LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Suy Niệm Ca Vịnh Theo Giờ Kinh Phụng Vụ - Phần V

Bài 121 – Ca vịnh Ep 1 (Thứ Tư 13/10/2004)

 ƠN CỨU CHUỘC BỞI MÁU CHÚA KITÔ

 (Ca Vịnh Êphêsô 1:3-10, Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)

 1. Chúng ta đang ở trước một bài thánh thi ca trịnh trọng chúc tụng mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, một đoạn sâu xa về thần học và tu đức, một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và có lẽ về cả phụng vụ của Giáo Hội trong thời các tông đồ.
Bài thánh thi ca này được sắp xếp bốn lần cho cả 4 tuần lễ Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều, nhờ đó tín hữu có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được hình ảnh cao cả của Chúa Kitô là tâm điểm của tu đức và phụng vụ Kitô Giáo, cũng như là nguyên lý của mối hiệp nhất và của ý nghĩa về vũ trụ cùng toàn thể lịch sử. Lời chúc tụng từ loài người dâng lên Chúa Cha là Đấng ở trên trời (x câu 3), được tác động bởi công cuộc cứu độ của Người Con.
2. Nó được mở đầu bằng dự án thần linh hằng hữu, một dự án Chúa Kitô được kêu gọi để hoàn tất. Dự án này, trước hết cho thấy sự kiện là chúng ta được tuyển chọn để trở thành “thánh hảo và tinh tuyền”, không phải ở mức độ về nghi thức, như những tĩnh từ này vốn được sử dụng trong Cựu Ước cho việc phụng vụ hy tế dường như cho thấy như vậy, mà là trong yêu thương (x câu 4). Bởi thế, đây là vấn đề của thánh đức và của luân lý, của sự hiện hữu, của tình trạng tinh tuyền nội tâm.
Tuy nhiên, đối với chúng ta, Chúa Cha đã có một dự án khác trong lòng của Ngài, đó là qua Chúa Kitô Ngài đã ấn định việc chúng ta lãnh nhận tặng ân làm con cái, trở thành những người con trong Người Con và trở nên an hem của Chúa Giêsu (x Rm 8:15,23; 9:4; Gal 4:5). Quà tặng ân sủng này được tuôn đổ qua “Người Con Yêu Dấu”, Người Con Duy Nhất đích thực (x câu 5-6).
3. Theo đường lối ấy Chúa Cha thực hiện một cuộc biến đổi sâu xa trong chúng ta, đó là một cuộc hoàn toàn giải phóng khỏi sự dữ, “một cuộc cứu chuộc bằng máu” của Chúa Kitô, “một cuộc thứ tha các thứ vấp phạm của chúng ta” nhờ “kho tàng phong phú ân sủng của Người (x câu 7). Việc hy sinh của Chúa Kitô trên thập tự giá, một tác động tuyệt đỉnh của lòng yêu thương và tình đoàn kết, đã chiếu giãi trên chúng ta muôn vàn tia sáng, muôn vào “khôn ngoan và minh thức” (x câu 8). Chúng ta là những tạo vật được biến đổi, ở chỗ, các tội lỗi của chúng ta được hủy đi, chúng ta trọn vẹn nhận biết Chúa. Theo ngôn ngữ thánh kinh, nếu việc nhận biết là biểu hiệu của yêu thương, thì yêu thương đưa chúng ta vào “mầu nhiệm” của ý muốn thần linh sâu xa hơn (x câu 9).
4. Một “mầu nhiệm”, tức là, một dự án siêu việt và toàn hảo, nhắm đến đối tượng của mình là một dưựán cứu độ tuyệt vời: đó là “hiệp nhất tất cả mọi sự nơi Người, những sự trên trời và những sự dưới thế” (câu 10). Bản văn Hy ngữ nói đến là Chúa Kitô đã trở thành “kefalaion”, tức là một trụ điểm, một trục chính mà toàn thể tạo sinh đang qui về và chiếm được ý nghĩa của mình. Cũng từ ngữ Hy lạp này liên quan đến một chữ khác đặc biệt được yêu chuộng trong các Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô và Colosê, đó là chữ “kefale”, hay thủ lãnh, nói lên phận vụ được Chúa Kitô hoàn tất nơi thân thể Giáo Hội.
Đến đây cảnh trí trở nên bao rộng hơn và có tính cách vũ trụ, bao gồm cả khía cạnh đặc biệt hơn về giáo hội nơi công cuộc của Chúa Kitô. “Người đã hòa giải với mình tất cả mọi sự, dù dưới thế hay trên trời, giải hòa bằng máu thập giá của Người” (Col 1:20).
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng lời nguyện cầu chúc tụng và tạ ơn về việc Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng những lời lẽ của một bản văn được bảo tồn trong một cói giấy cổ ở thế kỷ thứ 4.
“Chúng con kêu cầu Ngài, lạy Chúa là Thiên Chúa. Chúa biết hết mọi sự, không gì thoát được Chúa là Vị Sư Phụ của chân lý. Chúa đã dựng nên vũ trụ và trông coi tất cả mọi hữu thể. Chúa hướng dẫn trên con đường chân thật những ai đã ở trong tối tăm và bóng tối sự chết. Chúa mong cứu tất cả mọi người và làm cho họ nhận biết sự thật. Cùng nhau chúng con dâng lên Chúa lời chúc tụng cùng những bài thánh thi ca tạ ơn”.
Lời cầu nguyện tiếp tục như sau: “Chúa đã cứu chuộc chúng con, bằng máu quí giá và tinh tuyền của Ngươiụ Con Chúa duy nhất khỏi mọi thứ hư hoại và tình trạng nô lệ. Chúa đã giải thoát chúng con khỏi ma quỉ và ban cho chúng con vinh hiển và tự do. Chúng con đã chết đi và Chúa đã làm cho chúng con tái sinh, cả hồn lẫn xác, trong Thần Linh. Chúng con đã bị ra ô uế và Chúa đã thanh tẩy chúng con. Bởi thế, chúng con cầu xin Cha giầu lòng xót thương và là vị Thiên Chúa của mọi nguồn ủi an là hãy làm cho chúng con vững vàng theo đuổi ơn gọi của mình, trong việc tôn thờ và trong sự tín trung.
Lời cầu nguyện kết thúc bằng lời cầu: “Xin hãy kiên cường chúng con, Ôi Chúa Nhân Ái, bằng sức mạnh của Chúa. Xin hãy soi chiếu linh hồn chúng con bằng ơn an ủi của Chúa…. Xin hãy cho chúng con được thấy, tìm kiếm và chiêm ngưỡng những sản vật trên trời chứ không phải những sản vật trần thế. Nhờ vậy, với sức mạnh ân sủng của Chúa, vinh quang được qui về cho Đấng toàn năng, chí thánh, quyền năng mãnh lực xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng, trong Chúa Giêsu Kitô, người Con Yêu Dấu, với Thành Linh muôn đời vĩnh cửu. Amen” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani," [Early Christian Prayers], Milan, 1955, pp. 92-94).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô được xướng lên mỗi tuần trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Bài ca vịnh này là một diễn đạt tuyệt vời về đức tin và về tu đức của Giáo Hội ở vào thời tông đồ.
Bài ca vịnh này là một bài thánh thi ca tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha về các phúc lành đã ban xuống trên chúng ta qua Người Con yêu dấu của Ngài. Bởi máu của Chúa Kitô, chúng ta được hòa giải với Chúa Cha, được thánh hóa trước nhan Ngài, và được ban ân sủng để trở nên những người con trai, con gái thừa nhận của Ngài.
Nhờ mầu nhiệm thập giá, chúng ta đã được ơn khôn ngoan để hiểu biết dự án vĩnh cửu của Thiên Chúa trong việc hiệp nhất trong Chúa Kitô tất cả mọi sự trên trời dưới đất. Vị Chúa vinh hiển này nhờ đó chẳng những xuất hiện như đầu của Nhiệm Thể là Giáo Hội, mà còn là nguồn mạch và trung tâm của một thế giới đã được hòa giải và canh tân.
Khi kết thúc bài giáo lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, Ngài còn nhắc nhủ 16 ngàn người qui tụ lại Quảng Trường Thánh Phêrô về Năm Thánh Thể rằng: “Vào lúc mở đầu cho Năm Thánh Thể, hãy cố gắng hết sức để theo Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Hãy trở thành những kẻ thường xuyên tôn thờ Bí Tích Cực Thánh!”
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 13/10/2004).

Bài 122 – TV 48 (49) (Thứ Tư 20/10/2004)

CÁI HƯ ẢO CỦA GIÀU SANG PHÚ QUÝ

(Thánh Vịnh 48 [49], Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)

1. Việc chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 48 (49) sẽ được chia làm 2 giai đoạn, đúng như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều đã làm, phụng vụ giờ kinh sắp xếp bài Thánh Vịnh này thành hai thời điểm. Giờ đây chúng ta sẽ dẫn giải chính yếu ở phần thứ nhất là phần cho thấy một trường hợp khốn khó, như ở bài Thánh Vịnh 72. Con người công chính phải trực diện với “những ngày tháng ám muội”, khi họ bị “vây quanh bởi điều tội lỗi của các kẻ bách hại”, thành phần “huyênh hoang về những thứ giầu sang phồn vinh của mình” (câu 6-7).
Cái luận kết của người công chính được làm nên như một thứ cách ngôn, xuất hiện một lần nữa ở cuối bài Thánh Vịnh. Nó tổng hợp một cách rõ ràng sứ điệp chủ yếu của bài thánh thi này: “Những kẻ tử vong không tồn tại với tất cả giầu sang phú quí của mình; họ chết đi như những con hoang thú” (câu 13). Nói một cách khác, “giầu sang phú quí” thực sự không phải là một thứ lợi lộc! Tốt hơn hãy sống nghèo nàn và kết hợp với Thiên Chúa.
2. Câu cách ngôn này dường như âm vang tiếng nói khắc nghiệt của một con người khôn ngoan của thánh kinh cổ kính là Ecclesiastes, hay Qoheleth, khi con người ấy diễn tả số phận hiển nhiên giống như nhau của tất cả mọi sinh vật đó là sự chết, một cái chết mang lại cái hư không cho tất cả những thứ gắn bó mù quáng với những sự vật trần gian: “Như họ từ lòng mẹ mà ra thế nào, họ cũng sẽ ra đi như vậy, trần truồng như khi họ xuất thân, chẳng mang theo được gì bởi công khó của mình cả” (Ecclesiastes 5:14). “Số phận của con người và của dã thú chỉ là một; vật này chết đi cũng như vật kia vậy… Cả hai đều đi đến cùng một nơi” (Ecclesiastes 3:19,20).
3. Thật là hết sức mù quáng khi con người tin rằng họ sẽ tránh được cái chết, khi họ cắm đầu vào việc tồn tích những thứ của cải vật chất: Thật vậy, vị tác giả Thánh Vịnh nói về một thứ “thiếu hiểu biết” hầu như có tính chất của loài thú.
Đề tài này cũng đã được tất cả mọi nền văn hóa cũng như tất cả mọi thứ linh đạo đào sâu, và được Chúa Giêsu bộc lộ cho thấy một cách nghiêm trọng và dứt khoát khi phán: “Hãy giữ mình khỏi tất cả mọi thứ tham lam, cho dù có giầu có nhưng sự sống không phải là ở những sở hữu vật này”. (Lk 12:15). Đoạn Người nói đến dụ ngôn về một con người giầu có ngu muội, một con người thu tích sản vật một cách vô độ mà không để ý gì tới cạm bẫy do tử thần nhử mồi mình (x Lk 12:16-21).
4. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh hoàn toàn tập trung thực sự vào cái ảo ảnh chi phối tâm trí của con người giầu có. Ông ta tin rằng ông ta sẽ thành đạt ngay cả trong “việc buôn bán” cái chết chóc cho bản thân mình, bằng cách cố gắng tiêu diệt nó, như ông đã từng làm với tất cả những thứ ông đã chiếm hưữ, tức là công thành danh toại, là trổi hơn kẻ khác về lãnh vực xã hội và chính trị, là mánh khóe miễn trừng, là tham lam trục lợi, là tiện nghi thoải mái, là lạc thú truy hoan.
Thế nhưng, vị tác giả Thánh Vịnh cũng không ngần ngại gán cho cái kỳ vọng này là ngu xuẩn. Ông đã sử dụng một từ ngữ cũng có một giá trị về tiền bạc, đó là “sự chuộc đền”: “Người ta không thể cứu chuộc được mình, không thể chuộc đền với Thiên Chúa. Giá để chuộc lấy một sự sống quá ư là cao; người ta vẫn sẽ không bao giờ có thể sống đến muôn kiếp mà không tới ngày tận số” (câu 8-10).
5. Con người giầu có ôm ấp cái may mắn đủ thứ của mình tin tưởng rằng họ sẽ thành công cả trong việc làm chủ sự chết nữa, như thể họ đã từng làm chủ hết mọi sự và hết mọi người bằng tiền bạc của mình. Thế nhưng, dù số lượng họ sẵn sàng cống hiến có nhiều mấy chăng nữa thì số phận tối hậu của họ cũng vẫn không đổi thay.
Như tất cả mọi con người, nam nữ, giầu nghèo, khôn dại, họ cũng sẽ phải đi đến nấm mồ mà thôi, như đã xẩy ra cho kẻ quyền thế, và họ cũng sẽ phải bỏ lại đời này vàng bạc yêu quí, những sản vật thể chất được họ hết lòng sùng bái (câu 11-12).
Chúa Giêsu đã nói xa xa với thành phần thính giả của Người câu vấn nạn day dứt này: “Con người ta có lợi gì khi họ được cả thế gian mà hư mất sự sống mình?” (Mt 16:26). Không gì có thể đổi được sự sống là tặng ân của Thiên Chúa, Đấng “nắm trong tay mình sự sống của hết mọi sự và hơi thở của toàn thể nhân loại” (Job 12:10).
6. Trong số những vị Giáo Phụ của Hội Thánh dẫn giải về bài Thánh Vịnh 48{49) này, đặc biệt phải kể đến Thánh Ambrôsiô; ngài đã nới rộng ý nghĩa của bài thánh vịnh này bằng một quan điểm sâu hơn, bắt đầu chính lời mời gọi mở màn của tác giả bài Thánh Vịnh: “Hỡi tất cả mọi dân tộc, hãy nghe điều này! Hỡi tất cả mọi dân cư trên trái đất, hãy lắng tai nghe”.
Vị nguyên giám mục Milan đã dẫn giải thế này: “Chúng ta hãy nhận ra ở đây là, chính ở ngay lúc mở đầu, tiếng nói của Chúa Cứu Thế kêu gọi con người đến với Giáo Hội, để, bằng việc từ bỏ tội lỗi, họ trở thành những môn đồ của sự thật và nhận thấy được cái lợi lộc của đức tin”. Đúng thế, “tất cả mọi tâm can thuộc các thế hệ con người khác nhau đã bị nhiễm bởi nọc độc của con rắn, và lương tâm con người, bị nô lệ cho tội lỗi, không thể tự mình vượt thoát”. Vì thế mà vị Chúa này, “tự động hứa thứ tha theo lòng quảng đại của tình Ngài xót thương, nhờ đó con người tội lỗi không còn lo âu sợ hãi mà đầy ý thức, hân hoan để có thể hiến thân làm tôi tớ phụng sự Vị Chúa nhân lành này, Đấng đã thứ tha tội lỗi và tưởng thưởng những việc lành công đức” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 1: SAEMO, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 253).
7. Nơi những lời này của bài Thánh Vịnh, người ta nghe thấy tiếng vọng của lời mời gọi của phúc âm: “Hãy đến với Tôi, hỡi tất cả những ai cảm thấy mệt nhọc và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Thánh Ambrôsiô tiếp: “Khi người ta đến thăm kẻ liệt, như vị bác sĩ đến chữa trị các thương tích đớn đau, Người cũng biên toa chữa trị, nhờ đó những ai biết lắng nghe Người thì taât cả tin tưởng lãnh nhận được phương thuốc chữa lành… Người đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc đến với nguồn mạch của sự khôn ngoan và kiến thức, đến với những lời hứa hẹn được hoàn toàn cứu chuộc, hầu không còn ai sống trong lo âu, không còn ai sống trong thất vọng” (No. 2: Ibid., pp. 253.255).
Anh Chị Em thân mến,
Như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều chia bài Thánh Vịnh 48 làm hai buổi khác nhau, chúng ta cũng suy niệm bài thánh vịnh này làm hai phần. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu cái tiền đề phiền nhiễu trong bài thánh vịnh khi con người công chính được cho biết rằng họ phải đối diện với “những tháng ngày ám muội”, vì “các kẻ thù hiểm độc đang bao chung quanh họ”, cũng như vì những con người “huyênh hoang về cái dồi dào giầu sang của chúng”. Cảm nghiệm này đã khiến con người công chính đei đến chỗ thâm tín được rằng giầu sang phú quí chẳng có lợi lộc gì hết.
Thật vậy, tốt hơn là sống nghèo khổ và hiệp nhất với Thiên Chúa hơn là sống giầu sang, thành đạt, và cách xa Chúa. Vị tác giả Thánh Vịnh, khi sử dụng ngôn ngữ về tiền bạc, đã nhắc nhở chúng ta rằng “không ai có thể chuộc được chính mình hay trả giá cho mạng sống của họ”.
Phúc Âm đã tái nhắc lại đề tài này khi dạy chúng ta rằng cho dù là thành phần giầu sang và quyền thế cũng không thể nào thoát được tử thần. Chúa Giêsu đã kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ, giầu nghèo, yếu kém hay quyền uy, khi phán: “hãy đến với Tôi tất cả những ai cảm thấy meat mã và gánh nặng, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Chớ gì chúng ta luôn có ơn để hân hoan mang vác những gánh nặng của mình, với ý thức rằng kho tàng chân thực chỉ được tìm thấy nơi đời sống trong Chúa Kitô mà thôi.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 20/10/2004).

Bài 123 – TV 48 (49) (Thứ Tư 27/10/2004)

GIÀU SANG CŨNG KHÔNG CỨU ĐƯỢC CON NGƯỜI

(Thánh Vịnh 48 [49]: 14-21, Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)

1. Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều sắp xếp bài Thánh Vịnh 48 (49), bài thánh vịnh có tính chất khôn ngoan, mà chúng ta vừa nghe phần thứ hai (x câu 14-21). Như trong phần thứ nhất (x câu 1-13), phần chúng ta đã chia sẻ, phần thứ hai này của bài Thánh Vịnh cũng lên án cái ảo vọng xuất phát từ thứ ngẫu tượng giầu sang. Đây là một trong những chước cám dỗ liên lỉ ở nơi loài người: dính bén với tiền bạc, coi nó như là những gì được phú cho không thể nào dứt bỏ; nó lôi kéo con người ta đến chỗ nghĩ rằng “cũng có thể mua được cả sự chết”, bằng việc loại trừ nó khỏi bản thân mình.
2. Thực tế cho thấy, bằng khả năng của mình, sự chết vẫn xẩy ra để hủy hoại tất cả mọi ảo ảnh, quét sạch mọi trở ngại, hạ bệ tất cả mọi thứ tự tin (x câu 14) và đưa cả thành phần giầu sang lẫn nghèo khổ, thành phần chủ nhân ông lẫn tôi tớ, thành phần ngu xuẩn lẫn khôn ngoan sang đời sau. Sống động thay hình ảnh được tác giả Thánh Vịnh phác tả khi cho thấy sự chết như là một mục tử, bằng bàn tay mạnh mẽ, dẫn dắt đàn lũ tạo sinh khả hoại (x câu 15). Bởi thế bài Thánh Vịnh 48 (49) gợi cho chúng ta suy nghĩ một cách thực tế và nghiêm trọng về sự chết, cái cùng điểm nồng cốt bất khả tránh của đời sống con người.
Chúng ta thường tìm hết cách để tránh né thực tại này, loại trừ nó ra khỏi chân trời tâm tưởng của mình. Thế nhưng, nỗ lực này, ngoài tính cách vô ích của nó, còn là những gì không thích hợp nữa. Thật thế, việc suy niệm về sự chết là những gì bổ ích, vì nó tương đối hóa rất nhiều thực tại phụ thuộc là những thực tại mà tiếc thay chúng ta lại tuyệt đối hóa chúng, như thực sự xẩy ra liên quan đến giầu sang, thành đạt, quyền thế. Đó là lý do, Sirach, một con người khôn ngoan trong Cựu Ước đã khuyên nhủ rằng: “Nơi bất cứ những gì mình làm, các người hãy nhớ đến ngày cuối cùng của mình thì các người sẽ không bao giờ phạm tội” (7:36).
3. Thế nhưng, trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, có một điểm quặt quan trọng. Nếu tiền bạc không thành công trong việc “chuộc cứu chúng ta” khỏi tử thần (Ps 48 [49]:8-9), song vẫn có vị có thể cứu chúng ta khỏi chân trời mù mịt và thê thảm. Thật vậy, Thánh Vịnh Gia nói: “Thế nhưng Thiên Chúa sẽ cứu mạng sống của tôi, sẽ giải cứu tôi khỏi mãnh lực của Âm Phủ” (câu 16).
Nhờ đó, chân trời hy vọng và bất tử hiện lên cho con người công chính. Để trả lời cho vấn nạn được nêu lên ở đầu bài Thánh Vịnh này (“tại sao tôi lại sợ hãi?”: câu 6), giờ đây câu đáp sẽ là: “Đừng lo sợ khi kẻ khác được giầu có” (câu 17).
4. Con người công chính, về lịch sử thì nghèo khổ và hèn hạ, khi tiến đến biên giới sau hết của cuộc đời thì chẳng có sản vật nào, không có gì làm “giá chuộc” hầu cản ngăn tử thần và vuột khỏi vòng tay lạnh lùng của hắn. Thế nhưng, bấy giờ mới xẩy ra sự lạ lùng, đó là chính Thiên Chúa rat ay cứu chuộc và giật kẻ tín trung của mình khỏi bàn tay tử thần, vì chỉ một mình Ngài mới thắng được tử thần là những gì loài người bất khả chuyển lay.
Vì lý do ấy mà Thánh Vịnh Gia kêu mời chúng ta “đừng sợ” và đừng ghen với người giầu là thành phần vốn lên mặt hơn nơi vinh hiển của họ (ibid.), vì khi tử thần xuất hiện, họ sẽ bị tước đoạt tất cả, họ sẽ không thể mang theo mình vàng bạc, danh tiếng hay thành đạt (câu 18-19). Trái lại, thành phần tín nghĩa sẽ không bị Chúa bỏ rơi, Đấng sẽ chỉ cho họ “con đường sự sống, tràn đầy hân hoan trước nhan Chúa, những sướng vui ở bên tay hữu Chúa đến muôn đời” (x Ps 15 [16]:11).
5. Vậy chúng ta có thể, bằng việc đúc kết bài suy niệm khôn ngoan về Thánh Vịnh 48 (49), trịnh trọng công bố những lời của Chúa Giêsu, Đấng tỏ cho chúng ta một thứ kho tàng thực sự đối lại sự chết: “Đừng thu tích cho mình những kho tàng trên mặt đất này, nơi mối mọt và hư hoại hủy được và trộm cắp lấy mất. Nhưng hãy thu tích những kho báu trên trời, nơi mối mọt và hư hoại không hủy được và trộm cắp không lấy mất. Vì kho tàng của các con ở đâu thì lòng của các con cũng ở đó” (Mt 6:19-21).
6. Theo ý nghĩa những lời của Chúa Kitô, Thánh Ambrôsiô, trong bài Dẫn Giải Thánh Vịnh 48 (49), đã xác định một cách rõ ràng và mạnh mẽ tính cách bất nhất của những thứ giầu sang: “Chúng chỉ là tất cả những gì tiêu tán và chúng đi nhanh hơn chúng đến. Một kho tàng như thế chỉ là một giấc mơ. Các người tỉnh giấc thì nó đã biến mất rồi, vì con người có thể hồi tỉnh trước cơn mê say thế gian này mà dấn thân thi hành các nhân đức, khinh thường tất cả những điều ấy và coi nhẹ tiền bạc của cải” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 23: Saemo, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 275).
7. Bởi thế, vị giám mục thành Milan này đã khuyến khích chúng ta đừng để mình bị thu hút bởi giầu sang và vinh quang phàm trần: “Đừng sợ khi người ta trở nên giầu có, khi vinh quang nhà của họ gia tăng! Hãy biết để làm sao chuyên chú nhìn một cách sâu xa thì cái đó sẽ dường như là những thứ trống rỗng đối với các người nếu nó không có được một chút đức tin trọn vẹn”. Thật vậy, trước khi Chúa Kitô xuất hiện thì con người đã bị hư hoại và rỗng không: “Cái sa đọa hư hoại của Adong xưa đã làm chúng ta trở thành rỗng tuyếch, thế nhưng ân sủng của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được tràn đầy. Người đã hủy mình ra như không để làm cho chúng ta nên tràn đầy và làm cho tầm vóc viên trọn về nhân đức lưu ngụ nơi xác thịt của con người”.
Thánh Ambrôsiô đã kết luận khi nói rằng chính vì lý do này mà chúng ta giờ đây có thể kêu lên như Thánh Gioan: ‘Tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ sự viên mãn của Người tràn đầy hồng ân’ (Jn 1:16)” (ibid.)
Anh Chị Em thân mến,
Bài giáo lý hôm nay là bài chia sẻ về phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 48. Trong bài Thánh Vịnh này, chúng ta nghe thấy được lời lên án mạnh mẽ những ai ngẫu tượng hóa giầu sang phú quí mà bỏ mất Thiên Chúa.
Một trong những chước cám dỗ liên lỉ của nhân loại đó là việc dính bén với tiền bạc, với niềm hy vọng sai lầm là nó thậm chí có thể cứu được họ khỏi tay tử thần.
Trong thế giới ngày nay, có những lúc chúng ta cố xao lãng cái chết chóc của mình. Bởi thế cần phải nhớ lại rằng việc cẩn thận suy niệm bằng cả đức tin về định mệnh sau cùng của con người sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người công chính, ngay cả trong giờ lâm tử. Thật vậy, Thiên Chúa mở rộng chân trời hy vọng và trường sinh bất tử cho những người tín nghĩa của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 27/10/2004).

ĐTC GPII đã bày tỏ lòng Ngài luôn để ý tới nhân dân Iraq

Trước khi kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần hôm này, Thứ Tư 27/10/2004, với 20 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô trong mưa gió ướt át, ĐTC GPII đã bày tỏ lòng Ngài luôn để ý tới nhân dân Iraq như sau:
“Hằng ngày Tôi nguyện cầu cho nhân dân Iraq thân yêu đang cố gắng tái thiết các cơ cấu cho xứ sở của họ. Tôi cũng mời gọi Kitô hữu hãy tiếp tục quảng đại góp phần cần thiết của mình cho việc hòa giải các tâm can con người”.
Ngài đã cho biết Ngài “thông cảm với nỗi sầu thương của các gia đình nạn nhân cũng như với những khổ đau của thành phần bị bắt làm con tin và tất cả những ai vô tội trở thành mồi ngon cho cái dã man mù quáng của nạn khủng bố”.
Có cả trăm người dân Iraq và khoảng 20 ngoại kiều đã bị bắt cóc. Ít là 37 con tin ngoại quốc đã bị sát hại trong những tháng qua.

Bài 124 – Ca vịnh Kh 4-5 (Thứ Tư 3/11/2004)

BÀI CA CHÚC TỤNG CON CHIÊN

(Ca Vịnh Khải Huyền 4 và 5, Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)

1. Bài ca vịnh vừa được công bố cho chúng ta mang đến cho Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều tính cách đơn giản và sốt sắng của một ca đoàn chúc tụng. Đó là một phần của thị kiến trang trọng mở đầu của Sách Khải Huyền, một cuốn sách cho thấy một loại phụng vụ thiên đình mà chúng ta là thành phần vẫn còn lữ hành trần thế cũng được liên kết qua các cuộc cử hành của giáo hội chúng ta.
Bài thánh thi ca này, một bài được sáng tác với một số câu được trích từ Sách Khải Huyền và được liên kết cho việc phụng vụ sử dụng, có hai yếu tố căn bản. Yếu tố thứ nhất, được phác tả một cách vắn gọn, đó là việc chúc mừng công cuộc của Chúa: “Chúa đã tạo dựng nên tất cả mọi sự; vì Chúa muốn mà chúng được hiện hữu và được tạo thành” (4:11). Thật vậy, việc tạo thành là những gì cho thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Như Sách Khôn Ngoan viết: “từ sự vĩ đại và tuyệt vời của những thụ sinh phát sinh ra nhận thức xứng đáng về Đấng Hóa Công của chúng” (13:5). Cũng thế, Thánh Phaolô nhận định rằng: “Từ khi tạo thành thế giới, những phẩm tính vô hình về quyền năng và thần tính hằng hữu của Ngài đã được thấu hiểu và nhận thấy nơi những gì Ngài đã thực hiện” (Rm 1:20). Đó là lý do cần phải biết dâng bài ca chúc tụng lên Đấng Hóa Công để mừng vinh hiển của Ngài.
2. Về vấn đề này cũng nên nhắc lại là Hoàng Đế Domitian, vị hoàng đế mà có lẽ dưới triều đại của ông Thánh Gioan đã viết Sách Khải Huyền, đã tự xưng mình danh hiệu “Dominus et dues noster” (chúa và thần của chúng tôi) và đã truyền lệnh là phải xưng hô với ông bằng danh hiệu này mà thôi (see Suetonius, "Domitian," XIII).
Hiển nhiên là Kitô hữu không chịu gán cho bất cứ một tạo sinh con người nào, cho dù có quyền lực rất nhiều, những tước hiệu như thế và chỉ vang lên những lời xưng hô tôn thờ với “Vị Chúa và là Thiên Chúa” chân thực của họ mà thôi, Ngài là Hóa Công của vũ trụ (x Rev 4:11), cũng như với Đấng cùng với Thiên Chúa “là khởi nguyên và là cùng tận” (x 1:17), ngự trên ngai trời với Thiên Chúa là Cha của Người (x 3:21): Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, được biểu hiệu ở đây nơi hình ảnh “Con Chiên đứng”, mặc dù Người có “bị thảm sát” (5:6).
3. Đó chính là yếu tố thứ hai được khai triển nhiều nơi bài thánh thi ca chúng ta đang dẫn giải đây: yếu tố Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế. Bốn sinh vật và 24 vị trưởng lão kêu lên Người bằng một bài ca được bắt đầu với câu hô: “Người xứng đáng lãnh nhận cuộn sách và mở các ấn tín trong đó, vì Người đã bị thảm sát” (5:9).
Thế nên, ở tâm điểm của lời chúc tụng này là Chúa Kitô cùng với công cuộc cứu chuộc của Người. Chính vì thế mà Người có thể giải mã ý nghĩa của lịch sử: Chính Người mới là vị “mở các ấn tín” (ibid.) của cuốn sách bí mật chất chứa dự án của Thiên Chúa.
4. Thế nhưng, công việc của Người không phải là công việc dẫn giải; mà là một hành động hoàn thành và giải phóng. Vì Người bị “thảm sát” mà Người mới có thể “cứu chuộc” (ibid.) con người xuất thân từ những gốc gác khác nhau nhất.
Động từ Hy Lạp duđợc sử dụng ở đây không hoàn toàn ám chỉ đến câu truyện Xuất Hành, một câu truyện không hề nói đến “việc cứu chuộc” dân Do Thái. Tuy nhiên, việc liên tục của đoạn văn này chứa đựng một hình ảnh hiển nhiên về lời Thiên Chúa hứa hiển nhiên với dân Do Thái ở núi Sinai: “Các ngươi sẽ trở thành cho Ta một vương quốc tư tế, một quốc gia thánh hảo” (Ex 19:6).
5. Giờ đây lời hứa này đã trở thành sự thật. Con Chiên đã thiết lập cho Thiên Chúa “một vương quốc cùng những vị tư tế… và họ sẽ hiển trị trên trái đất” (Rev 5:10), và vương quốc này hướng về toàn thể nhân loại được kêu gọi để làm nên cộng đồng con cái Thiên Chúa, như Thánh Phêrô đã nhắc nhở: “An hem là giòng dõi được tuyển chọn, laàhàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh hảo, là dân riêng của Người, để anh em có thể loan truyền những lợi chúc tụng Người là Đấng đã kêu gọi an hem từ tối tăn ra ánh sáng lạ lùng” (1Pt 2:9).
Công Đồng Chung Vaticanô II đã minh nhiên ám chỉ đến những đoạn của Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phêrô và của Sách Khải Huyền khi, noiù rằng “chức tư tế chung” thuộc về toàn thể tín hữu, đã dẫn giải về cách thức tín hữu hành sử chức này như sau: “Thành phần tín hữu, bởi chức tư tế vương giả của mình, liên kết trong việc hiến dâng Thánh Thể. Họ cũng hành sử chức tư tế này trong việc lãnh nhận các bí tích, trong lời nguyện cầu và tạ ơn, trong việc làm chứng bằng đời sống thánh đức, cũng như bằng việc bỏ mình và chủ động bác ái” ("Lumen Gentium," No. 10).
6. Bài thánh thi ca của Sách Khải Huyền mà chúng ta suy niệm hôm nay đây đã kết thúc bằng lời hô lên cuối cùng bởi “đoàn đoàn lớp lớp” các thần trời (x Rev 5:11). Lời hô lên cuối cùng ấy nói đến “Con Chiên bị thảm sát” là vị được gán cho cùng một vinh hiển như cho Thiên Chúa Cha, “Con Chiên xứng đáng… lãnh nhận quyền năng và giầu sang, khôn ngoan và sức mạnh” (5:12). Đó là giây phút của việc chiêm ngưỡng tinh tuyền, của việc hân hoan chúc tụng, của bài ca mến yêu Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Người. ]
Hình ảnh vinh sáng này của hiển quang thiên quốc là những gì được ngưỡng vọng nơi Phụng Vụ của Hội Thánh. Thật thế, như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở, Phụng Vụ là “tác động” của toàn thể Chúa Kitô (“Christus totus”). Những ai cử hành phụng vụ này trên thế gian đây, thì sống một cách nào đó, vượt ra ngoài các dấu hiệu, phụng vụ thiên quốc, là nơi việc cử hành là một cuộc hoàn toàn hiệp thông và mừng rỡ. Chính ở nơi phụng vụ vĩnh hằng này mà Thần Linh và Giáo Hội làm cho chúng ta tham phần, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ nơi các phép bí tích (see Nos. 1136 and 1139).

Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh chúng ta suy niệm hôm nay đây mang đến cho Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều tính cách đơn giản và sốt sắng của một ca đoàn chúc tụng. Nó tập trung đặc biệt vào Chúa Kitô, Con Chiên, Đấng đã bị thảm sát nhưng giờ đây đang vinh quang hiển trị. Nơi Người, dự án vĩnh hằng của Thiên Chúa đã được nên trọn. Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và làm cho chúng ta thành một vương quốc tư tế. Chúng ta là một cộng đồng con cái Thiên Chúa là cộng đồng tất cả mọi dân tộc được kêu gọi hình thành.
Khi chúng ta nói lên lời chúc tụng và niềm mến yêu Chúa Kitô cùng chiêm ngưỡng chiên thắng Vượt Qua của Người, chúng ta, ở một nghĩa nào đó, đã thông phần vào mối hiệp thông hoan lạc của phụng vụ thiên quốc vậy.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 3/11/2004).

Bài 125 – TV 61 (62) (Thứ Tư 10/11/2004)

CHÚA LÀ ĐÁ TẢNG KIÊN CỐ CỦA TÔI

(Thánh Vịnh 61 [62], Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)

 1. Những lời lẽ nhẹ nhàng của bài Thánh Vịnh 61 (62) vừa vang vọng, một bài ca tin tưởng, một bài ca bắt đầu với một loại tụng ca, được lập lại ở giữa bài thánh vịnh. Nó giống như một lời cầu nguyện ngắn ngủi trầm lắng và mạnh mẽ, một lời kêu cầu cũng là một chương trình của đời sống: “Linh hồn tôi chỉ nghĩ yên nơi một mình Thiên Chúa là Đấng ban ơn cứu độ cho tôi. Một mình Ngài là đả tảng và là ơn cứu độ, là tột đỉnh an toàn của tôi; tôi sẽ không bao giờ sa ngã” (câu 2-3, 6-7).
2. Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh này, khi diễn tiến, làm cho hai loại tin tưởng tương phản nhau. Chúng là hai việc chọn lựa chính yếu, một chọn lựa tốt và một chọn lựa hư hỏng, những chọn lựa bao gồm hai loại hành động khác nhau về luân lý. Trước hết là lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, một lòng tin tưởng được đề cao trong lời kêu cầu mở đầu, nơi biểu hiệu vững vàng và an ninh hiện lên, như đá tảng, “tảng đá bênh vực”, tức là một pháo đài và là một thành trì của việc bảo vệ.
Thánh Vịnh Gia xác nhận là “Sự an toàn và vinh quang của tôi ở nơi Thiên Chúa là đá tảng và là nơi nương náu vững chắc của tôi” (câu 8). Ông khẳng định điều này sau khi nhắc lại những âm mưu thù hằn của các kẻ thù của ông “đang âm mưu trục xuất mình” (câu 4-5).
3. Tuy nhiên, cũng có một thứ tin tưởng mang bản chất ngẫu tượng, một lòng tin tưởng làm cho kẻ nguyện cầu nhất định gắn bó với việc chú trọng có tính toán của họ. Nó là một thứ tin tưởng dẫn con người ta đến chỗ tìm kiếm an ninh và bền vững bằng võ lực, cướp giật và giầu sang.
Bởi thế mới có một lời kêu gọi rất rõ ràng và sắc bén là “Đừng tin tưởng vào việc tước đoạt; đừng hy vọng vào sự cướt giật. Cho dù giầu sang có tăng tiến cũng đừng quyến luyến nó” (câu 11). Nó gợi lên cho thấy ba thứ ngẫu tượng, được cho thấy nghịch lại với phẩm giá của con người cũng như với việc cùng sống chung trong xã hội.
4. Thần tượng sai lầm đầu tiên là bạo lực là những gì, tiếc thay, nhân loại đang tiếp tục gây ra ở vào cả những ngày đẫm máu của chúng ta đây. Loại ngẫu tượng này bao gồm một loạt đông đảo những thứ chiến tranh tàn bạo, những thứ đè nén, những thứ quanh co, những thứ hành xích và những thứ sát hại, giáng xuống không một chút xót thương.
Thần tượng sai lầm thứ hai là cướp giật, một thần tượng được thể hiện nơi tình trạng tống tiền hối lộ, tình trạng bất công xã hội, việc cho vay ăn lời nặng lãi, cũng như việc bại hoại về chính trị và về tài chính. Có quá nhiều người lại vun trồng “cái ảo ảnh” tìm thỏa mãn cái lòng tham lam của họ trên thế giới này.
Sau hết, giầu sang là thần tượng thứ ba là thứ thần tượng “tâm can” của con người “dính bén” với một hy vọng hão huyền là có thể cứu được bản thân mình khỏi tử thần (x Ps 48[49]) cũng như nắm chắc được thế lực và quyền lực.
5. Bằng việc phục vụ ba thứ ngẫu tượng ấy, con người quên rằng những thứ ngẫu tượng này chẳng những không vững chắcmà còn những gì tai hại nữa. Khi tin tưởng vào các sự vật cũng như vào chính bản thân mình là con người quên rằng họ là “một hơi thở… một ảo ảnh”, thực sự nếu được đặt trên bàn cân, còn “nhẹ hơn cả hơi thở” (Ps 61[62]:10; x Ps 38[39]:6-7).
Nếu chúng ta ý thức hơn về tính cách hư hỏng và các giới hạn của mình là tạo vật, chúng ta sẽ không chọn con đường tin tưởng vào những thứ ngẫu tượng, hay chúng ta sẽ không sống một cuộc sống theo bậc thang của những thứ giá trị mong manh và không vững chắc. Chúng ta, trái lại, sẽ biết hướng đến một thứ tin tưởng khác, một thứ tin tưởng qui về Chúa là nguồn mạch của cõi vĩnh hằng và bình an. Thật vậy, “quyền năng thuộc về” chỉ một mình Ngài mà thôi; chỉ có một mình Ngài mới là nguồn mạch ân sủng; chỉ có một mình Ngài mới là tác giả của công lý, Đấng “đền bù cho con người theo công việc họ làm” (x Ps 61[62]:11-12).
6. Công Đồng Chung Vaticanô II đã ngỏ lời cùng caá vị linh mục lời kêu gọi của bài Thánh Vịnh 61(62) này là “đừng để lòng trí mình dính bén với giầu sang” (câu 10). Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục đã huấn dụ các vị rằng: “Bởi thế, lòng trí không hề quyến luyến các thứ kho tàng, họ cần phải tránh tất cả mọi thứ tham lam và cẩn thận kiêng lánh hết mọi hình thức thương mại” (khoản số 17). Tuy nhiên, lời kêu gọi hãy loại bỏ việc tin tưởng bại hoại mà chọn việc tin tưởng dẫn đến Thiên Chúa cũng áp dụng cho tất cả mọi người và phải trở thành vì tinh tú cột trụ trong tác hành thường nhật, trong những quyết định về luân lý cũng như trong lối sống của chúng ta.
7. Chắc chắn đó là một con đường gay go bao gồm cả những thử thách và những chọn lựa can đảm đối với thành phần công chính là thành phần bao giờ cũng phải nổi bật lòng tin tưởng vào Thiên Chúa (x Ps 61[62]:2). Theo chiều hướng ấy, các vị Giáo Phụ của Hội Thánh đã nhìn thấy nơi bài Thánh Vịnh 61(62) hình ảnh tiên báo veê Chúa Kitô, và đã đặt lời kêu gọi hoàn toàn tin tưởng ở đầu bài thánh vịnh và việc gắn bó với Thiên Chúa vào môi miệng của Người.
Về vấn đề này, trong Bài Dẫn Giải về Thánh Vịnh 61(62), Thánh Ambrôsiô đã lập luận thế này: “Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, bằng việc mắc lấy xác thịt của con người, để thanh tẩy xác thịt ấy nơi bản thân của Người, chẳng lẽ Người lại không hủy hoại lập tức ảnh hưởng của sự dữ nơi tội lỗi xa xưa hay sao? Bằng việc bất tuân phục, tức là, bằng việc vi phạm tới các mệnh lệnh thần linh, tội lỗi đã xuất hiện, lôi kéo chúng ta xuống. Vì thế, trước hết, Người cần phải sửa chữa sự vâng phục, phải chặn lại xu hướng tội lỗi… Bản thân Người đã phải vâng lời, để truyền đạt sự vâng lời ấy cho chúng ta” ("Commento a Dodici Salmi," [Commentary on Twelve Psalms], SAEMO, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 283).
 Anh chị em thân mến,
Những lời nhẹ nhàng của bài Thánh Vịnh này chúng ta vừa nghe trước đây giống như một bài ca chúc tụng mạnh mẽ và tĩnh lặng, và những lới lẽ ấy cho chúng ta thấy chúng ta cần phải sống như thế này: “Linh hồn tôi nghỉ yên trong một mình Thiên Chúa. Chỉ có một mình Ngài mới là đá tảng, là thành lũy của tôi”.
Tương phản hoàn toàn với niềm tin tưởng vào Chúa đây là những thứ dính bán gắn bó ngẫu tượng, đó là lòng yêu thích bạo lực, tham lam, tham của, là những gì được coi như là phương tiện để chiếm đoạt quyền lực và thế lực.
Tuy nhiên, những ai hiểu được bản tính sa ngã của nhân loại và những giới hạn nơi tạo vật sẽ tránh xa những thứ giá trị sai lầm này. Họ xây dựng cuộc sống của họ chung quanh lòng tin tưởng chân chính, tập trung vào Chúa, Đấng là nguồn vui và an bình.
Buổi triều kiến chung ngoài quảng trường Thánh Phêrô tuần này bị mưa, nên được diễn ra tại hai địa điểm khác nhau vào hai lúc khác nhau, vì số đông người tham dự. Trước hết tại Đền Thờ Thánh Phêrô với nhóm hành hương nói tiếng Đức và tiếng Anh, sau đó tại Sảnh Đường Phaolô VI với thành phần hành hương còn lại.
Đặc biệt trong buổi triều kiến chung tuần này bất ngờ còn có màn trình diễn xiệc nữa ở trên sân khấu Sảnh Đường Phaolô VI, do đoàn xiệc Cirque du Soleil thực hiện với các mục ca vũ, nhào lộn và thủ xảo.

Bài 126 – TV 66 (67) (Thứ Tư 17/11/2004)

TẤT CẢ MỌI DÂN NƯỚC HÃY CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 66 [67], Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)

1. “Trái đất sản xuất mùa màng”, bài Thánh Vịnh 66 (67) chúng ta vừa nghe kêu lên như thế, một trong những bài Thánh Vịnh được đưa vào giờ kinh phụng vụ ban chiều. Câu này làm cho chúng ta nghĩ về một bài thánh thi ca tạ ơn dâng lên Đấng Hóa Công về các tặng ân nơi trái đất này, những gì cho thấy dấu hiệu của phúc lành thần linh.
Thế nhưng, yếu tố thiên nhiên này có liên hệ sâu xa với yếu tố lịch sử, ở chỗ, các thứ hoa trái thiên nhiên được coi như là một cơ hội để liên lỉ xin Thiên Chúa chúc lành cho dân của Ngài (x câu 2, 7, 8), nhờ đó, tất cả mọi dân nước trên trái đất mới hướng về Do Thái, nhờ nó tìm cách tiến tới với Vị Thiên Chúa Cứu Độ.
Bởi thế, bài thánh vịnh này cống hiến một viễn ảnh đại đồng và truyền giáo sau khi Thiên Chúa hứa hẹn với Abraham rằng “Tất cả mọi dân nước trên mặt đất sẽ nhờ ông mà được chúc phúc” (Gen 12:3; xem 18:18, 28:14).
2. Phúc lành thần linh được dân Do Thái kêu cầu này được biểu lộ một cách cụ thể nơi sự phì nhiêu của những ruộng đồng cũng như nơi sự mầu mỡ tức là nơi tặng ân sự sống. Đó là lý do bài Thánh Vịnh này được bắt đầu bằng câu (2) liên quan đến phép lành tư tế nổi tiếng trong Sách Dân Số: “Xin Chúa chúc phúc cho các người và gìn giữ các người! Xin Chúa tỏ dung nhan Ngài ra cho các người và tỏ ra ưu ái với các người! Xin Chúa hãy nhân ái nhìn đến các người và ban cho các người bình an!” (6:24-26).
Đề tài về phúc lành được vang vọng ở cuối bài Thánh Vịnh, phần cho thấy hoa trái của mặt đất (câu 7-8). Đề tài phổ quát này được thấy ở đó cống hiến cho linh đạo của toàn bài thánh thi ca ấy những chân trời lạ lùng rộng mở. Nó là một cửa ngõ cho thấy cảm tính của một dân Do Thái bay giờ tỏ ra sẵn sàng đương đầu với tất cả mọi dân tộc trên trái đất. Việc sáng tác bài Thánh Vịnh này có lẽ được ghi nhận vào ngày tháng sau kinh nghiệm của cuộc lưu đầy Babylon, khi dân chúng bắt đầu sống ở Nơi Tha Hương giữa các dân tộc xa lạ cũng như ở những miền đất mới.
3. Nhờ phúc lành do dân Do Thái van nài được mà toàn thể nhân loại mới có thể nhận biết “đường lối” và “ơn cứu độ” của Chúa (câu 3), tức là dự án cứu độ của Ngài. Vị Thiên Chúa phân xử và cai quản các dân tộc và các quốc gia trên khắp thế giới, dẫn mỗi dân tộc và quốc gia đến chân trời công lý và hòa bình (câu 5) tỏ mình cho tất cả mọi nền văn hóa và xã hội.
Đó là cả một vấn đề chúng ta đang hướng tới, nó là lời loan báo khẩn trương nhất xuất phát từ bài Thánh Vịnh 66 (67) cũng như từ rất nhiều trang sách tiên tri (x Is 2:1-5; 60:1-22; Job 4:1-11; Zep 3:9-10; Mal 1:11).
Đó cũng là việc loan báo của Kitô Giáo là lời loan báo được Thánh Phaolô phác tả khi ngài nhắc lại rằng ơn cứu độ của tất cả mọi dân nước là tâm điểm của “mầu nhiệm” ấy, tức là của dự án cứu độ thần linh: “Các dân ngoại là những người đồng thừa tự, những phần tủ của cùng một thân thể, và là những người đồng hưởng lời hứa nơi Chúa Giêsu Kitô qua Phúc Âm” (Eph 3:6).
4. Bấy giờ dân Do Thái có thể xin Thiên Chúa hãy để cho tất cả mọi quốc gia được tham dự vào việc chúc tụng của mình; nó sẽ là một cuộc hợp xướng: “Chớ gì các dân nước chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa; chớ gì tất cả mọi dân nước chúc tụng Chúa!” Bài Thánh Vịnh lập lại (câu 4, 6).
Niềm hy vọng của bài Thánh Vịnh có trước biến cố được diễn tả trong Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô khi nó nói xa xa tới bức tường trong đền thờ Giêrusalem ngăn cách những người Do Thái với những người dân ngoại: “Thế nhưng, giờ đây, trong Chúa Giêsu Kitô anh em là những người từng xa cách trở thành gần gũi nhờ máu Chúa Kitô. Vì Người là an bình của chúng ta, là Đấng làm choc ho cả hai thành một và đã phá đổ bức tường hận thù ngăn cách…. Bởi thế an hem không còn là những kẻ xa lạ và lưu trú nữa mà cùng là những người công dân với những vị thánh và những phần tử thuộc gia đình Thiên Chúa” (Eph 2:13-14, 19).
Chúng ta thấy được một sứ điệp ở đây, đó là chúng ta phải đập vỡ những bức tường chia rẽ, hận thù và ghen ghét để gia đình con cái Thiên Chúa qui tụ lại với nhau hòa hợp nơi cùng một bàn tiệc duy nhất, để chúc tụng và ca khen Đấng Hóa Công về những tặng ân Ngài đổ xuống cho tất cả mọi người, bất phân biệt một ai (x Mt 5:43-48).
5. Truyền thống Kitô Giáo đã cắt nghĩa bài Thánh Vịnh 66 (67) theo chiều hướng Kitô học và Thánh Mẫu học. Đối với các vị Giáo Phụ của Hội Thánh thì “trái đất sản xuất hoa trái” là Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh Chúa Kitô.
Nên Thánh Grêgôriô Cả chẳng hạn, trong “Bài Dẫn Giải Sách Chư Vương quyền thứ nhất” đã so sánh câu này với nhiều đoạn Thánh Kinh khác: “Mẹ Maria quả thực được gọi là ‘ngọn núi đầy những hoa trái’, vì từ Mẹ phát xuất một hoa trái thượng hạng đó là một con người mới. Để rồi, khi thấy được vẻ đẹp của Mẹ được trang sức bằng vinh quang của mức độ dồi dào sinh lực của Mẹ, vị tiên tri đã kêu lên rằng ‘từ thân Jesse đã nẩy ra một búp, từ gốc rễ của ông phát sinh ra một chồi’ (Is 11:11). Đavít, hân hoan về hoa trái của ngọn núi này đã thân thưa cùng Thiên Chúa rằng ‘Các dân nước hãy chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa, tất cả mọi dân nước hãy chúc tụng Ngài. Trái đất sản sinh hoa trái của nó’. Phải, trái đất sản sinh hoa mầu của nó, vì Đấng được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ không được thụ thai bởi ý muốn của con người mà vì Thánh Linh đã bao phủ Mẹ trong bóng của Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa nói cùng Đavít là ngôn sứ và là vua rằng ‘Một trong những người con phát xuất từ thân thể của ngươi sẽ ngự trên ngai vàng của ngươi’ (Ps 131:11). Bởi thế mà tiên tri Isaia đã xác nhận rằng ‘hoa trái của trái đất này sẽ được vinh vang và rạng ngời’ (Is 4:2). Thật thế, Đấng được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ chẳng những là một ‘con người thánh hảo’ mà còn là một “Thiên Chúa Toàn Năng’ (Is 9:5) nữa” ("Testi Mariani del Primo Millennio" [Marian Texts of the First Millennium], III, Rome, 1990, p. 625).
Anh Chị Em thân mến,
“Trái đất sản sinh hoa trái của mình” (Ps 66:7). Câu này từ bài Thánh Vịnh hôm nay nói lên một bài thánh thi ca tạ ơn dâng lên Đấng Hóa Công về các tặng ân của trái đất là dấu hiệu của phúc lành thần linh.
Việc chúc tụng Chúa này vang vọng khắp vũ trụ, liên kết tất cả mọi con người nam nữ thuộc hết mọi quốc gia: ‘Các dân nước hãy chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa, tất cả mọi dân nước hãy chúc tụng Ngài’ (câu 4-6).
Đối với cả chúng ta nữa, sứ điệp này cũng có tính cách rất quan trọng. Những bức tường hận thù và ghen ghét cần phải bị phá đổ để gia đình con cái Thiên Chúa có thể qui tụ lại hòa hợp nơi một bàn tiệc duy nhất hầu chúc tụng và ngợi khen Đấng Hóa Công về nhiều tặng ân Ngài đã làm cho đời sống chúng ta nên dồi dào phong phú (x Mt 5:43-48).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 17/11/2004).
Trong cuộc triều kiến chung hôm nay, ĐTC GPII đã gặp gỡ 25 bà góa cùng với gia đình của họ của những quân nhân Ý bị sát hại ở Iraq năm vừa qua vào ngày 12/11/2003. Sau khi Ngài nói vài lời với họ ở Sảnh Đường Phaolô VI, “Tôi đặc biệt ưu ái chào các phần tử gia đình của các quân nhân Ý đã bỏ mạng sống mình một năm trước đây ở Nasiriyah đang khi thi hành sứ vụ hòa bình của mình”, mọi người vỗ tay hoan hô. Sau đó từng người trong họ được đến chào Ngài, vị tỏ ra xúc động rõ ràng. ĐTGM thư ký của Ngài là Stanislaw Dziwisz nói với họ hãy cho Ngài xem ảnh người chồng của họ.

Bài 127 – Ca vịnh Cl 1 (Thứ Tư 24/11/2004)

CHÚA KITÔ LÀ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA VÔ HÌNH

(Ca Vịnh Colosê 1:3,12-20, Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)

1. Bài thánh thi ca trọng đại này, một bài thánh thi ca bắt đầu Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, vừa vang lên. Nơi bài thánh thi ca này, nổi bật là hình ảnh hiển vinh của Chúa Kitô, tâm điểm của phụng vụ và là trọng tâm của toàn thể đời sống giáo hội. Tuy nhiên, chân trời của bài thánh thi ca này liền vươn đến việc tạo dựng và việc cứu chuộc, bao gồm hết mọi tạo sinh và toàn thể lịch sử.
Nơi bài ca này chất chứa một đức tin sống động cùng lời nguyện cầu của cộng đồng Kitô hữu cổ xưa, một cộng đồng có tiếng nói và chứng từ được Thánh Tông Đồ tiếp tục, cũng như ghi dấu ấn của nó nơi bài thánh thi ca ấy.
2. Sau đoạn dẫn nhập nói lên lòng tri ân đối với Chúa Cha về ơn cứu chuộc (x 12-14), bài ca vịnh này, một bài ca vịnh được phụng vụ giờ kinh chiều lập lại hằng tuần, được ăn khớp với nhau nơi hai tiết khúc. Tiết khúc thứ nhất chúc tụng Chúa Kitô là “trưởng tử của tất cả mọi tạo vật”, tức là được sinh ra trước hết mọi hữu thể, bởi thế khẳng định tính cách vĩnh hằng của Người là những gì vượt thời không (x 15-18a). Người là “hình ảnh”, là “ảnh tượng” hữu hình của Vị Thiên Chúa vẫn huyền nhiệm vô hình. Đó là cảm nghiệm của Moisen, người theo lòng sốt sắng muốn thấy thực tại cá thể của Thiên Chúa, đã nghe thấy lời phán: “Ngươi không thể nhìn thấy nhan Ta; vì không ai thấy Ta mà còn sống cả” (Ex 33:20; x Jn 14:8-9).
Thế nhưng, dung nhan của Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ trở nên hữu hình nơi Chúa Kitô, tác giả của thực tại tạo sinh: “tất cả mọi sự nhờ Người mà được tạo thành… trong Người tất cả mọi sự liên kết với nhau” (Col 1:16,17). Bởi thế, một đàng thì Chúa Kitô là Đấng trổ vượt trên thực tại tạo sinh, nhưng đàng khác, Người cũng được bao gồm trong tạo vật của Người. Ví thế Người có thể được chúng ta thấy như là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, vị Thiên Chúa gần gũi chúng ta qua tác động sáng tạo.
3. Việc chúc tụng tôn vinh Chúa Kitô tiến triển, ở tiết khúc thứ hai (x 18b-20), hướng về một chân trời khác, đó là chân trời cứu độ, chân trời cứu chuộc, chân trời tái sinh loài người được Người dựng nên nhưng cũng là loài, vì phạm tội, đã bị chìm ngập trong sự chết.
Giờ đây, tình trạng “tràn đầy” ân sủng và Thánh Thần được Cha đặt nơi Con là một tình trạng mà nhờ việc chết đi và sống lại Người có thể thông truyền sứ sống mới cho chúng ta (x 19-20).
4. Bởi thế Người được chúc tụng như “trưởng tử của kẻ chết” (1:18b). Với tình trạng “tràn đầy” thần linh này, song cũng bằng máu của Người đổ ra trên thập tự giá, Chúa Kitô “giao hòa” và “ổn định” lại tất cả mọi thực tại trên trời cũng như dưới thế. Nhờ đó Người trả chúng về cho tình trạng nguyên thủy của chúng, tái tạo tình trạng hòa hợp nguyên khôi theo những gì Thiên Chúa muốn như dự định yêu thương và sự sống của Ngài. Bởi vậy, việc tạo dựng và việc cứu chuộc liên hệ với nhau như những diễn tiến của cùng một lịch sử cứu độ.
5. Như mọi lần, giờ đây chúng ta giành chỗ chia sẻ cho các vị đại sư về đức tin, đó là các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Một trong các vị ấy sẽ dẫn chúng ta đến việc suy niệm về công cuộc cứu độ được Chúa Kitô hoàn tất bằng máu hy sinh của Người.
Khi dẫn giải về bài thánh thi ca của chúng ta đây, Thánh Gioan Đamascênô, trong Bài Dẫn Giải cho rằng của ngài về các Bức Thư của Thánh Phaolô, viết rằng: “Thánh Phaolô nói về ‘việc cứu chuộc bằng máu của Người’ (Eph 1:7). Thật vậy, máu của Chúa được cống hiến như là một thứ giá chuộc, mang thành phần tù nhân của tử thần đến sự sống. Những ai bị làm tôi cho vương quốc của tử thần chỉ có thể được giải phóng bởi Người là Đấng tự dấn thân tham dự vào cái chết của chúng ta… Nhờ việc Người đến, chúng ta đã nhận biết bản tính Thiên Chúa là bản tính hiện hữu trước khi Người đến. Thật vậy, đó là những gì Thiên Chúa làm trong việc dập tắt tử thần, phục hồi sự sống, và mang thế giới về lại với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao thánh nhân nói: ‘Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Col 1:15), để biểu lộ rằng Người là Thiên Chúa, mặc dù Người không phải là Cha, mà là hình aảh của Cha, và có cùng căn tính với Cha mặc dù Ngài không phải là Cha” ("I Libri della Bibbia Interpretati dalla Grande Tradizione" [The Books of the Bible Interpreted by the Great Tradition], Bologna, 2000, pp. 18,23).
Thánh Gioan Đamascênô sau đó kết luận bằng một cái nhìn tổng quan về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô: Cái chết của Chúa Kitgô đã cứu độ và canh tân con người; cũng như đã phục hồi niềm vui nguyên thủy cho các thần trời, vì thành phần cứu độ, và đã hiệp nhất các thực tại hạ giới với các thực tại thượng giới…. Thật thế, Người đã giải hòa và loại trừ sự hận thù ra khỏi những thực tại ấy. Đó là lý do tại sao các thiên thần mới xướng lên: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bằng an ở nơi dương thế’ vậy” (ibid., p. 37).
Anh Chị Em thân mến,
Nơi bài thánh thi ca về Kitô học được trích dẫn từ Thư gửi giáo đoàn Côlôsê, chúng ta tuyên tụng hình ảnh hiển vinh của Chúa Kitô là tâm điểm của phụng vụ và là trọng tâm của toàn thể Giáo Hội. Trong bài ca vịnh này, chúng ta nhận ra được đức tin sống động và lời nguyện cầu của cộng đồng Kitô Giáo xa xưa về Chúa Giêsu là Đấng được chúc tụng như là “trưởng tử” của tất cả mọi thụ tạo cũng như của những ai sonág lại từ kẻ chết (x 1:15,18).
Với tầm mức “tràn đầy” thần linh của mình, cũng nhờ việc Người đổ máu trên thập giá, Chúa Kitô “giao hòa” và “phục hồi” tất cả mọi sự trên trời và dưới thế. Nhờ đó Người mang lại cho họ tình trạng nguyên khôi của họ như những gì Thiên Chúa muốn theo dự án sự sống yêu thương của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 24/11/2004).

