LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Bài Giáo Lý Một Thời Gian Để Học Yêu Như Chúa Giêsu Đã Yêu - Thứ Tư Tuần Thánh 11-4-2001



ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
BÀI GIÁO LÝ
MỘT THỜI GIAN ĐỂ HỌC YÊU NHƯ CHÚA GIÊSU ĐÃ YÊU
THỨ TƯ TUẦN THÁNH 11-4-2001

1. Chúng ta đang sống trong ngày áp Tam Nhật Vượt Qua, đã trầm mình trong bầu khí thiêng liêng của Tuần Thánh. Từ ngày mai cho đến Chúa Nhật, chúng ta sẽ sống những ngày phụng vụ nhắc chúng ta về mầu nhiệm thương khó, chết và sống lại của Chúa. Trong các bài giảng của mình, các Giáo Phụ qui chiếu cách riêng tới những ngày này, những ngày mà, như thánh Athanase nhận xét, đưa chúng ta vào "trong thời gian này, thời gian dẫn dắt và làm cho chúng ta biết một khởi đầu mới, đó là ngày Vượt Qua thánh, ngày Chúa bị giết". Như vậy ngài diễn tả thời gian chúng ta đang sống, trong các Thơ phục sinh của ngài (Lett. 5, 1-2; PG 26, 1397). Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Phục Sinh tới chúng ta sẽ hát to "đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con".
Tại trung tâm củaTam Nhật thánh này là "mầu nhiệm của một tình yêu không bờ bến", nghĩa là, mầu nhiệm Chúa Kitô Đấng, "vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13, 1). Tôi đã đề nghị lần nữa mầu nhiệm áp đảo và dịu ngọt với các linh mục trong thơ tôi đã gởi cho họ, như tôi làm hằng năm, nhân dịp ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
Tôi cũng mời anh chị em suy nghĩ về cũng một tình yêu, dọn mình sống xứng đáng những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu ở trần gian. Ngày mai chúng ta sẽ vào phòng Tiệc Ly để lãnh hồng ân đặc biệt Thánh Thể, chức Linh Mục và điều răn mới. Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta sẽ đi trên con Đường Thương Khó, dẫn chúng ta tới núi Sọ nơi Chúa Kitô sẽ hoàn tất hy tế của Người. Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta sẽ thinh lặng chờ đợi được dẫn vào giờ Canh thức trọng thể Phục Sinh.
2. "Người thương yêu họ đến cùng". Những lòi nói này của thánh Gioan Tin mừng diễn tả và định tính chất cách đặc biệt cho phụng vụ ngày mai, ngày Thứ Năm Thánh, phụng vụ gồm có việc cử hành lễ Dầu buổi sáng và Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa buổi chiều mở màn Tam Nhật Thánh.
Thánh Thể là dấu chỉ hùng hồn của tình yêu trọn vẹn, tự nguyện, quảng đại này, và cung cấp cho mỗi một người hưởng niềm vui sự hiện diện của Người, Đấng ban cho chúng ta cũng được khả năng yêu "cho đến cùng" như Người. Tình yêu mà Chúa Giêsu đề nghị với các môn đệ Người thì có tính đòi hỏi.
Trong cuộc họp mặt này của chúng ta, chúng ta lại nghe tiếng vọng trong các lời nói của thánh Matthêô Tin Mừng:"Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt. 5, 11-12). Cho dù ngày này, yêu "cho tới cùng" có nghĩa là sẵn sàng giáp mặt với sự kiệt sức và khó nhọc vì Danh Chúa Kitô. Điều đó có nghĩa là không sợ những sỉ nhục và bắt bớ, và sẵn sàng "thương yêu kẻ thù anh em và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ anh em" (Mt. 5. 44). Tất cả những sự này là một hồng ân của Chúa Kitô, Đấng đã dâng hiến mình cho mọi người như vật bị hy sinh trên bàn thờ thập giá.
3." Người thương họ cho đến cùng". Từ phòng Tiệc Ly cho tới đồi Golgotha: Suy tư của chúng ta đưa chúng ta tới núi Sọ, nơi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu mà sự hoàn thành là hồng ân sự sống. Thập giá là dấu rõ ràng của mầu nhiệm này, nhưng đồng thời, và vì điều này, Thập giá trở nên một biểu tượng thách đố và quấy rầy các lương tâm. Khi chúng ta cử hành sự Thương Khó của Chúa ngày Thứ Sáu sắp tới, và tham gia đi Đàng Thánh Giá, chúng ta sẽ không thể quên quyền lực của tình yêu này, tình yêu tự trao mình không hạn định.
Trong Tông thư kết thúc Đại Năm Thánh năm 2000, tôi đã viết:"Khi chiêm ngắm gương mặt Chúa Kitô, chúng ta đối diện với một phương diện nghịch lý nhất của mầu nhiệm Người, khi mầu nhiệm ấy xuất hiện trong giờ sau hết của Người, trên Thập giá. Mầu nhiệm trong mầu nhiệm, trước mầu nhiệm này, chúng ta chỉ phải sắp mình thờ lạy" (Khởi đầu Thiên Niên kỷ Mới," (25). Và đây là một thái độ nội tâm hợp lý nhất để chuẩn bị sống cái ngày kỷ niệm sự thương khó, sự đóng đinh và sự chết của Chúa Kitô.
4. "Người thương yêu họ cho đến cùng". Hy sinh cho chúng ta trên Thập Giá, Chúa Giêsu sống lại và trở thành hoa quả đầu mùa của tạo vật mới. Chúng ta sẽ sống ngày thứ Bảy Tuần Thánh trong sự chờ đợi im lặng để gặp được Đấng Phục Sinh, đang khi suy gẫm về những lời thánh Phaolô Tông đồ: "Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, [...] rồi Người được mai táng, [...] và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh" (1 Cr 15, 3-4). Như vậy, chúng ta mới có khả năng chuẩn bị tốt hơn để mừng trọng thể Vọng Phục Sinh, khi ánh sáng chiếu sáng của Chúa phục sinh sẽ bừng sáng lên giữa đêm.
Xin Đức Maria, Nữ Đồng Trinh luôn trung thành bên Con mình, đồng hành với chúng ta trong quãng cuối cùng của đoạn đường sám hối, cách riêng trong những ngày Thương Khó. Xin Mẹ dạy chúng con yêu "cho đến cùng", đi theo những bước chân Chúa Giêsu, Đấng cứu thế gian bằng sự chết và phục sinh của Người.
Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ.