LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Thông Ðiệp Humanae Vitae - Sự Sống Con Người – Đức Giáo Hoàng Phaolô VI


THÔNG ÐIỆP
HUMANAE VITAE
"SỰ SỐNG CON NGƯỜI"
PHAOLÔ GIÁO HOÀNG ÐỆ VI
Gởi lời chào và ban Phép lành Toà Thánh tới các anh em đáng kính và con cái thân yêu.

1. Trọng trách lưu truyền sự sống con người, làm cho đôi bạn trở thành những cộng tác viên tự do và hữu trách của Tạo Hoá, vốn gây cho chính họ những khoái lạc bao la, và nhiều khi đem theo không ít những khó khăn và vất vả.
Chu toàn trọng trách đó, tuy bao giờ cũng đặt ra những vấn nạn khó khăn cho lương tâm đôi bạn, nhưng sự biến hoá mới mẻ của xã hội loài người đã gây nhiều thay đổi và nêu ra những vấn đề mới, mà Giáo hội không thể làm ngơ, vì chúng liên quan mật thiết đến sự sống và hạnh phúc con người.
I. Những khía Cạnh Mới Của Vấn đề và Thẩm Quyền Của Giáo Hội Những Bằng cớ mới Của Vấn đề
2. Thực ra, những thay đổi khá quan trọng thuộc về nhiều loại. Nhất là về số sinh sản gia tăng quá mau lẹ, làm cho nhiều người lo sợ: nhân sinh mau chóng hơn những phương tiện sinh sống. Như vậy, nhiều gia đình, nhiều dân tộc kém mở mang, càng thêm lo lắng. Và chính quyền dễ bị thúc đẩy phải loại trừ nguy cơ đó, dù bằng những phương pháp quyết liệt. Lại những điều kiện làm việc và ăn ở, cũng như những nhu cầu gia tăng trong lãnh vực kinh tế và giáo dục, sẽ gây khó dễ cho việc giáo dục đông con.
Cũng nên để ý đến sự thay đổi quan niệm của người đời nay, chẳng những về nhân phẩm của người vợ và về phần việc của họ trong xã hội loài người, mà còn về giá trị tình yêu đôi bạn trong bậc hôn nhân và về ý nghĩa hành động của đôi bạn, liên hệ đến tình yêu đó.
Sau hết, chúng ta phải đặc biệt để ý đến sự kiện này, là con người đã tiến bộ phi thường, trong việc chế ngự và tổ chức các năng lực tự nhiên theo lý trí của mình, cho nên cũng muốn áp dụng quyền chế ngự đó trong toàn thể đời mình: nơi xác mình, nơi đời sống vật lý, nơi đời sống xã hội, cho cả đến những pháp luật liên hệ đến việc lưu truyền sự sống con người.
3. Tình trạng đã gây ra những vấn nạn mới: căn cứ vào điều kiện sinh hoạt hiện thời, vào ý nghĩa liên lạc đôi bạn, để duy trì sự hoà hợp và sự trung tín với nhau, có nên sửa lại bộ luân lý hiện hành không, nhất là nhận thấy rằng luân lý đó chỉ có thể giữ được với rất nhiều hy sinh, đôi khi phải tới bậc anh hùng?
Nếu áp dụng nguyên tắc "toàn diện" trong vấn đề này, thì làm sao chấp nhận được rằng: ý chí sản sinh ít, mà hợp lý, sẽ biến đổi sự can thiệp tuyệt chủng (stérilisant) thành sự điều hoà hợp pháp và khôn ngoan? Tại sao không thể chấp nhận được rằng: mục đích sinh sản liên hệ đến toàn thể đời sống đôi bạn, hơn là đến từng hành động của họ?
Hơn nữa, thử hỏi rằng: ý thức trách nhiệm của con người đời nay đã được gia tăng cao độ, đã đến lúc trao việc điều hoà sinh sản cho ý chí con người hơn là cho các tiết vận sinh lý của thể xác?
4. Ðã hẳn, những vấn nạn đòi hỏi ở Giáo quyền tuyên huấn một sự cứu xét mới mẻ và cao sâu hơn về những nguyên tắc luân lý hôn nhân, giáo lý đó dựa vào luật tự nhiên, đã mạc khải soi sáng và làm cho phong phú.
Hẳn không một Kitô hữu nào phủ nhận rằng: giải thích luân lý tự nhiên cũng thuộc Giáo quyền tuyên huấn. Lại như các vị tiền nhiệm của ta đã tuyên bố, cũng không một ai hồ nghi rằng: khi Chúa Giêsu Kitô thông thiên quyền của Ngài cho Phêrô và các tông đồ và sai các ngài đi giáo dục muôn dân biết các điều Ngài đã truyền dạy, thì Ngài đã đặt những vị đó để duy trì và giải thích một cách chính thức tất cả luật lệ phong hoá: nghĩa là không những luật Phúc âm, mà cả luật tự nhiên. Vì cả luật tự nhiên cũng biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa, mà sự trung thành noi giữ cũng là điều cần thiết cho được rỗi.
Tiếp tục sứ mạng đó qua các thời đại, và nhiều hơn trong thời đại gần đây, Giáo hội đã ban bố nhiều văn kiện thích nghi, hoặc về bản chất hôn nhân, hoặc về sử dụng chính đáng các quyền lợi của đôi bạn, hoặc chức vụ của họ.
5. Cũng vì ý thức được sứ mạng đó, Ta đã phê chuẩn và mở rộng Ủy ban do Ðức tiên nhiệm Gioan XXIII thiết lập trong tháng 3 năm 1963. Ủy ban này, ngoài những nhân vật thông thạo về các môn liên hệ đến vấn đề, còn gồm cả những đôi bạn. Ủy ban này chẳng những có nhiệm vụ thu lượm các ý kiến về những vấn đề mới mẻ liên quan đến đời sống hôn nhân và nhất là đến sự điều hoà sinh sản; lại còn phải cung cấp những báo cáo hữu ích, để Giáo quyền tuyên huấn có thể trả lời một cách thích đáng cho sự mong chờ của các Kitô hữu và của toàn thế giới về vấn đề này.
Khi đã nhận được các tài liệu do các chuyên viên nghiên cứu và các ý kiến cũng như các phán quyết mà các anh em Giám mục tự ý gởi tới, hoặc do Ta yêu cầu, Ta đã cẩn thận cân nhắc tất cả các khía cạnh của vấn đề phức tạp đó, và Ta xin thành thực cám ơn hết mọi người.
6. Tuy nhiên, các kết luận mà Ủy ban đã đạt tới, không thể được coi như tối hậu và miễn cho ta khỏi phải tự mình cứu xét vấn đề quan trọng đó, vì những lý do này, là trong Ủy ban không có sự đồng ý kiến hoàn toàn về những luật luân lý phải đề ra, và nhất là vì có những phương pháp giải quyết đưa ra, lại ngược với giáo huấn luân lý xưa nay vốn thi hành.
Bởi vậy, sau khi các tài liệu gởi tới, Ta cứu xét cẩn thận đã suy nghĩ nhiều, đã cầu nguyện riết, bây giờ, nhận sứ mạng Chúa Kitô trao phó cho, Ta quyết định trả lời cho các vấn nạn quan trọng đó.
II. Những Nguyên Tắc Giáo lý
7. Vấn đề sinh sản con cái cũng như bất cứ vấn đề nào khác liên hệ đến sinh mạng con người, ngoài những lý do riêng biệt khác - như lý do vật lý, tâm lý, nhân khẩu, hay xã hội - phải được cứu xét theo quang cảnh tổng quát về con người và về chức vụ, mà họ được kêu gọi thi hành, chẳng những trong phạm vi tự nhiên và trần thế, mà cả trong phạm vi siêu nhiên và vĩnh cửu. Lại vì có nhiều người trong số những kẻ tìm cách biện chính những phương pháp nhân tạo hạn chế sinh sản, đã vịn vào các đòi hỏi của tình yêu đôi bạn hay của "phụ hệ hữu trách", cho nên phải phân biệt rõ ràng quan niệm về hai thực tại quan trọng thuộc đời sống hôn nhân, bằng cách nhớ lại những gì mà vừa đây Công đồng Vaticanô II, đã lấy quyền tối thượng trình bày trong hiến chế Mục vụ Gaudium et spes.
8. Tình yêu đôi bạn tỏ cho ta thấy bản chất đích thực và sự cao quý của nó, khi ta nhìn xem trong nguồn mạch cao siêu của nó là Thiên Chúa: Người là tình yêu và Người là "Cha, bởi Người, mọi phụ hệ trên trời dưới đất được tôn xưng".
Ðã hẳn, hôn nhân không phải là kết quả của sự may rủi, hay bởi sự vận chuyển mù quáng của các năng lực tự nhiên; trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan của Tạo hoá, để thực hiện ý muốn tình yêu của Người trong nhân loại. Nhờ sự tự hiến cho nhau, là việc riêng rẽ và độc hữu của họ, hai vợ chồng kết hợp với nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, để cộng tác với Thiên Chúa, mà gây dựng và giáo dục những sinh mạng mới.
Hơn nữa, những kẻ đã chịu phép thánh tẩy, thì cuộc hôn nhân được thêm một giá trị, là dấu bí tích của ơn nghĩa, ám chỉ sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội Người.
9. Các sự kiện đó được trình bày, thì tỏ rõ những đặc điểm và những đòi hỏi riêng biệt của tình yêu đôi bạn buộc ta phải có một ý thức xác đáng.
Trước hết, đó là một tình yêu đầy đủ nhân loại, nghĩa là vừa có cảm giác vừa là thiêng liêng. Cho nên không phải chỉ là sự xúc động của bản năng hay của tình cảm, mà cũng là và nhất là một hoạt động của ý muốn thong dong, nghĩa là nhờ đó mà qua những nỗi vui buồn của đời sống hằng ngày, tình yêu chẳng những bền bỉ, mà còn gia tăng, ngõ hầu vợ chồng trở nên như một lòng, một linh hồn, và cùng nhau tiến tới sự trọn lành nhân loại của mình.
Sau là một tình yêu đầy đủ, nghĩa là một hình thức đích thực của nghĩa thiết nhân vị, nhờ đó vợ chồng vui lòng san sẻ mọi sự cho nhau, không chấp nhận những miễn trừ bất công, hay những lo âu ích kỷ. Kẻ yêu bạn mình thật sự, thì chẳng những yêu vì của nó đưa lại, mà vì chính mình nó; lại vui lòng làm cho nó thêm giầu có vì sự hiến thân của mình.
Lại là một tình yêu trung thành và độc hữu, cho đến chết. Chính vợ chồng đã quan niệm như vậy, ngay từ ngày hai bên đã tự do và hoàn toàn ý thức kết hợp với nhau, bằng giây hôn phối. Sự trung thành đó, nhiều khi gặp khó khăn, nhưng luôn luôn có thể giữ được, và bất cứ ở thời đại nào, nó được quý trọng và sinh nhiều công nghiệp. Vì qua các thời đại, những gương lành của bao đôi bạn chẳng những làm chứng rằng sự trung thành là điều rất thích hợp với bản chất hôn nhân, mà còn là nguồn sinh nhiều hạnh phúc thâm thuý và bền bỉ.
Sau hết, là một tình yêu phong nhiêu, nghĩa là nó không hoàn toàn bị hạn chế trong sự kết hợp hôn nhân, mà còn hướng về kế tiếp, là gây dựng thêm sinh mạng mới. "Hôn nhân và tình yêu đôi bạn, tự bản chất, hướng về sinh sản và giáo dục con cái. Mà thực ra, con cái là món quà quý nhất của hôn nhân và đem lại hạnh phúc lớn cho cha mẹ chúng".
10. Bởi lẽ đó, tình yêu đôi bạn buộc vợ chồng phải ý thức về sứ mạng phụ hệ hữu trách của mình. Ðó là điều ngày nay người ta nhấn mạnh đến và cần phải hiểu biết một cách thích đáng. Chúng ta hãy cứu xét mục này dưới những khía cạnh hợp pháp và liên hệ với nhau.
Trước hết, xét về quá trình sinh lý, thì phụ hệ hữu trách có nghĩa là hiểu biết và tôn trọng các chức vụ của chúng: trong khả năng lưu truyền sự sống, trí con người khám phá ra các luật lệ sinh lý, liên hệ đến nhân bản con nguời.
Rồi, xét theo xu hướng bản năng và dục vọng, thì phụ hệ hữu trách chỉ sự quản trị cần thiết mà ý chí và lý trí phải thi hành đối với các xu hướng đó.
Sau hết, xét về hoàn cảnh vật lý, kinh tế, tâm lý và xã hội, thì vai trò phụ hệ hữu trách là: hoặc theo sự khôn ngoan và quảng đại mà ấn định một gia đình đông đảo hoặc, vì những lý do quan trọng, tuy vốn tôn trọng các luật lệ luân lý, quyết định sẽ không sinh thêm con cái, trong một thời gian hữu hạn hay vô hạn định.
Hơn nữa, phụ hệ hữu trách còn liên hệ đặc biệt với bậc luân lý khách quan, do Thiên Chúa ấn định, mà lương tâm ngay thẳng chính là phát ngôn viên trung thành. Bởi vậy, vai trò phụ hệ hữu trách buộc vợ chồng phải hoàn toàn nhìn nhận trách vụ của mình đối với Thiên Chúa, với bản thân, với gia đình, với xã hội, theo đúng hệ thống các giá trị.
Bởi vậy trong việc truyền sinh mạng, vợ chồng không được tự do làm theo ý mình, như thể họ có toàn quyền ấn định con đường chính đáng phải theo. Trái lại, họ phải thích nghi công việc của họ với ý muốn của Thiên Chúa tạo thành, ý đó đã được biểu thị trong bản chất và trong hành động hôn nhân, lại được trình bày qua giáo huấn bất biến của Giáo quyền tuyên huấn.
11. Những việc làm cho vợ chồng kết hợp với nhau thân mật và trong sạch, và do đó lưu truyền sinh mạng, cũng đã được Công đồng vừa đây khuyến cáo là phải "chính trực và xứng đáng"; các việc đó vốn được coi là hợp pháp, dù đoán trước là chúng sẽ không đậu (féconds), vì những lý do ngoài ý muốn của đôi bạn: chúng vốn theo đuổi mục đích là biểu thị và củng cố sự đoàn kết đôi bạn. Thực ra, kinh nghiệm cho biết: không phải lần giao hợp nào cũng có sự kết đậu. Thiên Chúa đã khôn ngoan xếp đặt luật lệ tự nhiên và tiết vận sự kết đậu, để chúng tự mình đặt khoảng trống cho các thế hệ tiếp nhau. Nhưng Giáo hội, khi nhắc nhở người đời giữ luật tự nhiên, luôn luôn được Giáo hội giải thích, thì dạy rằng: bất cứ hành động hôn nhân nào tự nó đã được ấn định để lưu truyền sinh mạng.
12. Giáo huấn đó, đã được Giáo quyền tuyên huấn trình bày nhiều lần, dựa vào dây bất khả ly - do Thiên Chúa ấn định và loài người không có quyền cắt đứt, giữa hai ý nghĩa của hành động hôn nhân, là kết hợp và sinh sản.
Nhưng vì cơ cấu sâu xa của nó, hành động hôn nhân, đang khi kết hợp thân mật vợ chồng, thì cũng làm cho họ có khả năng sinh sản theo luật lệ đã được ghi trong bản tính người nam và người nữ. Vậy nếu cả hai khía cạnh cốt yếu, là kết hợp và sinh sản, được duy trì, thì hành động hôn nhân bảo tồn được ý nghĩa của tình yêu nhau chân thật, lại giữ được mối liên hệ với ơn kêu gọi phụ hệ cao siêu của con người. Ta tưởng con người ngày nay rất dễ hiểu rằng: những nguyên tắc căn bản đó rất hợp lý và nhân đạo.
13. Người ta cũng nên nhận định rằng: hành động hôn nhân mà cưỡng bách người bạn mình, không đếm xỉa gì đến tình trạng và ước vọng của nó, thì không phải là một hành động đích thực của tình yêu, mà còn phản lại một trật tự luân lý cần thiết trong sự giao hợp vợ chồng. Lại nếu để ý một chút, người ta phải thú nhận rằng: một hành động yêu nhau có hại cho khả năng lưu truyền sinh mạng, mà tạo hoá đã in vào đó, theo luật lệ riêng biệt, thì phản lại chương trình của Chúa đã thiết lập hôn nhân, và phản ý muốn của Ðấng tác thành sự sống. Bởi vậy, sử dụng ơn huệ của Chúa, mà loại bỏ, dù chỉ một phần, ý nghĩa và mục đích của ơn huệ đó, thì phản lại bản tính của người chồng và của người vợ, phản lại mối liên lạc thâm sâu của hai bên và như vậy cũng phản lại chương trình và ý muốn của Thiên Chúa. Còn như sử dụng ơn huệ tình yêu đôi bạn, mà tôn trọng luật của quá trình sinh sản, ấy là nhìn nhận mình không phải là chủ nhân ông của nguồn sống nhân loại mà chỉ là thừa tác viên cho ý định của Tạo hoá. Vì con người ta không có toàn quyền về xác mình thế nào, thì, với một lý do đặc biệt hơn nữa, cũng không có toàn quyền về những khả năng sinh sản, chúng thuộc về lưu truyền sự sống, mà Thiên Chúa là nguyên tắc. "Sinh mạng con người phải được coi như là sự thánh - lời huấn từ của Ðức tiền nhiệm Gioan XXIII, vì ngay từ khởi nguyên, nó trực tiếp kêu gọi đến tác động tạo thành của Thiên Chúa".
