Bài Giáo lý thứ hai
của ĐỨC THÁNH CHA Gioan Phaolô II về Thánh Thể
THÁNH THỂ: "TƯỞNG NIỆM" NHỮNG CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA
1. Nổi bật giữa nhiều phương diện của Thánh Thể là phương diện "tưởng niệm", có quan hệ với một chủ đề Kinh Thánh có tầm quan trọng hàng đầu. Ví dụ, chúng ta đọc trong sách Xuất Hành:"Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Ápraham và Giacob" (Xh 2, 24). Dầu sao, trong sách Đệ Nhị Luật, có nói:"Anh em cần nhớ lại cách Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã làm... " (7. 18). Trong Sách Thánh, sự hồi tưởng về Thiên Chúa và sự hồi tưởng về con người xen lẫn với nhau và hình thành một yếu tố căn bản trong cuộc sống của dân Chúa. Nhưng, đó không phải là kỷ niệm đơn thuần một quá khứ không còn nữa, mà là một zikkarôn, nghĩa là, một "tưởng niệm". Đây "không phải đơn thuần là nhớ lại các biến cố đã qua, nhưng là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện và hiện thực' (GLHTCG 1363). Sự tưởng niệm nhắc lại mối ràng buộc của một giao ước không bao giờ cạn:
"Chúa nhớ đến ta và sẽ ban phúc cả" (Tv 115,12 ).
Phụng vụ Vượt Qua là "tưởng niệm" những kỳ công Chúa
Như vậy đức tin theo Kinh Thánh bao hàm việc nhớ lại cách hiệu nghiệm những công trình cứu độ. Những kỳ công đó được tuyên xưng trong kinh "Great Hallel", Thánh Vịnh 136, Thánh Vịnh này -sau khi cao rao sự sáng tạo và cứu độ cung hiến cho dân Israel trong sách Xuất Hành - đã kết thúc : "Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, gỡ ta thoát khỏi tay địch thù, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 136,23-25). Chúng ta gặp những lời tương tự trong Tin Mừng trên miệng lưỡi của Đức Maria và ông Dacaria :"Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, vì Người nhớ lại lòng thương xót... nhớ lại lời xưa giao ước" (Lc 1,54,72).
2. Trong Cựu Ước, việc "tưởng niệm" tuyệt hảo những công trình của Chúa trong lịch sử là phụng vụ Vượt Qua ngày Xuất hành : mỗi khi dân Israel cử hành lễ Vượt qua, Chúa thật sự cung hiến cho họ những hồng ân tự do và cứu độ. Trong nghi lễ Vượt qua, do đó, có nhắc tới hai tưởng niệm : phần thần linh và phần nhân bản, nghĩa là, ân sủng cứu độ và lòng tin biết ơn, "Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa... Ngươi sẽ coi đó như là dấu ở tay ngươi, là kỷ vật đeo trên trán, để cho luật của Đức Chúa ở trên môi miệng ngươi, bởi vì Đức Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ mà đưa ngươi ra khỏi Ai cập" (Xh 12,14 ; 13, 9). Do biến cố này, như nhà triết học Dothái nói, dân Israel sẽ luôn luôn là "một cộng đồng dựa trên hồi tưởng" (M. Buber ).
3. Sự xen lẫn việc hồi tưởng Chúa với sự hồi tưởng con người cũng ở tại trung tâm Thánh Thể, một "hồi tưởng" tuyệt hảo mầu nhiệm Phục sinh Kitô hữu. Bởi vì "anamnesis", tức là động tác hồi tưởng, là trung tâm của việc cử hành : hy lễ của Chúa Kitô, một biến cố độc nhất được thực thi ephapax,nghĩa la "một lần cho tất cả" (Dt 7,27 ; 9,12,26 ; 10,12 ), trải rộng sự hiện diện cứu độ của nó trong thời gian và không gian của lịch sử nhân loại. Điều này được diển tả trong mệnh lệnh cuối cùng, mệnh lệnh thánh Luca và Phaolô ghi lại trong tường thuật bữa ăn cuối cùng :"Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thày vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy... Đây là chén máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới. Anh em hãy làm việc này, mỗi khi anh em uống máu Thầy, mà tưởng nhớ đến Thầy" (1 Cr 11,24-25 ; x. Lc,19). Việc đã qua là "hiến thân vì chúng ta" trên Thánh Giá được trình bày cách sống động hôm nay và, như thánh Phaolô công bố, mở cho tương lai của sự cứu chuộc cuối cùng :' Thật vậy cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết" (1 Cr 11, 26). Như vậy Thánh Thể là tưởng niệm sự chết của Chúa Kitô, mà còn là sự hiện diện của hy lễ Người và là sự loan báo trước Người sẽ đến trong vinh quang. Đó là bí tích của sự gần gũi cứu chuộc luôn mãi của Đức Chúa phục sinh, trong lịch sử. Như vậy chúng ta có thể hiểu lời thánh Phaolô khuyên Timothê :"Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít" (2 Tm 2,8). Trong Thánh Thể sự tưởng nhớ này là sống động và hành động cách riêng biệt.
4. Thánh sử Gioan giải thích cho chúng ta ý nghĩa sâu xa của việc "tưởng nhớ" các lời nói và các biến cố của Chúa Kitô. Khi Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ những người buôn bán và loan báo đền thờ này sẽ bị phá hủy và được xây dựng lại trong vòng ba ngày, thánh Gioan nhận xét :"Vậy khi Nguời từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói" (Ga 2,22). Việc tưởng nhớ này, sinh ra và nuôi dưỡng đức tin, là công trình của Chúa Thánh Thần, "Đấng mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Chúa Kitô" : "Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Như thế là có một sự tưởng nhớ thật sự : vừa có tính nội tâm và dẫn tới sự hiểu biết Lời Chúa, và vừa có tính bí tích, xảy ra trong Thánh Thể. Đó là hai thực tại của sự cứu chuộc mà thánh Luca pha trộn trong tường thuật huy hoàng của người về các môn đệ thành Emmaus, được xây dựng xung quanh Kinh Thánh và sự "bẻ bánh" (x. Lc 24,13-55).
Không có Thánh Thể, Giáo Hội có thể rơi vào lãng quên
5. "Tưởng nhớ" như vậy là "mang lại cho tâm hồn" trong trí nhớ và tình cảm, nhưng cũng là cử hành một sự hiện diện. "Chỉ có Thánh Thể, việc tưởng nhớ thật sự mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, mới có khả năng giữ cho sống động trong ta ký ức tình yêu của người. Do đó,Thánh Thể là bí quyết cho việc canh thức của Giáo Hội : bằng không, nếu không có hiệu năng thần linh của sự khuyến khích liên tục và rất dịu ngọt này, nếu không có quyền lực thâm nhập của cái nhìn mà vị Phu Quân nhìn xuống Giáo Hội, thì Giáo Hội sẽ dễ dàng rơi vào sự quên lãng, mất cảm giác và thất tín" (Tông thư Patres Ecclesiae, III,Ench. Vat. , 7, 33). Sự kêu gọi tỉnh thức này mở cho phụng vụ Thánh Thể của chúng ta đón nhận việc Đức Chúa ngự đến hoàn hảo, đón nhận sự xuất hiện của thành thánh Giêrusalem trên trời. Trong Thánh Thể, người Kitô hữu nuôi dưỡng niềm hy vọng được dứt khoát gặp Đức Chúa của mình.
Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ.