LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2001



ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
THÔNG ĐIỆP NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI 2001
(13/12/2001)
Tòa Thánh vừa công bố thông điệp nhân ngày Hòa Bình Thế Giới Lần Thứ 34 của Đức Thánh Cha. Thông điệp này rất quan trọng vì phản ảnh quan điểm của Tòa Thánh trước tình hình thế giới phức tạp hiện nay. Đồng thời cũng nói lên thái độ của chúng ta phải có trong các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, cũng như giữa cá nhân và xã hội. VietCatholic xin trân trọng giới thiệu với quý cha và anh chị em toàn văn thông điệp này. Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An.
Không có hòa bình nếu không có công lý
Không có công lý nếu không có sự tha thứ
1. Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay được cử hành dưới bóng mây u ám của biến cố bi đát ngày 11/09 năm ngoái. Vào ngày đó, con người đã phạm một tội ác ghê gớm: trong vài giờ ngắn ngủi, hàng ngàn người vô tội thuộc nhiều nguồn gốc chủng tộc khác nhau đã bị giết hại. Từ đó trở đi, con người trên khắp thế giới cảm thấy một sự yếu đuối cá nhân sâu sắc và một nỗi lo sợ mới cho tương lai. Trong khi đề cập đến tình trạng này của nhận thức, Giáo Hội tuyên tín niềm hy vọng của mình, dựa vào niềm xác tín rằng, tội ác, và quyền lực tăm tối không phải là tiếng nói cuối cùng trong những vấn đề của nhân loại. Lịch sử ơn cứu độ, được trình thuật trong Thánh Kinh, giãi chiếu một ánh sáng rõ ràng cho toàn bộ lịch sử của thế giới, và chứng tỏ với chúng ta rằng các biến cố của loài người luôn được đi kèm bởi sự Quan Phòng đầy thương xót của Thiên Chúa, Đấng có thể cảm động được những tâm hồn chai đá nhất và mang lại hoa trái từ chính những chỗ khô cằn nhất.
Niềm hy vọng nuôi dưỡng Giáo Hội trong những ngày đầu năm 2002 là niềm tin rằng, nhờ hồng ân của Thiên Chúa, một thế giới, trong đó uy quyền của sự dữ mà một lần nữa có vẻ đang ở thế thượng phong, sẽ được cải hóa thành một thế giới, nơi mà những ước vọng cao thượng nhất trong tâm khảm con người sẽ chiến thắng, một thế giới mà hòa bình thực sự sẽ thắng thế.
Hòa bình: tác phẩm của công lý và yêu thương.
2. Những biến cố gần đây, bao gồm những vụ thảm sát vừa nêu, dẫn cha quay trở lại một chủ đề thường khuấy động tâm tư cha, khi cha nhớ đến những biến cố trong lịch sử đánh dấu cuộc đời cha, đặc biệt thời thanh niên.
Những sự chịu đựng đau khổ lớn lao của các dân tộc và cá nhân, ngay cả giữa những bạn bè và người thân quen của cha, gây ra bởi chế độ quốc xã và chế độ cộng sản độc tài không bao giờ rời xa những ý nghĩ và những lời cầu nguyện của cha. Cha thường dừng lại để suy tư trên một câu hỏi đeo đuổi nhiều năm: Làm sao chúng ta phục hồi lại được trật tự đạo đức và xã hội đã bị chi phối bởi những bạo lực kinh khủng đó? Niềm tin do suy luận của cha, được củng cố bằng những mạc khải trong Thánh Kinh cho thấy trật tự đã bị tàn phá không thể nào được phục hồi như nguyên trạng, trừ phi có một đáp trả bao gồm công lý và sự tha thứ. Cột trụ của hòa bình thật sự là công lý và sự tha thứ, một dạng thức đặc biệt của tình yêu.
3. Tuy nhiên trong tình trạng hiện nay, làm sao chúng ta có thể nói về công lý và tha thứ như là nguồn gốc và điều kiện của hòa bình? Chúng ta có thể và phải làm dù cho khó khăn tới đâu: một thách đố đầu tiên đến từ nhận thức là quan niệm cho rằng công lý và tha thứ không thể đi chung với nhau được. Nhưng tha thứ là mặt đối lập của hờn oán và trả thù, chứ không phải mặt đối lập của công lý. Thực ra, hòa bình thực sự là "hoạt động của công lý" (Is 32:17). Công Đồng Chung Vatican đã định nghĩa, hòa bình là "hoa trái của trật tự đúng đắn giữa các sự vật mà Đấng Tạo Hóa Chí Thánh đã gây dựng nơi xã hội loài người, và [hòa bình] phải được cụ thể hóa bởi lòng khao khát của con người cho sự thống trị của một nền công lý hoàn hảo hơn bao giờ". (Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 78). Hơn 150 năm qua, Giáo Hội Công Giáo luôn lập lại giáo huấn của Thánh Augustinô thành Hippo về điểm này. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình, điều phải được xây dựng trên thế giới này là hòa bình của trật tự đúng đắn - tranquillitas ordinis, trạng thái tĩnh lặng của trật tự (xem. De Civitate Dei, 19,13).
Hòa bình thực sự, do đó, là hoa trái của công lý, được các nhân đức và luật pháp bảo đảm cho sự tôn trọng hoàn toàn quyền lợi và trách nhiệm, và đồng thời chia sẻ cách công bằng lợi ích và gánh nặng. Nhưng vì công lý của loài người luôn mỏng dòn và không hoàn thiện, bị giới hạn vì tính ích kỷ của cá nhân và phe nhóm, công lý cần phải được bao gồm và hoàn thiện bởi sự tha thứ có giá trị chữa lành và tái lập lại từ căn bản các mối quan hệ bị gẫy đổ giữa con người với nhau. Điều này là đúng trong mọi trường hợp dù lớn hay nhỏ, ở mức độ cá nhân hay rộng hơn, và ngay cả trên phạm vi thế giới. Sự tha thứ không thể, trong bất cứ chiều kích nào, là đối lập của công lý và không thể nói rằng tha thứ là bỏ qua không sửa sai điều lỗi lầm. Hơn thế nữa, tha thứ là sự viên mãn của công lý, dẫn đến trạng thái tĩnh lặng của trật tự hơn là sự mỏng dòn và tạm bợ của thù hận, vì sự tha thứ chữa lành các vết thương tệ hại trong lòng người. Cả công lý và tha thứ đều là cần thiết cho những sự chữa lành như vậy.
Đó là hai chiều kích của hòa bình mà cha muốn đề cập trong thông điệp này. Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay mang đến cho toàn nhân loại, đặc biệt các nhà lãnh đạo các nước, cơ hội để phản tỉnh về những đòi hỏi công lý và lời mời gọi tha thứ khi đối diện với những vấn đề nghiêm trọng đang tiếp tục gây đau thương cho thế giới, chứ không chỉ giới hạn trong cái tối thiểu của vấn đề là một tầm mức mới của bạo động vừa gây ra bởi chủ nghĩa khủng bố có tổ chức.
Thực trạng của chủ nghĩa khủng bố
4. Chính hòa bình sinh ra từ công lý và sự tha thứ đã bị tấn công bởi chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Trong những năm gần đây, đặc biệt sau thời kỳ chiến tranh lạnh, chủ nghĩa khủng bố đã phát triển thành một mạng lưới phức tạp những dính líu về chính trị, kinh tế và kỹ thuật vượt quá biên giới các nước để bao gồm toàn thế giới. Các nhóm khủng bố có tổ chức có thể cậy dựa vào những nguồn tài chính khổng lồ và phát triển các phương án rộng lớn, tấn công người vô tội không dính dáng gì tới những mục tiêu mà những kẻ khủng bố này theo đuổi.
Khi những tổ chức khủng bố dùng những kẻ theo họ như là vũ khí để tấn công chống lại những người vô phương tự vệ và không ngờ tới, họ chứng tỏ rõ ràng lòng muốn chết đang nung nấu trong họ. Chủ nghĩa khủng bố bắt nguồn từ thù hận, và nó tạo ra tình trạng cô lập, không tin tưởng lẫn nhau và đóng kín. Bạo lực kéo theo bạo lực trong một chuỗi bi đát kéo dài qua nhiều thế hệ, mỗi người thừa hưởng sự thù hận đã chia rẽ cha ông họ. Chủ nghĩa khủng bố xây dựng trên sự coi thường sinh mạng con người. Nó không những phạm vào những tội ác không thể dung thứ được mà chính việc nó dùng tới khủng bố như phương tiện chính trị và quân sự, đã làm cho chính nó nên một tội ác thực sự chống lại loài người.
5. Do đó, người ta có quyền tự vệ chống lại khủng bố, một quyền lợi mà luôn luôn phải được thực thi với sự tôn trọng các giới hạn đạo đức và luật pháp trong cứu cánh cũng như trong các phương tiện được đem ra sử dụng. Kẻ có tội cần phải được nhận diện đúng đắn vì trách nhiệm về tội ác gây ra luôn có tính cá nhân và không thể nới rộng ra cho cả một quốc gia, một nhóm chủng tộc, hay là một tôn giáo mà những kẻ khủng bố tin theo. Sự hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố cần bao gồm cả những dấn thân can đảm và cương quyết về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế để giảm nhẹ các tình trạng chống đối và tình trạng bị gạt ra ngoài lề đang tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố lợi dụng. Trong thực tế, việc tuyển mộ các kẻ khủng bố diễn ra dễ dàng hơn nhiều khi quyền lợi bị chà đạp và bất công ngự trị trong một thời gian dài.
Cũng cần khẳng định mạnh mẽ ngay rằng tình trạng bất công tồn tại trên thế giới hiện nay không thể được dùng như một lý do biện minh cho các hoạt động khủng bố và cần lưu ý ngay rằng nạn nhân của tình trạng hỗn loạn mà những kẻ khủng bố muốn đạt được bao gồm vô số triệu người không thể chống đỡ nổi trước sự sụp đổ của một thế giới liên đới – chẳng hạn, những người ở các nước đang phát triển, những người đang sống một cuộc sống bấp bênh và những người sẽ bị ảnh hưởng nặng vì tình trạng chao đảo về kinh tế và chính trị. Điều những kẻ khủng bố thường rêu rao cho rằng họ hành động nhân danh những người nghèo là một tuyên bố không đúng.
Ngươi không được giết người nhân danh Thiên Chúa !
6. Những kẻ giết người qua hành động khủng bố thực sự thất vọng về tình người, cuộc sống và tương lai. Dưới cái nhìn của họ, mọi sự đều đáng ghét và đáng bị hủy hoại. Những kẻ khủng bố cho rằng chân lý mà họ tin theo hay những đau khổ mà họ đang gánh chịu là quá tuyệt đối đến nỗi ngay cả khi họ phản ứng lại thế giới bằng cách giết người vô tội, thì phản ứng ấy vẫn có thể biện minh được. Chủ nghĩa khủng bố thường là hệ quả của chủ nghĩa cuồng tín bắt nguồn từ xác tín rằng hiểu biết về chân lý của một người cần phải được áp đặt lên những người khác nữa. Thật ra, ngay cả khi đã đạt đến được chân lý, một điều chỉ có thể xảy ra một cách rất giới hạn và bất toàn, cũng không nên áp đặt chân lý. Tôn trọng lương tâm con người, nơi hình ảnh của Thiên Chúa được phản ảnh(xem Sáng Thế Ký 1:26-27), nghĩa là chúng ta chỉ có thể đề nghị chân lý cho kẻ khác, những người sẽ nhận lấy trách nhiệm có chấp nhận chân lý ấy hay không. Khi sử dụng bạo lực để áp đặt chân lý, chúng ta đã coi chân lý như một điều chống lại phẩm giá con người và xét cho cùng là chống lại Thiên Chúa, Đấng mà hình ảnh của Ngài được phản ảnh nơi con người. Vì lý do đó, điều thường được nhắc đến như chủ nghĩa cuồng tín, là một thái độ mạnh mẽ chống lại niềm tin nơi Thiên Chúa. Chủ nghĩa khủng bố không chỉ lợi dụng người ta mà còn lợi dụng cả Thiên Chúa: nó kết thúc bằng việc đưa Ngài ra như ngẫu tượng để phục vụ những mục đích cá nhân.
