LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Suy Niệm Ca Vịnh Theo Giờ Kinh Phụng Vụ - Phần III

Bài 61 – Ca vịnh Gr 14 (Thứ Tư 11/12/2002)

 LỜI THAN VAN XIN THIÊN CHÚA GIẢI THOÁT DÂN NGÀI KHỎI ĐÓI KHỔ VÀ CHIẾN TRANH

(Ca Vịnh Giêrêmia 14:17-21, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)

1. Đây là một bài ca sâu xa rung cảm và đắng cay nhất được tiên tri Giêrêmia dâng lên trời cao từ vùng trời lịch sử (14:17-24). Chúng ta vừa nghe lại bài ca này như một lời kêu cầu được phụng vụ giờ kinh giành cho Ngày Thứ Sáu, ngày tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa. Môi trường làm bật lên lời than van này được biểu hiện bằng một tai họa thường xẩy ra cho mảnh đất Trung Đông, đó là nạn đói. Tuy nhiên, vị tiên tri còn thêm vào thảm kịch thiên nhiên này một tai họa khác không kém phần kinh khiếp, đó là tai họa chiến tranh: “Nếu tôi ra cánh đồng thì kìa đầy những thi thể bị gươm đâm; nếu tôi vào thành phố thì kìa những kẻ quằn quại đói khổ” (câu 18). Bất hạnh thay, hình ảnh này đang thê thảm xẩy ra nơi nhiều miền ở hành tinh của chúng ta đây.
2. Tiên tri Giêrêmia đã nhập cuộc với một bộ mặt đẫm nước mắt: Ông khóc lóc không dứt được vì “nữ tử của dân mình”, tức vì Giêrusalem. Thật vậy, theo biểu hiệu quá quen thuộc này trong thánh kinh thì thành này được biểu hiệu bởi một hình ảnh nữ tính, “nữ tử Sion”. Vị tiên tri này đã cảm thấu được “cái tàn phá” và “vết thương khó lành” của dân mình. Lời lẽ của vị tiên tri này đượm sầu thương và châu lệ, vì dân Yến Duyên không muốn bị chi phối bởi sứ điệp được chất chứa nơi khổ đau. Ở một đoạn khác, tiên tri Giêrêmia đã than lên rằng: “Nếu các người ngạo nghễ không chịu nghe theo điều này, tôi sẽ âm thầm chan hòa nước mắt; mắt tôi sẽ khóc thương đàn chiên của Chúa bị dẫn đi lưu đầy” (13:17).
3. Cần phải tìm hiểu xem lý do tại sao vị tiên tri này khóc lóc kêu van, như Tôi đã nói, trong hai biến cố thê thảm, đó là gươm kiếm và đói khổ, tức chiến tranh và thiếu thốn (câu 14:18). Bởi thế, chúng ta đang ở trong một tình hình lịch sử quằn quại, và hình ảnh về vị tiên tri và tư tế, những bảo quản viên Lời Chúa, có một tầm vóc quan trọng, thành phần “lục soát ở một mảnh đất họ không biết gì” (Ibid.).
Phần thứ hai của bài Ca Vịnh này (xem các câu 19-21) không còn là một lời than van của cá nhân nữa, với tư cách là ngôi thứ nhất chuyên biệt, mà là một lời cầu khẩn van xin chung dâng lên Thiên Chúa: “Tại sao Chúa lại giáng xuống chúng tôi một cú không thể chữa lành như thế” (câu 19). Thật ra, ngoài gươm kiếm và đói khổ còn có một tai họa cả thể hơn nữa, đó là việc Thiên Chúa câm lặng, Đấng không còn tỏ mình ra và hình như khép mình ở trên thiên đàng của Ngài, như thể Ngài ghê tởm hành động của con người. Thế nên, những vấn đề được dâng lên Ngài là những gì hết sức hiển nhiên theo ý nghĩa đạo đức vốn thấy: “Chẳng lẽ Ngài hoàn toàn loại trừ Giuđa hay sao? Chẳng lẽ Ngài ghê tởm Sion hay sao?” (câu 19). Bấy giờ họ cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi, bị mất an bình, ơn cứu độ và niềm hy vọng. Một thân một mình, dân này thấy mình bị lạc lõng và cảm thấy hoảng sợ.
Chẳng lẽ đây không phải là tình trạng hiện hữu cô đơn hay sao, một nguồn mạch sâu xa của biết bao nhiêu là bất mãn như chúng ta chứng kiến thấy trong thời đại của chúng ta đây? Biết bao nhiêu là bất an và những phản ứng bất cần được phát xuất từ việc loại trừ Thiên Chúa là tảng đá cứu độ.
4. Đến đây xẩy ra một sự thay đổi lớn, đó là việc dân trở về với Thiên Chúa và dâng lên Ngài lời nguyện cầu thiết tha. Trước hết, họ nhìn nhận tội lỗi của họ bằng một lời xưng thú ngăn ngủi nhưng sâu xa: “Chúng tôi nhìn nhận, ôi Chúa, sự gian ác của mình, … đó là chúng tôi đã lỗi phạm đến Ngài” (câu 20). Bởi thế, việc Thiên Chúa im lặng là do việc con người phủ nhận Ngài gây ra. Nếu dân hoán cải và trở về với Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ tự mình sẵn sàng tiến đến gặp họ và ôm lấy họ.
Ở đoạn kết, vị tiên tri sử dụng hai từ ngữ trọng yếu, đó là “tưởng nhớ” và “giao ước” (câu 21). Dân Ngài đã xin Ngài hãy “nhớ lại”, tức hãy tiếp tục tỏ lòng quảng đại ưu ái của Ngài, như rất nhiều lần Ngài đã thực hiện trong quá khứ để cứu với dân Yến Duyên bằng những việc can thiệp quyết liệt. Việc Ngài dấn thân cho dân, việc Ngài tôn kính “danh” của Ngài, việc Ngài hiện diện trong thời gian, vấn đề về “ngai vinh hiển của Ngài”, là những gì thúc đẩy Thiên Chúa, sau khi phân xử tội lỗi và im lặng, đã đến gần dân Ngài một lần nữa để ban lại cho họ sự sống, bình an và niềm vui.
Bởi thế, cùng với dân Yến Duyên, chúng ta cũng hãy tin tưởng rằng Chúa không vĩnh viễn bỏ rơi chúng ta, nhưng sau mỗi một cuộc thử thách thanh tẩy, Ngài sẽ trở lại “tỏ dung nhan Ngài ra trên các người, ưu ái các người… và ban cho các người bình an”, như được nhắc đến trong lời chúc phúc tư tế trích trong Sách Dân Số (6:25-26).
5. Tóm lại, chúng ta có thể liên hệ giữa lời kêu cầu của tiên tri Giêrêmia với lời huấn dụ của Thánh Cyprian ngỏ cùng Kitô hữu thành Carthage, nơi ngài làm giám mục vào thể kỷ thứ ba. Vào thời bắt đạo, Thánh Cyprianô đã khuyến dụ tín hữu của ngài hãy nài xin Chúa. Việc nài xin này không giống hệt với lời kêu cầu của vị tiên tri, vì nó không chứa đựng lời xưng thú tội lỗi, vì việc bắt đạo không phải là một hình phạt giáng xuống trên tội lỗi mà là việc tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Tuy nhiên, tựu kỳ chung nó cũng là một lời kêu cầu khẩn thiết như lời van xin của tiên tri Giêrêmia. Thánh Cyprianô viết: “Chúng ta cầu xin Chúa một cách chân thành và hòa hợp, không ngừng kêu xin và tin tưởng nhận lãnh. Kêu xin Ngài bằng than khóc, hợp với những ai được liệt vào số thành phần bất hạnh khóc lóc cũng như vào thành phần sợ gặp phải bất hạnh, trong số nhiều người ngã gục bởi cuộc thảm sát cũng như con số ít kẻ còn đứng vững. Chúng ta cầu nguyện để hòa bình sớm được phục hồi, để chúng ta được trợ giúp ở những nơi ẩn nấp của chúng ta cũng như trong những cơn nguy biến, nhờ đó những gì Chúa muốn tỏ ra cho các tôi tớ của Ngài được nên trọn, đó là việc Giáo Hội được phục hồi, là việc tin tưởng ơn cứu độ đời đời của chúng ta, là khí hậu tốt đẹp sau cơn mưa, là ánh sáng sau tăm tối, là hòa bình và bình lặng sau bão tố và hỗn loạn, là việc trợ giúp nhân hậu của tình Cha yêu thương, là những vẻ cao cả chúng ta biết được về sự uy nghi của Thiên Chúa” ("Epistula" 11, 8, in: S. Pricoco -- M. Simonetti, "La Preghiera dei Cristiani," Milan, 2000, pp. 138-139).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe là một lời than van cảm động được Tiên Tri Giêrêmia dùng để kêu cầu Thiên Chúa giải thoát dân Ngài khỏi những cảnh lầm than đói khổ và chiến tranh. Lời cầu khẩn của tiên tri Giêrêmia là một lời van nài Thiên Chúa hãy nhớ đến Giao Ước của Ngài với dân Ngài và hãy cứu vớt họ.
Về phần mình, dân Ngài phải nhìn nhận tội lỗi và khiêm tốn thống hối kêu lên Chúa. Họ trở về với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của mình, Đấng không ngơi ưu ái và xót thương họ. Vậy Chúa luôn ở với dân Ngài và không bao giờ bỏ rơi họ và canh tân đời sống của họ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 11/12/2002)

Bài 62 – TV 99 (100) (Thứ Tư 8/1/2003)

LÒNG TRUNG THÀNH CỦA THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ BỎ RƠI CHÚNG TA

(Thánh Vịnh 99 [100], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)

1. Trong bầu không khí hân hoan và cử hành mừng lễ kéo dài cho tới tuần cuối cùng của Mùa Giáng Sinh này, chúng ta trở lại với việc suy niệm phụng vụ giờ kinh của chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về bài Thánh Vịnh 99 [100] vừa được công bố, bài thánh vịnh hân hoan kêu gọi hãy chúc tụng Chúa là vị mục tử chăn dắt dân của Ngài.
Có bảy lời truyền khiến trải khắp bài thánh vịnh, dẫn cộng đồng tín hữu đến việc cử hành thờ phượng Vị Thiên Chúa của tình yêu và giao ước, đó là hãy tôn tụng, hãy phục vụ, hãy hiến mình, hãy nhận biết, hãy nhập môn, hãy ca ngợi, hãy chúc tụng. Người ta nghĩ đến một cuộc rước phụng vụ sắp sửa tiến vào đền thờ Sion để thực hiện lễ nghi tôn kính Chúa (x các Ps 14; 23; 94).
Trong bài Thánh Vịnh này, có những lời lẽ quyện vào nhau làm cho mối giây giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái có tính cách tôn tụng. Nhất là niềm xác tín phát xuất từ việc thuộc trọn về Thiên Chúa: “là Đấng chúng tôi thuộc về, là Đấng chúng tôi là dân” (câu 3), một niềm xác tín đầy hãnh diện song đồng thời cũng khiêm tốn, khi dân Do Thái tỏ mình ra như “đàn chiên được Chúa chăm sóc” (Ibid.). Nơi các bài Thánh Vịnh khác, chúng ta cũng thấy bày tỏ mối liên hệ này: “Vì đây là vị Thiên Chúa của chúng ta” (x Ps 94[95]:7). Thế rồi chúng ta thấy bày tỏ về mối liên hệ yêu thương nữa, một “tình thương” và “lòng trung tín” liên kết với “sự thiện hảo” (x Ps 99[100]:5), là những gì, theo nguyên ngữ Do Thái, làm nên chính những chữ cho thấy một thứ hiệp ước thắt kết dân Do Thái với Thiên Chúa của họ.
2. Việc điều hợp giữa không gian và thời gian cũng được nhắc đến nữa. Thật vậy, một mặt thì toàn thể trái đất xuất hiện trước chúng ta cùng với các dân cư của nó đang chúc tụng Thiên Chúa (x câu 2); thế rồi chân trời này thu về địa điểm của Đền Thờ Giêrusalem, nơi có sân đường và cổng đường, chốn cộng đồng tụ họp để nguyện cầu. Mặt khác, thời gian cũng được đề cập đến qua ba khía cạnh của nó, đó là một quá khứ của việc tạo dựng (“Chúa là Thiên Chúa, Đấng Dựng Nên chúng tôi” – câu 3), hiện tại của một giáo ước và việc tôn thờ (“chúng tôi là dân của Ngài, là đàn chiên Chúa chăn nuôi” – ibid.), và sau cùng là tương lai “muôn đời” của lòng trung thành nhân hậu của Chúa, một lòng trung thành kéo dài “qua các thế hệ” (câu 5).
3. Giờ đây chúng ta hãy suy niệm vắn tắt về bảy lời truyền khiến làm nên một lời mời gọi dài chúc tụng Thiên Chúa và là những lời hầu như liên tục cả bài Thánh Vịnh này (x các câu 2-4), trước khi thấy ở câu cuối cùng cái động lực thúc đẩy chúng tôn tụng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng căn tính thân tình và sâu xa của Ngài.
Lời kêu gọi đầu tiên là lời vui mừng vang lên với toàn thể trái đất hãy ca khen chúc tụng Đấng Hóa Công. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cần phải cảm thấy có cùng một cung điều với tất cả những ai nguyện cầu, tôn tụng một vị Chúa duy nhất bằng những thứ ngôn từ và đường lối khác nhau. Như Tiên Tri Malachi nói: “Vì, từ khi mặt trời mọc lên cho tới khi lặn xuống, tên của Ta là một danh hiệu cao cả nơi các dân nước, Chúa các đạo binh phán” (1:11).
4. Thế rồi tới một số lời kêu gọi có bản chất về phụng vụ và lễ nghi, đó là “hãy phục vụ”, “hãy hiến thân”, và “hãy nhập môn” Đền Thờ. Chúng là những động từ, cũng ám chỉ cả những thính giả vương gia, diễn tả một số những cử chỉ khác nhau cần thành phần tín hữu bày tỏ khi họ tiến vào cung thánh Sion để tham dự cuộc cầu nguyện cộng đồng. Sau bzài ca vũ trụ, phụng vụ được dân Chúa cử hành, một dân là “đàn chiên trong đồng cỏ của Ngài”, là “sản vật giữa tất cả mọi dân tộc” của Ngài (Ex 19:5).
Lời mời gọi “hãy nhập môn với lòng tri ân cảm tạ” và “với những lời hoan ca chúc tụng” nhắc chúng ta nhớ lại một đoạn về “Các Mầu Nhiệm” được Thánh Ambrôsiô dùng để diễn tả thành phần lãnh nhận phép rửa tiến lên bàn thờ: “Thành phần được thanh tẩy tiến lên bàn thờ của Chúa Kitô mà nói: ‘Tôi sẽ đi tới bàn thờ của Thiên Chúa, tới với Vị Thiên Chúa là niềm vui của tuổi xuân tôi’ (Ps 42[43]:4). Thật vậy, khi từ bỏ những cái vô bổ của thứ lầm lỗi đã đâm rễ, con người ta đã canh tân tuổi xuân của mình như một con đại bàng vội vã tham dự vào bữa tiệc nước trời này. Thế rồi họ tới, và khi thấy bàn thờ nguyên hảo đã được sửa soạn một cách xứng đáng thì kêu lên: ‘Chúa là vị mục tử của tôi, tôi không còn thiếu gì; Ngài cho tôi nghỉ ngơi trên đồng cỏ xanh rì. Ngài dẫn tôi đi bên giòng nước trong; Ngài bồi dưỡng linh hồn tôi’ (Ps 22:1-2)” ("Opere Dogmatiche III," [Dogmatic Works III], SAEMO 17, pp. 158-159).
5. Những lời truyền khiến khác làm bài Thánh Vịnh vững chắc đã tái nêu lên những thái độ đạo giáo căn bản của một con người cầu nguyện, đó là nhận biết, ca khen, chúc tụng. Động từ nhận biết diễn tả nội dung của việc tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Thật vậy, chúng ta phải tuyên xưng rằng chỉ có “Chúa là Thiên Chúa” (câu 3), chống lại với mọi ngẫu tượng cũng như mọi thứ ngạo mạn và quyền năng của con người phạm đến Ngài.
Đối tượng của các động từ khác, tức của động từ ca khen và chúc tụng, cũng là “danh” của Chúa (x câu 4), tức là, bản thân Ngài, việc hiện diện thực sự và cứu độ của Ngài.
Theo ý nghĩa ấy, bài Thánh Vịnh cuối cùng dẫn đến việc long trọng tôn tụng Thiên Chúa, một hành động thuộc một thứ tuyên xưng đức tin: Chúa tốt lành và lòng trung thành của Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Ngài bao giờ cũng sẵn sàng bảo trì chúng ta bằng tình yêu nhân hậu của Ngài. Với lòng tin tưởng như thế, con người cầu nguyện phó mình vào vòng tay Thiên Chúa của họ: “Hãy nếm thử Chúa thiện hảo dường nào. Phúc cho ai tìm nương tựa nơi Ngài”, vị tác giả Thánh Vịnh ở chỗ khác đã nói như thế (Psalm 33[34]:9; see 1 Peter 2:3).
Anh Chị Em thân mến,
Trong niềm vui của Mùa Giáng Sinh này, chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 99. Bài Thánh Vịnh đây kêu gọi tín hữu hãy qua cổng của Chúa mà vào để chúc tụng và kêu cầu Ngài bằng việc phục vụ và ca khen. Đó là việc cử hành một thứ giao ước của Thiên Chúa được coi như dấu hiệu của mối liên hệ yêu thương bao gồm “tình thương” và “lòng trung thành” liên kết lại thành “sự tốt lành” (x Ps 99:5). Bài Thánh Vịnh xác nhận vai trò là phần tử của chúng ta nơi gia đình của Thiên Chúa: “Chúng tôi thuộc về Ngài, là dân của Ngài” (Ps 99:3). Như thế, bài Thánh Vịnh trở thành một thứ tuyên xưng đức tin chúng ta dùng để công bố Chúa tốt lành và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài sẽ luôn luôn nâng đỡ chúng ta bằng tình yêu nhân hậu của Ngài. Tin tưởng như thế, chúng ta hoàn toàn phó mình vào tình thương ưu ái của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 8/1/2003)

Bài 63 – TV 118 (119) (Thứ Tư 15/1/2003)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN CHO MỘT NGÀY SỐNG

(Thánh Vịnh 118 [119], Kinh Ban Mai, Thứ B ảy, Tuần Thứ Ba)

1. Trong cuộc hành trình dài trải qua các bài Thánh Vịnh được phụng vụ giờ kinh ban mai sử dụng, chúng ta tiến đến một khúc, khúc thứ 19 trong lời kinh nguyện dài nhất của Sách Thánh Vịnh, đó là bài Thánh Vịnh 118 [119]. Đây là một phần trong bài ca vịnh dài theo thứ mẫu tự, ở chỗ, vị Tác Giả Thánh Vịnh chia sáng tác của mình làm 22 khúc, tương đương với thứ tự của 22 chữ trong bộ mẫu tự Do Thái. Mỗi một khúc có tám câu, bắt đầu bằng những chữ Do Thái đều được đứng đầu bởi cùng một chữ trong bộ mẫu tự ấy. Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe là khúc được đánh dấu bằng chữ Do Thái koph, một chữ biểu hiệu cho con người cầu nguyện đang thiết tha bày tỏ đời sống nhiệt thành tin tưởng và cầu nguyện của mình với Thiên Chúa (các câu 145-152).
2. Việc kêu cầu Chúa là một việc làm nghiêm chỉnh, vì nó là một đáp ứng liên tục đối với những gì được Lời Thiên Chúa vốn phác họa. Một mặt thì những động từ về cầu nguyện thực sự là có rất nhiều, như tôi kêu lên Chúa, tôi kêu gọi Chúa, tôi kêu xin giúp đỡ, hãy lắng nghe tiếng tôi. Mặt khác thì lời Chúa lại được đề cao trong việc phác họa ra cho thấy những sắc chỉ, giáo huấn, lời lẽ, hứa hẹn, phán đoán, luật lệ, huấn lệnh và chứng từ của Thiên Chúa. Chúng hợp lại với nhau thành một chùm giống như một thứ tinh cầu đức tin và lòng tin tưởng của vị Tác Giả Thánh Vịnh. Bởi thế, việc cầu nguyện thể hiện như là một cuộc đối thoại được bắt đầu khi trời đã tối hay lúc bình minh chưa lên (x câu 147) và tiếp tục cả một ngày sống, nhất là trong những lúc khốn khó của cuộc đời. Thật thế, có những lúc chân trời trở nên mù mịt và bão bùng: “Những kẻ bách hại gian manh tiến đến gần tôi; họ xa vời với giáo huấn của Ngài” (câu 150). Tuy nhiên, con người cầu nguyện là con người có một niềm tin không lay chuyển, tức họ gắn bó lời Chúa và ơn Chúa: “Ôi Chúa, Ngài đang ở gần bên tôi” (câu 151). Thiên Chúa không bỏ mặc người công chính trong tay những kẻ bách hại.
3. Đến đây, một khi sứ điệp đơn sơ nhưng quyết liệt của khúc Thánh Vịnh 118 [119] đã được phác tả, một sứ điệp hợp với thời điểm mở màn cho một ngày sống, chúng ta sẽ suy niệm theo một vị Đại Giáo Phụ của Giáo Hội là Thánh Ambrôsiô, vị đã dùng 44 đoạn trong Tập Dẫn Giải Thánh Vịnh 118 [119] để cắt nghĩa cách chính khúc Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe.
Tiếp tục lời mời gọi cao vời trong việc chúc tụng thần linh vào những giờ phút mới sáng, ngài suy niệm đặc biệt các câu 147-148: “Tôi chỗi dạy trước hừng đông mà kêu lên… Mắt tôi chào đón những canh khuya”. Nơi câu phát biểu này của vị Tác Giả Thánh Vịnh, Thánh Ambrosiô trực giác thấy được cái tư tưởng về một cuộc cầu nguyện liên lỉ, một cuộc cầu nguyện bao trùm tất cả mọi lúc: “Ai giao tiếp với Thiên Chúa thì phải tác hành như thể Ngài không biết gì đến việc hiện hữu của một lúc nào đó được dùng để kêu xin Chúa, nhưng bao giờ cũng phải giữ thái độ kêu cầu. Cho dù chúng ta ăn hay uống, chúng ta đều loan báo Chúa Kitô, cầu cùng Chúa Kitô, nghĩ về Chúa Kitô! Chớ gì Chúa Kitô luôn ở trong lòng chúng ta và trên môi miệng của chúng ta!” (Commentary on Psalm 118/2: Saemo 10, p. 297).
Thế rồi, khi đề cập đến những cầu nói về giây phút đặc biệt buổi sáng, cũng như để dẫn đến lời diễn tả của Sách Khôn Ngoan là “hãy cảm tạ Thiên Chúa trước khi mặt trời lên” (16:28), Thánh Ambrôsiô đã giải thích rằng: “Thật vậy, thật là tệ nếu những tia sáng của mặt trời lên lấy làm ngỡ ngàng khi thấy anh em đang ươn lười nằm trên giường một cách dại khờ khinh mạn, và nếu một làn ánh sáng mạnh hơn làm cay con mắt ngái ngủ của anh em, mà anh em vẫn im lìm bất động. Quả là vô phúc nếu chúng ta sống một thời gian dài mà lại không thực thi lòng đạo đức tối thiểu và không dâng lên một hy sinh thiêng liêng nào đó trong cả một đêm không làm gì” (Ibid., op. cit., p. 303).
4. Để rồi, Thánh Ambrôsiô, khi ngắm mặt trời lên, như ngài đã làm ở những bài thánh ca danh tiếng “trong lúc gà gáy” khác của ngài, bài “Aeterne rerum conditor”, bài được dùng trong phụng vụ giờ kinh, đã nhắn nhủ chúng ta thế này: “Ôi con người, có lẽ ngươi không biết rằng hằng ngày ngươi mắc nợ Thiên Chúa những thứ hoa trái đầu mùa của cõi lòng và tiếng nói của ngươi hay chăng? Mùa màng hằng ngày phải thu hoạch, hoa trái hằng ngày phải hái lấy. Bởi vậy, ngươi hãy chạy cho kịp mặt trời lên… Mặt trời công chính muốn được đợi trông chứ đừng mong mỏi gì khác… Nếu ngươi ngưỡng vọng mặt trời lên ngươi sẽ nhận được Chúa Kitô là ánh sáng. Chính Người thực sự sẽ là ánh sáng đầu tiên chiếu vào mật thất tâm can của ngươi. Người sẽ là, đúng hơn… Người sẽ làm cho ánh sáng ban mai chiếu soi ngươi trong những giờ khắc đêm tối, nếu ngươi suy niệm những lời của Chúa. Trong lúc ngươi suy niệm thì ánh sáng sẽ lên… Vào lúc sáng sớm, ngươi hãy mau mắn đến nhà thờ và sốt sắng hái lấy những hoa trái đầu mùa của lòng đạo đức của mình. Sau đó, nếu các công việc trần gian cần đến ngươi thì không gì có thể cản trở người nói rằng: ‘khi suy niệm về những lời Chúa hứa hẹn, con mắt tôi mong thấy những buổi canh thức về đêm”, rồi bằng một lương tâm lành thánh, ngươi bắt tay vào những việc làm của mình. Đẹp biết bao khi bắt đầu ngày sống bằng các bài thánh ca và các bài hoan ca, bằng các phúc đức ngươi đọc thấy trong Phúc Âm! Thật là phúc lợi biết bao lời Chúa đến với ngươi chúc lành cho ngươi; để ngươi, vừa hát vừa lập lại các phúc lành của Chúa, nhờ đó ngươi cảm thấy cần phải thực hành một nhân đức nào đó, nếu ngươi nhận thấy một điều gì trong ngươi khiến ngươi cảm thấy xứng đáng với phúc lành thần linh!” (Ibid., op. cit., pp. 303.309.311.313).
Chúng ta cũng hãy đáp lại lời kêu gọi của Thánh Ambrôsiô, và mỗi sáng chúng ta hãy mở mắt ra nhìn vào ngày sống, nhìn vào những niềm vui và các nỗi lo âu của nó, bằng lời kêu cầu Thiên Chúa, nhờ đó Ngài mới gần gũi chúng ta và dẫn đắt chúng ta bằng lời của Ngài, lời lan tỏa yên hàn và ân phúc.
Anh Chị Em thân mến,
Trong vấn đề giáo lý về các Thánh Vịnh của chúng ta được dùng trong Phụng Vụ Giờ Kinh, giờ đây chúng ta bàn đến Thánh Vịnh 118. Được sáng tác thành 22 khúc, tương đương với 22 chữ trong bộ mẫu tự Do Thái, bài Thánh Vịnh này là bài về việc long trọng cử hành lời Chúa như nguồn mạch khôn ngoan, sự sống và chân lý. Ở phần được dùng cho Kinh Sáng Thứ Bảy, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã diễn tả việc cầu nguyện như là một cuộc đối thoại liên tục giữa Thiên Chúa là Đấng nói và tín hữu là thành phần đáp trả bằng lời chúc tụng và van xin. Trong số các Giáo Phụ của Giáo Hội, Thánh Ambrôsiô đã thôi thúc chúng ta hãy bắt chước gương của vị Tác Giả Thánh Vịnh trong việc liên lỉ cầu nguyện mỗi ngày, từ sáng sớm tới đêm khuya.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 15/1/2003

Bài 64 – Ca vịnh Kn (Thứ Tư 29/1/2003)

ĐỨC KHÔN NGOAN CỦA THẦN LINH

(Ca Vịnh Khôn Ngoan, Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Ba)

1. Bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy phần lớn của một kinh nguyện dài được đặt vào môi miệng của Solomon, vị được truyền thống Thánh Kinh coi như là một vị Vua công chính và khôn ngoan đệ nhất. Bài Ca Vịnh giành cho chúng ta đây ở Đoạn 9 của Sách Khôn Ngoan, một bản văn của Cựu Ước được sáng tác bằng tiếng Hy Lạp, có lẽ ở Alexandria Ai Cập, vào đầu kỷ nguyên Kitô Giáo. Chúng ta nhận thấy điều diễn tả về một Do Thái Giáo chịu đựng và cởi mở của thành phần Dân Do Thái Tha Hương trong thế giới văn minh Hy Lạp Hellenitic.
Có ba luồng tư tưởng thần học chính yếu gợi lên cho chúng ta biết về cuốn sách này, đó là tình trạng bất tử phúc đức ở vào lúc kết thúc cuộc sống của kẻ lành (x đoạn 1-5); khôn ngoan là tặng ân thần linh và là hướng dẫn viên cho của sống cũng như cho những chọn lựa của tín hữu (x đoạn 6-9); lịch sử cứu độ, nhất là biến cố chính yếu khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập như dấu hiệu của trận chiến giữa thiện ác, một trận chiến dẫn tới mức độ trọn vẹn của ơn cứu độ và cứu chuộc (x đoạn 10-19).
2. Solomon đã sống 10 thế kỷ trước vị tác giả thần hứng của Sách Khôn Ngoan này. Tuy nhiên, Solomon được coi là vị sáng lập và là tác giả lý tưởng của tất cả những suy tư khôn ngoan sau vua. Kinh nguyện dưới hình thức của một bài thánh thi ca này được đặt trên môi miệng của vua là một lời long trọng kêu cầu dâng lên “Thiên Chúa của cha ông tôi, Chúa của lòng xót thương” (9:1), xin Ngài ban tặng ân khôn ngoan quí giá nhất.
Bài Ca Vịnh của chúng ta ở đây rõ ràng ám chỉ đến cảnh tượng được kể lại trong Sách Chư Vương cuốn thứ nhất, lúc vua Solomon bắt đầu triều đại của mình đã đến những nơi cao ở Gibeon là nơi có một ngôi đền, và sau khi cử hành một hy tế trọng thể vua đã được một thị kiến mạc khải đêm hôm ấy. Theo lời Thiên Chúa yêu cầu, Đấng cho vua xin một tặng ân, thì vua trả lời là: “Xin ban cho tôi tớ Chúa một tấm lòng tri thức để phân xử dân Chúa cũng như để phân biệt đúng sai” (1Kgs 3:9).
3. Ơn linh ứng phát xuất từ lời kêu cầu này của vua Solomon đã được khai triển trong bài Ca Vịnh của chúng ta đây thành một chuỗi kêu xin dâng lên Chúa, xin Ngài ban được kho tàng khôn ngoan không gì sánh bằng.
Trong đoạn của phụng vụ giờ kinh ban mai, chúng ta thấy có hai lời kêu cầu là: “Xin ban cho tôi Khôn Ngoan… Từ các tầng trời thánh hảo của Chúa, xin Ngài hãy sai Khôn Ngoan đến và từ ngai vinh quang của Chúa, xin hãy phái Khôn Ngoan đi” (Wis 9:4,10). Không có tặng ân này người ta thấy rằng mình không có hướng dẫn viên, như thể bị mất đi tinh đẩu hướng dẫn con người trong việc chọn lựa sống đời: “Vì tôi là… một con người yếu hèn, yểu mệnh, thiếu hiểu biết trong việc phân xử và luật lệ… nếu Khôn Ngoan phát xuất từ Chúa không ở với mình, hắn sẽ không còn giá trị gì” (câu 5-6)
Người ta có thể dễ trực giác thấy rằng “Khôn Ngoan” này không phải chỉ là thông minh hay khả năng thực tiễn, mà là việc tham dự vào chính tâm trí của Thiên Chúa, Đấng “đã thiết dựng con người theo sự khôn ngoan của mình” (câu 2). Bởi thế, Khôn Ngoan mới là khả năng thấu nhập ý nghĩa sâu xa của hữu thể, của sự sống và của lịch sử, vượt lên trên mặt nổi của các sự vật và các biến cố hầu khám phá được ý nghĩa tối hậu theo như ý muốn của Chúa.
4. Khôn Ngoan giống như một cây đèn soi sáng cho những chọn lựa về luân lý hằng ngày của chúng ta và dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính, “để hiểu biết những gì hài lòng Chúa và những gì hợp với các giới răn của Ngài” (x câu 9). Vì lý do này, phụng vụ đã giúp cho chúng ta dùng những lời của Sách Khôn Ngoan để bắt đầu một ngày sống, nhờ đó Thiên Chúa sẽ ở bên chúng ta với đức khôn ngoan của Ngài, “hỗ trợ và nâng đỡ chúng ta trong sự vất vả (hằng ngày) của chúng ta” (câu 10), khi tỏ cho chúng ta thấy sự thiện và sự ác, sự chân chính và sự bất chính.
Nắm lấy bàn tay của Đức Khôn Ngoan thần linh, chúng ta tin tưởng tiến bước trong thế gian. Chúng ta nắm chặt lấy đức này, yêu mến đức ấy bằng một tình yêu phu thê theo gương của vua Solomon, vị mà, theo Sách Khôn Ngoan, đã luôn luôn thú thực là “Tôi yêu mến nàng và tìm kiếm nàng từ thời xuân xanh; tôi đã tìm kiếm để cưới lấy nàng làm vợ mình và say đắm nhan sắc của nàng” (8:2).
5. Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã nhìn nhận nơi Chúa Kitô Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, theo như Thánh Phaolô đã định nghĩa Chúa Kitô là “quyền năng của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1:24).
Giờ đây chúng ta hãy kết thúc bằng lời nguyện của Thánh Ambrôsiô, vị đã thân thưa với Chúa Kitô như thế này: “Chúa hãy dạy con những lời sâu xa của đức khôn ngoan, vì Chúa là Đức Khôn Ngoan! Xin hãy mở lòng con ra, Chúa là Đấng đã mở ra Cuốc Sách! Chúa đã mở cửa ở trên trời, vì Chúa là Cửa! Nếu chúng con được qua Chúa mà vào thì chúng con sẽ chiếm được Vương Quốc trường sinh; nếu ai qua Chúa mà vào họ sẽ không bị lừa dối, vì họ không thể sai lầm, thành phần vào nơi cư trú của Chân Lý” ("Commentary on Psalm 118/1" ["Commento al Salmo 118/1"]: Saemo 9, p. 377).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh ở đoạn 9 của Sách Khôn Ngoan đây nhắc nhở chúng ta rằng khôn ngoan chân thực từ Thiên Chúa mà đến. Sự khôn ngoan này không phải chỉ là một thứ kiến thức hay là một thứ tài nghệ hoặc một thứ năng khiếu, mà là sự tham phần vào tâm trí của chính Thiên Chúa. Thật vậy, Vua Solomon đã xin Chúa sai tặng ân khôn ngoan để vua nhờ đó có thể biết những gì làm hài lòng Thiên Chúa.
Không có đức khôn ngoan này chúng ta chẳng là gì. Thế nhưng, với đức khôn ngoan này, chúng ta được hướng dẫn sống thánh thiện và công chính. Đức này giúp chúng ta hiểu được lịch sử, giúp chúng ta nhìn bên trên những dáng vẻ thuần túy để cảm nhận ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Với vua Solomon, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta tặng ân khôn ngoan này, để soi sáng tâm trí của chúng ta biết đi theo những con đường làm hài lòng Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 29/1/2003)

Bài 65 – TV 116 (117) (Thứ Tư 5/2/2003)

YẾU TÍNH CỦA CẦU NGUYỆN LÀ ĐỐI THOẠI VỚI THIÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 116 [117], Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Ba)

1. Để tiếp tục việc chúng ta suy niệm về những bài phụng vụ giờ kinh ban mai, một lần nữa chúng ta trở lại với một bài Thánh Vịnh đã được trưng dẫn, bài thánh vịnh ngắn nhất trong tất cả những sáng tác của Sách Thánh Vịnh. Đó là bài Thánh Vịnh 116 [117], bài chúng ta vừa nghe, một thứ thánh thi ca hay kêu than nho nhỏ đã được trở thành một lời chúc tụng đại đồng dâng lên Chúa. Bài này nói lên hai lời căn bản cần được loan báo, đó là yêu thương và lòng trung thành (xem câu 2).
Với những từ ngữ này, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã phô bày một cách tổng hợp Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái, nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu xa là lòng trung thành và tin tưởng hiện hữu giữa Chúa và dân của Ngài. Ở đây chúng ta nghe thấy tiếng vang của những lời chính Thiên Chúa tuyên phán trên núi Sinai khi Ngài hiện ra với Moisen, đó là: “Chúa, một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và hết sức khoan dung và trung thành” (Ex 34:6).
2. Mặc dù có một đặc tính vắn vỏi và ngắn gọn, bài Thánh Vịnh 116 [117] cũng đi vào cốt lõi của việc cầu nguyện, ở chỗ gặp gỡ và đối thoại một cách sống động riêng tư với Thiên Chúa. Trong việc cầu nguyện này, mầu nhiệm của Thần Tính được tỏ ra như lòng trung thành và yêu thương.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh thêm vào một khía cạnh đặc biệt nữa của việc cầu nguyện, đó là việc cảm nghiệm nguyện cầu cần phải được lan tỏa ra trên thế giới, khi nó biến mình thành chứng từ cho những ai không cùng niềm tin với chúng ta. Thật vậy, ngay từ ban đầu, chân trời đã được vươn tới “tất cả dân tộc các người” và tới “tất cả mọi quốc gia các người” (x câu 1), để trước vẻ đẹp và niềm vui của đức tin, cả họ nữa cũng sẽ được lòng khao khát thúc đẩy đến việc tìm biết, gặp gỡ và chúc tụng Thiên Chúa.
Trong một thế giới kỹ thuật tính cách linh thánh đang bị đe dọa bởi tình trạng nhật thực, trong một xã hội lấy hưởng thụ làm một thứ mãn nguyện bản thân thì chứng từ của một con người cầu nguyện giống như một tia sáng trong tăm tối.
Thoạt tiên nó chỉ là một thứ tò mò bừng lên, rồi nó có thể xui khiến con người suy tư tự hỏi về ý nghĩa của việc nguyện cầu, và sau hết, nó có thể khơi lên lòng ao ước hơn nữa trong việc có được cảm nghiệm này. Vì thế mà cầu nguyện không bao giờ chỉ là một việc làm lẻ loi song có khuynh hướng lan tỏa cho đến khi nó bao gồm cả thế giới.
4. Giờ đây chúng ta hãy theo bài Thánh Vịnh 116 [117] này với những lời của vị Đại Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương, đó là Thánh Ephrem người Syria, vị đã sống ở thế kỷ thứ 4. Ở một trong “Những Thánh Thi Ca Về Đức Tin, bài thứ 14, thánh nhân đã diễn tả lòng ước mong không bao giờ thôi chúc tụng Thiên Chúa, bao gồm “tất cả những ai hiểu biết sự thật (thần linh)”. Đây là chứng từ của ngài:
“Lạy Chúa, cây đàn cầm của tôi làm sao lại không chúc tụng Chúa được chứ? / Làm sao tôi lại có thể dạy cho miệng lưỡi của tôi bất trung được đây? / Tình yêu của Ngài đã khiến cho nỗi áy náy của tôi tin tưởng, / nhưng ý muốn của tôi vẫn tỏ ra vô ơn bội bạc (tiết 9).
“Con người thực sự cần phải nhận biết thần tính của Ngài, / các hữu thể thiên linh thực sự cần phải chúc tụng nhân tính của Ngài; / các hữu thể thiên linh sửng sốt khi thấy được Ngài đã hủy mình ra như không là dường nào, / và những ai trên trái đất này thấy được Ngài được vinh thăng ra sao” (tiết 10: L'Arpa dello Spirito [The Harp of the Spirit,] Rome, 1999, pp. 26-28).
5. Ở một bài thánh thi ca khác, (Nisibian, 50), Thánh Ephrem xác nhận việc ngài hiến thân không ngừng chúc tụng, và cho biết cái động lực phát xuất từ tình yêu và lòng thương xót thần linh đối với chúng ta, giống như bài Thánh Vịnh của chúng ta đây nêu lên.
“Lạy Chúa, trong Ngài, chớ gì miệng lưỡi của tôi âm thầm chúc tụng Chúa. / Chớ gì miệng lưỡi của chúng tôi không ngừng chúc tụng Chúa, / chớ gì những miệng lưỡi không thôi tin tưởng Chúa; / chớ gì việc chúc tụng Chúa rung động lên trong chúng tôi!” (tiết 2).
“Vì gốc rễ đức tin của chúng ta được gắn liền với Chúa của chúng ta; nên mặc dù xa cách, Ngài vẫn gần gũi chúng ta qua việc thấm nhập yêu thương. / Chớ gì những gốc rễ yêu thương của chúng ta được liên kết với Ngài, / chớ gì tất cả lòng thương cảm của Ngài tuôn đổ xuống trên chúng ta” (tiết 6: ibid., pp. 77, 80).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 116 cho thấy tâm điểm của Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài. Bài Thánh Vịng vắn gọn này đi sâu vào yếu tính của việc cầu nguyện như là một cuộc hội ngộ tư riêng với Thiên Chúa, một cuộc đối thoại làm cho mầu nhiệm thần linh tỏ hiện qua lòng trung thành và yêu thương. Nơi việc cầu nguyện, “tất cả mọi quốc gia và mọi dân tộc” được mời gọi chúc tụng Thiên Chúa và cảm nghiệm được niềm vui tin tưởng. Thế giới ngày nay hết sức cần đến chứng từ của con người nam nữ cầu nguyện và khuyến khích người khác cầu nguyện. Vì nơi việc cầu nguyện, chúng ta khám phá thấy Thiên Chúa là nguồn mạch tối hậu của tình yêu chúng ta, trong khi Ngài tuôn đổ trên chúng ta tất cả tình thương của Ngài” (see Saint Ephrem the Syrian, Carm, Nisib., 50).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 5/2/2003)
 

Bài 66 – TV 117 (118) (Thứ Tư 12/2/2003)

CHÚA LÀ ĐÁ TẢNG – LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ

(Thánh Vịnh 117 [118], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)

1. Cái tuần tự của các bài Thánh Vịnh từ bài 112 đến bài 117 [118] đã được xướng lên vào tất cả những cuộc hội lễ quan trọng và vui mừng nhất của Do Thái Giáo cổ xưa, nhất là trong việc cử hành Lễ Vượt Qua. Loạt bài thánh thi ca chúc tụng và tạ ơn dâng lên Thiên Chúa này được gọi là “Hãy Vui Lên Dân Ai Cập”, vì ở một trong những bài Thánh Vịnh này, đó là bài Thánh Vịnh 113A, cuộc xuất hành của dân Do Thái khỏi mảnh đất bị áp bức, đất Ai Cập thời Pharao, cùng với tặng ân giao ước thần linh tuyệt vời đã được nhắc lại một cách tiết điệu và tượng hình nhất. Bởi vậy, bài Thánh Vịnh cuối cùng kết thúc loạt bài là “Hãy Vui Lên Dân Ai Cập” chính là bài Thánh Vịnh 117 [118] chúng ta vừa công bố và là bài chúng ta đã suy niệm ở một bài dẫn giải trước đây.
2. Bài ca này rõ ràng cho thấy mình được sử dụng trong đền thờ Giêrusalem. Như được tỏ hiện cho thấy thì bài ca này dường như cho thấy một cuộc rước được khởi hành từ giữa “các lều của những kẻ chiến thắng” (câu 15), tức là nơi các ngôi nhà của thành phần tín nghĩa. Thành phần tín nghĩa tôn tụng bàn tay bảo vệ thần linh có khả năng bảo vệ kẻ công chính và tin tưởng, cho dù vào lúc bị đối phương hung dữ xâm chiếm. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã sử dụng hình ảnh gợi hình ở đây: “Chúng bủa vậy tôi như đàn ong; chúng bừng bừng như lửa nơi gai góc; nhân danh Chúa tôi đã chúng triệt hạ” (câu 12).
Vì tránh được cơn nguy hiểm này, dân Chúa đã kêu lên bằng “những tiếng hân hoan la hò được giải thoát” (câu 15) để tôn kính “bàn tay phải của Chúa đã giơ lên (và mạnh mẽ giáng xuống)” (câu 16). Bởi thế, dân mới có được một nhận thức là họ không bao giờ bị bỏ mặc cho phong ba bão tố bùng lên bởi kẻ gian ác. Thật vậy, phán quyết cuối cùng bao giờ cũng thuộc về Thiên Chúa, Đấng mặc dù để cho thành phần tín nghĩa của Ngài phải chịu gian nan hoạn nạn nhưng không trao họ vào bàn tay tử thần (x câu 18).
3. Tới đây hình như cuộc rước tiến đến đích điểm được vị Tác Giả Thánh Vịnh gợi lên cho thấy qua hình ảnh của “những cửa chiến thắng” (câu 19), tức là, cửa thánh của đền thờ Sion. Cuộc kiệu đi hộ tống vị anh hùng được Thiên Chúa ban cho chiến thắng. Ngài muốn các cổng phải được mở ra nghênh đón vị anh hùng này, để vị anh hùng có thể “dâng lời tạ ơn Chúa” (x câu 19). Cùng với vị anh hùng ấy, “những kẻ chiến thắng tiến vào” (câu 20). Để diễn tả cuộc thử thách gay go vị anh hùng ấy đã thắng vượt, cũng như vinh hiển từ đó mà ra, vị anh hùng này so sánh mình với “một tảng đá bị các thợ xây loại bỏ” song “đã trở nên tảng đá chân móng” (câu 22).
Chính Chúa Kitô đã lấy hình ảnh này và câu Thánh Vịnh này, ở cuối dụ ngôn về những tay tá điền vườn nho sát nhân, để loan báo về việc khổ nạn và hiển vinh của Người” (x Mt 21:42).
4. Áp dụng bài Thánh Vịnh vào bản thân mình, Chúa Kitô đã mở lối cho Kitô Giáo cắt nghĩa về bài thánh thi ca tin tưởng và tri ân Chúa này về tính cách trung thành yêu thương của Người, một tính cách vang vọng khắp cả bài Thánh Vịnh (xem các câu 1,2,3,4,29).
Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã sử dụng hai biểu hiệu. Trước hết là biểu hiệu “những cổng công chính”, những cổng được Thánh Clement ở Rôma đã dẫn giải thế này trong Thư gửi giáo đoàn Côrintô của ngài: “Cửa mở thì nhiều, những chỉ có một cửa công chính duy nhất ở nơi Chúa Kitô mà thôi. Phúc cho những ai qua cửa này mà vào và bước đi trong thánh thiện và công chính, làm hết mọi sự trong an bình” (48,4: "I Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1976, p. 81).
5. Biểu hiệu khác, gắn liền với biểu hiệu trước, chính là biểu hiệu đá tảng. Giờ đây chúng ta hãy suy niệm theo Thánh Ambrôsiô trong tập Dẫn Giải Phúc Âm thao Thánh Luca. Khi giải thích về lời Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin ở Cesarea Philippi, ngài nhắc lại rằng “Chúa Kitô là tảng đá” và “Chúa Kitô không chối từ danh hiệu tuyệt vời này cho các môn đệ của Người, để Người cũng sẽ là Phêrô, một Phêrô như tảng đá, có một sức mạnh kiên vững, một đức tin bất khả hủy diệt”.
Thế rồi Thánh Ambrôsiô lên tiếng huấn dụ: “Anh em cũng hãy cố gắng trở thành một tảng đá. Thế nhưng, để đạt được điều này, anh em đừng tìm kiếm tảng đá ở ngoài anh em mà là ở trong anh em. Tảng đá của anh em là các hành động của anh em, tảng đá của anh em là tư tưởng của anh em. Ngôi nhà của anh em được xây cất trên tảng đá này, nhờ đó nó sẽ không bị đổ nát bởi bất cứ chước cám dỗ nào của các tinh thần xấu xa. Nếu anh em là đá tảng, anh em sẽ ở trong Giáo Hội, vì Giáo Hội ở trên tảng đá này. Nếu anh em ở trong Giáo Hội, những cổng hỏa ngục sẽ không khống chế nổi anh em” (VI, 97-99: "Opera Esegetiche" IX/II [Exegetical Works], Milan/Rome, 1978 = Saemo 12, p. 85).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 117 nhắc lại những năm bị áp bức bên Ai Cập và cử hành việc Thiên Chúa bảo vệ dân Ngài, cho dù cả vào lúc họ bị những đối phương hung dữ bủa vây. Chính Thiên Chúa là Đấng ban chiến thắng, và dân Ngài được mời gọi để tạ ơn Ngài khi họ bước qua những cửa công chính. Bằng việc tôn vinh Đấng Tuyển Chọn của mình, Thiên Chúa đã làm cho “tảng đá bị thợ xây loại bỏ trở thành … đá nền” (câu 22). Chúa Kitô áp dụng hình ảnh này vào bản thân Người, khi Người loan báo cuộc khổ nạn và hiển vinh của Người. Bởi thế, chúng ta có thể cắt nghĩa bài thánh thi ca tin tưởng và tạ ơn này theo quan điểm Kitô Giáo. Như Thánh Ambrôsiô nói, cả chúng ta nữa cũng phải cố gắng để trở thành một tảng đá, một tảng đá hành động, phát ngôn và tin tưởng được xây dựng trên tảng đá đích thực (Ad Cor 48:4). Chớ gì lòng chúng ta luôn luôn kiên vững trong Chúa Kitô, Tảng Đá Chân Móng của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/2/2003)
 

Bài 67 – Ca vịnh Đn (Thứ Tư 19/2/2003)

THIÊN CHÚA KHÔNG BỎ MẶC CHÚNG TA CHO TỬ THẦN

(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)

1. “Bấy giờ ba người trẻ này đồng thanh ca lên ton vinh và chúc tụng Thiên Chúa” (Dan 3:51). Câu này mở đầu cho bài Ca Vịnh nổi tiếng chúng ta vừa nghe ở đoạn nồng cốt của nó. Nó ở trong Sách Đaniên, trong phần được lưu truyền cho chúng ta bằng tiếng Hy lạp, với giọng điệu của những chứng nhân đức tin can đảm, thành phần không muốn cúi đầu tôn thờ tượng vua và sẵn sàng chấp nhận cái chết thê thảm, chấp nhận cuộc tử đạo trong lò lửa.
Họ là ba con người Do Thái trẻ trung, được tác giả sách thánh đặt vào một khung cảnh lịch sử dưới triều Nebuchadnezzar, một đại lãnh chúa Babylon, nhân vật đã hủy hoại thành Giêrusalem năm 586 trước công nguyên và đã đầy dân Do Thái đến sống “bên các giòng nước Babylon” (x Ps 136). Mặc dù hết sức nguy hiểm, khi những ngọn lửa đang liếm vào thân thể của họ, thì họ được sức mạnh “để ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa”, với lòng tin tưởng rằng Vị Chúa của vũ hoàn và lịch sử sẽ không bỏ rơi họ cho tử thần và âm phủ.
2. Vị tác giả thánh kinh, người đã viết vào mấy thế kỷ sau, đã gợi lại biến cố anh hùng này để phấn khích những người đồng thời của mình nêu cao đức tin trong những cuộc bách hại của các vua Syro-Hellennistic vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Chính vì thế mới xẩy ra phản ứng can trường của nhà Maccabê, những chiến sĩ cho quyền tự do sống đức tin và truyền thống Do Thái.
Bài ca vịnh này, theo truyền thống được gọi là bài ca vịnh “về ba người trẻ”, giống như một ngọn lửa sáng lên trong tăm tối của thời áp bức và bách hại bấy giờ, một thời điểm thường được tái diễn trong lịch sử dân Do Thái cũng như của chính Kitô Giáo. Và chúng ta biết rằng kẻ bách hại không phải lúc nào cũng tỏ ra bộ mặt hung dữ và sát khí của một kẻ áp bức, mà thường thích dùng cách chế diễu và mỉa mai để cô lập hóa người công chính bằng những lời chua chát: “Thiên Chúa của các ngươi đâu rồi?” (Ps 41[42]:4,11).
3. Tất cả mọi tạo vật được tham dự vào trong lời chúc tụng do ba người trẻ này dâng lên Vị Chúa Toàn Năng từ cảnh cực hình của cơn thử thách. Họ đan kết lại thành một tấm vải muôn mầu với tinh tú sáng ngời, thời tiết đổi thay, thú vật di động, thần thiêng xuất hiện, và nhất là “những người tôi tớ của Chúa” hát ca, thánh phần “thánh hảo” và “khiêm nhượng trong lòng” (x Dn 3:85,87).
Đoạn ca vịnh vừa được công bố này ở trước cảnh tượng vĩ đại hiện lên của tất cả mọi tạo vật ấy. Nó làm nên phần đầu của bài ca vịnh, phần gợi lên cho thấy sự hiện diện hiển vinh của Vị Chúa siêu việt song lại gần gũi. Phải, vì Thiên Chúa ở trên trời, nơi Ngài “nhìn xuống các vực thẳm” (x 3:55), và cũng nhìn “vào đền thờ của vinh quang thánh hảo của Chúa” ở Sion nữa (x 3:53). Ngài ngự trên “ngai” của “vương quốc” vô cùng trường cửu của Ngài (x 3:54), nhưng cũng “ngự trên cherubim thần” (x 3:55), ở hòm bia giao ước trong nơi Cực Thánh của đền thờ Giêrusalem.
4. Ngài là một vị Thiên Chúa ở trên chúng ta, có khả năng cứu chúng ta bằng quyền lực của Ngài, nhưng cũng là một Vị Thiên Chúa gần gũi với Dân của Ngài, như Ngài muốn ngự giữa họ nơi “đền thánh hiển vinh” của Ngài để tỏ tình Ngài yêu thương. Một tình yêu Ngài sẽ hoàn toàn tỏ ra qua việc làm cho Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, “đầy ân sủng và chân lý” “ở giữa chúng ta” (Jn 1:14). Ngài sẽ tỏ hết tình yêu của Ngài ra bằng việc sai Con của Ngài đến giữa chúng ta để chia sẻ mọi bề, ngoại trừ tội lỗi, thân phận được đánh dấu bằng các thứ thử thách, áp bức, lẻ loi và chết chóc của chúng ta.
Lời ca ngợi của ba người trẻ dâng lên Vị Thiên Chúa Cứu Độ được tiếp tục nơi Giáo Hội ở những cách thức khác. Chẳng hạn, Thánh Clêmentê ở Rôma, ở phần cuối Bức Thư của Ngài gửi cho các tín hữu Côrintô, “đưa vào một kinh nguyện chúc tụng và tin tưởng dài, được đan kết đầy những gợi ý thánh kinh và có lẽ âm vang cả phụng vụ Rôma sơ khai nữa. Đó là một kinh nguyện cầu tri ân cảm tạ Vị Chúa đã hướng dẫn lịch sử tới cùng đích tốt đẹp, bất chấp việc chiến thắng bề ngoài của sự dữ.
5. Đây là đoạn văn ấy:
“Ngài đã soi sáng con mắt tâm hồn chúng tôi (x Eph 1:18)
để chúng tôi có thể biết Ngài là Đấng Duy Nhất (x Jn 17:3)
Tối cao trên các đỉnh trời
Đấng Thánh ở giữa các vị thánh
Đấng hạ bệ những gì kiêu căng hống hách (x Is 13:11),
Đấng làm cho các thứ ý đồ của các dân tộc bấn loạn (x Ps 32:10),
Đấng nâng lên cao những ai hèn kém
Và những ai khóc lóc được đến chốn an toàn (x Jb 5:11).
Chúa là Đấng làm cho giầu sang và nghèo mạt
Đấng sát hại và ban sự sống (x Deut 32:39),
Đấng thi ân duy nhất trong các thần linh
Và là Thiên Chúa của tất cả mọi xác phàm
Đấng thấu suốt các thẳm sâu (x Dn 3:55),
Đấng nhìn đến các hoạt động của loài người,
Đấng giải cứu những ai đang gặp nguy khốn
Và cứu những ai đang ở trong cơn thất vọng (x Jud 9:11),
Là tạo hóa và là bảo quản viên của hết mọi thần linh,
Đấng làm cho các dân tộc sinh sôi nẩy nở trên mặt đất,
Và tuyển chọn trong tất cả mọi người những ai mến yêu Ngài
Nơi Chúa Giêsu Kitô,
Con rất yêu dấu của Chúa,
Nhờ Người Chúa đã giáo huấn, thánh hóa
Và tôn vinh chúng tôi”
(Clement of Rome, "Lettera ai Corinzi" [Letter to the Corinthians], 59, 3:I "Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1976, pp. 88-89).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh trong đoạn thứ ba của Sách Đaniên là một bài thánh thi ca long trọng trong việc chúc tụng vinh hiển siêu việt của Thiên Chúa. Được ca lên bởi ba người trẻ bị lên án tử trong vạc lửa vì trung thành với Vị Thiên Chúa của Do Thái, bài Ca Vịnh này gợi lên cho thấy sự thánh thiện và quyền năng của Đấng Hóa Công, Đấng ngự giữa dân Ngài nơi đền thánh Giêrusalem. Cuộc cử hành việc Thiên Chúa gần gũi với Dân của Ngài có tính cách tiên tri này cho thấy việc Con Thiên Chúa đến, Đấng vào lúc thời gian viên trọn “đã mặc xác thể và ở giữa chúng ta”. Nơi phụng vụ của mình, Giáo Hội ở mọi thời đã tiếp tục bài ca tri ân cảm tạ này đối với tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu hướng dẫn tất cả lịch sử đến đích điểm ấn định của nó.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 19/2/2003)

