LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

ĐTC Bênêđictô XVI - Thư gửi các chủng sinh

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI: THƯ GỬI CÁC CHỦNG SINH

WHĐ (20.10.2010) – Ngày 18-10-2010, lễ Thánh Luca, tác giả sách Phúc âm, Tòa thánh Vatican công bố thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gừi các chủng sinh nhân Năm Linh mục kết thúc cách nay chưa lâu và vẫn còn vang vọng dư âm và những tác động tích cực trong đời sống của Giáo Hội.
Bức thư toát lên tình cảm ưu ái và mối quan tâm đặc biệt của ĐTC đối với các chủng sinh, linh mục tương lai của Hội Thánh. Đồng thời qua đó, còn cho thấy những hướng dẫn sâu sắc, đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân của ĐTC, dành cho các chủng sinh đang theo học tại các chủng viện và những nhà đào tạo linh mục, về phương diện chuyên môn lẫn đường lối tu đức, dành cho cuộc sống chủng sinh hiện tại và cuộc đời linh mục trong tương lai.
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả toàn văn bức thư qua bản chuyển ngữ của Đức Thành.

* * *

Các chủng sinh thân mến,
Tháng Mười Hai 1944, cha được gọi nhập ngũ. Trung đội trưởng hỏi từng người sau này mãn hạn quân dịch sẽ chọn nghề gì.Cha trả lời muốn trở thành một linh mục Công giáo. Viên thiếu úy bảo: Bạn phải chọn nghề khác thôi. Nước Đức mới không cầncác linh mục. Lúc đó cha đã biết “Nước Đức mới” sắp đến hồi kết thúc, và sau khi đã bị cơn điên rồ tàn phá nặng nề, đất nước sẽ cần đến các linh mục hơn bao giờ hết.
Ngày nay tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Nhưng, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều người bây giờ cũng vẫn cho rằng linh mục Công giáo không phải là một “nghề” của tương lai, mà thuộc về quá khứ.
Các bạn chủng sinh thân mến,
Các con đã quyết định vào chủng viện, và như vậy các con đang tiến đến tác vụ linh mục trong Hội Thánh Công giáo, đi ngượclại mọi phản đối và các ý kiến này khác. Các con đã làm đúng khi hành động như vậy. Bởi con người luôn cần Chúa, ngay cảtrong thời đại kỹ thuật và toàn cầu hóa thống trị thế giới: Thiên Chúa, Đấng trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu Kitô và quy tụchúng ta trong Giáo Hội phổ quát, để với Người và nhờ Người, chúng ta biết được sự sống thật và làm cho các chuẩn mực mang giá trị nhân văn trở thành hiện thực.
Ở đâu con người không nhận biết Chúa, ở đấy cuộc sống trở nên trống rỗng, mọi sự đều vô nghĩa. Rồi con người tìm trú ẩn trong nghiện ngập hay bạo lực vốn luôn là mối nguy cơ, đặc biệt luôn rình rập giới trẻ. Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài dựng nên và biết rõ từng người trong chúng ta. Chúa quá đỗi lớn lao, đến nỗi Ngài có thời gian dành cho những điều bé nhỏ của chúng ta: “Tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”. Thiên Chúa là Đấng hằng sống và Ngài cần con người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với những người khác. Vâng, trở thành linh mục nghĩa là: thế giới cần những linh mục, các mục tử cho hôm nay, ngày mai và mãi mãi, bao lâu thế giới này còn tồn tại.
Chủng viện là một cộng đồng đang trên đường tiến đến tác vụ linh mục. Với ý nghĩa đó, cha đã từng nói đến điều rất quan trọng là: ta không trở thành linh mục trơ trọi một mình. Phải là “một cộng đoàn môn đệ”, một tập thể những người muốn phục vụ Giáo Hội. Viết thư này, qua việc nhìn lại thời gian học ở chủng viện, cha muốn làm nổi bật một vài yếu tố quan trọng cho những nămchúng con đang theo đuổi con đường của mình.
1. Bất cứ ai muốn trở thành linh mục, trước hết phải là “người của Chúa”, như Thánh Phaolô đã viết (1 Tm 6, 11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một giả định xa vời, không phải là một người xa lạ tự rút lui sau vụ nổ “big bang”. ThiênChúa mặc khải chính mình trong Chúa Giêsu Kitô. Trên khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa. Trong lời Chúa Giêsu nói, chúng ta nghe chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì vậy, điều quan trọng nhất trên đường tiến đến chức linh mục và trong suốt cuộc đời linh mục, là sống mối tương quan cá nhân với Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Linh mục không phải là nhà quản lý hiệp hội, tìm cách duy trì và phát triển số lượng hội viên. Linh mục là sứ giả của Thiên Chúaở giữa mọi người. Ngài muốn dẫn con người đến với Thiên Chúa, và như thế, làm cho họ ngày càng nên một với nhau hơn.
Vì lẽ đó, các bạn chủng sinh thân mến, các con cần học biết sống trong mối tương giao thường trực với Thiên Chúa. Chúa nói:“Hãy cầu nguyện luôn”, theo lẽ tự nhiên, Ngài không đòi chúng ta phải đọc kinh liên tục, nhưng chính là đừng bao giờ đánh mấtmối dây liên lạc nội tâm với Thiên Chúa. Thực thi mối liên hệ này chính là ý nghĩa việc cầu nguyện của chúng ta. Do đó, cần phải bắt đầu và kết thúc ngày sống của mình bằng việc cầu nguyện. Chúng ta hãy nghe Chúa nói qua việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta hãy nói với Chúa mọi ước ao và mong đợi, mọi niềm vui nỗi buồn, những sai lầm và dâng lời tạ ơn vì mọi điều tốt lành,như thế chúng ta luôn luôn đặt Chúa trước mặt, làm đích quy chiếu cho đời mình. Vậy chúng ta hãy xét mình về những sai lỗi và học cách làm việc để nên tốt hơn, đồng thời cũng trở nên nhạy cảm với mọi cái thiện và từng cái đẹp vẫn diễn ra mỗi ngày và do đó càng thêm lòng biết ơn. Và với lòng biết ơn, niềm vui được thêm lên vì biết Thiên Chúa ở gần chúng ta và chúng ta có thể phục vụ Ngài.
2. Thiên Chúa không chỉ là Lời nói với chúng ta. Trong các bí tích, Ngài còn tự hiến mình cho chúng ta, thông qua những sự vật hữu hình. Trung tâm mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và làm cho cuộc sống của chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa chính là Bí tích Thánh Thể. Cử hành Bí tích Thánh Thể với sự tham dự nội tâm và như thế gặp gỡ chính con người của Đức Kitô, phải là trung tâm của mọi ngày trong cuôc đời chúng ta. Thánh Cyprianô đã giải thích lời cầu xin trong Tin Mừng: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, cho rằng: lương thực, tức bánh chúng ta nhận được trong tư cách là Kitô hữu trong Giáo Hội, là chính Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong lời cầu của kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban lương thực hằng ngày cho “chúng ta”; để Chúa mãi là lương thực cho cuộc đời chúng ta. Xin Chúa Kitô phục sinh, Đấng hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể, dùng ánh quang tình yêu rạng ngời của Chúa mà uốn nắn cả cuộc đời chúng ta.
Để cử hành Thánh Thể đúng đắn cũng cần phải học biết, hiểu và yêu mến phụng vụ với thể thức cụ thể của Giáo Hội. Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện cùng với các tín hữu mọi thời đại - quá khứ, hiện tại và tương lai, đang quy tụ trong một cộng đoàn duy nhất cùng hợp ca cầu nguyện. Từ kinh nghiệm bản thân, cha có thể khẳng định, thật là thú vị khi được học hỏi và từng bước nhận ra con đường tiến triển của tất cả những điều ấy, nhận ra biết bao kinh nghiệm đức tin chứa đựng trong cấu trúc của phụng vụ Thánh lễ, và nhận ra có biết bao thế hệ đã góp phần hình thành nền phụng vụ bằng cầu nguyện!
