ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
SỨ ĐIỆP
"NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TA"
GỬI CHO GIỚI TRẺ NHÂN NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 15
Các bạn trẻ thân mến,
1. Cách đây 15 năm, khi bế mạc Năm Thánh Cứu chuộc, cha đã trao cho các con cây Thánh Giá lớn bằng gỗ và mời gọi các con đem đi khắp thế giới như dấu chỉ tình yêu của Đức Giêsu đối với nhân loại, và để loan báo cho mọi người rằng duy nơi Đức Giêsu Tử nạn và Phục sinh mới có ơn cứu độ và cứu chuộc. Kể từ ngày đó, nhờ những cánh tay và những tâm hồn quảng đại, cây Thánh giá này đã trải qua một cuộc hành hương dài không ngưng nghỉ qua các lục địa, hầu chứng tỏ rằng Thánh Giá luôn đồng hành với người trẻ và người trẻ luôn đồng hành với Thánh Giá.
Những ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã khai sinh và phát triển chung quanh "Cây Thánh Giá Năm Thánh" như là "những khoảnh khắc dừng chân" đầy ý nghĩa trong cuộc hành trình của các con với tư cách là Kitô hữu ; đó là một lời mời gọi bền bỉ và mạnh mẽ để xây dựng cuộc đời của mình trên nền đá là Chúa Kitô. Làm sao chúng ta lại không thể chúc tụng Chúa vì vô vàn vô số hoa trái mà các ngày Quốc tế Giới Trẻ đã làm nảy sinh trong tâm hồn các cá nhân và toàn thể Giáo Hội, mà trong những năm cuối cùng của thế kỷ này, những ngày ấy đã đánh dấu cuộc hành trình của người tín hữu trẻ hướng về thiên niên kỷ mới ?
Sau khi đi vòng quanh thế giới, cây Thánh Giá ấy trở lại Roma mang theo những lời cầu nguyện và lời cam kết của hàng triệu người trẻ, những người đã nhận ra nơi Thánh Giá dấu chỉ đơn sơ và thánh thiêng của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người. Vì như các con biết, Roma sẽ là nơi tổ chức ngày quốc tế giới trẻ năm 2000, đúng vào Đại Năm Thánh.
Vì thế các bạn trẻ thân mến, cha mời gọi các con hãy hân hoan lên đường hành hương tới Roma cho cuộc hẹn quan trọng này của Giáo hội, cuộc hẹn này đúng là "Năm thánh của giới trẻ". Hãy chuẩn bị bước qua Cửa Thánh, biết rằng bước qua Cửa này là để củng cố lòng tin của các con vào Đức Giêsu hầu các con được sống cuộc sống mới mà Người đã ban cho chúng ta (Xc Mầu nhiệm Nhập thể 8)
2. Cha chọn đề tài của ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 15 bằng một câu súc tích mà thánh Gioan Tông đồ đã dùng để diễn tả mầu nhiệm sâu thẳm của việc Thiên Chúa làm người : "Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Sự khác biệt giữa niềm tin Kitô và các tôn giáo khác trên thế giới đó là Kitô giáo xác tín rằng : Đức Giêsu làng Nazareth là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể làm người, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi đã đến trần gian. "Đó là niềm xác tín đầy vui sướng của Giáo Hội ngay từ thời đầu, mỗi khi Giáo Hội ca tụng 'mầu nhiệm của đạo chúng ta' : 'Người đã tỏ mình trong xác phàm" (GLGHCG 463). Thiên Chúa vô hình là Đấng sống động và hiện diện nơi con người Đức Giêsu, con Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đức Giêsu làng Nazareth là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng Emmanuel : ai nhận biết Người là nhận biết Thiên Chúa, ai thấy Người là thấy Thiên Chúa, ai bước theo Người là bước theo Thiên Chúa, ai kết hiệp với Người là kết hiệp với Thiên Chúa (xc. Ga 12,44-50). Nơi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người trong khi làm cho con người có thể đến gần Thiên Chúa, đồng thời thiết lập giao ước với con người.
Một lần nữa, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới, cha tha thiết mời gọi các con mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô, "Đấng ban cho tất cả những ai đón nhận Người được trở nên con cái của Thiên Chúa"(Ga 1,12). Đón nhận Chúa Kitô có nghĩa là chấp nhận từ Thiên Chúa Cha giới răn sống trong tình yêu đối với Người và với tha nhân, liên đới với tất cả mọi người không phân biệt ai ; đón nhận Chúa Kitô có nghĩa là tin rằng cho dầu lịch sử nhân loại có in đậm dấu vết của sự dữ và đau khổ, thì lời nói cuối cùng vẫn thuộc về sự sống và tình yêu, bởi vì Thiên Chúa đã đến và cư ngụ giữa chúng ta, do đó, chúng ta cũng được ở trong Người.
Trong biến cố Nhập Thể, Chúa Kitô đã trở nên nghèo khó để cho chúng ta được trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người, Người đã ban cho chúng ta ơn cứu chuộc là hoa trái quan trọng hơn hết từ máu Người đã đổ ra trên Thập Giá (x. GLGHCG 517). Trên Núi Sọ, "Người nhận lấy mọi khổ đau của chúng ta... Người đã bị đâm thâu vì tội lỗi của chúng ta" (Is 53,4-5). Sự hy sinh cao cả của Người để tự do trao ban sự sống hầu cứu độ chúng ta là bằng chứng tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chính vì thế, thánh Gioan viết : "TC đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một Người để bất cứ ai tin vào Con của Người thì không chết nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).