Bài 128 – TV 71 (72) (Thứ Tư 1/12/2004)

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BÊNH VỰC NGƯỜI NGHÈO

(Thánh Vịnh 71 [72]: 1-11, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)

1. Phụng vụ giờ kinh chiều với những bài Thánh Vịnh và ca vịnh chúng ta đang tuần tự diễn giải đây đang cho thấy troing hai giai đoạn một trong những bài Thánh Vịnh được người Do Thái và truyền thống Kitô giáo yêu chuộng nhất, đó là bài Thánh Vịnh 71 (72), một bài ca cung đình được các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội suy tư và cắt nghĩa theo chiều hướng thiên sai.
Chúng ta vừa nghe tác động cao cả đầu tiên của lời nguyện cầu long trọng ấy (câu 1-11). Lời nguyện cầu này được bắt đầu bằng việc chung tiếng kêu cầu cùng Thiên Chúa để Ngài ban cho vị vương chủ tặng ân thiết yếu cho việc cai trị nhân lành, cho đức công minh chính trực. Nhất là liên can đến thành phần nghèo khổ là những người, trái lại, thường trở thành nạn nhân của quyền lực.
Điều đáng chú ý ở đây là việc Thánh Vịnh gia đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề dấn thân về luân lý trong việc cai trị dân chúng theo công lý và lề luật: “Ôi Thiên Chúa, xin ban cho đức vua phán quyết của Ngài; cho con đức vua đức công minh của Ngài; / Để người cai quản dân Ngài cách công minh chính trực… Để người bênh vực thành phần bị đàn áp trong dân”.
Là Chúa Tể cai trị thế giới theo đức công minh (x Ps 35[36]:7), mà vị vua này, vị là hiện thân của Ngài trên mặt đất, theo quan niệm thánh kinh cổ kính, cần phải thuận hợp với hành động Thiên Chúa của mình.
2. Nếu các quyền lợi của thành phần nghèo khổ bị vi phạm thì đó là không phải chỉ là một hành động thi hành sai trái về chính trị và bất chính về luân lý mà thôi. Theo Thánh Kinh, một hành động phạm đến Thiên Chúa cũng là hành động gây ra việc vi phạm về tôn giáo, vì Chúa là Đấng bảo hộ và bênh đỡ của thành phần nghèo khổ và thành phần bị đàn áp, của thành phần góa bụa và côi cut (x Ps 67[68]:6), tức là của những ai không có các bảo vệ viên trên đời.
Thật là dễ hiểu làm thế nào mà truyền thống đã thay thế hình ảnh thường không được hài lòng của thành phần vua chúa thuộc giòng dõi Đavít – từ ngay cuộc sụp đổ của nền quân chủ Giuđa (thế kỷ thứ 6 trước công nguyên), bằng hình ảnh rạng ngời vinh hiển của Đấng Thiên Sai, theo chiều hướng của niềm hy vọng được tiên báo do tiên tri Isaia bày tỏ: “Người sẽ phân sử người nghèo bằng đức công minh, và phán quyết đúng đắn đối với thành phần sầu khổ của đất nước” (11:4). Hay, theo lời tiên tri Giêrêmia loan báo: “Này đây, Chúa phán. Những ngày ấy đang đến, khi Ta sẽ làm phát sinh một chồi công chính cho Đavít; / Là đức vua, ông sẽ trị vì và cai quan cách khôn ngoan, ông sẽ làm những gì công minh và chính trực trong đất nước” (23:5).
3. Sau lời khẩn nguyện thiết tha và nhiệt tình xin tặng ân công chính này, bài Thánh Vịnh nới rộng chân trời, chiêm ngưỡng triều đại vương giả của vị thiên sai theo chiều hướng phát triển về cả thời gian lẫn không gian. Thật vậy, một mặt là việc kéo dài của triều đại này trong lịch sử được đề cao (câu 5,7). Những hình ảnh của một loại vũ trụ trở nên sống động, ở chỗ chẳng những ngày tháng liên tục theo nhịp mặt trời và mặt trăng, mà còn theo nhịp khiù hậu thời tiết nắng mưa và hoa nở.
Một vương quốc phong phú và yên hàn bởi thế bao giờ cũng mang đặc tính của những giá trị nống cốt, đó là công lý và hòa bình (câu 7). Những giá trị này là những dấu hiệu cho thấy Đấng Thiên Sai đến với lịch sử của chúng ta. Theo quan điểm ấy, việc dẫn giải của các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội mới sáng tỏ, những vị thấy nơi Đấng Thiên Sai vương giả này dung nhan Chúa Kitô, một Đức Vua hằng hữu và đại đồng.
4. Do đó, Thánh Cyrilô Alexandria, trong “Explanatio in Psalmos” của mình, đã nhận định rằng phán quyết Thiên Chúa ban cho đức vua cũng là phán quyết được Thánh Phaolô nói tới, đó là “dự án vào thời điểm viên trọn trong việc hiệp nhất tất cả mọi sự trong Người” (Eph 1:10). Thật thế, “vào những ngày của Người, đức công minh sẽ trổ sinh và hòa bình sẽ lan tràn”, như thể nói rằng “vào những ngày của Chúa Kitô, nhờ đức tin, công lý sẽ xuất hiện cho chúng ta, và trong việc chúng ta hướng về Thiên Chúa hòa bình đã trở nên dồi dào”. Thật vậy, chúng ta thực sự là thành phần “đáng thương” và là “con cái của người nghèo” được vị vua này giải cứu và cứu độ: ở chỗ, trước hết, nếu “Người gọi những vị Tông Đồ thánh thiện là ‘đáng thương’, vì các vị nghèo khó trong tinh thần, thì Người cũng đã cứu chúng ta vì chúng ta là ‘con cái của thành phần nghèo’, công chính hóa và thánh hóa chúng ta trong đức tin bởi Thần Linh” (PG, LXIX, 1180).
5. Đàng khác, Thánh Vịnh gia cũng diễn tả cả về lãnh vực không gian cho thấy sự trung thành với công lý và hòa bình của vị vua Thiên Sai ấy (câu 8-11). Chiều kính đại đồng hiện lên bao trùm từ Biển Đỏ hay Biển Chết tới Địa Trung Hải, từ sống Euphrates, “Con Sông” lớn ở đông phương, cho đến rận cùng trái đất (x câu 8), kể cả Tarsis cùng các hải đảo cũng được nhắc đến, những vùng nay tây phương xa xôi nhất theo địa dư thánh kinh cổ thời (câu 10). Nó là một cái nhìn bao quát tất cả bản đồ của thế giới được biết đến thời bấy giờ, một cái nhìn bao gồm cả các dân tộc Ả Rập và dân du mục, các vương chủ ở những đất nước xa xôi, thậm chí cả các kẻ thù, trong một thứ bao gồm đại đồng thường được xướng lên bởi các Bài Thánh Vịnh (46:10; 86:1-7) cũng như các vị tiên tri (x Is 2:1-5; 60:1-22; Mal 1:11).
Bởi thế, cái ấn tín lý tưởng cho nhãn quan này thực sự được cấu thành bởi các lời lẽ của vị tiên tri Zechariah, những lời được các Phúc Âm sau đó áp dụng vào Chúa Kitô: “Ôi nữ tử Sion, hãy hớn hở vui mừng! Hãy la lớn tiếng lên, Ôi nữ tử Giêrusalem! Này đây vua của ngươi đang đến với ngươi; Người là vua chiến thắng và vinh thắng…. Ta sẽ tiêu diệt chiến xa nơi Ephraim và chiến mã nơi Giêrusalem; và cung tên trận địa sẽ bị bẻ gay, Người sẽ truyền ban hòa bình cho các dân tộc; quyền thống trị của Người bao rộng từ biển này đến biển kia; và từ Con Sông ấy tới tận cùng trái đất” (Zechariah 9:9-10; see Matthew 21:5).
Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đã nghe một trong những “Bài Thánh Vịnh cung đình” được dân Do Thái và truyền thống Kitô Giáo mến chuộng. Nó nhấn mạnh đến việc quyết tâm sống đoan chính về luân lý về phía vị vương chủ, thành phần được kêu gọi để cai trị theo lề luật và công bằng. Là Chúa Tể cai trị thế giới trong chân lý và công lý (x Ps 35:7), như một vị vua, hình ảnh tiêu biểu của Ngaiụ trên thế gian, theo quan điểm thánh kinh, cần phải phản ảnh tác động của Thiên Chúa.
Thật là dễ hiểu được tại sao Truyền Thống đã nhìn thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời tiên tri nói về việc Chúa Kitô đến, Đấng Thiên Chúa được hứa ban, khi đọc thấy những lời ấy những tính chất của một vương quốc hằng hữu và đại đồng của Vương Quốc Chúa Kitô.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 1/12/2004).

Bài 129 – TV 71 (72) (Thứ Năm 15/12/2004)

ĐẤNG THIÊN SAI, VỊ VƯƠNG CHỦ CHÍNH TRỰC, ĐẤNG BÊNH VỰC NGƯỜI NGHÈO

(Thánh Vịnh 71 [72]: 12-19, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)

1. Phụng Vụ Kinh Chiều, giờ kinh phụng vụ chúng ta đang chia sẻ về một loạt các bài Thánh Vịnh của nó, đã sắp xếp Thánh Vịnh 71 (72), một bài thánh thi ca về cung đình, cho chúng ta được chia làm hai phần. Sauk hi đã suy niệm phần thứ nhất (x các câu 1-11), giờ đây chúng ta tiến đến việc chuyển động thi ca và thiêng liêng của bài ca được giành cho hình ảnh vinh quang của Đức Vua Thiên Sai (x câu 12-19). Tuy nhiên, chúng ta cần phải nói ngay là phần kết ở 2 câu cuối cùng (18-19) thật ra là hai câu được thêm thắt về phụng vụ sau này vào bài Thánh Vịnh.
Thật vậy, nó là một lời chúc tụng ngắn ngủi nhưng đầy đủ để niêm ấn phần thứ hai của 5 tập 150 bài Thánh Vịnh được phân chia theo truyền thống Do Thái: tập thứ hai bắt đầu bằng Thánh Vịnh 41 (42), bài thánh vịnh của một con nái khát, biệu hiệu rõ ràng của một thứ khát vọng Thiên Chúa về mặt thiêng liêng. Giờ đây, nó là một bài ca hy vọng trong một kỷ nguyên hòa bình và công lý bao gồm thứ tự những bài Thánh Vịnh cũng như những lời lẽ của việc chúc tụng cuối cùng tôn tụng việc hiện diện hiệu năng của Chúa, dù trong lịch sử của nhân loại, nơi Ngài “làm những việc kỳ diệu” (Ps 71[72]:18), hay nơi vũ trụ tạo dựng đầy hiển vinh của Ngài (câu 19).
2. Như trong trường hợp của phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh này, yếu tố quyết liệt để nhận ra hình ảnh của Đức Vua Thiên Sai trước hết đó là sự chính trực và tình yêu thương của Ngài đối với thành phần nghèo khổ (câu 12-14). Họ có một mình Ngài là diểm tựa và là nguồn hy vọng, vì Ngài tiêu biểu hữu hình cho Đấng bênh vực và chủ trị của họ là Thiên Chúa. Lịch sử của Cựu Ước dạy rằng những vị vương chủ của dân Do Thái thực sự rất thường phản nghịch lại việc dấn thân này của họ, khi lạm dụng quyền hành của mình đối với thành phần yếu kém, thành phần bất hạnh và thành phần nghèo khổ.
Bởi thế mà Thánh Vịnh gia mới nhìn tới một vị vua công minh chính trực hoàn hảo hiện thân nơi Đấng Thiên Sai, vị vương chủ duy nhất sẵn sàng ra tay cứu chuộc thành phần bị áp bức “khỏi bị kìm kẹp và hành hung” (câu 14). Tiếng Do Thái được sử dụng ở đây là một tiếng về pháp lý của kẻ bảo vệ thành phần thấp hèn nhất và thành phần nạn nhân, cũng được áp dụng cho dân Do Thái “được cứu chuộc” khỏi cảnh làm tôi khi họ bị quyền lực Pharaoh đàn áp.
Chúa là “vị cứu chuộc giải cứu” chính yếu, Đấng hành động một cách hữu hình qua Đức Vua Thiên Sai, khi bênh vực “sự sống và máu” của thành phần nghèo khổ, những người được bảo vệ của Ngài. Ở đây, “sự sống” và “máu” là thực tại nồng cốt của con người, tiêu biểu cho các thứ quyền lợi cũng như phẩm giá của hết mọi người, những quyền lợi thường bị vi phạm bởi thành phần quyền năng thế lực và ngông cuồng trên thế gian này.
3. Ở nguyên bản của mình, bài Thánh Vịnh 71(72) chấm dứt, trước luân khúc cuối cùng đã được đề cập tới, bằng một lời chúc tụng tôn vinh Đức Vua Thiên Sai (câu 15-17). Nó như tiếng của một kèn đồng phụ họa cho một ca đoàn dâng lời chào chúc cho vị vương chủ này, cho sự sống của ông, cho phúc hạnh của ông, cho phúc lành của ông, cho sự trường tồn qua các thế kỷ của ông.
Dĩ nhiên, đây là những yếu tố thuộc về kiểu cách của những thứ sáng tác cung đình, với những đặc tính hợp với chúng. Thế nhưng, ở đây những lời lẽ ấy cũng tỏ hiện được sự thật của mình nơi hành động của vị vua toàn hảo ấy, một vị vua được đợi chờ và trông mong, đó là Đấng Thiên Sai.
Theo một đặc tính của những bài thơ về thiên sai thì tất cả thiên nhiên tạo vật được bao gồm vào một thứ biến đổi mà trước tiên là những gì về xã hội: Hạt lúa miến của mùa gặt sẽ trổ sinh muôn vàn khi trở thành hầu như mênh mông bông lúa miến chập chờn trên đỉnh các ngọn núi (câu 16). Nó là dấu chỉ phúc lành thần linh tự tràn ngập trên một trái đất bằng an và yên hàn. Chưa hết, toàn thể nhân loại, khi phá vỡ và loại trừ đi tất cả mọi thứ chia rẽ, sẽ qui tụ về vị vương chủ công minh chính trực này, nhờ đó hoàn trọn lời hứa cả thể được Chúa hứa với Abraham, đó là “Chớ gì các bộ tộc trên trái đất này nhờ Người dâng lời chúc tụng” (câu 17; x Gen 12:3).
4. Truyền thống Kitô giáo đã trực giác thấy được nơi dung nhan của Đức Vua Thiên Sai này hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô. Trong bài “Dẫn Giải về Thánh Vịnh 71” của mình, Thánh Âu Quốc Tinh, khi đọc bài ca này theo chiều hướng Kitô học, đã giải thích rằng thành phần bần cùng và thành phần nghèo khổ, những thành phần được Chúa Kitô đến giải cứu là “thành phần tin tưởng nơi Người”. Hơn nữa, khi nhắc lại những vị vua được đề cập tới trước đây trong bài Thánh Vịnh này, ngài nói rõ là “nơi dân tộc ấy cũng bao gồm cả những vị vua tôn thờ Ngài. Thật vậy, họ đã không khinh thường trong việc trở nên bần cùng và nghèo khổ, tức là khiêm tốn thú nhận lỗi lầm của mình và nhìn nhận mình cần đến vinh quang và ân sủng của Thiên Chúa, nhờ đó, vị vua này, con của đức vua, sẽ giải thoát họ khỏi kẻ quyền uy”, tức là Satan, “tên vu khống”, tên “mạnh mẽ”. “Thế nhưng, vị Cứu Thế của chúng ta đã hạ thành phần vu khống, và tiến vào nhà của kẻ mạnh, bằng cách cướp đoạt những thứ giầu sang phú quí của họ sau khi xiềng xích họ lại; Người đã giải phóng thành phần bần cùng khỏi kẻ quyền uy thế lực, cùng thành phần nghèo khổ không có ai cứu vớt họ”. Thật vậy, điều này không thể nào thực hiện được bởi bất cứ quyền lực tự nhiên nào: không phải quyền lực của người công chính hay quyền lực của thần trời. Không một ai có thể cứu nổi chúng ta; đó là lý do tại sao Người đã đích thân đến để cứu độ chúng ta” (71,14: "Nuova Biblioteca Agostiniana" (New Augustinian Library), XXVI, Rome, 1970, pp. 809,811).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 71, được xướng lên ở đầu buổi triều kiến này, kêu mời chúng ta hãy chú ý trọn vẹn hơn nữa ý nghĩa của Mùa Vọng phụng vụ này. Nó là một bài Thánh Vịnh cung đình, một bài thánh vịnh diễn tả một vị vua công chính và sốt mến, vị vua bênh vực kẻ nghèo và thành phần bị đàn áp (x Ps 71:12-13).
Truyền Thống Kitô Giáo đã nhìn thấy nơi hình ảnh này một Đức Thiên Sai và là một Đức Vua, ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Con của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng Cứu Thế hằng mong đợi đã lâu.
Việc hạ sinh của Chúa Giêsu như thế là việc hoàn thành của lời hứa cao cả được Chúa thực hiện với Abraham: “nơi Người mà mọi bộ tộc đều được chúc phúc” (verse 17; see Genesis 12:3).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 15/12/2004).

Bài 130 – Ca vịnh Kh 11 (Thứ Tư 12/1/2005)

NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG SATAN VÀ SỰ DỮ

(Ca Vịnh Khải Huyền 11:17;12:10,12, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)

1. Bài thánh ca vừa vang xuống từ trời rất hay. Thật vậy, Sách Khải Huyền viết ra bài ca này cho chúng ta đã liên kết phần thứ nhất của nó (x Rev 11:17-18) về “24 vị trưởng lão ngồi trên tòa trước Thiên Chúa” (11:16), với cảnh thứ hai (x 12:10-12) về “một tiếng lớn ở trên trời” (12:10).
Như thế, chúng ta thấy được trong cái hình ảnh vĩ đại của cung điện thần linh là nơi Thiên Chúa và Con Chiên tức Đức Kitô, được vây quanh bởi “hội đồng triều thiên”, đang phân xử lịch sử nhân loại tùy theo thiện ác, cũng là để tỏ cho thấy mục tiêu cứu độ và vinh quang tối hậu. Những bài ca được viết rải rác trong Sách Khải Huyền có nhiệm vụ giải bày đề tài của vai trò chủ tể thần linh là vai trò qui định giòng hoạt động thường không hòa hợp của nhân loại.
2. Về vấn đề này, đáng kể đến là đoạn đầu tiên của bài thánh ca được đặt vào miệng của 24 vị trưởng lão, thành phần như thể là hiện thân của dân tuyển chọn ở giai giai đoạn lịch sử của họ, 12 chi tộc Do Thái và 12 vị Tông Đồ của Giáo Hội.
Vậy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu đã “tỏ ra quyền năng cao cả và thiết lập triều đại” (11:17), và mục đích của việc Người đi vào lịch sử, không phải chỉ để ngăn chặn những phản ứng bạo động của những kẻ phản loạn (x Ps 2:1,5), mà nhất là để nâng len và đền bù cho thành phần công chính. Thành phần công chính được diễn tả bằng một chuỗi từ ngữ được sử dụng để mô tả khuôn mặt thiêng liêng của Kitô hữu. Họ là “những người tôi tớ” trung thành gắn bó với lề luật thần linh; họ là “những vị tiên tri” có thiên tài về Lời mạc khải để giải thích và phân xử lịch sử; họ là những “thánh nhân” được thánh hiến cho Thiên Chúa và kính tôn danh của Ngài, tức là mau mắn tôn thờ Ngài và tuân theo ý muốn của Ngài. Trong số họ có “kẻ nhỏ và kẻ lớn”, một diễn tả được tác giả Sách Khải Huyền ưa chuộng (x 13:16, 19:5,18, 20:12) để nói đến dân Chúa trong sự hiệp nhất và khác nhau của họ.
3. Thế rồi chúng ta sang phần thứ hai của bài ca vịnh. Sau cảnh thê thảm về người nữ đang mang thai “mặc mặt trời” và về con rồng đỏ khủng khiếp (x 12:1-9), thì một tiếng nói mầu nhiệm đã xướng lên bài thánh ca tạ ơn và hoan lạc.
Niềm hoan lạc này phát xuất từ sự kiện Satan, đối thủ kỳ cựu, tên đã đứng trong tiền đường trên trời như là “kẻ tố cáo anh em của chúng ta” (12:10), như chúng ta thấy hắn trong Sách Ông Gióp (x 1:6-11, 2:4-5), bị “hất ra khỏi” chỗ của hắn ở trên trời, nên không còn quyền lực cao cả nữa. Hắn biết rằng “hắn chỉ có một thời gian ngắn” (12:12), vì lịch sử gần phải trải qua một cuộc đổi thay sâu rộng trong việc thoát khỏi sự dữ, và đó là lý do tại sao hắn phản ứng “hết sức giận dữ”.
Ở đầu bên kia xuất hiện Chúa Kitô phục sinh với máu của Người đổ ra là nguyên tố cứu độ (x 12:11). Người đã nhận được từ Cha vương quyền trên toàn thể vũ trụ; nơi Người được nên trọn “việc cứu độ, quyền năng và vương quốc của Thiên Chúa chúng ta”.
Được liên kết với cuộc chiến thắng của Người là các vị tử đạo Kitô giáo, thành phần chọn tiến bước theo con đường thập giá, chứ không chịu nhường bước cho sự dữ cũng như cho tính chất độc hại của nó, trái lại, phó mình cho Chúa Cha và hiệp nhất bản thân với cái chết của Chúa Kitô qua chứng từ thuận phục và can đảm khiến họ “không yêu sự sống mình cho dù có chết đi” (see. Ibid.). Người ta dường như nghe âm vang những lời của Chúa Kitô: “Ai yêu sự sống mình thì đánh mất sự sống ấy, còn ai ghét bỏ sự sống của mình trên thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25).
4. Những lời của Sách Khải Huyền về những kẻ chiến thắng Satan và sự dữ “bằng máu Con Chiên” âm vang nơi lời nguyện cầu tuyệt vời được cho là của Simeon, vị giám mục ở Seleucia-Ctesiphon xứ Ba Tư. Trước khi chết như một vị tử đạo cùng với nhiều đồng bạn khác hôm 17/4/341, trong cuộc bắt đạo của Vua Sapor II, ngài đã nói lên khẩn cầu sau đây cùng Chúa Kitô:
“Lạy Chúa, xin ban cho con triều thiên này: Chúa biết con ước mong nó biết bao, vì con yêu mến Chúa với tất cả tâm hôn của con và sự sống của con. Con sẽ hạnh phúc được thấy Chúa và Chúa sẽ ban cho con được nghỉ ngơi…. Con muốn kiên trì một cách anh dũng với ơn gọi của con, can đảm hoàn tất công việc được ủy nhiệm cho con và làm gương sáng cho tất cả mọi dân tộc của Chúa ở Đông phương…. Con sẽ nhận được sự sống không còn đớn đau, lo âu, sầu muộn, không còn kẻ bách hại và người bị bách hại, không còn kẻ đàn áp và thành phần bị đàn áp, không còn kẻ bạo tàn và thành phần nạn nhân; ở đó con sẽ không còn bị vua chúa đe dọa, hay bị quan quyền làm kinh hãi, không ai còn mang con ra tòa và tiếp tục làm con kinh khiếp, không ai kéo lê con đi hay làm con run ray. Những vết thương nơi chân của con sẽ được lành khỏi nơi Chúa, Ôi con đường đi của tất cả mọi kẻ lữ hành; tình trạng kiệt sức của các chi thể con sẽ được nghỉ ngơi trong Chúa, Ôi Chúa Kitô là dầu thánh xức cho chúng con. Nơi Chúa là chén cứu độ của chúng con, nỗi buồn đau sẽ biến mất khỏi tâm can con; nơi Chúa là niềm ủi an và hoan lạc của chúng con, những giọt nước mắt của chúng con sẽ được lau khô” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani" [Early Christian Prayers], Milan, 1955, pp. 80-81).
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay chúng ta tiếp tục việc chia sẻ của chúng ta về Phụng Vụ Giờ Kinh Tối. Đoạn chúng ta vừa nghe từ Sách Khải Huyền cho thấy vấn đề Thiên Chúa làm chủ các biến cố của loài người. Nơi cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã bảo đảm là sự thiện sẽ chiến thắng vào lúc tận cùng thời gian. Các vị tử đạo được liên kết với cuộc chiến thắng này của Chúa Kitô; các vị đã chọn con đường thập giá để làm chứng đức tin của mình cùng tình yêu của các vị đối với Người.
Bài ca vịnh từ Sách Khải Huyền này cho thấy sự thật này bằng một nhãn quan ngời sáng. Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô, được vây quanh bởi cung điện thần linh, phân xử lịch sử thế giới tùy theo thiện ác, tỏ cho nó thấy mục tiêu cứu độ và vinh quang tối hậu.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 12/1/2005).

Bài 131 – TV 114 (116) (Thứ Tư 26/1/2005)

GIÁ TRỊ CAO CẢ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN TRONG CƠN THẤT VỌNG

(Thánh Vịnh 114 [116]: 1-2, 5, 7-9, Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)

1. Nơi Thánh Vịnh 114 (116) vừa được loan báo, tiếng của Thánh Vịnh gia bày tỏ tình yêu tri ân cảm tạ của mình đối với Chúa, sau khi Ngài đã nghe lời thiết tha khẩn cầu của ông: “Tôi kính mến Chúa là Đấng đã lắng nghe tiếng tôi kêu cầu. / Đấng lắng tai nghe tiếng tôi” (câu 1-2). Liền sau lời tuyên xưng tình yêu thương này là một cuộc diễn tả sống động về cơn ác mộng tử thần đã chộp bắt mạng sống của con người nguyện cầu (x các câu 3-6).
Thảm kịch này được phác tả với những biểu hiệu thông dụng nơi các bài Thánh Vịnh. Những cuộn khúc quấn lấy mạng sống là những cuộn khúc tử thần, những cái bẫy khiến cho đời sống sầu thương là những thứ nhức nhối của âm phủ là nơi cố gắng lôi kéo kẻ sống đến với mình mà không bao giờ họ được xoa dịu (x Prov 30:15-16).
2. Đó là hình ảnh của một con mồi bị rơi vào bẫy của một tay săn bắt tàn nhẫn. Sự chết giống như một cái kìm kẹp thắt lại (Ps 114[116]: 3). Bởi thế, đằng sau con người cầu nguyện là nguy cơ chết chóc, một thứ chết chóc được kèm theo bởi một cảm nghiệm tâm thần đớn đau: “Tôi cảm thấy thống khổ và khiếp hãi” (câu 3). Thế nhưng, từ vực thẳm thảm khốc ấy ông đã kêu lên Đấng duy nhất có thể vươn tay ra giật lấy con người sầu thương nguyện cầu khỏi tình trạng rối rít bất khả tháo gỡ ấy: “Vậy tôi kêu cầu danh Chúa, ‘Ôi Chúa, xin cứu lấy mạng sống của tôi!’” (câu 4).
Đầy là một lời nguyện cầu ngắn ngủi nhưng tha thiết của con người, khi thấy mình ở trong tình trạng tuyệt vọng, nắm chắc lấy tấm ván cứu độ duy nhất. Cũng thế, các vị môn đệ trong Phúc Âm đã kêu lên khi gặp bão tố (x Mt 8:25), và cũng thế tông đồ Phêrô bước đi trên mặt biển van xin khi bắt đầu chìm xuống (x Mt 14:30).
3. Một khi được cứu độ, con người nguyện cầu tuyên xưng rằng Chúa là Đấng “từ ái và chính trực”, hơn thế nữa, là Đấng “xót thương” (câu 5). Tĩnh từ “xót thương” này, theo nguyên ngữ Do Thái, liên quan tới sự dịu dàng của một người mẹ, làm khơi lên “thẳm cung” của bà.
Lòng tin tưởng chân thực bao giờ cũng thấy Thiên Chúa là tình yêu, cho dù có những lúc khó lòng hiểu được những hành động của Ngài. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là “Chúa bảo vệ kẻ hèn mọn” (câu 6). Thế nên, trong cơn khốn cùng và bị bỏ rơi, người ta bao giờ cũng tin tưởng nơi Ngài là “Cha của thành phần không cha, là Đấng bênh vực thành phần góa bụa” (Ps 67[68]:6).
4. Thế rồi xẩy ra một cuộc đàm đạo giữa Thánh Vịnh gia và linh hồn của ông, một cuộc đàm được tiếp tục ở bài Thánh Vịnh 115 tới đây, và cần phải được coi như là một tổng hợp với bài Thánh Vịnh chúng ta đang chia sẻ với nhau đây. Đó là những gì truyền thống Do Thái đã thực hiện, khi lấy nguyên bài Thánh Vịnh 116 làm gốc, theo số thứ tự nơi Sách Thánh Vịnh của Do Thái. Thánh Vịnh gia mời gọi linh hồn của ông hãy tái phục hồi niềm an bình thanh thản sau cơn ác mộng tử thần (câu 7).
Được đánh động bởi đức tin, Chúa đã ra tay, đã chặt đứt những trói buộc con người cầu nguyện, đã lau khô châu lệ cho họ, và đã ngăn chặn lại việc họ lao nhào xuống âm ty vực thẳm (câu 8). Tình trạng đổi thay này là những gì tỏ tường và bài thánh vịnh được kết thúc bằng một cảnh tươi sáng, đó là cảnh con người cầu nguyện trở về với “mảnh đất của kẻ sống”, tức là trở về với những đường lối của thế giới, là “bước đi trước nhan Chúa”. Ông tham dự vào việc cầu nguyện cộng đồng ở đền thờ, ngưỡng vọng mối hiệp thông với Thiên Chúa đang đợi chờ ông vào lúc cuối đời của ông (câu 9).
5. Để kết luận, một lần nữa chúng ta hãy để ý tới những đoạn quan trọng nhất của bài Thánh Vịnh, bằng cách theo dõi lời dẫn giải của một đại văn hào Kitô giáo ở vào thế kỷ thứ ba là Origen, lời dẫn giải bằng Hy ngữ về bài Thánh Vịnh 114 (116) chúng ta có được trong bản Latinh của Thánh Giêrônimô.
Khi đọc thấy là Chúa “ghé tai về bên tôi”, ông nhận định rằng: “Chúng ta nhỏ bé và thấp hèn, chúng ta không thể vươn mình và nâng mình lên cao. Vì thế mà Chúa ghé tai đoán thương nghe chúng ta. Khi đã nói và làm tất cả mọi sự, bởi chúng ta là con người không thể trở thành thần thiêng, Thiên Chúa đã trở nên con người và hạ mình xuống, như những gì đã viết: ‘Ngài hạ thấp các tầng trời mà ngự đến’ (Ps 17[18]:10).
Thật vậy, bài Thánh Vịnh tiếp tục: “Chúa bảo vệ thành phần đơn thành” (câu 6): “Nếu con người cao cả, nếu họ nâng mình lên và huyênh hoang, thì Chúa không bảo vệ họ; nếu người ta nghĩ mình cao cả, Chúa sẽ không thương xót họ; nhưng nếu người ta hạ mình xuống thì Chúa thương xót họ và bảo vệ họ. Đến nỗi như theê họ nói rằng: ‘Này đây tôi và con cái Chúa đã ban cho tôi’ (Is 8:18). Và ‘Khi tôi bị hạ bệ thì Ngài đã cứu tôi’”.
Như thế ai là kẻ bé mọn và nghèo nàn là người có thể phục hồi an bình, nghỉ ngơi, như bài Thánh Vịnh nói (câu 7), cũng như giáo phụ Origen nhận định: “Khi nói ‘Hãy trở về với sự nghỉ ngơi của mình’ tức là dấu hiệu cho thấy thoạt tiên họ được nghỉ ngơi rồi đánh mất nó… Thiên Chúa đã duưng nên chúng ta tốt lành và làm cho chúng ta thành những kẻ có quyền quyết định, rồi đặt tất cả chúng ta cùng với Adong trong vườn địa đường. Thế nhưng, bởi quyết định tự do của mình, chúng ta đã bị tụt xuống khỏi tình trạng diễm phúc ấy, đến thung lũng châu lệ này, người công chính khuyên nhủ hồn mình rằng hãy trở về với nơi từ đó nó đã bị rơi xuống… ‘Hãy trở về, hỡi hồn tôi ơi, với nơi nghỉ ngơi của mình: vì Chúa đã làm cho ngươi điều thiện hảo’ Nếu ngươi, hỡi linh hồn, trở về với địa đường, không phải vì ngươi xứng đáng, mà là vì công cuộc của tình thương Chúa. Chúng ta cũng hãy nói với linh hồn mình rằng: ‘Hãy trở về với chốn nghỉ ngơi của mình’. Nơi nghỉ ngơi của chúng ta là Đức Kitô, Thiên Chúa của chúng ta” (Origen-Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 409,412-413).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 114 nhắc nhở chúng ta về giá trị cao cả của lời nguyện cầu. Bài này nói về lời kêu cầu giúp đỡ được ngỏ cùng Thiên Chúa trong một trường hợp cực kỳ hiểm nghèo. Người tín hữu gắn bó với Chúa như niềm hy vọng cứu độ duy nhất của mình và bày tỏ tình yêu tri ân cảm tạ của mình về việc họ được Ngài bảo vệ.
Đức tin chân chính bao giờ cũng thấy Thiên Chúa là tình yêu, cho dù có những lúc chúng ta cảm thấy khó lòng hiểu được trọn vẹn các hành động của Ngài. Việc cầu nguyện giúp cho chúng ta tái khám phá ra dung nhan yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi dân của Ngài nhưng bảo đảm là cho dù thử thách và khổ đau cuối cùng sự thiện sẽ vinh thắng.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 26/1/2005).