Bài 68 – TV 150 (Thứ Tư 26/2/2003)

BÀI CA TRỌNG ĐẠI: HÃY VUI LÊN

(Thánh Vịnh 150, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Thánh Vịnh 150 chúng ta vừa công bố một lần nữa lại âm vang nơi phụng vụ giờ kinh ban mai; một bài thánh thi ca hoan hỉ, một bài alleluia hãy vui lên theo nhịp điệu âm nhạc. Bài này là biểu hiệu lý tưởng cho tất cả cuốn Sách Thánh Vịnh, cuốn sách ngợi khen, cuốn sách ca tụng, cuốn sách phụng vụ của dân Do Thái.
Bài thánh vịnh này là một bài có tính cách giản dị và sáng sủa lạ lùng. Chúng ta cần phải chú ý đến lời mời gọi thiết tha hãy chúc tụng Chúa: “Hãy ca ngợi Thiên Chúa… hãy dâng lời ca ngợi… hãy dâng lời ngợi khen!”. Ngay mở đầu, Thiên Chúa đã hiện lên qua hai chiều kích mầu nhiệm của Ngài. Chắc chắn là Ngài siêu việt, mầu nhiệm, vượt ra ngoài chân trời giới hạn của chúng ta, ở chỗ, vương ngai của Ngài là “thánh điện” thiên đình, là “tầng trời kiên cố”, một thành trì con người không thể đến được. Tuy nhiên, Ngài lại gần gũi chúng ta, ở chỗ, Ngài hiện diện nơi “cung thánh” Sion và hoạt động trong giòng lịch sử qua “các việc dũng mạnh” của Ngài, những việc Ngài mạc khải cho thấy và giúp cho con người có thể cảm nghiệm thấy được “sự cao cả siêu việt của Ngài!” (câu 1-2).
2. Bởi thế, giữa trời và đất là một thứ đường lối truyền thông được thiết lập tạo nên nơi hội ngộ của việc Chúa làm và lời ca chúc tụng của tín hữu. Phụng vụ liên kết hai cung thánh này, đó là đền thờ trần gian và các tầng trời vô tận, là Thiên Chúa và con người, là thời gian và vĩnh cửu.
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta bắt đầu bằng cách hướng lên ánh sáng thần linh, đồng thời chúng ta cũng cảm được việc Thiên Chúa ghé xuống, Đấng thích ứng bản thân mình với giới hạn của chúng ta để nghe chúng ta và nói với chúng ta, để gặp gỡ chúng ta và cứu độ chúng ta. Vị Tác Giả Thánh Vịnh sau đó liền cống hiến cho chúng ta những thứ trợ giúp cho cuộc hội ngộ nguyện cầu này, đó là việc sử dụng những nhạc cụ của ban hòa tấu đền thờ Giêrusalem, như kèn đồng, đàn địch, tiêu sáo và não bạt. Việc di chuyển theo đoàn rước cũng là một phần làm nên lễ nghi của đền thờ Giêrusalem (x Ps 117 [118]:27). Lời kêu gọi rất giống nhau này cũng được âm vang trong bài Thánh Vịnh 46:8: “hãy trình diễn một cách thiện nghệ”.
3. Bởi thế mới cần phải liên lỉ khám phá và sống vẻ đẹp của việc nguyện cầu cũng như của phụng vụ. Người ta phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa chẳng những bằng những công thức đúng với thần học, mà còn bằng một đường lối đẹp đẽ và xứng đáng nữa.
Đối với vấn đề này, cộng đồng Kitô hữu phải xét lại lương tâm để mỗi ngày một phục hồi vẻ đẹp của âm nhạc và ca hát cho phụng vụ. Cần phải thanh tẩy việc thờ phượng bị méo mó, những hình thức diễn đạt không ra làm sao, những bản nhạc và âm nhạc thiếu sửa soạn, là những gì không xứng hợp lắm đối với tính cách cao trọng của tác động đang được cử hành.
Về khía cạnh này thật là quan trọng đối với lời kêu gọi của Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô hãy tránh tính cách vô độ và nhạt nhẽo thiếu ý vị, hãy nhường chỗ cho tính cách tinh tuyền của các bài thánh thi ca phụng vụ. “Vậy anh em đừng say sưa rượu chè tuôn ra những điều gian dối, nhưng hãy tràn đầy Thần Linh, cùng nhau hát lên những bài thánh vịnh, thánh ca và các ca khúc thiêng liêng, bằng việc đàn ca dâng lên Chúa với cả tấm lòng của anh em, luôn nhân danh Chúa Giêsu Kitô dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa Cha về hết mọi sự” (Eph 5:18-20).
4. Vị Tác Giả Thánh Vịnh chấm dứt bằng việc mời gọi “hết mọi sinh vật” (x Ps 150:5), theo ngôn từ diễn tả là “hết mọi vật có hơi thở”, “hết mọi sự thở hơi”, một diễn tả theo ngôn từ Do Thái biểu hiệu cho “hết mọi hữu thể thở hơi”, nhất là “hết mọi con người sống động” (x Deut 20:16; Jos 10:40, 11:11,14). Bởi thế, nhân loài tạo vật đóng góp tiếng nói và con tim của mình trong việc chúc tụng thần linh. Tất cả mọi hữu thể sinh động chân thực nhất, tất cả mọi tạo vật có hơi thở (x Gen 7:22), đều được kêu gọi hợp cùng với loài người để dâng bài thánh thi ca tạ ơn lên Đấng Hóa Công về ơn được hiện hữu.
Theo lời mời gọi đại đồng này, Thánh Phanxicô đã sáng tác “Bài Ca Vịnh Dương Huynh” đầy ý tứ của thánh nhân, trong đó, thánh nhân đã kêu gọi hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa tất cả mọi tạo vật là phản ảnh vẻ đẹp và sự thiện hảo của Ngài (xem Franciscan Sources, 263).
5. Tất cả mọi tín hữu đều phải tham dự một cách riêng biệt vào bài ca này, như Bức Thư gửi giáo đoàn Colossê khuyến dụ: “Chớ gì lời Chúa Kitô dồi dào trong anh em, khi anh em khuyên dạy lẫn nhau một cách hết sức khôn ngoan, và khi anh em hát các bài thánh vịnh, thánh ca và linh ca để hết lòng tạ ơn Thiên Chúa” (3:16).
Theo chiều hướng này, qua “Những Lời Dẫn Giải về Các Bài Thánh Vịnh” của ngài, Thánh Âu-Quốc-Tinh đã thấy các thánh nhân ca tụng Chúa được biểu hiệu nơi những nhạc cụ: “Hỡi chư vị thánh nhân, các vị là kèn đồng, là Sách Thánh Vịnh, là đa huyền cầm, là trống phách, là ca đoàn, là các huyền cầm và dương cầm, là các thứ não bạt của một niềm vui vang lên những âm thanh hòa tấu tuyệt diệu. Chư vị là tất cả những thứ ấy. Khi nghe bài Thánh Vịnh này, người ta không được nghĩ đến những thứ ít có giá trị, đến những gì mau qua, hay đến những khí cụ kịch trường”. Thật vậy, “hết mọi tinh thần chúc tụng Chúa” đều là một tiếng ca dâng lên Thiên Chúa ("Esposizioni sui Salmi" [Commentaries on the Psalms], IV, Rome, 1977, pp. 934-935).
Đó là lý do âm nhạc tuyệt đỉnh là thứ âm nhạc được phát xuất từ tấm lòng của chúng ta. Chính cái hòa hợp này Thiên Chúa muốn nghe thấy nơi phụng vụ của chúng ta.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 150 là một bài thánh thi ca hoan hỉ, một bài allelui “hãy vui lên” trọng đại được ca lên Chúa. Hết mọi sinh vật được mời gọi tham dự vào bài ca này. Tất cả mọi con người nam nữ đều được kêu gọi để hát lên một bài thánh ca tạ ơn Đấng Hóa Công về tặng ân được hiện hữu của mình. Thánh Âu-Quốc-Tinh đã thấy các thứ nhạc cụ khác nhau là biểu hiệu cho các vị thánh…
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/2/2003)

Bài 69 – TV 98 (90) (Thứ Tư 26/3/2003)

CON NGƯỜI MỎNG DÒN VÀ THỜI GIAN MAU QUA

(Thánh Vịnh 89 [90], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)

1. Các câu vừa được vang vọng nơi tai của chúng ta và lòng của chúng ta là một bài suy niệm khôn ngoan, một bài suy niệm dầu sao cũng có một cung giọng của một lời cầu khẩn. Thật vậy, con người nguyận cầu bài Thánh Vịnh 89 (90) đã đặt vào trọng tâm lời cầu nguyện của mình một trong những đề tài được triết học hết sức tìm hiểu, được thi văn hết sức xướng lên, được kinh nghiệm của loài người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất của chúng ta đây cảm nghiệm, đó là việc chuyển biến của con người và vấn đề thời gian qua đi.
Chỉ cần nghĩ đến một số trang đậm nét của Sách Ông Gióp là thấy được nỗi mỏng dòn của chúng ta nơi ấy. Thật vậy, chúng ta giống như “những kẻ cư ngụ trong những căn nhà bằng đất sét, với nền của nó là cát bụi là những gì dễ sụp hơn cả bị mối mọt! Sáng chiều chúng có thể bất ngờ bị đổ nát; chúng sẽ vĩnh viễn bị tiêu hủy không ai còn để ý đến nữa” (Jb 4:19-20). Đời sống của chúng ta trên mặt đất này không là gì như “một cái bóng” (x Jb 8:9). Và ông Gióp tiếp tục xác nhận “Những ngày đời tôi vụt nhanh hơn chạy, chúng thoáng qua không mang theo hạnh phúc. Chúng lướt trôi như những chiếc thuyền nan, như phượng hoàng xà xuống bắt mồi” (Jb 9:25-26).
2. Mở đầu bài ca này, một bài ca giống như một bài điếu (x Ps 89[90]:2-6), vị Tác Giả Thánh Vịnh liên tục nói lên cái tương phản giữa cái vĩnh hằng của Thiên Chúa với thời gian trôi nổi của con người. Đây là đoạn công bố rõ ràng nhất của vị tác giả này: “Trước nhan Ngài ngàn năm cũng chỉ là ngày hôm qua… (như} một trống canh trong đêm thâu” (câu 4).
Bởi hậu quả của nguyên tội, con người, theo án lệnh của Thiên Chúa, phải trở về với cát bụi là những gì họ được tạo thành, như được xác nhận trong đoạn Khởi Nguyên: “Vì ngươi là đất bụi, ngươi sẽ trở về bụi đất” (3:19; x 2:7). Đấng Hóa Công, Đấng khuôn đúc con người tạo vật với tất cả vẻ đẹp và tinh tế của họ, cũng là Đấng “đưa con người trở về với bụi đất” (x Ps 89[90]:3). Mà “cát bụi” theo ngôn ngữ thánh kinh cũng là hình ảnh tiêu biểu của sự chết, của âm ti, của mộ bia lạnh lùng.
3. Cái cảm quan về con người hạn hẹp được nổi bật trong lời nguyện cầu này. Việc hiện hữu của chúng ta có tính cách mong manh như đám cỏ rộ nở vào ban sáng; đột nhiên bị lưỡi hái xén thành đống cỏ khô. Cái tươi mới của sự sống chẳng mấy chốc trở thành cằn cỗi chết chóc (see verses 5-6; see Isaiah 40:6-7; Job 14:1-2; Psalm 102:14-16).
Như thường thấy trong Cựu Ước, vị Tác Giả Thánh Vịnh liên kết cái yếu hèn cốt yếu này với tội lỗi: Nơi chúng ta chẳng những có tính cách hữu hạn mà còn có cả tính cách lỗi lầm nữa. Bởi thế, cơn giận và phán quyết của Chúa cũng có thể đổ xuống trên đời sống của chúng ta bất cứ lúc nào: “Chúng tôi thực sự bị hao mòn vì Chúa tức giận, đầy những kinh hoàng bởi Ngài giận dữ. Chúa vẫn nhớ lỗi tội của chúng tôi… Cuộc sống của chúng tôi tàn tạ trước cơn giận của Ngài” (Ps 89[90]:7-9).
4. Khi mở màn cho một ngày sống mới, với bài Thánh Vịnh này, phụng vụ ban mai đã lay động những ảo vọng và kiêu kỳ của chúng ta. Sự sống của con người có giới hạn thôi – “nếu chúng ta khỏe mạnh thì năm tháng của chúng ta là 70 hay 80 năm”, vị Tác Giả Thánh Vịnh xác nhận. Ngoài ra, việc qua đi của ngày tháng lại còn được đan kết với “sầu khổ và lao nhọc” (câu 10), và chính các năm trường giống như “một hơi thở” (x câu 9).
Bởi vậy, đây là bài học rất hay, ở chỗ, Chúa dạy chúng ta “hãy tính ngày tháng của mình”, để, một khi chấp nhận chúng một cách lành mạnh thực tế, “chúng ta được thêm khôn ngoan trong lòng” (câu 12). Thế nhưng, vị Tác Giả Thánh Vịnh còn kêu cầu Thiên Chúa một điều hơn thế nữa, đó là ân sủng của Ngài để có thể bảo trì và phấn khởi ngày sống của chúng ta, những ngày rất mong manh song lại đầy những khổ đau. Xin Ngài cho chúng ta nếm hưởng được hương vị của niềm hy vọng, cho dù chúng ta có bị triều sóng thời gian đẩy đưa lôi kéo. Chỉ có ơn Chúa mới có thể làm cho các hành động của chúng ta được kiên trì và bền bỉ: “Chớ gì chúng tôi có ân sủng của Chúa là Thiên Chúa. Xin hãy làm phong phú các việc do tay chúng tôi làm nên! Xin hãy làm phong phú các việc do tay chúng tôi làm nên!” (câu 17).
Bằng lời nguyện cầu chúng ta xin Chúa làm cho việc suy niệm về cõi vĩnh hằng thấm nhập vào cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta cũng như vào các hành động của chúng ta. Với sự hiện diện của ân sủng thần linh nơi chúng ta, một luồng ánh sáng sẽ chiếu soi vào những tháng ngày qua đi của chúng ta, sầu thương sẽ biến thành vinh quang, một thứ vinh quang trọn vẹn vượt ngoài mức độ cảm quan.
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 89[90], nhường lời cho truyền thống Kitô Giáo ban đầu, những lời dẫn giải về Sách Thánh Vịnh, chất chứa hình ảnh vinh hiển của Chúa Kitô trong đó. Vậy, đối với cây bút Kitô Giáo Origen, trong “Biên Luận về các bài Thánh Vịnh” còn truyền lại cho chúng ta qua bản dịch Latinh của Thánh Giêrônimô, thì cuộc phục sinh của Chúa Kitô hiến cho chúng ta cơ hội, như vị Tác Giả Thánh Vịnh nhận định, hân hoan và “hớn hở hết mọi ngày sống” (x câu 14). Vì cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là nguồn mạch của đời sống vượt trên sự chết nơi chúng ta: “Sau khi được hân hoan vì cuộc phục sinh của Chúa là những gì chúng ta tin rằng nhờ đó chúng ta đã được cứu chuộc và chính chúng ta một ngày kia cũng sẽ được sống lại, giờ đây chúng ta sống trong hoan hỉ những ngày còn lại của đời sống chúng ta, hoan hỉ vì niềm cậy trông này cùng với các bài thánh thi ca và khúc hát chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Origen -- Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, p. 652).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 89 là một lời cầu nguyện chú trọng đến một cảm nghiệm chung đối với tất cả mọi người, đó là tính cách mỏng dòn của con người và cái chóng qua của thời gian. Cuộc sống của chúng ta mong manh như đám cỏ sáng mọc chiều tàn. Bởi thế, chúng ta được kêu gọi để nhận biết cái ngắn ngủi của cuộc đời mình, nhờ đó chúng ta được khôn ngoan trong lòng.
Chỉ có duy ân sủng của Chúa mới mang lại ý nghĩa và sự liên tục cho các hành động của chúng ta mà thôi; nhờ ân sủng, vĩnh hằng đi vào đời sống của chúng ta và biến đổi chúng ta. Thật vậy, chính cuộc phục sinh của Chúa Kitô đã làm hiện thực điều này, ở chỗ, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là nguồn mạch cho sự sống của chúng ta sau khi chết. Nơi Người, chúng ta được cứu chuộc và đời sống chúng ta tràn đầy niềm vui và hoan chúc.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/3/2003)

Bài 70 – Ca vịnh Is 42 (Thứ Tư 2/4/2003)

HÃY HẾT LÒNG TIN TƯỞNG VÀO VỊ CHÚA CỦA LỊCH SỬ

(Ca Vịnh Isaia 42:10-17, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)

1. Trong cuốn sách mang tên của tiên tri Isaia, các vị học giả đã nhận thấy có những cung giọng khác, tất cả đều được ở dưới bóng của vị đại tiên tri sống vào thế kỷ thứ tám trước Chúa Kitô Giáng Sinh. Đây là trường hợp của bài thánh thi ca hào hùng của niềm hân hoan và vinh thắng vừa được đọc lên như một phần phụng vụ của giờ kinh ban mai cho Tuần Thứ Tư. Các nhà dẫn giải qui đoạn này cho một vị được gọi là Đệ Nhị Isaia, một vị tiên tri sống ở thế kỷ thứ 6 trước Chúa Kitô Giáng Sinh, thời điểm dân Do Thái lưu đầy ở Babylon hồi hương. Bài thánh thi ca này được mở đầu bằng lời kêu gọi “hãy chúc tụng Chúa một bài ca mới” (câu 10), như vẫn thấy nơi các bài Thánh Vịnh khác (x 95:1 và 97:1).
Cái “mới” của bài ca được vị tiên tri yêu cầu hát lên này chắc chắn là khởi đầu của một chân trời tự do, một thay đổi sâu xa nơi lịch sử của một dân tộc đã trải qua tình trạng bị đàn áp và tha hương ở đất khách quê người (x Ps 136).
2. Cái “mới”, trong Thánh Kinh, thường hướng về một thực tại toàn hảo và tối hậu. Nó hầu như là một dấu hiệu mở đầu cho một kỷ nguyên đầy ơn cứu độ bao phủ lịch sử đau khổ của nhân loại. Bài ca vịnh Iraia đây có đặc tính của chiều hướng mãnh liệt ấy, một chiều hướng rất thích ứng với kinh nguyện Kitô giáo.
Tất cả thế giới, bao gồm mặt đất, biển khơi, hải đảo, sa mạc và thị thành, đều được kêu gọi dâng lên Chúa một “bài ca mới” (câu 10-12). Tất cả không gian cũng tham dự vào cho tới những giới hạn vươn dài nhất của mình, một giới hạn thậm chí bao gồm cả những gì không được biết tới cũng như chiều kích vươn cao của nó, một chiều kích bắt đầu từ sa mạc bằng phẳng có những bộ lạc du mục Kedar (x Is 21:16-17) vươn lên tới các núi non. Ở đó có thành phố Sela, được nhiều người cho là Petra, thuộc lãnh thổ của những người Edomites, một thành phố nằm giữa những đỉnh núi đá.
Tất cả mọi cư dân trên mặt đất đều được kêu mời để làm nên một thứ ca đoàn vĩ đại để hoan hỉ tung hô Chúa và tôn vinh Ngài.
3. Sau lời long trọng mời gọi hãy ca tụng này (câu 10-12), vị tiên tri đem Chúa nhập cuộc, với hình ảnh của một Vị Thiên Chúa của Cuộc Xuất Hành, Đấng đã giải thoát dân Ngài khỏi cảnh làm tôi cho người Ai Cập: “Chúa tiến lên như một vị anh hùng, như một tay chiến đấu” (câu 13). Ngài làm rung động nơi các kẻ thù địch của Ngài, thành phần áp đảo kẻ khác và làm điều bất chính.
Bài ca vịnh Moisen cũng vẽ họa Vị Vhúa này trong cuộc vượt qua Biển Đỏ như là một “con người uy hùng chiến đấu”, sẵn sàng vung cánh tay quyền năng của mình để làm cho các quân thù kinh khiếp (x Ex 15:3-8). Việc dân Do Thái từ nơi lưu đầy Babylon trở về là một cuộc xuất hành mới sắp sửa xẩy ra, và tín hữu cần phải ý thức là lịch sử không thể bị bỏ mặc cho số phận của nó, cho tình trạng xao động hay cho những quyền lực khuynh đảo, phán quyết tối hậu vẫn là Vị Thiên Chúa công chính và dũng lực, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã hát lên rằng: “Xin giúp chúng tôi chống lại quân thù; việc loài người hỗ trợ chỉ là vô bổ” (Ps 59:13).
4. Khi nhập cuộc, Vị Chúa này đã lên tiếng nói và những lời nhiệt tình của Ngài (x Is 42:14-16) được hòa lẫn với phán quyết cùng ơn cứu độ. Ngài bắt đầu bằng việc gợi lại rằng “Ta đã nắm giữ hòa bình trong một thời gian dài”, tức là Ngài đã không nhúng tay can thiệp. Sự im lặng thần linh thuờng là nguyên cớ bối rối, thậm chí là cớ vấp phạm cho kẻ lành, như được chứng tỏ nơi tiếng kêu than não nuột của ông Gióp (x Jb 3:1-26). Tuy nhiên, đây không phải là sự im lặng nói lên cái vắng bóng, hầu như thể bỏ mặc lịch sử trong tay thành phần vô loài hư hỏng, trong khi đó Chúa vẫn cứ tỏ ra dửng dưng và cô cảm. Thực tế cho thấy cái im lặng đó được kết thúc bằng một phản ứng giống như phản ứng của một người đàn đang quằn quại kêu la chuyển bụng sinh con. Nó là phán quyết thần linh về sự dữ, được tiêu biểu bằng hình ảnh hạn hán, phá hoại, sa mạc (câu 15) là những gì nhắm đến mục đích của nó nơi thành quả sống động và phong phú.
Thật vậy, Vị Chúa này đang làm phát sinh ra một thế giới, một kỷ nguyên của tự do và ơn cứu độ. Con mắt của những ai bị mù lòa đang mở ra để họ có thể hoan hưởng ánh sáng chói lòa. Đường đi nước bước đã trở thành dễ dàng và niềm hy vọng đã nở hoa (câu 16), để có thể tiếp tục tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như vào một tương lai hòa bình và hạnh phúc.
5. Hằng ngày người tín hữu cần phải biết làm sao để nhận ra những dấu hiệu của tác động thần linh, ngay cả khi tác động này được ẩn khuất trong giòng thời gian đơn điệu và vô định. Một tác giả Kitô hữu đáng giá thời nay đã viết: “trái đất này đầy những ngất ngây vũ trụ: ở chỗ, nơi nó có một thực tại và hiện diện hằng hữu, nhưng bình thường lại thiếp ngủ trong nếp sống quen thuộc. Thực tại hằng hữu này giờ đây tỏ mình ra như một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nơi tất cả những gì hiện hữu” (R. Guardini, "Sapienza dei Salmi" [Wisdom of the Psalms], Brescia, 1976, p. 52).
Với con mắt đức tin, việc khám phá ra sự hiện diện thần linh này trong thời gian và không gian cũng như trong cả chúng ta nữa là nguồn hy vọng và tin tưởng, ngay cả khi lòng chúng ta bị bối rối và rung động “như cây rừng chuyển rung trước gió” (Is 7:2). Thật vậy, Vị Chúa này nhập cuộc là để cai trị và phân xử: “Để quản trị thế giới bằng công minh và cai trị các dân bằng thành tín” (Ps 95[96]:13)
Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh này ở Đoàn 42 của Sách Isaia đã kêu gọi hát lên “một bài ca mới” để chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã giải thoát dân của Ngài và đã đem lại cho họ ơn cứu độ. Được sáng tác vào thời điểm dân Do Thái hồi hương từ chốn Lưu Đầy, bài thành thi ca này kêu gọi tất cả mọi tạo vật hãy hát mừng cuộc chiến thắng của đức công minh và quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Nếu có những lúc Thiên Chúa dường như câm lặng thì cái “câm lặng” này chỉ là một dạo khúc cho việc Ngài vì những ai tín nghĩa sẽ cương quyết nhúng tay can thiệp. Bài Ca Vịnh này thôi thúc chúng ta hãy tái xác nhận đức tin của chúng ta vào quyền chủ trị của Thiên Chúa trong giòng lịch sử, hãy nhận thức những dấu hiệu hiện diện của Ngài trong thế giới của chúng ta và hãy tin tưởng vào việc hoàn thành những lời hứa cứu độ của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 2/4/2003)

Bài 71 – TV 134 (135) (Thứ Tư 9/4/2003)

CHÚC TỤNG ĐẤNG LÀM NÊN NHỮNG VIỆC LẠ LÙNG

(Thánh Vịnh 134 [135]:1-12, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)

