ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
THƯ GỞI CÁC LINH MỤC
NHÂN NGÀY THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM 2002
Thơ gởi các linh mục
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
ngày thứ Năm Tuần Thánh - 28-3-2002
Thưa các anh em linh mục quý mến
1. Cha cảm động sâu xa gởi tới anh em lá thơ truyền thống Thứ Năm Tuần Thánh này, khi cha ngồi bên anh em như ngày xưa bên bàn tiệc ly ở phòng trên lầu Chúa Giêsu đã cử hành với các Tông đồ bí tích Thánh Thể đầu tiên. Bí tích này là một quà tặng cho toàn thể Hội Thánh, quà tặng đó cho phép Ngài hiện diện thực sự trong các nhà chầu trên toàn thế giới, mặc dầu còn bị che khuất bởi các dấu chỉ nhiệm màu.
Trước sự hiện diện độc nhất này, Hội Thánh cúi đầu thờ lạy mà đọc rằng : “Con thành tâm thờ lạy Chúa. Thiên Chúa ẩn mình” (Adoro te devote, latens Deitas). Hội Thánh không ngừng xúc động ngây ngất tinh thần như các thánh xưa. Và như cô dâu, Hội Thánh quây quần bên nhau, tuyên xưng lòng tin và lòng yêu mến thiết tha : “Kính chào, Thân thể chân thật đã được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria” (Ave, verum Corpus natum de Maria Virgine). Chúa Giêsu trong phòng tiệc ly đã liên kết một bổn phận riêng cho các Tông đồ và các Đấng kế vị với món quà hiện diện của Ngài. Món quà biến Ngài thành bánh nuôi sống chúng ta trong hiến tế cao cả. Từ lúc ấy trở đi, là Tông đồ của Chúa Giêsu, các Giám mục và linh mục chia sẻ sứ vụ, tham dự vào khả năng hành xử trong Ngôi vị Chúa Giêsu là Đầu (in persona Christi Capitis). Khả năng này tỏ hiện rõ ràng nhất khi chúng ta cử hành bữa ăn hy sinh Mình và Máu Thánh Chúa. Lúc ấy Linh mục cho Chúa Giêsu mượn dung mạo và tiếng nói mà rằng : “Hãy làm việc này mà nhớ đến ta” (Lc 22,19).
Anh em linh mục thân mến, ơn gọi này của chúng ta lạ lùng biết bao. Thực sự chúng ta có thể nhắc lại với tác giả thánh vịnh : “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho ? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116,12-13).
2. Lại một lần nữa, khi vui mừng suy niệm hồng ân này, năm nay cha nói với anh em về một khía cạnh đặc biệt của sứ vụ chúng ta, mà năm trước Cha đã lưu ý anh em cũng vào khoảng thời gian này. Cha tin rằng nó đòi hỏi suy tư nhiều hơn. Cha có ý nói về sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta để trình bày Ngài không chỉ trong bí tích Thánh Thể, nhưng còn trong bí tích Hòa Giải.
Giữa hai bí tích này có mối tương quan sâu thẳm. Bí tích Thánh Thể, chóp đỉnh của nhiệm cục bí tích đồng thời là nguồn mạch chung : một nghĩa nào đó, mọi bí tích đều chảy ra từ bí tích Thánh Thể và quy hướng về bí tích này. Điều này đúng đặc biệt đối với bí tích tưởng nhớ về sự tha thứ của Thiên Chúa, Người đón mời tội nhân trở về trong vòng tay ôm ấp của Người. Đúng thật rằng như là sự tái diễn hy lễ của Đức Kitô, bí tích Thánh Thể cũng phục vụ ơn giải thoát chúng ta khỏi tội.
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhớ chúng ta : “Bí tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với Đức Kitô mà lại không đồng thời thanh tẩy chúng ta khỏi các tội đã phạm, và giữ ta khỏi tội về sau” (x. GLGHCG số 1303).
Tuy thế, trong nhiệm cục cứu độ theo ước nguyện của Đức Kitô, quyền năng này, trong khi trực tiếp thanh tẩy chúng ta khỏi các tội nhẹ thì chỉ gián tiếp thanh tẩy các tội trọng, mà nó làm tổn thương tận gốc rễ mối tương giao của người Kitô hữu với Thiên Chúa và với sự hiệp thông của người đó với Giáo Hội.
Giáo lý Giáo Hội Công Giáo nói tiếp, bí tích Thánh Thể “không được dành để tha thứ tội trọng. Đây là việc riêng của bí tích Hòa Giải. Bí tích Thánh Thể là bí tích của những người đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội” (x. GLGHCG số 1395).
Khi nhấn mạnh về sự thật này, Giáo Hội không có ý đi lạc khỏi vai trò của bí tích Thánh Thể. Ý định của Giáo Hội là giữ lấy ý nghĩa của bí tích này trong mối tương quan với nhiệm cục bí tích như sự khôn ngoan cứu độ của Thiên Chúa thiết lập. Đó là điều mà thánh Phaolô Tông đồ xác quyết rõ ràng khi người viết cho tín hữu Côrintô : “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11,27-29). Hợp ý với lời khuyên nhủ của thánh Phaolô là nguyên tắc này : “người nào biết mình phạm tội trọng, phải lãnh nhận bí tích hòa giải trước khi tiến lên rước lễ” (x. GLGHCG số 1385).
3. Anh em thân mến trong chức linh mục. Cha cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải thúc bách anh em như cha đã làm năm qua, là khám phá lại cho chính mình cũng như giúp những anh em khác nhận ra cái đẹp của bí tích Hòa Giải. Trong các thập niên gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, bí tích này đã trải qua cơn khủng hoảng. Hơn một lần, cha đã kêu gọi sự chú tâm đến sự kiện này, thậm chí làm một đề tài về bí tích này cho Thượng hội đồng giám mục, và suy tư của các giám mục, cha đã trình bày trong tông huấn “sám hối và hòa giải” (Reconciliatio et Paetitentia) sau đó.
Mặt khác, cha không thể không vui mừng khi nhận thấy có những dấu hiệu tích cực, dấu hiệu đặc biệt trong Năm thánh, đã cho thấy bí tích này khi được trình bày và cử hành cách thích hợp sẽ gây sự thu hút rộng lớn, ngay cả trong giới trẻ. Sự thu hút của bí tích này được tăng lên bởi nhu cầu tiếp xúc cá nhân, nhu cầu này ngày càng hiếm trong không gian nhộn nhịp của xã hội kỹ thuật hôm nay, nhưng chính vì lý do này mà nhu cầu tiếp xúc cá nhân ngày càng được kinh nghiệm như một nhu cầu sống còn.
Chắc chắn, nhu cầu này có thể được đáp ứng bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng chúng ta chẳng thể thất bại khi nhận ra rằng bí tích Hòa Giải sẽ là câu trả lời tuyệt vời cho nhu cầu này - nếu như chúng ta không lầm lẫn nó với các hình thức chữa bệnh tâm lý khác ? Nó được thực hiện bằng cách đưa hối nhân tiếp xúc với lòng thương xót Chúa thông qua gương mặt thân ái của một người anh em.
Vâng, sự khôn ngoan của Chúa thật vĩ đại, khi thiết lập bí tích này, Ngài đã thỏa mãn nhu cầu liên lỉ và sâu xa của trái tim con người. Chúng ta được tuyển chọn để làm những kẻ diễn dịch đầy yêu thương và thông tuệ của sự khôn ngoan này, qua tiếp xúc ngôi vị với các anh chị em chúng ta trong bí tích Hòa Giải.
Về phương diện này, cha ước mong lặp lại rằng hình thức thông thường khi cử hành bí tích là cử hành cá nhân, việc xưng tội chung theo hình thức cộng đồng chỉ hợp pháp trong những trường hợp hết sức cá biệt. Hình thức giải tội chung này đòi hỏi những điều kiện nào thì đã quá rõ, nhưng có lẽ chúng ta nên nhớ rằng để việc xưng tội chung được thành sự thì các tín hữu phải có ý xưng riêng các tội trọng của mình ngay sau đó (x. GLGHCG 1483).
4. Với sự vui mừng và tin tưởng, chúng ta hãy tái khám phá bí tích này. Trước hết hãy kinh nghiệm cho chính mình, như là một nhu cầu sâu sắc và như là một ơn thánh mà chúng ta hằng tìm kiếm để phục hồi sức lực và nhiệt tâm trong hành trình thánh thiện và sứ vụ của mình.
Cùng lúc, chúng ta hãy cố gắng hết sức để trở nên các thừa tác viên thực sự của lòng thương xót Chúa. Chúng ta biết rằng trong bí tích này, cũng như trong các bí tích khác, chúng ta được kêu gọi để làm tác nhân của ơn thánh, ơn thánh không phải từ chúng ta, mà từ trời và hoạt động do sức mạnh riêng của nó. Nói cách khác - và đây cũng là một trách nhiệm lớn - Thiên Chúa tin cậy vào chúng ta, vào khả năng và sự trung tín của chúng ta, để thực hiện những kỳ quan của Ngài trong trái tim con người. Điều quan trọng là tín hữu phải có kinh nghiệm cao độ về diện mạo Chúa Kitô, Đấng chăn chiên lành trong bí tích Hòa Giải hơn bất kỳ bí tích nào khác.
Vì thế, cho phép cha nói rõ hơn với anh em về đề tài này. Hãy liên tưởng đến hết mọi nơi - Nhà thờ chánh tòa, nhà thờ xứ, đền thánh hay bất kỳ nơi đâu - anh em hằng ngày đang cử hành bí tích này. Cha nhớ đến các trang sách Phúc âm mạc khải trực tiếp nhất dung mạo thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta chẳng thể bỏ qua cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa người cha tha thứ và đứa con hoang đàng. Hay hình ảnh con chiên lạc đã được tìm thấy mà người chủ chăn vui mừng vác trên vai ? Cái ôm hôn của người cha và nỗi vui mừng của người chủ chiên phải được tỏ hiện rõ nét nơi mỗi anh em, anh em thân mến, khi hối nhân đến xin anh em ban bí tích hòa giải cho họ.
Để đưa ra một vài khía cạnh đặc thù của cuộc đối thoại có tính cứu độ duy nhất, đó là bí tích Giải Tội, Cha thích sử dụng hình ảnh Thánh kinh về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Gia-kêu (Lc 19,1 -10). Đối với Cha, có sự giống nhau giữa cuộc gặp gỡ này và việc cử hành bí tích của lòng thương xót Chúa. Khi theo dõi câu chuyện ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ này, chúng ta hãy cố gắng nắm bắt lấy trong diện mạo và lời nói của Chúa Giêsu, tất cả mọi sắc thái khôn ngoan tự nhiên cũng như siêu nhiên. Để rồi đến lượt chúng ta cũng phải cố gắng chuyển thông cho hối nhân, nếu như bí tích hòa giải được cử hành cách hoàn hảo nhất có thể được.
5. Cứ như Kinh thánh trình bày, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Gia-kêu xem ra ngẫu nhiên. Chúa Giêsu vào thành Jerico, qua các đường phố với đám đông theo sau (Lc 19,3). Ông Gia-kêu trèo lên cây Sung vì tò mò để xem cho tỏ hơn. Đôi khi việc Chúa gặp gỡ con người cũng dường như bất ưng. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, chẳng có chi là tình cờ. Bị bao vây bởi những cảnh huống mục vụ rất đa dạng, đôi khi chúng ta mất kiên nhẫn bởi các tín hữu rất ít quan tâm đến đời sống bí tích, và ngay cả khi họ xin lãnh nhận, họ cũng rất hời hợt.
Những ai từng nghe giải tội nhiều, từng gặp người ta đến xưng tội thì hẳn đã bực bội bởi một số hối nhân đến tòa cáo giải mà chẳng có ý tưởng chi về điều họ xin lãnh nhận. Một số đến chỉ để được lắng nghe. Một số khác xin lời khuyên về vấn đề chi đó trần tục. Số khác nữa vì nhu cầu tâm lý để giải tỏa gánh nặng tội lỗi. Nhưng đa phần là để lập lại mối tương giao với Thiên Chúa, tuy nhiên họ lại không ý thức những bổn phận sau đó. Họ xét mình sơ sài bởi họ chẳng có mấy kiến thức về giáo lý mà Phúc âm đòi buộc. Cha giải tội nào mà đã chưa từng có kinh nghiệm như vậy ?
Đúng đây là trường hợp của ông Gia-kêu. Mọi sự xảy đến cho ông ta thì hoàn toàn mới mẻ. Nếu không có sự cố Chúa Giêsu bất ưng nhìn lên ông ta, thì ông ta mãi mãi là một khán giả im lặng lúc Chúa Giêsu đi qua các đường phố của Jerico !
Có lẽ Chúa chỉ vượt qua, chứ không thâm nhập vào đời sống của ông Gia-kêu. Ông ta chẳng có ý tưởng gì về điều mà sự tò mò đã gây nên cho ông : Lòng thương xót Chúa đã đi trước ông, lôi cuốn ông và thay đổi đến tận đáy trái tim ông. Anh em linh mục thân mến. Với các hối nhân trong tâm trí, chúng ta hãy đọc lại trình thuật lạ lùng của thánh Luca về việc Chúa Giêsu hành xử : “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5)
Bất cứ một cuộc gặp gỡ nào với người muốn xưng tội, ngay cả khi người đó xin một cách hời hợt vì chưa được sửa soạn kỹ lưỡng hay động lực yếu ớt, thì cũng trở nên, nhờ ơn lạ lùng của Chúa, một gốc cây Sung. Ở đó Chúa Giêsu nhìn lên ông Gia-kêu. Ánh mắt nhân từ thẳm sâu của Ngài thâm nhập linh hồn ông ta mà chúng ta chẳng thể cân nhắc được.
Nhưng chúng ta dám đoan chắc rằng cũng cái nhìn đó hằng cúi xuống các hối nhân của chúng ta. Trong bí tích giải tội, chúng ta chỉ là các tác nhân của một cuộc gặp gỡ siêu nhiên. Nó có nguyên lý riêng của nó, chúng ta chỉ phải tôn trọng và làm cho nên dễ dàng. Với ông Gia-kêu Chúa gọi tên ông là một kinh nghiệm hết sức ngỡ ngàng, bởi tên ông thường bị dân làng khinh bỉ. Lúc này ông được nghe Chúa nói đến bằng một giọng hết sức dịu dàng, êm ái, biểu lộ không những tin tưởng mà còn là tình bạn bền bỉ, thân mật. Vâng, Chúa Giêsu nói chuyện với Gia-kêu giống như với một người bạn cũ, có thể đã quên, nhưng vẫn trung thành, khăng khít. Với một động lực nhẹ nhàng đầy âu yếm, Ngài đã thâm nhập đời ông ta, nhà ông ta như một người bạn cũ vừa mới được khám phá lại : “xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5).
6. Trình thuật của thánh Luca có một giọng điệu ngôn ngữ lạ lùng : mọi sự đều rất lịch sự, đầy tôn trọng, đầy tình cảm. Bản văn không những tràn trề nhân bản mà còn gợi ý thôi thúc, nài nẵng của giọng nói Chúa Giêsu như thể Ngài đề nghị cho Gia-kêu một mạc khải dứt khoát của lòng Chúa xót thương. Ngài nói : “Tôi phải ở lại nhà ông !” nếu dịch sát chữ thì phải là : “Tôi có nhu cầu phải nghỉ lại nhà ông” (Lc 19,5).
Dõi theo đồ biểu nhiệm màu của Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã đụng Gia-kêu trên đường đi của Ngài. Ngài dừng lại nhà ông ta như thể cuộc hội ngộ đã được hoạch định trước. Và bất chấp những lời xì xầm ác ý, ngôi nhà của người tội lỗi này đã trở nên một nơi chốn của Mặc khải, một quang cảnh của phép lạ lòng Chúa xót thương. Điều này đã không xảy ra, nếu trái tim ông thu thuế không được giải phóng khỏi ích kỷ và khỏi các mánh khóe gian lận, bất công… Nhưng lòng thương xót Chúa đã đến với ông như món quà đầy tràn và nhưng không. Lòng thương xót Chúa đi bước trước Gia-kêu. Điều này xảy ra trong hết mọi cuộc gặp gỡ bí tích. Chúng ta không nên nghĩ qua cố gắng riêng của tội nhân, mà ông ta xứng đáng chiếm được lòng Chúa xót thương. Ngược lại, chính lòng thương xót Chúa thúc đẩy ông ta trên con đường trở lại. Bỏ mặc mình, người ta chẳng làm được gì, xứng đáng điều gì. Trước khi là con đường của loài người tới Chúa, bí tích hòa giải đã là địa chỉ Chúa tới cư ngụ nhà chúng ta. Vì vậy, trong bí tích giải tội, linh mục phải đối diện với đủ mọi hạng người. Nhưng một điều luôn phải nhớ : Dự cảm trước sự kêu mời của chúng ta, và ngay cả trước khi chúng ta ban lời hòa giải, anh chị em tín hữu đến xin bí tích cáo giải đã hưởng trước tình thương của Chúa hoạt động trong họ. Để làm đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết phải cộng tác ra sao với lòng xót thương Chúa và tình yêu Ngài. Lòng xót thương luôn đón nhận và tình yêu luôn cứu độ. Chúng ta sẽ thực hiện được điều này bằng lời nói và thái độ của các mục tử. Chúng ta quan tâm đến mỗi cá nhân, nhạy cảm với các vấn đề của tha nhân, tế nhị đồng hành với họ trong hành trình trở lại của họ, và biết cách giúp đỡ họ tin tưởng vào lòng Chúa nhân lành.
7. “Tôi cần phải ở lại nhà của ông”. Chúng ta hãy suy nghĩ thấu đáo hơn về những chữ này. Nó đích thật là một câu tuyên bố. Trước khi nó xác định ý lựa chọn về phần Chúa Giêsu, thì nó đã là lời tuyên bố của thánh ý Chúa Cha. Xem ra Chúa Giêsu chỉ là người lãnh nhận một lệnh truyền chính xác. Có một “lề luật” mà chính Ngài cũng phải tuân theo : đó là ý muốn của Cha Ngài mà Ngài phải hoàn thành với hết lòng yêu mến. Ý muốn đó đã trở thành “lương thực” của Ngài (Ga 4,34). Những lời Chúa Giêsu nói với ông Gia-kêu không chỉ là phương tiện để thiết lập một mối tương giao nhưng còn là lời công bố một chương trình Chúa Cha đã hoạch định.
