LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Suy Niệm Ca Vịnh Theo Giờ Kinh Phụng Vụ - Phần I

Bài 1 – Mở  đầu (Thứ Tư 28/3/2001) 

THÁNH VỊNH LÀ NGUỒN CẦU NGUYỆN LÝ TƯỞNG CỦA KITÔ HỮU 

1. Trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, Tôi đã hy vọng là Giáo Hội sẽ càng ngày càng nổi bật hơn về “nghệ thuật cầu nguyện”, bằng cách học lại việc nguyện cầu từ môi miệng của Thày Chí Thánh (x số 32). Nỗ lực này, trước hết, phải được thể hiện nơi phụng vụ là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Thế nên, vấn đề quan trọng là cần phải để ý hơn nữa đến việc mục vụ cổ võ Phụng Vụ Giờ Kinh như là một kinh nguyện của toàn thể Dân Chúa (x cùng nguồn, số 34). Thật vậy, nếu các vị linh mục và tu sĩ buộc phải cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, thì giáo dân cũng rất nên cử hành như vậy. Đây là mục tiêu của vị Tiền Nhiệm Phaolô VI đáng kính của Tôi, hơn 30 năm trước đây một chút, qua Hiến Chế Laudis Canticum, một văn kiện Ngài xác định hình thức hiện hành của việc cầu nguyện này, với hy vọng Thánh Vịnh và Ca Vịnh là những gì chính yếu cấu thành Phụng Vụ Giờ Kinh sẽ được hiểu biết “bằng một cảm nhận mới nơi Dân Chúa” (AAS 63 năm 1971, 532). Một sự kiện phấn khởi cho thấy là nhiều giáo dân ở các giáo xứ và các hội đoàn đã cảm nhận được việc cầu nguyện này. Tuy nhiên, việc cầu nguyện ấy vẫn là một việc cần phải được học hỏi về giáo lý và thánh kinh mới có thể cảm nhận được trọn vẹn.
Để đạt mục đích này, hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh và Ca Vịnh của Kinh Ban Mai. Bằng loạt bài giáo lý đây, Tôi muốn khuyến khích và giúp cho mọi người biết cầu nguyện bằng cùng những lời lẽ đã được Chúa Giêsu sử dụng, những lời lẽ mà cả bao ngàn năm nay đã làm nên kinh nguyện của dân Yến Duyên cũng như của Giáo Hội.
2. Chúng ta có thể tìm hiểu các Thánh Vịnh bằng những phương cách khác nhau. Phương cách thứ nhất để tìm hiểu các Thánh Vịnh đó là qua cấu trúc văn chương, tác giả, việc hình thành, và hoàn cảnh được sáng tác của các Thánh Vịnh ấy. Cũng có lợi khi chúng ta đọc các Thánh Vịnh ở chỗ để ý đến đặc tính thi phú của các Thánh Vịnh ấy, một đặc tính đôi khi đạt tới tột đỉnh của một thứ minh thức sinh động và của việc diễn đạt biểu trưng. Cũng không phải là không hào hứng khi đọc các Thánh Vịnh theo những cảm tình khác nhau của cõi lòng con người được bộc phát nơi các Thánh Vịnh ấy, như hân hoan, tri ân, cảm tạ, yêu mến, thiết tha, nồng nhiệt, song cũng đầy những khổ đau, than van, nài xin ơn trợ giúp và đức công minh, những cảm xúc đôi khi đưa tới giận dữ và nguyền rủa. Con người tìm thấy tất cả bản thân mình ở nơi các Thánh Vịnh.
Mục đích chúng ta đọc Thánh Vịnh trước hết là để làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức của các Thánh Vịnh, khi chứng tỏ cho thấy Thánh Vịnh có thể được dùng làm kinh nguyện cho người môn đệ của Chúa Kitô, mặc dù các Thánh Vịnh ấy đã được viết từ nhiều thế kỷ trước đây cho tín đồ Do Thái. Để làm việc này, chúng ta cần phải có những lời dẫn giải, tuy nhiên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Thánh Vịnh theo Truyền Thống, nhất là theo các Vị Giáo Phụ.
3. Thật vậy, bằng một tâm thức sâu xa, Truyền Thống đã nhận ra và thấy rằng chính Chúa Kitô trong tất cả mầu nhiệm của Người là “chìa khóa” để hiểu được Thánh Vịnh. Các Vị Giáo Phụ đã mạnh mẽ xác tín là các Thánh Vịnh đều nói về Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô phục sinh đã áp dụng Thánh Vịnh vào bản thân mình, khi Người nói cùng các môn đệ: “Mọi điều viết về Thày trong lề luật Moisen và các tiên tri cùng thánh vịnh đều phải được nên trọn” (Lk 24:44). Các Vị Giáo Phụ còn nói, Chúa Kitô được nói tới nơi các Thánh Vịnh, hay thậm chí Chúa Kitô nói qua các Thánh Vịnh. Phát biểu như thế, các Vị Giáo Phụ có ý nói đến chẳng những con người cá nhân của Chúa Kitô mà còn nói đến Christus totus, đến toàn thể Chúa Kitô, bao gồm Chúa Kitô là Đầu cùng với các phần thể của Người nữa. Với toàn thể Chúa Kitô như thế, Kitô hữu đã mới có thể đọc Sách Thánh Vịnh theo chiều hướng tất cả mầu nhiệm về Chúa Kitô được. Cũng với khía cạnh này còn phát sinh ra chiều kích Giáo Hội nữa, một chiều kích đặc biệt được nổi bật khi cừng nhau hát Thánh Vịnh chung. Do đó chúng ta mới có thể hiểu được tại sao Thánh Vịnh, ngay từ các thế kỷ đầu tiên, đã được sử dụng như lời kinh nguyện của Dân Chúa. Nếu trong một vài giai đoạn lịch sử nào đó người ta thích sử dụng các kinh nguyện khác hơn, thì chính các vị đan sĩ đã có công lớn trong việc giữ cho ngọn đuốc Thánh Vịnh luôn được sáng giá trong Giáo Hội. Một trong những vị đan sĩ này là Thánh Romuald, vị sáng lập dòng Camaldoli, vào lúc mở màn cho đệ nhị thiên kỷ Kitô giáo, theo sử gia Bruno Querfurt đời Ngài viết, thậm chí còn chủ trương rằng Thánh Vịnh là đường lối duy nhất để thực sự cảm nghiệm sâu xa được việc nguyện cầu: “Una via in psalmis” (Passio sanctorum Benedicti at Johannis ac sociorum eorundem: MPH VI, 1893, 427).
4. Bằng niềm xác tín này, niềm xác tín thoạt nghe như quá đáng ấy, thánh nhân đã thực sự gắn chặt với truyền thống tuyệt hảo của các thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, thời kỳ Thánh Vịnh là sách cầu nguyện thượng hạng của Giáo Hội. Đối với những xu hướng lạc giáo, liên tục đe dọa mối hiệp nhất về đức tin và hiệp thông của Giáo Hội, thì việc Giáo Hội lấy Thánh Vịnh là sách cầu nguyện thượng hạng như thế là một chọn lựa dứt khoát. Điều đáng chú ý liên quan đến vấn đề này là bức thư tuyệt vời Thánh Anathasiô viết cho Marcellinô vào tiền bán thế kỷ thứ tư, thời kỳ lạc giáo Ariô đang dữ dội tấn công niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô. Để đối đầu với các kẻ lạc giáo, thành phần dùng các bài thánh ca và kinh nguyện có tính cách mơn trớn cảm tình đạo đức để dụ dỗ dân chúng, Vị Đại Giáo Phụ này đã dồn tất cả mọi nỗ lực của mình vào việc dạy cho biết việc Thánh Vịnh được Thánh Kinh truyền lại (x PG 27, 12ff). Đó là lý do tại sao, cùng với Kinh Lạy Cha là kinh Chúa dạy có tính cách antonomasia, việc thực hành cầu nguyện bằng Thánh Vịnh đã sớm trở nên phổ thông nơi thành phần lãnh nhận phép rửa.
5. Bằng việc dùng Thánh Vịnh cầu nguyện như một cộng đồng, tâm trí người Kitô hữu nhớ rằng và hiểu rằng họ không thể nào hướng về Chúa Cha là Đấng ngự trên trời mà lại không sống hiệp thông thực sự với anh chị em của mình sống trên thế gian. Hơn nữa, được chìm sâu một cách ý thức vào truyền thống cầu nguyện của dân Do Thái, người Kitô hữu học được cách cầu nguyện bằng việc kể lại magnalia Dei, tức là kể lại những kỳ công vĩ đại Thiên Chúa đã làm, cả trong cuộc tạo dựng thiên nhiên tạo vật cũng như con người, lẫn trong lịch sử dân Yến Duyên cũng như Giáo Hội. Hình thức cầu nguyện được lấy từ Thánh Kinh này, không loại trừ một số những lời diễn tả tự phát, chẳng hạn như các bài thánh ca và troparia, những lời chẳng những tiếp tục nói lên tính cách cầu nguyện tư riêng, mà còn làm phong phú chính kinh nguyện phụng vụ nữa. Thế nhưng, Sách Thánh Vịnh vẫn là nguồn mạch lý tưởng cho việc Kitô hữu cầu nguyện và sẽ tiếp tục làm cho Giáo Hội hứng khởi trong một ngàn năm mới.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 4/4/2001)

Bài 2 – Mở đầu (2) (Thứ Tư 4/4/2001) 

THẦN LINH CẦU NGUYỆN NƠI CHÚNG TA BẰNG THÁNH VỊNH

1. Trước khi khởi sự dẫn giải từng Thánh Vịnh và Các Bài Ca Chúc Tụng, hôm nay chúng ta hãy hoàn tất việc suy tư mở đầu của chúng ta đã được bắt đầu từ bài giáo lý lần vừa rồi. Chúng ta sẽ kết thúc phần mở đầu này, bằng cách nói đến một khía cạnh vốn được truyền thống tu đức của chúng ta đề cao, đó là khi hát Thánh Vịnh, Kitô hữu cảm thấy có một cái gì đó hòa hợp giữa Vị Thần Linh nơi Thánh Kinh với Vị Thần Linh ngự trong họ nhờ ơn Phép Rửa. Họ cảm thấy âm vang “những lời than khôn tả” được Thánh Phaolô nói tới (x Rm 8:26), những lời Thần Linh Chúa Kitô giúp người tín hữu có thể hiệp với lời nguyện cầu cá biệt của Chúa Giêsu: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8:15; Gal 4:6).
Các vị đan sĩ xưa tin tưởng vào sự thật này đến nỗi họ đã không cần phải hát Thánh Vịnh bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Họ dư biết rằng họ đang đi cùng chiều “hợp” với Thánh Linh. Họ xác tín rằng, đức tin của họ có thể làm cho các câu Thánh Vịnh toát ra một thứ “lực” đặc biệt của Thánh Linh. Họ cũng tin rằng, trong việc họ thường dùng Các Thánh Vịnh như “lời kinh nguyện phóng phát” – “iaculum” từ tiếng Latinh có nghĩa là “xuất phát đột ngột và chớp nhoáng” – cho thấy các cách khéo léo diễn đạt gẫy gọn nơi Các Thánh Vịnh làm cho họ có thể “thoát bay” giống như những mũi tên lửa bắn vào các chước cám dỗ chẳng hạn. Gioan Cassian, một tác giả sống giữa thế kỷ thứ tư và thứ năm, nhắc lại là các vị đan sĩ đã khám phá ra được tác lực phi thường từ đoản incipit của Thánh Vịnh 69: “Ôi Thiên Chúa, xin đến nâng đỡ tôi; Chúa ơi, xin mau đến cứu giúp tôi”, một đoản vịnh từ đó đã trở thành cửa ngõ mở đầu cho Phụng Vụ Giờ Kinh (x Conlationes, 10, 10: CPL 512.298ff).
2. Ngoài việc hiện diện của Thánh Linh ra, còn một chiều kích quan trọng khác nữa, đó là chiều kích tác hành tư tế được Chúa Kitô, hợp cùng với Giáo Hội, Hiền Thê của Người, thể hiện nơi lời kinh nguyện này. Bởi thế, nói đến Phụng Vụ Giờ Kinh, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế của Giao Ước Mới và Vĩnh Viễn... gắn liền bản thân mình với toàn thể cộng đồng nhân loại và làm cho họ hợp với mình hát lên bài ca thần linh chúc tụng. Vì Người tiếp tục việc tư tế của mình nơi Giáo Hội Người. Giáo Hội, bằng việc cử hành Thánh Thể cũng như bằng các cách thức khác, nhất là bằng việc cử hành Thần Vụ, đã không ngừng chuyên tâm trong việc chúc tụng Chúa và chuyển cầu cho toàn thế giới ơn cứu độ” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 83).
Bởi vậy, Phụng Vụ Giờ Kinh có đặc tính của một loại kinh nguyện cầu chung đặc biệt bao gồm Giáo Hội. Cần phải sáng suốt nghĩ lại lý do tại sao Giáo Hội từ từ đã quyết tâm thực hiện đặc biệt việc cầu nguyện trùng hợp với các thời đoạn khác nhau trong ngày. Để biết được điều này, chúng ta cần phải trở lại với cộng đồng thời tông đồ vào những ngày còn có một mối liên hệ gần gũi giữa kinh nguyện Kitô giáo với loại kinh nguyện được gọi là “các kinh nguyện theo luật”, tức là các kinh nguyện theo Luật Moisen – những kinh nguyện phải được cầu khẩn vào những giờ chuyên biệt trong một ngày ở đền thờ Giêrusalem. Theo Sách Tông Vụ, chúng ta biết rằng, Các Tông Đồ có thói quen “họp nhau ở đền thờ” (Acts 2:46), và “lên đền thờ vào giờ cầu nguyện là giờ thứ chín” (3:1). Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng “các kinh nguyện tuyệt hảo nhất” là các kinh nguyện buổi sáng và buổi tối.
3. Thành phần môn đệ của Chúa Kitô dần dần mới nhận ra một số Thánh Vịnh nào đó đặc biệt thích hợp với giờ giấc chuyên biệt trong ngày, trong tuần hay trong năm, khi tìm thấy nơi những Thánh Vịnh ấy một ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Kitô giáo. Thánh Cyprianô là chứng nhân uy tín của tiến trình này, vị đã viết từ tiền bán thế kỷ thứ ba như sau: “Chúng ta cũng phải cầu nguyện khi bắt đầu một ngày để cử hành Việc Phục Sinh của Chúa Kitô qua kinh ban mai. Chúa Thánh Thần đã từng đặt ra như thế khi Ngài nói ở Thánh Vịnh: ‘Ôi lạy đức vua của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi. Tôi kêu cầu Ngài: Ôi Chúa, xin hãy nghe tiếng tôi vào buổi sáng mai. Vào buổi sáng mai tôi sẽ đứng trước nhan Chúa và trông nhìn Chúa’ (Ps 5:3-4)... Bởi Chúa Kitô là Mặt Trời đích thực và là Ngày Sống đích thực, nên lúc mặt trời và ngày sống qua đi, lúc chúng ta cầu nguyện và kêu xin cho ánh sáng trở lại chiếu soi trên chúng ta, là chúng ta cầu xin Chúa Kitô đến để ban cho chúng ta được ơn sáng soi đời đời” (De oratione dominica, 35: PL 39: 655).
4. Truyền thống Kitô giáo không chỉ bị trói buộc vào việc bảo tồn tục lệ Do Thái, song đã thực hiện một số điều mới, ở chỗ tạo nên một tính chất khác cho toàn thể cảm nghiệm nguyện cầu nơi thành phần môn đệ Chúa Kitô. Thật vậy, ngoài việc thêm Kinh Lạy Cha vào buổi sáng và buổi tối, Kitô hữu còn được tự do chọn Các Thánh Vịnh để cử hành việc cầu nguyện hằng ngày. Qua giòng lịch sử, tiến trình này đã đưa đến việc sử dụng những Thánh Vịnh đặc biệt cho những giây phút quan trọng riêng theo đức tin. Trong số những Thánh Vịnh, nổi bật nhất là kinh nguyện canh thức, thời điểm sửa soạn cho Ngày của Chúa, Chúa Nhật, ngày cử hành biến cố Phục Sinh.
Sau đó, Kitô giáo còn có một đặc tính chung nữa là ở vào cuối mỗi Thánh Vịnh và Ca Vịnh đọc thêm lời tán tụng Chúa Ba Ngôi: “Sánh danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Nhờ đó, mọi Thánh Vịnh và Ca Vịnh được sáng tỏ bởi sự viên mãn của Thiên Chúa.
5. Kinh nguyện Kitô giáo được hạ sinh, nuôi dưỡng và phát triển chung quanh biến cố đức tin thượng đẳng, đó là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Thế nên, Phục Sinh, việc Chúa Kitô vượt qua từ cõi chết đến sự sống, mới được tưởng niệm vào ban sáng, vào ban tối, vào lúc mặt trời lên cũng như vào lúc mặt trời lặn. “Ánh sáng thế gian”, biểu hiệu của Chúa Kitô, có thể được thấy nơi ánh sáng của ngọn đèn thắp lên trong giờ Kinh Tối, một giờ kinh bởi thế còn được gọi là “lucernarium”. Còn các giờ giấc trong ngày nhắc lại các biến cố Tử Nạn của Chúa Kitô, cũng như giờ thứ ba nhắc lại giờ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Sau hết, kinh nguyện về đêm có một đặc tính cánh chung, tái nhắc nhở cho chúng ta về việc tỉnh thức được Chúa Giêsu khuyên giục đối với việc Người đến lần thứ hai (x Mt 13:35-37).
Dâng kinh nguyện theo nhịp sống như thế, Kitô hữu đã đáp lại lệnh truyền của Chúa Kitô là “các con hãy cầu nguyện luôn” (x Lk 18:1; 21:36; 1Thess 5:17; Eph 6:18), song vẫn không quên rằng cả đời sống của mình, một cách nào đó, phải trở thành một đời cầu nguyện. Về vấn đề này giáo phụ Origen viết: “Người không ngừng cầu nguyện là người biết hòa hợp cầu nguyện với hoạt động và hoạt động với nguyện cầu” (Về Việc Cầu Nguyện, XII, 2: PG 11, 452C).
Tất cả mọi cảnh đời đều tạo nên cơ hội tự nhiên cho việc nguyện xướng Thánh Vịnh. Nếu biết lắng nghe và sống như thế thì lời tán tụng Chúa Ba Ngôi làm cho hết mọi Thánh Vịnh thêm sang trọng, đối với Kitô hữu trong Chúa Kitô, sẽ trở thành việc họ liên lỉ lặn ngụp trong các giòng nước Thần Linh cũng như trong mối hiệp thông Dân Chúa, trong biển cả của sự sống và bình an mà con người đã được trầm mình qua Phép Rửa, tức là, trong mầu nhiệm của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 11/4/2001)

Bài 3 – TV 62 (63) (Thứ Tư 25/4/2001) 

ÔI LẠY CHÚA, LINH HỒN CON KHAO KHÁT CHÚA

(Thánh Vịnh 62 [63], Kinh Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)

1. Thánh Vịnh 62 chúng ta đang suy niệm hôm nay đây là Thánh Vịnh của tình yêu huyền nhiệm, một tình yêu thể hiện mối liên kết trọn vẹn với Thiên Chúa bằng một ước vọng và vươn lên hầu như về thể lý, tới mức độ viên trọn của mình, trong một niềm gắn bó chặt chẽ và bền vững. Lời cầu nguyện trở thành niềm trông mong, thành một cơn đói và một nỗi khát khao, vì lời cầu nguyện này bao gồm cả linh hồn lẫn thể xác.
Thánh Têrêsa Avila đã viết: “Theo tôi, khát khao nghĩa là ước mong một điều gì đó rất cần cho chúng ta, cần đến nỗi nếu không có nó chúng ta sẽ chết” (Đường Lối Trọn Lành, chương 19). Phụng vụ cho chúng ta thấy hai câu đầu của bài Thánh Vịnh thực sự nhấn mạnh đến các biểu hiệu của một cơn đói và của một nỗi khát khao, còn câu thứ ba gợi lên cho thấy một chân trời đen tối, chân trời của lý đoán thần linh về sự dữ, ngược lại với vẻ sáng lạn và niềm trông đợi đầy hy vọng nơi phần còn lại của bài Thánh Vịnh.
2. Chúng ta hãy bắt đầu việc suy niệm của chúng ta bằng bài ca đầu tiên, ca khúc về nỗi khát khao Thiên Chúa (x các câu 2-4). Bấy giờ là hừng đông, mặt trời đang lên trên bầu trời thanh quang ở Thánh Địa, và con người cầu nguyện mở đầu một ngày sống của mình bằng việc lên đền thờ để tìm kiếm ánh sáng của Thiên Chúa. Người này nói được rằng có một nhu cầu về thể lý, hầu như theo bản năng, đối với việc gặp gỡ Chúa. Như mặt đất khô khan cằn cỗi cho đến khi nó được mưa xuống tưới dội, và những chỗ nứt nẻ của mặt đất cho thấy hình ảnh cái miệng khan khát của nó há ra thế nào, thì tín hữu khát mong Thiên Chúa cũng được tràn đầy Ngài, nhờ đó được sống hiệp thông với Ngài như vậy.
Tiên tri Giêrêmia đã loan báo: Chúa là “nguồn nước hằng sống” và đã trách móc dân chúng về việc họ xây “những bể rạn nứt không chứa được nước” (2:13). Chính Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu gọi: “Ai khát hãy đến cùng Tôi; ai tin vào Tôi thì hãy uống” (Jn 7:37-38). Vào giữa một buổi trưa, trong một ngày nắng vắng lặng, Người đã hứa với người phụ nữ Samaritanô rằng: “Ai uống nước Tôi ban sẽ không bao giờ còn khát nữa; nước Tôi ban sẽ trở thành nơi họ một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn 4:14).
3. Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh 62 được đan kết với bài ca tuyệt vời của Thánh Vịnh 42: “Như nai khát khao suối nước chảy thế nào, linh hồn con cũng trông mong Chúa như vậy, Ôi Thiên Chúa... Khi nào con mới được đến chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa?” (các câu 2-3). Ở đây, theo ngôn ngữ Cựu Ước, chữ “linh hồn” nơi tiếng Do Thái có ý nghĩa như chữ nefesh, một chữ trong một số đoạn có nghĩa là “cổ họng”, và ý nghĩa này, ở trong nhiều đoạn khác, được nới rộng thêm nữa, bao gồm cả hữu thể con người. Theo những chiều kích này, từ ngữ ấy đã giúp chúng ta thấy được nhu cầu chúng ta phải cần đến Thiên Chúa thiết yếu và sâu xa là chừng nào; không có Ngài chúng ta thiếu hơi thở và thậm chí thiếu cả sự sống nữa. Vì lý do này, nếu không hiệp nhất với Thiên Chúa, thì Tác Giả Thánh Vịnh cho rằng ngay cả việc hiện hữu về thể lý cũng không quan trọng: “Tình yêu trung kiên của Chúa thì cao quí hơn cả sự sống” (Ps 62:3). Trong Thánh Vịnh 73, tác giả cũng lập lại cùng Chúa rằng: “Trên đời này, ngoài Chúa ra con không còn mong gì nữa. Xác thịt con và tâm hồn con có suy yếu thì Thiên Chúa đời đời vẫn là sức mạnh của tâm hồn con cũng như của phận số của con... bởi vì, đối với con, được sống gần Thiên Chúa là điều thiện hảo” (25-28).
4. Sau bài ca về nỗi khát khao, Tác Giả Thánh Vịnh hát bài ca về một cơn đói (x Ps 62:5-8). Bằng hình ảnh của “một tâm hồn hân hoan thưởng thức cao lương mỹ vị” và được no thỏa, con người cầu nguyện có lẽ muốn nói đến một trong những hiến tế được cử hành trong đền thờ Sion, một hiến tế được gọi là hiến tế “hiệp thông”, tức là, một bữa tiệc thánh cho tín hữu được thưởng thức thịt hiến tế. Một nhu cầu sống sâu xa khác được sử dụng ở nơi đây như một biểu hiệu hiệp thông với Thiên Chúa, đó là một cơn đói được giảm bớt đi khi con người nghe Lời thần linh và gặp gỡ Chúa. Thật vậy, “người ta không sống nguyên bởi bánh, mà... bởi mọi sự phát ra từ miệng Chúa” (Dt 8:3; Mt 4:4). Ở đây tâm trí Kitô hữu lóe lên ý nghĩ về bữa tiệc Chúa Kitô bày dọn vào đêm cuối cùng của Người trên trần gian, một bữa tiệc có một giá trị hết sức sâu xa đã được Người cắt nghĩa trong bài giảng của Người ở Caphanaum: “Thịt của Tôi thực là của ăn, và máu Tôi thực là của uống. Ai ăn thịt Tội và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:55-56).
5. Nhờ lương thực huyền nhiệm của mối hiệp thông với Thiên Chúa mà “linh hồn được gắn bó với Ngài”, như Tác Giả Thánh Vịnh nói. Một lần nữa, chữ “linh hồn” cho thấy toàn thể con người. Ở đây, người ta mới thực sự thấy được một nỗi ấp ủ, một mối liên kết hầu như về thể lý; từ đó, Thiên Chúa và loài người hoàn toàn hiệp thông với nhau, và trên môi miệng tạo vật của Ngài chỉ thấy xướng lên lời hân hoan chúc tụng tạ ơn mà thôi. Ngay cả trong đêm tăm tối, chúng ta cũng cảm thấy được Thiên Chúa ấp ủ bảo vệ, như hòm bia Giao Ước được bao phủ bằng đôi cánh của thần Kerubim. Thế rồi, niềm hân hoan được bộc phát bằng lời diễn đạt ngất ngây: “Con hát ca mừng vui trong bóng cánh của Chúa”. Nỗi sợ hãi biến tan, niềm ấp ủ không dính liền với hư không mà là với chính Thiên Chúa, linh hồn chúng ta được quyền năng của cánh tay hữu Ngài nâng đỡ (x Ps 62:7-8).
6. Đọc Thánh Vịnh theo chiều hướng của mầu nhiệm Lễ Phục Sinh, cơn đói và nỗi khát vọng của chúng ta, một thứ đói khát thôi thúc chúng ta hướng về Thiên Chúa, được thỏa nguyện nơi Chúa Kitô tử giá và phục sinh, Đấng mà nhờ Người chúng ta được lãnh nhận tặng ân Thần Linh cũng như các bí tích ban sự sống mới cho chúng ta cùng với của dưỡng nuôi để bảo trì sự sống này.
Thánh Gioan Chryôtômô, khi dẫn giải câu Phúc Âm Thánh Gioan về “máu cùng nước chảy ra” (19:34) từ cạnh sườn Người, đã nhắc nhở chúng ta khi nói: “phép rửa và các mầu nhiệm (tức Thánh Thể) được biểu hiệu nơi máu và nước này”. Rồi ngài kết luận: “Anh em có thấy cách Chúa Kitô hiệp nhất vị hiền thê của Người với Người như thế nào chăng? Anh em có thấy Người đã nuôi dưỡng tất cả chúng ta bằng thứ lương thực nào chăng? Chúng ta được hình thành và nuôi dưỡng bằng cùng một lương thực. Như người đàn bà nuôi dưỡng đứa con của bà bằng máu và sữa của bà thế nào, chính Chúa Kitô cũng tiếp tục nuôi dưỡng những ai Người đã hạ sinh bằng máu của Người như vậy” (Bài Giảng III cho những người dự tòng, 16-19 passim: SC 50 bis, 160-162).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 2/5/2001)

Bài 4 – Ca vịnh Dn (Thứ Tư 2/5/2001) 

HẾT MỌI TẠO VẬT HÃY CHÚC TỤNG CHÚA

(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất và Thứ Ba)

 1. “Tất cả mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa” (Dn 3:57). Chiều kích về vũ trụ thấm đậm Bài Ca Vịnh được trích từ Sách Đaniên này, bài ca vịnh giành cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật của tuần thứ nhất và thứ ba. Lời kinh nguyện giống như kinh cầu tuyệt diệu này rất hợp với những Ngày của Chúa, Dies Domini, là ngày giúp chúng ta chiêm ngưỡng nơi Chúa Kitô phục sinh mức độ tuyệt đỉnh của dự án Thiên Chúa đối với vũ trụ và lịch sử. Thật vậy, nơi Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cùng đích của lịch sử (x Rev 22:13), chính tạo vật đạt được toàn vẹn ý nghĩa của mình, vì, như Thánh Gioan gợi lại trong Lời Mở Đầu Phúc Aâm của mình, “nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành” (1:3). Lịch sử cứu độ đạt đến tuyệt đỉnh nơi biến cố phục sinh của Chúa Kitô, một biến cố đưa sự sống con người đến tặng ân Thần Linh và ơn làm con cái nam nữ thừa nhận của Thiên Chúa, trong khi chờ đợi Vị Hôn Phu thần linh là Đấng sẽ dâng thế giới về lại cho Thiên Chúa Cha (x 1Cor 15:24).
 2. Qua đoạn văn ca vịnh theo hình thức của một kinh cầu này, ánh mắt của chúng ta như thể duyệt lại tất cả mọi sự. Nhãn giới của chúng ta nhắm đến mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú; đậu trên những giòng nước mênh mông vươn trải, hướng lên những ngọn núi đồi, lân la với những yếu tố sung sức khác nhau của thời tiếøt; lướt qua từ nóng đến lạnh, từ quang sáng đến tối tăm; quan sát thế giới khoáng chất và thực vật, chú ý tới các loại thú vật khác nhau. Thế rồi, lời mời gọi của bài ca vịnh trở nên phổ quát, ở chỗ, nó liên quan đến các thần trời, tiến đến tất cả mọi “người con cái nhân loài”, nhất là bao gồm Yến Duyên Dân Chúa, các vị tư tế và những vị thánh nhân. Đây là một ca đoàn vĩ đại, một cuộc hòa tấu các thứ tiếng khác biệt để chung lời chúc tụng Thiên Chúa, Vị Hóa Công của vũ trụ và là Chúa của lịch sử. Nếu cầu nguyện theo chiều hướng mạc khải Kitô giáo, thì lời nguyện này là lời nguyện được ngỏ cùng Thiên Chúa Ba Ngôi, như phụng vụ kêu mời chúng ta thực hiện bằng việc thêm công thức Ba Ngôi vào Bài Ca Vịnh: “Chúng ta hãy ca ngợi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
 3. Cái hồn phổ quát của tôn giáo, theo một ý nghĩa nào đó, cũng được phản ảnh nơi Bài Ca Vịnh này, một cái hồn nhìn thấy được dấu vết của Thiên Chúa nơi thế giới để hướng lòng lên chiêm ngưỡng Đấng Hóa Công. Tuy nhiên, trong khung cảnh của Sách Đaniên, bài thánh ca này được viết lên như là một lời tri ân cảm tạ của ba người trẻ Do Thái, Hanania, Adaria và Mitsaeo, những người bị kết tội hỏa thiêu trong lò lửa vì không chịu tôn thờ tượng vàng Nêbucanêsa, song lại được gìn giữ khỏi bị lửa thiêu một cách lạ lùng. Bối cảnh của biến cố này cho thấy lịch sử cứu độ đặc biệt, một lịch sử Thiên Chúa tuyển chọn Dân Yến Duyên làm dân của Ngài và thiết lập giao ước với họ. Chính giao ước này là những gì ba người trẻ Do Thái muốn trung thành đáp ứng, cho dù có phải trả bằng giá tử đạo trong lò lửa chăng nữa. Lòng trung thành của họ gặp được lòng thủy chung của Thiên Chúa, Đấng đã sai thiên thần đến gìn giữ họ khỏi bị lửa thiêu (x. 3:49).
 Trong cung cách ấy, Bài Ca Vịnh này đã rập theo khuôn mẫu của các bài ca ngợi trong Cựu Ước đối với những cơn hiểm nguy vô lối thoát. Trong số các bài ca ngợi này là bài ca chiến thắng nổi tiếng được ghi lại trong chương 15 của Sách Xuất Hành, bài ca ngợi nói lên lòng Người Do Thái xưa tri ân Chúa về cái đêm họ không thể nào thoát được quân đội của Pharaô, song Thiên Chúa đã mở đường cho họ, bằng cách phân rẽ các giòng nước và nhận chìm “ngựa và kỵ binh… vào lòng biển cả” (Ex 15:1).
 4. Không phải là ngẫu nhiên mà trong Đêm Vọng Lễ Phục Sinh trọng thể, phụng vụ hằng mong muốn chúng ta lập lại bài thánh ca được Dân Do Thái hát lên trong Cuộc Xuất Ai Cập này. Con đường được mở ra cho họ tiên báo một con đường mới Chúa Kitô phục sinh khai mào cho nhân loại vào đêm thánh Người phục sinh từ trong cõi chết. Cuộc vượt qua tiêu biểu của chúng ta từ nước của Phép Rửa làm cho chúng ta tái cảm nghiệm được cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống, nhờ việc Chúa Giêsu chiến thắng tử thần cho thiện ích của tất cả chúng ta.
 Bằng việc lập lại Bài Ca Vịnh này của ba người trẻ Do Thái trong phụng vụ Giờ Kinh Ban Mai của Chúa Nhật, thành phần môn đệ theo Chúa Kitô chúng ta muốn được cuốn theo triều sóng tri ân trước những việc làm cao cả Thiên Chúa đã thực hiện nơi tạo vật, nhất là nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

Thật vậy, Kitô hữu nhận thấy có một mối liên hệ giữa việc giải cứu ba người trẻ được đề cập đến trong Bài Ca Vịnh này với việc phục sinh của Chúa Giêsu. Trong việc phục sinh của Chúa Giêsu, Sách Tông Vụ có sẵn lời nguyện cho tín hữu tin tưởng ca lên như tác giả Thánh Vịnh là: “Ngài sẽ không bỏ rơi linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để Đấng Thánh của Ngài trải qua tình trạng bị hủy hoại” (Acts 2:27; Ps 15:10).
 Chính truyền thống đã liên kết Bài Ca Vịnh này với biến cố Phục Sinh. Một số bản văn cổ thời cho thấy sự hiện diện của bản thánh ca này nơi kinh nguyện cho Chúa Nhật, Lễ Phục Sinh hằng tuần của Kitô hữu. Hơn nữa, những bức họa hình hài cho thấy ba người trẻ đang cầu nguyện bình thản giữa ngọn lửa cũng được tìm thấy nơi các hang toại đạo ở Rôma nữa, nhờ đó đã chứng thực tính cách hiệu nghiệm của lời nguyện cũng như tính cách chắc chắn về việc Chúa can thiệp.
 5. “Chúc tụng Chúa là Đấng muôn đời đáng ca ngợi và hiển vinh trên tầng trời” (Dn 3:56). Trong việc hát lên bản thánh ca này vào Chúa Nhật, Kitô hữu cảm nhận được lòng tri ân, chẳng những vì tặng ân được tạo thành mà còn vì chúng ta là những kẻ được Thiên Chúa chăm sóc theo tình phụ thân, Đấng đã nâng chúng ta lên phẩm vị làm con cái nam nữ của Ngài trong Chúa Kitô.
 Việc Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng tình phụ thân khiến chúng ta thấy thiên nhiên tạo vật với một cái nhìn mới mẻ và vẻ đẹp ngỡ ngàng của nó hiến cho chúng ta một dấu chỉ cao sang để chúng ta thoáng thấy được tình yêu của Ngài. Bằng những cảm quan này, Thánh Phanxicô Assisi đã chiêm ngưỡng tạo vật và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tối hậu của tất cả mọi vẻ mỹ lệ. Cũng dễ hiểu thôi khi thấy các lời nguyện của bài Thánh Kinh này được âm vang nơi linh hồn của thánh nhân lúc ngài ở San Damiano, lúc ngài sáng tác “Khúc Ca Vầng Dương Huynh”, sau khi ngài đã chịu đựng đến tột cùng khổ đau về cả thể lý lẫn tâm linh (x Fonti Francescane, 263). 
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 9/5/2001)

Bài 5 – TV 149 (Thứ Tư 23/5/2001) 

CHÚA ĐỘI TRIỀU THIÊN CỨU ĐỘ CHO NGƯỜI NGHÈO KHÓ

(Thánh Vịnh 149, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất) 

1. “Người trung nghĩa hãy rạng ngời hớn hở, hãy tỉnh giấc hân hoan chỗi dậy”. Thứ tự anh chị em vừa nghe nơi Thánh Vịnh 149 cho thấy một hừng đông đang lên và thành phần trung nghĩa sửa soạn hát lời chúc tụng vào lúc ban mai. Với cụm từ gợi ý ở câu thứ nhất, bài ca chúc tụng này của họ được gọi là “một bài ca mới”, một thánh thi trang trọng và vẹn toàn, vẹn toàn đối với những ngày sau hết, những ngày Chúa sẽ qui tụ thành phần công chính lại trong một thế giới được đổi mới. Cả một bầu không khí vui mừng tràn ngập toàn bài Thánh Vịnh này; bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng lời Alleluia được xướng lên, tiếp đến là lời ca khen, chúc tụng, niềm hân hoan, tác động nhảy múa, tiếng đàn tiếng trống. Bài Thánh Vịnh này gợi hứng cho tấm lòng đầy hoan hỉ đạo hạnh dâng lên lời cầu tạ ơn.
2. Những vai chính trong bài Thánh Vịnh, theo bản văn gốc Do Thái, được gán cho hai chữ bắt nguồn từ nền linh đạo Cựu Ước. Ba lần họ được gọi là Hasidim (ở các câu 1, 5, 9), tức là “những người trung nghĩa đạo hạnh”, thành phần trung thành và ưu ái (hesed) đáp lại tình yêu phụ thân của Chúa.
Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh gợi lên những ngỡ ngàng, vì phần này chất chứa đầy những cảm giác đấu tranh. Lạ lùng ở chỗ, cũng trong cùng một câu mà bài Thánh Vịnh lại bao gồm cả “những lời chúc tụng Thiên Chúa trên môi miệng” lẫn “thanh gươm hai lưỡi ở trong tay họ” (câu 6). Có suy niệm chúng ta mới hiểu được tại sao bài Thánh Vịnh được viết lên cho người “trung nghĩa” sử dụng, thành phần dấn thân đấu tranh cho việc giải phóng; họ tranh đấu để giải thoát đám dân chúng bị áp bức, cho những người này có cơ hội phụng sự Thiên Chúa. Trong thời Macabê, ở vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Giáng Sinh, những ai chiến đấu cho tự do và niềm tin, những người phải trải qua một cuộc đàn áp dữ dội dưới quyền lực của Hellenistic, đều được gọi là Hasidim, những người trung thành với Lời Thiên Chúa và truyền thống của cha ông họ.
3. Theo quan điểm hiện tại của lời chúng ta cầu nguyện đây thì biểu hiệu tranh đấu này trở thành hình ảnh dấn thân của người tín hữu, thành phần hát lời chúc tụng Thiên Chúa vào buổi ban mai, để rồi sau đó họ đã ra đi khắp các nẻo đường thế giới, lọt vào giữa lòng sự dữ và bất công. Bất hạnh thay, có những lực lượng mãnh liệt dàn trận chống lại Vương Quốc của Thiên Chúa, đó là “các dân tộc, các đất nước, các vị thủ lãnh và các bậc vị vọng” được tác giả Thánh Vịnh nói tới. Tuy nhiên, người tín hữu vẫn tin tưởng, vì họ biết rằng họ có Chúa ở với, Đấng là chủ tể của lịch sử (câu 2). Việc họ chiến thắng sự dữ là điều chắc chắn, và cả cuộc khải hoàn của tình yêu cũng thế. Tất cả thành phần hasidim đều tham dự vào cuộc chiến này, họ là thành phần trung nghĩa và chính trực, những người, bằng quyền năng của Thần Linh, làm cho công cuộc lạ lùng được gọi là Vương Quốc Thiên Chúa nên trọn.
4. Thánh Aâu Quốc Tinh, bắt đầu từ các chi tiết về “ca đoàn” và “đàn trống” trong bài Thánh Vịnh, đã dẫn giải thế này: “Ca đoàn tiêu biểu cho những gì?... Ca đoàn là một nhóm ca viên cùng nhau hát. Nếu chúng ta hát trong một ca đoàn, chúng ta phải hát cho đều. Khi hát chung trong một ca đoàn, một tiếng hát lạc giọng sẽ làm cho người nghe chói tai và khiến cho cả ca đoàn bị lộn xộn” (Enarr. In Ps. 149; CCL 40, 7, 1-4).
Đối chiếu các nhạc cụ được đề cập đến trong bài Thánh Vịnh, thánh nhân còn đặt vấn đề: “Tại sao tác giả Thánh Vịnh cầm trong tay cả trống lẫn đàn?” Ngài trả lời là, “vì chúng ta chúc tụng Chúa không phải chỉ bằng giọng nói mà còn bằng cả việc làm của chúng ta nữa. Một khi chúng ta cầm đàn trống lên thì đôi tay của chúng ta phải ăn khớp với gióng nói. Anh em cũng thế. Một khi anh em hát lời Alleluia thì anh em cũng phải cho người nghèo bánh ăn nữa, cho người trần truồng áo mặc nữa, cho người lữ khách chỗ trọ nữa. Nếu anh em thực hiện như thế thì chẳng những tiếng anh em hát lên mà cả đôi tay của anh em cũng hợp với giọng hát của anh em nữa, vì việc làm ăn khớp với lời nói” (cùng nguồn, 8, 1-4).
5. Chúng ta còn sử dụng chữ thứ hai để gọi những ai cầu nguyện trong bài Thánh Vịnh này, đó là chữ anawim, “những người nghèo hèn” (câu 4). Nơi Thánh Vịnh thường có những cách diễn đạt ngược đảo. Thánh Vịnh chẳng những nói đến thành phần bị áp bức, cùng khổ, bị bách hại vì đức công chính, mà còn nói đến cả những ai, vì trung thành với giáo huấn luân lý của Nhóm Liên Minh với Thiên Chúa, bị loại trừ bởi những kẻ ưa thích cậy dựa vào võ lực, giầu sang và quyền bính. Theo ý nghĩa này, người ta hiểu được rằng, hạng “người nghèo” không phải chỉ là một hạng người trong xã hội, mà còn là một chọn lựa tâm linh nữa. Đó là những gì Mối Phúc Đức thứ nhất nói đến: “Phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Tiên tri Zephaniah đã nói về thành phần anawim như là những con người đặc biệt thế này: “Hãy tìm kiếm Chúa, hỡi tất cả anh em hèn kém trong lãnh thổ, thành phần thi hành các mệnh lệnh của Ngài; hãy tìm kiếm đức chính trực, tìm kiếm đức khiêm cung; anh em mới có thể nhờ đó tránh được ngày thịnh nộ của Chúa” (2, 3).
6. “Ngày thịnh nộ của Chúa” thực sự là ngày được diễn tả trong phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, khi thành phần “nghèo” được vào hàng ngũ của Thiên Chúa để chống lại sự dữ. Tự mình, họ không đủ sức mạnh, hay đủ vũ khí, hoặc đủ những chiến thuật cần thiết để chống lại cuộc tấn công hung tàn của sự dữ. Tuy nhiên, vị tác giả Thánh Vịnh đã không lưỡng lự cho rằng: “Chúa yêu thương dân Ngài, Ngài cho kẻ thấp hèn (anawim) được chiến thắng vẻ vang” (câu 4). Những gì Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu Côrintô đã làm trọn bức họa trên đây: “Thiên Chúa đã chọn những gì là hèn kém và bị thế gian khinh thường, ngay cả những cái chẳng là gì, để làm cho những cái là gì trở thành chẳng là gì” (1Cor 1:28).
Với một lòng tin tưởng cậy trông như vậy, “con cái Sion” (câu 2), thành phần hasidim và anawim, thành phần trung nghĩa và nghèo hèn, tiếp tục sống chứng từ của mình trong thế giới và theo giòng lịch sử. Ca vịnh Magnificat Ngợi Khen của Mẹ Maria trong Phúc Aâm Thánh Luca là tiếng vang của những cảm quan đẹp nhất nơi “con cái Sion”, một ca vịnh hân hoan chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu độ của Mẹ, một ca vịnh tạ ơn về những điều cao cả Đấng Toàn Năng đã thực hiện, về việc Ngài ra tay chống lại các lực lượng sự dữ, về việc Ngài liên kết với người nghèo khó, và về lòng trung thành của Vị Thiên Chúa của Giao Ước (x 1:46-55).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 30/5/2001)

Bài 6 – TV 5 (Thứ Tư 30/5/2001) 

HÃY TIN TƯỞNG THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NÂNG ĐỠ KẺ HIẾU TRUNG

(Thánh Vịnh 5, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất) 

1.Chúa nghe lời con vào buổi sớm mai; vào buổi sớm mai con dâng lên Chúa lời con nguyện cầu, với lòng ngóng trông và chờ đợi” (câu 4). Những lời này đã làm cho Thánh Vịnh 5 trở thành lời nguyện cầu buổi sáng, rất thích hợp cho Kinh Nguyện Ban Mai, kinh nguyện của tín hữu vào lúc bắt đầu của một ngày sống. Tình trạng căng thẳng và lo âu đối với những nguy hiểm và cay nghiệt tín hữu phải trực diện là bối cảnh cho cung điệu của lời kinh nguyện này. Thế nhưng, lòng họ tin tuỏng vào Thiên Chúa vẫn không hề suy yếu, vì Ngài bao giờ cũng sẵn sàng nâng đỡ con nguòi hiếu trung, để họ không bị vấp ngã trên đuòng đời.
Không ai ngoài Giáo Hội có đuọc một lòng tin cậy như thế” (Thánh Giêrônimô, Luận Đề 59 về Các Thánh Vịnh, 5, 27: PL 26, 829). Thánh Âu Quốc Tinh, bằng việc gợi lên cho chúng ta chú ý đến nhan đề được đặt cho bài Thánh Vịnh, nhan đề đọc trong bản Latinh là cho người lãnh nhận gia nghiệp, thì nói: “Bài thánh vịnh này ám chỉ Giáo Hội là thực tại lãnh nhận gia sản sự sống đời đời nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để Giáo Hội chiếm được chính Thiên Chúa, gắn bó với Ngài, và hưởng phúc trong Ngài, hợp với những gì đã viết: ‘Ai hiền lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy’ (Mt 5:5)” (Enarr. In ps. 5: CCL 38, 1, 2-3).
2. Nơi các Thánh Vịnh chất chứa “lời cầu khẩn” xin Chúa cho được thoát khỏi sự dữ thường thấy có 3 ngôi vị hiện lên. Trước hết là Thiên Chúa (các câu từ 2 tới 7), Đấng thực sự là “Ngài”, đối tượng tin tưởng cậy trông của con người cầu nguyện. Một nỗi vững tâm nổi lên đương đầu với những lo âu của một ngày mệt mã cũng có thể là một ngày nguy hiểm. Chúa là Vị Thiên Chúa liên lỉ công chính đối với những gì là bất công, một Vị Thiên Chúa hoàn toàn không liên hệ gì với sự dữ: “Chúa không phải là một Vị Thiên Chúa hoan hỉ nơi điều gian ác” (câu 5).
Một danh sách dài liệt kê những người gian ác, kẻ kiêu hãnh, người khờ dại, kẻ gian trá, người khát máu, kẻ lừa đảo được duyệt qua trước ánh mắt của Chúa. Ngài là Vị Thiên Chúa thánh hảo và công chính, Ngài đứng về phía những ai theo đường lối chân thật và yêu thương của Ngài, chống lại thành phần “chọn những đường nẻo dẫn đến vương quốc của bóng tối tăm” (x Sách Cách Ngôn 2:18). Con người hiếu trung sẽ không cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi khi họ phải chạm trán với trần thế, khi họ dự phần với xã hội cũng như khi gặp phải những rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày.
3. Nơi câu 8 và 9 trong kinh ban mai của chúng ta, ngôi vị thứ hai chính là con người cầu nguyện, xuất hiện như là một Cái Tôi cho thấy toàn thể con người của họ được cung hiến cho Thiên Chúa cũng như cho “tình thương cao cả” của Ngài. Họ tin tưởng là các cổng của đền thờ, nơi hiệp thông và là nơi mật thiết thần linh, nơi đã bị khóa lại trước những kẻ bất chính, lại rộng mở ra cho họ. Họ tiến vào những cổng này để hoan hưởng cảnh an toàn dưới sự chở che thần linh, trong khi đó, ở bên ngoài, sự dữ phát triển và ăn mừng những gì gọi là chiến thắng tạm thời.
Từ kinh ban mai của mình trong đền thờ, con người hiếu trung có được một nghị lực nội tâm để đối diện với thế giới hận thù. Chính Chúa sẽ nắm lấy tay họ để dẫn họ băng qua những đuòng xá thế gian, hơn thế nữa, Ngài còn “làm cho đường lối của Ngài ngay thẳng” trước mắt họ, như Tác Giả Thánh Vịnh diễn tả bằng một hình ảnh đơn sơ nhưng đánh động. Theo bản văn gốc tiếng Do Thái thì niềm tin tưởng cậy trông vững vàng này đuọc diễn tả bằng hai từ ngữ (hésed và sedaqáh): một là “lòng xót thương hay lòng trung thành”, hai là “đức công chính hay việc cứu độ”. Những từ ngữ này là những chữ chính yếu trong việc reo mừng giao ước liên kết Chúa với dân Ngài và với từng tín hữu.
4. Sau hết, chúng ta thấy tụ lại ở chân trời hình ảnh mờ mịt của nhân vật thứ ba trong thảm kịch thường nhật, đó là những kẻ thù, những kẻ gian ác, thành phần thuộc về bối cảnh ở những câu trước đó. Sau “Ngài” là Thiên Chúa và “Cái Tôi” là con nguòi nguyện cầu, giờ đây đến “Họ” là nhóm người thù hận, tiêu biểu cho sự dữ trên thế gian (các câu 10-11). Hình thể học của họ được vẽ theo ngôn từ, yếu tố căn bản trong việc truyền thông xã hội. Bốn yếu tố là môi miệng, lòng trí, cổ họng và cái lưỡi nói lên cho thấy bản chất sâu xa của cái gian tà nội tâm nơi việc họ chọn lựa. Miệng lưỡi họ đầy những sai lầm, lòng trí họ lúc nào cũng âm mưu phản trắc, cổ họng của họ như mồ mả mở toang, mau mắn mong muốn duy một sự chết, cái lưỡi dụ dỗ của họ “đầy chất độc tử thần” (Jas 3:8).
5. Sau bức tranh thực tiễn và cay cực như vậy về con người hư hỏng là thành phần tấn công kẻ công chính, tác giả Thánh Vịnh, ở một câu Thánh Vịnh (thứ 11) đã kêu nài Thiên Chúa đoán phạt họ, câu Thánh Vịnh đã được Kitô giáo bỏ qua khi đọc Thánh Vịnh, vì Giáo Hội muốn theo đúng mạc khải Tân Ước về tình yêu nhân hậu, một tình yêu cống hiến cho kẻ dữ có cơ hội ăn năn cải thiện đời sống.
Lời cầu nguyện của tác giả Thánh Vịnh đến đây được kết thúc với đầy những sáng suốt và an bình (câu 12-13), sau câu truyện đen tối của thành phần tội nhân vừa cho thấy. Một triều sóng vững tâm và hoan lạc vây bọc lấy con người hiếu trung với Chúa. Bấy giờ bắt đầu một ngày sống, mở ra trước người tín hữu. Cho dù nó có được đánh dấu bằng nỗ lực và lo âu, bao giờ nó cũng được phúc lành thần linh bao phủ. Tác giả Thánh Vịnh, vị biết được một cách sâu xa cõi lòng và kiểu cách của Thiên Chúa, đã không nghi ngại thân thưa: “Lạy Chúa, Chúa chúc phúc cho kẻ lành; Chúa sủng ái bao bọc họ như khiên với thuẫn” (câu 13).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/6/2001)

Bài 7 – Ca vịnh về vua David (Thứ Tư 6/6/2001)

TẤT CẢ ĐỀU LÀ ÂN SỦNG

(Ca Vịnh về Vua Đavít, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)

1. “Chúc tụng Ngài, ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của Israel cha ông chúng tôi” (1Chr 29:10). Bài ca vịnh đầy nguyện cầu được Sách Ký Sự quyển thứ nhất đặt vào môi miệng Vua Đavít này làm cho chúng ta sống lại niềm vui bừng nở nơi cộng đồng giao ước ban đầu trước những việc sửa soạn đại thể giành cho công cuộc xây dựng đền thờ, hoa trái phát sinh từ nỗ lực chung tay góp sức giữa vua với rất nhiều người quảng đại cộng tác với vua. Những việc sửa soạn này thực sự đã được hoàn thành một cách quảng đại, vì ngôi đền thờ đây được kêu gọi làm nơi cư trú không phải ‘giành cho một người nào đó mà là cho Chúa là Thiên Chúa’ (1Chr 29:1). Đọc lại biến cố này ở vào nhiều thế kỷ sau, nhà viết ký sử trực giác thấy được những cảm nhận của vua Đavít cũng như của toàn dân, niềm vui của họ cùng với lời họ ca ngợi những ai đóng góp làm việc chung: “Dân chúng hoan hỉ vì họ đã có lòng đóng góp, bởi họ đã tự tình dâng cho Chúa bằng cả tấm lòng; vua Đavít cũng hết sức vui mừng hớn hở” (1Chr 29:9).
2. Bài ca vịnh này đã phát xuất từ bối cảnh ấy. Bài ca vịnh không diễn tả, có thì chỉ vắn tắt, về lòng mãn nguyện của con người, mà hướng ngay về vinh quang Thiên Chúa: “Ôi Chúa, uy nghi cao cả thuộc về Chúa... vương quốc là của Chúa...”. Con người bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi xu hướng là khi hoàn thành công việc của Chúa thì lấy mình làm quan trọng như thể Thiên Chúa có nợ nần gì với mình vậy. Trái lại, Đavít qui tất cả mọi sự về cho Chúa. Không phải loài nguòi, với lý trí và sức lực của họ, là kiến trúc sư đầu tiên của tất cả những gì được thực hiện, mà là chính Thiên Chúa.
Như thế, Đavít đã diễn đạt cho thấy chân lý nền tảng ở chỗ tất cả đều là ân sủng. Theo một nghĩa nào đó, tất cả những gì được giành cho đền thờ chỉ là việc trả về một cách hết sức nhỏ mọn những gì dân Yến Duyên đã lãnh nhận nơi tặng ân giao ước vô giá do Thiên Chúa thiết lập với cha ông họ. Cũng thế, Đavít qui về cho Chúa mọi sự làm nên thân phận may lành của vua, cả quân quốc, lãnh vực chính trị và kinh tế. Tất cả đều đến từ Ngài.
3. Ở đây chất chứa cái cốt lõi nơi việc chiêm ngũng của những câu ca vịnh này. Tác giả bài Ca Vịnh hình như không đủ lời lẽ để tuyên xưng sự uy nghi cao cả và quyền năng của Thiên Chúa. Tác giả đã coi Ngài, trước hết, như là “người cha của chúng tôi”, nơi vai trò phụ thân Ngài tỏ cho dân Yến Duyên thấy. Đây là danh hiệu đầu tiên mời mọc chúng ta ca khen Ngài “bây giờ và cho đến muôn đời”.
Nơi việc Kitô hữu thực hiện việc cầu nguyện, chúng ta không đuọc quên rằng vai trò phụ thân của Thiên Chúa hoàn toàn tỏ hiện nơi việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Chính Nguòi, và chỉ một mình Nguòi, mới có thể nói cùng Thiên Chúa khi gọi Ngài một cách xứng hợp và trìu mến là “Abba” (Mk 14:36). Cũng thế, nhờ tặng ân Thần Linh, chúng ta đã được tham dự vào vai trò làm con cái của Ngài và trở nên “con cái nơi Nguòi Con”. Phúc lành của Thiên Chúa là Cha ban xuống trên dân Yến Duyên xưa chuyển đến cho chúng ta với một mức độ dồi dào hơn, ở chỗ, Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy bằng cách dạy chúng ta rằng Thiên Chúa là “Cha của chúng con”.
4. Cái nhìn của vị tác giả thánh kinh này vươn từ lịch sử cứu độ đến toàn thể vũ trụ để chiêm ngưỡng uy linh của Vị Thiên Chúa Hóa Công: “Tất cả mọi sự trên trời dưới đất đều là của Chúa”. Chưa hết, “Vương quyền cao cả là của Chúa; Chúa được tôn lên làm thủ lãnh trên tất cả mọi sự”. Như ở Thánh Vịnh 8, con người cầu nguyện bài Ca Vịnh này ngẩng đầu lên hướng về cái vươn trải mênh mông của các tầng trời, đoạn bỡ ngỡ nhìn vào cái bao rộng lớn lao của đất, và thấy được mọi sự ở trong quyền cai trị của Đấng Hóa Công. Họ làm sao có thể diễn tả được vinh quang của Thiên Chúa đây? Lời lẽ chồng chất lên nhau, nào là cao cả, quyền năng, vinh hiển, uy nghi và quang sáng; và ngay cả đến mãnh lực và uy quyền. Tất cả những gì con nguòi cảm thấy tuyệt vời và vĩ đại đều đuọc qui về cho Đấng là nguồn mạch mọi sự và cai quản chúng. Loài nguòi biết rằng mọi sự họ có đều là tặng ân của Thiên Chúa, như Đavít còn nhấn mạnh hơn nữa trong bài Ca Vịnh này: “Tôi là ai và dân tôi là gì mà chúng tôi bởi thế phải tự tình hiến dâng lên Chúa như vậy? Vì tất cả mọi sự đều từ Chúa mà có, và chúng tôi dâng lại cho Chúa những gì là của Chúa” (1Chr 29:14).
5. Bối cảnh về thực tại như là tặng ân của Thiên Chúa này giúp chúng ta biết hòa hợp các mối cảm nhận chúc tụng và tạ ơn của bài Ca Vịnh này với linh đạo chân chính của “việc hiến dâng” là việc được phụng vụ Kitô giáo làm cho chúng ta sống động hơn hết nơi việc cử hành Thánh Lễ. Đó là những gì phát ra từ hai lời nguyện linh mục đọc để dâng bánh và rượu là những gì sẽ trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. “Vì Chúa rộng ban cho chúng tôi bánh này là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người, chúng tôi xin dâng lên Chúa để trở nên bánh nuôi sống chúng tôi”. Lời cầu nguyện này đượïc lập lại cho cả rượu nữa. Chúng ta cũng thấy những cảm nhận tương tự nơi Phụng Vụ Thánh Lễ Nghi Byzantine cũng như nơi Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma xưa, khi chúng ta, qua lời tuyên tụng Thánh Thể sau phần truyền phép, nói lên ý hướng của chúng ta muốn hiến dâng lên Thiên Chúa như là một tặng vật, những gì chúng ta đã nhận đuọc từ Ngài.
6. Việc áp dụng sau hết trong cái nhìn lên Thiên Chúa này đã được thể hiện nơi bài Ca Vịnh đây bằng việc nhìn vào kinh nghiệm của nhân loại về cảnh giầu sang và quyền quí. Cả hai khía cạnh này hiện lên vào lúc vua Đavít sửa soạn tất cả những gì cần thiết để xây cất ngôi đền thờ. Những gì là xu hướng chung cũng là xu hướng của vua, ở chỗ, vua đã tác hành như thể vua là có toàn quyền trên những gì vua sở hữu trong việc lấy nó làm hãnh diện bản thân và lợi dụng kẻ khác. Lời cầu nguyện thốt lên trong bài Ca Vịnh đưa con nguòi về với tình trạng như là “một nguòi nghèo khó”, thành phần lãnh nhận mọi sự từ Thiên Chúa.
Các vị vua chúa trên trái đất này không gì hơn là hình ảnh của vương giả thần linh: “Ôi lạy Chúa, vương quốc là của Chúa”. Nguòi giầu không được quên đi nguồn gốc của những thiện hảo họ có: “giầu sang và vinh dự từ Chúa mà có”. Kẻ quyền quí phải làm sao để nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch của “tất cả mọi uy nghi cao cả và quyền năng”. Kitô hữu được kêu gọi để sử dụng những diễn đạt này trong việc cầu nguyện, bằng cách hân hoan chiêm ngưỡng Chúa Phục Sinh, Đấng được Thiên Chúa tôn vinh “trên hết mọi chủ trị và quyền bính, quyền năng và thống trị” (Eph 1:21). Chúa Kitô là vua thật của vũ trụ vậy.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 13/6/2001)

Bài 8 – TV 28 (29) (Thứ Tư 13/6/2001) 

CHÚA LONG TRỌNG CÔNG BỐ LỜI CỦA NGÀI

(Thánh Vịnh 28 [29], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất) 

1. Có một số nhà chuyên gia coi Thánh Vịnh 28 chúng ta vừa mới nghe như là một trong những đoạn văn cổ nhất của Sách Thánh Vịnh. Có một hình ảnh mãnh liệt liên kết Thánh Vịnh này với việc biểu lộ bằng thi ca và nguyện cầu của mình: ở chỗ chúng ta đối diện với một cơn bão tố càng ngày càng hoành hành. Chữ qol trong tiếng Do Thái có ý nghĩa cả về “tiếng nói” lẫn “sấm xét”, được lập lại ở đầu những câu chính, tạo nên một cảnh căng thẳng dồn dập nơi bài Thánh Vịnh. Vì lý do này những nhà chú giải đã gọi bài Thánh Vịnh của chúng ta đây là “bài Thánh Vịnh thất sấm trận”, tính theo số lần vang vọng chữ sấm xét này. Thật vậy, người ta có thể nói rằng tác giả Thánh Vịnh đã nghĩ đến sấm xét như là một biểu hiệu của tiếng nói thần linh, nơi mầu nhiệm siêu việt và bất khả thấu của tiếng nói này, một tiếng nói vang vào thực tại tạo vật để làm cho nó bàng hoàng và kinh hãi, nhưng cũng là một tiếng nói, theo ý nghĩa sâu xa nhất của mình, lại là một tiếng nói bình an và thái hòa. Người ta nghĩ đến đoạn 12 của Phúc Âm Thứ Bốn là đoạn đề cập đến tiếng nói từ trời đáp lời Chúa Giêsu được dân chúng cho như là tiếng sấm (x Jn 12:28-29).
 Trong việc sử dụng Thánh Vịnh 28 làm Kinh Ban Mai, Phụng Vụ Giờ Kinh muốn mời gọi chúng ta hãy mặc lấy thái độ tôn thờ Uy Nghi thần linh cách sâu thẳm và tin tưởng.
 2. Vị xướng hát Thánh Kinh đã dẫn đưa chúng ta đến hai giây phút và hai địa điểm. Ở giữa (các câu 3-9) hai giây phút và hai địa điểm này, chúng ta thấy có đoạn về trận bão tố nổi lên từ “các giòng nước mênh mông” của Địa Trung Hải. Trước mắt của con người Thánh Kinh này thì các giòng nước biển cả ấy trở thành những xao động tấn công vẻ đẹp và huy hoàng của thiên nhiên tạo vật, làm soi mòn, tàn phá và hủy hoại nó. Bởi thế, khi quan sát bão tố nổi lên, nguòi ta mới thấy được quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Con người cầu nguyện thấy cơn bão tố tiến lên hướng bắc và tàn phá đất liền. Những cây trắc bá Libanon và Núi Sirion, đôi khi cũng được gọi là Núi Hermon, bị xét đánh và như thể bật lên như những con thú hoảng sợ dưới những trận sấm xét. Những vang động càng gần hơn, băng ngang qua toàn cõi Thánh Địa, rồi chuyển xuống phía nam, đến những miền đất hoang vu xứ Kades.
 3. Sau bức tranh chuyển động và căng thẳng mãnh liệt này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng một cảnh khác trái ngược lại, một cảnh được phác tả ở đầu và ở cuối bài Thánh Vịnh (các câu 1-2 và 9b-11). Cơn buồn thảm và nỗi sợ hãi giờ đây được đối lại bằng việc tôn vinh thờ lạy Thiên Chúa trong đền thờ ở Sion.
 Hầu như có một luồng truyền thông liên kết cung thánh Giêrusalem với cung thánh thiên đình, ở chỗ, cả hai nơi thánh này đều có an bình và lời ngợi ca chúc tụng vinh quang thần linh. Tiếng sấm xét điếc tai nhường chỗ cho cảnh an hòa của tiếng hát phụng vụ, nỗi kinh hoàng nhường chỗ cho nỗi vững tâm tin tưởng nơi sự bảo vệ thần linh. Bấy giờ Thiên Chúa mới xuất hiện “ngự trên lụt lội” như “Đức Vua muôn thuở” (câu 10), tức như Vị Chúa Tể và là Đấng Thống Trị của tất cả mọi tạo vật.
 4. Trước hai cảnh tượng đối nghịch nhau này, con người cầu nguyện được mời gọi chia sẻ một cảm nghiệm lưỡng diện. Trước hết, họ phải nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm được diễn tả nơi biểu hiệu bão tố, một mầu nhiệm con người không thể thấu triệt hay làm chủ. Như Tiên Tri Isaia lên tiếng hát, Chúa như luồng xét đánh, hay như cơn bão tố nổi lên trong lịch sử loài người, gieo hoảng hốt cho kẻ hư hoại cũng như cho thành phần đàn áp. Một khi Ngài phán quyết thì những đối phương kiêu hãnh của Ngài sẽ bật gốc lên như cây cối bị bão táp đánh đổ, hay như các cây trắc bá trở nên xác sơ trước cơn thịnh nộ thần linh (x Is 14:7-8).
Những gì đã được thấy rõ ràng nơi ý nghĩa này cũng là những gì đã được nhà tư tưởng tân thời (Rudolph Otto) diễn tả như là tremendum của Thiên Chúa, tức là siêu việt tính khôn lường và sự hiện diện của Ngài như một quan án công minh trong lịch sử loài người. Lịch sử loài người đừng hòng việc chống lại được quyền năng tối thượng của Ngài. Trong ca vịnh Ngợi Khen, Mẹ Maria cũng đã tôn tụng khía cạnh tác hành này của Thiên Chúa: “Ngài đã ra tay uy quyền, đánh tan người kiêu ngạo với ý nghĩ kiêu căng của họ; Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi ngai tòa của họ” (Lk 1:51-52a).
5. Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của dung nhan Thiên Chúa, khía cạnh được khám phá ra nơi niềm thân mật nguyện cầu cũng như nơi việc cử hành phụng vụ. Theo nhà tư tưởng trên đây, đó là khía cạnh fascinosum của Thiên Chúa, tức khía cạnh say mê phát tỏa ra từ ân sủng của Ngài, một mầu nhiệm yêu thương được tuôn đổ xuống trên người trung hiếu, một niềm phúc lộc tin tưởng an tâm giành cho kẻ công chính. Dù có phải đối diện với những biến động của sự dữ, với những cơn bão tố của lịch sử, cũng như với chính cơn thịnh nộ của đức công minh thần linh, con người cầu nguyện vẫn cảm thấy bình an, vẫn được bao che trong chiếc áo choàng bảo vệ do Đấng Quan Phòng ban cho những ai chúc tụng Thiên Chúa và đi theo đường lối của Ngài. Qua việc cầu nguyện, chúng ta biết rằng điều Thiên Chúa thực sự ước muốn đó là ban bình an cho chúng ta. Nơi đền thánh, nỗi lo âu của chúng ta được xoa dịu và nỗi kinh hoàng của chúng ta bị loại trừ; chúng ta tham dự vào phụng vụ thiên quốc cùng với tất cả “con cái Thiên Chúa”, các thiên thần và các thánh nhân. Thế rồi, sau cơn bão tố, hình ảnh hủy hoại như một trận lụt cả thể gây nên do loài người gian manh, giờ đây lại xuất hiện trên bầu trời một cầu vồng của ân sủng thần linh, một nhắc nhở về “giao ước vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và hết mọi sinh vật có xác thịt trên mặt đất” (Gn 9:16).
Sứ điệp này nổi bật trước hết nơi việc “Kitô “ hữu đọc lại bài Thánh Vịnh. Nếu thất “sấm” trận nơi bài Thánh Vịnh của chúng ta biểu hiệu cho tiếng của Thiên Chúa trong vũ trụ này, thì việc thể hiện cao đẹp nhất của tiếng này là tiếng Chúa Cha tỏ căn tính sâu xa nhất của “Người Con yêu dấu” (Mk 1:11) ra, qua cuộc thần hiển của Chúa Giêsu khi Người lãnh nhận Phép Rửa. Thánh Basiliô viết: “Có lẽ, còn nhiệm mầu hơn nữa, tiếng của Chúa vang trên các giòng nước được dội lại khi có tiếng từ trên cao phán xuống lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa rằng: Đây là Con Cha yêu dấu. Thật vậy, bấy giờ Chúa thở hơi trên các giòng nước, thánh hóa chúng bằng phép rửa. Vị Thiên Chúa vinh quang làm sấm động từ trên cao tiếng chứng từ mãnh liệt của Ngài... Bấy giờ anh em mới có thể nhờ tiếng ‘sấm động’ hiểu rằng việc biến đổi xẩy ra sau Phép Rửa qua tiếng mãnh liệt của Phúc Aâm” (Bài giảng về Các Thánh Vịnh: PG 30, 359).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 20/6/2001)

Bài 9 – TV 23 (24) (Thứ Tư 20/6/2001) 

CHÚA TIẾN VÀO ĐỀN THỜ CỦA NGƯỜI!

(Thánh Vịnh 23 [24], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)

1. Bài ca cổ xưa này của Dân Chúa chúng ta vừa nghe đã vang lại trong đền thờ Giêrusalem. Để có thể nắm được cốt lõi của lời cầu nguyện này, chúng ta cần phải chú ý đến ba niềm xác tín. Xác tín thứ nhất là chân lý về các tạo vật: Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới và là Chúa của nó. Xác tín thứ hai là phán quyết của Ngài khuất phục tạo vật: chúng ta phải ra trước nhan Ngài để trả lẽ về những gì chúng ta làm. Xác tín thứ ba là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ hiện: Ngài đến với vũ trụ cũng như với lịch sử loài người và muốn được tự do thiết lập mối liên hệ hiệp thông thân tình với loài người. Một nhà chú giải tân thời viết: “Đây là ba thể thức căn bản của việc cảm nghiệm Thiên Chúa cũng như của mối liên hệ với Thiên Chúa; chúng ta sống bởi việc Thiên Chúa làm, chúng ta sống trước nhan Thiên Chúa, và chúng ta có thể sống với Thiên Chúa” (G. Ebeling, On the Psalms, [xem bản Ý ngữ Sui Salmi, Brescia, 1973, p. 97]).
2. Ba phần của Thánh Vịnh 23 tương đương với ba cơ cấu căn bản này là những gì chúng ta giờ đây sẽ khảo sát, coi chúng như là ba màn liên tục nhau trong một bài thi ca tam liên khúc đối với lời cầu nguyện của chúng ta. Màn đầu tiên là lời than lên cùng Đấng Hóa Công, Đấng là chủ nhân ông của trái đất và tất cả mọi người cư ngụ ở đó (các câu 1-2). Lời than này là lời tuyên xưng niền tin vào Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Theo quan niệm cổ xưa về tạo vật thì trái đất được quan niệm như là một công trình kiến trúc, ở chỗ, Thiên Chúa đã đặt nền tảng trái đất trên biển khơi, biểu hiệu cho những giòng nước giao động và hủy hoại, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy giới hạn của tạo vật, bị eo hẹp bởi hư không và sự dữ. Tạo thành bị treo lơ lửng trên vực thẳm thủy triều, được bàn tay tạo dựng cùng quan phòng của Thiên Chúa gìn giữ cho hiện hữu và sống động.
3. Từ chân trời vũ trụ này, quan điểm của tác giả Thánh Vịnh thu hẹp vào tiểu thế giới Sion là “núi của Chúa”. Đến đây chúng ta đang ở vào hình ảnh thứ hai của bài Thánh Vịnh (các câu 3-6). Chúng ta đứng trước đền thờ Giêrusalem. Đoàn người hiếu trung lên tiếng hỏi những ai canh giữ thánh môn câu hỏi mở đầu là “Ai sẽ trèo lên núi Chúa, ai sẽ đứng trong thánh điện của Ngài?” Các vị tư tế, thành phần được các chuyên gia trong một số đoạn văn Thánh Kinh khác gọi là “phụng vụ mở màn” (x Ps 14; Is 33:14-16; Mi 6:6-8), đáp lại bằng cách liệt kê những điều kiện cần thiết giúp con người được hiệp thông với Chúa trong việc tôn thờ. Những điều kiện này không chỉ là những tiêu chuẩn thuần nghi thức hay bề ngoài cần phải tuân hành, mà là những đòi hỏi về luân lý và hành động cần phải sống. Đó là việc kiểm điểm lương tâm hay là hành động thống hối trước khi cử hành phụng vụ.
4. Các vị tư tế đặt ra ba đòi hỏi. Trước hết, con người phải có “đôi tay thanh sạch và tấm lòng tinh tuyền”. “Đôi tay” và “tấm lòng” ám chỉ cả hành vi lẫn ý hướng, tức toàn thể con người là những gì cần phải trọn vẹn hướng về Thiên Chúa và lề luật của Ngài. Đòi hỏi thứ hai kêu gọi con người “không điêu ngoa gian dối”, theo ngôn ngữ Thánh Kinh tức là cần phải chân thành, thậm chí cần phải chiến đấu chống lại tội tôn thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng là các vị thiên chúa giả tạo, tức là “những giả dối”. Đòi hỏi này xác quyết điều răn thứ nhất trong Bản Thập Giới, tính cách tinh tuyền của lòng đạo đức cũng như của việc tôn thờ. Đòi hỏi thứ ba cũng là đòi hỏi sau cùng đụng chạm đến mối liên hệ với tha nhân của chúng ta. “Đừng thề thốt để lường gạt tha nhân của mình”. Theo văn hóa về ngôn từ như thứ văn hóa ngôn từ của dân Do Thái xưa, thì lời nói là biểu hiệu của các mối liên hệ xã hội theo công bằng và chính trực, không được sử dụng nó để lừa đảo nhau.
5. Tới đây chúng ta tiến đến màn thứ ba nơi tam liên khúc của chúng ta, một tam liên khúc gián tiếp nói lên việc thành phần hiếu trung hân hoan tiến vào đền thờ để gặp Chúa (các câu 7-10). Bằng một cuộc trao đổi thấm thía với những lời kêu gọi và vấn đáp, Thiên Chúa tuần tự tỏ mình ra qua ba danh hiệu trang trọng là “Vua Vinh Hiển, Chúa Dũng Lực Hùng Anh, Chúa Các Đạo Binh”. Các cổng của đền thờ Sion được nhân cách hóa và mời gọi nâng các môn đăng của mình lên để đón Chúa là Đấng đến chiếm hữu nhà của Ngài. Màn chiến thắng, được bài Thánh Vịnh diễn tả ở hình ảnh thi ca thứ ba, đã được phụng vụ Kitô giáo Đông phương cũng như Tây phương áp dụng vào cuộc Chúa Kitô vinh hiển Xuống Ngục Tổ Tông, một biến cố được Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô đã nói đến (3:19), cũng như được áp dụng vào việc Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên về trời (x Acts 1:9-10). Thậm chí hiện nay, trong Phụng Vụ Byzantine, bài Thánh Vịnh này còn được các ca đoàn luân phiên hát vào Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bảy Tuần Thánh, và trong Phụng Vụ Latinh bài Thánh Vịnh này cũng được sử dụng cho Chúa Nhật thứ hai của Cuộc Vượt Qua khi kết thúc nghi thức rước lá. Phụng Vụ Trọng Thể trong việc mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh đã khiến lòng chúng ta hết sức xúc động khi sống lại cũng một cảm nhận của vị tác giả Thánh Vịnh, lúc ngài bước qua ngưỡng cửa đền thờ Sion xưa.
6. Danh hiệu cuối cùng, “Chúa các Đạo Binh”, mới thoạt nghe nó không thật sự là một quân hiệu, dù có đối chiếu với các hàng ngũ của dân Do Thái đi nữa. Trái lại, danh hiệu này có một giá trị hoàn vũ: Chúa, Đấng giờ đây đến gặp nhân loại trong một khoảng không gian hạn hẹp của cung thánh Sion, là Hóa Công nắm trong tay tất cả mọi tinh tú trên trời như là đạo binh của Ngài, tức là nắm trong tay những tạo vật của vũ trụ hằng tùng phục Ngài. Trong sách tiên tri Ba-Rúch chúng ta đọc thấy: “Các tinh tú từ vị trí của mình chiếu sáng và hoan hỉ trước ai đây; khi Ngài gọi chúng, chúng đáp: ‘Này chúng tôi đây!’ hân hoan chiếu sáng cho Vị Hóa Công của mình” (3:34-35), Vị Thiên Chúa vô cùng, toàn năng và hằng hữu thích ứng bản thân mình với nhân loại tạo vật, đến gần để gặp gỡ, lắng nghe và hiệp thông với họ. Phụng vụ là thể hiện việc cùng tìm đến nhau trong đức tin, trong trao đổi và yêu thương.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 27/6/2001)

Bài 10 – Ca vịnh Tobia (Thứ Tư 25/7/2001) 

CHÚA QUAN PHÒNG BẢO VỆ KẺ TÍN NGHĨA

(Ca Vịnh Tobia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất) 

1. “Tôi tôn tụng Chúa Trời tôi và thần trí tôi hân hoan trong Đức Thiên Vương” (Tb 13:7). Người nói những lời này trong Bài Ca Vịnh vừa được xướng lên là Tôbia cha, nhân vật được Cựu Ước kể lại bằng một câu truyện ngắn xây dựng trong cuốn sách (theo bản dịch Vulgata) mang tên Tôbia con ông. Để hiểu được đầy đủ ý nghĩa của bài thánh thi này, chúng ta phải để ý đến những đoạn truyện trước đó. Câu truyện xẩy ra nơi người Do Thái lưu đầy ở Ninivê. Khi viết lại câu truyện này ở các thế kỷ sau đó, vị tác giả sách thánh coi cha con họ như là một tấm gương soi cho anh chị em sống niềm tin đang bị phân tán nơi ngoại nhân cũng như đang bị cám dỗ bỏ đi truyền thống của cha ông mình. Chân dung của Tôbia và gia đình ông được trình bày cho thấy như là một mẫu sống. Đó là một người đàn ông, bất chấp mọi sự xẩy ra cho mình, vẫn trung thành với qui định của lề luật, nhất là với việc làm phúc bố thí. Ông đã gặp phải bất hạnh với nạn bần túng và mù lòa, nhưng vẫn không bao giờ thôi tin tưởng.
Chẳng bao lâu Thiên Chúa đã đáp ứng qua Tổng Thần Raphael, vị đã dẫn dắt Tobia con trong cuộc hành trình gian nan, đã chỉ dẫn cho chàng có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và cuối cùng đã chữa lành cho người cha khỏi cảnh mù lòa.
Sứ điệp rõ ràng ở đây là những ai lành thánh, nhất là bằng việc mở lòng mình ra cho nhu cầu của tha nhân, đều là những người sống đẹp lòng Chúa, cho dù họ có bị thử thách; cuối cùng họ cũng sẽ cảm nhận được lòng lành của Chúa.
2. Với ý tưởng gợi ý này, những lời của bài thánh thi mới sáng tỏ hơn. Chúng mời gọi chúng ta hãy hướng tầm mắt của mình nhìn lên “Thiên Chúa là Đấng muôn đời hằng sống”, nhìn đến vương quốc của Ngài là vương quốc “tồn tại qua mọi thế hệ”. Từ việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như thế, tác giả sách thánh đã cống hiến cho chúng ta thấy một chấm phá về thần học lịch sử mà ông đã cố gắng để trả lời cho vấn đề được gợi lên bởi thành phần Dân Chúa bị phân tán và thử thách, đó là vấn đề tại sao Thiên Chúa lại đối xử với chúng ta như thế? Câu trả lời qui về cả đức công minh và tình thương thần linh: “Ngài nghiêm trị các người về những bất chính của các người, nhưng Ngài lại tỏ lòng xót thương tất cả các người” (câu 5). Như thế, việc nghiêm trị như thể là một đường lối giáo dục thần linh, được tận kết ở lòng xót thương: “Ngài hành hạ rồi lại tỏ lòng xót thương, Ngài đầy xuống đáy âm phủ rồi Ngài lại đưa lên từ vực sâu” (câu 2).
Người ta có thể tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi tạo vật của Ngài. Hơn nữa, những lời của bài thánh thi còn hướng tới một quan điểm khác nữa, quan điểm qui ý nghĩa cứu độ cho hoàn cảnh đau thương, biến nơi lưu đầy thành cơ hội chúc tụng những việc làm của Thiên Chúa: “Hỡi các người Yến Duyên, hãy chúc tụng Ngài trước các Dân Ngoại, vì mặc dầu Ngài đã phân tán các người nơi họ, Ngài cũng đã chứng tỏ cho thấy Ngài cao cả ngay ở nơi đó nữa” (các câu 3-4).
3. Khởi từ lời mời gọi để dẫn giải cuộc lưu đầy theo đường lối quan phòng như thế, việc suy niệm của chúng ta có thể liên quan tới việc chú ý đến ý nghĩa tích cực nhiệm mầu nơi đau khổ, khi chúng ta sống đau khổ trong sự phó mình cho ý định của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước cũng đã có một vài đoạn cho thấy đề tài này. Hãy nhớ lại câu truyện về Giuse trong Sách Khởi Nguyên (x 37:2-36), người bị anh em mình bán đi và đã thành nhân vật cứu vớt họ sau này. Chúng ta làm sao quên được sách ông Gióp? Nơi đây cho thấy một con người vô tội chịu đau khổ và không biết diễn tả thảm trạng của mình ra sao, ngoại trừ phó mình cho sự cao cả cũng như cho đức khôn ngoan của Thiên Chúa (x Jb 42:1-16).
Đối với chúng ta là những người đọc những đoạn Cựu Ước này theo quan điểm Kitô giáo, điểm qui chiếu chỉ có thể là Thập Giá Chúa Kitô, một Thập Giá cống hiến cho chúng ta câu trả lời sâu xa về mầu nhiệm đau khổ trên thế gian này.
4. Đối với các tội nhân, thành phần bị nghiêm trị vì những việc làm bất chính của họ (x. câu 5), bài thánh thi của Tôbia phát lên một tiếng gọi trở về, một tiếng gọi cho thấy khía cạnh lạ lùng về một cuộc trở về “với nhau” giữa Thiên Chúa và con người: “Khi các người hết lòng trở về với Ngài, làm những gì chính đáng trước nhan Ngài, bấy giờ Ngài sẽ quay về lại với các người, và sẽ không còn giấu mặt khỏi các người nữa” (câu 6). Việc sử dụng từ ngữ “trở về” đối với tạo vật cũng như đối với Thiên Chúa đều nói lên cho thấy tính cách nhấn mạnh của nó, dù có khác ý nghĩa nhau.
Nếu tác giả của bài Ca Vịnh nghĩ về những thiện ích đi kèm với việc “trở về” cùng Thiên Chúa, đó là việc Ngài lại tỏ lòng ưu ái đối với dân Ngài, trong chiều hướng của mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta trước hết phải nghĩ về tặng ân bao gồm cả chính Thiên Chúa nữa. Con người cần đến Ngài hơn tất cả mọi tặng ân của Ngài. Tội lỗi là một thảm họa không phải vì nó làm cho Thiên Chúa giáng phạt chúng ta, mà vì nó loại trừ Ngài khỏi lòng trí của chúng ta.
5. Bài Ca Vịnh này hướng mắt chúng ta nhìn lên nhan Thiên Chúa là Cha, kêu gọi chúng ta hãy chúc tụng và ca khen Ngài: “Ngài là Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, là Cha của chúng tôi”. Người ta cảm thấy ý nghĩa làm con cái đặc biệt như dân Yến Duyên có nhờ tặng ân giao ước, cũng là ý nghĩa làm con cái dọn đường cho mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thế rồi, nơi Chúa Giêsu, dung nhan của Cha sẽ chiếu soi và tình thương của Ngài sẽ được tỏ hiện.
Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến dụ ngôn Người Cha nhân hậu được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại. Người Cha chẳng những tỏ ra thứ tha cho người con hoang đàng trở về, mà còn tha thứ bằng cả một tấm lòng thiết tha vô cùng êm ái, hòa với niềm hân hoan và cuộc thiết đãi. “Khi hắn còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy hắn và động lòng thương. Ông đã chạy đến với đứa con của mình, ôm chấm lấy hắn mà hôn” (Lk 15:20). Những lời diễn tả của bài Ca Vịnh của chúng ta hợp với hình ảnh cảm động của Phúc Âm. Cần phải bộc lộ lời ca khen và cảm tạ Thiên Chúa: “Vậy giờ đây các người hãy để ý đến những gì Ngài đã làm cho các người và hãy hết lời ca khen Ngài. Chúc tụng Chúa của đức công chính và tôn tụng Đức Vua muôn thế hệ” (câu 7).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 1/8/2001)

Bài 11 – TV 32 (33) (Thứ Tư 8/8/2001) 

CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA VỀ NHỮNG VIỆC NGÀI QUAN PHÒNG KỲ DIỆU

(Thánh Vịnh 32 [33], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)

 1. Thánh Vịnh 32 (33), một Thánh Vịnh có 22 câu, cùng con số với mẫu tự của tiếng Do Thái, là một bài thánh thi chúc tụng Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Một niềm vui tràn ngập bài thánh thi chúc tụng này ngay từ hàng đầu tiên: “Hỡi người công chính, hãy hoan hỉ trong Chúa! Lời chúc tụng phát lên từ kẻ chính trực thì xứng hợp. Chúc tụng Chúa với cây đàn cầm, dạo khúc kính Ngài với thập huyền cầm! Hát khen Ngài một bài ca mới, tấu nhạc du dương với tiếng hò reo!” (các câu 1-3). Lời tuyên tụng này (tern’ah) được kèm với nhạc điệu và diễn tả một tiếng nói sâu xa của đức tin và đức cậy, của niềm vui và tin tưởng. Bài thánh thi “mới”, chẳng những vì nó làm mới lại niềm tin vào việc hiện diện thần linh nơi tạo vật cũng như nơi các biến cố lịch sử, mà còn vì nó ngưỡng vọng đến lời chúc tụng toàn hảo sẽ được xướng lên trong ngày cứu độ sau hết, khi Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ được hiện thực trong vinh quang.
Thánh Basiliô đã cắt nghĩa đoạn Thánh Vịnh này khi mong mỏi hướng đến cuộc hoàn thành ấy như sau: “Nói một cách tổng quát, ‘mới’ ở đây tức là một điều gì đó bất thường hay một điều gì đó vừa mới hiện hữu. Nếu anh em nghĩ đến cách thức lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của việc Chúa Nhập Thể, anh em sẽ phải hát lên một bài ca mới chưa hề có. Và nếu anh em nghĩ lại việc tái sinh và canh tân của tất cả loài người xưa kia đã qui phục tội lỗi và công bố các mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh, anh em cũng sẽ hát một bài ca vịnh mới lạ” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32,2; PG 29, 327). Tóm lại, theo Thánh Basiliô, lời tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy hát lên Thiên Chúa một bài ca mới”, đối với các tín hữu trong Chúa Kitô, có nghĩa là “Đừng tôn kính Thiên Chúa theo ‘chữ nghĩa’ như cổ tục vẫn làm, mà là theo tính cách mới mẻ của ‘thần trí’. Thật vậy, ai hiểu biết Lề Luật không hời hợt theo bề ngoài, song nhận biết ‘tinh thần’ của lề luật, họ là người hát lên một ‘bài ca mới’ vậy” (cùng nguồn vừa dẫn).
2. Nơi phần chính của mình, bài thánh thi được chia thành ba phần làm nên tam khúc chúc tụng. Khúc thứ nhất (x các câu 6-9) chúc tụng lời sáng tạo của Thiên Chúa. Việc kiến trúc diệu kỳ của vũ trụ như là một đền thờ hoàn vũ, đã không bắt nguồn hay phát triển từ một cuộc tranh đấu nơi các vị thần linh, như một số chiêm gia Cận Đông cổ thời chủ trương, nhưng phát xuất từ lời thần linh hiệu lực. Như trang Khởi Nguyên đầu tiên dạy (x Gn 1): “Thiên Chúa phán... và liền có như thế”. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh lập lại: “Vì Ngài phán mà nó được tạo thành, Ngài truyền khiến mà nó phát sinh” (Ps 32:9).
Con người cầu nguyện hiến cho việc chế ngự những giòng nước biển khơi một tính cách quan trọng đặc biệt, vì trong Thánh Kinh, chúng là dấu hiệu của xao động và của sự dữ. Mặc dù giới hạn của mình, thế giới vẫn được bảo trì trong tình trạng hiện hữu bởi Hóa Công, Đấng được Sách Gióp đề cập đến là đã truyền lệnh cho biển khơi ngưng lại ở bến bờ: “Vậy các ngươi chỉ chảy xa tới đấy thôi, không kéo dài hơn nữa, và các triều sóng các ngươi phải ngừng lại ở tại đó” (Jb 38:11).
3. Chúa cũng là chủ tể của lịch sử nhân loại nữa, như phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 32 (33) nói tới, ở các câu 10-15. Những ý đồ trần gian tỏ ra mãnh liệt phản chống lại dự án mầu nhiệm được Thiên Chúa vạch vẽ trong giòng lịch sử. Những gì loài người phác họa bằng các đường lối của họ mang lại bất chính, sự dữ và bạo tàn, đều chống lại với dự án công chính và cứu độ của Thiên Chúa. Và mặc dù mang lại những thành đạt ngắn ngủi trông thấy, chúng cũng chỉ là những mưu đồ sẽ bị tàn rụi và bại hoại. Cuốn Thánh Kinh Cách Ngôn đã tóm gọn như sau: “Dự án nơi tâm can con người thì nhiều, nhưng việc thực hiện lại là ý định của Thiên Chúa” (19:21). Cũng thế, tác giả Thánh Vịnh đã nhắc nhở chúng ta rằng, từ trời, tức từ nơi ở siêu việt của mình, Thiên Chúa theo dõi tất cả mọi sinh động của loài người, ngay cả của kẻ khờ khạo và kẻ dại dột, và Ngài thấy ngay tất cả mọi bí mật của lòng người. Thánh Basiliô đã dẫn giải thế này: “Bất cứ anh em ở đâu, bất cứ anh em làm gì, dù trong tăm tối hay giữa ánh sáng ban ngày, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy anh em” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32, 8: PG 29, 343). Hạnh phúc thay cho người, nhờ chấp nhận mạc khải thần linh, tuân giữ nơi đời sống những chỉ dẫn của mạc khải này, bằng việc theo đường lối của mạc khải ấy trong giòng lịch sử. Cuối cùng chỉ còn lại có một điều, đó là: “Dự án của Chúa kiên vững muôn đời, các tâm tưởng của Ngài kéo dài qua muôn thế hệ” (Ps 32:11).
4. Phần thứ ba cũng là phần cuối cùng của bài Thánh Vịnh (xem các câu 16-22) lập lại, theo một góc cạnh mới, đề tài về chủ quyền độc nhất của Thiên Chúa trên các việc làm của con người. Một đàng Ngài mời gọi kẻ nắm quyền bính đừng có ảo tưởng về lực lượng quân sự và kỵ binh của họ. Thế rồi Ngài mời gọi thành phần trung nghĩa, thường là thành phần bị đàn áp, đói khát và ngấp ngoái chết bởi lòng hy vọng nơi Chúa là Đấng sẽ không để cho họ bị rớt xuống vực thẳm diệt vong. Theo chiều hướng này thì vai trò “giáo lý” của bài Thánh Vịnh cũng được thể hiện. Chủ quyền độc nhất của Thiên Chúa trên các việc làm của con người được biến đổi thành lời mời gọi hãy tin vào một Vị Thiên Chúa, Đấng khác hẳn với bạo quyền và gần gũi với nỗi yếu hèn của con người, nâng con người lên và bảo trì con người nếu con người tin tưởng, nếu con người phó mình cho Ngài, nếu con người dâng lời nguyện cầu và chúc tụng lên Ngài. Thánh Basiliô giải thích thêm là: “Lòng khiêm hạ của những ai phụng sự Thiên Chúa cho thấy rằng họ hy vọng nơi tình thương của Ngài. Thật vậy, ai không tin tưởng nơi các dự định to tát của mình, hay không mong biện chứng bằng những việc mình làm đều tìm thấy được nơi tình thương của Thiên Chúa một niềm hy vọng cứu độ độc nhất của họ” (Bài Giảng về Thánh Vịnh 32, 10: PG 29, 347).
5. Bài Thánh Vịnh được kết thúc bằng một đối ca làm nên một phần của bài Te Deum Tạ Ơn là: “Lạy Chúa, chớ gì lòng lành của Ngài luôn ở trên chúng con, vì chúng con hy vọng nơi Chúa” (câu 22). Ân sủng của Thiên Chúa và hy vọng của con người gặp nhau và gắn bó với nhau. Thật vậy, lòng Thiên Chúa yêu thương trung thành (theo ý nghĩa của từ ngữ gốc Do Thái được dùng ở đây là hésel) bao bọc, ấp ủ và bảo vệ chúng ta như một chiếc áo choàng, hiến cho nỗi bình an của chúng ta cũng như ban cho lòng tin tưởng và cậy trông của chúng ta một nền tảng vững chắc.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 22/8/2001)

Bài 12 – TV 35 (36) (Thứ Tư 22/8/2001)

TÀ TÂM NƠI TỘI NHÂN ĐỐI NGHỊCH VỚI LÒNG LÀNH CỦA THIÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 35 [36], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất) 

 1. Có hai thái độ cốt yếu mà mọi người có thể tỏ ra mỗi khi bắt đầu làm việc một ngày và giao tiếp với nhau, đó là chúng ta có thể chọn sự thiện hay theo sự ác. Thánh Vịnh 35 (36) chúng ta vừa nghe phác ra hai cái nhìn đối nghịch nhau. Trong lúc có người âm mưu gian ác trên “giường ngủ” khi gần chỗi dậy; thì ngược lại cũng có người chính trực tìm kiếm ánh sáng của Thiên Chúa, “nguồn mạch của tất cả mọi sự sống” (câu 10). Vực thẳm của lòng lành Thiên Chúa, một nguồn suối sinh động làm giãn cơn khát của chúng ta và là ánh sáng soi chiếu cõi lòng của chúng ta, ngược lại với vực thẳm tà tâm nơi kẻ tội lỗi.
Có hai loại người được kể đến trong lời cầu của bài Thánh Vịnh vừa đọc, bài Thánh Vịnh cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai của Ngày Thứ Tư trong Tuần Thứ Nhất.
2. Hình ảnh thứ nhất được tác giả Thánh Vịnh cho thấy là hình ảnh của tội nhân (x các câu 2-5). Theo nguyên ngữ Do Thái thì “việc vấp phạm nhủ cùng tội nhân trong đáy lòng họ”, vì nơi lòng của họ có “tiếng nói của tội lỗi” (câu 2). Đây là lời diễn tả mạnh mẽ. Nó khiến chúng ta nghĩ là lời của Satan, đối nghịch với lời thần linh, vang vọng trong tâm hồn cũng như nơi ngôn từ của tội nhân.
Sự dữ như thể được bẩm sinh nơi họ, cho đến nỗi nó thoát ra qua lời nói và việc làm (x các câu 3-4). Ngày ngày họ sống bằng việc chọn theo “những đường lối gian ác”, ngay từ tảng sáng khi họ còn “ở trên giường ngủ của mình” (câu 5), cho đến tối là lúc họ cảm thấy buồn ngủ. Việc họ liên lỉ chọn lựa này phát xuất từ việc chọn lựa liên quan đến cả cuộc đời của họ và là việc chọn lựa sinh ra chết chóc.
 3. Tuy nhiên, tác giả Thánh Vịnh hoàn toàn muốn hướng đến một hình ảnh khác là hình ảnh tác giả muốn làm nổi bật lên, đó là hình ảnh của một con người tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa (x các câu 6-13). Họ dâng lời ca tiếng hát chân thành xứng hợp chúc tụng tình yêu thần linh (x các câu 6-11), một tình yêu họ theo cho đến cùng, bằng một lời nguyện cầu khiêm cung được thốt lên từ vùng mê hoặc tối tăm của sự dữ và là một lời cầu được vĩnh viễn chiếu soi bởi ánh sáng của ân sủng. Lời nguyện cầu này phát lên một kinh cầu thực sự thích hợp nói lên hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu với những từ ngữ như ân sủng, lòng trung thành, đức công minh, việc phán quyết, ơn cứu độ, bóng bao che, sự viên mãn, nỗi hân hoan và sự sống. Nó đặc biệt nhấn mạnh đến bốn đặc tính thần linh; những đặc tính này, được diễn tả theo ngôn từ Do Thái, có một giá trị sâu xa hơn là được cảm nhận theo các thứ ngôn từ chúng ta dùng theo ngôn ngữ tân thời.
 4. Trước hết là từ hésel, tức “ân sủng”, một từ ngữ đồng thời cũng là lòng trung thành, tình yêu thương, đức tín trung và nỗi dịu dàng. Từ này là một trong những hình thức căn bản để diễn tả cho thấy giao ước giữa Chúa và dân của Ngài. Cần phải biết là từ này xuất hiện tất cả 127 lần trong Thánh Vịnh, hơn nửa số lần trong cả Cựu Ước. Rồi tới từ emumáh, phát xuất từ nguyên tự amen, ngôn từ của đức tin, có nghĩa là vững vàng, an toàn, trung thành vô điều kiện. Đến từ Sedeqáh, tức “đức công minh”, một đức công minh mang ý nghĩa cứu độ: đức công minh này là thái độ thánh hảo và quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát kẻ tín nghĩa khỏi sự dữ và bất công bằng việc can thiệp vào lịch sử của mình. Sau hết chúng ta thấy từ mishpát, tức “việc phán quyết” là việc Thiên Chúa tỏ ra cho thấy Ngài cai quản tạo vật của Ngài, khi Ngài chăm sóc kẻ bần cùng và thành phần bị đàn áp, cũng như khi Ngài triệt hạ thành phần hung tàn và thành phần hống hách.
 Bốn từ ngữ về thần học này là những từ ngữ mà con người cầu nguyện lập lại nơi việc tuyên xưng đức tin của họ, khi họ đặt chân bước vào những nẻo đường đời, bằng một niềm tin tưởng luôn có bên mình một Vị Thiên Chúa yêu thương, thủy chung, chính trực và cứu độ.
5. Đối với những danh hiệu khác nhau chúng ta sử dụng để tôn tụng Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh thêm vào hai hình ảnh nổi nang nữa. Một đàng là hình ảnh dồi dào thực phẩm, hình ảnh khiến cho chúng ta trước hết nghĩ đến bữa tiệc thánh, một bữa tiệc được cử hành ở đền thờ Sion với thịt của các vật hy tế. Cũng có các hình ảnh về suối nguồn và thủy triều với những giòng nước làm giãn cơn khát chẳng những nơi cổ họng khô ran mà còn cả linh hồn nữa (xem các câu 9-10; Thánh Vịnh 41: 2-3; 62: 2-6). Chúa làm tươi mới và thỏa mãn con người cầu nguyện, làm cho họ thông phần vào tầm vóc viên mãn của sự sống trường sinh bất tử. Biểu hiệu ánh sáng cho chúng ta thấy một hình ảnh khác, đó là “trong ánh sáng của Chúa chúng con thấy được chính ánh sáng” (câu 10). Nó là một hào quang chiếu tỏa như thể “một thác nước” và như là một dấu hiệu Thiên Chúa tỏ vinh quang của Ngài ra cho kẻ tín nghĩa. Đó là những gì đã xẩy ra cho Moisen trên Núi Sinai (x Ex. 34:29-30), cũng như nó đang xẩy ra cho Kitô hữu ở mức độ là “(chúng ta) đang được biến đổi theo cùng một hình ảnh nơi dung nhan hiện lộ phản ánh vinh hiển của Chúa” (2Cor 3:18).
 Theo ngôn ngữ của các bài Thánh Vịnh, “thấy ánh sáng dung nhan Thiên Chúa” một cách cụ thể nghĩa là được gặp gỡ Chúa trong đền thờ, bất cứ khi nào cử hành phụng nguyện và công bố lời Chúa. Kitô hữu cũng chia sẻ cùng một cảm nghiệm này khi họ cử hành việc chúc tụng Chúa vào lúc bắt đầu ngày sống, trước khi họ lên đường chạm trán với những thách đố của cuộc sống thường ngày là cuộc sống không phải bao giờ cũng bình lặng.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 29/8/2001)

Bài 13 – Ca vịnh Gđt (Thứ Tư 29/8/2001) 

 CHÚA LÀ ĐẤNG TẠO DỰNG NÊN THẾ GIAN RA TAY BẢO VỆ DÂN CỦA NGÀI

(Ca Vịnh Giuđích, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất) 

 1. Bài Ca Vịnh chúc tụng chúng ta vừa đọc (Jdt 16:1-7) được cho là của bà Giuđích, một nữ anh hùng đã làm rạng danh cho tất cả mọi người nữ dân Yến Duyên, vì bà đã mang một sứ mệnh cho thấy quyền lực giải phóng của Thiên Chúa tỏ ra vào giây phút tăm tối sống còn của dân Ngài. Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai chỉ cống hiến cho chúng ta một số câu để đọc mà thôi. Những câu Ca Vịnh này kêu gọi chúng ta hãy cử hành, hãy cả tiếng ca khen, hãy đánh trống gõ chiêng, để chúc tụng Chúa là “Đấng dẹp tan chiến loạn”.
Lời diễn tả cuối cùng, lời cho thấy dung nhan chân thực của Thiên Chúa, Đấng yêu chuộng hòa bình, đã dẫn chúng ta đến với một thế giới tư tưởng làm nên bài ca này. Đây là bài ca về một cuộc chiến thắng lọt vào tay dân Yến Duyên một cách hoàn toàn lạ lùng, một việc can thiệp của Thiên Chúa nhúng tay vào để giải cứu họ khỏi cảnh thảm bại toàn diện sắp xẩy ra.
2. Vị tác giả sách thánh đã dựng lại biến cố này ở vào mấy thế kỷ sau đó để hiến cho anh chị em cùng niềm tin với mình, thành phần cảm thấy chán nản trước hoàn cảnh khó khăn, một mẫu gương có thể làm cho họ phấn chấn hơn. Bởi thế, vị tác giả này nói đến những gì đã xẩy ra cho Yến Duyên vào thời Vua Nebuchadneoãar, vì giận dữ trước cảnh đám dân này không chịu làm theo các ý đồ thống trị và những chủ trương ngẫu tượng của vua, đã sai khiến tướng Holofernes phải thi hành một mệnh lệnh đặc biệt trong việc phải ra tay khống chế và hủy diệt họ. Không ai dám chống lại vua, người đã tôn mình làm thần linh. Vị tướng của vua, người có cùng một giả tưởng với vua, đã cười nhạo lời cảnh báo cho ông biết đừng có đụng đến dân Yến Duyên, vì làm thế là đụng đến chính Thiên Chúa vậy.
Thực ra, để trấn an đồng đạo trong thời của mình trong việc sống trung thành với Vị Thiên Chúa của giao ước, vị tác giả sách này muốn nhấn mạnh đến nguyên tắc là con người phải tin cậy nơi Thiên Chúa. Kẻ thù đích thực mà dân Yến Duyên cần phải sợ không phải là những thù địch nắm quyền lực trên thế gian này, mà chính là lòng họ bất trung với Thiên Chúa. Đó mới là những gì làm cho họ hụt hẫng việc bảo vệ của Thiên Chúa cũng như làm cho họ bị tổn hại. Một khi trung thành với Ngài, họ có thể cậy dựa vào quyền năng của một Vị Thiên Chúa “mãnh lực diệu kỳ và bất khả thắng vượt” (câu 13).
3. Toàn thể câu truyện về nữ anh hùng Giuđích đã chứng tỏ sáng ngời nguyên tắc này. Cảnh tượng diễn ra là cảnh đất nước Yến Duyên bấy giờ đang bị các thù địch xâm chiếm. Thảm kịch thời đại ấy sống lại nơi bài ca vịnh: “Quân Assyria tràn xuống từ các miền núi phía bắc; các chiến binh đông đảo của họ tiến đến; các chiến binh ấy chặn vây các thung lũng, kỵ binh của họ phong tỏa các ngọn đồi” (câu 3). Bài ca vịnh chua chát nhấn mạnh tới việc ngông cuồng ngạo mạn của kẻ thù là “Họ nghênh ngang cho rằng họ sẽ thiêu hủy lãnh thổ của tôi, sẽ dùng gươm sát hại đám giới trẻ, sẽ chà đạp dưới đất lũ măng sữa của tôi, cùng bắt lấy trẻ em của tôi làm mồi, và chiếm các trinh nữ làm chiến phẩm” (câu 4).
 Trường hợp xẩy ra như lời nữ anh hùng Giuđích diễn tả đây cũng giống như những trường hợp khác dân Yến Duyên đã trải qua, những trường hợp xem ra không còn lối thoát thì ơn cứu độ mới xuất hiện. Ơn cứu độ trong chuyến Xuất Ai Cập với cuộc vượt qua Biển Đỏ một cách lạ lùng không phải là trường hợp này hay sao? Cả bấy giờ nữa, việc chiếm đóng của một đạo binh đông đảo và hùng hậu đã làm tiêu tan đi mọi niềm hy vọng. Thế nhưng, tất cả những sự ấy xẩy ra chỉ làm cho quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện, Đấng tỏ mình ra cho thấy như là một vị bảo vệ vô địch của dân Ngài.
 4. Việc làm của Thiên Chúa còn tỏ ra cho thấy vinh hiển hơn nữa, ở chỗ, Ngài không dùng đến chiến binh hay quân binh. Như đã xẩy ra trước đó, vào thời của bà Đêbôra, Ngài đã loại trừ Sisera bằng một người nữ là Jael (Jgs 4:17-21), giờ đây, Ngài lại dùng một phụ nữ tay không đến để hộ giúp dân Ngài trong lúc gian nan. Với một niềm tin mãnh liệt, nữ anh hùng Giuđích đã tiến vào trại của địch quân, dùng nhan sắc để quyến rũ vị lãnh binh, để rồi sau đó đã giết hắn chết một cách nhục nhã. Bài ca vịnh hết sức nhấn mạnh đến sự kiện này là “Chúa Toàn Năng đã làm cho họ lũng đoạn bằng bàn tay của một người nữ. Mãnh lực của họ không bị hạ bởi tay của những nam nhân trẻ trung, hay hắn không bị đánh đập bởi con cái Titans, hoặc bị đè bẹp bởi những tay khổng lồ, mà là bị hạ bởi Giuđích, con gái của Merari bằng nhan sắc mỹ miều của nàng” (Jdt 16:5-6).
 Con người của Giuđích đã trở nên mẫu người khiến cho chẳng những truyền thống dân Do Thái, mà ngay cả đến truyền thống Kitô giáo cũng phải nhấn mạnh đến ý thích của Thiên Chúa chuộng dùng những gì là mỏng dòn và yếu đuối, thế nhưng, cũng chính vì thế, lại là những cái được chọn để tỏ ra quyền năng thần linh. Vị nữ anh hùng này cũng là một nhân vật gương mẫu cho thấy ơn gọi và sứ mệnh của người phụ nữ, một thân phận được kêu gọi ngang hàng với nam nhi, cũng như được kêu gọi để đóng một vai trò quan trọng trong dự án của Thiên Chúa. Một số những diễn đạt nơi sách Giuđích, không nhiều thì ít, được truyền sang truyền thống Kitô giáo, một truyền thống nhìn thấy được tiền thân của Đức Maria nơi vị nữ anh hùng Do Thái này. Chúng ta đã chẳng nghe thấy vang vọng những lời của nữ anh hùng Giuđích hay sao, khi Đức Maria hát lên trong ca vịnh Ngợi Khen là “Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi ngai tòa của họ và đã nâng người hèn mọn lên” (Lk 1:52). Người ta đã hiểu được tại sao truyền thống phụng vụ chung cho Kitô hữu cả Đông lẫn Tây đều thích gán cho Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, lời chúc tụng hiến cho vị nữ anh hùng Giuđích: “Bà là vẻ vang của Giêrusalem, là vinh quang sáng ngời của Yến Duyên, là niềm hãnh diện lớn lao của dân nước chúng tôi” (Jdt 16:9).
 5. Từ cảm nghiệm về cuộc chiến thắng, bài ca vịnh Giuđích kết thúc bằng một lời mời gọi hãy dâng lên Thiên Chúa một bài ca mới, bằng cách nhận biết Ngài là Đấng “cao cả và hiển vinh”. Đồng thời, tất cả mọi tạo vật cũng được khuyên dụ là hãy thuận phục Ngài, Đấng dựng nên hết mọi sự bằng lời của mình, và hình thành tất cả mọi sự bởi thần linh của Ngài. Ai có thể cưỡng lại tiếng của Thiên Chúa? Nữ anh hùng Giuđích đã mạnh mẽ nhắc lại điều này là: trước Đấng Hóa Công và là Vị Chúa của lịch sử, núi non sẽ rung động đến tận nền móng của mình và đá tảng sẽ chảy ra như sáp ong (x Jdt 16:15). Chúng là những ám tỉ cố ý nhắc nhở cho biết là hết mọi sự chỉ là “không” trước quyền năng Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài ca vịnh chiến thắng này không muốn gây nên kinh hoàng mà là ủi an. Thật vậy, Thiên Chúa dùng quyền năng vô địch của mình để hỗ trợ những ai trung thành với Ngài: “Chúa sẽ tiếp tục tỏ lòng xót thương đối với những ai kính sợ Ngài” (Jdt 16:15).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 5/9/2001)

Bài 14 – TV 46 (47) (Thứ Tư 5/9/2001) 

CHÚC TỤNG CHÚA LÀ VUA CẢ TRÊN KHẮP HOÀN CẦU

(Thánh Vịnh 46 [47], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất) 

1. “Lạy Chúa, Đấng Tối Cao, là Vua cả trên khắp hoàn cầu!”. Tiếng kêu lên khởi đầu này được lập lại bằng nhiều cung điệu khác nhau trong Thánh Vịnh 46 (47), Thánh Vịnh chúng ta vừa nguyện cầu. Thánh Vịnh này được sáng tác như một bản thánh thi dâng lên Vị Chúa thống trị của vũ trụ cũng như của lịch sử: “Thiên Chúa là vua trên khắp cả hoàn cầu... Thiên Chúa cai trị tất cả mọi dân nước” (các câu 8 và 9). Như những sáng tác tương tự khác của Thánh Vịnh (x Ps 92; 95-98), bài thánh thi dâng lên Vị Chúa là vua của thế giới cũng như của nhân loại này mặc lấy một cung cách cử hành phụng vụ. Vì lý do đó, chúng ta đang ở ngay tâm điểm của việc dân Yến Duyên chúc tụng thiêng liêng, một việc chúc tụng dâng lên trời cao từ Đền Thờ, nơi Thiên Chúa vô cùng và hằng hữu tỏ mình ra và gặp gỡ dân Ngài.
2. Chúng ta sẽ theo bài ca vịnh hân hoan chúc tụng này tiến vào những giây phút trọng yếu của nó như hai triều sóng của biển khơi tuôn dạt vào bờ. Hai giòng hải triều này khác nhau ở chỗ, chúng cho thấy mối liên hệ giữa dân Yến Duyên và các dân nước. Trong phần đầu của bài thánh vịnh, mối liên hệ này là một mối liên hệ thống trị: Thiên Chúa “đã bắt các dân tộc qui phục chúng ta, Ngài đã đặt các dân nước dưới chân chúng ta” (câu 4); trái lại, ở phần thứ hai, mối liên hệ ấy lại là một mối liên hệ liên kết: “Các vị hoàng gia của các dân tộc tụ họp lại với dân Chúa của Abraham” (câu 10). Người ta có thể thấy được bước tiến bộ cả thể. Nơi phần thứ nhất (x từ câu 2 đến 6), bài thánh vịnh viết: “Hỡi tất cả dân tộc các người, hãy vỗ tay, hãy reo hò Thiên Chúa bằng những tiếng kêu hoan hỉ!” (câu 2). Tâm điểm của cuộc vỗ tay reo mừng này là hình ảnh uy nghi cao cả của Vị Chúa tối cao, Đấng được bài thánh vịnh gán cho ba danh hiệu hiển vinh, đó là “tối cao, cao cả và đáng sợ” (câu 3). Ba danh hiệu này nói lên siêu việt tính của Thiên Chúa, nói lên chủ quyền tuyệt đối của hữu thể, của quyền toàn năng. Chúa Kitô phục sinh sau này cũng đã kêu lên: “Tất cả mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày” (Mt 28:18).
3. Nơi chủ quyền phổ quát của Thiên Chúa trên tất cả mọi dân tộc trên trái đất này (x câu 4), tác giả Thánh Vịnh nhấn mạnh đến việc Ngài hiện diện đặc biệt nơi dân Yến Duyên, dân Thiên Chúa tuyển chọn, “thành phần ưu ái”, một gia sản cao quí và thân mến nhất của Ngài (x câu 5). Dân Yến Duyên là đối tượng của tình Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, một tình yêu được thể hiện bằng việc chiến thắng các nước đối phương. Trong cuộc đấu tranh này, việc hiện diện của Hòm Bia Giao Ước ở với các quân đoàn của Yến Duyên làm cho họ yên tâm về ơn phù trợ của Thiên Chúa; sau khi chiến thắng, Hòm Bia về lại Núi Sion (x Ps 67 [68]:19) và mọi người hô lên rằng: “Thiên Chúa ngự lên ngai tòa của Ngài giữa hò reo mừng rỡ, Chúa ngự lên giữa tiếng kèn vang” (Ps 46 [47]: 6).
 4. Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này (x từ câu 7 đến câu 10) mở ra với một triều sóng chúc tụng khác cùng với lời hoan ca: “Hãy hát khen Thiên Chúa, hãy hát khen; hãy hát khen vua của chúng ta... hãy hát những bài thánh thi chúc tụng!” (các câu 7-8). Cho dù người ta có hát khen Chúa ngự trên ngai tòa của Ngài, Đấng nắm trong tay tất cả chủ quyền (x câu 9). Vương tòa được coi là “thánh”, bởi vì con người hữu hạn và tội lỗi không thể tiến tới đó được. Thế nhưng, Hòm Bia Giao Ước hiện diện nơi cực thánh của Đền Thờ ở Sion cũng là một thiên ngai. Nhờ đó, Vị Thiên Chúa xa cách và siêu việt, thánh hảo và vô cùng, mới gần gũi với tạo vật của Ngài, hòa mình với không gian và thời gian (x 1Kgs 8:27, 30).
5. Bài thánh vịnh được kết thúc bằng một nhận định lạ lùng có tính cách cởi mở đại đồng: “Các vị hoàng gia của các dân tộc qui tụ lại với dân Chúa của Abraham” (câu 10). Một nhận định trở về với tổ phụ Abraham là gốc nguồn chẳng những của dân Yến Duyên mà còn của cả các dân tộc khác nữa. Sứ mệnh làm cho tất cả mọi dân nước và tất cả mọi văn hóa qui về Chúa được ủy thác cho dân tuyển chọn là giòng dõi của ông, vì Ngài là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại. Từ Đông sang Tây nhân loại sẽ qui tụ ở Sion để gặp gỡ vị vua của hòa bình và yêu thương, của hiệp nhất và huynh đệ (x Mt 8:11). Như tiên tri Isaia hy vọng, các dân tộc thù địch nhau sẽ nhận được lời mời gọi là hãy bỏ khí giới xuống và hãy cùng nhau chung sống dưới vương quyền của Thiên Chúa, dưới một thể chế của công lý và hòa bình (x Is 2:2-5). Tất cả mọi người gắn mắt hướng về tân đô Giêrusalem, nơi Chúa “đang ngự đến”, được tỏ hiện trong vinh quang của thần tính Ngài. Sẽ có “một đám đông vô vàn không ai đếm nổi từ mọi đất nước, mọi sắc chủng, mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ mà đến... họ lớn tiếng kêu lên: Ơn cứu độ thuộc về Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai của mình, cũng như thuộc về Con Chiên” (Rev 7:9-10).
6. Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô thấy được việc hiện thực của lời tiên tri này nơi mầu nhiệm Chúa Kitô Cứu Thế, khi xác nhận với Kitô hữu không thuộc về Do Thái giáo là: “Anh em hãy nhớ rằng dân ngoại anh em từ bẩm sinh ... vốn không thuộc về Chúa Kitô, không có quyền công dân Yến Duyên, ở ngoài giao ước của lời hứa, không biết hy vọng và không biết đến Thiên Chúa trên thế gian này là gì. Thế mà, giờ đây, trong Chúa Giêsu Kitô, anh em là những người vốn xa lạ nay bởi máu của Chúa Kitô đã được mang lại gần. Thật vậy, Người là bình an của chúng ta, Người là Đấng làm cho cả hai nên một dân tộc, khi phá hủy đi bức tường thù nghịch cách ngăn” (2:1-14).
Bởi thế, trong Chúa Kitô, vương quyền của Thiên Chúa, như bài thánh vịnh của chúng ta xướng lên, được hiện thực trên thế gian nơi cuộc gặp gỡ của tất cả mọi dân tộc. Đó là cách dẫn giải về mầu nhiệm này của một bài giảng vô danh vào thế kỷ thứ tám: “Cho đến khi Đấng Thiên Sai là niềm hy vọng của các dân nước đến, các Dân Ngoại không biết tôn thờ Thiên Chúa và không biết Ngài là ai. Cho đến khi Đấng Thiên Sai cứu chuộc họ, Thiên Chúa không cai trị các dân nước bằng việc họ tuân phục và tôn thờ Ngài. Giờ đây, bằng Lời của mình cũng như bằng Thần Linh của mình, Thiên Chúa mới cai trị họ, vì Ngài đã cứu họ khỏi lừa đảo và biến họ thành bạn hữu của Ngài” (Anonymous Palestinian, Arab-Christian Homily of the Eighth Century, Rome 1994, p. 100).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 12/9/2001)

Bài 15 – TV 56 (57) (Thứ Tư 12/9/2001) 

CHÚA LUÔN ĐỨNG VỀ BÊN KẺ TÍN NGHĨA

(Thánh Vịnh 56 [57], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất) 

1. Bấy giờ là một đêm tối; những con dã thú hung dữ như đang lẩn quẩn đâu đó. Con người cầu nguyện ở đây đang đợi chờ hừng đông lên cho ánh sáng phá tan âm u và sợ hãi. Bối cảnh của bài Thánh Vịnh 56 (57) chúng ta đang suy niệm hôm nay là như thế. Bài Thánh Vịnh này là một lời kinh đêm được con người cầu nguyện đây dâng lên vào lúc bình minh của một ngày sống, một bình minh được ngong ngóng đợi chờ, để có thể hân hoan chúc tụng Chúa (x các câu 9-12). Thật vậy, bài thánh vịnh đi từ lời than van thảm thiết ngỏ cùng Thiên Chúa tiến đến niềm hy vọng an bình cùng với một nỗi vui mừng cảm tạ, một nỗi niềm vang lên những lời lẽ cũng được lập lại trong một bài thánh vịnh khác (x 107 [108]: 2-6).
Thực thế, con người cần phải vượt qua từ sợ hãi đến vui mừng, từ đêm tối đến ngày sống, từ ác mộng đến an bình, từ khẩn nguyện đến chúc tụng. Đó là một cảm nghiệm thường được Thánh Vịnh nói đến: “Ngài đã biến cảnh than khóc của tôi thành ca mừng, Ngài đã lột bỏ áo khổ hạnh để mặc cho tôi nỗi hân hoan. Tôi không ngừng hát khen chúc tụng Chúa với cả con người tôi. Lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, muôn đời tôi sẽ tri ân cảm tạ Chúa” (Ps 29:12-13).
2. Thánh Vịnh 56 (57) chúng ta đang suy niệm đây có hai phần. Phần thứ nhất là cảm nghiệm sợ hãi trước cuộc tấn công của sự dữ là những gì muốn tấn công kẻ công chính (x các câu 2-7). Ở giữa cảnh tượng này có những con sư tử rình chờ tấn công. Hình ảnh này chẳng mấy chốc biến thành một bức tranh chiến tranh, toàn là những đao thương, cung tên và gươm giáo. Con người cầu nguyện ở đây cảm thấy mình bị tấn công bởi một thứ đạo quân tử thần. Chung quanh họ là một lũ săn bắt đặt cạm bẫy và hầm hố bắt mồi. Thế nhưng, cảnh tượng căng thẳng này đột nhiên bị giải tỏa. Thật thế, ngay từ đầu (xem câu 2) đã xuất hiện những cánh thần linh cho thấy có một sự bao che bảo vệ, một sự bao che bảo vệ ám chỉ đặc biệt đến Hòm Bia Giao Ước có thần Cherubim tỏa cánh, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện giữa kẻ tín nghĩa của Ngài nơi đền thánh ở Núi Sion.
3. Con người cầu nguyện ở đây thiết tha xin Thiên Chúa từ trời sai đến những vị sứ giả được Ngài gán cho những danh hiệu tiêu biểu như “Tín Đức” và “Aân Sủng” (câu 4), những tính chất xứng hợp với tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Vì lý do đó, cho dù ngay cả lúc Ngài làm cho những con dã thú gầm thét phải khiếp đảm và những kẻ bách hại phải kinh hồn thì kẻ tín trung trong lòng vẫn an bình và tin tưởng, như Đaniên trong hang sư tử vậy (xem Dn 6:17-25).
Việc Thiên Chúa không trì hoãn ra mặt của Ngài, ở chỗ, việc Ngài ra mặt này cho thấy cái tác hiệu làm cho đối phương của Ngài phải tự chuốc lấy cho họ án phạt, khi họ bị rơi ngay xuống hố do họ đào ra để đánh bẫy người công chính (xem câu 7). Niềm tin tưởng cậy trông như vậy, một niềm tin cậy luôn được bộc lộ nơi Thánh Vịnh, làm biến tan nỗi thất đảm và sự qui hàng quyền lực sự dữ. Không sớm thì muộn Thiên Chúa cũng đứng về bên hàng ngũ người tín nghĩa, bằng cách đảo lộn những kế hoạch của kẻ gian ác, lột trần những ý đồ xấu xa của họ.
4. Bây giờ chúng ta tiến sang phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, phần tri ân cảm tạ (xem các câu 8-12). Một luồng sáng mãnh liệt và tuyệt vời hiện lên, đó là “Lòng tôi kiên vững, Ôi Thiên Chúa, lòng tôi kiên vững. Tôi sẽ xướng hát ca lên. Hồn tôi ơi hãy thức dậy đi. Hãy thức dậy đi nào thụ cầm và thất huyền cầm. Tôi sẽ đánh thức hừng đông dậy” (các câu 8-9). Bấy giờ tối tăm đã bị tan biến, ở chỗ bình minh cứu độ đã làm cho bài ca của con người cầu nguyện đây khởi sắc.
 Aùp dụng hình ảnh này vào mình, vị Tác Giả Thánh Vịnh như muốn chuyển dịch nó thành những kiểu tượng hình của Thánh Kinh, một kiểu tượng hình thật là độc thần, một tập tục của những vị tư tế người Ai Cập hay người Phoenicia, những vị có trách nhiệm “đánh thức bình minh”, có trách nhiệm làm cho mặt trời tái hiện, vì mặt trời được coi như một vị thần phước lộc. Vị Tác Giả Thánh Vịnh còn đề cập đến việc treo cất đi những nhạc cụ vào lúc khóc than và thử thách (xem Ps 136 [137]: 2), cũng như đến việc “đánh thức” chúng dậy để chúng vang lên tiếng hân hoan vào những lúc được giải phóng và vui mừng. Phụng vụ bừng lên niềm hy vọng, đó là việc con người hướng về Thiên Chúa, xin Ngài đến với dân Ngài một lần nữa, cũng như xin Ngài hãy nhậm lời họ nguyện cầu. Bình minh trong Thánh Vịnh thường là lúc Thiên Chúa ban hồng ân sau đêm tối nguyện cầu.
5. Bài Thánh Vịnh kết thúc bằng một bài thánh thi chúc tụng Chúa, Đấng đã hoạt động với hai phẩm tính cứu độ cao cả của Ngài, hai phẩm tính cứu độ được diễn tả bằng những danh hiệu khác nhau nơi phần khẩn cầu thứ nhất (xem câu 4). Bởi vậy, được nhân cách hóa một cách tượng trưng, Thiện Hảo Tính và Tín Trung Tính thần linh đã nhập cuộc. Hai tính chất này hiện diện tràn đầy các tầng trời và như một thứ ánh sáng chiếu trong tăm tối của những cuộc thử thách và bách hại (xem câu 11). Vì lý do này, truyền thống Kitô giáo đã dùng Thánh Vịnh 56 (57) như là một ca vịnh thao thức để đón mừng ánh sáng và niềm vui của Lễ Phục Sinh, một thứ ánh sáng và niềm vui đẩy lui nỗi sợ hãi chết chóc và mở ra chân trời hiển vinh thiên quốc cho người tín hữu.
6. Thánh Grêgôriô Nyssa đã khám phá thấy nơi những lời của bài Thánh Vịnh này một loại thể thức chung về những gì xẩy ra làm ai cũng cảm thấy nhận thức được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh nhân kêu lên: “Thật vậy, Ngài đã cứu độ tôi khi bao phủ tôi bằng mây Thần Linh, và những ai giầy đạp tôi đều bị bẽ bàng hổ ngươi” (Theo bản dịch Latinh Về Những Danh Hiệu của Các Bài Thánh Vịnh”, Rôma, 1994, trang 183).
Sau đó, trích lại những lời diễn đạt ở cuối bài Thánh Vịnh, chỗ có câu “Ôi Thiên Chúa, xin hãy thượng tôn trên các tầng trời. Chớ gì vinh quang của Chúa tỏa xuống trên trái đất”, thánh nhân kết thúc: “Khi vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng trên trái đất, sáng tỏ nơi đức tin của những ai được cứu độ, là lúc các quyền lực trên trời tôn tụng Thiên Chúa, hoan hỉ vì ơn cứu độ của chúng ta” (cùng nguồn vừa dẫn trang 184).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 19/9/2001)

Bài 16 – Ca vịnh Gr (Thứ Tư 10/10/2001)

HÃY LẮNG NGHE TIN MỪNG CỦA NIỀM AN ỦI

(Ca Vịnh Giêrêmia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)

1. “Ôi các dân nước, hãy nghe lời Chúa, hãy loan báo lời Chúa ở các duyên hải xa xăm” (Jer 31:10). Còn tin mừng nào cần phải được loan báo bằng những lời trang trọng của Giêremia trong bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe như thế. Đó là một tin mừng an ủi, nên không lạ gì các chương mục có tin mừng này (xem 30-31) được gọi là “Cuốn Sách của Niềm An Uûi”. Lời loan báo này liên quan trực tiếp đến Dân Do Thái xưa, nhưng dường như cũng ám chỉ đến cả sứ điệp của Phúc Âm nữa. Trọng tâm của lời loan báo này là: “Chúa sẽ cứu chuộc Giacóp, Ngài sẽ cứu Giacóp khỏi tay kẻ thống trị” (31:11). Bối cảnh lịch sử của những lời này được Dân Chúa cảm thấy trong một giây phút hy vọng, khoảng một thế kỷ sau khi những người Assyria chiếm miền Bắc Thánh Địa năm 722. Vào những ngày của tiên tri Giêrêmia, việc canh tân đạo đức do Vua Giosia thực hiện đã làm cho dân chúng trở về với giao ước của Thiên Chúa, cũng như đã khiến cho họ hy vọng rằng thời gian trừng phạt đã qua rồi. Việc canh tân này còn làm cho họ hy vọng rằng miền Bắc sẽ được tự do trở lại và Yến-Duyên với Giuđa sẽ tái hợp. Tất cả mọi người, thậm chí “những miền duyên hải xa xăm”, cũng được chứng kiến thấy biến cố tuyệt vời này: đó là Vị Thiên Chúa Chăn Dắt Dân Yến Duyên sắp sửa ra tay can thiệp. Đấng đã để cho dân Ngài bị phân tán cũng là Đấng giờ đây sẽ qui tụ họ lại với nhau.
2. Lời mời gọi hãy hân hoan mừng rỡ còn được cấu trúc với sự hỗ trợ của những hình ảnh hết sức cảm kích. Đó là một lời báo khiến con người ước mơ! Nó phác họa cho thấy một tương lai xẩy ra với những người lưu đầy “sẽ đến hát hò” và sẽ thấy được chẳng những Đền Thờ Chúa mà còn thấy được hết mọi điều tốt lành khác nữa, như rượu uống, thóc lúa, dầu mỡ, các đoàn thú non chiên cừu và gia súc. Sách Thánh không hề biết đến một thứ linh đạo trừu tượng. Niềm vui hứa hẹn này không phải chỉ ảnh hưởng đến nội tâm của con người, vì Chúa chăm sóc sự sống của con người trong tất cả mọi chiều kích của nó. Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điều này, khi Người mời gọi các môn đệ của Người hãy tin tưởng vào Đấng Quan Phòng, thậm chí đối với cả những nhu cầu về vật chất (x Mt 6:25-34). Bài Ca Vịnh của chúng ta ở đây nhấn mạnh đến quan điểm là Thiên Chúa muốn làm cho trọn vẹn con người được hạnh phúc. Để chuyển đạt tất cả những gì là hạnh phúc mọi người ấp ủ này, vị tiên tri sử dụng hình ảnh của một “ngôi vườn được tưới dội”, một hình ảnh tươi mát và sinh hoa kết trái. Nỗi than khóc biến thành cuộc lễ, no thỏa với những phần ăn hảo hạng (xem câu 14) cùng với dồi dào những sản vật, làm cho họ không thể không nhẩy múa hát ca. Đó là một niềm vui bất tận, niềm vui của dân tộc này.
3. Lịch sử cho chúng ta thấy giấc mơ ấy không thực hiện được. Chắc chắn không phải là vì Thiên Chúa không giữ lời Ngài hứa, mà tại vì họ bất trung. Phải trách dân tộc này về cái ảo vọng ấy. Sách Giêrêmia lãnh trách nhiệm bày tỏ tình trạng bất trung này bằng việc cho thấy lời tiên báo về nỗi khổ đau và gánh nặng, để rồi dần dần dẫn tới những giai đoạn thảm thiết nhất của lịch sử dân Do Thái. Ở cho, chẳng những kẻ lưu đầy của miền Bắc không được trở về, mà cả chính Giuđa cũng bị Nabuchodonosor chiếm cứ vào năm 587 BC nữa. Thế là mở màn cho những ngày đắng cay, những ngày mà, trên bờ sông Babylon, đàn địch treo lên trên cành dương liễu (x Ps 136:2). Không còn lòng trí nào để hát ca cho vui thỏa những kẻ canh tù; không ai còn có thể hớn hở khi bị tống khứ ra khỏi quê hương xứ sở của mình, ra khỏi mảnh đất Thiên Chúa lấy làm nơi cư ngụ của Ngài.
 4. Lời mời gọi của bài Ca Vịnh hãy vui mừng vẫn không mất đi ý nghĩa của mình. Thật vậy, lý do cuối cùng để vui mừng vẫn vững mạnh, một lý do chúng ta tìm thấy ở một số câu rất mạnh mẽ ở trước những câu chúng ta đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Người ta phải nhớ lấy những câu này trong khi đọc những lời diễn đạt về niềm vui trong bài ca vịnh của chúng ta đây. Những câu diễn tả bằng những từ ngữ sinh động tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Những câu ca vịnh cho thấy một giao ước bất khả vãn hồi, đó là “Ta yêu thương các ngươi bằng một tình yêu trường cửu” (31:3). Những câu ca vịnh hát lên nỗi lòng bộc phát của một Vị Thiên Chúa gọi Ephraim là con đầu lòng của mình và chở che bao phủ nó bằng tình âu yếm: “Họ sẽ than van khóc lóc mà đi, Ta sẽ dẫn họ về đầy những ủi an; Ta sẽ cho họ bước đi bên các khe suối nước, trên con đường thẳng ngay để họ khỏi bị vấp ngã; vì Ta là cha của Yến Duyên” (31:9). Cho dù lời hứa hẹn này bấy giờ chưa được nên trọn, vì thành phần con cái thiếu đáp ứng, song tình yêu của Người Cha vẫn còn tất cả tính cách âu yếm dịu dàng của mình.
5. Tình yêu này là cái trục vàng nối kết lại những thăng trầm của lịch sử dân Yến Duyên, niềm vui nỗi buồn của họ, thành công thất bại của họ. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn còn đó, và việc trừng phạt là cách diễn tả tình Ngài yêu thương, vì Ngài nhắm đến việc dạy dỗ họ và cứu độ họ. Trên tảng đá vững chắc của tình yêu này, lời mời gọi hân hoan mừng rỡ của bài Ca Vịnh gợi lên cho thấy những gì Thiên Chúa định liệu cho tương lai, mặc dù trì trệ, không sớm thì muộn sẽ được thực hiện, bất chấp mọi thứ hèn yếu của con người. Tương lai ấy đã đến nơi tân ước, với cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô và với tặng ân Thần Linh. Tuy nhiên, tương lai này sẽ hoàn toàn được nên trọn ở lần trở lại sau cùng của Chúa vào lúc ngày cùng tháng tận. Hiểu theo chiều hướng của niềm tin như vậy, “giấc mơ” của Giêrêmia vẫn tiếp tục là một cơ hội lịch sử thực sự, miễn là loài người biết trung thành, nhất là, đối với mục tiêu cuối cùng, giấc mơ này được bảo toàn bởi việc Thiên Chúa tín trung, một lòng tín trung đã được bắt đầu tỏ hiện qua tình Ngài yêu thương nơi Chúa Kitô.
Khi đọc lời tiên tri của Giêrêmia, chúng ta cần phải để cho Phúc Âm âm vang trong lòng của mình, một tin mừng tuyệt vời do Chúa Kitô loan báo ở hội đường Nazarét (x Lk 4:16-21). Đời sống của người Kitô hữu được kêu gọi trở thành một “Cuộc Mừng” thực sự, một cuộc mừng chỉ có thể bị đe dọa bởi tội lỗi của chúng ta mà thôi. Bảo chúng ta cầu nguyện những lời này của Giêrêmia, Phụng Vụ Giờ Kinh mời gọi chúng ta hãy gắn bó cuộc sống của mình với Chúa Kitô Cứu Chuộc (x Jer 31:11), cũng như hãy tìm kiếm nơi Người cái bí mật của niềm vui đích thực nơi đời sống riêng tư và chung đụng của chúng ta.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 17/10/2001)

Bài 17 – TV 47 (48) (Thứ Tư 17/10/2001)

ÔI THIÊN CHÚA, NƠI THÁNH ĐIỆN CỦA NGÀI, CHÚNG TÔI SUY TƯỞNG ĐẾN TÌNH NGÀI YÊU THƯƠNG

(Thánh Vịnh 47 [48], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)

1. Bài Thánh Vịnh vừa được công bố là một ca vịnh tôn vinh Sion, “thành đô của Đức Vua cao cả” (câu 3), ở vào lúc vị thế của đền thờ Chúa và nơi Ngài hiện diện ở giữa loài người. Đức tin Kitô giáo giờ đây qui thành đô này về “Giêrusalem trên trời”, thành đô “mẹ của chúng ta” (Gal 4:26).
Cung cách phụng vụ của bài thánh thi này, bài thánh thi gợi lên cho thấy một cuộc cung nghinh của ngày hội lễ (xem các câu 13-14), cho thấy một cái nhìn an bình về Giêrusalem, một cái nhìn phản ánh ơn cứu độ thần linh, đã làm cho bài Thánh Vịnh 47 (48) thành một lời cầu nguyện giúp chúng ta có thể sử dụng để bắt đầu một ngày sống, bằng việc cất tiếng hát lên bài ca vịnh chúc tụng, cho dù chân trời có những đám mây che phủ.
Để cảm nhận được ý nghĩa của bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy có 3 lời than xuất hiện ở đầu, giữa và cuối bài Thánh Vịnh, như để làm mốc điểm chính cho việc sáng tác và cũng để dẫn chúng ta vào nội dung của bài thánh vịnh. Ba lời kêu than này là: “Chúa là Đấng cao cả và đáng chúc tụng trong thành đô của Thiên Chúa chúng ta” (câu 2); “Ôi Thiên Chúa, nơi thánh điện của Ngài, chúng tôi suy tưởng tình Ngài yêu thương” (câu 10); “Đó là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa muôn đời và mãi mãi, chính Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta” (câu 15).
2. Ba lời than này, những lời than chẳng những tôn tụng Thiên Chúa mà còn tôn vinh cả “thành đô của Thiên Chúa chúng ta” (câu 2) nữa, đã bố cục bài Thánh Vịnh lại thành hai phần chính. Phần thứ nhất là một cuộc hân hoan cử hành thành thánh Sion đã thắng được các cuộc tấn công của những kẻ thù địch, an bình ở dưới chiếc áo choàng bảo vệ của Thiên Chúa (các câu 3-8). Có một loạt định nghĩa tiêu biểu về thành đô này như sau: đó là một nơi cao vời vợi vươn lên như ánh sáng chiếu tỏa, là một nguồn hoan lạc cho các dân nước trên trái đất, là một “Thái Sơn” hội tụ đất trời. Đó là, theo cách diễn đạt của tiên tri Eâzêkiên, thành đô Emmanuel, vì “Chúa ở đó”, hiện diện nơi đó (x Ez 48:35). Thế nhưng, cũng có những đạo quân ào ạt công hãm Giêrusalem, tượng trưng cho việc sự dữ tấn công vinh quang của thành đô Thiên Chúa. Cuộc đụng độ cho thấy trước được kết quả tức khắc.
3. Thật vậy, quyền lực thế gian, một khi tấn công thành thánh thì đồng thời cũng động đến cả Chúa là vua của thành thánh nữa. Vị tác giả Thánh Vịnh đã tỏ cho thấy tình trạng vỡ mộng ngông cuồng của binh hùng tướng mạnh nơi hình ảnh liên quan đến tình trạng quằn quại sinh con: “Chúng bị khiếp hãi như trải qua cơn đau chuyển bụng sinh con” (câu 7). Vẻ hung dữ biến thành bạc nhược và mềm yếu, uy quyền thành sụp đổ và tháo chạy. Một hình ảnh khác cũng cho thấy cùng một tư tưởng như thế, đó là đạo quân tháo chạy được so sánh với một đội chiến hạm hùng mạnh đụng phải một trận bão nổi lên gây ra bởi ngọn gió Đông dữ dội (xem câu 8). Điều tồn tại đó là niềm tin không lay chuyển nơi kẻ ở trong bóng bảo vệ thần linh, đó là niềm tin tưởng rằng chung cuộc không thuộc về tay sự dữ mà là sự thiện; Thiên Chúa chiến thắng các quyền lực thù địch, cho dù chúng có vẻ mạnh mẽ và bất khả bại.
4. Kẻ tín nghĩa cử hành trong chính đền thờ việc họ tạ ơn Vị Thiên Chúa giải cứu của mình. Họ hát một bài thánh thi dâng lên tình yêu nhân hậu Chúa, một tình yêu được diễn tả nơi chữ hésed trong tiếng Do Thái, chữ tiêu biểu cho thần học về giao ước. Giờ đây chúng ta sang đến phần thứ hai của bài Thánh Vịnh (xem các câu 10-14). Sau bài ca vịnh dài chúc tụng Vị Thiên Chúa tín trung, chính trực và cứu độ (xem các câu 10-12), thì xuất hiện một loạt những gì ở chung quanh đền thờ và thành thánh (các câu 13-14). Nào là những tháp canh cho thấy việc Thiên Chúa cương quyết bảo vệ thành, nào là những thành lũy nói lên cho thấy Sion được Đấng Chủ Trị thiết lập vững vàng. Các tường thành Giêrusalem nói lên và những tảng đá của thành nhắc lại những công cuộc cần phải được truyền lại “cho thế hệ mai sau” (câu 14), qua những câu truyện cha ông kể lại cho con cháu (xem Thánh Vịnh 77: 3,7). Sion là nơi chứng kiến hàng loạt tác động cứu độ không ngừng của Chúa, những tác động cứu độ được truyền đạt nơi giáo lý và được cử hành trong phụng vụ, để tín hữu tiếp tục hy vọng vào Chúa là Đấng đã nhúng tay vào việc giải phóng họ.
 5. Ở đoạn đối ca kết thúc xuất hiện một trong những định nghĩa đẹp nhất về Chúa, cho Ngài như là một vị mục tử chăn dắt dân Ngài: “Chính Ngài là Đấng chăn dắt chúng ta” (câu 15). Vị Thiên Chúa của Sion là Vị Thiên Chúa của Cuộc Xuất Hành, của tự do, của việc sát cận với đám dân làm tôi ở Ai Cập và cũng là đám dân lữ hành trong sa mạc. Giờ đây đám dân Yến Duyên được an cư lạc nghiệp trong đất hứa ấy biết rằng Chúa sẽ không bỏ rơi mình: Giêrusalem là dấu hiệu cho thấy Ngài gần gũi với họ và đền thờ là nơi Ngài hiện diện. Khi đọc lại những diễn tả này, Kitô hữu tiến đến việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô là đền thờ mới sống động của Thiên Chúa (xem Jn 2:21), và hướng về Giêrusalem thiên quốc là nơi không cần đền thờ hay ánh sáng ngoại tại nào nữa, vì “đền thờ là Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng và là Con Chiên... vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của thành và Con Chiên là đèn của thành” (Rev 21:2-23). Thánh Âu Quốc Tinh đã mời gọi chúng ta hãy đọc lại theo “tâm thức” này, vì thánh nhân thâm tín rằng, nơi các Sách Thánh Kinh “không có gì khác ngoài những quan tâm đến thành đô trần thế, vì tất cả những gì được nói về nó đều ám chỉ đến thành này, hay những gì được thành này hiện thực, đều tiêu biểu cho một cái gì đó cũng có thể ngầm ám chỉ Giêrusalem thiên quốc” (City of God, XVII, 3, 2). Thánh Paulinus Nola cũng đã làm âm vang tư tưởng ấy của thánh Âu Quốc Tinh, vì khi dẫn giải những lời của bài Thánh Vịnh này, thánh nhân đã khuyên dụ chúng ta hãy cầu nguyện để “chúng ta có thể thấy mình là những viên đá sống động nơi tường thành Giêrusalem thiên quốc tự do” (Letter 28, 2 gửi Severus). Chiêm ngưỡng thấy sự vững chắc và cứng cát của thành ấy, vị Giáo Phụ Hội Thánh này còn nói tiếp: “Thực vậy, Đấng ngự trong thành này tỏ ra cho thấy mình là Một trong ba ngôi... Đức Kitô chẳng những là nền tảng của thành mà còn là tháp và cửa thành nữa... Nếu ngôi nhà linh hồn chúng ta được xây dựng trên Người, và việc kiến trúc dựa trên Người để xứng đáng có một nền tảng vững vàng như vậy, thì cửa vào thành cũng chính là Đấng muôn đời dẫn dắt chúng ta và sẽ dẫn chúng ta đến chỗ đồng cỏ của Người” (cùng nguồn vừa dẫn).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 24/10/2001)

Bài 18 - TV 50 (51) (Thứ Tư 24/10/2001)

TÔI ĐÃ LỖI PHẠM ĐẾN CHÍNH CHÚA

 (Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất) 

1. Chúng ta vừa nghe bài Miserere là một trong những kinh nguyện nổi tiếng của Thánh Vịnh, một thánh vịnh thống hối thiết tha và thông dụng nhất, một thánh thi về việc vấp phạm và lòng tha thứ, một suy niệm sâu xa về lầm lỗi và ân sủng. Phụng Vụ Giờ Kinh sắp xếp để chúng ta cầu nguyện bằng thánh vịnh này vào Kinh Ban Mai của mỗi ngày Thứ Sáu. Qua bao thế kỷ, lời nguyện cầu này đã được dâng lên trời cao từ cõi lòng của nhiều tín đồ Do Thái và Kitô Hữu, như một nỗi thổn thức của lòng thống hối cũng như của niềm hy vọng nơi một Vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu.
 Truyền thống Do Thái đã đặt bài thánh vịnh này nơi môi miệng của Đavít, một con người đã thống hối nhờ những lời nghiêm thẳng của tiên tri Nathan (x các câu 1-2, 2Sam 11-12), vị đã quở trách vua về việc vua ngoại tình với Bathsheba cũng như về việc vua mưu đồ sát hại Uria chồng của bà. Tuy nhiên, bài thánh vịnh đã trở nên phong phú hơn ở vào những thế kỷ sau đó, nhờ lời nguyện cầu của biết bao nhiêu là tội nhân khác nữa, thành phần, theo giáo huấn của tiên tri Giêrêmia và Eâzêkiên (xem câu 12; Jer 31: 13-34; Ez 11:19, 36:24-28), đã ý thức được vấn đề “trái tim mới” và “Thần Linh” Thiên Chúa nơi con người được cứu chuộc.
 2. Thánh Vịnh 50 (51) cho chúng ta thấy hai chân trời. Trước hết là vùng tăm tối của tội lỗi (xem các câu 3-11) là nơi con người thuộc về ngay từ khi bắt đầu hiện hữu: “Này đây tôi đã được sinh ra trong tội lỗi, tôi đã được thụ thai như là một tội nhân” (câu 7). Cho dù lời tuyên nhận này không được coi như là một công thức hiển nhiên về tín điều nguyên tội là tín điều đã được thần học Kitô giáo xác nhận, song lời tuyên nhận này thật là tương hợp với tín điều ấy: thật vậy, lời tuyên nhận này nói lên cho thấy chiều kích sâu xa của tình trạng yếu hèn bẩm sinh về luân lý nơi con người. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh hiện lên như là một phần phân tách về tội lỗi trước nhan Thiên Chúa. Ba từ ngữ Do Thái được sử dụng đến ở đây để nói lên thực tại buồn thảm này, một thực tại xẩy ra bởi việc lạm dụng tự do của con người.
3. Từ ngữ thứ nhất là hattá, nghĩa đen là “bị hụt hẫng”: tội lỗi là một tình trạng lệch lạc đẩy chúng ta xa khỏi Thiên Chúa là đích điểm cốt yếu cho mối liên hệ của chúng ta, bởi thế, nó cũng đẩy chúng ta xa khỏi tha nhân nữa. Từ ngữ Do Thái thứ hai là awôn, một từ ngữ đưa chúng ta tới hình ảnh “ngoằn ngoèo” hay “cong queo”. Tội lỗi là tình trạng sai biệt lung tung không đúng với những gì là ngay thẳng; nó là một thứ đảo lộn, xiên xẹo, méo mó về sự thiện và sự dữ; như ý nghĩa được tiên tri Isaia tuyên cáo: “Khốn cho những ai cho tốt là xấu và xấu là tốt, những ai biến tối tăm thành ánh sáng và ánh sáng thành tối tăm” (5:20). Chắc vì lý do này mà việc hoán cải theo Thánh Kinh mới được cho là một cuộc “trở về” (theo tiếng Do Thái là shub) với đường ngay nẻo chính, khi con người sửa chữa lại đời sống của mình. Từ ngữ thứ ba tác giả thánh vịnh sử dụng để nói về tội là peshá. Tiếng này nói lên cho thấy việc bầy tôi nổi lên chống lại thượng cấp của mình, và bởi đó cũng cho thấy việc họ ngang nhiên đối đầu với Thiên Chúa cũng như với dự án của Ngài nơi lịch sử nhân loại.
4. Tuy nhiên, nếu con người thú nhận tội lỗi của mình thì đức công minh cứu độ của Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng thanh tẩy họ tận gốc rễ. Bởi vậy, chúng ta tiến sang phần ý nghĩa thứ hai của bài thánh vịnh, đó là lãnh giới rạng ngời của ân sủng (xem các câu 12-19). Bằng việc thú nhận tội lỗi, con người cầu nguyện sẽ thấy hiện lên một chân trời sáng lạn là nơi Thiên Chúa sinh động. Chúa không chỉ tác động một cách tiêu cực, trong việc loại trừ tội lỗi, mà còn tái tạo nhân loại tội lỗi bằng Thần Linh ban sự sống của Ngài nữa, ở chỗ, Ngài đặt nơi con người một “trái tim” mới mẻ và tinh tuyền, tức một lương tâm đổi mới, cũng như Ngài mở ra cho họ một cơ hội sống tin tưởng thuần khiết và tôn thờ đẹp lòng Thiên Chúa.
 Giáo phụ Origen đã nói về việc trị liệu thần linh, một trị liệu Chúa thực hiện bằng lời của Ngài cũng như bằng việc chữa lành của Đức Kitô, là “nếu Thiên Chúa giúp tạo nên những phương dược từ các loại thảo mộc được trộn lẫn với nhau một cách thích hợp để trị liệu phần xác thế nào, thì Ngài cũng giúp cho phần hồn có những vị thuốc bằng lời Ngài thấm nhập rải rác khắp các cuốn Sách Thánh thần linh... Thiên Chúa còn một trợ y liệu khác lấy Chúa là Khuôn Mẫu, Đấng phán về mình rằng: ‘Kẻ khỏe mạnh không cần đến thày thuốc mà là kẻ yếu đau’. Người là vị y sĩ thượng hạng có thể chữa trị hết mọi yếu đuối và bệnh nạn” (Origen, Homilies on Psalms, trích từ bản Ý Ngữ, Omelie sui Salmi, Florence, 1991, pp. 247-249).
 5. Sự sâu xa phong phú của Thánh Vịnh 50 (51) đáng cho chúng ta phải cẩn thận dẫn giải từng câu. Nó là những gì chúng ta sẽ thực hiện khi chúng ta trở lại với nhau một lần nữa vào Giờ Kinh Ban Mai của những Ngày Thứ Sáu tiếp tới. Nhìn tổng quan bài thánh vịnh này, một cái nhìn tổng quan chúng ta có được từ lời khẩn nguyện nổi tiếng trong Thánh Kinh đây, chúng ta thấy một số yếu tố nồng cốt về một thứ linh đạo cần phải được thấm nhuần vào đời sống thường nhật của tín hữu. Trước hết là một cảm quan thực sự về tội lỗi, được coi như là một sự chọn lựa tự do, theo ý nghĩa tiêu cực ở lãnh vực luân lý và thần học: “Tôi đã lỗi phạm đến Chúa, đến chính Chúa, tôi đã làm nên những điều xấu xa trước nhan Chúa” (câu 6).
 Trong bài thánh vịnh này còn có một cảm quan thực sự về khả năng hoán cải nữa, ở chỗ, tội nhân, thành tâm hối lỗi, (x câu 5), đến trước Thiên Chúa trong cảnh khốn cùng và trần trụi của mình, nài xin Ngài đừng loại trừ mình khỏi nhan của Ngài (xâu 13).
 Sau hết, trong bài Miserere, niềm xác tín sâu xa tin tưởng vào lòng tha thứ của Thiên Chúa còn “loại bỏ, rửa sạch, thanh tẩy” tội nhân (xem các câu 3-4), và có thể biến đổi họ thành một tạo vật mới, thành phần được biến đổi về tinh thần, môi miệng và con tim (xem 4-19). “Cho dù tội lỗi của chúng ta có đen thui như đêm tối, thì tình thương Thiên Chúa vẫn lớn hơn cả cảnh khốn cùng của chúng ta nữa. Chỉ cần một điều duy nhất là, tội nhân phải để hé cửa tiến vào lòng họ... Thiên Chúa có thể làm tất cả những gì còn lại... Mọi sự được bắt đầu và kết thúc ở lòng xót thương của Ngài”, Thánh Faustina Kowalska đã viết như thế (M. Winowska, The Ikon of Divine Mercy, The Message of Sister Faustina, trích từ ấn bản Ý Ngữ, L’Icona dell’ Amore Misericordioso. Il messaggio di Suor Faustina, Rome, 1981, p. 271).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 31/10/2001)

Bài 19 – Ca vịnh Is (Thứ Tư 31/10/2001)

 MẦU NHIỆM VÀ SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

 (Ca Vịnh Isaia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)

 1. “Chúa thật là một Vị Thiên Chúa ẩn thân” (Is 45:15). Lời mở đầu cho Kinh Ban Mai Ngày Thứ Sáu thuộc tuần thứ nhất của Thánh Vịnh được trích từ một bài suy niệm trong Sách Isaia về sự cao cả của Thiên Chúa được thể hiện nơi thiên nhiên tạo vật cũng như trong lịch sử, đó là một Vị Thiên Chúa tỏ mình ra, mặc dù Ngài vẫn ẩn thân một cách khôn thấu nơi mầu nhiệm của Ngài. Theo ý nghĩa này thì Ngài là “Vị Thiên Chúa ẩn thân”. Không tâm trí nào có thể thấu triệt được Ngài. Con người chỉ có thể thấy được việc Ngài hiện diện trong vũ trụ, nhận ra dấu vết của Ngài mà cúi đầu tôn thờ và chúc tụng mà thôi.
 Bài suy niệm này phát xuất từ biến cố lịch sử liên quan đến việc Thiên Chúa lạ lùng giải phóng dân Ngài vào thời lưu đầy Babylon. Ai có thể nghĩ ra là thành phần dân Yến Duyên bị lưu đầy lại có thể trở về quê hương đất nước của họ? Nghĩ đến quyền lực của Babylon là họ thất kinh mất rồi. Thế mà lại xẩy ra một lời loan báo cả thể, một bất ngờ từ Thiên Chúa, Đấng phát động bằng những lời tiên tri, đó là Ngài sẽ ra tay can thiệp như trong thời Xuất Ai Cập vậy. Nếu hồi ấy Ngài đã dùng các hình phạt khiếp đảm để bẻ gẫy việc kháng cự của Pharaon thì giờ đây Ngài đã dùng một vị vua, vua Cyrus của Ba Tư để đánh bại quyền lực của Babylon cũng như để phục hồi tự do cho Yến Duyên.
2. “Chúa là một Vị Thiên Chúa tự ẩn thân, Vị Thiên Chúa của Yến Duyên, Vị Cứu Tinh” (Is 45:15). Bằng những lời lẽ này, vị tiên tri mời chúng ta hãy nhận ra việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, cho dù không tỏ tường ngay tức khắc. Chúng ta có thể nói rằng Ngài hoạt động “ở hậu trường”. Ngài là vị giám đốc bí mật và vô hình, Đấng tôn trọng tự do của tạo vật của mình, song đồng thời cũng nhúng tay vào điều khiển các biến cố trên thế giới. Niềm tin vào hoạt động Quan Phòng của Thiên Chúa là nguồn hy vọng cho kẻ tín nghĩa, thành phần biết là họ có thể cậy dựa vào việc liên lỉ hiện diện của Ngài, “Đấng đã hình thành trái đất và dựng nên nó, cũng là Đấng củng cố nó” (Is 45:18).
Thật vậy, hành động tác tạo không phải là một màn diễn xuất rồi biến vào đêm tối của thời gian, từ đó, sau thuở ban đầu của mình, thế giới như bị bỏ mặc kệ muốn ra sao thì sao. Thiên Chúa tiếp tục làm cho tạo vật do Ngài tạo dựng hiện hữu. Nhận biết Ngài đó là tuyên xưng phẩm tính độc nhất vô nhị của Ngài: “Ta không phải là Chúa hay sao? Ngoài Ta ra không còn Thiên Chúa nào khác” (Is 45:21). Theo ý nghĩa này thì Thiên Chúa là Vị Thiên Chúa duy nhất. Không gì có thể sánh ví được với Ngài. Tất cả mọi sự đều phải qui phục Ngài. Từ đó mới lòi ra tính cách chối bỏ của ngẫu tượng, một tính cách bị vị tiên tri gắt gao cho rằng: “Họ không biết gì về việc họ cung nghinh các ngẫu tượng bằng gỗ của mình và cứ tiếp tục cầu cùng vị thần linh không thể cứu độ họ” (Is 45:20). Chúng ta làm sao lại có thể cúi mình tôn thờ trước một sản phẩm của loài người được cơ chứ? 
3. Đối với tính cách nhạy cảm hiện nay thì lập luận này có thể là quá đáng, như thể nó đang phê phán chính những hình ảnh ấy mà không nhận ra rằng chúng có thể có một giá trị tiêu biểu nào đó, một giá trị hợp với việc tôn thờ thiêng liêng Vị Thiên Chúa duy nhất. Những cách thức khôn khéo Thiên Chúa muốn chỉ dạy, bằng luật phép cứng rắn trong việc loại trừ đi những hình ảnh, theo lịch sử cho thấy, chắc chắn là để nhắm đến việc bảo vệ dân Yến Duyên khỏi bị lây nhiễm tình trạng tôn thờ đa thần. Căn cứ vào dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Necêa II năm 787, đã cho phép sử dụng các ảnh thánh, miễn là những ảnh thánh này được đặt trong giá trị liên hệ chính yếu của chúng.
 Việc khiển trách của vị tiên tri trên đây vẫn có một tính cách quan trọng liên quan đến tất cả những hình thức ngẫu tượng, không phải chỉ ở tại việc sử dụng các hình ảnh bất xứng hợp, mà còn thường ở tại những thái độ ngấm ngầm coi người và vật có một giá trị tuyệt đối thay cho chính Thiên Chúa.
4. Về phía tạo vật, bài thánh thi đưa chúng ta vào thời sử, thời mà dân Yến Duyên thường cảm nghiệm được quyền năng ưu ái và xót thương của Thiên Chúa, cảm nghiệm được việc Ngài trung tín và quan phòng đối với họ. Tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài còn đặc biệt tỏ ra cho thấy một lần nữa bằng một đường lối cởi mở lạ lùng trong việc Ngài giải thoát họ khỏi cảnh lưu đầy, đến nỗi vị tiên tri thấy họ như là “những kẻ sống còn từ các dân nước”. Vị tiên tri đã mời gọi họ, nếu muốn, hãy suy nghĩ: “Các người hãy qui tụ lại và hãy đến, hãy lại gần nhau hỡi các người là những kẻ sống sót từ các dân nước”. Vị tiên tri đã kết thúc rằng việc Thiên Chúa Yến Duyên can thiệp vào lịch sử là việc không thể chối cãi được.
 Thế rồi một quan niệm đại đồng rạng ngời hiện lên. Thiên Chúa tuyên bố rằng: “Hỡi tận cùng bờ cõi trái đất, hãy quay trở về với Ta để được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa chứ không có một vị nào khác” (Is 45:22). Thế thì rõ ràng là lòng ưu ái Thiên Chúa bộc lộ riêng với dân Yến Duyên là dân của Ngài không phải là hành động loại trừ, mà là một hành động yêu thương mưu ích cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy chúng ta mới thấy quan niệm “bí tích” nơi lịch sử cứu độ được gói ghém trong Cựu Ước, một quan niệm không thấy nơi việc Thiên Chúa đặc biệt tuyển chọn con cái Abraham và sau này tuyển chọn các môn đệ của Chúa Kitô trong Giáo Hội là một đặc ân có ý “giới hạn” hay “loại trừ”, mà là dấu hiệu và là dụng cụ của một tình yêu phổ quát.
 5. Lời mời gọi hãy thờ kính cũng như việc hiến ban ơn cứu độ đều nhắm đến tất cả mọi dân nước: “Mọi đầu gối phải quì xuống trước nhan Ta, mọi miệng lưỡi sẽ thề nguyền với Ta” (Is 45:23). Đọc những lời này theo quan điểm của một người Kitô hữu tức là nghĩ đến toàn thể mạc khải Tân Ước, một mạc khải cho thấy một “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Phil 2:9) nơi Chúa Kitô, để “khi nghe tên Giêsu thì trên trời, dưới đất và trong âm phủ mọi đầu gối phải quì xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa, cho vinh quang Thiên Chúa là Cha” (Phil 2:10-11).
 Qua bài thánh thi này, lời chúc tụng ban mai của chúng ta có một chiều kích đại đồng và là lời chúc tụng nhân danh những ai chưa được ơn nhận biết Chúa Kitô. Đó là lời chúc tụng trở thành “việc truyền giáo”, bắt chúng ta phải đi khắp thế giới loan báo rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc thế giới.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 7/11/2001)

Bài 20 – TV 99 (100) (Thứ Tư 7/11/2001) 

THẾ GIỚI HÃY CHÚC TỤNG VỊ THIÊN CHÚA TÍN TRUNG

(Thánh Vịnh 99 [100], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất) 

