LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Bài Giảng Canh Tân Lòng Sùng Kính Đối Với Đức Maria Mẹ Thiên Chúa Nhân Ngày Năm Thánh Quốc Tế Các Đền Thánh Đức Mẹ 24-9-2000

     đức thánh cha gioan phaolô ii
     bài giảng nhân ngày năm thánh quốc tế
     các đền thánh đức Mẹ 24-9-2000
     Canh tân lòng sùng kính
     đối với đức maria, mẹ Thiên Chúa
Anh chị em thân mến!
1.         “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông” (Mc 9, 36). Cử chỉ bất thường của Đức Giêsu, được ghi lại trong bài Tin mừng vừa được công bố, xảy ra liền sau lời cảnh báo của Vị Thầy thôi thúc các môn đệ đừng ham muốn quyền lực, nhưng hãy có tinh thần phục vụ. Lời dạy này đã đụng chạm vào chỗ nhạy cảm nhất của nhóm Mười hai, bởi vì “các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Ta có thể nói rằng vị Thầy đã thấy cần minh hoạ một lời giáo huấn đòi hỏi như thế bằng tài hùng biện của một hành vi giàu lòng nhân hậu, Ngài ôm một đứa trẻ, - theo những tiêu chuẩn của thời đó - chẳng có giá trị gì, và, như thế, đồng hoá chính mình với trẻ nhỏ đó: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9, 37).
Trong Thánh lễ này kết thúc Đại Hội Thánh Mẫu học Quốc tế lần thứ XX và Ngày Năm Thánh Quốc tế Các Đền thánh Đức Mẹ, tôi muốn lấy hình ảnh tin mừng khác thường này làm chủ đề suy tư. Từ đó phát sinh một giáo huấn về Đức Kitô, và cách gián tiếp, về Đức Maria, trước khi là một giáo huấn luân lý.
Khi ôm hôn đứa trẻ, trước hết Đức Kitô biểu lộ một tâm hồn nhạy cảm, nhiều cảm xúc và tình yêu. Trong tâm hồn Ngài, trước tiên có lòng nhân hậu của Chúa Cha, Đấng từ muôn thuở, trong Chúa Thánh Thần, yêu mến Ngài và nhìn thấy trong khuôn mặt nhân loại của Ngài “Chúa Con yêu dấu” Đấng mà Người rất hài lòng (x. Mc 1, 11; 9, 7). Sau đó có lòng âu yến hoàn toàn nữ tính và từ mẫuĐức Maria đã bao bọc Ngài suốt những năm dài sống tại ngôi nhà ở Nazarét. Truyền thống kitô giáo, nhất là vào thời Trung cổ, thường đã dừng lại để chiêm ngắm Đức Trinh Nữ ẵm bế Hài nhi Giêsu. Aelred Rievaulx, chẳng hạn, thân ái thưa chuyện với Đức Maria, mời gọi Mẹ ôm lấy Chúa Con mà, sau ba ngày, Mẹ đã tìm thấy trong đền thánh (x. Lc 2, 40-50). “Ôi Bà rất dịu hiền, hãy ôm chặt Đấng mà Bà yêu mến, hãy giơ tay ôm ấp người, ôm hôn Người, và vui hưởng bù lại vì đã mất con ba ngày” (De Iesus puero duodenni 8: SCh 60, p. 64).
Thiên Chúa đến với Đức Maria trong sự khiêm hạ của Mẹ
2.         “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Hình ảnh Đức Giêsu ôm ấp một em bé diễn tả sống động nguyên tắc này. Chính Con Người Đức Giêsu là mẫu gương trọn hảo cho nguyên tắc này, và Đức Maria cũng vậy.
Không ai có thể nói mình là người “trên hết” ngoại trừ Đức Giêsu. Quả thế chính Đức Giêsu là “Khởi nguyên và Cùng tận”, là “Alpha và Omega”, (x. Kh 22, 13), là phản chiếu vinh quang Chúa Cha (x. Dt 1, 3). Trong biến cố Phục sinh, Chúa Cha đã ban cho Ngài “danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9). Tuy nhiên, trong cuộc Khổ nạn, Ngài cũng cho thấy mình là “người cùng rốt” và là “người đầy tớ của mọi người”, khi không ngần ngại rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,14)
Đức Maria bắt chước sự hạ mình của Đức Giêsu thật sát biết bao! Mặc dù được trao cho sứ mạng là Mẹ Thiên Chúa và được những đặc ân vượt trên hết mọi tạo vật nhưng Mẹ vẫn trước hết và trên hết nhận mình là nữ tì hèn mọn của Đức Chúa (Lc 1, 38.48), và dâng hiến trọn vẹn để phục vụ Chúa Con. Với tinh thần sẵn sàng vâng phục, Mẹ cũng làm cho mình thành “tôi tớ” của mọi người. Điều này được thấy rõ trong Tin Mừng từ đoạn Đức Maria Viếng thăm đến Tiệc cưới Cana.
