnh phải phấn đấu để có một cuộc sống tối thiểu. Ðó là những tình trạng trong đó những quy luật của thời đầu chủ nghĩa tư bản vẫn còn phát sinh nhiều các điều kiện "tàn nhẫn" không thể nào tệ hơn những thời kỳ đen tối nhất của giai đoạn đầu kỹ nghệ hóa. Trong những trường hợp khác đất đai vẫn là yếu tố chính trong tiến trình kinh tế, nhưng những người canh tác trên đất đó lại không có quyền làm chủ và bị giảm xuống gần như nô lệ. (71) Trước những trường hợp tương tự vào thời nay cũng như vào thời thông điệp RERUM NOVARUM ta vẫn còn có thể nói đến tình trạng khai thác vô nhân đạo. Mặc dầu tại những xã hội tân tiến hơn đã có nhiều tiến bộ, tình trạng không tương xứng về nhân phẩm của tư bản chủ nghĩa tư bản từ đó phát sinh việc làm chủ các sản vật vẫn chưa biến mất. Sự thật, đối với người nghèo, thiếu của cải vật chất thêm vào với sự thiếu kiến thức và huấn luyện đã khiến họ không thể thoát khỏi tình trạng phải lệ thuộc nhục nhã.
Bất hạnh thay, đa số dân chúng trong Thế Giới Thứ Ba vẫn còn sống trong những tình trạng như vậy. Tuy nhiên thật sai lầm nếu chỉ hiểu biết "thế giới" này trên căn bản địa dư thuần túy. Trong một vài miền và trong một vài khu vực xã hội thuộc thế giới đó đã có những chương trình phát triển tập trung vào việc xử dụng không nhiều những tài nguyên vật chất nhưng đã xử dụng các "phương tiện con người."
Ngay cả trong những năm gần đây người ta nghĩ rằng những nước nghèo nhất có thể phát triển bằng cách sống cô lập với thị trường thế giới và chỉ tùy thuộc vào nguồn tài nguyên của mình thôi. Kinh nghiệm gần đây cho thấy những quốc gia áp dụng chính sách đó đã gặp cảnh chậm tiến và suy thoái, trong khi các quốc gia phát triển lại là những quốc gia thành công trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế liên hợp tại cấp quốc tế. Do đó dường như vấn đề chính là làm sao tham gia thỏa đáng trong thị trường quốc tế, không dựa trên nguyên tắc khai thác một chiều các tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia này nhưng trên nguyên tắc xử dụng đúng đắn tài nguyên con người. (72)
Tuy nhiên, những khía cạnh điển hình của Thế Giới Ðệ Tam cũng diễn ra trong các quốc gia đã phát triển, tại đây sự thay đổi liên tục các phương pháp sản xuất và tiêu thụ làm giảm giá trị một số khéo léo và những khả năng chuyên môn, và do đó đòi hỏi lúc nào cũng phải tái huấn luyện và hợp thời. Những người không bắt kịp với thời gian sẽ bị loại ra ngoài lề một cách dễ dàng cũng như những người già, những người trẻ không thể tìm được chỗ đứng trong đời sống xã hội và nói chung những người yếu kém nhất hoặc thuộc thành phần của cái được gọi là Thế Giới Thứ Tư. Hoàn cảnh của phụ nữ cũng rất dễ lâm vào các điều kiện này.
(70) Coi SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Số 15.
(71) Coi LABOREM EXERCENS, Số 21.
(72) Coi POPULORUM PROGRESSIO, Số 32-42. 
34. Có vẻ là trên bình diện của từng quốc gia và trên bình diện liên lạc quốc tế, thị trường tự do là khí cụ hữu hiệu nhất để xử dụng các tài nguyên và đáp ứng các nhu cầu. Nhưng điều này chỉ đúng cho những nhu cầu "có thể tiêu tan được" bao lâu mà nó có mãi lực và đối với những tài nguyên có thể "bán được" bao lâu nó có thể có một giá cả thỏa đáng. Nhưng có nhiều nhu cầu của con người không thể tìm thấy ở thị trường. Ðó là nhiệm vụ riết ráo về công bằng và chân lý không cho phép các nhu cầu của con người tiếp tục không được thỏa mãn và không cho phép những nhu cầu đó bị tiêu tan. Cũng cần giúp đỡ những người yếu kém có được khả năng chuyên môn, được nhập vào vòng trao đổi và phát triển các tài khéo léo của mình để có thể tận dụng khả năng và tài nguyên của mình. Ngay cả trước khi có lập luận về trao đổi công bình các sản phẩm và các hình thức công bằng dựa theo đó, vẫn có món nợ đối với con người với tư cách là con người, chỉ vì phẩm giá tuyệt tác của con người. Ngoài "sự gì" đòi hỏi đó , còn khả năng sống còn và đồng thời khả năng tích cực đóng góp cho công ích của nhân loại.
Trong khung cảnh của Thế Giới Thứ Ba, một vài mục tiêu được nêu ra trong thông điệp RERUM NOVARUM vẫn còn giá trị và trong một vài trường hợp vẫn là mục đích cần phải nhắm tới, nếu lao công của con người và chính bản thân của con người không bị giảm xuống mức chỉ là một món hàng. Những mục tiêu này gồm có một mức lương đủ để nuôi sống gia đình, đủ cho bảo hiểm xã hội trong lúc về già và khi bị thất nghiệp, và bảo đảm tương xứng cho các điều kiện làm việc. 
35. Ở đây chúng ta thấy có rất nhiều cơ hội để dấn thân và nỗ lực hoạt động nhân danh công lý nơi các nghiệp đoàn và các tổ chức thợ thuyền khác. Những tổ chức này bênh vực các quyền của công nhân và bảo vệ các quyền lợi về con người của họ trong khi giữ vai trò văn hóa sống còn nhằm giúp công nhân có thể tham gia đầy đủ và vinh dự hơn vào đời sống của quốc gia họ và trợ giúp họ trên con đường phát triển.
Theo ý nghĩa đó, có thể nói rằng cuộc tranh đấu chống lại một hệ thống kinh tế, nếu hệ thống này được coi như một phương pháp chủ trương duy trì vai trò ưu thắng tuyệt đối của tư bản, việc làm chủ các phương tiện sản xuất và đất đai, đi ngược lại với bản chất tự do và cá nhân của lao công con người. (73) Trong cuộc tranh đấu chống lại một hệ thống như vậy, giải pháp được đề nghị thay thế không phải là một hệ thống xã hội thực chất chỉ là thứ tư bản chủ nghĩa do quốc gia nắm đầu, nhưng là một xã hội bảo đảm quyền tự do làm việc, kinh doanh và góp phần. Một xã hội như vậy không hướng về thị trường, nhưng đòi hỏi thị trường được những lực lượng trong xã hội xã và quốc gia kiểm soát thỏa đáng để bảo đảm thỏa mãn những nhu cầu căn bản của toàn xã hội.
Giáo hội công nhận vai trò hợp pháp của lợi nhuận được coi như dấu hiệu chứng tỏ việc làm ăn tiến triển khá. Khi một hãng xưởng có lời, có nghĩa là những yếu tố sản xuất đã được xử dụng đúng và những nhu cầu tương ứng của con người đã được thỏa mãn đầy đủ. Vẫn có thể xãy ra việc tình trạng tài chánh vững vàng nhưng thứ tài sản giá trị nhất của một hãng xưởng là con người lại bị hạ nhục và nhân phẩm của họ bị chà đạp. Việc này không những về mặt luân lý không thể chấp nhận được mà lại còn có ảnh hưởng tai hại đối với hiệu năng kinh tế của hãng xưởng. Quả thực, mục đích của một hãng xưởng không phải chỉ để kiếm lời, nhưng ngay trong chính bản chất sống còn của nó là một cộng đồng gồm những người muốn tìm cách thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mình bằng các cách thức khác nhau và tạo nên một nhóm người đặc biệt để phục vụ toàn xã hội. Lợi nhuận là thước đo lường đời sống của một thương vụ, nhưng không chỉ là một thứ đo lường duy nhất; những yếu tố khác về nhân bản và luân lý cũng phải được xét tới, mà trong về lâu về dài ít ra cũng quan trọng không kém cho đời sống của thương nghiệp.
Chúng ta đã thấy không thể nói là sự thất bại của cái được gọi là "chủ nghĩa xã hội đích thực" đã đặt chủ nghĩa tư bản ở tư thế một khuôn mẫu tổ chức kinh tế duy nhất. Cần phải phá vỡ các hàng rào và những độc quyền khiến cho nhiều quốc gia ở vào vị trí bên lề của công cuộc phát triển và cung ứng cho mọi cá nhân và mọi quốc gia những điều kiện căn bản giúp họ có thể góp phần vào công cuộc phát triển. Ðể thực hiện mục tiêu này cần phải có những nỗ lực có kế hoạch và có trách nhiệm về phía toàn thể cộng đồng quốc tế. Những quốc gia giầu mạnh hơn phải tạo cho các quốc gia yếu kém hơn cơ hội có chỗ đứng trong đời sống quốc tế, và những quốc gia yếu kém đó phải học hỏi để dùng các cơ hội này trong việc thực hiện những nỗ lực và hy sinh, bảo đảm một sự ổn định về chính trị và kinh tế, chắc chắn có nhiều triển vọng tốt đẹp hơn cho tương lai, giúp công nhân có được những tài năng khéo léo và huấn luyện những nhà lãnh đạo thương nghiệp có khả năng ý thức được trách nhiệm của mình. (74)
Hiện tại, đã có những nỗ lực tích cực được thực hiện theo chiều hướng này, nhưng những nỗ lực này lại bị ảnh hưởng bởi một vấn đề hết sức nan giải gây ra do các món nợ các quốc gia nghèo còn thiếu người nước ngoài. Nợ thì phải trả là một nguyên tắc công bằng. Tuy nhiên, quyền đòi nợ hoặc được trả nợ không chính đáng nếu hậu quả của nó là áp đặt những sự lựa chọn về chính trị đưa tới tình trạng chết đói và tuyệt vọng cho toàn thể dân chúng. Không thể mong đợi các món nợ đã được ký kết sẽ phải trả bằng0 cái giá của những sự hy sinh không thể chịu đựng nổi. Trong những trường hợp như vậy, cần tìm cách giải quyết, trì hoãn hoặc bãi bỏ thứ nợ đi ngược lại với quyền căn bản của các dân tộc được sống còn và tiến bộ.
(73) Coi LABOREM EXERCENS, Số 7.
(74) Nt. Số 8. 
36. Bây giờ chúng ta nên chú ý tới những vấn đề đặc biệt và những mối đe dọa phát xuất từ những nền kinh tế tiến bộ hơn và liên quan đến những nét đặc thù của các nền kinh tế đó. Trong những giai đoạn đầu của công cuộc phát triển, con người luôn luôn sống dưới sức nặng của nhu cầu. Những nhu cầu của con người cũng ít và được quyết định phần nào bởi các cơ cấu khách quan về thể chất của mình . Hoạt động kinh tế hướng tới việc thỏa mãn những nhu cầu này. Ngày nay rõ ràng vấn đề không phải chỉ là cung cấp đầy đủ cho con người một số lượng hàng hóa, nhưng còn phải đáp ứng đòi hỏi về phẩm chất: phẩm chất của hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ, phẩm chất của dịch vụ hưởng thụ, phẩm chất của môi sinh và của đời sống một cách tổng quát.
Ðòi hỏi một cuộc sống được thỏa mãn nhiều hơn về phẩm chất tự nó là hợp pháp, nhưng người ta không thể không chú ý tới những trách nhiệm và những hiểm nguy mới liên quan tới giai đoạn này của lịch sử. Cách thức những nhu cầu này phát sinh và ấn định luôn luôn đánh dấu bằng một quan niệm xác thực nhiều hay ít về con người và sự tốt lành thực sự của con người. Một nền văn hóa để lộ quan niệm toàn bộ về cuộc sống qua sự lựa chọn về sản xuất và tiêu thụ. Chính tại đây hiện tượng chủ nghĩa tiêu thụ nảy sinh. Khi liệt kê các nhu cầu mới và các phương tiện mới để thỏa mãn các nhu cầu đó, người ta cần được hướng dẫn bởi một hình ảnh toàn diện về con người trong đó phải tôn trọng tất cả các chiều kích của con người và đặt những chiều kích vật chất và theo bản năng phụ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Nếu trái lại, chỉ có sự kêu gọi trực tiếp đối với thị hiếu theo bản năng của mình - trong khi bằng nhiều cách khác nhau bõ quên thực tại về con người với bản chất tự do và thông minh - khuynh hướng và nếp sống tiêu thụ có thể được tạo ra nhưng về mặt khách quan nó không chính đáng và làm hại cho sức khỏe về thể xác và sự lành mạnh về tinh thần. Một hệ thống kinh tế tự nó không có tiêu chuẩn phân biệt giữa những hình thức mới hoặc cao hơn để thỏa mãn những nhu cầu của con người với những nhu cầu giả tạo mới hàm ý tạo ra một nhân cách trưởng thành. Do đó cần rất nhiều công tác giáo dục và văn hóa, gồm có việc giáo dục người tiêu thụ để họ có thể xử dụng quyền lựa chọn một cách có trách nhiệm, việc gây một ý thức trách nhiệm mạnh mẽ nơi các các nhà sản xuất và nơi những người làm công tác truyền thông đặc biệt cũng cần sự can thiệp của nhà cầm quyền.
Một thí dụ điển hình của việc tiêu thụ giả tạo trái với sức khỏe và nhân phẩm của con người, và chắc chắn không dễ gì kiểm soát được, là việc xử dụng ma túy. Việc xử dụng ma túy lan tràn là một chỉ dẫn cho thấy sự lệch lạc nghiêm trọng trong hệ thống xã hội; nó cũng cho thấy một sự "đọc" có tính cách vật chất và theo một nghĩa nào đó có tính cách phá hoại về nhu cầu của con người. Theo cách này khả năng đổi mới của một nền kinh tế tự do đưa tới một kết luận một chiều và không xác đáng. Ma túy, cũng như sách báo dâm ô và các hình thức của chủ nghĩa tiêu thụ khác khai thác yếu điểm của những người yếu đuối, muốn lấp khoảng trống về tâm linh.
Không có gì sai lầm khi muốn sống khá hơn; chỉ có lầm là cách sống cho là khá hơn đó thực ra chỉ hướng về chuyện "có" hơn là "được" và muốn có hơn không phải để được tốt hơn, nhưng để sống và coi hưởng thụ như là mục đích tối hậu." Do đó cần tạo ra một nếp sống trong đó việc tìm kiếm chân lý, vẻ đẹp, sự tốt lành và hiệp thông với những người khác cho công cuộc phát triển chung là những yếu tố quyết định sự lựa chọn trong việc tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư. Về phương diện này, không chỉ là vấn đề bổn phận bác ái không thôi, nghĩa là, bổn phận ban tặng những thứ "dư thừa" của mình và đôi khi cả những thứ mình cần nữa để cung ứng những gì cần thiết cho đời sống của người nghèo khó. Tôi nói tới sự kiện là ngay cả quyết định đầu tư tại một nơi này hơn là một nơi khác, trong một khu vực sản xuất này hơn là một khu vực khác, luôn luôn là một sự lựa chọn có tính cách luân lý và văn hóa. Nếu vì nhu cầu cấp bách của một vài điều kiện kinh tế và sự ổn định chính trị, quyết định đầu tư, nghĩa là, tạo cho người ta cơ hội để xử dụng tốt lao công của mình, cũng được quyết định bởi một thái độ thiện cảm của con người và tin tưởng vào Thượng Ðế, cho thấy tư cách của người quyết định như vậy.
(75) Coi GAUDIUM ET SPES, Số 35; POPULORUM PROGRESSIO, Số 19. 
37. Ðiều cũng đáng quan ngại là vấn đề môi sinh đi liền với chủ trương tiêu thụ và có liên hệ mật thiết với chủ trương đó. Con người, với ước muốn có và hưởng thụ hơn là được và tăng trưởng, tiêu thụ những tài nguyên của trái đất và của đời sống riêng của mình một cách thái quá và hỗn loạn. Việc tàn phá bừa bãi thiên nhiên căn nguyên là một lầm lẫn về nhân chủng, bất hạnh thay đã lan rộng trong thời đại của chúng ta. Khi khám phá ra khả năng biến đổi và theo một ý nghĩa nào đó tạo dựng ra thế giới qua lao động của mình, con người quên mất rằng việc này luôn luôn nhờ vào ân sủng mà Thiên Chúa đã ban phát các sự vật trước đây và từ nguyên thủy. Con người tưởng rằng mình có thể xử dụng trái đất một cách độc đoán, buộc trái đất phải phục tùng mình một cách vô giới hạn, không tuân theo những điều kiện tiên quyệt và mục đích trước đó mà Thiên Chúa đã đặt ra mà con người có thể triển khai nhưng không được phép phản bội lại. Thay vì thi hành vai trò của mình là một kẻ cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng, con người lại đặt mình vào vai trò của Thiên Chúa và như vậy sẽ đi tới chỗ tạo ra một sự nổi loạn nơi thiên nhiên, khiến thiên nhiên bị con người nô lệ hóa hơn là được cai quản. (76)
Trong tất cả những việc này, trước hết người ta ghi nhận cái nhìn của con người thật nghèo nàn và chật hẹp, thôi thúc bởi ước muốn làm chủ các sự vật hơn là liên hệ với chân lý và thiếu hẳn thái độ thờ ơ, vô vị lợi và óc thẩm mỹ, phát sinh từ niềm hân hoan khi đứng trước tạo vật và vẻ đẹp giúp con người nhận ra từ các vật hữu hình sứ điệp của Thiên Chúa vô hình người đã tạo dựng nên chúng. Về phương diện này, nhân loại ngày nay phải ý thức về nhiệm vụ và bổn phận của mình đối với các thế hệ mai sau.
(76) Coi SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Nsố 34; thông điệp gửi Ngày Hòa Bình Thế Giới 1990: AAS 82 (1990), tr. 147-156. 
38. Ngoài việc hủy hoại thiên nhiên một cách vô lý, chúng ta cũng cần nói tới sự hủy hoại nghiêm trọng hơn đối với con người, điều mà ít khi được người ta chú ý tới. Mặc dầu người ta lo lắng một cách đúng - tuy cũng chưa đủ - về việc bảo vệ nơi sinh sống thiên nhiên của các loài thú đang bị đe dọa diệt chủng vì họ nhận định rằng mỗi loại thú vật này đóng góp vào việc làm quân bình thiên nhiên tổng quát, trong khi đó có rất ít nỗ lực để bảo vệ các điều kiện tinh thần cho một "môi sinh của con người" đích thực. Không những Thiên Chúa đã ban phát trái đất cho con người, mà con người phải xử dụng với sự tôn trọng mục đích tốt lành nguyên thủy đã giao phó cho mình, nhưng con người cũng là đặc ân của Thiên Chúa ban cho con người. Do đó con người phải biết kính trọng cấu trúc thiên nhiên và đạo lý đã được trao phó. Theo ý nghĩa này, cần lưu tâm tới những vấn đề nghiêm trọng ra do việc đô thị hóa hiện nay gây ra, về nhu cầu cần phải hoạch định kế hoạch đô thị hóa để làm sao cho người ta được sống và cũng cần chú tâm tới "môi sinh xã hội" của lao công.
Con người được Thiên Chúa ban cho nhân phẩm cần thiết và nhờ đó có khả năng vượt trên mọi trật tự xã hội để tiến tới chân lý và sự thiện. Nhưng con người cũng bị điều hòa bởi cơ cấu xã hội nơi mình sinh sống, do giáo dục mình đã tiếp nhận và do môi trường sống mình. Những yếu tố này có thể giúp hoặc gây trở ngại cho cuộc sống của con người cho phù hợp với chân lý. Những quyết định tạo nên môi trường sống của con người có thể phát sinh ra những cơ cấu tội lỗi đặc biệt, áp bức không cho con người có thể đạt tới sự hoàn thiện. Ðể phá hủy những cơ cấu đó và thay thế bằng những hình thức sống chân chính hơn trong cộng đồng là một nhiệm vụ đòi hỏi can đảm và nhẫn nại. 77
(77) Coi sứ điệp RECONCILIATIO ET POENITENTIA (12-3-1984); số 16: AAS 77 (1990), tr. 147-156; QUADRAGESIMO ANNO, III. 