Bài 132 – TV 120 (121) (Thứ Tư 4/5/2005)

 THIÊN CHÚA HẰNG HỖ TRỢ CHÚNG TA Ở MỌI NƠI MỌI LÚC TRONG CUỘC ĐỜI CHÚNG TA

 (Thánh Vịnh 120 [121], Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)

Loạt bài giáo lý về Kinh Nguyện Thánh Vịnh được ĐTC Gioan Phaolô II hứa trong Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ (6/1/2001) và ngài đã thực sự thực hiện như lời hứa bắt đầu từ Thứ Tư ngày 28/3/2001, cho đến khi ngài bắt đầu lâm bệnh nặng vào 2 tháng cuối đời của ngài. Loạt bài này đã được 131 bài cho tới ngày 26/1/2005. Ngài hứa rằng:
“Bản thân Tôi đã quyết định dùng những buổi giáo lý vào ngày Thứ Tư hằng tuần tới đây để suy niệm về các Thánh Vịnh, mở đầu là các Thánh Vịnh của Kinh Ban Mai, những kinh nguyện chung được Giáo Hội dùng để kêu mời chúng ta thánh hóa và điều hành ngày sống của chúng ta... phải đặc biệt dạy cho dân chúng cầu nguyện theo kinh phụng vụ...” (đoạn 34.2).
Thứ Tư tuần trước, trong buổi triều kiến chung đầu tiên của mình, Đức Tân Giáo Hoàng Biển Đức đã hứa tiếp tục loạt bài này của vị tiền nhiệm như sau:
“Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi triều kiến chung 26/1/2005”.
Tuy nhiên, qua những lời mở đầu của bài giáo lý hôm nay, vị tân giáo hoàng của chúng ta cho biết rằng những bài giáo lý tiếp theo này là của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chứ không phải của ngài. Bởi thế, đôi khi ngài nói buông, không dựa vào bản văn đã soạn, để giải thích thêm về những lời của vị tiền nhiệm của mình. Những chỗ này, như tín điện của VIS cho biết, sẽ được người dịch để trong ngoặc đơn, phân biệt khỏi những lời của tác giả Gioan Phaolô II.

Anh Chị Em thân mến,
1. Như tôi đã thông báo hôm Thứ Tư tuần trước là tôi quyết định tiếp tục những buổi giáo lý dẫn giải về các bài Thánh Vịnh và ca vịnh thuộc các giờ kinh tối, bằng việc sử dụng các bản văn được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi đã biên soạn.
Thánh Vịnh 120 (121), mà chúng ta suy niệm hôm nay là phần tổng hợp của ‘những bài thăng ca’, tức là, của cuộc hành trình tiến đến cuộc hội ngộ với Chúa trong đền thờ Sion. Đó là một bài Thánh Vịnh của lòng tin tưởng vì nơi bài này động từ Do Thái ‘shamar’ – tức là giữ, canh giữ – âm vang đến 6 lần. Thiên Chúa, Đấng được kêu cầu danh thánh mấy lần, hiện lên như là “vị canh giữ” luôn tỉnh thức, cẩn trọng và quan tâm, như “người lính canh” trông coi dân mình để bảo vệ họ khỏi hết mọi nguy cơ và hiểm họa.
(Đến đây, ĐTC nói buông, vạch ra rằng những chước cám dỗ, một đời sống tiện nghi, quyền lực và thế giá đôi khi được coi như là mục tiêu, như ‘những cao điểm nơi đời sống của chúng ta’, mà thực tế thì chúng lại không phải thế, ‘vì sự sống đích thực là những gì xuất phát từ Chúa’)
Bài ca này mở màn với một ánh mắt của con người cầu nguyện ngước cao, “hướng về phía núi non”, tức là về hướng các ngọn đồi là nơi Giêrusalem hiện lên: ơn trợ giúp từ trời cao, vì Chúa ngự trên cao nơi thánh điện của Ngài (câu 1-2). Tuy nhiên, “những ngọn đồi” cũng có thể ám chỉ đến những nơi dựng lên các đền đài ngẫu tượng, được gọi là các nơi cao, những nơi thường bị lên án trong Cựu Ước (x 1Kgs 3:2; 2Kgs 18:4). Trong trường hợp này có một cái gì đó tương phản nhau, đó là, trong khi kẻ hành hương tiến về Sion thì mắt của họ lại chăm chú vào các đền thờ dân ngoại là những gì hết sức cám dỗ họ. Thế nhưng, đức tin của họ vững chắc và họ tin tưởng rằng: “Chúa là Đấng dựng nên trời đất hỗ trợ tôi” (Ps 102[121]:2).
2. Lòng tin tưởng này được sáng tỏ trong bài Thánh Vịnh bằng những hình ảnh người canh giữ và canh gác, thành phần canh chừng và bảo vệ. Cũng có một cái gì đó ám chỉ đến bàn chân không ngập ngừng (câu 3) trên con đường của sự sống và có lẽ của vị mục tử là người trong việc nghỉ đêm vẫn canh chừng đoàn vật của mình mà không ngủ mê hay ngủ nghỉ (câu 4). Vị Mục Tử Thần Linh không nghỉ ngơi khi coi sóc dân của mình.
Sau đó là một biểu hiệu khác, đó là biểu hiệu “bóng rợp”, một biểu hiệu bao hàm việc tái tấu cuộc hành trình trong một ngày nắng (câu 5). Nó gợi nhớ đến cuộc hành trình lịch sử trong sa mạc Sinai, khi Chúa đi trước Do Thái “ban ngày bằng cột mây để tỏ cho họ biết đường đi nước bước” (Ex 13:21). Trong Sách Thánh Vịnh, người ta thường cầu nguyện như thế này: “Xin hãy giấu ẩn tôi đi trong bóng cánh của Ngài” (Ps 16[17]:8; x Ps 90[91]:1).
3. Sau biểu hiệu canh thức và bóng rợp, là biểu hiệu thứ ba, biểu hiệu về vị Chúa đứng về “bên phải” của kẻ tín trung với Người (x Ps 120[121]:5). Đó là vị thế của kẻ bênh vực, cả quân sự lẫn ở một phiên tòa: Nó là việc tin tưởng không bị bỏ rơi trong lúc bị thử thách, bị sự dữ tấn công, bị bách hại. Về vấn đề này, Thánh Vịnh Gia tiếp tục tư tưởng về cuộc hành trình trong một ngày nắng được Thiên Chúa bao che cho khỏi bị cháy nám.
Thế nhưng sau ngày là đêm. Ngày xưa người ta nghĩ rằng những tia sáng của mặt trăng cũng là những gì tác hại, gây cảm sốt, mù lòa hay thậm chí điên dại; đó là lý do tại sao Chúa cũng bảo vệ chúng ta về đêm nữa (câu 6).
Bài Thánh Vịnh kết luận bằng một câu tin tưởng ngắn ngủi: Thiên Chúa sẽ bảo về chúng ta bằng lòng yêu thương trong mọi giây phút, gìn giữ sự sống chúng ta cho khỏi tất cả mọi sự dữ (x câu 7). Tất cả mọi hoạt động của chúng ta, được tóm lại trong hai động từ đối cực là ‘xuất’ và ‘nhập’, bao giờ cũng được ánh mắt Chúa trông coi, hết mọi tác động của chúng ta và tất cả thời giờ của chúng ta, “cả hiện này và cho đến muôn đời” (câu 8).
4. Giờ đây chúng ta dẫn giải câu tin tưởng cuối cùng bằng một chứng từ thiêng liêng theo truyền thống Kitô giáo cổ thời. Thật vậy, trong các Bức Thư gửi cho Barsanuphius ở Gaza (người đã chết vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu), một vị khổ tu nổi tiếng là khôn ngoan nên được các đan sĩ, các viên chức trong giáo hội và thành phần giáo dân vì sự khôn ngoan bàn hỏi nhận thức của họ, câu này của bài Thánh Vịnh được nhắc đến mấy lần thế này: “Chúa sẽ gìn giữ các bạn khỏi tất cả mọi sự dữ, Người sẽ gìn giữ mạng sống của quí bạn”. Như thế, ngài muốn ủi an tất cả những ai cảm thấy vất vả cực nhọc, cảm thấy đời sống bị thử thách, những nguy hiểm và những thứ bất hạnh.
Một lần kia, khi được một đan sĩ xin cầu nguyện cho vị này cùng đồng bạn của vị ấy, Barsanuphius đã trả lời trong những lời chúc tốt đẹp của mình lời trích từ câu thánh vịnh này: “Hỡi con cái yêu dấu của thày, thày ấp ủ các con trong Chúa, xin Ngài gìn giữ các con khỏi tất cả mọi sự dữ và ban cho các con sức chịu đựng như ông Gióp, ân phúc như Giuse, hiền lành như Moisen và can đảm chiến đấu như Gioduệ, con của Nun, khôn ngoan như các vị Quan Án, khuất phục quân thù như các vua Đavít và Solomon, đất đai trù phú như dân Do Thái. Xin Ngài ban cho các con ơn thứ tha tội lỗi bằng việc chữa lành xác thân như người bại liệt. Chớ gì Ngài giải cứu các con khỏi sóng gió như Phêrô, và gìn giữ các con khỏi gian nan hoạn nạn như Phaolô và các tông đồ khác. Xin Ngài gìn giữ các con khỏi tất cả mọi sự dữ, như thành phần con cái đích thực của Ngài, và ban cho các con, vì danh Ngài, những gì lòng các con cầu khấn cho lợi ích của linh hồn và thân xác. Amen” (Barsanuphius and John of Gaza, Epistles, 194: "Collana de Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], XCIII, Rome, 1991, pp. 235-236).
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài giáo lý tuần này, chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 120, một trong những “bài thăng ca” hỗ trợ thành phần hành hương cổ thời tiến bước trên con đường tiến về Đền Thờ Gia Liêm. Thánh Vịnh Gia bắt đầu bằng việc ‘ngước mắt lên’ để sửa soạn cho việc gặp gỡ Thiên Chúa dân Do Thái trong nơi thánh của Ngài. Đoạn ông kêu cầu Chúa là vị canh giữ và là sức mạnh của dân Do Thái, Đấng liên lỉ canh chừng Dân của mình và cứu họ khỏi mọi sự dữ.
Việc tuyên xưng đầy tin tưởng vào mối quan tâm đáp ứng của Thiên Chúa hằng hỗ trợ chúng ta ở mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời của chúng ta, đã vang dội qua các thế kỷ nơi phụng vụ của Giáo Hội cũng như nơi những lời nguyện cầu của các thánh. Xin Chúa thực sự bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, và ban tất cả những gì lòng chúng t among ước, “cả bay giờ và cho đến muôn đời”.
(Đaminh Maria Cao Tnấ Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit và VIS ngày 4/5/2005, trừ phần dẫn nhập).

Bài 133 – Ca vịnh Kh 15 (Thứ Tư, 11/5/2005)

NHỜ SỢ CHÚA MÀ KHÔNG SỢ SỰ DỮ

(Ca Vịnh Khải Huyền 15:3-4 - Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)

Trước 17 ngàn người dự buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần ngày 11/5/2005 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức XVI tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh đã được ĐTC GPII dọn sẵn. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý:
 “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, những công cuộc của Chúa là những gì cao cả và diệu kỳ. Ôi vua các dân nước, đường lối của Chúa thì công minh và chân thật. Lạy Chúa, ai sẽ không kính sợ Chúa hay không tôn vinh danh Chúa đây? Vì chỉ một mình Chúa là thánh. Tất cả mọi dân nước đều đến tôn bái trước tôn nhan Ngài, vì Ngài đã thể hiện những việc công minh của Ngài” (Rev 15:3-4).
 1. Bài ca vịnh chúng ta giờ đây chúng ta suy niệm, nhìn tổng quát thì ngắn ngủi và long trọng, sâu sắc và uy nghi, chúng ta sử dụng như một bài thánh ca chúc tụng dâng lên “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng” (Rev 15:3). Đây là một trong nhiểu bài nguyện cầu trong Sách Khải Huyền, cuốn sách của sự phán quyết, của ơn cứu độ, nhất là của niềm hy vọng.
 Thật vậy, lịch sử không hoàn toàn ở trong tay của những quyền lực tăm tối, của may rủi hay của việc quyết định của con người. Vị Chúa tể đóng vai tài phán các biến cố lịch sử xuất hiện khống chế cuộc xổ lồng của các quyền lực sự dữ, cuộc bừng dậy dữ dội của Satan, và tình trạng khẩn cấp của rất nhiều tai ương hoạn nạn. Người khôn ngoan dẫn lịch sử hướng về rạng đông của một vùng trời mới đất mới, một vùng trời được ca tụng ở phần cuối cùng của cuốn sách này, qua hình ành của một tân Giêrusalem (x Rev 21-22).
 Những ai ngâm nga bài ca vịnh chúng ta giờ đây đang suy niệm là thành phần công chính của lịch sử, thành phần chiến thắng con mãnh thú của Satan, thành phần, qua cuộc hiển nhiên thảm bại nơi việc tử đạo, thực sự là thành phần xây dựng một tân thế giới theo như Thiên Chúa là vị kiến trúc sư tối hậu.
 2. Họ bắt đầu bằng việc tôn tụng những việc “cao cả và diệu kỳ” cũng như những đường lối “công minh và chân thật” của Chúa (x Rev 15:3). Lời lẽ này là những gì mang đặc tính của cuộc dân Do Thái xuất hành thoát cảnh làm tôi cho người Ai Cập. Bài ca vịnh đầu tiên của Moisen, bài ca vịnh được vang lên sau cuộc vượt qua Biển Đỏ, là bài ca vịnh chúc tụng Vị Chúa “tiếng tăm lừng lẫy, Đấng thực hiện những kỳ công” (Ex 15:11). Bài ca vịnh thứ hai, bài được đề cập đến trong Sách Nhị Luật vào lúc cuối đời của vị đại luật gia này, khẳng định rằng “công việc của Ngài vô tì vết biết bao, tất cả mọi đường nẻo của Ngài chính đáng dường nào!” (Deut 32:4).
 Bởi thế, cần phải tái xác nhận rằng Thiên Chúa không dửng dưng trước những biến cố của con người, song thấu triệt chúng bằng cách hiện thực những “đường lối” của Ngài, tức là những dự án của Ngài và những “việc làm” hiệu năng của Ngài.
 3. Theo bài thánh ca của chúng ta thì việc can thiệp thần linh có một mục đích rất đặc biệt: đó là dấu hiệu mời gọi tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này hãy hoán cải. Các quốc gia cần phải biết “đọc” thấy nơi lịch sử sứ điệp của Thiên Chúa. Lịch sử của nhân loại không phải là một thứ lịch sử mù mờ chẳng có nghĩa lý gì, cũng không phải là thứ lịch sử bị cưỡng ép phó mặc cho hoạt động phi pháp của thành phần ngông cuồng bại hoại. Có thể nhận ra hoạt động thần linh trong lịch sử. Theo hiến chế về mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes”, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng mời gọi tín hữu hãy thấu triệt, trong ánh sáng Phúc Âm, những dấu chỉ thời đại để thấy nơi những dấu chỉ này việc bộc lộ của chính hoạt động Chúa làm (x khoản số 4 và 11).
Thái độ này của đức tin giúp con người nhận biết quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, nhờ đó hướng họ về sự kính sợ thánh danh Chúa. Thật thế, theo ngôn ngữ Thánh Kinh thì “niềm kính sợ” này không trùng nghĩa với nỗi kinh sợ mà là việc nhìn nhận mầu nhiệm siêu việt tính thần linh. Vì thế mà nó là cơ bản của đức tin và liên kết với yêu thương: “Chúa là Thiên Chúa của các người không đòi hỏi các người điều gì khác ngoài việc kính sợ Chúa là Thiên Chúa của các người, bước đi theo mọi nẻo đường của Ngài, mến yêu Ngài, phụng sự Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng và hết linh hồn của các người” (x Deut 10:12).
 Theo chiều hướng ấy mà trong bài thánh ca ngắn ngủi của chúng ta được trích từ Sách Khải Huyền đây, niềm kính sợ và việc tôn vinh mới liên kết với nhau: “Lạy Chúa, ai là kẻ kính sợ Chúa hay tôn vinh danh Ngài đây?” (15:4). Nhờ niềm kính sợ Chúa con người ta mới không sợ sự dữ tung hoành trong lịch sử và mới mạnh mẽ bắt đầu lại cuộc hành trình cuộc sống, như tiên tri Isaia đã công bố: “Hãy kiên cường những bàn tay rã rời, hãy làm cho vững mạnh những đầu gối mỏi mòn, hãy nói với những ai tâm can đang run hãi rằng mạnh bạo lên, đừng sợ!” (Is 35:3-4).
 4. Bài thánh ca này được kết thúc bằng một niềm trông mong về một đoàn rước dân chúng đến trước nhan Vị Chúa Tể của lịch sử, Đấng tỏ mình ra qua các “hành động chính trực” của Ngài (x Rev 15:4). Họ sẽ phục mình tôn thờ Ngài. Và Vị Chúa và là cứu thế duy nhất dường như muốn lập lại cùng họ những lời đã được Ngài nói vào đêm cuối cùng cuộc sống trần gian của mình là “hãy can đảm lên, Thày đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33).
 Chúng ta muốn kết thúc bài suy niệm ngắn ngủi của chúng ta về bài ca vịnh con chiên thắng trận này (Rev 15:3), bài ca vịnh được ngân nga bởi thành phần công chính trong Khải Huyền, bằng một bài thánh ca cổ về ban chiều, tức là bài nguyện cầu ban tối được Thánh Basiliô thành Caesarea thuộc lòng: “Khi mặt trời lặn, thấy ánh sáng của đêm tối, chúng ta hãy hát khen Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần của Thiên Chúa. Chúa đáng chúc tụng mọi lúc bởi những thánh âm, Lạy Con Thiên Chúa, Chúa là Đấng ban sự sống. Bởi thế mà thế giới tôn vinh Chúa” (S. Pricoco and M. Simonetti, "La Preghiera dei Cristiani," [The Prayer of Christians], Milan, 2000, p. 97).
 Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
 Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài ca vịnh trong đoạn 15 của Sách Khải Huyền. Nó là một bài ca loan báo cuộc chiến thắng của Chúa Kitô, con chiên đã bị sát tế vì phần rỗi của chúng ta. Ngôn từ của bài thánh ca này nhắc nhở chúng ta về bài hát được Moisen và dân Do Thái hát sau khi họ được giải thoát khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập.
 Bài ca vịnh này chúc tụng công việc cứu độ của Thiên Chúa, một công cuộc bao trùm tất cả mọi dân tộc trên trái đất này. Nó mời gọi tất cả mọi dân nước hãy đến tôn thờ “Vị Chúa là Thiên Chúa toàn năng” cùng kính sợ và tôn vinh thánh danh của Ngài.
 Chúng ta hãy tham dự vào cuộc kiệu rước linh đình này của tất cả mọi dân nước để “đến thờ lạy” Chúa. Chúng ta hãy phủ phục trước Con Chiến thắng trận của Thiên Chúa và hãy lắng nghe Người lập lại với chúng ta lời Người nói vào đêm trước khi Người chịu chết, đó là “Các con hãy can đảm lên, vì Thày đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33).
Vào cuối Buổi Triều Kiến Chung tuần này, ĐTC đã nhắc nhở thế này: “Ngày mốt sẽ là lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima. Anh chị em thân mến, tôi kêu gọi anh chị em hãy luôn tin tưởng hướng về Đức Trinh Nữ, hãy dâng cho Người từng nhu cầu của anh chị em”.
 Màn trào phúng tin tức Canal Plus đã trình chiếu cảnh “Les Guignols de l’Info” (Những Anh Hề Tin Tức) bằng việc sử dụng những con nộm để nhạo cười những biến cố đang xẩy ra. Hôm 20/4, tức sau ngày đức tân giáo hoàng Biển Đức được bầu chọn, ngài đã bị màn hài hước này hí nhạo như là một “Adolf II” (Hitler đệ nhị).
 Hội Đồng Thẩm Quyền Thính Thị CSA (Superior Audiovisual Council) hôm Thứ Tư 11/5/2005 đã nhận định rằng màn trình chiếu do Canal Plus thực hiện ấy đã vi phạm nguyên tắc “tôn trọng tính cách tế nhị về chính trị, văn hóa và tôn giáo quần chúng”, và đã cảnh cáo là cơ quan vi phạm này sẽ phải đối diện với một số tiền phạt lớn nếu tái phạm qui tắc ấy một lần nữa.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 11/5/2005).

Bài 134 – TV 112 (113) (Thứ Tư 18/5/2005)

 CHÚC TỤNG DANH CHÚA

 (Thánh Vịnh 112 [113] - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)

Anh Chị Em thân mến,
Trước khi chúng ta bắt đầu dẫn giải ngắn gọc về bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe, tôi xin nhắc anh chị em là hôm nay là ngày sinh nhật của Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Ngài đáng lẽ ở vào tuổi 85, nhưng chúng ta tin rằng ngài thấy chúng ta từ trời cao và ở với chúng ta. Nhân dịp này chúng ta muốn dâng lời tạ ơn Chúa về tặng ân Người đã ban cho chúng ta vị Giáo Hoàng này, và chúng ta cũng muốn ngỏ lời cám ơn đến chính vị Giáo Hoàng ấy về tất cả những gì ngài đã làm và đã chịu đựng. (khi nghe ĐTC nói về ngày sinh nhật 85 tuổi của cố giáo hoàng GPII như trên đây, 25 ngàn người tham dự buổi triều kiến chung này đã nhiệt liệt vỗ tay).
1. Bài Thánh Vịnh 112 đã vang vọng tính cách giản dị và duyên dáng của mình, những gì góp phần vào việc mang lại một loạt ít bài Thánh Vịnh từ 112 đến 117 vẫn được gọi là “the Egyptian Hallel”. Bài Thánh Vịnh này là bài alleluia, tức là bài ca ngợi khen chúc tụng, bài ca chúc tụng việc giải phóng khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập cùng niềm vui của dân Do Thái trong việc phụng sự Chúa một cách tự do ở Đất Hứa (x Ps 112[113]}.
Không phải là ngẫu nhiên mà truyền thống Do Thái đã liên kết loạt bài Thánh Vịnh này với phụng vụ vượt qua đâu. Việc cử hành của biến cố ấy, theo những chiều kích về lịch sử xã hội nhất là chiều kích thiêng liêng, được coi như dấu hiệu của việc giải phóng khỏi sự dữ dưới muốn vàn hình thức tỏ hiện của nó.
Bài Thánh Vịnh 112 là một bài thánh ca ngắn, một bài thánh ca theo nguyên ngữ Do Thái được làm nên bởi 6 chữ, tất cả đều thấm đậm những cảm quan tin tưởng, chúc tụng và hân hoan.
2. Đoạn thứ nhất (x 1-3) là đoạn chúc tụng “danh Chúa”, một biểu hiệu mà theo ngôn ngữ Thánh Kinh vốn ám chỉ về chính bản thân của chính Thiên Chúa, về việc hiện diện sống động của Ngài trong lịch sử.
“Danh Chúa” được vang lên ba lần một cách hết sức thiết tha nơi tâm điểm của việc cầu nguyện tôn thờ. Tất cả mọi hữu thể và hết mọi lúc – “từ khi mặt trời mọc lên cho tới khi lặn xuống”, Thánh Vịnh gia viết (câu 3), đều được liên kết với nhau nơi tác động tạ ơn duy nhất. Nó như thể một hơi thở liên tục từ đất bay lên trời cao để tôn tụng Chúa là Đấng hóa công của vũ trụ và là vua của lịch sử.
3. Chính bằng tác động hướng về trời này mà bài Thánh Vịnh dẫn chúng ta đến mầu nhiệm thần linh. Đoạn thứ hai (x 4-6) thực sự là đoạn chúc tụng siêu việt tính của Chúa, một siêu việt tính được diễn tả bằng những hình ảnh hướng thượng vượt trên chân trời thuần nhân. Bài Thánh Vịnh loan báo rằng: Chúa “Cao hơn mọi quốc gia”, “ngự trên cao”, và không ai bằng Ngài; ngài thậm chí còn nhìn “xuống” các tầng trời, vì “vinh quang của Ngài” là những gì “ở trên các tầng trời!” (câu 4).
Ánh mắt thần linh nhìn xuống toàn thể thực tại, trên các hữu thể trên trời dưới đất. Tuy nhiên, cái nhìn của Ngài không phải là một cái nhìn kiêu kỳ và xa cách, như cái nhìn của một vị hoàng đế lạnh lùng. Chúa, theo Thánh Vịng gia, là Đấng nhìn “xuống” (câu 6).
4. Bởi thế, chúng ta tiến đến diễn tiến cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x câu 7-9), một diễn tiến hướng chú ý của chúng ta từ trời cao đến chân trời trần thế của chúng ta. Chúa hạ mình xuống quan tâm tới những cái nhỏ nhoi và bần cùng của chúng ta, một tình trạng bắt chúng ta phải hãi sợ ẩn lánh mình đi. Ngài hướng ánh mắt yêu thương của Ngài cùng với việc dấn thân thần hiệu của Ngài về thành phần hèn mọn và khốn cùng nhất thế gian này: “Chúa nâng thành phần túng bần lên khỏi bụi đất, thành phần nghèo nàn từ chỗ tro tàn” (câu 7).
Thiên Chúa cuí mình xuống trên thành phần túng bần và khổ đau để an ủi họ là như thế đó. Và lời diễn đạt này đã đạt tới ý nghĩa tối hậu của nó, tới thực tại cao cả nhất của nó vào giây phút Thiên Chúa cúi mình xuống cho tới chỗ hóa thành nhục thể, trở thành một người như chúng ta, như một con người nghèo khổ trên thế gian này. Người đã ban cho thành phần nghèo khổ được hưởng một vinh dự lớn lao nhất, Người “đặt họ ngồi với bậc quân vương”; phải, “với những bậc quân vương của dân chúng” (câu 8). Thiên Chúa đã ban vinh dự và niềm vui lớn lao được có một số con cái cho người đàn bà cô đơn hiếm muộn bị xã hội cổ thời hạ nhục như thể bà là một cánh cây khô héo vô dụng (câu 9). Bởi thế, Thánh Vịnh gia chúc tụng một Vị Thiên Chúa, Đấng rất khác với chúng ta nơi sự cao cả của Người, song đồng thời lại rất gần gũi với những tạo vật khổ đau của Người.
Thật dễ dàng trực giác thấy nơi những câu của Bài Thánh Vịnh 112 này hình ảnh tiền thân về những lời của Mẹ Maria nơi bài “Ngợi Khen”, bài ca vịnh về con người được Thiên Chúa chọn “coi mình thấp hèn và là nữ tỳ của Người”. Còn sâu xa hơn cả bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, Mẹ Maria đã công bố rằng Thiên Chúa “đã hạ người thế lực xuống khỏi ngai tòa của họ, và đã nâng người hèn mọn lên” (x Lk 1:48,52; Ps 112:6-8).

5. Có một bài “Dạ Thánh Ca” đã được tồn tại trong “Các Hiến Bản của Chư Vị Tông Đồ” (VII,48), đã tiếp tục và khai triển cái mở màn hân hoan nơi bài Thánh Vịnh của chúng ta đây. Chúng ta nhắc lại bài này ở đây, vào cuối bài chia sẻ của chúng ta, để làm sáng tỏ vấn đề Kitô hữu đọc lại về việc cộng đồng sơ khai cử hành các bài Thánh Vịnh:
“Hỡi các con, hãy chúc tụng Chúa, hãy ngợi khen danh Chúa. Chúng tôi chúc tụng Chúa, chúng tôi ngợi khen Chúa, chúng tôi tôn tụng Chúa vì vinh quang vô cùng của Chúa. Chúa là vua, là Cha của Chúa Kitô con chiên vô tì tích, Đấng xóa tội trần gian. Chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa là Cha qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, khi nay và muôn đời. Amen. (S. Pricoco and M. Simonetti, "La Preghiera dei Cristiani," (The Prayer of Christians), Milan, 2000, p. 97).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Bài chia sẻ hôm nay là bài chia sẻ về Thánh Vịnh 112. Bài thánh ca tuyệt vời này là bài góp phần vào việc đưa đến một loạt Thánh Vịnh chúc mừng việc giải phóng của dân Do Thái khỏi tình trạng làm nô lệ. Bài này cũng bày tỏ niềm vui họ cảm thấy khi phụng sự Chúa nơi Đất Hứa.
Cụm từ “danh Chúa”, nghĩa là chính Chúa, được lập lại khắp bài Thánh Vịnh và trở thành tâm điểm của lời nguyện cầu tôn tụng. Thật vậy, sự cao cả của Thiên Chúa đòi chúng ta phải chúc tụng, tuy nhiên, “Đấng Tối Cao” không bao giờ ngừng chăm sóc cho thành phần nghèo khổ và túng bần trên thế gian này. “Chúa nâng thành phần túng bần lên khỏi bụi đất, thành phần nghèo nàn từ chỗ tro tàn” (Ps 112:7).
Đoạn cuối cùng của bài Thánh Vịnh này cho thấy trước những lời của Mẹ Maria trong “Ca Vịnh Ngợi Khen”. Chúng ta hãy liên kết lời nguyện cầu của chúng ta với của Mẹ khi chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha, để ca ngợi hiển vinh của Ngài, nhờ Chúa Con và Thánh Thần, khi nay và cho đến muôn đời. Amen.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 18/5/2005).

Bài 135 – TV 115 (116) (Thứ Tư 25/5/2005)

 THIÊN CHÚA LUÔN GẦN GŨI CHÚNG TA

 (Thánh Vịnh 115 [116] - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)

Thứ Tư 25/5/2005, trước 27 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, như thường lệ cho buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC Biển Đức XVI lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Giờ Kinh Phụng Vụ đã được ĐTC GPII soạn dọn. Bài giáo lý lần này là bài thứ 135 về Thánh Vịnh 115 (116) cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Lễ Thứ Hai (trong 4 tuần Phụng Vụ Kinh Thần Vụ).
1. Bài Thánh Vịnh 115 (116) chúng ta vừa cầu nguyện, luôn được sử dụng theo truyền thống Kitô giáo, bắt đầu từ Thánh Phaolô, vị trích dẫn lời mở đầu, theo bản dịch 70 của Hy Lạp, đã viết cho Kitô hữu Côrintô là: “Bởi thế, vì chúng ta có cùng một tinh thần đức tin, theo những gì đã được viết, ‘tôi tin nên tôi mới nói’, chúng tôi cũng thế, chúng tôi tin nên chúng tôi mới nói” (2Cor 4:13).
Vị Tông Đồ này về tinh thần hợp với Thánh Vịnh gia, trong việc an tâm tin tưởng và thành tâm chứng thực, bất chấp những khổ đau và yếu hèn của con người. Viết cho Kitô hữu thành Rôma, Thánh Phaolô lấy câu 2 của bài Thánh Vịnh này để nói lên cái tương phản giữa việc Thiên Chúa trung thành và việc con người bất nhất: “Thiên Chúa phải là Đấng chân thực cho dù mọi người đều giả trá” (Rm 3:4).
Truyền thống sau đó đã biến bài ca này thành một cử hành mừng tử đạo (see Origen, "Exhortation to Martyrdom," 18: "Testi di Spiritualità," Milan, 1985, pp. 127-129), vì lời khẳng định “cái chết của những vị thánh nhân của Ngài là những gì cao quí” (Ps 115[116]:15), hay nó được thành văn từ Thánh Thể vì đề cập đến “chén cứu độ” được Thánh Vịnh gia dâng lên để kêu cầu danh Chúa (câu 13). Truyền thống Kitô giáo đồng hóa “chén cứu độ” này với “chén chúc tụng” (x 1Cor 10:16), “chén Tân Ước” (x 1Cor 11:25; Lk 22:20): những diễn tả được Tân Ước đặc biệt qui về Thánh Thể.
2. Theo nguyên ngữ Do Thái thì bài Thánh Vịnh 115 (116) tạo nên một bài duy nhất được dẫn mở bằng bài Thánh Vịnh 114 (115). Cả hai bài này là một lời tạ ơn duy nhất dâng lên Chúa là Đấng giải thoát khỏi cơn ác mộng chết chóc.
Trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây chất chứa một hồi niệm về một quá khứ khổ sầu: Thánh Vịnh gia đã giơ cao ngọn lửa đức tin, ngay cả lúc trên môi miệng của ông thoát ra những lời đắng cay thất vọng và vô phúc (câu 10). Thật vậy, chung quanh ông là một bức màn đông lạnh hận thù và dối gian hiện lên, vì đồng bạn của ông đã cho ông thấy rằng ông sai lầm và bất trung (câu 11). Tuy nhiên, giờ đây, lời cầu nguyện đã được biến thành niềm tri ân vì Chúa đã giải thoát kẻ trung thành của Ngài khỏi cơn lốc tối tăm lầm lạc (câu 12).
Bởi thế, Thánh Vịnh gia sửa soạn để dâng một hiến tế tạ ơn, trong đó chén của nghi thức sẽ được uống, chén của rượu hiến thánh, dấu hiệu của việc nhìn nhận về một cuộc giải phóng (câu 13). Do đó, phụng vụ là nơi đặc biệt để dâng lời chúc tụng tạ ơn lên Vị Thiên Chúa Cứu Tinh.
3. Thật vậy, ngoài nghi thức hy hiến, hoàn toàn liên quan tới cộng đoàn của “tất cả mọi dân tộc” là thành phần được Thánh Vịnh gia hứa quyết và làm chứng cho đức tin của ông (câu 14). Chính trong trường hợp này ông đã ngỏ lời cảm tạ quần chúng, ý thức rằng, ngay cả khi tử thần bất thình lình xuất hiện, Chúa cũng ưu ái cúi xuống trên ông. Thiên Chúa không dửng dưng lạnh lùng trước thảm kịch của tạo sinh, nhưng bẻ gẫy xiềng xích cho ông (câu 16).
Được cứu khỏi tay tử thần, Thánh Vịnh gia cảm thấy mình là “tôi tớ” của Chúa, là “con của nữ tỳ Ngài” (ibid), một diễn tả tuyệt vời của Đông phương về người được sinh ra từ nhà của ông chủ. Thánh Vịnh gia tuyên xưng một cách khiêm cung và hân hoan việc ông thuộc về nhà của Thiên Chúa, về gia đình tạo vật được liên kết với Ngài trong mến yêu và trung thành.
4. Bao giờ cũng bằng những lời lẽ của một con người đang cầu nguyện, Bài Thánh Vịnh đã kết thúc bằng việc thực hiện một lần nữa nghi thức tạ ơn là những gì sẽ được cử hành trong khung cảnh đền thờ (câu 17-19). Nhờ đó lời cầu nguyện của ông sẽ được đặt ở giữa cộng đồng. Câu truyện tư riêng của ông được kể ra để nó có thể trở thành kích tố cho tất cả mọi người tin tưởng và mến yêu Chúa. Bởi thế, ở bối cảnh, chúng ta thấy toàn thể dân Chúa trong khi họ tạ ơn Vị Chúa của sự sống, Đấng không bỏ rơi kẻ công chính trong vùng tăm tối của khổ đau và sự chết, song dẫn họ tới hy vọng và sự sống.
5. Chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ của chúng ta việc sử dụng những lời của Thánh Basiliô Cả, vị mà, trong Bài Giảng của mình về Thánh Vịnh 115 (116), nhận định về câu vấn đáp trong bài Thánh Vịnh: “Tôi biết lấy gì dâng cho Chúa để đền đáp tất cả những gì tốt lành Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ. Thánh Vịnh gia đã hiểu chính những tặng ân dồi dào được Chúa ban, như từ hư không ông đã hiện hữu, ông được tạo nên từ cát bụi và được ban cho có lý trí… Đoạn ông nhận thấy công cuộc cứu độ được thực hiện vì loài người, nhìn nhận rằng Chúa đã ban mình để cứu chuộc tất cả chúng ta; và trong việc tìm kiếm qua tất cả những gì thuộc về mình, ông cũng không thấy được tặng vật nào ông có thể tìm thấy xứng đáng với Chúa. Bởi thế, tôi sẽ lấy gì dâng cho Chúa? Không phải là các hy tế hay lễ toàn thiêu … mà là tất cả đời sống của tôi. Đó là lý do ông nói: ‘Tôi sẽ nâng chén cứu độ’, khi gọi ‘chén’ này là cuộc khổ đau trong cuộc chiến thiêng liêng, là việc chống lại tội lỗi cho tới chết. Hơn nữa, nó là những gì được Vị Cứu Thế của chúng ta dạy trong Phúc Âm: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này cho Con’; và khi Người nói cùng các môn đệ rằng: ‘Các con có thể uống chén Thày sẽ uống chăng?’ là Người có ý nói một cách rõ ràng đến cái chết Người chấp nhận vì phần rỗi của thế gian” (PG XXX, 109).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 115 là lời cầu nguyện tạ ơn Chúa là Đấng trung thành nâng đỡ Thánh Vịnh gia trong những lúc gian nan khốn khó. Nó bắt đầu như một lời nguyên riêng tư nhưng phát triển thành một tác động phượng thờ công khai. Thánh Vịnh gia thấy mình ở trong đền thờ, trước dân chúng, hiến dâng hy tế tạ ơn và nâng “chén cứu độ”. Truyền thống Kitô giáo của chúng ta nhận thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời mời gọi tin tưởng vào Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi các tôi trung của Ngài. “Chén cứu độ”, một hình ảnh gợi lên cả Thánh Thể lẫn Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, kêu gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm dấn thân vào cuộc chiến đấu thiêng liêng hằng ngày của chúng ta.
...
Ngày mai là Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ vào lúc 7 giờ tối ở quảng trường Đền Thờ Gioan Latêranô. Sau đó là cuộc Kiệu Thánh Thể theo truyền thống đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi thân ái mời tất cả anh chị em hãy tham dự vào cuộc cử hành này để cùng nhau chúng ta làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 25/5/2005).

Bài 136 – Ca vịnh Pl 2 (Thứ Tư 1/6/2005)

 VIỆC HUỶ THÂN NGƯỢC ĐỜI CỦA THẦN LINH

 (Ca Vịnh Phil. 2:6-11 - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)

Thứ Tư 1/6/2005, trước 25 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, như thường lệ cho buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC Biển Đức XVI lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Giờ Kinh Phụng Vụ Tối. Bài giáo lý lần này là bài thứ 136 về Ca Vịnh Philiphê 2:6-11, cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Lễ Thứ Hai (trong 4 tuần Phụng Vụ Kinh Thần Vụ).
1. Mỗi ngày Chúa Nhật, khi cử hành giờ kinh tối, phụng vụ phác ra cho chúng ta một bài thánh ca ngắn nhưng sâu xa Kitô học từ Bức Thư gửi cho Tín Hữu Philiphê (x 2:6-11). Chính bài thánh ca chúng ta vừa nghe này, bài thánh ca chúng ta đang suy ngắm ở phần thứ nhất (câu 6-8), phần diễn tả ‘cái hủy thân’ ngược đời của Lời thần linh, Đấng không màng đến vinh hiển của Người và mặc lấy thân phận con người.
 Chúa Kitô, Đấng đã nhập thể và hạ mình chấp nhận cái chết ô nhục nhất, một cái chết tử giá, được đề cao như một mô phạm quan trọng cho Kitô hữu. Kitô hữu, như được đoạn thư này kêu gọi, phải có “cùng một thái độ như của Chúa Giêsu Kitô” (câu 5), những cảm thức khiêm tốn và vô vị kỷ, những cảm thức thoát ly và quảng đại.
 2. Chắc chắn là Người có bản tính thần linh với tất cả quyền uy của mình. Thế nhưng Người không nghĩ và sống thực tại siêu việt này như là một dấu hiệu của quyền năng, của uy nghi và của thống trị. Chúa Kitô không lợi dụng việc ngang hàng với Thiên Chúa của mình, phẩm vị vinh hiển của mình và quyền năng như là một thứ công cụ chiến thắng, một dấu hiệu của cách biệt, một biểu lộ cái tối thượng khinh mạt (x câu 6). Trái lại, Người ‘đã tự hủy’ mình đi, hoàn toàn dìm mình vào thân phận loài người khốn nạn yếu hèn. ‘Dáng vẻ’ (‘morphe’) thần linh này được ẩn khuất nơi Chúa Giêsu dưới ‘dáng vẻ’ (‘morphe’) loài người, tức là, dưới thực tại của chúng ta với đầy những khổ đau, nghèo nàn, giới hạn và chết chóc (x câu 7).
 Bởi thế, đây không phải là vấn đề của một thứ thuần túy ăn mặc, của một dáng vẻ khả hoán, như người ta vẫn tin là xẩy ra nơi các vị thần linh của nền văn hóa La Hy: Đó là thực tại thần linh của Chúa Kitô nơi kinh nghiệm thực sự nhân loại. Thiên Chúa không xuất hiện chỉ như là một con người, nhưng hóa thân làm người và thật sự là một người trong chúng ta, Người thực sự là ‘Thiên Chúa ở với chúng ta’, không chỉ thỏa mãn với việc từ ái nhìn xuống chúng ta từ ngai tòa vinh hiển của Người, mà là đích thân đi vào lịch sử loài người, hóa thành ‘nhục thể’, tức là, trở thành một thực tại mỏng dòn, bị hạn chế bởi thời không (x Jn 1:14).
 3. Việc chia sẻ thực sự với thân phận loài người này, ngoại trừ tội lỗi (x Heb 4:15), là những gì đã đưa Chúa Giêsu đến cái giới tuyến cho thấy tính chất hạn hẹp và mỏng dòn, chết chóc của chúng ta. Tuy nhiên, cái chết chóc này không phải là hoa trái của một thứ cơ chế tối tăn hay một thứ định mệnh mù quáng: nó được phát xuất từ việc quyết định vâng phục dự án cứu độ của Cha (x Phil 2:8).
 Vị Tông Đồ này đã thêm là cái chết Chúa Giêsu chấp nhận là cái chết trên thập tự giá, tức là một cái chết ô nhục nhất, bởi Người thực sự muốn trở thành một người anh em của hết mọi con người nam nữ, bao gồm cả những ai bị cưỡng ép phải chấp nhận một định mệnh tàn ác và tủi nhục.
 Thế nhưng, chính nơi cuộc khổ nạn và tử nạn của mình mà Chúa Kitô chứng thực việc Người tự do và ý thuưc gắn bó với ý muốn của Cha, như người ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Do Thái: ‘Mặc dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu’ (Heb 5:8).
 Chúng ta hãy ngưng bài suy niệm của chúng ta lại nơi đây ở phần thứ nhất của bài thánh ca Kitô học này, bài thánh ca chú trọng tới Việc Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc. Chúng ta sẽ có dịp sau này để suy niệm một cách sâu xa hơn về phần sau đó, về cuộc vượt qua, là cuộc vượt qua từ thập giá tới vinh quang. Yếu tố cốt yếu này của phần thứ nhất của bài thánh ca, đối với tôi, là lời mời gọi đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu.
 Việc đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu tức là không coi quyền năng, giầu có và thế giá như là những giá trị cao cả nhất trong đời sống, mà cuối cùng chúng cũng không đáp ứng được nỗi khát vọng sâu xa nhất của tinh thần chúng ta, nhưng là mở lòng mình ra Người Khác, mang với Người Khác gánh nặng của cuộc đời và hướng mình về Cha Trên Trời bằng một cảm thức tuân phục và tin tưởng, chính vì biết rằng nếu chúng ta vâng lời Chúa Cha chúng ta sẽ được tự do. Để đi sâu vào những cảm thức của Chúa Giêsu – điều này cần phải thi hành hằng ngày trong cuộc sống là Kitô hữu của chúng ta.
 4. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta với vị đại nhân chứng Theodoret của truyền thống Đông phương, vị giám mục ở Cyprus, nước Syria, sống vào thế kỷ thứ 5: “Việc Nhập Thể của Đấng Cứu Thế chúng ta tiêu biểu cho việc hoàn trọn nhất mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thật vậy, dù trời, đất, biển khơi, khí khuyển, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình được dựng nên bởi nguyên Lời của Ngài hay nói cách khác được hiện hữu bởi Lời của Ngài, theo ý muốn của Ngài, có thể cho thấy sự thiện hảo khôn lường của Ngài như nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng hiện hữu theo bản tính của Thiên Chúa (x Phil 2:6), Đấng phản ánh vinh hiển của Ngài, là hiện thân bản thể Ngài (x Heb 1:3), sau khi đã mặc lấy bản tính của một người tôi tớ, xuất hiện dưới hình dạng loài người, được coi là một con người nơi hình ảnh nhân loại của mình, được thấy trên mặt đất, có liên hệ với con người, mang lấy những yếu bệnh của chúng ta và nhận lãnh các thứ bệnh nạn của chúng ta”. ("Discorsi sulla Provvidenza Divina" [Discourses on Divine Providence], 10: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], LXXV, Rome, 1988, pp. 250-251).
Giám mục Theodoret ở Cyrus tiếp tục bài suy niệm của mình, khi làm sáng tỏ về chính mối liên hệ rất chặt chẽ được bài thánh ca trong Bức Thư gửi Kitô hữu Philiphê này giữa việc nhập thể của Chúa Giêsu với việc cứu độ loài người. ‘Đấng Hóa Công đã khôn ngoan và chính trực thực hiện ơn cứu độ cho chúng ta. Vì Ngài không muốn chỉ sử dụng quyền năng của mình để quảng đại ban cho chúng ta tặng ân tự do, cũng không muốn chỉ sử dụng tình thương đối với kẻ thống trị loài người, có thế Ngài mới không kết án tình thương về những gì bất chính, Ngài đã nghĩ ra được một cách thức đầy yêu thương đối với con người, đồng thời cũng công bằng nữa. Thật vậy, sau khi liên kết bản thân mình với bản tính bại hoại của loài người, Người đã khiến cho bản tính này phải chạm trán với một cuộc đối chọi, cùng sửa lại cái thua bại của nó, đánh bại tên trước kia đã chiến thắng một cách bất hợp pháp, giải thoát con người khỏi tình trạng chuyên chế là những gì bắt họ làm nô lệ một cách dữ dội, và lấy lại được sự tự do nguyên thủy của họ” (ibid., pp. 251-252).
 Anh Chị Em thân mến,
 Bài ca vịnh hôm nay được trích từ Thư Thánh Phaolô gửi Kitô hữu Philiphê trình bày Chúa Kitô, Lời thần linh, từ bỏ vinh hiển của Người và mặc lấy hình dáng nhân loại của một người tôi tớ. Việc Người ngang hàng với Thiên Chúa, còn hơn là một quyền năng tối thượng, được thể hiện như là một thứ hủy mình ngược đời. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dìm mình vào lịch sử của loài người, cảm nghiệm được khổ đau, bần cùng, và trong việc tuân phục ý muốn của Cha, cho dù chết trên thập tự giá.
 Đức khiêm tốn của Chúa Kitô là những gì làm nên yếu tố của hết mọi cuộc hành trình Kitô giáo. Bằng sự vô vị kỷ, thoát ly và quảng đại, chúng ta bắt chước đường lối của Chúa và trong việc vác lấy thập giá của Người và nhờ việc vác thập giá của Người chúng ta thực sự trở thành anh chị em đích thực của những ai chịu đựng khổ đau và lkhẩn thiết nhất.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 1/6/2005).

Bài 137 – TV 110 (111) (Thứ Tư 8/6/2005)

 HÃY KÍNH SỢ CHIÊM NGƯỠNG THÁNH DANH THIÊN CHÚA

 (Thánh Vịnh 110 [111] - Kinh Tối Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)

1. Hôm nay chúng ta cảm thấy gió mạnh thổi. Gió theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho Thánh Linh. Chúng ta hy vọng rằng Thánh Linh sẽ soi động cho chúng ta lúc này đây để suy niệm về bài Thánh Vịnh 110 (111) chúng ta vừa nghe. Nơi bài Thánh Vịnh này chúng ta thấy được một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn Chúa về nhiều ân phúc của Ngài, những ân phúc liên quan tới các ưu phẩm và hoạt động cứu độ của Ngài. Những ưu phẩm được đề cập tới ở đây là “xót thương”, “khoan dung”, “chính trực”, “quyền uy”, “chân thực”, “thanh liêm”, “trung thành”, “ước thệ”, “hoạt động”, “kỳ công”, kể cả “lương thực” Ngài ban, và sau hết là “danh hiệu” vinh hiển của Ngài, tức là bản thân của Ngài. Bởi thế, cầu nguyện là chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa và các kỳ công Ngài thực hiện trong lịch sử cứu độ.
 2. Bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng lời tạ ơn được dâng lên chẳng những từ tâm hồn của Thánh Vịnh gia mà còn từ toàn thể cộng đồng phụng vụ nữa (câu 1). Đối tượng của lời cầu nguyện này, một lời nguyện cầu bao gồm cả lễ nghi tạ ơn, được bày tỏ bằng lời “các công cuộc’ (câu 2,3,6,7). Các công cuộc đây nói lên cho thấy những việc can thiệp cứu độ của Chúa, việc biểu lộ “đức công chính” của Ngài (câu 3), từ ngữ theo ngôn từ Thánh Kinh trước hết có nghĩa là tình yêu phát sinh ơn cứu độ.
 Bởi thế, tâm điểm của bài Thánh Vịnh này được biến thành một bài thánh ca về giao ước (câu 4-9), về mối liên hệ thân tình nối kết Thiên Chúa với dân của Ngài và bao gồm một loạt những thái độ cùng cử chỉ. Được kể đến là “xót thương và bao dung” (câu 4), hợp với cuộc đại công bố ở Núi Sinai: “Chúa là Chúa, một Thiên Chúa xót thương và bao dung, chậm bất bình và giầu yêu thương và trung tín” (Ex 34:6).
 “Xót thương” là ân sủng thần linh bao trùm và biến đổi tín hữu, trong khi “bao dung”, theo nguyên ngữ Do Thái, được diễn tả bằng một từ ngữ đặc biệt ám chỉ “nội tạng” mẫu tử của Chúa, thậm chí còn xót thương hơn cả tình mẫu tử của một người mẹ nữa (x Is 49:15).
 3. Mối liên hệ yêu thương này bao gồm việc ban phát lương thực căn bản, và bởi đó ban phát sự sống (câu 5), một sự sống mà, theo ý nghĩa Kitô giáo, được đồng hóa với Thánh Thể, như Thánh Giêrônimô nói: “Người đã ban bánh từ trời làm lương thực: nếu chúng ta xứng đáng, hãy ăn bánh này!” ("Breviarium in Psalmos," 110: PL XXVI, 1238-1239).
 Bởi vậy có một tặng ân bởi đất, đó là “lãnh thổ của các quốc gia” (câu 6), một mảnh đất gợi lên đại biến cố Xuất Hành, khi Chúa tỏ mình ra như là Vị Thiên Chúa giải phóng. Thế nên, tổng luận của bài ca này được thể hiện nơi đề tài về giáo ước đặc biệt giữa Chúa và dân Ngài, như câu 9 nói một cách súc tích như sau: “(Ngài) giữ giao ước của Ngài đến muôn đời”.
 4. Bài Thánh Vịnh 110 (111) được kết thúc ở đoạn cuối bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan thần linh, chiêm ngưỡng bản thân Chúa, một bản thân được thể hiện qua thánh danh siêu việt của Ngài. Thế rồi, trích một câu nói khôn ngoan (xem Cách Ngôn 1:7; 9:10; 15:33), Thánh Vịnh gia kêu mời tín hữu hãy vun trồng “đức kính sợ Chúa” (Ps 110[111]: 10) là khởi đầu của sự khôn ngoan. Kính sợ và kinh sợ là những gì không được che đậy bởi từ ngữ ấy, song là việc thiết tha chân thành tôn kính, hoa trái của yêu thương, của việc thực sự chủ động gắn bó với Vị Thiên Chúa giải thoát. Và, nếu lời đầu tiên của bài ca này là tạ ơn thì lời cuối cùng là chúc tụng: Vì đức công minh cứu độ của Chúa “bền vững đến muôn đời” (câu 3) mà lòng tri ân của Thánh Vịnh gia bất tận, nó được vang vọng ở lời nguyện cầu “muôn đời” (câu 10).
 Tóm lại, Bài Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta cuối cùng hãy khám phá ra những điều tốt lành Chúa ban cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta thấy được một cách dễ dàng hơn những khía cạnh tiêu cực nơi cuộc sống của chúng ta. Bài Thánh Vịnh này kêu gọi hãy nhìn thấy những khía cạnh tích cực nữa, những tặng ân chúng ta nhận được, nhờ đó tỏ lòng tri ân cảm tạ, vì chỉ có con tim biết ơn mới có thể xứng đáng cử hành phụng vụ tạ ơn là Thánh Thể mà thôi.
 5. Phần kết thúc bài chia sẻ của chúng ta đây, chúng ta muốn suy niệm, theo truyền thống của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu, về câu cuối cùng với lời công bố nổi tiếng được lập lại ở nơi khác tgrong Thánh Kinh (x Cách Ngôn 1:7): “Lòng kính sợ Chúa là bắt đầu đức khôn ngoan” (Ps 110[111]:10).
Nhà văn Kitô giáo Barsanuphius ở Gaza (hoạt động ở tiền bán thế kỷ thứ 6) đã dẫn giải câu này như sau: “Bắt đầu đức khôn ngoan là gì nếu không phải là xa tránh tất cả những gì Thiên Chúa không ưa thích? Và người ta làm thế nào để xa lánh nếu không phải bằng cách không làm gì mà trước hết không bàn hỏi, hay không nói điều gì mà không nên nói, hay coi mình là điên khùng, khờ dại, đáng khinh và bất xứng?” ("Epistolario," 234: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], XCIII, Rome, 1991, pp. 265-266).
 John Cassian (vị sống giữa thế kỷ thứ 4 và 5) lại thích đặc biệt nói rằng “có một sự khác biệt cả thể giữa tình yêu, một tình yêu không thiếu gì và một tình yêu là kho tàng của đức khôn ngoan và kiến thức, với tình yêu bất toàn, được gọi là “khởi đầu của đức khôn ngoan”; tình yêu bất toàn, chất chứa ý nghĩ trừng phạt, được loại trừ khỏi tâm can của thành phần trọn lành trong việc tiến đến tình yêu trọn vẹn” ("Conferenze ai Monaci" [Conferences to Monks], 2,11,13: "Collana di Testi Patristici," CLVI, Rome, 2000, p. 29). Như thế, trong cuộc hành trình của đời sống chúng ta tiến đến với Chúa Kitô, nỗi sợ hãi của thành phần tôi tớ từ thuở ban đầu được thay thế bởi đức kính sợ toàn hảo là yêu thương, tặng ân của Thánh Linh.
 Anh Chị Em thân mến,
 Bài suy niệm của chúng ta hôm nay tập trung vào bài Thánh Vịnh 110, một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa cùng với các kỳ công cứu độ của Ngài. Những tác động cứu độ này của Chúa bộc lộ đức công chính, lòng xót thương và tình yêu thương là những gì làm nên giao ước thân tình và trường vĩnh Ngài đã thiết lập với dân của Ngài.
 Thánh Vịnh gia kêu gọi chúng ta hãy đáp lại giao ước này bằng việc chiêm ngưỡng thánh danh của Thiên Chúa bằng lòng kính sợ là khởi đầu của đức khôn ngoan. Chữ kính sợ không có nghĩa là kinh sợ, mà là chân thành kính trọng Chúa và thành thực tuân theo đường lối của Thiên Chúa. Cả chúng ta nữa, hãy hướng lòng chúng ta về Chúa trong tạ ơn và chúc tụng!
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 8/6/2005).

