Bài 31 – Ca vịnh Is 38 (Thứ Tư 27/2/2002)
“THIÊN CHÚA KHÔNG DỬNG DƯNG TRƯỚC LỆ NHỎ”.
(Ca Vịnh Isaia 38, Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
1.- Trong các bài Ca Vịnh khác nhau được dùng chung với những bài Thánh Vịnh, Phụng Vụ Giờ Kinh còn cho chúng ta thấy một thánh thi tạ ơn tựa đề là “Bài ca của Hezekiah, vua xứ Giuđêa, sau khi vua bị bệnh và khỏi bệnh” (Is 38:9). Bài thánh thi này ở trong một phần của sách tiên tri Isaia, phần có tính chất sử lược (xem Is 36-39), với những sự kiện nhấn mạnh đến những gì, tuy hơi khác một chút, đã được kể lại trong Sách Các Vua quyển thứ hai (xem các đoạn 18-20).
Tiếp tục phụng vụ giờ kinh ban mai, hôm nay chúng ta đã nghe và đã biến hai điệu khúc lớn của bài ca vịnh này thành lời nguyện xin, một bài ca vịnh diễn tả hai tác động mang tính cách của những lời nguyện cầu tạ ơn: một đàng là cơn ác mộng khổ đau, do lời cầu xin, đã được Chúa cất đi khỏi thành phần tín trung của Ngài, còn một đàng là việc hoan ca tạ ơn vì vua đã được phục hồi cuộc sống và ơn cứu độ.
Vua Hezekiah, một nhà cầm quyền chính trực và là bạn của tiên tri Isaia, bị ngã bệnh nặng, một cơn bệnh được tiên tri Isaia cho biết là phải chết (xem Is 38:1). “Bấy giờ Hezekiah quay mặt vào tường mà cầu nguyện cùng Chúa: ‘Ôi Chúa, xin hãy nhớ lại là tôi đã tỏ hết lòng trung thành trước nhan Ngài như thế nào, trong việc thực hiện những gì Ngài mong muốn!’ Rồi Hezekiah nức nở khóc. Khi ấy Chúa phán với Isaia thế này: ‘Hãy đi nói với Hezekiah rằng: Vậy Chúa là Thiên Chúa của Đavít cha ngươi phán: Ta đã nhận lời ngươi cầu xin, đã chứng kiến cảnh ngươi nhỏ lệ. Ta sẽ chữa lành ngươi… Ta sẽ cho ngươi sống thêm 15 năm nữa’” (Is 38:2-5).
2.- Ở đây, bài ca vịnh tạ ơn bộc phát từ cõi lòng của một nhà vua. Như Tôi đã nói, đầu tiên vua nghĩ lại quá khứ. Theo quan niệm xưa của dân Do Thái, sự chết dẫn con người đến một chân trời hạ thổ, tiếng Do Thái gọi là Âm Phủ, nơi mất hẳn ánh sáng; sự sống bị hao mòn, trở nên như ma quái; không còn thời gian, triệt tiêu hy vọng; nhất là, không còn cơ hội để kêu cầu và tìm kiếm tôn thờ Thiên Chúa nữa.
Đó là lý do tại sao trước hết Hezekiah đã nhắc lại những lời đầy đắng cay khi vua chới với trước biên giới của sự chết: “Tôi sẽ không còn được thấy Chúa trong cõi nhân sinh nữa” (câu 11). Tác giả Thánh Vịnh cũng cầu xin như thế trong ngày yếu bệnh của mình: “Vì trong số kẻ chết ai còn nhớ đến Ngài? Ai còn chúc tụng Ngài trong cõi Âm Ti?” (Ps 6:6). Thế rồi, được thoát hiểm nguy sự chết, Hezakiah đã mạnh mẽ hân hoan xác nhận là: “Kẻ sống, kẻ sống dâng lời tạ ơn Ngài, như tôi làm hôm nay đây” (Is 38:19).
3.- Chính vì chủ đề này, nếu đọc theo ý nghĩa của Lễ Phục Sinh, bài ca vịnh của vua Hezekiah mới có một giọng điệu mới mẻ. Ngay trong Cựu Ước đã có những tia sáng chói chiếu lên từ các bài Thánh Vịnh, khi con người nguyện cầu tuyên xưng niềm tin của họ là “Chúa không ruồng rẫy bỏ mặc tôi cho Âm Phủ, cũng không để cho tôi trung của Ngài bị hủy hoại. Ngài tỏ cho tôi thấy con đường sự sống, tràn ngập niềm vui trước nhan Ngài, những hoan lạc muôn đời ở bên tay hữu Ngài” (Ps 15 [16]: 10-11; xem Ps 48 [49] và 72 [73]}. Về phần mình, tác giả Sách Khôn Ngoan cũng không ngần ngại xác nhận rằng niềm hy vọng của người công chính “đầy những tính cách bất tử” (Wis 3:4), vì vị tác giả này thâm tín rằng, cảm nghiệm được sống hiệp thông với Thiên Chúa thể hiện trong cuộc sống trần gian này sẽ không bị mất đi. Chúng ta bao giờ cũng sẽ vượt trên cái chết, được Thiên Chúa hằng hữu vô biên bất tận nâng đỡ và bảo vệ, vì “linh hồn kẻ công chính ở trong tay Thiên Chúa, nên không một cực hình nào chạm được đến họ” (Wis 3:1).
Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà mầm mống hằng sống đặc biệt đã được gieo trồng và đã được nẩy mầm nơi tính chất tàn rụi chết chóc của chúng ta, một tính chất khiến cho chúng ta có thể lập lại những lời của Thánh Tông Đồ dựa vào lời Thánh Kinh Cựu Ước: “Và khi cái khả hoại được mắc lấy tính chất bất hoại và cái chết chóc được mắc lấy tính chất bất tử, thì bấy giờ nên trọn những gì đã viết: ‘Sự chết đã bị vinh thắng nuốt đi. Ôi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Ôi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu?’” (1Cor 15:54-55; xem Is 25:8; Hosea 13:14).
4.- Tuy nhiên, Vua Hezekiah cũng kêu mời chúng ta hãy suy nghĩ về tính chất mỏng dòn yếu đuối của loài tạo vật. Những hình ảnh gợi lên suy tư nơi tâm trí chúng ta. Cuộcï sống con người được diễn tả như biểu hiệu của một cái lều du mục. Ở chỗ, chúng ta lúc nào cũng là những kẻ hành hương và là người lữ khách trên trần gian này. Cuộc sống của con người còn được ám chỉ về hình ảnh y phục là những gì đan kết vẫn có thể chưa nên trọn khi đường chỉ bị cắt và công việc gặp trở ngại (xem Is 38:12). Vị Tác giả Thánh Vịnh cũng cảm thấy như thế: “Ngài đã cho tôi sống những ngày rất ngắn ngủi; cuộc sống của tôi chẳng là gì trước nhan Ngài. Tất cả mọi vật hữu tử chẳng qua chỉ là hơi thở. Chúng ta vất vả ngược xuôi cũng chỉ như cơn gió thoảng; những gì chúng ta đeo đuổi tới cùng cũng chỉ là hơi bay” (Ps 38 [39]:6-7). Chúng ta phải nhận thức lại những giới hạn của mình, hãy biết rằng “Nếu sung sức cùng lắm chúng ta cũng chỉ sống tới 70 hay 80 năm cuộc đời; những năm tháng ấy hầu hết là sầu đau và cơ cực; chúng qua đi rất nhanh, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ qua đi”, Tác Giả Thánh Vịnh nói lên một lần nữa như vậy (Ps 89 [90]:10).
5.- Bởi thế, trong ngày yếu đau và khổ đau, cần phải dâng lên Chúa lời ca than, như Hezekiah dạy chúng ta, bằng cách sử dụng những hình ảnh thi ca, ông đã diễn tả việc khóc lóc của mình như tiếng gáy của loài chim én và tiếng thầm thì của con chim câu (xem Is 38:14). Thế rồi, cho dù vua có ngần ngại nói lên rằng vua cảm thấy Thiên Chúa như là một đối phương, rất giống như là một con sư tử cấu xé nát hết mọi đốt xương của mình (xem câu 13), vua vẫn không thôi kêu cầu Ngài: “Ôi Chúa, tôi đang kiệt sức; xin Ngài hãy đỡ nâng tôi!” (xem câu 14).
Chúa không thể nào lạnh lùng dửng dưng trước nước mắt của những ai khổ đau, Ngài đáp ứng, ủi an và cứu độ, mặc dù không luôn luôn theo kiểu cách mong muốn của chúng ta. Đó là những gì Hezekiah đã công nhận ở đoạn kết, khích lệ tất cả mọi người hãy hy vọng, nguyện xin và tin tưởng, xác tín rằng Thiên Chúa sẽ không ruồng bỏ tạo vật của Ngài: “Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta; chúng ta sẽ đàn hát xướng ca / Trong nhà của Chúa hết mọi ngày trong đời sống chúng ta” (câu 20).
6.- Truyền thống Latinh thời trung cổ vẫn còn bảo trì được lời dẫn giải hay về bài ca vịnh của Vua Hezekiah này của Bernardo di Chiaravalle, một trong những nhà thần bí tiêu biểu của ngành đan viện Tây Phương. Nó là bài thứ ba trong những Bài Giảng mà Bernardo, khi áp dụng cuộc sống của mỗi người vào thảm kịch mà nhà vua xứ Giuđêa này phải chịu, và phân tích sâu xa nội dung của bài ca vịnh, đã viết ra nhiều điều, trong đó có câu: “Tôi sẽ chúc tụng Chúa trong mọi lúc, tức là từ sáng tới tối, như tôi đã thực hiện, chứ không phải như những người chỉ chúc tụng Ngài khi Ngài làm lành cho họ, hay cũng không như những ai tin tưởng một lúc nào đó, nhưng lại bỏ cuộc khi thử thách xẩy đến, song như những vị thánh, tôi sẽ nói rằng: Nếu chúng ta đã lãnh nhận sự thiện từ tay Thiên Chúa thì chẳng lẽ chúng ta lại không chấp nhận cả sự dữ hay sao? Thế nên cả hai giây phút trong ngày sống này đều là thời gian phụng sự Thiên Chúa, vì than khóc về đêm, còn ban ngày thì hân hoan vui mừng. Tôi sẽ trầm mình trong khổ đau về đêm, để tôi có thể hoan hưởng hạnh phúc vào lúc ban mai” (Scriptorium Claravallense, Sermo III, No. 6, Milan 2000, pp. 59-60).
Bởi vậy, lời cầu khẩn của vị vua này được Thánh Bernardo đọc như biểu hiệu cho bài ca nguyện cầu của Kitô hữu, một bài ca nguyện phải vang vọng bằng cùng một tính cách liên lỉ và thâm trầm trong tăm tối của đêm đen và của thử thách, cũng như trong ánh sáng của ngày sống và của niềm vui.
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Ca Vịnh Hezekiah, một ông Vua Do Thái xưa, được trình bày cho thấy hai phần khác biệt. Phần thứ nhất nói về những cảnh tượng kinh khiếp của khổ đau và sự chết đang tấn công người tôi tớ của Chúa. Phần thứ hai là một bài thánh thi vui mừng tạ ơn về cuộc sống mới và ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho.
Bài Ca Vịnh này mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về thân phận mỏng dòn yếu đuối tạo vật chúng ta. Trong những lúc yếu đau và khổ đau cần phải dâng lên Chúa những tiếng kêu than, vì Ngài nhận lời chúng ta và không lạnh lùng dửng dưng trước những giọt lệ của chúng ta. Cả trong những lúc gặp may lành nữa, chúng ta cũng phải đặt niềm tin tưởng của mình nơi Chúa và hát ca chúc tụng Ngài bằng tấm lòng tri ân cảm tạ. Như thế, bài thánh thi của Hezekiah trở nên một mẫu mực cho lời cầu nguyện của Kitô hữu: cho dù sống trong tăm tối của sầu đau hay khổ đau, hoặc sống trong ánh sáng tỏa rạng của vui mừng và ơn cứu độ, Kitô hữu đều phải kêu lên Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Thánh là Tạo Hóa và là Đấng Cứu Độ của họ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/3/2002)
Bài 32 – TV 64 (65) (Thứ Tư 6/3/2002)
“HOÁN CẢI VÀ THỨ THA - PHỤC HỒI THÁI HOÀ CHO VŨ TRỤ
(Thánh Vịnh Isaia 64 [65], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
1.- Cuộc hành trình của chúng ta qua các bài Thánh Vịnh của Giờ Kinh Phụng Vụ hôm nay dẫn chúng ta tới một bài thánh thi, một bài thánh thi đặc biệt kéo chú ý của chúng ta bằng một cảnh sắc mùa xuân hấp dẫn ở vào phần cuối cùng (xem Ps 64 [65]:10-14), một cảnh sắc đầy tươi mới, rực rỡ mầu mè và nhộn nhịp tiếng hân hoan vui vẻ.
Thật vậy, bài Thánh Vịnh 64 (65) có một cấu trúc bao rộng, phát xuất từ việc cấu kết của hai cung giọng khác nhau: trước hết là vấn đề lịch sử của việc thứ tha tội lỗi và việc gần gũi của Thiên Chúa hòa nhập lại với nhau (xem các câu 2-5); rồi tới việc qui chiếu về vấn đề vũ trụ nơi tác động của Thiên Chúa trong việc đối đầu với biển cả và núi non (xem các câu 6-9a); và sau cùng là hiện lên cảnh của một mùa xuân (xem các câu 9b-14). Trong một cảnh hùng vĩ đầy nắng và khô cằn của miền Cận Đông, thì cơn mưa chan hòa là biểu hiệu nói lên lòng trung thành của Chúa đối với thiên nhiên tạo vật (xem Ps 103[104]:13-16). Đối với Thánh Kinh, thiên nhiên tạo vật là nơi hẹn hò gặp gỡ của loài người, và tội lỗi là một nỗ lực đi ngược lại với cấp trật và vẻ vẹn toàn của thế giới. Bởi thế, hoán cải và thứ tha mới là những gì phục hồi sự nguyên tuyền và hòa hợp cho vũ trụ vậy.
2.- Nơi phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh, chúng ta ở bên trong đền thờ Sion. Dân chúng tụ tập lại ở đó, với tất cả những chất chồng thê thảm về luân lý, để kêu xin cho được giải phóng khỏi sự dữ (xem Ps 64[65]:2-4a). Một khi những lỗi lầm được xá giải, thành phần trung nghĩa mới cảm thấy mình được Thiên Chúa tiếp nhận, được gần gũi với Ngài, sửa soạn tiến đến bàn tiệc của Ngài và tham dự vào cuộc hoan hưởng thân mật thần linh (xem các câu 4b-5).
Chúa là Đấng tỏ mình trong đền thờ mới được biểu hiện bằng một trắc diện hiển vinh và hoàn vũ. Thật vậy, Ngài được cho là “niềm hy vọng cho đến tận cùng trái đất cũng như cho những hải đảo xa xăm. Ngài mặc lấy quyền năng, Chúa lấy quyền năng của mình mà tạo nên các núi non. Chúa làm cho biển cả im tiếng rống, triều sóng phải lặng yên… Những dân tộc xa xăm bàng hoàng trước những kỳ công của Chúa” từ đông sang tây (các câu 6-9).
3.- Ở tâm điểm của cuộc cử hành mừng Vị Thiên Chúa Hóa Công này, chúng ta thấy một biến cố cần phải chú ý, đó là sự kiện Chúa cũng có thể làm chủ và dẹp yên tình trạng hỗn loạn của các giòng nước biển khơi, những gì được Thánh Kinh cho là biểu hiệu của hỗn loạn, ngược lại với trật tự của thiên nhiên tạo vật (xem Job 38:8-11). Đó là cách tôn tụng vinh thắng thần linh, không phải chỉ trên hư không mà cả trên sự dữ nữa: Chính vì thế mà “tình trạng hỗn loạn của các dân” (xem Ps 64[65]:8), tức tình trạng phản loạn của thành phần kiêu căng ngạo mạn, mới được liên kết với “tiếng gầm rống của biển khơi” cũng như với “tiếng gầm gừ của sóng nước”.
Thánh Âu-Quốc-Tinh dẫn giải về điều này rất hay: “Biển cả là hình ảnh của thế giới này, với chất mặn khổ sầu, với phong ba bão tố gây rối loạn, nơi mà con người, với những thèm thuồng bại hoại và vô độ của mình, là một loài cá tìm cách nuốt nhau. Hãy nhìn vào biển cả bão tố này, vào biển cả khổ sầu này, một biển cả dữ dội với những sóng nước của nó! Chúng ta đừng tác hành như thế hỡi anh em, vì Chúa là hy vọng cho tới tận cùng trái đất” (Esposizione sui Salmi, Roma, 1990. p. 475).
Bài Thánh Vịnh này được kết thúc một cách giản dị, đó là Thiên Chúa, Đấng chấm dứt những chao đảo và sự dữ trên thế giới cũng như trong giòng lịch sử, cũng có thể khắc phục và thứ tha ác tâm cùng tội lỗi của con người cầu nguyện đang mang trong mình và muốn bày tỏ ra trong đền thờ, với niềm tin tưởng là mình sẽ được Thiên Chúa thanh tẩy cho.
4.- Tới đây, những thứ nước khác nhập cuộc, đó là những thứ nước của sự sống và sinh lực tưới dội trái đất trong mùa xuân và là tiêu biểu nhất cho sự sống mới của thành phần trung nghĩa được thứ tha tội lỗi. Những câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh (xem Ps 64[65]:10-14), như Tôi đã đề cập đến, có một vẻ thật đẹp và ý nghĩa. Thiên Chúa làm giãn khát trái đất bị nứt nẻ vì hạn hán và vì băng đá mùa đông, bằng việc Ngài đổ mưa xuống trên nó. Chúa giống như một người nông dân (xem Jn 15:1), vất vả để làm cho hạt lúa miến mọc lên và cỏ cây nẩy mầm. Người nông dân này cầy sới đất đai, cho nước chảy vào những khe lạch, san bằng những chỗ gồ ghề, tưới ướt cho hết mọi phần đất thuộc thửa ruộng của mình.
Tác giả Thánh Vịnh sử dụng 10 động từ để diễn tả tác động yêu thương của Đấng Tạo Hóa trên trái đất, một trái đất được biến đổi thành một loài tạo vật sống động. Thật vậy, “chúng hân hoan ca hát vui vẻ” (Ps 64[65]:14). Ba động từ dính dáng đến biểu hiệu của y phục cũng nói lên cho thấy đầy những ý nghĩa nơi sự liên kết này: “Các đồi nương được khoác lấy niềm hân hoan. Các đồng cỏ được mặc cho những đàn vật, các thung lũng được phủ lên đồng lúa miến (các câu 13-14). Hình ảnh này là hình ảnh của một đồng cỏ được điểm bằng đám chiên hiền lành chất phác; những đồi nương mọc đầy những cây nho, dấu hiệu của niềm hoan hỉ, được tỏ hiện nơi sản phẩm của nó là rượu, một chất “làm hoan lạc con tim” (Ps 103[104]:15); những thung lũng khoác lên mình một chiếc áo choàng mùa gặt vàng chín. Câu 12 cũng gợi lên cho thấy một chiếc vương miện, chiếc vương miện có lẽ sẽ khiến cho người ta nghĩ đến những vòng hoa ở các bữa tiệc mừng, được đội lên đầu cho các khách dự tiệc (xem Is 28:1-5).
5.- Tất cả mọi tạo vật cùng nhau, hầu như theo nhau thành hàng ngũ, hướng về Đấng Hóa Công và Vị Thượng Chủ của mình, nhẩy múa và hát ca, chúc tụng và nguyện cầu. Thiên nhiên, một lần nữa, lại trở nên một dấu hiệu sống của hành động thần linh: Nó là một trang sách được mở ra trước mắt tất cả mọi người, sẵn sàng bộc lộ sứ điệp ẩn tàng nơi mình là Đấng Tạo Hóa, vì “nhờ sự cao cả và vẻ đẹp của các vật được tạo thành mà so sánh mới thấy được vị nguyên tác giả của chúng” (Wis 13:5; xem Rm 1:20). Việc chiêm ngắm theo thần học và hứng khởi dạt dào về thi ca đã liên hợp lại thành bài hát này và thành một việc tôn thờ chúc tụng.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ quan trọng nhất được vị Tác Giả Thánh Vịnh hướng tới bằng tất cả bài ca này của mình là cuộc hiệp nhất giữa thiên nhiên tạo vật với ơn cứu độ. Như trái đất được hồi sinh vào mùa xuân bởi tác động của Hóa Công thế nào, con người cũng vươn lên từ tội lỗi của mình bằng tác động của Đấng Cứu Chuộc như thế. Bởi vậy, tạo vật và lịch sử cùng ở dưới ánh mắt quan phòng và cứu độ của Chúa, Đấng khống chế những giòng nước gầm rống và hủy hoại, rồi ban cho chúng thứ nước thanh tẩy, sung sức và no thỏa. Thật vậy, Chúa “chữa những tấm lòng tan nát, hàn dịt vết thương của họ”, cũng là Đấng “bao phủ các tầng trời bằng những đám mây, làm mưa xuống trên mặt đất, khiến cỏ cây mọc lên trên núi đồi” (Ps 146[147]:3,8).
Như thế, bài Thánh Vịnh này trở nên một bài ca chúc tụng ân sủng thần linh. Dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, Thánh Âu Quốc Tinh đã nhắc nhở chúng ta một lần nữa về tính cách siêu việt này, cũng như về tặng ân chuyên biệt ấy: “Chúa là Thiên Chúa phán với anh em nơi tâm trí của anh em rằng: Ta là sự sung túc của các người. Các người đừng chạy theo những gì thế gian hứa hẹn, nhưng hãy theo đuổi những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban! Các người hãy chú ý đến những gì Thiên Chúa hứa ban, nếu các người tuân giữ công lý; và khinh thường những gì các người được thế gian hứa hẹn tropng việc các người không phải sống theo công lý. Bởi thế, các người đừng chạy theo những gì thế gian hứa hẹn cho các người. Trái lại, các người hãy quan tâm đến những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban cho các người” (“Esposizione sui Salmi” Rome 1990, p. 481).
Vào lúc 11 giờ 30 sáng, phái đoàn hành hương, sau khi nghe bài giáo lý trên đây của ĐTC qua các người đại diện đọc bằng một số tiếng khác nhau tại Sảnh Đường Phaolô VI, đã lãnh phép lành của ĐTC ngoài Công Trường Thánh Phêrô. ĐTC đã ngỏ lời cùng họ rằng:
“Cám ơn anh chị em đã viếng thăm và cầu nguyện cho Tôi chóng khỏi bệnh. Chúng ta đã suy niệm Lời Chúa, được trích từ bài Thánh Vịnh 64, một bài Thánh Vịnh mời gọi chúng ta đừng sống theo những gì thế gian hứa hẹn mà hãy chú trọng đến những gì Đấng Tạo Dựng nên thế gian hứa ban. Với những cảm nhận này, Tôi tha thiết xin anh chị em hãy luôn luôn đặt tin tưởng của mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là nguồn mạch của an bình và vững tâm. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta bằng việc gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô”.
Sau khi nói xong những lời này, ĐTC hát Kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa Thánh của Ngài cho họ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 13/3/2002)
Bài 33 – TV 76 (77) (Thứ tư 13/3/2002)
THIÊN CHÚA GIÚP CHÚNG TA THẮNG VƯỢT NHỮNG KHỐN KHÓ CỦA CHÚNG TA
(Thánh Vịnh 76 (77), Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)
1.- Khi đặt bài Thánh Vịnh 76 (77), chúng ta vừa tuyên đọc, vào kinh ban mai, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta rằng một ngày sống được mở màn không phải lúc nào cũng sáng sủa. Giống như một ngày tăm tối hiện lên với bầu trời đầy mây mù báo hiệu giông tố bão bùng, cuộc đời của chúng ta cũng cảm nghiệm thấy những ngày đầy nước mắt và lo âu sợ hãi. Đó là lý do tại sao vừa hừng đông lời cầu nguyện đã biến thành một lời than van, lời nài nỉ, lời kêu cứu.
Bài Thánh Vịnh của chúng ta đây thực sự là một lời thiết tha kêu cầu liên lỉ dâng lên Thiên Chúa, mang tính cách hết sức tin tưởng, thật vậy, một niềm tin tưởng vào việc can thiệp của Thiên Chúa. Đúng thế, đối với vị Tác Giả Thánh Vịnh, Chúa không phải là một đế vương vô tâm, bỏ xó những tầng trời rạng rỡ của Ngài, dửng dưng với các sinh hoạt của chúng ta. Từ ý thức này, một ý thức có những lúc thắt bó tâm can con người, hiện lên những vấn đề rất đắng cay có thể đưa đến tình trạng khủng hoảng về đức tin, đó là vấn đề “phải chăng Thiên Chúa đang chối bỏ tình yêu của Ngài cùng với thành phần Ngài đã tuyển chọn? Ngài đã quên mất thời Ngài đã nâng đỡ chúng ta và làm cho chúng ta sống hạnh phúc rồi hay sao?” Rồi chúng ta sẽ thấy, những vấn đề này phải được tan biến bởi tấm lòng tin tưởng đổi mới đặt nơi Thiên Chúa, Vị Cứu Chuộc và Cứu Tinh.
2.- Vậy chúng ta hãy tiếp tục khai triển lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện được bắt đầu bằng một cung giọng thảm thiết, buồn thương, rồi từ từ hướng đến tình trạng bình tâm và hy vọng. Ở đây, trước hết chúng ta thấy hiện lên cảnh than van về hiện trạng buồn thảm cũng như về việc Thiên Chúa im hơi lặng tiếng (xem các câu 2-11). Tiếng kêu cứu vang lên một tầng trời dường như câm nín, những bàn tay giơ cao nài nỉ, với tấm lòng đầy nát tan. Tình trạng gồng mình chịu khó liên tục tái diễn nơi tận đáy linh hồn, xẩy ra trong một đêm không ngủ, thấm đẫm nước mắt và nguyện cầu, […] “[tôi suy niệm] trong lòng”, như ở câu 7 cho thấy.
Khi cơn đau lên đến hết cỡ, cũng như khi con người mong sao thoát khỏi việc uống chén đau thương (xem Mt 26:39), là lúc những lời lẽ bột phát lên và trở thành lời than tiếng khóc, như đã nói đến trước đây (xem Ps 76 [77]: 8-11). Tiếng kêu la này như đặt vấn đề với tính cách mầu nhiệm của Thiên Chúa và việc Ngài im hơi lặng tiếng.
3.- Vị tác giả Thánh Vịnh ngẫm nghĩ tại sao Chúa lại ruồng bỏ mình, tại sao Ngài đã thay hình đổi dạng, đã quên đi tình Ngài yêu thương, quên lời Ngài hứa cứu độ, và quên việc Ngài tỏ lòng âu yếm xót thương. “Bàn tay phải của Đấng Tối Cao”, một bàn tay đã hoàn thành cuộc cứu độ lạ lùng nơi biến cố Xuất Ai Cập, giờ đây dường như đã bị bất toại (xem câu 11). Đó là một “cực hình” thực sự và đúng nghĩa, một cuộc cực hình khiến đức tin của con người nguyện cầu phải điêu đứng. Nếu thực sự là như vậy thì Thiên Chúa quả không còn là Thiên Chúa nữa, Ngài sẽ trở thành một hữu thể độc ác và có một dung nhan như những ngẫu tượng không biết cứu độ, vì chúng bất khả, lạnh lùng và vô năng. Cả một thảm kịch đức tin trong lúc bị thử thách và vắng bóng Thiên Chúa đã hiện lên nơi những câu đầu tiên của bài Thánh Vịnh 76 (77) này.
4.- Tuy nhiên, vẫn còn những lý do để hy vọng. Những gì xuất hiện nơi phần thứ hai của lời cầu khấn (xem các câu 12-21) giống như một bài thánh thi được viết ra để lập lại niềm xác tín can đảm của lòng con người tin tưởng ngay cả trong ngày tăm tối của đau thương. Con người hoan ca cuộc cứu độ trong quá khứ, một cuộc cứu độ được thể hiện rõ ràng nơi việc tạo thành cũng như nơi việc giải thoát khỏi cảnh làm tôi Ai Cập. Cái hiện trạng khổ cực được cảm nghiệm cứu độ trong quá khứ chiếu soi, một cảm nghiệm cứu độ là hạt giống được gieo mầm trong lịch sử, ở chỗ, nó không chết mà chỉ bị dập vùi rồi sẽ nẩy sinh sau đó (xem Jn 12:24).
Như thế là vị Tác Giả Thánh Vịnh đã nói đến một quan niệm thánh kinh hệ trọng, quan niệm của “việc tưởng niệm”, một việc tưởng niệm không phải chỉ như là một ký ức nhung nhớ phôi phai, mà là niềm tin vào tác động thần linh hiệu lực: “Tôi sẽ nhớ lại những việc Chúa làm; phải, tôi sẽ nhớ lại những kỳ công của Ngài trong quá khứ” (Ps 76[77]:12). Hành động tuyên xưng đức tin nơi những việc cứu độ trong quá khứ là việc đưa đến niềm tin vào những gì Chúa luôn là và bởi đó cũng vẫn là trong hiện tại. “Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh hảo; … Chỉ có Ngài mới là Vị Thiên Chúa đã thực hiện những sự lạ lùng” (các câu 14-15). Thế nên, hiện trạng, một hiện trạng không có lối thoát và tối tăm mù mịt, được soi sáng bởi đức tin nơi Thiên Chúa và hướng tới hy vọng.
5.- Để bảo trì đức tin này, Tác Giả Thánh Vịnh có lẽ đã trích lại một thánh thi cổ, bài thánh thi hình như được hát lên trong phụng vụ của đền thờ Sion (xem các câu 17-20). Nó là một cuộc thần hiển rạng ngời, nhờ đó Chúa đã đi vào cảnh giới lịch sử, biến đổi thiên nhiên tạo vật, nhất là biến đổi những giòng nước, biểu hiệu cho hỗn loạn, sự dữ và khổ đau. Hình ảnh tuyệt đẹp là hình ảnh đường lối của Thiên Chúa vượt qua những giòng nước, dấu hiệu của việc Ngài chiến thắng các quyền lực tiêu cực: “Đường lối của Ngài vượt qua biển cả, vượt qua các giòng nước mãnh liệt, dù bước chân Ngài không in dấu vết” (câu 20). Và người ta nghĩ đến việc Chúa Kitô bước đi trên nước, một dấu hiệu hùng hồn cho thấy việc Người chiến thắng trên sự dữ (xem Jn 6:16-20).
Ở phần kết, khi nhắc nhở đến việc Thiên Chúa đã dẫn dắt dân của Ngài “như một đoàn lũ được Moisen và Aaron chăm sóc” (Ps 76[77]:21), bài Thánh Vịnh ngầm đưa đến một niềm tin tưởng là Thiên Chúa sẽ trở lại cứu độ chúng ta. Bàn tay quyền năng và vô hình của Ngài sẽ ở với chúng ta qua bàn tay hữu hình của các vị mục tử và hướng đạo viên do Ngài chọn cử. Bài Thánh Vịnh, bắt đầu bằng một tiếng la đau, cuối cùng làm dậy lên những cảm thức tin tưởng và hy vọng vào vị mục tử cao cả của linh hồn chúng ta (xem Heb 13:20; 1Pt 2:25).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh như sau:)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 76 là một lời nguyện cầu của nỗi than van và là một lời kêu cứu Thiên Chúa ngay khi vừa mở màn cho một ngày mới. Vị Tác Giả Thánh Vịnh, trong cơn sầu thảm của mình, bị thúc đẩy lên tiếng đặt vấn đề phải chăng Thiên Chúa đã quên những lời hứa hẹn của Ngài và đã ruồng bỏ dân của Ngài. Tuy nhiên, vị tác giả này vẫn không mất lòng tin tưởng; bằng một niềm hy vọng đổi mới, tác giả đã ngẫm nghĩ đến các việc cứu độ của Thiên Chúa trong quá khứ, khi Ngài dẫn dân Ngài qua Biển Đỏ, nhờ tay của Moisen và Aaron. Hành động tưởng nhớ đến việc cứu độ quá khứ dân Do Thái cảm nghiệm được đã trở thành một lời tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa cũng như vào quyền năng cứu độ của Ngài. Bài Thánh Vịnh kết thúc với hình ảnh Thiên Chúa bước đi qua các giòng nước mãnh liệt (câu 20) để dẫn lối cho dân Ngài, một hình ảnh Kitô hữu đọc thấy như một ám chỉ về việc Chúa Giêsu Kitô bước trên nước (x Jn 16:6-20), và thậm chí giờ đây vẫn dẫn Giáo Hội bằng đức tin cho đến tầm mức trọn vẹn của ơn cứu độ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 20/3/2002)
Bài 34 – Ca vịnh Sm (Thứ Tư 20/3/2002)
CA VỊNH NGỢI KHEN CỦA CỰU ƯỚC
(Ca Vịnh Anna, Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)
1.- Tiếng của một người đàn bà dẫn chúng ta hôm nay vào một lời cầu nguyện chúc tụng Chúa của sự sống. Thật vậy, trong câu truyện ở cuốn Sách Samuel Thứ Nhất, bà Anna là người đã xướng lên bài thánh thi chúng ta vừa công bố, sau khi bà hiến dâng con mình là bé Samuel lên cho Chúa. Bé sẽ là một vị tiên tri trong Dân Do Thái, và bằng việc làm của mình, bé sẽ đánh dấu một cuộc chuyển tiếp của dân Do Thái sang một thể chế chính quyền mới, một thể chế quân chủ, một thể chế sẽ có những vị đóng vai chính như một vua Saolê bất hạnh và một vua Đavít hiển vinh. Bà Anna đã phải trải qua một quá khứ đau thương, như câu truyện kể lại, vì Chúa “đã làm cho bà bị son sẻ” (1Sam 1:5).
Trong dân Do Thái xưa, người phụ nữ nào bị coi như là một cành cây khô, một sự hiện diện chết chóc, một phần là bởi vì họ đã gây cản trở chồng mình trong việc nối dõi tông đường, một sự kiện quan trọng ở những gì vẫn còn là một viễn ảnh bất định và mập mờ về cuộc sống tương lai.
2.- Tuy nhiên, bà Anna đã đặt tin tưởng nơi Vị Thiên Chúa của sự sống nên đã nguyện cầu rằng: “Ôi Chúa các đạo binh, nếu Ngài dủ tình đoái thương đến nỗi khốn cùng của nữ tì Chúa, nếu Chúa nhớ đến tôi và đừng bỏ quên tôi, nếu Chúa ban cho nữ tì của Chúa một đứa con trai, tôi sẽ dâng nó trót đời cho Chúa” (câu 11). Và Thiên Chúa thực sự đã nghe tiếng kêu của người đàn bà khiêm hạ này, Ngài đã ban cho bà Samuel: một thân cây khô đã trổ sinh một chồi cây sống (xem Is 11:1); điều đối với quan điểm loài người bất khả đã trở thành một thực tại cảm kích, đó là con trẻ được hiến dâng lên cho Chúa.
Bài ca tạ ơn thốt lên từ môi miệng của người mẹ này sẽ được lập lại một lần nữa và được tái diễn ngữ bởi một người mẹ khác, đó là Đức Maria, Vị trinh nguyên đã sinh con bởi quyền phép Thần Linh Thiên Chúa. Thật vậy, trong bài ca vịnh “Ngợi Khen” của Mẹ Chúa Giêsu, người ta thấy được bài ca vịnh của bà Anna, một bài ca vịnh mà chính vì thế mới được gọi là “Bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Cựu Ước”.
3.- Thật vậy, các học giả nhận thấy rằng vị tác giả sách thánh đã đặt trên môi miệng bà Anna một loại Thánh Vịnh vương giả, một loại thánh vịnh phảng phất những trích dẫn và những qui chiếu gián tiếp theo những bài Thánh Vịnh khác.
Trong phần tiền cảnh, hình ảnh của một vị vua Do Thái hiện lên, bị đối phương quyền lực hơn tấn công, nhưng cuối cùng đã được cứu và chiến thắng vì Chúa là Đấng ở với vua, Ngài đã bẻ gẫy những cung tên của kẻ quyền uy thế lực (xem 1Sam 2:4). Bài ca được kết thúc một cách có ý nghĩa, khi Chúa xuất hiện bằng một cuộc thần hiển long trọng: “Những kẻ thù của Chúa bị đánh tan. Đấng Tối Cao trên tầng trời làm vang dội sấm xét; Chúa phán xử khắp cùng bờ cõi trái đất. Giờ đây Ngài ban sức mạnh cho vị vua của Ngài và tạo quyền thế cho Đấng Ngài xức dầu” (cầu 10). Theo tiếng Do Thái, chữ cuối cùng chính là “đấng thiên sai”, tức là “đấng được xức dầu”, một từ ngữ làm cho lời cầu nguyện vương giả này được biến thành một bài ca của niềm hy vọng về một vị thiên sai.
4.- Chúng ta muốn chú trọng đến hai từ ngữ trong bài thánh thi tạ ơn này, bài thánh thi nói lên cho thấy tâm tình cảm mến của bà Anna. Từ thứ nhất cũng nổi bật trong bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria, và là một thứ ngược đảo về số phận do Thiên Chúa thực hiện. Kẻ quyền năng bị hạ xuống còn kẻ yếu mềm “được tràn đầy sức mạnh”; kẻ no thỏa không tìm đâu ra lương thực, còn kẻ đói khát lại ngồi tại một bàn tiệc cao lương hảo vị; kẻ bần cùng được nâng lên khỏi bụi đất để lãnh nhận “một chỗ ngồi vẻ vang” (xem các câu 4-8).
Người ta dễ nhận thấy nơi lời cầu nguyện cổ kính này đề tài về bảy tác động được Mẹ Maria thấy Thiên Chúa Cứu Tinh thể hiện trong giòng lịch sử: “Ngài đã ra tay uy quyền, Ngài đã dẹp tan kẻ ngạo mạn…, Ngài đã hạ kẻ quyền năng xuống khỏi ngai tòa của họ, và nâng những ai thấp hèn lên; Ngài đã cho người đói khó đầy những gì thiện hảo, và đã để kẻ giầu có trở thành tay không. Ngài đã hộ phù Do Thái tôi tớ của Ngài” (Lk 1:51-54).
Đó là lời tuyên xưng đức tin của hai bà mẹ trước Vị Chúa của lịch sử, Đấng tự mình trang bị để bảo vệ kẻ thấp hèn nhất, kẻ bần cùng và bất hạnh, kẻ bị tổn thương và nhục nhã.
5.- Một đề tài khác chúng ta muốn chia sẻ dù liên quan đến nhân vật Anna, đó là “Người vợ son sẻ hạ sinh bảy đứa, còn bà mẹ mắn con lại trở nên cằn cỗi” (1Sam 2:5). Chúa là Đấng đạo lộn định mệnh cũng là Đấng làm nguồn mạch cho sự sống và sự chết. Lòng dạ son sẻ của bà Anna giống như một ngôi mộ; nhưng Thiên Chúa đã làm cho sự sống nẩy sinh, vì trong “hồn sống của hết mọi sinh vật cùng hơi thở sống của toàn thể loài người đều ở trong bàn tay này” (Jb 12:10). Bởi thế, ngay sau câu trên là câu: “Chúa đã làm cho chết và ban cho sống; Ngài đầy xuống âm phủ; Ngài lại đưa lên” (1Sam 2:6).
Tới đây, niềm hy vọng chẳng những liên quan đến con trẻ được sinh ra, mà còn đến cả những gì Thiên Chúa có thể hồi sinh sau khi chết nữa. Bởi thế, một chân trời như mang nét “vượt qua” của sự phục sinh đã hiện lên. Tiên tri Isaia sau này hát lên rằng: “Thế rồi kẻ chết của các người sẽ sống, thi thể của họ sẽ chỗi dậy; hãy thức giấc mà hát ca hỡi các người là kẻ đang nằm trong bụi đất. Vì sương sa của các người là thứ sương xa lóng lánh sáng, và mảnh đất tối tăm sẽ trổ sinh” (Is 26:19).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh như sau:)
Anh chị em thân mến,
Đó là tiếng của bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel, tiếng đã đưa chúng ta đến bài suy niệm sáng hôm nay đây. Bài ca vịnh tạ ơn của bà được gọi là “Bài Ngợi Khen của Cựu Ước”, vì nó rất giống như bài thánh ca chúc tụng được Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, xướng lên sau biến cố Truyền Tin.
Cả hai bài thánh ca đều là một lời cảm kích tuyên xưng đức tin nơi Vị Chúa của lịch sử, Đấng đứng về phía kẻ thấp hèn nhất, người bần cùng, và kẻ khổ đau. Bụng dạ son sẻ của bà Anna giống như một ngôi mộ tối tăm, song Thiên Chúa đã làm cho nó thành nơi phát sinh sự sống mới. Nhờ đó, chúng ta thấy một hình ảnh mờ mờ về Sự Phục Sinh, khi sự sống hoàn toàn chiến thắng trên sự chết. Cùng với bà Anna và Mẹ Maria, chúng ta cũng hát lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng “làm cho chết và ban sự sống, Đấng đầy đọa… và phục hồi” (1Sam 2:6).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 27/3/2002)
Bài 35 - TV 96 (97) (Thứ Tư 3/4/2002)
VINH QUANG CỦA CHÚA - VỊ QUAN ÁN CỦA THẾ GIỚI
(Thánh Vịnh 96 [97], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)
1.- Ánh sáng, niềm vui và an bình đang tràn ngập cộng đồng của thành phần môn đệ Chúa Kitô dịp Lễ Phục Sinh, cũng như đang lan tràn khắp cả thiên nhiên tạo vật, cũng thấm nhập vào cả cuộc gặp gỡ của chúng ta đang diễn ra trong những ngày Bát Nhật Phục Sinh hoan hỉ này. Trong những ngày này, chúng ta đang cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và sự chết. Nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người , Vương Quốc công chính và yêu thương theo ý muốn của Thiên Chúa đã được vĩnh viễn thiết lập.
Hôm nay, chúng ta sẽ chú trọng đến Vương Quốc Thiên Chúa trong bài giáo lý của chúng ta, qua việc suy niệm bài Thánh Vịnh 96 (97). Bài Thánh Vịnh này mở đầu bằng một lời loan báo trang trọng: “Chúa hiển trị; địa cầu hãy hân hoan; các miền duyên hải hãy vui mừng”, và được coi như là một cuộc chúc tụng Vị Vua thần linh, Chúa của vũ trụ cũng như của lịch sử. Chúng ta có thể nói đây là một bài Thánh Vịnh “Lễ Phục Sinh”.
Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu quan trọng vấn đề loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa trong việc rao giảng của Người. Đó không phải chỉ là việc tạo vật nhận biết mình lệ thuộc vào Vị Hóa Công của mình; nó còn là niềm xác tín về một dự án, một phác họa, một chiến thuật của sự hài hòa và thiện hảo do Thiên Chúa mong muốn thực hiện nơi lịch sử nữa. Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh Vượt Qua của Chúa Giêsu đã làm hoàn thành dự án này.
2.- Vậy chúng ta hãy đọc hết bài Thánh Vịnh được phụng vụ ấn định để chúng ta cử hành Giờ Kinh Ban Mai này. Ngay sau khi công bố Chúa là Vua, một lời công bố vang lên như một phát kèn lệnh, thì nguyên một cuộc thần hiển cả thể hiện ra trước con người cầu nguyện. Bằng việc sử dụng những câu trích dẫn, những suy diễn liên quan đến các đoạn khác của các bài thánh vịnh, hay của các tiên tri, nhất là của tiên tri Isaia, tác giả thánh vịnh diễn tả việc Vị Vua cao cả xuất hiện ở một cảnh trí thế gian được vây tỏa bởi một loạt những tác viên hay trực viên của vũ trụ, như các đám mây, màn đêm dầy đặc, lửa, chớp.
Cùng với những thứ ở trong cảnh trí này còn có một loạt những trực viên khác đã nhân cách hóa tác hành của Ngài trong giòng lịch sử, như công chính, quyền lợi và vinh hiển. Tất cả những thứ này nhập cuộc khiến cho toàn thể tạo vật náo động lên. Trái đất hoan hỉ khắp nơi, kể cả các hải đảo, được coi như những nơi xa xăm nhất (x Ps 96 [97]:1). Những tia chớp thắp sáng cả thế giới, và cuộc động đất làm thế giới rùng mình kinh hãi (x câu 4). Những ngọn núi mà, theo vũ trụ học của Thánh Kinh, là hiện thân của một thực tại cổ kính và vững chắc nhất, bị tan ra như sáp ong (x câu 5), như tiên tri Mica đã xướng lên: “Này, Chúa đang đến từ nơi của Ngài… và các núi non sẽ chảy ra dưới chân Ngài và các thung lũng sẽ tách rời như sáp ong trước ngọn lửa” (Mi 1:3-4). Các thiên thần làm cho các tầng trời vang rền những bài ca chúc tụng tôn vinh đức công minh, công cuộc cứu độ được Chúa thực hiện cho kẻ lành. Sau hết, toàn thể nhân loại được chiêm ngưỡng thấy vinh quang thần linh tỏ hiện, một thực tại nhiệm mầu của Thiên Chúa (x Ps 96 [97]: 6), trong khi “những kẻ thù”, kẻ gian ác và bất chính, rút lui nhường chỗ cho quyền năng vô địch của việc Chúa phán quyết (x. câu 3).
3.- Sau cuộc thần hiển của Vị Chúa vũ trụ, bài Thánh Vịnh diễn tả hai kiểu phản ứng của Đức Vua cao cả cũng như việc Ngài đi vào lịch sử. Một mặt là các kẻ tôn thờ ngẫu tượng và các ngẫu tượng lộn nhào xuống đất, xấu hổ và thảm bại; mặt kia là thành phần tín nghĩa, những người đã qui tụ lại ở Sion để cử hành phụng vụ tôn vinh Chúa, hân hoan dâng lên Ngài bài thánh thi ca ngợi. Cảnh về “những kẻ tôn thờ các thứ ngẫu tượng” (x các câu 7-9) rất ngoạn mục; các thứ ngẫu tượng cúi mình trước Vị Thiên Chúa duy nhất, và các kẻ theo chúng cảm thấy hết sức hổ ngươi. Thành phần công chính hân hoan ở phán quyết thần linh, một phán quyết loại trừ những gian dối và lòng đạo đức giả tạo, nguồn gốc gây ra tình trạng thê thảm và nô lệ về luân lý. Chúng lên tiếng tuyên xưng một niềm tin minh tường là: “Ôi Chúa, Chúa là Đấng tối cao trên toàn trái đất; Chúa vượt lên trên hết mọi thứ thần linh” (câu 9).
4.- Tương phản lại với hình ảnh cho thấy vinh thắng trên những thứ ngẫu tượng cũng như trên những kẻ tôn thờ ngẫu tượng là một hình ảnh của những gì được gọi là một ngày rạng ngời của kẻ tín nghĩa (câu 10-12). Thật vậy, một ánh sáng hiện lên như bình minh cho kẻ công chính đã được đề cập đến (câu 11): đó là việc hiện lên của một bình minh vui mừng, hoan lạc và hy vọng, vì – như chúng ta đã quá biết – ánh sáng là biểu hiệu cho Thiên Chúa (x 1Jn 1:5).
Tiên tri Malachi đã xác nhận là: “Vì ngươi kính sợ danh Ta mà mặt trời công chính chiếu tỏa ánh sáng chữa lành sẽ tỏ hiện” (Ml 3:20). Ánh sáng và hạnh phúc đi đôi với nhau: “Niềm vui cho người có tâm hồn ngay thẳng. Hỡi các người công chính, hãy hân hoan trong Chúa và hãy tán tạ thánh danh của Ngài!” (Ps 96 [97]:11-12).
Vương Quốc của Thiên Chúa là nguồn mạch bình an và yên hàn, thắng đoạt đế quốc của tối tăm. Một cộng đồng Do Thái trong thời của Chúa Giêsu đã xướng lên rằng: “Sự vô thần rút lui trước công lý, như tối tăm biến tan trước ánh sáng; sự vô thần sẽ vĩnh viễn biến mất, và công lý, như mặt trời, sẽ chiếu tỏa để mở màn cho một thế giới trật tự” (Libro dei misteri di Oumrln [Book of the Mysteries of Qumran]: 1Q 27, I, 5-7).
5- Tuy nhiên, trước khi chúng ta kết thúc bài Thánh Vịnh 96 [97], chúng ta cần phải tái nhận thức là, cùng với dung nhan của Vị Vương Chúa còn có một lược toát về thành phần tín nghĩa nữa. Có bảy đặc tính được kể đến là dấu hiệu cho thấy sự thiện hảo và vẹn toàn. Những ai đợi chờ Vị Vua thần linh cao cả đến, họ ghét sự dữ, yêu mến Chúa, họ là hasidim, tức thành phần tín nghĩa (x câu 10), kẻ bước đi trên con đường chân chính, có một tấm lòng ngay thẳng, hoan hỉ nơi những công cuộc của Thiên Chúa và tán tạ ngợi khen danh thánh của Chúa (x câu 12). Chúng ta hãy xin Chúa làm cho những đặc tính thiêng liêng này tỏa chiếu nơi gương mặt của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 10/4/2002)
Bài 36 – TV 79 (80) (Thứ Tư 10/4/2002)
VINH QUANG CỦA CHÚA - VỊ QUAN ÁN CỦA THẾ GIỚI
(Thánh Vịnh 79 [80], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe có một giọng than vãn và van lơn của toàn thể dân Do Thái. Phần đầu của bài Thánh Vịnh sử dụng một biểu hiệu quá quen thuộc là việc mục vụ. Chúa được kêu cầu như là “một vị mục tử của dân Do Thái”, Đấng là “vị dẫn dắt đàn chiên của Giuse” (câu 2). Từ cao điểm của Hòm Bia Giao Ước có thần Cherubim ngự, Chúa đã dẫn đắt đàn chiên của Ngài là dân Ngài, và bảo vệ họ khỏi hiểm nguy.
Đó là những gì Ngài đã làm trong việc họ băng qua sa mạc. Tuy nhiên, giờ đây, Ngài dường như vắng mặt, hầu như Ngài đang thiếp ngủ hay lạnh lùng dửng dưng. Ngài chỉ cho đàn chiên được Ngài dẫn dắt và nuôi dưỡng (x Ps 22 [23]} thứ bánh châu lệ (x câu 6). Các kẻ thù nhạo cười đám dân bị hạ nhục và bị xúc phạm này; thế mà dường như Thiên Chúa chẳng nhúc nhích gì cả, chẳng chút “động lòng” (câu 3), Ngài cũng chẳng tỏ ra quyền năng của Ngài, một quyền năng bao che bảo vệ các nạn nhân của bạo lực và bị đàn áp.
Việc lập lại lời van nài theo kiểu đối ca (x câu 4,8) như thể là việc tìm cách lay động Thiên Chúa cho khỏi có thái độ cách biệt, để Ngài quay về chăn dắt và bảo vệ dân của Ngài.
2.- Nơi phần thứ hai của bài cầu nguyện này, một phần đầy những căng thẳng kèm theo lòng tin tưởng, chúng ta thấy một biểu hiệu khác rất hợp với Thánh Kinh, đó là biểu hiệu cây nho. Nó là một hình ảnh dễ hiểu, vì nó liên quan đến viễn ảnh của Đất Hứa đồng thời cũng là dấu hiệu sinh hoa kết trái và vui mừng.
Như tiên tri Isaia dạy ở một trong những trang thi ca của ngài (x Is 5:1-7), cây nho tiêu biểu cho dân Do Thái. Nó cho thấy 2 chiều kích căn bản: chiều kích thứ nhất, vì nó được Thiên Chúa trồng cấy (x Is 5:2; Ps 79 [80]: 9-10), cây nho tượng trưng cho quà tặng, cho ân sủng, cho tình yêu Thiên Chúa; chiều kích thứ hai, nó cần đến công khó của nhà nông là việc làm cho cây nho sinh hoa kết trái để làm rượu; bởi thế, nó cũng tượng trưng cho việc đáp ứng của con người, cho nỗ lực của con người cũng như cho hoa trái của các việc lành.
3.- Qua hình ảnh cây nho, bài Thánh Vịnh nhắc lại những giai đoạn chính của lịch sử dân Do Thái: rễ của nó là kinh nghiệm Xuất Ai Cập và việc vào Đất Hứa. Cây nho tiến tới tầm mức cao nhất của mình trên toàn vùng Palestina và cả ngoài vùng này nữa trong triều đại vua Solomon. Thật vậy, nó vươn từ những vùng núi non thuộc miền bắc xứ Lebanon là nơi có những cây trắc bá, đến Địa Trung Hải và gần tới sông cả Euphrates (x câu 11-12).
Tuy nhiên, vinh quang của việc triển nở này đã bị tàn tạ. Bài Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta rằng, có một cơn bão tố đánh vào cây nho của Thiên Chúa, nghĩa là, dân Do Thái phải chịu đựng một cuộc thử thách dữ dội, một cuộc chiếm đánh kinh hoàng tàn phá Đất Hứa. Đóng vai như là một tay chiếm phá, chính Thiên Chúa đã phá đổ tường thành vây quanh cây nho, để cho nó bị giầy xéo bởi những tên trộm cướp, tiêu biểu nơi hình ảnh con gấu dại, một con thú vẫn được coi là hung dữ và nhơ bẩn theo tập tục cổ xưa. Quyền lực của con gấu liên quan đến tất cả những con hoang thú, tiêu biểu cho một lũ tác hại hủy hoại hết mọi sự (x câu 13-14).
4.- Thế rồi, một lời thiết tha kêu gọi được dâng lên Thiên Chúa, phá vỡ sự nín thinh của Ngài ra tay tái diễn việc bảo vệ thành phần nạn nhân: “Từ trời cao, lạy Chúa các đạo binh, xin hãy đoái nhìn lại, xin hãy nhìn xuống và trông xem; hãy coi sóc cây nho này” (câu 15). Thiên Chúa sẽ lại là Đấng bảo vệ thân nho đang trải qua một cơn bão tố dữ dội, Ngài đánh tan tất cả những ai muốn làm cho nó bật gốc lên và thiêu cho nó bị cháy rụi (x câu 16-17).
Đến đây, bài Thánh Vịnh hướng tới một niềm Hy Vọng có mầu sắc thiên sai. Thật vậy, ở câu 18 có lời cầu khẩn là: “Chớ gì ơn trợ giúp của Ngài ở với con người bên hữu Ngài, ở với kẻ Ngài đã từng làm cho mạnh mẽ”. Chúng ta trước hết nghĩ đến vị vua theo giòng dõi Đavít, Đấng mà với sự trợ giúp của Thiên Chúa sẽ lãnh đạo một cuộc nổi dậy giành lấy tự do. Thế nhưng, việc tin tưởng vào Đấng Thiên Sai tương lai được nói tới đây tức là một “con người” sẽ được tiên tri Đaniên nói tới (x 7:13-14), và Giêsu sẽ được coi như là danh xưng nói lên việc Người làm cũng như bản vị thiên sai của Người. Thật vậy, các vị Giáo Phụ đã đồng thanh nói lên rằng, cây nho được bài Thánh Vịnh gợi lên cho thấy đây là tiền thân loan báo về Chúa Kitô là “cây nho thật” (Jn 15:1) và về cả Giáo Hội của Người nữa.
5.- Vì dung nhan của Chúa lại chiếu tỏa, dân Do Thái cần phải thận trọng trong việc trung thành và cầu nguyện cùng Vị Thiên Chúa Cứu Độ. Đó là những gì tác giả bài Thánh Vịnh đã diễn đạt khi xác nhận rằng: “Bấy giờ chúng tôi sẽ không tránh né nhan Ngài” (câu 19). Vậy Thánh Vịnh 79 (80) là một bài ca đặc biệt, được ghi dấu vết khổ đau, nhưng cũng có đặc tính của lòng tin tưởng bất khả diệt. Thiên Chúa luôn sẵn sàng “trở lại với dân Ngài, nhưng dân Ngài cũng cần phải “trở lại” với Ngài bằng lòng trung thành. Nếu chúng ta hối cải tội lỗi mình, Chúa sẽ “rút lại” ý định trừng phạt của Ngài: Đó là niềm xác tín của vị tác giả thánh vịnh, một xác tín cũng vang vọng nơi tâm hồn của chúng ta, hướng chúng ta về một niềm hy vọng.
(ĐTC đã tóm bài giáo lý của Ngài bằng Anh ngữ như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 79 là một bài ca than vãn, một lời van xin Chúa. Thiên Chúa được kêu cầu nhữ “Vị Mục Tử” và được kêu gọi để cứu độ dân Ngài là đàn chiên Ngài chăn dắt. Thế rồi xuất hiện hình ảnh cây nho: được Chúa trồng và con người chăm bón, nó nẩy nở và phát triển, sinh nhiều hoa trái. Thế nhưng những tường thành bảo vệ nó đã bị phá đổ và bị giầy xéo bởi những con hoang thú, tiêu biểu cho tội lỗi và sự dữ.
Tuy nhiên, dân thánh của Thiên Chúa không mất niềm hy vọng. Họ kêu lên Chúa. Thật vậy, không phải là Thiên Chúa đã bỏ rơi dân của Ngài, mà là dân Ngài đã bỏ Ngài mà đi. Bởi thế, tất cả chúng ta cần phải trở về cùng Chúa, Đấng hằng sẵn sàng cứu độ chúng ta khỏi hình khổ và sự chết đời đời, bằng việc hiến ban ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 17/4/2002)
Bài 37 – Ca vịnh Is (Thứ Tư 17/4/2002)
HÃY LÀM CHỨNG CHO VIỆC CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
(Ca Vịnh 12, Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài thánh thi chúng ta vừa công bố hiện lên như một bài hoan ca trong phụng vụ giờ kinh ban mai. Bài thánh thi này là một thứ dấu ấn cuối cùng kết thúc những trang Sách Isaia, một cuốn sách có nội dung về Đấng Thiên Sai. Những trang Sách Isaia thường được gọi là “Sách Emmanuel” này bao gồm các chương từ 6 tới 12. Thật vậy, ở tâm điểm của những lời tiên tri ấy hiện lên hình ảnh của một vị vương chủ, Đấng thuộc giòng dõi đế vương Đavít nhưng lại tỏ ra cho thấy những tính chất trổi vượt và được gọi bằng những danh hiệu vinh sang, như “Vị Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Uy Hùng, Người Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Thái Bình” (Is 9:5).
Hình ảnh cụ thể về Vị Vua Giuđa được tiên tri Isaia hứa báo như là một người con và là người thừa kế của Ahaz, vị vương chủ bấy giờ, vị vương chủ xa vời với lý tưởng của giòng dõi Đavít, là dấu hiệu của một lời hứa báo tốt đẹp hơn, đó là hình ảnh của Đấng Thiên Sai vương giả, Đấng sẽ tác hành theo đúng như danh xưng “Emmanuel”, tức là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, trở nên sự hiện diện thần linh tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, cũng dễ hiểu được tại sao Tân Ước và Kitô Giáo đã trực giác thấy được nơi dáng vẻ vương giả ấy cái nét của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người gắn liền với chúng ta.
2.- Bài thánh thi chúng ta giờ đây nói tới (xem Is 12:1-6) được các học giả, căn cứ vào tính chất văn từ của nó, hay vào cung cách của nó, cho là một sáng tác sau thời tiên tri Isaia, vị đã sống trước Chúa Kitô 8 thế kỷ. Nó hầu như là một bài trích dẫn, một bản văn mang những đặc tính của một bài Thánh Vịnh, có lẽ được sáng tác cho việc phụng vụ, với những lời lẽ ở đây đưa đến việc kết thúc cuốn “Sách Emmanuel”. Thật vậy, bài thánh thi này gợi lên cho chúng ta thấy một vài đề tài, như về việc cứu độ, niềm hân hoan, tác động thần linh, sự hiện diện của “Đấng Thánh Yến Duyên” nơi dân chúng, việc bộc lộ cho thấy tính cách siêu việt “thánh hảo” của Thiên Chúa, hay việc Ngài ưu ái và chủ động gần gũi làm cho dân chúng có thể nương tựa vào Ngài.
Người đang xướng hát là một con người đã trải qua cảm nghiệm cay đắng, một cảm nghiệm được coi như là một tác động của công lý thần linh. Thế nhưng, giờ đây thử thách đã qua rồi, việc thanh tẩy đã có công hiệu; cơn giận của Chúa được thay thế bằng nụ cười, bằng việc Ngài sẵn sàng ra tay cứu giúp và ủi an.
3.- Hai tiết đoạn của bài thánh thi có thể nói đã phác tả hai thời khắc. Ở thời khắc thứ nhất (xem các câu 1-3), được bắt đầu bằng lời mời gọi cầu nguyện: “Vào ngày ấy, ngươi sẽ nói”, chữ “cứu độ” (hay đọc “đấng cứu độ”) hơn hết, được lập đi lập lại ba lần và ám chỉ về Chúa: “Thiên Chúa thực là đấng cứu độ của tôi… Ngài vẫn là Đấng Cứu Độ của tôi… những giếng nước cứu độ”. Chúng ta hãy nhớ rằng tên gọi của Isaia, giống như tên gọi của Chúa Giêsu, có gốc rễ nơi động từ ya’a trong tiếng Do Thái, một động từ hướng tới “việc cứu độ”. Bởi thế, con người cầu nguyện của chúng ta đã tuyệt đối tin rằng ân sủng thần linh là cội gốc của việc giải thoát và niềm hy vọng.
Vấn đề đáng chú ý ở đây là bài thánh thi này được ngầm qui chiếu về biến cố cứu độ cả thể của cuộc xuất phát cho khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, với những lời được trích lại từ bài ca giải phóng mà Moisen đã hát lên: “Chúa là mạnh lực của tôi và là sức can trường của tôi” (Ex 15:2).
4.- Ơn cứu độ do Chúa ban có thể làm cho niềm hân hoan và lòng tin tưởng bừng lên ngay trong ngày tối tăm của thử thách, được phác tả như nước, một hình ảnh cổ trong Thánh Kinh: “Ngươi hân hoan kín nước nơi suối cứu độ” (Is 12:3). Ở đây chúng ta thấy gợi lại cảnh về người nữ Samaritanô khi Chúa Giêsu cho chị cơ hội có được trong lòng chị một “suối nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn 4:14).
Thánh Cyrilô Alexandria dẫn giải về đoạn Phúc Âm này một cách sâu xa như sau: “Chúa Giêsu gọi tặng ân Thần Linh sinh động là nước hằng sống, một thứ nước duy nhất nhờ đó nhân loại, mặc dù hoàn toàn bị bỏ rơi, như những thân cây trên núi, khô cằn, bị mất hết các thứ nhân đức do việc ma qủi lừa đảo, được lấy lại vẻ đẹp xưa của bản tính mình… Chúa Cứu Thế gọi ân huệ Thánh Linh là nước, mà nếu con người gắn bó với Ngài, Ngài sẽ ban nơi họ một nguồn giáo huấn thần linh, đến nỗi họ không cần kẻ khác chỉ dẫn, và còn có thể huấn dụ những ai khao khát Lời Thiên Chúa nữa. Các vị tiên tri thánh, các tông đồ và các vị thừa kế tác vụ của các ngài trong khi còn sống tại thế là như thế đó. Câu ngươi sẽ hân hoan kín nước nơi suối cứu độ được viết về những vị này vậy” (Commentary on the Gospel of John, 4, Rome 1994, pp. 272, 275).
Tiếc thay, nhân loại thường bỏ bê mạch nước này, mạch nước làm giãn cơn khát của toàn diện hữu thể con người, như tiên tri Giêrêmia đã buồn bã vạch ra điều này là: “chúng đã lãng quên ta, nguồn nước hằng sống; chúng đi đào cho chúng những giếng nước, những giếng nước cạn không có nước” (Jer 2:13). Tiên tri Isaia cũng thế, trước bài thánh thi này mấy đoạn, đã than lên rằng: “Những giòng nước của Siloe dịu dàng chảy”, biểu hiệu cho việc Chúa hiện diện ở Sion, và đã lên tiếng đe dọa về một thứ hình phạt lụt lội bởi “những giòng nước của Con Sông”, Euphrates, “rộng lớn và mãnh liệt” (Is 8:6-7), biểu hiệu cho quân lực và quyền năng kinh tế cũng như cho việc tôn thờ ngẫu tượng, những giòng nước bấy giờ đã làm cho Giuđa hoảng hồn khiếp vía nhưng rồi cũng đã nhận chìm nó.
5.- Một lời mời gọi khác, lời “và hãy nói trong ngày đó”, mở đầu cho tiết đoạn thứ hai (xem Is 12:4-6), một tiết đoạn tiếp tục lời mời gọi hãy hân hoan chúc tụng tôn vinh Chúa. Những lời kêu gọi hãy xướng hát càng tăng thêm: “Hãy chúc tụng, hãy kêu cầu, hãy biểu lộ, hãy công bố, hãy xướng ca, hãy la lên, hãy nhẩy nhót”.
Ở tâm điểm của việc chúc tụng này là lời tuyên xưng duy nhất của niềm tin vào Thiên Chúa Cứu Độ, Đấng can thiệp vào lịch sử và gần gũi với tạo vật của Ngài, chia sẻ những cuộc thăng trầm của Ngài. “Hãy ca khen chúc tụng Chúa về việc chiếm đạt vinh hiển của Ngài… Đấng Thánh Yến Duyên cao cả ở giữa các người” (câu 5-6). Lời tuyên xưng đức tin này cũng mang một nhiệm vụ truyền giáo nữa. “Hãy tỏ các việc Ngài ra nơi các dân nước… Hãy làm cho Ngài được toàn thể địa cầu nhận biết” (các câu 4-5). Ơn cứu độ chiếm hưởng phải được làm chứng cho thế giới thấy, để toàn thể loài người chạy đến những mạch suối bình an, vui mừng và tự do.
(ĐTC đã tóm bài giáo lý của Ngài bằng Anh ngữ như sau)
Anh chị em thân mến,
Với tiên tri Isaia, chúng ta có một bài thánh thi thoạt tiên nhìn về kinh nghiệm đắng cay được dân chúng cảm thấy như là phán quyết của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đoạn kết, bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã nguôi giận và yêu thương khôn cùng. Tiên tri sử dụng hình ảnh nước để diễn tả hành động của Thiên Chúa: “ngươi sẽ hân hoan uống những suối nước cứu độ”. Đây là những suối nước tình yêu Thiên Chúa, những giòng nước sự sống mới. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta lại thích những thứ nước chết chóc; để rồi chúng ta sầu khổ tự luận phạt mình. Sách Tiên Tri Isaia nói về một vị vua mang đến ơn cứu độ. Bằng những lời của vị tiên tri này, chúng ta hãy tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Vua của chúng ta, và chúng ta loan báo cho thế giới ơn cứu độ ở nơi Người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 24/4/2002)
Bài 38 – TV 80 (81) (Thứ Tư 24/4/2002)
“THIÊN CHÚA KHÔNG MUỐN LUẬN TỘI VÀ KẾT ÁN, NHƯNG MUỐN CỨU ĐỘ VÀ GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI KHỎI SỰ DỮ”
(Thánh Vịnh 80 [81], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1.- “Hãy thổi kèn lên vào ngày trăng mới, vào ngày tròn trăng, một ngày trọng đại của chúng ta” (Ps 80 [81]: 4). Những lời này của bài Thánh Vịnh 80 (81) chúng ta vừa công bố gợi lại cho chúng ta thấy một cuộc cử hành phụng vụ theo nguyệt lịch của dân Do Thái xưa. Khó có thể diễn tả chính xác ngày lễ được bài thánh vịnh muốn đề cập tới ở đây là ngày lễ nào; nhưng điều rõ ràng ở đây là lịch phụng vụ của thánh kinh, mặc dù được bắt đầu bằng chu kỳ theo mùa thời gian cũng là chu kỳ theo thiên nhiên, cho thấy nó gắn liền với lịch sử cứu độ, nhất là với cái biến cố chính, biến cố xuất hành thoát khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập, một biến cố liên quan đến ngày trăng tròn của tháng thứ nhất (x Ex 12:2,6; Lev 23:5). Thật vậy, Vị Thiên Chúa giải phóng và cứu độ đã tỏ mình ra vào chính ngày này.
Ở câu 7, bài Thánh Vịnh của chúng ta đây đã nói một cách văn chương bóng bảy là chính Thiên Chúa đã cất khỏi lưng của những người nô lệ Do Thái ở Ai Cập cái giỏ đựng đầy những gạch ngói cần thiết cho việc xây cất những thành phố Pitom và Rameses (x Ex 1:11,14). Thiên Chúa đã đứng về phe kẻ bị đàn áp, và đã dùng quyền năng của mình để cất đi cũng như để hủy đi dấu hiệu cay cực của cảnh làm tôi nô lệ, cái giỏ đựng những gạch ngói đúc bằng sức nóng mặt trời, một biểu hiệu cho việc con dân Yến Duyên bị áp bức làm lao động.
2.- Giờ đây, chúng ta hãy xem bài ca vịnh phụng vụ này của dân Yến Duyên được khai triển ra sao. Bài ca vịnh này mở đầu bằng lời mời gọi tham dự cuộc lễ hội, hát hò, nhạc điệu: Đó là lời kêu gọi chính thức về một cuộc qui tụ cử hành phụng vụ theo lề lối phụng vụ xưa, một lề lối đã được qui định tại đất nước Ai Cập trong việc cử hành Lễ Vượt Qua (x Ps 80 [81]:2-6a). Sau lời kêu gọi này là tiếng của chính Chúa vang lên, qua lời nói của vị tư tế trong đền thờ Sion, và những lời thần linh này đã được toàn bài Thánh Vịnh tiếp tục trình bày (x các câu 6b-17).
Bài trình bày này thì đơn sơ và xoay quanh hai cột trụ. Một đàng là tặng ân giải phóng của Thiên Chúa ban cho đám dân Yến Duyên bị đàn áp và bất hạnh: “Trong cơn khốn khó các ngươi kêu cầu và Ta đã giải cứu các ngươi” (câu 8). Điểm qui chiếu cũng được nói đến ở đây về việc Chúa nâng đỡ dân Yến Duyên, đó là việc Ngài ban cho họ thứ nước uống ở Meriba trong khi họ gặp khốn khó thử thách nơi cuộc hành trình vượt qua sa mạc.
3.- Tuy nhiên, về phương diện khác, vị Tác Giả Thánh Vịnh lại nêu lên một yếu tố quan trọng nữa đi liền với tặng ân thần linh. Thứ tôn giáo của thánh kinh không phải là việc Thiên Chúa một mình độc thoại, một tác động không gây ra một ứng cảm nào cả. Trái lại, nó là một cuộc đối thoại, một tiếng nói cần phải được đáp ứng, một cử chỉ cần phải được chấp nhận. Đó là lý do tại sao rất nhiều chỗ trong Thánh Kinh đã nói đến những lời Thiên Chúa kêu gọi dân Yến Duyên.
Trước hết, Chúa mời gọi (dân Yến Duyên) hãy trung thành tuân giữ giới luật đầu tiên, nền tảng cho cả Bản Thập Giới, tức là Ngài mời gọi họ hãy tin tưởng vào một vị Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất mà từ bỏ đi những thứ tà thần ngẫu tượng (x Ex 20:3-5). Lời của vị tư tế nhân danh Thiên Chúa mà nói đây nổi bật với động từ “hãy lắng nghe”, một động từ rất thân quen trong Sách Nhị Luật, một động từ nói lên cho thấy việc dân Yến Duyên ngoan ngoãn gắn bó với Lề Luật được ban bố ở Núi Sinai, và là dấu hiệu chứng tỏ việc họ đáp lại tặng ân họ được Thiên Chúa ra tay giải phóng. Thật vậy, bài Thánh Vịnh của chúng ta ở đây lập lại thế này: “Dân Ta ơi, hãy lắng nghe… Yến Duyên ơi, ngươi có nghe Ta hay chăng!... Dân Ta đâu có nghe những lời của Ta; Yến Duyên đã không vâng lời Ta… Thế nhưng, thậm chí cho đến lúc này đây nếu dân Ta còn nghe Ta” (Ps 80 [81]: 9,12,14).
Chỉ bằng việc trung thành lắng nghe và tuân phục, đám dân này mới có thể lãnh nhận trọn vẹn những tặng ân của Chúa. Tiếc thay, Thiên Chúa đã phải đau lòng chứng thực cho thấy nhiều lần dân Yến Duyên đã bội tín bất trung. Con đường đi trong sa mạc, được bài Thánh Vịnh này mở đầu, với đầy những hành động phản kháng và ngẫu tượng, những hành động lên đến tuyệt đỉnh nơi hiện thân con bò vàng đúc (x Ex 32:1-14).
4.- Phần cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x Ps 80 [81]:14-17) có một giọng ai oán. Thật vậy, Thiên Chúa đã bày tỏ một ước muốn cho đến lúc ấy vẫn chưa được thỏa nguyện: “Thế nhưng, cho dù đến lúc này đây giá mà dân Ta nghe lời Ta, giá mà Yến Duyên bước đi theo đường lối của Ta” (câu 14).
Tuy nhiên, lời ai oán này phát xuất từ yêu thương và gắn liền với lòng ao ước thực sự muốn đám Dân Tuyển Chọn được hưởng đầy những sự thiện hảo tốt lành. Nếu dân Yến Duyên mà bước đi theo đường lối của Chúa, Ngài sẽ có thể cho họ thắng được liền các kẻ địch thù của họ (x câu 15), và sẽ nuôi dưỡng họ “bằng thứ lúa mạch hảo hạng”, cũng như sẽ làm họ được thỏa thuê “với thứ mật ong thạch nhũ” (câu 17). Nó sẽ là một bữa tiệc hoan lạc với một thứ bánh mới tinh, cùng với mật ong xuất phát từ các tảng đá ở Đất Hứa, tiêu biểu cho tình trạng thịnh vượng và viên phúc, vẫn thường được lập lại trong Thánh Kinh (x Nhị Luật 6:3, 11:9, 26:9,15, 27:3, 31:20). Cống hiến cho dân của mình viễn ảnh tuyệt vời này, hiển nhiên Chúa muốn thấy dân Ngài hoán cải trở về với Ngài, đáp ứng của một thứ tình yêu chân thành và tác hiệu, đối lại tình yêu quảng đại của Ngài.
Tặng ân thần linh này hiện lên trọn vẹn nơi ý nghĩa Kitô giáo. Thật vậy, giáo phụ Origen đã giải thích cho chúng ta biết là: Chúa “đã dẫn họ vào đất hứa; Ngài đã nuôi dưỡng họ không phải bằng manna như khi họ còn ở trong sa mạc, mà là bằng hạt lúa miến được gieo xuống đất (x Jn 12:24-25), một hạt lúa miến đã phục sinh… Chúa Kitô là hạt lúa miến; Người cũng là tảng đá làm dân Yếu Duyên thỏa thuê thứ nước uống trong sa mạc. Theo nghĩa thiêng liêng, Người đã làm cho họ được no thỏa mật ong, chứ không phải nước, để tất cả những ai tin tưởng và lãnh nhận của ăn này sẽ nếm hưởng mật ong nơi miệng lưỡi của họ” (Homily on Psalm 80 [81], n.17: Origen-Jerome, 74 Bài Giảng về Sách Thánh Vịnh, Milan, 1993, pp. 204-205).
5.- Nơi cuộc phản khắc giữa Thiên Chúa và thành phần dân tội lỗi, lúc nào cũng xẩy ra trong giòng lịch sử cứu độ là phán quyết cuối cùng bao giờ cũng là yêu thương và tha thứ, hơn là luận phán và trừng phạt. Thiên Chúa không muốn luận tội và kết án, mà là muốn cứu độ và giải thoát nhân loại khỏi sự dữ. Ngài tiếp tục lập lại những lời chúng ta đọc thấy trong Sách Tiên Tri Êzêkiên: “Ta có sung sướng hay chăng khi thấy kẻ gian ác phải chết?... Trái lại, Ta lại chẳng hoan hỉ khi thấy nó bỏ đàng xấu xa của nó để được sống hay sao?... Ôi nhà Yến Duyên, tại sao ngươi lại phải chết chứ? Ta đâu có sung sướng gì nơi cái chết của bất cứ người nào đâu, Chúa là Thiên Chúa phán. Ngươi hãy quay trở về để được sống!” (18:23,31-32).
Phụng vụ trở thành nơi hồng phúc để nghe lời Thiên Chúa kêu gọi hãy nơi cuộc phản khắc giữa Thiên Chúa và thành phần dân tội lỗi, hoán cải và trở về với vòng tay của Thiên Chúa “từ bi và nhân hậu, … chậm bất bình và giầu lòng từ ái với tín trung” (Ex 34:6).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 80 là một lời kêu mời đến tham dự một cuộc lễ phụng vụ hoan hỉ, một việc cử hành cuộc dân Yến Duyên được giải phóng khỏi cảnh nô lệ, và cũng là một lời mời gọi hãy trung thành với Giao Ước. Chỉ khi nào giữ lòng trung thành với lời Chúa và vâng theo những giới lệnh của Ngài, Dân Tuyển Chọn mới được tự do và thịnh đạt theo lòng mong ước. Những tặng ân này được biểu hiệu bằng lúa miến và mật ong, những biểu hiệu của muôn vàn hoa trái nơi Mảnh Đất Hứa. Giáo Hội đọc những câu này theo ý nghĩa cứu độ được ban tặng nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa Sự Sống, Đấng làm trọn niềm hy vọng của tất cả những ai tin tưởng nơi Người. Cầu nguyện bằng bài Thánh Vịnh này, Kitô hữu hãy nghe lời Thiên Chúa mời gọi cải thiện đời sống mà lãnh nhận tặng ân tự do và sự sống mới Ngài ban nơi Chúa Kitô Phục Sinh.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 1/5/2002)
Bài 39 – TV 50 (51) (Thứ Tư 8/5/2002)
BÀI THÁNH THI DÂNG LÊN THIÊN CHÚA TÌNH THƯƠNG
(Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
1.- Vào Ngày Thứ Sáu hằng tuần, phụng vụ giờ kinh ban mai đọc “kinh cầu thương xót” của bài Thánh Vịnh 50 (51), Bài Thánh Vịnh thống hối được yêu chuộng nhất, được xướng lên và suy niệm, một bài thánh thi do thành phần tội nhân thống hối dâng lên Thiên Chúa tình thương. Ở một bài giáo lý trước đây, chúng ta đã có dịp trình bày ý nghĩa tổng quát của lời nguyện cầu hay ho này. Trước hết con người tiến vào một vùng tối tăm tội lỗi, sau đó được đưa tới ánh sáng của lòng người thống hối và ơn Chúa thứ tha (x các câu 3-11). Bấy giờ ân sủng thần linh được tôn tụng, một ân sủng biến đổi và canh tân tinh thần và lòng trí của thành phần tội nhân thống hối: đó là một vùng ngời sáng, đầy tràn hy vọng và tin tưởng (x các câu 12-21).
Ở đây chúng ta sẽ từ từ suy niệm một số điểm ở phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 50 (51), chú trọng nhiều hơn đến một số khía cạnh. Tuy nhiên, để mở đầu, chúng ta muốn đề cập tới lời loan báo thần linh tuyệt vời ở Núi Sinai, lời loan báo hầu như phác tả bức chân dung về Thiên Chúa được “Kinh Cầu Thương Xót” hát lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa, Vị Thiên Chúa xót thương và từ ái, chậm bất bình và giầu lòng nhân hậu với tín trung, lòng nhân hậu của Ngài tồn tại đến muôn muôn thế hệ, và Ngài thứ tha cho những gian tà, tội ác và lỗi phạm” (Ex 34:6-7).
2.- Lời kêu cầu này được dâng lên Thiên Chúa để xin được ơn thanh tẩy là ơn làm cho, như tiên tri Isaia nói, “trắng như tuyết” và “như lông cừu” các thứ tội lỗi tự chúng “đỏ chói” và “đỏ lòm” (x Is 1:18). Vị Tác Giả Thánh Vịnh xưng thú tội lỗi của mình một cách rõ ràng và không do dự: “Tôi biết lỗi phạm của mình. […] Tôi phạm tội đến chính Ngài; tôi đã làm điều gian ác ấy trước nhan Ngài” (Ps 50[51]:5-6).
Ở đây, lương tâm cá nhân con người đã tỏ hiện, khi họ rõ ràng thấy được sự dữ của họ. Đó là một cảm nghiệm bao hàm cả tự do lẫn trách nhiệm, đưa đến chỗ nhìn nhận việc làm đổ vỡ mối liên hệ ràng buộc, để nhờ đó thực hiện một lối sống khác theo đường hướng của Lời thần linh. Nó bao gồm một quyết định dứt khoát thay đổi. Tất cả những điều này là ở tại việc “nhìn nhận”, một động từ theo tiếng Do Thái không phải chỉ dính dáng đến trí tuệ mà còn đến cả việc cương quyết chọn lựa nữa.
Bất hạnh thay, chính cái đó lại là cái nhiều người không làm, như giáo phụ Origen cảnh giác: “Có một số người sau khi phạm tội vẫn hoàn toàn bằng an vô sự và không hề nghĩ gì về tội lỗi của mình cả, họ cũng không bị ray rứt bởi ý thức được mình đã làm điều gian ác, song sống như không có gì xẩy ra. Dĩ nhiên, những người này không thể nào nói được rằng: tôi luôn luôn nhìn thấy tội lỗi của mình. Trái lại, phạm tội rồi, bởi áy náy khổ sở về tội lỗi của mình, và quằn quại đắng cay, họ sẽ không thôi khóc lóc và chịu đựng những cuộc tấn công nội tâm giầy vò họ, họ mới là con người có lý để than lên rằng: vì bản chất tội lỗi của mình mà xương cốt của tôi cũng không được yên ổn. Bởi thế, khi chúng ta đặt trước mắt tâm hồn mình tội lỗi chúng ta đã vấp phạm, chúng ta nhìn vào từng tội một, chúng ta công nhận tội lỗi của mình, chúng ta xấu hổ và thống hối về tất cả những gì chúng ta đã làm, để rồi, thật sự cảm thấy nặng nề và kinh hãi, chúng ta mới nói được rằng vì bản chất tội lỗi của chúng ta mà xương cốt của chúng ta không được yên ổn” (Homilies on the Psalms, Florence, 1991, pp. 277-279). Việc nhìn nhận và ý thức tội lỗi như thế là hoa trái của một cảm quan có được nhờ ánh sáng của Lời Thiên Chúa.
3.- Trong lời thú tội nơi “Kinh Cầu Thương Xót” có một điểm đặc biệt nổi bật, ở chỗ tội lỗi không phải chỉ được xét đến theo khía cạnh cá nhân và “tâm lý” của nó, mà trước hết nó được phác tả theo tính chất thần học của nó. “Tôi đã phạm tội phản nghịch đến chính Ngài” (Ps 50[51]:6), tội nhân mà truyền thống cho là Đavít này đã than lên như thế, khi nhận biết tội ngoại tình của mình với Bathsheba, nhận biết lời tiên tri Nathan tuyên cáo tội ác ấy, cùng với tội sát hại Uria chồng của người đàn bà này (x câu 2; 2Sam 11-12).
Bởi thế, tội lỗi không phải chỉ là một vấn đề tâm lý hay xã hội, mà là một biến cố làm tổn hại đến mối liên hệ với Thiên Chúa, phạm đến lề luật của Ngài, gạt bỏ đi dự án của Ngài trong lịch sử, đảo lộn bậc thang giá trị, thay thế “tối tăm bằng ánh sáng và ánh sáng bằng tối tăm”, tức là cho “sự dữ là sự lành và sự lành là sự dữ” (x Is 5:20). Ngoài việc hết sức làm hổ nhục cho con người, trước hết tội lỗi là một thứ bội phản Thiên Chúa. Tiêu biểu là những lời do người con phung phá gia tài đã thân thưa trước mặt người cha phung phí tình yêu là: “thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời – tức đến Thiên Chúa – và đến cha!” (Lk 15:21).
4.- Đến đây, Tác Giả Thánh Vịnh nêu lên một khía cạnh khác, trực tiếp liên hệ tới thực tại loài người hơn. Đó là một câu đã có rất nhiều lời giải thích và cũng đã dính dáng tới tín điều về nguyên tội, đó là câu “Tôi thực sự đã được sinh ra tội lỗi, là một tội nhân ngay cả từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ” (Ps 50[51]:7). Con người cầu nguyện này muốn xác nhận về sự có mặt của sự dữ nơi toàn thể hữu thể của chúng ta, như đã rõ ràng đề cập đến trong vấn đề thụ thai và sinh hạ, một cách diễn tả cho thấy toàn thể cuộc sống ngay từ khởi đầu. Tuy nhiên, Vị Tác Giả Thánh Vịnh không chính thức nối kết tình trạng này với tội lỗi của Adong và Evà, tức là ông không minh nhiên nói đến nguyên tội.
Tuy nhiên, theo bản văn của bài Thánh Vịnh, rõ ràng là sự dữ ẩn nấp nơi tầng sâu thẳm nhất của hữu thể con người; nó là tính chất thuộc về thực tại lịch sử của họ mà vì thế mới cần phải kêu cầu sự can thiệp của ân sủng thần linh. Quyền năng của tình yêu Thiên Chúa thắng vượt quyền năng của tội lỗi, giòng sông hủy hoại của sự dữ không mạnh bằng giòng sông tràn đầy tha thứ: “ở đâu tội lỗi càng nhiều thì ở đó ân sủng càng dồi dào hơn nữa” (Rm 5:20).
5.- Theo chiều hướng này thì thần học về nguyên tội cũng như toàn thể quan điểm thánh kinh về con người tội lỗi cũng đã gián tiếp gợi lên những lời lẽ khiến con người nhận thấy ánh sáng của ân sủng và của ơn cứu độ.
Như chúng ta sẽ có dịp thấy sau này khi trở lại với bài Thánh Vịnh đây ở những câu tiếp theo, thì việc thú nhận lỗi lầm và nhận thức được tình trạng khốn nạn của mình sẽ không kết thúc trong run sợ hay trong cái ám ảnh của việc luận xử, mà là trong niềm hy vọng được thanh tẩy, được giải thoát, được tái tạo.
Thật vậy, Thiên Chúa cứu độ chúng ta “không phải vì việc chính trực nào chúng ta đã thực hiện mà vì tình thương của Ngài, Ngài đã cứu độ chúng ta nơi bể tái sinh và canh tân bởi Vị Thần Linh thánh mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của chúng ta” (Ti 3:5-6).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 50 là bài Thánh Vịnh Thống Hối nổi tiếng. Tác giả Thánh Vịnh xưng thú tội lỗi của mình và thú nhận mình đã làm sai quấy trước nhan Thiên Chúa. Trong khi nhìn nhận mình tội lỗi, vị tác giả này vẫn không bao giờ mất niềm hy vọng nơi lời hứa nhân hậu, yêu thương và thứ tha của Ngài. Niềm hy vọng này sau cùng sẽ được hoàn tất nơi ơn giải thoát của Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi tặng ân Thánh Linh của Người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 15/5/2002)
Bài 40 – Ca vịnh Hb (Thứ Tư 15/5/2002)
PHÁN QUYẾT CỦA THIÊN CHÚA LÀ GIẢI PHÓNG KẺ NGÀI THƯƠNG
(Ca Vịnh Habacúc, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
1.- Để hỗ trợ cho lời cầu nguyện của các Bài Thánh Vịnh chính, Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai sắp xếp cho chúng ta một loạt các bài ca vịnh thánh kinh có ý nghĩa rất sâu xa. Hôm nay, chúng ta đã nghe một thí dụ được trích từ chương thứ ba và chương cuối cùng của Sách Tiên Tri Habacúc. Vị tiên tri này sống vào cuối thế kỷ thứ bảy trước Chúa Kitô Giáng Sinh, khi mà vương quốc Giuđa đang bị kìm kẹp giữa hai siêu cường đang bành trướng bấy giờ, một bên là Ai Cập và một bên là Babylon.
Tuy nhiên, nhiều học giả chủ trương rằng bài thánh thi cuối cùng này là một bài trích dẫn. Một bài phụng ca được thêm vào như phần phụ trương cho bản văn ngắn ngủi của Tiên Tri Habacúc, “bằng một giọng than vãn” được đệm bằng “những cây huyền cầm”, như hai ghi chú ở đầu và cuối bài Ca Vịnh nói đến cho thấy như vậy (xem Habacúc 3:1-19b). Chọn đề tài cầu nguyện cổ kính này của dân Do Thái là Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai muốn kêu gọi chúng ta hãy biến bài sáng tác này thành một bài ca Kitô Giáo, bằng việc chọn lấy một số câu quan trọng (xem các câu 3:2-4, 13a, 15-19a).
2.- Bài thánh thi này, một bài thánh thi cũng cho thấy một hấp lực thi ca đáng chú ý, trình bày cho thấy hình ảnh cao cả về một Vị Chúa (các câu 3-4). Hình ảnh cao cả của Ngài làm chủ toàn cảnh trí thế giới, và vũ trụ run rẩy trước việc Ngài đang uy nghi tiến đến. Ngài đang đến từ phía nam, từ Teman và Núi Paran (câu 3:3), tức là, từ miền Sinai, cảnh trí của một cuộc đại thần hiển tỏ mình cho dân Do Thái thấy. Bài Thánh Vịnh 67 cũng diễn tả “Chúa đến từ Sinai mà vào nơi thánh” của Giêrusalem (câu 18). Việc Ngài xuất hiện, theo truyền thống cố hữu của thánh kinh, được ánh sáng bao tỏa (xem Habacúc 3:4).
Nó là cuộc chiếu tỏa rạng ngời của một mầu nhiệm siêu việt được Ngài thông đạt cho nhân loại: thật vậy, ánh sáng ở bên ngoài chúng ta, chúng ta không thể nắm giữ nó hay chặn đứng nó, trái lại, nó bao phủ, soi sáng và sưởi ấm chúng ta. Thiên Chúa cũng thế, vừa xa lại vừa gần, bên ngoài chúng ta song lại kế cận chúng ta, đúng hơn Ngài muốn ở với chúng ta và ở trong chúng ta. Trái đất đáp lại với một ca đoàn chúc tụng những gì mạc khải cho thấy vẻ uy nghi của Ngài: nó là một đáp ứng của vũ trụ, một thứ kinh nguyện được con người cất tiếng lên đọc.
Truyền thống Kitô Giáo đã sống cảm nghiệm nội tâm này, chẳng những bằng một linh đạo ở bên trong cá nhân con người, mà còn nơi những sáng tạo nhiệt tình về nghệ thuật. Ngoài những vương cung thánh đường uy nghi thời trung cổ, trước hết chúng ta muốn đề cập tới nghệ thuật của Kitô Giáo Đông Phương, với những linh ảnh tuyệt vời cùng với kiểu kiến trúc tinh khéo nơi các nhà thờ và đan viện.
Về khía cạnh này, nhà thờ của Thánh Sofia ở Contantinopoli vẫn là một thứ kiểu mẫu liên quan đến giới hạn về khoảng không gian cầu nguyện của Kitô Giáo, trong đó, sự hiện diện và bất khả thấu của một thứ ánh sáng cho phép con người nhận thấy cả tính cách sâu xa và siêu việt của thực tại thần linh. Nó thấu nhập toàn thể cộng đồng cầu nguyện cho tới tận xương tủy, đồng thời kêu gọi cộng đồng này vượt trên chính mình mà hoàn toàn chìm sâu vào cái khôn lường của huyền nhiệm. Những dự án về nghệ thuật và thiêng liêng làm nên đặc tính các đan viện thuộc truyền thống Kitô Giáo quan trọng như thế đó. Ở những nơi thánh chân thực ấy – chúng ta nghĩ ngay đến Núi Athos – thì thời gian chất chứa nơi chính mình nó một dấu hiệu cho thấy vĩnh hằng. Ở nơi những chỗ này, mầu nhiệm về Thiên Chúa tỏ mình ra hay ẩn mình đi được tỏ hiện qua lời cầu nguyện liên tục của các vị đan sĩ và ẩn sĩ, những vị bao giờ cũng được coi như có đặc tính giống các thần trời.
3.- Thế nhưng, chúng ta trở lại với bài Ca Vịnh của tiên tri Habacúc. Đối với vị thánh ký, việc Chúa đi vào thế giới có một ý nghĩa xác đáng. Ngài muốn đi vào lịch sử loài người, “giữa những tháng năm”, như được lập lại hai lần ở câu 2, để phán xét cũng như để làm cho các công cuộc của lịch sử nên tốt hơn, những công cuộc chúng ta đã thực hiện một cách lầm lẫn, có những lúc còn bị hư hỏng nữa.
Bấy giờ Thiên Chúa tỏ ra phẫn nộ (câu 3:2c) với sự dữ. Và bài ca này qui chiếu về một loạt không ngừng những lần can thiệp thần linh, không đề cập đến vấn đề những hành động này trực tiếp hay gián tiếp. Bài ca này đã nại đến cuộc xuất hành của dân Do Thái, khi quân kỵ của Pharaon bị chìm xuống lòng biển cả (câu 3:15). Thế nhưng, bài ca này còn cho thấy cả viễn ảnh về công việc Chúa sắp hoàn thành bằng những đối đầu với một tay đàn áp mới trên dân của Ngài nữa. Sự can thiệp thần linh được diễn tả một cách hầu như “tỏ tường” qua một chuỗi những hình ảnh về canh nông: “Cho dù cây vả không nở hoa, hay cây nho không sinh trái, cây Olive không kết quả và đồng lúa chẳng trổ bông, thì đàn chiên cũng sẽ bị loại khỏi đàn, và không còn đoàn vật nào trong chuồng” (câu 17). Tất cả mọi dấu hiệu về hòa bình và sinh hoa kết trái đều bị loại trừ và thế giới hiện lên như một sa mạc hoang vu. Đó lại là một biểu hiệu vui mừng của các tiên tri khác (xem Jer 4:19-26, 12:7-13, 14:1-10), một biểu hiệu cho thấy việc Chúa ra tay phân xử, Đấng không tỏ ra dửng dưng trước sự dữ, trước tình trạng đàn áp và bất công.
4.- Đụng độ với việc can thiệp thần linh, con người cầu nguyện vẫn bị kinh hoàng (xem Habacúc 3:16), họ run rẩy và cảm thấy linh hồn mình trống rỗng đến rùng mình, vì Vị Thiên Chúa công minh bất khả sai lầm, hoàn toàn khác với những vị thẩm phán trần gian.
Tuy nhiên, việc Chúa tiến vào đây cũng có một ý nghĩa khác nữa, một ý nghĩa làm cho bài ca của chúng ta đây vui mừng xướng lên. Thật vậy, trong cơn phẫn nộ của mình, Ngài vẫn không quên tình thương cảm kích của Ngài (câu 3:2). Ngài tiến lên từ chân trời vinh quang của mình không phải chỉ để tiêu diệt việc kiêu căng hống hách của kẻ gian ác, nhưng cũng để cứu độ dân Ngài và thành phần được xức dầu nữa (câu 3:13), tức thành phần dân Do Thái và các vị vua của họ. Ngài cũng muốn làm Đấng giải thoát thành phần bị đàn áp, làm cho lòng của các nạn nhân bừng lên niềm hy vọng, mở ra một kỷ nguyên công chính mới.
Tuy nhiên, việc Chúa tiến vào đây cũng có một ý nghĩa khác nữa, một ý nghĩa làm cho bài ca của chúng ta đây vui mừng xướng lên. Thật vậy, trong cơn phẫn nộ của mình, Ngài vẫn không quên tình thương cảm kích của Ngài (câu 3:2). Ngài tiến lên từ chân trời vinh quang của mình không phải chỉ để tiêu diệt việc kiêu căng hống hách của kẻ gian ác, nhưng cũng để cứu độ dân Ngài và thành phần được xức dầu nữa (câu 3:13), tức thành phần dân Do Thái và các vị vua của họ. Ngài cũng muốn làm Đấng giải thoát thành phần bị đàn áp, làm cho lòng của các nạn nhân bừng lên niềm hy vọng, mở ra một kỷ nguyên công chính mới.
5.- Vì thế, mặc dù được đánh dấu bằng một “giọng than vãn”, bài ca vịnh của chúng ta đây cũng đã được biến thành một bài thánh thi vui mừng. Thật vậy, những ai bị đàn áp vẫn mong chờ được giải thoát khỏi những hoạn nạn xẩy ra. Do đó, những cơn hoạn nạn này mới bừng nên niềm vui nơi người công chính, thành phần kêu lên rằng: “Nhưng tôi sẽ vui mừng hớn hở trong Chúa, tôi sẽ vui mừng hớn hở trong Thiên Chúa cứu độ tôi” (câu 18). Chúa Giêsu cũng xin các môn đệ của Ngài hãy có cùng một thái độ như thế trong những cơn khốn khó thế mạt: “Vậy khi những điều này bắt đầu xẩy ra, các con hãy ngước mắt và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu độ của các con đang đến” (Lk 21:28).
Câu cuối cùng của bài ca vịnh Habacúc thật là tuyệt vời, một câu diễn tả tình trạng yên hàn đã được phục hồi. Như Đavít trong bài Thánh Vịnh 17, bài Ca Vịnh này cho rằng Chúa chẳng những như là “một quyền lực” của thành phần trung nghĩa với Ngài, mà còn như là một Đấng ban cho họ sự sinh động, tươi mới, và niềm bình an trong các lúc nguy nan. Đavít đã hát lên rằng: “Tôi yêu mến Ngài, Ôi Chúa, Ngài là sức mạnh của tôi… Ngài đã làm cho chân tôi nhanh nhẹn như chân nai và đã đặt tôi vững vàng trên đỉnh cao sơn” (Ps 17:2,34). Còn vị ca sĩ của chúng ta ở đây kêu lên rằng: “Chúa là Thiên Chúa, sức mạnh của tôi; Ngài làm cho chân tôi nhanh nhẹn như chân nai, Ngài làm cho tôi bước trên những nơi cao của mình” (Habacúc 3:19). Khi con người có Chúa ở bên, họ không còn sợ những cơn ác mộng và các chướng ngại vật nữa, nhưng tiến lên trên con đường sống hết sức khó đi với những bước chân nhẹ nhàng và hân hoan.
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)
Anh chị em thân mến,
Sách Habacúc kết thúc bằng một bài Ca Vịnh diễn tả một cách sống động việc Thiên Chúa đến phán xét để cứu độ dân Ngài. Ánh sáng vinh quang báo hiệu việc Chúa tiến đến là biểu hiệu cho cả siêu việt tính của Ngài lẫn việc hiện diện cứu độ của Ngài trên thế giới và trong lịch sử. Bài Ca Vịnh phác tả Thiên Chúa trong sự thánh thiện và uy nghi của Ngài, thế nhưng nó cũng cho thấy việc Ngài chăm sóc những kẻ tín trung của Ngài và việc Ngài phân xử thành phần bất chính, tội lỗi và sự dữ đã làm lem luốc thiên nhiên tạo vật của Ngài. Chúa xuất hiện một cách uy nghi trong vinh quang và công chính để mang lại tự do, vui mừng và bình an đến cho những ai Ngài dẫn dắt theo con đường sự sống.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 22/5/2002)
Bài 41 – TV 147 (Thứ Tư 5/6/2002)
TẠ ƠN THIÊN CHÚA VỀ TẶNG ÂN TẠO DỰNG
(Thánh Vịnh 147, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài Ca Tụng Giêrusalem chúng ta vừa xướng lên vừa rồi rất thân quen với phụng vụ Kitô Giáo, một phụng vụ thường hát bài Thánh Vịnh 147 này theo chiều hướng liên quan đến Lời Chúa, Lời “thoăn thoắt chạy” trên mặt đất, mà còn liên quan đến Thánh Thể nữa, “một thứ lúa miến hảo hạng” do Thiên Chúa rộng lượng ban phát để “thỏa mãn” cơn đói của con người (xem các câu 14-15).
Thật vậy, giáo phụ Origen, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây trong một bài giảng, một bài giảng đã được Thánh Giêrônimô chuyển dịch và phổ biến ở Tây Phương, đã liên hệ Lời Chúa với Thánh Thể như sau: “Chúng ta đọc các Sách Thánh. Tôi tin rằng Phúc Âm là Thân Thể Chúa Kitô; tôi tin rằng Các Sách Thánh là giáo huấn của Người. Khi Người phán: trừ phi quí vị ăn thịt Con Người và uống máu của Người (Jn 6:53), thì mặc dù những lời này có thể ám chỉ đến Mầu Nhiệm (Thánh Thể), mình máu của Chúa Kitô còn chính là lời Thánh Kinh nữa, đó là giáo huấn của Thiên Chúa. Nếu, khi lãnh nhận Mầu Nhiệm (Thánh Thể), chúng ta để mụn bánh rơi xuống đất, chúng ta cảm thấy mất mát. Khi chúng ta đang lắng nghe Lời Chúa, lúc tai chúng ta thu nhận Lời Chúa cùng với mình và máu Chúa Kitô, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm biết mấy nếu bấy giờ chúng ta lại nghĩ đến một cái gì khác?” (“74 Omelie sul Libro dei Salmi”, 74 bài giảng về Sách Thánh Vịnh, Milan, 1993, pp 543-544).
Các vị học giả cho rằng bài Thánh Vịnh này cần phải được liên kết với bài Thánh Vịnh trước đó, để tạo nên một sáng tác duy nhất, như thực sự cho thấy ở bản gốc Do Thái. Thật thế, nó là một bài ca vịnh duy nhất liên tục trong việc tôn vinh công việc tạo dựng và cứu chuộc do Chúa thực hiện. Nó bắt đầu bằng lời mời gọi chúc tụng: “Hãy chúc tụng Chúa… Tôi sẽ chúc tụng Chúa suốt đời tôi, ca khen chúc tụng Thiên Chúa của tôi khi tôi còn sống” (Ps 146:1).
2.- Nếu chúng ta chú trọng đến đoạn chúng ta vừa nghe, chúng ta có thể phân biệt được 3 trường hợp chúc tụng, như lời kêu mời ngỏ với thành thánh Giêrusalem trong việc tôn vinh và chúc tụng Chúa của thành (xem Ps 147:12).
Nơi trường hợp thứ nhất (xem câu 13-14), hiện lên hoạt động lịch sử của Thiên Chúa. Hoạt động của Ngài được diễn tả bằng một loạt những biểu hiệu nói lên việc bảo vệ và nâng đỡ do Chúa thực hiện đối với thành Sion cũng như đối với con cái của Ngài. Trước hết, chi tiết được nói đến là “những then cài” là những gì làm kiên vững khiến cho các cổng thành Giêrusalem trở thành bất khả xâm phạm. Có lẽ vị Tác Giả Thánh Vịnh có ý ám chỉ đến Nêhêmia, người đã củng cố thành thánh, một thành thánh được tái thiết sau khi đã trải qua cuộc sống đắng cay trong thời lưu đầy tại Babylon (xem Neh 3:3,6,13-15;4:1-9;6:15-16;12:27-43). Ngoài ra, cổng còn là dấu hiệu cho thấy cả thành được vững chắc và yên hàn. Bên trong của các cổng này, một nội cung được tiêu biểu như là một cung lòng an toàn, con cái Sion, tức là các cư dân ở đó, hoan hưởng bình an và yên ổn, dưới chiếc áo choàng chở che của phúc lành thần linh.
Hình ảnh của một thành trì an vui và yên hàn này hiện lên như là một thứ tặng ân bình an cao trọng và quí hóa nhất làm cho biên giới cũng được an toàn. Thế nhưng, chính vì bình an của Thánh Kinh, “shalom”, không phải là một quan niệm tiêu cực, nói về một thứ vắng bóng chiến tranh, mà là một sự kiện tích cực của hạnh phúc và thịnh đạt, Tác Giả Thánh Vịnh mới nói đến sự thỏa mãn khi đề cập tới một “thứ lúa hảo hạng”, tức một thứ hạt lúa tuyệt hạng nặng trĩu bông lúa. Đó là lý do, Chúa đã làm kiên cố những thứ bảo vệ Giêrusalem (xem Ps 87:2), và đã ban phúc lành của Ngài xuống (xem Ps 128:5; 134:3), và khi ban phúc lành này cho toàn thể xứ sở, Ngài đã ban bình an (x Ps 122:6-8), Ngài đã thoả mãn con cái của Ngài (xem Ps 132:15).
3.- Ở phần thứ hai của Bài Thánh Vịnh (xem Ps 147:15-18), Thiên Chúa trước hết hiện lên như Đấng Hóa Công. Thật vậy, công việc tạo dựng hai lần được gắn liền với lời lẽ liên quan đến nguồn gốc của việc hiện hữu, như: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng liền có ánh sáng’… Ngài ban bố lệnh truyền cho trái đất… Ngài ban bố lời của Ngài” (xem Gen 1:3; Ps 147:15,18).
Theo lệnh truyền của Lời thần linh, đã phát xuất và thiết lập hai mùa thời tiết căn bản. Trước hết, Chúa truyền lệnh cho mùa đông xuất hiện trên trái đất, một mùa thời tiết được biểu hiệu nơi hình ảnh tuyết trắng như lồng cừu, hình ảnh như những cây rừng bị đông đá, hình ảnh mưa đá như những mẩu bánh vụn, và hình ảnh đá lạnh gây trở ngại cho hết mọi sự (xem các câu 16-17). Tiếp đến là lệnh thần linh làm cho luồng gió ấm thổi lên màng lại một mùa hè khiến đá lạnh tan đi: Các giòng nước mưa và giông tố nhờ đó có thể tự do tuôn chảy, tưới dội trái đất và làm sinh hoa kết trái.
Bởi thế, Lời Chúa là nguồn gốc của nóng lạnh, của chu kỳ thời tiết, cũng như của giòng đời tự nhiên. Nhân loại được mời gọi để nhận biết và cảm tạ Đấng Hóa Công về tặng ân vũ trụ trọng yếu này, một tặng ân bao bọc họ, cho họ hít thở, nuôi dưỡng và bảo trì họ.
4.- Giờ đây chúng ta tiến sang phần thứ ba cũng là phần cuối cùng nơi bài thánh thi chúc tụng của chúng ta đây (các câu 19-20). Vị Chúa của lịch sử, Đấng chúng ta bắt đầu, cũng được nhắc đến một lần nữa. Lời thần linh mang lại một tặng ân còn cao cả hơn và quí giá hơn cho dân Do Thái, đó là tặng ân Lề Luật, tặng ân Mạc Khải. Một tặng ân đặc biệt: “Thiên Chúa đã không làm như thế cho các dân nước khác; họ không biết gì về một thứ luật lệ như vậy” (câu 20).
Thế nên, Thánh Kinh là kho tàng của Dân Được Tuyển Chọn, thành phần phải tỏ ra trung thành yêu mến và gắn bó với Thánh Kinh. Đó là những gì Moisen đã nói với dân Do Thái trong Sách Nhị Luật: “Có một dân nước nào cao cả được ban cho những luật điều và huấn lệnh chân chính giống hệt như lề luật ta nêu lên cho các người hôm nay đây hay chăng?” (4:8).
5.- Vì Thiên Chúa được thể hiện hai tác động hiển vinh nơi việc tạo thành cũng như trong lịch sử thế nào, cũng có hai mạc khải như vậy: một mạc khải được ghi ấn nơi chính thiên nhiên tạo vật mở ra trước mắt tất cả mọi người; mạc khải kia được ban cho Dân Được Tuyển Chọn, thành phần phải làm chứng nhân và phải thông đạt mạc khải này cho toàn thể nhân loại, một mạc khải được chất chứa nơi Sách Thánh. Có hai thứ mạc khải, song chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và chỉ có một Lời Ngài duy nhất. Tất cả mọi sự nhờ Lời mà được tạo thành, Lời Mở Đầu Phúc Âm Thánh Gioan đã viết như thế, và không có Người không gì được thành nên. Tuy nhiên, Lời cũng đã trở thành “xác thịt”, tức đã đi vào lịch sử, và ở giữa chúng ta (xem Jn 1:3,14).
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến!
Bài Thánh Vịnh 147 kêu gọi Giêrusalem hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ban thịnh vượng và bình an cho Dân Được Tuyển Chọn. Lòng đạo đức của Kitô Giáo đã thấy nơi bài Thánh Vịnh đầy những hình ảnh này bài thánh thi dâng lên Lời Chúa là Đấng tạo dựng và bảo trì vũ trụ, cùng với hình ảnh mờ mờ Thánh Thể, thứ “bánh miến hảo hạng” làm thỏa mãn cơn đói tâm linh sâu xa của chúng ta. Lời Chúa, nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành, vào lúc thời gian viên trọn, đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta vì phần rỗi của chúng ta. Tôn vinh Người đến muôn đời!
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Vatican Press Office per Zenit 5/6/2002)
Bài 42 – TV 91 (92) (Thứ Tư 12/6/2002)
SỰ LÀNH VÀ SỰ DỮ HOÀN TOÀN SÁNG TỎ TRONG ÁNH SÁNG CỦA THIÊN CHÚA
(Thánh Vịnh 91 [92], Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài Thánh Vịnh 91 (92) mà chúng ta vừa đọc, một bài ca của người công chính dâng lên Vị Thiên Chúa hóa công, đã chiếm được một chỗ đặc biệt trong truyền thống Do Thái cổ thời. Thật vậy, nhan đề được đặt cho bài Thánh Vịnh cho thấy rằng bài thánh vịnh này được hát vào Ngày Hưu Lễ (xem câu 1). Bởi thế, đây là bài thánh thi đâng lên Chúa Hằng Hữu và Tối Cao, khi mà, vào lúc chiều xuống của Ngày Thứ Sáu, ngày cầu nguyện thánh hảo, lại là lúc bắt đầu việc chiêm niệm, một thứ tĩnh lặng thanh thản của xác thân và tâm thần.
Hình ảnh trang trọng và vĩ đại của Thiên Chúa Tối Cao ở ngay tâm điểm của bài Thánh Vịnh (xem câu 9), với một thế giới thái hòa và an bình ở chung quanh Ngài. Trước nhan Ngài còn có thành phần công chính, thành phần mà, theo quan niệm quen thuộc của Cựu Ước, tràn đầy hạnh phúc, vui mừng và trường thọ, thành quả tất yếu của việc họ sống thành kính và tín trung. Điều này liên quan đến một thứ lý thuyết được gọi là phản hồi, một lý thuyết chủ trương là hết mọi thứ tội đều bị trừng phạt ngay trên thế gian này và mọi hành động lành thánh đều được tưởng thưởng. Mặc dù có một yếu tố về chân lý nơi quan niệm này, tuy nhiên, như ông Gióp trực giác thấy và như Chúa Giêsu xác nhận (xem Jn 9:2-3), thực tại của tình trạng nhân loại khổ đau thì phức tạp hơn nhiều và không dễ gì có thể hiểu thấu. Thật vậy, tình trạng con người khổ đau cần phải được cứu xét theo quan điểm liên quan đến cõi vĩnh hằng.
2.- Thế nhưng, giờ đây chúng ta hãy khảo sát bài thánh thi khôn ngoan có những ý nghĩa phụng vụ này. Bài thánh thi này được làm nên bởi một lời kêu gọi thiết tha hãy thực hiện việc chúc tụng, hãy hát lên bài ca hoan lạc tạ ơn, hãy mở nhạc hội, gẩy đàn 10 giây, đàn thất huyền và đa huyền cầm. Phải cử hành tình yêu và lòng trung thành của Chúa bằng bài ca phụng vụ được điều khiển “cách thiện nghệ” (xem Ps 46[47]:8). Lời mời gọi này cũng hợp với cả những việc cử hành của chúng ta nữa, nhờ đó những việc cử hành ấy mới phục hồi được quang sáng chẳng những nơi ngôn từ và các nghi thức nữa, mà còn nơi cả những cung điệu tác động những việc cử hành này nữa.
Sau lời kêu gọi đừng bao giờ làm gẫy cái trục cầu nguyện trong ngoài này, một hơi thở liên lỉ thực sự của nhân tính trung thành, bài Thánh Vịnh 91 (92) đề ra, như thể thành hai bức chân dung, chân dung của kẻ gian ác (xem câu 7-10) và chân dung của người chính trực (xem câu 13-16). Tuy nhi6en, kẻ gian ác ra trước nhan Chúa, “muôn đời cao thẳm” (câu 9), thành phần sẽ triệt hạ các kẻ thù của họ và sẽ phân tán tất cả mọi kẻ hành ác (xem câu 10). Thật vậy, chỉ có ở trong ánh sáng thần linh, người ta mới có thể hiểu được cái sâu xa của sự lành và sự dữ, hiểu được chiều sâu của đức công chính và việc gian ác.
3.- Hình ảnh của tội nhân được vẽ bằng những hình ảnh thảo mộc: “kẻ gian ác trổ sinh như cỏ và tất cả mọi tội nhân vươn cành xum xuê” (câu 8). Tuy nhiên, việc trổ sinh tươi tốt này hướng về việc khô héo và tàn tạ. Thật vậy, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã dùng nhiều động từ và ngôn từ để diễn tả cảnh tàn rụi này: “Chúng đi đến chỗ đời đời bị hư hoại… Lạy Chúa, thật thế các lẻ thù của Ngài sẽ tàn tạ; tất cả mọi tội nhân sẽ bị tan tành” (các câu 8,10).
Nguồn gốc gây ra cái tai ương ác báo này là một sự dữ sâu xa kìm kẹp lòng trí của kẻ gian ác: “Con người vô thức không thể nào biết được điều này; con người ngu ngốc không thể nào triệt thấu” (câu 7). Những tĩnh từ được sử dụng ở đây thuộc về một thứ ngôn từ của sự khôn ngoan, và cho thấy cái hung bạo, mù tối, ngu đần của thành phần nghĩ rằng họ có thể tung hoành mặt đất bất chấp mọi hậu quả về luân lý, tự lừa dối mình rằng Thiên Chúa là Đấng vắng bóng và dửng dưng. Trái lại, con người cầu nguyện tin tưởng rằng, không sớm thì muộn, Chúa cũng sẽ xuất hiện ở chân trời để thiết lập công lý cũng như để phá tan cái ngang tàng của kẻ xuẩn ngốc (xem Ps 13[14]}.
4.- Thế rồi, tới đây chúng ta thấy xuất hiện hình ảnh của kẻ công chính, được vẽ lên trong một bức họa mầu sắc to tát. Trong trường hợp về kẻ công chính này, những hình ảnh về thảo mộc xanh tươi cũng được sử dụng đến. Ngược lại với kẻ gian ác, thành phần sặc sỡ nhưng nông nổi như cỏ rả ngoài đồng, kẻ công chính mọc lên hướng về trời, vững chắc và uy nghi như một cây dừa hay cây hương bá xứ Lêbanon. Kẻ công chính “được trồng nơi nhà Chúa” (câu 14), tức là họ có một sự liên hệ hết sức chắc chắn và vững vàng với đền thờ, bởi thế với cả Chúa nữa, Đấng đã thiết lập chỗ cư trú của Ngài nơi họ.
Truyền thống Kitô giáo cũng chơi chữ với ý nghĩa lưỡng diện của tiếng “phoinix” Hy Lạp, một từ ngữ được sử dụng để chuyển dịch tiếng Do Thái nói về cây dừa. “Phinix” là tiếng Hy Lạp để gọi cây dừa, nhưng đồng thời cũng để gọi chim trời là loài chúng ta gọi là “phoenix”. Vậy mà chữ phoenix vốn được hiểu là tiêu biểu cho tình trạng vô luân, vì người ta nghĩ rằng loài chim được sinh ra từ các thứ tro tàn. Kitô hữu cũng sống cảm nghiệm này trong việc họ tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô, Đấng là nguồn mạch của sự sống mới (xem Rm 6:3-4). “[Thiên Chúa]… ngay cả khi chúng ta đang chết trong tình trạng vấp phạm của mình, cũng đã làm cho chúng ta được sống nhờ Chúa Kitô” – Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô viết – “[và] đã nâng chúng ta lên với Ngài” (2:5-6).
5.- Một hình ảnh khác, theo thế giới loài vật, tiêu biểu cho thành phần chính trực và nhắm đến việc đề cao sức mạnh Thiên Chúa ban cho họ ngay cả trong lúc tuổi già. “Ngài đã ban cho tôi sức mạnh của một con bò rừng; Ngài đã tuôn đổ dầu thơm trên tôi” (Ps 91[92]:11). Một mặt, tặng ân sức mạnh thần linh làm cho con người chiến thắng và an ninh (câu 12); mặt khác, vầng trán vinh quang của kẻ công chính được xức bằng một thứ dầu tỏa ra nghị lực cùng với phép lành bênh đỡ. Bởi thế, bài Thánh Vịnh 91[92] là một bài thánh thi lạc quan, một bài thánh thi được kèm theo nhạc tấu và hát ca. Bài Thánh Vịnh này nói lên lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch yên hàn và bình an, ngay cả khi người ta chứng kiến thấy kẻ gian ác hiển nhiên thắng lợi. Một thứ bình an không hề suy giảm ngay cả trong tuổi già (xem câu 15), một giai đoạn đời sống vẫn phong phú và an sinh.
Chúng ta kết luận với những lời của giáo phụ Origen được Thánh Giêrônimô chuyển dịch, những lời phản ảnh câu Tác Giả Thánh Vịnh thưa cùng Thiên Chúa: “Ngài đã tuân đổ dầu thơm trên tôi” (câu 11). Theo giáo phụ Origen dẫn giải: “Tuổi già của chúng ta cần đến dầu của Thiên Chúa. Như lúc thân thể của chúng ta bị mệt mỏi, nó chỉ được bồi bổ sức lực bằng việc xức dầu, như ngọn lửa của một cây đèn bị tắt nếu không đổ thêm dầu vào đèn thế nào, cũng vậy, ngọn lửa của tuổi già chúng ta cũng cần sáng tỏ bằng thứ dầu tình thương của Thiên Chúa. Các Vị Tông Đồ cũng đi lên Núi Olive (xem Acts 1:12), để lãnh nhận ánh sáng từ thứ dầu của Chúa Kitô, vì các vị bị mỏi mệt nên cây đèn của các vị cần đến dầu của Chúa… Bởi thế chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa để tuổi già của chúng ta, và hết mọi nỗ lực của chúng ta, cùng với tất cả những gì tăm tối của chúng ta được soi sáng bằng thứ dầu của Chúa” (74 Homilies on the Book of Psalms – “Omelie sul Libro dei Salmi”, Milan, 1933, pp 280-282, passim).
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến!
Bài Thánh Vịnh 91 là một bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa Hóa Công. Nơi bài thánh vịnh này, hình ảnh của con người gian ác và hình ảnh của con người công chính được trình bày hoàn toàn tương khắc. Thành phần gian ác có một lòng trí đầy những sự dữ. Cuối cùng họ đâm đầu đến chỗ chết. Ngược lại, thành phần công chính lại được đầy sức mạnh Chúa ban. Họ sẽ triển nở và muôn đời hoan ca chúng tụng Thiên Chúa, Đấng đã xức cho họ dầu hoan lạc và soi sáng họ bằng kiến thức cứu độ. Niềm hy vọng của kẻ lành được bắt nguồn tận Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch của sự sống mới vĩnh hằng cho tất cả những ai tin tưởng.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/6/2002)
Bài 43 – Ca vịnh Mose (Thứ Tư 19/6/2002)
THIÊN CHÚA CHĂM SÓC CHO DÂN CỦA MÌNH TRONG CƠN NGUY KHỐN
(Ca Vịnh Moisen, Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)
1.- “Bấy giờ Moisen đã kể lại những lời của bài ca này từ đầu đến cuối cho toàn thể cộng đồng Do Thái nghe” (Deut 31:30). Đó là lời mở đầu cho bài ca vịnh chúng ta vừa nghe, bài ca vịnh được trích từ những trang cuối cùng của Sách Nhị Luật, đặc biệt ở chương 32. Phụng vụ giờ kinh ban mai đã lấy 12 câu đầu của chương này, thấy được nơi những câu này một bài thánh thi dâng lên Chúa là Đấng yêu thương bảo vệ và chăm sóc cho dân Ngài giữa những cơn hiểm nghèo và khốn khó vào ngày đó. Việc phân tích bài ca vịnh đã cho thấy rằng đây là một bài viết cổ nhưng có sau Moisen, một bài ca được đặt vào môi miệng của Moisen cho có tính cách trang trọng. Bài ca vịnh phụng vụ này được đặt ở ngay đầu lịch sử dân Do Thái. Ở trang sách cầu nguyện này cũng không thiếu những qui chiếu và dính dáng với một số Bài Thánh Vịnh hay với sứ điệp của các tiên tri: Bởi thế, bài ca vịnh này là một biểu lộ cho thấy đức tin của dân Do Thái trong việc tiến triển và tăng phát.
2.- Bài ca vịnh Moisen dài hơn đoạn ở trong phần phụng vụ giờ kinh ban mai, một bài ca vịnh thực sự chỉ là một dạo khúc. Một số học giả cho rằng họ đã thấy được nơi bài sáng tác này một loại văn từ về kỹ thuật giống như tiếng “rĩb” của Do Thái, tức là “cãi lẫy”, “kiện tụng”. Hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện trong Thánh Kinh không phải là một hữu thể tối đen tí nào cả, là một năng lực vô danh mù quáng, là một thực tại bất khả hiểu thấu. Trái lại, Ngài là một ngôi vị biết cảm nhận, tác hành và phản ứng, biết yêu thương và luận phạt, biết tham dự vào đời sống với các tạo vật của Ngài và không dửng dưng vô tình trước những hành động của chúng. Bởi vậy, đối với chúng ta, Vị Chúa này hiện lên như là một thứ thử thách, trước sự hiện diện của các nhân chứng, Ngài công bố tội ác của thành phần bị tố cáo, Ngài giáng phạt, nhưng án quyết của Ngài chất chứa một tình thương hải hà. Giờ đây chúng ta hãy theo dõi những dấu vết của biến cố này, dù chỉ suy niệm về những câu được đề ra trong phụng vụ.
3.- Trước hết, là những chứng dự bàng quan của vũ trụ được đề cập đến: “Ôi các tầng trời, hãy nghe đây… trái đất hãy chú ý…” (Deut 32:1). Trong phiên tòa tiêu biểu này, Moisen đóng vai giống như là một công tố viên. Lời của ông có tác dụng và hiệu quả, như lời của vị ngôn sứ, phản ảnh lời thần linh. Hãy chú ý tới một loạt đầy những hình ảnh diễn tả về lời thần linh này: Chúng là những dấu hiệu được lấy từ thiên nhiên, như mưa to, sương sa, mưa rào, mưa phùn và tia nước làm trái đất xanh tươi và phu phê nó với những cánh đồng lúa phì nhiêu (xem câu 2).
Tiếng của Moisen, vị tiên tri và là dẫn giải viên lời thần linh, công bố về việc xuất hiện nhập cuộc cấp thời của một vị đại thẩm phán, đó là Vị Chúa mang danh rất thánh được ông loan báo, một trong những phẩm tính trổi vượt của Ngài. Thật vậy, Vị Chúa này được gọi là Đá (câu 4), một danh xưng được trải dài suốt cả bài Ca Vịnh của chúng ta (xem các câu 15, 18, 30, 31, 37), một hình ảnh tôn xưng lòng trung thành bền vững và vô tận của Thiên Chúa, hoàn toàn khác với tình trạng bấp bênh và bất trung của dân Ngài. Đề tài này được khai triển bằng một chuỗi xác nhận về đức công minh thần linh: “Những việc Ngài làm ngay thẳng biết bao, tất cả mọi đường nẻo của Ngài chính trực biết mấy! Là Vị Thiên Chúa trung thành, không lừa dối, Ngài chính trực và công minh biết bao!” (câu 4).
4.- Sau khi trang trọng trình bày cho thấy vị Quan Phán tối cao, Đấng cũng là bên bị tổn thương, mục tiêu hướng tới của người điều ca là thành phần bị truy tố. Để diễn tả điều này, tác giả đã sử dụng đến một hình ảnh đẹp đẽ về Thiên Chúa như là một người cha (xem câu 6). Các tạo vật rất yêu quí của Ngài được gọi là con cái của Ngài, thế nhưng, tiếc thay, họ lại là “những đứa con băng hoại” (xem câu 5). Thật vậy, chúng ta biết rằng, trong Cựu Ước, Thiên Chúa được cho là một người cha quan tâm lo lắng nơi những cuộc Ngài gặp gỡ con cái của mình, thành phần thường làm cho Ngài thất vọng (Ex 4:22; Deut 8:5; Ps 102[103]:13; Sir 51:10; Is 1:2,63:16; Hos 11:1-4). Vì như vậy mà lời chối bỏ không lạnh lùng song đầy thương cảm: “Ôi đám dân mê muội và ngu ngốc, phải chăng Chúa đã được ngươi đền đáp? Ngài không phải là Đấng đã dựng nên ngươi và kiến tạo ngươi hay sao?” (Deut 32:6). Thật vậy, việc nổi lên chống lại một vương quyền bất khả thay thế hoàn toàn khác với việc nổi lên chống lại một người cha yêu thương.
Để cụ thể hóa tính cách trầm trọng của việc tố cáo này, từ đó, đưa đến một cuộc hối cải phát xuất từ tấm lòng chân thành, Moisen đã gợi nhớ như sau: “Hãy nghĩ lại những ngày xưa kia, hãy tưởng đến những năm dài tháng rộng” (câu 7). Thật thế, đức tin theo thánh kinh là một “tưởng niệm”, tức là việc tái nhận thức hành động vĩnh hằng của Thiên Chúa trải khắp thời gian; nó là việc hiện thực và hiệu lực hóa ơn cứu độ được Chúa ban cho và tiếp tục hiến cho con người. Do đó, tội bất trung cả thể đi đôi với “tình trạng quên lãng”, một thứ quên lãng loại bỏ đi hồi ức về việc hiện diện thần linh nơi chúng ta cũng như nơi lịch sử.
5.- Biến cố chính yếu không được quên sót đó là biến cố băng qua sa mạc sau khi thoát khỏi Ai Cập, đề tài chính yếu của Sách Nhị Luật cũng như của toàn thể Ngũ Kinh. Bởi vậy, cuộc hành trình kinh hoàng và thê thảm ở sa mạc Sinai mới được nhắc đến, “một vùng hoang vu sa mạc” (câu 10), cho thấy một hình ảnh có một tác dụng cảm xúc mãnh liệt. Tuy nhiên, ở đó Thiên Chúa mới cúi mình xuống trên dân của Ngài một cách nhẫn nhịn và dịu dàng lạ lùng. Biểu hiệu của vai trò làm cha được lồng với ảo ảnh liên quan đến biểu hiệu đại bàng của vai trò làm mẹ: “Ngài đã che chở họ và chăm sóc họ, canh giữ họ như con ngươi trong mắt Ngài. Như đại bàng lượn trên tổ của mình che chở cho con nó thế nào, Ngài cũng xỏa cánh bao che họ và mang họ trên cánh của mình như vậy” (câu 10-11). Như thế, con đường trong sa mạc khô cằn được biến thành một cuộc hành trình lặng lẽ yên hàn, vì được áo choàng của tình yêu thần linh che chở.
Bài ca vịnh cũng nói đến Sinai, nơi dân Do Thái trở thành một liên minh của Chúa, “sở phần” của Ngài và “gia phần” của Ngài, tức là một thực tại rất quí báu (xem câu 9; Ex 19:5). Vậy bài ca vịnh Moisen trở thành một cuộc khảo sát lương tâm chung, để rồi, cuối cùng, việc đáp ứng các ân phúc thần linh sẽ không còn lầm lỗi nữa mà là thủy chung.
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh hôm nay là một bài thánh thi vui mừng dâng lên Chúa, Đấng chăm sóc dân Ngài và bảo vệ họ trong cơn nguy nan khốn khó. Bài Ca Vịnh có thể được đọc như là lời Moisen kêu gọi những yếu tố trong vũ trụ – các tầng trời và trái đất – chứng thực cho mối tình yêu chung thủy của Thiên Chúa.
Bài Ca Vịnh này là một lời bày tỏ sống động của lòng dân Do Thái tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng hằng “công bằng chính trực”, ngay cả khi lòng tín trung của Ngài có gặp phải thái độ dửng dưng lãnh đạm. Đối với chúng ta hôm nay đây, bài Ca Vịnh này trở thành một cuộc khảo sát lương tâm của chúng ta để xem chúng ta có yêu mến đáp ứng lòng từ ái vững bền của Thiên Chúa đối với chúng ta hay chăng.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 19/6/2002)
ĐTC lên án cuộc liều mạng tấn công ở Giêrusalem
Hôm qua ở Giêrusalem lại xẩy ra một vụ liều mạng tấn công sát hại dân chúng một lần nữa, kết quả với 19 người bỏ mạng và 50 người bị thương. Cuộc tấn công này xẩy ra do một kẻ liều mạng cho nổ bom tự vận tại một bến xe buýt. Phần đông nạn nhân bị chết và bị thương là học sinh đi đến trường bằng xe buýt. Sau bài giáo lý cho cuộc triều kiến chung hôm nay, ĐTC đã lên án hành động khủng bố này như sau: “Tôi xin lập lại một lần nữa là bất cứ ai âm mưu và dự tính những hành động dã man như vậy đều phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi Tôi bày tỏ tình liên kết chân thành về nhân bản cũng như về tâm linh với các gia đình đang than van khóc lóc, Tôi muốn mời tất cả mọi anh chị em hãy cùng Tôi cầu xin Chúa để Ngài biến đổi những tấm lòng chai đá, đồng thời tác động những cảm thức hòa bình và việc thứ tha cho nhau nơi những ai sống ở vùng đất rất yêu đấu của chúng ta”.
Bài 45 – TV 92 (93) (Thứ Tư 3/7/2002)
TÔN TỤNG QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA HOÁ CÔNG
(Thánh Vịnh 92 [93], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
1.- Nội dung của Thánh Vịnh 92 chúng ta suy tư hôm nay nổi bật với một số câu trong bài thánh thi được Giáo Hội sử dụng cho Phụng Vụ Giờ Kinh tối Thứ Hai: “Ôi Đấng Hóa Công vĩ đại, Đấng đặt định trào lưu và giới hạn cho những triều sóng hòa hợp với vũ trụ, Ngài đã làm tươi mát cảnh lẻ loi cằn cỗi của một trái đất khát khao bằng những giòng nước và biển khơi”.
Trước khi nói đến tâm điểm của bài Thánh Vịnh là phần đầy những hình ảnh về nước, chúng ta cần cảm nhận được cái giọng điệu sâu xa của bài Thánh Vịnh này, tức loại văn từ chi phối bài Thánh Vịnh. Thật vậy, như các bài Thánh Vịnh sau đó, 95-98, bài Thánh Vịnh của chúng ta đây được các học giả Thánh Kinh cho là một “bài ca vịnh về một Vị Vương Chúa”. Bài Thánh Vịnh tôn tụng Vương Quốc của Thiên Chúa, nguồn mạch của bình an, của chân lý và của yêu thương mà chúng ta kâu cầu trong “Kinh Lạy Cha” khi chúng ta nguyện “Nước Cha trị đến!”.
Thật vậy, Thánh Vịnh 92 (93) được đặc biệt mở ra với một lời hân hoan tuyên tụng như thế này: “Chúa là vua” (câu 1). Vị Tác Giả Thánh Vịnh cử hành việc Thiên Chúa chủ động trung thành, tức là cử hành hành động hiệu năng và cứu độ của Ngài, Đấng Hóa Công của thế giới và là Đấng Cứu Chuộc con người. Chúa không phải là một vị hoàng đế dửng dưng lãnh đạm, ở cách xa trên trời, mà là Đấng hiện diện giữa dân của Ngài như một Đấng Cứu Độ, Vị quyền năng và quảng đại yêu thương.
2.- Trong phần thứ nhất của bài thánh thi chúc tụng này nổi bật là Vị Vương Chúa. Như là một vương chủ, Ngài ngự trên ngai tòa vinh hiển, một ngai tòa bất khả diệt và bền vững muôn đời (xem câu 2). Áo choàng của Ngài chói lọi rạng ngời; uy quyền toàn năng là thắt lưng áo chùng của Ngài (xem câu 1). Chính quyền vương chủ toàn năng của Thiên Chúa được tỏ hiện ở tâm điểm của bài Thánh Vịnh, được đánh dấu bằng một hình ảnh nổi bật, đó là hình ảnh của những giòng nước dồn dập.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh nhấn mạnh đến “tiếng” của các con sông, tức là, tiếng gầm rống của các giòng nước. Thật vậy, tiếng đụng độ của những thác lũ lớn phát ra, nơi những ai nghe thấy tiếng điếc tai của nó làm cho toàn thân của họ rùng mình, một cảm giác về một quyền lực mãnh liệt. Thánh Vịnh 41 (42) nhắc lại cảm giác này khi nói: “Này đây vực thẳm vang gọi vực thẳm với những giòng nước gầm rống. Hết tất cả mọi cơn sóng vỗ và triều sóng xô của Ngài phủ lấp thân tôi” (câu 8). Đối diện với quyền lực thiên nhiên này, nhân loại cảm thấy mình nhỏ bé. Tuy nhiên, vị Tác Giả Thánh Vịnh sử dụng lực lượng này như là một cái sàn bung nhẩy để tuyên tụng quyền năng của Chúa, Đấng còn cao cả hơn thế nữa. Bằng việc lập lại ba lần lời diễn đạt “cơn lụt đã dâng lên” (xem câu 3), tiếng nói của những lần này đáp lại lời khẳng định ba lần về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa.
3.- Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội thích dẫn giải bài Thánh Vịnh này, khi áp dụng bài thánh vịnh này cho Đức Kitô là “Chúa và Đấng Cứu Độ”. Lời của giáo phụ Origen, được Thánh Giêrônimô chuyển dịch sang Latinh, đã xác nhận là: “Chúa hiển trị, Ngài tuyệt mỹ hiện lên. Tức là Đấng trước kia run rẩy trong thân phận xác thịt nghèo hèn giờ đây sáng ngời trong uy linh của thần tính”. Đối với giáo phụ Origen, những con sông và những giòng nước vang lên tiếng nói là biểu hiệu cho “những nhân vật tiên tri và tông đồ uy thế”, thành phần “loan truyền việc chúc tụng và vinh hiển của Chúa, loan báo các phán quyết của Ngài khắp thế giới” (xem 74 “Omelie sul libro dei Salmi”, Milan 1993, pp 666, 669).
Thánh Âu Quốc Tinh thậm chí còn dẫn giải đầy đủ hơn biểu hiệu về những giòng nước và biển khơi nữa. Khi những con sông tràn lan nước chảy, tràn làn giòng nước Thánh Linh và chuyên chở sức mạnh, mà các vị tông đồ không còn sợ hãi nữa, cuối cùng các vị đã lên tiếng. Tuy nhiên, “khi có vô số tiếng nói bắt đầu rao giảng Chúa Kitô thì biển khơi trở nên biến động”. Thánh Âu Quốc Tinh nhận định, trong tình trạng biến động của biển khơi thế giới, con thuyền Giáo Hội dường như bị chao đảo một cách kinh hoàng, bị bủa vây bởi những đe đọa và bắt bớ, nhưng Chúa là Đấng đáng chúc tụng, vì Người “đã đi trên biển và đã dẹp yên các cơn sóng biển” (“Esposizioni sui Salmi”, III, Rome, 1976, p. 231).
4.- Tuy nhiên, Vị Thiên Chúa vương chủ của tất cả mọi sự này, toàn năng và vô địch, bao giờ cũng gần gũi với dân của Ngài, thành phần Ngài đã ban các huấn lệnh của Ngài cho họ. Đó là ý tưởng được Thánh Vịnh 92 (93) diễn tả ở câu cuối cùng: Ngai tòa tối cao các tầng trời đi trước ngai tòa của ngọn đền thờ Giêrusalem, quyền năng tiếng nói của Ngài trong vũ trụ mở đường cho sự êm ái của lời thánh hảo không thể sai lầm của Ngài: “Các sắc lệnh của Ngài được thiết lập bền vững; lạy Chúa, thánh đức là của nhà Ngài suốt cả những tháng ngày của cuộc sống” (câu 5).
Bài thành thi kết thúc như thế, một kết thúc ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa nguyện cầu. Bài thánh vịnh này là một lời cầu nguyện phát sinh lòng tin tưởng và cậy trông nơi tín hữu. Thành phần thường cảm thấy bị biến động, sợ bị dập vùi bởi bão tố lịch sử cũng như bị tấn công bất cứ lúc nào bởi những lực lượng tối tăm.
Âm vang của bài Thánh Vịnh này có thể được thấy nơi Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, khi mà vị tác giả thần hứng này, diễn tả cuộc hội họp vĩ đại trên trời để hân hoan mừng rỡ về cuộc sụp đổ của một Babylon áp bức, mà rằng: “Đoạn tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng của một đám rất đông hay tiếng của giòng nước chảy xiết hoặc tiếng rống của một cơn sấm xét, khi chúng nói rằng ‘Alleluia! Chúa đã thiết lập triều đại của Ngài’” (19:6).
5.- Chúng ta kết thúc việc chúng ta suy niệm về Thánh Vịnh 92 (93) bằng lời Thánh Gregory Nazianzen, “nhà thần học” đích danh trong các vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Chúng ta sử dụng bài thơ tuyệt vời của ngài, bài thơ chúc tụng Thiên Chúa, Vị Vương Chủ và là Đấng Hóa Công, có tính chất Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ngài (Chúa Cha) đã dựng nên vũ trụ, ban cho mỗi một điều vị thế xứng hợp của nó và bảo trì nó trong sự quan phòng của Ngài. Lời của Ngài là Thiên Chúa Ngôi Con: thật vậy, Người cùng bản thể với Ngôi Cha, ngang hàng với Cha về vinh hiển. Người đã giao hòa vũ trụ một cách hòa hợp để cai rị tất cả mọi sự. Và trong việc bao bọc lấy tất cả mọi sự, Thánh Thần, là Thiên Chúa, chăm sóc cho hết mọi sự và bảo vệ hết mọi sự. Tôi sẽ công bố Chúa, Ba Ngôi hằng sống, Vị Quân Chủ duy nhất vô nhị… quyền lực cai trị các tầng trời, bằng một cái nhìn nhãn quan bất khả thấu nhưng lại là cái nhìn chiêm ngưỡng toàn thể vũ trụ và biết được hết mọi bí mật thăm thẳm của trái đất cho tới các vực thẳm. Ôi Chúa, hãy tỏ lòng từ ái với tôi: chớ gì tôi được Ngài xót thương và ban ân sủng, vì Chúa được hiển vinh và ân sủng muôn đời muôn kiếp” (Carme 31, in: Poesie/1, Rome, 1994, pp. 65-66).
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Vịnh 92 tuyên tụng Thiên Chúa là Vua và chúc tụng Vương Quốc của Ngài, Vương Quốc này cũng chính là Vương Quốc chúng ta kêu cầu trong “Kinh Lạy Cha” khi chúng ta nguyện “Nước Cha trị đến!”. Chúa không phải là một Nhà Cai Trị xa cách xa xa vậy thôi. Ngài hiện diện ở giữa dân Ngài như là một Đấng cứu độ của họ. Bởi vậy, Thánh Vịnh 92 cũng là kinh nguyện của đức tin và đức cậy, nhất là đối với những ai sợ hãi những lực lượng tăm tối đang hoạt động nơi lịch sử loài người. Sự dữ và sự chết không phải là những gì sẽ chiến thắng, mà là Chúa, Đấng Toàn Năng, sẽ chiến thắng và sẽ cai trị muôn đời Vương Quốc an bình, chân thật và yêu thương của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/7/2002)
Bài 46 – Ca vịnh Đn (Thứ Tư 10/7/2002)
CUỘC SỐNG CON NGƯỜI LÀ LỜI CHÚC TỤNG ĐẤNG HOÁ CÔNG
(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
1.- Một lời cầu nguyện trong sáng như một kinh cầu được đưa vào Chương thứ ba của Sách Tiên Tri Đaniên, một bài Ca Vịnh thực sự và thích đáng của các tạo vật, một ca vịnh được Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai đề ra cho chúng ta ở một số lần, với các phân đoạn khác nhau.
Chúng ta vừa nghe phần căn bản, một ca đoàn vĩ đại của hoàn vũ, được lồng vào giữa hai câu luân xướng trước sau là “Ca ngợi Chúa trên tầng trời, Chúa đáng được chúc tụng và hiển vinh muôn đời. Hãy ca ngợi Chúa, hỡi tất cả kỳ công của Chúa, hãy hết lòng chúc tụng và tôn vinh Ngài muôn đời” (câu 56-57).
Giữa hai câu than lên này hiện lên một bài thánh thi chúc tụng một cách long trọng, một bài thánh thi được diễn đạt bằng lời mời gọi lập đi lập lại là “hãy ca ngợi”: đây là lời duy nhất được chính thức ngỏ với tất cả mọi tạo vật để kêu gọi chúng hãy ca ngợi Thiên Chúa; thực ra nó là bài ca tạ ơn được thành phần tín nghĩa dâng lên Chúa về tất cả những kỳ công của vũ trụ. Con người lên tiếng thay cho toàn thể thiên nhiên tạo vật để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.
2.- Bài thánh thi này, bài thánh thi được hát lên bởi ba người trẻ Do Thái để mời gọi tất cả mọi tạo vật hãy chúc tụng Thiên Chúa, phát xuất từ một tình trạng thảm thương. Ba người trẻ này, bị bách hại bởi vị vương chủ Babylon, ở trong một lò lửa vì niềm tin của họ. Thế mà, ngay cả khi sắp sửa được tử đạo, họ vẫn không ngần ngại ca hát, hân hoan và chúc tụng. Cơn đau đớn dữ dằn và tàn bạo của cuộc thử thách biến mất, hầu như nó được tan biến trước việc nguyện cầu và chiêm niệm. Chính thái độ tin tưởng phó thác này đã đưa đến việc can thiệp của Thiên Chúa.
Thật vậy, như lời lẽ gợi ý của Đaniên chứng thực, “thiên thần Chúa xuống lò lửa với Azariah và đồng bạn của hắn, thổi bay những ngọn lửa hồng ra khỏi lò lửa, và làm cho vực của lò lửa này mát mẻ như được một ngọn gió hiu hiu thổi qua. Lửa không thể nào chạm đến họ hay làm cho họ đau đớn hoặc thiệt hại” (câu 49-50). Những cơn ác mộng bị biến tan như sương mai trước ánh nắng mặt trời, những nỗi sợ hãi được giải tỏa, việc khổ đau biến mất khi toàn thân con người trở thành lời chúc tụng và lòng tin tưởng, trở thành niềm đợi trông và hy vọng. Đó là mãnh lực của lời cầu một khi nó tinh tuyền, thiết tha, hoàn toàn phó mặc cho Thiên Chúa, Đấng đáp ứng và cứu chuộc.
3.- Bài Ca Vịnh của ba người trẻ này diễn tả một loạt danh mục hoàn vũ lần lượt theo nhau diễn hành trước mắt của chúng ta, bắt đầu từ trời cao với các thiên thần, nơi mặt trời, mặt trăng và tinh tú chiếu sáng. Từ trên cao, Thiên Chúa đổ xuống trên trái đất tặng ân nước nguồn ở trên các bầu trời (xem câu 60), tức là nước mưa và sương sa (câu 64).
Thế rồi tới giá thổi, chớp sáng, và các mùa thời tiết với khí ấm, khí lạnh, với sức nóng nẩy của mùa hè, cũng như với các thứ băng, đá, tuyết (xem các câu 65-70,73). Vị thi sĩ cũng bao gồm cả nhịp điệu của thời gian trong bài ca chúc tụng Đấng Hóa Công nữa, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối (xam các câu 71-72). Sau hết ánh mắt của nhà thơ hướng về trái đất, bắt đầu từ các đỉnh núi, một thực tại như nối liền giữa đất và trời (xem các câu 74-75).
Giờ đây đến các tạo vật thảo mộc mọc lên trên trái đất hiệp lời chúc tụng Thiên Chúa (câu 76), các suối nguồn phát sinh sự sống và sinh lực, các biển khơi và sông ngòi đầy những giòng nước dồi dào và lạ lùng (câu 77-78). Thật vậy, người ca sĩ cũng kêu gọi cả “những khổng thú biển khơi” cùng với loài cá (câu 79), như dấu hiệu nói lên cuộc giao động của nước từ nguyên thủy đã được Thiên Chúa đặt định giới hạn (xem Ps 92[93]:3-4; Jb 38:8-11, 40:15-41 […]).
Sau đó tới phiên của nhiều loài thú vật khác nhau sống động và di chuyển dưới nước, trên đất cũng như trên bầu trời (xem Dan 3:80-81).
4.- Diễn viên cuối cùng của tạo vật xuất hiện là con người. Trước hết ánh mắt của vị thi sĩ hướng đến tất cả mọi “con cái loài người” (câu 82); sau đó, hướng chú ý tới Yến Duyên, dân Chúa (câu 83); đoạn hướng về những ai hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa chẳng những như là những vị tư tế (xem câu 84) mà còn như chứng tá của niềm tin, công lý và chân lý. Họ là những “người tôi tớ Chúa”, “những tinh thần và hồn thiêng của người công chính”, “những con người có lòng khiêm hạ”, và nơi họ có ba người trẻ là Hananiah, Azariah và Mishael, thành phần đã lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật bằng một lời chúc tụng phổ quát và vĩnh cửu (các câu 85-88).
Ba động từ liên lỉ vang vọng vinh hiển thần linh như trong một kinh cầu là “ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh” Chúa. Đây là tinh thần cầu nguyện và ca tụng chân thực, ở chỗ không ngừng tôn tụng Chúa trong hân hoan được tham dự vào ca đoàn tất cả mọi tạo vật.
5.- Chúng ta muốn kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng việc nhường lời cho các Vị Giáo Phụ như Origen, Hyppolitus, Basil of Caesarea, Ambrose of Milan, những vị đã dẫn giải về đoạn kể về sáu ngày tạo dựng (x Gen 1:1-20,4a) bằng việc nối kết đoạn này với chính bài Ca Vịnh của ba người trẻ này.
Chúng ta chỉ đề cập đến lời dẫn giải của Thánh Ambrose, vị mà khi nói về ngày tạo dựng thứ bốn (x Gen 1:14-19), thì cho rằng trái đất lên tiếng nói, và khi nghĩ về mặt trời, thì thấy tất cả mọi tạo vật hiệp nhất nên một trong việc chúc tụng Thiên Chúa: “Thật vậy, mặt trời tốt lành, vì nó phục vụ cho chúng ta, giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái, nuôi dưỡng hoa trái của chúng ta. Nó được ban cho chúng ta vì thiện ích của chúng ta, và tùy thuộc vào tôi mà tiêu hao. Nó than van với tôi, vì việc loài người được thừa nhận làm con cái và được cứu chuộc, nhờ đó chúng ta có thể được giải thoát khỏi cảnh làm tôi nô lệ. Bên cạnh tôi, nó cùng tôi chúc tụng Đấng Hóa Công, cùng với tôi nó dâng lên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta bài thánh thi. Nơi đâu mặt trời ca ngợi thì ở đó cùng với tôi trái đất ngợi ca, cây trái ca ngợi, thú vật ngợi ca, chim muông ca ngợi” (“I Sei Giorni della Creazione” SAEMO, I, Milan-Rome, 1977-1994, pp 192-193).
Không một vật nào bị loại trừ ra khỏi việc ngợi ca Chúa hết, kể cả những con khổng thú ngoài biển khơi (x Dan 3:79). Thật vậy, Thánh Ambrôsiô tiếp tục: “Ngay cả rắn rết cũng chúc tụng Chúa, vì bản tính và tính chất của chúng hiện lên trước mắt chúng ta một vẻ đẹp nào đó và tỏ cho chúng ta thấy cái chân chính của chúng” (Ibid., pp. 103-104).
Là loài người, chúng ta lại càng có lý để hợp tiếng hân hoan và tin tưởng của mình với cuộc hòa tấu chúc tụng này, bằng một đời sống nhất tâm và thành tín.
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
“Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh về 3 người trẻ bị Vua Babylon kết án thiêu sống trong hỏa lò là một bài kinh cầu trang trọng chúc tụng Thiên Chúa Hóa Công. Bài Ca Vịnh này phác tả một cuộc rước cả thể của thiên nhiên bao gồm toàn thể vũ trụ hợp tiếng ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Như tất cả mọi lời cầu nguyện chân thực, bài Ca Vịnh này là một hân hoan cử hành việc quan phòng của Thiên Chúa, một bài thánh thi tạ ơn về muôn vàn phúc lành của Ngài, và là một hành động làm sống al5i đức tin giữa khổ đau và bách hại”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/7/2002)
Bài 47 – TV 148 (Thứ Tư 17/7/2002)
KINH “TE DEUM” CỰU ƯỚC
(Thánh Vịnh 148, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
1.- Thánh Vịnh 148, bài thánh vịnh vừa được dâng lên Thiên Chúa, thực sự là một "Ca Vịnh của các tạo vật", một thứ Kinh Tạ Ơn Te Deum của Cựu Ước, một bản alleluia hoàn vũ bao gồm hết mọi sự và hết mọi người trong việc chúc tụng thần linh. Đó là lý do một nhà dẫn giải hiện đại đã nhận định là "Vị Tác Giả Thánh Vịnh, khi gọi đích danh chúng, đã đặt các hữu thể theo thứ tự: Trên có bầu trời với hai thiên thể về thời gian, rồi tới các tinh tú; chỗ này có cây ăn trái, chỗ kia có những cây trắc bá; các rắn rết một nơi, chim chóc ở một chỗ; nơi thì các hoàng gia chỗ thì đám dân chúng; những con người trẻ nam nữ như nắm lấy tay nhau theo hàng lối sánh đôi... Thiên Chúa đã thiết lập nên chúng, ban cho chúng vị trí cùng với nhiệm vụ của chúng; con người lãnh lấy chúng, cho chúng chỗ đứng trong ngôn từ, nhờ đó đưa chúng vào việc cử hành phụng vụ. Con người là "mục tử của hữu thể" hay là phụng viên của tạo vật" (Luis Alonso Schokel, "Trenta salmi: poesia e preghiera" [Thirty Psalms: Poetry and Prayer], Bologna, 1982, p. 499).
Chúng ta cũng hãy tham gia vào ca đoàn hoàn cầu này, một ca đoàn âm vang cả bầu trời cao và lấy toàn thể hoàn vũ làm đền thờ. Chúng ta hãy hô hấp theo hơi thở của lời chúc tụng được toàn thể tạo vật dâng lên Đấng Hóa Công của chúng.
2.- Trên trời, chúng ta hợp với những ca sĩ của một vũ trụ tinh cầu, đó là những thiên thể xa cách, ca đoàn của các thần trời, mặt trời và mặt trăng, những tinh tú sáng ngời, "các tầng trời cao thẳm" (câu 4), tức là cái không khoảng tinh cầu, có nước ở trên, yếu tố được con người của Thánh Kinh nghĩ rằng được tích tụ nơi những nơi chứa trước khi rơi xuống trái đất như mưa.
Bài alleluia này, tức là lời mời gọi "hãy chúc tụng Chúa", vang vọng ít là 8 lần và lấy tình trạng thứ tự cùng hòa hợp của các thiên thể làm đích điểm cuối cùng của mình ("hãy trao cho chúng những việc làm không bao giờ thay đổi") (câu 6).
Ánh mắt của chúng ta hướng về chân trời trái đất, nơi diễn hành một đoàn rước đủ loại ca sĩ, ít là 22 kẻ, tức là một thứ mẫu tự chúc tụng, rải rắc khắp hành tinh của chúng ta đây. Chỗ này có các con khổng thú biển khơi cùng với những vực sâu thẳm, biểu hiệu cho tình trạng giao động của nước, một tình trạng giao động bắt nguồn cho việc hình thành trái đất (Ps 23 [24]:2), theo quan niệm thiên văn học của giống người Semites thời xưa.
Thánh Giáo Phụ Basiliô nhận định là "Không phải Vị Tác Giả Thánh Vịnh cho rằng ngay cả vực sâu cũng có thể chiêm ngưỡng, khi ông bao gồm vực sâu trong ca đoàn tổng hợp của tạo vật, mà còn hơn thế nữa, bằng ngôn ngữ của riêng mình, một thứ ngôn ngữ làm hoàn trọn bài thánh thi một cách hòa hợp để dâng lên Đấng Hóa Công" ("Homiliae in hexaemeron", III, 9: PG 29, 75).
3.- Đoàn diễn hành tiếp tục với các tạo vật tuộc về khí tượng, như chớp sáng và vụn đá đông, tuyết và hơi sương, gió bão, một yếu tố được coi như là vị sứ giả tốc hành của Thiên Chúa (Ps 148:8).
Thế rồi núi đồi xuất hiện, những thứ vẫn thường được coi như là những tạo vật cổ kính nhất địa cầu (câu 9a). Loài thảo mộc được tiêu biểu bởi những cây ăn trái và cây hương bá (câu 9b). Loài thú vật thì được tiêu biểu bởi những con hoang thú và gia xúc, những rắn rết và chim bay (câu 10).
Xuất hiện sau cùng là loài người, thành phần chủ sự việc phụng vụ của tạo vật. Họ được tiêu biểu bởi mọi thứ lứa tuổi và khác biệt, như phụ nữ, giới trẻ và giới già, hoàng gia, vua chúa và quốc gia (11-12).
4.- Giờ đây chúng ta hãy trao cho Thánh Gioan Kim Khẩu công việc ném một cái nhìn tổng quan về ca đoàn vĩ đại này. Thánh nhân thực hiện điều này bằng những lời lẽ cũng liên quan đến Ca Vịnh về ba người trẻ ở trong hỏa lò được chúng ta suy niệm tuần vừa rồi.
Vị đại Giáo Phụ và Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople này xác nhận rằng: “Vì tinh thần thật chân chính của mình, các thánh nhân, khi sắp sửa dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, thì thường kêu gọi nhiều người tham dự vào việc chúc tụng với mình, huấn dụ họ hãy cùng nhau tham gia với các vị vào việc phụng vụ tuyệt vời này. Điều này cũng đã được ba người trẻ làm trong hỏa lò, khi họ kêu gọi toàn thể tạo vật hãy chúc tụng và hát những bài thánh thi dâng lên Thiên Chúa về những ơn ích đã được nhận lãnh (Dan 3).
Bài Thánh Vịnh này cũng làm giống như vậy, cũng kêu gọi cả các phần bộ thế giới, phần bộ bên trên và phần bộ bên dưới, thành phần cảm giác và thành phần tri thức. Tiên tri Isaia cũng làm như thế, khi tiên tri nói: “Hãy hát vang, Ôi các tầng trời, và hãy mừng vui, Ôi trái đất, hãy cất tiếng hát, hỡi núi non các ngươi. Vì Chúa an ủi dân Ngài và tỏ tình thương của Ngài với thành phần hoạn nạn của Ngài” (Is 49:13). Chính Sách Thánh Vịnh còn bộc lộ như sau: “Khi dân Yến Duyên ra khỏi nước Ai Cập, nhà Giacóp ra khỏi một thứ dân xa lạ… thì núi nhẩy nhót như cừu; đồi nhẩy mừng như chiên” (Ps 113[114]:1,4). Trong Sách Tiên Tri Isaia còn có câu: “Ôi các tầng trời, từ trên cao hãy đổ công lý xuống như sương” (Is 45:8). Thật vậy, các thánh nhân, vì tự cảm thấy mình thiếu hụt trong việc dâng lời chúc tụng lên Chúa nên mới ‘nhìn toàn diện chung quanh mình kêu gọi tất cả mọi sự tham gia vào việc lên bài thánh thi chung’” (“Expositio in psalmum” CXLVIII: PG 55, 484-485).
5.- Chúng ta cũng được mời gọi để tham gia vào ca đoàn vĩ đại này, trở thành một tiếng nói rõ ràng của hết mọi tạo vật mà chúc tụng Thiên Chúa theo hai chiều kích nồng cốt thuộc mầu nhiệm của Ngài. Một đàng thì chúng ta phải tôn kính sự cao cả siêu việt của Ngài, “vì chỉ một mình danh Ngài mới đáng được tôn tụng; uy nghi cao cả trên mặt đất cũng như tầng trời”, như được bài Thánh Vịnh của chúng ta nói tới (câu 13). Đàng khác, chúng ta hãy nhìn nhận sự thiện hảo chiếu rạng của Ngài, vì Thiên Chúa gần gữi với các loài tạo vật của Ngài và đặc biệt đến để trợ giúp dân Ngài. “Ngài đã làm mọc lên cho dân Ngài một cái xừng, vì dân Yến Duyên gần gữi Ngài” (câu 14), như được Tác Giả Thánh Vịnh tái xác nhận.
Giờ đây, trước Đấng Hóa Công toàn năng và thương xót, chúng ta hãy theo lời mời gọi của Thánh Âu Quốc Tinh để chúc tụng, tôn vinh và mừng chúc Ngài nơi hai việc Ngài làm: “Khi anh em nhận thấy các tạo vật này, anh em cảm thấy thích thú chúng và hướng về Nhà Nghệ Sĩ làm nên hết mọi sự cũng như hết mọi vật được tạo thành, nhờ đó anh em chiêm ngưỡng một cách ý thức các ưu phẩm vô hình của Ngài, rồi mới thốt lên lời thú nhận dưới đất cũng như trên trời… Nếu các tạo vật tuyệt vời thì Đấng Hóa Công phải tuyệt vời hơn thế nữa” (“Expositions on the Psalms” – “Esposizioni sui Salmi”, IV, Rome, 1977, pp. 887-889).
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Vịnh 148 là một bài ca “Alleluia” hoàn vũ hùng vĩ. Tất cả mọi tạo vật – mọi sự trên trời, dưới đất và trong lòng đất – được kêu gọi hất khen chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành của tất cả mọi sự hiện hữu. Tiếng nói của chúng ta nữa cũng hợp giọng với ca đoàn vĩ đại này để chúc tụng Chúa. Ngài ở trên tất cả mọi tạo vật, và tình yêu của Ngài đối với chúng ta vô cùng tận.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 17/7/2002)
Bài 48 – TV 83 (84) (Thứ Tư 28/8/2002)
TRÔNG MONG VỊ CHÚA CỦA SỰ SỐNG
(Thánh Vịnh 83 [84], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1.- Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với những bài Thánh Vịnh của phụng vụ giờ kinh ban mai. Vậy chúng ta đã nghe bài Thánh Vịnh 83 (84), bài thánh vịnh được truyền thống Do Thái gán cho “những người con của Korah”, một gia đình tư tế tham dự việc cử hành phụng vụ và canh giữ cửa lều hòm bia giao ước (x 1Cor 9:19).
Đây là một bài ca duyên dáng nhất, thấm nhiễm một nỗi lòng trông mong vị Thiên Chúa của sự sống, Đấng được lập đi lập lại (câu 2-4, 9, 13), với tên gọi là “Chúa các Đạo Binh”, tức là Chúa của các tầng trời và vì thế cũng là Chúa của vũ trụ. Ngoài ra, danh xưng này có dính dáng đặc biệt với hòm bia trong đền thờ, được gọi là “hòm bia của Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên thần cherubim” (1Sam 4:4; x Ps 79[80]:2). Thật vậy, hòm bia là dấu chỉ của việc Thiên Chúa bảo vệ trong những ngày hiểm nguy và chiến tranh (x 1Sam 4:3-5; 2Sam 11:11).
Bối cảnh của toàn bài Thánh Vịnh này được tiêu biểu bằng đền thờ với đoàn tín hữu hành hương đang tiến về đó. Thời tiết bấy giờ dường như là mùa thu, vì có chi tiết nói đến “những cơn mưa đầu mùa” làm dịu nhiệt độ thiêu đốt của mùa hè (x câu 7). Bởi thế mà người ta có thể nghĩ đến đoàn hành hương đến Sion tham dự cuộc lễ thứ ba trong năm của dân Do Thái, đó là lễ Capanne, một lễ tưởng nhớ cuộc hành trình của dân Do Thái trong sa mạc.
2.- Ngôi đền thờ hiện lên với tất cả vẻ thu hút của mình ở đầu và cuối bài Thánh Vịnh. Ở phần mở đầu (x câu 2-4), chúng ta thấy hình ảnh tuyệt vời và sắc nét về những con chim đang làm tổ của mình nơi cung thánh, một đặc ân đáng thèm khát.
Đây là biểu hiệu của hạnh phúc cho tất cả những ai – chẳng hạn như các vị tư tế trong đền thờ – được ở cố định trong Nhà Thiên Chúa, hoan hưởng cái gần gũi và an bình của nơi này. Thật vậy, toàn thể con người của tín hữu vươn tới Chúa, được thôi thúc bởi một ước vọng về thể lý và theo bản năng nhất: “Linh hồn tôi trông mong khát vọng những cung đường của Chúa. Tâm hồn và xác thịt tôi kêu lên Vị Thiên Chúa hằng sống” (câu 3). Thế nên, ngôi đền thở đã tái xuất hiện ở cuối bài thánh vịnh (câu 11-13). Con người hành hương bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao của mình trong việc ở nơi những cung đường nhà của Thiên Chúa một thời gian, cũng như bày tỏ những tương phản của niềm hạnh phúc linh thiêng này với những ảo vọng về ngẫu tượng dẫn con người đến “những túp lều của kẻ gian ác”, tức là đến những ngôi đền thờ đồi bại của bất chính và hư hỏng.
3.- Cung thánh của Thiên Chúa mới có ánh sáng, sự sống và niềm vui, và “phúc cho những ai” là người “tin tưởng vào Chúa”, theo đường nẻo công minh chính trực (câu 12-13). Hình ảnh về con đường này đưa chúng ta đến tâm điểm của bài Thánh Vịnh (câu 5-9), nơi làm cho cuộc hành hương có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Phúc cho ai vững vàng ở trong đền thờ, phúc hơn cho ai quyết tâm chấp nhận cuộc hành trình đức tin tiến về Giêrusalem.
Khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh 83 (84) này, các Vị Giáo Phụ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến câu 6: “Phúc thay những ai tìm nương tựa nơi Chúa, lòng họ đang ở trên con đường hành hương”. Những bản dịch đầu tiên của Sách Thánh Vịnh đã nói về việc quyết tâm hoàn tất “những cuộc thẳng tiến” về Thành Thánh. Bởi thế, đối với các Vị Giáo Phụ, việc hành hương đến Sion đã trở thành một biểu hiệu cho thấy một cuộc tiến hành liên tục của người công chính tiến đến “những lều vĩnh cửu”, nơi Thiên Chúa hết sức vui mừng tiếp nhận các người bạn của Ngài (x Lk 16:9).
Chúng ta muốn suy nghĩ một chút về “cuộc thăng tiến” thần nhiệm này, một cuộc thăng tiến thể hiện nơi hình ảnh và dấu hiệu của cuộc hành trình trần thế. Và chúng ta sẽ thực hiện việc suy nghĩ này bằng những lời của một cây bút Kitô giáo thuộc thế kỷ thứ bảy, đó là đức đan viện phụ đan viện Sinai.
4.- Vị này là John Climacus, người đã giành trọn bản luận đề “Cái Thang Thiên Đình” để trình bày cho thấy những bước vô số kể mà cuộc sống thiêng liêng cần phải tiến lên. Ở phần cuối của luận đề của mình, tác giả nhường lời cho chính đức bác ái là những gì được đặt ở đỉnh của cái thang tiến hành thiêng liêng này.
Chính đức bác ái là đức kêu mời và huấn dụ, đức cho thấy những tình cảm và thái độ như đã được nêu lên trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây: “Hỡi anh em, hãy tiến lên, hãy thăng tiến. Anh em ơi, hãy vun trồng trong lòng mình ước vọng tha thiết lúc nào cũng muốn thăng tiến (câu 6). Hãy lắng nghe những lời kêu mời là ‘Hãy đến, chúng ta hãy tiến lên núi của Chúa và lên nhà của Thiên Chúa chúng ta’ (x Is 2:3), chớ gì chúng ta nhanh nhân chạy rảo như nai, và chớ gì chúng ta được chỉ cho thấy đích điểm của một nơi chốn cao sang, để nhờ theo đường lối của Ngài, chúng ta sẽ đạt được chiến thắng (x Ps 17:33). Bởi thế, như đã được ghi chép, chúng ta hãy mau mắn, trong khi tất cả chúng ta chưa nhìn thấy nhan Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của đức tin, và khi nhận ra Ngài, chúng ta cũng chưa đạt tới con người thành toàn theo tầm vóc trọn vẹn của Chúa Kitô (x Eph 4:13)” (“Cái Thang Thiên Đình, Rome, 1989, p. 355).
5.- Vị Tác Giả Thánh Vịnh trước hết đang nghĩ về cuộc hành hương cụ thể đến Sion từ các miền lân cận ở Đất Thánh. Ông thấy mưa rơi như niềm ngưỡng vọng hướng về những phúc lành hoan lạc là những gì sẽ bao bọc ông như một chiếc áo choàng (83:7) khi ông ra trước nhan Thiên Chúa trong đền thờ (câu 8). Cuộc hành trình mệt nhọc qua “thung lũng châu lệ” (câu 7) được biến đổi bởi niềm xác tín Thiên Chúa là cùng đích, Ngài là Đấng ban sức lực (câu 8), Đấng nghe những tiếng kêu xin của tín hữu (câu 9), và là Đấng trở thành “thuẫn đỡ” chở che họ (câu 10).
Cuộc hành hương cụ thể thực sự được biến đổi theo chiều hướng này – như được Các Vị Giáo Phụ trực cảm thấy – được biến thành một ngụ ngôn cho cả cuộc sống, một cuộc hành hương giữa khoảng cách xa tới chỗ thân mật với Thiên Chúa, giữa mầu nhiệm đến tỏ hiện. Ngay cả trong sa mạc của cuộc sống hằng ngày, sáu ngày làm việc trong tuần sinh hoa kết trái, được soi sáng và thánh hóa bởi cuộc hội ngộ với Thiên Chúa vào ngày thứ bảy ở việc cử hành phụng vũ và cầu nguyện.
Bởi thế, chúng ta cũng hãy bước đi khi chúng ta còn ở trong “thung lũng châu lệ” này, gắn mắt chúng ta vào cùng đích chói ngời của an bình và hiệp thông. Chúng ta cũng lập lại trong lòng mình niềm hạnh phúc cuối cùng theo kiểu câu đối ca nổi bật của bài Thánh Vịnh: “Ôi Chúa các đạo binh, phúc thay những ai tin tưởng nơi Chúa” (câu 13).
Bởi thế, chúng ta cũng hãy bước đi khi chúng ta còn ở trong “thung lũng châu lệ” này, gắn mắt chúng ta vào cùng đích chói ngời của an bình và hiệp thông. Chúng ta cũng lập lại trong lòng mình niềm hạnh phúc cuối cùng theo kiểu câu đối ca nổi bật của bài Thánh Vịnh: “Ôi Chúa các đạo binh, phúc thay những ai tin tưởng nơi Chúa” (câu 13).
Anh Chị Em Thân Mến,
Thánh Vịnh 83 là một bản thánh thi ca về lòng mong mỏi thần nhiệm Chúa của sự sống. Bài Thánh Vịnh này gợi lên cho thấy một cuộc hành hương tiến về Đền Thờ, cung thánh của Thiên Chúa hằng sống, nơi tín hữu tìm thấy ánh sáng, sự sống và niềm vui. Trong nơi cung thánh này, Chúa Các Đạo Binh không rời xa dân của Ngài nữa, nhưng đến với họ bằng một mối thân tình mật thiết. Như Tác Giả Thánh Vịnh, chúng ta cũng phải hướng về vị Chúa của sự sống, và trong đức tin, chúng ta bước đi trên con đường đầy ánh sáng dẫn đến bình an và hiệp thông với Thiên Chúa của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 28/8/2002)
Bài 49 – Ca vịnh Is 2 (Thứ Tư 4/9/2002)
TÂN ĐÔ CỦA THIÊN CHÚA, TRONG TÂM CỦA NHÂN LOẠI
(Ca Vịnh Isaia 2, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1.- Phụng vụ giờ kinh ban mai hằng ngày bao giờ cũng có một bài Ca Vịnh trong Cựu Ước thêm vào các Bài Thánh Vịnh. Bên cạnh Sách Thánh Vịnh, một cuốn sách cầu nguyện thực sự và xứng hợp của dân Do Thái cũng như của Giáo Hội sau đó, cũng còn một loại “Sách Thánh Vịnh” khác rải rác nơi các trang Thánh Kinh thuộc loại lịch sử, tiên tri và khôn ngoan. Loại “Sách Thánh Vịnh” khác này bao gồm các bài thánh thi ca, những lời cầu khẩn, những lời chúc tụng và những lời kêu xin, thường có vẻ đẹp cao cả và tính cách linh thiêng.
Trong cuộc hành trình của chúng ta trải qua các bài cầu nguyện phụng vụ giờ kinh ban mai, chúng ta đã thấy được nhiều bài cầu nguyện này trong những khúc ca được tản mác trong các trang Thánh Kinh. Giờ đây chúng ta sẽ suy đến một bài thực sự đáng ca ngợi, đó là bài của tiên tri Isaia, một trong những vị đại tiên tri của dân Do Thái sống vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Vị tiên tri này là chứng nhân thấy được những giờ khắc khốn khó mà vương quốc Giuđa đã trải qua, thế nhưng ngài cũng là một nhà thơ của niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai được tỏ hiện ra nơi một thứ ngôn ngữ thi ca rất hay.
2.- Đây là trường hợp của bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe, bài ca vịnh xuất hiện hầu như ở đầu cuốn sách của vị tiên tri, nơi những câu đầu tiên của Đoạn Thứ Hai, được dẫn nhập bởi lời ghi chú của biên tập gia sau này, với giòng chữ: “Đây là những gì Isaia con của Amoz thấy liên quan đến Giuđa và Giêrusalem” (2:1). Bởi thế, bài thánh thi ca này được cưu mang như là một viễn ảnh tiên tri cho thấy tận cùng của lịch sử Do Thái đang hy vọng tiến tới. Không phải là ngẫu nhiên mà đã có những lời đầu tiên được viết là: “Trong những ngày tới” (câu 2), tức là, vào lúc thời gian viên trọn. Thế nên, nó là một lời mời gọi không dính dáng gì đến cái hiện tại thật là thảm thương, thế nhưng lại là lời mời gọi trực giác được nơi những biến cố hằng ngày về sự hiện diện nhiệm mầu của tác động thần linh, tác động dẫn dắt lịch sử tiến đến một chân trời chói sáng và an bình khác hẳn.
2.- Đây là trường hợp của bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe, bài ca vịnh xuất hiện hầu như ở đầu cuốn sách của vị tiên tri, nơi những câu đầu tiên của Đoạn Thứ Hai, được dẫn nhập bởi lời ghi chú của biên tập gia sau này, với giòng chữ: “Đây là những gì Isaia con của Amoz thấy liên quan đến Giuđa và Giêrusalem” (2:1). Bởi thế, bài thánh thi ca này được cưu mang như là một viễn ảnh tiên tri cho thấy tận cùng của lịch sử Do Thái đang hy vọng tiến tới. Không phải là ngẫu nhiên mà đã có những lời đầu tiên được viết là: “Trong những ngày tới” (câu 2), tức là, vào lúc thời gian viên trọn. Thế nên, nó là một lời mời gọi không dính dáng gì đến cái hiện tại thật là thảm thương, thế nhưng lại là lời mời gọi trực giác được nơi những biến cố hằng ngày về sự hiện diện nhiệm mầu của tác động thần linh, tác động dẫn dắt lịch sử tiến đến một chân trời chói sáng và an bình khác hẳn.
“Viễn ảnh” có mầu sắc thiên sai ấy sau này còn được lập lại ở Đoạn 60 của cùng cuốn sách, nơi một cảnh trí lớn lao hơn, chứng tỏ cho thấy một suy tư sâu xa hơn về những lời chính yếu và phấn khởi của vị tiên tri, chính là những lời của Bài Ca Vịnh vừa được công bố. Tiên tri Micah (x 4:1-3) sẽ lập lại cùng bài thánh thi ca này, dù có đoạn kết khác (x 4:4-5) với lời của tiên tri Isaia (x 2:5).
3.- Ở trung tâm “viễn ảnh” của tiên tri Isaia này hiện lên ngọn Núi Sion là ngọn núi sẽ vươn lên một cách bóng bẩy trên tất cả mọi ngọn núi khác, được Thiên Chúa ngự trị, nhờ đó sẽ là nơi giao tiếp với trời cao (x Kgs 8:22-53). Tứ đó, theo lời tiên tri Isaia ở đoạn 60:1-6, sẽ có một thứ ánh sáng phát tỏa làm tan biến bóng tối và sẽ có một đoàn lũ dân chúng từ khắp cùng tận trái đất tiến về với ánh sáng này.
Mãnh lực thu hút của Núi Sion ấy là do hai thực tại phát xuất từ núi thánh Giêrusalem: đó là Lề Luật và Lời Chúa. Thật vậy, hai điều này tạo nên một thực tại duy nhất là nguồn mạch sự sống, ánh sáng và bình an, những biệu hiện cho mầu nhiệm và ý muốn của Ngài. Khi các dân nước tiến đến đỉnh Núi Sion, nơi đền thờ Thiên Chúa mọc lên, bấy giờ sẽ xẩy ra phép lạ là những gì nhân loại luôn đợi trông và khát vọng. Con người sẽ bỏ khí giới xuống, những thứ sẽ được tập trung lại để đúc thành những khí cụ hoạt động cho hòa bình: gươm kiếm sẽ biến thành lưỡi cầy, và đao thương thành liềm hái. Thế là chân trời an bình hiện lên, chân trời của Shalom (x Is 60:17), như được người Do Thái nói, một từ ngữ rất hay nhất là đối với loại thần học về thiên sai. Cuối cùng thì màn chiến tranh và thù hận đã được hạ xuống.
4.- Lời của tiên tri isaia được kết thúc bằng một lời kêu gọi hợp với linh đạo của những bài ca hành hương tiến về Giêrusalem: “Ôi nhà Giacóp, hãy đến, chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (2:5). Dân Do Thái không được đóng vai trò bàng quan với cuộc biến đổi lịch sử sâu xa này; họ không thể tách mình khỏi lời mời gọi được vang động ở khúc đầu trên môi miệng dân chúng: “Hãy đến, nào chúng ta hãy trèo lên núi Chúa” (câu 3).
Bài Ca Vịnh Isaia này cũng thách đố cả Kitô hữu chúng ta nữa. Khi dẫn giải bài ca vịnh này, các vị Giáo Phụ ở thế kỷ thứ 4 và 5 (như Thánh Basiliô Cả, Thánh Gioan Kim Khẩu, Theodoret ở Cyprus, Thánh Cyrilô Alexandria), đã thấy bài ca vịnh an2y được nên trọn nơi việc xuất hiện của Chúa Kitô. Bởi thế, các vị đồng hóa với Giáo Hội “ngọn núi của đền thờ Chúa… được xây trên đỉnh của các ngọn núi”, ngọn núi mà Lời Chúa từ đó được lan truyền, cũng là ngọn núi các dân ngoại tuốn về, trong một kỷ nguyên của an bình được Phúc Âm khai mở.
5.- Thánh Justinô tử đạo, trong cuốn “Prima Apologia” của mình, được viết vào khoảng năm 153, đã công bố việc nên trọn của bài Ca Vịnh này như sau: “Từ Giêrusalem phát xuất lời CHúa” (câu 3). Thánh nhân viết: “Từ Giêrusalem có những con người sẽ đi vào thế giới, với một con số là 12 vị; và các vị là thành phần thất học; các vị không biết nói năng ra sao, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các vị đã tỏ cho cả nhân loại biết rằng các vị được Chúa Kitô sai đi để giảng dạy cho tất cả mọi người Lời Thiên Chúa. Và chúng ta, thành phần trước đây thường sát hại nhau, giờ đây không còn đánh nhau với quân thù của mình nữa, trái lại, vì không muốn dối trá và lừa đảo những kẻ chất vấn chúng ta, chúng ta sẵn lòng chết đi để tuyên xưng Chúa Kitô” (39,3: “Gli apologeti greci”, Rome, 1986, p.118).
Ví lý do đó, Kitô hữu chúng ta tiếp nhận một cách đặc biệt lời kêu gọi của vị tiên tri này và tìm cách đặt nền tảng cho một thứ văn minh yêu thương và hòa bình không còn chiến tranh, “không còn chết chóc hay than van, khóc lóc hay đớn đau, (vì) trật tự cũ đã qua đi rồi” (Rev 21:4).
Anh Chị Em thân mến,
Bài đọc hôm nay về Ca Vịnh Isaia là một viễn ảnh tiên tri về những ngày sau hết, khi mà tất cả mọi dân nước tuôn đến núi Chúa. Bấy giờ cuối cùng thế giới sẽ tìm thấy hòa bình nơi việc tuân phục lề luật và lời của Ngài. Viễn ảnh này là lời mời gọi hy vọng và tin tưởng nơi dự án cứu độ của Thiên Chúa. Kitô hữu thấy niềm hy vọng này được nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi Giáo Hội. Trong mầu nhiệm về Giáo Hội, tất cả nhân loại được xích lại gần Thiên Chúa và thông phần hòa bình do Chúa Kitô mang đến. Đồng thời, tất cả mọi người cũng được triệu tập đến để hoạt động cho một thế giới hòa giải, công chính và an bình hơn bao giờ hết.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày
Bài 50 – TV 95 (96) (Thứ Tư 18/9/2002)
HÃY TÔN THỜ VÀ CHÚC TỤNH VUA VŨ TRỤ
(Thánh Vịnh 95 [96], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1.- “Hãy nói lên giữa các dân nước rằng ‘Chúa là vua’”. Lời huấn dụ này trong bài Thánh Vịnh 95 [96] (câu 10) chúng ta vừa công bố, có thể nói, đã nói lên cho thấy cung điệu bao trùm cả bài thánh thi ca ấy. Thật vậy, bài này là một trong những bài Thánh Vịnh được gọi là bài thánh vịnh về Vị Chúa Là Vua, trong đó có các bài Thánh Vịnh 95-98 [96-99] cũng như bài 46 [47] và 92 [93].
Trong quá khứ, chúng ta đã có dịp để thấy và chú giải về bài Thánh Vịnh 92 [93], và chúng ta thấy rằng những bài ca vịnh này được tập trung vào hình ảnh cao cả của Thiên Chúa, Đấng cai trị toàn thể vũ trụ và quản trị lịch sử loài người.
Thánh Vịnh 95 [96] cũng tôn tụng cả Đấng Hóa Công của các hữu thể lẫn Đấng Cứu Thế của các dân nước, ở chỗ, Thiên Chúa đã thiết lập thế giới “không khi nào bị chuyển lay. Thiên Chúa cai trị các dân nước cách công bình” (câu 10). Thật vậy, theo nguyên ngữ Do Thái, động từ trong thực tế lại có nghĩa là “quản trị” được chuyển dịch (đôi khi) là “phân xử”. Bởi vậy, chúng ta chắn chắn sẽ không bị bỏ rơi cho các thứ quyền lực náo động hay ngẫu nhiên tăm tối, thế nhưng hằng ở trong tay của một Vị Vương Chủ công minh và nhân ái.
2.- Bài Thánh Vịnh được bắt đầu với lời hoan hỉ mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa, một lời mời gọi hướng ngay đến một chân trời hòan vũ: “Hỡi toàn thể trái đất, hãy ngợi khen Chúa” (câu 1). Tín hữu được mời gọi để “tuyên dương vinh hiển” Thiên Chúa “giữa các dân nước”, và sau đó nói với “tất cả mọi dân nước” hãy công bố “những việc lạ lùng của Thiên Chúa” (câu 3). Tác Giả Thánh Vịnh thực sự đã trực tiếp xin “gia đình các dân nước” (câu 7) trong việc mời gọi họ hãy tôn vinh Chúa. Sau hết, vị tác giả này xin thành phần tín hữu hãy nói “giữa các dân nước rằng Chúa là vua” (câu 10), và xác định rõ Chúa “cai trị các dân tộc” (câu 10), “thế giới” (câu 13). Việc hướng về hoàn vũ này rất quan trọng đối với một dân tộc nhỏ bé bị các đế quốc khổng lồ đàn áp. Những dân tộc này biết rằng Chúa của họ là Thiên Chúa của vũ trụ cũng như “tất cả mọi vị thần linh của các dân tộc đều chẳng làm được gì cả” (câu 5).
Bài Thánh Vịnh này được sáng tác có hai cảnh chính. Phần thứ nhất (câu 1-9) bao gồm một cảnh hiển linh của Chúa “trong nơi thánh của Ngài” (câu 6), tức là nơi Đền Thờ Sion. Cảnh hiển linh này được dẫn đầu và theo sau bằng những bài hát cùng với những lễ nghi tế hiến của cộng đồng tín hữu. Lời chúc tụng được thiết tha dâng lên trước uy nghi thần linh: “Hãy ca ngợi Chúa một bài ca mới… hãy ca ngợi …. Hãy ca ngợi… hãy chúc tụng…. Hãy loan truyền ơn cứu độ của Ngài…. Hãy nói lên vinh quang của Thiên Chúa…. Những việc lạ lùng của Thiên Chúa…. Hãy dâng lên Ngài vinh quang với quyền uy…. hãy dâng lên Chúa hiển vinh…. Hãy mang các tặng vật …. Hãy cúi đầu xuống” (các câu 1-3, 7-9). Cử chỉ cúi mình sâu xa trước Chúa là Vua, Đấng tỏ vinh quang của Ngài nơi lịch sử cứu độ, bởi thế, là một bài ca tôn thờ, ca khen và chúc tụng. Những thái độ này cũng được thể hiện nơi phụng vụ hằng ngày của chúng ta cũng như lời cầu nguyện riêng tư của chúng ta.
3.- Ở tâm điểm của bài ca cộng đoàn này chúng ta thấy một lời tuyên bố phản lại việc tôn thờ ngẫu tượng. Như thế, lời cầu nguyện này tự nó cho thấy nó là một cách thức đạt đến đức tin tinh tuyền, hợp với câu tâm niệm nổi tiếng “lex orandi, lex credendi”: Qui chuẩn của lời cầu nguyện thực sự cũng chính là qui chuẩn của đức tin và kiến thức về chân lý thần linh. Thật vậy, phần thứ hai trong câu tâm niệm này có thể được tỏ ra một cách xác thực qua việc thân mật hiệp thông với Thiên Chúa được cảm nghiệm được nơi việc cầu nguyện.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh công bố rằng “Vì Chúa cao cả và rất đáng ngợi khen, đáng kính sợ hơn hết mọi thần linh. Vị các vị thần linh của tất cả mọi dân nước chẳng làm gì được cả, song Vị Chúa này đã tác tạo nên các tầng trời” (câu 4-5). Nhờ phụng vụ và việc nguyện cầu, đức tin của hết mọi thế hệ được tinh tuyền, những ngẫu tượng được con người cúng tế trong đời sống thường ngày bị loại bỏ, đi từ chỗ sợ hãi trước đức công minh siêu việt của Thiên Chúa đến thực sự cảm nghiệm thấy tình yêu của Ngài.
4.- Thế là chúng ta tiến sang cảnh thứ hai, một cảnh mở ra bằng lời công bố đức trung thành của Chúa (xem các câu 10-13). Giờ đây tới lượt vũ trụ ca khen, bao gồm hầu hết những yếu tố kỳ diệu và tối tăm nhất của nó, như biển khơi theo quan niệm thánh kinh cổ kính: “Các tầng trời hãy hân hoan và trái đất hãy vui mừng; biển khơi cùng với những gì thuộc biển khơi hãy vọng tiếng; đồng bằng cùng với tất cả những gì thuộc về no hãy hoan hỉ. Rồi tất cả mọi cây rừng hãy vui mừng trước Vị Chúa đang đến, đến quản trị trái đất” (các câu 11-13).
Thánh Phaolô về sau còn nói cả thiên nhiên cùng với con người “ngong ngóng đợi chờ… để được thoát khỏi cảnh nô lệ tình trạng hư hoại mà được thông phần với tình trạng tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:19,21).
Ở điểm này, chúng ta sẽ giành chỗ cho những gì các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội viết về bài Thánh Vịnh này, những vị thấy nơi bài thánh vịnh tiền thân của biến cố nhập thể và tử giá, một dấu hiệu trung thành tương khắc nơi Chúa Kitô.
5.- Vậy, ở đoạn đầu của bài nói ở Constantinople trong mùa Giáng Sinh năm 379 hay 380 gì đó, Thánh Gregory Nazianzen đã lấy một số diễn đạt của bài Thánh Vịnh 95 [96] như sau: “Chúa Kitô được sinh ra: Hãy tôn vinh Người! Chúa Kitô đã từ Trời xuống: Hãy đi nghênh đón Người! Chúa Kitô sống trên trái đất: Hãy chỗi dậy! ‘Toàn thể trái đất, hãy ca khen Chúa’ (câu 1), và hãy làm cho hai tư tưởng thành một, đó là ‘Các tầng trời hãy hân hoan và trái đất hãy mừng vui’ (câu 11), vì Đấng thuộc về trời nay trở thành đất” (“Omelie sulla natività”, “Discorso 38” [Hominies on the Nativity, Address 38], 1, Rome, 1983, p.44).
Như thế là mầu nhiệm của lòng trung thành thần linh được thể hiện nơi Biến Cố Nhập Thể. Thật vậy, Người là Đấng cai trị ‘trở nên đất’, Đấng cai trị khiêm hạ đặc biệt trên cây thập giá. Đáng chú ý là có nhiều vị xưa kia đã đọc câu 10 của bài Thánh Vịnh này bằng một tư tưởng hợp với những gì liên hệ tới Kitô học: “Chúa cai trị từ cây gỗ”.
Bởi thế, Bức Thư của Thánh Barnabê đã dạy rằng “triều đại của Chúa Giêsu ở trên cây gỗ” (VIII, 5: “I Padri Apostolici” [The Apostolic Fathers], Rome, 1984, p.198) và Thánh Justine tử đạo, trích bài Thánh Vịnh hầu như toàn diện trong cuốn “Prima Apologia”, đã kết luận bằng việc mời gọi tất cả mọi người hãy vui mừng vì “chúa cai trị từ cây gỗ” thập giá (“Gli apologeti greci” [The Greek Apologists], Rome, 1986, p.121).
Từ địa thế này đã phát ra bài thánh thi ca “Vecilla regis” của nhà thơ Kitô giáo Venanzio Fortunato, trong đó Chúa Kitô được tôn tụng, Đấng cai trị từ trên cao của thập giá, ngai tòa của tình yêu chứ không phải của đô hộ: “Regnavit a ligno Deus”. Thật vậy, ngay từ khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã cảnh giác “Ai muốn làm lớn trong các con phải làm đầy tớ các con; ai muốn làm đầu trong các con phải làm đầy tớ của mọi người. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mk 10:43-45).
Anh chị em thân mến,
Nhiều bài Thánh Vịnh nói về sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng bảo trì vũ trụ và quản trị lịch sử loài người chúng ta. Bài Thánh Vịnh 95 mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa được cử hành trong một phụng vụ uy nghi của Đền Thờ trên Núi Sion. Ở đó, một thứ dân nhỏ bé và bị đàn áp đã bày tỏ tất cả niềm cậy trông của mình nơi Vị Thiên Chúa chân thật, cho thấy rằng những vị thần linh của các dân ngoại đều chẳng là gì.
Thế nhưng, chính tất cả vũ trụ mới là những gì tỏ hiện sự cao cả của Thiên Chúa: “biển khơi và tất cả những gì trong đó…. Đất đai và tất cả những gì nó chất chứa” đều cất tiếng hát khen chúc tụng Đấng Hóa Công.
Bởi thế, bài Thánh Vịnh này là một lời mời gọi chúng ta hãy biến lời cầu nguyện cá nhân cũng như phụng vụ thành một bài hát tôn thờ hoan hỉ, ca tụng và chúc phúc cho Đức Vua của chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng hiển trị từ trên Cây Thập Giá.
Kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần này, ĐTC đã lên tiếng kêu gọi hòa bình như sau:
“Trong mấy ngày vừa qua, sau những cơn gió chiến tranh đe dọa đảo lộn toàn miền Trung Đông, Tôi lại nhận được tin tức về việc nước Iraq có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế một lần nữa. Tôi tha thiết xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện để Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo các quốc gia biết hướng về và bảo trì những thái độ thiện tâm, cũng như biết dẫn nhân loại đã chịu đựng quá nhiều sự dữ đến một cuộc chúng sống phi chiến tranh và bạo lực”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/9/2002)
Bài 51 – TV 84 (85) (Thứ Tư 25/9/2002)
THIÊN CHÚA THỨ THA VÀ CHỜ ĐỢI CON NGƯỜI HOÁN CẢI
(Thánh Vịnh 84 [85], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
1.- Thánh Vịnh 83 [84] chúng ta vừa công bố là một bài ca hân hoan tràn đầy hy vọng hướng về một tương lai cứu độ. Bài Thánh Vịnh này cho thấy giây phút hớn hở của dân Do Thái từ chốn lưu đầy Babylon trở về lại với mảnh đất của cha ông họ. Sinh hoạt quốc gia được bắt đầu trở lại ở mảnh đất thân yêu đó, một mảnh đất bị thiêu rụi và hủy diệt bởi quân đội của Vua Nebuchadnezzar chiếm thành Giêrusalem năm 586 trước công nguyên.
Thật vậy, theo nguyên ngữ Do Thái của bài Thánh Vịnh này thì động từ “shub” được lập đi lập lại, có ý nói đến việc trở về của thành phần bị lưu đầy, song nó cũng còn có nghĩa ám chỉ một cuộc “trở về” thiêng liêng nữa, nghĩa là việc “hoán cải đời sống”. Bởi thế, cuộc tái sinh không nguyên ám chỉ quốc gia mà còn đến cộng đồng tín hữu nữa, thành phần coi việc lưu đầy như là hình phạt bởi tội lỗi đã vấp phạm, cũng là thành phần giờ đây thấy được sự bù đắp và niềm tự do mới như là một ân phúc thần linh, vì việc hoán cải họ thực hiện.
2.- Có thể đọc Bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng khai triển ở hai giai đoạn chính yếu. Giai đoạn thứ nhất cho thấy đề tài “trở về” với tất cả ý nghĩa chúng ta vừa đề cập đến.
Trước hết, việc dân Do Thái trở về ở bề ngoài đã được cử hành ở chỗ: “Lạy Chúa, Chúa… đã phục hồi phần phúc cho Giacóp” (câu 2); “Lạy Thiên Chúa là Vị cứu tinh của chúng tôi, xin phục hồi chúng tôi một lần nữa; … Xin ban lại sự sống cho chúng tôi” (câu 5,7). Đây là một tặng ân quí giá của Thiên Chúa, Đấng quan tâm đến việc giải thoát con cái của mình khỏi bị đàn áp và chú ý tới sự thịnh vượng của họ. Thật vậy, “vì Chúa yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu… Chúa dung tha cho tất cả mọi sự, vì chúng là của Chúa, Ôi Chúa là Đấng yêu thương các sinh linh” (Wis 11:24,26).
Tuy nhiên, bên cạnh cuộc “trở về” này, một cuộc trở về qui tụ thành phần bị phân tán, còn một cuộc “trở về” khác sâu xa và linh thiêng hơn nữa. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã đặc biệt chú trọng đến cuộc trở về này, mặc cho nó một tầm mức quan trọng, một tầm mức có giá trị chẳng những cho dân Do Thái xưa mà còn cho thành phần tín trung ở hết mọi thời nữa.
3.- Chúa tác hành một cách hiệu nghiệm nơi cuộc “trở về” này, bằng cách Ngài đã tỏ tình yêu của Ngài ra trong việc thứ tha lỗi lầm của dân Ngài, trong việc xóa bỏ cho họ tất cả mọi tội lỗi, trong việc nguôi giận và hết tức (câu 3-4).
Thật vậy, việc giải thoát khỏi sự dữ, việc thứ tha lỗi lầm, việc thanh tẩy tội lỗi là những gì kiến tạo nên một dân tộc mới cho Chúa. Sự kiện này đã được tỏ bày nơi lời kêu cầu sau đây, lời kêu cầu cũng được nói lên nơi phụng vụ Kitô Giáo: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình yêu của Chúa; xin ban cho chúng con ơn cứu độ của Chúa” (câu 8)
Tuy nhiên, việc “trở về” của Thiên Chúa là Đấng thứ tha cần phải tương xứng với cuộc “trở về” của con người thống hối, tức là việc họ hoán cải cuộc đời. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này nói rằng bình an và ơn cứu độ đã được ban “cho những ai tin tưởng nơi Ngài” (câu 9). Bất cứ ai cương quyết dấn thân theo đường lối thánh thiện đều nhận được ơn sống trong vui mừng, tự do và an bình.
Cần phải để ý là những từ ngữ thánh kinh liên quan đến tội lỗi thường gợi lên cho thấy một con đường lầm lạc, một xa lìa đích nhắm, một lệch lạc với đường ngay nẻo chính. Việc hoán cải cuộc đời thực sự là một “cuộc trở về” với đường ngay nẻo chính là đường nẻo dẫn về nhà Cha, Đấng đợi chờ để ôm lấy chúng ta, để tha thứ cho chúng ta, và để làm cho chúng ta được hạnh phúc (x Lk 15:11-32).
4.- Bởi thế chúng ta tiến sang phần hai của bài Thánh Vịnh (các câu 10-14), phần được truyền thống Kitô giáo rất yêu chuộng. Phần này diễn tả một tân thế giới, trong đó tình yêu Thiên Chúa và lòng thủy chung của Ngài như là những con người ôm lấy nhau; cũng thế, công lý và bình an hội ngộ và hôn nhau. Chân lý bừng nở như trong một mùa xuân mới, và công lý, đối với Thánh Kinh cũng được coi là ơn cứu độ và sự thánh thiện, xuất hiện từ trời để bắt đầu cuộc hành trình của mình giữa nhân loại.
Tất cả mọi nhân đức, đầu tiên đã bị tội lỗi loại trừ khỏi mặt đất, giờ đây trở về với lịch sử và gặp gỡ nhau, phác họa lại tấm bản đồ của một thế giới an bình. Tình thương, sự thật, công lý và bình an hầu như trở thành bốn trụ điểm của địa dư về tinh thần này. Tiên tri Isaia cũng ca lên rằng: “Ôi các tầng trời, hãy để cho công lý như sương sa từ trời rơi xuống, như mưa nhẹ rơi từ bầu trời. Mặt đất hãy mở ra và ơn cứu độ nẩy nở; công lý cũng hãy vươn lên! Ta là Chúa đã làm nên điều này” (Is 45:8).
5.- Những lời của Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã được đọc lên, theo Thánh Irenaues thành Lyon ở thế kỷ thứ hai, như là một lời công bố về “việc phát xuất của Chúa Kitô từ một Người Trinh Nữ” (“Adversus haereses”, III,5,1). Thật vậy, việc xuất hiện của Chúa Kitô là nguồn mạch của tình thương, là sự nẩy mầm của chân lý, là việc nở hoa của công lý, là ánh quang sáng của an bình.
Vì điều này mà bài Thánh Vịnh đây, nhất là phần cuối cùng của bài, đã được đọc lại theo chiều hướng Giáng Sinh của truyền thống Kitô Giáo. Đó là cách Thánh Âu-Quốc-Tinh cắt nghĩa trong bài diễn từ về Giáng Sinh của ngài. Chúng ta hãy để cho thánh nhân kết thúc buổi suy niệm của chúng ta như sau. “’Chân lý xuất phát từ đất’, đó là Chúa Kitô, Đấng đã phán ‘Ta là sự thật’ (Jn 14:6), được sinh ra bởi một Trinh Nữ. ‘Và công lý từ trời xuất hiện’, đó là ai tin vào Người là Đấng đã được sinh ra thì không tự mình công chính hóa mà là được Thiên Chúa làm cho nên công chính. ‘Chân lý xuất phát từ đất’, vì ‘Lời đã hóa thành nhục thể’ (Jn 1:14). “Và công lý từ trời xuất hiện’, vì ‘hết mọi ân sủng tuyệt vời và hết mọi tặng ân hoàn hảo đều từ trên cao ban cho’ (James 1:17). ‘Chân lý xuất phát từ đất’, tức là chân lý mặc lấy một thân thể từ Mẹ Maria. ‘Và công lý từ trời xuất hiện’ vì ‘không ai có thể lãnh nhận bất cứ sự gì trừ khi được ban cho từ trên cao’ (Jn 3:27)” (“Discorsi” [Discourses], IV/I, Rome, 1984, p.11).
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Vịnh 84 là một cử hành hân hoan về việc dân Do Thái từ chốn lưu đầy trở về và là một lời mời gọi hãy tiếp tục hy vọng nơi lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Thành phần Dân Tuyển Chọn chẳng những được mời gọi hãy trở về Đất Hứa mà còn trở về với Chúa bằng đức tin và lòng tuân phục Giao Ước của Ngài nữa. Vị Tác Giả Thánh Vịnh phác họa một tương lai được tình yêu thủy chung của Thiên Chúa làm cho công chính và bình an phát sinh từ mặt đất. Giáo Hội thấy lời tiên tri này được nên trọn nơi việc xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi việc lan tràn Vương Quốc công lý, chân thật và bình an của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 25/9/2002)
Bài 52 – Ca vịnh Is (Thứ Tư 2/10/2002)
LÒNG TIN TƯỞNG THIÊN CHÚA LÀ ĐÁ TẢNG CUỘC ĐỜI
(Ca Vịnh 26 Isaia, Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
1.- Có những tiếng nói khác nhau được qui hợp lại trong Sách Tiên Tri Isaia, những tiếng nói đã kéo dài trong một khoảng thời gian bao rộng cũng như ở tất cả mọi thời, mang tên tuổi và cho thấy hứng khởi của một vị đại chứng nhân của Lời Chúa, vị đã sống ở thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên.
Trong cuốn sách lớn đầy những lời tiên tri này, cuốn sách đã được Chúa Giêsu mở ra và đọc trong hội đường ở chốn thôn làng Nazarét của Người (xem Lk 4:17-19), có một loạt những đoạn, từ đoạn 24 đến đoạn 27, những đoạn được các nhà học giả đặt cho cho một cái tên chung là “cuộc đại khải thị của tiên tri Isaia”. Thật vậy, một loạt những đoạn thứ hai nhỏ hơn ở các đoạn 34-35. Nơi những trang thường nhiệt liệt và đầy những biểu hiệu này nổi lên một diễn tả thi ca mãnh liệt cho thấy phán quyết thần linh trên lịch sử, cũng như cho thấy lòng mong đợi cứu độ nơi thành phần công chính.
2.- Như trường hợp Khải Thị của Thánh Gioan, thường có hai thành đô đối ngược nghịch đảo nhau: phản đô, được hiện thân ở một số thủ đô lịch sử của thời ấy, và thánh đô, nơi qui tụ thành phần tín nghĩa.
Đúng, bài ca vịnh chúng ta vừa nghe loan báo, được trích từ Đoạn 26 của sách Tiên Tri Isaia thực sự là một hân hoan cử hành của thành đô cứu độ. Thành đô cứu độ này mọc lên vững mạnh và hiển vinh, vì chính Chúa đã đặt nền móng cho thành và xây tường thành hộ vệ, khiến cho thành trở nên một chốn cư ngụ an toàn và bình yên (xem câu 1). Giờ đây Ngài đã mở rộng cửa để đón tiếp những người công chính (xem câu 2), thành phần dường như lập lại những lời của vị Tác Giả Thánh Vịnh kêu lên trước Đền Thánh Sion là: “Hãy mở những cửa vinh thắng; tôi sẽ tiến vào tạ ơn Chúa. Đây là cổng riêng của Chúa, nơi những kẻ chiến thắng tiến vào” (Ps 117:19-20).
3.- Ai tiến vào thành đô cứu độ này cũng đều phải hội đủ một điều kiện thiết yếu, đó là một “ý định vững chắc… tin tưởng nơi Chúa… tin tưởng” (xem Is 26:3-4). Chính niềm tin nơi Thiên Chúa, một niềm tin vững chắc dựa vào Ngài, Đấng là “Tảng Đá muôn đời” (câu 4).
Chính lòng tin tưởng, đã được thể hiện nơi chữ gốc “Amen” ở nguyên ngữ Do Thái, một lời tuyên xưng tổng hợp niềm tin vào Chúa, Đấng như Vua Đavít xướng lên, là “đá tảng của tôi, thành trì của tôi, đấng giải cứu tôi; Ôi Thiên Chúa, tảng đá chở che tôi, thuẫn đỡ của tôi, xừng cứu độ tôi, thành trì của tôi” (Ps 17[18]:2-3; xem 2Sam 22:23).
Tặng ân Thiên Chúa ban cho thành phần tín nghĩa đó là bình an (xem Is 26:3), một tặng ân cứu độ tuyệt hảo nhất, tổng hợp của một cuộc đời sống trong công chính, tự do và hoan hỉ hiệp thông.
4.- Đó là một tặng ân cũng được xác nhận một cách mạnh mẽ trong câu cuối cùng của bài Ca Vịnh Isaia này: “Ôi Chúa, Chúa đo lường bình an của chúng tôi cho chúng tôi, vì chính Chúa là Đấng đã hoàn thành tất cả những gì chúng tôi đã làm” (câu 12). Chính câu này đã làm cho các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội chú ý, ở chỗ, nơi lời hứa ban bình an này các ngài đã nhận ra những lời của Chúa Kitô hằng vang vọng qua các thế kỷ là: “Thày để lại bình an cho các con; Thày ban bình an cho các con” (Jn 14:27).
Trong cuốn “Dẫn Giải Phúc Aâm Thánh Gioan” của mình, Thánh Cyrilô Thánh Alexandria đã nhắc lại rằng, trong việc ban bình an, Chúa Giêsu ban cho chúng ta cả Thần Linh của Người nữa. Bởi thế, Người không bỏ chúng ta mồ côi mà là ở với chúng ta nhờ Thần Linh. Và Thánh Cyrilô giải thích là Vị Tiên Tri này “cầu xin để Thần Linh Thiên Chúa được ban cho chúng ta, Đấng nhờ Ngài chúng ta được tái hiệp thông với Thiên Chúa Ngôi Cha, chúng ta là những kẻ trước đó xa cách Ngài vì tội lỗi ngự trị nơi chúng ta”. Thế rồi bài dẫn giải biến thành một lời cầu nguyện: “Oâi Chúa, xin ban cho chúng con bình an. Bấy giờ chúng con mới nhận thấy rằng chúng con có tất cả mọi sự, và chúng con mới có thể thấy rằng ai lãnh nhận tròn đầy Chúa Kitô thì không thiếu một sự gì nữa. Thật thế, sự tròn đầy tất cả mọi thiện hảo là sự kiện cho thấy rằng Thiên Chúa ở trong chúng con bằng Thần Linh (x Ccol 1:19)” (Vol II, Roma, 1994, p.165).
5.- Chúng ta hãy nhìn một lần cuối cùng đến đoạn văn của tiên tri Isaia. Đoạn văn này cho thấy một phản ảnh về “đường lối của người công chính” (câu 7) cũng như cho thấy lời tuyên xưng gắn bó với những quyết định công minh của Thiên Chúa (x các câu 8-9). Hình ảnh nổi bật đó là hình ảnh con đường, hình ảnh cổ kính trong Thánh Kinh, như đã được tiên tri Hôsea công bố, một vị tiên tri sống ngay trước tiên tri Isaia: “Ai khôn ngoan hãy hiểu biết những điều này… Những đường nẻo của Chúa thì thẳng ngay, những đường nẻo của người công chính bước đi, nhưng tội nhân lại bị vấp ngã” (Hos 14:9).
Còn một yếu tố khác trong bài Ca Vịnh của Tiên Tri Isaia, một yếu tố cũng rất sâu sắc vì nó được sử dụng cho phụng vụ giờ kinh ban mai. Thật vậy, rạng đông đã được đề cập đến, một rạng đông được đợi chờ sau một đêm đen dấn thân tìm kiếm Thiên Chúa: “Linh hồn tôi trông mong Chúa trong đêm đen, phải, tâm thần của tôi mong đợi Chúa” (Is 26:9).
Chính vào lúc rạng đông của một ngày, khi bắt đầu hoạt động và nhịp sống nhộn nhịp trên các đường phố, là lúc thành phần tín nghĩa cũng phải bắt đầu nhất định bước đi “theo những đường nẻo của những gì Ngài phán quyết, Oâi lạy Chúa” (câu 8), với niềm hy vọng nơi Ngài và Lời của Ngài, nguồn mạch bình an duy nhất.
Giờ đây những lời của Vị Tác Giả Thánh Vịnh phát ra từ môi miệng, vị tuyên xưng niềm tin của mình từ rạng đông: “Oâi Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa của tôi – tôi trông mong Ngài! Thân xác tôi khao khát Ngài… Vì tình yêu của Ngài cao quí hơn cả mạng sống” (Ps 62[63]:2,4). Với tinh thần vững mạnh hơn, vị tác giả này có thể nhờ đó khai mạc một ngày mới.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh được thấy trong đoạn 26 của Sách Tiên Tri Isaia này cử hành cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên kẻ thú của Ngài và sự hiện diện cứu độ của Ngài nơi dân Ngài. Bài Ca Vịnh này gợi lên cho thấy hình ảnh của một thành đô kiên cố được Thiên Chúa xây dựng như một nơi trú ngụ an bình cho tất cả những ai đặt tin tưởng nơi Ngài. Giáo Hội đọc bài Ca Vịnh này như là một lời tiên tri về sự bình an của Chúa Giêsu Kitô. Việc Ngài ở giữa chúng ta nhờ tặng ân Thánh Linh của Ngài là một lời hiệu triệu hãy đặt tất cả mọi niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa và hãy tìm kiếm ơn cứu độ bằng việc tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 2/10/2002)
Bài 53 – TV 66 (67) (Thứ Tư 8/10/2002)
SỰ SỐNG CỦA MỖI NGƯỜI LÀ LỜI CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA
(Thánh Vịnh 66 [67], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
1.- Tiếng của vị Tác Giả Thánh Vịnh xưa vừa được xướng lên, vị đã dâng một bài thánh thi ca cảm tạ lên Chúa. Bản thánh thi ca này là một bài ca ngắn ngủi mà xúc tác, một bài ca mở ra một chân trời rộng lớn, cho đến khi chân trời này ôm lấy tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này.
Chiều hướng rộng mở này có lẽ đã phản ảnh tinh thần ngôn sứ của giai đoạn sau cuộc lưu đầy ở Babylon, giai đoạn được cho rằng ngay cả những kẻ ngoại bang cũng được dẫn đến cùng Thiên Chúa trên núi thánh của Ngài với tràn đầy niềm hân hoan vui sướng. Những hiến lễ của họ cũng như những lễ dâng toàn thiêu của họ đẹp lòng Thiên Chúa, vì đền thờ Chúa đã trở nên “nhà cầu nguyện cho tất cả mọi dân nước” (Is 56:7).
Trong bài Thánh Vịnh 66[67] còn có cả một ca đoàn hoàn vũ các dân nước nữa được mời gọi để hợp tiếng chúc tụng do dân Do Thái dâng lên trong đền thờ Sion. Thật vậy, luân khúc này đã được lập lại hai lần là “Chớ gì các dân nước hãy chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa; chớ gì tất cả mọi dân nước hãy ca ngợi Ngài” (câu 4,6).
2.- Ngay cả những ai không thuộc về cộng đồng được Thiên Chúa tuyển chọn cũng được Ngài kêu gọi, ở chỗ, thật vậy, họ được kêu gọi để nhận biết “đường lối” mà Ngài đã tỏ cho dân Do Thái thấy. “Đường lối” này là dự án cứu độ thần linh, là vương quốc ánh sáng và hòa bình, một vương quốc bao gồm cả các dân ngoại là thành phần cũng được mời gọi để lắng nghe tiếng Gia-Vê Thiên Chúa (x. câu 3). Thành quả của việc lắng nghe tuân giữ này là lòng kính sợ Chúa ở “tận cùng trái đất” (câu 8), một diễn tả không gây nên nỗi sợ hãi cho bằng lòng trọng kính tôn sùng trước mầu nhiệm siêu việt và hiển vinh của Thiên Chúa.
