ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ KẾT THÚC
THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NĂM 2001
BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ KẾT THÚC
THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NĂM 2001
“HÃY LOAN BÁO ƠN CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI CHO MUÔN DÂN”
(30/10/2001)
1. “Hãy loan báo ơn cứu độ của Người cho muôn dân”
Anh em đáng kính thân mến, những lời này trích từ đáp ca diễn tả rất đúng thái độ nội tâm chung cho tất cả chúng ta vào lúc kết thúc Hội nghị thông thường lần thứ 10 của Thượng Hội đồng các giám mục. Tiếp xúc lâu dài và sâu xa với đề tài chức vị giám mục đã canh tân trong lòng mỗi người chúng ta ý thức đầy đam mê về sứ vụ Chúa Giê-su Ki-tô đã giao phó cho chúng ta. Với sự nhiệt tâm tông đồ, nhân danh toàn thể giám mục đoàn mà chúng ta đại diện, hiệp nhất bên cạnh mộ thánh tông đồ Phê-rô, chúng ta muốn nhấn mạnh lại sự gắn bó đồng tình của chúng ta với sự ủy thác của Đấng Phục sinh: “Chúng tôi sẽ loan báo ơn cứu độ của Chúa cho mọi dân nước”.
Hầu như đây mới là bước khởi đầu, theo hướng tiến của Đại Năm thánh 2000 và vào lúc bắt đầu ngàn năm thứ ba. Bài đọc 1 đem chúng ta về lại bầu khí của Năm toàn xá, Sấm ngôn về Đấng Mê-si-a đã vang vọng nhiều lần trong Năm Thánh. Đó là lời loan báo tràn đầy hi vọng cho mọi người nghèo và sầu khổ. Đây là sự mở đầu “năm hồng ân của Chúa” (Is 61,2). Năm ấy đã được diễn tả rõ ràng trong Năm Toàn xá, nhưng vượt xa khỏi mọi niên lịch để lan rộng đến mọi nơi mà sự hiện diện cứu độ của Đức Ki-tô và Thần Khí của Người đi tới.
Đang khi nghe lại lời loan báo ấy một lần nữa, chúng ta cảm thấy được vững mạnh trong xác tín đã được diễn tả vào cuối Đại Năm Thánh: “Cánh cửa sống động là Đức Ki-tô đã được rộng mở cho các thế hệ mới của ngàn năm mới” (x. Novo millennio ineunte, 59). Quả thế, Đức Ki-tô là niềm hi vọng của thế giới. Nhiệm vụ của Giáo hội và, cách đặc biệt, của các Tông đồ và các Đấng kế vị, là lan truyền Tin mừng của Người dến khắp cùng thế giới.
2. Lời khuyên nhủ của Tông đồ Phê-rô với các “kỳ lão”, được nghe lại trong bài đọc 2, giống như bài Tin mừng, sử dụng hình ảnh biểu tượng người mục tử và đoàn chiên, để trình bày thừa tác vụ của Đức Ki-tô và các Tông đồ dưới dạng một “chìa khoá” mang tính mục vụ. “Hãy chăm sóc đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em”, thánh Phê-rô đã viết thế, để tưởng nhớ đến sự ủy thác mà ngài đã nhận lãnh từ Đức Ki-tô: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy... Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15.16.17). Và, lại càng có ý nghĩa hơn, là lời tự mặc khải của Con Thiên Chúa: “Thầy là người Mục tử nhân lành” (Ga 10,11), với sắc thái hi tế: “Thầy hi sinh mạng sống cho đoàn chiên” (x. Ga 10,15).
Vì thế thánh Phê-rô tự xem mình như là “chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai” (1 Pr 5,1). Người mục tử, trong Giáo hội, trước tiên là người mang trong mình chứng từ về mầu nhiệm phục sinh và cánh chung, chứng từ này đạt đến cao điểm trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, tưởng nhớ cái chết của Chúa và tiên báo Người sẽ trở lại trong vinh quang. Vì thế, cử hành bí tích Thánh Thể là hành động mục vụ trổi vượt hơn hết: câu “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” bao hàm, không chỉ việc lập lại nghi thức của bữa Tiệc ly, mà còn, như là hậu quả của việc ấy, thái độ sẵn sàng hiến thân cho đoàn chiên, noi theo Đấng đã trao ban trong suốt cuộc đời của Người và nhất là qua cái chết của Người.
3. Hình ảnh vị Mục tử Nhân lành đã được gợi lên nhiều lầnsuốt những tuần qua trong các phát biểu tại phòng họp Thượng Hội đồng. Quả thế, đây là “hình tượng” đã gợi hứng cho nhiều giám mục thánh thiện suốt các thế kỷ và, hơn hẳn mọi hình tượng khác, mô tả nhiệm vụ và lối sống của các đấng kế vị các Tông đồ. Trong viễn tượng ấy, ta không thể không đưa ra nhận xét là Hội nghị Thượng Hội đồng, kết thúc ngày hôm nay, đưa chúng ta, một cách lý tưởng, về với toàn bộ Giáo huấn mà Giáo hội để lại cho chúng ta suốt giòng lịch sử. Chẳng hạn, chỉ cần nghĩ đến Công đồng Tren-tô, cách chúng ta gần bốn thế kỷ rưỡi. Trong số các lý do đem lại cho Công đồng một ảnh hưởng canh tân lớn lao trên con đường của Dân Chúa, chắc chắn là nhắc lại đề nghị cura animarum xem đó như trách vụ đầu tiên và chính yếu của các giám mục, bằng cách quyết tâm gắn bó với đoàn chiên và huấn luyện những cộng tác viên đủ khả năng trong công việc mục vụ qua việc thiết lập các chủng viện.
Bốn trăm năm sau, Công đồng Va-ti-căng II lại một lần nữa lấy lại và khai triển bài học của Công đồng Tren-tô, khi hướng mở về các chân trời của việc phúc âm hoá mới. Vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba, hình ảnh lý tưởng về Giám mục, mà Giáo hội tiếp tục trông mong vào đó, là hình ảnh của người Mục tử, được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô qua đời sống thánh thiện, hiến thân cách quảng đại cho Giáo hội được giao phó cho mình, đồng thời hết lòng quan tâm đến mọi Giáo hội trãi dài khắp mặt đất (x. 2 Cr 11,28).
4. Giám mục, người Mục tử Nhân lành, tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình trong Lời của Thiên Chúa, được giải thích trong sự hiệp thông với Giáo hội và được loan báo cách trung thành và can đảm, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Là Thầy dạy đức tin, Giám mục khuyến khích mọi điều tốt đẹp và tích cực trong đoàn chiên được giao phó cho mình, khi nâng đỡ và hướng dẫn kẻ yếu đuối đến đức tin (x. Rm 14,1), can thiệp nhằm vạch mặt sự sai lầm và chống lại những lạm dụng.
Thật quan trọng việc Giám mục ý thức đến các thách đố mà niềm tin vào Đức Ki-tô gặp phải ngày nay, bởi vì một não trạng dựa trên những tiêu chuẩn nhân loại đôi khi làm cho Lề luật và chương trình của Thiên Chúa trở thành tương đối. Trên hết mọi sự, ngài phải có can đảm loan báo và bênh vực giáo thuyết lành mạnh, dù điều đó có đưa đến những khổ đau. Quả thế, Giám mục, trong sự hiệp thông với cộng đoàn các Tông đồ và với Đấng kế vị thánh Phê-rô, có nhiệm vụ bảo vệ các tín hữu khỏi mọi loại cám dỗ, bằng cách tỏ cho biết rằng việc chân thành quay trở về với Tin mừng Đức Ki-tô là giải pháp đích thực cho những vấn đề phức tạp đang đè nặng nhân loại. Việc phục vụ mà các giám mục được mời gọi làm cho đoàn chiên, sẽ là nguồn suối hi vọng bao lâu các ngài phản ánh một giáo hội học về hiệp thông và truyền giáo. Trong những lần gặp gỡ của Thượng Hội đồng trong những ngày này, nhu cầu cần đến một linh đạo hiệp thông đã được nhấn mạnh nhiều lần. Để trích Instrumentum laboris, “sức mạnh của Giáo hội là sự hiệp thông; điểm yếu của Giáo hội là chia rẽ và chống đối bên trong” đã được lập đi lập lại nhiều lần (số 63).
Chỉ khi nào sự hiệp nhất sâu xa và xác tín của các mục tử với nhau và với Đấng kế vị thánh Phê-rô được nhìn thấy rõ ràng, cũng như các giám mục với các linh mục, thì mới có thể đưa ra một câu trả lời đáng tin đáp lại những thách đố từ bối cảnh xã hội và văn hoá hôm nay. Anh em rất thân mến, các thành viên của Thượng Hội đồng, liên quan đến điều này, tôi muốn diễn tả sự cảm kích đầy lòng biết ơn của tôi vì những chứng tá về sự hiệp thông vui tươi qua những quan tâm đối với nhân loại hiện nay mà anh em đã đưa ra trong những ngày này.
5. Tôi xin anh em gởi lời chào chúc của tôi đến các tín hữu của anh em và, cách đặc biệt, đến các linh mục của anh em, những người mà anh em quan tâm cách đặc biệt, khi thiết lập với mỗi một người trong họ một mối tương quan trực tiếp, tin tưởng và thân tình. Tôi cũng biết rằng anh em đã cố gắng thực hiện điều ấy, như anh em đã xác tín rằng một giáo phận chỉ hoạt động tốt nếu hàng linh mục được hiệp nhất cách vui tươi, trong tình bác ái huynh đệ, chung quanh giám mục của mình.
Tôi cũng xin anh em chào thăm các giám mục về hưu, khi chuyển đến các vị ấy sự thừa nhận của tôi về công việc các vị đã làm nhằm phục vụ các tín hữu. Tôi đã muốn họ được đại diện tại Hội nghị Thượng Hội đồng này để cùng suy nghĩ về chủ đề này, mới mẻ trong Giáo hội, bởi vì nó phát xuất từ những quyết định của Công đồng Va-ti-căng II, vì lợi ích của các Giáo hội địa phương. Tôi tin rằng mỗi Hội đồng Giám mục sẽ học hỏi cách thế diễn tả lòng quý trọng đối với các giám mục về hưu vẫn đang khoẻ mạnh và giàu năng lực, khi giao phó cho các ngài một vài công việc phục vụ Giáo hội và, nhất là việc nghiên cứu các vấn đề mà các ngài có kinh nghiệm và khả năng, khi mời gọi những vị có điều kiện tham dự vào một trong những các ủy ban Hội đồng Giám mục, cùng làm việc với những anh em trẻ hơn, để các ngài luôn cảm thấy mình là những thành viên sống động của giám mục đoàn.
Tôi cũng muốn gởi lời chào chúc đặc biệt dến các giám mục của Hoa lục. Sự vắng mặt của các vị ấy tại Thượng Hội đồng không thể ngăn cản chúng ta cảm thấy sự gần gũi thiêng liêng của các vị trong ký ức và lời cầu nguyện.
6. “Khi vị Mục tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát” (1 Pr 5,4). Trước khi kết thúc Hội nghị THĐ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, tôi hết lòng trìu mến tưởng nhớ 15 giám mục được phong thánh trong thế kỷ XX : Alessandro Maria Sauli, Giám mục Pavia; Roberto Bellarmino, Hồng y, Gm Capua, Tiến sĩ Hội thánh; Albert cả, Gm Ravensburg, Tiến sĩ Hội thánh; John Fisher, Gm Rochester, Tử đạo; Antonio Maria Claret, TGM Santiago nước Cuba; Vincenzo Maria Strambi, Giám mục Macerata và Tolentino; Antonio Maria Gianelli, Giám mục Bobbio; Gregorio Barbarigo, Giám mục Padua; Juan de Ribera, Tổng giám mục Valencia; Oliver Plunkett, Tổng giám mục Armagh, Tử đạo; Giustino De Jacobis, Giám mục Nilopoli và Giám quản tông toà Abyssinia; John Nepomucenus Neumann, Giám mục Philadelphia; Jeronimo Hermosilla, Valentino Berrio-Ochoa và 6 giám mục khác, tử đạo tại Việt Nam; Ezechiel Moreno y Diaz, GM Pasto (Colombia); Charles Joseph Eugène de Mazenod, Giám mục Marseilles. Ngoài ra, không đày một tháng nữa, tôi sẽ có được niềm vui loan báo Giuseppe Marell, Giám mục Acqui, là một vị thánh.
Từ nhóm ưu tú các thánh Mục tử này, nhóm có thể mở rộng ra bao gồm đám đông các Chân phước giám mục, nổi lên, như một bức tranh mosaic, khuôn mặt của Đức Ki-tô, vị Mục tử Nhân lành và vị truyền giáo của Chúa Cha. Chúng ta dán đôi mắt vào bức tranh sống động ấy, vào lúc khởi đầu kỷ nguyên mới mà Chúa Quan Phòng mở ra trước chúng ta, để trở nên các tôi tớ của Tin mừng, niềm hi vọng cho thế giới, với sự dấn thân mãnh liệt hơn nữa.
Ước gì chúng ta luôn được Đức Trinh nữ Ma-ri-a, Nữ Vương các Tông đồ, trợ giúp trong sứ vụ của chúng ta. Vào mọi thời buổi, Mẹ chiếu sáng, ở chân trời của Giáo hội và của thế giới, như dấu chỉ an ủi và niềm hi vọng vững chắc.
+ Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II
PHAN DU SINH chuyển ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nhận xét!