1. Truyền thống Do Thái gọi bài thánh thi chúc tụng chúng ta vừa nghe là “Thánh Vịnh để todáh”, tức là lời tạ ơn bằng phụng ca. Đó là lý do tại sao bài Thánh Vịnh này xứng đáng được nguyện vào Giờ Kinh Ban Mai. Chúng ta có thể nhận ra ba yếu tố đáng kể trong bốn câu của bài thánh thi hoan lạc này, những yếu tố làm cho cộng đồng Kitô hữu khi sử dụng để nguyện cầu được lợi ích thiêng liêng.
 2. Trước hết là lời mời gọi thiết tha trong việc cầu nguyện, một lời mời gọi được rõ ràng thể hiện nơi khía cạnh phụng vụ. Điều này chứng tỏ ở những động từ truyền khiến, kèm theo những chi tiết liên quan đến phụng vụ được nhắc đến trong bài Thánh Vịnh: “Hãy kêu lên..., hãy hân hoan phụng sự Chúa, hãy hân hoan xướng hát trước nhan Ngài. Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa... Hãy cảm tạ tri ân tiến qua cổng của Ngài, hãy ca khen tiến vào cung điện của Ngài, hãy tạ ơn Ngài và hãy chúc tụng danh Ngài”. Đó là một loạt những lời mời gọi trong việc chẳng những tiến vào chốn thánh của đền thờ qua cổng và cung điện (x Ps 14:1; 23: 3, 7-10), mà còn mời gọi hoan hỉ chúc tụng Thiên Chúa nữa.
Đó như là một cái trục liên lỉ không gián đoạn trong việc chúc tụng bằng hình thức liên lỉ tuyên xưng niềm tin và lòng yêu thương. Việc chúc tụng từ trái đất dâng lên Thiên Chúa cũng là những gì nuôi dưỡng tâm linh của người tín hữu.
3. Tôi muốn nhấn mạnh đến chi tiết thứ hai ở ngay đầu của bài thánh thi, chỗ Tác Giả Thánh Vịnh kêu gọi toàn thể trái đất hãy tung hô Chúa (x câu 1). Bài Thánh Vịnh chắc chắn là chú trọng tới thành phần dân Chúa chọn, thế nhưng, vấn đề chúc tụng là một vấn đề phổ quát, như vẫn thấy nơi Thánh Vịnh có các “lời thánh thi ngỏ cùng Vị Chúa quốc vương” (x Ps 95-98 [96-99]). Thế giới và lịch sử không rơi vào tay của tình trạng may rủi, của xao động hay của tất yếu mù quáng. Trái lại, chúng được quản trị bởi một Vị Thiên Chúa nhiệm mầu, Đấng muốn nhân loại sống an toàn trong những mối liên đới chân chính đích thực. Ngài “là Vua. Thế giới được thiết dựng, nó sẽ không bao giờ bị xê xích; Ngài sẽ công bằng phân xử các dân nước... Ngài sẽ phân xử thế giới bằng đức công minh và các dân tộc bằng chân lý của Ngài” (Ps 95:10-13).
 4. Chúng ta ở trong tay Thiên Chúa, Đấng là Chúa và là Vua, là Cha và là Hóa Công, và chúng ta vui mừng tin tưởng rằng Ngài sẽ không buông chúng ta ra khỏi tay của Ngài. Hiểu như thế chúng ta mới có thể cảm nhận được hơn nữa yếu tố chính yếu, yếu tố thứ ba của bài Thánh Vịnh. Thật vậy, ở trọng tâm của lời chúc tụng mà Tác Giả Thánh Vịnh đặt vào môi miệng chúng ta là một lời tuyên xưng đức tin, được bầy tỏ bằng một chuỗi những phẩm tính nói lên thực tại sâu xa của Thiên Chúa. Lời tuyên xưng chính yếu ấy gồm có những xác tín như sau: “Chúa là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên chúng ta, thành phần thuộc về Ngài... Chúa thật là nhân hậu, tình Ngài yêu thương bền vững muôn đời, Ngài tín trung qua mọi thế hệ” (x các câu 3-5).
 5. Trước tiên là một lời tuyên xưng lại niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, như giới răn thứ nhất của Thập Giới đòi hỏi: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi... Các ngươi sẽ không có chúa nào khác ngoài Ta” (Ex 20: 2.3). Lời tuyên xưng này vẫn thường được lập lại trong Thánh Kinh: “Vậy hôm nay anh em hãy nhận biết và giữ kỹ trong lòng anh em điều này: Chúa là Thiên Chúa trên các tầng trời cao, dưới mặt đất này chứ không có Đấng nào khác” (Dt 4:39). Sau đó tới lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa hóa công, Đấng là nguồn gốc của hữu thể và sự sống. Thế rồi, bằng một “công thức giao ước”, niềm tin của Yến Duyên là dân Thiên Chúa tuyển chọn đã xác nhận: “Chúng tôi thuộc về Ngài, là dân của Ngài và là chiên Ngài chăn dắt” (câu 3). Đó cũng là niềm xác tín được tín hữu thuộc Dân Chúa mới lấy làm của mình, với ý thức là mình là đàn chiên do Vị Mục Tử tối cao của các linh hồn dẫn dắt đến đồng cỏ trường sinh thiên đường (x 1Pt 2:25).
6. Sau khi tuyên xưng Vị Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Hóa và là nguồn mạch của giao ước, hình ảnh về Vị Chúa này được bài Thánh Vịnh của chúng ta tiếp tục ca khen qua việc suy niệm về ba phẩm tính thần linh vẫn thường vang lên trong Sách Thánh Vịnh, đó là lòng lành của Thiên Chúa, tình yêu nhân hậu (hésed) của Ngài và lòng trung tín của Ngài. Chúng là ba nhân đức thuộc về giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân của Ngài; chúng nói lên cho thấy mối liên hệ không bao giờ bị đổ vỡ qua các thế hệ, bất chấp giòng suối bùn lầy tội lỗi, bất chấp nổi loạn và bất trung của con người. Với niềm tin tưởng thành tín này nơi tình yêu thần linh không bao giờ suy giảm ấy, dân Chúa đã hành trình qua giòng lịch sử trước những thử thách cám dỗ và yếu đuối mỗi ngày.
 Niềm tin tưởng này trở thành một bài thánh thi mà đôi khi không nói lên lời, như Thánh Âu-Quốc-Tinh nhận định: “Đức ái càng gia tăng thì anh em càng thấy anh em trở nên những gì anh em nói và không nói được. Thật vậy, trước khi cảm nhận được những điều gì đó, anh em nghĩ rằng anh em có thể dùng lời lẽ để nói về Thiên Chúa; đến khi anh em hưởng được cái thú vị của chúng, anh em mới nhận ra rằng anh em không thể diễn tả cho trọn vẹn những gì anh em được nếm hưởng. Nếu anh em nhận thấy rằng anh em không biết làm sao để diễn đạt những gì anh em nếm hưởng thì phải chăng vì thế anh em câm lặng không chúc tụng nữa?... Chắc chắn là không. Anh em không thể nào lại vô ơn bội nghĩa đến như vậy. Đối với Đấng phải được tôn vinh, kính trọng và hết lòng ca ngợi... Anh em hãy lắng nghe bài Thánh Vịnh: ‘Toàn thể trái đất hãy hoan hỉ kêu lên Chúa’. Nếu anh em biết hỉ hoan trước nhan Chúa thì bấy giờ anh em mới hiểu được niềm vui của toàn thể trái đất” (Trích từ the Exposition on the Psalms, Italian version, Esposizioni sui Salmi III/1, Rome 1993, p. 459).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 14/11/2001)

 Bài 21 – TV 118 (119) (Thứ Tư 14/11/2001) 

CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA VỀ TẶNG ÂN LỀ LUẬT

(Thánh Vịnh 118 [119], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)

 1. Những gì phụng vụ Kinh Ban Mai của Ngày Thứ Bảy thuộc tuần thứ nhất đã hiến cho chúng ta đó là một đoạn cung điệu của Thánh Vịnh 118 (119), (các câu 145-152), một giòng cung điệu trong lời nguyện cầu dài với 22 đoạn cung điệu, hay 22 cung điệu, con số tương đương với những chữ thuộc mẫu tự Do Thái. Mỗi một đoạn cung điệu bắt đầu bằng một chữ khác nhau trong mẫu tự Do Thái và thứ tự của các đoạn cung điệu căn cứ vào các chữ của mẫu tự. Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa công bố là đoạn cung điệu thứ 19 (các câu 145-152) tương đương với chữ qoph.
 Việc giới thiệu mở màn này sẽ giúp rất nhiều vào việc giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của bài thánh thi tôn kính lề luật thần linh đây. Nó giống như nhạc Đông phương là loại nhạc có những sóng điệu không ngớt vang động dâng lên tận trời cứ âm vọng trong tâm trí và cảm quan, tinh thần và thể xác của con người cầu nguyện.
 2. Theo một nhịïp điệu từ “aleph đến tav”, từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng của mẫu tự Do Thái, chúng ta có thể nói từ A đến Z trong mẫu tự của chúng ta, con người cầu nguyện nói lên lời tạ ơn đối với Lề Luật Chúa, một lề luật được họ coi như là một ngọn đèn soi cho bước chân của họ trên nẻo đường đời đầy những tối tăm.
Người ta nói rằng đại triết gia kiêm khoa học gia Blaise Pascal đã đọc bài thánh vịnh ý nghĩa nhất trong các thánh vịnh này mỗi ngày, cũng như nhà thần học Dietrich Bonhoeffer, người bị Nazis thảm sát năm 1945, đã dùng bài thánh vịnh này làm lời nguyện cầu sống trong mọi lúc khi ông viết rằng: “Không thể phủ nhận được tính cách trầm trầm là bài Thánh Vịnh 118 (119) vì nó dài dòng và đơn điệu, thế nhưng chúng ta cần phải chậm rãi và nhẫn nại đọc từng lời, từng câu một. Bấy giờ chúng ta mới khám phá ra rằng những lần lập đi lập lại bề ngoài ấy thực sự là những khía cạnh mới của cùng một thực tại, đó là lòng yêu mến Lời Chúa. Vì tình yêu này không cùng, nên những lời tuyên xưng tình yêu ấy cũng thế. Những lời ấy có thể đồng hành với chúng ta suốt cả cuộc đời, và với tính cách đơn sơ giản dị của chúng, những lời ấy trở thành lời nguyện cầu của giới trẻ, của người trưởng thành cũng như của thành phần đứng tuổi khả kính” (Pray the Psalms with Christ, English translation of the Italian title, Pregare i Salmi con Cristo, Brescia, 1978, 3a edizione, p. 48).
3. Sự kiện lập đi lập lại này, không kể nó giúp cho chúng ta dễ nhớ trong việc hát ca đoàn, nó còn là một cách tốt đẹp trong việc nuôi dưỡng tâm tình gắn bó với Thiên Chúa và tin tưởng phó mình vào tay Ngài là Đấng chúng ta kêu cầu và yêu mến. Nơi việc cứ lập đi lập lại của Thánh Vịnh 118 (119) này, Tôi muốn nêu lên một chi tiết quan trọng. Mỗi một câu trong 176 câu, con số câu làm nên bài ca tụng Sách Torah, Lề Luật và Lời thần linh này, đều có ít nhất là một trong tám chữ sau đây được dùng để trực tiếp nói đến Sách Torah, đó là lề luật, lời lẽ, chứng từ, phán quyết, chỉ dạy, sắc chỉ, huấn thị và mệnh lệnh.
 Như thế, Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau trong một cuộc trao đổi bằng lời bảo và việc làm, bằng dạy dỗ và lắng nghe, bằng chân lý và đời sống.
 4. Giờ đây chúng ta tiến đến đoạn cung điệu (các câu 145-152) của chúng ta hôm nay, một đoạn cung điệu rất hợp với tinh thần của buổi nguyện Kinh Ban Mai. Thật vậy, cảnh trí chính của bộ tám câu thánh vịnh này là cảnh về đêm, thế nhưng lại là cảnh hướng về một ngày mới. Sau một đêm dài canh thức đợi trông và nguyện cầu trong Đền Thờ, vào lúc hừng đông xuất hiện nơi chân trời cũng là lúc bắt đầu giờ phụng vụ, người tín hữu tin rằng Chúa sẽ nhận lời kẻ đã thâu đêm nguyện cầu, bằng việc họ tin tưởng và suy niệm Lời thần linh. Ý thức vững mạnh như vậy và nhìn thấy một ngày mở ra trước mắt, họ sẽ không còn hãi sợ hiểm nguy nữa. Họ biết rằng, được Thiên Chúa ở với, họ sẽ không còn bị khống chế bởi những kẻ bách hại họ, thành phần công hãm họ bằng lọc lừa đảo điên (x câu 150).
 5. Đoạn cung điệu này nói lên cho thấy một lời nguyện cầu thiết tha: “Lạy Chúa, con kêu lên với tất cả tâm hồn... Con chỗi dậy trước khi hừng đông lên để kêu cầu Chúa cứu giúp con; con tin tưởng vào lời của Chúa...” (các câu 145, 147). Trong Sách Ai Ca, chúng ta cũng đọc thấy lời mời gọi này: “Nào hãy chỗi dậy đi, hãy kêu lên trong đêm tối vào lúc bắt đầu thức canh; hãy để nỗi lòng của mình tràn ra như nước chảy trước nhan Chúa! Hãy giơ tay lên hướng về Ngài” (2:19). Thánh Ambrose đã lập lại như thế này: “Ôi con người, ngươi không biết hay sao mỗi ngày ngươi phải dâng lên Thiên Chúa hoa trái đầu mùa của con tim và tiếng nói ngươi hay sao? Khi hừng đông lên, ngươi hãy mau mắn mang tới Giáo Hội những hoa trái đầu mùa của lòng ngươi sùng kính” (Exp. Inps. CXVIII; PL 15, 1476 A).
 Đoạn cung điệu của chúng ta hôm nay đây còn là việc làm thăng hóa niềm tin tưởng, niềm tin là chúng ta không bị lẻ loi, vì Thiên Chúa là Đấng lắng nghe chúng ta và ra tay can thiệp cho chúng ta. Người cầu nguyện là kẻ thân thưa rằng: “Lạy Chúa, Chúa ở gần con” (câu 151). Những bài thánh vịnh khác cũng cho thấy điều này: “Vì thù địch của con, xin Chúa hãy xích lại gần con, hãy cứu lấy con, hãy giải thoát con!” (Ps 68:19); “Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát và cứu vớt những kẻ dập nát tâm can” (Ps 33:19).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 21/11/2001)

 Bài 22 – Ca vịnh Xh (Thứ Tư 21/11/2001) 

HÃY HÁT MỪNG CHÚA VÌ NGÀI VINH THẮNG

(Ca Vịnh Xuất Hành, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)

 1. Bài thánh ca chiến thắng này (xem Ex 15:1-18), bài thánh ca cho buổi nguyện Kinh Ban Mai ngày Thứ Bảy trong tuần thứ nhất đây, đưa chúng ta về lại với giây phút quan trọng của lịch sử cứu độ, đó là biến cố Xuất Ai Cập, thời điểm Thiên Chúa giải cứu dân Yến Duyên khỏi tình trạng tuyệt vọng về phương diện loài người. Sự thật hết sức hiển nhiên là, sau một thời gian dài làm tôi bên nước Ai Cập, bấy giờ những người Do Thái đang trên đường tiến về đất hứa, thì đạo quân của vua Pharaon đuổi kịp họ, để rồi, nếu Chúa không vung tay uy quyền của Ngài ra can thiệp vào thì không gì có thể cứu nổi họ cả. Bài thánh ca vui mừng diễn tả cho thấy cái ngạo mạn nơi những ý đồ của một đạo quân sát khí: “Ta sẽ rượt theo, sẽ chộp bắt, sẽ chia chiến lợi phẩm” (Ex 15:9).
 Một đạo binh hùng mạnh nhất làm sao có thể chống lại được quyền toàn năng thần linh cơ chứ? Thiên Chúa đã khiến biển khơi trở thành lối thoát cho đám dân bị tấn công rồi lại trở thành lấp lối cho những kẻ hung hãn: “Khi gió của Ngài thổi tới, biển khơi liền phủ chụp lên chúng, làm chúng bị chìm ngập dưới những giòng nước mãnh liệt” (Ex 15:10). Những hình ảnh ghê gớm này là những gì nói lên cho thấy sự cao cả của Thiên Chúa, đồng thời cũng cho thấy cả việc dân chúng tỏ ra lạ lùng bỡ ngỡ đối với con mắt khó có thể tin được của họ, để rồi họ đã đồng thanh bộc lên tiếng hát chúc tụng qua bài thánh ca vinh thắng: “Chúa là sức mạnh và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi. Ngài là Thiên Chúa của tôi, tôi sẽ chúc tụng Ngài, Thiên Chúa của cha ông tôi, và tôi sẽ tôn vinh Ngài” (Ex 15:2).
 2. Bài Ca Vịnh không phải chỉ ca lên mừng cuộc giải thoát đã được thực hiện; nó còn cho thấy cả một mục tiêu tích cực nữa, đó chính là việc họ tiến vào nơi cư ngụ của Thiên Chúa để sống hiệp thông với Ngài: “Bằng tình yêu trung kiên của mình, Chúa đã dìu dắt đám dân mà Chúa cứu chuộc, đã dùng sức mạnh để hướng dẫn họ đến nơi thánh cư của Ngài” (Ex 15:13). Hiểu như thế, biến cố này không phải chỉ là nền tảng của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, mà còn trở thành một “biểu hiệu” cho toàn thể lịch sử cứu độ nữa. Vào nhiều trường hợp khác nữa, dân Yến Duyên cũng sẽ sống còn ở những hoàn cảnh tương tư, và biến cố Xuất Ai Cập lại được thường xuyên tái diễn. Biến cố này đã đặc biệt ám chỉ về công cuộc cứu chuộc cao cả do Chúa Kitô thực hiện bằng cái chết và phục sinh của Người.
Vì lý do này, bài ca vịnh của chúng ta ở đây đã được phụng vụ Vọng Phục Sinh đặc biệt lập lại để nói lên cho thấy, bằng một hình ảnh mãnh liệt, những gì đã xẩy ra nơi Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, chúng ta chẳng những đã được cứu khỏi tên bạo tàn trần gian, mà còn thoát khỏi cả tình trạng làm tôi cho Satan và tội lỗi nữa, một tình trạng đè nén định mệnh con người ngay từ ban đầu. Nhờ Chúa Kitô, con người đã quay trở lại đường lối dẫn đưa chúng ta về nhà Cha.
 3. Cuộc giải phóng này, một cuộc giải phóng đã chiếm được một cách mầu nhiệm nơi Phép Rửa như một mầm mống của sự sống để vươn lên, sẽ đạt tới tầm mức trọn vẹn của nó vào lúc tận cùng thời gian, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang để “trao Vương Quốc lại cho Thiên Chúa Cha” (1Cor 15:24). Chính chân trời cùng tận, chân trời cánh chung này mà Phụng Vụ Giờ Kinh hẳn đã mời gọi chúng ta tìm kiếm, khi đưa vào bài ca vịnh của chúng ta đây một câu trích từ Sách Khải Huyền: “Họ đã chiến thắng con mãnh thú... (Họ) đang hát bài ca vịnh Moisen, người tôi tớ của Thiên Chúa” (15:2-3).
 Những gì biến cố Xuất Ai Cập ám chỉ và những gì biến cố Phục Sinh đã đạt thành bằng một đường lối dứt khoát, một đường lối vẫn hướng về tương lai, sẽ là những gì được hoàn toàn hiện thực nơi tất cả những ai được cứu độ vào lúc tận cùng thời gian. Thật vậy, việc cứu độ của chúng ta là một việc cứu độ có thực và trọn vẹn, thế nhưng việc cứu độ này lại ở giữa cái “đã” và cái “chưa” nơi thân phận trần gian của chúng ta, như Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta được cứu độ là ở niềm hy vọng” (Rm 8:24).
 4. “Tôi sẽ hát mừng Chúa vì Ngài vinh thắng” (Ex 15:1). Lập lại trên môi miệng chúng ta những lời của bài thánh ca xa xưa, phụng vụ giờ kinh ban mai muốn mời gọi chúng ta hãy nhìn ngày sống của mình ở một chân trời quang sáng của lịch sử cứu độ. Đó là cách Kitô hữu nhận định về giòng thời gian. Nơi cuộc chồng chất tháng ngày, không có chuyện bất hạnh sẽ làm cho chúng ta bị vùi dập, mà là một dự án cứ tuần tự tỏ hiện và là dự án chúng ta phải biết khôn ngoan đọc được nơi những biến cố của thời đại chúng ta.
 Các vị Giáo Phụ của Hội Thánh rất thích hợp với quan điểm này. Thật vậy, các ngài thích đọc những sự kiện Cựu Ước nổi bật bắt nguồn lịch sử cứu độ – từ hồng thủy đời Noe đến khi Abraham được kêu gọi, từ cuộc giải phóng ở biến cố Xuất Ai Cập đến việc hồi hương của dân Do Thái sau cuộc lưu đầy ở Babylon – những sự kiện các ngài cho như là “những tiền thân” của các biến cố mai hậu, khi các ngài gán cho những sự kiện này một giá trị “mẫu thức”, ở chỗ, chúng cho thấy trước những đặc tính chính yếu của chúng được lập lại một cách nào đó trong suốt giòng lịch sử nhân loại.
 5. Đối với các tiên tri, các vị đã đọc lại những biến cố lịch sử cứu độ, khi các vị chứng tỏ cho thấy những biến cố đó có ảnh hưởng đến thực tại bấy giờ ra sao và cũng chỉ cho thấy những gì sẽ hoàn toàn xẩy ra trong tương lai. Bởi thế, khi suy niệm về mầu nhiệm giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân Yến Duyên, các vị đã bắt đầu nói về một thứ “giao ước mới” (Jer 31:31; x Ez 36:26-27), một thứ tân ước mà lề luật của Thiên Chúa sẽ được viết nơi tâm can của con người. Chúng ta rất dễ thấy được nơi lời tiên tri một thứ giáo ước mới được niêm ấn bằng máu Chúa Kitô và được hiện thực nhờ tặng ân Thần Linh. Giờ đây, qua việc đọc lại ca vịnh chiến thắng về Cuộc Xuất Ai Cập xa xưa này, theo ý nghĩa trọn vẹn nơi cuộc xuất hành của biến cố Phục Sinh, người tín hữu có thể hân hoan vui sống như là một Giáo Hội lữ hành đang tiến bước qua giòng thời gian để tiến về Giêrusalem thiên đình.
 6. Chúng ta có thể càng lạ lùng khi chiêm ngắm những gì Thiên Chúa thực hiện cho dân Ngài, ở chỗ: “Chúa đã mang họ tới và trồng họ trên núi của Chúa, nơi mà, Ôi Chúa, nơi mà Chúa đã thiết dựng” (Ex 15:17). Bài thánh ca chiến thắng này hát mừng cuộc chiến thắng của Thiên Chúa chứ không phải cuộc chiến thắng của loài người. Nó là một bài ca vịnh của yêu thương chứ không phải một bài ca vịnh của chiến tranh. Khi để cho ngày sống của mình được tràn đầy bởi những rung động của lời dân Do Thái chúc tụng xưa ấy, chúng ta sẽ bước đi trên những nẻo đường thế gian, những nẻo đường đầy rùng rợn, hiểm nguy và đau khổ, song với một niềm tin tưởng rằng mình luôn được ánh mắt xót thương của Thiên Chúa theo dõi. Không gì có thể chống cự lại được quyền lực của tình Ngài yêu thương.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 28/11/2001)

Bài 23 – TV 116 (117) (Thứ Tư 28/11/2001) 

TẤT CẢ MỌI DÂN NƯỚC CHÚC TỤNG TÌNH YÊU THỦY CHUNG CỦA THIÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 116 [117], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)

 1. Đây là một trong những bài thánh vịnh ngắn nhất. Trong tiếng Do Thái, bài thánh vịnh này chỉ có 17 chữ, trong đó có 9 chữ quan trọng. Bài thánh vịnh này là một tụng khúc ngắn, tức là một bài thánh thi chúc tụng thiết yếu đóng vai trò lý tưởng trong việc kết thúc các bài thánh vịnh dài. Điều này đôi khi cũng được thấy nơi phụng vụ, như hiện nay với tụng khúc Sáng danh Đức Chúa Cha, một tụng khúc chúng ta dùng để kết thúc khi đọc đến cuối hết mỗi bài thánh vịnh.
 Thật vậy, số chữ ít ỏi trong lời cầu nguyện này có một ý nghĩa sâu xa trong việc tung hô giao ước Chúa đã thiết lập với dân của Ngài theo quan điểm phổ quát. Bởi thế, Thánh Tông Đồ Phaolô đã dùng câu đầu tiên trong bài thánh vịnh này để mời gọi các dân nước trên thế giới hãy tôn vinh Thiên Chúa. Đúng thế, ngài đã viết cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma là Các Dân Ngoại có thể thực hiện tôn vinh Thiên Chúa vì tình thương của Ngài như lời đã viết: “Hỡi tất cả mọi quốc gia, hãy chúc tụng Chúa; hỡi tất cả mọi dân tộc anh em, hãy tôn vinh Ngài” (15:9,11).
 2. Như vẫn thường xẩy ra cho loại bài thánh vịnh này, một bài thánh vịnh ngắn ngủi chúng ta đang suy niệm đây, bài thánh vịnh vang lên lời mời gọi chúc tụng không phải chỉ nhắm đến dân Yến Duyên thôi, mà còn đến tất cả mọi dân nước trên trái đất này nữa. Tụng khúc Alleluia phải được bộc lên từ cõi lòng của tất cả những kẻ lành thành tâm tìm kiếm và kính mến Thiên Chúa. Sách Thánh Vịnh, một lần nữa, lại phản ảnh cho thấy một viễn ảnh rất bao quát, một viễn ảnh được nuôi dưỡng từ kinh nghiệm của dân Yến Duyên trong cuộc lưu đầy ở Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước Chúa Kitô giáng sinh. Vào thời dân Do Thái giao chạm với các dân nước và văn hóa khác và cảm thấy nhu cầu cần loan báo niềm tin của mình cho những ai sống quanh mình. Sách Thánh Vịnh phác tả một quan niệm cho thấy sự thiện được nẩy nở ở nhiều nơi chốn và nó có thể qui hướng về một Vị Chúa và là Tạo Hóa duy nhất.
Như thế, chúng ta có thể nói đến một lời cầu nguyện “đại kết” mà giờ đây ôm ấp các dân nước khác nhau về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa. Chúng ta có cùng một “viễn ảnh” lớn lao như tiên tri Isaia, vị cho thấy rằng “vào ngày cùng tháng tận”, tất cả mọi dân nước sẽ kéo nhau tiến về “ngọn núi của nhà Chúa”. Bấy giờ họ sẽ buông gươm giáo xuống; họ sẽ biến gươm kiếm thành lưỡi cầy, biến thương đao thành liềm hái, nhờ đó nhân loại có thể sống trong an vui thái hòa, hát lên bài ca chúc tụng Vị Chúa duy nhất của tất cả mọi người, lắng nghe lời Ngài và tuân giữ lề luật của Ngài (x Is 2:1,5).
3. Yến Duyên, thành phần Dân Được Tuyển Chọn, đã mang một sứ mệnh truyền giáo cần phải hoàn thành ở chân trời đại đồng này. Họ phải loan báo hai phẩm tính thần linh cao cả họ đã cảm nghiệm thấy khi sống giao ước với Chúa (x câu 2). Hai phẩm tính thần linh này, hai phẩm tính làm nên những nét chính yếu nơi dung nhan Thiên Chúa, nét “nhị thức thiện hảo” của Thiên Chúa, như Thánh Gregory Nyssa đề cập đến (x On the Titles of the Psalms, nguyên bản tiếng Ý là Sui titoli dei Salmi, Rome, 1994, p. 183), được diễn đạt bằng những từ ngữ Do Thái, những từ ngữ khi chuyển dịch không chuyển chở trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của chúng.
Chữ thứ nhất là hésed, một từ ngữ được Sách Thánh Vịnh lập đi lập lại, một từ ngữ Tôi cũng đã giải thích trước đây. Nó cho thấy sự phong phú nơi cảm tình sâu xa diễn tiến giữa hai ngôi vị, được gắn bó với nhau bằng một liên kết đích thực và vững chắc. Nó chất chứa những giá trị như yêu thương, thủy chung, thương cảm, lành thánh và dịu dàng. Giữa Thiên Chúa và chúng ta cũng có một mối liên hệ, không lạnh lùng như trường hợp giữa một vị hoàng đế và hạ thần của ông, mà là sinh động như giữa hai người bạn, giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.
 4. Chữ thứ hai là eméth cũng là chữ đồng nghĩa với từ ngữ thứ nhất. Nó là chữ được ưa chuộng nơi Sách Thánh Vịnh, một cuốn sách dùng chữ này hơn nửa số lần trong cả Cựu Ước.
 Chính chữ này nói lên cho thấy một “sự thật”, tức là nói lên cho thấy cái đích thực của một mối liên hệ, cái chuyên chính và thành tín của nó, bất chấp những trở ngại và thử thách; nó là sự thủy chung tinh tuyền hoan lạc không hề biết đến bội vong. Không phải là ngẫu nhiên vị tác giả Thánh Vịnh đã tuyên bố rằng nó “muốn đời trung tín” (câu 2). Tình yêu thủy chung của Thiên Chúa không bao giờ ngừng và sẽ không bỏ mặc chúng ta cho lẻ loi cô độc, cho tăm tối mung lung, cho một số mệnh mù quáng, cho không không hay cho tử thần.
 Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, liên lỉ và bất tận. Đó là sứ điệp của bài Thánh Vịnh của chúng ta hôm nay đây, một bài thánh vịnh ngắn ngủi như hơi thở nguyện cầu bộc phát từ tâm can song lại vang vọng như cả một bài ca vĩ đại.
5. Những lời lẽ bài thánh vịnh này bộc phát như âm dội của bài ca vang lên trên Giêrusalem thiên đình, nơi mà cả một đoàn lũ đông đảo mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia chúc tụng vinh hiển thần linh trước ngai tòa của Thiên Chúa và của Con Chiên (x Apoc 7:9). Giáo Hội lữ hành hòa điệu với bài ca diễn tả khôn cùng lời chúc tụng này, những diễn tả thường được kèm theo bằng tài nghệ thi phú và nghệ thuật âm nhạc. Chúng ta có thể kể đến chẳng hạn như kinh Te Deum, một kinh được các thế hệ Kitô hữu sử dụng qua các thế kỷ để chúc tụng và tạ ơn. “Chúng tôi chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa, chúng tôi tuyên xưng Ngài, Ôi Thiên Chúa, toàn thể trái đất kính tôn Ngài là Cha hằng hữu”. Về phần mình, bài thánh vịnh chúng ta đang suy niệm hôm nay đây là một tổng hợp của một phụng vụ chúc tụng kéo dài Giáo Hội dâng lên trên trần thế, khi liên kết mình với lời chúc tụng tuyệt hảo của chính Chúa Kitô đã ngỏ cùng Cha của Người.
 Chúng ta hãy chúc tụng Chúa! Chúng ta hãy không ngừng chúc tụng Ngài. Thế nhưng chúng ta phải diễn tả lời chúc tụng của mình bằng đời sống hơn là bằng ngôn từ. Như tất cả mọi bài thánh vịnh chúc tụng Chúa, Giáo Hội, thành phần Dân của Thiên Chúa, nổ lực muốn mình trở nên một bài thánh thi chúc tụng, song chúng ta sẽ khó đạt thành, nếu chúng ta kêu gọi các dân nước dùng bài thánh vịnh của chúng ta đây để tôn vinh Chúa mà chúng ta lại không coi trọng lời Chúa cảnh giác: “Vậy ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước người ta để họ thấy được các việc lành các con làm mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5:16).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 5/12/2001)
(Có thể xem lại các bài Giáo Lý Hằng Tuần trước đây trong Phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, dưới nhan đề Giáo Lý Thánh Vịnh)

Bài 24 – TV 117 (118) (Thứ Tư 5/12/2001)

 “TẢNG ĐÁ BỊ LOẠI… ĐÃ TRỞ NÊN TẢNG ĐÁ NỀN”

 (Thánh Vịnh 117 [118], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai)

 1. Khi người Kitô hữu, hợp tiếng nguyện cầu với dân Yến Duyên hát bài Thánh Vịnh 117 (118) chúng ta vừa nghe, họ cảm thấy nơi mình một cái gì đó lâng lâng. Thật vậy, họ thấy nơi bài thánh thi phụng vụ này hai câu như vang âm cái ý nghĩa mới nơi Tân Ước. Thứ nhất là câu 22: “Tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá nền”. Câu này được Chúa Giêsu trích lại để ám chỉ về công cuộc tử nạn và phục sinh của Người, sau khi nói về dụ ngôn những viên thợ làm vườn nho sát nhân (x Mt 21:42). Câu này cũng được Thánh Phêrô nhắc lại ở Sách Tông Vụ: “Đức Giêsu này là tảng đá, một tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá nền. Ơn cứu độ không ở trong tay ai khác, và không có một tên tuổi nào ở dưới bầu trời này khiến chúng ta được ơn cứu độ” (Acts 4:11-12) Thánh Cyrilô Giêrusalem nhận định: “Chúng ta cho rằng chỉ có một Chúa Giêsu Kitô vì chỉ có một thân phận làm con; chúng tôi nói là chỉ có một để anh em đừng nghĩ rằng còn có một vị khác… Thật vậy, Người đã được gọi là tảng đá, không phải là một tảng đá vô hồn, cũng không phải là tảng đá do bàn tay loài người đục khoét mà có, song là một tảng đá nền, vì ai tin vào Người sẽ không bị lỡ làng” (Giáo Lý, nhan đề Anh ngữ của bản tiếng Ý về những bài giáo lý của Thánh Cyrilô, Le Catechesi, Rôma, 1993, tr. 312-313).
 Câu thứ hai được Tân Ước trích dẫn từ bài Thánh Vịnh 117 (118) này là câu đám đông dân chúng hô lên trước việc Chúa Kitô long trọng tiến vào thành Giêrusalem như một Đấng Thiên Sai: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Mt 21:9; Ps 117:26). Lời hoan hô này được gói ghém ở chữ Hosanna, một chữ được phát xuất từ lời kêu cầu hoshiac na' “xin cứu độ chúng tôi!” của người Do Thái.
 2. Bài thánh thi Thánh Kinh sáng ngời này được đặt ở ngay tâm điểm của một tổng hợp của một ít bài thánh vịnh, từ thánh vịnh 112 (113) đến 117 (118), những bài thánh vịnh mang tên là Hallel Vượt Qua, tức là những bài thánh vịnh chúc tụng được dùng cho việc tôn thờ của người Do Thái đối với Lễ Vượt Qua cũng như đối với những lễ trọng chính trong năm phụng vụ. Lễ nghi của đoàn rước có thể lấy bài Thánh Vịnh 117 (118) này làm chủ đề, bài thánh vịnh được đơn ca viên hay ca đoàn hát lập đi lập lại, với Thành Thánh và Đền Thờ như bối cảnh của nó. Lời mở đầu và kết thúc bài thánh vịnh: “Hãy chúc tụng Chúa vì Ngài thiện hảo, vì lòng Ngài xót thương đến muôn đời” thật là tuyệt vời.
Chữ “xót thương” được chuyển dịch từ chữ hesed của tiếng Do Thái, một chữ nói đến lòng thủy chung hải hà của Thiên Chúa tỏ ra đối với đám dân được Ngài thiết lập giao ước và là đám dân thân tình với Ngài. Có ba hạng người cần phải chúc tụng tấm lòng thủy chung này, đó là tất cả dân Yến Duyên, là “nhà Aaron” hay hàng tư tế, và là “những ai kính sợ Chúa”, một cách nói bao gồm thành phần tín hữu cũng như thành phần trở lại, tức là phần tử của các dân nước khác muốn tuân giữ lề luật của Chúa (x các câu 2-4).
 3. Đoàn rước đi qua những đường phố Giêrusalem, vì bài thánh vịnh nói về “những túp lều của kẻ công chính” (xem câu 15). Ngoài ra, bài thánh thi cũng có cả lời tri ân cảm tạ nữa (xem các câu 5-18), với ý nghĩa là: dù có bị sầu thương, chúng ta cũng phải giơ cao ngọn đuốc tin tưởng cậy trông lên, vì bàn tay uy quyền của Chúa dẫn dắt đám dân trung thành của Ngài đến chỗ chiến thắng sự dữ và đến với ơn cứu độ.
 Nhà thơ sách thánh này đã sử dụng những hình ảnh sắc nét và sống động; vị tác giả này đã so sánh những kẻ đối thù dã tâm với đàn ong hay với một cột lửa sẽ tiến đến chỗ tất cả mọi sự rồi biến thành đống tro tàn (xem câu 12). Được Chúa đỡ nâng, người công chính đã tỏ ra những phản ứng cứng rắn. Họ lập lại ba lần rằng “vì danh Chúa tôi trừ diệt chúng”, câu nói chất chứa một động từ của tiếng Do Thái ám chỉ đến việc nhúng tay vào hủy diệt sự dữ (xem các câu 10, 11, 12). Thật vậy, ở đằng sau tất cả những sự này phải có bàn tay quyền uy của Thiên Chúa, tức là có sự can thiệp hiệu nghiệm của Ngài, chứ hoàn toàn không phải là có bàn tay yếu đuối và vụng về của con người ta nhúng vào. Vì lý do này, niềm vui chiến thắng sự dữ mới đưa tới việc tuyên xưng đức tin một cách sống động như thế này: “Chúa là sức mạnh của tôi và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi” (câu 14).
 4. Thế rồi đoàn rước về tới đền thờ, ở tại “cửa công chính” (câu 19), tại ngưỡng Cửa Thánh của Sion. Đến đây bài ca tri ân cảm tạ thứ hai vang lên, một bài ca bắt đầu bằng cuộc trao đổi giữa cộng đoàn và các vị tư tế tham dự việc tôn thờ. Đơn ca viên xướng thay cho đoàn rước là: “Hãy mở cho tôi các cửa công chính: Tôi sẽ tiến vào để tạ ơn Chúa. Đây là cửa của Chúa, người chính trực sẽ qua đó tiến vào” (câu 20), rồi những người khác, có thể là các vị tư tế, nghe thế đáp lại. Khi tiến vào rồi, họ bắt đầu hát bài thánh thi tạ ơn Chúa, Đấng đích thân ở trong Đền Thờ như là một “tảng đá nền” an toàn vững chắc để xây lên ngôi nhà sự sống (x Mt. 7:24-25). Tín hữu đến đền thờ để bày tỏ đức tin của mình, dâng lời nguyện cầu và cử hành phụng vụ đều được lãnh nhận phép lành của vị tư tế ban cho.
 5. Cảnh trí cuối cùng mở ra trước mắt chúng ta là một lễ nghi hân hoan với những vũ điệu thánh hảo, những vũ điệu được kèm theo bằng việc hớn hở vẫy vẫy những cành lá: “Đoàn rước mừng lễ hãy cầm cành lá tiến lên cho đến các góc cạnh bàn thờ” (câu 27). Cuộc cử hành phụng vụ này là một cử hành hân hoan, mừng rỡ, là một diễn đạt của đời sống chúc tụng Chúa. Lễ nghi của các cành là lễ nghi nhắc lại Lễ Lều Tạm của dân Do Thái, một lễ được cử hành để tưởng nhớ cuộc hành trình của dân Yến Duyên đi qua sa mạc, một cử hành trọng thể với cuộc rước cầm những cành lá cây dừa, lá cây sim và lá cây dương liễu.
 Kitô hữu đã lấy lễ nghi được bài Thánh Vịnh gợi lên này cho việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, một biến cố được cử hành trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Chúa Kitô được đám đông dân chúng xưng tụng là “Con Vua Đavít” (x Mt 21:9), đám dân chúng “khi đến mừng lễ... cầm những cành lá dừa và đi nghênh đón Ngài mà hô lên: Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, vua dân Yến Duyên” (Jn 12:12-13). Tuy nhiên, trong việc cử hành mừng lễ này đã trổi lên một dạo khúc mở đầu cho giờ khắc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu, vị tiêu biểu cho tảng đá nền, một dạo khúc mang đầy những ý nghĩa, một ý nghĩa Phục Sinh vinh hiển.
 Bài Thánh Vịnh 117 (118) phấn khích Kitô hữu nhận thức thấy “ngày Chúa đã lập nên” nơi biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, một ngày mà “tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá nền”. Họ có thể dùng bài thánh vịnh này để hát lên lòng tri ân cảm tạ sâu xa của mình: “Chúa là sức mạnh của tôi và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi” (câu 14); “Đây là ngày Chúa đã lập nên, chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ trong ngày đó” (câu 24).
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 12/12/2001)
 (Có thể xem lại các bài Giáo Lý Hằng Tuần trước đây trong Phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, dưới nhan đề Giáo Lý Thánh Vịnh)

 Bài 25 – Ca vinh Đn (Thứ Tư 12/12/2001) 

BÀI CA VỊNH SỬ DỤNG NGÔN TỪ YÊU THƯƠNG

(Ca Vịnh Đaniên về Ba Người Trẻ, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai)

 1. Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe là phần đầu của một khúc thánh thi dài mà hay, một khúc thánh thi được thấy trong Sách Đaniên bản Hy Lạp. Bài ca vịnh này được hát lên bởi ba người nam Do Thái trẻ, những người bị quẳng vào vạc lửa vì đã không chịu tôn thờ bức tượng Vua Babylon Nabuchodonosor. Phần khác của cùng bài thánh thi này được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật thứ nhất và thứ ba theo sách thánh vịnh phụng vụ. Như chúng ta đã biết, Sách Đaniên là văn kiện cho thấy những mầm mống, những niềm hy vọng và những trông ngóng hứa hẹn của Dân Tuyển Chọn, thành phần vào thời đoạn Maccabê (thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên) đang phải chống chọi để có thể sống theo Lề Luật Chúa dạy.
 Ba người trẻ được gìn giữ khỏi bị thiêu cháy một cách kỳ diệu trong vạc lửa đã hát lên một bài thánh thi chúc tụng dâng lên Thiên Chúa. Bài thánh thi giống như là một thứ kinh cầu, vừa theo kiểu tái tấu những câu cú lại vừa mới mẻ nơi mỗi câu, ở chỗ, những lời kêu cầu dâng lên Thiên Chúa này như hương trầm tỏa lan trong không khí giống như những đám mây nhưng là những đám mây đặc biệt. Lời cầu nguyện không muốn tránh né việc lập đi lập lại, như trường hợp người yêu muốn diễn tả tình yêu của mình cứ lập đi lập lại tình yêu của mình vậy. Việc nhấn mạnh cùng một điều giống nhau là để nói lên cho thấy tính cách dạt dào đầy rung động nơi cảm tình nội tâm cũng như nơi cảm thức của con người.
 2. Chúng ta đã nghe đoạn đầu của bài thánh thi vũ trụ nơi chương thứ ba của Sách Đaniên, từ câu 52 đến 57. Đó là đoạn dẫn nhập mở đường cho đoàn diễn hành vĩ đại của các tạo vật trong việc chúng tham gia vào việc chúc tụng Thiên Chúa. Nếu nhìn tổng quan về toàn bài ca vịnh này, một bài ca vịnh giống như một kinh cầu kéo dài, chúng ta khám phá ra một loạt liên tục những yếu tố tạo nên đề tài của bài thánh thi. Nó được bắt đầu với sáu lời kêu cầu trực tiếp dâng lên Thiên Chúa; sáu lời kêu cầu này chứa đựng lời kêu gọi chung “tất cả những công trình của Chúa” hãy mở miệng lưỡi mình ra hết lời chúc tụng Thiên Chúa (xem câu 57). Đây là phần chúng ta xét đến hôm nay và là phần Phụng Vụ cho Giờ Kinh Ban Mai của Chúa Nhật tuần thứ hai. Sau phần này, bài ca vịnh còn được kéo dài ở chỗ hiệu triệu tất cả mọi tạo vật trên trời dưới đất chúc tụng và ngợi khen Chúa của chúng.
 3. Đoạn đầu tiên của chúng ta hôm nay đây sẽ lại được lập lại một lần nữa ở Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật tuần thứ tư. Giờ đây chúng ta sẽ lấy ra một ít yếu tố để suy niệm thôi. Yếu tố đầu tiên là lời mời gọi chúc tụng: “Chúc tụng Ngài... “, câu chúc tụng cuối cùng trở thành “Chúc tụng Chúa...!”
 Trong Thánh Kinh có hai hình thức chúc phúc đan kết nhau. Trước hết là việc chúc phúc từ Thiên Chúa mà đến: Chúa chúc phúc cho dân Ngài (x Num 6:24-27). Đó là một việc chúc phúc tác hiệu, nguồn mạch của thành đạt, hạnh phúc và thịnh vượng. Rồi cũng có cả việc chúc tụng từ đất lên trời nữa. Con người lãnh nhận thật nhiều ơn phúc do lòng quảng đại của Thiên Chúa thì lên tiếng chúc tụng Thiên Chúa, ca khen, cảm tạ và tôn tụng Ngài: “Hồn tôi ơi hãy chúc tụng Chúa” (Ps 102 [103]: 1; 103 [104]: 1).
 Các vị tư tế thường ban phúc lành của Thiên Chúa (x Num 6:22-23,27; Sir 50:20-21), bằng việc đặt tay; còn việc nhân loại chúc tụng được bộc lộ nơi bài thánh thi phụng vụ do cộng đoàn tín hữu dâng lên Chúa.
 4. Việc đối đáp là yếu tố khác chúng ta cần phải để ý đến trong đoạn ca vịnh chúng ta đang suy niệm đây. Chúng ta mường tượng thấy được rằng, trong một đền thờ đầy những người, đơn ca viên xướng lên lời chúc tụng: “Chúc tụng Ngài, lạy Chúa...”, khi kể lại những việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa, trong khi đó cộng đồng tín hữu liên tục lập lại câu công thức: “đáng chúc tụng và vinh quang hơn hết cho đến muôn đời”. Đó là những gì cũng xẩy ra ở Thánh Vịnh 135 (136), bài “đại Hallel”, một bài chúc tụng cả thể, được con người lập lại lời “Tình thương của Ngài bền vững đến muôn đời”, trong khi đơn ca viên thuật lại những việc cứu độ khác nhau do Chúa thực hiện nơi dân của Ngài.
 Trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, đối tượng trước nhất của lời chúc tụng là danh “vinh hiển và thánh hảo” của Thiên Chúa, một danh vang lên trong đền thờ, một đền thờ cũng “thánh hảo và hiển vinh”. Khi lấy đức tin chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng ngự trên “ngai tòa vương quốc của Ngài”, các vị tư tế và dân chúng nhận thức được mình là đối tượng cho ánh mắt của Ngài, một ánh mắt “thấu tận các vực thẳm”, và niềm nhận thức này khơi nguồn cho con tim lên tiếng chúc tụng: “Chúc tụng... chúc tụng...”. Thiên Chúa, Đấng “ngự trên các thần cherubim” và cư ngụ trên “các tầng trời cao”, cũng là Đấng gần gũi dân của Ngài, thành phần nhờ đó cảm thấy mình được bảo vệ và an toàn.
 5. Khi phác hoạ bài ca vịnh này để dùng cho sáng Chúa Nhật, Lễ Phục Sinh hằng tuần của Kitô hữu, Giáo Hội muốn kêu mời chúng ta hãy mở mắt hướng về việc tân tạo đã được bắt nguồn từ cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Gregory of Nyssa, Vị Giáo Phụ Hy Lạp ở thế kỷ thứ bốn, đã giải thích rằng, nhờ cuộc Vượt Qua (Sống Lại) của Chúa, một “trời mới và đất mới đã được tạo dựng… một con người khác được đổi mới phát hiện theo hình ảnh của Đấng Tạo Dựng của mình, nhờ cuộc hạ sinh từ trên cao” (x Jn 3:3-7). Rồi thánh nhân tiếp: “Người nhìn vào thế giới cảm giác có thể suy diễn từ những vật hữu hình để thấy được vẻ đẹp vô hình thế nào..., cũng vậy, người nhìn vào thế giới mới của tạo vật thuộc về giáo hội sẽ thấy được trong đó Đấng đã trở nên tất cả mọi sự nơi mọi người, khi Ngài dùng tay dẫn dắt tâm trí con người bằng những sự khả tri đối với bản chất tư duy của chúng ta, để chúng ta có thể tiến đến chỗ vượt ra ngoài tầm mức hiểu biết loài người” (Langerbeck H., Gregorii Nysseni Opera, VI, 1-22 passim, p. 385).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 19+26/12/2001)

 Bài 26 – TV 150 (Thứ Tư 9/1/2002)

MỌI SINH VẬT HÃY CHÚC TỤNG CHÚA

(Thánh Vịnh 150, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai) 

1. Bài thánh thi vừa giúp vào việc cầu nguyện của chúng ta đó là Thánh Vịnh 150, ca khúc cuối cùng của Sách Thánh Vịnh. Lời sau hết được vang lên trong sách cầu nguyện của dân Do Thái này là alleluia, tức là lời thuần túy chúc tụng Thiên Chúa, và đó là lý do tại sao bài Thánh Vịnh này được sử dụng hai lần cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai của Chúa Nhật thứ hai và thứ tư.
 Bài thánh vịnh ngắn ngủi được phân cú bằng một loạt 10 khiến lệnh ngữ giống nhau, “hallelu”, “hãy chúc tụng!”. Như một bản nhạc và khúc ca vĩnh cửu, chúng dường như không bao giờ kết thúc, trái lại, chúng giống như điệp khúc Alleluia nổi tiếng trong bài Messiah của Handel. Việc chúc tụng Thiên Chúa trở nên như hơi thở liên tục của linh hồn. Như có lời viết: “đó là một trong những phần thưởng cho con người, đó là việc lặng lẽ chúc tụng và khả năng hoan hỉ; nó được tóm gọn trong câu Rabbi Akiba khuyên các môn đệ của mình rằng: một bài ca mọi ngày, một bài ca cho mọi ngày” (A. J. Heschel, Chi è l’oumo?, Milan 1971, p. 178, the English title is Who is Man?).
2. Bài Thánh Vịnh 150 dường như cho thấy 3 thời đoạn. Thoạt tiên, ở hai câu đầu, chúng ta gắn mắt vào “Chúa” trong “thánh điện của Ngài”, vào “quyền năng của Ngài”, vào “những việc lạ lùng Ngài thực hiện”, vào “sự cao cả” của Ngài. Thế rồi, vào thời đoạn thứ hai, như đà chuyển vận của âm nhạc chính hiệu, ban hợp ca của đền thờ Sion hòa lời chúc tụng Thiên Chúa (các câu 3-5b), được phụ diễn bằng các vũ khúc và ca khúc thánh. Sau hết, ở câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x câu 5c), cả hoàn cầu xuất hiện, được tiêu biểu nơi “hết mọi sinh vật”, hay nếu muốn theo nguyên ngữ Do Thái, nơi “hết mọi vật thở hơi”. Chính sự sống trở thành lời chúc tụng, lời chúc tụng dâng lên Đấng Hóa Công từ những vật được Ngài tạo dựng.
3. Trong lần đầu tiếp chạm với Thánh Vịnh 150 này, chúng ta chỉ cần suy niệm phần đầu và phần cuối của bài thánh thi ấy thôi. Chúng ta sẽ đào sâu hơn phần thứ hai, phần tâm điểm của bài sáng tác, trong tương lai, trong lần bài Thánh Vịnh được dùng cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai tới đây. “Cung thánh” là nơi thượng hạng cho vấn đề ca hát và nguyện cầu dâng lên (x câu 1). Nguyên ngữ Do Thái nói về một nơi “linh thánh” thuần túy, siêu việt, chỗ Thiên Chúa ngự. Bởi thế nó liên quan đến chân trời thiên lý và thiên đình, là nơi, như Sách Khải Huyền về sau cho thấy, cử hành phụng vụ trọn hảo của Con Chiên (như câu 5:6-14). Mầu nhiệm của Thiên Chúa, một mầu nhiệm các thánh được trọn vẹn hiệp thông, là một chốn của ánh sáng và niềm vui, của tỏ hiện và yêu thương. Chính vì thế chúng ta mới hiểu được lý do tại sao bản dịch Bảy Mươi và bản dịch Latinh Vulgata sử dụng chữ “các thánh” thay vì chữ “cung thánh”: “Hãy chúc tụng Chúa nơi chư thánh của Ngài!”.
 4. Từ trời cao tư tưởng của chúng ta chuyển xuống mặt đất, chú trọng đến “các việc quyền năng” Thiên Chúa thực hiện để chứng tỏ “sự uy nghi cao cả của Ngài” (câu 2). Những việc quyền năng này đã được Thánh Vịnh 104 (105) diễn tả, để mời gọi dân Do Thái hãy “suy niệm về tất cả các việc kỳ diệu của Ngài” (câu 2), để nhớ đến “những việc lạ lùng Ngài đã thực hiện, những kỳ công và những phán lệnh Ngài ban bố” (câu 5). Thế rồi Tác Giả Thánh Vịnh nhắc lại “giao ước Ngài đã thiết lập với Abraham (câu 9), câu truyện ngoại thường về Giuse, những phép lạ giải phóng họ khỏi Ai Cập, và cuộc hành trình của họ qua sa mạc, cuối cùng là tặng ân đất hứa ban cho họ. Bài Thánh Vịnh khác nói về những khốn khó được Chúa giải cứu khỏi những ai “kêu” lên Ngài; những ai được Ngài giải thoát cần phải lập đi lập lại rằng “Họ hãy tri ân cảm tạ Chúa vì Ngài xót thương, vì Ngài đã thực hiện những việc lạ lùng cho con cái loài người!” (Ps 106 [107]:8,15,21,31).
 Nhờ đó, trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, chúng ta mới hiểu được cái liên hệ với “những việc quyền năng” theo nguyên ngữ Do Thái, tức là, “những kỳ công” quyền năng (x câu 2) Thiên Chúa gieo mầm nơi lịch sử cứu độ. Việc chúc tụng trở thành một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Hóa Công và Cứu Độ, một việc hân hoan cử hành tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện bằng việc tạo dựng và cứu độ, bằng việc ban phát sự sống và giải phóng.
 5. Giờ đây chúng ta tới câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh 150 (x câu 5c[6]). Tiếng Do Thái nói về “sinh vật” chúc tụng Thiên Chúa có liên quan đến “hơi thở”, như Tôi đã nói tới trên đây, nhưng cũng liên quan đến cả một cái gì đó mật thiết và thâm sâu vốn bẩm sinh nơi con người.
 Mặc dù người ta có thể nghĩ rằng tất cả mọi sự sống thụ sinh đều phải là một bài thánh thi chúc tụng Đấng Hóa Công, nhưng còn đúng hơn nữa khi cho rằng con người thụ tạo đóng vai trò chính yếu trong ca đoàn chúc tụng này. Nhờ con người, phát ngôn viên của toàn thể thụ tạo, tất cả mọi sinh vật dâng lời chúc tụng Chúa. Hơi thở sống động của chúng ta, một thứ hơi thở gồm cả tự thức, nhận biết và tự do (x Ps 20:27), trở nên một bài ca và trở thành lời nguyện cầu của toàn thể sự sống sinh động trong hoàn vũ.
 Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta phải cùng nhau “hát khen và tấu nhạc dâng lên Chúa bằng những bài thánh vịnh và thánh thi, những ca khúc thiêng liêng” với cả tâm hồn của mình (Eph 5:19).
 6. Trong việc sao chép các câu của bài Thánh Vịnh 150, các vị tác giả của những bản gốc Do Thái ngữ thường phác tả cho thấy cột nến Menorah, một chân nến bảy nhánh nổi tiếng được đặt trong Nơi Cực Thánh của đền thờ Giêrusalem. Như thế là họ muốn đề nghị một lối giải thích hay ho về bài Thánh Vịnh, một lời Amen thực sự và xứng hợp với lời cầu nguyện được “những vị tôn huynh” của chúng ta hằng sử dụng, ở chỗ toàn thể con người, với tất cả mọi nhạc cụ và hình thức ca nhạc do tài nghệ của họ sáng chế ra, như kèn thổi, đàn địch, đa huyền cầm, trống phách, vũ điệu, đàn giây, sáo tiêu, chiêng bạt, não bạt, như bài Thánh Vịnh nói đến như là “mọi sự thở hơi”, được mời gọi để cháy lên như cột nến Menorah trước Nơi Cực Thánh, bằng một lời cầu nguyện chúc tụng và tạ ơn liên lỉ. Hiệp nhất với Con là tiếng nói trọn hảo của toàn thể hoàn vũ được Người dựng nên, chúng ta cũng hãy trở thành một lời nguyện cầu liên lỉ trước ngai tòa Thiên Chúa.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 16/1/2002)

 Bài 27 – TV 41 (42) (Thứ Tư 16/1/2002)

 THIÊN CHÚA CÓ LẮNG NGHE LỜI NGUYỆN CẦU CỦA CON NGƯỜI TRUNG NGHĨA VỚI NGÀI KHÔNG?

(Thánh Vịnh 41 [42], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 1. Một con nai rát cổ, đang thảm thiết kêu trong sa mạc khô cằn, mong gặp được giòng nước mát ở một mạch suối nước. Hình ảnh sống động này hiện lên trong bài Thánh Vịnh 41 (42) vừa mới được xướng lên. Chúng ta có thể nhìn thấy nơi hình ảnh này một linh đạo thâm thúy tiêu biểu cho bài thánh vịnh này, một viên ngọc thực quí của đức tin và thi văn. Thật vậy, theo các chuyên viên về Sách Thánh Vịnh, thì bài thánh vịnh của chúng ta đây có liên hệ chặt chẽ với bài thánh vịnh sau đó, Thánh Vịnh 42 (43), một thánh vịnh đã bị phân ra phần đầu thành thánh vịnh 41 (42), khi các thánh vịnh được xếp theo thứ tự để làm nên cuốn sách cầu nguyện cho Dân Chúa. Ngoài vấn đề có cùng một đề tài và cách khai triển, cả hai bài thánh vịnh này còn được chi phối bởi cùng một câu tiền xướng não nuột: “Ôi hồn tôi ơi, sao ngươi lại thảm não, lại xao xuyến trong ta như thế? Hãy hy vọng nơi Thiên Chúa; vì ta sẽ lại cất tiếng chúc tụng Ngài là Đấng phù trợ và là Thiên Chúa của ta” (Ps 41[42]: 6,12; 42 [43]:5). Câu than thở này, được lập lại hai lần ở bài thánh vịnh của chúng ta hôm nay và lần thứ ba ở bài thánh vịnh sau đó, là một lời mời gọi được con người cầu nguyện tự nhủ mình, để loại trừ đi nỗi buồn phiền bằng việc tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng chắc chắn sẽ lại tỏ mình ra như Đấng Cứu Tinh.
 2. Thế nhưng, chúng ta hãy trở về với hình ảnh ban đầu của bài Thánh Vịnh; việc suy niệm về hình ảnh này sẽ thấm thía hơn nếu được đệm bằng bản nhạc Gregorian hay bằng tấu khúc Palestrina, Sicut Cervus. Thật vậy, con nai khát nước là biểu hiệu cho con người cầu nguyện trong việc họ hướng cả con người gồm hồn xác của mình về Chúa, Đấng dường như xa cách họ nhưng lại rất cần thiết đối với họ: “Linh hồn tôi khát khao Thiên Chúa, khát khao Thiên Chúa hằng sống” (Ps 41(42:3). Trong tiếng Do Thái, chữ nefesh vừa có nghĩa “linh hồn” vừa có nghĩa “cổ họng”. Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng thân xác và linh hồn của con người cầu nguyện bị thu hút bởi nỗi ước vọng Thiên Chúa, một nỗi ước vọng chính yếu, tự động và mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thống lâu đời đã diễn tả việc cầu nguyện như là một “hơi thở”, bởi vì nó sâu xa, cần thiết và căn bản như hơi thở ban sự sống vậy.
Origen, một đại tác giả Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã nói rằng, việc con người tìm kiếm Thiên Chúa là một cuộc thám hiểm không cùng, vì việc phát triển vẫn là một việc khả thể và cần thiết. Ở một trong những bài giảng về Sách Dân Số, vị tác giả này viết: “Những ai hành trình trên con đường tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa là những người không xây lên những căn nhà vĩnh tại mà là những túp lều di động, vì họ luôn chuyển qua những miền đất mới, và càng đi xa con đường trước mặt càng mở ra, hiện lên một chân trời mất hút vào vô tận” (Homily XVII, In Numeros [on Numbers] GCS VII, 159-160)
 3. Giờ đây chúng ta hãy cố gắng bắt đầu cái bố cục căn bản của lời cầu khẩn này. Chúng ta có thể nghĩ rằng lời cầu khẩn này có ba tác động, hai trong ba tác động này thuộc về bài thánh vịnh của chúng ta đây, còn tác động thứ ba chúng ta thấy ở trong bài thánh vịnh sau đó, Thánh Vịnh 42 (43), bài thánh vịnh sẽ được tìm hiểu sau. Cảnh thứ nhất (x Ps 41(42):2-6) cho thấy một con nai khao khát, một khát khao làm bừng lên bởi hồi niệm về một quá khứ hân hoan vui sướng với những việc cử hành phụng vụ mà con người cầu nguyện không còn nữa: “Tôi miên man nhớ lại những điều ấy: nhớ lại tôi đã cùng đoàn người lũ lượt tiến về nhà Thiên Chúa, hân hoan hò hát những bài ca tạ ơn, cả một đám người trẩy hội” (câu 5).
 “Nhà Thiên Chúa” theo nghĩa phụng vụ của mình tức là đền thờ Giêrusalem đã trở nên quen thuộc với con người trung nghĩa; nơi đây cũng là tâm điểm của mối thân tình giữa con người với Thiên Chúa, “mạch nước hằng sống” như trong bài ca của tiên tri Giêrêmia (2:13). Giờ đây, thiếu mất nguồn mạch sự sống này, nước mắt của con người cầu nguyện đã trở thành giọt nước duy nhất lóng lánh nơi đôi mắt của họ (Ps 41(42):4). Kinh nguyện của ngày hội trước kia dâng lên Chúa qua phụng vụ ở đền thờ giờ đây được thay thế bằng khóc lóc, than van và cầu khẩn.
 4. Tiếc thay, nỗi sầu buồn hiện tại lại tương phản với một quá khứ trầm lắng và hân hoan. Vị tác giả Thánh Vịnh bấy giờ cảm thấy xa cách Sion, một chân trời bao chiếm lấy ông bấy giờ là chân trời của xứ Galilêa, thuộc miền bắc Thánh Địa, có liên quan tới những nguồn nước thiên nhiên xứ Jordan, tới đỉnh núi Hermon cũng như tới một ngọn núi khác xa lạ với chúng ta là Núi Mizar (x.câu 7). Như thế, chúng ta không nhiều thì ít đang ở miền đất của những thác núi xứ Jordan, của những thác nước là nguồn mạch cho con sông chảy khắp miền Đất Hứa. Tuy nhiên, những giòng nước ấy cũng không làm con người này giãn khát như những giòng nước ở Sion. Trái lại, trong con mắt của vị tác giả bài thánh vịnh, chúng còn giống như những giòng nước lũ lụt tàn phá tất cả mọi sự. Ông cảm thấy chúng đổ xuống trên ông như một giòng cuồng lưu hủy diệt sự sống: “Đủ mọi thứ sóng xô nước cuốn của Ngài ập xuống trên tôi” (câu 8). Theo Thánh Kinh, xao động, sự dữ và phán quyết thần linh được phác tả như một trận hồng thủy gây nên tàn phá và tiêu vong (Gen 6:5-8; Ps 68(69):2-3).
 5. Giá trị tiêu biểu của cuộc bột phát ấy sau này mới rõ ràng. Cuộc bột phát ấy cho thấy tình trạng ngang trái, cho thấy những đối phương của con người cầu nguyện, có thể là chính những người dân ngoại ở miền xa xôi ấy, nơi mà con người thành tín này bị đầy ải. Họ khinh bỉ con người chính trực và nhạo báng niềm tin của con người này, mỉa mai hỏi rằng: “Thiên Chúa của ngươi đâu mất tồi?” (câu 11; x câu 14). Thế rồi con người thành tín ảo não đặt vấn đề với Thiên Chúa: “Sao Ngài lại bỏ rơi tôi?” (câu 10). Cái “lý do” được đặt ra cho Chúa, Đấng dường như vắng bóng trong ngày thử thách, là những gì vẫn thấy nơi các lời khẩn cầu trong Thánh Kinh.
 Thiên Chúa có thể giữ im lặng được trước những miệng lưỡi khô ran đang kêu lên, trước linh hồn bị quằn quại, trước khuôn mặt sắp chôn vùi vào lòng biển cả bùn lầy này chăng? Dĩ nhiên là không! Bởi thế, con người cầu nguyện lấy lại được niềm hy vọng (x các câu 6 và 12). Tác động thứ ba, trong bài Thánh Vịnh sau đó 42(43), sẽ là lời cầu tin tưởng dâng lên Thiên Chúa (Ps 42(43):1,2a,3a,4b) bằng những lời lẽ hân hoan cảm tạ: “Tôi sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa là hân hoan, vui sướng của tôi”.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 23/1/2002)

Bài 28 – Ca vinh Hc (Thứ Tư 23/1/2002)

 THIÊN CHÚA KHÔNG DỬNG DƯNG TRƯỚC SỰ DỮ ĐÂU

(Ca Vịnh 36 Sách Huấn Ca, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 1. Trong Cựu Ước, Dân Chúa không phải chỉ có một cuốn sách cầu nguyện duy nhất là Thánh Vịnh. Những bản ca vịnh, những bài thánh thi, thánh vịnh, những lời cầu khẩn, cầu xin và kêu xin dâng lên Chúa như đáp lại lời của Ngài, được thấy rải rác ở nhiều trang Sách Thánh. Bởi thế mới thấy Thánh Kinh là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, một cuộc hội ngộ được niêm ấn bằng lời thần linh, bằng ân sủng và yêu thương.
 Đó là trường hợp của lời cầu khẩn chúng ta vừa ngỏ cùng Vị “Thiên Chúa của hoàn vũ” (câu 1). Lời cầu khẩn này được chất chứa trong Sách của Sirach, một con người khôn ngoan, vị đã thu thập các suy tư của mình, lời khuyên của mình, và các bài ca vãn của mình ở vào khoảng giữa năm 190 và 180 trước Công Nguyên, vào lúc mở màn cho một trang sử giải phóng của dân Do Thái dưới quyền chỉ huy của anh em Macabê. Vào năm 138, một người cháu của vị khôn ngoan này đã chuyển dịch công trình của ông mình sang tiếng Hy Lạp, như lời mở đầu cuốn sách viết, để cống hiến những giáo huấn trong đó cho nhiều độc giả và môn sinh hơn nữa.
Sách Sirach theo truyền thống Kitô giáo được gọi là “Ecclesiasticus”. Cuốn Sách này, một cuốn sách không được sổ bộ Thánh Kinh Do Thái kể đến, đã kết thúc bằng một tính chất, cùng với những tính chất khác, được gọi là “veritas christiana”. Bởi thế, những giá trị được phác họa trong tác phẩm khôn ngoan này đã trở thành yếu tố cho việc giáo dục Kitô giáo trong thời Giáo Phụ, nhất là trong lãnh vực đan viện, trở thành một thứ cẩm nang hướng dẫn những hành động thực tiễn của thành phần môn đệ Chúa Kitô.
2. Lời kêu cầu của đoạn 36 trong Sách Sirach, một lời kêu cầu có hình thức cầu nguyện giản dị hóa cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai, được khai triển thành một số đề tài theo nhau.
Trước hết, chúng ta thấy đây là một lời kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài can thiệp giúp dân Do Thái, chống lại những quốc gia ngoại bang đang đàn áp họ. Trong quá khứ, Thiên Chúa đã tỏ sự thánh thiện của Ngài ra khi Ngài trừng phạt những lỗi lầm của dân Ngài, trao họ vào tay kẻ thù của họ. Giờ đây, con người tin tưởng cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ quyền năng cao cả của Ngài ra, qua việc Ngài dẹp tan quyền lực của những kẻ áp bức cũng như qua việc Ngài thiết lập một kỷ nguyên mới nổi bật tính cách cứu độ.
Lời kêu cầu này thực sự phản ảnh truyền thống nguyện cầu của dân Do Thái, đồng thời cũng thực sự nặng tính cách cảm nghiệm quá trình thánh kinh. Ở một nghĩa nào đó, lời kêu cầu này có thể được coi như là một mẫu nguyện cầu được dùng cho những lúc bị bách hại và đàn áp, như trường hợp ở vào thời của tác giả, thời bị các vương quốc ngoại bang Syria-Hellenic thống trị một cách nghiệt ngã và dữ dội.
 3. Phần đầu của lời cầu nguyện này được khai mở bằng việc kêu xin Chúa hãy tỏ lòng xót thương và ghé mắt đoái nhìn (xem câu 1). Tuy nhiên, ngay sau đó lời cầu hướng đến tác động thần linh, một tác động được tuyên xưng bằng một loạt những động từ rất cảm kích, như “(Xin hãy đến cứu giúp chúng tôi. Xin hãy … bắt họ phải kinh sợ Chúa). Xin hãy ra tay. Hãy tỏ vinh quang của Ngài ra. Hãy ban những dấu chứng mới. Hãy thực hiện những việc lạ lùng. Hãy chứng tỏ oai phong của cánh tay cùng bàn tay phải của Ngài”.
 Thiên Chúa của Thánh Kinh không dửng dưng trước sự dữ. Mặc dù đường lối của Ngài khác với đường lối của chúng ta, thời điểm của Ngài và dự định của Ngài khác với của chúng ta (x Is 55:8-9), Ngài cũng vẫn ở về bên thành phần nạn nhân và tỏ mình ra như một vị quan phán nghiêm thẳng đối với thành phần bạo động, thành phần đàn áp, thành phần thắng cuộc chẳng biết xót thương.
 Tuy nhiên, việc can thiệp của Ngài không phải là việc hủy diệt. Trong việc tỏ ra quyền năng và trung thành yêu thương của mình, Ngài cũng làm phát sinh nơi lương tâm của thành phần hành ác một tâm trạng hết sức áy náy đưa họ đến việc ăn năn hoán cải: “Nhờ đó, như chúng tôi, họ sẽ nhận biết rằng, ngoài Ngài ra không có một Thiên Chúa nào khác” (câu 4).
4. Phần thứ hai của bài thánh thi này mở ra một quan niệm tích cực hơn. Thật vậy, trong khi phần thứ nhất kêu cầu Thiên Chúa ra tay can thiệp chống lại các kẻ địch thù, thì phần thứ hai không còn nói về kẻ thù địch nữa, mà là xin Thiên Chúa ưu ái dân Do Thái, van nài Ngài thương đến dân Ngài tuyển chọn cũng như thương đến thành thánh Giêrusalem.
 Giấc mơ trở về của tất cả mọi người bị lưu đầy, bao gồm cả của những người thuộc vương quốc phía bắc, trở thành đối tượng của lời nguyện cầu này: “Xin hãy qui tụ tất cả mọi chi tộc Giacóp lại, để họ được thừa hưởng mảnh đất như xưa kia” (câu 10). Đó là một lời kêu xin cho toàn dân Do Thái được tái sinh, như trong những lúc họ còn hoan hỉ làm chủ toàn cõi Đất Hứa.
 Để lời nguyện cầu thiết tha hơn nữa, con người cầu nguyện còn nhấn mạnh đến mối liên hệ thắt nối giữa Thiên Chúa và dân Do Thái cũng như với Giêrusalem. Dân Do Thái theo Ngài dự định “là một dân tộc được Ngài kêu gọi vì danh của Ngài”, một dân tộc “được Ngài gọi là trưởng tử”; Giêrusalem là “thành thánh của Ngài”, “nơi cư ngụ của Ngài”. Thế rồi lời cầu này nói lên lòng mong ước muốn thấy được mối liên hệ này càng ngày càng chặt chẽ hơn nữa, nhờ đó càng làm cho nó được hiển vinh hơn nữa: “Xin hãy làm cho Sion được tràn đầy sự uy nghi cao cả của Ngài, cho đền thờ của Ngài đầy những vinh quang của Ngài” (câu 13).
 5. Trong Thánh Kinh, lời than van của những ai chịu đựng khổ đau không bao giờ đi đến chỗ tuyệt vọng cả, song bao giờ cũng hướng về hy vọng. Lời than van của họ phát xuất từ niềm tin là Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài, Ngài không buông rơi những ai Ngài đã tạo thành.
 Lời nguyện cầu được chọn cho giờ kinh phụng vụ này đã thiếu mất một chi tiết rất hay trong lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là xin Thiên Chúa “chứng tỏ cho thấy các việc Ngài làm trong quá khứ” (câu 14). Từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định yêu thương và cứu độ tất cả mọi tạo vật của Ngài, thành phần được kêu gọi để trở thành dân của Ngài. Đó là ý định Thánh Phaolô đã nhìn nhận “được Thần Linh mạc khải cho các vị tông đồ và tiên tri thánh thiện của Ngài… theo như hoạch định đời đời đã được Ngài hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Eph 3:5-11).
 (Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
 Anh chị em thân mến,
 Toàn thể Sách Thánh, nhất là nơi những bài thánh thi và lời cầu nguyện trong đó, cho thấy cuộc đối thoại trao đổi không ngừng giữa Thiên Chúa và nhân loại. Bài Ca Vịnh hôm nay được trích từ Sách Sirach, đôi khi cũng được gọi là Sách Ecclesiasticus, hay Sách của Giáo Hội, vì cuốn sách này không thuộc về sổ bộ Thánh Kinh Do Thái. Bài Ca Vịnh này là lời nguyện cầu trong lúc khổ đau, để van nài Thiên Chúa hãy bảo vệ những nạn nhân cho khỏi những kẻ đàn áp họ. Tiếng kêu than này phát xuất từ niềm tin tưởng là Thiên Chúa không dửng dưng trong cuộc chiến chống lại sự dữ, và nếu Ngài có ra tay trừng trị những kẻ hành ác thì không phải là Ngài muốn hủy diệt họ cho bằng muốn làm cho họ cải thiện đời sống. Bài Ca Vịnh cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ lòng xót thương dân thánh của Ngài, để vinh hiển thần linh lại được chiếu soi nơi họ trước tất cả mọi dân nước. Dựa vào cảm nhận vững vàng nơi những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ, cũng như nơi những gì Ngài dự định cho tương lai, Bài Ca Vịnh Sirach này đã trở thành một bản thánh thi hy vọng của riêng Giáo Hội trong mọi thời đại vậy.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 30/1/2002)

Bài 29 – TV 18 (19) (Thứ Tư 30/1/2002)

 VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA NƠI THIÊN NHIÊN TẠO VẬT

(Thánh Vịnh 18 [19], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 1. Mặt trời, với ánh quang phát tỏa trên bầu trời, với ánh sáng rạng ngời của nó, cùng với những tia sáng nồng ấm hữu dụng của nó đã vây bủa lấy nhân loại ngay từ ban đầu. Nhân loại đã thể hiện bằng nhiều hình thức tấm lòng biết ơn của mình đối với nguồn sự sống và phúc lợi này, bằng một nhiệt tình thường bộc lộ đến cao diểm của thi văn chân chất. Bài Thánh Vịnh 18 (19) tuyệt vời, phần thứ nhất chúng ta vừa đọc lên, không phải chỉ là một lời cầu nguyện ở hình thức của một bài thánh thi hết sức thiết tha; nó còn là một bài thi ca ngỏ cùng mặt trời cũng như ngỏ cùng việc nó chiếu soi mặt đất. Như thế, vị Tác Giả Thánh Vịnh này đã thuộc vào số danh sách dài liệt kê những ca sĩ ở vùng Cận Đông xưa, thành phần chúc tụng vì tinh tú chiếu soi bầu trời ban ngày này, vì tinh tú đầy sức nóng ngự trị lâu dài ở các miền của họ. Điều này làm chúng ta nhớ đến bài thi ca nổi tiếng đối với Aton, do Pharaoh Akhnoton sáng tác vào thế kỷ 14 trước Công Nguyên để dâng lên vầng dương được coi như một vị thần linh vậy.
Tuy nhiên, đối với con người của Thánh Kinh, thì những bài thi ca mặt trời này lại có một sự khác biệt sâu xa, ở chỗ, mặt trời không phải là một vị thần linh, mà là một tạo vật phục vụ Thiên Chúa và Tạo Hóa duy nhất. Hãy nhớ lại những lời trong Sách Khởi Nguyên cũng đủ thấy điều ấy: “Bấy giờ Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng trên bầu trời để phân chia ngày đêm. Aùnh sáng hãy phân chia thời gian nhất định, ngày tháng và năm trường’… Thiên Chúa đã dựng nên hai vầng sáng lớn, vầng sáng lớn làm chủ ban ngày và vầng sáng nhỏ làm chủ ban đêm… Thiên Chúa thấy như thế là tốt đẹp” (Gen 1:14,16,18).
2. Trước khi đi vào những câu của bài Thánh Vịnh được dùng để cử hành phụng vụ này, chúng ta hãy nhìn tổng quát toàn bài thánh vịnh ấy. Bài Thánh Vịnh 18 (19) giống như một bức họa hai phần gắn liền với nhau. Ở phần thứ nhất (các câu 2-7), phần chúng ta cầu nguyện hôm nay đây, chúng ta thấy một bài thánh thi dâng lên Đấng Tạo Hóa, Đấng tỏ bầy sự cao cả huyền diệu của mình nơi mặt trời và mặt trăng. Ở phần thứ hai của Bài Thánh Vịnh (các câu 8-15), chúng ta thấy một bài thánh thi khéo léo dâng lên Torah, tức là dâng lên Lề Luật của Thiên Chúa.
Cả hai phần này đều hướng về cùng một đề tài, đó là việc Thiên Chúa chiếu soi vũ trụ bằng ánh sáng của mặt trời, cũng như việc Ngài chiếu soi nhân loại bằng sự rạng ngời của Lời Ngài được chứa đựng trong Mạc Khải thánh kinh. Nó giống như một vầng dương lưỡng diện: diện thứ nhất là việc thần hiển nơi vũ trụ của Đấng Hóa Công; diện thứ hai là việc tự ý tỏ hiện của Vị Thiên Chúa Cứu Độ nơi lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà Torah, Lời thần linh, được diễn tả bằng một cung điệu “mặt trời”: “Giới răn Chúa tinh nguyên, sáng soi con mắt” (câu 8).
3. Giờ đây chúng ta hãy đi vào phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh. Bài thánh vịnh này được bắt đầu với việc nhân cách hóa rất hay về các tầng trời, những gì mà, đối với Vị Tác Giả sách thánh, hiện lên như những chứng từ sống động cho công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa (các câu 2-5). Thật vậy, chúng “kể ra”, “loan truyền” các kỳ công của việc Thiên Chúa làm (xem câu 2). Ngày và đêm cũng đóng vai sứ giả truyền đạt tin mừng tạo dựng. Đó là một thứ chứng từ âm thầm, song lại vang lên một cách mãnh liệt khắp vũ trụ.
 Bằng con mắt nội tâm của linh hồn, với trực giác đạo nghĩa không bị chi phối bởi tính cách nông cạn, con người nam nữ có thể nhận thấy rằng thế giới này không phải là một thế giới câm nín mà là một thế giới nói về Đấng Hóa Công. Như vị khôn ngoan xưa viết: “Có phân tích cái cao cả và đẹp đẽ của các sự vật được tạo thành mới thấy được tác giả thực sự của chúng” (Wis 13:5). Thánh Phaolô cũng nhắc nhở Kitô hữu Rôma là “Từ khi thế giới được tạo thành, những ưu phẩm vô hình về quyền năng hằng có và thần tính của Ngài đã có thể khả thấu và nhận thấy nơi những gì Ngài đã tạo dựng” (Rm 1:20).
 4. Thế rồi bài thánh vịnh hướng đến mặt trời. Cảnh một hoàn cầu sáng tỏ được vị thi sĩ cảm hứng này phác tả như là một chiến binh hào hùng rời bỏ căn phòng ngủ đêm của mình, xuất hiện từ lòng tối tăm để bắt đầu cuộc sinh hoạt khôn cùng của mình trên các tầng trời (các câu 6-7). Nó giống như một tay lực sĩ không hề ngừng nghỉ hay bị kiệt quệ, trong lúc toàn khối hành tinh của chúng ta đây được bủa vây bằng sức nồng ấm mãnh liệt của nó.
 Bởi vậy mặt trời mới được ví như là một người bạn đời, một vị anh hùng, một tay đối thủ, theo lệnh thần linh, hằng ngày phải chu toàn một việc làm, một thắng vượt và một cuộc đua trong những khoảng không gian cách thời. Như thế, Vị Tác Giả Thánh Vịnh này cho thấy mặt trời nóng bỏng giữa ban ngày, trong lúc cả trái đất ở trong sức nung nấu của nó, không khí bình lặng, không một góc cạnh chân trời nào có thể thoát được ánh sáng của nó.
 5. Hình ảnh mặt trời của bài Thánh Vịnh này đã được phụng vụ của Kitô giáo về biến cố vượt qua sử dụng để diễn tả cuộc vượt qua chiến thắng của Chúa Kitô từ vùng tăm tối trong huyệt mộ đến mức trọn vẹn nơi sự sống mới của việc phục sinh. Phụng vụ Byzantine xướng lên vào buổi kinh sáng của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh là: “Như mặt trời lên sau đêm tối, hoàn toàn chiếu rạng bằng ánh sáng mới mẻ của nó thế nào, Ngài cũng vậy, Ôi Ngôi Lời, Ngài cũng sẽ chiếu soi bằng một rạng ngời mới, khi Ngài rời bỏ nệm giường phối ngẫu của mình sau cuộc tử nạn”. Một bài thơ tự do (bài thứ nhất) cho kinh sáng của Ngày Lễ Phục Sinh nối kết việc tỏ hiện của vũ trụ với biến cố vượt qua của Chúa Kitô: “Các tầng trời hãy hân hoan, và trái đất hãy hớn hở, vì toàn thể vũ trụ hữu hình cũng như vô hình đều tham dự vào việc cử hành này, đó là Chúa Kitô, niềm vui muôn đời của chúng ta, đã phục sinh sống lại”. Bài thơ tự do khác (bài thứ ba) thêm: “Hôm nay, toàn thể vũ trụ, trên trời, dưới đất và vực thẳm, tràn đầy ánh sáng, và toàn thể tạo vật hát mừng Chúa Kitô phục sinh, Đấng là sức mạnh và là niềm vui của chúng ta”. Sau hết, bài thơ nữa, (bài thứ bốn), kết thúc: “Chúa Kitô, Cuộc Vượt Qua của chúng ta đã sống lại từ hầm mộ như mặt trời công chính chiếu sáng trên tất cả chúng ta ánh quang đức ái của Người”.
 Phụng vụ theo lễ nghi Rôma không ví Chúa Kitô với mặt trời rõ ràng như phụng vụ Đông phương. Tuy nhiên, phụng vụ Rôma diễn tả cuộc phục hồi của vũ trụ bởi việc Người Phục Sinh, bắt đầu bằng bài ca chúc tụng vào sáng Lễ Phục Sinh với đoạn thánh thi nổi tiếng: “Aurora lucis rutilat, caelum resultat laudibus, mundus exultans iubilat, gemens infernus ululat” (“Hừng đông chiếu tỏa ánh sáng, các tầng trời hát ca, thế giới hân hoan nhẩy mừng, hỏa ngục kêu la than khóc”).
6. Tuy nhiên, việc Kitô giáo dẫn giải về bài Thánh Vịnh này cũng không làm mất đi sứ điệp thực sự muốn nói của nó, đó là sứ điệp về lời mời gọi khám phá ra lời thần linh hiện diện nơi thiên nhiên tạo vật. Dĩ nhiên, như đã nói ở phần hai của bài Thánh Vịnh, còn có một Lời khác cao cả hơn, quí giá hơn chính ánh sáng, đó là lời của Mạc Khải thánh kinh.
 Dầu sao đi nữa, đối với những ai lắng tai nghe và mở mắt nhìn thì thiên nhiên tạo vật giống như là cuộc mạc khải tiên khởi, một cuộc mạc khải nói bằng thứ ngôn ngữ thông thạo của riêng mình, ở chỗ, giống như hầu hết sách thánh khác, cũng có những chữ viết của nó, được tiêu biểu bởi vô số tạo vật hiện diện trong vũ trụ. Thánh Gioan Chrystostom viết: “Sự thinh lặng của các tầng trời là tiếng nói còn vang vọng hơn cả tiếng kèn thổi, ở chỗ, tiếng nói này phóng vào đôi mắt của chúng ta, chứ không riêng gì đôi tai của chúng ta, sự cao cả của Đấng đã tạo dựng nên chúng” (PG 49:105). Còn Thánh Anathasiô thì: “Bầu trời, với tính cách vĩ đại của nó, vẻ đẹp và trật tự của nó, là người giảng dạy có thế giá về vị tác giả đầy linh động trong vũ trụ của nó” (PG 27:124).
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
 Anh chị em thân mến,
 Bài Thánh Vịnh 18 chúc tụng Thiên Chúa về các công việc tạo dựng của Ngài. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh nói về các tầng trời và những dấu chứng diệu kỳ về vinh quang của Thiên Chúa được chất chứa nơi chúng. Phần thứ hai hiện lên một cảnh trí rất thơ mộng về mặt trời là tinh tú mang lại sự sống cho con người bằng ánh sáng và sức nóng của nó. Truyền thống Kitô giáo hiểu sâu xa hơn ý nghĩa về hình ảnh mặt trời này, thấy nó như tiêu biểu cho việc Chúa Kitô Phục Sinh, cho việc Chúa chiến thắng bóng tối tăm tội lỗi và sự chết.
 Bài Thánh Vịnh này là lời mời gọi chúng ta hãy nhận ra việc Thiên Chúa hiện diện nơi thiên nhiên tạo vật, và hãy đón nhận lời cứu độ của Ngài là những gì còn quí hóa hơn cả ánh sáng. Bởi thế, thiên nhiên tạo vật vẫn là một loại mạc khải tiên khởi, nói cho chúng ta biết rõ ràng về Đấng Tạo Hóa, cũng như có thể dẫn chúng ta vào sâu hơn mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta.
 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/2/2002)
 "Xin xem những bài Giáo Lý trước trong loạt bài giáo lý chủ đề này trong phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, trang Giáo Lý Thánh Vịnh".

Bài 30 – TV 42 (43) (Thứ Tư 6/2/2002)

“NIỀM MONG MỎI HƯỚNG VỀ ĐỀN THÁNH CỦA THIÊN CHÚA”.

 (Thánh Vịnh 42 [43], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 1.- Trong một buổi triều kiến chung trước đây, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh trước bài Thánh Vịnh chúng ta vừa hát đây, chúng ta đã nói rằng bài Thánh Vịnh đó có liên hệ chặt chẽ với bài Thánh Vịnh sau đó. Thật vậy, các bài Thánh Vịnh 41 (42) và 42 (43) chỉ là một bài ca duy nhất, một bài ca được chia ra làm 3 phần với cùng một tiền xướng: “Hỡi hồn tôi ơi, sao ngươi lại phiền muộn? Sao ngươi lại rên rỉ trong ta? Hãy đợi chờ Thiên Chúa, Đấng ta sẽ lại dâng lời chúc tụng, Đấng là Vị Cứu Tinh và là Thiên Chúa của ta” (Ps 41[42]:6,12; 42[43]:5).
Những lời này, những lời giống như là một cuộc độc thoại, nói lên cho thấy những cảm xúc sâu xa của vị Tác Giả Thánh Vịnh. Ông thấy mình xa cách Sion, qui điểm của việc ông hiện hữu, vì đó là nơi đặc biệt cho Thiên Chúa hiện diện cũng như cho việc tín hữu tôn thờ. Bởi thế, ông cảm thấy một sự lẻ loi cô độc khôn lường, thậm chí đến độ sùng lên đối với thành phần thiếu lòng đạo, thành phần trở thành tệ hại trước việc tách lìa và thinh lặng về phía Thiên Chúa. Tuy nhiên, vị Tác Giả Thánh Vịnh phản kháng lại nỗi buồn phiền này bằng một lời kêu gọi hãy tin tưởng, một lòng tin tưởng chính ông hướng về, và bằng một khẳng định tuyệt đẹp của niềm hy vọng: Ông tin tưởng rằng ông vẫn có thể chúc tụng Thiên Chúa, “sự cứu độ cho dung nhan của tôi”.
Nơi bài Thánh Vịnh 42 (43), thay vì chỉ nói với chính mình như trong bài Thánh Vịnh trước đó, vị Tác Giả Thánh Vịnh hướng về Thiên Chúa và tha thiết xin Ngài bảo vệ ông khỏi các kẻ thù nghịch của ông. Sử dụng hầu như nguyên văn lời than van được bày tỏ ở bài Thánh Vịnh khác (xem 41 [42]:10), con người cầu nguyện, trong lúc này, hướng thẳng tiếng kêu ai oán của mình về Thiên Chúa: “Tại sao Ngài lại loại trừ tôi? Tại sao tôi cứ phải lang thang than khóc, bị kẻ thù áp bức?” (Ps 42[43]:2).
 2.- Tuy nhiên, đến đây, ông cảm thấy rằng giai đoạn cách xa sống trong tăm tối đã gần kết thúc, nên đã nói lên niềm tin của mình đối với việc trở về Sion để lại được thấy nơi thần linh ngự trị. Thành Thánh không còn là một quê hương mất mát nữa, như trường hợp than khóc của bài Thánh Vịnh trước đó (x Ps 41[42]:3-4), trái lại, nó là một mục tiêu hoan lạc ông đang tiến tới. Hướng đạo viên cho cuộc trở về Sion sẽ là “sự thật” về Thiên Chúa và là “ánh sáng” của Ngài (x Ps 42[43]:3). Chính Chúa sẽ là cùng đích của cuộc hành trình. Ngài được kêu cầu như vị thẩm phán và vị bảo vệ (xem các câu 1-2). Có ba động từ cho thấy việc can thiệp để đáp lời ông kêu cầu là: “Xin hãy ban công lý cho tôi”, “xin hãy bênh vực tôi”, “xin hãy giải cứu tôi” (câu 1). Chúng giống như ba vì tinh tú của niềm hy vọng, những vị tinh tú soi sáng bầu trời thử thách tối tăm và báo hiệu rạng đông cứu độ sắp đến.
Bài đọc có ý nghĩa của Thánh Ambrosiô về kinh nghiệm của vị Tác Giả Thánh Vịnh này đem áp dụng kinh nghiệm ấy vào Chúa Giêsu lúc Nguòi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu: “Đừng lạ lùng khi thấy vị tiên tri nói rằng linh hồn của ông bị bấn loạn khi chính Chúa Giêsu cũng đã nói: Giờ đây linh hồn Thày bối rối. Thật vậy, Người đã mặc lấy những yếu hèn của chúng ta, thậm chí cả cảm xúc của chúng ta nữa, và đó là lý do tại sao Người đã buồn sầu đến nỗi chết được, nhưng không phải vì sự chết. Một cái chết tự nguyện, một cái chết chi phối hạnh phúc của toàn thể nhân loại, không thể nào lại gây ra phiền não. Vậy mà Người đã phiền não đến nỗi chết khi mong chờ cái hân hạnh được hoàn thành cái chết. Việc này được phản ảnh nơi chính chứng từ của Người khi Người nói về cái chết của Người là: Còn một phép rửa Thày cần phải chịu, và Thày trông mong biết bao cho tới khi nó hoàn tất!" ("The Remonstrnaces of Job and David", VII, 28, Roma 1980, p. 233).
 3.- Giờ đây, tiếp tục với bài Thánh Vịnh 42 (43), vấn đề vẫn mong được giải quyết sắp hiện lên trước mắt vị Tác Giả Thánh Vịnh: đó là việc trở về với nguồn mạch sự sống cùng với mối hiệp thông trong Thiên Chúa. "Sự Thật", tức lòng trung thành yêu thương của Chúa, và "ánh sáng", tức mạc khải về sự thiện hảo của Ngài, được biểu hiệu như là những vị sứ giả chính Thiên Chúa từ trời sai đến để nắm lấy tay kẻ trung tín mà dẫn đến mục tiêu ước mong (x Ps 42[43]:3).
 Thật là chí lý ở cái thứ tự của những giai đoạn tiến gần đến Sion và trung tâm linh thiêng. Trước hết là “ngọn đồi thánh” hiện lên, một ngọn đồi là địa điểm của đền thờ và thành Đavít. Rồi đến “những nơi cư ngụ” nhập cuộc, tức là cung thánh của Sion cùng với tất cả những khu vực và đền đài khác nhau. Đoạn tới “bàn thờ của Thiên Chúa”, nơi dâng lễ hy tế và là nơi thờ phượng của toàn dân. Mục tiêu cuối cùng và tối hậu là Vị Thiên Chúa của niềm vui, là việc gắn bó, là cuộc hội ngộ thân tình với Ngài, Đấng mới đầu cách xa và lặng lẽ.
 4.- Đến nay mọi sự trở thành bài ca, trở thành hoan lạc, trở thành mừng vui (xem câu 4). Ở bản gốc Do Thái thì nói đến “Vị Thiên Chúa là niềm vui cho cuộc hoan lạc của tôi”. Đó là một kiểu nói Semitic cho thấy cái tuyệt đỉnh, ở chỗ, vị Tác Giả Thánh Vịnh muốn nhận mạnh rằng Chúa là nguồn mạch của tất cả mọi hạnh phúc, là niềm vui tốt hậu, là hòa bình trọn vẹn.
 Bản dịch Bảy Mươi theo tiếng Hy Lạp bởi thế hình như đã phải dùng đến một từ ngữ tương đương với tiếng Aramaic để nói lên sự trẻ trung và dịch là “với Thiên Chúa niềm vui của tuổi xuân tôi”, theo đó cho thấy ý tưởng về sự mới mẻ và cường độ của niềm vui Chúa ban. Sách Thánh Vịnh theo bản dịch Latinh Vulgata, một bản dịch từ bản dịch Hy Lạp, do đó mới có câu: “ad Deum qui laetificat juventutem meam”. Bởi thế, bài Thánh Vịnh mới được đọc lên dưới chân bàn thờ, trước phụng vụ Thánh Thể, như lời kêu cầu mở đầu cho việc gặp gỡ Chúa.
5.- Lời than vãn ban đầu của câu tiền xướng nơi bài Thánh Vịnh 41 (42) – 42 (43) vang vọng lần cuối cùng ở phần kết (xem Ps 42 [43]:5). Con người cầu nguyện chưa tiến đến đền thờ Thiên Chúa, ông vẫn còn bị chấn động bởi bóng tối tăm thử thách; thế nhưng, giờ nay, trước mắt của ông hiện lên ánh sáng của một cuộc gặp gỡ sắp tới và môi miệng của ông đã thốt lên cung điệu của một bài ca hân hoan. Đến nay thì lời kêu cầu có tính cách hy vọng hơn nhiều. Khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, thật vậy, Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định rằng: “Hy vọng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ đáp lại kẻ tâm hồn bối rối…. Hãy tạm sống trong hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì không còn là hy vọng nữa; song nếu chúng ta đợi chờ những gì chúng ta không thể thấy được, chính là do chúng ta kiên nhẫn đợi chờ chúng vậy (xem Rm 8:24-25)” (“Esposizione sui Salmi I”, Rome 1982, p. 1019).
Bởi thế, bài Thánh Vịnh mới trở nên lời nguyện cầu của con người đang hành trình trên thế gian mà vẫn còn đang thấy mình dính dáng với sự dữ và khổ đau, thế nhưng lại tin tưởng rằng lịch sử được kết thúc không phải nơi một vực thẳm sự chết mà là nơi cuộc gặp gỡ cứu độ với Thiên Chúa. Niềm tin này đối với Kitô hữu còn mãnh liệt hơn nữa, thành phần đã được Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái rao giảng như sau: “Nhưng anh em đã tiến đến Núi Sion và đến thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Giêrusalem trên trời, có vô vàn thiên thần mừng vui mở hội, có hội đồng thành phần trưởng tử có tên trên trời, có Thiên Chúa Vị Thẩm Phán của tất cả mọi người, có hồn thiêng của kẻ lành đã được thành toàn, và có Chúa Giêsu Vị Trung Gian Tân Ước với máu của Người vẩy xuống vang lên tiếng nói còn hùng hồn hơn cả máu của Abel” (Heb 12:22-24).
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 42 là một lời diễn tả của lòng mong mỏi sâu xa hướng về Đền thánh của Thiên Chúa, nơi Ngài ngự giữa con người. Tác Giả Thánh Vịnh cầu nguyện để ông được ánh sáng và chân lý của Thiên Chúa dẫn đến Đền Thờ này. Ông biết rằng Chúa không bao giờ quên những kẻ thành tín của Ngài, cho dù giữa cơn thử thách của họ. Trong hy vọng, nhìn thấy tận điểm cuộc hành trình của mình, ông đã bộc lên một bài thánh thi sốt sắng chúc tụng “Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa niềm vui của tôi” (câu 4).
Đối với Thánh Ambrôsiô, cảm nghiệm của vị Tác Giả Thánh Vịnh cũng đã được Chúa Giêsu chia sẻ khi Người cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Những người môn đệ theo chân Chúa Kitô cũng hát bài Thánh Vịnh hy vọng và chúc tụng này trong cuộc hành trình của họ trên thế gian. Sống giữa sự dữ và khổ đau, họ biết hết sức chắc chắn là mục đích của lịch sử không phải là cái chết vô vọng mà là cuộc hội ngộ hân hoan với Vị Thiên Chúa cứu độ chúng ta.
 Cuối buổi triều kiến chung hôm nay, có sáu tù nhân ở nhà lao Arienzo, (4 người Ý, 1 người Croat và 1 Albani), sau khi đã nhận thức hay tái nhận thức đức tin của mình, đã được ĐGM Giovanni Salvatore Rinaldi giáo phận Acerra, cùng vị tuyên úy cho lao tù và hai linh mục giáo phận, dẫn đến chào ĐTC. ĐGM đã cho biết là vị tuyên úy muốn dẫn đi 10 người song quan tòa chỉ cho phép 6. Trong số tù nhân được vị tuyên uý này phục vụ có một người Hồi Giáo muốn được rửa tội. ĐGM nói: “Vị tuyên úy có ý định dẫn một nhóm tù nhân trẻ đến gặp ĐGH; vì từ thánh Mười, họ đã tham dự vào cuộc hành trình đức tin và chương trình gia nhập Kitô giáo. Thật ra một số trong họ đang sửa soạn rước lễ lần đầu; những người khác được thêm sức; và một thành hôn”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 13/2/2002)