14. Bởi vậy, căn cứ vào những điểm căn bản của quan niệm nhân loại và Kitô giáo về hôn nhân vừa kể, Ta lại phải tuyên bố rằng: phải triệt để loại bỏ, không được coi là phương tiện hợp pháp để điều hoà sinh sản, những việc làm đình chỉ trực tiếp quá trình sinh sản dã bắt đầu, và nhất là việc phá thai trực tiếp, dù vì những lý do chữa bệnh.
Lại như Giáo quyền tuyên huấn đã dạy nhiều lần, phải lên án các việc làm cho vợ hay chồng trực tiếp hoá son, hoặc vĩnh viễn, hoặc tạm thời.
Còn phải loại bỏ bất cứ hành động nào - hoặc đoán trước việc vợ chồng, hoặc trong việc vợ chồng, hoặc khi đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó, được coi là mục đích hay phương tiện, để làm cho việc sinh sản không thể thành tựu được.
Người ta cũng không được vịn vào những lý do sau đây để bào chữa cho những việc vợ chồng đã chủ ý làm mất hết sự kết đậu, như: phải chọn việc xấu nhẹ hơn, hay có thể góp các việc đó với những việc kết đậu khác, đã làm hoặc sẽ làm, như thể chúng thông công cùng một sự tốt như nhau. Thực ra, nếu thỉnh thoảng được làm ngơ một sự xấu nhẹ, để tránh một sự xấu nặng hơn, hay để cổ võ một sự tốt quý trọng hơn, nhưng không khi nào, dù vì những lý do rất quan trọng được làm sự dữ để được sự lành, nghĩa là tích cực muốn một việc nào, tự bản tính trái với trật tự luân lý, và như vậy không xứng đáng với con người, dù có ý để bênh vực hay cổ võ những lợi ích cho cá nhân, cho gia đình, hay cho xã hội. Cho nên thật là một sự sai lầm lớn, nếu tưởng rằng: một việc vợ chồng đã bị chủ ý làm mất sự kết đậu, và vì vậy đã trở nên hoàn toàn bất chính, lại có thể được chấp nhận cho toàn thể đời sống phiền thực của đôi bạn.
15. Trái lại, Giáo hội không cho là bất hợp pháp những phương tiện y khoa, cần thiết cho được chữa bệnh phần xác, dù do đó, có thể đoán trước là sẽ ngăn trở việc sinh sản, miễn là sự ngăn trở đó không được trực tiếp ước mong, bất cứ với những lý do nào.
16. Nhưng trái với giáo huấn của Giáo hội về luân lý hôn nhân, trong thời đại chúng ta, có kẻ chủ trương, như ta đã lưu ý trên đây (số 3), là lý trí con người có quyền và có nhiệm vụ phải điều khiển các cơ năng, mà thiên nhiên vô tri giác cung cấp cho, và hướng dẫn chúng về một mục đích thích hợp với lợi ích con người. Và có một số người tự hỏi: trong vấn đề này, nhiều khi hoàn cảnh đòi hỏi lý trí phải sử dụng những phương tiện nhân tạo để điều chỉnh việc sinh sản, nếu làm như vậy, gia đình sẽ được yên ổn và hoà thuận, con cái đã sinh ra sẽ được giáo dục hoàn hảo hơn? Như vậy có phải là hợp lý không?
Cần phải trả lời rõ ràng cho vấn đề đó: Giáo hội là người đầu tiên khen lao và khuyến khích việc sử dụng trí khôn trong công việc mà con người được kết hợp mật thiết với Tạo hoá của mình; nhưng Giáo hội tuyên bố là phải làm việc đó với sự tôn trọng trật tự đã được Thiên Chúa thiết lập.
Vậy nếu, để cắt quãng giữa các thế hệ kế tiếp, đã có những lý do chính đáng, hoặc bởi nội cảnh vật lý hay tâm lý của đôi bạn, hoặc bởi ngoại cảnh mà ra, thì Giáo hội dạy rằng: lúc đó được căn cứ vào những tiết vận tự nhiên đã in vào cơ năng sinh sản, mà chỉ giao hợp trong thời gian không kết đậu, và như vậy điều chỉnh việc sinh sản, mà không xúc phạm đến luân lý, vừa được trình bày ở trên.
Giáo hội vốn trung thành với mình và với lời giáo huấn của mình, khi quyết đoán cho vợ chồng lợi dụng thời gian không kết đậu, cũng như khi lên án các phương tiện luôn luôn bất hợp pháp và trực tiếp cản trở sự thụ thai, dù với những lý do xem ra thích đáng và quan trọng. Thực ra, hai trường đó rất khác nhau: trong trường hợp trên vợ chồng lợi dụng cách hợp pháp một sự xếp đặt thiên nhiên; trường hợp sau, vợ chồng ngăn cản sự tiến triển của quá trình thiên nhiên trong việc sinh sản. Ðã hẳn trong hai trường hợp, vợ chồng đều cùng nhau tích cực ước muốn tránh con cái, với những lý do đáng kể, và làm sao cho được chắc chắn là con cái sẽ không sinh ra; nhưng cũng chắc chắn điều này, là chỉ trong trường hợp trên, vợ chồng biết kiêng cữ trong thời gian kết đậu, mỗi khi vì những lý do chính đáng, họ không mong ước sinh con; và khi trở lại thời gian không kết đậu, họ mới sử dụng việc vợ chồng, để chứng tỏ yêu nhau và trung thành với nhau. Ðã hẳn, làm như vậy họ chứng tỏ một tình yêu thành thật và hoàn toàn thẳng thắn.