3. Bí tích Thống Hối cũng quan trọng. Bí tích này dạy cha nhìn bản thân từ điểm nhìn của Thiên Chúa và đòi buộc cha phải trung thực với chính mình. Bí tích này dẫn cha đi đến tính khiêm nhường. Cha sở họ Ars có lần đã nói: Anh chị em cho rằng, lãnh ơn xá giải cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì hôm nay được tha, ngày mai lại tái phạm. Nhưng –thánh nhân nói– ngay vào lúc này, chính Thiên Chúa đã quên các tội của anh chị em ngày mai, để ban ơn thánh cho anh chị em ngay từ hôm nay. Mặc dù chúng ta phải chiến đấu liên lỉ chống lại cũng những lỗi lầm ấy, điều quan trọng là khắc phục tình trạng u mê của linh hồn, thói thờ ơ mặc kệ muốn ra sao thì ra. Cần phải tiếp tục bước đi, không bối rối, với ý thức biết ơn Chúa vẫn cứ mãi tha thứ cho mình. Và cũng không được có thái độ dửng dưng khiến cho ta không còn phấn đấu để nên thánh và nên tốt hơn. Và khi đặt mình xin được tha thứ, nhận ra mình còn phải tha thứ cho tha nhân nữa. Nhận ra tình cảnh khốn cùng của bản thân, chúng ta sẽ khoan dung và cảm thông hơn đối với những yếu đuối của tha nhân.
4. Các con hãy giữ cho mình luôn nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân vốn đa dạng, tùy mỗi nền văn hóa, nhưng vẫn luôn rất tương đồng, vì cuối cùng, trái tim con người luôn luôn giống nhau.
Dĩ nhiên, lòng đạo đức bình dân dễ thiên về cảm tính phi lôgích, kể cả đôi khi cũng vụ hình thức bề ngoài.
Nhưng sẽ rất sai lầm nếu lại loại bỏ lòng đạo đức bình dân. Qua lòng đạo đức ấy, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở thành một phần của những xúc cảm, thói quen, cách cảm nhận và phong cách sống của họ. Vì thế, lòng đạo đức bình dân là một di sản lớn của Giáo Hội. Đức tin trở thành máu thịt. Chắc chắn lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, đưa vào trọng tâm, nhưng vẫn đáng được chúng ta yêu mến, và lòng đạo đức ấy làm cho chúng ta trở thành “Dân Chúa” một cách rất thực tế.
5. Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hỏi.
Đức Tin Kitô giáo có chiều kích lý trí và trí tuệ, vốn là chiều kích cốt yếu của đức Tin. Nếu không có chiều kích này, đức Tin chẳng còn là đức Tin nữa. Thánh Phaolô nói đến “một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong phép Rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các con đều biết câu nói của Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi là lời minh chứng cho một nền thần học được xây dựng hợp lý và khoa học: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi các anh em về ‘nguyên lý’ (logos) của niềm hy vọng nơi anh em” (1P 3,15).
Học tập để có thể đưa ra những câu trả lời như thế chính là một trong những mục tiêu chủ yếu của những năm ở chủng viện. Cha thiết tha xin các con: hãy nghiêm chỉnh học hành! Hãy tận dụng những năm được học hỏi, các con sẽ không phải ân hận!
Có lẽ nhiều khi các môn học có vẻ xa rời thực tế cuộc sống Kitô hữu và công tác mục vụ. Nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm khi cứ đặt vấn đề theo kiểu thực dụng: điều này giúp được gì cho tôi sau này? Điều này có lợi ích thực tế và hữu dụng cho việc mục vụ hay không? Học không chỉ nhắm đến lợi ích hiển nhiên mà còn để biết và hiểu được cơ cấu nội tại của đức Tin trong toàn cục, để đức Tin trở thành lời giải đáp cho những khắc khoải của con người, nếu nhìn bề ngoài thì thấy những khắc khoải ấy thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng về cơ bản chúng vẫn giống nhau. Vì thế, quan trọng là vượt qua những câu hỏi nhất thời để nắm được các vấn đề thực sự cơ bản, rồi hiều và đưa ra những câu trả lời đích thực.