1. Phụng vụ giờ kinh ban mai mà tiến trình của giờ kinh nguyện này được chúng ta theo dõi qua các bài giáo lý của chúng ta, đã trình bày cho chúng ta thấy phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 134 (135), phần chúng ta vừa nghe ca đoàn hát. Bài thánh vịnh cho thấy một loạt hình ảnh của các đoạn Thánh Kinh khác và bầu khí bao trùm bản văn giống như bầu khí của Lễ Phục Sinh. Thật vậy, truyền thống Do Thái đã liên kết bài (Thánh Vịnh) của chúng ta với bài thánh vịnh sau đó 135 (136), coi cả hai bài như “một đạn khúc Hãy Vui Lên”, tức là như một lời chúc tụng long trọng và hân hoan dâng lên Chúa vào dịp Lễ Phục Sinh.
Thật vậy, bài Thánh Vịnh này nhấn mạnh đến Cuộc Xuất Ai Cập, bằng việc đề cập tới “những hoạn nạn” của Ai Cập và nhắc lại việc tiến vào Đất Hứa. Thế nhưng, giờ đây chúng ta hãy theo dõi những giai đoạn sau đó, giai đoạn được bài Thánh Vịnh 134 (135) cho thấy diễn tiến ở 12 câu đầu: Đó là một suy niệm mà chúng ta muốn biến thành một lời nguyện cầu.
2. Mở đầu chúng ta thấy lời mời gọi có tính cách chúc tụng, một yếu tố kiểu mẫu của các bài thánh thi ca dâng về Chúa trong Sách Thánh Vịnh. Lời mời gọi hãy ca mừng vui lên nhắm tới “các người tôi tớ Chúa” (câu 1), thành phần theo nguyên ngữ Do Thái được thấy như những kẻ “đang đứng” ở nơi thánh trong đền thờ (câu 2), tức là, trong tư cách nguyện cầu theo nghi thức (x Ps 133 [134]:1-2).
Vào dự vào cuộc chúc tụng này, trước hết là các vị thừa tác viên phụng vụ, các vị tư tế và Lêvi, thành phần sống và làm việc “trong tiền đường nhà Chúa chúng ta” (x Ps 134[135]:2). Tuy nhiên, tất cả mọi tín hữu đều được thực sự liên kết với những “người tôi tớ của Chúa” ấy. Thật thế, ngay sau đó, bài Thánh Vịnh nhắc đến toàn thể Do Thái trong việc liên minh và làm chứng cho tình yêu Chúa: “Vì Chúa đã chọn Giacóp, chọn Israel như một sở hữu trân quí” (câu 4). Theo quan điểm này có hai tính chất trọng yếu của Thiên Chúa được cử hành, ở chỗ Ngài “thiện hảo”, Ngài “ưu ái” (câu 3). Mối liên hệ giữa chúng ta và Chúa được đánh dấu bằng yêu thương, thân tình và hân hoan gắn bó.
3. Sau lời mời gọi chúc tụng, vị Tác Giả Thánh Vịnh tiếp tục bằng một lời long trọng tuyên xưng đức tin, mở đầu với lời bày tỏ tiêu biểu “tôi biết”, tức là tôi nhìn nhận, tôi tin tưởng (câu 5). Có hai điều của đức tin được đơn ca viên công bố thay cho toàn thể cộng đoàn cử hành phụng vụ. Trước hết tôn vinh công cuộc của Thiên Chúa nơi toàn thể vũ trụ: Ngài là Vị Chúa tuyệt hảo của vũ trụ: “Chúa muốn điều gì thì Ngài đều làm trên trời dưới đất” (câu 6). Ngài cũng cai trị biển khơi và vực thẳm là những gì tiêu biểu cho tình trạng xao động, cho những quyền năng tiêu cực, cho giới hạn, cho hư không.
Cũng thế, chính Chúa là Đấng làm nên mây trời, nên chớp sáng, nên mưa rơi và gió thổi, khi sử dụng “kho chứa” của Ngài (câu 7). Thật vậy, người ở Cận Đông ngày xưa đã cho rằng các tác nhân về khí hậu đều được chất chứa ở một nơi đặc biệt, giống như các trang trí trên trời được Thiên Chúa dùng để gieo vãi xuống mặt đất vậy.
4. Điều tuyên xưng đức tin thứ hai liên quan đến lịch sử cứu độ. Vị Thiên Chúa hóa công giờ đây được nhận biết là Vị Chúa cứu chuộc, qua những biến cố chính yếu trong việc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh làm tôi cho người Ai Cập. Vị Tác Giả Thánh Vịnh trước hết đã đề cập đến “tai họa” của đứa con đầu lòng (x Ex 12:29-30), một tai họa gồm tóm tất cả mọi “dấu kỳ và điềm lạ” do Vị Thiên Chúa giải thoát thực hiện trong trình thuật Xuất Ai Cập (Ps 134[135: 8-9). Ngay sau đó những cuộc chiến thắng vang lừng dã được nhắc lại, những cuộc chiến thắng khiến cho dân Do Thái thắng vượt những khốn khó và trở ngại trên đường họ đi (câu 10-11). Sau cùng là mảnh Đất Hứa đã xuất hiện ở chân trời, mảnh đất mà dân Do Thái nhận được như “một gia sản” Chúa ban cho (câu 12).
Thế rồi, tất cả những dấu lạ của giao ước sẽ được tuyên xưng hơn nữa ở bài Thánh Vịnh 135 (136) sau đó đều chứng thực cho sự thật nồng cốt này, một sự thật được loan báo ở giới răn thứ nhất trong bản Thập Điều. Thiên Chúa duy nhất và là một ngôi vị tacùc hành và phát ngôn, yêu thương và cứu độ: “Tbiết Chúa cao cả, Chúa của chúng tôi cao cả hơn hết tất cả mọi thần linh” (câu 5; x Ex 20:2-3; Ps 94[95]:3).
5. Về vấn đề tuyên xưng đức tin này, cả chúng ta nữa cũng dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Clêmentê I, trong Thư gửi cho tín hữu Côrintô, đã ngỏ lời mời gọi chúng ta rằng: “Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha và là Đấng Tạo Dựng nên cả vũ trụ này. Chúng ta hãy liên kết bản thân mình với những tặng vật và phúc lộc an bình vĩ đại và cao cả. Chúng ta hãy chiêm ngắm Ngài trong tư tưởng và bằng con mắt linh hồn hãy nhìn vào sự cao trọng của ý muốn Ngài! Chúng ta hãy xem Ngài vô tư chừng nào đối với hết mọi tạo vật của Ngài. Các tầng trời di chuyển theo lệnh của Ngài đều ngoan ngoãn vâng lời Ngài. Ngày và đêm hoàn tất hành trình của mình như Ngài ấn định mà không tác hại lẫn nhau. Mặt trời, mặt trăng và cơ binh tinh tú xoay vần một cách hòa hợp mà không xê xích ở những qũi đạo giành cho chúng theo chỉ định của Ngài. Trái đất, phong phú theo ý muốn của Ngài, sản xuất ra muôn vàn chất dinh dưỡng cho con người, cho hoang thú cũng như cho tất cả mọi thú vật sống trên mặt đất, mà không chống cưỡng hay thay đổi việc Ngài sắp định” (19:2-20:4: "I Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1984, pp. 62-63) . Đức Clêmentê I đúc kết bằng việc nhận định là: “Đấng Hóa Công và là Chúa vũ trụ đã đặt định là tất cả mọi sứ ấy phải sinh lợi cho tất cả mọi sự trong thuận thảo và hòa hợp, nhất là đối với chúng ta là thành phần kêu cầu tình thương của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô. Xin cho Ngài được hiển vinh và cao sang muôn đời. Amen” (20:11-12: Ibid., p. 63).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 134 bắt đầu bằng lời hân hoan mời gọi hãy ca khen chúc tụng Thiên Chúa. Thành phần tín nghĩa của Chúa được gọi là “các tôi tớ của Chúa” và Đấng Toàn Năng được nhận biết là Đấng “thiện hảo” và “yêu thương”. Lời mời gọi chúc tụng đầu tiên này được tiếp theo bằng một thứ tuyên xưng đức tin, bằng việc nhắc lại tác động cứu độ của Chúa trong việc giải thoát dân Ngài khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập và mang họ vào Đất Hứa.
Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin của chúng ta nữa, khi chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: ở chỗ, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, chúng ta đã được cứu khỏi tội lỗi và sự chết, và chúng ta đã lãnh nhận lời hứa sự sống đời đời. Là những người đầy tớ trung thành của Chúa, chúng ta sẽ được chiêm ngắm vinh quang và sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa chúng ta đến muôn đời.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 9/4/2003)

Bài 73 – Ca vịnh Đn 3 (Thứ Tư 14/5/2003)

HƯỚNG VỀ CHÚA VỚI CÕI LÒNG TAN NÁT VÀ TINH THẦN KHIÊM CUNG

(Ca Vịnh Đaniên 3:26-41: Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Ca Vịnh vừa được công bố ở trong bản văn Hy Lạp của Sách Đaniên và được trình bày như một lời cầu khẩn thiết tha và chân thành dâng lên Chúa. Bài này là tiếng của dân Do Thái đang traiũi qua cuộc thử thách gay go bị lưu đầy và tha hương giữa các dân nước. Nhân vật làm nên cung điệu của bài Ca Vịnh naỳy thực sự là một người Do Thái, đó là Azariah, ở khung cảnh của chân trời Babylon, vào giai đoạn lưu đầy của dân Do Thái, sau khi Vua Nebuchadnezzar hủy hoại Giêrusalem.
Azariah, cùng với hai người Do Thái tín trung khác, đang “ở giữa một hỏa lò” (3:25), như vị tử đạo sẵn sàng chịu chết để không phản bội lương tâm và đức tin của mình. Ông bị án tử vì không chịu tôn thờ pho tượng đế vương.
2. Trong bài Ca Vịnh này, việc bách hại đực coi như là một hình phạt chính đáng Thiên Chúa dùng để thanh tẩy đám dân tội lỗi: “vì Ngài thực sự công chính khi gây ra tất cả những sự này trên chúng tôi vì chúng tôi đã phạm tội” (câu 5). Bởi thế, chúng ta đang ở trước một lời nguyện cầu thống hối không kết thúc bằng một nỗi chán chường hay sợ hãi mà là với niềm hy vọng.
Không thể chối cãi được là khởi điểm thì chua cay, hoang tàn thì nhức nhối, thử thách thì cay nghiệt, phán quyết thần linh đối với tội lỗi của dân chúng thì nghiêm thẳng: “Vào thời gian ấy không còn vua chúa, tiên tri, lãnh đạo, toàn thiêu, hy tế, lễ dâng hay hương ngát, không còn nơi để dâng hiến trước nhan Ngài hay để tìm lòng xót thương” (câu 15). Đền thờ Sion đã bị hủy hoại, và Chúa hình như không còn ngự giữa dân của Ngài nữa.
3. Trong tình trạng thể thảm bấy giờ, niềm hy vọng tìm về nguồn mạch quá khứ của mình, tức là, tìm về những lời hứa với các vị tổ phụ. Bởi thế, nó nghĩ đến Abraham, Isaac và Giacóp (câu 12), những vị được Thiên Chúa bảo đảm bằng những phép lành và sự phong phú, bằng đất đai và sự cao cả, bằng sự sống và hòa bình. Thiên Chúa là Đấng tín trung và sẽ không hề làm sai trệch những lời hứa hẹn của Ngài. Cho dù công lý bắt dân Do Thái phải bị trừng phạt bởi lỗi lầm của họ, song họ vẫn tin tưởng rằng phán quyết cuối cùng sẽ là phán quyết của tình thương và tha thứ. Tiên tri Êzêkiên đã nhắc đến những lời của Chúa ấy như sau: “Ta đâu có lấy làm sung sướng nơi cái chết của kẻ gian ác, chứ không phải là muốn thấy họ bỏ đường lối của họ mà được sống hay sao?... Vì Ta không vui thú nơi cái chết của bất cứ ai” (18:23-32). Quả thực bấy giờ là thời gian ô nhục: “Vì chúng tôi đã trở thành ít ỏi hơn bất cứ một dân nước nào, và bị hạ cấp vào hôm nay đây trên khắp thế giới vì tội lỗi của chúng tôi” (x Đaniên 3:37). Tuy nhiên, niềm mong đợi này không phải là niềm mong đợi chết chóc mà là một sự sống mới sau khi được thanh tẩy.
4. Con người cầu nguyện tiến đến với Chúa, hiến dâng cho Ngài tặng vật cao quí nhất và đáng chấp nhận nhất, đó là “một tấm lòng tan nát” và “một tinh thần khiêm cung” (x câu 16; x Ps 50[51]:19). Thực sự chính ở tâm điểm của sự hiện hữu, của ‘cái tôi’ được đổi mới bằng thử thách dâng lên Thiên Chúa mà họ sẽ nhận được nó như dấu hiệu cải thiện và thánh hiến cho sự thiện hảo.
Với tâm trạng sâu xa này, sợ hãi biến mất, bối rối và thẹn thuồng được chế ngự (3:40), để rồi tinh thần tràn đầy tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi mà các lời hứa với cha ông được nên trọn.
Đoạn cuối cùng nơi lời cầu khẩn của Azariah, như được phụng vụ đề ra, có một tác dụng mãnh liệt về cảm xúc và một cường độ thấm thía về tinh thần: “Vậy giờ đây bằng cả tâm can của mình, chúng tôi theo Chúa, chúng tôi kính sợ Chúa và tìm kiếm nhan Ngài” (câu 18). Nó làm vang vọng bài Thánh Vịnh khác: “Lòng tôi đã thưa cùng Chúa rằng: ‘Hãy tìm kiếm nhan Ngài’; Lạy Chúa, tôi tìm kiếm nhan Ngài” (Ps 26[27]:8).
Giờ đây giây phút đó đã tới, giây phút chúng tôi từ bỏ những đường lối gian ác, những đường lối quanh co và những đường lối lệch lạc (x Prov 2:15). Chúng tôi bắt đầu theo Chúa, khi được thúc đẩy bởi ý muốn chiêm ngắm nhan Ngài. Và nhan của Ngài không giận dữ, mà tràn đầy yêu thương, như một người cha nhân hậu được tỏ ra nơi cuộc gặp gỡ người con phung phá (x Lk 15:11-32).
5. Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Ca Vịnh Azariah bằng lời cầu nguyện đực Thánh Maximus viết trong Bài Diễn Từ Khổ Chế (xem các câu 37-39), bài diễn từ thánh nhân thực sự mở đầu bằng bài ca vịnh này của tiên tri Đaniên. “Lạy Chúa, vì danh Ngài xin đừng muôn đời bỏ rơi chúng con, đừng bẻ gẫy giao ước của Ngài và đừng bỏ việc thương xót chúng tôi (x Dan 3:34-35), Ôi lạy Cha chúng con ở trên trời, vì lòng thương của Cha, vì lòng thương cảm của Con duy nhất của Cha, và vì tình thương của Thánh Linh Cha… Ôi lạy Chúa, xin đừng mần ngơ lời cầu khẩn của chúng con và đừng muôn đời bỏ rơi chúng con.
“Chúng con không đặt lòng tin tưởng của chúng con vào những việc làm công chính, nhưng vào tình thương của Chúa, một tình thương Chúa dùng để bảo trì loài người chúng con… Xin đừng chê bai thân phận bất xứng của chúng con, song hãy thương đến chúng con theo lòng rât hay thương của Chúa, và vì lòng đầy xót thương của Chúa, xin hãy xí xóa tội lỗi của chúng con, để thanh thản chúng con tiến đến nơi vinh hiển thánh hảo của Chúa hiện diện và được coi là xứng đáng được Người Con duy nhất của Chúa bảo vệ”.
Thánh Maximus kết thúc: Vâng, Ôi Chúa là Chủ Tể toàn năng, xin nghe lời chúng con khẩn nguyện, vì chúng con nhận biết bất cứ chủ tể nào khác ngoài Chúa” (Humanity and Divinity of Christ, Rome, 1979, pp. 51-52).
Anh Chị Em thân mến,
Nơi bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe từ Sách Đaniên, Azariah đã dâng một lời nguyện cầu sốt sắng lên Thiên Chúa. Giêrusalem đã sụp đổ, dân chúng Do Thái bị lưu đầy, và chính Azariah đang phải đương đầu với tử thần vì không chịu phản lại niềm tin của mình. Bất chấp những khốn khó chới với này, Azariah vẫn không mất đức tin và vẫn hướng về Chúa với tấm lòng tan nát và tinh thần khiêm cung.
Cả chúng ta nữa cũng được mời gọi để tiến đến cùng Thiên Chúa với tấm lòng tan nát và tinh thần khiêm cung, không bao giờ mất đức tin. Điều này chẳng những làm cho chúng ta thoát được sợ hãi, bối rối và ô nhục, song nó cũng làm cho chúng ta tràn đầy ước muốn nồng nàn trong việc muốn thấy dung nhan Chúa, một dung nhan rạng ngời yêu thương và cảm thương đối với dân Ngài.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 14/5/2003)

Bài 74 – TV 143 (144) (Thứ Tư 21/5/2003)

BÀI CA NGUYỆN ẦU CHO NỀN HOÀ BÌNH BỀN VỮNG

(Thánh Vịnh 143 [144]: Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Bốn)

1. Chúng ta vừa nghe phần đầu của bài Thánh Vịnh 143 (144). Bài Thánh Vịnh này có những đặc tính của một bài thánh thi ca vương giả, có liên hệ với những bài thánh kinh khác, những bài thánh kinh làm hồn sống cho một thứ sáng tác nguyện cầu mới mẻ (x Ps 8:5; 17:8-15; 32:2-3; 38:6-7). Người đang nói là chính Vua Đavít, vị nhận biết nguồn gốc thần linh nơi những thứ thành đạt của mình.
Chúa được phác họa bằng những hình ảnh hôn nhân theo cách sử dụng biểu hiệu cổ thời: thật vậy, Ngài được thấy như là một vị hướng dẫn mạnh mẽ (x Ps 143:1), một thành trì không thể công phá, một chiếc thuẫn bảo vệ, một kẻ chiến thắng (x câu 2). Như thế, bản vị của Thiên Chúa được tôn tụng, Đấng tự mình ra tay chống lại sự dữ trong lịch sử; Ngài không phải là một thứ quyền lực tối tăm, hay một thứ định mạng nào đó, hoặc một thứ vương chủ vô tâm lạnh lùng đối với những nhân loại vụ. Những chi tiết và giọng điệu của cuộc cử hành thần linh này có tính chất của bài thánh thi ca của Vua Đavít trong bài Thánh Vịnh 17 và trong đoạn 22 của Sách Samuen cuốn hai.
2. Trước quyền lực thần linh, vị vua Do Thái thấy mình mỏng dòn yếu đuối như tất cả mọi con người tạo vật khác. Để diễn tả cảm nhận này, vị vua nguyện cầu ấy sử dụng hai câu trong bài Thánh Vịnh 8 và 38, và ông ghép chúng lại, khiến cho chúng có một công hiệu mới mẻ và mạnh mẽ hơn: “Lạy Chúa, những kẻ hữu tử là chi mà Chúa lưu tâm; con người là gì mà Chúa nghĩ tới? Họ chỉ là một hơi thở; ngày sống của họ qua đi như cái bóng” (x câu 3-4). Niềm xác tín mạnh mẽ hiện lên ở đây đó là chúng ta bất nhất, giống như gió thổi, nếu Đấng Hóa Công không bảo trì sự sống cho chúng ta, nắm trong bàn tay của mình, Ngài, như ông Gióp nói, “là sự sống của hết mọi sinh vật và là hơi thở của toàn thể nhân loại” (12:10).
Chỉ khi nào được ơn Chúa nâng đỡ chúng ta mới thắng vượt được những thứ nguy hiểm và khốn khó làm ngãng trở đời sống hằng ngày của chúng ta. Chỉ khi nào cậy dựa vào trợ ân của Trời Cao chúng ta mới có thể dấn thân, như Vị Vua Do Thái ngày xưa, để tiến tới tự do bất chấp mọi thứ áp đảo.
3. Việc can thiệp thần linh được phác họa bằng những hình ảnh truyền thống về vũ trụ và lịch sử, để cho thấy chủ quyền thần linh trên vũ trụ cũng như trân các công cuộc của loài người. Bởi vậy, nào là các ngọn núi bốc khói từ những cuộc phun lửa bất ngờ (xem câu 5). Nào là những tia chớp như những mũi tên Chúa bắn ra để sẵn sàng tiêu diệt sự dữ (xem câu 6). Sau hết, nào là “những giòng nước cả”, theo ngôn ngữ thánh kinh, là biểu hiệu cho những thứ xao động, cho sự dữ và cho hư không, tóm lại, cho những thứ quyền lực tiêu cực trong lịch sử (xem câu 7). Những hình ảnh này được liên kết với những hình ảnh khác có bản chất lịch sử: chúng là “những kẻ thù” (xem câu 6), là “những kẻ thù ngoại bang” (xem câu 7), là những tên dối trá và những kẻ thề gian tức những người tôn sùng ngẫu tượng (xem câu 8).
Đó là đường lối rất cụ thể và theo Đông phương để nói lên cái gian ác, hư hỏng, đàn áp và bất chính là những thực tại kinh khủng Chúa muốn giải cứu chúng ta khỏi chúng khi chúng ta tiến bước trên thế gian này.
4. Bài Thánh Vịnh 143 (144) được Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai dọn cho chúng ta, kết thúc bằng một bản thánh thi ca tạ ơn ngắn gọn (xem các câu 9-10). Bản thánh thi ca này phát xuất từ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta trong cuộc đối chọi với sự dữ. Vì thế, con người cầu nguyện mới cất lên một tiết điệu hòa với cây thập huyền cầm, với lòng tin tưởng là Chúa “ban chiến thắng cho vị được xức dầu và giải cứu Đavít tôi tớ của Ngài” (xem các câu 9-10).
Chữ “được xức dầu” theo tiếng Do Thái là “Đấng Thiên Sai”, bởi thể, chúng ta đối diện với một bài Thánh Vịnh vương giả được biến thành một bài ca thiên sai vốn được phụng vụ Do Thái xưa kia sử dụng. Kitô hữu chúng ta lập lại điều này khi gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, Đấng giải cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ trong trận chiến chống lại với những thứ quyền lực hư hoại kín đáo. Thật vậy, trận chiến này không phải là trận chiến “chống lại với xác thịt và máu me, mà là chống lại với những thiên phủ, chống lại với các quyền năng, chống lại với những tay thống lãnh thế giới của thứ tối tăm hiện nay, chống lại với những loại chủ trị gian ác nơi chốn vô hình“ (Eph 6:12).
5. Chúng ta hãy kết thúc bằng nhận định được nêu lên bởi Thánh John Cassian, một đan sĩ sống ở Gaul vào thế kỷ thứ 4 và 5. Trong tác phẩm Việc Chúa Nhập Thể, căn cứ vào câu thứ 5 của bài Thánh Vịnh đây, “Lạy Chúa, hãy xé các tầng trời mà đến”, thánh nhân thấy ở những lời này niềm trông chờ việc Chúa Kitô đến thế gian.
Và thánh nhân tiếp tục như sau: “Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã cầu nguyện rằng… Chúa sẽ tỏ bản thân mình ra nơi xác thịt, xuất hiện một cách hữu hình trên thế giới, mặc lấy vinh quang một cách tỏ tường (x 1Tim 3:16), cuối cùng đã cầu xin để các thánh có thể thấy bằng đôi mắt xác thịt tất cả những gì họ nhìn bằng con mắt linh thiêng” (The Incarnation of the Lord, V,13, Rome, 1991, pp. 208-209). Đây chính là những gì mọi người đã lãnh nhận phép rửa chứng thực trong niềm vui của đức tin.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay là một chứng từ hy vọng. Đối diện với hiểm nguy và khốn khó lớn lao, Vua Đavít hướng niềm tin tưởng về Chúa, ý thức rằng Ngài sẽ không bỏ qua lời cầu nguyện của dân Ngài, song sẽ can thiệp vào lịch sử và sẽ đánh bại sự dữ.
Vị vua này nhìn nhận cái yếu đuối của con người là thành phần “chỉ là một hơi thở” (câu 4), và hiểu rằng nhân loại phải hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Con người nam nữ ngày nay cũng phải nhìn nhận rằng họ cần đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự dữ và ban cho chúng ta sức mạnh để thắng vượt những cuộc thử thách. Chính Ngài là Đấng bảo trì chúng ta trong cuộc sống tự do thật sự. Chúng ta hãy hân hoan làm chứng cho niềm hy vọng được thế giới khát mong này.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 21/5/2003)

Bài 75 – TV 107 (108) (Thứ Tư 28/5/2003)

 LỜI CHÚC TỤNG VÀ NGUYỆN CẦU DÂNG LÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 107 [108]: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)

Bài Thánh Vịnh 107 (108) chúng ta vừa nghe tiếp tục tiến trình các Bài Thánh Vịnh Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai, đối tượng cho bài giáo lý của chúng ta. Thoạt tiên bài Thánh Vịnh này cho thấy một đặc tính lạ lùng. Bản văn bao gồm hai đoạn của các bài Thánh Vịnh trước đó, một lấy từ bài Thánh Vịnh 56 (57) câu 8-12, và một đoạn lấy từ bài Thánh Vịnh 59 (60), câu 7-14. Đoạn đầu giống như một bản thánh thi ca, và đoạn thứ hai có đặc tính của một lời nguyện cầu, song chất chứa những lời thần lực của Thiên Chúa làm cho con người cầu nguyện kết tụ an bình và tin tưởng.
Việc kết tụ này làm nẩy sinh một lời cầu nguyện mới, và sự kiện này trở thành một mẫu gương cho chúng ta. Thật vậy, phụng vụ Kitô giáo thường kết tụ những đoạn thánh kinh khác nhau để biến những đoạn này thành một bản văn mới nhắm đến việc làm sáng tỏ những trường hợp mới. Tuy nhiên, việc liên hệ với cái gốc gác vẫn còn đó. Thật thế, bài Thánh Vịnh 107 (108), mặc dù không phải là một bài duy nhất, chẳng hạn có thể nghĩ đến một chứng cớ khác, đó là bài Thánh Vịnh 143 (144), đã chứng tỏ cho thấy cách thức dân Do Thái trong Cựu Ước tái sử dụng lời mạc khải của Thiên Chúa để làm thành chủ đề.
2. Bởi thế, bài Thánh Vịnh phát xuất từ việc kết hợp này không phải chỉ là vấn đề gồm tóm hay kết ghép hai đoạn trước đó. Thay vì bắt đầu bằng một lời nài xin, như bài Thánh Vịnh 56 (57), “Xin thương xót con, Lạy Chúa, xin thương xót con” (câu 1), bài Thánh Vịnh mới được mở đầu với lời tuyên bố dứt khoát chúc tụng Chúa: “Lòng con kiên vững, Lạy Chúa,… tôi sẽ xướng hát ca khen chúc tụng” (Ps 107:1). Lời chúc tụng này chiếm chỗ của lời than van ở đầu bài Thánh Vịnh khác (xem bài 59:1-6), như thế, lời chúc tụng này trở thành nền tảng cho lời thần linh tác động (Ps 59:8-10 = Ps 107:8-10), và cho lời van xin vây quanh nó (Ps 59:7,11-14 = Ps 107:7,11-14).
Niềm hy vọng và nỗi sợ hãi hòa trộn với nhau và trở thành bản chất của lời cầu nguyện mới, tất cả là để gieo rắc niềm tin tưởng ngay cả trong lúc cả cộng đồng phải trải qua cơn thử thách.
3. Bài Thánh Vịnh này, do đó, được mở ra với một bài thánh thi ca hân hoan chúc tụng. Nó là một bài ca ban mai được đàn địch phụ họa (x Ps 107:3). Sứ điệp này là một sứ điệp sáng tỏ và tập trung vào “tình yêu” thần linh và “lòng tin tưởng” (x câu 5): theo ngôn ngữ Do Thái thì hésed và ‘emèt là những từ ngữ chung để xác định lòng trung tín yêu thương của Chúa liên quan đến giao ước đối với dân của Ngài. Vì lòng trung tín này mà dân chúng tin rằng họ sẽ không bao giờ bị Thiên Chúa bỏ rơi trong vực thẳm hư vô hay tuyệt vọng.
Kitô giáo đọc lại bài Thánh Vịnh này với nhiều tư tưởng đặc biệt nẩy sinh từ đó. Ở câu 6, vị tác giả Thánh Vịnh chúc tụng vinh hiển siêu việt của Thiên Chúa: “Thiên Chúa xuất hiện trên các tầng trời cao thẳm”. Bình giải bài Thánh Vịnh này, Origin, một nhà văn danh tiếng của Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã nhắc đến một lời Chúa Giêsu nói, đó là câu dạo khúc cho việc tử giá: “Khi Tôi bị nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Như thế, vị thứ hai đã xác nhận câu sau đó, câu “để những ai Ngài yêu thương được giải cứu” (Ps 107:7). Đoạn Origin kết luật: “Ý nghĩa tuyệt vời biết bao! Lý do tại sao Chúa Kitô bị đóng đanh và được vinh thăng là để thành phần yêu dấu của Người được giải cứu… Tất cả những gì chúng ta mong muốn đều trở thành sự thật, đó là Người dã được tôn vinh và chúng ta được giải cứu” (Origin-Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, p. 367).
4. Vậy chúng ta hãy hướng về bài Thánh Vịnh 107, phần được trích lại từ bài Thánh Vịnh 59 như chúng ta nói đến. Trong cơn sầu thương của dân Do Thái, môt nỗi sầu thương làm cho họ cảm thấy vắng bóng và cách xa Thiên Chúa (“Lạy Chúa, không phải là Ngài đã loại trừ chúng tôi hay sao?”: câu 12), thì lời thần linh sống động của Chúa lại tái vang lên trong đền thờ (xem câu 8-10). Qua việc tỏ mình này, Thiên Chúa trở nên như một Vị Chủ Trị và là Chúa của toàn thể đất thánh, từ thành Shechem tới Thung Lũng Succoth bên ngoài Jordan, từ những vùng phía đông ở Gilead và Manasseh đến những trung tâm phíc nam ở Ephraim và Judah, cho tới cả những lãnh thổ ngoại bang chư hầu của dân Moab, Edom và Philistia.
Vai trò làm chủ tể thần linh cai trị Đất Hứa được loan báo bằng những hình ảnh nhuốm mầu sắc theo kiểu cách quân lực và có tính cách pháp chế. Nếu Chúa là Đấng trị vì thì không cần gì phải lo sợ: Người ta không bị xô đẩy bởi những lực lượng tối tăm của định mệnh hay của tình trang xao động. Ở tất cả mọi thời, ngay cả trong những lúc tối tăm nhất, vẫn có một ý muốn cao cả quản trị lịch sử.
5. Niềm tin này thắp sáng hy vọng. Trong bất cứ trường hợp nào thì Thiên Chúa cũng sẽ cho thấy lối thoát, tức là, cho thấy “một thành trì kiên cố” được nằm ở miền của dân Edom. Điều này có nghĩa là, bất chấp thử thách và thái độ câm lặng, Thiên Chúa cũng sẽ đáp ứng và tỏ mình ra, để bảo trì và hướng dẫn dân của Ngài. Ơn trợ giúp duy nhất chỉ phát xuất từ Ngài mà thôi, chứ không phải từ những thứ liên quân ngoại bang, tức là từ lực lượng võ trang (xem câu 13). Và tự do cùng với “những điều lớn lao” cũng chỉ nhờ Ngài mà đạt được (x câu 14).
Cùng với Thánh Giêrônimô, chúng ta hãy nhắc lại bài học cuối cùng của vị tác giả Thánh Vịnh, một bài học được hiểu theo chiều hướng của một Kitô hữu: “Không ai được thất vọng trên đời này. Anh em có Chúa Kitô mà anh em còn sợ hay sao? Người là sức mạnh của chúng ta, Người sẽ là bánh nuôi chúng ta, Người sẽ là vị hướng đạo của chúng ta” (Breviarum in Psalmos, Ps. CVII: PL 26,1224).
Anh Chị Em thân mến!
Bài Thánh Vịnh 107 là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa và là một lời van xin Ngài trợ giúp. Bài Thánh Vịnh này, một bài Thánh Vịnh lập lại hai đoạn của hai bài Thánh Vịnh trước đó, là một kiểu mẫu được dân Do Thái liên tục sử dụng lời thần linh của Chúa để bày tỏ đức tin của họ. Bài Thánh Vịnh này ca tụng “tình yêu” của Chúa và “chân lý” của Ngài, một tình thương và lòng trung thành muôn thuở được Ngài tỏ ra cho Dân Ngài thấy. Vị tác giả Thánh Vịnh nguyện cầu Thiên Chúa được tôn vinh trên các tầng trời và tỏ vinh hiển của Ngài trên trái đất. Kitô hữu thời sơ khai hiểu câu này như là một lời tiên tri về Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị Đóng Đanh đã được nâng lên khỏi mặt đất để mạc khải vinh hiển của Thiên Chúa và mang ơn cứu độ đến cho thế giới.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 28/5/2003)