39. Cơ cấu trước nhất và căn bản về "môi sinh con người" là gia đình, trong đó con người tiếp nhận những ý tưởng chính thức về chân lý và sự thiện, và học hỏi về ý nghĩa của yêu và được yêu, và như vậy về ý nghĩa đích thực của con người. Ở đây chúng tôi muốn nói về gia đình được lập ra qua hôn nhân, trong đó việc vợ chồng tự hiến mình cho nhau tạo nên một khung cảnh trong đó con cái được sinh ra và phát triển tài năng của chúng, ý thức được nhân phẩm của mình và sửa soạn đối đầu với định mệnh độc nhất và có tính cách riêng tư của mình. Nhưng thường là người ta bị can ngăn trong việc tạo ra những điều kiện thỏa đáng cho việc truyền sinh và đưa tới chỗ tự coi mình và cuộc đời của mình như là một loạt những khoái cảm cần thưởng thức hơn là công tác phải chu toàn. Kết quả là sự thiếu tự do, khiến con người từ chối không dấn thân xây dựng mối liên hệ bền chặt với người khác và đem con cái vào đời hoặc đưa tới chỗ người ta coi con cái như là một thứ đồ vật như những "đồ vật" khác mà một cá nhân có thể có hoặc không có, tùy theo sở thích, và cũng cạnh tranh với những thứ khác.
Cần trở về với việc coi gia đình như một cung thánh của cuộc đời. Quả thật gia đình có tính cách thánh thiện: Ðó là nơi mà sự sống - món quà tặng của Thiên Chúa - có thể được đón nhận và bảo vệ thỏa đáng trước nhiều cuộc tấn công và có thể phát triển phù hợp với sự tăng trưởng con người thuần túy. Ðứng trước cái được gọi là văn hóa của chết chóc, gia đình là trung tâm của văn hóa của sự sống.
Sự khéo léo của con người dường như được hướng nhiều hơn tới việc hạn chế, ngăn cản hoặc hủy hoại các nguồn sống - gồm cả việc phá thai, mà bất hạnh thay đang lan rộng trên thế giới - hơn là tiến tới việc bảo vệ và mở đường cho những khả năng của sự sống. Thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS lên án các chiến dịch chống lại một cách có hệ thống việc mang thai mà, dựa trên một quan điểm lệch lạc về vấn đề dân số và trong không khí "hoàn toàn thiếu sự tôn trọng tự do lựa chọn của các phần tử liên hệ, " thường đặt họ trước những "áp lực mạnh mẽ...để buộc họ phải khuất phục trước hình thức áp bức mới này." (78) Những chính sách này nới rộng tầm hoạt động bằng cách dùng những kỹ thuật mới đầu độc sinh mạng của hàng triệu con người không có phương tiện tự vệ giống như một hình thức "chiến tranh hóa học."
Những sự chỉ trích này không nhắm nhiều vào một hệ thống kinh tế coi như chống lại một hệ thống luân lý và văn hóa. Quả thật kinh tế chỉ là một khía cạnh và một chiều kích của toàn thể hoạt động của con người. Nếu đời sống kinh tế được tuyệt đối hóa, nếu việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trở thành trung tâm điểm của đời sống của xã hội và giá trị độc nhất của xã hội, không tùy thuộc vào một thứ giá trị nào khác, sẽ không tìm thấy nguyên do nhiều trong chính hệ thống kinh tế, vì sự kiện là toàn thể hệ thống xã hội và văn hóa, khi không biết đến chiều kích luân lý và tôn giáo, dã trở nên yếu và kết cục tự giới hạn vào việc sản xuất các sản phẩm và dịch vụ mà thôi. (79)
Tất cả những điều này có thể được tóm tắt bằng cách lập lại một lần nữa là tự do kinh tế chỉ là một yếu tố trong tự do của con người. Khi nó trở thành tự lập, khi con người được nhìn xem nhiều hơn như là người sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm hơn là đối tượng cho việc sản xuất và tiêu thụ để sống, lúc đó tự do kinh tế mất những giây liên lạc cần thiết đối với con người và kết cục đi tới chỗ xa cách và đàn áp con người. (80)
(78) SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Số 25.
(79) Nt., số 34.
(80) Coi thông điệp REDEMPTOR HOMINIS (3-4-1979); Số 15: AAS 71 (1979); tr. 286-289. 
40. Nhà nước có bổn phận phải bảo vệ và duy trì những tài sản chung như các môi sinh thiên nhiên và con người, những thứ tài sản không thể chỉ được bảo vệ bằng các lực lượng của thị trường mà thôi. Cũng như vào thời kỳ hệ thống tư bản mới còn sơ khai khi đó nhà nước có bổn phận bảo vệ các quyền căn bản của công nhân, và ngày nay với hệ thống tư bản mới, nhà nước và toàn thể xã hội có bổn phận phải bảo vệ những tài sản tập thể trong đó gồm ngoài những tài sản khác còn có những tài sản tạo ra khung cảnh thiết yếu cho việc theo đuổi hợp pháp những mục tiêu cá nhân của mỗi cá nhân.
Ở đây ta thấy một giới hạn mới của thị trường: Có những nhu cầu tập thể và về lượng chất mà cơ cấu thị trường không thể thỏa mãn. Có những nhu cầu quan trọng về con người thoát ra ngoài lý luận của nó. Có những món hàng tự bản chất không thể và không được mua hoặc bán. Chắc chắn cơ cấu thị trường có những ưu điểm an toàn: Nó giúp xử dụng những tài nguyên một cách hữu hiệu hơn; nó thúc đẩy việc trao đổi sản phẩm; trên hết tất cả nó là trung tâm điểm của những sự thèm khát và ưa thích của con người, mà theo khế ước đáp ứng những them khát và ưa thích của người khác. Tuy nhiên, những cơ cấu này có nguy cơ về một tình trạng "thần tượng" của thị trường, một thần tượng không biết tới sự hiện hữu của các sản vật mà theo bản chất không và không thể là những món hàng.
41. Chủ nghĩa Mác-xít chỉ trích các xã hội tư bản trưởng giả, cho là đã tạo ra sự thương mại hóa và làm xa cách với cuộc sống của con người. Lời kết án này dĩ nhiên dựa trên tư tưởng sai lầm và không chính đáng về xa cách phát xuất từ khu vực các mối tương quan giữa sản xuất và sở hữu chủ, nghĩa là, đặt nó trên cơ sở vật chất và hơn nữa chối bỏ tính cách hợp pháp và giá trị tích cực của các tương quan thị trường ngay cả trong khu vực của nó. Như vậy chủ nghĩa xã hội đi tới kết luận là chỉ trong một xã hội tập thể mới có thể hủy bỏ được sự xa cách. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử của các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã cho thấy một cách đau buồn là chủ trương tập thể hóa không diệt được sự xa cách nhưng trái lại còn làm cho nó tăng thêm nữa, bằng cách thêm vào sự thiếu thốn những nhu cầu căn bản và tình trạng thiếu hiệu năng về kinh tế.
Về phần kinh nghiệm lịch sử của Tây Phương cho thấy ngay cả trong trường hợp phân tích Mác-xít và nền tảng về sự xa cách của nó thật sai lầm, mặc dầu sự xa cách - và việc thiếu ý nghĩa đích thực của cuộc đời - là một thực tế xảy ra tại các xã hội Tây Phương. Việc này thể hiện qua chủ nghĩa tiêu thụ, khi người ta bị vướng vào vòng thỏa mãn sai lầm và giả tạo hơn là được giúp đỡ để sống trong tình người một cách trung thực và cụ thể. Sự xa lạ cũng thấy trong công việc làm khi được tổ chức nhằm bảo đảm những thu hoạch và lợi nhuận tối đa không quan tâm tới việc người thợ, qua lao động của họ, có được thăng tiến hay thụt lui với tư cách một con người, hoặc trong việc góp phần gia tăng trong cộng đồng tương trợ thuần túy hoặc qua sự cô lập trong những mối liên hệ chằng chịt gồm toàn những sự cạnh tranh và xa lạ, trong đó con người chỉ được coi như một phương tiện chứ không phải là mục đích.
Ý niệm xa cách cần được hướng dẫn trở về với cái nhìn về thực tại của Ki-tô-giáo bằng cách công nhận trong sự cách xa có sự đảo lộn vai trò của phương tiện và mục đích. Khi con người không thừa nhận ở nơi chính mình và những người khác có giá trị và nét cao quý của con người, họ đã tước bỏ khả năng hưởng lợi từ nhân tính của mình và thiết lập mối tương quan liên đới và hiệp nhất với những người khác mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên cho họ. Quả thật, chính nhờ món quà tặng về chính thân mình mà con người thực sự tìm ra chính mình. (81) Món quà này có được là nhờ "khả năng vượt thoát" cần thiết của con người. Con người không thể tự cung hiến một chương trình thuần túy con người cho thực tại, cho một lý tưởng trừu tượng hoặc cho một sự mơ tưởng sai lầm. Với tư cách là một con người, họ có thể hiến mình cho một người khác hoặc cho những người khác và cuối cùng là cho Thiên Chúa, là tác giả tạo nên con người họ và một mình ngài có thể nhận hoàn toàn món quà của họ dâng. (82) Một nguời trở nên xa lạ nếu họ từ chối vượt lên khỏi chính mình và hiến thân để tạo dựng một cộng đồng con người hướng về mục đích tối hậu của mình là Thiên Chúa. Một xã hội tha hóa nếu những hình thức tổ chức xã hội, sự sản xuất và tiêu thụ khiến việc dâng tặng món quà bằng chính thân mình này và sự thiết lập mối liên kết giữa con người này trở nên khó khăn hơn.
Sự khai thác, ít ra dưới hình thức đã được Các-Mác phân tích và mô tả, đã được giải quyết tại xã hội Âu-Mỹ. Tuy nhiên, thái độ xa cách đã không được giải quyết vì nó xuất hiện dưới nhiều hình thức khai thác, khi người ta dùng một người khác và khi họ tìm kiếm sự thỏa mãn các mhu cầu cá nhân và phụ thuộc mỗi ngày mỗi tinh tế hơn những nhu cầu phải điều khiển cách thức thỏa mãn những nhu cầu khác nữa. (83) Một mgười chỉ quan tâm và quan tâm chính về việc làm chủ và hưởng thụ, những người không còn có thể kiềm chế bản năng và dục vọng của mình hoặc bắt chúng phải tùng phục vâng lời trước chân lý, không thể được tự do. Vâng lời chân lý về Thiên Chúa và con người là điều kiện trước tiên của tự do, giúp con người có tự do ấn định nhu cầu và những ước ao của mình và và chọn lựa cách thức để thỏa mãn những nhu cầu đó theo đúng với nấc thang giá trị, sao cho việc làm chủ các sự vật trở nên một dịp thăng tiến tốt cho người đó. Sự thăng tiến này có thể coi như là kết quả của việc vận dụng của phương tiện truyền thông đại chúng, đem ra những thời trang và trào lưu tư tưởng qua việc lặp đi lặp lại được điều khiển cẩn thận để không bị chỉ trích soi bói vào cơ sở mà những thời trang và đường hướng này dựa vào.
(81) Coi GAUDIUM ET SPES, Số 34.
(82) Coi Nt., Số 41.
(83) Coi Nt., Số 26. 
42. Bây giời trở lại câu hỏi đầu tiên: Có thể nói được rằng sau khi chủ nghĩa cộng sản xụp đổ, chủ nghĩa tư bản là hệ thống xã hội ưu thắng và chủ nghĩa tư bản phải là mục tiêu mà các quộc gia hiện đang cố gắng tái thiết nền kinh tế và xã hội của họ? Ðây có phải là mẫu mực cần nên đề nghị cho những quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba, là những quốc gia đang đi tìm kiếm đường lối phát triển kinh tế và dân sự thực sự?
Câu trả lời rõ ràng thật phức tạp. Nếu coi chủ nghĩa tư bản có nghĩa là hệ thống kinh tế thừa nhận vai trò căn bản và tích cực của việc buôn bán, thị trường, tài sản tư và trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất cùng với tính cách sáng tạo của con người trong khu vực kinh tế, thì câu trả lời chắc chắn là thuận cho dù có lẽ nên gọi là nền kinh tế buôn bán, kinh tế thị trường hoặc giản dị là kinh tế tự do mới đúng. Nhưng nếu coi chủ nghĩa tư bản như là một hệ thống trong đó tự do trong khu vực kinh tế không bị ràng buộc trong một khung cảnh pháp lý chặt chẽ đặt tự do con người trên tổng thể và coi nó là một khía cạnh đặc biệt của tự do, trọng tâm phải mang tính cách đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời chắc chắn là không.
Giải pháp Mác-xít đã thất bại, nhưng trong thực tế nghèo khổ và tình trạng bóc lột vẫn còn tồn tại trên thế giới, đặc biệt là Thế Giới Thứ Ba, cũng như thực trạng xa cách của con người, đặc biệt trong các quốc gia tiền tiến. Ðứng trước những hiện tượng này giáo hội mạnh mẽ lên tiếng. Khối đa số vẫn còn sống trong những điều kiện nghèo túng lớn lao về mặt vật chất và tinh thần. Sự xụp đổ của hệ thống cộng sản tại rất nhiều quốc gia chắc chắn loại bỏ chướng ngại trong việc đối phó với những vấn đề này bằng phương cách thích ứng và thực tế, nhưng không đủ để đem lại giải pháp cho vấn đề. Quả thật, một lý thuyết tư bản cực đoan có cơ lan tràn, một học thuyết từ chối luôn cả việc xem xét những vấn đề này với sự quyết đáp trước là bất cứ cố gắng nào nhằm giải quyết những vấn đề đó sẽ thất bại, và mù quáng trông nhờ vào giải pháp tự do phát triển các lực lượng thị trường của họ. 
43. Giáo hội không đưa ra những khuôn mẫu nào; những khuôn mẫu thực sự và thật hữu hiệu chỉ có thể phát sinh từ trong khung cảnh của những hoàn cảnh lịch sử khác nhau qua các nỗ lực của tất cả những ai đang phải đối đầu một cách có trách nhiệm với những vấn đề cụ thể trong mọi khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa vì những khía cạnh này tác dụng hỗ tương với nhau. (84) Trước một trách vụ như vậy, giáo hội cung hiến giáo huấn về xã hội của mình như một sự hướng dẫn cần thiết và lý tưởng, một giáo huấn như đã nói, công nhận giá trị tích cực của thị trường và kinh doanh, nhưng đồng thời cũng nêu lên rằng chúng cũng phải hướng tới công ích. Giáo huấn này cũng công nhận tích cách hợp pháp của những nỗ lực của thợ thuyền để có được sự tôn trọng đối với nhân phẩm của mình và được tham gia rộng rãi hơn trong các lãnh vực của đời sống trong các hãng xưởng kỹ nghệ để, trong khi cộng tác với những người khác và dưới sự hướng dẫn của người khác, họ có thể theo một nghĩa nào đó "làm việc cho chính mình" (85) qua việc xử dụng sự thông minh và tự do của họ.
Việc phát triển dính liền của con người qua lao động không cản trở mà trái lại còn thúc đẩy năng xuất và hiệu năng của lao động nhiều hơn nữa, ngay cả mặc dầu nó thể làm yếu các cấu trúc quyền lực tập trung. Một vụ làm ăn không thể chỉ được coi như là một "tập họp các sản phẩm tư bản"; nó cũng là một "xã hội của con người" trong đó con người tham dự bằng các phương thế khác nhau và các trách vụ khác nhau. Dù họ cung ứng tư bản cần thiết cho các hoạt động của công ty hoặc họ đóng góp vào các hoạt động đó bằng sức lao động của mình. Ðể thực hiện những mục tiêu này cũng cần có phong trào công nhân kết hợp lại một cách rộng rãi nắm tới việc giải phóng và thắng tiến toàn bộ con người.
Trước "những việc mới" của thời nay, chúng ta đã đọc lại về những mối liên hệ giữa các nhân và tài sản tư và mục đích phổ quát của tài sản vật chất. Con người trở nên sung mãn bằng việc xử dụng trí thông minh và tự do. Làm như thế con người xử dụng những sự vật ở thế gian này như những vật và những dụng cụ và biến chúng thành của riêng mình. Nền tảng của quyền có sáng kiếng riêng tư và quyền tư hữu được tìm thấy trong sinh hoạt này. Bằng sức lao động của mình con người tự mình dấn thân không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho những người khác và với những người khác. Mỗi người cộng tác vào công việc của những người khác và cho phúc lợi của họ. Con người làm việc để cung ứng cho những nhu cầu của gia đình mình, cộng đồng của mình, quốc gia của mình và sau hết cho toàn thể nhân loại. (86) Hơn nữa, con người cộng tác trong công việc của những bạn đồng sở cũng như trong việc của những nhà cung cấp và trong việc tiêu thụ sản phẩm của các khách hàng trong một đường giây liên đới nối dài từ từ. Quyền làm chủ các phương tiện sản xuất, dù trong kỹ nghệ hay trong nông nghiệp, trở nên chính đáng và hợp pháp nếu phục vụ những công việc hữu ích. Tuy nhiên, chúng trở nên bất hợp pháp khi không được dùng hoặc khi phục vụ để làm cản trở công việc của những người khác trong một cố gắng thu lợi không do kết quả của của sự mở rộng toàn bộ lao công và sự giầu mạnh của xã hội, nhưng đúng hơn là kết quả của của việc hạn chế hoặc khai thác bất hợp pháp. sự đầu cơ hoặc phá vỡ thế liên kết giữa những người làm việc. (87) Quyền làm chủ thuộc loại này không chính đáng và tượng trưng một sự lạm dụng trước mặt Thiên Chúa và con người.
Nhiệm vụ kiếm sống bằng mồ hôi và tâm não của mình cũng bao hàm quyền được làm như vậy. Một xã hội trong đó quyền này bị khước từ một cách quy mô, trong đó các chính sách về kinh tế không cho phép người thợ đạt tới những mức làm việc thỏa đáng, không thể được coi là chính đáng xét trên căn bản đạo đức và xã hội đó cũng không thể đạt được hòa bình xã hội. (88) Ngay khi con người đã thực hiện đầy đủ việc tự do cống hiến bản thân mình, thì quyền làm chủ cũng chỉ có thể tư coi như chính đáng khi tạo ra, những cơ hội làm việc và thăng tiến nhân bản cho tất cả mọi người vào một thời điểm thích ứng và bằng một cách chính đáng.
CHƯƠNG 5 NHÀ NƯỚC VÀ VĂN HÓA
44. Ðức Giáo Hoàng Leo XIII nhận thức rõ cần có một lý thuyết đúng đắn về nhà nước để có thể đảm bảo cho việc phát triển bình thường các hoạt động thiêng liêng và trần thế của con người, cả hai hoạt động đều tối cần. (89) Vì lý do này, trong thông điệp RERUM NOVARUM có một đoạn ngài trình bầy về tổ chức xã hội dựa trên ba quyền - lập pháp, hành pháp và tư pháp - mà vào thời đó là một chuyện mới lạ trong giáo huấn của giáo hội. (90) Một sự xếp đặt như vậy phản ảnh một cái nhìn thực tiễn về bản chất xã hội của con người, đòi hỏi luật lệ có khả năng bảo vệ tự do cho mọi người. Ðể đạt tới mục đích đó, mỗi quyền cần được quân bình với những quyền khác và với những lãnh vực trách nhiệm khác để giữ các quyền đó không đi ra ngoài ranh giới của mình. Ðây là nguyên tắc "pháp trị," trong đó luật pháp có tính cách tối thượng, và không phải là ước muốn độc đoán của cá nhân.

Trong thời đại mới quan niệm này đã bị chủ nghĩa chuyên chế chống đối, chủ nghĩa này mang hình thức Mácxít-Lêninít chủ trương rằng một số người nhờ có sự thông hiểu sâu xa hơn về luật pháp trong lãnh vực phát triển xã hội hoặc vì thuộc một giai cấp đặc biệt nào đó, hoặc nhờ được tiếp xúc với những nguồn sâu sắc hơn của ý thức tập thể, nên không thể sai lầm và như vậy có thể tự ban cho mình uy quyền tuyệt đối. Cần phải nói thêm là chủ nghĩa chuyên chế phát sinh ra từ việc chối bỏ chân lý theo nghĩa khách quan. Nếu không có chân lý siêu việt, mà nhờ biết vâng phục con người có thể nhận biết được con người trọn vẹn của mình, sẽ không có một nguyên tắc chắc chắn nào bảo đảm cho mối liên hệ chính đáng giữa con người. Lòng vị kỷ của họ với tư cách của một giai cấp, một nhóm hoặc một quốc gia chắc chắn sẽ đưa họ tới chỗ chống đối nhau. Nếu một phía không nhìn nhận chân lý ưu việt, khi đó sức mạnh của quyền bính sẽ ngự trị và mỗi người sẽ xử dụng tối đa những phương tiện sẵn có để áp đặt các quyền lợi của mình hoặc ý kiến của mình, bất chấp quyền lợi của người khác. Khi đó con người chỉ còn được kính trọng bao lâu mà họ còn có thể bị bóc lột cho những mục đích vị kỷ. Vì vậy, căn nguyên của chủ nghĩa chuyên chế của thời đại mới là việc chối bỏ giá trị siêu việt của con người, được coi như là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, như vậy tự bản chất là chủ thể của những quyền mà không một ai - dù là cá nhân, một nhóm người, một giai cấp, một quốc gia hay nhà nước - có thể chà đạp lên được. Ngay cả đa số của một xã hội cũng không thể chà đạp lên những quyền này bằng cách chống lại thiểu số, bằng cách cô lập, đàn áp hoặc bóc lột hay tìm cách tiêu diệt thiểu số đó. (91)

45. Văn hóa và chủ nghĩa chuyên chế trong thực tế cũng chối bỏ giáo hội. Nhà nước hoặc đảng cho rằng họ có khả năng hướng dẫn lịch sử tới chỗ thiện hảo hoàn toàn và tự đặt mình ở trên mọi giá trị do đó không thể chấp nhận một tiêu chuẩn khách quan về thiện ác khác với ý muốn của những người cầm quyền; vì một tiêu chuẩn như vậy, trong một số hoàn cảnh, có thể được dùng để phán đoán những hành vi của họ. Ðiều này giải thích vì sao chủ nghĩa chuyên chế tìm cách tiêu diệt giáo hội hoặc ít ra tìm cách áp đặt giáo hội dưới sự thống thuộc của mình, biến giáo hội thành công cụ của guồng máy ý thức hệ của họ. (92)

Hơn nữa, nhà nước chuyên chế thường xát nhập toàn bộ quốc gia, xã hội, gia đình, các tôn giáo và chính các cá nhân vào trong guồng máy của họ. Giáo hội khi bảo vệ tự do của mình, cũng đồng thời bảo vệ con người, mà con người phải tuân phục Thiên Chúa chứ hơn là tùng phục con người. (coi Acts 5:29), cũng như bảo vệ gia đình, các tổ chức xã hội và các dân tộc - tất cả đều có quyền tự trị và chủ quyền.

46. Giáo hội đánh giá cao hệ thống dân chủ như là một hệ thống bảo đảm cho người dân được tham dự vào việc lựa chọn các quyết định về chính trị, bảo đảm cho những người bị trị được quyền bầu ra lẫn quyền quy trách những người cai trị họ và thay thế những người cầm quyền này bằng các phương thế ôn hòa khi cần. (93) Như vậy giáo hội không thể khuyến khích việc hình thành những nhóm cai trị thu hẹp tìm cách lạm dụng quyền bính của quốc gia cho những lợi ích riêng tư hoặc cho những mục tiêu ý thức hệ.

Một thể chế dân chủ chân chính chỉ có thể có được trong một quốc gia pháp trị và dựa trên căn bản một ý niệm chính đáng về con người. Nó đòi hỏi phải có những điều kiện cần thiết cho việc thăng tiến cá nhân qua công việc giáo dục và đào tạo theo những lý tưởng chân chính, và sự thăng tiến "chủ quan tính" của xã hội qua việc thành lập những cơ cấu có sự tham gia và cùng chia xẻ trách nhiệm. Ngày nay có khuynh hướng đòi hỏi rằng thuyết bất khả tri (*) và thuyết tương đối luận (**) bi quan là những triết thuyết và quan điểm căn bản cho các hình thức dân chủ của đời sống chính trị. Theo nhãn quan về dân chủ đó, những người cho rằng mình hiểu rõ chân lý và tin chắc vào chân lý đó bị coi là không thể tin cậy được, vì họ không chấp nhận chân lý do đa số quyết định hoặc có thể thay đổi tùy theo các khuynh hướng chính trị khác nhau. Cũng cần nhận xét rằng về phương diện này là nếu không có chân lý tối hậu để hướng dẫn và chỉ huy hoạt động chính trị, những tư tưởng và xác tín có thể dễ bị thao túng vì lý do quyền lực. Như lịch sử đã chứng tỏ, dân chủ mà không có giá trị đạo đức làm căn bản dễ biến thành chế độ chuyên chế công khai hoặc ngụy trang khéo léo.

Giáo hội cũng không nhắm mắt làm ngơ trước nguy cơ của sự cuồng tín hoặc chủ trương chính thống (***), là những người, nhân danh một ý thức hệ được coi là khoa học hay tôn giáo, đòi quyền áp đặt lên những người khác tiêu chuẩn thiện-ác theo quan niệm của họ. Chân lý Ki-tô-giáo không phải như vậy. Vì không phải là một ý thức hệ, đức tin Ki-tô-giáo không chủ trương giam hãm các thực tại xã hội và chính trị đổi thay vào một khuôn khổ cứng nhắc, và nhìn nhận rằng cuộc sống con người thể hiện trong lịch sử trong những điều kiện khác nhau và không hoàn hảo. Hơn nữa, qua việc luôn luôn xác nhận giá trị siêu việt của con người, phương pháp của giáo hội là tôn trọng tự do. (94)

Nhưng tự do chỉ có thể triển nở hoàn toàn khi chấp nhận chân lý. Trong một thế giới không có chân lý, tự do mất hẳn cơ sở và con người bị áp chế bởi bạo lực của dục vọng và bị thao túng một cách công khai lẫn ngấm ngầm. Người Ki-tô-hữu ủng hộ tự do và phục vụ cho tự do, luôn luôn cung ứng cho người khác chân lý mà họ hiểu biết (coi Jn. 8:31-32), theo đúng với bản chất truyền giáo trong ơn gọi của mình. Nhờ quan tâm tới mọi khía cạnh của chân lý tìm được trong cuộc sống và trong văn hóa của các cá nhân, dân tộc khi đối thoại, họ không thể không xác quyết với những người khác tất cả những gì mà nhờ đức tin và việc xử dụng đúng đắn lý trí đã giúp họ hiểu được. (95)

47. Sau khi chủ nghĩa chuyên chế Cộng Sản và nhiều chế độ chuyên chế và "an ninh quốc gia" sụp đổ, ngày nay chúng ta chứng kiến một vai trò ưu thắng của tư tưởng dân chủ, nhưng không phải không có sự chống đối, cùng với sự đặc biệt chú ý và quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Nhưng cũng vì chính lý do đó những dân tộc đang tiến hành công cuộc cải cách hệ thống chính trị của họ cần xây dựng một nền tảng chân chính và vững chắc cho thể chế dân chủ qua việc công nhận tỏ tường những quyền này. (96) Trong số những quyền quan trọng nhất về nhân quyền, cần phải nói tới quyền của sự sống, mà cơ bản nhất là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ từ lúc thụ thai; quyền được sống trong một gia đình hiệp nhất và trong bầu không khí đạo đức dẫn tới sự thăng tiến tư cách của đứa trẻ; quyền phát triển trí thông minh và tự do của mình trong việc tìm kiếm và hiểu biết chân lý; quyền được góp sức lao động để xử dụng khôn ngoan những tài nguyên vật chất của trái đất, và nhờ sự lao động đó có thể có những phương tiện để nuôi sống chính mình và các người thống thuộc của mình; và quyền được tự do lập gia đình, quyền có con cái và nuôi dưỡng chúng qua việc xử dụng có trách nhiệm tính dục của mình. Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp của các quyền này là tự do tôn giáo, được hiểu như là quyền được sống trong chân lý của đức tin của mình và phù hợp với phẩm giá siêu việt với tư cách con người. (97)

Ngay cả trong những quốc gia đã có hình thức chính phủ dân chủ, những quyền này không phải luôn luôn được tôn trọng. Ở đây chúng ta không chỉ nói tới gương mù về nạn phá thai, nhưng còn có những khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng xảy ra chính bên trong các thể chế dân chủ, mà có đôi lúc xem ra đã không còn khả năng đưa ra những quyết định đúng đán về công ích. Một số đòi hỏi phát khởi từ bên trong xã hội đôi khi không được cứu xét theo đúng các tiêu chuẩn của công bằng và luân lý, nhưng lại dựa trên căn bản thế lực của lá phiếu và tài chánh của các nhóm làm áp lực. Theo thời gian, tác phong chính trị lệch lạc đó khiến đa số quần chúng mất tin tưởng và thờ ơ, việc tham gia chính trị và tinh thần công dân nơi họ cũng giảm sút vì họ cảm thấy bị lợi dụng và hết còn tin tưởng nữa. Kết quả là không còn xác định được các quyền lợi riêng tư trong khung cảnh của một viễn ảnh mạch lạc về công ích. Ðiều này không phải giản dị chỉ là tổng cộng của tất cả các quyền lợi riêng tư; đúng ra những quyền lợi đó cần phải được định giá và phối hợp dựa trên căn bản của một bậc thang giá trị quân bình; sau hết, nó đòi hỏi sự thông hiểu chính xác về phẩm giá và quyền của con người. (98)

Giáo hội tôn trọng quyền tự trị hợp pháp của trật tự dân chủ và không có quyền thiên về giải pháp có tính cách định chế hay hiến chế này hay giải pháp nọ. Sự đóng góp của giáo hội vào trật tự chính trị chính là cái nhìn của giáo hội về phẩm giá của con người được biểu lộ hoàn toàn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. (99)

48. Những nhận xét tổng quát này cũng áp dụng cho vai trò của nhà nước trong khu vực kinh tế. Hoạt động kinh tế, đặc biệt hoạt động của một nền kinh tế thị trường, không thể bị để rơi vào một khoảng trống về thể chế, tư pháp hoặc chính trị. Trái lại, nó phải bảo đảm cho tự do cá nhân và quyền tư hữu cũng như một hệ thống tiền tệ ổn định và những dịch vụ công cộng hữu hiệu. Vì vậy nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước là thực hiện những bảo đảm này để những người làm việc và sản xuất có thể hưởng những kết quả do sức lao động của mình và như vậy sẽ cảm thấy khích lệ để làm việc một cách có hiệu quả và thẳng thắn. Thiếu sự ổn định cộng với tình trạng tham nhũng của các viên chức chính quyền và việc lan tràn các nguồn làm giầu và thu lợi bất chính từ các hoạt động bất hợp pháp và đầu cơ tích trữ thuần túy, là một trong những trở ngại chính cho công cuộc phát triển và cho trật tự của nền kinh tế.

