LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II – Bài Giảng Con Người Hiến Mạng Sống Làm Giá Chuộc - Ngày Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo 22.10.2000

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIẢNG CON NGƯỜI HIẾN MẠNG SỐNG LÀM GIÁ CHUỘC
NGÀY CHÚA NHẬT QUỐC TẾ TRUYỀN GIÁO 22.10.2000
1. "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người" (Mc 10,45)
Anh chị em thân mến, những lời này của Chúa vang vọng trong ngày hôm nay, ngày Chúa Nhật Quốc tế Truyền giáo, như là tin mừng cho toàn thể nhân loại và như là chương trình sống cho Giáo hội và mỗi kitô hữu. Đức Hồng y Jozef Tomko, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo Cho Các Dân Tộc đã nhắc lại điều này lúc đầu lễ, khi ngài thông báo sự hiện diện sáng nay tại quảng trường này của các đại biểu từ 127 quốc gia đến tham dự Đại hội Quốc tế Truyền giáo và các học giả thuộc nhiều giáo phái khác nhau đã đến để tham dự Đại hội Quốc tế Truyền giáo học. Tôi cám ơn Hồng y Tomko về lời chào mừng khai mạc dành cho tôi và vì mọi công việc mà ngài và các thành viên của Thánh Bộ do ngài đứng đầu, đã chu toàn để phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho thế giới.
"Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người". Những lời này nói cho chúng ta biết vị Thầy chí thánh giới thiệu chính mình như thế nào. Đức Giêsu mô tả chính mình như là đấng đã đến để phục vụ, và chính sự phục vụ và tự hiến hoàn toàn cho đến chết trên thập giá tỏ lộ tình yêu của Chúa Cha. Khuôn mặt của Người như là "người phục vụ" không những không làm giảm đi sự cao trọng của thiên tính mà còn giãi chiếu tia sáng mới mẻ trên đó.
Niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô thật là một hồng ân lớn lao!
Đức Giêsu là "vị thượng tế tối cao" (Dt 4,14), là Ngôi Lời "từ ban đầu đã ở với Thiên Chúa; nhờ Người muôn vật được tạo thành và không có Người không gì được tạo thành" (Ga 1,2-3). Đức Giêsu là Đức Chúa "vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2,6-7); Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà "chúng ta có thể đến gần với lòng tin tưởng". Đức Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14,6), là vị Mục tử đã hiến mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10,11), là Đấng khơi nguồn sự sống (Cv 3,15).
2. Sự dấn thân truyền giáo nảy sinh như một ngọn lửa tình yêu từ việc chiêm ngưỡng Đức Giêsu và sự lôi cuốn của Người. Chỉ các kitô hữu đã chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô mới có thể cảm thấy bị mê mẩn bởi vẻ huy hoàng của Người (x. Đời sống thánh hiến, số 15) và làm chứng cho niềm tin của mình vào Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của nhân loại. Thật là một hồng ân lớn lao, đức tin chúng ta nhận được như một món quà từ trên cao, chứ không phải do bởi công trạng của chính chúng ta! (x. Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 11). Rồi đến lượt ân huệ này lại trở thành nguồn trách nhiệm. Chính hồng ân biến chúng ta trở thành người rao giảng và tông đồ: đó là lý do tại sao tôi đã nói trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc là "truyền giáo là vấn đề của đức tin, là dấu chỉ chính xác niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô và vào tình yêu Người dành cho chúng ta (số 11). Và thêm nữa : "Nếu nhà truyền giáo không phải là một người chiêm niệm thì không thể loan báo Chúa Kitô cách khả tín được" (số 91).
Chính nhờ việc chiêm ngắm Đức Giêsu, nhà truyền giáo của Chúa Cha và Thượng tế, Tác giả và Đấng kiện toàn đức tin của chúng ta (x. Dt 3,1; 12,2), mà chúng ta mới học được ý nghĩa và cách thức truyền giáo.
3. Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống cho nhiều người. Theo bước chân của Đức Kitô, hiến tặng bản thân cho mọi người là một mệnh lệnh cơ bản đối với Giáo hội và là biểu thị cho phương pháp truyền giáo.
Tự hiến trước hết có nghĩa là nhận thức giá trị và nhu cầu của người khác. "Thái độ truyền giáo luôn luôn khởi sự với một lòng tôn trọng sâu xa đối với "cái ở trong con người", và cái mà chính con người đã giải đáp trong chiều sâu của tâm hồn, liên quan đến những vấn đề thâm sâu và quan trọng nhất. Đây chính là vấn đề tôn trọng mọi điều đã được Thần Khí tác động nơi con người ấy vì Người "muốn thổi đâu thì thổi" (Redemptor hominis, số 12).