Bài 138 – TV 122 (123) (Thứ Tư 15/6/2005)

 HƯỚNG MẮT VỀ CHÚA VỚI HY VỌNG ĐƯỢC NGÀI YÊU THƯƠNG ĐÁP ỨNG

 (Thánh Vịnh 122[123] - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)

Anh Chị Em thân mến:
 Đáng thương thay anh chị em phải chịu mưa gió. Hy vọng rằng thời tiết sẽ khá hơn
 1. Chúa Giêsu đã khẳng định rất chính xác rằng con mắt là biểu hiệu tỏ tường cho con người sâu xa nhất, một gương soi tâm hồn (x Mt 6:22-23). Phải, Thánh Vịnh 122 (123) vừa được công bố cho thấy một trao đổi ánh mắt, đó là tín hữu hướng mắt lên Chúa và chờ đợi phản ứng thần linh, để thấy được một cử chỉ yêu thương, một cái nhìn ưu ái.
 Không phải là hiếm thấy vị Thánh Vịnh gia nói về ánh mắt của Đấng Tối Cao, Đấng “từ trời nhìn xuống con cái loài người để thấy có ai tác hành khôn ngoan trong việc tìm kiếm Thiên Chúa” (Ps 13[14]:2). Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe đã sử dụng một hình ảnh, hình ảnh của người nô lệ và tỳ nữ hướng về chủ nhân ông của mình mong được Ngài đi đến quyết định phóng thích.
 Mặc dù cảnh tượng này liên hệ với thế giới cổ thời cũng như với cấu trúc xã hội của thời ấy, ý tưởng này vẫn là những gì rõ ràng và quan trọng, ở chỗ, hình ảnh từ thế giới cổ Đông Phương này được sử dụng để phấn khích việc gắn bó của thành phần nghèo khổ, niềm hy vọng của thành phần bị đàn áp, và tính cách sẵn sàng của thành phần công chính đối với Chúa.
 2. Thánh Vịnh gia đợi chờ Thiên Chúa nhúng tay vào, theo đức công minh, hủy diệt đi sự dữ. Vì lý do ấy, thường trong Sách Thánh Vịnh con người cầu nguyện hướng mắt đầy hy vọng về Chúa: “Mắt con hằng hướng về Chúa, vì Ngài sẽ giữ chân tôi khỏi cạm bẫy” (Ps 24[25]:15), trong khi “mắt tôi mờ đi bởi trông đợi Chúa tôi” (Ps 68[69]:4).
 Bài Thánh Vịnh 122[123] là một lời van xin được kệt hiệp giữa tiếng của một con người trung thành với tiếng của toàn thể cộng đồng: Thật vậy, bài Thánh Vịnh này đi từ ngôi thứ nhất đơn độc – “Tôi hướng mắt của mình” – đến số nhiều “ánh của chúng tôi” và “thương xót chúng tôi” (x các câu 1-3). Niềm hy vọng này là ở chỗ mong Chúa mở tay tuôn xuống tặng ân công lý và tự do. Con người công chính mong đợi ánh mắt của Thiên Chúa tỏ ra với tất cả những gì là dịu dàng và thiện hảo, như người ta đọc thấy trong lời chúc phúc cổ của Sách Dân Số: “Chúa chiếu tỏ dung nhan Ngài trước các người, và khoan nhân độ lượng với các người: Chúa hướng dung nhan Ngài trên các người và ban cho các người bình an” (6:25-26).
 3. Tầm quan trọng nơi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa được tỏ hiện trong phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, phần được đánh dấu bằng lời kêu cầu: “Ôi Chúa, xin thương xót chúng tôi, xin xót thương chúng tôi” (Ps 122[123]:3). Nó là những gì tiếp nối với đoạn kết của phần thứ nhất, nơi cho thấy niềm mong đợi tin tưởng: “ánh mắt của chúng tôi hướng về Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, cho đến khi Ngài xót thương chúng tôi” (câu 2).
 Thành phần tín hữu cần được Chúa nhúng tay vào can thiệp, vì họ ở trong tình trạng đớn đau, bị thành phần ngạo mạn khinh bỉ và chế nhạo. Hình ảnh được Thánh Vịnh gia giờ đây sử dụng là hình ảnh mãn nguyện: “Chúng tôi bị khinh miệt quá đủ rồi. Linh hồn chúng tôi từ lâu đã no đầy những miệt thị bởi các kẻ thoải mái, đầy những khinh khi bởi các kẻ ngạo mạn” (câu 3-4).
 Tình trạng no thỏa lương thực và tháng năm, theo truyền thống thánh kinh, được coi là dấu hiệu của phúc lành thần linh, giờ đây bị đảo lại thành một thứ no thỏa bất khả chấp nhận là gánh nặng quá độ của những thứ nhục nhã. Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều quốc gia, nhiều cá nhân mang đầy những thứ lo âu; họ cũng no đầy những thứ âu lo của thành phần thỏa mãn, đầy những miệt thị của thành phần ngạo mạn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và hãy giúp những người an hem bị hạ nhục này của chúng ta.
 Đó là lý do thành phần công chính đã ký thác mình cho Chúa, và Ngài không lạnh lùng dửng dưng trước những con mắt van xin ấy, Ngài không coi thường lời kêu cầu của họ và của chúng ta, cũng không làm cho niềm hy vọng của họ bị chán chường.
 4. Để kết thúc, chúng ta hãy nhường lời cho Thánh Ambrôsiô, vị đại TGM thành Milan, vị mà, với tinh thần của Thánh Vịnh gia, đã vang lên một cách nhịp nhàng hoạt động của Thiên Chúa được đạt thành nơi Chúa Giêsu Cứu Thế: “Chúa Kitô là tất cả mọi sự đối với chúng ta. Nếu bạn muốn được chữa lành thương tích thì Ngài là vị y sĩ; nếu bạn nóng sốt thì Ngài là nguồn suối; nếu bạn bị lỗi lầm đè nén thì Ngài công lý; nếu bạn cần được giúp đỡ, thì Ngài là sức mạnh; nếu bạn sợ chết thì Ngài là sự sống; nếu bạn muốn thiên đàng thì Ngài là đường lối; nếu bạn thoát khỏi bóng tối thì Ngài là ánh sáng; nếu bạn tìm kiếm lương thực thì Ngài là dưỡng chất” ("La Verginità" [Virginity], 99: SAEMO, XIV/2, Milan-Rome, 1989, p. 81).
 Anh Chị Em thân mến,
Việc suy niệm của chúng ta hôm nay tập trung vào bài Thánh Vịnh 122, bài Thánh Vịnh nói về niềm mong ước của tín hữu muốn hướng mắt về Chúa với niềm hy vọng được ưu ái đáp ứng. Hình ảnh của một kẻ nô lệ tìm kiếm tự do cho thấy niềm mong đợi được Thiên Chúa tuôn đổ các tặng ân công lý và tự do của Ngài. Thật vậy, toàn thể cộng đồng tin tưởng đợi trông ánh mắt trìu mến và xót thương của Chúa.
 Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh là lời van xin Chúa xót thương: “Xin xót thương chúng tôi, lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi”. Thành phần tín hữu có thể phải chịu khinh bỉ và coi thường bởi tay thành phần giầu có và ngạo mạn, thành phần không biết kính sợ Chúa, phạm đến các quyền lợi của kẻ hèn yếu và chà đạp kẻ nghèo khổ. Thế nhưng, thành phần công chính ký thác nỗi khốn khổ của mình cho Chúa là Đấng không lạnh lùng dửng dưng trước ánh mắt van xin của họ, Đấng không coi thường lời van xin của họ, Đấng không làm lỡ làng niềm hy vọng của họ.
 Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại giáo huấn của vị đại Thánh Ambrôsiô, người đã nói rằng Chúa Kitô là mọi sự cho chúng ta: công lý, sức mạnh, sự sống và ánh sáng!
Sau khi kết thúc buổi triều kiến chung cho 30 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nhận điện thoại từ một người ngồi trong xe lăn xin ngài nói chuyện với một nữ tu bị bệnh gần chết. Ngồi ở ghế của mình, ĐTC đã sử dụng điện thoại lưu động để nói vài lời khích lệ người nữ tu này. Các nhiếp ảnh gia đã chụp được bức hình lịch sử chưa từng thấy này của một vị giáo hoàng.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo điện thư VIS của Tòa Thánh ngày 15/6/2005).

Bài 139 – TV 123 (124) (Thứ Tư 22/6/2005)

 CHÚA CANH CHỪNG VÀ CỨU NGƯỜI CÔNG CHÍNH

 (Thánh Vịnh 123 [124] - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)

1- Chúng ta đang có trước mắt chúng ta bài Thánh Vịnh 123 (124), một ca vịnh tạ ơn được toàn thể cộng đồng cầu nguyện xướng lên, một cộng đồng dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về tặng ân giải thoát. Mở đầu, bài Thánh Vịnh này lên tiếng kêu mời: “Hãy nói hỡi Yến Duyên” (câu 1), phấn khích tất cả mọi người hãy dâng lời tạ ơn sống động và chân thành lên Thiên Chúa Đấng Cứu Độ. Nếu Chúa không ở với thành phần nạn nhân thì họ, với quyền lực hạn hẹp của mình, sẽ bất lực không thể giải thoát bản thân mình, và đối phương của họ, như những con quái vật, xâu xé họ ra thành từng mảnh.
 Mặc dù người ta liên tưởng tới một biến cố lịch sử đặc biệt, như biến cố chấm dứt cuộc lưu đầy ở Babylon, nhưng có lẽ bài thánh vịnh này là một bài thánh ca thiết tha tạ ơn Chúa về việc chế ngự những hiểm nguy và về việc nài xin Ngài giải thoát khỏi tất cả mọi sự dữ.
 2. Sau khi đề cập đến trước hết về một số “người” tấn công tín hữu và có thể “nuốt sống tín hữu” (câu 2-3), bài ca này được chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất là những giòng nước cuồng loạn dâng lên, theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho những xáo động tàn hại của sự dữ và sự chết: “Những giòng nước cuốn lấy chúng tôi, giòng thủy triều phủ lấp chúng tôi; những giòng nước xoáy nhận chìm chúng tôi” (câu 4-5). Thánh Vịnh gia bấy giờ cảm thấy như đang ở trên một cái vịnh, được cứu một cách lạ lùng khỏi cơn cuồng phong của biển cả.
 Đời sống của con người bị vây phủ bởi những cuộc phục kích của thành phần gian ác là thành phần chẳng những tấn công sự sống của họ mà còn muốn hủy diệt đi tất cả mọi giá trị nhân bản nữa. Tuy nhiên, Chúa là Đấng can thiệp và trông chừng cùng cứu vớt người công chính, như được Thánh Vịnh 17(18) xướng lên: “Ngài từ cao cúi mình xuống giữ chặt lấy tôi; kéo tôi ra khỏi những giòng nước sâu mạnh. Ngài đã giải cứu tôi khỏi kẻ thù dũng mãnh và những địch thủ quá mãnh liệt đối với tôi… Chúa đến để đỡ nâng tôi. Ngài đã giải phóng tôi; đã cứu tôi vì Ngài thương yêu tôi” (câu 17-20).
 3. Ở phần thứ hai nơi bài ca tạ ơn của chúng ta đây, chúng ta tiến từ hình ảnh biển khơi sang hình ảnh của một cảnh săn bắt, một cảnh thường thấy nơi nhiều bài Thánh Vịnh khẩn cầu (x Ps 123[124]: 6-8). Nó cho thấy một con mãnh thú đang ngậm mồi, hay một cạm bẫy của những kẻ bắt chim. Thế nhưng ân phúc được bài Thánh Vịnh diễn tả dẫn chúng ta đến chỗ hiểu rằng số phận của tín hữu, một số phận chết chóc, đã được thay đổi một cách sâu xa nhờ việc can thiệp cứu độ: “Chúc tụng Chúa, Đấng không để chúng tôi bị xâu xé bởi những chiếc răng nanh của chúng. Đời sống của chúng tôi thoát nạn như chim thoát lưới dò của người đánh bẫy; cái bẫy bị hư và chúng tôi thoát nạn” (câu 6-7).
 Tới đây, lời cầu nguyện trở thành một cái thở phào nhẹ nhõm thoát ra từ đáy lòng của tâm hồn, ở chỗ, cho dù ngay cả khi tất cả mọi niềm hy vọng của con người bị hủy hoại, thì quyền năng giải thoát của Chúa vẫn có thể xuất hiện. Bài thánh vịnh này được kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin, một việc mà từ nhiều thế kỷ trước đây đã xuất hiện nơi phụng vụ Kitô Giáo như là một bản tóm tuyệt vời cho tất cả mọi lời cầu nguyện: “Adiutorium nostrum in nominee Domini, qui fecit caelum et terram – Sự nâng đỡ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất” (câu 8). Đấng Toàn Năng đã đặc biệt đứng về phía thành phần nạn nhân và thành phần bị bách hại, “những người ngày đêm kêu lên cùng Ngài”, và Ngài “sẽ minh oan cho họ cách mau chóng” (x Lk 18:7-8).
 4. Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định khít khao về bài thánh vịnh này. Trước hết, ngài nhận định là bài thánh vịnh này được xướng lên một cách xứng hợp bởi “những phần tử của Chúa Kitô, Đấng đã đạt tới cõi phúc”. Đặc biệt là “nó được hát lên bởi những vị tử đạo, những vị sau khi rời bỏ trần gian này đang được hưởng phúc với Chúa Kitô, sẵn sàng nhận lại một cách bất hoại cùng thân xác trước kia bị hư hoại. Trong cuộc sống, các vị đã chịu cực hình nơi thân xác, thế nhưng trong chốn trường sinh những cực hình này sẽ được biến đổi thành những tô điểm cho đức công chính”.
 Tuy nhiên, vị giám mục Hippo này cũng nói với chúng ta rằng chúng ta có thể hát bài thánh vịnh ấy bằng một niềm hy vọng. Ngài nói là cả chúng ta nữa, được sinh động bởi một niềm hy vọng vững chắc, sẽ hân hoan mừng hát. Những người hát lên bài thánh vịnh này không phải là những người xa lạ đối với chúng ta. Bởi thế, tất cả chúng ta hãy đồng lòng cất tiếng hát: cả chư vị thánh nhân là thành phần chiếm được triều thiên vinh hiển cũng như chúng ta là những người thiết tha liên kết bản thân với vinh quang của các vị. Chúng ta cùng nhau muốn rằng sự sống chúng ta đang có dưới thế này đây nhưng cũng là sự sống chúng ta sẽ không bao giờ có thể có nếu chúng ta trước hết không muốn có nó”.
 Thế rồi thánh Âu Quốc Tinh trở về với quan điểm đầu tiên và giải thích rằng: “Các thánh nhân nhớ lại những đau khổ các ngài đã phải chịu, để rồi từ nơi diễm phúc và yên hàn các ngài nhìn lại con đường các ngài đã đi qua; rồi vì cảm thấy rằng mình khó có thể được giải thoát nều Đấng Cứu Thoát không nhúng tay vào cứu giúp họ, mà đầy hân hoan, các ngài kêu lên rằng: ‘nấu Chúa không ở với chúng tôi’. Bài ca của các ngài được bắt đầu như thế. Các ngài thậm chí không nói về những gì đã giải cứu các ngài bởi niềm vui của việc các ngài hân hoan hớn hở” ("Esposizione sul Salmo 123" [Commentary to Psalm 123], 3: "Nuova Biblioteca Agostiniana," XXVIII, Rome, 1977, p. 65).
 Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
 Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài Thánh Vịnh 123, một bài ca hân hoan và tạ ơn, vì Thiên Chúa đã cứu dân Ngài khỏi mọi sự dữ. Dù họ có bị đe dọa bởi các kẻ thù chống đối họ, bởi những giòng cuồng lưu hầu như nhận chìm họ hay bởi những con mãnh thú săn mồi, Chúa vẫn ở bên của họ. Ngài đã đến hỗ trợ họ và giải cứu họ khỏi hiểm nguy.
 Chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta, thậm chí vào lúc chẳng còn hy vọng nào hết. Bởi thế mà bài thánh vịnh kết thúc bằng lời tuyên xưng đức tin, “ơn phù trợ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất”.
 Thánh Âu Quốc Tinh đã cống hiến hai lời dẫn giải cho bài thánh vịnh này. Bài thánh vịnh này có thể được nghĩ như là một bài ca của các vị tử đạo ở trên trời, hân hoan vì Thiên Chúa đã giải cứu các vị khỏi những khổ đau và tặng thưởng cho các vị triều thiên vinh hiển. Và bài thánh vịnh này có thể được nghĩ là bài hát của chúng ta, bài hát của Giáo Hội trên trần thế, bài hát diễn tả niềm hy vọng tin tưởng rằng bất cứ những khó khăn nào xẩy đến cho chúng ta thì Chúa đều ở bên chúng ta.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 22/6/2005).

Bài 140 – Ca vịnh Ep 1 (Thứ Tư 6/7/2005)

 TỪ ĐỜI ĐỜI CHÚNG TA ĐÃ Ở TRƯỚC MẮT THIÊN CHÚA

(Ca Vịnh Eph 1:3-14 - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)

Anh Chị Em thân mến:
1. Hôm nay chúng ta không nghe một bài Thánh Vịnh mà là một ca vịnh được trích từ Thư gửi giáo đoàn Êphêsô (x 1:3-14), một bài ca vịnh xuất hiện ở Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Tối vào mỗi 4 tuần lễ. Bài ca vịnh này là một bài cầu nguyện chúc tụng dâng lên Thiên Chúa là Cha. Theo diễn tiến, bài ca vịnh ấy diễn tả những giai đoạn khác nhau của dự án cứu độ được hiện thực nơi hành động của Chúa Kitô.
Ở tâm điểm của lời chúc tụng này vang vọng lời “mysterion” theo tiếng Hy Lạp, một từ ngữ thường liên hệ với những mệnh đề về mạc khải (“tỏ ra”, “nhận biết”, “bày tỏ”). Thật vậy, đây là một đại mật án được Cha giữ kín từ đời đời (x câu 9), và Ngài đã quyết định thực hiện dự án này và mạc khải “khi thời gian viên trọn” (x câu 10) nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài.
Những giai đoạn của dự án này được nhắc đến trong bài ca vịnh nơi những hành động cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Kitô trong Thần Linh. Trước hết, Chúa Cha – hành động đầu tiên là – chọn chúng ta từ đời đời để chúng ta nên thánh hảo và vô trách cứ trong yêu thương (câu 4), đoạn Ngài tiền định cho chúng ta trở thành con cái của Ngài (câu 5-6), rồi Ngài cứu chuộc chúng ta và tha thứ tội lỗi cho chúng ta (câu 7-8), Ngài đã hoàn toàn tỏ cho chúng biết mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô (x câu 9-10), sau hết, Ngài ban cho chúng ta gia sản đời đời (câu 11-12), khi cống hiến cho chúng ta nơi lời hứa ban Thánh Thần liên quan đến cuộc phục sinh sau hết (câu 13-14).
2. Bởi thế, nhiều biến cố cứu độ theo nhau mở ra trong bài ca vịnh này. Chúng bao gồm ba Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: bắt đầu là Chúa Cha, Đấng là vị khởi nguyên và là tác giả tối cao của dự án cứu độ; hướng mắt về Chúa Con là Đấng hiện thực dự án này trong lịch sử; đến Thánh Linh là Đấng in “dấu ấn” của mình trên toàn thể công cuộc cứu độ. Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ chút xíu đến hai giai đoạn đầu, giai đoạn của sự thánh thiện và giai đoạn của tình con cái (x câu 4-6).
Cử chỉ thần linh đầu tiên, được mạc khải và hành động nơi Chúa Kitô, là việc tuyển chọn tín hữu, hoa trái của sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa. Bởi thế, ngay từ ban đầu, “trước khi tạo thành thế giới” (câu 4), từ cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, ân sủng thần linh đã sẵn sàng hành động. Tôi cảm kích khi suy niệm về chân lý này, đó là từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt của Thiên Chúa và Ngài đã quyết định cứu độ chúng ta. Lời kêu gọi này bao gồm “sự thánh hảo” của chúng ta – một từ ngữ cao cả. Thánh hảo là tham dự vào sự tinh tuyền siêu việt của Hữu Thể thần linh. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa là đức ái. Bởi thế, việc tham dự vào suư tinh tuyền thần linh nghĩa là tham dự vào “đức ái” của Thiên Chúa, hòa hợp chúng ta với Thiên Chúa là “đức ái”.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Đây là một sự thật an ủi là cho chúng ta có thể hiểu được rằng “sự thánh hảo” không phải là một thực tại tách rời khỏi đời sống của chúng ta, trái lại, ở chỗ chúng ta có thể trở thành những con người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm “thánh đức”. Như thế, đức ái trở thành thực tại thường nhật của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta được dẫn đến chân trời linh thánh và sống động của chính Thiên Chúa.
3. Từ đây chúng ta tiến đến giai đoạn khác, một giai đoạn cũng được biết đến trong dự án thần linh từ đời đời, đó là “việc tiền định” chúng ta làm con cái của Thiên Chúa. Chẳng những là loài người tạo sinh mà thực sự thuộc về Thiên Chúa như thành phần con cái của Ngài.
Thánh Phaolô đã tôn tụng ở những nơi khác (x Gal 4:5; Rm 8:15,23) thân phận cao quí được làm con cái Thiên Chúa là thân phận được bao hàm và xuất phát từ tình huynh đệ với Chúa Kitô, Người Con tuyệt vời, “trưởng tử giữa nhiều anh em” (Rm 8:29), cũng như từ mối thân tình với Cha trên trời, Đấng giờ đây được kêu cầu như Cha, Đấng chúng ta có thể gọi là “Cha yêu dấu”, với taât cả ý nghĩa thân tình với Thiên Chúa, trong một liên hệ hồn nhiên và yêu thương. Bởi thế, chúng ta đứng trước một tặng ân vĩ đại, một tặng ân được thể hiện bởi “sáng kiến” thần linh “tinh tuyền” cũng như bởi “ân sủng”, một biểu hiện rạng ngời của tình yêu cứu độ.
4. Để kết luận, chúng ta hãy theo vị đại giám mục thành Milan là Thánh Ambrose, vị mà ở một trong những bức thư của mình đã nhận định về những lời của Tông Đồ Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chia sẻ chính xác về nội dung phong phú nơi bài ca vịnh Kitô học của chúng ta đây. Ngài trước hết nhấn mạnh đến ân sủng dồi dào Thiên Chúa đã biến chúng ta làm những người con cái thừa nhận của Ngài tronmg Chúa Giêsu Kitô. “Bởi thế, không cần phải đặt vấn đề là các chi thể đã được liên kết với đầu của mình, nhất là vì từ ban đầu chúng ta đã được tiền định thừa nhận làm con cái Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” ("Lettera XVI ad Ireneo" [Letter XVI to Irenaeus] 4: SAEMO, XIX, Milan-Rome, 1988, p. 161).
Vị giám mục thánh đức thành Milan này tiếp tục những lời chia sẻ bằng nhận định: “Ai là giầu có, nếu không phải một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên tất cả mọi sự?”. Rồi ngài kết luận: “Thế nhưng, Ngài còn giầu có hơn nhiều nơi tình thương của Ngài, vì Ngài đã cứu chuộc và biến đổi chúng ta, thành phần theo bản tính xác thịt tự nhiên, là con cái của cơn thịnh nộ và đáng bị trừng phạt, nhờ đó chúng ta trở thành con cái của an bình và đức ái” (No. 7: Ibid., p. 163).
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về bài ca vịnh được trích từ Thư gừi tín hữu Êphêsô, trong đó, Thánh Phaolô nói về ân sủng được tuôn đổ trên chúng ta trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Con của Ngài, và làm cho chúng ta trở thành những đứa con thừa nhận của Ngài, nhờ đó, chúng ta có thể nên thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài.
Về phần mình, chúng ta hãy để ý tới những yếu tố ấy. Thiên Chúa tự ý chọn lựa chúng ta, Ngài đã tiền định chúng ta trước khi tạo dựng nên thế giới. Hành động ân sủng này là một tiếng gọi nên thánh, một tiếng gọi tham dự vào sự sống yêu thương của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, “trưởng tử của nhiều an hem”, chúng ta trở nên anh chị em của Chúa Kitô và là những người con thừa nhận của Cha. Như thế chúng ta được diễm hạnh kêu cầu Cha với danh xưng thân tình Cha Ơi.
Thánh Ambrose đã viết về việc tuôn đổ tuyệt vời ân sủng biến chúng ta thành những đứa con thừa nhận của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài tỏ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự giầu tình thương, vì Ngài đã biến đổi chúng ta từ thân phận tội lỗi của chúng ta thành con cái của an bình và yêu thương, thành phần đồng thừa tự với Chúa Kitô vinh quang của Vương Quốc thiên đình.
Sau buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC cũng gặp gỡ phái đoàn đồng hương Balan của Cố Giáo Hoàng GPII và xin phái đoàn này cầu nguyện cho tiến trình tôn phong của vị giáo hoàng người Balan này. Ngài đã bày tỏ niềm vui về “việc khai mở tuần vừa rồi tiến trình d0iều tra phong chân phước cho người Đầy Tớ Chúa là Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Tôi xin ủy thác cho việc nguyện cầu của anh chị em tiến trình tôn phong này”.
Mạng điện toán toàn cầu về việc tôn phonmg cho ĐGH GPII là www.JohnPaulIIBeatification.org tuần qua đã có tới 67 ngàn lần viếng thăm. Vị cáo thỉnh viên cũng cho biết ngài đã nhận được hằng trăm điện thư gửi cho ngài qua địa chỉ điện thư Postulazione.GiovanniPaoloII@VicariatusUrbis.org.
Cũng vào cuối buổi triều kiến chung hôm nay ĐTC đón mừng Ngọn Đuốc Hòa Bình Biển Đức ở Quảng Trường Thánh Phêrô và bày tỏ là cuộc hành trình của ngọn lửa này sẽ nhắc nhở Âu Châu về các giá trị Kitô giáo của nó.
Trong chuyến du hành năm thứ 30, cây đuốc này đã từ Moscow đến Rôma đêm Thứ Ba hôm trước. Ngọn đuốc này là biểu hiệu cho sứ điệp của Thánh Biển Đức ở Norcia về tình đoàn kết và tình huynh đệ.
Ngọn đuốc này đã được ĐGM Riccardo Fontana ở Spoleto-Norcia cùng phái đoàn hành hương đưa đến Vatican hôm nay. Chính ĐGH BĐXVI đã nói rằng ngọn đuốc ấy “đã ngừng lại ở Đức, ở đan viện Ottobeuren, cũng như ở Marktl am Inn, nơi tôi đã được sinh ra”.
Ngài đã nói thêm: “Là dấu biểu hiệu cho hòa bình, hôm nay ngọn đuốc này dừng lại trước các một của các vị tông đồ, rồi sẽ tiến về Norcia. Chớ gì việc làm gợi tưởng này phấn khởi việc quảng đại dấn thân hơn bao giờ hết cho việc làm chứng nhân đối với các giá trị Kitô giáo ở Âu Châu”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 6/7/2005)

Bài 142 – TV 130 (131) Thứ Tư 10/8/2005

TÂM CAN TÔI KHÔNG HUYÊNH HOANG

(Thánh Vịnh 130 [131] - Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)

 1. Chúng ta đã nghe chỉ một ít lời, chứng 30 lời theo nguyên ngữ Do Thái, của bài Thánh Vịnh 131(130). Tuy nhiên, những lời ấy lại là những lời rất hay chuyển đạt một đề tài được yêu chuộng đối với tất cả mọi văn thứ văn chương về đạo giáo, đó là tính cách con trẻ thiêng liêng. Tự nhiên chúng ta nghĩ đến Thánh Thérése Lisieux, đến “Con Đường Thơ Ấu” của chị, đến việc chị “sống bé nhỏ” để được Chúa Giêsu bồng bế trên tay (cf. Story of a Soul, Manuscript "C", p. 208).
Thật vậy, hình ảnh rõ ràng về một người mẹ với người con ở giữa bài Thánh Vịnh này là dấu hiệu về tình yêu thương dịu dàng và từ mẫu của Thiên Chúa, như Tiên Tri Hôsêa trước đây đã diễn tả: “Khi Yến Duyên còn là một con trẻ thì Ta đã yêu thương nó…. Ta đã lôi kéo nó bằng những sợi nhân nhân bản, với những liên kết yêu thương; Ta đã âu yếm nó như kẻ ôm ẵm một thơ nhi vào lòng… Ta cúi xuống dưỡng nuôi đứa con của Ta” (Hos 11:1,4).
2. Bài Thánh Vịnh này được bắt đầu bằng việc diễn tả một thái độ hoàn toàn trái ngược với tính cách trẻ con, một tính cách con trẻ mà vì quá biết được tính mỏng dòn của mình nên tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác. Trái lại, những gì nổi bật của bài Thánh Vịnh này là con tim kiêu hãnh, là ánh mắt ngạo mạn và “những gì cao cả… quá siêu việt đối với tôi” (Ps 131[130]:1). Đó là một bức minh họa về con người kiêu kỳ, thành phần được ngôn ngữ Do Thái diễn tả là “kiêu hãnh” và “ngạo mạn”, thái độ cao ngạo của những ai coi thường người khác, coi những người ấy là tầm thường.
Cái khuynh hướng lớn nhất của thành phần cao ngạo này, thành phần muốn nên như Thiên Chúa này, thành phần nắm trong tay quyền quyết định lành dữ này (x Gen 3:5), đó là những gì hoàn toàn bị loại trừ bởi con người nguyện cầu, con người muốn sống khiêm tốn và tự động tin tưởng vào một Chúa duy nhất.
3. Vậy chúng ta sang tới hình ảnh bất khả quên lãng về người mẹ và người con. Bản văn theo nguyên ngữ Do Thái không nói về một đưa nhỏ sơ sinh mà là một đứa nhỏ đã được “cai sữa” (Ps 131[130]:2). Bấy giờ, ở Cận Đông cổ thời, có lệ cử hành đặc biệt đánh dấu đứa nhỏ chính thức thôi bú, thường vào khoảng 3 tuổi (cf. Gn 21: 8; I Sam 1: 20-23; II Mc 7: 27).
Đứa nhỏ được Thánh Vịnh gia đề cập tới bấy giờ gắn bó với người mẹ bằng một liên hệ sâu xa và riêng tư nhất, do đó, không phải chỉ là những liên hệ về thể lý và theo nhu cầu bú mớm mà thôi. Nó là một ràng buộc ý thức hơn nữa, mặc dù có trực tiếp và tự nhiên. Đó là bài Dụ Ngôn lý tưởng về “tính cách con trẻ” thực sự về một tinh thần không phó mình cho Thiên Chúa một cách mù quáng và tự động, mà là thanh thản và hữu trách.
4. Tới đây, lời tuyên xưng tin tưởng của con người nguyện cầu bao gồm cả cộng đồng nữa: “Ôi Yến Duyên, hãy hy vọng nơi Chúa cả hiện tại lẫn tới muôn đời” (Ps 131[130]:3). Nơi thành phần toàn thể dân chúng đang được hưởng an ninh, sự sống và an bình từ Thiên Chúa ấy thì hy vọng bấy giờ bừng nở và vươn từ hiện tại đến tương lai, “giờ đây và cho tới muôn đời”.
Thật là dễ dàng tiếp tục lời nguyện cầu bằng việc làm cho các tiếng nói khác trong những bài Thánh Vịnh vang lên, những bài Thánh Vịnh được linh hứng bởi cùng một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Tôi được trao phó cho Ngài từ khi mới sinh, từ trong lòng mẹ Ngài là Thiên Chúa của tôi” (Ps 22[21]:11). “Cho dù cha mẹ có bỏ rơi tôi thì Chúa cũng sẽ đón nhận tôi” (Ps 27[26]:10). “Vì Ngài là hy vọng của tôi, Ôi Chúa; Ôi Thiên Chúa, Ngài là niềm tin tưởng của tôi từ tuổi trẻ. Tôi lệ thuộc vào Ngài từ ngày mới sinh; từ trong lòng mẹ Ngài là sức mạnh của tôi” (Ps 71[70]:5-6).
5. Niềm tin tưởng khiêm cung, như chúng ta thấy, ngược lại với sự kiêu hãnh. Một tác giả thời thế kỷ thứ 4 và 5 là John Cassian đã cảnh giác tín hữu về sự nguy hiểm của thứ thói xấu này, thứ thói xấu “hủy hoại đi tất cả mọi nhân đức nói chung, và không chỉ tấn công thành phần hững hờ và thành phần yếu kém, mà chính yếu còn tấn công cả những kẻ mạnh mẽ muốn tiến lên tới chóp đỉnh nữa”.
Tác giả này viết tiếp: “Đó là lý do tại sao Thánh Vương Đavid canh chừng lòng mình một cách hất sức thận trọng như thế, cho tới độ ngài sợ công bố trước Đấng biết hết mọi thứ bí mật nơi lương tâm của ngài: “Lạy Chúa, chớ gì lòng tôi không kiêu căng, mắt tôi không ngạo mạn; xin đừng để tôi tìm kiếm những điều cao cả ngoài năng sức của tôi’… Tuy nhiên, khi biết rõ được khó khăn biết bao việc giữ lòng mình như thế ngày cả với những kẻ trọn lành, ngài đã không cậy dựa vào khả năng riêng mình mà thôi, nhưng nài xin Chúa bằng những lời nguyện cầu để Chúa giúp ngài tránh được những mũi phi lao của kẻ thù và không bị những mũi tên ấy gây thương tích: ‘Xin đừng để chân của kẻ kiêu hãnh vượt bắt tôi’ (Ps 36[35]:12)” (Le Istituzioni Cenobitiche, XII, 6, Abbey of Praglia, Bresseo di Teolo, Padua, 1989, p. 289).
Cũng thế, có một vị Tổ Phụ Sa Mạc lão thành ẩn danh đã truyền lại cho chúng ta lời nói âm vang bài Thánh Vịnh 130[131] như sau: “Tôi không bao giờ vượt quá hàng ngũ của tôi để bước lên cao hơn, tôi cũng chẳng hề bị bối rối bởi bị hạ nhục, vì tôi tập trung mọi tư tưởng của tôi vào điều này, đó là vào việc nguyện cầu xin Chúa hãy lột bỏ tôi khỏi con người cũ” (I Padri del Deserto. Detti, Rome, 1980, p. 287).
(Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, theo http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/index_en.htm)

Bài 143 – TV 125 (126) (Thứ Tư 17/8/2005)

 CẦU NGUYỆN LÀ MỘT BÀI CA HY VỌNG

 (Thánh Vịnh 125 [126] - Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)