3.- Đoạn mở và kết của bài Thánh Vịnh lập đi lập lại nỗi ước vọng mong được phúc lành thần linh: “Chớ gì Thiên Chúa sủng ái chúng tôi và chúc phúc cho chúng tôi; Chớ gì dung nhan Thiên Chúa tỏ hiện trên chúng tôi… Ôi Chúa Trời, xin Chúa chúc phúc cho chúng tôi. Chớ gì Thiên Chúa cứ mãi chúc phúc cho chúng tôi” (các câu 2,7-8).
Nghe những lời này làm cho chúng ta dễ cảm thấy như vang vọng lời chúc phúc tư tế nổi tiếng đã được Moisen nhân danh Thiên Chúa truyền cho Aaron và giòng dõi chi tộc tư tế: “Xin Chúa chúc phúc cho anh em và gìn giữ anh em! Xin dung nhan của Chúa chiếu sáng trên anh em và tỏ lòng ưu ái với anh em! Xin Chúa nhân ái nhìn đến anh em và ban bình an cho anh em!” (Num 6:24-26).
Vậy, theo vị Tác Giả Thánh Vịnh, phúc lành trên dân Do Thái này sẽ giống như một hạt giống ân sủng và cứu độ, một hạt giống sẽ được trồng cấy trên trái đất khắp thế giới và trong lịch sử, sẵn sàng nẩy mầm mọc nên thành một cây tốt tươi hoa trái.
Chúng ta nghĩ đến lời Chúa hứa với Abraham vào ngày ông được tuyển chọn là: “Ta sẽ làm phát xuất từ ngươi một đại dân tộc, và Ta sẽ chúc phúc cho ngươi; Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao cả, để ngươi trở thành một phúc lành… Tất cả mọi cộng đồng trên trái đất này sẽ tìm thấy phúc lành ở nơi ngươi” (Gen 12:2-3).
4.- Theo truyền thống Thánh Kinh, một trong những tác dụng của phúc lành thần linh có thể cảm nghiệm được đó là tặng ân sự sống, là tặng ân dồi dào phong phú và là tặng ân sinh hoa kết trái.
Bài Thánh Vịnh của chúng ta đây qui chiếu một cách tỏ tường về thực tại cụ thể này, một thực tại cao quí cho cuộc sống, đó là “Mặt đất đã trổ sinh mùa màng” (câu 7). Sự kiện này đã khiến các học giả liên kết bài Thánh Vịnh này với lễ nghi tạ ơn về mùa màng phì nhiêu, dấu hiệu của hồng ân thần linh và là chứng từ cho các dân nước khác về việc Chúa gần gũi với dân Do Thái.
Đoạn Thánh Vịnh này cũng làm cho các Vị Giáo Phụ Hội Thánh chú trọng, những vị đã đi từ chân trời canh nông tới cánh đồng tiêu biểu. Bởi thế, giáo phụ Origen đã áp dụng câu này cho Trinh Nữ Maria cũng như cho Thánh Thể, tức là cho Chúa Kitô, Đấng từ cánh hoa Trinh Nữ xuất thân và trở thành hoa trái có thể ăn được. Theo chiều hướng này thì “mặt đất là Thánh nữ Maria, người đã xuất thân bởi Adong, từ trái đất của chúng ta mà có, từ mầm mống của chúng ta, từ thứ bùn đất này, từ thứ đất xét này”. Trái đất này đã trổ sinh hoa trái: Ở chỗ, những gì đã bị mất mát trên thiên đàng lại được tìm thấy nơi Người Con. “Trái đất đã trổ sinh hoa trái: đầu tiên là một cánh hoa…. Đoạn, nhờ cánh hoa này nó đã sinh hoa kết trái, nhờ đó chúng ta có thể ăn, chúng ta có thể ăn thịt của Người. Anh em có biết trái này là gì chăng? Đó là Đấng Trinh Nguyên của Vị Trinh Nữ, là Chúa của người nữ tỳ, là Vị Thiên Chúa của con người, là Con của Thánh Mẫu, hoa trái của trái đất” ("74 Omelie sul libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of the Psalms], Milan, 1993, p. 141).
5.- Chúng ta kết thúc bằng những lời của Thánh Âu Quốc Tinh trong cuốn dẫn giải Thánh Vịnh của thánh nhân. Thánh nhân đã cho hoa trái mọc lên từ trái đất này là một thứ tin mừng được ân sủng làm nẩy sinh nơi con người khi Chúa Kitô đến, là một thứ tin mừng ăn năn hoán cải và là hoa trái của việc chúc tụng Thiên Chúa.
Thật vậy, “trái đất đầy những gai góc”, thánh nhân giải thích. Thế nhưng, “bàn tay của Đấng làm cho chúng bật gốc đã gần kề, tiếng của Đấng uy nghi cũng như của tình Ngài thương xót đã gần đến, và trái đất đã bắt đầu lên tiếng ngợi ca. Bấy giờ trái đất trổ sinh hoa trái”. Dĩ nhiên trái đất không thể sinh hoa kết trái, “nếu trước hết nó không được tưới nước” từ những cơn mưa, “nếu tình thương của Thiên Chúa trước hết không tỏ hiện từ trên cao”. Bởi thế chúng ta mới thấy một thứ hoa trái chín mùi nơi Giáo Hội nhờ việc rao giảng của các Vị Tông Đồ: “Thế nên việc làm cho mưa xuống từ những đám mây của Ngài đây tức là từ các vị tông đồ, thành phần loan báo chân lý, ‘trái đất đã trổ sinh hoa trái’ dồi dào hơn, và mùa màng phì nhiêu này giờ đây đã tràn lan khắp thế giới” ("Esposizioni sui Salmi" [Expositions on the Psalms] II, Rome, 1970, p. 551).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 66 là một bài thánh thi ca tạ ơn Thiên Chúa ngắn ngủi nhưng đánh động. Bài thánh thi ca này được dâng lên Chúa nhân danh tất cả mọi dân nước trên trái đất, những người được kêu gọi để làm sáng tỏ đường lối của Ngài, những đường lối cứu độ, những đường lối của ánh sáng và bình an. Bài thánh thi ca này kêu cầu tình thương của Thiên Chúa và xin Ngài hãy chúc phúc cho dân của Ngài, để họ có thể sinh hoa kết trái nhờ đó họ trở thành nguồn phúc ân cho những người khác. Chúa Giêsu Kitô là phúc lành tuyệt đỉnh Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài. Chính qua Chúa Kitô mà toàn thể thế giới đã được lãnh nhận lời hứa cứu chuộc là tặng ân sự sống đời đời.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 8/10/2002)
Bài 54 – TV 85 (86) (Thứ Tư 22/10/2002)
LỜI CẦU TIN TƯỞNG
(Thánh Vịnh 85 [86], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
1.- Bài Thánh Vịnh 85 [86] chúng ta vừa nghe và là những gì chúng ta sẽ suy niệm đã hiến cho chúng ta một hình ảnh sâu xa về Vị Tác Giả Thánh Vịnh. Vị tác giả này đã đặt mình trước Thiên Chúa bằng những lời: Tôi là “tôi tớ của Chúa” và là “đứa con của nữ tỳ Ngài” (câu 16). Chắc chắn là lời bày tỏ này thuộc về một thứ ngôn ngữ của những lễ nghĩa triều đình, thế nhưng nó cũng được sử dụng để nói lên một người tôi tớ được người trưởng gia hay trưởng tộc thừa nhận làm con cái. Bởi thế, Vị Tác Giả Thánh Vịnh. người cũng đã bày tỏ mình như là một “người tôi trung” của Chúa (câu 2), cảm thấy mình được hiệp nhất với Thiên Chúa, không những bằng một thắt kết tuân phục, mà còn bằng một mối thân gia và hiệp thông nữa. Đó là lý do tại sao lời nguyện cầu của vị tác giả này đầy lòng tín thác tin tưởng và hy vọng.
Giờ đây chúng ta hãy theo dõi lời nguyện cầu được phụng vụ giờ kinh ban mai đề ra cho chúng ta vào lúc mở màn cho một ngày sống, một lời cầu nguyện dường như mang lại chẳng những các điều quyết tâm và nỗ lực mà còn cả những hiểu lầm và khó khăn nữa.
2.- Bài Thánh Vịnh mở đầu bằng một lời kêu gọi thiết tha, một lời kêu gọi được Vị Tác Giả Thánh Vịnh ngỏ cùng Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Ngài (các câu 1-7). Ở đoạn cuối, vị tác giả này lại bày tỏ niềm tin tưởng rằng Chúa là “một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và hết sức yêu thương và chân thật” (câu 15; xem Ex 34:6). Những lời xác nhận được lập lại và tác động của lòng tin tưởng này đã cho thấy một niềm tin tuyền vẹn và tinh nguyên, một niềm tin phó mình cho “Chúa,… nhân ái và thứ tha, hết lòng yêu thương tất cả những ai kêu cầu Chúa” (câu 5).
Giữa bài Thánh Vịnh này là bài thánh thi ca, một bài thánh thi chất chứa những cảm tình tạ ơn với việc tuyên xưng đức tin vào các việc cứu độ được Thiên Chúa thể hiện trước các dân nước (các câu 8-13).
3.- Chống lại với tất cả mọi hướng chiều về ngẫu tượng, Vị Tác Giả Thánh Vịnh công bố việc hoàn toàn hiệp nhất với Thiên Chúa (câu 8). Cuối cùng, vị tác giả này bày tỏ một niềm hy vọng điên rồ là một ngày kia “tất cả mọi dân nước” sẽ tôn thờ Thiên Chúa của Yến Duyên (câu 9). Viễn ảnh tuyệt vời này đã được nên trọn nơi Giáo Hội Chúa Kitô, vì Người đã mời gọi các tông đồ của Người hãy đi giảng dạy cho “tất cả mọi dân nước” (Mt 28:19). Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thực hiện được việc hoàn toàn giải cứu, vì tất cả mọi sự là tạo vật đều phải lệ thuộc vào Ngài và tất cả đều phải qui về Ngài bằng một thái độ tôn thờ (câu 9). Thật vậy, Ngài đã thể hiện những kỳ công của Ngài, những kỳ công chứng thực quyền chủ tể tuyệt đối của Ngài, trong vũ trụ cũng như trong lịch sử (câu 10).
Tới đây, Vị Tác Giả Thánh Vịnh đặt mình trước nhan Thiên Chúa với một lời kêu cầu thiết tha và tinh vẹn: “Lạy Chúa, xin hãy dạy tôi đường lối của Chúa để tôi bước đi trong chân lý Ngài, với con tim ngay chính và bằng việc tôn kính danh Ngài” (câu 11). Đây là một điều kêu xin tuyệt đẹp trong việc làm sao để có thể nhận biết ý muốn của Thiên Chúa, cũng là một lời kêu xin Chúa ban cho mình “một con tim đơn thành” như con tim của trẻ thơ, những con trẻ không biết mưu đồ tính toán trong việc phó mình hoàn toàn cho Cha để được Ngài dẫn dắt bước đi trên con đường đời.
4.- Thế rồi từ môi miệng của thành phần tín nghĩa phát lên lời chúc tụng Vị Thiên Chúa xót thương, Đấng không để cho họ phải thất vọng và chết đi, bị vướng phải sự dữ và tội lỗi (câu 12-13; Ps 15[16]:10-11).
Bài Thánh Vịnh 85[86] là bài thánh vịnh được Do Thái giáo yêu chuộng cho vào phụng vụ Lễ Yom Kippur hay ngày lễ xóa tội, một trong những ngày trọng thể nhất. Phần Sách Khải Huyền đã lấy một câu (thứ 9) trong bài Thánh Vịnh này, đưa vào phụng vụ hiển vinh thiên đình ở đoạn giữa của bài ca Moisen, người tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca Con Chiên, mà rằng: “Tất cả mọi dân nước tiến đến tôn thờ Ngài”, rồi Sách Khải Huyền thêm: “Vì Ngài đã tỏ ra cho thấy những hành động chính trực của Ngài” (Rev 15:4).
Thánh Âu-Quốc-Tinh đã giành cả một bài dẫn giải dài giòng và cảm kích cho bài Thánh Vịnh của chúng ta đây trong tập Dẫn Giải Các Bài Thánh Vịnh của thánh nhân, biến bài thánh vịnh này thành một bài ca của Chúa Kitô và của Kitô hữu. Bản dịch Latinh, theo đúng bản dịch Bảy Mươi Hy Lạp, thay vì dịch là “tín nghĩa”, thì ở câu 2 đã dịch là “thánh thiện”: “Xin bảo vệ tôi vì tôi thánh thiện”. Thực ra chỉ một mình Chúa Kitô mới là Đấng thánh. Tuy nhiên, Thánh Âu-Quốc-Tinh đã giải thích là Kitô hữu cũng có thể áp dụng những lời này vào trường hợp của họ: “Tôi thánh hảo vì Ngài đã thánh hóa tôi; vì tôi đã lãnh nhận (danh hiệu này), không phải tự mình mà tôi có được danh hiệu ấy; mà bởi vì Ngài đã ban nó cho tôi, chứ không phải vì tôi đã chiếm được nó”. Bởi thế, “hết mọi Kitô hữu cũng phải nói, đúng hơn, toàn thể thân thể Chúa Kitô phải kêu lên ở khắp mọi nơi, trong khi trải qua những cơn gian nan khốn khó, những chước cám dỗ, những gương mù gương xấu vô số kể, là ‘Hãy bảo vệ linh hồn tôi, vì tôi thánh hảo! Lạy Chúa Trời tôi, xin hãy cứu vớt tôi tớ của Ngài, người tôi tớ hy vọng vào Ngài’. Đó, vị thánh này đâu có lên mặt, vì vị ấy hy vọng vào Chúa mà” (Vol II, Rome, 1970, p. 1251).
5.- Người Kitô hữu thánh thiện hướng bản thân mình về tính cách phổ quát của Giáo Hội và cầu nguyện cùng Vị Tác Giả Thánh Vịnh rằng: “Lạy Chúa, Tất cả mọi quốc gia Ngài đã tạo lập sẽ đến cúi đầu trước Ngài” (câu 9). Theo Thánh Âu-Quốc-Tinh dẫn giải: “Tất cả mọi dân tộc trong một Chúa duy nhất chỉ là một dân tộc duy nhất và làm nên một mối duy nhất. Như việc có Giáo Hội và các giáo hội, và các giáo hội đều là Giáo Hội thế nào thì ‘dân tộc’ ấy cũng là các dân tộc như vậy. Thoạt tiên họ là các dân tộc khác nhau, đông đảo; giờ đây họ chỉ còn là một dân tộc duy nhất. Tại sao lại chỉ có một dân tộc duy nhất? Vì chỉ có một đức tin, chỉ có một đức cậy, chỉ có một đức mến, chỉ có một sự đợi trông duy nhất. Sau hết, không phải là vì chỉ có một dân tộc duy nhất nên cũng chỉ có một quê hương duy nhất hay sao? Quê hương đây là thiên đàng, quê hương đây là Giêrusalem. Và dân tộc này bao gồm từ Đông sang Tây, từ bắc phương cho tới biển cả, khắp bốn phương trời của cả thế giới này” (ibid., p. 1269).
Theo chiều hướng đại đồng ấy, lời nguyện phụng vụ của chúng ta được biến thành một hơi thở chúc tụng và là một bài ca tôn vinh dâng lên Chúa thay cho tất cả mọi tạo vật.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 85 là một lời cầu nguyện sống động về lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và đức tin nơi Thiên Chúa, Đấng mang ơn cứu độ đến cho những ai kêu lên Ngài. Chúa đầy lòng cảm thương và nhân hậu đối với các tôi tớ của Ngài, với những ai tìm cách nhận biết các đường lối của Ngài và sự thật của Ngài. Tất cả mọi dân nước trên trái đất này được kêu gọi để tôn thờ Thiên Chúa và tôn vinh danh của Ngài. Chính qua Chúa Kitô, Đấng Thánh duy nhất, mà tất cả mọi dân nước trên địa cầu trở thành dân thánh của Thiên Chúa, trong đức tin, đức cậy và đức mến, khi họ nâng tiếng chúc tụng vị Chúa duy nhất của trời đất.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 22/10/2002)
Bài 55 – Ca vịnh Is 33 (Thứ Tư 29/10/2002)
THIÊN CHÚA KHÔNG DỬNG DƯNG TRƯỚC THIỆN VÀ ÁC
(Ca Vịnh Isaia 33, Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
1. Hôm nay chúng ta thấy bài ca vịnh ngắn vừa được công bố trong số những ca vịnh của Thánh Kinh được đan kết với những bài Thánh Vịnh trong phụng vụ giờ kinh ban mai. Bài ca vịnh này được trích từ một đoạn trong Sách Tiên Tri Isaia, đoạn 33 thuộc tổng bộ bao gồm những lời Chúa phán dài và hay.
Ở các câu trước những câu được qui chiếu (10-12), bài ca vịnh mở màn với lời loan báo về việc Thiên Chúa toàn năng và vinh quang tiến vào diễn trường của lịch sử nhân loại: “Chúa phán, giờ đây Ta sẽ tiến tới, Ta sẽ thượng tôn, Ta sẽ vươn lên” (câu 10). Những lời của Thiên Chúa phán cùng những ai “ở xa” cũng như những kẻ “ở gần”, tức là với tất cả mọi dân nước của trái đất này, ngay cả những nơi xa xôi nhất, cũng như cho dân Yến Duyên, dân “ở gần” Chúa theo giao ước (xem câu 13)
Một đoạn khác của Sách Tiên Tri Isai đã cho thấy rằng “Chúa phán, bình an, bình an cho người ở xa lẫn kẻ ở gần; và Ta sẽ chữa lành chúng” (Is 57:19). Thế mà bây giờ những lời Chúa lại trở thành cay nghiệt; những lời lẽ mang một giọng điệu luận phán về những gian ác của những ai ở “xa” cũng như ở “gần”.
2. Thật vậy, thế là ngay sau đó, nỗi sợ hãi đã lan ra trong thành phần dân cư mang đầy tội lỗi và vô lễ ở Sion (xem câu 14). Họ ý thức được cuộc sống gần Chúa, Đấng ngự trong Đền Thờ, Đấng đã muốn đồng hành với họ trong lịch sử và biến mình thành “Emmanuel”, thành một vị “Thiên Chúa ở với chúng tôi” (xem Is 7:14). Đúng thế, Vị Chúa công minh và thánh hảo không thể chấp nhận tình trạng vô lễ, bại hoại và bất chính. Ngài bừng giận như một “thứ lửa thiêu đốt” và như “những ngọn lửa không hề tắt” (câu 14) đối với sự dữ để tiêu hủy nó đi.
Ở Chương 10, Tiên Tri Isaia đã cảnh giác là “Ánh sáng của dân Yến-Duyên sẽ xuất hiện như một thứ lửa, Đấng Thánh của dân Yến-Duyên như một ngọn lửa, một ngọn lửa bừng cháy và thiêu đốt” (câu 17). Tác Giả Thánh Vịnh cũng xướng lên rằng: “như sáp bị lửa làm cho tan chảy thế nào, kẻ gian ác cũng sẽ bị tiêu ma đi trước nhan Thiên Chúa như vậy” (Ps 67[68]:3). Về phương diện công cuộc thực hiện trong Cựu Ước, vấn đề muốn nói ở đây là Thiên Chúa không dửng dưng trước thiện và ác, nhưng tỏ ra cho thấy rằng Ngài bực tức và giận dữ trước tình trạng gian ác.
3. Bài ca vịnh của chúng ta đây không kết thúc ở cảnh tối tăm của việc luận xử. Trái lại, nó đã giành một phần dài nhất và đặc biệt nhất cho sự thánh thiện được tiếp nhận và sống động như là một dấu hiệu của lòng hoán cải và hòa giải phát xuất từ Thiên Chúa. Giống hệt như một số bài Thánh Vịnh đề cập tới, chẳng hạn như bài 14 và 23, những bài cho thấy các điều kiện Chúa đòi phải có để sống trong mối hiệp thông hoan lạc với Ngài nơi phụng vụ của Đền Thờ, Tiên Tri Isaia đã liệt kê sáu quyết tâm về luân lý cho người tín hữu chân thực, trung thành và công chính (câu 15), thành phần có thể không bị hại khi ở gần lửa thần linh, nguồn mạch ân huệ cho họ.
Quyết tâm thứ nhất là ở chỗ “bước đi trên đường ngay nẻo chính”, tức là lấy lề luật thần linh làm đèn soi dẫn cho đường đời. Dấn thân thứ hai trùng với lời lẽ trung thành và chân thực, dấu hiệu của những mối liên hệ về xã hội đứng đắn và chuyên chính. Ở quyết tâm thứ ba, Tiên Tri Isaia nêu lên vấn đề loại trừ đi việc “cưỡng chiếm”, tức chiến đấu với việc đàn áp kẻ nghèo và chiến đấu với thứ giầu sang bất chính. Người tín hữu bởi thế phải cương quyết lên án tình trạng bại hoại về chính trị và pháp chế, bằng việc phủi “tay để khỏi nhận tiền hối lộ”, một hình ảnh ý nghĩa nói lên việc từ chối những lợi lộc xúi giục làm lệch lạc đi việc áp dụng các khoản lề luật cũng như việc hành sử công lý.
4. Quyết tâm thứ năm được diễn tả với một cử chỉ quan trọng của việc “bịt tai lại” khi nghe thấy những âm mưu đẫm máu, những hành vi bạo động tội ác. Quyết tâm thứ sáu cũng là quyết tâm cuối cùng được nói lên bằng một hình ảnh mà thoạt thấy chẳng có dính dáng gì cả, vì nó không hợp với cách nói năng của chúng ta. Khi chúng ta nói về “việc quay đi con mắt mù”, chúng ta muốn nói rằng: “làm bộ như không thấy gì để khỏi dính vô”; tuy nhiên, vị tiên tri nói rằng con người chân thực “(nhắm) mắt lại kẻo nhìn thấy sự dữ” để tỏ ra hoàn toàn từ chối không chịu dính dáng gì với sự dữ.
Trong lời dẫn giải về Sách Tiên Tri Isaia, Thánh Giêrônimô đã khai triển ý tưởng hợp với toàn đoạn văn, đó là: “Hết mọi lỗi lầm, mọi việc đàn áp và bất chính đều là quyết định đổ máu, và cho dù người ta không lấy gươm sát hại, họ vẫn sát hại trong ý định của họ. ‘Và hãy nhắm mắt lại kẻo trông thấy sự dữ’: phúc thay lương tâm nào không nghe hay không thấy sự dữ! Ai được như vậy sẽ ở ‘nơi cao nhất’, tức là được ở trong Nước Trời cũng như ở trong một cái động sâu nhất của Tảng Đá rất vững, tức ở trong Chúa Giêsu Kitô” ("In Isaiam prophetam," 10, 33: PL [Latin Fathers] 24, 367).
Thánh Giêrônimô như thế đã làm cho chúng ta hiểu được việc “nhắm mắt” mà Vị Tiên Tri gợi lên: Đó là một lời mời gọi hãy nhất định chối bỏ bất cứ một dính bén nào với sự dữ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì những giác quan chính của thân thể đều bị thử thách, ở chỗ, tay, chân, mắt, tai, lưỡi đều dính dáng đến hành vi cử chỉ luân lý của con người.
5. Phải, những ai muốn thực thi tác hành chân thực và công chính này sẽ tới được Đền Thờ Chúa, nơi họ sẽ được an toàn của một thứ phúc hạnh cả trong lẫn ngoài do Thiên Chúa ban cho ai hiệp thông với Ngài. Vị Tiên Tri này dùng hai hình ảnh để diễn tả phần kết thúc vui tươi ở đây (câu 16): “Họ sẽ ở trên những nơi cao, thành trì của họ sẽ vững như đá, đồ ăn thức uống của họ lúc nào cũng sẵn có”, dấu hiệu của một đời sống dồi dào hạnh phúc.
Truyền thống có khuynh hướng giải thích dấu hiệu nước như hình ảnh của phép rửa (xem… Thư Thánh Barnabê 11,5), trong khi bánh đối với Kitô hữu được biến thành dấu hiệu cho Thánh Thể. Đó là những gì được thấy, chẳng hạn, trong bài dẫn giải của Thánh Justinô Tử Đạo, vị coi những lời của Ngôn Sứ Isaia như là một lời tiên báo về “bánh” Thánh Thể, “việc tưởng niệm” cuộc tử nạn cứu chuộc của Chúa Kitô (xem "Dialogo con Trifone," Paoline, 1988, p. 242).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh trong đoạn 33 của Sách Tiên Tri Isaia loan báo việc Thiên Chúa luận xử những bất chính của con người cùng những lời Ngài kêu gọi hãy sống thánh thiện đúng với Giao Ước. Theo vị Tiên Tri này thì chỉ có những ai bước đi theo đường nẻo công chính và thanh liêm, loại bỏ tất cả những gì là dan díu với sự dữ, mới được vào Đền Thánh của Chúa và được ở trong bình an của Ngài. Bình an của Thiên Chúa được diễn đạt như tình trạng dồi dào bánh và nước. Nơi hình ảnh phong phú này, Giáo Hội thấy hình ảnh của các Bí Tích ban sự sống là Rửa Tội và Thánh Thể.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 29/10/2002)
Bài 56 – TV 97 (98) (Thứ Tư 6/11/2002)
BÀI CA CHÚC TỤNG VỊ CHÚA CỦA VŨ TRỤ VÀ LỊCH SỬ
(Thánh Vịnh 97 [98], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
1. Bài Thánh Vịnh 97 [98] vừa được công bố thuộc về một loại các bài thánh thi ca chúng ta đã từng thấy trong cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta theo chiều hướng của Sách Thánh Vịnh.
Đây là một bài thánh thi ca dâng lên Vị Chúa là Vua của vũ trụ và của lịch sử (câu 6). Bài Thánh Vịnh này được diễn tả như là một “bài ca mới” (câu 1), một bài ca mà theo ngôn ngữ Thánh Kinh tức là một bài ca hoàn hảo, trọn vẹn, long trọng, được nhạc điệu vui tươi phụ họa. Thật vậy, cùng với bài ca hợp xướng này còn có “tiếng hòa điệu” của cây đàn thất huyền, của kèn thổi cũng như của còi hụ (câu 6), có cả hình ảnh vỗ tay của vũ trụ nữa (câu 8).
Ngoài ra, danh hiệu “Chúa” âm vang (6 lần), được kêu cầu như “Chúa Trời của chúng trời” (câu 3). Bởi thế Thiên Chúa ở tâm điểm của cảnh tượng này với tất cả uy nghi của Ngài, khi Ngài thi hành việc cứu độ trong lịch sử, và thế giới cùng các dân tộc đợi chờ việc Ngài “cai trị” (câu 9). Động từ Do Thái nói đến “việc phân xử” còn có nghĩa là “cai trị” nữa, bởi vậy mà cả trái đất đang đợi trông tác động hiệu lực của Vị Vương Chủ, vị mang lại bình an và công lý.
2. Bài Thánh Vịnh mở đầu bằng lời loan báo việc can thiệp của Thiên Chúa ở ngay tâm điểm lịch sử của dân Yến-Duyên (các câu 1-3). Những hình ảnh “bàn tay phải” và “cánh tay thánh” ám chỉ đến Cuộc Xuất Ai Cập, đến việc giải thoát khỏi cảnh làm tôi Ai Cập (câu 1). Lại nữa, lời giao ước với thành phần dân tuyển chọn này cũng được gợi lại cho thấy ở hai ưu phẩm thần linh cao cả là “yêu thương” và “trung tín”. Những dấu hiệu cứu độ này được tỏ ra “cho các dân nước thấy” và “cho đến tận cùng trái đất” (câu 2,3), để tất cả loài người qui hướng về Thiên Chúa Đấng Cứu Độ và mở lòng mình ra cho lời của Ngài cũng như cho công cuộc cứu độ của Ngài.
3. Việc tỏ ra tiếp nhận Vị Chúa nhúng tay can thiệp vào lịch sử này được vang lên nơi lời hòa ca chúc tụng, ở chỗ, cùng với ban hợp tấu và những bài ca của Đền Thờ Sion (câu 5-6), vũ trụ, một vũ trụ giống như một thứ đền thờ, cũng tham dự vào việc tiếp nhận này.
Trong ca đoàn vĩ đại dâng lời chúc tụng đây có bốn ca sĩ. Ca sĩ thứ nhất là tiếng biển gầm gừ giống như một loại bè thật trầm liên tục trong bài thánh thi ca uy nghi (câu 7). Tiếp theo là trái đất và toàn thế giới (câu 4-7) cùng với tất cả mọi dân cư trên trái đất cũng long trọng hợp ca. Nhân vật thứ ba là sông ngòi, như những cánh tay của biển khơi, dường như vỗ tay reo mừng theo nhịp nước chảy của mình (câu 8). Sau hết là những ngọn đồi dường như hân hoan nhẩy múa trước nhan Chúa, mặc dù chúng là những tạo vật kồng kềnh và nặng nề nhất (câu 8; Ps 28:6, 113 [114]:6).
Thế rồi ca đoàn vĩ đại này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là tôn tụng Chúa là Vua và là Quan Án công minh. Thực vậy, như đã nói, Bài Thánh Vịnh kết thúc ở chỗ cho thấy Thiên Chúa là “Đấng đến cai trị trái đất… bằng chính trực và… công bình” (Ps 97 [98]:9).
Đó là niềm hy vọng cao cả và là mời kêu cầu của chúng ta: “Xin cho Nước Cha trị đến!”, một Vương Quốc của an bình, của công lý và của yên hàn, một vương quốc sẽ tái thiết sự thái hòa nguyên thủy của thiên nhiên tạo vật.
4. Thánh Tông Đồ Phaolô đã hết sức vui mừng nhận thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời tiên tri về công việc của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã sử dụng câu thứ 2 để trình bày đề tài của Bức Thư quan trọng Ngài gửi cho Kitô hữu Rôma, đó là “sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải” (Rm 1:17), “được biểu lộ” (Rm 3:21) trong Phúc Âm.
Lời dẫn giải của Thánh Phaolô làm cho bài Thánh Vịnh này thêm ý nghĩa hơn. Đọc theo quan điểm của Cựu Ước, bài Thánh Vịnh công bố Thiên Chúa là Đấng cứu độ dân Ngài và tất cả mọi dân nước thấy như vậy đều ca ngợi. Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ nơi Chúa Kitô, miêu duệ của dân Yến-Duyên; tất cả mọi dân nước đều thấy Người và được mời gọi để hưởng ơn ích từ việc cứu độ này, ở chỗ, Phúc Âm “là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ hết những ai tin tưởng, Do Thái trước cũng như Hy Lạp” tức dân ngoại (Rm 1:16). Ngoài ra, “tận cùng trái đất” chẳng những “đã thấy việc chiến thắng của Thiên Chúa chúng ta” (câu 3), mà còn chào mừng cuộc chiến thắng này nữa.
5. Theo quan điểm của giáo phụ Origen, một cây viết Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, trong một bản văn sau này được Thánh Giêrônimô trích lại, đã cắt nghĩa “bài ca mới” của bài Thánh Vịnh như là một việc cử hành trước cái mới mẻ Kitô giáo của Đấng Cứu Chuộc tử giá. Giờ đây chúng ta hãy theo dõi lời dẫn giải của ngài, lời dẫn giải bao gồm cả bài ca của Tác Giả Thánh Vịnh lẫn việc công bố Phúc Âm.
“Một bài ca mới là Con Thiên Chúa, Đấng tử giá – một điều chưa bao giờ được nghe thấy. Một thực tại mới cần phải có một bài ca mới. ‘Hãy hát lên Chúa một bài ca mới’. Đấng đã chịu Cuộc Khổ Nạn thực sự là một con người; thế nhưng anh em lại hát dâng lên Chúa. Ngài đã chịu Khổ Nạn như một con người, song được cứu như Thiên Chúa”. Giáo phụ Origen tiếp: Chúa Kitô “đã thực hiện những phép lạ giữa dân Do Thái, ở chỗ, Ngài đã chữa những người tật phong, làm cho những người cùi được sạch, đã hồi sinh kẻ chết. Thế nhưng, những phép lạ này cũng được các tiên tri khác làm. Ngài đã biến một ít ổ bánh ra nhiều cho vô số người ăn. Tiên tri Êlia cũng đã làm được như vậy. Vậy thì Ngài đã làm điều gì mới mẻ để đáng nghe bài ca mới đây? Anh em có muốn biết Ngài đã làm điều gì mới chăng? Thiên Chúa đã chết như một con người, để nhờ đó con người được sự sống; Con Thiên Chúa đã tử giá để đưa chúng ta lên thiên đàng” (74 Omelie sul libro dei Salmi [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 309-310).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 97 là một bài ca chúc tụng Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Bài thánh vịnh này kêu gọi con người, thật ra kêu gọi tất cả mọi tạo vật hãy hân hoan và loan truyền sự cao cả của Thiên Chúa. Trái đất cà các dân cư trên trái đất, biển khơi, sông ngòi và đồi núi, tất cả bày tỏ niềm vui của mình trước những sự lạ lùng Chúa đã làm cho Dân Ngài Tuyển Chọn. Bài Thánh Vịnh kết thúc ở biểu lộ cho thấy một niềm thiết tha mong đợi: vì Chúa sẽ đến cai trị trong công lý và phân xử bằng chân lý. Đây cũng là niềm hy vọng chúng ta biểu lộ trong Kinh Chúa Dạy, khi chúng ta nguyện: ‘Nước Cha trị đến!’ Tức sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Kitô. Phúc Âm là quyền năng Thiên Chúa cứu rỗi tất cả mọi người tin tưởng vào Người (x Rm 1:16). Cuộc tử nạn cứu độ của Người trên thập giá mang lại cho chúng ta sự thiện hảo và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Bởi thế, đối với chúng ta, bài Thánh Vịnh này trở thành một bài ca mới tri ân cảm tạ Chúa về ơn cứu độ của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 6/11/2002)
Bài 57 – TV 86 (87) (Thứ Tư 13/11/2002)
BÀI THÁNH THI CA CHO GIÊRUSALEM - MẸ CỦA CÁC DÂN CÁC NƯỚC
(Thánh Vịnh 86 [87], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. Bài ca về Giêrusalem, một thành đô an bình và là mẹ của hoàn vũ, một bài ca chúng ta vừa nghe rất tiếc lại phản ngược lại với kinh nghiệm lịch sử hiện nay của thành đô này. Tuy nhiên, việc cầu nguyện vẫn là việc gieo rắc lòng tin tưởng và làm nẩy sinh niềm hy vọng.
Quan điểm phổ quát về bài Thánh Vịnh 86 [87] nhắc nhớ đến một trong những bài thánh thi ca của Sách Tiên Tri Isaia, một bài thánh thi ca làm cho người ta nhìn thấy tất cả mọi dân nước qui tụ về Sion để nghe Lời Chúa cũng như để tái khám phá ra vẻ đẹp của an bình, đúc “gươm kiếm thành lưỡi cầy” và “đao thương thành liềm hái” (2:2-5). Thật vậy, bài Thánh Vịnh này chất chứa một quan điểm khác hẳn, một quan điểm dời chuyển, thay vì qui tụ về Sion thì lại xa lìa Sion; vị Tác Giả Thánh Vịnh nhìn thấy nguồn gốc của tất cả mọi dân tộc ở nơi Sion. Sau khi công bố tính cách chính yếu của Thành Thánh này, một tính cách không phải do những huân công lịch sử hay văn hóa mà là bởi tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên nó mà thôi (Ps 86 [87]:1-3), bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng một cuộc cử hành chính cái tính cách phổ quát làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành anh em với nhau ấy.
2. Sion được ca mừng như một thân mẫu của toàn thể nhân loại chứ không phải của riêng Yến-Duyên. Việc khẳng định này thật là táo bạo. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã nhận thức được điều này và đã làm cho người ta phải chú ý đến nó: “Ôi thành đô của Thiên Chúa, ngươi đã nhận được nhiều lời tôn tụng” (câu 3). Làm thế nào thủ đô của một dân tộc nhỏ bé lại được trình bày cho thấy như là nguồn gốc của các dân tộc là thành phần xa cách song quyền năng mãnh lực hơn? Tại sao Sion lại có thể kỳ vọng quá sức như thế? Câu trả lời ở ngay cùng đoạn thánh vịnh, ở chỗ Sion là mẹ của toàn thể loài người, bởi nó là “thành đô của Thiên Chúa”; nên nó là tâm điểm cho những gì Thiên Chúa dự định.
Tất cả mọi trụ điểm trên trái đất này đều có liên hệ với mẹ mình là Rahab, tức với Ai Cập, một đại quốc ở phía tây; Babylon, một quyền lực nổi danh của phía đông; Tyre được nhân cách hóa thành một thứ dân thương gia ở phía bắc với Ethiopia là tiêu biểu cho phía nam xa xôi; và Palestine, trung điểm, cũng là nử tử của Sion.
Tất cả mọi dân tộc trên trái đất đều được ghi danh vào sổ tinh thần của Giêrusalem, với công thức được lập đi lập lại ba lần là “được hạ sinh ở đó / được vào đời ở đây” (câu 4,5,6). Đó là lời diễn tả chính thức về pháp lý, một lời diễn tả cũng nói lên rằng người ta là dân bản xứ của một thành phố riêng, hay cũng được hưởng trọn vẹn các quyền lợi dân sự của dân thành này.
3. Sau hết, vấn đề đáng suy nghĩ khi thấy các dân tộc vẫn được coi là thù địch với Yến Duyên đang tiến lên Giêrusalem để trở thành những “người thân thuộc”, không phải là những người ngoại quốc nữa. Chưa hết, bài Thánh Vịnh đã biến đoàn rước của các dân tộc tiến về Sion này thành một bài hợp ca và một điệu hoan vũ, ở chỗ, họ tìm lại được mùa xuân của họ (câu 7) nơi đô thành của Thiên Chúa, một thành đô có giòng nước chảy làm cho cả thế gian tươi tốt, hợp với những gì các vị tiên tri đã loan báo (x Ez 47:1-12; Zec 13:1,14:8; Rev 22:1-2).
Ở Giêrusalem, tất cả mọi dân tộc phải khám phá ra cội gốc thiêng liêng của họ, cảm thấy rằng họ đang ở quê hương của mình, gặp lại nhau như là các phần tử thuộc cùng một gia đình, ôm lấy nhau như anh em trở về nhà vậy.
4. Là một trang liên quan đến việc trao đổi liên tôn thực sự, bài Thánh Vịnh 86 đã bao gồm di sản chung của các vị tiên tri (x Is 56:6-7, 60:21; Job 4:10-11; Mal 1:11 v.v.) và cho thấy trước truyền thống Kitô Giáo, một truyền thống áp dụng bài Thánh Vịnh này cho “Giêrusalem trên cao”, như Thánh Phaolô công bố “thành này là một thành tự do và là mẹ của chúng ta” và có nhiều con cái hơn Giêrusalem trần thế (x Gal 4:26-27). Sách Khải Huyền cũng đồng quan điểm khi hát lên “một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống” (21:2,10).
Theo chiều hướng của bài Thánh Vịnh 86 [87] này, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng thấy nơi Giáo Hội hoàn vũ nơi qui tụ “tất cả mọi kẻ công chính, bắt đầu từ Adong và Aben công chính cho tới kẻ được lựa chọn cuối cùng”. Giáo Hội sẽ đạt đến “tầm vóc vinh hiển của mình vào lúc cùng tận thời gian” (Lumen Gentium, 2).
5. Việc đọc bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng giáo hội, theo truyền thống Kitô giáo, hướng tới việc đọc lại bài Thánh Vịnh theo chiều hướng Thánh Mẫu học. Đối với vị Tác Giả Thánh Vịnh, Giêrusalem thực sự là “thủ đô”, tức là một “mẫu đô” có nội cung được Chúa ngự trị (x Zeph 3:14-18). Với ý nghĩa này, Kitô Giáo chúc tụng Mẹ Maria như một Sion sống động, với cung lòng phát sinh Lời Nhập Thể nhờ đó cũng tái sinh con cái Thiên Chúa. Những lời của các vị Giáo Phụ, từ Thánh Ambrôsiô ở Milan đến Thánh Athonasiô ở Alexandria, từ Maximus the Confessor đến Thánh Gioan Damascô, từ Cromazio ở Aquileia đến Germanus ở Constantinople, đều đống ý với việc tái đọc bài Thánh Vịnh 86 [87] này theo cung cách Kitô Giáo như thế.
Giờ đây chúng ta hãy lắng nghe một bậc thày của truyền thống Armenia là Gregory ở Narek (circa 950-1010), trong cuốn Panegyric của mình về Rất Thánh Nữ Trinh Maria, đã thân thưa cùng Vị Trinh Nữ này như sau: “Ôi Thiên Chúa Thánh Mẫu, chúng con được bảo vệ khi tìm náu ẩn nơi việc chuyển cầu xứng đáng và quyền năng nhất của Mẹ, khi tìm ủi an và nghỉ ngơi dưới bóng chở che của Mẹ như thể chúng con được bao che bởi một tường thành vững chắc: một tường thành được điểm tô đẹp đẽ bằng những hạt kim cương tinh ròng nhất; một tường thành được bao bọc bằng lửa, do đó những tên trộm cướp không thể nào đột nhập được; một tường thành với ngọn lửa cháy sáng không để những kẻ phản bội hung tàn có thể tìm thấy và vào được; một tường thành mà theo vua Đavít được vây bọc đủ mọi phía, do Đấng Tối Cao đặt nền móng (x Ps 86 [87]:1,5); một tường thành uy lực của thành đô thiên quốc như Thánh Phaolô nói (x Gal 4:26; Heb 12:22), nơi Mẹ đón tiếp tất cả mọi người vào làm cư dân, vì bằng việc hạ sinh về thể lý cho Thiên Chúa, Mẹ đã biến con cái của Giêrusalem trần thế thành con cái của Giêrusalem trên trời. Bởi thế, môi miệng của chúng mới chúc tụng cung lòng trinh nguyên của Mẹ và tất cả đều xưng tụng Mẹ là nơi cư ngụ và là đền thờ của Đấng có cùng một bản tính với Chúa Cha. Do đó lời tiên tri đã nói rất xứng với Mẹ: ‘Đối với chúng con Mẹ là một ngôi nhà trú ngụ và là sự nâng đỡ chống lại với những giòng cuồng lưu của những ngày sầu thương’ (x Ps 45[46]:2)” ("Testi Mariani del Primo Millennio" [Marian Texts of the First Millennium], IV, Rome, 1991, p. 589).
Anh Chị Em thân mến.
Bài Thánh Vịnh 86 đã hát về Giêrusalem, một thành đô hòa bình và là một ngôi nhà thiêng liêng của các dân nước. Truyền thống Kitô Giáo thấy nơi bài Thánh Vịnh này hình ảnh của một tân đô Gia Liêm, một Thành Thánh từ trời xuống (x Rev 21:2,10). Các Giáo Phụ của Giáo Hội cũng đã đọc bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng Thánh Mẫu, Vị đã hạ sinh Lời Nhập Thể và vì thế cũng là mẹ của tất cả những ai được cứu chuộc. Chớ gì con cái Chúa khắp nơi luôn hướng về Đức Trinh Nữ bằng một niềm hy vọng tin tưởng trong lúc họ đang hành trình về ngôi nhàthực sự của họ là Gia Liêm thiên quốc.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 13/11/2002)
Bài 58 – Ca vịnh Is 40 (Thứ Tư 20/11/2002)
THIÊN CHÚA LÀ CHỦ CHIÊN TOÀN NĂNG VÀ ÂN CẦN
(Ca Vịnh Isaia 40, Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. Sách của vị đại tiên tri Isaia, vị sống ở thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, có cả những tiếng nói của những vị tiên tri khác nữa, những người môn đệ và thừa kế của ngài. Đó là trường hợp của vị được các nhà học giả gọi là “Đệ Nhị Isaia”, vị tiên tri nói đến việc dân Yến Duyên từ nơi lưu đầy Babylon hồi hương, một cuộc hồi hương xẩy ra vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Công việc của vị Đệ Nhi Isaia này được chất chứa ở các chương từ 40 đến 55 trong Sách Tiên Tri Isaia, và bài ca vịnh của phụng vụ giờ kinh ban mai vừa được công bố được trích từ chính chương đầu tiên của những chương này.
2. Bài Ca Vịnh đây gồm có hai phần: Hai câu đầu tiên được lấy từ đoạn cuối của lời an ủi tuyệt vời nhất loan báo về việc thành phần lưu đầy hồi hương trở về Giêrusalem dưới sự lãnh đạo của chính Thiên Chúa (Is 40:1-11). Những câu sau đó mở màn cho một bài diễn từ hộ giáo tôn tụng trí toàn tri và quyền toàn năng của Thiên Chúa và nặng lời phê phán những kẻ tạo tác những thứ ngẫu tượng. Bởi thế, ở ngay đầu bản văn về phụng vụ đã xuất hiện hình ảnh quyền năng về Thiên Chúa, Đấng trở về Giêrusalem được dẫn lối bằng những chiến lợi phẩm, như Giacóp trở về Thánh Địa được dẫn đầu bằng đoàn xúc vật của mình vậy (x Gen 31:17, 32:17). Chiến lợi phẩm của Thiên Chúa là những người dân Do Thái bị lưu đầy, thành phần Ngài đã giật khỏi tay của những kẻ khống chế họ. Bởi thế Thiên Chúa mới được phác tả “như một vị mục tử” (Is 40:11). Trong Thánh Kinh cũng như theo các truyền thống xa xưa thì hình ảnh này gợi lên cho thấy ý niệm về vai trò lãnh đạo và cai trị, thế nhưng, trong trường hợp đặc biệt này lại có những nét dịu dàng và thương cảm, khi vị mục tử cùng đồng hành bước đi bên cạnh đàn chiên của mình (x Ps 22[23]). Vị mục tử ấy chăm sóc cho đàn chiên của mình, chẳng những bằng việc nuôi dưỡng chúng và coi chừng kẻo chúng bị phân tán khỏi đàn, mà còn bằng việc âu yếm cúi mình xuống trên các chiên non đực và chiên non cái (x Is 40:11).
3. Trong việc kết thúc hình ảnh nhập cuộc của Vị Chúa là vua và là mục tử còn cho thấy cả cách tác hành của Ngài như một Vị Hóa Công của vũ trụ nữa. Không ai có thể bằng Ngài ở việc làm cả thể và vĩ đại này: chắc chắn là không có một ai, các thứ ngẫu tượng, những thứ hữu thể chết và bất lực, lại càng không thể. Thế rồi vị tiên tri nêu lên một loạt những vấn đề hùng biện vốn chứa đựng sẵn các câu trả lời. Chúng được phát biểu theo kiểu tiến hành, cho thấy không ai đấu lại được với Thiên Chúa và tự cao trước quyền năng vô cùng và đức khôn ngoan vô hạn của Ngài.
Không ai có thể đo lường được vũ trụ mênh mông do Thiên Chúa tạo dựng. Vị tiên tri dẫn con người đến chỗ hiểu rằng các thứ khí cụ của con người hết sức bất xứng hợp với mục đích này. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là một vị kiến trúc sư duy nhất; không ai có khả năng hộ giúp Ngài hay cố vấn cho Ngài trong dự án cả thể như dự án tạo dựng nên vũ trụ đây (x các câu 13-14).
Trong bài giáo lý 18 về rửa tội, Thánh Cyril ở Giêrusalem, căn cứ vào bài ca vịnh này, giải thích rằng chúng ta không đo lường Thiên Chúa bằng cái thước đo giới hạn của loài người chúng ta: “đối với anh em, một con người nhỏ bé và yếu hèn như thế, thì khoảng cách từ Gotia đến Ấn Độ, từ Tây Ban Nha tới Ba Tư, thì rộng lớn, nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng nắm giữ cả vũ trụ này trong bàn tay của Ngài thì hết mọi miền đất đều gần gũi nhau”. (The Catecheses, Rome, 1993, p. 408).
4. Sau khi đã chúc tụng quyền toàn năng của Thiên Chúa nơi thiên nhiên tạo vật, vị tiên tri phác họa vai trò chủ tể của Ngài trên lịch sử, tức là trên các dân nước, trên loài người định cư trên mặt đất. Những cư dân thuộc những miền đất tiếng tăm, cả những cư dân ở những vùng xa xôi được Thánh Kinh gọi là “những hải đảo” xa xăm, đều là một thực tại li ti so với sự cao cả vô cùng của Chúa. Những hình ảnh này sáng tỏ và đậm nét, ở chỗ các dân nước ấy chỉ là “như một giọt nước trong bầu”, “như một hạt bụi trên đĩa cân”, “như thứ bột nghiền tán” (Is 40:15).
Không ai có thể hiến dâng một của lễ hy sinh xứng đáng với vị Chúa và là vua cao cả này: tất cả mọi thứ tế vật hy sinh của trái đất ấy cũng sẽ không đủ, tất cả mọi rừng cây hương bá ở Lêbanon cũng không đủ để đốt thứ lễ vật toàn thiêu này (câu 16). Vị tiên tri nhắc nhở con người hãy nhận thức những giới hạn của mình trước sự vô cùng cao cả và quyền toàn năng tối thượng của Thiên Chúa. Câu kết luận xác đáng là: “Trước nhan Ngài tất cả mọi dân nước chỉ là như không, Ngài đã coi các dân nước ấy như không, trống rỗng” (câu 17).
5. Bởi thế, kẻ tín nghĩa được mời gọi từ ban đầu của ngày sống hãy tôn thờ Vị Chúa toàn năng. Thánh Grêgory ở Nyssa, Vị Giáo Phụ của Giáo Hội Cappodocia (thế kỷ thứ 4), đã suy niệm những lời của bài ca vịnh Isaia như thế này: “Do đó, khi chúng ta nghe lời ‘toàn năng’ phán ra, chúng ta nghĩ đến sự kiện là Thiên Chúa nắm giữ tất cả mọi sự hiện hữu lại với nhau, cả những sự hữu tri thông minh lẫn những sự thuộc về loài chất thể. Vì lý do ấy, thật vậy, Ngài làm cho toàn thể trái đất hiện hữu, vì lý do này, Ngài nắm trong tay mình các đầu trái đất, vì lý do này Ngài nắm giữ tầng trời trong tay của mình, vì lý do này Ngài lấy tay đo đạc giòng nước, vì lý do này Ngài hiểu biết chính mình nơi tất cả mọi tạo vật hữu tri: nhờ đó, tất cả mọi sự sẽ tồn tại hiện hữu, được gìn giữ một cách mãnh liệt bởi quyền năng ôm ấp chúng” ("Teologia trinitaria" [Trinitarian Theology], Milan, 1994, p. 625).
Trong bài ca của mình, Thánh Giêrônimô đã tỏ ra ngỡ ngàng lưỡng lự trước một sự thật kỳ diệu khác, đó là sự thật về Chúa Kitô, Đấng “mặc dù thân phận là Thiên Chúa… Người cũng đã hủy mình ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như loài người” (Phil 2:6-7). Thánh nhân ghi nhận, Vị Thiên Chúa vô cùng và toàn năng này. làm cho mình trở nên nhỏ bé và hữu hạn. Thánh Giêrônimô đã chiêm ngắm Người trong hang Bêlem và đã kêu lên rằng: “Hãy nhìn xem Người kìa: Đấng nắm giữ vũ trụ trong tay của mình lại được một máng cỏ nhỏ hẹp cầm giữ” (Letter 22, 39, in: "Opere Scelte" [Selected Works], I, Turin, 1971, p. 379).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh hôm nay trích từ Sách Tiên Tri Isaia (40:10-17) an ủi dân chúng bằng lời hứa hẹn cho họ được trở lại Giêrusalem, và tôn tụng những kỳ công của một Vị Thiên Chúa toàn năng và toàn tri. Bài ca vịnh này diễn tả Chúa như một vị chủ chiên, Đấng chẳng những chăn dắt chiên của mình mà còn ân cần đồng hành với chúng, dưỡng nuôi chúng và chăm sóc chúng.
Đối với vị “Thiên Chúa của Yến-Duyên” thì các dân nước và các hải đảo xa xăm chẳng khác gì “một giọt nước trong bầu” hay “hạt bụi trên đĩa cân” (Is 40:15). Tuy nhiên, như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa là Đấng nắm giữ tất cả mọi sự trong lòng bàn tay của Ngài cũng là Vị Chúa được sinh ra trong máng cỏ khó hèn. Chúng ta cúi mình cung kính tôn thờ trước nhan Người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 20/11/2002)
Bài 59 – TV 98(99) (Thứ Tư 27/11/2002)
THIÊN CHÚA VỪA GẦN GŨI LẠI VỪA BẤT KHẢ ĐẠT
(Thánh Vịnh 98 [99], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. “Chúa là vua”. Lời kêu lên chúng ta vừa nghe mở đầu bài Thánh Vịnh 98 (99) ấy cho thấy chủ đề chính yếu cùng với loại văn từ đặc biệt của bài thánh vịnh. Đó là một bài ca cao quí của dân Chúa dâng lên Chúa, Đấng cai trị thế giới và lịch sử như một vị chủ tể siêu việt và tối cao. Bài thánh vịnh này nhắc nhở chúng ta về những bài thánh thi ca tương tự khác, như các bài 95-97, những bài đã được chúng ta suy niệm, được phụng vụ giờ kinh sử dụng như những lời kinh ban mai lý tưởng.
Thật vậy, khi con người tín nghĩa bắt đầu ngày sống của mình, họ biết rằng họ sẽ không bị bỏ mặc cho những gì là ngẫu nhiên mù quáng tối tăm, hay cho một cái gì đó bất ổn theo tự do của mình, hoặc lệ thuộc vào những sự quyết định của kẻ khác, hay bị chi phối bởi những biến cố lịch sử. Họ biết rằng, với sự cao cả, thánh thiện và nhân hậu của Ngài, Đấng Tạo Hóa và Cứu Tinh cho thấy Ngài trổi vượt trên tất cả mọi thực tại trần gian.
2. Các học giả đặt một số giả thiết về việc sử dụng bài Thánh Vịnh này cho phụng vụ Đền Thờ Sion. Dù sao nó cũng có tính chất của một lời chúc tụng ngất ngây dâng lên Chúa là Đấng ngự trong vinh quang trước mắt tất cả mọi dân tộc và trái đất (câu 1). Tuy nhiên, Thiên Chúa tỏ mình hiện diện nơi một địa điểm và giữa một cộng đồng, đó là Giêrusalem (câu 2), để cho thấy rằng Ngài là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh qui cho Thiên Chúa bảy danh hiệu trọng đại ở trong câu đầu tiên: Ngài là vua, là Đấng cao cả, Đấng được tôn tụng, Đấng uy nghi, Đấng thánh hảo, Đấng quyền năng, Đấng công chính (câu 1-4). Ngoài ra, Thiên Chúa còn được tỏ hiện với tính chất “nhẫn nại” nữa (câu 8). Thế nhưng, được nhấn mạnh nhất là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài là “Đấng thánh hảo” (câu 3,5,9) đã được lập lại 3 lần, hầu như đây là thể thức của một bài đối ca luân xướng. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh thì từ ngữ “thánh hảo” trước hết nói đến siêu việt tính thần linh. Thiên Chúa trổi vượt trên chúng ta và tỏ mình vĩnh viễn trên hết mọi tạo vật của Ngài. Tuy nhiên, siêu việt tính này không làm cho Ngài trở thành một vị chủ tể thụ động và xa lạ, ở chỗ, Ngài đáp ứng khi được kêu cầu (câu 6). Thiên Chúa là Đấng có thể cứu độ, Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết. Thật vậy, Ngài (là) “Đấng yêu chuộng công chính” và “đã thiết lập luật lệ chính đáng nơi Giacóp” (câu 4).
3. Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã suy niệm rất nhiều về đề tài sự thánh thiện của Thiên Chúa, bằng việc chúc tụng tính cách bất khả đạt thấu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Vị Thiên Chúa siêu việt và thánh hảo này đã đến gần con người. Thánh Irenaeus nói rằng cái tỏ ra hơn những gì vốn có trong Cựu Ước đó là Ngài đã trở nên “quen thuộc” đối với con người, khi Ngài tỏ mình ra qua những lần hiện xuất cũng như khi Ngài nói qua các vị tiên tri, trong khi đó, con người “trở nên quen thuộc” với Thiên Chúa, bằng việc biết theo Ngài và vâng nghe Ngài. Còn gì nữa, ở một trong những bài thánh thi ca của mình, Thánh Ephrem nhấn mạnh là qua Việc Nhập Thể “Đấng thánh hảo đã trú ngụ trong cung dạ (của Mẹ Maria) một cách thể lý, giờ đây Người ngự trong tâm trí một cách thiêng liêng” ("Inni sulla Natività" [Hymns on the Nativity], 4, 130). Hơn nữa, tương tự như Việc Nhập Thể, qua tặng ân Thánh Thể, “Nơi Chứa Sự Sống từ trời xuống ngự trong những ai xứng đáng. Sau khi Người vào, Người ngự nơi chúng ta, để bản thân chúng ta được thánh hóa trong Người” ("Inni conservati in armeno" [Hymns Kept in Armenian], 47, 27.30).
4. Cái liên kết sâu xa giữa “sự thánh thiện” và việc gần gũi của Thiên Chúa cũng được khai triển ở bài Thánh Vịnh 98 (99). Thật vậy, sau khi chiêm ngưỡng sự tuyệt đối trọn hảo của Chúa, Vị Tác Giả Thánh Vịnh nhắc lại là Thiên Chúa liên lỉ giao tiếp với dân Ngài qua Moisen và Aaron, những vị môi giới của Ngài, cũng như qua Samuel, tiên tri của Ngài. Ngài tuyên phán và lắng nghe, Ngài sửa trị những vi phạm đồng thời cũng thứ tha.
Dấu hiệu của việc Ngài hiện diện ở giữa dân chúng là “dấu chân của Ngài”, tức là ngai tòa hòm bia trong đền thờ Sion (câu 5-8), như thế, Vị Thiên Chúa thánh hảo và vô hình cho thấy rằng dân chúng có thể đến với Ngài qua Moisen luật gia, Aaron tư tế và Samuel tiên tri. Ngài tỏ mình ra bằng lời nói cùng với những hành động cứu độ và phân xử, và Ngài đã hiện diện ở Sion qua việc tôn thờ được cử hành trong đền thờ.
5. Thế nên, chúng ta có thể nói rằng bài Thánh Vịnh 98 (99) ngày nay đã được hiện thực nơi Giáo Hội, ngai tòa hiện diện của Vị Thiên Chúa thánh hảo và siêu việt. Chúa đã không ẩn thân ở một nơi bất khả đạt nào trong mầu nhiệm của Ngài, đã không dửng dưng với lịch sử và những niềm mong đợi của chúng ta. Ngài “đến để cai trị địa cầu, cai trị thế giới một cách chính trực và cai trị tất cả mọi dân tộc một cách công bằng” (câu 9).
Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta nhất là nơi Con của Ngài, làm cho Ngài trở thành một con người trong chúng ta để có thể tràn ban sự sống và thánh thiện của Ngài trong chúng ta. Nhờ đó mà giờ đây chúng ta mới có thể đến được với Thiên Chúa bằng lòng tin tưởng chứ không phải bằng sự run sợ. Thật vậy, nơi Chúa Kitô, chúng ta có một vị tư tế tuyệt dối thánh hảo, vô tội, không tì tích. Người “luôn luôn có thể cứu độ những ai nhờ Người tiến đến với Thiên Chúa, vì Người muôn đời sống là để chuyển cầu cho họ” (Heb 7:25). Bởi vậy, bài ca của chúng ta đây tràn đầy niềm an bình và hân hoan. Nó tôn tụng Chúa là vua, Đấng ngự giữa chúng ta, lau khô châu lệ trên khuôn mặt của chúng ta (x Rev 21:3-4).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 98 chúc tụng sự thánh thiện của Chúa là Thiên Chúa và cho thấy dân Ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng tối cao, nhân hậu và thánh thiện trên tất cả mọi thực tại trần gian. Bài Thánh Vịnh này chẳng những nhận biết siêu việt tính của Thiên Chúa, còn nhận thấy với một lòng biết ơn về việc Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cần thiết của con người. Moisen, Aaron và Samuel cả 3 vị này “đã kêu cầu Chúa và đã được Ngài nhận lời”. Việc liên kết giữa “sự thánh thiện” và “việc gần gũi” của Thiên Chúa giờ đây đã được thể hiện nơi Giáo Hội. Vị Thiên Chúa thánh thiện và siêu việt hoạt động qua Giáo Hội khi Giáo Hội thi hành sứ vụ phục vụ của mình trên thế giới này. Nhờ Chúa Kitô ở giữa chúng ta, cả chúng ta nữa cũng hướng lên Chúa Cha, không phải vì sợ hãi cho bằng tin tưởng. Với lòng tri ân cảm tạ, chúng ta “chúc tụng Chúa là Thiên Chúa và cúi mình xuống trước núi thánh của Ngài”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 27/11/2002)
Bài 60 – TV 50 (51) (Thứ Tư 4/12/2002)
NÀI XIN THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT VÀ THỨ THA
(Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)
1. Hằng tuần phụng vụ giờ kinh ban mai lập lại bài Thánh Vịnh 50 (51), một bài Kinh Thương Xót nổi tiếng. Chúng ta đã suy niệm một số đoạn của bài này ở những dịp trước đây. Giờ đây chúng ta lại đặc biệt suy niệm một đoạn của lời nài xin tha thứ cao cả này nữa, từ câu 12 đến 16.
Trước hết, cần phải chú ý là, theo nguyên ngữ Do Thái, tiếng “tinh thần” được lập lại ba lần, được dùng để kêu xin Thiên Chúa ban tinh thần này cho như là một tặng ân và là một tinh thần được tạo vật thống hối tội lỗi mình lãnh nhận: “Xin hãy canh tân tinh thần cương nghị trong tôi… Xin đừng… cất thánh thần Chúa khỏi tôi… Xin hãy bảo trì tinh thần hăng hái nơi tôi” (câu 12,13,14). Sử dụng một từ ngữ phụng vụ, người ta có thể nói rằng đây là một “epiclesi”, tức là một lời kêu cầu ba lần Vị Thần Linh, Đấng xà xà trên các giòng nước vào lúc tạo thành trời đất (x Gen 1:2), giờ đây thấm nhập vào linh hồn của người tín nghĩa, làm phát tỏa ra một sự sống mới và nâng linh hồn lên từ vương quốc tội lỗi tới thiên đường ân sủng.
2. Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy được nơi “tinh thần” được Vị Tác Giả gợi lên ấy sự hiện diện thực sự của Chúa Thánh Thần. Bởi thế Thánh Ambrôsiô đã tin tưởng rằng đó chính vị Thánh Linh duy nhất này, là vì Ngài “đã ban ơn hứng khởi nơi các vị tiên tri, đã được Chúa Kitô thổi vào các vị tông đồ, đã hiệp nhất nên một với Chúa Cha và Chúa Con trong bí tích rửa tội” ("Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], I, 4, 55: SAEMO 16, p. 95).
Các vị Giáo Phụ khác cũng tin tưởng như vậy, như Didimus Người Mù Thành Alexandria ở Ai Cập và Thánh Basiliô ở Caesarea, trong những luận đề đáng kính nể về Thánh Linh của các vị (Didimus the Blind, "Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], Rome, 1990, p. 59; Basil of Caesarea, "Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], IX, 22, Rome, 1993, p. 117f.). Một lần nữa, Thánh Ambrôsiô, khi nhận thấy là Vị Tác Giả Thánh Vịnh nói về niềm vui tràn đầy linh hồn khi linh hồn nhận được Vị Thần Linh quảng đại và quyền năng của Thiên Chúa, đã dẫn giải là: “Niềm diễm phúc và niềm sướng vui là hoa trái của Thần Linh, và Vị Thần Linh Tối Thượng này là vị chúng ta trước hết nương dựa vào Ngài. Bởi thế, ai được Vị Thần Linh Tối Thượng này tăng cường sinh lực sẽ không sống trong cảnh nô lệ, không làm tôi cho tội lỗi, không ở trong tình trạng bất định, không lang thang đây đó, không xao xuyến về những chọn lựa của mình, nhưng họ sẽ vững vàng, chân họ sẽ không lay chuyển đứng trên tảng đá” ("Apologia del Profeta David a Teodosio Augusto" [Apologia of the Prophet David to Theodosius Augustus], 15, 72: SAEMO 5, p. 129).
3. Bằng việc đề cập ba lần đến “tinh thần”, bài Thánh Vịnh 50 (51), sau khi diễn tả ở những câu trước đó cái ngục tù tối tăm của tội lỗi, đã hướng tới một miền ánh sáng ân sủng. Đây là một khúc quanh quan trọng, có thể so sánh với một cuộc tân tạo: ở chỗ, như lúc ban đầu Thiên Chúa đã thổi thần linh của Ngài vào vật chất để hình thành con người (x Gen 2:7) thế nào, thì nay cũng cùng Vị Thần Linh ấy tái tạo (câu 12), canh tân, biến hình và biến đổi tội nhân thống hối, ấp ủ họ một lần nữa (x câu 13), và làm cho họ được tham dự vào niềm vui cứu độ (x câu 14). Bấy giờ con người này, được điều khiển bởi Vị Thần Linh ấy, đi theo con đường công chính và yêu thương, như đã được một bài Thánh Vịnh khác nói tới: “Xin hãy dạy cho tôi biết làm theo ý của Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa của tôi! Xin thần linh lành thánh của Ngài dẫn tôi đi trên con đường bằng phẳng” (Ps 142:10).
4. Cảm nghiệm được cuộc tái sinh nội tâm này, con người nguyện cầu trở nên một chứng nhân; họ hứa với Thiên Chúa là họ sẽ “dạy cho kẻ gian ác đường lối (thiện hảo) của Chúa” (câu 15), để thành phần này, như người con phung phá, có thể trở về nhà Cha. Cũng thế, sau khi cảm nghiệm được những con đường tội lỗi tối tăm, Thánh Âu-Quốc-Tinh bấy giờ mới cảm thấy nhu cầu cần phải làm chứng cho niềm tự do và nguồn vui cứu độ được diễn tả trong cuốn Tự Thú của ngài.
Ai cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa thì trở nên một nhân chứng nhiệt thành, nhất là khi phải đối đầu với những người còn bị bủa vây bởi màng lưới tội lỗi. Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh của một Phaolô, vị bị Chúa Kitô làm chóa mắt trên con đường Đamascô, đã trở nên một nhà truyền giáo hiên ngang bất khuất cho ân sủng thần linh.
5. Con người cầu nguyện lần cuối cùng nhìn đến quá khứ tối tăm của mình đã kêu lên cùng Thiên Chúa: “Xin hãy giải cứu tôi khỏi tội lỗi vấy máu, Ôi Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa cứu độ tôi” (câu 16). “Máu” được nói đến ở đây theo Thánh Kinh có những ý nghĩa khác nhau. Máu được thoát ra từ môi miệng của Vua Đavít đây gián tiếp ám chỉ đến việc vua đã sát hại Uriah, chồng của Bathsheba, người đàn bà trở thành đối tượng cho đam mê của vị vua này. Theo nghĩa chung chung hơn, lời kêu cầu này bày tỏ cho thấy ước muốn được thanh tẩy khỏi sự dữ, khỏi bạo lực, khỏi hận thù luôn luôn hiện diện nơi cõi lòng con người bằng một quyền lực tối tăm và gian tà. Tuy nhiên, giờ đây, môi miệng của thành phần tín nghĩa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi, lại hát lên chúc tụng Chúa.
Đoạn văn của bài Thánh Vịnh 50 (51) chúng ta dẫn giải hôm nay đây thực sự đã kết thúc bằng quyết tâm loan báo “đức công minh” của Thiên Chúa. Từ ngữ “công chính”, một từ ngữ, thường thấy trong ngôn từ thánh kinh, không ám chỉ một cách thích đáng tới tác động trừng phạt của Thiên Chúa trong việc Ngài đối chọi với sự dữ, mà là, trái lại, nói đến việc phục hồi tội nhân, vì Thiên Chúa tỏ hiện đức công chính của Ngài ra bằng việc làm cho tội nhân nên công chính (x Rm 3:26). Thiên Chúa không hề vui thú trước cái chết của thành phần gian ác, nhưng muốn họ thay đổi đường lối của họ mà được sống (x Ezekiel 18:23).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 50, một bài ‘Kinh Thương Xót”, là lời nài xin Thiên Chúa thương xót và thứ tha. Vị Tác Giả Thánh Vịnh, bằng việc nhìn nhận lầm lỗi của mình, đã xin Thiên Chúa tạo nên nơi mình một trái tim tinh tuyền cũng như ban cho ông một tinh thần cương nghị. “Xin đừng cất Thánh Linh Ngài khỏi tôi” (câu 13). Giáo Hội thấy những lời tiên tri này một qui chiếu về tặng ân Thánh Linh, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, làm cho chúng ta nên tạo vật mới, và khiến chúng ta sống trong sự thật, công chính và yêu thương. Lời hứa hẹn của cuộc tái sinh thiêng liêng này đã thúc đẩy Vị Tác Giả Thánh Vịnh hân hoan tuyên chứng cho đức công minh chính trực của Thiên Chúa, Đấng tỏ lòng xót thương đối với các tội nhân và phục hồi cho họ ân sủng, tự do và sự sống mới.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 4/12/2002)