Điều quan trọng là phải hiểu biết kỹ lưỡng toàn bộ Kinh Thánh, trong sự thống nhất giữa Cựu và Tân Ước: sự hình thành các văn bản, đặc tính văn thể, quá trình từ lúc viết ra cho đến khi hình thành quy điển Kinh Thánh, tính thống nhất linh hoạt trong cấu trúc nội tại chứ không ở trên bề mặt. Chỉ có sự thống nhất như thế mới mang lại cho toàn bộ và cho từng văn bản ý nghĩa trọn vẹn của Kinh Thánh.
Một điều quan trọng nữa là, học về các Giáo phụ và các Đại Công đồng, và qua các công đồng này, bằng những suy tư và xác tín, Giáo Hội đã hấp thụ những khẳng định nòng cốt của Kinh Thánh. Cha có thể nói thêm: điều mà chúng ta gọi là tín lý, đó là cách thức hiểu nội dung đức tin trong tính thống nhất và trong cả sự đơn giản cực độ của những nội dung ấy: từng chi tiết đơn nhất cuối cùng cũng là sự triển khai niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã và đang tỏ mình ra cho chúng ta.
Cha không cần phải nói rõ về tầm quan trọng của việc hiểu biết những vấn đề chủ yếu của thần học luân lý và học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo. Ngày nay thần học đại kết quan trọng biết bao; rõ ràng cần phải có sự hiểu biết về các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau; cũng vậy cần phải có một định hướng căn bản về những tôn giáo lớn, và cũng đừng quên triết học: hiểu biết về sự tìm kiếm của con người và những vấn đề được con người đặt ra, mà đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những vấn đề ấy.
Các con cũng hãy học hỏi, và có thể nói, hãy yêu mến giáo luật vốn cần thiết và thiết thực: một xã hội không có luật sẽ là một xã hội thiếu các quyền. Luật là điều kiện của tình yêu. Bây giờ cha không muốn tiếp tục liệt kê nữa, nhưng chỉ muốn nhắc lại rằng: các con hãy yêu mến việc học thần học và chuyên chăm theo đuổi môn học này, để môn thần học ăn rễ sâu trong cộng đồng sống động của Giáo Hội. Huấn quyền Giáo Hội không phải là một đối cực của khoa thần học, nhưng là tiền đề của thần học. Nếu không có Giáo Hội đang sống niềm tin, thì thần học không còn là chính mình nữa và trở thành một tập hợp những môn học khác nhau mà không có sự thống nhất bên trong.
6. Những năm tháng ở chủng viện cũng còn phải là thời kỳ trưởng thành về nhân bản. Đối với linh mục, người đồng hành với tha nhân suốt đời cho đến chết, điều quan trọng là phải giữ quân bình giữa trái tim và trí hiểu, giữa lý trí và tình cảm, giữa thể xác và linh hồn, và linh mục phải “toàn vẹn” là con người.
Chính vì thế truyền thống Kitô giáo vẫn luôn liên kết các “nhân đức đối thần” với “các nhân đức trụ cột” phát xuất từ kinh nghiệm nhân sinh và từ triết học, và nói chung là truyền thống đạo đức lành mạnh của nhân loại. Thánh Phaolô đã nói rất rõ điều đó với các tín hữu Philiphê: “Sau cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (4,8). Việc gắn tính dục với toàn bộ nhân cách cũng nằm trong bối cảnh này. Tính dục là một món quà của Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng là một nhiệm vụ hướng đến sự phát triển con người. Nếu không gắn vào nhân vị con người, thì tính dục sẽ trở nên tầm thường và mang tính phá hoại. Trong xã hội chúng ta ngày nay nhiều ví dụ đã cho chúng ta thấy rõ như thế.
Gần đây chúng ta rất đau lòng thừa nhận có những linh mục đã làm méo mó hình ảnh sứ vụ của mình vì lạm dụng tính dục đối với trẻ con và người trẻ. Thay vì hướng dẫn những người trẻ ấy được trưởng thành nhân bản và nêu gương cho họ, thì các linh mục đó, qua sự lạm dụng, đã gây ra những phá hoại khiến chúng ta cảm thấy rất tiếc và đau lòng. Bởi, tất cả những điều ấy khiến cho nhiều người, và có lẽ cả các con nữa, có thể đặt vấn đề trở thành linh mục liệu còn tốt đẹp nữa hay không, và liệu con đường sống độc thân có hợp lý như cuộc sống của con người hay không. Tuy nhiên, việc phải dứt khoát lên án sự lạm dụng tình dục không thể làm mất thế giá của sứ vụ linh mục. Sứ vụ này vẫn cao cả và tinh tuyền.
