ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
ĐỨC MARIA, NGƯỜI LỮ HÀNH TRONG ĐỨC TIN, NGÔI SAO CỦA NGÀN NĂM THỨ BA
BÀI GIÁO LÝ TẠI BUỔI YẾT KIẾN CHUNG NGÀY THỨ TƯ 21.03.2001
(Bài đọc Lc 1, 39-42).
1. Trang sách thánh Luca chúng ta mới nghe đọc, cho chúng ta thấy Đức Maria là một người lữ hành tình yêu. Nhưng, Bà Elizabeth lưu ý chúng ta nhìn ngắm đức tin của Người và công bố phúc thứ nhất Tin Mừng khi các bà gặp nhau: "Phúc cho Bà là kẻ đã tin". Lời nói đó là "gần như chìa khóa, cho chúng ta có cái nhìn vào thực tại thâm sâu của Đức Maria" (Redemptoris Mater, No. 19). Để kết thúc bài giáo lý Năm Thánh năm 2000, bây giờ chúng ta nên giới thiệu Mẹ Chúa như là một người lữ hành trong đức tin. Là nữ tử Sion, Đức Maria đi theo vết chân ông Abraham, kẻ vâng phục nhờ đức tin, "khi ông được kêu gọi ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8).
Dấu chỉ cuộc lữ hành trong đức tin làm sáng tỏ lịch sử nội tại của Đức Maria, tín nữ tuyệt hảo, như Công đồng Vatican II nói rõ: "Đức Trinh Nữ Rất thánh đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá (Lumen Gentium, n. 58). Mầu nhiệm Truyền Tin "là khởi điểm cuộc hành trình đức tin của Đức Maria tới Chúa" (Redemptoris mater, 14): một cuộc hành trình đức tin biết được cái điềm gươm giáo đâm thâu tâm hồn (x. Lc 2, 35), đi ngang qua những con đường thống khổ lưu đày bên Ai cập và trong màn đen tối nội tâm, khi Đức Maria "không hiểu" thái độ của Chúa Giêsu lúc 12 tuổi trong đền thờ và"ghi nhớ những sự ấy trong lòng mình" (Lc 2, 51).
2. Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu cũng diễn tiến trong bóng tối, trong đó Đức Maria phải làm cho mối phúc của bà Elizabeth vang dội lại trong mình bà qua "sự đau khổ cõi lòng" thật sự và tha thiết nhất. (Redemptoris mater, 17).
Chắc chắn trong cuộc đời Đức Maria không thiếu những tia sáng, như tại đám cưới thành Cana nơi - mặc dầu bên ngoài xem ra lãnh đạm - Chúa Giêsu chấp nhận lời cầu của Mẹ và hoàn thành dấu chỉ đầu tiên của mặc khải, làm cho các môn đệ thêm lòng tin (x. Ga 2, 1-12).
Trong cũng một sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, giữa mặc khải và mầu nhiệm, có hai mối phúc thánh Luca qui chiếu tới: một do người đàn bà trong đám đông trực chỉ về Mẹ Chúa Kitô, và cái phúc kia do Chúa Giêsu chỉ cho "những ai nghe và giữ Lời Chúa" (Lc 11, 28).
Điểm cuối cùng của cuộc lữ hành đức tin trên mặt đất này là núi Golgotha, nơi Đức Mria sống trọn vẹn mầu nhiệm vượt qua của Con: nói được Người chết như người mẹ trong cái chết của Con và mở ra cho "sự phục sinh"với một tình mẹ mới trong đời sống Giáo Hội (x. Ga 19, 25-27). Ở đó, trên núi Canvê, Đức Maria kinh nghiệm đêm tối của đức tin, giống như ông Abraham trên núi Moria, và sau sự chiếu sáng của ngày lễ Hiện xuống, Người tiếp tục làm người lữ hành đức tin cho tới ngày Hồn Xác Lên Trời khi người Con đón rước Mẹ vào hưởng hạnh phúc đời đời.
3. "Đức Trinh Nữ Maria rất thánh tiếp tục "đi trước" Dân Chúa. Cuộc lữ hành đức tin tuyệt vời của Người diễn tả một điểm liên tục để đối chiếu cho Giáo Hội, cho những cá nhân và cộng đồng, cho các dân và các quốc gia và, nói được, cho toàn thể nhân loại" (Redemptoris Mater, 6). Mẹ là Ngôi Sao của Ngàn Năm Thứ Ba, vì Mẹ, từ đầu thời đại Kitô giáo, đã là rạng đông đi trước Chúa Giêsu trên đường chân trời lịch sử. Trên thực tế, Đức Maria đã được sinh ra theo thời gian trước Chúa Kitô và đã sinh ra Người và đặt Người lồng vào những công việc loài người.
