LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Bài Giảng Những Phương Pháp Của Thánh Phaolô Buộc Các Nhà Rao Giảng Tin Mừng Phải Đối Thoại Với Những Người Đương Thời - Phúc Âm Hoá Và Đối Thoại Văn Hoá


ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIẢNG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CỦA THÁNH PHAOLÔ BUỘC CÁC NHÀ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHẢI ĐỐI THOẠI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI
PHÚC ÂM HOÁ VÀ ĐỐI THOẠI VĂN HOÁ
VietCatholic News(14/05/2001).
Sáng Thứ Bảy, 05/05/2001, ĐTC đã cử hành Thánh lễ tại Cung Thể Thao trong tổ hợp Trung tâm Thế Vận Hội Athènes:"Muốn loan báo Tin Mừng cho những người nam và nữ sống trong thời đại chúng ta, Giáo Hội phải chú ý tới những nền văn hoá và những phương cách truyền thông của họ, nhưng không để cho sứ điệp Tin Mừng bị thay đổi hoặc ý nghĩa hay mục đích Tin Mừng bị giảm thiểu". Đức Thánh Cha giảng bằng tiếng Pháp; sau đây là bản chuyển ngữ từ tiếng Anh.
Anh chị em thân mến,
1. " Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, tôi xin rao giảng cho quí vị" (Cv 17, 23). Được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, những lời nói đó thánh Phaolô nói tại Areopagus thành Athènes, diễn đạt một trong những lời công bố đầu tiên về niềm tin Kitô giáo tại Phương Tây. Nếu chúng ta công nhận vai trò nước Hy lạp trong việc hình thành nền văn hoá cổ xưa, chúng ta sẽ hiểu rằng lời nói này của thánh Phaolô có thể được xem như là chính biểu tượng của sự gặp gỡ Tin Mừng với văn hoá nhân loại.
"Kính gởi những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được gọi là thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu Danh Chúa của chúng ta Đức Giêsu Kitô... Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an" (1 Cr 1, 2-3). Bằng những lời nói này của Thánh Tông đồ gởi cho cộng đồng Corinthô, tôi xin kính chào quí vị với lòng yêu mến, tất cả quí vị, Giám Mục, linh mục và giáo dân Công Giáo đang sống tại Hy Lạp. Trước hết tôi xin cám ơn Đức Nikolaus Foscolos, Tổng Giám Mục thành Athens kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hy Lạp, vì sự tiếp rước và chúc mừng thân tình của ngài. Cùng nhau qui tụ sáng nay để cử hành Thánh Thể, chúng ta xin Thánh Phaolô ban cho chúng ta lòng sốt sắng của người trong đức tin và trong việc rao giảng Tin Mừng cho tất cả muôn dân, cũng như sự quan tâm của người đối với sự hiệp nhất Giáo Hội. Tôi vui mừng vì sự hiện diện của những người theo niềm tin Kitô giáo khác trong buổi Phụng Vụ Thánh này, bởi vì những anh chị em đó chứng tỏ mình lưu tâm tới đời sống của cộng đồng Công Giáo và tới tình huynh đệ chung của họ trong Chúa Kitô.
Sự hoán cải và thành quả của Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải hoán cải để sinh hoa kết quả.
2. Thánh Phaolô nhắc chúng ta rõ ràng rằng chúng ta không thể giam hãm Chúa trong những cách nhìn hay hành động theo kiểu con người của chúng ta. Nếu chúng ta muốn đón rước Chúa, chúng ta phải hoán cải. Đó là con đường đặt ra trước mặt chúng ta, con đường cho phép chúng ta theo Chúa Kitô ngõ hầu sống như Ngưới đã sống, như các con trai con gái trong Người Con. Nhờ đó chúng ta có thể giải thích lại cuộc hành trình của chúng ta và của Giáo Hội như là một kinh nghiệm Vượt Qua. Chúng ta phải được tinh luyện ngõ hầu thực hiện đầy đủ thánh ý của Chúa, nhìn nhận Chúa, nhờ ân sủng của Người, biến đổi hữu thể của chúng ta và cuộc sống của chúng ta, như trường hợp của Phaolô, ngài đã được biến đổi từ con người bắt đạo thành nhà truyền đạo (x. Gl 1, 11-24). Cũng thế chúng ta trải qua những thử thách của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, với các đau khổ của nó với sự tối tăm của nó về đức tin, với những hiểu lầm lẫn nhau. Nhưng chúng ta cũng kinh nghiệm những giây phút ánh sáng, như buổi bình minh ngày Chúa Nhật Phục Sinh, trong ngày đó Đấng Phục Sinh truyền thông cho chúng ta niềm vui của Người và dẫn chúng ta đến với tất cả sự thật. Quan sát lịch sử cá nhân chúng ta và lịch sử của Giáo Hội bằng cách này, chúng ta không thể không sống trong hy vọng, chắc chắn rằng Thầy của lịch sử sẽ dẫn chúng ta đi những con đường chỉ mình Người biết thôi. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta minh chứng cho Tin Mừng của tình yêu của Chúa bằng lời nói và việc làm của chúng ta ! Bởi vì Thần Khí khơi dậy sự sốt sắng truyền giáo trong Giáo Hội của Người, chính Người kêu gọi và sai đi, và người tông đồ thực sự trước hết là một con người đã được chỉnh đốn "tuned in", một tôi tớ sẵn sàng hành động vì Chúa.
Một sự trình bày rõ ràng và đầy sức thuyết phục về Tin Mừng đi đôi với đối thoại.
3. Hiện diện ở đây tại Athens và gợi nhớ lại cuộc đời và việc làm của thánh Phaolô, tức là được mời loan báo Tin Mừng cho tới tận cùng trái đất, bằng cách đặt trước những người đồng thời chúng ta sự cứu rỗi do Chúa Kitô thực hiện, chỉ cho họ thấy những con đường của sự thánh thiện và của cuộc sống ngay thẳng luân lý, một cuộc sống đáp ứng với tiếng Chúa gọi. Phúc Âm là những tin mừng phổ quát mọi dân tộc đều có thể hiểu được.
Nói với người Athens, Thánh Phaolô muốn không giấu gì hết về đức tin mà ngài đã lãnh nhận: như mọi tông đồ, ngài phải cẩn thận giữ gìn kho tàng đức tin (x. 2 Tm 1, 14). Việc rao giảng của ngài bắt đầu bằng những qui chiếu quen thuộc với các thính giả của ngài và với những cách suy nghĩ của họ, nhờ vậy mà họ có thể hiểu rõ hơn Tin Mừng ngài mang đến cho họ. Phaolô dựa vào sự hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa và vào lòng muốn thiêng liêng sâu xa hiện diện trong các thính giả, để chuẩn bị họ nhận lấy ơn mặc khải về Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Nếu, đối với người Athens, ngài có khả năng trưng dẫn những tác giả cổ điển xưa, lý do là vì, bằng cách nào đó, văn hoá cá nhân của ngài đã được thành hình nhờ người Hy Lạp. Do đó ngài sử dụng việc được huấn luyện riêng của ngài để rao truyền Tin Mừng bằng những lời nói có thể gây một ấn tượng trong các kẻ nghe ngài (x. Cv 17, 17). Một bài học hay dường nào ! Muốn rao giảng Tin Mừng cho những người nam và người nữ thời đại chúng ta, Giáo Hội phải quan tâm tới những nền văn hoá và những phương cách truyền thông của họ, mà không để sứ điệp Tin Mừng bị thay đổi hay ý nghĩa hay mục đích của nó bị giảm thiểu. "Trong ngàn năm thứ ba, Kitô giáo phải đáp ứng hiệu năng hơn với nhu cầu hội nhập văn hoá này" (Novo millennio ineunte, n. 40). Lời nói uyên thâm của Thánh Phaolô kêu mời những môn đệ Chúa Kitô đối thoại truyền giáo thật sự với những người đồng thời với mình, biết tôn trọng những gì họ là, nhưng đồng thời biết trình bày Tin Mừng cho sáng sủa và mạnh mẽ, cùng với những điều kiện và đòi hỏi của Tin Mừng trong đời sống dân chúng.
Đức tin và triết học cần cho nhau trong việc hội nhập văn hoá
4. Anh chị em thân mến, đất nước anh chị em có một truyền thống lâu đời về sự khôn ngoan và nền nhân bản. Từ thời đầu Kitô giáo, các nhà triết học đã nhận lãnh trách nhiệm "đưa ra ánh sáng sự liên hệ giữa lý trí và tôn giáo... Sự kiện này mở ra một con đường, phát sinh từ những truyền thống xưa, nhưng cho phép một sự phát triển làm thoả mãn những đòi hỏi của lý trí phổ quát" (Fides et ratio, n. 36). Công trình này thực hiện do các nhà triết học và minh giáo Kitô giáo đầu tiên, về sau làm cho đức tin Kitô giáo và khoa triết học có khả năng - theo gương Thánh Phaolô và lời rao giảng của ngài tại Athens - dấn thân vào trong một cuộc đối thoại có hiệu quả.
Điều quan trọng là tạo nên những cơ hội đối thoại với các người đồng thời, theo gương Thánh Phaolô và những cộng đồng tiên khởi, cách riêng nơi nào tương lai nhân loại và nhân tính bị nguy. Theo cách này, những quyết định sẽ không chỉ được hướng dẫn do những quyền lợi chính trị và kinh tế không đếm xĩa gì tới nhân phẩm và những đòi hỏi phát sinh từ phẩm giá này. Cần có một yếu tố thiêng liêng hiện diện, nhắc nhở dân chúng về địa vị và phẩm giá cao cả của mỗi người. Những "aréopagi" ngày nay kêu gọi chứng tá của người Kitô hữu thì nhiều (x. Redemptoris missio, n. 37); và tôi khuyến khích anh chị em hãy diện diện cho thế gian.
Như ngôn sứ Isaia, người Kitô hữu được đặt làm lính canh trên chóp tường thành (x. Is 21, 11-12), để nhận thức rõ những hệ quả của con người trong hoàn cảnh hiện tại, để nhận thức rõ những hạt giống hy vọng bên trong xã hội, và để bày tỏ cho thế giới thấy ánh sáng Phục Sinh chiếu sáng mọi thực tại nhân bản với sự sáng chói của một ngày mới.
Thánh Cyrillô và Methodiô, hai anh em từ Slavonika, đã thấu hiểu tiếng gọi của Đấng Phục Sinh: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Khi đi gặp gỡ các dân tộc Slave, các ngài đã đem Tin Mừng đến với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Các ngài "không những thực hành sứ vụ các ngài với đầy lòng tôn trọng đối với nền văn hoá đã có sẵn giữa các dân tộc Slave, mà còn cùng với tôn giáo các ngài đã cổ võ và phát triển nền văn hoá đó một cách xuất chúng và liên tục" (Slavorum apostoli, n. 26) Ước gì tấm gương và lời cầu nguyện của các ngài giúp chúng ta đáp trả cách hiệu nghiệm hơn nữa cho tất cả những đòi hỏi hội nhập văn hoá, và vui mừng vì vẻ đẹp trên gương mặt muôn hình của Giáo Hội Chúa Kitô !
Việc Phúc Âm hoá đòi hỏi sự hiệp nhất và tình yêu
5. Qua kinh nghiệm cá nhân của ngài như là một tín hữu và trong sứ vụ của ngài như vị Tông đồ, Thánh Phaolô hiểu rằng chỉ một mình Chúa Kitô là con đường cứu rỗi, nhờ ân sủng của Người, Chúa Kitô giao hoà con người với nhau và với Thiên Chúa. "Chính Người là bình an của chúng ta, Người đã liên kết đôi bên thành một, đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét" (Ep 2, 14). Bấy giờ vị Tông đồ trở nên kẻ bênh vực sự hiệp nhất, bên trong các cộng đồng cũng như giữa họ với nhau, ngài ray rứt với nỗi "bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh" (2 Cr 11, 28).
Lòng say mê cho sự hiệp nhất Giáo Hội phải là một dấu ấn của mọi môn đệ Chúa Kitô:"Vô phúc thay, khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa ngàn năm mới, chúng ta mang theo mình di sản buồn thảm của quá khứ... một con đường dài còn phải đi" (Novo millennio ineunte, n. 48). Nhưng điều đó không được làm chúng ta ngã lòng; tình yêu chúng ta đối với Chúa thúc giục chúng ta dấn thân hơn nữa trong việc xây dựng hiệp nhất. Muốn đi những bước mới theo đường hướng này, điều quan trọng là "khởi sự từ Chúa Kitô" (Novo millennio ineunte, n. 29).
"Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chớ không phải do sức lực của chúng ta, mà chúng ta hy vọng rằng, ngay cả trong lịch sử, chúng ta sẽ có khả năng đạt được sự hiệp thông đầy đủ và hữu hình với mọi Kitô hữu... Mong sao ký ức về thời Giáo Hội thở với "hai lá phổi", thúc giục các Kitô hữu phương Đông và phương Tây đi chung với nhau trong sự hiệp nhất đức tin và biết tôn trọng sự khác biệt chính đáng, chấp nhận và nâng đỡ nhau như những thành phần của một Thân Thể Chúa Kitô" (Novo millennio ineunte, n. 48).
Đức Trinh Nữ Maria, bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện mẫu tử của Người, đã đồng hành trong sự sống và sứ vụ của cộng đồng Kitô hũu tiên khởi qui tụ chung quanh các Tông đồ (x. Cv 1, 14). Với họ, Đức Mẹ đã lãnh nhận Thần Khí trong ngày Hiện Xuống ! Ước chi Mẹ canh giữ con đường chúng ta phải đi bây giờ, để đi tới sự hiệp nhất đầy đủ với các anh em chúng ta bên phương Đông, và để chúng ta hoàn thành với nhau, trong sự cởi mở và phấn khởi, sứ vụ mà Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo Hội Người. Ước chi Đức Trinh Nữ Maria - rất được tôn kính trong đất nước của anh em và cách rất đặc biệt trong các đền thờ giữa đảo của Mẹ, như Đức Trinh Nữ Truyền Tin trên đảo Tinos, và dưới tước hiệu Đức Bà Thương Xót tại Faneromeni, vùng Syros - luôn dẫn đưa chúng ta tới với Con của Mẹ là Chúa Giêsu (x. Ga 2, 5). Người là Đức Kitô, Người là Con Thiên Chúa, "là ánh sáng thật chiếu soi mọi người" khi đến trong thế gian (x. Ga 1, 9).
Được mạnh sức trong niềm hy vọng Chúa Kitô mang đến cho chúng ta, và được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện huynh đệ của những người đã đi trước chúng ta trong đức tin, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành hương của chúng ta như là những sứ giả đích thực của Tin Mừng, với lòng đầy tràn niềm vui khi ca ngợi mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta muốn chia sẻ niềm vui đó với mọi người:
" Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người !
Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
Lòng thành tín của Người bền vững muôn năm" (Tv 117). Amen.
Cuối Thánh Lễ, Đức thánh Cha nói những lời sau đây:
Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi có thể hoàn thành những ngày hành hương này theo những bước chân Thánh Tông Đồ Dân Ngoại. Xin Thánh Phaolô đồng hành với anh chị em hằng ngày. Như Thánh Phaolô, anh chị em là những chứng nhân của Chúa Kitô.
Trước hết tôi xin cám ơn Tổng Thống nước Cộng Hoà đã mời và đón tiếp tôi. Tôi cám ơn Đức Thượng Phụ Tổng Giám Mục Christodoulos và các cộng sự viên của ngài đã lo lắng cho cuộc hành trình này theo những bước chân Thánh Phaolô. Đồng thời tôi xin cám ơn ĐTGM Foscolos và tất cả những GM Công Giáo chúng ta. Xin cám ơn tất cả anh chị em hiện diện nơi đây. Chúa Kitô và Giáo Hội Người trông cậy vào anh chị em. Tôi chân thành chúc phúc lành cho quí vị (và anh chị em).
L’ Osservatore Romano - 9 May 2001
Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