Tạ ơn Chúa, chúng ta đều biết tất cả các linh mục vẫn rất xác tín, đầy đức tin, đang làm chứng rằng trong tình thế này và nhất là trong đời sống độc thân, vẫn có thể đạt tới tính nhân bản đích thực, tinh tuyền và trưởng thành. Những gì đã xảy ra khiến chúng ta phải tỉnh thức và lưu tâm hơn, nhất là phải xét mình thật kỹ lưỡng trước mặt Chúa, trên đường tiến đến chức linh mục, để biết đó có phải là ý Chúa muốn đối với mình hay không. Các cha giải tội và bề trên của các con có nhiệm vụ đồng hành và giúp đỡ các con cân nhắc và quyết định. Thực hành các đức tính nhân bản nền tảng là một yếu tố chủ yếu trên đường các con đang đi, bằng cách giữ vững tầm nhìn hướng về Chúa, Đấng đã tỏ mình ra trong Chúa Kitô, và bằng cách luôn để cho Chúa thanh tẩy mình thêm nữa.
7. Ngày nay, những bước khởi đầu ơn gọi linh mục đa dạng và phong phú hơn xưa. Quyết định trở thành linh mục ngày nay thường nảy sinh khi đã có kinh nghiệm làm việc ở ngoài đời. Quyết định ấy chín dần trong sự gắn bó với cộng đoàn, đặc biệt với các hoạt động, dẫn đến sự gặp gỡ mang tính chất cộng đoàn với Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, đem lại kinh nghiệm thiêng liêng và niềm vui được phục vụ đức tin. Quyết định cũng chín dần qua những cuộc gặp gỡ mang tính chất cá nhân đối với vẻ cao cả và cảnh khốn khó của con người. Như thế, các ứng sinh linh mục thường sống trên những lục địa thiêng liêng rất đa dạng. Khó có thể nhận ra những yếu tố chung giữa những người sẽ được sai đi và hành trình tinh thần của họ. Chính vì vậy chủng viện quan trọng như một cộng đoàn lữ hành vượt lên trên những hình thức linh đạo khác nhau.
Các phong trào cũng thật tuyệt vời. Các con biết cha đánh giá cao và quý mến các phong trào như ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội. Tuy nhiên các phong trào hoạt động cần phải được phát triển theo hướng mở ra cho hiện thực phổ biến của người Công giáo, cho đời sống của Giáo Hội duy nhất và phổ quát của Chúa Kitô, tuy có nhiều khác biệt nhưng vẫn là một.
Chủng viện là thời kỳ các con học hỏi với người khác, và học hỏi lẫn nhau. Trong đời sống chung, đôi khi có những khó khăn, nhưng các con phải học thái độ quảng đại và bao dung, không những bằng cách chịu đựng lẫn nhau, nhưng còn làm cho nhau được thêm phong phú, để mỗi người có thể có đóng góp riêng cho tập thể, trong khi đó, tất cả đều phục vụ cùng một Giáo Hội, cùng một Chúa. Hơn nữa, ngôi trường này dạy biết sống bao dung, đón nhận và cảm thông lẫn nhau trong sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô, là những yếu tố quan trọng trong những năm tháng các con học ở chủng viện.
Các chủng sinh thân mến!
Qua những dòng này cha đã muốn tỏ cho các con biết cha đang nghĩ đến các con, nhất là trong thời kỳ khó khăn này, và trong kinh nguyện, cha ở gần các con biết bao. Các con cũng hãy cầu nguyện để cha có thể chu toàn sứ vụ của mình như ý Chúa muốn. Cha phó thác cuộc hành trình của các con chuẩn bị tiến đến chức linh mục nơi sự phù trợ của Đức Trinh Nữ Maria. Ngôi nhà của Mẹ đã từng là một trường học dạy điều thiện hảo và ân sủng của Chúa.
Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần, chúc lành cho tất cả các con.
Vatican, 18-10-2010
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng

Đức Thành chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhận xét!