Chúng ta quay về với Mẹ, để Mẹ tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô và Chúa Cha, dầu trong đêm tối sự dữ, dầu trong những lúc nghi nan, khủng hoảng, thinh lặng và đau khổ. Chúng ta dâng lên Mẹ ca vịnh mà Giáo Hội phương Đông ưa thích hơn mọi ca vịnh khác, ca vịnh Akathistos, trong câu 24, ca vịnh tán dương gương mặt Mẹ. Trong câu thứ năm nói về việc Mẹ đi viếng bà Elisabeth, ca vịnh đó cất tiếng:
"Mừng vui lên, hỡi chồi non không hư nát của gốc nho.
Mừng vui lên, hỡi người chiếm hữu hoa trái nguyên vẹn.
Mừng vui lên, hỡi người vun trồng kẻ vun trồng, bạn nhân loại.
Mừng vui lên, hỡi Mẹ của Đấng sáng tạo sự sống chúng con.
Mừng vui lên, hỡi đất nảy mầm phì nhiêu trong sự thương xót.
Mừng vui lên, hỡi bàn được dọn ra với sự thương xót tràn đầy.
Mừng vui lên, bởi vì Mẹ làm nên một đồng cỏ nở hoa thích thú.
Mừng vui lên, Mẹ như bến cảng chuẩn bị các tâm hồn.
Mừng vui lên, Mẹ là hương thơm của những lời cầu xin.
Mừng vui lên, sự tha thứ cho toàn thế giới.
Mừng vui lên, lòng nhân lành của Chúa đối với những người hay chết.
Mừng vui lên, lời nói can đảm của những kẻ hay chết hướng về Chúa.
Mừng vui lên, hỡi người Bạn trinh Nữ !"
4. Cuộc thăm viếng bà Elizabeth được đóng ấn bởi bài ca vịnh Magnificat, một ca vịnh được truyền lại qua tất cả mọi thế kỷ Kitô giáo như là một giai điệu vĩnh cửu: một ca vịnh hợp nhất lòng trí các môn đệ Chúa Kitô vượt qua những chia rẽ lịch sử, mà chúng ta nhất quyết chiến thắng để hoàn thành sự hiệp nhất. Trong bầu khí đại kết này điều tốt đẹp là nhắc lại sự kiện trong năm 1521 Martin Luther đã hiến cho "bài ca vịnh thánh của Mẹ Rất Thánh Thiên Chúa"- như ông nóí vậy - một bản giải thích thời danh. Trong bản giải thích đó ông khẳng định rằng bài ca vịnh "phải được mọi người học hỏi và ghi nhớ kỹ", bởi vì "trong kinh Magnificat Đức Maria dạy chúng ta cách thức phải yêu mến và ngợi khen Thiên Chúa. Mẹ muốn nên gương cao cả nhất về ân sủng của Chúa, để khuyến khích mọi người tín cẩn và ngợi khen ân sủng Chúa" (M. Luther, Religious Writings, edited by V. Vinay, Turin 1967, pp. 431-512).
Đức Maria ca ngợi tính ưu việt của Chúa và ân sủng của Người, Đấng chọn những kẻ rốt nhất và những kẻ bị bỏ rơi, những "kẻ nghèo của Chúa", như Cựu Ước nói; Người lật đổ vận mạng của họ và cho họ đảm đương những vai chính trong lịch sử cứu rỗi.
5. Từ lúc Thiên Chúa đoái nhìn Đức Maria vói lòng thương yêu, thì Mẹ đã trở nên dấu hy vọng cho đám người nghèo, người sau rốt trên mặt đất, những người trở thành kẻ trước hết trong Nước Chúa. Mẹ trung thành sao chép lại sự lựa chọn của Chúa Kitô, Con Mẹ, Đấng lập lại cho mọi kẻ đau khổ suốt giòng lịch sử: "Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28). Giáo Hội đi theo Đức Maria và Chúa Giêsu trên những con đường thống khổ lịch sử, để nâng dậy, thăng tiến và đánh giá cao một đoàn đông đảo người nữ và người nam, người nghèo và đói khát, người bị hạ nhục và bị xúc phạm (x. Lc 1, 52-53). Như thánh Ambrose chỉ rõ, Đức Trinh Nữ khiêm tốn thành Nadareth không phải là "Chúa đền thờ, nhưng là đền thờ Chúa" (De Spiritu Sancto III, 11, 8o). Vởi tư cách đó, Mẹ hướng dẫn tất cả những ai chạy đến cầu cứu với Mẹ ngõ hầu được gặp Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
+ Gioan Phaolô II
Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách