LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Thư Gởi Các Linh Mục Nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh Năm 2001


ĐTC GIOAN PHAOLÔ II
THƯ GỞI CÁC LINH MỤC
NHÂN NGÀY THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM 2001

Anh em rất thân mến trong chức linh mục,
Trong ngày Chúa Giêsu trao ban cho Giáo Hội hồng ân bí tích Thánh Thể và cùng với bí tích nầy Chúa đã thiết lập chức tư tế của chúng ta, tôi không thể nào không gởi đến anh em - theo như thói quen hiện có - một lời của tình bạn và, tôi có thể nói, một lời của tình thân, với ước muốn chia sẻ với anh em tâm tình cảm tạ và chúc tụng. Hỡi Sion, hãy chúc tụng Đấng cứu thế; hãy chúc tụng Đấng là thủ lãnh và là chủ chăn, với những bài ca ngợi ! Đây thật là cao cả mầu nhiệm mà chúng ta được trở nên thừa tác viên. Mầu nhiệm của tình thương yêu không giới hạn, bởi vì “sau khi đã yêu thương các môn đệ còn ở trần gian, Người yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1); mầu nhiệm của sự hiệp nhất, một mầu nhiệm từ nguồn mạch sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta, để làm cho chúng ta được nên “một” trong hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 17); mầu nhiệm của việc phục vụ (diakonia), một việc phục vụ đã đưa Ngôi Lời làm người cúi xuống rửa chân cho tạo vật, vừa chỉ cho thấy việc phục vụ là con đường chính của mọi tương quan đích thực giữa con người với nhau : “Như Thầy đã làm gương, anh em cũng phải làm như vậy...” (x. Ga 13, 15). Một cách đặc biệt, chúng ta đã được biến đổi trở nên những chứng nhân và những thừa tác viên của mầu nhiệm cao cả nầy.
Thứ Năm Tuần Thánh năm nay là thứ năm tuần thánh đầu tiên sau Năm Đại Toàn Xá. Kinh nghiệm chúng ta đã trải qua cùng với cộng đoàn chúng ta, trong việc cử hành đặc biệt Tình Thương Nhân Từ, vào 2000 năm sau khi Chúa Giêsu sinh ra, (kinh nghiệm đó) giờ đây trở thành sức thức đẩy cho một cuộc hành trình mới. Duc in altum ! Hãy ra khơi ! Chúa mời gọi chúng ta hãy ra khơi, với lòng tin tưởng vào lời ngài. Chúng ta hãy sử dụng kho tàng quý báu của kinh nghiệm Năm Thánh, và chúng ta tiến tới trong dấn thân làm chứng cho Phúc Âm với lòng hăng say mà sự chiêm ngắm dung nhan Chúa Kitô đang khơi dậy trong chúng ta!
Như tôi đã nhấn mạnh trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới”, cần phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, để có thể mở rộng tâm hồn chúng ta trong Người, với những tiếng nói “không thể diễn tả được” của Chúa Thánh Thần (x. Roma 8,26), trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Cha : “Abba, lạy Cha!” (Gl 4,6). Cần phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô, để khám phá lại nguồn mạch và ý nghĩa sâu xa của tình huynh đệ : “Như Ta đã yêu thương chúng con, thì chúng con cũng phải yêu thương nhau như vậy”(Ga 13,34)
Hôm nay, Tôi muốn cám ơn từng người trong anh em vì tất cả những gì anh em đã làm trong suốt Năm Thánh, ngõ hầu dân Chúa được trao phó cho anh em chăm sóc, có thể ý thức một cách mạnh mẻ hơn sự hiện diện cứu rỗi của Chúa Phục Sinh. Trong giây phút nầy, tôi cũng nghĩ đến công việc anh em chu toàn hằng ngày, thường là công việc ẩn khuất, nhưng là công việc, dù không được đưa lên các trang báo, nhưng làm cho Nước Chúa ngự đến trong các lương tâm. Tôi xin bày tỏ cùng anh em lòng khâm phục của tôi vì thừa tác vụ tế nhị, kiên trì, đầy sáng kiến, và cả đôi khi được tưới gội bằng những giọt nước mắt của tâm hồn mà chỉ mình Thiên Chúa mới nhìn thấy được và “hứng lấy trong chậu” của Ngài (x. Tv 56,9). Tác vụ nầy càng xứng đáng được kính trọng, khi càng bị thử thách bởi những chống đối của một môi trường bị trần tục hóa trong nhiều lãnh vực, và đưa hoạt động của linh mục vào cạm bẩy của sự mệt mỏi và ngả lòng. Anh em biết rõ: sự dấn thân hằng ngày nầy là thật quý giá trước nhan Thiên Chúa.
Nhưng đồng thời, tôi cũng muốn nói lên tiếng nói của Chúa Kitô, Đấng mời gọi chúng ta hãy phát triển càng ngày càng nhiều hơn mối tương quan của chúng ta với Chúa. “Đây ta đứng ngoài cửa và gõ” (Kh 3,20). Như những kẻ rao giảng Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi trước hết sống trong sự kết hiệp mật thiết với Người : không thể nào trao ban cho kẻ khác điều mà chính chúng ta lại không có ! Hiện đang có sự khao khát Chúa Kitô, mặc cho biết bao hình thức bên ngoài ngược lại, còn phát sinh trong xã hội hiện đại ; sự khao khát nầy xuất hiện giữa những điều còn rời rạc với nhau của những hình thức tu đức mới, và được ghi nhận cả khi, trong những vấn đề luân lý quan trọng, chứng tá của Giáo Hội trở thành dấu chỉ gây mâu thuẫn. Sự khao khát Chúa Kitô nầy - dù có ý thức hay không - không thể nào được thỏa mãn bởi nhữnglời nói trống rỗng. Chỉ những chứng nhân đích thật mới có thể thông truyền một cách đáng tin lời có sức cứu rỗi.
4. Trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới”, tôi đã nói rằng phần gia tài đích thực của Năm Thánh là kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ mạnh mẽ hơn với Chúa Kitô. Giữa biết bao khía cạnh của cuộc gặp gỡ nầy, hôm nay tôi muốn chọn ra, cho những dòng suy tư đây, khía cạnh sự hòa giải qua bí tích: đây là một khía cạnh nằm ở trung tâm của Năm Toàn Xá, bởi vì được liên kết chặt chẽ với hồng ân ơn đại xá.
Tôi chắc chắn rằng anh em cũng đã kinh nghiệm được điều nầy tại những giáo hội địa phương. Tại Roma nầy, hiện tượng đông người đến lãnh nhận bí tích của lòng thương xót, chắc chắn đã là một trong những hiện tượng thấy rõ nhất của Năm Toàn Xá. Cả những quan sát viên đời thường cũng hết sức bị đánh động bởi điều nầy. Những tòa giải tội trong Đền Thờ Thánh Phêrô, cũng như tại những Đền Thờ khác, đều được vây quanh bởi những anh chị em hành hương, đôi khi bị bắt buộc phải đứng cả hàng dài, trong sự chờ đợi đầy kiên nhẫn cho đến phiên mình được lãnh nhận bí tích. Điều đặc biệt có ý nghĩa là các bạn trẻ trong tuần lễ họ cử hành Toàn Xá, cũng đã tỏ ra hết sức quan tâm đến với bí tích nầy.
5. Anh em biết rõ rằng, trong những thập niên qua, bí tích hòa giải nầy, vì nhiều lý do, đã phải trải qua cuộc khủng hoảng. Chính để đối diện với cuộc khủng hoảng nầy mà vào năm 1984 một THĐGM đã được cử hành; và những kết quả của khóa họp nầy được ghi vào trong Tông Huấn hậu THĐGM có tựa đề là “Hòa Giải và Đền Tội”.
Có lẽ là điều ngây thơ mà nghĩ rằng chỉ gia tăng việc thực hành Bí Tích của sự tha thứ trong năm Toàn Xá, là đủ bằng chứng cho việc phục hồi bí tích nầy. Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Dấu hiệu nầy thôi thúc chúng ta nhìn nhận rằng những đòi hỏi sâu xa của tâm hồn con người, mà ý định cứu rỗi của Thiên Chúa muốn đáp lại những đòi hỏi đó—không thể nào bị xóa bỏ bởi những khủng hoảng nhất thời. Cần phải đón nhận dấu hiệu của năm Toàn Xá nầy, như là một dấu chỉ từ trên cao, và xem đó như là một lý do cho lòng can đảm mới để đề nghị lại ý nghĩa và việc thực hành bí tích Hòa Giải.
6, Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề mục vụ mà tôi muốn đặt ra. Thứ năm Tuần Thánh, ngày đặc biệt của ơn gọi chúng ta, mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ trước hết về “thực thể chính mình”, và nhất là về con đường nên thánh của chúng ta. Chính từ đây mà sẽ được phát sinh sức hăng say tông đồ.
Như thế, khi nhìn vào Chúa Kitô trong bửa Tiệc Ly, nhìn vào việc Người trở nên “bánh được bẻ ra” cho chúng ta, nhìn vào việc Người cúi mình xuống thực hiện việc khiêm tốn rửa chân cho các môn đệ, thì làm sao chúng ta không cảm nghiệm, như thánh Phêrô xưa, cùng tâm tình về sự bất xứng trước sự cao cả của hồng ân lảnh nhận? “Chúa sẽ không bao giờ rửa chân cho con !” (Ga 13,8). Thánh Phêrô đã lầm, khi chối từ cử chỉ của Chúa. Nhưng thánh nhân có lý khi cảm thấy mình không xứng đáng. Trong ngày tuyệt hảo của tình thương nầy, điều quan trọng là chúng ta cảm nghiệm được ân sủng chức tư tế, như một sự tràn đầy lòng nhân từ.
Lòng nhân từ là cho đi nhưng không một cách tuyệt đối mà nhờ đó Thiên Chúa đã chọn chúng ta: “Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn chúng con” (Ga 15, 16).
Lòng nhân từ là hạ mình mà nhờ đó Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy hành động như những đại diện của Ngài, dù biết rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi.
Lòng nhân từ là sự tha thứ mà Thiên Chúa không bao giờ từ chối ban cho chúng ta, cũng như xưa Chúa đã không từ chối ban cho thánh Phêrô, sau lần chối Chúa. Cũng đúng cho chúng ta lời quả quyết của Chúa rằng “trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại, nhiều hơn là 99 người công chính không cần ăn năn” (Lc 15, 7).
7. Vậy chúng ta hãy khám phá lại ơn gọi của chúng ta như là “mầu nhiệm của lòng nhân từ”. Trong Phúc Âm, chúng ta gặp thấy rằng chính với thái độ thiêng liêng nầy mà thánh Phêrô lảnh nhận tác vụ đặc biệt riêng của ngài. Kinh nghiệm sống của ngài soi sáng cho tất cả những ai đã lãnh nhận trách vụ tông đồ, trong những cấp bậc khác nhau của Bí Tích Chức Thánh.
Chúng ta nghĩ đến Mẻ Lưới lạ lùng, như được mô tả trong phúc âm theo thánh Luca (5, 1-11). Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô tin tưởng vào Lời Ngài, khi mời Phêrô hãy ra khơi để thả lưới. Trên bình diện nhân loại, đây là một đòi hỏi gây ngỡ ngàn: làm sao có thể tin được nữa, sau một đêm không ngủ và mệt nhọc, tiêu hao năng lực để thả lưới mà không thu lượm kết quả nào cả ? Nhưng cố gắng thi hành lại “theo Lời Chúa chỉ dạy” đã thay đổi tất cả. Cá lưới được thật nhiều, đến độ gần rách đi cả lưới. Lời Chúa mạc khải quyền năng của Ngài. Sự kinh ngạc phát sinh từ đó, và cùng đồng thời cũng phát sinh sự lo sợ và hồi hộp, giống như khi chúng ta bất ngờ bị một luồng sáng cực mạnh chiếu dọi vào, phơi bày mọi giới hạn của mình. Thánh Phêrô thốt lên : “Lạy Chúa, xin hãy xa con , vì con đây là một người tội lỗi”. Nhưng Phêrô chưa dứt lời thú nhận, thì lòng nhân từ của Thầy đã mở ra một khởi đầu mới cho Phêrô : “Đừng sợ! từ nay, con sẽ là kẻ lưới cá con người” (Lc 5,10). Người đánh cá trở thành thừa tác viên của lòng nhân từ. Từ người đánh cá, trở thành kẻ lưới cá con người !
8. Anh em rất thân mến, đó là mầu nhiệm cao cả: Chúa Kitô đã không sợ chọn những thừa tác viên của Ngài từ những kẻ tội lỗi. Thử hỏi, đây không phải là kinh nghiệm của chính chúng ta đấy sao ? Chính Phêrô sẽ ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đối thoại nóng bổng với Chúa Giêsu, sau biến cố Phục sinh.
Trước khi trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt, Thầy Giêsu đã hỏi thẳng như sau: Simon con Ông Gioan, con có thương Thầy nhiều hơn những người nầy không ? (Ga 21,15) Người được hỏi là kẻ trước đó vài ngài đã chối Chúa đến ba lần. Người ta hiểu được giọng khiêm tốn của câu trả lời : “Lạy Chúa, chúa biết tất cả, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17). Chính dựa trên tình thương nầy, một tình thương biết quá rõ về sự mỏng giòn yếu đuối của mình, một tình thương được tuyên xưng với lòng tin tưởng vừa lo sợ, mà Thánh Phêrô lảnh nhận tác vụ : “Hãy chăn dắt các chiên Ta” “Hãy chăn dắt các chiên con của Ta” (Ga 21,15.16.17). Sau nầy, chính dựa trên tình yêu nầy, một tình yêu được Lửa Chúa Thánh Thần của Ngày Hiện Xuống cũng cố, mà tông đồ Phêrô có thể chu toàn tác vụ đã lãnh nhận.
9. Và thử hỏi cũng không phải trong kinh nghiệm về lòng nhân từ mà ơn gọi của Thánh Phaolô Tông Đồ được phát sinh, hay sao ? Không ai hơn ngài đã cảm nghiệm sự tuyển chọn nhưng không của Chúa Kitô. Quá khứ của ngài như là kẻ hung hăng bách hại Giáo Hội, luôn luôn còn đó trong tâm hồn ngài : “Thật vậy, tôi là kẻ chót cùng nhất trong các tông đồ, và cả không xứng đáng được gọi là tông đồ, bởi vì tôi đã bách hại giáo hội Chúa (1 Co 15, 9).
Tuy nhiên, ký ức nầy, thay vì làm cho sự hăng say của ngài bị giảm xuống, thì lại như gắn thêm cánh cho nó. Thánh Phaolô càng được ôm ấp trong lòng nhân từ của Thiên Chúa, thì ngài càng cảm thấy nhu cầu phải làm chứng cho lònGahân từ đó, và phổ biến nó. Tiếng Nói chạm đến ngài trên con đường Damas, dẫn đưa ngài vào trung tâm Phúc Âm, và giúp ngài khám phá ra tiếng nói đó như là tình thươing nhân từ của Thiên Chúa Cha, Đấng hòa giải thế gian lại với mình trong Chúa Kitô. Trên căn bản nầy, thánh Phaolô sau nầy sẽ hiểu công việc phục vụ tông đồ như là tác vụ hóa giải. “Tất cả những điều nầy đến từ TC, Đấng đã hòa giải chúng ta lại với Người qua trung gian Chúa Kitô, và là Đấng đã trao ban cho chúng tôi tác vụ hòa giải. Chính Thiên Chúa là Đấng đã hòa giải thế gian lại với Ngài trong Chúa Kitô, qua việc không quy trách cho con người về những lỡi lầm của họ và trao phép cho chúng tôi Lời Hòa Giải” ( 2 Cr 5, 18-19).
Anh em linh mục rất thân mến, chứng tá của hai thánh Phêrô và Phaolô có tích chứa những chỉ dẫn quý báu cho chúng ta. Những chứng tá nầy mời gọi chúng ta hãy sống hồng ân tác vụ với ý thức cảm tạ tri ân khôn cùng. Chúng ta không có công gì cả, tất cả đều là ân sũng! Kinh nghiệm sống của hai thánh tông đồ, đồng thời, dẫn đưa chúng ta đến việc phó thác cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, để với lòng thống hối chân thành, chúng ta dâng cho ngài những sự mỏng giòn của chgúng ta, và cùng với ơn sũng ngài mà đi lại con đường thánh tiện của chúng ta. Trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới”, tôi đã đề nghị sự dấn thân sống thánh thiện như là điểm đầu tiên của một chương trình khôn ngoan về mục vụ. Dấn thân sống thánh thiện là một sự dấn thân căn bản của tất cả mọi tín hữu, và đối với chúng ta thì lại càng là một dấn thân căn bản hơn nữa (x. các số 30-31).
Vì thế, điều quan trọng là chúng ta khám phá lại bí tích hòa giải như là phương thế căn bản cho sự thánh hóa chúng ta. Đến với anh em linh mục khác, để xin ban cho chúng ta sự xá giải, mà biết bao lần chính chúng ta đã trao ban cho các giáo dân, việc đó làm cho chúng ta sống sự thật cao cả và đầy sức an ủi, sự thật được là thành phần của một dân tộc duy nhất, một dân tộc bao gồm “những kẻ đã được ơn cứu rỗi”, trước khi là một thừa tác viên. Điều mà Thánh Augustino nói về trách vụ giám mục của ngài, cũng còn có giá trị cho công việc phục vụ của linh mục. “Nếu thực thể làm kẻ phục vụ cho anh chị em, làm cho tôi lo sợ, thì thực thể làm kẻ sống cùng với anh chị em, lại an ủi tôi. Tôi là giám mục, để phục vụ anh chị em. Tôi là người kitô để cùng sống với anh chị em. Danh gọi Giám mục là danh gọi của nguy hiểm; danh gọi kitô là danh gọi của ơn cứu rỗi. (Bài diễn văn 340,1). Thật là đẹp thay được xưng thú những tội lỗi của chúng ta, và được nghe những lời dịu dàng, Lời ban cho chúng ta được tràn đầy tình thương nhân từ và giúp chúng ta bắt đầu lại. Chỉ những ai đã cảm nghiệm được sự dịu dàng của vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa Cha, Đấng được phúc âm mô tả trong sụ ngôn về đứa con đi hoang - “người cha chạy đến ôm cổ con và hôn”---( Lc 15,20).. chỉ những ai đã cảm nghiệm được điều đó, thì mới có thể thông truyền cho kẻ khác cùng một sức nóng ấm, khi từ một kẻ lảnh nhận sự tha thứ, chúng ta được trở thành thừa tác viên trao ban sự tha thứ.
11. Chúng ta hãy cầu xin cùng Chúa Kitô, trong ngày thứ năm tuần thánh nầy, giúp chúng ta khám phá lại , cho chính bản thân chúng ta, cách trọn đầy, khám phá nét đẹp của bí tích Hòa Giải. Thử hỏi không phải Chúa Giêsu đã giúp cho Phêrô khám phá ra điều nầy hay sao? “Nếu Thầy không rửa cho con, thì con sẽ không có phần nào với Thầy” (Ga 13, 8). Chắc hẳn, Chúa Giêsu không quy chiếu trực tiếp về bí tích Hòa Giải, nhưng cách nào đó ngài nhắc đến bí tích nầy, vừa nhắc đến tiến trình thanh tẩy, mà cái chết cứu rỗi của ngài, có thể mở ra và nhắc đến nhiệm cuộc bí tích được áp dụng cho mỗi người qua các thời đại.
Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy năng đến với bí tích nầy, ngỏ hầu Chúa có thể thanh luyện liên lỉ tâm hồn chúng ta, vừa làm cho chúng ta trở nên ít bất xứng hơn với những mẫu nhiệm, mà chúng ta cử hành. Được gọi trình bày dung mạo của Đấng là Chủ chăn nhân lành, và do đó, có cùng một tâm hồn của Chúa Kitô, hơn ai hết, chúng ta phải lấy làm của mình, lời khẩn cầu tha thiết sau dây của tác giả thánh vịnh 50 : “Lạy Chúa, xin hãy tạo dựng nơi con một quả tin mới, xin hãy canh tân tinh thần cương nghị trong nguời con” ( Tv 51,12). Bí tích Hòa Giải, mà không một người kitô nào có thể bỏ qua, là sự nâng đỡ, định hướng và thuốc chữa lành của đời linh mục.
12. Linh mục nào sống trọn vẹn kinh nghiệm vui tươi của bí tích hòa giải, thì sẽ tự nhiên chia sẻ với những anh chị em tín hữu lời của thánh tông đồ Phaolô như sau : Chúng tôi hành sử như những sứ giả của Chúa Kitô, dường như thể Thiên Chúa khuyến dụ qua chúng tôi. Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi khẩn xin anh chị em : Hãy để cho mình được hòa giải với TC” (2 Co 5, 20).
