LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II – Bài Giảng Hướng Về Trời Mới Đất Mới

ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIẢNG HƯỚNG VỀ TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
Bài diễn văn của Đức Thánh Cha dịp tiếp kiến chung 31 tháng 1 năm 2001
1. Bằng cách dùng đến những biểu trưng đặc cách thuộc ngôn ngữ khải huyền sử dụng trong văn chương Do thái, thư thứ hai của thánh Phêrô trình bày tạo vật như một đoá hoa phát sinh từ những tro bụi lịch sử và thế giới (x. 3, 11-13). Đây nói về một hình ảnh đóng ấn sách Khải huyền, khi Gioan công bố: "Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa" (Kh 21, 1). Thánh Tông đồ Phaolô, trong thư gởi tín hữu Roma, diễn tả tạo vật rên siết dưới sức nặng sự dữ, tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy "là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang" (Rm 8, 21).
Như vậy Kinh Thánh đem một sợi dây vàng vào giữa những yếu đuối, những khốn cùng, những bạo loạn và những bất công của lịch sử nhân loại, và dẫn tới một mục tiêu có tính cứu thế của sự giải phóng và hoà bình. Trên nền tảng vững chắc kinh thánh này, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng "vũ trụ hữu hình cũng phải biến đổi" để cho thế giới khôi phục lại tình trạng ban đầu, không gây bất kỳ trở ngại nào để phục vụ người công chính, "và vũ trụ này cùng được vinh quang với họ trong Đức Giêsu Phục Sinh" (GLHTCG, 1047; x. Chống lạc giáo St Iréné 32, 1). Bấy giờ, sau cùng, trong một thế giới được bình định, "sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển" (Is 11, 9).
2. Tạo vật mới này, mang tính con người và vũ trụ, được mở đầu bằng sự phục sinh của Chúa Giêsu, bước đầu của sự biến đổi dành sẵn cho chúng ta tất cả. Đó là điều thánh Phaolô khẳng định trong thư gởi tín hữu Corintô: "Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất khi Người trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha [...] Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết [...] ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1 Cr 15, 23-24, 26-28).
Chắc chắn đây là một viễn ảnh đức tin đôi khi có thể mắc phải sự nghi ngờ, nơi người nào sống trong lịch sử dưới gánh nặng sự dữ, gánh nặng những mâu thuẩn và sự chết. Thư thứ hai của thánh Phêrô được nhắc tới trên kia, đã nói tới sự nghi ngờ này, khi suy nghĩ về vấn nạn của những kẻ đa nghi, hay của những kẻ "nhạo báng chê cười", và hỏi: "Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm ? Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành" (2 Pr 3, 3-4).
3. Đó là thái độ ngã lòng của những kẻ từ chối mọi cam kết đối với lịch sử và sự biến đổi của lịch sử. Những người đó xác tín rằng không gì có thể thay đổi, mọi cố gắng đều vô hiệu, Thiên Chúa vắng mặt và không chút quan tâm đến cái điểm nhỏ tí ti này trong vũ trụ, tức là trái đất. Trong thế giới hy lạp, đã có những nhà tư tưởng dạy viễn tượng này, và thư thứ hai của thánh Phêrô có lẽ cũng phản ứng trước quan điểm định mệnh này, trước những hệ quả thực hành hiển nhiên. Thật vậy, nếu không có gì thay đổi, thì còn gì là hy vọng ? Chỉ còn đứng bên lề sự sống, để cho sự chuyển động lặp đi lặp lại của đời sống con người hoàn thành chu kỳ đời đời của nó Trong dòng dõi này, nhiều người nam và nữ từ nay bị nản chí, sống bên lề lịch sử, thiếu tin tưởng, thờ ơ với tất cả, vô khả năng chiến đấu hay hy vọng. Ngược lại, quan điểm Kitô giáo được Chúa Giêsu chiếu soi cách trong sáng khi, người Pharisêu hỏi Người bao giờ Triều đại Thiên Chúa đến, Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói: "Ở đây này hay ở kia ! Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông" (Lc 17, 20-21).
4. Chống lại cơn cám dỗ của những người coi những bối cảnh khải huyền là do sự xâm nhập của Nước Chúa, và của những người nhắm mắt, nặng trĩu vi giấc ngũ thờ ơ, Chúa Kitô đối chiếu sự đến không kèn trống của trời mới đất mới. Sự đến này giống như sự mọc lên kín đáo, mặc dầu âm ỉ, của hột giống gieo trong đất (x. Mc 4, 26- 29).
Như vậy Thiên Chúa đi vào trong đời sống con người và trong thế giới, và tiếp tục âm thầm công trình của người, Người nhẫn nại chờ đợi nhân loại, với những chậm trễ và những qui định của nó . Người tôn trọng sự tự do con người, nâng đỡ nó khi nó bị xâu xé bởi tuyệt vọng, hướng dẫn nó từng giai đoạn và kêu mời nó cộng tác với chương trình chân lý, công lý và hoà bình của Vương Quốc. Hành động của Chúa và sự dấn thân của con người phải đan dệt vào nhau. "Sứ điệp Kitô giáo không làm cho con người tránh né khỏi công việc xây dựng thế giới hoặc khiến họ không còn thiết tha đến lợi ích của đồng loại, nhưng trái lại bổn phận thực hiện những điều ấy còn thúc bách hơn nữa" (Gaudium et Spes, 34).
5. Như vậy mở ra trước chúng ta một chủ đề có tầm quan trọng lớn, chủ đề luôn liên quan tới sự uy nghĩ và công trình của Giáo Hội. Không rơi vào những quá khích đảo ngược của sự cô lập thánh và của thuyết tục hoá, người Kitô hữu cũng phải bày tỏ niềm hy vọng của mình trong các cơ chế thuộc đời sống xã hội. Nếu Vương Quốc là thần linh và vĩnh cửu, nó lại được gieo trong thời gian và không gian và nó "ở giữa chúng ta", như Chúa Giêsu đã nói.
Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh sợi dây thân mật và sâu xa này: "Sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem Phúc Âm của Chúa Kitô và ân điển của Người cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế" (Apostolicam actuositatem, s. 5). Phạm vi thiêng liêng và trần thế," tuy[...] khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết" (ibid.).
Được phấn khởi bởi điều chắc chắn này, người Kitô hữu can đảm bước đi trên những nẻo đường thế giới, tìm theo những bước chân Thiên Chúa và hợp tác với Chúa để phát sinh một chân trời, nơi đó "Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên" (Tv 85 [84], 11).
L'Osservatore Romano - 06/ 02/2001