Cuộc gặp gỡ được tiến hành trong khuôn khổ lời Thiên Chúa. Lời đó là một với ngôn từ và diện mạo của Chúa Giêsu. Cũng thế, cuộc gặp gỡ của bí tích Giải Tội cũng phải được bắt đầu trong ngôn từ và diện mạo của Đấng cứu chuộc. Cho nên, nghèo nàn biết mấy nếu như mọi sự chỉ được thu hẹp vào xảo thuật truyền thông của con người. Hiểu biết về các luật lệ truyền thông giúp ích rất nhiều, và không nên bỏ qua. Nhưng chính là lời Thiên Chúa nâng đỡ mọi sự. Đó là lý do các nghi thức hòa giải được trù liệu để công bố lời Thiên Chúa cho các hối nhân.
Đây là chi tiết không được coi nhẹ dù rằng đôi khi khó mà thực hiện. Các linh mục giải tội thường khi gặp khó khăn trong việc truyền thông những điều lời Chúa đòi hỏi, nhất là cho những ai chỉ có kiến thức rất sơ sài về lời Chúa. Rõ ràng là chính lúc cử hành bí tích Hòa Giải không phải là thời gian tốt nhất để bù đắp thiếu sót này. Nó phải được làm trong thời gian mục vụ, tức trong lúc sửa soạn, giúp đỡ hối nhân tự đo lường tình trạng của mình trước sự thật lời Chúa. Trong bất cứ tình huống nào, linh mục giải tội phải cố gắng hết sức dùng cuộc gặp gỡ bí tích để dẫn dắt hối nhân nhận ra đường lối Chúa dùng để với tới họ một cách đầy xót thương, giang tay đón chờ họ, không phải để nghiền nát, nhưng cứu vớt.
Chúng ta chẳng thể chối cãi nền văn hóa chủ yếu của thời hiện đại gây nên biết bao khó khăn trên phương diện này. Ngay cả những tín hữu trưởng thành cũng hằng bị cản trở trong các cố gắng của mình để sống những giới răn Chúa và theo được những chỉ dẫn đặt căn bản trên các giới răn đó của huấn quyền Hội Thánh. Đây là trường hợp của các lãnh vực thời sự như luân lý gia đình và tính dục, luân lý xã hội, nghề nghiệp và sinh hóa. Nhưng nó cũng là vấn đề liên hệ đến các bổn phận trong lãnh vực thực hành tôn giáo và tham dự vào đời sống Giáo Hội. Vì thế, có nhu cầu về giáo lý. Nhưng cha giải tội chẳng thể đảm nhận khi ban bí tích Hòa Giải. Nó phải được thực hiện vào giờ giấc khác. Tốt nhất là vào lúc sửa soạn xưng tội. Cử hành bí tích Hòa Giải với sự sửa soạn cộng đồng và xưng tội cá nhân là hình thức tốt nhất.
Để làm sáng tỏ hơn vấn đề, hình ảnh Kinh thánh về ông Gia-kêu lại cho chúng ta một chìa khóa quan trọng khác. Trong bí tích Hòa Giải, người hối nhân trước hết gặp Chúa Giêsu “Thiên Chúa của các giới răn” chứ không phải gặp “các giới răn của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã ban chính mình Ngài cho Gia-kêu : “Ta phải ở lại trong nhà ông.” Như thế, chính Ngài là món quà tặng đang chờ đợi ông ta. Ngài cũng còn là lề luật của Thiên Chúa cho ông.
Khi chúng ta chiêm ngắm cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa như món quà tặng thì tính cách đòi hỏi của lề luật trở nên ơn thánh nhẹ nhàng. Thánh Phaolô đã nhận ra năng lực siêu nhiên này nên đã viết : “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.” (Gl 5,18). Bất cứ việc cử hành bí tích Hòa Giải nào cũng làm cho linh hồn hối nhân nhảy mừng giống như ông Gia-kêu nhảy mừng vì lời Chúa Giêsu : “ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19,6).
8. Tuy nhiên, tính sẵn sàng và sự rất mực dồi dào của lòng thương xót Chúa không làm lu mờ sự kiện, nó chỉ giữ vai trò tiền đề của ơn cứu độ. Ơn này chỉ đạt viên mãn khi nào gặp được sự đáp trả trong trái tim con người. Thực tế, ơn tha thứ trong bí tích hòa giải không phải là hành động bề ngoài, kiểu như sự xả chế hình phạt theo luật định, nhưng là cuộc gặp gỡ thực sự của hối nhân với Thiên Chúa. Đấng phục hồi tương giao bạn hữu bị tội lỗi làm tan vỡ. “Sự thật” của mối tương giao này đòi hỏi rằng chúng ta đón nhận cái ôm hôn xót thương của Thiên Chúa, thắng lướt mọi sự phản kháng do tội lỗi gây nên.
Đó là điều đã xảy ra cho ông Gia-kêu. Ý thức được rằng từ nay ông được đối xử như một “người con”. Ông bắt đầu suy nghĩ và hành động như “người con”, bằng chứng là ông tái khám phá ra anh chị em ông. Dưới cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu, trái tim ông ấm lên tình yêu láng giềng. Từ cảm giác lẻ loi, ích kỷ mà đã từng dẫn ông đến việc làm giàu cho mình, bất kể kẻ khác phải đau khổ, ông tiến đến thái độ chia sẻ. Điều này tỏ lộ trong sự phân chia thành thật tài sản của ông : “Một nửa gia tài cho kẻ nghèo khó”. Ông bồi thường gấp bốn lần những bất công, gian lận người khác : “nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19,8). Đến đây, tình yêu của Thiên Chúa đã đạt được mục tiêu của mình và sự cứu rỗi đã hoàn thành : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).
Anh em thân mến. Đó là hành trình của ơn cứu độ. Câu chuyện của Gia-kêu mô tả rõ ràng như vậy. Nó phải hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta thi hành công tác khó khăn của sứ vụ hòa giải với sự cân bằng mục vụ. Sứ vụ này luôn luôn bị bao vây bởi hai thái cực đối nghịch nhau : quá nghiêm khắc và quá dễ dãi.
Quá nghiêm khắc sẽ thất bại không nhìn ra phần thứ nhất của câu chuyện Gia-kêu : Lòng thương xót đứng trên hết. Nó khích lệ người ta ăn năn trở lại và lượng giá bất cứ một tiến bộ nhỏ bé nào trong tình yêu. Bởi vì Thiên Chúa Cha ước muốn thực hiện những điều kỳ diệu để cứu chữa người con đã mất : “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19,10). Thái cực thứ hai là quá dễ dãi. Nó thất bại không nhìn ra tính tròn đầy của ơn cứu độ. Ơn cứu độ không những được ban cho mà còn phải được đón nhận. Nó chỉ thực sự chữa lành và phục hồi khi dính líu vào một cuộc trở lại chân thành với những đòi hỏi của lòng Chúa yêu thương. Nếu như ông Gia-kêu tiếp đón Chúa vào nhà ông mà không mở lòng ra yêu mến và sửa chữa những thiệt hại ông đã gây nên, mà không dấn thân vững chắc sống cuộc sống mới, thì đã không nhận được sự tha thứ của Chúa vào đáy linh hồn mình. Sự thứ tha mà Chúa đã đề nghị ban cho ông với biết bao quan tâm. Chúng ta phải luôn luôn duy trì một sự cân bằng hợp lý để tránh rơi vào một trong hai cực đoan. Nghiêm khắc nghiền nát hối nhân, xua đuổi họ đi. Dễ dãi lừa dối và dẫn dắt lầm đường, lạc lối. Thừa tác viên của ơn tha thứ trong khi biểu lộ gương mặt Đấng chăn chiên nhân lành, thì cũng phải bày tỏ lòng thương xót hiện đã có mặt, đang hoạt động và sự thứ tha mang ơn chữa lành và bình an.
Linh mục được ủy thác, trên các nguyên tắc này, trong khi đối thoại với hối nhân, phải nhận định xem họ sẵn sàng đón nhận lời hòa giải chưa ? Chắc chắn, sự tế nhị của việc gặp gỡ các linh hồn vào những giây phút riêng tư như thế, và đôi khi rất khó khăn, đòi hỏi phải có một sự thận trọng cao độ nhất. Trừ phi có các hiện tượng khác, linh mục phải giả định rằng hối nhân thành thực ăn năn và quyết chí sửa mình khi vào tòa xưng thú tội lỗi.
Điều này có thể dễ dàng giả định hơn nũa nếu như có sự giúp đỡ mục vụ khác cho bí tích Hòa Giải, gồm cả thời gian sửa soạn để có thể giúp các hối nhân đạt đến độ trưởng thành khá hơn và có ý thức về những gì họ đang tìm kiếm.
Rõ ràng, khi chưa có lòng ăn năn thống hối và quyết chí sửa mình, thì cha giải tội buộc phải nói cho hối nhân hay, họ chưa sẵn sàng đón nhận công thức xá giải. Nếu công thức này được ban cho những ai mà thực tế không có ý định sửa mình, thì nghi thức hoàn toàn chỉ là phù phép. Nó chỉ có khả năng ban bình an giả tạo, chứ không phải là bình an đích thực từ cõi lòng mà việc ôm hôn của Thiên Chúa bảo đảm.
9. Dưới ánh sáng của những gì đã nói, thì sự gặp gỡ cá nhân giữa cha giải tội và hối nhân là hình thức thường xuyên của bí tích hòa giải, đã rõ ràng hơn, trong khi giải tội tập thể chỉ là trường hợp ngoại lệ. Mọi người đều biết rằng, sau nhiều thế kỷ xưng tội tập thể công khai, thực hành của Giáo Hội là dần dần tiến tới xưng tội cá nhân. Sự phát triển này không hề thay đổi bản chất của bí tích Hòa Giải - làm khác thế nào được ? - nhưng thực tế nó còn diễn tả rõ ràng hơn và làm cho bí tích hiệu quả hơn. Điều đó xảy ra không phải là không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Đấng cũng ở nơi đây làm tròn sứ vụ dẫn đưa Giáo Hội đến sự thật sung mãn (Ga 16,13).
Hình thức thông thường của bí tích Giải Tội không những bày tỏ rất tốt sự thật về lòng thương xót thần linh và sự tha thứ nảy sinh từ lòng thương xót đó, mà còn chiếu giãi ánh sáng về thân phận con người ở vào một trong các khía cạnh căn bản của nó. Đó là, mặc dầu phải sống trong một mạng lưới phức tạp các tương giao và cộng đồng, tính duy nhất của mỗi cá nhân không vì thế mà bị mất hút trong một đám đông vô định hình. Điều đó giải thích tiếng vọng của linh hồn chúng ta khi được gọi đích danh. Khi ý thức được rằng mình luôn được biết đến và chấp nhận với các đặc điểm cá nhân, chúng ta cảm thấy mình đang sống. Thói quen mục vụ phải kể điều này là quan trọng để có thể cân bằng một bên là hội họp, nhấn mạnh đến tính hiệp thông của Giáo Hội, bên khác là những giây phút riêng tư, nhấn mạnh đến các nhu cầu của các cá nhân. Người ta bao giờ cũng muốn được biết đến và chăm sóc. Chính sự gần gũi như thế cho phép người ta cảm nhận mạnh hơn tình yêu của Thiên Chúa.
Trong ý nghĩa đó, bí tích Hòa Giải là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất cho việc lớn mạnh về ngôi vị. Tại đây, Chúa chiên nhân lành qua tiếng nói và sự hiện diện của linh mục, tiếp cận với mỗi người nam, nữ. Ngài bước vào một cuộc đối thoại cá nhân với họ, gồm lắng nghe, khuyên nhủ, an ủi và thứ tha. Tình yêu Thiên Chúa có đặc tính là hội tụ vào từng cá nhân mà không hề quên xót những người khác. Tất cả mọi người lãnh nhận bí tích Giải Tội phải có thể cảm nhận được sự nồng ấm của tính quan tâm cá nhân này. Họ phải kinh nghiệm được cường độ cao của cái ôm hôn phụ tử mà người cha ban cho đứa con hoang đàng : “…Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15, 20). Họ phải có thể nghe được tiếng nói ấm áp và thân tình đã nói với ông thu thuế Gia-kêu xưa, gọi ông đích danh đến đời sống mới (Lc 19,5).
10. Như vậy, các linh mục giải tội cần phải được huấn luyện thích đáng cho việc cử hành bí tích Hòa Giải. Nó phải được cử hành thế nào để ngay cả hình thức bề ngoài cũng có đầy đủ phẩm giá phụng vụ như đã được quy định trong nghi thức hối cải.
Nhưng cũng không có nghĩa loại trừ khả năng thích nghi vì lý do mục vụ, trong những hoàn cảnh của người hối nhân đòi hỏi như vậy. Điều này am hợp với nguyên tắc cổ điển nói rằng “Luật cao nhất” (suprema lex) của Giáo Hội là sự “cứu rỗi” các linh hồn (salus animarum). Hãy để cho sự khôn ngoan của các thánh hướng dẫn chúng ta. Hãy để chúng ta can đảm hoạt động đề nghị giới trẻ bước tới tòa cáo giải. Chúng ta phải gần gũi họ, làm cho họ cảm thấy chúng ta là những người cha, người bạn, người thâm tín và cha giải tội của họ. Họ cần phải khám phá lại nơi chúng ta cả hai vai trò, hai chiều kích này.
Đó là, trong khi neo chặt vào quyền dạy dỗ của Giáo Hội, chúng ta cũng cố gắng hết sức để cập nhật hóa kiến thức thần học của mình, đặc biệt những vấn đề liên quan đến luân lý. Có thể xảy ra rằng trước các bấp bênh của luân lý phức tạp thời nay, nhiều giáo dân rời bỏ tòa giải tội với nhiều tư tưởng lộn xộn, đặc biệt nếu như họ đã gặp các linh mục giải tội thiếu nhất quán trong các phán đoán của mình. Sự thật là rằng những linh mục nào làm tròn sứ vụ của mình nhân danh Thiên Chúa và nhân danh Giáo Hội không hề cổ võ hay bày tỏ ý kiến riêng của mình trong tòa cáo giải. Ý kiến không am hợp với những gì Hội Thánh giảng dạy và tuyên xưng.
Tương tự như thế, thất bại không nói lên sự thật do bởi hiểu lầm về lòng thương cảm (compassion) lẫn lộn với tình yêu (love). Chúng ta không có thẩm quyền làm giảm thiểu vấn đề tùy vào ý riêng của mình, ngay cả khi có ý hướng tốt nhất. Nhiệm vụ của chúng ta phải là những nhân chứng của Thiên Chúa, làm phát ngôn viên của lòng thương xót cứu độ, ngay cả khi lòng thương xót đó tỏ mình ra như sự phán xét trên tội lỗi con người. “Không phải bất cứ ai nói lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào nước trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 7, 21).
11. Các anh em linh mục thân mến. Cha biết rằng cha đang đặc biệt gần gũi anh em, như anh em tập họp quanh giám mục của mình trong ngày thứ Năm thánh thiện của năm 2002. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm những giây phút quan trọng mới của Hội Thánh ở bình minh của ngàn năm thứ ba, trong ý nghĩa “khởi sự lại từ Chúa Kitô” (Novo millennio Ineunte, 29 ff.). Chúng ta tất cả đều đã hy vọng giây phút này sẽ trùng hợp với thời đại mới của tình huynh đệ và hòa bình cho nhân loại. Nhưng chúng ta lại được xem thấy nhiều đầu rơi, máu chảy hơn. Chúng ta lại được chứng kiến nhiều chiến tranh hơn. Chúng ta buồn rầu vì thảm cảnh chia rẽ và thù ghét. Thảm cảnh này đang tiêu diệt các mối tương giao giữa các dân tộc.
Cũng vào giây phút này, chúng ta, những linh mục, chịu đau khổ rất nhiều vì tội lỗi của một số anh em mình. Họ đã phản bội ơn thánh truyền chức bởi quỵ ngã ngay cả trong các hình thức nghiêm trọng nhất của mầu nhiệm sự dữ (mysterium iniquitatis) đang hòanh hành trên thế giới. Đã gây nên những gương mù tai hại. Hậu quả là thế gian nghi ngờ hết mọi linh mục tốt lành khác. Những linh mục thi hành sứ vụ của mình một cách lương thiện, toàn vẹn và thường là tự hy sinh đến mức anh hùng. Khi Hội Thánh bày tỏ quan tâm của mình đến các nạn nhân và cố gắng trả lời trong sự thật và công lý từng hòan cảnh đau đớn này, thì tất cả trong chúng ta - ý thức về sự yếu đuối của lòai người và tin tưởng vào quyền năng chữa lành của ơn thánh - được kêu gọi ẵm lấy “Mầu nhiệm thập giá” (mysterium crusis) và dấn thân mạnh mẽ hơn vào công cuộc tìm kiếm sự thánh thiện. Chúng ta phải van nài Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Ngài, thúc giục một sự thức tỉnh toàn trái tim về lý tưởng hiến dâng mình trọn vẹn cho Chúa Kitô. Lý tưởng này là nền tảng các sứ vụ linh mục.
Chính đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô đã cho chúng ta sức mạnh để nhìn vào tương lai một cách đầy tin tưởng. Chúng ta quá biết rằng trái tim con người luôn bị lôi cuốn vào điều dữ và rằng con người chỉ có thể tỏa lan bình an và yêu thương cho những ai ở chung quanh khi gặp gỡ Đức Kitô và cho phép mình bị Ngài chiếm hữu. Như các thừa tác viên của bí tích Thánh Thể và của bí tích Hòa Giải chúng ta có bổn phận đặc biệt thông ban hy vọng, sự thiện, và hòa bình cho thế giới.
Lời cầu chúc của cha là anh em sẽ sống ngày cực thánh này trong bình an của trái tim, trong hiệp thông với nhau, với giám mục, và với cộng đồng của anh em, trong khi chúng ta nhớ lại - với việc thiết lập bí tích Thánh Thể - “ngày sinh” của chúng ta như các linh mục. Mượn lời Chúa Kitô cho các Tông đồ trong nhà tiệc ly sau khi Ngài sống lại, và khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria “Nữ Vương các Tông đồ” và “Nữ Vương bình an” Cha ôm hôn tất cả các con thật nồng thắm như những người anh em của cha : Bình an, bình an cho mọi người và từng người chúng con.
Chúc Niềm Vui Phục Sinh !
Vatican ngày 13 -7-2002, Chúa Nhật thứ V Mùa Chay
Năm thứ 24 triều đại Giáo hoàng của cha.
Gioan Phaolô II.