Nếu cuộc khủng hoảng về bí tích hòa giải, mà tôi mới nhắc đến trên đây, tùy thuộc vào nhiều yếu tố—từ việc giảm bớt ý thức về tội lỗi cho đến nhận thức ít đi về nhiệm cuộc bí tích mà nhờ đó TC cứu rỗi chúng ta--- thì có lẽ chúng ta phải nhìn nhận rằng đôi khi có thể xảy ra điều bất lợi cho bí tích Hòa Giải, vì do bởi lòng hăng say của chúng ta bị yếu đi, hoặc vì thiếu thái độ sẵn sàng trong việc thi hành thừa tác vụ tế nhị và đòi hỏi nầy.
Hơn bao giờ hết, cần phải làm dân Chúa khám phá lại điều nầy. Cần phải nói lên với sự cứng rắn và xác tín rằng: chính bí tích Đền Tội là con đường thông thường, để lảnh nhận sự tha thứ và sự tha các tội nặng đã phạm từ khi rửa tội về sau. Cần phải cử hành bí tích nầy trong cách thức tốt nhất có thể, trong những hình thức phụng vụ đã được soạn trước, bởi vì nó duy trì dung mạo trọn vẹn của nó như là việc cử hành lòng nhân từ của TC.
13. Để cho chúng ta có lại niềm tin tưởng vào khả thể của một cuộc phục hưng Bí Tích Hòa Giải nầy, không những có sự trổ sinh, mặc dù giữa biết bao là điều mâu thuẫn, (không những có sự trổ sinh) một nhu cầu khẩn thiết mới về tu đức tại nhiều môi trường xã hội, mà còn có cả nhu cầu sống động cần có gặp gỡ giữa người với người, một nhu cầu gặp gỡ càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn nơi nhiều nguời, như là một phản ứng trước một xã hội vô danh và bỏ mất cá nhân tính, một xã hội thường làm cho con người sống cô đơn trong nội tâm mình, cả khi con người đó đang sống giữa những tương quan do địa vị tạo ra. Chắc chắn rằng, việc xưng tội trong bí tích Hòa Giải không được lẫn lộn với việc thực hành của sự nâng đỡ nhân bản hoặc của việc chữa trị tâm lý. Tuy nhiên, người ta cũng không nên coi nhẹ sự kiện là, nếu được sống thực hành cách tốt đẹp, thì bí tích Hòa Giải chắc chắn có chu toàn một vai trò “nhân bản hóa”, được liên kết với giá trị hàng đầu của việc hòa giải với TC và với Giáo Hội.
Điều quan trọng là, trên bình diện nầy, thừa tác viên của sự hòa giải chu toàn tốt trách vụ của mình. Khả năng của thừa tác viên trong việc đón nhận, lắng nghe, đối thoại, thái độ sẵn sàng luôn luôn, đó là những yếu tố thiết yếu ngõ hầu tác vụ hòa giải có thể điuợc thể hiện với trọn cả giá trị của chúng. Việc rao giảng những đòi hỏi tận căn của Lời Chúa một cách trung thành, và không bao giờ e ngại, cần luôn được đi đôi với sự thông cảm sâu xa và sự tế nghị, noi theo thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ tội lỗi.
14. Tiếp thêm, còn cần phải mặc cho việc cử hành phụng vụ Bí Tích hòa giải một tầm quan trọng cần thiết. Bí Tích Hòa giải nằm bên trong chiều kích sự hiệp thông, đặc tính của giáo hội. Chính tội lỗi sẽ không được hiểu cho đến tận cùng, nếu nguời ta chỉ hiểu nó một cách “cá nhân riêng rẽ”, mà quên rằng tội lỗi có liên quan không thể tránh được với toàn thể cộng đoàn và làm cho mức độ thánh thiện của cộng đoàn bị giảm xuống. Hơn nữa, việc cống hiến sự tha thứ  diễn tả mầu nhiệm của tình liên đới thiêng liêng; và ý nghĩa của bí tích hòa giải dựa trên sự hiệp nhất sâu xa giữa Chúa Giêsu thủ lãnh và những chi thể của Người.
Làm cho người ta khám phá lại khía cạnh “cộng đồng” của bí tích Hòa Giải, cả nhờ qua những cử hành nghi thức thống hối cộng đồng với kết thúc bằng việc xưng tội và giải tội cá nhân, là điều thật quan trọng, bởi vì việc cử hành đó cho phép tín hữu lĩnh hội tốt hơn hai chiều kích của sự hỏa giải và làm cho tín hữu dấn thân nhiều hơn sống con đường thống hối riêng, với trọn cả sự phong phú đầy sức tái sinh của nó.
15. Còn một vấn đề căn bản khác nữa là việc giảng dạy giáo lý về ý thức luân lý và về tội lỗi ; đây là một việc giảng dạy giáo lý làm cho người ta ý thức rõ ràng hơn về những đòi hỏi của phúc âm trong đặc tính tận căn của nó. Buồn thay có một khuynh hứơng muốn giảm nhẹ tới mức tối thiểu, cản trở không cho Bí Tích mang lại tất cả những kết quả mong muốn. Đối với nhiều tín hữu, nhận thức về tội không được căn cứ trên phúc âm, nhưng trên những “ước lệ chung”, trên quy phạm của xã hội học, làm cho ngưởi ta nghĩ rằng mình không có trách nhiệm riêng về những điều mà tất cả đều làm, nhất là khi những điều đó được luật dân sự cho phép.
Công việc rao giảng phúc âm của ngàn năm thứ ba cần phải lưu ý đến tính cách khẩn thiết phải trình bày sứ điệp phúc âm cách sống động, trọn đủ, và đòi hỏi. Đời sống kitô mà chúng ta nhắm đến, không thể nào được rút gọn về việc dấn thân bình thường sống liêm chính theo những tiêu chuẩn xã hội học, nhưng cần phải là một cố gắng thật sự tiến đến sự thánh thiện. Chúng ta cần phải đọc lại với niềm hăng say mới, chương V của hiến chế tín lý Ánh Sáng muôn dân, nói về ơn gọi phổ quát mọi tín hữu sống thánh thiện. Sống làm người kitô, có nghĩa là lãnh nhận món quà của “ân thánh hóa”, một ơn không thể nào không được thực hiện ra trong sự dấn thân của cá nhân sống phù hợp với ơn ban nầy trong cuộc sống hằng ngày. Không phải là việc ngẫu nhiên, khi tôi cố gắng trong những năm qua cổ võ trên bình diện rộng rãi hơn, việc nhìn nhận sự thánh thiện, trong mọi môi trường trong đó sự thánh thiện được thể hiện, ngỏ hầu có thể cống hiến cho tất cả mọi nguời kitô những kiểu mẫu sống thánh thiện khác nhau, và ngõ hầu tất cả được nhớ lại là mình đã được đích danh gọi sống theo cùng một lý tưởng thánh thiện.
16. Anh em rất thân mến, chúng ta hãy bước tới, trong niềm vui của thừa tác vụ của chúng ta, vừa biết rõ rằng có hiện diện bên cạnh chúng ta Đấng đã mời gọi và không bỏ rơi chúng ta. Niềm xác tín về sự hiện diện của Người nâng đỡ và an ủi chúng ta.
Trong ngày thư năm tuần thánh, chúng ta còn cảm thấy sự hiện diện nầy cách sống động hơn nữa, và với niềm cảm động, chúng ta chiêm ngắm Giờ mà Chúa Giêsu, nơi phòng Tiệc Ly, trao ban cho chúng ta chính Người trong hình bánh và hình rượu, vừa thực hiện trước, một cách bí tích, hy tế của thập giá. Năm 2000 vừa qua, tôi đã viết thơ cho anh em từ nơi Phòng Tiệc Ly, nhân dịp viếng thăm Thánh Địa. Làm sao có thể quên được giây phút cảm động đó ? Hôm nay, Tôi sống lại điều đó, với sự ưu buồn vì hoàn cảnh đau thương như thế của miền đất của Chúa Kitô.
Cuộc hẹn thiêng liêng của chúng ta vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh còn nơi đó, nơi Phòng Tiệc Ly, trong khi mà quanh những vị giám mục, trong những nhà thờ chính toà trên khắp thế giới, chúng ta sống mầu nhiệm của Mình và Máu Chúa Kitô, và chúng ta tưởng nhớ đến những nguồn gốc của chức tư tế của chúng ta, với lòng biết ơn.
Trong niềm vui của hồng ân bao la mà chúng ta đã cùng nhận lãnh chung, Tôi ôm hôn anh em tất cả và chúc lành cho anh em.
Từ Vatican, ngày 25 tháng 3,
Chúa nhật IV Mùa Chay, năm 2001,
Năm thứ 23 triều đại giáo hoàng của tôi.
Gioan Phaolô II (ký tên).
(Bản chuyển ngữ Đài CLAC) Msgr. Peter NGUYỄN VĂN TÀI