 1. Khi nghe những lời của bài Thánh Vịnh 125 (126), người ta có ấn tượng như thấy trước mắt cái biến cố đã được hát lên ở phần hai của Sách Tiên Tri Isaia, bài ca “tân xuất hành”. Đó là cuộc trở lại của dân Do Thái từ chốn lưu đầy Babylon về mảnh đất Cha Ông, theo sắc chỉ của Vua Ba Tư Cyrus năm 538 BC. Bấy giờ cảm nghiệm hân hoan được lập lại từ cuộc xuất hành đầu tiên, khi dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập.
 Bài Thánh Vịnh này có một ý nghĩa đặc biệt khi nó được hát lên vào những ngày dân Do Thái cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi vì họ lại bị thử thách. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này bao gồm một lời nguyện cầu cho thành phần tù nhân trở về vào thời bấy giờ (x câu 4). Bởi thế bài Thánh Vịnh này trở thành một lời nguyện cầu của Dân Chúa trong hành trình lịch sử của họ, một hành trình đầy hiểm nguy và thử thách, nhưng bao giờ cũng hướng đến việc tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và là Đấng Giải Phóng, Đấng nâng đỡ thành phần hèn yếu và bị đàn áp.
 2. Bài Thánh Vịnh này đem con người ta vào một bầu không khí hoan hỉ: Có tiếng cười, vui mừng vì được giải phóng, có những bài ca hân hoan vang trên môi miệng (x câu 1-2).
Có một phản ứng kép đối với quyền tự do được phục hồi này. Một đàng là các quốc gia dân ngoại nhìn nhận sự cao cả của Vị Thiên Chúa của dân Do Thái: “Chúa đã thực hiện những điều vĩ đại cho họ” (câu 2). Việc cứu độ của Dân Tuyển Chọn trở thành một minh chứng sáng tỏ cho sự hiện diện hiệu năng và toàn năng của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hoạt động trong lịch sử. Đàng khác, mục đích là để cho Dân Chúa tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa là Đấng cứu độ: “Chúa đã thực hiện những điều cao cả cho chúng tôi” (câu 3).
3. Bấy giờ quá khứ mới hiện về, một quá khứ được sống lại bằng một sự rùng mình sợ hãi và đắng cay. Chúng ta muốn chú ý tới hình ảnh nông nghiệp được Thánh Vịnh gia sử dụng, đó là: “Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan!” (câu 5). Dưới sức nặng nề của công việc, có những lúc khuôn mặt của người ta có hằn vệt nước mắt: Con người gieo vãi cách cực nhọc những gì có thể kết thúc cách vô hiệu và thua bại. Thế nhưng khi có một mùa gặt phong phú và hân hoan thì con người khám phá ra rằng sầu thương đã kết trái.
Trong câu này của bài Thánh Vịnh chất chứa một bài học cao cả về mầu nhiệm sinh hoa kết trái và sự sống nơi khổ đau. Đúng như Chúa Giêsu đã nói khi gần tới cuộc khổ nạn và tử nạn của Người là: “Trừ khi hạt lúa miến rơi xuống đất chết đi, bằng không nó vẫn là một hạt lúa miến; thế nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái” (Jn 12:24).
4. Chân trời của bài Thánh Vịnh này như thế hướng về một mùa gặt hân hoan, tiêu biểu cho niềm vui xuất phát từ tự do, an bình và thịnh vượng, là hoa trái của phúc lành thần linh. Bởi thế, lời nguyện cầu này là một bài ca hy vọng, là những gì phải sử dụng vào những lúc thử thách, sợ hãi, bị đe dọa bề ngoài và bị đàn áp bề trong.
Thế nhưng nó cũng trở thành một lời kêu gọi chung chung nữa trong việc sống những tháng ngày của con người và làm trọn những quyết định của họ bằng một bầu khí trung thành. Việc kiên trì nơi điều thiện, cho dù bị hiểu lầm và chống đối, cuối cùng thì bao giờ cũng dẫn tới ánh sáng, thành quả và an bình.
 Đó là những gì Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Galata rằng: “Kẻ nào gieo rắc cho thần trí sẽ gặt hái sự sống trường sinh bởi thần trí. Chúng ta đừng mệt mỏi hành thiện, vì đến thời của nó chúng ta sẽ được thu hoạch” (Gal 6:8-9).
 5. Chúng ta hãy kết thúc bằng suy tư của Thánh Bede the Venerable (672/3-735) về Bài Thánh Vịnh 125(126), khi dẫn giải những lời được Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ nỗi buồn thảm đang đợi chờ các vị, đồng thời niềm vui sẽ xuất phát từ nỗi buồn thương của các vị (x Jn 16:20).
Thánh Bede nhắc lại rằng “những ai yêu mến Chúa Kitô thì khóc lóc và than van khi họ thấy Người bị kẻ thù nắm bắt, cầm buộc, phân xử, lên án, hành hình, chế diễu, sau hết đóng đanh, bị lưỡi đòng đâm thâu và bị chôn táng. Trái lại, những ai hân hoan, thành phần yêu chuộng thế gian…, khi họ lên án cho chết nhục nhã Đấng làm họ bị rầy rà chỉ vì thấy Người. Nếu các môn đệ buồn đau trước cái chết của Chúa, thì khi họ biết được Người phục sinh thì nỗi buồn của họ trở thành niềm vui, để rồi khi thấy phép lạ thăng thiên họ chúc tụng và ngợi khen Chúa bằng niềm vui lớn lao hơn thế nữa, như thánh ký Luca chứng thực (x Lk 24:53). Thế nhưng, những lời này của Chúa cũng được áp dụng cho tất cả mọi tín hữu là thành phần, bằng nước mắt và đau thương của thế giới, đang tìm chiếm lấy những niềm vui vĩnh cửu, và là thành phần bấy giờ có lý do khóc lóc và buồn thương, vì họ vẫn không thể nào nhìn thấy Đấng họ mến yêu, và vì, bao lâu họ còn ở trong xác thể thì họ biết rằng họ còn xa quê hương và Nước Trời, cho dù họ có tin tưởng chiếm được phần thưởng nhờ những vất vả và đấu tranh đi nữa. Nỗi buồn đau của họ sẽ thành niềm vui khi cuộc tranh đấu ở đời này chấm dứt, họ sẽ lãnh nhận phần thưởng sự sống trường sinh theo những gì được bài thánh vịnh này nói: ‘Ai ra đi trong nước mắt, mang hạt giống đi gieo, sẽ trở về reo vui, mang theo những bó lúa’” ("Omelie sul Vangelo" [Homilies on the Gospel] 2,13: Collection of Patristic Texts, XC, Rome, 1990, pp. 379-380).
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 17/8/2005).

Bài 144 – TV 126 (127) (Thứ Tư 31/8/2005)

 KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA TẤT CẢ MỌI NỖ LỰC CỦA CHÚNG TA ĐỀU THẤT BẠI

(Thánh Vịnh 126 [127] - Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)

1. Bài Thánh Vịnh 126 (127) vừa được công bố làm hiện lên trước mắt chúng ta một cảnh tượng chuyển động, đó là một ngôi nhà đang được kiến thiết, một thành đô có lính canh, đời sống gia đình, các đội canh đêm, hoạt động hằng ngày, những bí mật lớn nhỏ trong đời sống. Tuy nhiên, bên trên tất cả những thứ ấy là một sự hiện diện quyết liệt, đó là sự hiện diện của Chúa, Đấng canh chừng các hoạt động của con người, như câu mở đầu sắc nét của bài thánh vịnh này cho thấy: “Nếu Chúa không ra tay dựng nhà thì họ chỉ luống công xây cất mà thôi” (câu 1)
Thật vậy, một xã hội vững vàng đã được xuất phát từ việc dấn thân của tất cả mọi phần tử của mình, thế nhưng nó cần được chúc phúc và nâng đỡ của vị Thiên Chúa mà tiếc thay là Đấng thường bị loại trừ và bỏ bê. Sách Cách Ngôn nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của tác động thần linh đối với phúc hạnh của một cộng đồng, và nó đề cao như thế một cách triệt để, khi khẳng định là “phúc lành của Chúa làm cho phong phú, và Ngài không pha trộn phúc lành ấy với sầu thương” (Pro 10:22).
 2. Bài thánh vịnh khôn ngoan này, hoa trái của việc suy niệm về thực tại của đời sống hằng ngày này, được xây dựng một cách thiết yếu trên một điều tương phản, đó là không có Chúa thì người ta luống công tìm cách xây dựng một ngôi nhà vững chắc, xây dựng một thành phố an toàn, làm cho lao công của con người sinh hoa kết trái (x Ps 126[127]:1-2). Trái lại, với Chúa, người ta được thịnh vượng và phong phú, một gia đình đông con cái và thanh nhàn, một thành phố đầy dự trữ và vững chắc, không liên lỉ có những âu lo và bất ổn (x câu 3-5).
Bài thánh vịnh mở đầu bằng cách qui hướng về Chúa, Đấng được diễn tả như là người thợ xây nhà và là người canh chứng thành đô (x Ps 120[121]:1-8). Sáng dậy, con người đi làm việc cần cù để nuôi gia đình mình cũng như để giúp vào việc phát triển của xã hội. Nó là công việc làm tiêu hao nghị lực của họ, làm cho trán họ đổ mồ hôi (x Gen 3:19) cả ngày trời (x Ps 126[127]:2).
3. Đúng thế, thánh vịnh gia không ngần ngại khẳng định rằng việc lao nhọc ấy là những gì vô bổ nếu Thiên Chúa không ở bên kẻ khổ công làm việc. Trái lại, vị này cũng khẳng định là Thiên Chúa thậm chí tưởng thưởng cho giấc ngủ của bạn bè Ngài. Vậy vị thánh vịnh gia này muốn tuyên tụng vai trò chính yếu của ân sủng thần linh, những gì khiến cho hoạt động của con người được liên tục và đáng giá, cho dù có tính cách hạn hẹp và tạm bợ. Bằng việc bình thản và trung thành trao phó quyền tự do của mình cho Chúa, các hoạt động của chúng ta đồng thời cũng trở nên vững chắc, có thể sinh hoa kết trái lâu bền. Bởi thế mà “giấc ngủ” của chúng ta trở thành một cuộc nghỉ ngơi Chúa ban, một cuộc nghỉ ngơi được chúc phúc, một cuộc nghỉ ngơi để đóng chấm một thứ hoạt động mang ý nghĩa và liên tục.
4. Đến đây chúng ta tiến sang một cảnh khác được diễn tả trong bài thánh vịnh của chúng ta đây. Chúa ban tặng ân con cái, thành phần được coi như là phúc lành và ân huệ, một dấu hiệu tiếp tục của sự sống và là dấu hiệu của một lịch sử cứu độ tiến đến những giai đoạn mới mẻ (x câu 3). Thánh vịnh gia đặc biệt đề cao “con cái được sinh ra trong thời trẻ trung của con người”: Người cha có con cái trong thời trẻ trung của mình chẳng những thấy chúng hết sức khỏe mạnh cường tráng, mà chúng còn là sự đỡ nâng của họ trong tuổi già. Bởi thế họ có thể an tâm đương đầu với tương lai, trở thành như một chiến binh, được trang bị bằng những “mũi tên” sắc nhọn và thắng đoạt là con cái của họ.
Mục đích của hình ảnh ấy, một hình ảnh theo văn hóa bấy giờ, là để hoan hưởng sự an ninh, vững chắc, sức mạnh của một gia đình đông đúc, một hình ảnh như được lập lại ở bài Thánh Vịnh sau đó 127 (128), trong đó hiện lên hình ảnh của một gia đình hạnh phúc.
Hình ảnh cuối cùng diễn tả một người cha được vây bọc bởi con cái của mình, một người cha được kính cẩn chào hỏi ở cổng thành, ở nơi sinh hoạt chung. Bởi thế, việc sinh sản là tặng ân mang lại sự sống và phúc hạnh cho xã hội. Chúng ta thấy được điều này trong thời đại của chúng ta đây đối với các quốc gia đang bị hụt hẫng, bởi cái mất mát về nhân số, cái mới mẻ, sinh động và tương lai được hiện thân nơi thành phần con trẻ. Tuy nhiên, sự hiện diện ân phúc của Thiên Chúa là nguồn sự sống và hy vọng vẫn là những gì vượt lên trên tất cả mọi sự.
 5. Bài Thánh Vịnh 126 (127) thường được các tác giả về tu đức dùng để thực sự đề cao việc hiện diện thần linh, một sự hiện diện quyết liệt để tiến triển trên con đường trọn lành và xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa. Bởi vậy mà đan sĩ Isaia (chết ở Gaza năm 491), khi nhắc lại trong cuốn “Asceticon” (Logos 4, 118) của mình mẫu gương của các vị tổ phụ và tiên tri thì dạy rằng: “Họ đặt mình dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, nài xin ơn trợ giúp của Ngài, chứ không tin tưởng vào một số việc hoàn tất nào của họ cả. Và đối với họ, việc bảo vệ của Thiên Chúa là một thành trì vững chắc, vị họ biết rằng không có Chúa giúp họ trở nên bất lực và lòng khiêm tốn của họ khiến họ cùng với Thánh Vịnh gia kêu lên rằng: ‘Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích. Nếu Chúa không canh chừng thành đô thì kẻ trông coi có tỉnh thức cũng bằng thừa’” ("Recueil Ascétique," Abbey of Bellefontaine, 1976, pp. 74-75).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
 Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về Bài Thánh Vịnh 126, bài thánh vịnh nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ những gì chúng ta làm hay đảm nhận chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu nó được Chúa chúc phúc. Không có Chúa, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta sẽ hoàn toàn bị thua bại. Với Chúa, chúng ta sẽ tìm được thịnh vượng và hạnh phúc, các việc lao nhọc của chúng ta sẽ sinh hoa trái, và đời sống của chúng ta sẽ được an ninh.
 Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhở chúng ta rằng tặng ân con cái là một phúc lành đặc biệt của Thiên Chúa, là nguồn mạch của niềm vui và sự nâng đỡ, đặc biệt trong tuổi già. Con cái cũng là một phúc lành cho cả xã hội nữa, làm cho xã hội được đặc biệt tươi trẻ và có tương lai. Chúng ta dễ nghĩ tới những xã hội ngày nay đang thiếu mất nghị lực và hy vọng vì vấn đề giảm sút mức sinh sản. Chớ gì phúc lành của Thiên Chúa mang đến cho các xã hội ấy sự sống mới, hy vọng mới! Và chớ gì chúng ta tất cả nhìn nhận rằng với ơn Chúa giúp công việc của chúng ta mới có thể thành đạt, vì “Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích”.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 31/8/2005).

Bài 145 – Ca vịnh Cl 1 (Thứ Tư 7/9/2005)

 CHÚA KITÔ LÀ NGUYÊN LÝ CỦA MỐI HIỆP NHẤT

 (Ca Vịnh Calosê 1: 1,3,12,15,17-18 - Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)

 1. Trong quá khứ chúng ta đã suy niệm về hình ảnh cao cả của Chúa Kitô, Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử, vị đóng vai chủ chốt trong bài thánh ca này từ ngay đầu Bức Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê. Thật vậy, bài ca vịnh ấy có mặt ở cả 4 tuần lễ của Phụng Vụ Giờ Kinh chiều.
 Tâm điểm của bài thánh ca này bao gồm các câu từ 15 đến 20, đoạn mà Chúa Kitô, Đấng được diễn tả là “hình ảnh” của Vị “Thiên Chúa vô hình”, hiện lên một cách trực tiếp và long trọng (câu 15). Tiếng Hy Lạp “eikon”, icon, là tiếng được Vị Tông Đồ này yêu chuộng: Ngài sử dụng nó 9 lần trong Thư Từ của ngài, áp dụng nó cho Chúa Kitô, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa (xem 2Cor 4:4), hay cho con người là hình ảnh và là vinh quang của Thiên Chúa (x 1Cor 11:7). Tuy nhiên, con người, bởi tội lỗi, “đã biến vinh quang của Thiên Chúa bất tử lấy những hình ảnh giống con người hữu tử” (Rm 1:23), chọn việc tôn thờ các ngẫu tượng và trở nên giống như các ngẫu tượng ấy.
 Bởi thế, chúng ta cần phải liên lỉ làm cho hình ảnh của mình theo mẫu mực hình ảnh của Con Thiên Chúa (x 2Cor 3:18), vì chúng ta đã được “giải thoát khỏi việc thống trị của tối tăm và được mang vào vương quốc của Người Con yêu dấu của Ngài” (Col 1:13).
 2. Bởi thế Chúa Kitô được công bố là “trưởng tử của tất cả mọi tạo vật” (câu 15). Chúa Kitô có trước toàn thể tạo vật (x câu 17), đã được hạ sinh từ đời đời: vì thế mà “tất cả đã được dựng nên nhờ Người và cho Người” (câu 16). Trong truyền thống Do Thái cổ thời vấn đề được khẳng định là “toàn thể thế giới được dựng nên đều liên quan tới Đấng Thiên Sai” (Sanhedrin 98b).
Đối với vị tông đồ ấy, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết (“tất cả mọi sự cấu kết lại với nhau trong Người”), là vị trung gian (“nhờ Người”), và là đích điểm của toàn thể tạo sinh qui tụ lại. Người là “trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29), tức là, là Người Con đệ nhất trong đại gia đình con cái Thiên Chúa là nơi nhờ Phép Rửa chúng ta được thuộc về.
 3. Đến đây, ánh mắt chúng ta hướng từ thế giới tạo sinh về thế giới của lịch sử: Chúa Kitô là “đầu của thân thể là Giáo Hội” (Col 1:18) và Người đã là như thế qua việc Nhập Thể của Người. Thật vậy, Người đã gia nhập cộng đồng nhân loại, để cai trị nó và thiết lập nó thành nên một “thân thể” duy nhất, tức là thành một mối hiệp nhất hòa hợp và tốt đẹp. Việc liên lỉ phát triển của nhân loại đã được cắm sâu trong Chúa Kitô, là cái đòn bẩy, là “nguyên lý”.
Chính vì tính cách chính yếu này mà Chúa Kitô trở nên nguyên lý phục sinh cho tất cả mọi người, “nên “trưởng tử của kẻ chết”, vì “trong Chúa Kitô tất cả được làm cho sống… Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa, rồi tới những ai thuộc về Người khi Người đến” (1Col 15:22-23).
4. Bài thánh ca tiến đến kết luận bằng việc ca tụng “tầm vóc viên trọn”, theo tiếng Hy Lạp là “pleroma”, một tầm vóc Chúa Kitô đã có nơi bản thân Người như tặng ân yêu thương của Chúa Cha. Đó là sự viên trọn của thần tính chiếu tỏa nơi vũ trụ hay nơi nhân loại, trở thành một nguồn an bình, hiệp nhất và hoàn toàn hòa hợp (Col 1:19-20).
“Việc hòa giải” này và “việc an bình” này được thực hiện bởi “máu từ cây thập giá” là những gì nhờ đó chúng ta được công chính hóa và được thánh hóa. Bằng việc đổ máu mình ra và hiến bản thân mình, Chúa Kitô đã làm tràn lan an bình, thứ an bình theo ngôn ngữ thánh kinh, là tổng hợp của những sự thiện hảo thiên sai và sự viên trọn cứu độ bao gồm tất cả thực tại tạo sinh.
 Thế nên, bài thánh ca này kết thúc với một chân trời sáng tỏ của sự hòa giải, hiệp nhất, hòa hợp và an bình, một chân trời hiện lên một cách uy nghi hình ảnh tác giả của nó là Chúa Kitô, “Người Con yêu dấu” của Cha.
 5. Các cây bút thuộc truyền thống Kitô giáo xưa đã suy niệm về bài thánh ca sâu sắc này. Trong cuộc đối thoại của mình, Thánh Cyrilô Giêrusalem đã trích bài ca vịnh của Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê để đáp lại vấn đề của một đàm nhân vô danh hỏi ngài rằng: “Vậy thì chúng ta nói rằng Lời được hạ sinh bởi Thiên Chúa Cha đã chịu khổ vì chúng ta nơi xáx thịt của Người hay sao?”
 Câu trả lời là một câu khẳng định theo chiều hướng của bài ca vịnh này. Thật vậy, Thánh Cyrilô xác nhận là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của tất cả mọi tạo vật, hữu hình và vô hình, bởi Người và trong Người mà mọi sự hiện hữu, đã được cho làm đầu Giáo Hội: Người còn hơn là trưởng tử của kẻ chết nữa”, tức là, người đầu tiên trong số kẻ chết sống lại. Thánh Cyrilô tiếp: “Người nhận làm của Người tất cả những gì xứng hợp với xác thịt loài người và ‘chấp nhận khổ giá, cho dù ô nhục’ (Heb 12:2). Chúng tôi không nói rằng một con người tầm thường, đầy những vinh dự, tôi không biết làm thế nào, nhờ việc hiệp nhất với Người, là người đối với chúng ta đã được thánh hóa, thế nhưng chính vị Chúa vinh quang này là Đấng đã bị đóng đanh” ("Perché Cristo è uno: Collana di testi Patristici" [Why Christ is One: Collection of Patristic Texts], XXXVII, Rome, 1983, p. 101).
 Trước vị Chúa hiển vinh này, dấu hiệu của tình yêu tối cao của Cha, chúng ta cũng dâng bài ca chúc tụng của chúng ta và phục xuống tôn thờ Người cùng tạ ơn Người.
 Anh Chị Em thân mến,
 Bài giáo lý hôm nay tập trung vào bài ca vịnh ở chương một thuộc Bức Thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Côlôsê. Trong bài ca vịnh này, Chúa Kitô được trình bày như là “icon”, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi tạo vật”. Người là Đấng tất cả chúng ta cần phải sống đời noi gương bắt chước.
 Thánh Phaolô cũng nói về Chúa Giêsu như là một Đấng “có trước tất cả mọi sự”, Đấng mà nhờ Người và cho Người “tất cả mọi sự đã được tạo thành”, và là Đấng trong Người “tất cả mọi sự liên kết với nhau”. Bởi thế, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết, là Đấng Trung Gian của chúng ta và là cùng đích của tất cả mọi tạo vật. Trong đại gia đình của Thiên Chúa, Chúa Kitô là Người Con đệ nhất.
 Bài ca vịnh này cũng nhắc nhở chúng ta rằng nhờ việc Nhập Thể của Người, Chúa Kitô là đầu của thân thể là Giáo Hội. Người là “khởi nguyên, là trưởng tử của kẻ chết”, và trong Người “tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa hân hoan ngự trị”. “Tầm vóc viên trọn” này của thần tính chiếu tỏa nơi tất cả mọi tạo vật cũng như nơi tất cả nhân loại, bởi thế, là mạch mọi an bình, hiệp nhất và hoàn toàn hòa hợp.
 Hôm nay chúng ta hân hoan hy vọng suy niệm về bài ca vịnh tuyệt vời này của Thánh Phaolô, một việc suy niệm đối với chúng ta là cơ hội để tạ ơn Chúa Giêsu Kitô vì đã giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi. Chớ gì đối với chúng ta nó cũng là một phấn khích trong việc phấn đấu trở nên các môn đệ thực sự của Chúa Kitô “là trưởng tử củ atất cả mọi tạo vật”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 7/9/2005)

Bài 146 – TV 131 (132) (Thứ Tư 14/9/2005)

 THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI CÙNG NHAU BƯỚC ĐI TRONG LỊCH SỬ

 (Thánh Vịnh 131 (132), 1-10, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)

 1. Chúng ta đã nghe phần đầu của bài Thánh Vịnh 131 (132), một bài thánh ca được Phụng Vụ Giờ Kinh Tối nêu lên cho chúng ta hai lần. Không phải là ít học giả nghĩ rằng bài ca này được vang lên trong việc long trọng cử hành việc chuyển hòm bia Chúa, dấu hiệu hiện diện thần linh giữa Dân Yến Duyên, đến Giêrusalem, một tân đô do vua Đavít chọn.
 Theo trình thuật về biến cố này được Thánh Kinh cho biết thì chúng ta đọc thấy rằng Vua Đavít “đã thắt áo bào trúc bâu, đến nhẩy múa ngất ngây trước nhan Chúa, khi vua và toàn dân Yến Duyên nghênh đón hòm bia Chúa một cách hớn hở reo hò và vang lên tiếng kèn thổi” (2Sam 6:14-15).
 Trái lại, có những nhà học giả khác lại liên hệ bài Thánh Vịnh 131 (132) với việc cử hành tưởng niệm biến cố xa xưa, sau khi thiết lập việc tôn thờ ở cung thánh Sion, một việc làm thực sự của vua Đavít.
 2. Bài thánh ca của chúng ta dường như bao hàm một chiều kích phụng vụ: Nó có lẽ được sử dụng trong việc kiệu rước, với sự hiện diện của các tư tế và tín hữu cùng với việc góp mặt của một ca đoàn.
 Theo Phụng Vụ Giờ Kinh Tối thì chúng ta sẽ dừng lại ở 10 câu đầu tiên của bài Thánh Vịnh này, những câu giờ đây được công bố. Tâm điểm của phần bài Thánh Vịnh này là lời thề trọng đại của vua Đavít. Thật vậy, sự kiện đó là, vua – không kể đến sự bất đồng gay go với vị tiền nhiệm của mình là Vua Saolê – “đã thề cùng Chúa, đã hứa cùng Đấng Toàn Năng của Giacóp” (Ps 131[132]:2). Nội dung của việc long trọng quyết tâm này, được diễn tả ở câu 3-5, là những gì rõ ràng minh bạch, đó là Vị vương chủ này sẽ không bước vào vương điện Giêrusalem, sẽ không an tâm ngơi nghỉ, trừ phi trước hết ông tìm thấy một nơi cư ngụ cho hòm bia Chúa.
 Ở chính tâm điểm của đời sống xã hội bởi đó cần phải có một sự hiện diện gợi lên mầu nhiệm về Vị Thiên Chúa siêu việt. Thiên Chúa và con người có thể cùng bước đi trong lịch sử, và đền thờ ấy có nhiệm vụ cho thấy mối hiệp thông này một cách hữu hình.
 3. Đến đây, sau những lời của vua Đavít, là việc tưởng nhớ về quá khứ, có lẽ qua những lời của một ca đoàn phụng vụ. Thật vậy, việc tái nhận thức đã bừng lên về hòm bia đang ở miền quê Jaar, thuộc vùng Ephrata (xem câu 6): Hòm bia đã ở đó lâu ngày, sau khi được quân Philitinh đem trả lại cho dân Yến Duyên là dân đã bị mất đi trong một trận chiến (xem 1Sam 7:1; 2Sam 6:2-11). Vì lý do này, hòm bia đã được mang từ thành ấy về thành thánh tương lai, và đoạn Thánh Vịnh của chúng ta kết thúc với việc hân hoan cử hành cho thấy, một đàng, dân chúng tôn thờ (xem câu 7,9), tức là hội đồng phụng vụ, đàng khác, Chúa là Đấng tỏ mình hiện diện và tác hành bằng dấu hiệu của hòm bia được đặt ở Sion (câu 8).
 Linh hồn của phụng vụ là ở việc vượt qua này giữa các vị tư tế và tín hữu, và giữa Chúa với quyền năng của Ngài.
 4. Để kết thúc phần đầu củ abài Thánh Vịnh 131 (132), có một lời than nguyện cầu cho thành phần thừa kế vua Đavít: “Vì Đavít tôi tớ của Ngài, xin đừng loại trừ vị được xức dầu” (câu 10).
 Thật là dễ trực giác thấy được chiều kích thiên sai nơi lời nguyện cầu ấy, một lời nguyện cầu thoạt tiên là để nài xin ơn trợ giúp chủ quyền của Yến Duyên trong các cơn thử thách của cuộc đời. Chữ “được xức dầu” thật sự được chuyển dịch từ chữ Do Thái “Thiên Sai”: ánh mắt của Thánh Vịnh gia bởi thế vươn tới cả những biến cố khác của vương quốc Giuđa và hướng tới niềm đại trông mong “Đấng Được Xức Dầu” trọn lành, Vị Thiên Sai sẽ luôn làm hài lòng Thiên Chúa, Đấng được Vị Thiên Sai yêu thương và chúc tụng.
 5. Việc dẫn giải về tính cách thiên sai này sẽ trở thành chủ yếu nơi việc Kitô hữu đọc lại bài Thánh Vịnh ấy và sẽ bao gồm toàn bài Thánh Vịnh.
 Chẳng hạn, đáng kể là việc áp dụng được Ezechias thành Giêrusalem, vị linh mục thuộc tiền bán thế kỷ thứ 5, lấy câu thứ 8 áp dụng vào việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Trong Bài Giảng Thứ Hai của mình về Mẹ Thiên Chúa, ngài đã ngỏ cùng Vị Trinh Nữ rằng: “Về Mẹ và về Đấng được Mẹ sinh ra, vua Đavít đã không ngừng hát với chiếc đàn tam thập lục rằng: ‘Ôi Chúa, xin hãy tiến lên đến chốn nghỉ ngơi của Chúa, Chúa và hòm bia của quyền toàn năng Chúa’ (Ps 131[132]:8)”. ‘Hòm bia của quyền toàn năng Chúa’ là ai? Ezechias đáp: “Hiển nhiên là Vị Trinh Nữ này, Mẹ Thiên Chúa. Vì, nếu Chúa là viên ngọc trai thì Mẹ có lý là hòm bia; nếu Chúa là mặt trời thì Vị Trinh Nữ này cần phải được gọi là tầng trời; và nếu Chúa là Hoa vô nhiễm thì Vị Trinh Nữ sẽ là cây bất hoại, là địa đường bất tử” ("Testi Mariani del Primo Millennio" [Marian Texts of the First Millennium] I, Rome, 1988, pp. 532-533).
 Anh Chị Em thân mến,
 Trong bài giáo lý tuần này, chúng ta xét tới phần đầu của bài Thánh Vịnh 131. Bài thánh vịnh này cho thấy việc Vua Đavít long trọng cử hành việc chuyển Hòm Bia Giao Ước, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện giữa Dân Ngài, đến chốn nghỉ ngơi của mình ở Giêrusalem. Việc Vua Đavít hứa xây cất một đền thờ cho hòm bia nhắc nhở chúng ta rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa cần phải có một vị thế trọng tâm nơi cuộc sống của mọi xã hội.
 Hòm bia và đền thờ là những dấu hiệu hữu hình cho việc hiện diện của Thiên Chúa ở mọi giai đoạn cuộc hành trình của chúng ta, trong khi hết mọi cộng đoàn phụng vụ cử hành việc hân hoan hội ngộ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Bài thánh vịnh này tiếp tục nguyện cầu cho thành phần được xức dầu thừa kế Vua Đavít, thành phần được truyền thống Kitô giáo hiểu như là một qui chiếu ngôn sứ về Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Sai và Đức Vua được hứa hẹn, Người Con Nhập Thể của Thiên Chúa, vị được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria khi thời gian viên trọn cho phần rỗi của chúng ta.
 (Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 14/9/2005)

Bài 147 – TV 131 (132) (Thứ Tư 21/9/2005)

 CHUYỂN HÒM BIA GIAO ƯỚC VỀ GIÊRUSALEM

 (Thánh Vịnh 131 (132): 11-18, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)

 1. Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 131 (132) vừa được tái vang vọng. Bài Thánh Vịnh này là một bài ca gợi lên cho thấy biến cố quan trọng của lịch sử dân Yến Duyên, đó là biến cố chuyển Hòm Bia Giao Ước về thành Giêrusalem.
Đavít là chủ động viên của việc chuyển về này, như đã được chứng thực ở phần đầu của bài thánh vịnh, phần chúng ta đã dẫn giải. Vị vua này đã thề rằng sẽ không xây cất lâu đài vua chúa cho bản thân mình, trừ khi ông tìm thấy một nơi xứng đáng với hòm bia của Chúa, dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa nơi dân Ngài (x các câu 3-5).
 Bởi thế chính Thiên Chúa đã đáp lại lời thề này của vua, “Chúa đã thề với Đavít, một lời đoan nguyền sẽ không bao giờ thất hứa” (câu 11). Lời hứa long trọng này chính yếu là những gì được tiên tri Nathan nhân danh Thiên Chúa mà nói về miêu duệ mai hậu của Đavít, về một triều đại vững bền (x 2Sam 7:8-16).
 2. Lời thề thần linh bao gồm cả việc dấn thân của con người, ở chỗ nó được điều kiện hóa bằng chữ “nếu”; “Nếu con cái của ngươi tuân giữ giao ước của Ta, Ta sẽ dạy cho chúng luật pháp” (câu 12). Đối với lời hứa và tặng ân của Thiên Chúa, những gì không có tính chất ma thuật, cần phải được tín hữu đáp ứng và chủ động gắn bó về phía con người trong cuộc trao đổi đan kết hai tự do, thần linh và nhân loại.
 Từ đó, bài Thánh Vịnh được biến thành một bài thánh ca tuyên tụng các công hiệu lạ lùng của cả tặng ân Chúa ban lẫn lòng trung thành của dân Yến Duyên. Việc Thiên Chúa hiện diện là những gì con người cần phải cảm nghiệm (x các câu 13-14). Ngài sẽ trở thành như một cư dân ở giữa thành phần dân cư của Giêrusalem, như một người công dân sống những biến cố lịch sử với các người công dân khác, nhưng cống hiến sức mạnh phúc lành của Ngài.
 3. Thiên Chúa sẽ chúc lành cho việc thu hoạch, quan tâm cho thành phần nghèo khổ được no đầy (x câu 15); Ngài sẽ chở che các vị tư tế bằng áo choàng hộ thân, ban cho các vị ơn cứu độ của Ngài; Ngài sẽ làm cho tất cả mọi tín hữu sống trong an bình và hoan lạc (xem câu 16).
Phúc lành phong phú nhất của Ngài vẫn giành cho Đavít cùng miêu duệ của vua: “Ở đó Ta sẽ làm mọc lên một cái sừng cho giòng dõi của Đavít; Ta sẽ đặt một cây đèn cho kẻ được Ta xức dầu. Ta sẽ làm hổ ngươi bẽ mặt các quân thù của hắn, nhưng triều thiên của Ta sẽ chói lọi trên đầu của hắn”.
Như đã xẩy ra ở phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh này (x câu 10), một lần nữa, hình ảnh của nhân vật “được xức dầu” nhập cuộc, theo tiếng Do Thái, đó là “Messiah”, gắn liền giòng dõi của Đavít với Messiah, vị mà theo ý nghĩa Kitô giáo đạt được trọn vẹn ý nghĩa của mình nơi hình ảnh Chúa Kitô. Những hình ảnh được sử dụng ở đây là những hình ảnh sống động: Đavít được tiêu biểu như một cái sừng mọc lên vươn rộng một cách cứng chắc. Thiên Chúa soi sáng cho giòng dõi Đavít bằng một cây đèn sáng tỏa, biểu hiệu của tính cách sinh động và vinh quang; một triều thiên rạng ngời là dấu hiệu việc giòng dõi này chiến thắng kẻ thù của mình, nhờ đó chiến thắng sự dữ.
4. Việc hiện diễn lưỡng diện của Chúa ở một nơi và trong lịch sử được hiện thực qua Giêrusalem, nơi đền thờ chứa đựng hòm bia, và nơi triều đại Đavít. Bởi thế mà bài Thánh Vịnh 131 (132) trở thành một việc cử hành của Thiên Chúa – Thiên Chúa ở với tạo vật của Ngài, sống giữa họ và làm cho họ nên tốt lành vì họ sống liên kết với Ngài trong công lý và chân lý. Trung tâm điểm thiêng liêng của bài thánh ca này như thế thành một dạo khúc cho lời công bố của Thánh Gioan: “Và Lời đã hóa thành nhục thể và sống giữa chúng ta” (Jn 1:14).
Chúng ta kết luận bằng việc nhớ rằng đầu phần hai của bài Thánh Vịnh 131 (132) là những gì thường được các Vị Giáo Phụ Giáo Hội diễn tả về Việc Nhập Thể của Lời trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria.
Ngay từ thời Thánh Irênêô, khi đề cập tới lời ngôn sứ của tiên tri Isaia liên quan tới vị trinh nữ này hạ sinh, đã giải thích rằng: “Những lời, ‘Vậy hãy lắng nghe, Ôi nhà Đavít’ (Is 7:13) cho thấy rằng vị vua vĩnh hằng được Thiên Chúa hứa cho Đavít xuất phát từ ‘hoa trái của lòng vua’, một diễn tả ám chỉ một trinh nữ thụ thai. Thế nên Thánh Kinh… nêu lên và xác nhận rằng việc hạ sinh của ‘vị sẽ đến’ như được loan báo sẽ xuất hiện từ Vị Trinh Nữ. Đúng như Isave, con người đầy Thánh Linh đã khẳng định khi nói cùng Mẹ Maria rằng ‘Bà có phúc hơn mọi người nữ và con lòng bà gồm phúc lạ’ (Lk 1:42). Như thế Thánh Linh nói với thành phần muốn lắng nghe rằng nơi việc hạ sinh của Vị Trinh Nữ này, hay nói cách khác, của Đức Maria, lời hứa của Thiên Chúa với Đavít về một vị vua xuất phát từ lòng của vua là những gì được nên trọn” ("Contro le eresie," 3,21,5: Già e Non Ancora, CCCXX, Milan 1997, p. 285).
 Như thế, chúng ta thấy sự chân thật và trung thành của Thiên Chúa có một chiều kích lớn rộng từ bài thánh vịnh cổ thời tới việc nhập thể của Chúa Kitô. Nơi bài Thánh Vịnh này, mầu nhiệm của Thiên Chúa sống giữa chúng ta hiện lên và chiếu tỏa khi Người trở nên một người trong chúng ta nơi việc Nhập Thể. Việc trung thành của Thiên Chúa và việc tin tưởng của chúng ta đối với Ngài trong giòng lịch sử trở thành nguồn mạch hân hoan cho chúng ta.
 Anh Chị Em thân mến,
 Hôm nay chúng ta chú ý tới bài Thánh Vịnh 113 là bài nhắc nhở chúng ta về mộït trong những biến cố quan trọng nhất của lịch sử Yến Duyên, tức là việc chuyển Hòm Bia Chúa về Thành Giêrusalem. Vua Đavít đã hứa tìm một nơi vĩnh viễn cho hòm bia là biểu hiệu cho việc hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài này, trước khi vua xây đền đài cho bản thân vua.
 Lời thề của vua đã được Chúa chấp thuận nơi lời Thiên Chúa hứa không bao giờ “rút lời”, vang vọng lời tiên tri Ngài đã nói qua Nathan trong việc thiết lập vương quốc của Đavít đến muôn đời. Dân Chúa được khuyến giục hãy trung thành với giao ước của Ngài, tiến vào cuộc đối thoại liên kết tự do của con người với tự do của thần linh.
 Một lần nữa, hình ảnh về một vị được Thánh Hiến là Đấng Thiên Sai, đã xuất hiện. Kitô hữu sau đó đã thấy việc nên trọn của hình ảnh này nơi bản thân của Chúa Kitô. Chúng ta kết thúc bằng việc nhắc lại rằng bài thánh vịnh này thường được các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội để diễn tả việc nhập thể của Lời trong Cung Lòng Đức Trinh Nữ Maria.
 Như Thánh Irênê đã nói “Mẹ đã hoàn tất lời Thiên Chúa hứa cho Đavít, mang lại cho vị vua hoa trái của lòng Mẹ”. Chớ gì chúng ta, như Mẹ Maria, luôn biết đáp ứng giao ước của Thiên Chúa nơi niềm hân hoan vui sướng và thái độ kiên trì.
 (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/9/2005).

Bài 148 – TV 134 (135) (Thứ Tư 28/9/2005)

 TÌNH YÊU THẦN LINH ĐƯỢC CỤ THỂ HOÁ

 (Thánh Vịnh 134 [135]: 1-12: - Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)

 1. Trước chúng ta đây là phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 134 (135), một bài thánh ca có bản chất phụng vụ, đan kết với những lời bóng gió, những hồi niệm và những qui chiếu về các đoạn thánh kinh khác. Thật vậy, phụng vụ thường cấu trúc văn bản của mình bằng cách sử dụng đại gia sản Thánh Kinh, là nguồn phong phú cho các đề tài tiết mục cùng với những lời cầu nguyện hỗ trợ cho cuộc hành trình của người tín hữu.
 Chúng ta theo dõi chiều hướng cầu nguyện của phần nhất này (Ps 134[135]:1-12), phần mở đầu bằng một lời mời gọi rộng rãi và thiết tha hãy chúc tụng Chúa (câu 1-3). Lời kêu gọi này được ngỏ cùng thành phần “tôi tớ Chúa, những người đứng trong nhà Chúa, nơi những cung đường nhà Chúa” (câu 1-2).
 Bởi thế chúng ta đang ở trong bầu không khí sống động của việc tôn thờ mở ra trong Đền Thờ, nơi đặc biệt cầu nguyện chung. Cảm nghiệm được một cách hiệu nghiệm ở đó có sự hiện diện của “Thiên Chúa chúng ta”, một vị Thiên Chúa “tốt lành” và “nhân ái”, vị Thiên Chúa của thành phần được tuyển chọn và của giao ước (câu 3-4).
 Sau lời kêu mời ca ngợi là lời độc diễn loan báo việc tuyên xưng đức tin được bắt đầu bằng mô thức “tôi biết” (câu 5). Kinh tin kính này sẽ tạo nên bản chất của toàn bài thánh thi ca, một bài thánh thi ca trở thành một lời công bố sự cao cả của Chúa (ibid.) là những gì được tỏ hiện nơi các công cuộc tuyệt vời Ngài làm.
 2. Quyền toàn năng thần linh được tiếp tục tỏ hiện nơi toàn thế giới “trên trời và dưới đất, trong biển khơi và đại dương”. Ngài chính là Đấng làm nên mây trời, chớp sáng và gió thổi, những thứ như thể được giữ trong “kho” hay nhà chứa (câu 6-7).
 Thế nhưng, trước hết có một khía cạnh khác nơi hoạt động thần linh được cử hành nơi việc tuyên xưng đức tin ấy. Đó là việc can thiệp lạ lùng vào lịch sử, nơi Đấng Hóa Công tỏ dung nhan của Ngài ra như Đấng Cứu Chuộc dân Ngài và như vị vương chủ của thế giới. Những đại biến cố của Cuộc Xuất Hành được thực hiện trước mắt dân Yến Duyên là những gì được hồi tưởng trong nguyện cầu.
 Được đề cập đến trước hết là việc tưởng nhớ tới một cách tổng hợp và thiết yếu những “tai ương” của Ai Cập, những cuộc trừng phạt Chúa giáng xuống để khuất phục kẻ đàn áp (câu 8-9). Sau đó là tiếng hò la chiến thắng của dân Yến Duyên sau cuộc hành trình dài trong sa mạc. Chúng được qui về cho việc can thiệp toàn năng của Thiên Chúa, Đấng “đánh tan nhiều quốc gia và xoay vần những vị vua quyền năng” (câu 10). Sau hết là đích điểm hằng được thiết tha trông ngóng và đợi chờ, đó là mảnh đất hứa: “Ngài đã biến đất đai của họ thành gia sản, một gia sản cho Yến Duyên dân Ngài” (câu 12).
 Tình yêu Thần Linh được cụ thể hóa và hầu như có thể cảm nghiệm được trong lịch sử với tất cả những thăng trầm khốn khổ và vinh quang của tình yêu này. Phụng vụ có phận sự làm cho các tặng ân thần linh này luôn hiện diện và hiệu lực, trên hết là ở nơi việc cử hành cuộc đại vượt qua, một việc là căn gốc của hết mọi tính cách long trọng khác và là những gì tạo nên cái biểu tượng cao cả cho tự do và ơn cứu độ.
 3. Chúng ta hãy tiếp tục tinh thần của bài thánh vịnh này cũng như tinh thần chúc tụng Thiên Chúa của nó, diễn nó lại bằng tiếng của Thánh Clêmentê thành Rôma, khi nó được âm vang ở lời cầu nguyện dài kết thúc bức thư thánh nhân gửi cho cộng đoàn Côrintô. Thánh nhân nhận định rằng, như trong bài Thánh Vịnh 134(135), dung nhan của Vị Thiên Chúa Cứu Chuộc hiện lên, cùng với việc bảo vệ của Ngài, những gì được tỏ ra cho các cha ông xưa, giờ đây được thể hiện cho chúng ta nơi Chúa Kitô: “Ôi Chúa, xin hãy chiếu tỏa dung nhan Chúa trên chúng tôi, vì sự thiện hảo của an bình, để bảo vệ chúng tôi bằng bàn tay quyền năng của Chúa và cứu chúng tôi khỏi mọi tội lỗi bằng cánh tay uy quyền nhất của Ngài, cùng cứu chúng tôi khỏi những ai thù ghét chúng tôi một cách bất chính. Xin hãy ban thuận hợp và an bình cho chúng tôi cũng như cho tất cả mọi dân cư trên mặt đất này, như Chúa đã ban nó cho cha ông chúng tôi khi họ kêu cầu Chúa trong thánh đức, tin tưởng và chân thật…. Chúng tôi xin tạ ơn Chúa, Đấng duy nhất có thể thực hiện những điều thiện hảo này và những điều thiện hảo lớn lao hơn nữa cho chúng tôi, tạ ơn nhờ vị đại tư tế và đại hộ vực linh hồn chúng tôi là Đức Giêsu Kitô, Đấng Chúa được hiển vinh từ đời nọ đến đời kia, muôn đời muôn kiếp. Amen” (60,3-4;61,3: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], V, Rome, 1984, pp. 90-91).
 (Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 28/9/2005).

Bài 149 – TV 134 (135) (Thứ Tư 5/10/2005)

 HAI QUAN ĐIỂM TÔN GIÁO KHÁC NHAU

 (Thánh Vịnh 134 [135]: 13-21: - Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)

 1. Bài Thánh Vịnh 134, một bài ca có cung điệu vượt qua, được cống hiến cho chúng ta hai đoạn khác nhau nơi phụng vụ Kinh Tối. Chúng ta vừa nghe phần thứ hai (x câu 13-21), phần được kết thúc bằng lời alleluia, lời kêu vang chúc tụng Chúa mở đầu bài thánh vịnh.
 Sau khi đã tưởng nhớ, ở phần thứ nhất của bài thánh ca, biến cố Xuất Hành, tâm điểm của việc Yến Duyên cử hành cuộc vượt qua, thánh vịnh gia giờ đây tương phản một cách quyết liệt hai quan đểm về đạo giáo khác nhau. Một mặt là hình ảnh hiện lên của một Vị Thiên Chúa hằng sống và ngôi vị, Đấng là trọng tâm của đức tin chân thực (x câu 13-14). Sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện thực sự và cứu độ; Chúa không phải là một thực tại bất động và khuất bóng, nhưng là một ngôi vị sống động, Đấng “hướng dẫn” thành phần tín nghĩa của mình, “tỏ ra xót thương” họ, bảo trì họ bằng quyền năng và tình yêu thương của Ngài.
 2. Mặt khác là sự sùng bái ngẫu tượng (x câu 15-18), biểu hiện cho một thứ tôn giáo tính lệch lạc và gian xảo. Thật vậy, ngẫu tượng không là gì khác ngoài “công việc do tay con người tạo ra”, một sản phẩm của những gì con người ước vọng, và vì thế, không thể vượt qua những giới hạn của tạo vật. Nó quả thực có một hình dạng con người, với miệng, mắt, tai, cổ nhưng lại bất động, vô sinh, thực sự như trường hợp của một pho tượng vô hồn (x Ps 113B:4-8).
 Số phận của con người tôn thờ những thực tại chết chóc này trở nên giống như những thực tại ấy, cũng bất lực, mỏng dòn, bất động. Qua những câu thánh vịnh này rõ ràng cho thấy khuynh hướng vĩnh viễn của con người trong việc tìm kiếm sự cứu độ nơi “công cuộc của tay mình”, đặt hy vọng nơi giầu sang, quyền lực, thành công, vật chất. Tiếc thay, những gì xẩy ra cho họ là những gì được tiên tri Isaia đã diễn tả một cách chính xác: “Họ ăn uống trên đống tro; một trí óc dối trá đã dẫn họ đi hoang; và họ không thể giải thoát mình hay nói rằng ‘Có sự gian dối nào nơi bàn tay phải của tôi hay chăng?’” (44:20).
 3. Bài Thánh Vịnh 134 (135), sau việc suy niệm này về đạo giáo thật và giả, về đức tin chân chính nơi vị Chúa tể vũ trụ và lịch sử, và về việc tôn thờ ngẫu tượng, kết thúc bằng lời chúc tụng phụng vụ (x các câu 19-21), một phép lành phụng vụ dẫn đến hàng loạt những hình ảnh hiện diện nơi việc tôn thờ được thực hiện trong đền thờ ở Sion (x Ps 113B: 9-13).
Từ tất cả mọi cộng đồng qui tụ lại trong đền thờ này xuất hiện một phép lành hòa hợp với Thiên Chúa Hóa Công của vũ trụ và với Đấng Cứu Tinh của dân Người, được thể hiện nơi tính cách đa dạng của các tiếng nói cùng sự khiêm tốn của lòng tin tưởng.
Phụng vụ là nơi đặc biệt để lắng nghe Lời thần linh, lời làm cho những tác động cứu độ của Chúa hiện diện, thế nhưng cũng là một vòng cầu trong đó kinh nguyện cộng đồng được dâng lên để chúc tụng tình yêu thần linh. Thiên Chúa và con người gặp nhau bằng một gắn bó cứu độ, một gắn bó nên trọn một cách đích thực nơi việc cử hành phụng vụ.
 4. Khi dẫn giải câu này của bài thánh vịnh đây về những thứ ngẫu tượng cùng những thứ tượng tự được những kẻ tin tưởng vào chúng (x Ps 134[135]: 15-18), Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định thế này: “Thật vậy – anh em ơi, hãy tin rằng – ở nơi họ có một cái gì tương tự với những thứ ngẫu tượng của họ: dĩ nhiên là không phải ở nơi thân th36 của họ mà ở trong con người nội tâm của họ. Họ có tai nhưng họ không nghe thấy Thiên Chúa đã kêu gọi gọi ra sao: ‘Ai có tai để nghe thì hãy nghe’. Họ có mắt nhưng họ chẳng thấy gì: họ có, tức là, có những con mắt nơi thân thể song không có con mắt đức tin”. Cũng thế, “họ có mũi nhưng họ không ngửi thấy chi. Họ không thể nhận thấy mùi hương được Thánh Tông Đồ nói đến là: Chúng ta hãy là hương thơm của Chúa Kitô ở khắp mọi nơi (x 2Cor 2:15). Có ích gì cho họ chăng khi họ có mũi mà họ lại không hít thở được hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô hay chăng?”
 Thật thế, Thánh Âu Quốc Tinh công nhận rằng, vẫn có những con người gắn bó với việc tôn thờ ngẫu tượng, “tuy nhiên, hằng ngày, có những con người, vì tin tưởng vào phép lạ của Chúa Kitô, đã gắn bó với đức tin. Hằng ngày những con mắt của kẻ mù lòa và tai của kẻ điếc lác được mở ra, mũi trước kia bị tịt nay bắt đầu hít thở lại, lưỡi bị câm nín được nói năng, cẳng của kẻ bị tê liệt được kiên cường, chân của thành phần què quặt được thẳng đứng. Từ những hòn đá này xuất hiện con cái của Abraham (x Mt 3:9). Bởi thế, đối với những người ấy cần phải nói rằng: ‘Nhà Yến Duyên ơi hãy chúc tụng Chúa’. Hãy chúc tụng Ngài, hỡi thành phần đấng bậc của Giáo Hội! Điều này có ý nói về ‘Nhà Aaron’. Hãy chúc tụng Ngài hỡi các vị thừa tác viên! Điều này có ý nói về ‘Nhà Lêvi’. Và còn các quốc gia thì sao, nó muốn nói gì đây? ‘Các ngươi là thành phần kính sợ Chúa, hãy chúc tụng Chúa’” ("Esposizione sul Salmo" [Commentary on Psalm] 134, 24-25): Nuova Biblioteca Agostiniana, XXVIII, Rome, 1977, pp. 375,377).
 Anh Chị Em thân mến,
Việc chúng ta suy niệm hôm nay tập trung vào phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 134. Hai quan điểm về đạo giáo được trình bày. Quan niệm thứ nhất cho thấy một vị Thiên Chúa hằng sống và cá vị với việc Ngài hiện diện thực sự và cứu độ là tâm điểm của đức tin chân chính vì Ngài hướng dẫn và xót thương dân của Ngài. Quan niệm thứ hai nói lên tính cách đạo nghĩa méo mó và sai lạc của việc tôn thờ ngẫu tượng.
 Các thứ ngẫu tượng chỉ là một thứ sản phẩm của các ước vọng con người và bất lực cùng vô hồn như là một pho tượng mà thôi. Thật vậy, những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng “công việc của tay người” – khi đặt niềm hy vọng của họ nơi giầu sang, quyền lực hay thành đạt – chỉ đánh lừa mình thôi.
 Căn cứ vào việc suy niệm về đức tin thật giả ấy, bài thánh vịnh kết luận bằng lời chúc tụng theo phụng vụ. Toàn thể cộng đồng tập trung trong đền thờ dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa, ca khen chúc tụng tình yêu của Ngài và việc Ngài cứu độ.
 Như Thánh Âu Quốc Tinh, chúng ta cũng nhìn nhận rằng vẫn còn có những người gắn bó với việc tôn thờ ngẫu tượng, thế nhưng chúng ta cũng hỉ hoan thấy rằng có những con người hằng ngày gắn bó với đức tin, và liên kết với tất cả mọi tín hữu, kêu lên từ tâm can của họ rằng: Nào chúng ta hãy chúc tụng Chúa!
(Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 5/10/2005).

Bài 150 – TV 121 (122) (Thứ Tư 12/10/2005)

 TÔN GIÁO THÁNH KINH LÀ MEN CÔNG LÝ VÀ ĐOÀN KẾT

 (Thánh Vịnh 121 [122]: - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Ba)

 1. Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe và thưởng thức như một lời nguyện cầu là một trong những “bài thăng ca” tuyệt vời nhất và cảm kích nhất. Đó là bài Thánh Vịnh 121 (122), một cuộc cử hành linh động và đông đảo ở Giêrusalem, Thành Thánh là nơi đoàn hành hương tiến lên.
 Thật vậy, ngay ở lời mở đầu, có hai giây phút được con người tín trung sống cùng một lúc, đó là giây phút của một ngày con người ấy chấp nhận lời mời gọi “tiến lên nhà Chúa” (câu 1), và giây phút hân hoan tới “cổng” thành Giêrusalem (câu 2); bấy giờ chân của con người này cuối cùng đã bước trên mảnh đất thánh dấu yêu đó. Chính lúc bấy giờ, môi miệng bật lên bài ca hân hoan tôn kính Sion, nơi được hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của nó.
 2. “Được xây lên như một thành phố, có tường bao quanh” (câu 3), tiêu biểu cho an ninh và bền vững, Giêrusalem là tâm điểm của mối hiệp nhết 12 chi tộc Yến Duyên, những chi tộc qui tụ về nó như trung tâm đức tin và việc tôn thờ của họ. Thật vậy, ở đó, họ tiến lên “để cảm tạ thánh danh Chúa” (câu 4), ở nơi mà “lề luật của Yến Duyên” (Deut 12:13-14; 16:16) được thiết lập như là cung thánh hợp lệ và toàn hảo duy nhất.
Còn một thực tại khác ở Giêrusalem cũng là dấu hiệu của việc Thiên Chúa hiện diện nơi dân Yến Duyên, đó là “các ngôi báu của nhà Đavít” (x Ps 121[122]:5), tức là triều đại Đavít trị vì, một diễn đạt tác động thần linh nơi một lịch sử dẫn đến Đấng Thiên Sai (2Sam 7:8-16).
 3. “Những ngôi báu của nhà Đavít” đồng thời cũng được gọi là “những ngai tòa phán quyết” (x Ps 121[122]:5), vì vua cũng là vị thẩm phán tối cao. Bởi thế, Giêsusalem, thủ đô về chính trị, cũng là ngia tòa pháp lý tối cao, nơi cuối cùng giải quyết các cuộc tranh cãi: nhờ đó, khi rời Sion, khách hành hương Do Thái trở về với thôn làng của mình trở nên công chính và an bình hơn.
 Bài thánh vịnh này bởi vậy đã phán họa một bức tranh lý tưởng về Thành Thánh theo phận vụ về tôn giáo và xã hội của nó, khi cho thấy tôn giáo theo thánh kinh không phải là những gì trừu tượng hay tư riêng, mà là men công lý và kết đoàn. Mối hiệp thông với Thiên Chúa cần phải được kèm theo mối hiệp thông an hem với nhau nữa.
 4. Giờ đây chúng ta sang đến lời cầu khẩn cuối cùng (x câu 6-9). Tiết điệu của lời cầu khẩn này được đánh dấu bằng tiếng Do Thái “shalom”, “bình an”, theo truyền thống được hiểu là chính tên gọi của Thành Thánh này, “Jerushalejim”, được hiểu là “thành đô hòa bình”.
 Như đã biết, shalom là chữ ám chỉ đến mối bình an thiên sai, một mối an bình chất chứa nơi nó niềm vui, thịnh vượng, thiện hảo, phong phú. Thật vậy, trong lời tạ từ cuối cùng được khách hành hương ngỏ cùng đền thờ, cùng “nhà của Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, “sự thiện hảo” được thêm vào với thiện hảo: “Tôi sẽ tìm kiếm sự thiện hảo của Ngài” (câu 9). Như thế, chúng ta thấy trước được lời chào của dòng Phanxicô: “Bình an và thiện hảo!”. Nó là niềm hy vọng của ân phúc nơi tín hữu yêu mến Thành Thánh, nơi thực tại về thể lý tường thành và dinh thự của họ là chốn đời sống của người dân sinh động, nơi tất cả mọi anh em và bạn hữu. Nhờ đó, Giêrusalem sẽ trở nên một ngôi nhà của hòa hợp và an bình.
 5. Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 121 (122) bằng việc suy tư được gợi ý bởi các vị Giáo Phụ là thành phần Giêrusalem cổ là dấu hiệu cho một Giêrusalem mới, cũng được “thiết dựng như một thành phố mạnh mẽ thắt chặt với nhau”. Thành phố này – Thánh Grêgôry Cả nhắc lại trong “Các Bài Giảng về Tiên Tri Êzêkiên” – “đã có kiến trúc cao cả của nó nơi những tập tục của các thánh nhân. Nơi một dinh thự, tảng đá này đỡ tảng đá kia, vì tảng đá này được đặt trên tảng đá kia, và tảng đá này đỡ một tảng đá nọ là tảng đá đỡ tảng đá khác. Chính nơi đường lối ấy mà trong Hội Thánh mỗi người nâng đỡ nhau và được nhau nâng đỡ. Việc gắn bó nâng đỡ nhau hỗ tương ấy, nhờ đó, qua họ, ngôi nhà đức ái được thiết dựng. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã khuyên nhủ rằng ‘Hãy mang lấy gánh nặng của nhau, và hãy chu toàn lề luật của Chúa Kitô’ (Gal 6:2). Nhấn mạnh đến quyền lực của lề luật này, ngài nói rằng: ‘Tình yêu là việc làm trọn lề luật’ (Rm 13:10). Thật vậy, nếu tôi không cố gắng để chấp nhận anh em như anh em là, và anh em không cố gắng để chấp nhận tôi như tôi là, thì ngôi nhà bác ái không thể mọc lên giữa chúng ta, thành phần cũng được thắt cột bằng tình yêu thương hỗ tương và nhẫn nại”. Và, để hoàn trọn hình ảnh ấy, không được quên rằng “có một nền tảng nâng đỡ toàn thể sức nặng của kiến trúc, đó là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, vị duy nhất chấp nhận hoàn toàn tất cả mọi tập tục của chúng ta. Thánh Tông Đồ đã nói về Người rằng: ‘Không có một nền tảng nào khác được ai đặt xuống hơn được cái nền tảng đã được đặt đó là Chúa Giêsu Kitô’ (1Cor 3:11). Cái nền mang những tảng đá và không được hạ sinh bởi những tảng đá; tức là, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta mang lấy gánh nặng của tất cả mọi lỗi lầm của chúng ta, nhưng trong ngài không có lỗi trong việc khoan dung” (2,1,5: "Opere di Gregorio Magno" [Works of Gregory the Great] III/2, Rome, 1993, pp. 27,29).
(Tóm Kết bằng và cho Tiếng Anh)
Bài Thánh Vịnh 121, chủ đề của bài giáo lý tuần này, là một trong những “bài thăng ca” được xướng lên bởi đoàn hành hương xưa kia tiến đến Thành Thánh Giêrusalem. Thánh Vịnh gia chúc tụng Giêrusalem như một thành trì kiên cố, tâm điểm cho mối hiệp nhất đức tin và việc tôn thờ của dân Yến Duyên, và là ngai tòa phán quyết của nhà Đavít. Là một thành của thánh đức, công lý và đoàn kết xã hội, Giêrusalem như thế trở thành nơi hiệp thông và an bình giữa dân Chúa.
 Bài thánh vịnh này lên đến tột đỉnh ở lời nguyện cầu cho hòa bình ở Giêrusalem và cầu xin cho Thành Thánh niềm an bình của đấng thiên sai – shalom – một niềm an bình là tặng ân của Thiên Chúa. Truyền thống Kitô giáo, trong việc vang vọng lời nguyện cầu thành tâm này, đã thấy nơi Giêrusalem trần thế ấy hình ảnh Giêrusalem thiên đình, mầu nhiệm của Hội Thánh, được xây dựng bằng các tảng đá sống và được xây trên tình yêu cứu độ của Chúa Kitô Cứu Chuộc.
(Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 12/10/2005).