Thiên Chúa đã sai Người đến để chia sẻ thân phận con người với chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa đã “trao ban" trọn vẹn Chúa Kitô cho con người để qua cái chết của Người, con người được ơn hoà giải, cho dù loài người ngoan cố khước từ và sát hại Người (x. Mt 21,33- 39). "Thiên Chúa tạo hoá đã được mạc khải như là Thiên Chúa Cứu chuộc, Đấng 'trung tín với chính mình”, đồng thời trung tín với tình yêu thương dành cho con người và dành cho thế giới, tình yêu mà Người đã mạc khải trong ngày tạo dựng... Nếu con người đã có Đấng cứu chuộc cao cả như thế, thì đối với Đấng Tạo hóa, con người quí giá biết bao" (Đấng cứu chuộc con người 9.10).
Đức Giêsu đã đi tới cái chết. Người đã không tháo lui trước bất cứ hậu quả nào của biến cố Thiên Chúa 'ở cùng chúng ta'. Người đã thay thế chỗ của chúng ta, và trên Thập Giá, Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi sự dữ và tội lỗi (xc. Tin mừng về sự sống 50). Như viên đại đội trưởng người Roma, khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu, đã nhận ra Người là Con Thiên Chúa (xc. Mc 15,39). chúng ta cũng thế, nhờ chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa thực sự là Đấng nào, khi Người mạc khải nơi Đức Kitô tình yêu sâu thẳm của Người đối với nhân loại (xc. Đấng cứu chuộc con người 9). "Khổ nạn" có nghĩa là một tình yêu say đắm, cho đi không tính toán : cuộc tử nạn của Đức Giêsu là tột đỉnh của trọn cuộc sống "hiến thân" cho tha nhân để mạc khải trái tim của Thiên Chúa Cha. Thánh Giá dường như được dựng đứng từ đất lên, nhưng thực ra là từ trời chạm tới đất, như vòng tay Thiên Chúa giang ra để ôm trọn vũ trụ vào lòng. Thánh Giá mạc khải chính mình 'là trung tâm, là ý nghĩa và cứu cánh của toàn bộ lịch sử cũng như cuộc sống của từng người' (Tin mừng về sự sống 50).
"Một người đã chết thay cho mọi người" (2Cr 5,14). Đức Giêsu "đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa" (Ep 5,2). Đàng sau cái chết của Đức Giêsu là cả một chương trình trình yêu thương mà lòng tin của Giáo Hội gọi là "Mầu nhiệm Cứu chuộc": toàn thể nhân loại được cứu chuộc, nghĩa là được giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi và được dẫn đưa vào Nước Thiên Chúa, Đức Kitô là Chúa của trời đất. Ai lắng nghe lời Người và tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống trần gian này, thì có được sự sống đời đời (xc. Ga 5,25). Người là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29.36), là vị Thượng tế đã chịu đau khổ như chúng ta, có thể chia sẻ sự yếu hèn của chúng ta (xc. Hr 4,14), Người "trở nên toàn vẹn" qua kinh nghiệm khổ đau trên Thập Giá, trở nên "ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả mọi kẻ vâng phục Người" (Hr 5,9).
3. Các bạn trẻ thân mến, đứng trước những mầu nhiệm vĩ đại này, các con hãy nâng tâm hồn lên cao trong thái độ chiêm ngắm. Hãy dừng lại ngây ngất ngắm nhìn Hài nhi mà Mẹ Maria đã sinh ra, được quấn trong tã và đặt trong máng cỏ: Hài nhi ấy là chính Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta. Các con hãy nhìn vào Đức Giêsu làng Nazareth, được một số người tiếp nhận, nhưng bị những người khác khinh dể, chế nhạo và khước từ: Người là Đấng Cứu Thế của mọi người. Các con hãy thờ lạy Chúa Kitô, Đấng Cứu chuộc chúng ta, Người đã chuộc lại và giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết: Người là Thiên Chúa hằng sống, là nguồn mạch sự sống.
Hãy chiêm niệm và suy tư ! TC tạo dựng nên chúng ta để chia sẻ chính sự sống của Người cho chúng ta; Người mời gọi chúng ta trở thành con cái của Người, trở thành những chi thể sống động trong Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Kitô, trở nên đền thờ sáng láng của Thần Khí Tình Yêu. Người mời gọi chúng ta thuộc về Người, Người muốn cho tất cả chúng ta nên thánh. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy có tham vọng thánh thiện là nên thánh như Người là Đấng thánh.
Các con sẽ hỏi cha rằng : ngày nay người ta có thể nên thánh được không ? Nếu chỉ cậy dựa vào sức lực của con người mà thôi thì thực sự không thể nào nên thánh được. Thật thế, các con đã biết rõ thành công và những thất bại của các con; các con biết đâu là những gánh nặng đè lên đôi vai con người, đâu là những nguy hiểm đe dọa con người và đâu là những hậu quả do tội lỗi con người gây ra. Đôi khi chúng ta chán nản, thậm chí nghĩ rằng không thể thay đổi được gì trong thế giới này cũng như trong chính mình.
Tuy nhiên, cho dẫu cuộc hành trình có khó khăn, chúng ta vẫn có thể làm được mọi sự trong Đấng Cứu chuộc của chúng ta. Vì thế, các con đừng hướng về ai khác ngoài Đức Giêsu. Đừng tìm kiếm ở nơi khác những gì mà chỉ mình Người mới có thể trao ban cho các con, bởi vì "không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ vào danh đó mà chúng ta được cứu độ" (Cv 4, 12). Với Chúa Kitô, trở nên thánh thiện, chương trình mà Thiên Chúa đã vạch ra cho mỗi tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, là điều có thể thực hiện được. Các con hãy cậy dựa vào Người, hãy tin vào sức mạnh vô song của Tin Mừng, và hãy đặt đức tin làm nền tảng niềm hy vọng của các con. Đức Giêsu đồng hành với các con, canh tân trái tim của các con và củng cố sức mạnh cho các con nơi sức mạnh của Thần Khí Người.
Hỡi các bạn trẻ ở khắp các lục địa, đừng sợ trở nên những vị thánh của thiên niên kỷ mới ! Hãy yêu mến chiêm niệm, yêu mến cầu nguyện; hãy gắn bó với đức tin và quảng đại trong việc phục vụ tha nhân, hãy trở thành chi thể sống động trong Giáo Hội và hãy là những người xây dựng hòa bình. Để thành công trong chương trình sống đầy đòi hỏi này, các con phải tiếp tục lắng nghe Lời Chúa, kín múc sức mạnh nơi các bí tích đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Sám hối. Chúa muốn cho các con trở thành những tông đồ can trường loan báo Tin Mừng của Người và xây dựng một nhân loại mới.
Thật thế, làm sao các con có thể khẳng định rằng các con tin vào Thiên Chúa làm người nếu các con không bày tỏ lập trường vững chắc chống lại tất cả những gì hủy diệt con người và gia đình ? Nếu các con tin rằng Đức Giêsu đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho mỗi thụ tạo thì các con không thể không cố gắng góp phần xây dựng một thế giới mới dựa trên sức mạnh của tình yêu và sự tha thứ, dựa trên việc tranh đấu chống lại bất công và mọi thứ khốn cùng về mặt thể lý, luân lý cũng như tinh thần, dựa trên định hướng chính trị, kinh tế, văn hoá kỹ thuật nhằm phục vụ con người và sự phát triển toàn vẹn của con người.
4. Cha chân thành cầu mong Năm Thánh đang gần kề trở thành một dịp tốt để can đảm canh tân đi sống thiêng liêng và là dịp hiếm có để ca mừng tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Khắp nơi trong Giáo Hội sẽ trổi lên "lời tri ân chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa Cha, trong tình yêu thương khôn sánh của Người, đã cho chúng ta được trở nên 'đồng hương với các thánh, là người nhà của Thiên Chúa' nơi Đức Kitô” (Mầu nhiệm nhập thể 6).
Cầu mong chúng ta được an ủi nhờ xác tín của thánh Phaolô : Nếu Thiên Chúa đã không tha Con Một của mình nhưng đã trao ban Người cho tất cả chúng ta, làm sao Chúa lại sẽ không rộng lòng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Người ? Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Trong mọi biến cố của cuộc đời, kể cả cái chết, chúng ta có thể toàn thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến nỗi chết trên Thập Giá (xc. Rm 8, 31- 37).
Mầu nhiệm Nhập Thể của Con TC và Mầu nhiệm Cứu Chuộc mà Người đã thực hiện cho mọi người là sứ điệp chủ yếu trong niềm tin của chúng ta. Giáo Hội không ngừng loan báo mầu nhiệm đó xuyên qua các thế kỷ và bước đi "giữa những hiểu lầm và bách hại của thế gian và sự an ủi của Thiên Chúa" (Thánh Augustin, Thành trì của Thiên Chúa 18, 51; PL 41, 614), đồng thời Giáo Hội ký thác cho con cái mình như kho tàng quí giá đó cần được gìn giữ và chia sẻ.
Cả các con nữa, hỡi các bạn trẻ, các con cũng là những người đã lãnh nhận và được ủy thác di sản ấy, "Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của Giáo Hội. Và chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin đó trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Sách Nghi thức bí tích Thêm sức). Chúng ta sẽ cùng nhau tuyên xưng đức tin đó trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới mà cha hy vọng các con tham dự đông đảo.
Roma là "Thành phố đền thánh', nơi đây, những kỷ niệm về các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và về các vị tử đạo khác nhắc nhớ cho khách hành hương biết ơn gọi của mọi người đã lãnh phép rửa. Trước mặt thế giới, trong tháng tám năm tới, chúng ta sẽ lặp lại lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô tông đồ, "Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai ? Thày mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68), vì "Thày là Con Thiên Chúa Hằng sống" (Mt 16,16).
Cả các con nữa, hỡi các bạn trẻ nam nữ, những người sẽ trưởng thành trong thế kỷ sắp tới, "Cuốn Sách Sự Sống" cũng được trao cho các con, cuốn sách mà trong đêm Giáng Sinh năm nay, với tư cách là người đầu tiên khi bước qua Cửa Thánh, Đức Giáo hoàng sẽ chỉ cho Giáo Hội và thế giới thấy đó là suối nguồn sự sống và niềm hy vọng của thiên niên kỷ thứ ba (Mầu nhiệm nhập thể 8).
Ước chi cuốn sách đó trở thành kho tàng quí báu nhất của các con: bằng việc học hỏi và quảng đại đón nhận Lời Chúa, các con sẽ tìm thấy lương thực và sức mạnh cho cuộc sống hằng ngày, các con sẽ tìm thấy động lực cho sự dấn thân không mệt mỏi trong việc xây dựng nền văn minh tình thuơng.
5. Giờ đây chúng ta hãy hướng nhìn về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa; thành Roma hiện bảo tồn một trong những di tích cổ xưa nhất và đáng tôn kính nhất mà dân chúng Roma đã kính dâng Mẹ, đó là Vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Độ con người gắn liền với biến cố Truyền Tin, khi Thiên Chúa tỏ lộ cho Đức Maria biết chương trình cứu độ của Người và tìm thấy nơi Mẹ, đang ở độ tuổi như các con, một trái tim hoàn toàn sẵn sàng đối với hoạt động tình yêu của Thiên Chúa. Từ bao thế kỷ qua, lòng đạo đức của Giáo Hội, qua lời kinh Truyền Tin mỗi ngày, tưởng niệm việc Thiên Chúa bước vào lịch sử loài người. Ước chi lời kinh ấy cũng trở thành lời kinh mà các con suy niệm mỗi ngày.
Mẹ Maria là rạng đông trước khi Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta, mọc lên. Với lời thưa "Xin Vâng" trong biến cố Truyền Tin, khi hoàn toàn cởi mở chính mình đối với chương trình của Thiên Chúa Cha, Mẹ đã đón nhận và làm cho biến cố Con Thiên Chúa Nhập Thể được thực hiện. Là người môn đệ đầu tiên, trong sự hiện diện âm thầm, Mẹ đã đi theo Đức Giêsu cho tới Núi Sọ và đỡ nâng niềm hy vọng của các tông đồ trong khi các ông chờ đợi biến cố Phục Sinh và Ngũ Tuần. Trong đời sống Giáo Hội, một cách nhiệm mầu, Mẹ vẫn là đấng đi trước biến cố Chúa quang lâm. Cha tin tưởng phó dâng việc chuẩn bị ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 15 cho Mẹ, Đấng luôn luôn thực thi sứ vụ làm mẹ Giáo Hội và làm mẹ của mỗi Kitô hữu.
Các bạn trẻ thân mến, xin Mẹ Maria rất thánh dạy các con biết nhận ra ý Cha trên trời đối với cuộc sống của các con. Xin Mẹ ban cho các con sức mạnh và sự khôn ngoan để các con có thể nói với Chúa và nói về Chúa. Xin gương sáng của Mẹ khích lệ các con trở thành những người loan báo niềm hy vọng, tình yêu thương và hoà bình trong thiên niên kỷ mới này.
Trong khi chờ đợi được gặp các con đông đảo tại Roma vào năm tới, "cha phó thác các con cho Thiên Chúa và Lời Ân sủng của Người, là lời có sức bồi bổ các con và ban cho các con được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hóa" (Cv 20, 32), đồng thời, cha vui sướng và âu yếm ban phép lành Toà thánh cho các con cùng với gia đình và mọi người thân yêu của các con.
Vatican, 29-6-1999, đại lễ thánh Phêrô và Phaolô
Giáo hoàng Gioan Phaolô II
SỨ ĐIỆP
ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
GỬI CHO GIỚI TRẺ
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ
GIỚI TRẺ LẦN THỨ 16
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23)
Lễ Lá, ngày 08.04.2001
Các bạn trẻ thân mến !
1. Khi tôi nói với các bạn, trong niềm vui và thân tình, nhân ngày họp mặt của chúng ta hằng năm, tôi thấy trước mắt tôi và ghi nhớ trong lòng tôi, hình ảnh đầy cảm xúc của "Cánh Cửa" lớn tại khung cảnh Tor Vergata, ở Roma. Chiều ngày 19-8 năm ngoái, lúc khai mạc canh thức của những ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 15. Tay trong tay với 5 người trẻ của 5 lục địa, tôi bước qua ngưỡng cửa đó dưới con mắt Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, dường như để đi vào cách tượng trưng với các bạn trong ngàn năm thứ ba.
Từ đáy lòng thâm sâu của tôi, tôi muốn cám ơn Chúa vì hồng ân tuổi trẻ, vì qua các bạn, tuổi trẻ vẫn ở trong Giáo Hội và trong thế giới (x. Bài giảng tại Tor Vergata, 20-8-2000). Hơn nữa, tôi ao ước tạ ơn Chúa với niềm xúc động vì đã cho tôi đi cùng với giới trẻ toàn thế giới qua hai thập niên cuối của thế kỷ vừa chấm dứt, chỉ cho các bạn trẻ con đường đưa tới Chúa Kitô, "vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi mãi đến muôn đời" (Dt 13, 8). Đồng thời, tôi tạ ơn Chúa bởi vì các bạn trẻ đã đi kề bên và dường như nâng đỡ Giáo Hoàng dọc theo cuộc hành hương tông đồ của ngài trong các nước thế giới. Những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 15 đã giới thiệu cái gì nếu không phải là một thời điểm cao độ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể cứu chuộc chúng ta ? Những ngày ấy không cho chúng ta một dịp lạ thường để cử hành và công bố đức tin của Giáo Hội và để chuẩn bị một lòng nhiệt thành kitô hữu mới mẻ, khi cùng nhau chúng ta nhìn về thế giới chờ đợi sự loan báo Lời Cứu Độ, hay sao ?
Những hoa quả đích thực của Năm Thánh giới trẻ không thể được tính theo thống kê, nhưng chỉ theo những công trình tình yêu và công lý, theo lòng trung thành hằng ngày, quí báu tuy thường không thấy rõ. Các bạn trẻ, tôi đã phó giao cho tất cả các bạn, nhưng cách riêng cho các bạn nào đã trực tiếp tham gia vào cuộc gặp gỡ không nên quên này, nhiệm vụ hiến cho thế giới một bằng chứng Tin Mừng nhất quán.
2. Phong phú với kinh nghiệm đã sống, các bạn đã trở về nhà và các bạn tiếp tục những công việc hằng ngày của các bạn. Bây giờ các bạn chuẩn bị cử hành ở cấp giáo phận với các vị chủ chăn của các bạn, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 16.
Nhân dịp này, tôi muốn mời các bạn suy nghĩ về những điều kiện mà Chúa Giêsu đặt ra cho ai quyết định làm môn đệ Người. Người nói : "Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23). Chúa Giêsu không phải là Đấng Messia của chiến thắng hay của quyền lực. Thật vậy, Người không giải thoát Israel khỏi ách đô hộ Rôma, cũng không bảo đảm cho họ một vinh quang chính trị. Như một Tôi Tớ đích thực của Chúa, Người đã hoàn thành sứ vụ Cứu thế của Người trong tình liên đới, trong một tinh thần phục vụ, trong cái chết nhục nhã. Người là một Đấng Cứu Thế ở ngoài mọi dự án và mọi thứ ồn ào, người ta không "hiểu" được Người theo logic sự thành công và quyền lực, logic đó thường được thế gian sử dụng như tiêu chuẩn kiểm tra những kế đồ và những hành vi của mình. Đến để hoàn thành ý muốn của Cha, Chúa Giêsu trung thành với Người cho đến cùng và Nguời thực hiện như vậy sứ vụ cứu độ của Người cho những ai tin vào Người và yêu mến Người, không phải bằng lời nói, nhưng cách cụ thể. Nếu tình yêu là điều kiện để theo Người, thì sự hy sinh ngược lại chứng thực tính chính thống của tình yêu này (x. Tông thư Salvifici doloris, nn. 17-18).
3. "Nếu ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23) . Những lời nói đó diễn tả đặc tính triệt để của một sự lựa chọn không chấp nhận những do dự, cũng không những sự thụt lùi ra sau. Đó là một đòi hỏi nghiêm khắc làm xúc động chính các môn đệ và qua bao thế kỷ, đã ngăn trở nhiều người nam và người nữ đi theo Chúa Kitô. Nhưng, chính sự cấp tiến này đã sinh sản những hoa quả kỳ diệu thánh thiện và tử đạo, củng cố con đường của Giáo Hội trong thời gian. Ngày nay vẫn còn, lời nói đó vang dội như một gương xấu và một sự điên rồ (x. 1Cr 1, 22-25). Nhưng chúng ta phải tiếp nối với lời này, bởi vì con đường Chúa đã vạch ra cho Con mình là chính con đường mà người môn đệ nào quyết định đi theo Người, phải đi. Không có hai con đường, nhưng một thôi: con đường Thầy đã đi. Người môn đệ không được phép tạo ra con đường khác.
Chúa Giêsu đi trước môn đệ mình và xin mỗi người làm điều Người đã làm. Người nói : Tôi không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, nên ai muốn ở với tôi thì phải làm tôi tớ mọi người. Tôi đến với các anh, như một người không có gì; nên tôi có thể xin các anh từ bỏ mọi thứ của cải ngăn trở các anh vào Nước Trời. Tôi chấp nhận cảnh trái ngược, tôi chấp nhận bị loại trừ bởi đa số người dân tộc tôi; nên tôi có thể xin các anh cũng chấp nhận sự đối kháng và sự không công nhận, đến bất cứ từ đâu.
Nói khác, Chúa Giêsu đòi hỏi phải can đảm chọn lựa đi theo cũng một con đường như Người, chọn lựa con đường ấy hơn hết "trong lòng mình", bởi vì ở trong một hoàn cảnh bên ngoài nào đó không tùy thuộc vào chúng ta. Điều thuộc về chúng ta là ý muốn nên như Người, như có thể, biết vâng phục Chúa Cha và sẵn sàng chấp nhận tới cùng chương trình mà Người định cho mỗi người.
4. "Phải từ bỏ chính mình". Từ bỏ chính mình có nghĩa là từ bỏ dự án mình, thường là hạn hẹp và nhỏ mọn, để tiếp nhận dự án của Chúa : như con đường cải tạo, cần cho cuộc sống Kitô hữu, đưa Thánh Tông đồ Phaolô đến chỗ khẳng định : "Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Chúa Giêsu không đòi hỏi từ bỏ sự sống, nhưng chấp nhận một kiểu mới sự sống và một sự viên mãn sự sống mà chỉ một mình Người có thể ban cho. Một khuynh hướng thuộc con người ăn sâu trong hữu thể của mình, đó là khuynh hướng "nghĩ về mình", đặt con người mình ở trung tâm các lợi ích và xem mình như là thước đo tất cả. Ngược lại, người đi theo Chúa Kitô thì phủ nhận sự thu hồi mình lại và không xét đoán sự vật tuỳ theo điều mà họ có thể rút ra từ đó. Người ấy xem xét sự sống theo nghĩa hồng ân và nhưng không, và không theo nghĩa chinh phục hay chiếm hữu. Thật vậy, sự sống thật được diễn tả trong sự hiến mình, hoa quả ân sủng của Chúa Kitô : một cuộc sống tự do, hiệp thông với Chúa và với anh em (x. Gaudium et Spes, n. 24). Nếu sống theo Chúa trở thành một giá trị cao cả, thì bấy giờ tất cả những giá trị khác nhận lãnh, từ giá trị đó, chỗ đứng đúng và tầm quan trọng của mình. Người nào đặt tất cả trên của cải trần gian thì sẽ mất hết, tuy bề ngoài họ thành công: sự chết sẽ đến bắt họ giữa tất cả những gì họ tích luỹ, nhưng với một sự sống bị hỏng (x. Lc 12, 13-21). Sự chọn lựa, như vậy, phải ở giữa cái là và cái có, giữa một sự sống đầy tràn và một sự sống rỗng không, giữa sự thật và sự giả dối.
5. "Vác thập giá mình hằng ngày mà theo". Như thập giá có thể được coi như một đồ trang sức. thì "vác thập giá mình" cũng có thể trở nên một cách nói. Trong huấn giáo của Chúa Giêsu, kiểu nói này không đưa sự hãm mình hay sự từ bỏ mình lên hàng đầu. Trước tiên kiểu nói đó không qui chiếu về nhiệm vụ nhẫn nại chịu đựng những cực nhọc nhỏ hay to hằng ngày; kiểu nói đó càng ít nhắm tới việc tán dương sự đau khổ như phương thế làm đẹp lòng Chúa. Người Kitô hữu không tìm sự đau khổ vì nó, nhưng tìm tình yêu. Thập giá được chấp nhận sẽ trở nên dấu chỉ tình yêu và hiến thân hoàn toàn. Vác thập giá theo Chúa Kitô có nghĩa là kết hợp với người, cung cấp một bằng chứng lớn nhất của tình yêu. Người ta không thể nói tới thập giá mà không nghĩ tới tình yêu của Chúa đối với chúng ta, tới sự kiện Chúa muốn ban cho chúng ta dồi dào của cải của Người.
Qua lời mời : "Hãy theo tôi", không những Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người: Hãy lấy tôi làm gương mẫu, nhưng cũng nói : Hãy chia sẻ sự sống và những sự lựa chọn của tôi, hãy tiêu hao sự sống của bạn với tôi vì tình yêu Chúa và anh em của bạn. Như thế, Chúa Kitô mở ra trước chúng ta "con đường sự sống", con đường mà hỡi ôi thường bị đe dọa bởi "con đường sự chết". Tội lỗi là con đường phân ly con người với Thiên Chúa và với tha nhân, kích động sự chia rẽ và đục khoét xã hội từ bên trong. "Con đường sự sống", lấy lại và lặp lại những thái độ của Chúa Giêsu, trở nên con đường đức tin và hối cải. Chính xác đó là con đường thập giá. Đó là con đường dạy tín thác vào Người và vào mục đích cứu rỗi của Người, tin Người chết để chứng tỏ tình yêu của Chúa đối với mọi người; đó là con đường cứu rỗi trong lòng một xã hội luôn chia rẽ, hỗn tạp và trái nghịch; đó là con đường được phúc theo Chúa Giêsu đến cùng, trong những hoàn cảnh lắm khi bi đát của sự sống hằng ngày; đó là con đường không sợ những thất bại, những khó khăn, những loại trừ, những cô đơn, bởi vì nó làm đầy tim con người bằng sự hiện diện của Chúa Kitô; đó là con đường bình an, làm chủ lấy mình và đưa tới niềm vui sâu xa cõi lòng.
6. Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng ngạc nhiên nếu khởi đầu ngàn năm thứ ba, Giáo Hoàng một lần nữa chỉ cho các bạn thập giá như là con đường sự sống và của hạnh phúc đích thực. Giáo Hội tin và xưng luôn luôn rằng chỉ có thập giá Chúa Kitô mới mang lại phần rỗi. Một nền văn hoá được phổ biến rộng rãi mang tính chóng tàn, xem những gì gây thích thú và có vẻ đẹp mới có giá trị, muốn người ta tin rằng phải xa lánh thập giá mới được hạnh phúc. Như lý tưởng, người ta giới thiệu một thành công dễ dãi, một nghề nghiệp nhanh chóng, một tính dục biệt lập khỏi ý nghĩa những trách nhiệm và, sau cùng, một cuộc sống tập trung vào việc khẳng định lấy mình, thường không tôn trọng kẻ khác.
Nhưng, hỡi các bạn trẻ, hãy mở to mắt ra: đó không phải là con đường làm cho sống, nhưng là con đường nhận chìm cho chết. Chúa Giêsu nói với chúng ta : "Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy". Chúa Giêsu không để chúng ta trong ảo tưởng "Người nào được cả thế gian mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì ?" (Lc 9, 24-24). Bằng chân lý những lời nói của Người, những lời nói nghe cứng cỏi nhưng ban bình an ngập lòng, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta bí mật của sự sống đích thực (x. Diễn văn cho giới trẻ Roma, 02.04.1998).
Vậy các bạn đừng sợ đi trên con đường Chúa đã đi trước. Với tuổi trẻ của các bạn, các bạn in vào ngàn năm thứ ba dấu chỉ của hy vọng và nhiệt thành đặc diểm của tuổi các bạn. Nếu các bạn để ân sủng làm việc trong các bạn, nếu cam kết hằng ngày của các bạn không thiếu nghiêm túc, thì các bạn sẽ biến thế kỷ mới này thành một thời kỳ tốt đẹp hơn cho mọi người. Đức Maria đi với các bạn, Ngài là Mẹ Chúa, là người môn đệ đầu tiên, đứng vững dưới thập giá nơi Chúa Kitô trối chúng ta cho Mẹ làm con Mẹ. Ước mong Phép Lành tông đồ mà tôi ban cho các bạn với lòng chân thành, cùng đi với các bạn.
Vatican, ngày 14.02.2001.
ĐTC Gioan Phaolô II
(01/08/2001). "Anh em là muối đất ...
Anh em là ánh sáng của thế gian" (Mt 5:13-14)
Các bạn trẻ thân mến !
1. Trong ký ức, cha vẫn còn nhớ như in những giây phút tuyệt diệu chúng ta đã chia sẻ với nhau tại Rôma trong Năm Đại Thánh 2000, khi các con đến hành hương viếng mộ các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Đứng thành những hàng dài trong yên lặng, các con đã bước qua Cửa Thánh và chuẩn bị để lãnh nhận bí tích Hòa Giải. Và rồi trong Đêm Canh Thức và Thánh Lễ Ban Mai tại Tor Vergata, các con đã sống những giây phút linh đạo mãnh liệt và một kinh nghiệm sâu sắc với Giáo Hội. Với một niềm tin được đổi mới, các con đã trở về nhà để thi hành sứ vụ mà cha đã tín thác nơi các con là trở nên, trong buổi rạng đông của ngàn năm mới, những chứng nhân không chút sợ hãi của Tin Mừng.
Đến nay, ngày Giới Trẻ Thế Giới đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời các con cũng như trong đời sống của Giáo Hội. Do đó, cha mời gọi các con hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc cử hành lần thứ mười bẩy biến cố quốc tế lớn lao này, sẽ được tổ chức tại Toronto, Canada, vào mùa hè năm tới. Đây sẽ là một dịp may nữa để gặp Đức Kitô, để làm chứng cho sự hiện diện của Ngài trong xã hội hôm nay, và để trở nên những người kiến tạo "nền văn minh tình thương và sự thật".
2. "Anh em là muối đất ...Anh em là ánh sáng của thế gian" (Mt 5:13-14): đây là chủ đề mà cha đã chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp đến. Hai hình ảnh muối và ánh sáng, được Đức Giêsu sử dụng, thật là đầy ý nghĩa và bổ sung cho nhau. Thật vậy, thời xưa, muối và ánh sáng được coi là những thứ thiết yếu trong cuộc sống con người.
"Anh em là muối đất ...". Một trong những chức năng chính của muối là để thêm gia vị cho thức ăn, thêm hương vị cho nó. Hình ảnh này nhắc nhở chúng ta rằng, qua phép Rửa Tội, toàn thể con người chúng ta đã được biến đổi sâu sắc, bởi vì ta đã được "gia vị" bằng cuộc sống mới đến từ Đức Kitô (xem Rom 6:4). Chất muối, mà nhờ đó bản sắc Kitô Giáo của chúng ta giữ được tinh tuyền, ngay cả khi phải sống trong một thế giới rất tục hóa, là một hồng ân của Phép Rửa Tội. Thông qua Phép Rửa Tội, chúng ta được tái sinh. Chúng ta bắt đầu sống trong Đức Kitô và có thể đáp trả lời mời gọi của Ngài để "hiến dâng thân xác chúng ta như một của lễ hy sinh sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa" (Rom 12:1). Khi viết cho những tín hữu thành Rôma, thánh Phaolô đã nhắn nhủ họ hãy minh chứng cho tỏ tường rằng lối sống của họ khác xa với những người cùng thời: "Anh em đừng có rập theo não trạng đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới lòng trí mình, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, đẹp lòng Chúa, và hoàn hảo". (Rom 12:2)
Trong một thời gian dài, muối cũng được dùng để bảo tồn thức ăn. Là muối của thế gian, các con được mời gọi để bảo tồn đức tin mà các con lãnh nhận và thông truyền tinh tuyền cho tha nhân. Thời đại của các con đang bị thử thách cách đặc biệt trong việc bảo toàn kho tàng đức tin. (xem 2 Th 2:15; 1 Tim 6:20; 2 Tim 1:14).
Hãy khám phá ra căn cội kitô giáo của các con, hãy học hỏi lịch sử giáo hội, hãy đào sâu kiến thức về những di sản tinh thần đã được truyền đạt cho chúng con, hãy tiếp bước theo vết chân của những chứng nhân và những thầy dậy đã đi trước chúng con ! chỉ khi nào các con trung tín với các huấn lệnh của Thiên Chúa, với giao ước mà đức kitô đã đóng dấu bằng máu ngài đổ ra trên thập giá, các con mới có thể trở nên những tông đồ và những chứng nhân của ngàn năm mới.
Một trong những đặc tính của con người, đặc biệt của những người trẻ, là tìm kiếm Sự Tuyệt Đối, ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống. Các bạn trẻ thân mến, đừng hài lòng với những gì kém thua những lý tưởng cao nhất ! Đừng để các con bị nhụt chí bởi những kẻ ảo tưởng với cuộc sống và đã trở thành điếc đối với những khát vọng chân thật trong thẩm sâu tâm hồn họ. Các con có lý khi thất vọng trước những trò giải trí trống rỗng, những trào lưu đang qua đi, và những dự phóng nhỏ nhen trong cuộc đời. Nếu các con có một lòng ao ước nhiệt thành hướng về Chúa, các con sẽ tránh xa sự xoành xỉnh và chủ nghĩa xu thời đang lan tràn trong xã hội chúng ta ngày nay.
3. "Anh em là ánh sáng thế gian ...". Với những người ngay từ đầu đã nghe tiếng Chúa Giêsu, cũng như với chúng ta, biểu tượng của ánh sáng khơi dậy sự ao ước chân lý và lòng khao khát đạt tới tri thức trọn vẹn - những ước muốn đã được khắc sâu trong lòng mỗi người.
Khi ánh sáng mờ dần hay tắt lịm hoàn toàn, chúng ta không còn phân biệt được những thực tại chung quanh nữa. Giữa mịt mù của bóng tối, chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi và bất an, và chúng ta nôn nóng mong chờ ánh sáng của bình minh. Các bạn trẻ thân mến, các con có nhiệm vụ trở thành những tuần canh của rạng đông (xem Is 21:11-12), những người thông báo sự ló dạng của mặt trời là Đức Kitô Phục Sinh !
Ánh sáng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng là ánh sáng đức tin, là món qùa tặng nhưng không của Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng soi chiếu tâm hồn và làm tâm trí ta được sáng suốt. "Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán : Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm ! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng ta, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên tôn nhan Đức Kitô." (2 Cr 4:6). Đó là lý do tại sao những lời này của Chúa Giêsu có tầm quan trọng đặc biệt khi giải thích về căn cước và sứ vụ của Ngài: "Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." (Ga 8:12).
Sự gặp gỡ cá vị của ta với Đức Kitô tắm đời ta trong ánh sáng mới, đưa ta đi đúng đường ngay nẽo chính, và thúc đẩy ta thành những chứng nhân cho Ngài. Thế giới quan và nhân sinh quan mới, đến từ Ngài, dẫn đưa ta thấm nhập sâu xa hơn vào mầu nhiệm đức tin, không phải như một tập hợp những khẳng định lý thuyết được chấp nhận và tán thành bởi trí tuệ, nhưng là một kinh nghiệm phải có, một chân lý phải sống, muối và ánh sáng cho mọi thực tại (xem Tông Huấn Chân Lý Huy Hoàng, 88).
Trong thời đại bị tục hóa này, khi nhiều người đương đại nghĩ và hành động như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu hay họ bị thu hút vào những hình thức tôn giáo vô lý, điều cần thiết là chính các con phải chứng tỏ rằng đức tin là một lựa chọn cá vị, bao gồm toàn bộ cuộc đời các con. Hãy để Tin Mừng là thước đo và kim chỉ nam cho những quyết định và những kế hoạch trong đời các con ! Khi đó, các con sẽ là những nhà truyền giáo trong mọi lời nói và việc làm của các con, và bất cứ các con làm việc và sinh sống nơi đâu, ở đó các con sẽ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, những chứng nhân khả tín cho sự hiện diện từ ái của Chúa Giêsu Kitô. Đừng bao giờ quên rằng "Không ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới thùng" (Mt 5:15) !
Như muối thêm vị cho thức ăn và ánh sáng soi chiếu tăm tối, sự thánh thiện đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống và biến cuộc sống thành sự phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Có biết bao thánh nhân, đặc biệt là các thánh còn trẻ tuổi, trong lịch sử của Giáo Hội ! Trong tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, những nhân đức anh hùng của họ chiếu tỏa rạng ngời trước mặt thế giới, và như thế họ trở thành những mẫu gương cho cuộc sống mà Giáo Hội đưa lên cao cho mọi người noi theo. Trong các vị thánh ấy, chỉ cần nhắc đến một vài vị : Thánh Agnes thành Rôma, Thánh Anrê Phú Yên, Thánh Pedro Calungsod, Thánh Josephine Bakhita, Thánh Têrêxa thành Lisieux, Thánh Pier Giorgio Frassati, Thánh Marcel Callo, Thánh Francisco Castellô Aleu hay Thánh Kateri Tekakwitha, Thánh Iroquois còn được gọi là "Hoa huệ của người Mohawks". Qua sự chuyển cầu của những chứng nhân vĩ đại này, xin Thiên Chúa cũng biến các con, những người trẻ thân mến, thành những thánh nhân của thiên niên kỷ thứ ba này !
4. Các bạn trẻ rất thân mến, đã đến lúc chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ Mười Bẩy. Cha mời gọi các con hãy đọc và học hỏi Tông Thư "Bắt Đầu Ngàn Năm Mới". mà cha đã viết hồi đầu năm nay để đồng hành với tất cả người Kitô Giáo trong giai đoạn mới này của đời sống Giáo Hội và nhân loại : "Một thế kỷ mới, một nghìn năm mới đang mở ra trong ánh sáng của Đức Kitô. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể thấy ánh sáng này. Sứ mệnh cao cả và bức bách của chúng ta là nên sự phản chiếu của ánh quang này" (số 54).
Đúng vậy, bây giờ là lúc dành cho sứ vụ ! Trong mỗi giáo phận và giáo xứ, trong các phong trào, hiệp hội và cộng đoàn của các con, Đức Kitô đang mời gọi các con. Giáo Hội chào đón các con và mong muốn nên như nhà các con và nên như trường học của sự hiệp thông và cầu nguyện. Hãy học hỏi Tin Mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí các con.
Hãy kín múc lấy sức mạnh từ ân sủng của bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể. Hãy thăm viếng Chúa trong sự tiếp xúc "giữa tâm hồn và tâm hồn" qua việc Chầu Thánh Thể. Ngày qua ngày, các con sẽ nhận được năng lực mới giúp các con mang sự an ủi đến cho người đau khổ và hòa bình cho thế giới. Nhiều người bị thương tích vì cuộc sống: họ bị loại ra trong quá trình kinh tế, vô gia cư, vô gia đình, vô nghề nghiệp; có những người đang lạc loài trong thế giới đầy ảo ảnh này, hay hoàn toàn mất hết mọi niềm hy vọng.
Qua việc suy niệm ánh sáng tỏa chiếu từ tôn nhan của Chúa Kitô Phục Sinh, các con sẽ học biết để sống như "con cái sự sáng và con cái của ban ngày" (1 Th 5:5), và qua đó, các con sẽ chứng tỏ "hoa trái của ánh sáng được tìm thấy trong tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật" (Ep 5:9).
5. Các bạn trẻ thân mến, đối với những ai có thể, Toronto đang chờ đón các con ! Trong trung tâm của một thành phố đa văn hóa và đa niềm tin, chúng ta hãy nói về Đức Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất và công bố ơn cứu độ phổ quát mà Giáo Hội là bí tích của ơn cứu độ đó. Để đáp trả lời mời gọi thiết tha của Chúa, Đấng mong mỏi tha thiết "xin cho chúng nên một" (Ga 17:11), chúng ta sẽ cầu nguyện cho sự hiệp nhất hoàn toàn giữa những người Kitô Giáo trong chân lý và trong tình bác ái.
Hãy đến và làm cho những đại lộ của Toronto vang lên những thông điệp vui mừng rằng Đức Kitô yêu thương mọi người và mang lại sự viên mãn cho mọi điều chân, thiện, mỹ tìm thấy trong xã hội loài người. Hãy đến và nói cho thế giới biết niềm hạnh phúc mà các con đã tìm thấy khi gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, lòng ao ước muốn biết Ngài nhiều hơn, và chúng con cam kết công bố Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất như thế nào.
Các bạn trẻ Canada, cùng với các Đức Giám Mục của họ và chính quyền dân sự đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón các con nhiệt tình và hiếu khách. Cha chân thành cám ơn mọi người họ về điều này. Cầu mong cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới đầu tiên trong thiên niên kỷ mới này mang đến cho mọi người sứ điệp của tin, cậy, mến !
Cha ban phép lành cho các con. Và cha ký thác mỗi người chúng con, ơn gọi của chúng con và sứ vụ của chúng con cho Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội.
Từ Castel Gandolfo, 25/07/2001
+ Đức Gioan Phaolô II - Bản dịch của J.B. Đặng Minh An