Một nhiêm vụ khác của nhà nước là xem xét và điều khiển việc thực thi các nhân quyền trong khu vực kinh tế. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong lãnh vực này không thuộc về nhà nước, nhưng thuộc về cá nhân và các nhóm và hội đoàn khác nhau làm nên xã hội. Nhà nước không thể trực tiếp bảo đảm công ăn việc làm cho mọi người dân trừ khi nhà nước kiểm soát tất cả mọi khía cạnh của đời sống kinh tế và hạn chế những sáng kiến của tư nhân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà nước không có khả năng trong lãnh vực này. Ðúng ra, nhà nước có bổn phận nâng đỡ các hoạt động kinh doanh bằng cách tạo ra các điều kiện bảo đảm cơ hội có công ăn việc làm, bằng cách thúc đẩy những hoạt động còn thiếu sót hoặc bằng cách hỗ trợ họ trong những lúc gặp khủng hoảng.

Nhà nước còn có quyền can thiệp khi tình trạng độc quyền đặc biệt làm đình trệ và cản trở công cuộc phát triển. Ngoài nhiệm vụ điều hòa và hướng dẫn công cuộc phát triển, trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, nhà nước cũng có thể thực hiện vai trò thay thế khi các khu vực của xã hội hoặc hệ thống kinh doanh quá yếu hoặc vừa khởi sự không thể làm tròn nhiệm vụ đòi hỏi trước mắt. Những sự can thiệp có tính cách phụ trợ đó, vì lý do khẩn cấp liên quan tới công ích, phải càng ngắn càng tốt để tránh việc loại bỏ vĩnh viễn vai trò chuyên biệt của xã hội và giới doanh thương đồng thời cũng tránh nới rộng quá đáng khu vực hoạt động của nhà nước gây tổn hại cho cả tự do kinh tế lẫn tự do của công dân.

Trong những năm gần đây mức độ can thiệp đó đã lan quá rộng tới chỗ tạo ra một loại nhà nước mới, mệnh danh là "nhà nước an sinh." Việc này đã xảy ra trong một vài quốc gia để đáp ứng hữu hiệu hơn trước nhu cầu và các đòi hỏi, bằng cách sửa chữa các hình thức nghèo túng và thiếu thốn không xứng đáng với con người. Tuy nhiên, do sự thái quá và lạm dụng, đặc biệt là trong những năm gần đây, đã khiến dư luận chỉ trích gắt gao về nhà nước an sinh, được gán cho danh xưng là "nhà nước trợ cấp xã hội." Những sự điều hành bê bối và những khuyết điểm trong chế độ nhà nước an sinh là do có sự hiểu sai về nhiệm vụ đúng đắn của nhà nước. Một lần nữa ở đây nguyên tắc trợ cấp phải được tôn trọng: Một cộng đồng ở mức cao hơn không được can thiệp vào đời sống nội bộ của một cộng đồng ở mức thấp hơn, tước đoạt vai trò của nó , nhưng nên hỗ trợ trong trường hợp cần thiết và giúp phối hợp hoạt động của nó với các hoạt động của những cộng đồng còn lại trong xã hội, luôn luôn nhắm tới mục tiêu công ích. (100)

Bằng cách can thiệp trực tiếp và gạt bỏ xã hội ra khỏi trách vụ của mình, quốc gia trợ cấp xã hội làm mất đi các năng lực của con người và làm gia tăng quá đáng các cơ quan công, những cơ quan này mang nặng đầu thư lại nhiều hơn là hăng say trợ giúp các thân chủ của mình và do đó làm ngân sách chi tiêu gia tăng. Thực tế, chính những người sống gần gũi nhất và sống như là những người bạn láng giềng với những người túng thiếu mới hiểu và thỏa mãn được nhu cầu của họ. Cần nói thêm là một vài loại nhu cầu thường mong đợi được đáp lại không phải chỉ bằng vật chất mà còn có thể nhìn thấy nhu cầu sâu xa hơn của con người. Người ta nghĩ đến cảnh huống của những người tỵ nạn, những người di dân, những người già cả, những người ốm yếu và tất cả những người ở vào hoàn cảnh cần được nâng đỡ như những nạn nhân ghiền ma túy: Tất cả những người này chỉ có thể được trợ giúp hữu hiệu bằng những người đem lại cho họ, ngoài những sự săn sóc cần thiết, còn có sự nâng đỡ trong tình anh em.

49. Trung thành với sứ mạng được Chúa Ki-tô giao phó, người thành lập ra giáo hội, giáo hội luôn hiện diện và tích cực hoạt động nơi những người túng thiếu, đem lại cho họ sự trợ giúp vật chất bằng những phương thế không làm họ phải nhục nhã hoặc giảm họ xuống thành đối tượng của sự trợ giúp, nhưng giúp đỡ họ thoát khỏi hoàn cảnh bấp bênh bằng cách đề cao phẩm giá của họ như con người. Tạ ơn Thiên Chúa vì giáo hội không bao giờ ngưng các công tác bác ái tích cực; thật vậy ngày nay công tác bác ái đó lại còn gia tăng nhiều lần và thật mãn nguyện. Về phương diện này, cần chú trọng khẩn cấp tới những công tác thiện nguyện mà giáo hội mến chuộng và đề cao bằng cách thúc dục mọi người hợp tác hỗ trợ và khuyến khích việc làm của họ.

Ðể vượt qua đầu óc cá nhân chủ nghĩa đang lan tràn vào thời nay, cần có sự dấn thân cụ thể trong công tác liên đới và bác ái, khởi sự ngay từ trong gia đình với việc vợ chồng nâng đỡ nhau và các thế hệ khác nhau săn sóc cho nhau. Theo đó gia đình cũng có thể được gọi là một cộng đồng lao động và liên đới. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp gia đình quyết định sống trọn vẹn với ơn gọi của mình, nhưng lại thấy mình không nhận được sự trợ giúp cần thiết nào của nhà nước và cũng chẳng có nguồn lợi tức nào. Do đó không những chỉ cần phải cổ võ ngay chính sách về gia đình, mà còn những chính sách xã hội trong đó gia đình là đối tượng chính, một chính sách giúp đỡ gia đình bằng cách cung ứng những lợi tức đầy đủ và những phương tiện hữu hiệu để có thể giáo dục con cái và đồng thời cũng chăm sóc cho người già tránh chia cách họ khỏi đơn vị gia đình và để tăng cường liên hệ giữa các thế hệ. (101)

Ngoài gia đình, những cộng đồng trung gian khác giữ nhiệm vụ chủ yếu và tạo ra những hệ thống liên đới đặc biệt. Những cộng đồng này phát triển như là những cộng đồng gồm con người thực sự và làm cho cơ cấu xã hội thêm vững mạnh, khiến xã hội không trở thành một khối vô danh và không nhân tính như thường bất hạnh xảy ra ngày nay. Chính sự tương quan liên đới ở nhiều mức độ này mà con người sống và xã hội được "nhân cách hóa" nhiều hơn. Cá nhân con người ngày nay thường bị chèn ép giữa hai cực một bên là nhà nước và một bên là thị trường. Có lúc con người cảm thấy mình chỉ hiện hữu như là một người sản xuất và tiêu thụ hàng hóa hoặc là một đối tượng trong việc quản trị của nhà nước. Người ta quên mất sự kiện là cuộc sống xã hội không chỉ có mục đích là thị trường cũng không phải là nhà nước, vì chính cuộc sống có một giá trị độc đáo mà nhà nước và thị trường phải phục vụ. Con người trước hết vẫn là một tạo vật đang tìm kiếm chân lý và cố sống theo chân lý đó, tìm hiểu sâu về chân lý đó qua cuộc đối thoại với sự góp phần của các thế hệ cổ xưa và thế hệ tương lai. (102)

50. Nhờ việc công khai tìm kiếm chân lý này được đổi mới qua mỗi thế hệ mà văn hóa của một quốc gia mang sắc thái đặc biệt của mình. Quả thật, gia sản giá trị đạo đức thu nhận được và lưu truyền lại luôn luôn gặp sự thách đố của các thế hệ trẻ. Thách đố không nhất thiết có nghĩa là hủy hoại hoặc thẳng tay chối bỏ, nhưng trước hết là đem những giá trị này ra thí nghiệm trong cuộc sống riêng của mình và qua sự chứng nghiệm này văn hóa đó trở nên thực hơn, chính đáng và đặc thù hơn, phân biệt những yếu tố có giá trị nơi truyền thống và những gì là giả trá và sai lầm hoặc phân biệt những gì lỗi thời cần được thay thế bằng những giá trị khác thích hợp hơn với thời đại.

Trong bối cảnh này, tưởng cũng cần nhắc lại công cuộc truyền bá Phúc Âm cũng phải giữ một vai trò trong nền văn hóa của các dân tộc, làm thế nào để văn hóa có thể đạt tới chân lý và giúp thanh lọc và làm cho nền văn hóa đó thêm phong phú. (103) Tuy nhiên, khi một nền văn hóa trở nên khép kín và tìm cách duy trì những lối sống lỗi thời bác khước mọi sự đổi thay hoặc tranh biện về chân lý đối với con người, lúc đó nó trở nên khô cằn và đi dần tới chỗ suy đồi.

51. Mọi hoạt động của con người đều có mặt trong một nền văn hóa và tương giao với nền văn hóa đó. Việc hình thành tốt đẹp một nền văn hóa đòi hỏi sự đóng góp của mọi người bằng óc sáng tạo, trí thông minh và sự thông hiểu về thế giới và con người. Hơn nữa, con người phải biết tự chế, hy sinh, đoàn kết và sẵn sàng cổ võ cho công ích. Như vậy nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất cần thực hiện ngay trong trái tim của con người. Cách thức con người nỗ lực để tạo dựng tương lai của chính mình tùy thuộc vào sự hiểu biết về chính con người của mình và định mệnh của mình. Chính ở lãnh vực này cho thấy sự đóng góp đặc biệt và có tính cách quyết định của giáo hội vào nền văn hóa chân chính. Giáo hội cổ võ các sắc thái trong tác phong của con người, ủng hộ một thứ văn hóa hòa bình đích thực, đối ngược lại với những kiểu mẫu trong đó con người bị biến mất trong đám đông, trong đó vai trò của những sáng kiến và tự do của con người bị coi thường và trong đó sự cao cả của con người được tập trung vào nghệ thuật chiến đấu và chiến tranh. Giáo hội giúp đỡ cho xã hội con người trong công tác này qua sự giảng dậy chân lý về việc tạo dựng trái đất mà Thiên Chúa đã trao cho con người để con người bằng sức lao động của mình làm cho trái đất thêm hoa trái và hoàn hảo hơn; và qua sự giảng dậy về chân lý của việc cứu chuộc theo đó Con Thiên Chúa đã cứu rỗi nhân loại và đồng thời đã kết hợp mọi người lại, khiến họ phải có trách nhiệm đối với nhau. Kinh Thánh tiếp tục dậy chúng ta phải tích cực dấn thân giúp đỡ người anh em của chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải san xẻ trách nhiệm với toàn thể nhân loại.

Nhiệm vụ này không chỉ giới hạn cho một gia đình, một dân tộc hay quốc gia, nhưng còn nới rộng từ từ cho toàn thể nhân loại, vì không ai có thể coi mình như người xa lạ hoặc rửng rưng với bao nhiêu người khác trong gia đình nhân loại. Không ai có thể nói rằng mình không có trách nhiệm đối với phúc lợi của anh chị em của mình (coi Gn. 4:9; Lk. 10:29-37; Mt. 25:31-46). Chú ý và quan tâm tới anh em của mình trong lúc cần - thời nay việc này có thể thực hiện được dễ hơn nhờ các phương tiện truyền thông đem mọi người lại gần nhau hơn - đặc biệt quan trọng đối với vấn đề tìm ra các phương cách giải quyết các tranh chấp quốc tế ngoài chiến tranh. Cũng không khó để thấy rằng sức mạnh khủng khiếp của các phương tiện tàn phá mà hiện nay ngay cả các quốc gia cỡ trung và cỡ nhỏ đều có, và những mối giây iên hệ mật thiết các dân tộc trên toàn thế giới khiến rất khó, mà trên thực tế không thể nào giới hạn được các hậu quả của cuộc tranh chấp.

52. Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XV và các đấng kế vị ngài đã thấy rõ mối nguy cơ này. (104) Ngay chính tôi, vào dịp xảy ra trận chiến thảm khốc ở vùng Vịnh Ba Tư, đã liên tiếp kêu gọi: "Không bao giờ còn có chiến tranh nữa!" Không, không bao giờ còn có chiến tranh nữa, vì chiến tranh hủy hoại sinh mạng của những người vô tội, chiến tranh dạy cách giết người, làm đảo lộn cuộc sống của cả những người làm chuyện chém giết và để lại đàng sau dấu vết của hận thù và ghen ghét, do đó thật khó để tìm ra một giải pháp công bằng cho mọi vấn đề gây ra chiến tranh. Ðã tới lúc mà trong mọi quốc gia một hệ thống thù hận và trả đũa giữa tư nhân phải nhường chỗ cho nguyên tắc pháp trị, cũng thế cần có gấp một hệ thống như vậy trong cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, đừng quên rằng trong cội rễ của chiến tranh thường có những lời than trách thực sự và nghiêm trọng: những bất công phải chịu đựng, những khát vọng chính đáng không được giải quyết, tình trạng nghèo đói và bóc lột của nhiều người đã tuyệt vọng khi thấy không có cách nào có thể cải thiện số phận của mình bằng phương cách ôn hòa.

Vì lý do này, hòa bình có một cái tên khác là phát triển. (105) Nếu có trách nhiệm của tập thể để tránh gây ra chiến tranh, thì cũng phải có trách nhiệm của tập thể để cổ võ phát triển. Cũng như tại các xã hội riêng biệt, có thể và có quyền tổ chức một nền kinh tế vững mạnh nhằm hướng dẫn thị trường hoạt động cho công ích, trong lãnh vực quốc tế cũng cần có những sự can thiệp tương tự . Ðể điều này có thể thực hiện được, cần nhiều nỗ lực để tăng gia sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, và tăng gia sự nhạy cảm của lương tâm. Ðây là thứ văn hóa mà chúng ta chờ đợi, một thứ văn hóa củng cố niềm tin vào khả năng của người nghèo và khả năng của họ trong việc cải thiện cuộc sống nhờ lao động hoặc góp phần tích cực vào sự thịnh vượng của nền kinh tế. Nhưng để thực hiện việc này, người nghèo - cá nhân hay quốc gia - cần có những cơ hội thực tiễn. Muốn tạo ra nhữn điều kiện đó cần phải có một nỗ lực phối hợp toàn cầu để cổ võ công cuộc phát triển, một nỗ lực cũng bao gồm việc hy sinh những vị trí lợi lộc và quyền lực mà các quốc gia tiền tiến đang thụ hưởng. (106)

Ðiều này có nghĩa là những đổi thay quan trọng trong lối sống hiện có để có thể hạn chế sự phung phí các tài nguyên thiên nhiên và và con người, do đó có thể giúp cho cá nhân và mọi người trên thế giới có thể hưởng đồng đều những tài nguyên này. Thêm vào đó, những tài nguyên vật chất và tinh thần mới phải được xử dụng, đó là những tài nguyên do lao động và văn hóa của những người mà ngày nay đang sống ở mức bên lề cộng đồng quốc tế, để toàn thể gia đình gồm các dân tộc được sống phong phú.
CHƯƠNG 6
CON NGƯỜI LÀ ÐƯỜNG ÐI CỦA GIÁO HỘI 
53. Ðứng trước tình trạng nghèo khó của giới lao động, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII viết: " Chúng ta bàn luận vấn đề này một cách tin tưởng và dựa vào những quyền được minh thị trao cho chúng ta...Nếu giữ im lặng chúng ta sẽ bị coi như lơ là đối với bổn phận đã được trao phó cho chúng ta." (107) Trong 100 năm qua giáo hội đã thường bầy tỏ cảm nghĩ của mình, đồng thời theo sát tiến triển của vấn đề xã hội. Làm như vậy giáo hội không phải muốn lấy lại những đặc quyền trước đây hoặc tìm cách áp đặt cái nhìn của mình. Mục đích duy nhất là vì muốn bầy tỏ sự săn sóc và tinh thần trách nhiệm đối với con người mà chính Chúa Ki-tô đã phó thác cho giáo hội: như công đồng Vatican đã nhắc nhở, vì con người là tạo vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa ước muốn cho chính ngài, và Thiên Chúa đã có chương trình dành riêng cho con người, đó là, góp phần vào trong công cuộc cứu chuộc. Ở đây chúng ta không giao tiếp với con người "trừu tượng," nhưng với con người thật, "cụ thể," "lịch sử". Chúng ta giao tiếp với mỗi cá nhân, vì mỗi người đều được bao gồm trong mầu nhiệm cứu rỗi và qua mầu nhiệm này Chúa Ki-tô đã kết hợp chính người với mỗi một người luôn mãi." Tiếp đó giáo hội không thể bỏ rơi con người và rằng "con người này là con đường mà giáo hội phải đi để hoàn thành sứ mệnh của mình...con đường do chính Chúa Ki-tô vạch ra, con đường tiến tới không ngừng qua mầu nhiệm nhập thể và chuộc tôi." (109)
Ðiều này, và chỉ có điều này là nguyên tắc khơi nguồn cho học thuyết xã hội. Giáo hội đã lần lần xây dựng học thuyết đó bằng đường lối có hệ thống, nhất là trong suốt thế kỷ nối tiếp sau ngày chúng ta làm lễ kỷ niệm , chính vì chân trời của toàn thể gia tài về học thuyết của giáo hội hướng tới là con người trong thực tế cụ thể vừa tội lỗi và vừa chính trực.
(107) RERUM NOVARUM, tr. 107.
(108) Coi REDEMPTOR HOMINIS, Số 13.
(109) Nt., số 14. 
54. Ngày nay, học thuyết xã hội của giáo hội đặc biệt chú trọng vào con người đương liên hệ vào một hệ thống tương quan phức tạp trong các xã hội tân tiến. Các khoa học và triết lý nhân bản giúp ích trong việc giải thích chỗ đứng chính yếu của con người bên trong xã hội và giúp con người hiểu rõ hơn về mình như là một "thực thể xã hội." Tuy nhiên, hình ảnh thực của con người chỉ có thể được tỏ lộ hoàn toàn qua đức tin, và chính từ đức tin mà học thuyết xã hội của giáo hội khởi nguồn. Khi mô tả mọi sự đóng góp của khoa học và triết lý, giáo huấn xã hội của giáo hội nhằm giúp đỡ con người trên con đường cứu rỗi.
Thông điệp RERUM NOVARUM được coi như đã đóng góp quan trọng cho công cuộc phân tích xã hội kinh tế vào cuối thế kỷ thứ 19, nhưng giá trị đặc biệt của nó bắt nguồn từ sự kiện thông điệp là một tài liệu tín điều và hoàn toàn là một phần nằm trong sứ mạng phúc âm hóa, cùng với nhiều tài liệu khác thuộc loại này. Như vậy giáo huấn xã hội của giáo hội tự nó là một khí cụ truyền bá Phúc Âm có giá trị. Với vai trò đó, giáo huấn loan báo Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu rỗi của Ðức Ki-tô cho mọi người và vì chính nhờ đó mà con người đã nhận ra chính mình. Dưới sự soi sáng này và chỉ dưới sự soi sáng này mà giáo huấn của giáo hội đã lưu tâm tới mọi chuyện khác: nhân quyền của "giới lao động," gia đình và việc giáo dục, bổn phận của nhà nước, trật tự của tổ chức quốc gia và quốc tế, đời sống kinh tế, văn hóa, chiến tranh và hòa bình và việc tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai cho tới lúc chết. 
55. Giáo Hội tiếp nhận "ý nghĩa của con người" từ sự mặc khải thiêng liêng. Ðức Giáo Hoàng Paul VI nói :" Ðể hiểu biết về con người, con người đích thực, con người toàn bộ, người ta phải hiểu biết về Thiên Chúa" và tiếp đó ngài trích lời Thánh Catherine thành Siena, trong khi cầu nguyện cũng đã bầy tỏ ý tưởng tương tự: " Lạy Thiên Chúa hằng cửu, từ bản tính của Ngài mà con biết rõ được bản tính của con." (110)
Do đó môn khảo cổ Ki-tô-giáo đúng là một chương của thần học, và vì lý do đó, học thuyết xã hội của giáo hội "thuộc về lãnh vực...của thần học và đặc biệt thần học luân lý." vì đề cập tới con người và quan tâm đến con người cũng như tác phong của con người trong thế giới (111) Chiều kích thần học cần thiết để giải thích cũng như để giải quyết các vấn đề hiện nay trong xã hội loài người. Cũng cần ghi nhận là điều này đúng nếu so với giải pháp "vô thần" tước đoạt con người những chiều kích căn bản, chẳng hạn về tâm linh, và hướng con người tới những giải pháp buông thả và hướng về tiêu thụ, tìm mọi cớ để thuyết phục con nguời rằng họ không còn bị ràng buộc gì với mọi thứ luật lệ và với cả Thiên Chúa nữa, như vậy giam hãm con người trong vòng ích kỷ cuối cùng làm hại cho cả con người lẫn những người khác nữa.
Khi giáo hội công bố việc Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại, khi giáo hội đem lại và truyền đạt cuộc sống của Thiên Chúa qua các phép bí tích, khi giáo hội hướng dẫn cuộc sống con người bằng những giới răn về yêu mến Thiên Chúa và người anh em của mình, giáo hội đã làm phong phú phẩm giá của con người. Nhưng vì giáo hội không thể từ bỏ sứ mạng tôn giáo và siêu việt của mình nhân danh con người, do đó giáo hội biết rõ là ngày nay hoạt động của giáo hội gặp phải nhiều khó khăn và cản trở đặc biệt. Chính vì lý do đó mà giáo hội phải nỗ lực thêm nữa và dùng những phương pháp mới để truyền bá Phúc Âm cổ võ cho con người toàn diện. Ngay cả trong thời kỳ sắp bước vào thiên niên thứ ba giáo hội tiếp tục là "dấu chỉ và người bảo vệ cho sự ưu việt của con người," (112) vì giáo hội quả thật ngay từ khi mới hình thành luôn luôn tìm cách trở thành nguời bạn đồng hành của con người trên suốt cuộc hành trình của lịch sử. Thông điệp RERUM NOVARUM chính là một dấu chỉ về điều này.
(110) Paul VI, bài giảng thuyết tại khóa họp cuối cùng của Công Ðồng Vatican II (12-7-1965): AAS 58 (1966), tr. 58.
(111) SOLICITUDO REI SOCIALIS, Số 41.
(112) GAUDIUM ET SPES, Số 76; coi REDEMPTOR HOMINIS, Số 13. 
56. Vào dịp kỷ niệm đệ bách chu niên của thông điệp này tôi muốn cảm ơn tất cả những ai đã hy sinh nghiên cứu, giải thích và phổ biến giáo huấn xã hội Ki-tô-giáo. Ðể đạt tới mục đích này, cần có sự cộng tác của các giáo hội địa phương, và tôi hy vọng là ngày kỷ niệm năm nay sẽ là nguồn hứng khởi cho việc học hỏi, truyền bá và áp dụng giáo huấn đó trong nhiều lãnh vực.
Ðặc biệt, tôi ước ao học thuyết này được thông hiểu và áp dụng tại các quốc gia mà tiếp theo sự sụp đổ của "chủ nghĩa xã hội thực" đang mất định hướng trong công cuộc tái thiết. Tới lượt các quốc gia Tây Phương cũng gặp nguy cơ coi sự sụp đổ này như là một chiến thắng cho hệ thống kinh tế của họ và do đó không chịu tìm cách sửa chữa thỏa đáng hệ thống đó. Trong khi đó, các quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba đang gặp phải thảm trạng thiếu phát triển hơn bao giờ hết và càng ngày càng thêm trầm trọng.
Sau khi đề ra những nguyên tắc và những hướng dẫn cho giải pháp đối vấn đề thợ thuyền, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đưa ra lời tuyên bố sâu sắc như sau:" Mọi người phải lập tức bắt tay làm công việc theo phần vụ của mình, nếu không vì sự dữ đã quá lớn mạnh nên nếu chậm trễ sẽ không còn thuốc chữa nữa, " và ngài nói tiếp, "đối với giáo hội, không bao giờ thiếu sự cộng tác của giáo hội." (113)
(113) RERUM NOVARUM, tr. 143. 
57. Ðối với giáo hội, sứ điệp xã hội của Phúc Âm không được coi là một lý thuyết, nhưng trên hết là căn bản và động lực thôi thúc hành động. Một số Ki-tô-hữu tiên khởi nhờ cảm hứng từ sứ điệp này đã phân phát của cải của họ cho người nghèo, làm chứng tá cho sự kiện là mặc dầu thuộc các sắc dân khác nhau người ta vẫn có thể chung sống một cách bình an và hòa thuận. Nhờ sức mạnh của Phúc Âm, những thế kỷ nối tiếp đã có những thầy dòng cầy cấy đất đai, các vị nữ tu và nam tu sĩ lập các bệnh viện và nơi tạm trú cho người nghèo, những hội dòng cũng như mọi giai tầng nam cũng như nữ trong xã hội dấn thân phục vụ cho người nghèo và cho những người sống ngoài lề xã hội, với quan niệm rằng lời Chúa Ki-tô: "khi con làm việc này một người anh em bé nhỏ nhất, con đã làm cho chính ta vậy" (Mt. 25:4) không chỉ là một lời ước muốn nhân lành, nhưng phải được hiểu như là một sự dấn thân cụ thể trong cuộc sống.
Ngày nay hơn bao giờ hết, giáo hội ý thức rằng sứ điệp xã hội của mình sẽ lấy được sự tin tưởng tức thời từ chứng nhân của hành động hơn là do kết quả của lý luận và sự bền bỉ của nội tâm. Ý thức này cũng là nguồn gốc của sự lựa chọn của giáo hội đứng về phía người nghèo, nhưng lựa chọn đó không có tính cách đặc thù và kỳ thị đối với những nhóm người khác. Sự lựa chọn này không chỉ giới hạn vào việc túng thiếu về vật chất, vì ai cũng biết là có nhiều hình thức nghèo túng khác, đặc biệt trong xã hội tân tiến - không những chỉ có sự nghèo túng về mặt kinh tế, mà còn có sự nghèo túng về văn hóa vá tinh thần nữa. Tình yêu thương của giáo hội dành cho người nghèo, tối cần cho giáo hội và là một phần trong truyền thống của giáo hội, buộc giáo hội phải quan tâm tới một thế giới trong đó tình trạng nghèo túng đang đe dọa trở thành qui mô mặc dầu có những tiến bộ về kỹ thuật và kinh tế. Trong những quốc gia ở Tây Phương, có những hình thức nghèo khó mà các nhóm người sống ngoài lề xã hội gặp phải, như những người già cả và ốm đau, những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ và ngay cả tức thời có quá nhiều người tỵ nạn hoặc di dân. Trong các quốc gia đang phát triển, thảm họa sẽ tới nếu không có những biện pháp phối hợp của quốc tế trước khi đã quá muộn. 
58. Yêu tha nhân, và trước hết yêu thương người nghèo mà giáo hội coi là hình ảnh của chính Chúa Ki-tô, được thể hiện qua việc cổ võ cho công lý. Sẽ không bao giờ hoàn toàn đạt tới công lý trừ khi người ta nhìn người nghèo đi xin xỏ để sống, không là một sự quấy rầy hay gánh nặng, nhưng là cơ hội để bày tỏ lòng khoan nhân và hy vọng để trở nên sung mãn hơn. Chỉ khi nào ý thức được như vậy mới có đủ can đảm để đương đầu với hiểm nguy và đổi thay trong mọi cố gắng thực sự nhằm trợ giúp những người khác. Ðây không phải chuyện "cho những thứ mình dư thừa," nhưng là giúp mọi người hiện đang bị gạt ra hoặc đang sống bên lề xã hội có thể bước vào lãnh vực phát triển kinh tế và con người. Ðể việc này có thể thực hiện được, chỉ dùng tới những đồ thặng dư thôi chưa đủ, những đồ này thực ra thế giới chúng ta sản xuất ra thật dồi dào; trên hết nó còn đòi hỏi một sự thay đổi toàn bộ lối sống, các mẫu hàng sản xuất và khuynh hướng tiêu thụ, và cả cơ cấu quyền lực hiện đang điều khiển xã hội nữa. Ðây cũng không phải là vấn đề bãi bỏ những công cụ của tổ chức xã hội đã tỏ ra hữu ích, nhưng thực ra là hướng tổ chức đó theo một ý niệm xác đáng về công ích đối với toàn thể gia đình nhân loại. Ngày nay chúng ta đương đầu với cái gọi là "toàn cầu hóa" kinh tế, một hiện tượng không thể bỏ qua, vì nó có thể tạo ra những cơ hội phồn thịnh bất thường. Tuy nhiên cảm tưởng chung là tăng gia việc quốc tế hóa kinh tế này phải kèm theo với những cơ quan quốc tế hữu hiệu để trông coi và hướng dẫn kinh tế tới chỗ phục vụ cho công ích, phải có gì khác hơn một quốc gia đơn độc, dù quốc gia đó giầu nhất thế giới, cũng không thể làm được. Ðể đạt tới kết quả này, cần gia tăng sự phối trí giữa các quốc gia giầu mạnh hơn và trong các cơ quan quốc tế quyền lợi của toàn thể gia đình nhân loại cũng được đại diện như nhau. Khi định giá hậu quả của những quyết định này, các cơ quan đó cũng phải luôn luôn chú trọng đến dân chúng và các quốc gia ít có ảnh hưởng trên thị trường quốc tế nhưng lại có những nhu cầu khẩn thiết và tuyệt vọng nhất, và do vậy phải tùy thuộc nhiều hơn vào sự trợ giúp cho công cuộc phát triển. Nhiều điều còn cần phải làm trong lãnh vực này. 
59. Vì vậy, để việc đòi hỏi cho công lý có thể đạt được và những nỗ lực nhằm đạt tới mục tiêu này có thể thành công, cần phải có ân sủng của Thiên Chúa ban cho. Ân sủng, phối hợp với tự do của con người, tạo nên sự hiện diện bí mật của Thiên Chúa trong lịch sử đó chính là sự quan phòng của ngài.
Ðiều mới mẻ cảm nghiệm được trong việc theo chân Chúa Ki-tô cần được truyền đạt cho những người khác hiện đang gặp phải những hoàn cảnh thực tế khó khăn, đang phải phấn đấu, hoặc đang gặp những vấn đề và những sự thách đố, để họ được soi sáng và trở nên nhân bản hơn trong ánh sáng của đức tin. Ðức tin không những chỉ giúp người ta tìm được những giải đáp; nó còn giúp con người chịu đưng được những hoàn cảnh đau thương, để trong những cảnh huống này họ không đánh mất hoặc quên đi phẩm giá và ơn gọi của mình.
Thêm vào đó, giáo huấn xã hội của Giáo Hội có một chiều kích liên phái quan trọng. Ðể thể hiện chân lý độc nhất về con người trong các khung cảnh khác nhau và thay đổi thường xuyên về xã hội, kinh tế và chính trị, giáo huấn này tìm cách đối thoại với các môn phái khác quan tâm đến con người. Nó hội nhập những điều mà các môn phái này đóng góp và giúp họ mở rộng tầm nhìn ra các chân trời bao la hơn nhắm vào việc phục vụ cá nhân con người mà đã được nhìn nhận và yêu thương trong ơn gọi trọn vẹn của mình.
Ði đôi với khía cạnh liên học phái, cũng cần nhắc tới khía cạnh thực tế vì đó là chiều kích thực nghiệm của giáo huấn này, được tìm thấy nơi giao điểm mà đời sống và lương tâm Ki-tô-giáo giao tiếp với thực tại trần thế. Giáo huấn này thể hiện nơi cố gắng của các cá nhân, gia đình, những người tham gia vào đời sống văn hóa và xã hội cũng như các chính trị gia và nhân viên nhà nước khiến giáo huấn có một hình thức cụ thể và được đem ra áp dụng trong lịch sử. 
60. Khi công bố những nguyên tắc cho một giải pháp đối với vấn đề thợ thuyền, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII viết: "Vấn đề hết sức nghiêm trọng này đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của những người khác." (114) Ngài tin rằng những vấn đề nghiêm trọng do xã hội kỹ nghệ gây ra chỉ có thể được giải quyết bằng sự cộng tác giữa mọi thế lực. Xác quyết này đã trở thành một yếu tố trường cửu trong giáo huấn xã hội của giáo hội và cũng giải thích lý do vì sao Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII đã gởi thông điệp hòa bình cho "tất cả những người thiện tâm."
Tuy nhiên Ðức Giáo Hoàng Leo phải buồn rầu nhìn nhận là các ý thức hệ vào thời đại của ngài, đặc biệt học thuyết tự do và Mác-xít, đã từ chối một sự cộng tác như vậy. Từ đó, nhiều thay đổi đã diễn ra, đặc biệt trong những năm gần đây. Hơn bao giờ hết thế giới ngày nay ý thức được rằng giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của quốc gia và quốc tế không phải chỉ là vấn đề sản xuất kinh tế hoặc tổ chức tư pháp hoặc xã hội, nhưng cũng còn cân đến những giá trị đạo đức và tôn giáo đặc thù đồng thời với việc thay đổi não trạng, tác phong và cấu trúc. Giáo hội cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt phải đóng góp trong lãnh vực này và, như tôi đã viết trong thông điệp SOLICITUDO REI SOCIALIS, có nhiều hy vọng là nhiều người tuy không bầy tỏ theo một tôn giáo nào nhưng cũng sẽ đóng góp để đem đến cho vấn đề xã hội một nền tảng đạo đức cần thiết. (105)
Cũng trong thông điệp đó tôi đã đưa ra lời kêu gọi gởi tới các giáo hội Ki-tô-giáo và toàn thể các tôn giáo lớn trên thế giới, mời gọi các tôn giáo này hãy cùng nhất tề làm chứng tá cho những xác tín chung của chúng ta đối với phẩm giá của con người, do Thiên Chúa tạo dựng nên." (116) Sự thực tôi tin rằng các tôn giáo, hiện giờ và trong tương lai, sẽ có một vai trò nổi bật trong việc gìn giữ hòa bình và trong việc xây dựng một xã hội xứng đáng với con người.
Thật vậy, đối thoại và hợp tác rất cần cho những người có thiện tâm và đặc biệt những cá nhân và những đoàn thể có trách nhiệm đặc biệt trong những lãnh vực chính trị, kinh tế và đời sống xã hội ở mức độ quốc gia cũng như quốc tế.
(114) Nt. tr. 14.
(115) Solicitudo Rei Socialis, Số 38.
(116) Nt., Số 47. 
61. Thời kỳ đầu của xã hội kỹ nghệ hóa là "một gánh nặng đỡ hơn chính tình trạng nô lệ một chút" đã khiến vị tiền nhiệm của tôi lên tiếng bênh vực con người. Trong 100 năm qua giáo hội vẫn trung thành với với nhiệm vụ này. Quả thật giáo hội đã can thiệp vào thời kỳ sôi động với cuộc đấu tranh giai cấp sau Ðệ Nhất Thế Chiến để bênh vực con người chống lại sự bóc lột về kinh tế và chống lại tình trạng chuyên chế của các hệ thống độc tài. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, giáo hội đặt phẩm giá con người làm trọng tâm trong những sứ điệp về xã hội, nhấn mạnh rằng của cải vật chất là dành cho mọi người và trật tự xã hội phải không còn áp chế và phải dựa trên tinh thần hợp tác và liên đới. Giáo hội luôn luôn nhắc nhở là con người và xã hội cần không phải chỉ có của cải vật chất mà còn cần những giá trị tinh thần và tôn giáo. Hơn nữa, vì giáo hội ý thức nhiều hơn về sự kiện trong đó có quá người hiện đang sống, không phải trong tình trạng thịnh vượng của thế giới Tây Phương, nhưng trong tình trạng nghèo khổ của các quốc gia đang phát triển trong những điều kiện vẫn còn là "một gánh nặng đỡ hơn nô lệ một chút," giáo hội đã cảm thấy và tiếp tục cảm thấy bắt buộc phải lên án sự việc này một cách tuyệt đối minh bạch và thẳng thắn, mặc dầu giáo hội biết rằng lời kêu gọi của mình sẽ không phải luôn luôn được mọi người đáp ứng thuận lợi.
Một trăm năm sau ngày công bố thông điệp RERUM NOVARUM, giáo hội nhận thấy vẫn còn phải đương đầu với "những việc mới" và những thử thách mới. Vì vậy ngày kỷ niệm một trăm năm là dịp để tái xác nhận quyết tâm của mọi người có thiện tâm và đặc biệt các tín hữu. 
62. Bức thông điệp này đã nhìn vào quá khứ, nhưng hơn cả vẫn là hướng về tương lai. Cũng như RERUM NOVARUM, thông điệp này đến vào gần lúc khởi đầu của một thế kỷ mới, và có ý định, với sự phù trợ của Thiên Chúa, là để sửa soạn cho giai đoạn đó.
Vào mọi tuổi, "sự mới mẻ của các việc" thật sự và tái diễn không ngừng diễn ra do quyền năng vô biên của Thiên Chúa, ngài phán dạy: "Hãy xem, Ta làm mới mọi sự" (Rev. 21:5) Những lời này nhắc tới sự hoàn tất của lịch sử, khi Chúa Ki-tô "trao trả vương quyền cho Thiên Chúa là Cha...ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả mọi sự cho mọi người." (1 Cor. 15:24, 28) Nhưng người Ki-tô-hữu đều biết rõ rằng sự mới mẻ hoàn toàn mà chúng ta chờ đợi vào lúc Chúa đến với thế gian lần thứ hai đã có rồi vì công cuộc tạo dựng thế gian, và theo một phương cách đặc biệt vì lúc Thiên Chúa mặc khải làm người trong Chúa Ki-tô và đem theo ngài và qua ngài một "tạo vật mới" (2 Cor. 5:17; Gal. 6:15).
Ðể kết luận thông điệp này một lần nữa tôi xin cảm tạ Thiên Chúa Quyền Năng, đã soi sáng và ban sức mạnh cho giáo hội của ngài để cùng đồng hành với nhân loại trên con đường trần thế hướng về chốn đời đời. Cả trong thập niên thứ ba nữa, giáo hội sẽ trung thành trong việc giúp con người tìm ra đường đi cho chính mình, biết rằng giáo hội không bước đi đơn độc nhưng có Chúa Ki-tô là Chúa của mình ở bên cạnh. Chính Chúa Ki-tô đã chỉ con người đường đi riêng của mình để hướng dẫn con người, ngay cả khi con người không biết đến.
Ðức Maria, mẹ của Ðấng Cứu Thế, vẫn luôn ở cạnh Chúa Ki-tô trong cuộc hành trình của ngài hướng về gia đình nhân loại và ở giữa nhân loại, và Ðức Mẹ đi trước giáo hội trong cuộc hành hương của đức tin. Ước gì lời cầu bầu của mẹ sẽ giúp nhân loại trong thiên niên sắp trung thành với Chúa là đấng "hằng có đời đời" (coi Heb. 13:8). Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, tôi thân ái chúc lành cho toàn thể mọi người.
Roma, tại Thánh Ðường Thánh Phê-Rô, ngày 1 tháng 5, kính thánh Giusse Thợ, năm 1991, năm thứ 13 của triều Giáo Hoàng của tôi.

_______________
CHÚ THÍCH
(1) LEO XIII, thông điệp RERUM NOVARUM (5-15-1981): LEONIS XIII P.M. Acta, XI, Rome 1892, tr. 97-144
(2) PIUS XI, thông điệp QUADRAGESIMO ANNO (Ðệ Tứ Thập Niên) (5-15-1931): Acta Apsotolicae Sedis 23 (1931), tr. 177-228; PIUS XII, thông điệp truyền thanh ngày 6-1-1941: AAS 33(1941), tr. 195-205; JOHN XXIII, thông điệp MATER ET MAGISTRA (5-15-1961):AAS 53 (1961), tr. 401-464; PAUL VI, thư luân lưu OCTOGESIMA ADVENIENS (5-14-1971):AAS 63 (1971), tr. 401-441
(3) Xem QUADRAGESIMO ANNO, III.
(4) Thông Ðiệp LABOREM EXERCENS (9-14-1981): AAS 73 (1981), tr. 577-647; thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS (12-30, 1987): AAS 80 (1988), tr. 513-586. 
(5) Xem St. Arenaeus, ADVERSUS HAERESES, I, 10, 1; III, 4, 1:PG 7, 549f; S. Ch. 264, tr. 264, tr. 154f, 211, 44-46. 
(6) txt
(7) Xem Leo XIII, thông điệp ARCANUM DIVINAE SAPIENTIAE (2-10-1880): LEONIS XIII P.M. ACTA, II, Rome 1882, tr. 10-40; thông điệp DIUTURNUM ILLUD (6-29-1881): nt, tr. 269-287; thông điệp LIBERTAS PRAESTANTISSIMUM (6-20-1888): LEONIS XIII P.M. ACTA, VIII, Rome 1889, tr. 212-246; thông điệp GRAVES DE COMMUNI (1-18-1901): Leonis XIII P.M. ACTA, XXI. Rome 1902, tr. 3-20. 
(8) RERUM NOVARUM, tr. 132. 
(9) Nt. tr. 98
(10) Xem Nt. tr. 109f
(11) Xem Nt.: tả về các điều kiện sinh sống của thợ thuyền; tr. 44: các hiệp hội thợ thuyền chống Ki-tô-giáo. tr. 110f, 136f. 
(12) Nt. tr. 130; cũng thế tr. 114f
(13) Nt. tr. 130
(14) Nt. tr. 123
(15) Coi LABOREM EXERCENS, Số 1, 2, 3. 
(16) Xem RERUM NOVARUM, tr. 99-107
(17) Xem Nt. tr. 102f
(18) Xem Nt. tr. 101-104  
(19) Coi nt. tr. 134f; 137f.
(20) Nt. tr. 135 
(21) Coi, nt. tr. 128-129
(22) Nt. tr. 129 
(24) Nt. tr. 131
(25) Nt. tr. 131
(26) Xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
(27) Xem RERUM NOVARUM, tr. 121-123 
(28) Coi Nt. 126f.
(29) Nt. tr. 126f. 
(30) Coi Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền; Tuyên bố về việc hủy bỏ mọi hình thức đàn áp và kỳ thị dựa trên tôn giáo hoặc xác tín.
(31) Công Ðồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo DIGNITATIS HUMANAE; Gioan Phao-Lô II, thư gửi các vị nguyên thủ quốc gia (1-9-1980):AAS 72 (1980), tr. 1252-1260; thông điệp nhân ngày Thế Giới cho Hòa Bình (1-1-1988): AAS 80 (1988), tr. 278-286. 
(34) Coi SOLLICITUDO REI SOCIALIS, số 38-40; cũng coi MATER ET MAGISTRA, tr. 407
(35) Coi REURM NOVARUM, tr. 114-116; QUADRAGESIMO ANNO, III; Paul VI, bài giáo huấn kết thúc Năm Thánh (12-25-1975): AAS (1976), tr. 145; thông điệp 1977 Ngày Hòa Bình Thế Giới (1-1-1977): AAS 68 (1976), tr. 709.
(36) SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Số 42.
(37) Coi RERUM NOVARUM, tr. 101f; 104f; 130f; 136.
(38) Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế về Giáo Hội trong Thời Ðại Văn Minh GAUDIUM ET SPES, Số 24.


(52) Coi Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền, công bố ngày 1948; PACEM IN TERRIS, IV; Quyết định chung quyết của Hội Nghị Hợp Tác và An Ninh Âu Châu, Helsinki, 1975.
(53) Coi Paul VI, thông điệp POPULORUM PROGRESSIO (3-26-1967); số 1-65:AAS 59 (1967), tr. 287-289. 


(61) Xem SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Số 27-28; POPULORUM PROGRESSIO, Số 43-44.
(62) Xem SOLLICITUDO REI SOCIALIS, Số 29-31.
(63) Xem Nghị quyết chung thẩm Helsinki và Thỏa Ước Vienna; LIBERTUS PRAESTANTISSINUM, Số 5.
(64) Xem thông điệp REDEMPTORIS MISSIO, (12-7-1990), Số 7: L'Observatore Romano, 1-23-1991.


(84) Coi Nt., số 36; OCTOGESIMO ADVENIENS, Số 2-5.
(85) Coi LABOREM EXERCENS, Số 15.
(86) Coi Nt., Số 10.
(87) Nt., số 14.
(88) Coi Nt., Số 18.

(89) Coi RERUM NOVARUM. tr. 126-128.
(90) Nt., tr. 121f.
(91) Coi LIBERTAS PRAESTANTISSIMUM, tr. 224-226.
(*) Agnosticism: Do Thomas Huxley đề ra cho rằng trí óc con người không thể biết được có Thiên Chúa hoặc mục đích tối hậu hay không, hoặc bất cứ một sự gì ngoài hiện tượng vật chất; thuyết này khác hẳn với học thuyết vô thần không tin Thượng Ðế (chú thích của người dịch)
(**) Relativism: Thuyết tương đối luận chủ trương căn bản của lý luận là tương đối, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tùy người, v.v. - chú thích của người dịch
(***) Fundamentalism: Nhóm tôn giáo chủ trương giải thích Kinh Thánh theo đúng nguyên văn từng chữ và coi đó là khuôn mẩu căn bản cho đức tin và luân lý Thiên Chúa Giáo. Khuynh hướng này rật mạnh ở Hoa Kỳ và đang lan rộng tại các quốc gia Ðông Âu ( chú thích của người dịch)
(92) Coi GAUDIUM ET SPES, Số 76.
(93) Coi Nt. Số 29; Pius XII, thông điệp truyền thanh giáng sinh ngày 10-12.
(94) Coi DIGNITATIS HAMANAE.
(95) Coi REDEMTORIS MISSIO, Số 11. 
(96) Coi REDEMPTOR HOMINIS, Số 17.
(97) Coi thông điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1988, tr. 1572-1580; thông điệp nhân ngày Hòa Bình Thế giới 1991: L'Osservatore Romano, 12-19-1990; DIGNATIS HUMANAE, Số 1-2.
(98) GAUDIUM ET SPES, Số 26.
(99) Coi Nt., số 22.
(100) QUADRAGESIMO ANNO, I.
(101) Coi tông huấn PHAMILIARIS CONSORTIO (11-22-1981), Số 45:AAS (1982), tr. 136f.
(102) Coi diễn văn đọc trước UNESCO (6-2-1980): AAS 72 (1980), tr. 735-752.
(103) Coi REDEMPTORIS MISSIO, Số 39, 52.
(104) Coi Benedict XV, sứ điệp UBI PRIMUM (9-8-1914):AAS (1914), tr. 501f; Pius XI, thông điệp truyền thanh gửi các tín đồ Công Giáo và cho toàn thế giới (9-29, 1938): AAS 30 (1938), tr. 309f; Pius XII, thông điệp truyền thanh cho toàn thế giới (8-24-1939): AAS 31 (1939) tr. 333-335; PACEM IN TERRIS, III; Paul VI, diễn văn tại LHQ (10-4-1965: AAS 57, tr. 877-885.
(105) Coi Populorum Progressio, Số 76-77.
(106) Coi PHAMILIARIS CONSORTIO, Số 48.

3 nhận xét:

  1. cam on ban !
    day la mot thong diep hay va van con co gia tri trong xa hoi chung ta ngay nay
    tuy nhien, cach dich chua hay lam, hoi kho

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn đã ghé thăm và để lại lời nhận xét.
    anthanhlinhgiang chỉ làm nhiệm vụ sưu tập, còn việc dịch thuật là của dịch giả. Hy vọng có những dịch giả khác sẽ dịch lại hay hơn!

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn Bạn rất nhiều.
    Cũng là tình cờ mình tìm thấy block, tuy nhiên, mình thật ngờ vì ở đây có nhiều tài liệu mà mình cần sử dụng.
    một lần nữa cám ơn bạn nhé, cầu chúc bạn luôn hăng say phục vụ

    Trả lờiXóa

Nhận xét!