Vì Đức Giêsu mặc khải sự liên đới của Thiên Chúa với con người bằng cách hoàn toàn mặc lấy thân phận con người ngoại trừ tội lỗi, nên Giáo hội ước muốn được liên đới với "niềm vui và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại chúng ta, nhất là với những ai nghèo hèn và đau khổ" (Gaudium et spes, số 1). Giáo hội đến gần với con người bằng sự tế nhị và kính trọng của một con người có một công tác phục vụ phải chu toàn và tin rằng việc phục vụ đầu tiên và cao trọng nhất là loan báo Tin Mừng Đức Giêsu, là làm cho mọi người nhận biết Đấng Cứu độ, Đấng đã mạc khải Chúa Cha, và đồng thời cũng mạc khải con người cho chính con người.
"Sức mạnh của sự yếu đuối" được mạc khải trên Thập giá
4. Giáo hội muốn loan báo Đức Giêsu là Chúa Kitô, là con của Đức Maria, bằng cách đi theo con đường mà chính Chúa Kitô đã đi: phục vụ, khó nghèo, khiêm nhường, thập giá. Vì thế Giáo hội phải mạnh mẽ chống lại những cám dỗ mà Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta thoáng thấy qua thái độ của hai anh em muốn ngồi "một người bên hữu một người bên tả" của Thầy, nhưng cũng là thái độ của các tông đồ khác, những người tỏ ra rằng họ không lãnh đạm với tinh thần ganh đua và tranh giành. Lời Chúa Kitô vạch một đường phân chia rõ ràng giữa tinh thần thống trị và tinh thần phục vụ. Đối với một người môn đệ của Đức Kitô, làm người đầu hết nghĩa là làm người "phục vụ mọi người".
Đó là sự đảo lộn các giá trị mà chỉ có thể hiểu được bằng cách hướng nhìn về Con Người "bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật" (Is 53,3). Đó là những lời mà Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho Giáo hội hiểu được liên quan đến mầu nhiệm Chúa Kitô. Chỉ vào ngày lễ Ngũ Tuần các Tông đồ mới nhận được khả năng để tin vào "sức mạnh của sự yếu đuối" được mạc khải nơi Thập giá.
Tới đây, tâm trí tôi hướng về nhiều nhà truyền giáo, ngày qua ngày, trong thầm lặng và không có sự trợ giúp của bất cứ quyền lực con người nào, đang loan báo và thậm chí cả trước đó nữa, làm chứng cho tình yêu của họ đối với Đức Giêsu, thường là cho đến hiến dâng mạng sống, như đã xảy ra gần đây. Thật là một cảnh tượng đẹp đẽ biết bao mở ra trước mắt chúng ta! Biết bao nhiêu anh chị em đã quảng đại bỏ công sức nơi các biên cương xa xôi của nước Thiên Chúa! Các ngài là những Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, là hình ảnh sống động của Chúa Kitô cho chúng ta, khi tỏ bày Người cách cụ thể như là vị Chúa đã đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình vì tình yêu đối với Chúa Cha và với các anh em của Người. Tôi bày tỏ lòng cảm phục đối với tất cả những anh chị em đó và nồng nhiệt khích lệ họ hãy kiên vững trong niềm tin. Hãy can đảm lên, những người anh chị em của tôi! Đức Kitô ở với anh chị em.
Nhưng toàn thể dân Chúa cũng phải sát cánh với những ai lao nhọc ở tuyến đầu của sứ vụ truyền giáo "ad gentes", mỗi người có sự đóng góp của riêng mình, như những người sáng lập các Hội truyền giáo Giáo hoàng đã hiểu và hết sức nhấn mạnh: mỗi người đều có thể và phải tham gia vào việc phúc âm hoá, thậm chí cả người trẻ, người bệnh, người nghèo với lòng thảo của họ, giống như bà goá phụ mà Đức Giêsu đưa ra làm ví dụ (x. Lc 21,1-4). Truyền giáo là công việc của toàn thể dân Chúa, mỗi người trong ơn gọi mà Chúa Quan phòng đã kêu gọi.
Thiên Chúa muốn nhân loại được cứu độ và giải hoà
5. Những lời của Đức Giêsu về sự phục vụ cũng là một sứ điệp ngôn sứ về một kiểu quan hệ mới mẻ cần được cổ võ không những trong cộng đoàn kitô hữu mà cả trong xã hội. Chúng ta đừng bao giờ để mất đi niềm hy vọng kiến tạo một thế giới huynh đệ hơn. Sự tranh giành vô độ, khát vọng thống trị kẻ khác bằng mọi giá, sự phân biệt do những người tin rằng mình trỗi vượt trên người khác gây nên, sự tìm kiếm vô độ của cải là nguồn gốc của bất công, bạo lực và chiến tranh. Vì vậy những lời của Đức Giêsu trở thành lời mời gọi cầu nguyện cho hoà bình. Truyền giáo là loan báo Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là anh cả của chúng ta, Chúa Thánh Thần là tình yêu. Truyền giáo là sự cộng tác khiêm hạ nhưng say mê vào chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn nhân loại được cứu độ và giải hoà. Ở chóp đỉnh của lịch sử nhân loại, theo Thiên Chúa, có một dự phóng hiệp thông. Truyền giáo phải đóng góp vào dự phóng này.
Chúng ta hãy cầu xin Nữ Vương hoà bình, Nữ Vương các công cuộc truyền giáo và Ngôi Sao của công cuộc phúc âm hoá, ban cho ơn bình an. Chúng ta hãy khẩn cầu sự che chở từ mẫu của Mẹ trên tất cả những ai đang quảng đại loan truyền danh tánh và sứ điệp của Đức Giêsu. Nguyện xin Mẹ đón nhận cho chúng ta một đức tin sống động và mãnh liệt để cho việc loan báo chân lý của Chúa Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian, được các người nam nữ của thời đại chúng ta lắng nghe với một sức mạnh đổi mới.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại những lời tôi đã nói tại quảng trường này cách đây 22 năm: "Anh chị em đừng sợ! Hãy mở các cánh cửa cho Đức Kitô!"
+ Gioan-Phaolô II
Phan Du Sinh

TÔI ĐỌC SỨ ĐIỆP CỦA ĐGH J.PAUL II
VỀ NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN GIÁO 22-10-2000
Lời mở đầu:
1. Đức Thánh Cha nhắc đến chiều kích thừa sai của Hội Thánh và tính cấp bách của việc truyền giáo cho anh chị em lương dân - ad gentes - "một sứ vụ liên quan đến mọi kitô hữu, mọi giáo phận và giáo xứ, mọi tổ chức và hiệp hội của Hội Thánh" (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc số 2).
Phát xuất từ ý định của Chúa Cha, sứ vụ truyền giáo này được Chúa Giêsu đảm nhiệm. Rồi trước khi về trời, Người đã uỷ thác lại cho Giáo Hội. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con" (Ga 20,21). Vì thế, Đức Thánh Cha viết : "Tôi đặc biệt và chân thành mời gọi mọi người đã được rửa tội hãy trở nên sứ giả của Tin Mừng".
2. Không ai được miễn
Trong những cách thế và hoàn cảnh khác nhau, mọi người đều được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu trong Hội Thánh. Sứ vụ thật quan trọng và cao cả ! Vì thế, "không một tín hữu nào, không một tổ chức nào trong Hội Thánh có thể trốn tránh nhiệm vụ tối cao này là loan báo Chúa Kitô cho mọi người". Sứ vụ truyền giáo là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
3. Những nhà truyền giáo tử đạo
Đức Thánh Cha cảm động nhắc đến các nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống vì đức tin. "Những người liều mạng sống mình vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng" (Mc 8,35). Họ rất đông đảo trong thế kỷ XX này ! Đức Thánh Cha viết : "Toàn thể sứ vụ của Hội Thánh và đặc biệt việc truyền giáo - ad gentes - (cho lương dân) cần đến những tông đồ quyết tâm kiên trì cho đến cùng, trung thành với sứ vụ đã nhận lãnh, bằng cách bước đi trên con đường mà chính Chúa Kitô đã đi qua con đường khó nghèo, vâng lời, phục vụ và hy sinh bản thân, cho đến chết… (Ad gentes 5)".
Ước gì gương hy sinh đến cùng của họ thúc đẩy mọi kitô hữu can đảm sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng !
4. Một nhiệm vụ quá sức lực con người
Truyền giáo không chỉ là công việc của các môn đệ, nhưng trước tiên và chính yếu là hành động của Thiên Chúa. Chính Người sai các ông đi, ban cho các ông "quyền rao giảng với quyền trừ quỷ" (x. Mc 3,14) mở lòng người nghe để họ chú ý đến những lời các ông nói (x. Cv 16,14) và làm cho những lời ấy trở nên "sống động hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm 2 lưỡi" (x. Dt 4,12). Người cũng đã hứa "ở lại với các ông và dùng những dấu lại điềm thiên mà xác nhận lời các ông rao giảng" (x. Mc 16,20). Vì vậy, Đức Thánh Cha viết : "Sự hiện diện mãi mãi của Chúa trong Hội Thánh, nhất là trong Lời Chúa và các Bí tích là một bảo đảm cho hiệu năng của công cuộc truyền giáo (số 4). Chúng ta hãy tin tưởng ra đi. "Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin" (Mc 9,23).