Bài 76 – Ca vinh Is 61 và 62 (Thứ Tư 18/6/2003)

 GIÊRUSALEM ĐƯỢC TÁI SINH NHƯ CÔ DÂU SỬA SOẠN THÀNH HÔN

(Ca Vịnh Isaia 61 và 62: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Ca Vịnh tuyệt vời chúng ta thấy nơi Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai vừa được công bố đã mở đầu như bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat: “Tôi hân hoan hớn hở trong Chúa, hồn tôi mừng rỡ trong Chúa Trời của tôi” (Is 61:10). Bài ca vịnh này được đưa vào phần ba của Sách Tiên Tri Isaia, một đoạn được các vị học giả cho là ở vào giai đoạn sau, lúc dân Do Thái, sau khi từ Babylon hồi hương trở về (thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên), tiếp tục cuộc sống của mình như là một dân tộc tự do nơi mảnh đất cha ông của họ tái thiết thành Giêrusalem và đền thờ này. Bởi thế không lạ gì Thành Thánh, như chúng ta sẽ thấy, ở ngay tâm điểm của bài ca vịnh, với một chân trời mở ra sáng ngời chứa chan hy vọng.
2. Vị tiên tri bắt đầu bài ca của mình bằng hình ảnh một dân tộc được tái sinh khoác những bộ y phục lóng lánh giống như một cặp uyên ương kết duyên trước ngày trọng thể của việc cử hành hôn ước (x câu 10). Ngay sau đó là một biểu hiệu khác xuất hiện, biểu hiệu của sự sống, của niềm vui và của mới mẻ, đó là hình ảnh của một chồi cây (x câu 11).
Các vị tiên tri đề cập đến hình ảnh của chồi cây bằng nhiều cách khác nhau, tiêu biểu cho vị vua thiên sai (x Is 11:1, 53:2; Jer 23:5; Zec 3:8, 6:12). Đấng Thiên Sai là một chồi cây canh tân thế giới, và vị tiên tri ấy cho thấy rõ ràng ý nghĩa sâu xa của tính cách sinh động này: “Chúa là Thiên Chúa sẽ làm cho đức chính trực trổ sinh” (Is 61:11), nhờ đó Thành Thánh trở thành một khu vườn công lý, tức là khu vườn thành tín và chân lý, của lề luật và yêu thương. Như vị tiên tri nói đến trước đó một chút, “Ngài sẽ gọi các bức tường của Ngài ‘Ơn Cứu Độ’ và các cổng của Ngài là ‘Lời Chúc Tụng’” (Is 60:18).
3. Vị tiên tri mạnh mẽ tiếp tục cất tiếng nói của mình: Bài ca tuôn ra cùng với những nỗ lực tiêu biểu cho cuộc tái sinh của Giêrusalem hướng về một kỷ nguyên mới sắp được mở ra (x Is 62:1). Thành này được phác tả như một cô dâu sửa soạn cử hành đám cưới của mình.
Cái biểu hiệu hôn nhân xuất hiện một cách rõ ràng trong đoạn này (x câu 4-5) là một trong những hình ảnh mãnh liệt nhất trong Thánh Kinh để đề cao mối giây thân mật và giáo ước yêu thương hiện hữu giữa Chúa và Dân Ngài Tuyển Chọn. Duyên sắc của dân ấy là do “ơn cứu độ”, “đức công minh”, và “sự vinh quang” (x câu 1-2), tuyệt vời đến nỗi trở thành “một triều thiên vinh quang trong tay Chúa” (x câu 3).
Yếu tố quyết liệt là việc đổi tên gọi, như xẩy ra ở thời đại chúng ta đây, khi một người nữ trẻ lập gia đình. Việc nhận một “tên gọi mới” (x câu 2) hầu như được gắn liền với một thứ căn tính mới, với việc lãnh nhận một sứ vụ, với việc thay đổi tất cả cuộc sống của mình (x Gen 32:25-33).
4. Danh xưng mới mà cô dâu Giêrusalem là biểu hiệu cho tất cả thành phần dân Chúa nhận gọi được vị tiên tri trình bày cho thấy nghịch đảo nhau: “Người ta sẽ không còn gọi ngươi là ‘Kẻ bị ruồng bỏ’, hay gọi mảnh đất của người là ‘Cảnh hoang tàn’ nữa / Trái lại, ngươi sẽ được gọi là ‘Niềm Vui của Ta’, và mảnh đất của ngươi sẽ được gọi là ‘Duyên kết’. Vì Chúa hoan lạc nơi ngươi và làm cho mảnh đất của ngươi nên người phối ngẫu của Ngài” (Is 62:4). Những tên gọi nhắc đến tình trạng bị ruồng bỏ và hoang tàn trước đó, tức là tình trạng thành phố bị tàn phá bởi quyền lực của những người Babylon và thảm kịch lưu đầy, giờ đây được thay thế bằng những tên gọi tái sinh và là những từ ngữ yêu thương và êm ái, hân hoan và hạnh phúc.
Tới đây, tất cả được tập trung vào vị hôn phu. Này đây cả một ngỡ ngàng cả thể, đó là chính Chúa gán cho Sion một tên gọi hôn nhân mới. Câu tuyên bố cuối cùng mới thật là tuyệt vời, câu tuyên bố tiếp tục chủ đề bài ca yêu thương được dân Ngài cất tiếng hát: “Như một nam nhân trẻ trung kết hôn với người trinh nữ, Đấng Xây Dựng nên ngươi sẽ cưới lấy ngươi; và như chàng rể vui thú người hôn thê của mình thế nào Thiên Chúa cũng vui thú ngươi như vậy” (câu 5).
5. Bài ca này không còn được hát ở đám cưới của một vị vua chúa và hoàng hậu, mà là để chúc tụng một thứ tình yêu sâu xa kết hiệp muôn đời Thiên Chúa và Giêrusalem. Nơi vị hôn thê trần gian của mình là dân nước thánh hảo này, Vị Chúa ấy tìm được cùng một thứ hạnh phúc người chồng tìm thấy nơi người vợ yêu dấu của mình. Vị Thiên Chúa cách biệt và siêu việt, vị thẩm phán công minh chính trực, giờ đây được thay thế bằng một Vị Thiên Chúa gần gũi và say yêu. Cái tính cách tiêu biểu hôn nhân này sẽ được Tân Ước sử dụng (x Eph 5:21-32) và sẽ được các Vị Giáo Phụ tiếp tục và khai triển thêm. Chẳng hạn như Thánh Ambrôsiô đã theo quan điểm ấy nhắc nhở chúng ta rằng “vị hôn phu là Chúa Kitô, vị hôn thê là Giáo Hội, phu thê bởi yêu thương, đồng trinh vì tinh tuyền” ("Esposizione del Vangelo secondo Luca: Opere esegetiche" [Exposition of the Gospel According to Luke: Exegetic Works] X/II, Milan-Rome, 1978, p. 289).
Rồi thánh nhân tiếp tục, trong một tác phẩm khác của ngài, “Giáo Hội kiều diễm. Đó là lý do tại sao Lời Chúa nói với Giáo Hội ‘Em hoàn toàn xinh đẹp, là tình yêu của anh; nơi em không có một tì vết nào’ (Diễm Tình Ca 4:7), vì lỗi lầm đã bị phủ lấp…. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, bị tác động bởi niềm ước mong của một tình yêu quá lớn lao, bởi nét đẹp của những gì Giáo Hội trang sức cũng như của ân sủng Giáo Hội có được, ở nơi những ai đã được tinh tuyền không còn vết nhơ của bất cứ lỗi lầm nào, nói với Giáo Hội rằng: ‘Em hãy lấy in ấn anh trên trái tim em, trên cánh tay em’ (Diễm Tình Ca 8:6), tức là, hỡi hồn sống của anh, em tranh sức mỹ miều, em hết sức kiều diễm, em không thiếu một sự gì! ‘Hãy in ấn anh trên trái tim em’, để đức tin em tỏa sáng nơi nó tầm mức trọn vẹn của bí tích này. Các việc của em làm cũng chiếu tỏa và cho thấy hình ảnh Thiên Chúa như em đã được dựng nên” (The Mysteries, nn. 49.41: "Opere Dogmatiche" (Dogmatic Works), III, Milan-Rome, 1982, pp. 156-157).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca Vịnh hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Isaia, cử hành việc tái sinh và canh tân Giêrusalem, một thành đô được phán họa như một Cô Dâu sửa soạn cho ngày cưới của mình. Trong Sách Thánh, hinh ảnh hôn nhân này gợi lên cho thấy giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, một giao ước mang lại niềm vui và hy vọng cho tương lai. Tân Ước tiếp tục hình ảnh này để diễn tả tình Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội, vị hôn thể của Người, được thanh tẩy sạch tội lỗi, thánh hảo và sáng ngời trong niềm vui ơn cứu độ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/6/2003)

Bài 77 – TV 145 (146) (Thứ Tư 2/7/2003)

CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA THƯỢNG QUYỀN VÀ TÍN TRUNG

(Thánh Vịnh 145 [146]: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Thánh Vịnh 145 (146) chúng ta vừa nghe là một lời “alleluia”, bài đầu tiên trong bộ năm bài Thánh Vịnh kết thúc toàn cuốn Sách Thánh Vịnh. Truyền thống phụng vụ Do Thái đã sử dụng bài thánh thi ca này như bài hát chúc tụng vào buổi sáng: Tuyệt đỉnh của bài Thánh Vịnh này là ở việc công bố thượng quyền của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Thật vậy, ở cuối bài Thánh Vịnh này, có lời tuyên xưng rằng “Chúa sẽ cai trị đến muôn đời” (câu 10).
Từ lời tuyên xưng này hiện lên một sự thật, đó là chúng ta không được nản lòng bại chí, những thứ biến đổi của thời đại chúng ta không phải được khống chế bởi những xao động hay mệnh kiếp, những biến cố ấy không tiêu biểu cho một thứ liên tục tác hành thuần túy của bất cứ ý nghĩa hay mục đích nào. Khởi đi từ niềm xác tín ấy mới có lời tuyên xưng lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa một cách chân thực và xứng hợp, một lòng tin được diễn đạt như một thứ kinh cầu để công bố những phẩm tính của tình yêu và của sự thiện hảo xứng hợp với Ngài (xem câu 6-9).
2. Thiên Chúa là đấng tạo dựng nên trời đất, và là bảo quản viên trung thành của lời giao ước liên kết Ngài với dân của Ngài. Chính Ngài là Đấng đã trả công lý cho thành phần bị đàn áp, ban bánh bảo dưỡng kẻ đói khổ, và giải phóng những kẻ bị tù ngục. Chính Ngài là Đấng mở mắt cho thành phần bị mù lòa, nâng dậy kẻ gục ngã, yêu thương kẻ chân chính, bảo vệ kẻ xa lạ, nâng đỡ người mồ côi và góa bụa. Chính Ngài là Đấng làm hỗn loạn đường nẻo của thành phần gian ác và bao trùm tối thượng quyền của mình trên tất cả mọi hữu thể qua tất cả mọi thời.
Đây là 12 điều xác tín về thần học, với một con số trọn vẹn của mình, muốn nói lên tính cách vuông tròn và toàn hảo của tác động thần linh. Chúa không phải là một vị thượng chủ cách biệt với các loài tạo vật của mình, song có mặt nơi lịch sử của chúng, như Đấng bảo vệ công lý, hòa mình với thành phần hèn kém nhất, với những nạn nhân, với kẻ bị đàn áp, với kẻ bất hạnh.
3. Bởi thế con người thấy rằng giữa hai khả hội nghịch đảo họ cần phải thực hiện việc chọn lựa quan trọng: một bên là khuynh hướng “tin tưởng vào các thứ vương gia” (xem câu 23), chấp nhận những qui chuẩn của họ theo lòng gian ác, theo cái tôi và niềm kiêu hãnh. Thực ra đó là một đường lối trơn trượt và tàn rụi, nó là “một con đường quanh co và buông thả” x Prov 2:15), con đường cuối cùng đưa đến chán chường.
Thật vậy, vị Tác Giả Thánh Vịnh nhắc chúng ta rằng con người là một hữu thể mỏng dòn và hữu tử, như chữ “adam” cho thấy, một chữ theo tiếng Do Thái chỉ về trái đất, vật chất, bụi đất. Con người, như Thánh Kinh thường lập lại, giống như một lâu đài bị tan tành (x Eccl 12:1-7), một thứ màng nhện bị giá rạch xé (x Job 8:14), một đám cỏ sáng còn xanh chiều đã úa (x Ps 89[90]:5-6, 102 [103]:15-16). Khi đối diện với tử thần thì tất cả mọi dự án của họ đều sụp đổ và họ trở về với bụi đất: “Khi thở hơi cuối cùng, họ trở về với mặt đất; vào ngày ấy tất cả những gì họ dự tính đều trở thành hư không” (Ps 145[146]:4).
4. Tuy nhiên, con người còn có một khả hội khác nữa, một khả hội được vị tác giả Thánh Vịnh tôn lên như một phúc đức: “Phúc cho những ai được Vị Thiên Chúa Giacóp trợ giúp, những ai đặt niềm hy vọng của mình vào Chúa là Thiên Chúa của mình” (câu 5). Đây là cách tin tưởng vào Vị Thiên Chúa hằng hữu và tín trung. Chữ amen, một chữ Do Thái về niềm tin, có nghĩa là dựa vào sự vững chắc bất khả tiêu hủy của Chúa, vào sự hằng hữu của Ngài, vào quyền năng vô cùng của Ngài. Thế nhưng, amen có nghĩa trước hết là có cùng những lựa chọn như Ngài là những gì việc tuyên xưng đức tin và lời chúc tụng, như được chúng ta ban đầu diễn tả, làm sáng tỏ.
Cần phải sống gắn bó với ý muốn thần linh, cống hiến bánh ăn cho thành phần đói khổ, viếng thăm tù nhân, nâng đỡ và an ủi kẻ yếu đau bệnh hoạn, bênh vực và tiếp đón những ai xa lạ, dấn thân phục vụ thành phần bần cùng và khốn khổ. Thật vậy, đó cũng là tinh thần của những mối phúc đức; việc quyết chọn thiên về dự án yêu thương, đó là việc cứu chúng ta vào lúc cuối đời, và bởi thế là đối tượng xét mình của chúng ta trong cuộc Chung Thẩm là biến cố kết thúc lịch sử. Thế rồi chúng ta sẽ bị phán xét về việc chọn lựa phục vụ Chúa Kitô nơi người đói, nơi kẻ khát, nơi người xa lạ, nơi kẻ trần trụi, nơi người yếu đau, nơi kẻ bị tù ngục. Bấy giờ Chúa phán: “Amen, Ta nói cho các người hay, bất cứ những gì các người làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các người làm cho chính Ta” (Mt 25:40).
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 145 [146] với một tư tưởng đáng suy nghĩ đã cống hiến cho chúng ta bởi truyền thống Kitô giáo.
Origen, một cây viết nổi tiếng ở thế kỷ thứ ba, khi dẫn giải câu 7 của bài Thánh Vịnh: “Chúa ban lương thực cho kẻ đói khổ và giải phóng những kẻ bị tù ngục”, đã thấy được một ám chỉ ngấm ngầm về Thánh Thể: “Chúng ta đói Chúa Kitô, và chính Người ban cho chúng ta bánh bởi trời. ‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’. Những ai nói lên điều này đều là những kẻ đói; những ai cảm thấy cần bánh ăn đều là thành phần đói khổ’. Và kẻ đói khổ này được hoàn toàn thỏa mãn bởi bí tích Thánh Thể, là bí tích con người được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Kitô (see Origen -- Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 526-527).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay là bài đầu tiên trong năm bài “alleluia” kết thúc Cuốn Sách Thánh Vịnh. Bài Thánh Vịnh này chúc tụng Thiên Chúa bao trùm thượng quyền của mình trên tất cả mọi thụ tạo và trung thành với giao ước của Ngài. Chúng ta cũng được kêu gọi theo tinh thần của các Mối Phúc Đức để chia sẻ với kẻ nghèo, để bênh vực thành phần bị đàn áp, và để tỏ lòng thương xót những cuộc đời phản ảnh dung nhan của Chúa Kitô đau khổ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 2/7/2003)

Bài 78 – TV 142 (143) (Thứ Tư 9/7/2003)

TIN TƯỞNG VÀO TÌNH YÊU TRUNG THÀNH VÀ CỨU ĐỘ CỦA CHÚA

(Thánh Vịnh 142 [143]: Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Thánh Vịnh 142 [143] vừa được công bố, bài Thánh Vịnh cuối cùng trong số những Thánh Vịnh được gọi là thống hối, những bài Thánh Vịnh làm nên 7 lời cầu khẩn được phân phối trong Sách Thánh Vịnh (x Ps 6, 31, 37, 50, 101, 129, 142). Truyền thống Kitô giáo đã sử dụng những bài Thánh Vịnh này để nài xin Chúa thứ tha tội lỗi. Bài Thánh Vịnh chúng ta muốn suy niệm hôm nay đây rất gần gũi với Thánh Phaolô, vị đã suy diễn về tình trạng tội lỗi sâu xa của hết mọi con người thụ tạo: “trước nhan Ngài không một sinh linh nào có thể được coi là công chính” (câu 2). Câu này được vị tông đồ này sử dụng làm nền tảng cho giáo thuyết của ngài về tội lỗi và ân sủng (x Gal 2:16; Rm 3:20).
Phụng Vụ Ban Mai đề ra lời khẩn nguyện này cho chúng ta như là một quyết tâm sống trung thành và kêu xin ơn trợ giúp thần linh vào lúc ngày sống bắt đầu. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này khiến cho chúng ta thưa cùng Thiên Chúa rằng: “Vào lúc bình minh, xin cho tôi nghe về lòng từ ái Chúa, vì tôi tin tưởng nơi Ngài” (câu 8).
2. Bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng một lời kêu cầu thiết tha và nhất trí dâng lên Thiên Chúa, Đấng trung thành với những lời hứa cứu độ đối với dân của Ngài (câu 1). Con người cầu nguyện nhìn nhận rằng mình không có công nghiệp gì xứng đáng cả nên hạ mình cầu xin Thiên Chúa đừng đóng vai quan án (câu 2).
Thế rồi con người cầu nguyện này trình bày tình trạng thê thảm, giống như một cơn ác mộng chết người mà người ấy đang phải đối chọi, đó là kẻ thù, được tiêu biểu cho sự dữ trong lịch sử và trên thế giới, dẫn con người này đến ngưỡng cửa tử thần. Thật vậy, tại đó, con người này phục xuống bụi đất, hình ảnh của một ngôi mộ; con người ấy ở trong tăm tối, tình trạng thiếu thứ ánh sáng là dấu hiệu thần linh của sự sống; và sau hết con người đề cập đến “những kẻ đã chết từ lâu”, tức là kẻ quá cố (câu 3), trong số đó con người này dường như cũng đã bị đọa đầy.
3. Chính cuộc hiện hữu của vị Tác Giả Thánh Vịnh trở nên tàn tạ: Ở chỗ vị này không còn hơi thở, trái tim dường như một cục đá lạnh không thể rung động được nữa (câu 4). Đối với con người trung nghĩa cảm thấy rùng mình và bị chà đạp này thì chỉ còn đôi tay là tự nhiên giơ lên trời bằng một cử chỉ vừa kêu cầu trợ giúp vừa tìm sự nâng đỡ (câu 6). Vị ấy nghĩ lại cái quá khứ được Thiên Chúa thực hiện những việc lạ lùng (câu 5).
Tia hy vọng này làm nóng tảng băng đá đau khổ và thử thách mà con người cầu nguyện tự cảm thấy mình bị đắm chìm và hầu như bị loại trừ (câu 7). Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vẫn còn mãnh liệt; song tia sáng dường như đã xuất hiện ở chân trời. Do đó, chúng ta tiến sang phần thứ hai của bài Thánh Vịnh (câu 7-11).
4. Phần hai được bắt đầu bằng một lời kêu xin mới và khẩn trương. Con người tín nghĩa cảm thấy sự sống đang rời xa mình thì kêu lên Thiên Chúa rằng: “Xin mau mau đáp ứng tôi, lạy Chúa; vì tinh thần của tôi bỏ tôi” (câu 7). Chưa hết, con người này sợ rằng Thiên Chúa ẩn mặt của Ngài và tách mình xa cách, bỏ rơi con người ấy và để mặc thụ tạo của mình lẻ loi cô độc.
Việc biến mất dung nhan thần linh làm cho con người rơi vào cõi cô quạnh, thực sự rơi vào chính cõi chết, trong khi Chúa là nguồn mạch của sự sống. Chính lúc ở trong một thứ giới hạn tột độ này mới nẩy sinh ra lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không biết bỏ rơi ai bao giờ. Con người cầu nguyện gia tăng những lời kêu cầu của mình và hỗ trợ những lời khẩn cầu này bằng những lời tuyên xưng lòng tin tưởng vào Chúa. “Bởi tôi tưởng tưởng nơi Chúa… vì tôi nâng hồn lên Chúa… Tôi đã chạy đến nương ẩn nơi Ngài… bởi Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Con người này đã xin được thoát khỏi tay quân thù (câu 8-12) cũng như khỏi sầu đau (câu 11), nhưng con người ấy cũng lập lại một lời yêu cầu bộc lộ cho thấy niềm khát vọng thiêng liêng sâu xa, đó là “Xin dạy tôi làm theo ý Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa của tôi” (câu 10a, xem câu 8b, 10b). Chúng ta phải lấy lời yêu cầu đáng ca ngợi này làm của mình. Chúng ta phải hiểu rằng sự thiện tối cao của chúng ta là hiệp nhất ý muốn của mình với ý muốn của Cha trên trời, vì chỉ có thế chúng ta mới có thể lãnh nhận tình yêu của Ngài, một tình yêu mang ơn cứu độ và sự sống viên mãn. Nếu không được kèm theo bởi ước muốn mãnh liệt trong việc tuân theo ý muốn của Thiên Chúa thì lòng tin tưởng của chúng ta nơi Ngài không phải là lòng tin tưởng chân thực.
Con người cầu nguyện biết được điều này nên mới bày tỏ ý muốn ấy. Con người này thực lòng và tương xứng lên tiếng tuyên xưng đức tin nơi Thiên Chúa Dấng Cứu Độ, Đấng phá tan nỗi sầu đau và phục hồi hương vị sự sống, nhân danh “đức công chính” của Ngài, nói cách khác, nhân danh lòng trung thành yêu thương và cứu độ của Ngài (câu 11). Phát xuất từ một tình trạng đặc biệt buồn đau, lời cầu nguyện dẫn đến niềm hy vọng, vui mừng và ánh sáng, nhờ thực lòng gắn bó với Thiên Chúa cũng như với ý muốn của Ngài, một ý muốn của tình yêu. Đó là mãnh lực của lời cầu nguyện, là nguồn phát sinh sự sống và ơn cứu độ.
5. Hướng mắt nhìn về ánh sáng ban mai của ân sủng (câu 8), Thánh Grêgôriô Cả, trong bài dẫn giải 7 Thánh Vịnh Thống Hối, bởi thế đã diễn tả hừng đông hy vọng và vui mừng này như sau: “Đó là một ngày được chiếu sáng bởi vầng dương thực sự không hề lặn xuống, một vầng dương không thể bị mây che khuất hay khói làm lu mờ…. Khi Chúa Kitô là sự sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ bắt đầu được thấy Thiên Chúa với một khuôn mặt cởi mở không che đậy, bấy giờ tất cả mọi bóng tối sẽ tan biến, khói vô tri sẽ tan bay, sương sa cám dỗ sẽ tan loãng…. Nó sẽ là một ngày sáng láng và rực rỡ nhất, giành cho tất cả thành phần được Ngài tuyển chọn, Đấng đã giật chúng ta ra khỏi quyền lực tối tăm và đã chuyển chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài.
“Buổi sáng của ngày ấy là cuộc phục sinh mai này… Vào buổi sáng ấy, hạnh phúc của kẻ công chính sẽ chiếu sáng, vinh quang sẽ xuất hiện, hoan hỉ sẽ diễn ra, khi Thiên Chúa lau sac5h hết mọi giọt nước mắt của các thánh, khi mà tử thần cuối cùng bị tiêu diệt, khi mà kẻ công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong vương quốc của Chúa Cha.
“Buối sáng hôm ấy, tình thương của Thiên Chúa sẽ được cảm nhận ở chỗ: “Hãy đến, hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc’ (Mt 25:34). Bấy giờ tình thương của Thiên Chúa sẽ bộc lộ, một tình thương không thể hiểu đươcỉc trong cuộc sống hiện thế. Thật vậy, Chúa sửa soạn cho những ai yêu mến Ngài những gì mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và lòng chưa hề cảm” (LF 79, coll. 649-650).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 142 là bài cuối cùng của các Thánh Vịnh mang tên Thống Hối. Bài Thánh Vịnh này nhắc nhớ lời Thiên Chúa hứa cứu độ và nhắc lại các kỳ công đã qua do Chúa thực hiện. Đối diện với đối phương và thử thách, dân thánh của Thiên Chúa vẫn không mất niềm hy vọng, trái lại, họ kêu lên Ngài, tin tưởng rằng Ngài sẽ nghe họ và đáp ứng. Như thế, chúng ta thấy được quyền lực thực sự của lời cầu nguyện, ở chỗ, đối với những ai đặt niềm tin tưởng vào tình yêu trung thành và cứu độ của Chúa, thì lời cầu nguyện sẽ phát sinh hy vọng, niềm vui và ánh sáng, cũng như dẫn đến sự sống trường sinh.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 9/7/2003)

Bài 79 – Ca vịnh Is 66 (Thứ Tư, 16/7/2003)

