LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II – Người Môn Đệ Chúa Kitô - Bài Giảng Trong Buổi Triều Yết Chung Ngày 06-09-2000

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
BÀI GIẢNG TRONG BUỔI TRIỀU YẾT CHUNG NGÀY 06-09-2000
VietCatholic News(10/9/2000)
1. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô thay đổi triệt để cuộc sống của một con người, nó thôi thúc metnoia, hoán cải tâm và trí cách sâu xa, và nó thiết lập một hiệp thông của sự sống, đó là sống cuộc đời người môn đệ. Trong Tin mừng, sống như người môn đệ được diễn tả bằng hai thái độ: trước hết đó là "đi trên đường" với Đức Kitô (akolouthein); thứ hai là "đi theo" Ngài, vị chỉ đường, đi theo vết chân và hướng đi (rchesthai opiso). Từ đó sản sinh ra hình ảnh của người môn đệ, được thực hiện theo những cách thức khác nhau. Một vài người đi theo một cách vẫn còn chung chung và thường hời hợt, giống như đám đông (x. Mc 3,7; 5,24; Mt 8,1,10; 14,13; 19,2; 20,29). Có những người tội lỗi (x. Mc 2,14-15); nhiều lần đã nói đến những người phụ nữ trợ giúp sứ vụ Đức Giêsu bằng công việc phục vụ (x. Lc 8,2-3; Mc 15,41). Một vài người đã nhận được một lời mời gọi đặc biệt từ Đức Kitô, và trong số họ, một chỗ đứng đặc biệt được dành cho nhóm mười hai.
Vì thế, có một sự đa dạng về những lời mời gọi: ngư phủ và thu thuế, người công chính và kẻ tội lỗi, người có gia đình và người độc thân, nghèo khổ và giàu có như Giuse Arimathia (x. Ga 19,38), người nam và người nữ. Có cả Simon nhiệt thành (x. Lc 6,15), là một thành viên của phe cách mạng chống lại Roma. Hơn thế nữa có vài người đã từ chối lời mời gọi, giống như người thanh niên giàu có đã sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi trước những lời đòi hỏi của Đức Kitô "vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10,22).
2. Có một ít điều kiện để đi trên cùng con đường với Đức Giêsu, nhưng chúng là nền tảng. Như chúng ta đã nghe trong đoạn Tin mừng vừa công bố, chúng ta phải quay lưng lại với quá khứ, bằng cách dứt khóat từ bỏ, một metnoia theo ý nghĩa sâu xa nhất của từ: thay đổi tâm trí và đời sống. Con đường mà Đức Kitô đề nghị thì nhỏ hẹp và đòi buộc hi sinh và hiến thân trọn vẹn. "Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá, và theo Ta" (Mc 8,34). Đây là một con đường có nhiều gai góc là thử thách và bách hại. "Nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại anh em" (Ga 15,20). Đây là một con đường biến chúng ta thành những nhà truyền giáo và chứng nhân cho lời Đức Kitô, nhưng đòi hỏi các tông đồ "không mang gì đi đường... - không lương thực, bao bị, tiền giắt lưng" (Mc 6,8; x. Mt 10,9-10).
3. Vì thế làm môn đệ không phải là một hành trình dễ chịu trên một con đường bằng phẳng. Nó cũng có thể đưa đến những lúc bực dọc, đến độ, trong một câu chuyện, "nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa" (Ga 6,66), đó là Đức Giêsu, Đấng đã bắt nhóm mười hai đối diện với một câu hỏi quyết định: "Anh em cũng muốn bỏ đi sao?" (Ga 6,67). Trong một câu chuyện khác, chính Phêrô bị quở trách nặng lời khi ông chống lại viễn cảnh thập giá, bằng một câu nói biểu lộ rằng, theo một sự tinh tế của nguyên bản, có thể đó là một mời gọi quay trở lại "đàng sau" Đức Giêsu, sau khi toan tính từ chối mục đích của thập giá: "Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mc 8,33).
Nguy cơ phản bội sẽ vẫn rình chờ Phêrô, nhưng cuối cùng ông sẽ đi theo vị Thầy và Đức Chúa trong tình yêu quảng đại nhất. Quả thế, trên bờ biển Tiberia, Phêrô sẽ nói lên lời tuyên xưng về tình yêu, "lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu Chúa." Và Đức Giêsu sẽ loan báo "ông sẽ chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa," khi nói thêm hai lần, "Hãy theo Thầy" (Ga 21,17,19,22).
Sống như người môn đệ được diễn tả đặc biệt nơi người môn đệ được Chúa yêu dấu, ngài đi vào cuộc sống thân mật với Đức Kitô, đón nhận Mẹ Người như một quà tặng, và nhận ra Người khi sống lại (x. Ga 13,23-26; 18,15-16; 19,26-27; 20,2-8; 21,2,7,20-24).
4. Cùng đích của cuộc sống người môn đệ là vinh quang. Con đường là "noi gương Đức Kitô," bằng cách sống trong tình yêu và chết trên Thánh giá vì tình yêu. Người môn đệ "phải, theo một cách nói, đi vào trong Người với trọn vẹn bản thân mình, người ấy phải 'chiếm hữu' và đồng hóa với tòan thể thực tại của biến cố Nhập thể và Cứu chuộc để tìm lại chính mình" (Redemptor Hominis, n. 10). Đức Kitô phải đi vào trong "tôi" để giải thóat nó khỏi tính ích kỷ và kiêu căng, như thánh Ambrosio nói, "Ước gì Đức Kitô đi vào trong linh hồn của anh, ước gì Đức Giêsu làm chỗ cư ngụ trong tư tưởng của anh để lọai bỏ mọi không gian dành cho tội lỗi trong căn lều linh thánh của nhân đức" (Chú giải thánh vịnh 118, từ "daleth," 26).
5. Vì thế Thánh giá, dấu chỉ của tình yêu và trao ban trọn vẹn, là huy hiệu của người môn đệ được mời gọi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô vinh quang. Một giáo phụ của Giáo Hội Đông phương cũng là một thi sĩ đầy cảm hứng, Roman Melode, nói với các môn đệ những lời này: "Anh em có Thánh giá như cây gậy, hãy cậy dựa tuổi trẻ của anh em vào nó. Hãy mang nó trong lời cầu nguyện của anh em, hãy mang nó tới bàn làm việc chung, hãy mang nó tới giường của anh em, và hãy để nó trở thành danh hiệu vinh quang của anh em... Hãy nói với vợ anh em rằng giờ đây thánh giá liên kết với anh em: tôi quỳ xuống dưới chân Thánh giá. Trong lượng từ bi vô biên của Ngài, xin hãy ban bình an cho hòan vũ, xin hãy trợ giúp Hội Thánh, xin hãy giữ gìn các vị mục tử, và đem lại sự hòa thuận cho đoàn chiên, để tất cả chúng con sẽ luôn hát bài ca phục sinh của chúng con" (Thánh ca 52 "Với những người mới chịu phép thánh tẩy," câu 19 và 22).
+ Gioan-Phaolô II
Phan Du Sinh