5. Sau hai ngàn năm truyền giáo…
Chúa Giêsu đã truyền dạy các môn đệ, trước khi về trời : "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Từ ngày đó đến nay, gần 2000 năm đã trôi qua. thế mà, việc truyền giáo gần như chỉ mới bắt đầu (Lời Đức Gioan Phaolô II. SVĐCC số 1). Đức Thánh Cha viết : "Đã hai ngàn năm kể từ khởi sự công cuộc truyền giáo, vẫn còn những lãnh vực rộng lớn về địa dư, về nhân văn và xã hội trong đó Đức Kitô và Tin Mừng của Người chưa thấm nhập vào". Vẫn còn có những luật lệ, những tập quán, những nền văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội, đối nghịch với phẩm giá và những quyền tự do căn bản của con người, đi ngược với hạnh phúc và ơn cứu độ đời đời của nhân loại !
Vì thế, việc loan báo Tin Mừng - tức là sống, làm chứng và rao giảng những giá trị nhân bản và siêu nhiên như :công bằng, tình yêu, sự thật và tự do v,v… là việc phục vụ tốt nhất và quý nhất cho con người và xã hội. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân làm tông đồ, hãy hài lòng về sự đóng góp này. Hãy cố gắng làm tốt hơn nữa, thay vì chạy theo những hoạt động xa lạ hay không phù hợp với ơn gọi của mình.
6. Sự đóng góp của các Giáo Lý Viên
Đức Thánh Cha nhắc đến công trạng của những tác nhân truyền giáo. Họ rất đáng khen, đáng mến và đáng thưởng công. Người đặc biệt đề cao vai trò của các Giáo Lý Viên. Ngài viết : "Hội Thánh đang khởi sắc hôm nay không thể được xây dựng mà không có họ" (Tông huấn Giáo Lý số 66). "Họ vất vả nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc phát triển đức tin và Hội Thánh". (Ad gentes 17). Đức Thánh Cha cũng kê khai những công việc tốt lành mà họ có thể đã và đang thực hiện : như, vì thiếu các thừa tác viên, họ "lãnh đạo các cộng đoàn nhỏ, làm linh hoạt viên trong các buổi cầu nguyện, trong các cử hành phụng vụ Lời Chúa, giải thích giáo lý và tổ chức những công việc bác ái".
Đức Thánh Cha kết thúc phần sứ điệp này bằng lời kêu gọi những người có trách nhiệm như Giám mục, Linh mục hạt Trưởng, các Cha xứ quan tâm đến việc huấn luyện các Giáo Lý Viên trong địa bàn mục vụ và truyền giáo của mình. Đây là cuộc đầu tư mục vụ hàng đầu và ưu tiên của các ngài ! Giáo Phận chúng ta hiện có 2230 Giáo Lý Viên giáo dân. Đa số là các bạn trẻ. Hãy tiếp tục nhân lên và trường kỳ huấn luyện họ. Hãy tạo điều kiện cho họ được thực tập và đóng góp cho công cuộc truyền giáo chung của Hội Thánh.
7. Giúp nhau truyền giáo
Sau hết, Đức Thánh Cha viết : "Cánh đồng thật rộng lớn và nhiều việc còn phải làm: vì thế sự cộng tác của mọi người thật cần thiết". Ngài nhắc đến lời cầu nguyện, riêng cũng như chung, trong các cộng đồng Dân Chúa khắp nơi trên thế giới, cũng như những hy sinh gian khổ được hiến dâng lên Thiên Chúa cho công cuộc truyền giáo. Ngài cũng không quên "sự dâng cúng vật chất cần thiết cho sự sống còn của biết bao Giáo Hội địa phương" và cho việc truyền giáo ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi về trời là "đi đến tận cùng trái đất và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo". Các tín hữu khắp nơi trên thế giới này rộng rãi đóng góp, để tạo phương tiện và điều kiện cho những anh chị em ở xa, "đến tận cùng trái đất" để họ "loan Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo". Hãy rộng rãi cho, vì "Thiên Chúa yêu thương những người vui mừng khi dâng hiến" (x. 2 Cr 9,7).
8. Kết luận
Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời : "ước gì những lời này của tôi sẽ là một khích lệ cho tất cả những ai ôm ấp hoạt động truyền giáo trong tâm hồn. Khi cử hành Năm Thánh 2000 toàn thể Hội Thánh càng dấn bước vào một Mùa Truyền Giáo mới. Chúng ta phải gia tăng nhiệt tình tông đồ để chuyển giao cho người khác ánh sáng và niềm vui đức tin, đồng thời chúng ta phải huấn luyện Dân Chúa theo lý tưởng đó" (SVCC số 86).
Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Đức Kitô và Mẹ của các tín hữu, giúp chúng ta lập lại trong mọi hoàn cảnh tiếng "xin vâng" với chương trình cứu độ của Thiên Chúa để phục vụ công cuộc phúc âm hoá mới !Đức Thánh Cha ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho chúng ta.
Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi