LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Bài Giáo Lý - Bí Tích Thánh Thể Là Sự Ca Ngợi Vinh Quang Thiên Chúa - 27-9-2000

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIÁO LÝ
BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ SỰ CA NGỢI VINH QUANG THIÊN CHÚA
27-9-2000
1.         Theo chương trình phác họa trong Tertio millennio adveniente, năm Toàn xá này, một dịp cử hành long trọng mầu nhiệm Nhập thể, phải là một năm “có tính Thánh Thể mãnh liệt” (TMA, số 55). Do đó, sau khi đã chiêm ngắm vinh quang Ba Ngôi chiếu toả trên đường đi của con người, chúng ta hãy khởi sự bài giáo lý về việc cử hành vinh quang Thiên Chúa, cao cả nhưng đồng thời khiêm tốn, tức là bí tích Thánh Thể. Cao cả, bởi vì Thánh Thể là sự biểu lộ chính yếu về sự   hiện diện của Đức Kitô giữa chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 29) ; khiêm tốn, bởi vì Thánh Thể được giao phó cho những dấu đơn sơ, hằng ngày đó là bánh và rượu, thức ăn và thức uống tại quê hương Chúa Giêsu và nhiều vùng đất khác. Qua của ăn hằng ngày này, Thánh Thể giới thiệu không những lời hứa nhưng còn là “bằng chứng” cho vinh quang mai sau : “futurae gloriae nobis pignus datur” (Bảo chứng vinh quang mai hậu được ban cho chúng ta: Thánh Tomas Aquinô, Phụng vụ các Giờ kinh lễ Mình Máu Chúa). Muốn hiểu thấu vẻ cao cả của mầu nhiệm Thánh Thể, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về chủ đề vinh quang Thiên Chúa và về hành động của Người  trong thế giới, có lúc được tỏ bày qua những biến cố cứu độ vĩ đại, có lúc bị che giấu dưới những dấu chỉ khiêm tốn mà chỉ con mắt đức tin mới có thể thấu suốt được.
Toàn thế giới được soi sáng bởi ánh vinh quang Thiên Chúa
2.         Trong Cựu Ước, tiếng Do Thái kabód chỉ sự mặc khải vinh quang Thiên Chúa và sự hiện diện của Người trong lịch sử và sự sáng tạo. Vinh quang Chúa sáng chói trên đỉnh núi Sinai, nơi mặc khải Lời Thiên Chúa (x. Xh 24, 16). Vinh quang đó hiện diện trong lều thánh và trong phụng vụ của dân Chúa đang hành trình trong sa mạc (x. Lv 9, 23). Vinh quang đó ngự trị trong đền thờ, nơi - như tác giả Thánh vịnh nói - “rạng ngời vinh quang Chúa” (Tv 26, 8). Vinh quang đó bao bọc toàn dân được tuyển chọn như trong một áo khoác đầy ánh sáng (x. Is 60, 1). Chính thánh Phaolô ý thức rằng “họ là người Israel, và họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước...” (Rm 9, 4).
3.         Vinh quang Thiên Chúa, được tỏ bày cách đặc biệt cho dân Israel, hiện diện trên toàn vũ trụ, như ngôn sứ Isaia đã nghe sứ thần Seraphim loan báo lúc ông nhận lãnh ơn gọi: “Thánh, thánh, chí thánh, Đức Chúa các đạo binh là Đấng thánh ; cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa” (Is 6, 3) Thật vậy, Chúa mặc khải vinh quang Người cho tất cả các dân tộc, như chúng ta đọc trong sách Thánh Vịnh : “Hết mọi dân tộc được thấy vinh quang Người” (Tv 97, 6). Do đó, ánh sáng vinh quang mà nhờ đó, cả nhân loại có thể khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ, có tính phổ biến.
Mặc khải này được hoàn thành cách riêng trong Chúa Kitô, bởi vì Người là “phản ánh vẻ huy hoàng” của Thiên Chúa (Dt 1,3). Qua các việc làm của  Người, như thánh sử Gioan minh chứng khi đối diện dấu lạ thành Cana, Người  cũng là Đức Kitô: Đấng “bày tỏ vinh quang Người, và các môn đệ Người đã tin vào Người” (Ga 2, 11). Người cũng toả chiếu vinh quang Thiên Chúa qua lời nói thần linh của Người: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha; con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con”, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha như thế (Ga 17, 14, 22). Cách triệt để hơn, Chúa Kitô tỏ bày vinh quang Thiên Chúa qua nhân tính của Người, mặc lấy trong mầu nhiệm Nhập thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý ; chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một” (Ga 1, 14).
Vinh quang Thiên Chúa được mặc khải trong hy lễ Thánh Thể
4.         Việc mặc khải vinh quang Thiên Chúa ở trần gian đạt tới đỉnh cao trong ngày Phục sinh, ngày mà, đặc biệt trong các văn bản của  thánh Gioan và thánh Phaolô, được phác hoạ như là sự tuyên dương Chúa Kitô bên hữu Chúa Cha (x. Ga 12, 23 ; 13, 31 ; 17, 1 ; Pl 2, 6-11 ; Cl 3, 1 ; 1 Tm 3, 16). Giờ đây mầu nhiệm phục sinh, trong đó “Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo” (Sacrosanctum Concilium, n. 7), được lưu truyền mãi trong hy lễ Thánh Thể, cuộc tưởng niệm sự chết và sống lại mà Đức Giêsu  đã giao phó cho Giáo Hội, Hiền thê rất yêu quí của Người (x. ibid, n. 47). Với lệnh truyền “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), Đức Giêsu  bảo đảm sự hiện diện của vinh quang phục sinh trong tất cả những khi cử hành Thánh Thể suốt dòng lịch sử nhân loại. “Nhờ bí tích Thánh Thể, biến cố Phục sinh của Chúa Kitô trải dài trong Giáo Hội... Nhờ hiệp thông với Mình và Máu Chúa Kitô, người tín hữu lớn lên trong sự thần hóa nhiệm mầu; nhờ Chúa Thánh Thần sự thần hóa đó làm cho người tín hữu ở trong Chúa  Con như những người  con của Chúa Cha” (John Paul II và Moran Mar Ignatius Zakka I Iwas, Tuyên bố chung, 23 June 1984, n. 6 : Enchiridion Vaticanum, 9, 842).
5.         Chắc chắn rằng việc cử hành cao cả nhất về vinh quang Thiên Chúa được tìm thấy ngày nay trong phụng vụ : “Vì sự chết của Chúa Kitô trên Thánh giá và sự phục sinh của Người tạo nên nội dung cuộc sống hằng ngày của Giáo Hội và là bảo chứng cho cuộc vượt qua vĩnh cửu, trách nhiệm đầu tiên của phụng vụ là không ngừng dẫn dắt chúng ta  trên con đường phục sinh mà Đức Kitô đã mở ra, trên con đường ấy chúng ta chấp nhận cái chết để được vào sự sống” (Tông thư Vicesimus quintus annus, n. 6). Giờ đây, trách nhiệm đó được thực thi trước hết qua việc cử hành Thánh Thể, việc cử hành làm cho cuộc Vượt Qua của Đức Kitô hiện diện và thông truyền động lực của nó cho người tín hữu. Như vậy sự thờ phượng của người Kitô hữu là sự diễn tả chân thành nhất của sự gặp gỡ giữa vinh quang Thiên Chúa và sự tôn vinh, xuất phát từ môi miệng và lòng dạ con người. Việc  chúng ta “tôn vinh Chúa cách quảng đại” (Sir 35,8) phải tương ứng với “vinh quang của Chúa tràn đầy nhà tạm” (x. Xh 40, 34).
6.         Thánh Phalô nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cũng phải tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta, nghĩa là trong cả cuộc sống chúng ta, bởi vì thân xác chúng ta là đền thờ của Thánh Khí, Đấng ngự trong chúng ta (x. 1 Cr 6, 19, 20). Trong ánh sáng này, ta cũng có thể nói về một cuộc cử hành vinh quang Thiên Chúa của vũ trụ. Thế giới tạo thành, “thường bị biến dạng bởi tính ích kỷ và tham lam”, có trong mình “một khả năng dâng lời tạ ơn” (Eucharistic potential): “nó được tiền định được tháp nhập vào Thánh Thể của Chúa, vào cuộc Vượt Qua của người, hiện diện trong hy lễ bàn thờ” (Orientale lumen, n. 11). Đáp trả lại sự hiện diện của vinh quang Chúa “vượt xa trời cao thẳm” (Tv 113, 4) và chiếu toả trên vũ trụ, là sự đồng ca của tạo thành, trong một đối âm hài hòa, ngõ hầu “trong mọi việc chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (1 Pr 4, 11).
+ Gioan-Phaolô II