3.         Đây chính là lý do tại sao nguyên tắc Đức Giêsu nói trong Tin mừng cũng làm nổi bật sự cao cả của Đức Maria. “Chỗ đứng cao cả” của Mẹ bắt nguồn từ sự “khiêm hạ” của Mẹ. Chính trong sự khiêm hạ này mà Thiên Chúa đã đến với Mẹ, đổ tràn ơn huệ của Người trên Mẹ và làm cho Mẹ thành “kecharitomene”, Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1, 28). Chính Mẹ đã tuyên xưng trong kinh Magnificat: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 48-49).
Trong Đại Hội Thánh Mẫu vừa mới kết thúc, anh chị em đã chăm chú nhìn đến những “điều cao cả” đã điểm trang Đức Maria, phản ánh trong chiều kích nội tâm sâu kín nhất, tức là mối liên hệ rất đặc biệt của Mẹ với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Con Một Thiên Chúa, thì tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi thấy Mẹ vui hưởng mối liên hệ hoàn toàn độc nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần?
Mối liên hệ này chắc chắn không tránh cho Mẹ, trong cuộc đời trần thế, khỏi những cố gắng của thân phận làm người: Đức Maria đã sống trọn vẹn thực tại hằng ngày của biết bao gia đình hèn kém vào thời ấy, Mẹ cũng biết đến sự nghèo nàn, đau khổ, trốn chạy, lưu đày, hiểu lầm. Vì thế sự cao trọng thiêng liêng của Mẹ không làm cho Mẹ trở nên “xa cách” chúng ta; Mẹ đi trước con đường của chúng ta và liên đới với chúng ta trong cuộc “lữ hành đức tin” (Lumen gentium, số 58). Nhưng trong cuộc hành trình nội tâm này, Đức Maria đã tin tưởng tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa. Chính trong chiều sâu thẳm của lòng trung thành này làm phát sinh sự cao trọng tuyệt vời làm cho Mẹ trở nên “người hèn mọn và được tôn vinh hơn bất cứ tạo vật nào” (Dante, Par XXXIII, 2).
Tư cách làm Mẹ của Đức Maria ban cho Mẹ một sự thánh thiện trỗi vượt
4.         Trong con mắt chúng ta, Đức Maria trước tiên là “người nữ yêu dấu” của Chúa Cha (Lumen gentium, n. 53). Nếu tất cả chúng ta được Thiên Chúa mời gọi “trở nên con của Người nhờ Chúa Giêsu” (x. Eph 1, 5), làm “con trong Chúa Con”, thì điều này lại đúng cách đặc biệt cho Mẹ, Đấng có đặc ân là có thể nhắc lại trọn vẹn theo bình diện nhân loại những lời mà Chúa Cha đã nói với Đức Giêsu : “Con là Con yêu dấu của Ta” (x. Lc 3, 22; 2, 48). Vì chức vụ làm Mẹ, Mẹ đã được ban cho sự thánh thiện trỗi vượt mà Chúa Cha âu yếm để mắt tới.
Sở dĩ Đức Maria có một liên hệ duy nhất với Ngôi Hai Thiên Chúa, Lời đã mặc lấy xác phàm, là vì Mẹ đã trực tiếp tham dự vào Mầu Nhiệm Nhập thể. Mẹ là Mẹ của Ngài và vì Đức Kitô kính trọng và yêu thương Mẹ. Đồng thời, Mẹ nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa và là Đức Chúa, bằng cách biến mình trở nên một người môn đệ có tâm hồn lắng nghe và trung tín (x. Lc 2, 19, 51), và trở nên người liên kết cách quảng đại với công trình Cứu chuộc. Trong Ngôi Lời nhập thể và trong Đức Maria, khoảng cách vô biên giữa Đấng tạo hoá và tạo vật trở nên vô cùng gần gũi; các Ngài là nơi thánh thiêng diễn ra sự kết hiệp nhiệm mầu giữa thần tính với nhân tính, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải lần đầu tiên và là nơi Đức Maria đại diện cho một nhân loại mới, sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại của Giao ước trong thái độ yêu thương và vâng phục.
5.         Và rồi ta có thể nói gì về mối liên hệ giữa Mẹ và Chúa Thánh Thần? Đức Maria là “nhà tạm” tinh sạch nhất cho Chúa Thánh Thần ngự vào. Truyền thống Kitô giáo xem Đức Maria như là nguyên mẫu của sự đáp trả ngoan ngùy với tác động bên trong của Chúa Thánh Thần, là mẫu gương cho sự đón nhận trọn vẹn những ân huệ của Người. Chúa Thánh Thần nâng đỡ đức tin, củng cố đức cậy và đốt cháy lên ngọn lửa yêu mến của Mẹ. Chúa Thánh Thần làm cho sự trinh khiết Mẹ sinh nhiều hoa trái và thúc đẩy Mẹ hát lên bài thánh ca của niềm vui. Chúa Thánh Thần soi sáng việc suy niệm Lời Chúa của Mẹ, dần dần mở lòng Mẹ để hiểu sứ mạng của Chúa Con. Chính Chúa Thánh Thần lại đỡ nâng Mẹ đớn đau trên đồi Canvê và chuẩn bị Mẹ đang chờ đợi và cầu nguyện ở Phòng lầu trên, hầu đón nhận sự tuôn đổ tràn lan những ơn thiêng vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Năm Thánh của Chúa Con cũng là Năm Thánh của người Mẹ
6.         Anh chị em thân mến! Trước mầu nhiệm này của ân sủng, ta thấy rõ là hai biến cố mà việc cử hành Bí Tích Thánh Thể gắn liền với nhau, thích hợp như thế nào đối với Năm Thánh: Đại Hội Thánh Mẫu học Quốc tế và Năm Thánh Quốc tế của các Đền thánh Đức Mẹ. Không phải chúng ta đang kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đức Giêsu đó sao ? Vậy thì cũng là tự nhiên, Năm Thánh của Chúa Con cũng phải là Năm Thánh của người Mẹ!
Cũng vì thế chúng ta hy vọng rằng, trong những hoa trái của năm hồng phúc này, cũng như hoa trái của tình yêu lớn hơn dành cho Đức Ki-tô, sẽ có những hoa trái của lòng sùng kính được đổi mới dành cho Đức Maria. Quả thế, Đức Maria phải được yêu mến và tôn kính cách sâu xa nhưng với một lòng sùng kính, để đích thực:
-  cần phải cắm rễ sâu trong Kinh Thánh và Truyền thống, trước hết làm nên phần lớn của phụng vụ và rút ra từ đó chiều hướng lành mạnh cho những biểu lộ bột phát nhất của lòng đạo đức bình dân;
-  cần phải được diễn tả qua một nỗ lực bắt chước Đấng Toàn Thánh theo một cách thức của sự hoàn thiện cá nhân;
-  cần phải tránh xa mọi hình thức dị đoan và cả tin, khi đón nhận những bày tỏ lạ lùng mà Đức Trinh Nữ thường muốn ban cho vì lợi ích của dân Chúa, theo phương thế đúng đắn, phù hợp với sự biện phân của giáo hội;
-  phải luôn có khả năng trở về với nguồn mạch phát xuất sự cao cả của Đức Maria, trở nên lời kinh Magnificat không ngừng để ca ngợi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
7.         Anh Chị em thân mến! Đức Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Bất cứ ai đón nhận một em nhỏ vì danh Ta là đón nhận Ta”. Người cũng có thể nói với chúng ta điều còn thích hợp hơn là : “Bất cứ ai đón nhận Mẹ Ta là đón nhận Ta”. Và Đức Maria, về phần mình, khi được đón nhận với tình con thảo, một lần nữa chỉ về Chúa Con cho chúng ta như Mẹ đã làm tại tiệc cưới Cana: “Hãy làm tất cả những gì Người bảo các anh” (Ga 2, 5).
Các bạn thân mến, ước gì đó là lời nhắn nhủ của việc cử hành Năm Thánh hôm nay, cuộc cử hành nối kết Đức Kitô và Mẹ rất thánh Người trong một lời ngợi khen. Tôi hy vọng rằng mỗi người trong anh chị em sẽ nhận được dồi dào hoa trái thiêng liêng từ đó và được khích lệ để đích thực đổi mới đời sống. Ad Jesum per Mariam. Amen.
+ Gioan-Phaolô II