MỘT GIÊRUSALEM TÁI SINH VÀ TÌNH YÊU TỪ MẪU CỦA THIÊN CHÚA

(Ca Vịnh Is 66:10-14: Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài thánh thi ca chúng ta vừa nghe được trích từ trang cuối cùng của Sách Tiên Tri Isaia, một bài ca hân hoan đầy hình ảnh từ mẫu của Giêrusalem (x 66:11), và đầy sự chăm sóc ưu ái của chính Thiên Chúa (câu 13). Các học giả Thánh Kinh coi đoạn cuối cùng hướng về một tương lai rạng ngời và mừng rỡ này là chứng từ của một tiếng nói sau đó, tiếng nói của một vị tiên tri cử hành việc tái sinh của Do Thái sau giai đoạn tăm tối lưu đầy ở Babylon. Bởi thế, chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, hai thế kỷ sau sứ vụ của Isaia, một vị đại tiên tri được toàn bộ cuốn sách linh hứng này mang tên.
Giờ đây chúng ta sẽ theo giòng hân hoan vui mừng của bài ca vịnh ngắn ngủi này, bài ca vịnh mở đầu bằng ba lời hiệu triệu làm nên lời kêu mời tham hưởng hạnh phúc: “hãy hân hoan”, “hớn hở”, “Hãy hân hoan với Sion trong vui mừng” (x câu 10). Đây là một đề tài sáng ngời thường được thấy ở những trang cuối cùng của Sách Tiên Tri Isaia: thành phần sầu khổ của Sion được hoan lạc, thăng hoa, xức “dầu hoan lạc” (61:3); chính vị tiên tri cũng “hết sức hân hoan trong Chúa, linh hồn người hớn hở trong Thiên Chúa” (câu 10); “như tân lang hoan hỉ nơi tân nương thế nào Thiên Chúa của người cũng hân hoan như thế” nơi dân của Ngài (62:5). Ở trang trướctrang hiện là đối tượng cho bài ca và lời nguyện của chúng ta thì chính Thiên Chúa tham dự với hạnh phúc của Do Thái là một quốc gia sắp được tái sinh: “Sẽ luôn hân hoan và hạnh phúc nơi những gì Ta tạo thành; vì Ta kiến tạo nên Giêrusalem là để trở thành một niềm vui cũng như tạo nên dân của thành này là để hoan hỉ. Ta sẽ hân hoan nơi Giêrusalem và hớn hở nơi dân của Ta” (65:18-19).
2. Nguồn mạch và lý do cho niềm hoan lạc nội tâm được thấy nơi sức sống mới của Giêrusalem, một sức sống phát xuất từ tro tàn, một tàn rụi đã xẩy ra cho Giêrusalem khi thành này bị quân Babylon hủy hoại. Thật vậy, việc “than khóc” của thành này (66:10), một thứ than khóc giờ đây đã không còn, đã được đề cập tới.
Như thường xẩy ra ở một số văn hóa, thành này được tiêu biểu bằng hình ảnh nữ giới, thậm chí bằng hình ảnh của một người mẹ. Khi một thành trì ở trong tình trạng an bình thì nó giống như một thứ bụng dạ vững chắc và an toàn; thật vậy, nó giống như một người mẹ nuôi dưỡng con cái của mình bằng sự phong phú và êm ái (câu 11). Theo chiều hướng này, thực tại được Thánh Kinh gọi tên, bằng một biểu hiệu nữ giới, là “nữ tử Sion”, tức “Giêrusalem”, một lần nữa lại trở thành mẫu đô lãnh nhận, nuôi dưỡng và làm vui con cái là thành phần cư dân của mình. Trong khung cảnh của sự sống và nỗi dịu dàng này mà lời Chúa đã đến, lời mang giọng điệu của một phúc lành (câu 12-14).
3. Thiên Chúa sử dụng những hình ảnh khác có tính cách phong phú. Thật vậy, Ngài nói về sông ngòi và các giòng thủy triều, tức nói về nước là biểu hiệu cho sự sống, về sự nẩy nở của cỏ cây, về sự phì nhiêu của mặt đất cùng với dân cư của nó (câu 12). Sự thịnh vượng của Giêrusalem, “cảnh an bình” (shalom) của thành này, một tặng ân dồi dào của Thiên Chúa, bảo đảm cho con cái của thành này một sự sống được vây bọc bằng một thứ âu yếm dịu dàng từ mẫu: “các người sẽ được nó bồng bế trên cánh tay và ấp ủ trên gối” (ibid), một thứ âu yếm dịu dàng của chính Thiên Chúa: “Như người mẹ an ủi cacùc người thế nào, Ta cũng sẽ an ủi các người như vậy” (câu 13). Như thế Chúa đã sử dụng bóng ngữ về từ mẫu để diễn tả tình yêu thương của Ngài đối với các tạo vật của Ngài.
Ngay cả ở đoạn trước đó của Sách Tiên Tri Isaia cũng có một đoạn mang ý nghĩa từ mẫu của Thiên Chúa: “Có người đàn bà nào quên được đứa con thơ nhi của mình hay chăng, không âu yếm nâng niu đứa con ấy lòng dạ của mình? Cho dù bà có quên con bà đi nữa thì Ta sẽ không bao giờ quên được ngươi” (49:15). Trong bài ca vịnh của chúng ta đây, những lời của Chúa nói với Giêrusalem được chấm dứt bằng việc tiếp tục đề tài về sức sống nội tâm, một sức sống được thể hiện bằng một hình ảnh phong phú và sinh động khác, đó là hình ảnh cỏ tươi, hình ảnh được áp dụng cho các thứ xương để nói lên cái cứng cát của thân thể và của hiện hữu (câu 14).
4. Đến đây, đối diện với một mẫu đô như thế, chúng ta dễ thấy được hình ảnh của Giáo Hội, một trinh nữ và là một người mẹ dồi dào sinh lực. Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về một Giêrusalem tái sinh, với lời suy niệm của Thánh Ambrôsiô, trích từ tác phẩm “Những Cô Trinh Nữ” của thánh nhân: “Hội Thánh vô nhiễm nơi mối hiệp hôn của mình, dồi dào sinh lực nơi các cuộc hạ sinh của mình, và đồng trinh nơi đức trong sạch của mình cho dù Hội Thánh có sinh sản con cái. Thế nên chúng ta được sinh ra bởi một trinh nữ, một trinh nữ đã thụ thai không phải bởi khả năng của một nam nhân mà là bởi quyền năng Thần Linh. Chúng ta được sinh ra bởi một trinh nữ không bị đớn đau về thể lý nhưng đầy hoan lạc của các thần trời. Vị trinh nữ của chúng ta nuôi dưỡng chúng ta không phải bằng thứ sữa của xác thân mà bằng thứ sữa được Thánh Tông Đồ nói đến khi thánh nhân nói rằng ngài đã nuôi dưỡng dân Chúa ở tuổi vị thành niên, ở tuổi còn non nớt.
“Có người đàn bà lập gia đình nào lại nhiều con hơn Giáo Hội hay chăng? Giáo Hội đồng trinh bởi sự thánh thiện Giáo Hội lãnh nhận nơi các bí tích và là mẹ của các dân tộc. Sinh lực dồi dào của Giáo Hội cũng được Thánh Kinh chứng thực nữa, ở chỗ: ‘Con cái của người vợ bị son sẻ còn nhiều hơn là con cái của người đàn bà có chồng’ (Is 54:1; Gal 4:27). Người mẹ của chúng ta không biết đến nam nhân, nhưng lại có hôn phu, vì cả Giáo Hội nơi các dân tộc lẫn tâm hồn của mỗi một người, không hề bất trung, dồi dào phong phú nơi sự sống tâm linh mà không suy giảm sự nết na đoan trang của mình, đều được hiệp hôn với Lời Thiên Chúa như vị hôn phu đời đời của mình” (I,31: Saemo 14/1, pp. 132-133).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh hôm nay của tiên tri Isaia cho thấy một hình ảnh đầy hy vọng. Giêrusalem, một thành đô đã phải chịu khổ đau hết sức bởi những người Babylon, giờ đây được chúc phúc bằng một đời sống an bình, thịnh vượng và hướng về một tương lai phong phú dồi dào. Bởi thế dân chúng tỏ ra hân hoan và hớn hở, vì họ tin tưởng vào vị Chúa đã an ủi và nuôi dưỡng họ, như một người mẹ đối với đứa con thơ nhi của bà. Đối với chúng ta thì Giáo Hội là người mẹ của chúng ta. Giáo Hội nuôi dưỡng vô số con cái của mình bằng Lời và các bí tích của vị hôn phu của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu cho Giáo Hội để Giáo Hội có thể luôn trung thành với Chúa của mình.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 16/7/2003)

Bài 82 – Ca vịnh Tb (Thứ Tư 13/8/2003)

HÃY TẠ ƠN CHÚA CÁCH XỨNG ĐÁNG

(Ca Vịnh Tobia: Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

1. Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai đã bao gồm trong số những bài Ca Vịnh của mình một mảnh của bài thánh thi ca, một bài thánh thi ca được đóng xuống như con dấu trên lịch sử được Sách Tobia thuật lại mà chúng ta vừa nghe trước đây ít phút. Bài thánh thi ca thật ra vừa dài vừa trang trọng đây là lời diễn tả tiêu biểu cho việc nguyện cầu và linh đạo Do Thái giáo, những lời diễn tả cũng được lấy từ các bản văn khác trong Thánh Kinh.
Bài Ca Vịnh diễn tả bằng một lời kêu cầu lưỡng diện. Trước hết là lời kêu gọi chúc tụng Thiên Chúa được lập đi lập lại (cf. vv 3,4,7) về việc thanh tẩy Ngài đã thi hành nơi việc lưu đầy. “Con cái Do Thái” được kêu gọi để đón nhận việc thanh tẩy này bằng một lòng thống hối chân thành (cf. vv 6,8). Nếu việc thống hối nở hoa trong lòng, Chúa sẽ làm cho rạng đông của cuộc giải phóng xuất hiện ở chân trời. Đó chính là bầu khí Phụng Vụ được chọn để đặt bài Ca Vịnh này được trích dẫn từ bài thánh thi ca của Tôbia ở đoạn 13.
2. Phần thứ hai của bài ca vịnh, với cung giọng của một Tobia già, nhân vật cùng với đứa con trai của ông, hai Tôbia đóng vai chính qua cả cuốn sách, là một cuộc hân hoan mừng vui Sion cách chân thực và đặc biệt. Cuộc hân hoan mừng vui Sion này phản ảnh cái nhung nhớ khôn cùng và tình yêu tha thiết dân Do Thái cảm thấy nơi chốn tha hương hướng về Thành Thánh (cf vv 9-18), và khía cạnh này cũng chiếu giãi từ đoạnđược chọn làm kinh sáng cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban mai này. Chúng ta hãy suy tư về hai đề tài này: dề tài về việc thanh tẩy tội lỗi bằng gian nan thử thách và đề tài mong chờ được gặp gỡ Chúa liên quan đến Sion và đền thánh của Ngài.
3. Tôbia đã thúc giục tội nhân hãy thống hối và tác hành một cách công chính: đó là con đường phải đi để tái khám phá ra rằng tình yêu thần linh là những gì mang lại niềm an bình và hy vọng (cf. v 8).
Chính lịch sử Giêrusalem là một dụ ngôn dạy cho mọi người biết phải chọn lựa những gì. Thiên Chúa đã trừng phạt thành này vì Ngài không thể dửng dưng trước sự dữ con cái Ngài vấp phạm. Tuy nhiên, giờ đây thấy rằng nhiều người đã hoán cải và trở thành những đứa con trung tín và chính trực, Ngài một lần nữa sẽ chứng tỏ cho thấy tình yêu nhân hậu của Ngài (cf v. 10).
Toàn bài Ca Vịnh Tobia đoạn 13 này đã lập đi lập lại niềm xác tín mãnh liệt này, đó là Chúa “hành khổ rồi tỏ lòng xót thương;… tính tội chúng ta rồi tỏ lòng thương xót… Ngài sẽ tính tội ngươi về những việc làm của con cái ngươi, nhưng lại tỏ lòng thương xót con cái của kẻ công chính” (vv 2,5,9). Việc trừng phạt của Thiên Chúa là đường lối làm cho tội nhân, thành phần điếc lác trước lời kêu gọi của kẻ khác quay về đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của Vị Thiên Chúa chính trực này vẫn là sứ điệp yêu thương và tha thứ; Ngài hết sức muốn lại được ôm lấy những đứa con hoang đàng trở về với Ngài bằng một con tim thống hối.
4. Với thành phần dân được tuyển chọn, tình thương thần linh tỏ mình ra bằng việc tái thiết Đền Thờ Giêrusalem, được chính Chúa thực hiện “để chiếc lều của Ngài được hân hoan tái thiết nơi ngươi” (v 10). Bởi thế, Sion, đề tài thứ hai, xuất hiện như là một nơi thánh chẳng những là nơi dân Do Thái trở về qui tụ mà còn là nơi các kẻ hành hương tìm kiếm Thiên Chúa nữa. Bởi thế mới hiện lên một cái nhìn đại đồng, đó là đền thở được tái thiết Giêrusalem, dấu hiệu của lời thần linh và sự hiện diện thần linh, sẽ chiếu giãi muôn vàn ánh sáng xua tan bóng tối, nhờ đó “nhiều quốc gia, những cư dân khắp nơi trên mặt đất” (cf v 11), có thể bắt đầu tiến bước, mang các thứ tặng vật của mình, hân hoan ca hát khi tham dự vào ơn cứu độ được Chúa tuôn đổ xuống nơi dân Do Thái.
Như thế, các người Do Thái cùng với tất cả mọi dân tộc đang tiến về tận điểm duy nhất của đức tin và chân lý. Vị tác giả của bài thánh thi ca xin đổ xuống trên đoàn người này dồi dào phúc lành, khi nói cùng Giêrusalem rằng: “Phúc thay những ai yêu mến ngươi! Họ sẽ hoan hưởng bình an của ngươi” (v 4). Hạnh phúc chân thực khi nó được tái khám phá thấy nơi thứ ánh sáng phát tỏa từ trời cao trên những ai tìm kiếm Chúa bằng một con tim thanh tẩy và bằng một tấm lòng hết sức khát vọng chân lý.
5. Trong cuốn Tự Thú của mình, Thánh Âu Quốc Tinh đã hứng khởi hướng về thành Giêrusalem n ày, một Giêrusalem tự do và hiển vinh, dấu hiệu của Giáo Hội vào giai đoạn hy vọng cuối cùng của Giáo Hội, một tiền thân cho thấy hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.
Khi nói đến kinh nguyện ngài có ý dâng lên từ trong “nội tâm” của mình, ngài cho chúng ta thấy rằng “những bài ca yêu thương… từ những nỗi rên xiết này đến những nỗi rên xiết khôn tả khác trong cuộc đời hoang đàng của con, đã làm cho con nhớ đến Giêrusalem, với tấm lòng hướng về đó, Giêrusalem quê hương của con, Giêrusalem thân mẫu của con, và Chúa là Đấng ngự trị ở đó, là Đấng Sáng Soi, là Thân Phụ, là Đấng Bảo Hộ, là Phu Quân, là niềm hoan lạc tinh tuyền mãnh liệt, là niềm vui vững chắc, và là tất cả những điều thiện hảo khôn tả”. Thế rồi thánh nhân đã kết thúc bằng một lời hứa hẹn: “Con sẽ không bị từ khước cho đến khi Chúa tập trung lại tất cả những gì con là, từ thân phận bị phân tán và hu hoại này, vào chốn an bình của người mẹ chí ái ấy của chúng con, nơi chất chứa những hoa trái đầu mùa của tâm linh con (chỗ con nắm được những hoa trái ấy), và Chúa an ủi cùng làm nó muôn đời bền vững, Ôi Chúa Trời con, Tình Thương của con” (Tự Thú 12,16,23).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ ngày 27/8/2003)

Bài 83 – TV 147 (Phần II) (Thứ 4, 20/8/2003)

CHÚC TỤNG VỊ THIÊN CHÚA TỎ MÌNH NƠI LỊCH SỬ VÀ THIÊN NHIÊN

(Thánh Vịnh 147 phần II, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài Thánh Vịnh vừa gợi ý cho việc suy niệm của chúng ta là phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 146 trước đó. Tuy nhiên, những bản dịch Hy lạp và La tinh cổ, sau đó là bản dịch phụng vụ, đều coi bài Thánh Vịnh này như là một bài ca biệt lập, vì đoạn mở đầu của bài hoàn toàn khác hẳn với phần trước đó. Đoạn mở đầu này cũng trở thành nổi tiếng vì thường được hát bằng tiếng La tinh: “Lauda, Jerusalem, Dominum”. Những lời mở đầu này tạo nên một lời mời gọi kiểu mẫu cho những bài thánh thi ca của các Thánh Vịnh trong việc tôn vinh chúc tụng Chúa: Bởi thế mà Giêrusalem, được nhân cách hóa làm dân Chúa, đã tỏ ra hân hoan tôn tụng Thiên Chúa của mình (câu 12).
Trước hết, cần lưu ý đến lý do tại sao cộng đồng nguyện cầu phải dâng lời chúc tụng Chúa. Lý do ấy phát xuất từ bản chất lịch sử, ở chỗ chính Ngài, vị giải phóng dân Do Thái khỏi cuộc lưu đầy Babylon, là Đấng đã ban an ninh cho dân Ngài, bằng cách củng cố “những thanh cửa” của thành này (câu 13).
Khi Giêrusalem quân đội của Vua Nebuchadnezzar tấn công vào năm 586 BC, Sách Ai Ca đã cho thấy chính Chúa là vị thẩm phán tội lỗi của dân Do Thái, khi Ngài “phá đổ bức tường của nữ tử Sion… Giật sập các cổng của họ; Ngài đã dẹp bỏ và bẻ gẫy các then chốt của họ” (2:8,9). Thế mà giờ đây Chúa tái thiết Thành Thánh; trong việc tái thiết đền thờ, Ngài lại chúc lành cho con cái của mình. Bởi thế mới nhắc đến việc Nehemiah thi hành (x Neh 3:1-38), vị đã sửa chữa các tường thành Giêrusalem, để một lần nữatrở thành một chốn thanh thản an bình.
2. Thật vậy, bình an, shalom, liền hiện lên, như nó được chất chứa một cách tiêu biểu nơi chính tên gọi Giêrusalem. Tiên tri Isaia đã hứa với thành này là: “Ta sẽ chỉ định bình an làm thống lãnh của ngươi, và công chính làm thủ lãnh của ngươi” (60:17).
Thế nhưng, ngoài việc tái thiết các bức tường của thành này, chúc lành cho thành và làm cho thành được bình an ổn định, Thiên Chúa còn ban cho dân Do Thái những tặng ân quan trọng khác nữa, những tặng ân được nói đến ở cuối bài Thánh Vịnh. Đúng thế, những tặng ân đó là Mạc Khải, Lề Luật và những qui định thần linh: “Chúa cũng công bố lời của Ngài cho Giacóp, các chỉ thị và lề luật của Ngài cho Israel” (147:19).
Bởi thế dân Do Thái mới hân hoan mừng vui vì mình được tuyển chọn cùng với sứ vụ chuyên nhất của họ giữa các dân tộc, ở chỗ đem loan báo cho thế giới Lời của Thiên Chúa. Sứ vụ đó là sứ vụ ngôn sứ và tư tế, vì “còn quốc gia cao cả nào có các thứ qui định và chỉ thị như toàn bộ lề luật tôi ban bố cho anh em hôm nay hay chăng?” (Deut 4:8). Qua dân Do Thái, và vì thế, cũng qua cộng đồng Kitô hữu là Giáo Hội mà Lời Chúa được vang vọng trên thế giới và trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng sự sống cho tất cả mọi dân tộc (x Ps 147:20).
3. Cho tới đây chúng ta đã nói đến lý do đầu tiên của việc chúc tụng cần phải dâng lên Chúa, đó là lý do lịch sử, một lý do liên quan tới tác động giải phóng và mạc khải Thiên Chúa thực hiện nơi dân của Ngài.
Ngoài ra, còn một lý do nữa để hân hoan chúc tụng, đó là lý do có bản chất thiên nhiên, tức có liên quan tới tác động tạo thành của Thiên Chúa. Lời thần linh bộc phát để ban sự sống cho hữu thể. Như một sứ giả, Lời thần linh chạy rảo khắp các nơi bao la trên trái đất (147:15). Để rồi, đột nhiên bừng lên những sự lạ lùng.
Vậy mùa đông tới, một mùa mà hiện tượng khí hậu của nó được diễn tả có tính cách thi văn, ở chỗ, tuyết giống như bông trắng, những hạt sương như cát bụi trong sa mạc (câu 16), mưa đá như những vụn bánh rơi xuống đất, đá lạnh làm đông cứng đất đai và đóng cục cỏ cây (câu 17). Đó là hình ảnh một thứ mùa đông mời gọi con người hãy khám phá những kỳ công của thiên nhiên tạo vật, những kỳ công được nhắc lại ở trang sách thánh kinh đầy hình ảnh khác là cuốn Sirach (43:18-20).
4. Tuy nhiên, tác động của Lời thần linh cũng làm cho mùa xuân tái hiện nữa, ở chỗ đá lạnh tan loãng, gió ấm thổi về khiến các giòng nước chảy trôi (147:18), nhờ đó chu kỳ trường tồn của thời tiết lại tái diễn, và như vậy con người nam nữ cũng lại có cơ hội sống động nữa.
Theo tự nhiên, không thể nào không đọc lại những tặng ân thần linh này theo nghĩa bóng. “Bông lúa” khiến người ta nghĩ đến tặng ân cao trọng là bánh thánh thể. Chưa hết, Origen, một đại văn hào Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã cho thứ lúa này như dấu hiệu chỉ về chính Chúa Kitô, đặc biệt chỉ về Sách thánh.
Đây là lời dẫn giải của ông: “Chúa của chúng ta là hạt lúa miến rơi xuống đất và tự sinh hoa kết trái cho chúng ta. Thế nhưng, hạt lúa miến ấy hết sức phong phú. Lời Chúa hết sức phong phú, bao gồm tất cả mọi vui thú. Tất cả những gì anh em thấy đều từ Lời Chúa mà ra, tương tự như những gì người Do Thái đã nói khi họ ăn manna họ cảm thấy mùi vị ở miệng lưỡi họ tùy theo họ muốn. Thịt của Chúa Kitô cũng vậy, la ụ lời giảng dạy, tức là việc hiểu biết các Sách Thánh, chúng ta càng ao ước càng được nuôi dưỡng. Nếu anh em thánh thiện anh em sẽ được bồi dưỡng; nếu anh em là tội nhân, anh em sẽ bị cực hình” (Origen -- Jerome, "74 omelie sul libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 543-544).
5. Bởi thế, Chúa tác động với Lời Ngài, chẳng những nơi thiên nhiên tạo vật mà còn cả nơi lịch sử nữa. Ngài tỏ mình bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng của thiên nhiên (x Ps 18[19]:2-7), nhưng Ngài biểu hiện bản thân mình một cách tỏ tường nơi Thánh Kinh, cũng như nơi việc thông đạt riêng tư với các vị tiên tri, và một cách trọn vẹn qua Người Con (x Heb 1:1-2). Chúng là hai tặng ân khác nhau nhưng hội tụ của tình Ngài yêu thương.
Đó là lý do tại sao việc chúng ta chúc tụng cần phải dâng lên trời cao mỗi ngày. Nó là lòng chúng ta biết ơn, lòng biết ơn nở hoa ban sáng nơi kinh ban mai để chúc tụng vị Chúa của sự sống và tự do, của hiản hữu và đức tin, của thiên nhiên và ơn cứu độ.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay là một lời mời gọi hãy dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về việc Ngài làm trong lịch sử cũng như nơi thiên nhiên tạo vật. Bài Thánh Vịnh chúc tụng tác động thần linh là tác động đã giải phóng Dân Tuyển Chọn khỏi chốn Lưu Đầy va ụ là tác động tái thiết và kiên cố thành Giêrusalem để thành này trở nên một nơi hòa bình. Bài Thánh Vịnh cũng gợi lên cho thấy tặng ân Mạc Khải và Lề Luật của Thiên Chúa, Đấng biến mùa đông thành mùa xuân và tiếp tục cống hiến cho chúng ta hôm nay đây tặng ân Sự Sống mới của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 20/8/2003)

Bài 84 – TV 91 (92) (Thứ Tư, 03/9/2003)

TƯƠNG PHẢN GIỮA NGƯỜI CÔNG CHÍNH VÀ KẺ GIAN ÁC

(Thánh Vịnh 91[92]: Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Bốn)

1. Chúng ta vừa nghe bài ca vịnh về một con người trung thành với Vị Thiên Chúa thánh hảo. Đó là bài Thánh Vịnh 91[92], bài mà theo nhan đề cũ, được truyền thống Do Thái sử dụng cho “một ngày hưu lễ” (câu 1). Bài thánh thi ca mở đầu với một lời kêu gọi chung là hãy hân hoan chúc tụng Chúa bằng đàn ca (câu 2-4). Đó là chiều hướng cầu nguyện dường như không bao giờ bị đứt đoạn, như tình yêu thần linh cần phải được tuyên tụng vào buổi sáng, khi ngày sống bắt đầu, song còn phải được loan truyền trong cả ngày sống và suốt đêm trường (câu 3).
Thật vậy, chi tiết về những nhạc cụ được vị tác giả Thánh Vịnh sử dụng trong phần mời gọi nhập đề, lời mời gọi đã gợi lên nơi Thánh Âu Quốc Tinh bài suy niệm trong “Lời Dẫn Giải về bài Thánh Vịnh 91” của ngài: “Hãy hát lên những bài thánh thi ca của Sách Thánh Vịnh nghĩa là gì thưa anh em. Sách Thánh Vịnh là một thứ nhạc cụ được trang bị bằng những giây đàn. Sách Thánh Vịnh của chúng ta là công việc của chúng ta. Ai ra tay thực hiện những việc lành phúc đức là hát lên những bài thánh thi ca dâng lên Thiên Chúa với Sách Thánh Vịnh. Ai tuyên xưng bằng môi miệng là ca tụng Thiên Chúa. Ca tụng bằng môi miệng! Hãy hát những bài Thánh Vịnh qua các việc làm của mình!... Thế nhưng, vậy thì ai là người ca tụng đây? Những ai hân hoan làm lành. Thật vậy, ca hát là dấu hiệu của niềm vui. Thánh Tông Đồ đã nói gì? ‘Thiên Chúa yêu thích kẻ hân hoan ban phát’ (2Cor 9:7). Bất cứ anh em làm gì, hãy vui vẻ mà làm. Có thế, việc anh em làm lành mới là việc anh em làm đẹp. Trái lại, nếu anh em buồn bã ma ụ làm. Cho dù anh em có làm lành, thì không phải là anh em làm lành, ở chỗ anh em chỉ cầm cuốn Sách Thánh chứ không chúc tụng” ("Esposizioni sui Salmi," III [Expositions on the Psalms], Rome, 1976, pp. 192-195).
2. Qua những lời lẽ của Thánh Âu Quốc Tinh ấy chúng ta có thể đi sâu vào cốt lõi của bài chúng ta suy niệm, và nói lên đề tài chính yếu của bài Thánh Vịnh, đề tài về lành dữ. Cả hai điều này đều được vị Thiên Chúa công chính và thánh hảo “muôn đời trên cao” (câu 9) cân nhắc, Đấng hằng hữu và vô cùng, biết hết mọi tác động của con người.
Như thế là có hai kiểu tác hành nghịch đảo cứ đối địch nhau. Việc làm của thành phần tín nghĩa nhắm đến chỗ cử hành các công cuộc thần linh, thấm nhiễm sâu xa các tư tưởng của Chúa, và nhờ đó đời sống của họ mới chiếu tỏa ánh sáng và niềm vui (câu 5-6).
Ngược lại, con người hư đốn được bộc lộ qua những cái đần độn của họ, họ không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của các việc con người làm. Cơ may tạm thời làm cho họ lên mặt, nhưng thật ra nội tâm của họ dòn mỏng, để rồi sau cái thành công bề ngoài ấy là thất bại và tàn rụi (câu 7-8). Vị tác giả Thánh Vịnh, sau kiểu giải thích hoan hỉ về Cựu Ước, đến việc giải thích về hình phạt đích đáng, đã thâm tín rằng Thiên Chúa sẽ đền bù cho kẻ công chính ngay ở đời này, ban cho họ một tuổi già phúc hạnh (câu 15) và sẽ sớm trừng phạt kẻ gian ác.
Trên thực tế thì, như ông Gióp sau này xác nhận và như Chúa Giêsu dạy, không thể giải thích lịch sử theo hàng dọc như thế. Bởi thế, nhãn quan của vị tác giả Thánh Vịnh trở thành một lời kêu cầu Đấng Tối Cao công chính (câu 9) để Ngài tham dự vào hàng chuỗi các biến cố của nhân loại màphân xử chúng, làm cho người lành chiếu sáng.
3. Cái tương phản giữa người công chính và kẻ gian ác lại được con người nguyện cầu tiếp nối. Một đàng chúng ta nhìn thấy ‘các kẻ thù’ của Chúa, ‘các kẻ hành ác’, một lần nữa lại bị phân tán và thất bại (câu 10). Đáng khác, thành phần tín nghĩa hiện lên với tất cả rạng ngời của mình, được hiện thân nơi vị tác giả Thánh Vịnh, người đã diễn tả mình bằng các thứ hình ảnh mầu mè, phát xuất từ biểu hiệu tính Đông phương.
Kẻ công chính có một sức mạnh bất khả chống cưỡng của một con trâu, và sẵn sàng đối đầu với hết mọi đối thủ, vầng trán sáng sủa của họ được xức bằng dầu thần linh bảo vệ, trở nên như một thứ thuẫn che chở an toàn cho họ (câu 11). Từ đỉnh cao quyền lực và an ninh của mình, con người cầu nguyện thấy được cái đại gian ác đẩy chính mình họ vào vực thẳm hủy hoại (câu 12).
Bài Thánh Vịnh 91[92], bởi thế, là hạnh phúc, tin tưởng, lạc quan: các thứ tặng ân chúng ta đã phải xin Thiên Chúa cho, nhất là thời đại chúng ta, một thời đại có khuynh hướng thiếu đức tin, thậm chí tuyệt vọng một cách dễ dàng.
4. Trước cảnh yên hàn thư thái thấm nhập nó, bài thánh thi ca của chúng ta phóng một cái thoáng nhìn về ngày tháng tuổi già của thành phần công chính và thấy được rằng họ vẫn bình an thư thái như vậy. Ngay cả khi những ngày tháng này chợt đến đi nữa thì tinh thần của con người cầu nguyện sẽ vẫn nhiệt tình, hạnh phúc và siêng năng chuyên cần (câu 15). Họ cảm thấy như cây dừa và cây hương bá được trồng nơi khuôn viên đền thờ Sion (câu 13-14).
Gốc rễ của kẻ công chính đâm sâu vào Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ sáp ân sủng thần linh. Sự sống của Chúa nuôi dưỡng họ và biến đổi họ, khiến họ nở hoa và hào nhoáng, tức là, có thể hiến mình cho kẻ khác và làm chứng cho đức tin của mình. Những lời cuối cùng của vị tác giả Thánh Vịnh, trong việc diễn tả về một cuộc sống công chính và chuyên cần, cũng như về một tuổi già đầy đặn và chủ động, được liên kết với việc loan báo lòng trung thành viễn viễn của Chúa (câu 16).
Do đó, chúng ta có thể kết luận bằng lời loan báo về bài ca được dâng lên cho Vị Thiên Chúa hiển vinh trong Sách Khải Huyền, một cuốn sách viết về cuộc đối chọi khủng khiếp giữa lành và dữ, nhưng cũng về niềm hy vọng ở việc Chúa Giêsu chiến thắng lần cuối cùng: “Công việc của Chúa cao cả và tuyệt vời. Ôi Chúa là Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng! Đường lối của Ngài công chính và chân thật, Ôi Vua các thế hệ!... Vì chỉ có mình Ngài là thánh, tất cả mọi quốc gia sẽ đến thờ lậy Chúa, vì các phán quyết của Chúa đã được tỏ lộ ra… Chúa công chính nơi những phán quyết này của Chúa, Ôi Đấng Thánh, Đấng là và không là. Vậng Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, phán quyết của Chúa chân thực và công chính!” (15:3-4, 16:5-7).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 91 diễn tả cái tương phản giữa người công chính và kẻ dối gian. Người công chính hiểu biết và cử hành các việc làm của Thiên Chúa, được kiên cường bằng lời cầu nguyện cũng như được đầy niềm vui trong tuổi già. Con người gian ác sống trong tăm tối, và không biết gì đến đường lối của Thiên Chúa. Những việc làm của con người này, thậm chí kể cả được thành công, cũng phải chết. Niềm hy vọng của vị tác giả Thánh Vịnh cũng như của tất cả mọi kẻ công chính, là ở nơi Thiên Chúa, Đấng sẽ không để cho sự dữ thắng vượt sự lành.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/9/2003)

Bài 85 – Ca vịnh Ed 36 (Thứ Tư, 10/9/2003)

THIÊN CHÚA BAN CHO MỘT TRÁI TIM MỚI

(Ca Vịnh Êzêkiên 36:24-28: Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Bốn)

1. Bài ca vịnh vừa vang lên trong tai và lòng của chúng ta được sáng tác bởi một trong những vị đại tiên tri của dân Do Thái. Đó là tiên tri Êzêkiên, nhân chứng của một trong những giai đoạn khốc liệt nhất dân Do Thái trải qua, đó là việc sụp đổ của vương quốc Giuđa cùng với thủ đô của vương quốc này là Giêrusalem, dẫn tới kinh nghiệm lưu đầy Babylon cay đắng (thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên). Đoạn ca vịnh này, được lấy từ đoạn 36 của Sách Tiên Tri Êzêkiên, đã trở thành một phần cho giờ cầu nguyện ban mai của Kitô giáo.
Mạch văn của trang sách này, một trang sách đã trở thành một bài thánh thi ca của phụng vụ, cố gắng tiến vào ý nghĩa sâu xa của tình trạng thảm khốc dân chúng đã trải qua vào những năm ấy. Tội thờ ngẫu tượng đã làm ô nhiễm mảnh đất đã được Chúa ban cho dân Do Thái làm gia nghiệp. Tội này, hơn bất cứ căn nguyên nào khác, phải chịu trách nhiệm, theo phán quyết cuối cùng, về tình trạng mất mát quê hương và bị phân tán giữa các nước. Thật vậy, Thiên Chúa không dửng dưng trước thiện và ác; Ngài đi vào lịch sử con người một cách mầu nhiệm bằng phán quyết của Ngài, những phán quyết không sớm thì muộn sẽ lột mặt nạ của sự dữ, sẽ bênh vực các nạn nhân, và tỏ ra đường lối công lý.
2. Tuy nhiên, đối tượng của tác động Thiên Chúa làm không bao giờ chỉ là một tác động hoàn toàn luận phạt có tính cách hủy hoại, là tác động tận diệt tội nhân. Chính tiên tri Êzêkiên đã nói đến những lời thần linh này: “Phải chăng Ta thực sự lấy làm sung sướng về cái chết của kẻ gian ác hay chăng?.... Tại sao Ta lại chẳng hân hoan khi thấy hắn từ bỏ đường lối gian ác của mình để được sống?.... Vì Ta đâu có sung sướng gì nơi cái chết của bất cứ ai chết đi, Chúa là Thiên Chúa phán. Hãy trở về để được sống!” (18:23,32). Theo chiều hướng ấy người ta có thể hiểu được ý nghĩa của bài ca vịnh của chúng ta đây, le lói hy vọng và cứu độ. Sau cuộc thanh tẩy bằng thử thách và đau khổ, hừng đông của một kỷ nguyên mới sắp bừng lên, một hừng đông được tiên tri Giêrêmia đã loan báo khi nói về một thứ “giao ước mới” giữa Chúa và dân Do Thái (x 31:31-34). Chính tiên tri Êzêkiên, ở Đoạn 11 sách của mình, cũng đã công bố những lời lẽ thần linh này: “Ta sẽ ban cho họ một trái tim mới và đặt một thần trí mới nơi họ; Ta sẽ lấy đi trái tim bằng đá khỏi thân thể họ, và thay vào đó một trái tim bằng thịt, để họ sống theo các thứ lề lối của Ta và tuân giữ cùng thi hành cacùc chỉ thị của Ta; để rồi nhờ đó họ sẽ làm dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ” (11:19-20).
Trong bài ca vịnh của chúng ta đây (x Ez 36:24-28), vị tiên tri này đã lập lại những lời thần linh này một lần nữa và làm cho những lời ấy nên trọn bằng một minh định tuyệt vời, ở chỗ thứ “thần trí” mới Thiên Chúa ban cho con cái dân của Ngài đây sẽ là Thần Linh của Ngài, Vị Thần Linh của chính Thiên Chúa (x câu 27).
3. Bởi thế, những gì được loan báokhông phải chỉ là một cuộc thanh tẩy được thể hiện qua dấu hiệu nước rửa sạch lương tâm.Không phải chỉ có khía cạnh, tuy cần, giải cứu khỏi sự dữ và tội lỗi (x câu 25). Điều nổi bật nơi sứ điảp của tiên tri Êzêkiên trước hết ở một khía cạnh khacùc lạ lùng hơn nhiều. Thật vậy, nhân loại cần phải được sinh vào một cuộc sống mới. Biểu hiệu đầu tiên đó là biểu hiệu của “trái tim” mà, theo ngôn ngữ thánh kinh, ám chỉ đến con người nội tâm, đến lương tâm cá thể. “Trái tim bằng đá”, lạnh lùng vô cảm, dấu hiệu lao đầu và sự dữ, sẽ được lấy đi khỏi lồng ngực chúng ta. Thiên Chúa sẽ thay thế nó bằng một “trái tim thật sự”, tức là, bằng nguồn mạch sự sống và tình yêu (x câu 26). Thần trí sống động, một thần trí trong việc tạo thành đã làm cho chúng ta trở thành những tạo vật sống động (x Gen 2:7), sẽ được thay thế trong công cuộc mới của ân sủng bởi Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trì chúng ta, tác động chúng ta, hướng dẫn chúng ta tới ánh sáng sự thật và tuôn đổ “vào lòng chúng ta tinh yêu Thiên Chúa” (Rm 5:5).
4. Bởi vậy ”một tạo vật mới” sẽ xuất hiện, như được Thánh Phaolô (x 2Cor 5:17; Gal 6:15), khi sự chết của “con người cũ”, của “thân xác tội lỗi”, được thực hiện nơi chúng ta, khi “chúng ta không còn là nô lệ cho tội lỗi nữa”, mà là những tạo vật mới, được biến đổi bởi Thần Linh của Chúa Kitô phục sinh: “anh em hãy cởi bỏ con người cũ cùng với các việc làm của nó, và hãy mặc lấy con người mới được canh tân theo hình ảnh của Đấng tạo thành nó” (Col 3:9-10; x Rm 6:6). Tiên tri Êzêkiên đã loan báo một dân mới mà theo Tân Ước sẽ được triệu tập bởi chính Thiên Chúa qua việc làm của Con Ngài. Cộng đồng của “con tim thật sự” cũng như của một thứ “thần trí” thấm nhuần sẽ cảm nghiệm thấy sự hiện diện sống động và hoạt động của chính Thiên Chúa, Đấng sẽ soi động các tín hữu, tác động nơi họ bằng ân sủng hiệu nghiệm của Ngài. “Thánh Gioan viết: “Những ai tuân giữ các giới răn của Người thì ở trong Người và Người ở trong họ, và cách chúng ta biết rằng Người ở trong chúng ta là do Thần Linh được ban cho chúng ta” (1Jn 3:24).
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài ca vịnh Êzêkiên bằng việc lắng nghe Thánh Cyrilô Giêrusalem, vị trong “Bài Giáo Lý Rửa Tội Thứ Ba”, đã nhận định ở trang ngôn sứ về thành phần lãnh nhận phép rửa Kitô giáo.
Nơi phép rửa, ngài nhắc nhở, tất cả mọi tội lỗi được thứ tha, ngay cả những lỗi phạm trầm trọng nhất. Bởi thế, vị giám mục nói cùng những ai nghe ngài rằng: “Hãy tin tưởng Giêrusalem, Chúa sẽ loại trừ các lỗi lầm của ngươi (Zep 3:14-15). Chúa sẽ tẩy sạch cái dơ bẩn của ngươi…; ‘Ngài sẽ rẩy nước thanh sạch trên ngươi và ngươi được sạch hết mọi nhớp nhúa’ (Ez 36:25). Những vị thiên thần hân hoan hớn hở vây quanh lấy ngươi và mau mắn hát lên rằng ‘Ai đang tiến lên từ nơi hoang địa, nương tựa vào người yêu của mình?’ (Sgs 8:5). Linh hồn, trước kia là một kẻ nô lệ, giờ đây được quyền gọi Chúa là người anh em thừa nhận của mình, vị, khi chấp nhận thành ý của linh hồn, nói với linh hồn rằng: ‘Người yêu ơi, ôi nàng kiều diễm, ôi nàng xinh đẹp!’ (Sgs 4:1). Như thế tiếng kêu của Ngài ám chỉ đến những hoa trái nơi một cuộc xưng tội của lương tâm ngay lành… Chớ gì trời cao giúp cho tất cả anh em nhớ lấy những lời ấy mà sinh hoa kết trái, chuyển dịch chúng thành những việc làm thánh hảo, nhờ đó anh em trở nên vô trách cứ trước Vị Hôn Phu mầu nhiệm và được Chúa Cha thứ tha tội lỗi” (No. 16: "Le catechesi" [The Catecheses], Rome, 1993, pp. 79-80).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh của tiên tri Êzêkiên chúng ta vừa nghe là một bài ca hy vọng đối với Dân Chúa nơi lưu đầy. Vì tội tôn thờ ngẫu tượng, họ đã bị phân tán, nhưng Thiên Chúa sẽ thanh tẩy họ khỏi tội lỗi và mang họ trở về. Ngài sẽ tác tạo nên một Dân mới từ họ và sẽ ban cho họ một trái tim mới cunụng một thần trí mới Đấng thật sự là Thần Linh của Ngài. Với Thánh Phaolô, chúng ta thấy ở đây lời tiên tri về “tạo vật mới” được kiến tạo nên bởi các tín hữu, thành phần được hướng dẫn bởi Thần Linh của Chúa Kitô phục sinh.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/9/2003)

Bài 86 – TV 8 (Thứ Tư 24/9/2003)

THIÊN CHÚA CAO CẢ, CON NGƯỜI CAO TRỌNG

(Thánh Vịnh 8: Kinh Ban Mai, Thứ B ảy, Tuần Thứ Bốn)

1. Khi suy niệm bài Thánh Vịnh 8, một bài thánh thi ca chúc tụng tuyệt vời, chúng ta tiến đến chỗ kết thúc cuộc hành trình dài của chúng ta qua các bài Thánh Vịnh và ca vịnh làm nên linh hồn của việc cầu nguyện Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai. Trong những buổi giáo lý ấy, chúng ta đã chuyên chú vào 84 bài cầu nguyện theo thánh kinh, bằng việc đặc biệt chú trọng tới tính cách nặng phần linh thiêng đạo đức của các bài cầu nguyện ấy, nhưng vẫn không bỏ qua vẻ đẹp thi ca của những bài cầu nguyện này.
Thật vậy, Thánh Kinh mời gọi chúng ta bắt đầu ngày sống của chúng ta bằng một bài ca chẳng những tuyên dương các kỳ công do Chúa thực hiện cũng như nói lên việc chúng ta tin tưởng đáp ứng, mà còn cử hành những kỳ công này “một cách nghệ thuật” (x Ps 46:8), tức là một cách đẹp đẽ sáng ngời, vừa nhẹ nhàng vừa mãnh liệt.
Rạng ngời nhất trong số các bài ca này là Thánh Vịnh thứ 8, một bài thánh vịnh mà con người, chìm ngập trong màn đêm đầy trăng sao ngời sáng trên bầu trời bao la (x câu 4), cảm thấy mình như một đốm lửa trong không gian vô cùng bất tận bao trùm mình.
2. Thật vậy, ở tâm điểm của Thánh Vịnh 8 la ụ một cảm nghiệm lưỡng diện. Một đàng con người cảm thấy như bị nghiền tán bởi cái cao cả vĩ đại của tạo thành, “công cuộc” của những “ngón tay” thần linh. Lối diễn tả tỉ mỉ này thay cho “công cuộc tay Chúa thực hiện” (x câu 7), như muốn nói rằng Đấng Hóa Công đã trưng bày hay đã thêu dệt lên những tinh tù rạng ngời trải khắp vũ trụ bao la.
Tuy nhiên, mặt khác, Thiên Chúa lại cúi mình xuống trên con người và đội cho họ triều thiên làm tiểu vương của Ngài: “Chúa đã… đội cho họ triều thiên vinh quang và danh dự” (câu 6). Chưa hết, Ngài còn trao vào tay tạo vật mỏng dòn này toàn thể vũ trụ, để họ nhờ đó hiểu biết và duy trì sự sống (câu 7-9).
Việc thượng quyền của con người bao trùm trên các loài tạo vật khác đã được liệt kê, như gợi lại trang đầu tiên của Sách Khởi Nguyên: chiên, bò, hoang thú ngoại đồng nội, chim trời, cá biển đều được trao phó cho con người để, khi dặt tên cho chúng (Gen 2:19-20), họ sẽ khám phá ra cái thực tại sâu xa của tạo vật, tôn trọng nó, và biến đổi nó bằng lao công, khi làm cho nó tỏ hiện như nguồn mạch mỹ lệ và sự sống. Bài Thánh Vịnh này làm cho chúng ta nhận thức được cái cao cả của mình, cùng với trách nhiệm của chúng ta đối với tạo vật nữa (x Wis 9:3).
3. Đọc lại bài Thánh Vịnh 8, vị tác giả của bức thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã có được một kiến thức sâu xa hơn về dự án của Thiên Chúa đối với loài người. Ơn gọi của con người không phải chỉ hạn hẹp ở thế giới trần gian này thôi; khi xác quyết là Thiên Chúa đã đặt hết mọi sự dưới chân con người, tác giả Thánh Vịnh muốn nói rằng Ngài cũng muốn “thế giới mai hậu” (Heb 2:5) lụy thuộc vào họ, “một vương quốc bất di dịch” (12:28). Tóm lại, ơn gọi của con người là “một ơn gọi trời cao” (3:1). Thiên Chúa muốn “mang lại” cho “nhiều con cái” “vinh hiển” thiên đường (2:10). Để dự án thần linh này được hiện thực, ơn gọi của con người cần phải được hoàn thành trên hết nơi “vị tiền phong” (ibid.). Vị tiền phong này là Chúa Kitô.
Vị tác giả của bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái nhận thấy nơi cái liên hệ này là những gì bài Thánh Vịnh diễn đạt đều được áp dụng nơi Chúa Kitô một cách ưu tú, tức là áp dụng vào trường hợp Chúa Kitô thì đích đáng hơn là áp dụng vào trường hợp loài người. Thật vậy, theo nguyên gốc, vị tác giả Thánh Vịnh sử dụng động từ “kém hơn”, khi thưa cùng Chúa: “Ngài đã dựng nên họ kém thần linh một chút những đã đội triều thiên vinh quang và danh dự cho họ” (x Ps 8:6; Heb 2:6). Đối với những con người bình thường thì động tự này không đúng; họ không “thấp hơn” các thần trời, vì các vị không bao giờ ở trên họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Kitô, động từ này lại xác đáng, vì là Con Thiên Chúa, Người ở trên các thần trời và đã hạ mình xuống khi làm người, để rồi Người đã được đội triều thiên vinh hiển phục sinh. Như thế Chúa Kitô đã hoàn toàn làm trọn ơn gọi của con người và đã hoàn trọn nó, vị tác giả minh định, “cho thiện ích của tất cả mọi người” (Heb 2:9).
4. Theo ý nghĩa ấy, Thánh Ambrôsiô đã giải thích bài Thánh Vịnh này và áp dụng vào trường hợp của chúng ta. Thánh nhân bắt đầu với câu diễn tả việc “đội triều thiên” cho con người: “Chúa… đã đội cho họ triều thiên vinh hiển và danh dự” (câu 6). Nơi niềm vinh hiển này thánh nhân thấy được một thứ phần thưởng Chúa giành cho chúng ta khi chúng ta thắng vượt cơn thử thách cám dỗ.
Sau đây là những lời của vị đại Giáo Phụ trong bài Dẫn Giải Phúc Âm Thánh Luca: “Chúa cũng đã đội triều thiên vinh quang và uy nghi cho kẻ Ngài chọn. Thiên Chúa, Đấng ban triều thiên, là Vị để cho cám dỗ xẩy ra: bởi thế, khi anh em bị cám dỗ thì hãy nhớ rằng Ngài đang dọn sẵn triều thiên cho anh em đó. Nếu anh em loại bỏ cuộc chiến đấu của những vị tử đạo là anh em cũng loại bỏ triều thiên của các ngài; nếu anh em loại bỏ những thứ cực hình là anh em cũng sẽ loại bỏ vinh phúc của các vị” (IV, 41: Saemo 12, pp. 330-333).
Thiên Chúa sửa dọn cho chúng ta “triều thiên công chính” (2Tim 4:8) là những gì Ngài sẽ thưởng cho lòng trung thành của chúng ta đối với Ngài, được biểu lộ ngay cả trong những lúc thử thách nhất làm rối loạn tâm trí chúng ta. Thế nhưng, Ngài bao giờ cũng nhớ đến tạo vật Ngài chọn và bao giờ cũng muốn nhìn thấy “hình ảnh” thần linh chiếu giãi nơi họ (Gen 1:26), nhờ đó họ sẽ trở thành dấu hiệu hòa hợp, sáng ngời và an bình trên thế giới này.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay chúc tụng sự cao cả của Thiên Chúa và phẩm vị của con người. Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái mời gọi chúng ta hãy đọc một số lời diễn tả của bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng Chúa Kitô. Bằng việc trở thành con người, Chúa Giêsu đã “kém hơn các thần trời một chút” (Heb 2:9). Giờ đây chúng ta thấy Người “đội triều thiên vinh hiển và danh dự”. Thánh Ambrôsiô đã áp dụng sứ điệp của bài Thánh Vịnh này vào đời sống của chúng ta, ở chỗ, Thiên Chúa giúp chunùng ta thắng vượt các cơn thử thách của cuộc đời, và sẽ nâng chúng ta lên tới độ vinh quang trong Chúa Kitô.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/9/2003)

Bài 87 – Ca vịnh Giacaria (Thứ Tư, 01/10/2003)

BÀI CA VỊNH CHÚC TỤNG

(Ca Vịnh Zechariah: Kinh Ban Mai, Hằng Ngày)

1.- Để kết thúc cuộc hành trình của chúng ta trong việc duyệt qua các bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai, chúng ta muốn suy niệm về một kinh nguyện xuất hiện ở mỗi buổi sáng vào lúc chúc tụng. Đó là bài ca vịnh Chúc Tụng, bài ca vịnh được Zechariah, cha của Thánh Gioan Tẩy Giả, xướng lên vào ngày sinh của đứa con trai làm đổi thay cuộc đời của ông, ở chỗ làm cho ông hết nghi ngờ là căn do khiến ông bị câm, một hình phạt đích đáng đối với việc thiếu tin tưởng và chúc tụng của ông.
Trái lại, bấy giờ ông Zechariah đã có thể chúc tụng vị Thiên Chúa cứu độ, và ông đã thực hiện điều ấy bằng một bài thánh thi ca, bài thánh thi ca đã được Thánh Ký Luca đề cập đến ở chỗ nó thực sự phản ảnh cho việc sử dụng phụng vụ trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai (x Lk 1:68-79).
Cũng vị thánh ký này đã cho nó là một bài ca ngôn sứ bởi tác động của hơi thở Thánh Linh (x 1:67). Thật vậy, chúng ta đứng trước một phúc lành loan truyền các hành động cứu độ cũng như việc giải phóng do Chúa thực hiện cho dân của Ngài. Nó thật là một bài đọc lịch sử “có tính cách ngôn sứ”, tức là một nhận thức về ý nghĩa thân tình và sâu xa nơi tất cả mọi thăng trầm của loài người được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình song hiệu lực của Chúa đan kết với bàn tay yếu hèn và bất nhất của con người.
2. Bài ca vịnh này là một bài ca vịnh trang trọng, và theo nguyên ngữ Hy Lạp, được hợp bởi hai câu mà thôi (x 68-75; 76-79). Sau phần dẫn nhập mang đặc tính của một lời tán dương chúc tụng, chúng ta có thể nhận thấy nơi phần thân của bài ca vịnh này thực sự có ba tiết đoạn là những gì gợi lên nhiều đề tài đánh dấu toàn thể lịch sử cứu độ, đó là đề tài về giao ước với Đavít (x 68-71), đề tài về giáo ước với Abraham (x 72-75), đề tài về Vị Tẩy Giả sẽ dẫn chúng ta đến giao ước mới trong Chúa Kitô (x 76-79). Tất cả lời cầu nguyện đều hướng về đích điểm liên hệ tới Đavít và Abraham khi các vị còn sống.
Tột đỉnh của bài ca vịnh này được tóm gọn trong một câu kết luận, đó là câu “rạng đông cao xanh sẽ viếng thăm chúng ta” (câu 78). Hình ảnh thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn trong việc liên kết giữa “cao xanh” và “rạng đông” thực sự là một hình ảnh quan trọng.
3. Đúng thế, theo nguyên ngữ Hy Lạp thì việc “mặt trời lên” là “anatole”, một chữ có nghĩa là ánh sáng mặt trời chiếu soi trái đất của chúng ta đây, hay cũng có nghĩa là một chồi cây nẩy sinh. Cả hai hình ảnh này đều mang một thứ giá trị thiên sai theo truyền thống thánh kinh.
Một đàng, khi nói về Emmanuel, tiên tri Isaia đã nhắc cho chúng ta thấy rằng “dân chúng đang bước đi trong tăm tối đã được thấy một thứ ánh sáng cao cả;/ ánh sáng đã chiếu soi trên những ai ở trong miền đất u minh” (9:1). Đàng khác, cũng nói đến vị Emmanuel vương đế này, vị tiên tri đã diễn tả Người như “một chồi mọc lên từ gốc Jesse”, tức là từ triều đại Đavít, một chồi cây được Thần Linh Thiên Chúa bao phủ (x 11:1-2).
Bởi thế, nơi Chúa Kitô, ánh sáng đã xuất hiện chiếu soi cho tất cả mọi tạo vật (x Jn 1:9) và sự sống trổ sinh, như Thánh Ký Gioan sẽ nói tới khi thực sự liên kết hai thực tại này lại với nhau: “sự sống ở nơi Người và sự sống này là ánh sáng chiếu soi nhân loại” (1:4).
4. Nhân loại, một nhân loại đang ở “trong tối tăm và trong bóng tối sự chết” được chiếu soi bởi ánh quang mạc khaiũi này (x Lk 1:79). Như tiên tri Malachi loan báo “mặt trời công chính chiếu tỏa những tia chữa lành trên những ai kính sợ danh Ta” (3:20). Mặt trời này sẽ “hướng dãn chân chúng ta theo đừng lối bình an” (Lk 1:79).
Đến đây, với ánh sáng ấy như cứ điểm của mình, chúng ta tiến bước; và những bước chân ngập ngừng bất định của chúng ta ban ngày thường bước đi trên những con đường tăm tối trơn trượt đã được vững chắc bởi ánh sáng chân lý Chúa Kitô chiếu soi trên thế giới và trong lịch sử.
Ở đây, chúng ta muốn nhường lời lại cho một bậc thày của Giáo Hội, một trong những Vị Tiến Sĩ của Giáo Hội, đó là Thánh Bede người Hiệp Vương Quốc (ở vào thế kỷ thứ bảy thứ tám), vị mà trong Bài Giảng của mình về cuộc Vào Đời của Thánh Gioan Tẩy Giả đã dẫn giải về Ca Vịnh Zechariah thế này: “Chúa… đã viếng thăm chúng ta như một vị y sĩ đối với bệnh nhân của mình, vì để chữa một thứ bệnh mãn tính kiêu căng của chúng ta, Người đã hiến cho chúng ta một gương mới của lòng khiêm nhượng; Người đã cứu chuộc dân Người, vì Người đã giải thoát chúng ta, thành phần đã trở thành những kẻ làm tôi cho tội lỗi và là nô lệ cho kẻ thù xưa kia, bằng giá máu của Người – Chúa Kitô đã thấy chúng ta đang sống trong dối trá ‘tối tăm và bóng chết’, tức là thấy chúng ta bị áp đảo bởicái mù lòa lâu dài bởi tội lỗi và vô tri… Người đã mang đến cho chúng ta ánh sáng thật của kiến thức Người, và đánh tan tối tăm lầm lạc, Người đã tỏ cho chúng ta thấy con đường chắc chắn về quê hương thiên quốc. Ngài đã hướng dẫn những bước đường hoạt động của chúng ta để làm cho chúng ta bước đi theo đường lối của chân lý là đường lối Người tỏ cho chúng ta, và làm cho chúng ta tiến vào ngôi nhà vĩnh viễn an bình được Người hứa hẹn cho chúng ta”.
5- Sau hết, trích từ những đoạn thánh kinh khác, Thánh Bede đã kết luận như thế này khi dâng lời tạ ơn về những tặng ân nhận lãnh: “Anh em thân mến, vì chúng ta có được những tặng ân của sự thiện hảo đời đời này… chúng ta cũng hãy chúc tụng Chúa trong mọi lúc (x Ps 33:2), vì ‘Người đã viếng thăm và cựu chuộc dân Người’. Chớ gì lời chúc tụng này luôn ở trên môi miệng của chúng ta, chớ gì chúng ta cứ nhớ đến Người và loan truyền công cuộc của Đấng đã “gọi anh em ra khỏi tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Người’ (1Pt 2:9). Chúng ta hãy không ngừng xin Người giúp đỡ, để Người bảo trì trong chúng ta ánh sáng kiến thức Người đã ban cho chúng ta, và dẫn chúng ta tới ngày của sự hoàn hảo” ("Omelie sul Vangelo," [Homilies on the Gospel Rome], 1990, pp. 464-465).
Anh Chị Em thân mến!
Việc dẫn giải của chúng ta về những bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Kinh Nguyện Ban Mai hôm nay được kết thúc với bài Ca Vịnh Zechariah là bài ca vịnh thường được gọi là bài Benedictus. Đó là một ca vịnh có tính cách ngôn sứ được thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả nói lên cho thấy ba biến cố trong cuộc Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái, đó là giáo ước của Người với Abraham, giao ước của Người với Đavít, và giao ước mới của Người nơi Chúa Kitô. Như “rạng đông từ cao xanh”, Chúa Kitô dã chiếu ánh sáng và hướng dẫn chúng ta đi vào con đường hòa bình. Thánh Bede đã nhận định là Chúa Kitô tỏ cho chúng ta thấy “con đường vững chắc tiến về quê hương thiên đình của chúng ta”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 1/10/2003)

Bài 88 – (Thứ Tư, 08/10/2003)

TÁC DỤNG CỦA KINH TỐI

(Về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh) 

1. Vì “mỗi ngày của cuộc chúng ta hành trình trên mặt đất này bao giờ cũng là một tặng ân mới” của tình yêu Thiên Chúa (Preface of Sundays, VI), mà Giáo Hội luôn cảm thấy nhu cầu cần phải thánh hiến những ngày giờ của đời sống con người vào ciệc chúc tụng thần linh. Bởi vậy rạng đông và hoàng hôn là là những giây phút đạo đức tiêu biểu đối với tất cả mọi người, những giây phút được coi là linh thánh theo truyền thống thánh kinh liên quan đến lễ dâng toàn thiêu ban sáng và ban tối (x Ex 29:38-39) cũng như lễ tiến hương (x Ex 30:6-8), là những giây phút, đối với Kitô hữu từ những thế kỷ ban đầu, tiêu biểu cho hai thời điểm đặc biệt để cầu nguyện.
Việc mặt trời lên và xuống là những giây phút đặc biệt của một ngày sống. Chúng có một tính chất không thể lầm được đó là: vẻ đẹp hân hoan của rạng đông và ánh quang chiếu sáng của hoàng hôn làm thành nhịp sống của vũ trụ chi phối một cách sâu xa đời sống của con người. Ngoài ra, mầu nhiệm cứu độ, một mầu nhiệm được thể hiện trong giòng lịch sử, có những giây phút liên kết với những giai đoạn khác nhau của thời gian. Bởi thế, cùng với việc cử hành Kinh Sáng ở đầu ngày, việc cử hành Kinh Tối đã trở thành thông dụng trong Giáo Hội vào buổi tối. Cả hai giờ kinh phụng vụ này có một nội dung gợi lên cho thấy hai khía cạnh chính yếu của mầu nhiệm vượt qua: “Chúa chết trên thập giá vào buổi tối, sống lại vào buổi sáng… Vào buổi tối tôi thuật lại nỗi khổ đau Người chịu đựng nơi sự chết; vào buổi sáng tôi loan báo sự sống phát xuất từ Người” (St. Augustine, "Esposizioni sui Salmi" [Commentaries on the Psalms], XXVI, Rome, 1971, page 109).
Chính vì liên kết với giây phút tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà hai giờ kinh sáng và kinh tối tạo nên, “theo truyền thống đáng kính của toàn thể Giáo Hội, một cơ bản lưỡng diện của Phụng Vụ Giờ Kinh hằng ngày” (constitution "Sacrosanctum Concilium," No. 98).
2. Vào những thời xưa kia, lúc hoàng hôn buông rơi, việc thắp sáng ngọn đèn dầu là việc mang lại cho các gia đình một cảm nhận hân hoan và hiệp thông. Cộng đồng Kitô hữu cũng thắp lên một cây đèn dầu khi đêm xuống, và nhắc lại tặng ân ánh sáng thiêng liêng bằng tinh thần tạ ơn. Đó là điều được gọi là “lucernario”, tức là việc thắp sáng lên một ngọn đèn về hình thức, với ngọn lửa của nó là biểu hiệu cho Chúa Kitô, “một vầng dương không bao giờ lặn”.
Khi màn đêm buông xuống, Kitô hữu thực sự biết rằng Thiên Chúa chiếu soi ngay cả trong đêm tối ánh quang của việc Ngài hiện diện cũng như ánh sáng của các lời Ngài giáo huấn. Về khía cạnh này, cũng nên nhớ lại bài thánh ca rất xa xưa về ánh sáng: ‘Fôs hilarón” trong phụng vụ Byzantine Armenia và Ethiopian: “Ôi Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng hoan lạc của vinh quang linh thánh của Chúa Cha hằng hữu, thiên đình, thánh hảo, phúc đức! Xin hãy xuất hiện khi chiều xuống để khi thấy ánh sáng về đêm, chúng con hát lên những bài thánh ca dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. Thật là xứng hợp trong việc hòa tiếng hát ca ngợi Chúa trong mọi lúc, Ôi Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho chúng con: vì thế mà vũ trụ loan truyền vinh quang của Chúa”. Tây phương cũng sáng tác nhiều bản thánh ca chúc tụng Chúa Kitô ánh sáng.
Cảm hứng từ biểu hiệu của ánh sáng, kinh nguyện ban tối đã trở thành một hiến tế chúc tụng chiều hôm cùng với sự nhìn nhận các tặng ân tạo dựng cũng như cứu chuộc. Thánh Cyprianô viết: “Mặt trời xuống, ngày tận cùng, cần phải cầu nguyện lại. Thật vậy, như Chúa Kitô là mặt trời đích thực, vào lúc mặt trời lặn và ngày hết trên trần gian này, chúng ta cầu nguyện để xin cho ánh sáng lại chiếu soi trên chúng ta và chúng ta kêu xin Chúa Kitô đến dẫn chúng ta tới ân sủng của ánh sáng trường sinh” ("De oratione dominica," 35: PL 4,560).
3. Đêm tối là thời gian hay nhất để suy niệm về ngày sống trước nhan Thiên Chúa trong nguyện cầu. Nó cũng là giây phút ‘dâng lời tạ ơn về những gì chúng ta đã được ban cho hay những gì chúng ta đã hoàn thành một cách ngay thẳng’. (St. Basil, "Regulae fusius tractatae," Resp. 37,3: PG 3, 1015). Nó cũng là thời gian để xin thứ tha tội lỗi chúng ta đã vấp phạm, nài xin Chúa Kitô vì tình thương thần linh chiếu soi lòng trí chúng ta một lần nữa.
Tuy nhiên, đêm về cũng gợi lên cho thấy ‘mầu nhiệm về đêm” (mysterium noctis). Bóng tối bao phủ như là một cơ hội của những khuynh hướng thường tình, nhất là của nỗi yếu đuối, chiều theo những cuộc tấn công của ma quỉ. Ngoài ra, khi đêm vềm việc cầu nguyện làm cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm vượt qua, một mầu nhiệm “đêm chiếu sáng như ban ngày” (Exsultet). Bởi vậy, cầu nguyện làm cho hy vọng nở hoa trong việc chuyển từ một ngày tạm thời sang “những ngày vĩnh tại” (dies perennis), từ ánh sáng le lói của một cây đèn dầu tới “lux perpetua” ánh sáng ngàn thu, từ đêm canh thức mong hừng hông tới việc gặp gỡ Đức Vua Vinh Hiển Muôn Đời.
4. Đôi với người xưa, thậm chí đối với cả chúng ta đây, việc tiếp nối đêm ngày điều hành sự sống, gợỉi lên việc suy niệm về những vấn đề quan trọng của đời sống. Tình trạng tiến bộ tân tiến đã đổi thay một phần nào mối liên hệ giữa sự sống con người và thời gian hoàn vũ. Thế nhưng, nhịp sống căng đầy những hoạt động của con người vẫn không hoàn toàn đưa con người của ngày hôm nay thoát khỏi những nhịp chuyển vận của vầng dương.
Bởi vậy mà hai cứ điểm của việc nguyện cầu hằng ngày vẫn còn nguyên giá trị của mình, liên kết với hiện tượng bất biến và những biểu hiệu trước mắt. Với những thứ nguy hiểm của mình như thế, đêm tối đã trở thành một biểu hiệu cho tất cả mọi thứ sự dữ là những gì Chúa Kitô đã đến giải cứu chúng ta. Ban sáng và ban tối là những thời điểm tuyệt hảo để dâng lời nguyện cầu, chung với người khác hay âm thầm một mình. Liên kết với những giây phút quan trọng của ngày sống và hoạt động, các Giờ Kinh Sáng và Kinh Tối là những cách thức hữu hiệu để dẫn dắt đường lối thường nhật của chúng ta hướng về Chúa Kitô là ‘ánh sáng thế gian’” (John 8:12).
Anh Chị Em thân mến,
Sáng và tối bao giờ cũng là những lúc tuyệt vời để cầu nguyện hướng về Chúa, chung với nhau cũng như riêng một mình. Việc cầu nguyện chiều tối đặc biệt nhắc cho chúng ta rằng cho dù tối tăm của đêm đen đã được sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa chiếu sáng. Việc chúng ta cầu nguyện cuối ngày làm cho chúng ta tràn đầy mong đợi và hy vọng hướng về một ngày hứa hẹn không bao giờ cùng, vì Chúa Kitô la ụ ánh sáng thế gian.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 8/10/2003)

Bài 89 – (Thứ Tư, 15/10/2003)

PHỤNG VỤ GIỜ KINH TỐI: Ý NGHĨA VÀ CẤU TRÚC

(Về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh) 

Căn cứ vào nhiều bằng chứng chúng ta biết được rằng, từ thế kỷ thứ 4 trở đi, phụng vụ giờ kinh sáng và giờ kinh tối đã có cơ sở vững chắc nơi cả Giáo Hội Đông Phương lẫn Tây Phương. Thánh Ambrôsiô chẳng hạn, đã nói: “Giống như mỗi ngày, dù đi đến nhà thờ hay cầu nguyện tại gia, chúng ta đều bắt đầu với Thiên Chúa và kết thúc nơi Ngài, thì chớ gì mỗi ngày chúng ta sống trên thế gian này cũng như trong sinh hoạt của từng ngày sống của chúng ta được bắt đầu với Ngài và kết thúc trong Ngài” ("De Abraham," II, 5,22).
Như giờ kinh ban mai được thực hiện vào sáng sớm thế nào thì giờ kinh tối cũng được thực hiện khi chiều xuống như thế, vào giờ khắc của lễ toàn thiêu được tiến hương trong đền thờ Giêrusalem. Vào giờ khắc ấy, Chúa Giêsu, sau khi chết trên cây thập giá, được an táng trong mồ đá, để hiến dâng mình cho Cha vì phần rỗi thế gian.
Trong việc giữ các truyền thống tương xứng của mình, các Giáo Hội khác nhau đã sắp xếp Phụng Vụ Giờ Kinh theo nghi thức riêng của mình. Ở đây chúng ta chỉ nói đến lễ nghi Rôma mà thôi.
2. Buổi cầu nguyện được bắt đầu với lời kêu cầu “Chúa ơi, xin đến giúp con” Deus in adiutorium, câu thứ hai của bài Thánh Vịnh 69 là bài Thánh Vịnh được Thánh Bênêđictô ấn định cho hằng giờ. Câu này nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có nhờ Thiên Chúa chúng ta mới có ơn để xứng đáng chúc tụng Ngài. Câu ấy được tiếp theo bằng lời Vinh Danh, vì vinh quang của Chúa Ba Ngôi nói lên chiều hướng thiết yếu của kinh nguyện Kitô giáo. Sau hết, trừ trong Mùa Chay, còn có Alleluia nữa, một diễn tả của người Do Thái mang ý nghĩa “chúc tụng Chúa”, và là lời đối với Kitô hữu trở thành một biểu lộ hân hoan tin tưởng vào việc bảo vệ Thiên Chúa tỏ ra đối với dân của Ngài.
Việc hát bài Thánh Ca làm cho lý do của việc Giáo Hội chúc tụng âm vang trong việc cầu nguyện, gợi lên theo nguồn cảm hứng thi ca những mầu nhiệm được thể hiện vì phần rỗi của con người đặc biệt vào lúc hoàng hôn, lúc Chúa Kitô hy tế trên cây thập giá.
3. Việc sắp xếp các bài thánh vịnh cho phụng vụ giờ kinh tối gồm có hai bài Thánh Vịnh hợp với giờ khắc ấy và 1 bài ca vịnh được trích từ Tân Ước. Các bài Thánh Vịnh được chọn cho giờ kinh tối có các cung giọng khác nhau. Có những bài Thánh Vịnh sáng ngời đề cập đến một cách rõ ràng buổi tối, đèn đốt và ánh sáng; những bài Thánh Vịnh bộc lộ lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, nơi ẩn náu vững chắc tạm thời của đời sống con người; những bài Thánh Vịnh tạ ơn và chúc tụng; những bài Thánh Vịnh truyền đạt cảm thức cánh chung vào lúc kết thúc ngày sống, và những bài khác có một tính chất khôn ngoan hay có giọng điệu thống hối. Ngoài ra, chúng ta thấy những bài Thánh Vịnh “Hallel” liên quan đến Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Trong Giáo Hội Latinh, các yếu tố đã được truyền lại là những gì bồi dưỡng kiến thức về các bài Thánh Vịnh cũng như về việc giải thích Kitô giáo, như những nhan đề, những bài cầu nguyệncủa sách Thánh Vịnh, nhất là các bài đối ca (see Principles and Norms for the Liturgy of the Hours, 110-120).
Bài đọc ngắn giữ một vị thế đặc biệt, là bài trong các giờ kinh tối được trích từ Tân Ước. Mục đích của các bài đọc này là đưa ra một câu thánh kinh mãnh liệt và hiệu nghiệm cũng như để in ấn câu thánh kinh này vào tâm trí để câu ấy được dịch thành đời sống (see Ibid., 45, 156, 172). Để làm cho việc nội tại hóa những gì đã được nghe thấy, bài đọc được theo sau bằng việc thinh lặng thích hợp, và bằng lời đối đáp cũng là lời đáp thưa, với việc hát xướng một số câu, cho sứ điệp của bài đọc, nhờ đó phát triển sự thành tâm chấp nhận của tham dự viên cầu nguyện.
4. Mào đầu bằng việc làm dấu thánh giá, bài ca vịnh phúc âm của Đức Trinh Nữ Maria (x Lk 1:46-55) được cất lên trang trọng. Như đã được Luật Thánh Bênêđictô (chương 12 và 17) chứng thực, việc thực hành hát bài ca vịnh Chúc Tụng cho kinh sáng và bài ca vịnh Ngợi Khen cho kinh tối “được xác nhận bởi truyền thống bình dân và phổ thông của Giáo Hội Rôma” (Principles and Norms for the Liturgy of the Hours, 50). Thật vậy, những bài ca vịnh như thế thật là xứng hợp để diễn tả cảm thức chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân cứu chuộc.
Trong việc cử hành cộng đồng Phụng Vụ Giờ Kinh, tác động xông hương bàn thờ, linh mục và dân chúng, khi những bài ca vịnh phúc âm được cất lên, có thể cho thấy, theo chiều hướng truyền thống Do Thái của việc xông hương ban sáng và ban tối trên bàn thờ hương thơm, tính chất của lễ toàn thiêu của “hy tế chúc tụng” được thể hiện nơi Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Hiệp nhất với Chúa Kitô trong lời nguyện cầu, chúng ta có thể sống bản thân của mình tất cả những gì được Thư gửi giáo đoàn Do Thái nói:”Vậy nhờ Ngài chúng ta hãy tiếp tục dâng lên Thiên Chúa một hiến tế chúc tụng, tức là, hoa trái của miệng lưỡi tuyên xưng danh Người” (13:15; see Psalm 49:14,23; Hosea 14:3).
5. Sau bài ca vịnh này là lời chuyển cầu ngỏ cùng Chúa Cha hay đôi khi cùng Chúa Kitô, bày tỏ tiếng nói nài xin của Giáo Hội, nhớ lại mối quan tâm của Thiên Chúa đối với nhân loại là công cuộc của tay Ngài. Tính chất của những lời chuyển cầu ban tối này thực sự bao gồm việc cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ cho tất cả mọi hạng người, cho cộng đồng Kitô hữu, cũng như cho xã hội dân sự.
Sau hết, tín hữu quá cố cũng được tưởng nhớ đến. Phụng vụ kinh tối đạt đến tuyệt đỉnh nơi kinh nguyện của Chúa Giêsu là Kinh Lạy Cha, một tổng hợp của hết mọi lời chúc tụng cũng như hết mọi lời nài xin của con cái Chúa được tái sinh bởi nước và Thần Linh. Vào lúc cuối ngày, truyền thống Kitô giáo nhắc nhở đến việc hứ tha như đã xin Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha, cũng như đến việc hòa giải huynh đệ của loài người với nhau: Mặt trời không được lặn xuống khi con người còn giận dữ (see Ephesians 4:26).
Kinh tối được kết thúc bằng một lời cầu nguyện, hợp với Chúa Kitô tử giá, bày tỏ sự phó thác đời sống của chúng ta trong tay Chúa Cha, biết rằng Ngài không bao giờ từ chối ban phép lành tòa thánh cho những ai xin Người.
Anh Chị Em thân mến,
Phụng vụ hằng ngày của Giáo Hội chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi được tập trung vào việc cử hành giờ kinh sáng và giờ kinh tối. Giờ kinh tối, hay kinh tối, gợi lên cho thấy hy tế ban chiều được tiến hương trong đền thờ Giêrusalem, cũng như cho thấy giờ khắc Chúa Giêsu được đặt trong mồ đá để hiến mình cho Chúa Cha vì phần rỗi thế gian. Thứ tự diễn tiến của các bài Thánh Vịnh, các bài ca vịnh thánh kinh, các bài đọc và những lời chuyển cầu được kết thúc bằng Kinh Chúa Dạy, lời diễn tả hoàn hảo nhất của việc Giáo Hội chúc tụng Thiên Chúa, và là lời cầu nguyện cuối cùng gợi lên cho thấy những hoa trái của hy tế cứu độ Chúa Kitô ban cho tất cả thế gian.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 15/10/2003)

Bài 90 – TV 140 (141) (Thứ Tư 5/11/2003)

LỜI NGUYỆN CẦU NHƯ HƯƠNG THƠM VÀ LỄ THIÊU BAN CHỀU

(Thánh Vịnh 140 [141] Kinh Đêm, Chúa Nhật)

1. Trong những bài giáo lý trước đây chúng ta đã ôn lại cơ cấu và giá trị của phụng vụ giờ kinh tối, một lời cầu nguyện cao cả của Giáo Hội về đêm. Giờ đây chúng ta sẽ đi sâu hơn nữa vào phụng vụ giờ kinh tối này. Nó giống như đi hành hương tới một thứ ‘thánh địa’ bao gồm những bài Thánh Vịnh và ca vịnh. Như mọi lần, chúng ta sẽ suy tư về một trong những lời nguyện cầu thi ca này, những lời nguyện cầu in dấu vết được Thiên Chúa linh ứng. Chúng ta những lời kêu cầu chính Chúa muốn dâng lên Ngài. Ngài thích nghe những lời ấy, nghe thấy nơi những lời này những rung động của tâm can con cái dấu yêu của Ngài.
Chúng ta sẽ bắt đầu với bài Thánh Vịnh 140 [141], một bài Thánh Vịnh mở đầu cho các giờ kinh tối Chúa Nhật thuộc tuần thứ nhất trong 4 tuần, một thời điểm vang lên lời kinh tối của Giáo Hội.
2. “Chớ gì lời nguyện cầu của tôi được trở thành làn hương thơm bay lên trước nhan Chúa; đôi tay của tôi hiến dâng lên hy tế chiều hôm”. Câu thứ hai của bài Thanùnh Vịnh này có thể được coi như là một dấu hiệu nổi bật của cả bài ca và là lý do tỏ tường cho thấy việc hiện hữu của câu ấy trong phụng vụ giờ kinh tối. Ý tưởng được bày tỏ này phản ảnh tinh thần của một thứ thần học ngôn sứ gắn bó chặt chẽ việc thờ phượng với đời sống, nguyện cầu với hiện hữu.
Cũng lời cầu nguyện được thực hiện bằng một con tim tinh tuyền và chân thành sẽ trở thành một hiến tế dâng lên Thiên Chúa. Toàn thể bản thân của con người nguyện cầu trở thành một tác động hy hiến, như thế phản ảnh tất cả những gì Thánh Phaolô đã khuyên khi ngài kêu gọi Kitô hữu hãy hiến dâng thân xác họ làm của hiến tế sống động, thánh hảo, đáng Chúa chấp nhận: Đó là của hy tế thiêng liêng Ngài chấp nhận” (x Rm 12:1).
Những bàn tay dâng lên trong khi nguyện cầu là cái cầu truyền thông với Thiên Chúa, khi khói bốc lên như hương thơm từ nạn nhân trong lễ nghi hiến tế chiều hôm.
3. Bài Thánh Vịnh được tiếp tục bằng một giọng khẩn cầu, một lời khẩn cầu được truyền đạt cho chúng ta nơi một văn bản theo nguyên ngữ Do Thái cho thấy không ít những nỗi khó khăn và u uẩn được giãi bày (nhất là ở những câu 4-7).
Dù sao thì ý nghĩa tổng quan của lời khẩn cầu này có thể đồng hóa và chuyển thành việc suy niệm và cầu nguyện. Trước hết, con người cầu nguyện nài xin Chúa đừng để cho môi miệng của họ (câu 3) cũng như cảm thức của lòng họ bị lôi cuốn chiều theo sự dữ và đưa họ đến chỗ lamụm “những việc gian ác” (câu 4). Lời nói và việc làm thực sự là biểu hiện của việc con người chọn lựa về luân lý. Sự dữ dễ dàng dồn dập những lôi cuốn để đưa thậm chí cả người tín hữu đến chỗ nếm hưởng “những hoan lạc” được tội nhân cống hiến cho, ngồi cùng bàn với họ, tức tham gia vào các hành động đồi bại của họ.
Như thế, bài Thánh Vịnh này có hầu hết tính chất của một cuộc khảo sát lương tâm, một cuộc khảo sát tiến tới chỗ quyết tâm luôn sống theo đường lối của Chúa.
4. Tuy nhiên, đến đây, con người cầu nguyện bị một cú kích động làm cho họ nói lên lời tuyên ngôn dứt khoát từ bỏ bất cứ một đồng lõa vào với kẻ hành ác: Họ không hề muốn đồng bàn với kẻ gian ác, hay để cho dầu thơm giành cho những vị khách danh dự (x Ps 22:5) cho thấy họ thông đồng với kẻ làm điều gian tà (see Ps 140[141]:5). Để thể hiện mãnh liệt hơn nữa việc thực sự tách biệt mình khỏi thành phần gian ác, vị tác giả Thánh Vịnh bấy giờ mới loan báo một cuộc lên án nghiêm thẳng, một cuộc lên án đầy mầu sắc về hình ảnh của một cuộc phán xét kinh hoàng.
Nó là một trong những điều nguyền rủa kiểu mẫu của Sách Thánh Vịnh (x Ps 57 và 108), với mục đích là để xác nhận, một cách sống động và thậm chí một cách tượng hình, nỗi hận thù đối với sự dữ, việc chọn lựa sự lành, và niềm tin nơi Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử bằng phán quyết của việc nghiêm thẳng lên án điều bất chính (x các câu 6-7).
5. Bài Thánh Vịnh kết thúc bằng lời kêu cầu tin tưởng cuối cùng (câu 8-9): Nó là một bài thánh ca tin tưởng, tri ân và hoan lạc, tin tưởng rằng con người tín trung sẽ không bị phủ ngập bởi lòng thù hằn mà thành phần đồi bại giành cho họ, cũng như sẽ không bị rơi vào cạm bẫy do thành phần này giăng ra hại họ, sau khi thành phần ấy nhận thấy họ đã quyết chọn sự thiện. Kẻ công chính bởi thế có thể thắng vượt hết mọi thứ dối trá không tác hại, như một bài Thánh Vịnh khác nói: “Chúng ta như chim thoát khỏi lưới người bắt chim; cạm bẫy bị hư hỏng và chúng ta đã giải thoát!” (Ps 123:7).
Chúng ta hãy kết thúc việc chúng ta đọc bài Thánh Vịnh 140 [141] bằng việc quay về những hình ảnh, hình ảnh của lời cầu nguyện ban tối như một của hy tế đáng Chúa chấp nhận. Ông Gioan Cassian, một đại sư về tu đức sống ở thế kỷ thứ 4 và 5, vị đã từ Đông phương tới và sống phần cuối đời ở nam Gaul, đọc lại những lời ấy theo chiều hướng Kitô học như sau: “Thật vậy, nơi những lời ấy, người ta có thể hiểu một cách thiêng liêng cái ám chỉ về hiến tế chiều hôm được Chúa và là Đấng Cứu Thế hiện thực trong Bữa Tiệc Ly của Người và trao phó cho các vị tông đồ, khi Người chấp nhận mở màn cho các mầu nhiệm Giáo Hội, hay (người ta có thể nhận thấy một ám chỉ) về cùng một hiến tế mà Người đã tự hiến vào buổi tối ngày hôm sau, bằng chính hay bàn tay của Người giơ lên, một hy tế sẽ được kéo dài cho tới tận thế vì phần rỗi của toàn thế giới” ("Le Istituzioni Cenobitiche" [The Cenobitic Institutions], Abbey of Praglia, Padua, 1989, p. 92).
Anh Chị Em Thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay nói về lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa như hương thơm và như lễ thiêu ban chiều. Nó nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu xa mật thiết giữa việc cầu nguyện và cuộc sống thường nhật, cùng nhắc nhở chúng ta rằng việc cầu nguyện của chúng ta tự bản chất là một tác động hy hiến cho Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh nhìn nhận những lời nói và hành động là một thứ diễn tả cho thấy việc chọn lựa về luân lý. Vị tác giả này xin Chúa giữ cho ông ta khỏi tình trạng đồng lõa với sự dữ. Bài Thánh Vịnh kết thúc bằng niềm vui và lòng tin tưởng nhận biết rằng chúng ta có thể nương ẩn nơi Chúa.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 5/11/2003)