17. Những người thẳng thắn có thể nhìn nhận là giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này thật là xác đáng, nếu họ để ý đến những hậu quả của các phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh sản. Nhất là nếu họ suy nghĩ một chút, thì thấy các phương pháp đó chỉ mở rộng đường, hoặc đưa đến thất tín lẫn nhau, hoặc làm sa sút luân lý khắp nơi. Cũng không cần nhiều thời gian kinh nghiệm, để thấy rõ sự yếu đuối của loài người, và biết rằng: con người ta, đặc biệt là thanh niên đã bị nhục dục ám ảnh, cần phải được khích lệ để giữ luân lý, và không cung cấp cho họ phương tiện dễ dãi để phá luật. Cũng nên sợ rằng: khi người chồng đã quen sử dụng những phương pháp ngăn chận sự thụ thai, sẽ không còn tôn trọng người vợ, không đến xỉa đến sự thăng bằng vật lý và tâm lý của họ, một sẽ coi như một khí cụ cho khoái lạc ích kỷ, không còn là một người bạn phải kính nể và yêu thương.
Sau hết, cũng nên suy nghĩ đến cái lợi khí nguy hiểm đó được trao cho những kẻ nắm chính quyền, xưa nay ít lo lắng đến đòi hỏi của luân lý. Ai dám khiển trách chính phủ, khi họ muốn giải quyết khó khăn của toàn dân, bằng cách sử dụng điều mà vợ chồng coi là hợp pháp để giải quyết vấn nạn của gia đình? Ai dám cấm chính quyền ủng hộ và bắt buộc nhân dân sử dụng những phương pháp ngăn chận sự thụ thai, mà họ cho là hữu hiệu, mỗi khi họ thấy cần? Như vậy, con người ta - vì muốn tránh những khó khăn mà mọi cá nhân, mọi gia đình, mọi xã hội đều gặp phải trong khi noi giữ luật Chúa, - đã để cho chính quyền được tự do pha mình vào phạm vi rất riêng biệt và thân mật của vợ chồng.
Bởi vậy, nếu không muốn trao phó sứ mạng sinh sản cho ý riêng của con người, thì cần phải đặt những giới hạn bất khả xâm phạm cho quyền hành con người trên thân xác và trên các cơ năng tự nhiên của nó; những giới hạn này, không một ai tư nhân, hay kẻ nắm chính quyền, được lỗi phạm, và giới hạn đó chỉ được ấn định bởi sự tôn trọng phải có đối với sự toàn vẹn thân xác con người và các cơ năng tự nhiên của nó, theo như các nguyên tắc đã được nhắc lại trên đây, và theo sự hiểu biết đích đáng của nguyên tắc "toàn diện", mà Ðức tiền nhiệm Piô XII đã trình bày.
GIÁO HỘI BẢO ÐẢM CÁC GIÁ TRỊ ÐÍCH THỰC CỦA CON NGƯỜI
18. Có thể đoán trước được là không phải hết mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận giáo huấn truyền thống đó: có rất nhiều tiếng nói, đã được các phương tiện tuyên truyền phóng đại, đối lập tiếng nói của Giáo hội. Nhưng Giáo hội không bỡ ngỡ, khi thấy mình, cũng như Ðấng sáng sáng lập, đã được đặt làm chuẩn đích cho thiên hạ chống đối; nhưng không vì thế mà sao lãng nhiệm vụ đã trao phó cho mình, là khiêm tốn và mạnh dạn rao giảng tất cả luân lý tự nhiên và phúc âm. Vì không phải Giáo hội lập ra luật đó, cũng không phải là trọng tài cho luật đó; mà chỉ là kẻ giữ gìn và giải thích, không hề có quyền tuyên bố là hợp pháp, điều gì thực ra bất hợp pháp, vì tự bản tính nó vốn phản lại lợi ích đích thực của con người.
Ðang khi giữ gìn nnguyên vẹn luân lý hôn nhân, Giáo hội biết rõ mình giúp phục hồi nền văn minh đích thực của nhân loại, thúc giục con người đừng từ bỏ trách nhiệm của mình, và dựa vào các phương tiện kỹ thuật: và như vậy chính Giáo hội bảo vệ nhân phẩm của vợ chồng. Trung thành với giáo huấn và gương lành của Chúa Cứu Thế, Giáo hội tỏ mình là người bạn chân thành và nhiệt tâm của con người, muốn giúp đỡ họ ngay từ trên đường dương thế "để được thông phần sự sống của Thiên Chúa hằng sống là Cha mọi người".
III. Những Huấn Lệnh Mục vụ
19. Nhưng lời nói của Ta sẽ không biểu thị một cách thích nghi tư tưởng và lo âu của Giáo hội, Mẹ và Thầy dạy muôn dân, nếu, sau khi thúc giục con người noi theo và tôn trọng luật Chúa, về hôn nhân, ta không nâng đỡ họ trên con đường điều hoà sinh sản một cách chính trực và giữa những nỗi khó khăn của đời sống, mà nay, các gia đình và các dân tộc đều gặp phải. Giáo hội không thể đối xử với con người khác Chúa cứu chuộc, nghĩa là biết sự yếu đuối của họ, thương xót lũ đông, đón nhận tội nhân; nhưng không thể không dạy pháp luật liên hệ đến đời sống nhân loại, đã được tu chỉnh hợp với chân lý ban đầu và được hướng dẫn theo tinh thần của Thiên Chúa.
20. Giáo huấn của Giáo hội về sự điều hoà sinh sản - chính là pháp luật của Thiên Chúa - hẳn là nhiều người sẽ cho là khó giữ hay không thể giữ được. Nhưng thực ra, cũng như tất cả các thực tại quan trọng và hữu ích, luật này buộc phải được thành khẩn áp dụng và phải có nhiều cố gắng nơi cá nhân, nơi gia đình và xã hội. Hơn nữa, có thể nói được rằng, luật đó không thể giữ được, nếu không có ơn Chúa giúp đỡ và củng cố thiện chí của con người. Nhưng kẻ nào cẩn thận cứu xét vấn đề, thì sẽ thấy là những cố gắng đó thêm giá trị cho con người và đem lại lợi ích cho xã hội.
21. Sự điều hoà thẳng thắn và chính đáng việc sinh sản buộc đôi bạn phải có những xác tín vững chắc về các giá trị chính đáng của đời sống và của gia đình, lại phải tập hoàn toàn làm chủ lấy mình. Ðã hẳn, sự làm chủ bản năng nhờ lý trí và ý chí tự do, đòi hỏi một đời sống đức hạnh, để những biểu lộ của tình yêu trong đời sống đôi bạn được dung hoà với trật tự chính đáng: điều đó càng trở nên cần thiết, khi phải thi hành sự kiêng cữ định kỳ. Nhưng kỷ luật đó, dành riêng cho đức khiết tịnh của đôi bạn, không làm tổn thương đến tình yêu của họ, mà còn gia tăng giá trị nhân loại của nó. Kỷ luật đó đòi hỏi một sự cố gắng liên tục, nhưng ảnh hưởng tốt của nó sẽ giúp vợ chồng phát triển nhân phẩm của mình, thu lượm được nhiều ơn ích thiêng liêng, như sự yên tĩnh và hoà thuận trong gia đình, lại giải quyết được nhiều vấn đề khác nữa. Nó giúp vợ chồng săn sóc và tôn trọng lẫn nhau, loại trừ ích kỷ là thù địch của tình yêu chân chính, và đào sâu ý thức trách nhiệm. Nó lại mang đến cho cha mẹ một quyền hành thân mật và hữu hiệu trong việc giáo dục con cái. Ðang khi ấy, con trẻ và thanh niên càng được thêm tuổi, càng biết quý chuộng những giá trị đích thực của con người và, trong bầu khí yên vui và hoà thuận, được phát triển các cơ năng trí tuệ và giác quan.
22. Nhân tiện, Ta muốn nhắc nhở cho các nhà giáo dục và tất cả nhưng ai có trách nhiệm về công ích xã hội, cần phải gây dựng một bầu khí thuận tiện cho việc giáo dục đức khiết tịnh lấy tự do lành mạnh mà thắng phóng túng, bằng cách hoàn toàn noi theo trật tự luân lý.
Bởi vậy, tất cả những gì trong các phương tiện truyền thông xã hội, khiêu gợi ngũ quan, nuôi dưỡng bại tục và tất cả những hình khiêu dâm hay những tuồng kịch tục tĩu, phải được mọi người đồng thanh lên án, những người có nhiệm vụ lo âu đến tiến bộ văn minh và bênh vực lợi ích cao cả của tinh thần. Thật là uổng công cho những kẻ cố tình bênh vực những hủ bại đó, vịn vào những lý do là nhu cầu nghệ thuật và khoa học, hoặc dựa vào sự tự do mà chính quyền làm thinh trong lãnh vực này.
23. Ta nhắn nhủ các Chính Phủ, là những người có trọng trách bảo vệ công ích, và thuần phong mỹ tục; chớ bao giờ để cho nền luân lý của dân tộc các ngài phải sa sút; hãy triệt để ngăn ngừa đừng để luật pháp đem vào gia đình, là tiểu tổ quốc dân, những tập tục trái ngược với luật tự nhiên và luật Chúa. Chính quyền có thể và phải dùng con đường khác để giải quyết vấn đề nhân mãn: nghĩa là con đường dự phòng gia chánh và nền giáo dục khôn ngoan cho dân chúng biết tôn trọng luân lý và tự do công dân.
Thực ra, Ta biết rõ vấn đề này gây bao nhiêu khó khăn cho các Chính phủ, nhất là trong các nước kém mở mang. Nhìn thấy những nhu cầu chính đáng mà họ đang gặp phải, Ta đã cống hiến cho họ bức Thông điệp chữ đầu là Populorum Progressio. Nhưng bây giờ, cùng với Ðức tiên nhiệm XXIII, Ta nhắc lại rằng: "Các vấn đề đó không được giải quyết bằng những phương pháp hay cách thức bất xứng với con người và chỉ phù hợp với quan niệm hoàn toàn duy vật về con người và về đời sống. Ta tưởng vấn đề đó chỉ được giải quyết bằng sự khuyếch trương kinh tế và tiến bộ xã hội, nhằm mục đích tôn trọng và gia tăng các giá trị đích thực nhân loại của cá nhân và của xã hội. Cũng phải cho là bất công, nếu người ta đổ cho Chúa quan phòng điều mà người ta phải thú thực là bởi phương pháp kém khôn ngoan của Chính quyền, hoặc bởi kém ý thức về công bình xã hội, hoặc bởi những lũng loạn ích kỷ, hoặc bởi lười biếng cố gắng và hy sinh cần thiết, để nâng cao đời sống của mình. Chớ gì các người hữu trách hãy gia tăng hoạt động, như tại nhiều nơi đã làm một cách đáng khen cũng nên khuyếch trương sự hỗ tương giữa các thành phần của đại gia đình nhân loại. Ta tưởng rằng: đó sẽ là môi trường hoạt động vô cùng lớn lao, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các tổ chức quốc tế.
24. Bây giờ Ta nhắn nhủ các nhà bác học "họ có thể giúp rất nhiều cho vấn đề hôn nhân và gia đình, làm yên nhiều lương tâm, nếu họ cùng nhau sưu tầm, để làm sáng tỏ hơn những điều kiện thuận lợi cho việc điều hoà sinh sản". Vì cũng như Ðức tiên nhiệm Piô XII xưa, Ta phải ước mong rằng: y khoa sẽ có thể ấn định một căn bản khá chắc chắn về sự điều hoà sinh sản, dựa theo các tiết vận tự nhiên, như vậy, các người thông thái, nhất là các bác học gia Công giáo, sẽ căn cứ vào việc làm mà Giáo hội dạy rằng: "Không có mâu thuẫn thực sự giữa luật Chúa và điều hành sự lưu truyền sự sống và luật thiên nhiên về nâng đỡ tình yêu chân thật của vợ chồng".
25. Bây giờ Ta đặc biệt nói với các con cái của Ta, nhất là với những kẻ Chúa đã gọi phụng sự Người trong bậc hôn nhân. Vì Giáo hội tuyên bố những đòi hỏi của luật Chúa, thì cũng đồng thời rao giảng phần rỗi và nhờ các Bí tích mở đường ơn nghĩa, làm cho người ta đã trở thành tạo vật mới, có khả năng đáp ứng với ý định cao siêu của Ðấng Tạo hoá và cứu chuộc mình, trong bác ái và tự do chân chính lại cảm thấy ách dịu dàng của Chúa Kitô.
Khiêm tốn nghe theo tiếng Chúa, các đôi bạn Kitô hữu hãy nhớ lại ơn kêu gọi Kitô hữu của mình đã bắt đầu bởi Phép Thánh tẩy, đã được phân loại và củng cố bởi phép hôn phối. Vì cũng bởi phép đó, họ được mạnh mẽ và như được thánh hiến để trung thành làm nhiệm vụ của mình, hoàn tất ơn kêu gọi đến bậc trọn lành, và trở nên nhân chứng Kitô hữu, thích ứng với bậc mình, trước mặt thế gian. Chức vụ đó, Thiên Chúa trao cho họ, để tỏ cho thiên hạ thấy sự thánh thiện và sự êm dịu của luật Ngài, làm cho tình yêu đôi bạn được cộng tác chặt chẽ với tình yêu Thiên Chúa, là Ðấng sáng tạo sinh mạng con người.
Ở đây, Ta không thể dấu diếm những khó khăn, đôi khi trầm trọng, thuộc đời sống đôi bạn Kitô hữu: vì đối với họ cũng như đối với mỗi người chúng ta "cửa thì hẹp, đường thì chật đưa tới sự sống". Nhưng con đường của họ được soi dẫn bởi hy vọng sự sống đó, như một ánh sáng huy hoàng, đang khi họ can đảm cố sống một cuộc sống tiết độ, công chính và đạo đức, vì biết rõ mặt đất này chóng qua đi.
Bởi đó, vợ chồng đừng sợ những cố gắng cần thiết, dựa vào đức tin và đức cậy "không hề làm hổ thẹn, vì tình yêu của Thiên Chúa đã tràn ngập lòng chúng ta, nhờ Ðức Chúa Thánh Thần, đã được ban xuống cho chúng ta". Họ hãy kiên nhẫn cầu xin ơn Chúa giúp; nhất là hãy tới lãnh ơn nghĩa nơi mạch vô tận là phép Mình Thánh. Nhưng nếu tội lỗi còn lẩn quất nơi họ, họ chớ ngã lòng, một hãy khiêm nhượng và kiên tâm chạy đến lòng từ bi của Chúa, mà Bí tích Cáo giải sẽ ban cho. Bởi cách đó, họ có thể tiến tới sự trọn lành của đời sống đôi bạn mà Thánh Phaolô diễn tả như sau: "Người chồng hãy yêu vợ mình như Chúa Kitô đã yêu Giáo hội. Người chồng phải yêu vợ mình như chính thân xác mình vậy. Kẻ yêu vợ mình, không phải là yêu chính mình hay sao? Chẳng hề có ai ghét xác thịt mình, một là nuôi dưỡng và săn sóc nó, cũng như Chúa Giêsu với Giáo hội. Bí tích này cao quý lắm, tôi muốn nói về Chúa Kitô với Giáo hội. Mỗi người trong anh em cũng vậy, ai nấy hãy yêu bạn mình như chính mình, và người vợ hãy tôn trọng chồng mình.
26. Trong các thành quả lớn lao bởi sự nhiệt tâm noi theo luật Chúa, có điều này quý nhất, là vợ chồng ước muốn cho kẻ khác cũng được thông công kinh nghiệm của mình. Như vậy, trong lãnh vực ơn kêu gọi của giáo dân, có một loại tông đồ mới mẻ và cao quý, là người giống nhau làm tông đồ cho nhau: gia đình làm tông đồ cho gia đình khác và hướng dẫn họ: đó là một hình thức tông đồ xem ra thích hợp nhất cho ngày nay.
27. Ta rất quý trọng các bác sĩ và các nhân viên y tế, trong khi làm chức vụ mình, họ đã chú trọng đến những đòi hỏi của ơn kêu gọi Kitô hữu hơn là lợi ích nhân loại. Họ hãy tiếp tục cổ võ trong mọi trường hợp, những phương pháp giải quyết thích hợp với đức tin và lý trí lành mạnh và cố làm cho các đồng nghiệp của họ xác tín và tôn trọng như vậy. Hãy coi như một nhiệm vụ thuộc chức nghiệp của họ là phải có kiến thức cần thiết trong lãnh vực tế nhị này, để có thể cung cấp cho bất cứ vợ chồng nào đến hỏi, những ý kiến khôn ngoan và những đường lối lành mạnh, mà họ có quyền trông đợi.
28. Các linh mục thân mến, do chức thánh đã lãnh nhận, các con là cố vấn và linh hướng cho cá nhân và cho gia đình. Ta hoàn toàn tín nhiệm các con. Vì nhiệm vụ chính các con, nhất là những kẻ dạy thần học luân lý, là trình bày rõ ràng giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân. Trong khi thi hành thừa tác vụ của mình, các con hãy là người thứ nhất nêu gương một sự tùng phục chân thành, bề trong và bề ngoài, đối với Giáo quyền tuyên huấn. Vì các con biết, các con phải làm như vậy, không phải vì căn cứ vào những lý lẽ nêu ra, cho bằng vào ánh sáng của Ðức Chúa Thánh Thần, mà các Chủ chăn trong Giáo hội được hưởng thụ đặc biệt để giải thích chân lý. Các con cũng biết, đây là điều rất quan trọng, để duy trì sự bằng an cho các tâm hồn và sự hợp nhất cho giáo dân, là trong vấn đề luân lý cũng như tín lý, ai nấy đều phải căn cứ vào Giáo quyền tuyên huấn và phải ăn nói như Giáo quyền tuyên huấn. Bởi vậy, mượn lời kêu gọi thống thiết của Thánh Phaolô, Ta hết lòng nhắn nhủ các con: "Ta xin anh em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, anh em hãy đồng lòng với nhau, đừng chia rẽ nhau; phải hợp nhất với nhau trong tâm trí, cũng như trong tư tưởng".
29. Không xén bớt điều gì thuộc giáo huấn cứu rỗi của Chúa Kitô, đó là một hình thức bác ái cao quý nhất đối với các linh hồn. Nhưng luôn luôn phải tỏ ra nhẫn nại và nhân từ, như chính Chúa Kitô, trong khi cư xử với người đời, đã làm gương cho chúng ta. Không đến để phán xét mà để cứu rỗi. Chúa Giêsu nghiêm khắc với tội lỗi, nhưng nhẫn nại và hiền từ với tội nhân. Chớ gì, trong những cơn túng cực, vợ chồng tìm thấy trong giọng điệu và trong tâm hồn linh mục tiếng nói và tình thương của Chúa Kitô.
Các con thân mến, hãy mạnh dạn rao giảng Lời Chúa, tin chắc rằng: Ðức Chúa Thánh Thần hỗ trợ Giáo quyền tuyên huấn trong chính khi trình bày giáo lý, thì cũng soi sáng tâm hồn các tín hữu và kêu mời họ nghe theo. Các con hãy dạy cho vợ chồng biết cách cầu nguyện, hãy huấn luyện họ năng lấy đức tin chịu các Bí tích Mình Thánh và Cáo giải, và không bao giờ được ngã lòng vì sự yếu đuối của mình.
30. Anh em thân yêu và đáng kính trong chức vụ Giám mục, cùng nhau tham dự lo âu và lợi ích thiêng liêng của dân Thiên Chúa. Ta kính cẩn và thân ái hướng về các ngài, trước khi kết thúc Thông điệp, Ta cũng khẩn khoản kêu gọi đến các ngài. Ðứng đầu các linh mục, cộng sự viên của các ngài và đứng đầu giáo dân, các ngài hãy sốt sắng và luôn hoạt động, để bảo vệ và thánh hoá hôn nhân, ngõ hầu đời sống đôi bạn đạt tới sự trọn lành nhân loại và Kitô hữu của mình. Các ngài hãy coi sứ mạng đó là việc khẩn cấp nhất trong các trách vụ đã trao phó cho các ngài trong hiện tại. Như anh em biết rõ, nó đòi hỏi một hành động tập thể trong mọi lãnh vực hoạt động nhân loại, kinh tế, văn hoá và xã hội. Nếu tất cả các ngành đó được đồng đều tiến triển, thì đời sống cha mẹ và con cái trong thâm cung gia đình chẳng những có thể chịu nổi, mà còn trở nên dễ dãi và vui sướng. Và đời sống chung trong xã hội loài người sẽ trở nên giàu tình bác ái huynh đệ và bình yên, vì trung thành với chương trình của Thiên Chúa về thế gian.
31. Anh em quý mến, con cái thân yêu và hết mọi người thiện chí, Ta kêu gọi các ngài chú ý đến việc trọng đại là giáo dục, tiến bộ và bác ái, dựa vào giáo huấn của Giáo hội, mà kế vị Thánh Phêrô, cùng với các anh em Giám mục Công giáo, Ta trung thành bảo vệ và giải thích. Thật là một việc hệ trọng, Ta xác tín như vậy, đối với thế gian cũng như Giáo hội, vì con người ta chỉ có thể đạt tới hạnh phúc thật mà họ hết sức ước mong, nếu họ lấy trí khôn và lòng mến tôn trọng luật lệ mà Chúa đã in vào bản tính họ. Vậy, Ta nài xin Chúa rất thánh thiện và từ bi ban đầy ơn phước cho công việc hệ trọng đó, cho anh em hết thảy và đặc biệt cho các đôi bạn, và như thể bảo đảm phước lành đó, Ta vui lòng ban Phép lành Toà Thánh cho anh em.
Làm tại Rôma, cạnh đền thờ Thánh Phêrô, ngày 25 tháng 7,
Lễ kính Thánh Giacôbê, Tông đồ, năm 1968.
Triều đại thứ VI của Ta.
Phaolô Giáo hoàng VI
(Bản dịch của Long Xuyên. Sacerdos số 82)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét!