BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
TRONG THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC
TẠI BLONIA, KRAKOVIA
"Đây là điều răn của Thầy
là các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con" (Jn 15:2).
Anh chị em thân mến!
1. Những lời này của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe liên quan rất mật thiết với chủ đề của buổi tập hợp phụng vụ hôm nay tại Blonia, Krakovia: "Thiên Chúa giầu lòng xót thương". Câu nói này theo một nghĩa nào đó nắm bắt toàn bộ sự thật về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu đã cứu độ nhân loại. "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô."(Eph 2:4-5). Sự viên mãn của tình yêu này đã được tỏ lộ trong sự hy sinh trên thập giá. Vì "không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."(Jn 15:13). Đó là thước đo tình yêu của Thiên Chúa! Đó là thước đo lòng từ bi của Ngài!
Một khi chúng ta nhận ra sự thật này, chúng ta nhận thức được lời Chúa mời gọi ta hãy yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu thương chúng ta cùng mức độ đó. Chúng ta cảm thấy cách nào đó phải biến đời ta trở nên của lễ hàng ngày bằng cách chứng tỏ lòng thương xót đối với anh chị em chúng ta, một lòng thương xót được kín múc từ hồng ân lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa trong khi tỏ lộ lòng thương xót của Ngài trên chúng ta, cũng mời gọi chúng ta nên chứng nhân của lòng thương xót trong thế giới hôm nay.
2. Lời mời gọi nên chứng nhân của lòng thương xót lại vang lên với một sự hùng hồn đặc biệt nơi đây, tại thành phố Krakovia thân yêu này, nhất là tại Đền Thờ Chúa Từ Bi Lagiewniki và đền thờ mới mà hôm qua tôi đã vui mừng cung hiến. Nơi đây lời mời gọi này vang lên quen thuộc, vì nó kêu mời một truyền thống ngàn đời của thành phố này, một thành phố luôn được tiếng là sẵn sàng cứu giúp những ai đang cần sự trợ giúp. Chúng ta không thể quên rằng truyền thống này bao gồm vô số các Thánh và các Chân Phước là những linh mục, những người sống đời thánh hiến và giáo dân, những người đã hiến mạng sống của mình hoạt động cho lòng thương xót. Bắt đầu với Đức Giám Mục Stanislaus, Hoàng hậu Hedwig, Thánh John Kety và Piotr Skarga, và tiếp tục với Anh Em Albert, Angela Salawa và Đức Hồng Y Sapieha, gia sản của lòng thương xót này đã được truyền đến nhiều thế hệ của người Kitô Hữu của thành phố này qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, gia sản này được đặt trong tay chúng ta và nó không thể bị quên lãng.
Tôi cám ơn Đức Hồng Y Franciszek Macharski vì những lời chào mừng của ngài đã nhắc nhớ chúng ta đến truyền thống này. Tôi biết ơn lời mời tôi viếng thăm thành phố Krakovia thân yêu và tình cảm nồng hậu dành cho tôi. Tôi chào tất cả mọi người hiện diện nơi đây, bắt đầu với các Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục và tất cả những ai thông phần trong Phụng Vụ Thánh Thể này qua làn sóng điện và qua truyền hình.
Tôi chào toàn thể Ba Lan. Trong tinh thần tôi lần theo bước cuộc hành trình soi sáng mà thánh Faustina Kowalska đã chuẩn bị để nhận sứ điệp lòng thương xót Chúa - từ Vácxava đến Plock, Vilnius và cuối cùng là Krakovia - và tôi liên tưởng đến tất cả những ai hợp tác với vị Tông Đồ của lòng thương xót trong cuộc hành trình đó. Tôi ôm ấp với tình cảm nồng nhiệt đồng bào tôi, đặc biệt những người đang đau khổ và đau yếu; những ai đang phải chiến đấu với các khó khăn khác nhau, những người thất nghiệp, những người vô gia cư, những người già cả, cô đơn, và những gia đình đông con. Tôi bảo đảm với họ về sự gần gũi và đồng hành thường xuyên của tôi trong kinh nguyện. Lời chào của tôi cũng xin gởi đến dồng bào tôi trên khắp thế giới. Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến những người hành hương đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau thuộc Âu Châu và trên toàn thế giới.
3. Từ thuở ban đầu xuất hiện, Giáo Hội trong khi nhắc đến mầu nhiệm của Thập Giá và sự Phục Sinh, đã không ngừng rao giảng về lòng thương xót Chúa, một lời cam kết đầy hy vọng và một nguồn mạch cứu độ con người. Tuy vậy, chúng ta ngày nay đặc biệt được mời gọi để công bố sứ điệp này trước thế giới. Nếu Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta qua chứng tá của Thánh Faustina, chúng ta không thể xao nhãng sứ vụ này.
Thiên Chúa đã chọn chính thời đại của chúng ta cho mục đích này. Có lẽ bởi vì thế kỷ 20, bất chấp những thành quả không thể chối cãi trong nhiều lãnh vực, đã được ghi dấu cách đặc biệt bởi "mầu nhiệm của sự gian ác". Với di sản cả thiện lẫn ác này, chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ mới. Những triển vọng phát triển mới đang mở ra trước mắt nhân loại cùng với những hiểm họa chưa từng nghe nói đến. Quá thường con người sống như không có Thiên Chúa, và ngay cả đặt họ vào vị thế của Thiên Chúa. Con người dành quyền của Đấng Tạo Hóa để can thiệp vào mầu nhiệm cuộc sống. Con người mong muốn quyết định sự sống nhân loại qua thao tác gen và thiết đặt giới hạn của sự chết. Trong khi chối bỏ luật thánh và những nguyên tắc đạo đức, con người công khai tấn công gia đình. Bằng nhiều cách khác nhau, con người cố làm lặng câm tiếng nói của Thiên Chúa trong tâm tư nhân loại; con người muốn biến Thiên Chúa thành sự "trống vắng vĩ đại" trong văn hóa và lương tâm các dân tộc. "Mầu nhiệm gian ác" tiếp tục đánh dấu thực tại của thế giới.
Với mầu nhiệm này, con người sống trong sự âu lo về tương lai, sợ hãi sự trống rỗng, kinh hoàng trước đau khổ và khiếp sợ sự tận diệt. Có lẽ chính vì lý do này mà Đức Kitô, qua chứng tá của một nữ tu đơn sơ, đã bước vào thời đại chúng ta để chỉ ra rõ ràng nguồn mạch của sự chữa lành và hy vọng được tìm thấy nơi lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa.
Sứ điệp của tình yêu từ ái cần được vang lên thật mới mẽ. Thế giới cần tình yêu này. Đã đến giờ để mang sứ điệp của Đức Kitô đến cho mọi người: cho kẻ thống trị và kẻ bị trị, đến những ai mà tình nhân loại và phẩm giá làm người dường như đã bị mất đi trong mầu nhiệm của sự gian ác. Đã đến giờ để sứ điệp của lòng Thương Xót Thánh Thiện có thể đong đầy tâm tư con người với hy vọng và trở nên chất xúc tác cho một nền văn minh mới: nền văn minh tình thương.
4. Giáo Hội không ngừng mong muốn công bố sứ điệp này, không chỉ bởi những lời lẽ thuyết phục, nhưng còn bởi sự sẵn sàng thực hiện lòng thương xót. Đó là lý do tại sao Giáo Hội không ngừng đưa lên những gương sáng đáng kinh ngạc của những cá nhân mà do lòng yêu mến Thiên Chúa và loài người "đã tiến lên phía trước và mang lại hoa trái". Hôm nay đây Giáo Hội ghi thêm bốn vị Chân Phước vào số họ. Các vị đã sống trong nhiều thời điểm khác nhau với nhiều mảnh đời khác nhau. Nhưng các vị hiệp nhất bởi tính chất thánh thiện là sự nhiệt thành với lòng thương xót.
Chân Phước Sigismund Felix Felinski, Tổng Giám Mục Vácxava, trong suốt một giai đoạn khó khăn đánh dấu bởi sự mất tự do của đất nước, đã thúc giục mọi người bền đỗ trong các công việc phục vụ quảng đại dành cho người nghèo, thiết lập các cơ sở giáo dục và các công việc bác ái. Chính ngài thành lập một viện mồ côi và một trường học. Ngài cũng đem các nữ tu của dòng Đức Trinh Nữ Maria Đầy Ơn Phúc Của Lòng Từ Bi đến Vácxava và nâng đỡ công việc mà họ đã khởi sự. Sau cuộc nổi dậy bất thành năm 1863, trong tinh thần trắc ẩn đối với anh chị em của mình, ngài đã công khai bênh vực những người bị bách hại. Ngài đã phải trả giá cho sự trung tín này bằng cuộc lưu đầy bên trong nước Nga kéo dài 20 năm. Ngay cả tại đó, ngài tiếp tục nhớ đến những người nghèo và tuyệt vọng, chứng tỏ cho họ thấy tình yêu cao cả, sự kiên nhẫn và hiểu biết. Người ta đã viết về ngài rằng "trong cuộc lưu đầy của ngài, bị ngược đãi về mọi mặt, trong sự nghèo nàn, ngài luôn một mình dưới chân Thánh Giá, phó thác chính ngài cho lòng thương xót Chúa".
Cuộc đời ngài là một gương sáng hoạt động mục vụ mà hôm nay cách riêng tôi muốn tín thác nơi các Anh Em Giám Mục. Thưa các Đức Giám Mục, Đức Tổng Giám Mục
Felinski nâng đỡ các nỗ lực của quý hiền huynh để hình thành và thực thi các chương trình mục vụ từ bi. Xin cho những chương trình này là thể hiện của sự dấn thân của quý hiền huynh, chủ yếu trong đời sống Giáo Hội và sau đó, khi thích hợp và cần thiết, cả trong đời sống xã hội và chính trị của Đất Nước, của Âu Châu và của thế giới.
Được linh hứng bởi tinh thần bác ái xã hội, Đức Tổng Giám Mục Felinski dâng hiến toàn bộ đời ngài để bảo vệ tự do của đất nước. Điều này ngày nay cũng cần thiết khi các lực lượng khác nhau - thường dưới sự hướng dẫn của một ý thức hệ lầm lạc về tự do - cố gắng chiếm lĩnh đất nước này. Khi lời tuyên truyền ồn ào của chủ nghĩa tự do, của thứ tự do không đi kèm với sự thật và trách nhiệm, cũng vang lên mạnh mẽ trên đất nước chúng ta, các Mục Tử của Giáo Hội không thể không công bố triết lý không thể lầm lạc về tự do, đó là sự thật về Thập Giá Chúa Kitô. Triết lý về sự tự do này tìm thấy một động lực đầy đủ trong lịch sử đất nước chúng ta.
5. Lòng ao ước mang lòng thương xót đến cho những người túng thiếu đã dẫn dắt Chân Phước Jan Beyzym đến miền Madagascar xa xôi, nơi đó xuất phát từ tình yêu Chúa Kitô, ngài đã dâng mình chăm sóc cho người cùi. Ngày lẫn đêm, ngài phục vụ những ai bị gạt ra ngoài lề và bị tách biệt khỏi đời sống xã hội. Do công việc của lòng thương xót nhân danh những kẻ bị bỏ rơi và khinh miệt, ngài đã đưa ra một chứng tá ngoại thường. Đó là chứng tá đã vang lên trước hết tại Krakovia, sau đó tại Ba Lan và lan rộng ra những người Ba Lan tại hải ngoại. Nhiều khoản trợ giúp đã được quyên góp để xây dựng nhà thương mang tên Đức Bà Czestochowa, vẫn còn đứng vững cho đến nay. Một trong những người đề xướng việc này là Thánh Anh Albert.
Tôi hài lòng rằng tinh thần liên đới trong yêu thương tiếp tục giữ vai trò chủ động trong Giáo Hội tại Ba Lan; điều này thấy được trong rất nhiều những chương trình trợ giúp các cộng đoàn gặp thiên tai tại nhiều nơi trên thế giới, và trong sáng kiến gần đây trong việc mua nông sản thặng dư và gởi cho những người đói tại Phi Châu. Tôi hy vọng rằng dự án này sẽ đem lại hoa trái.
Công việc bác ái của Chân Phước Jan Beyzym là một phần không thể thiếu của sứ vụ căn bản của ngài: đem Tin Mừng đến cho những ai chưa biết. Đây là món quà cao cả nhất của lòng thương xót: mang con người đến với Chúa Kitô và ban cho họ cơ may để biết đến và tận hưởng niềm tình yêu của Ngài. Do đó tôi xin anh chị em: hãy cầu nguyện cho sự phát triển ơn gọi trong Giáo Hội tại Ba Lan. Hãy nâng đỡ không ngừng những nhà truyền giáo bằng lời cầu nguyện của anh chị em.
6. Cuộc đời của Chân Phước Jan Balicki được đánh dấu bởi sự phục vụ cho lòng thương xót. Trong vai trò là một linh mục, tâm tư ngài luôn mở rộng đối với những người túng thiếu. Thừa tác vụ yêu thương của ngài bên cạnh việc giúp đỡ người đau yếu và nghèo đói, được diễn tả một cách nhiệt thành đặc biệt nơi tòa giải tội, nơi đó ngài với đầy lòng nhẫn nại và khiêm nhường luôn rộng mở để đem những người tội lỗi có lòng thống hối về với ngai tòa của hồng ân chí thánh.
Nhớ đến điều này, tôi hướng về các linh mục và các chủng sinh: tôi khẩn khoản xin các anh em, đừng quên rằng như anh em là những người ban phát lòng Từ Bi Chúa, anh em có một trách nhiệm lớn lao, cũng nên nhớ rằng Đức Kitô an ủi anh em với lời hứa của Ngài qua trung gian Thánh Faustina: "Hãy nói với các linh mục của Ta rằng những tội nhân cứng lòng sẽ mềm đi trước những lời của họ, khi họ nói về lòng Từ Bi vô biên của Ta và lòng trắc ẩn của Ta dành cho họ trong tim Ta" (Nhật Ký, 1521).
7. Hoạt động từ bi ghi dấu trong ơn gọi của Chân Phước Santia Janina Szymkowiak, nữ tu "Seraphica". Chị đã nhận lãnh từ gia đình một tình yêu nhiệt thành dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trong tinh thần này chị chất chứa trong lòng đầy điều tốt đẹp dành cho người khác, đặc biệt những người nghèo và người túng quẫn. Chị bắt đầu giúp đỡ người nghèo đầu tiên trong vai trò thành viên Hội Con Đức Bà và sau đó trong vai trò thành viên Hội Thánh Vinh Sơn Từ Bi; sau đó, khi đã bước vào đời thánh hiến, chị dâng mình cho việc phục vụ tha nhân với lòng nhiệt thành mạnh mẽ hơn nữa. Chị chấp nhận thời buổi khó khăn dưới thời Quốc Xã chiếm đóng như một dịp để hiến dâng hoàn toàn cho người túng quẫn. Chị luôn coi ơn gọi sống đời tu trì như là một hồng ân của lòng Từ Bi Chúa.
Khi tôi chài đón Cộng Đoàn Các Nữ Tử Của Đức Mẹ Sầu Bi, các chị "Seraphic", tôi hướng đến tất cả những ai sống đời thánh hiến. Xin Chân Phước Santia trở nên quan thầy cho anh chị em. Xin hãy biến anh chị em thành các chứng nhân tinh thần của Chân Phước, được nói gọn trong một câu: "Dâng mình cho Chúa, bạn phải trao phó chính mình đến độ hoàn toàn tự đánh mất mình đi".
8. Anh chị em, khi chúng ta tôn vinh những Chân Phước này, tôi muốn nhắc lại lần nữa điều tôi đã viết trong Encyclical Dives in Misericordia: "Con người đạt được lòng từ ái của Thiên Chúa, lòng thương xót của Ngài, đến mức mà chính họ được biến đổi nội tại trong tinh thần yêu thương tha nhân". (No. 14). Theo con đường này, chúng ta mới có thể tái khám phá sâu sắc hơn nữa mầu nhiệm lòng Từ Bi Chúa và sống trong mầu nhiệm đó hàng ngày trong đời ta.
Đối diện với những hình thái nghèo đói mới mà như chúng ta đều biết là không thiếu gì trên quê hương chúng ta, điều cần thiết ngày nay, như tôi đã đề cập đến trong Tông Thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới, là "một sự sáng tạo mới trong tình bác ái" (No. 50), trong một tình liên đới hướng về tha nhân, sao cho sự trợ giúp mà chúng ta đưa ra trở (ibid.). Cầu mong cho "sự sáng tạo" này không bao giờ thiếu nơi người dân Krakovia và nơi tất cả mọi đồng bào trên quê hương chúng ta. Điều đó tiêu biểu cho kế hoạch mục vụ của Giáo Hội tại Ba Lan. Cầu mong sao cho sứ điệp lòng Từ Bi Chúa luôn được phản ánh trong những hoạt động từ bi nhân loại.
Chúng ta cần phải nhìn chung quanh chính chúng ta nếu chúng ta ý thức về người láng giềng bên cạnh chúng ta, những người - vì mất việc, mất nhà, vì muốn duy trì mái ấm gia đình cho đàng hoàng và giáo dục được con cái - đang cảm thấy một cảm giác bị bỏ rơi, một cảm giác bị mất phương hướng, hay một cảm giác mất niềm tin. "Sự sáng tạo trong bác ái" này cần cung cấp những trợ lực vật chất và tinh thần cho những trẻ em bị bỏ rơi, để giữ cho chúng ta đừng quay lưng với những trẻ em nam nữ đang cảm thấy lạc lỏng trong một thế giới của nghiện ngập hay tội ác; để đưa ra lời khuyên, lời ủi an và sự nâng đỡ tinh thần cho những ai đang chiến đấu với nội tâm chống lại tội ác. Xin cho "sự sáng tạo" này không bao giờ vắng bóng khi người đang túng thiếu khẩn cầu: "Xin cho chúng tôi lương thực hàng ngày". Nhờ vào tình yêu huynh đệ, lương thực này sẽ không thiếu. "Phúc cho những ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương". (Mt 5:7).
9. Trong chuyến hành hương năm 1979 của tôi tại Ba Lan, nơi Blonia này tôi đã nói rằng " Khi chúng ta mạnh mẽ trong Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta cũng mạnh mẽ nơi niềm tin với con người - mạnh mẽ trong đức tin, đức cậy và đức mến là những điều không thể tách rời nhau - và chúng ta sẵn sàng làm chứng cho đại nghĩa của con người trước những ai có đại nghĩa này trong lòng" (Bài giảng thánh lễ tại Blonia, Krakovia 10/6/1979, 4). Do đó, tôi mong anh chị em: "Đừng lơ là việc bác ái, là điều 'cao cả nhất trong những điều này' và là điều đã tự tỏ ra trên Thập Giá. Không có tình bác ái ấy, đời sống con người không có căn cội và không có nghĩa gì" (ibid., 5).
Anh chị em thân mến, hôm nay tôi nhắc lại lời mời gọi này: hãy mở rộng lòng anh chị em cho hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa, cho tình yêu của Ngài mà, qua Thập Giá của Đức Kitô, đã mạc khải cho thế giới như một tình yêu đầy lòng thương xót. Hôm nay, sống trong thời buổi khó khăn, ở buổi rạng đông của một thế kỷ mới và của thiên niên kỷ mới, chúng ta hãy tiếp tục "sẵn sàng mang chứng tá cho đại nghĩa của con người". Hôm nay đây, với tất cả sức mạnh của tôi, tôi khấn cầu con cái nam nữ của Giáo Hội, và mọi người thiện chí: đừng bao giờ, tách biệt "sự nghiệp của con người" khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Hãy giúp những người nam nữ thời đại mới biết đến tình yêu từ ái của Thiên Chúa! Tình yêu này, trong sự huy hoàng và nồng ấm của nó sẽ cứu rỗi nhân loại!
Bản dịch của J.B. Đặng Minh An