7. Thành thử, không nhà lãnh đạo tôn giáo nào lại có thể tán thành khủng bố, nói chi đến việc rao giảng nó. Đó là một biến tướng của tôn giáo khi xưng mình là một kẻ khủng bố nhân danh Thiên Chúa, để thực thi bạo lực trên kẻ khác. Bạo lực khủng bố là điều chống lại đức tin nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của con người, Đấng chăm sóc và thương yêu con người. Điều đó hoàn toàn chống lại đức tin nơi Chúa Kitô, Đấng đã dạy các môn đệ hãy xin "Tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha nợ cho kẻ khác" (Mt 6:12).
Theo giáo huấn và gương mẫu của Đức Giêsu, người Kitô hữu tin rằng yêu thương là thể hiện một sự thật của cuộc đời chúng ta: chúng ta có thể và phải có lòng thương xót vì Chúa, Đấng là Tình Yêu, đã tỏ lòng thương xót của Ngài trên chúng ta. (xem. 1 Jn 4:7-12). Thiên Chúa, Đấng đã đến trong lịch sử để cứu độ chúng ta, và qua bi kịch của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chuẩn bị cho vinh quang của Chúa Nhật Phục Sinh, là Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ (xem Thánh Vịnh. 103:3-4, 10-13). Chính thế mà Đức Giêsu Kitô đã bảo những kẻ thách thức Ngài khi Ngài dùng bữa với những kẻ tội lỗi "Ta ao ước lòng thương xót hơn của lễ hy sinh". "Vì ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là những người tội lỗi" (Mt 9:13). Những người theo Chúa, được rửa tội trong Sự Chết và sự Phục Sinh cứu độ của Ngài, phải luôn luôn là những người nam, những người nữ của lòng thương xót và tha thứ.
Nhu cầu của sự tha thứ
8. Nhưng tha thứ thực sự nghĩa là gì ? Và tại sao chúng ta lại phải tha thứ ? Một sự suy niệm thực sự về tha thứ không thể tránh khỏi những câu hỏi này. Trở lại điều mà cha đã viết trong Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 1997 ("Cho đi sự tha thứ và nhận lại hòa bình"), cha tái xác nhận rằng tha thứ phải bén rễ trong lòng người trước khi nó có thể trở thành một thực tại xã hội. Chỉ khi luật và văn hóa của yêu thương ngự trị, chúng ta mới hy vọng có "chính trị" của tha thứ, thể hiện nơi thái độ của xã hội và luật pháp, sao cho qua đó, công lý có một tính cách nhân bản hơn.
Tha thứ, trên tất cả, là một sự lựa chọn cá nhân, một quyết định của con tim chống lại bản tính tự nhiên là ăn miếng trả miếng. Động lực của một quyết định như thế là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã kéo chúng ta đến bên Ngài bất chấp tội lỗi chúng ta. Một gương mẫu hoàn thiện của điều này là sự tha thứ của Chúa Kitô, Đấng mà trên cây Thập Tự đã cầu nguyện "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lk 23:34).
Tha thứ, do đó, có một nguồn gốc và chuẩn mực thánh thiện. Điều này không có nghĩa là người ta không thể hiểu nổi ý nghĩa của sự tha thứ dưới ánh sáng của lý trí, nhưng trái lại, đặc biệt, khi con người làm điều gì sai quấy, họ có thể cảm nhận được ý nghĩa của sự tha thứ. Họ cảm nhận được sự yếu đuối của họ, và muốn mọi người đối xử cách cảm thông với họ. Như thế, sao không đối xử với người khác theo cách như ta muốn họ cư xử với ta ? Tất cả nhân loại hân hoan với niềm hy vọng có thể bắt đầu lại từ đầu và không muốn bị chôn vùi muôn đời trong tội lỗi và sai phạm. Tất cả họ đều muốn hướng nhìn về tương lai và khám phá những khả năng mới của tin tưởng và cam kết.
9. Tha thứ, một hành động hoàn toàn nhân bản, do đó, trên hết là một bước tiến cá nhân. Nhưng những cá nhân, thành tố cần thiết cho xã hội, được đặt trong những mối tương quan, qua đó, họ thể hiện chính họ trong những cách thức tốt cũng như xấu. Hệ quả là xã hội tuyệt đối cần đến sự tha thứ. Các gia đình, các nhóm, các hiệp hội, quốc gia và chính cộng đồng quốc tế cần sự tha thứ để canh tân những liên hệ đã bị hủy hoại, vượt qua tình trạng lên án lẫn nhau và vượt qua cám dỗ đối xử phân biệt với nhau không chút xót thương. Khả năng có tha thứ được cho nhau hay không chính là cơ sở của một xã hội tương lai đánh dấu bởi công lý và tình liên đới.
Nếu không tha thứ được cho nhau, cách riêng trong một cuộc xung đột kéo dài, con người phải trả giá đắt về phương diện phát triển của nhân loại. Tài nguyên được dùng cho vũ khí hơn là cho phát triển, hòa bình và công lý. Những đau khổ hằn sâu trên nhân loại vì không hòa giải được với nhau. Biết bao sự ngưng trệ trong các tiến trình vì không tha thứ được! Hòa bình là điều cần thiết cho sự phát triển, nhưng hòa bình thực sự chỉ thực hiện được thông qua sự tha thứ.
Tha thứ, một đại lộ
10. Sự tha thứ không phải là một đề nghị có thể hiểu ngay tức thì hay dễ dàng chấp nhận, trong nhiều trường hợp đó là một điều rất nghịch lý. Tha thứ luôn luôn liên quan đến những thiệt hại trước mắt để có thể dành được những lợi ích lâu dài. Bạo lực chính là điều ngược lại, được chọn vì những mục tiêu thấy được trước mắt nhưng liên quan đến một sự mất mát thực sự và vĩnh viễn. Tha thứ có vẻ như yếu đuối, nhưng lại đòi hỏi sức mạnh tinh thần lớn lao và lòng can đảm đạo đức, cả khi thứ tha cũng như khi được tha thứ. Theo nghĩa nào đó, tha thứ có vẻ làm ta yếu đi, nhưng thực ra tha thứ dẫn đưa chúng ta đến một nhân tính đầy đủ và phong phú hơn, rạng ngời hơn với hào quang huy hoàng của Đấng Tạo Hóa.
Tác vụ phục vụ Tin Mừng của cha buộc cha, và đồng thời cho cha sức mạnh để lập đi lập lại sự cần thiết của tha thứ. Hôm nay, cha lập lại lần nữa trong niềm hy vọng khuấy động được suy nghĩ nghiêm chỉnh và trưởng thành về chủ đề này, với viễn kiến xa hơn về sự trỗi dậy của tình nhân loại trong con tim cá nhân và trong mối quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.
11. Trong khi suy tư về sự tha thứ, trí óc chúng ta tự nhiên hướng đến những trạng huống tranh chấp không ngừng nuôi dưỡng hận thù sâu sắc và chia rẽ; và một chuỗi dường như bất tận các thảm kịch cá nhân và tập thể. Cha muốn nhắc đến cách riêng những gì đang diễn ra tại Thánh Địa, nơi diễm phúc được Thiên Chúa chọn để gặp gỡ loài người, nơi Đức Giêsu, Hoàng Tử của Hòa Bình, đã sống, đã chết và đã trỗi dậy từ trong kẻ chết.
Tình trạng khủng hoảng hiện nay của thế giới thúc giục một lời mời gọi mạnh mẽ hơn để giải quyết xung đội Ả rập và Do Thái, đã tiếp diễn đến nay là hơn 50 năm, luân phiên với những thời kỳ lúc căng thẳng lúc hòa hoãn. Sự liên tục chọn lựa những hành vi bạo lực và chiến tranh làm xấu đi tình hình và làm tiêu tan hy vọng về mọi phía, cuối cùng cần phải nhường bước cho một giải pháp thương lượng. Quyền lợi và những đòi hỏi của mỗi bên cần phải được nghiên cứu thỏa đáng và cân bằng một cách bình đẳng, nếu và khi người ta có ý chí muốn cho công lý và hòa giải thắng thế. Một lần nữa tôi kêu gọi những dân tộc đáng yêu tại Thánh Địa hãy hành động cho một thời kỳ mới tôn trọng lẫn nhau và đoàn kết xây dựng.
Hiểu biết và hợp tác liên tôn
12. Trong nỗ lực tổng thể này, các nhà lãnh đạo tôn giáo có một trách nhiệm nặng nề. Các hệ phái Kitô Giáo cũng như các tôn giáo lớn trên thế giới, cần hoạt động cùng nhau để loại trừ những lý do xã hội và văn hóa của chủ nghĩa khủng bố. Họ có thể làm được điều đó qua việc rao giảng về sự cao cả và phẩm giá của con người, và qua việc truyền bá một ý tưởng rõ rệt hơn về tính duy nhất của gia đình nhân loại. Đây là một phạm vi đặc biệt của đại kết và của đối thoại và hợp tác liên tôn, một sứ vụ bức bách mà tôn giáo có thể đóng góp cho hòa bình thế giới.
Đặc biệt, tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo cần phải đi tiên phong trong việc công khai lên án chủ nghĩa khủng bố và bác bỏ bất cứ hình thức tán đồng với những kẻ khủng bố về mặt tôn giáo hay đạo đức.
13. Khi cùng làm chứng cho sự thật rằng việc cố ý giết hại người vô tội luôn luôn là một tội trọng, ở mọi nơi, không có một miễn trừ nào, các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới sẽ giúp hình thành một công luận tốt lành về phương diện đạo đức rất cần thiết cho việc xây dựng một một xã hội dân sự quốc tế có khả năng theo đuổi sự thanh bình của trật tự trong công lý và tự do.
Trong khi theo đuổi một dấn thân như thế, các tôn giáo khác nhau không thể chọn con đường nào khác hơn là tha thứ, là con đường mở ra sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Sự trợ giúp mà các tôn giáo có thể đem đến cho hòa bình và chống lại chủ nghĩa khủng bố bao gồm chính xác trong giáo huấn của họ về sự tha thứ, vì những ai tha thứ và tìm kiếm sự thứ tha biết rằng có một Chân Lý cao hơn, và rằng qua việc chấp nhận Chân Lý ấy, họ có thể vượt qua chính họ.
Lời cầu cho hòa bình
14. Chính vì lý do này, lời cầu nguyện cho hòa bình không phải là một việc phụ thêm vào hoạt động cho hòa bình. Lời cầu cho hòa bình chính là nét tinh túy trong việc kiến tạo hòa bình của trật tự, công lý và tự do. Cầu nguyện cho hòa bình là mở trái tim nhân loại của ta ra cho quyền năng Thiên Chúa canh tân mọi sự. Với ân sủng ban sự sống, Thiên Chúa có thể mở những lối cho hòa bình nơi mà con người chỉ thấy hiển nhiên toàn những bế tắc và đóng kín, ngài có thể kiện toàn và nhân rộng lên tình liên đới của gia đình nhân loại thay cho lịch sử bất tận những chia rẽ và tranh chấp của chúng ta. Cầu cho hòa bình là cầu cho công lý, cho một trật tự đúng đắn của những mối quan hệ bên trong và giữa các quốc gia và các dân tộc. Đó là cầu nguyện cho tự do, đặc biệt cho tự do tôn giáo là nhân quyền và quyền dân sự căn bản của mỗi cá nhân. Cầu nguyện cho hòa bình là tìm kiếm sự thứ tha của Thiên Chúa, và cầu xin sự can đảm để tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta.
Vì tất cả những lý do này, tôi đã mời các đại diện của các tôn giáo trên thế giới đến Assisi, quê hương của thánh Phanxicô, vào ngày 24/01/2002, để cầu nguyện cho hòa bình. Làm như vậy, chúng ta sẽ chứng tỏ rằng niềm tin tôn giáo chân thật là nguồn mạch bất tận của sự tôn trọng lẫn nhau, và của sự hài hòa giữa các dân tộc, và thực sự là phương thuốc chủ yếu chữa trị bạo lực và tranh chấp. Ngay vào lúc đau thương nhất này, gia đình nhân loại cần được nhắc nhở về những lý do hy vọng chắc chắn của chúng ta. Đó chính là niềm hy vọng mà chúng ta sẽ công bố tại Assisi, khi kêu cầu Thiên Chúa Toàn Năng – trong thành ngữ đẹp đẽ được gán cho chính thánh Phanxicô – hãy biến chúng ta thành khí cụ hòa bình.
15. Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không có sự tha thứ : đây chính là điều mà trong Thông Điệp này tôi muốn nói với cả những tín hữu cũng như những người không phải là tín hữu, tất cả những người nam và người nữ thiện chí đang quan tâm đến ích lợi và tương lai của gia đình nhân loại.
Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không có sự tha thứ: đây chính là điều mà tôi muốn gởi đến những ai chịu trách nhiệm về tương lai của cộng đồng nhân loại, mong họ được dẫn dắt trong các quyết định nặng nề và khó khăn dưới ánh sáng của điều thiện chân thật là lợi ích chung của toàn nhân loại.
Không có hòa bình nếu không có công lý, không có công lý nếu không có sự tha thứ : Tôi sẽ không mệt mỏi để nhắc lại lời cảnh cáo này đến những ai, vì lý do này hay lý do khác, đang nuôi dưỡng cảm giác thù hận, một ước vọng trả thù hay một ý chí muốn hủy diệt.
Nhân ngày Hòa Bình Thế Giới, cầu xin cho một lời cầu hòa bình mãnh liệt hơn nữa vươn lên từ những trái tim của tất cả các tín hữu cho những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, cho những gia đình đã quá tang thương của họ, và cho tất cả các dân tộc đang tiếp tục bị thương tổn và lung lay vì khủng bố và chiến tranh. Cầu xin cho ánh sáng của những lời nguyện của chúng ta soi sáng ngay cả những kẻ đã xúc phạm nghiêm trọng đến Thiên Chúa và loài người qua những hành động không chút xót thương, sao cho họ có thể nhìn vào bên trong nội tâm họ, thấy được tội ác họ gây ra, từ bỏ tất cả các ý hướng bạo lực và tìm kiếm sự tha thứ. Trong những thời điểm rối rắm này, cầu xin cho toàn thể gia đình nhân loại tìm thấy nền hòa bình chân thật và trường cửu, được sinh ra từ cuộc hôn nhân giữa công lý và lòng thương xót !
Từ Vatican, Ngày 8 Tháng Mười Hai Năm 2001
+ GIOAN PHAOLÔ II