LƯU Ý

Đây là những văn bản Huấn quyền của Giáo Hội mà anthanhlinhgiang đã thu thập được trong nhiều năm và từ nhiều nguồn khác nhau - có thể từ internet hoặc có thể từ những người thiện chí gửi đến. Vì thế có những văn bản không rõ nguồn được lấy từ đâu hoặc có thể không có tính chính xác trong khi dịch thuật hoặc đã bị chỉnh sửa. Vì vậy trong quá trình sử dụng, bạn nào thấy có điều bất trắc, xin vui lòng báo lại để anthanhlinhgiang điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.

Những văn bản có nguồn gốc thì anthanhlinhgiang sẽ ghi rõ ràng để các bạn yên tâm.

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

ĐTC Gioan Phaolô II - Tông huấn về hoà giải và sám hối trong sứ mạng của Hội Thánh ngày nay - Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Gám mục (Phần I)

TÔNG HUẤN
HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG
VỀ HÒA GIẢI VÀ SÁM HỐI TRONG SỨ MẠNG
CỦA HỘI THÁNH NGÀY NAY
Giáo hoàng Gioan Phaolô II,
gởi các giám mục, giáo sĩ và tín hữu

(PHẦN I)

Dịch theo Bản Anh văn :
On Reconciliation and Penance
in the Mission of the Church today
St. Paul Editions
MỤC LỤC
VỀ HÒA GIẢI VÀ SÁM HỐI TRONG SỨ MẠNG
DẪN NHẬP
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA VĂN KIỆN
Một thế giới bị xâu xé
Khát Mong Hòa Giải
Quan Điểm Của Thượng Hội Đồng

PHẦN I
HOÁN CẢI VÀ HÒA GIẢI
BỔN PHẬN VÀ SỰ DẤN THÂNCỦA HỘI THÁNH
CHƯƠNG I
DỤ NGÔN VỀ SỰ HÒA GIẢI
Từ Người Em Bị Lạc Mất ...
... Đến người anh ở lại nhà.
CHƯƠNG II
TÌM VỀ NHỮNG NGUỒN MẠCH
CỦA SỰ HÒA GIẢI
Dưới Ánh Sáng Đức Kitô Đấng Hòa Giải
Hội Thánh Hòa Giải
Hội Thánh Được Giao Hòa
CHƯƠNG III
SỰ KHỞI XƯỚNG CỦA THIÊN CHÚA
VÀ TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH
Sự Hòa Giải Đến Từ Thiên Chúa
Hội Thánh - Đại Bí Tích Hòa Giải
Các Phương Thế Hòa Giải Khác

PHẦN II
TÌNH YÊU LỚN HƠN TỘI LỖI
Bi Kịch Của Con Người
CHƯƠNG I
MẦU NHIỆM TỘI LỖI
Không Tuân Phục Thiên Chúa
Chia Rẽ Giữa Anh Em
Tội Cá Nhân Và Tội Xã Hội
Tội Nặng Và Tội Nhẹ
Mất Cảm Thức Về Tội.
CHƯƠNG II
MYSTERIUM PIETATIS
Đó Chính Là Đức Ki-Tô
Nỗ Lực Của Người Ki-Tô Hữu
Hướng Tới Đời Sống Giao Hòa

PHẦN III
MỤC VỤ SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI
Cổ Võ Việc Sám Hối Và Hòa Giải
CHƯƠNG I
SỰ CỔ VŨ CHO VIỆC SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI
Những Phương Thế Và Đường Lối
Đối Thoại
Huấn Giáo
Các Bí Tích
CHƯƠNG II
BÍ TÍCH SÁM HỐI VÀ HÒA GIẢI
“Các con tha tội cho ai...”
Bí Tích Tha Thứ
Một Vài Xác Tín Căn Bản
Các Hình Thức Cử Hành
Cử Hành Bí Tích Với Việc Xá Giải Chung
Vài Trường Hợp Tế Nhị Khác

KẾT LUẬN
BÀY TỎ NIỀM HY VỌNG


DẪN NHẬP
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA VĂN KIỆN
1. Đối với người thời này khi nói về Hòa giải và Sám hối là mời gọi họ tái khám phá và chuyển ra ngôn ngữ riêng của mình, những lời mà Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ và là Thầy chúng ta đã khai mạc cuộc giảng thuyết :“Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”  nghĩa là đón nhận tin mừng tình yêu, tin mừng được làm con cái Chúa và trở thành anh em với nhau.
Vì sao một lần nữa Hội Thánh lại đề cập đến chủ đề và lời mời gọi này ?
Mối quan tâm để biết rõ hơn và am hiểu con người thời đại và thế giới hiện nay, giải quyết những khúc mắc và khai mở những bí ẩn của họ cũng như phân định những mầm mống tốt lành và xấu xa, trong đó, đã khiến từ lâu bao người băn khoăn nhìn vào con người và thế giới. Có cái nhìn của sử gia, nhà xã hội học, triết và thần học, nhà tâm lý và nhân học, thi sĩ và nhà thần bí, nhất là cái nhìn lo âu nhưng đầy hy vọng của người mục tử.
Điều này được biểu lộ điển hình trong mỗi trang của Hiến chế Mục Vụ quan trọng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II “Vui Mừng và Hy Vọng” nói về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, cách đặc biệt trong phần dẫn nhập rất bao la và sâu sắc. Điều này cũng biểu lộ trong vài văn kiện đầy khôn ngoan và bác ái của các vị tiền nhiệm khả kính của tôi, mà triều giáo hoàng đã ghi dấu bằng biến cố lịch sử và ngôn sứ của công đồng ấy.
Cùng với những người khác, người mục tử cũng có thể nhận thấy, trong số các đặc trưng bất hạnh của thế giới và nhân loại thời nay, sự hiện hữu của những mối chia rẽ sâu rộng và đau thương.
MỘT THẾ GIỚI BỊ XÂU XÉ
2. Những mối chia rẽ này biểu lộ trong các mối tương quan giữa các cá nhân và các nhóm và cả ở bình diện các nhóm lớn hơn : giữa các quốc gia với nhau, cũng như giữa các khối quốc gia đối nghịch, trong cuộc tranh giành quyền thống trị. Ở cội nguồn của sự phân rã này, không khó gì nhận ra những xung khắc mà thay vì được giải quyết bằng đối thoại lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong sự đối đầu và thù nghịch.
Các người quan sát tinh tế, khi nghiên cứu những yếu tố gây chia rẽ, đã khám phá các nguyên do thuộc nhiều loại rất khác nhau : từ sự mất cân đối đang gia tăng giữa các nhóm người, các tầng lớp xã hội và các quốc gia với nhau, cho đến sự kìch địch dai dẳng về ý thức hệ ; từ sự cạnh tranh về lợi tức kinh tế đến những phân cực về chính trị ; từ sự phân biệt sắc tộc đến những kỳ thị vì lý do tôn giáo và xã hội. Hơn nữa, một vài sự kiện xem ra hiển nhiên đa cho thấy bộ mặt thảm não của những mối chia rẽ vốn là nguyên nhân của những sự kiện đó, và cho thấy tính cách trầm trọng không thể nào làm ngơ được.
Một số hiện tượng xã hội đáng quan ngại đang xảy ra trong thời đại chúng ta là :
- Sự chà đạp những quyền lợi căn bản của con người, tiên vàn quyền được sống và được mức sống xứng đáng với nhân phẩm ; điều trớ trêu là sự chà đạp này vẫn tồn tại bên cạnh những lời hoa mỹ về nhân quyền.
- Ngấm ngầm tấn công và đàn áp quyền tự do của các cá nhân và các nhóm, kể cả quyền tự do tin, tuyên xưng và thực hành lòng tin của con người. Đây là quyền tự do thường bị vi phạm và đe dọa nhất.
- Những hình thức kỳ thị khác nhau : chủng tộc, văn hóa và tôn giáo .v.v.
- Bạo lực và khủng bố
- Sử dụng tra tấn và những phương thức đàn áp bất công và phi pháp
- Tàng trữ vũ khí qui ước và nguyên tử, cuộc chạy đua vũ trang đã tiêu hao vào mục đích quân sự những số tiền lẽ ra có thể dùng để xoa dịu nỗi thống khổ oan ức của đám người bị chèn ép về mặt xã hội và kinh tế.
- Sự phân chia không đồng đều các nguồn tài nguyên trên thế giới và những kho tàng văn hóa, đạt tới đỉnh cao trong một tổ chức xã hội, trong đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng gia tăng  . Sức mạnh ghê gớm của sự chia rẽ này làm cho thế giới chúng ta đang sống trở thành một thế giới bị xâu xé  tận chính nền tảng của nó.
Hơn nữa, Hội Thánh tuy không đồng hóa với thế giới hoặc thuộc về thế giới nhưng ở trong thế giới và dấn thân đối thoại với thế giới . Cũng không có gì ngạc nhiên khi người ta nhận thấy rằng ngay trong chính cơ cấu của Hội Thánh cũng có những tàn tích và dấu hiệu của sự chia rẽ đang chi phối xã hội loài người. Trước hết phải kể đến sự chia rẽ giữa các Cộng đoàn Kitô giáo đã gây tác hại đáng tiếc từ bao thế kỷ qua. Hội Thánh ngày nay cũng chứng kiến mối chia rẽ còn rải rác giữa các thành viên của mình, xuất phát từ những quan điểm và lựa chọn khác nhau, trong lãnh vực đạo lý và mục vụ .
Những chia rẽ này đôi khi cũng có thể có vẻ nan giải. Thoạt đầu người ta có thể bất an trước những điều chia rẽ này, nhưng chỉ cần thẩm định lại kỹ càng, người ta có thể truy ra căn nguyên của chúng : căn nguyên được tìm thấy trong “vết thương” nơi chính bản tính thâm sâu của con người. Trong ánh sáng của niềm tin, chúng ta gọi đó là tội : khởi đi từ tội nguyên tổ, vốn tất cả mọi người chúng ta đều mang lấy từ lúc sơ sinh như một sự thừa kế từ cha mẹ “tiên khởi” của chúng ta, cho đến tội mà mỗi chúng ta phạm khi lạm dụng sự tự do của riêng mỗi người.
KHÁT MONG HÒA GIẢI
3. Tuy nhiên, cùng một cái nhìn dò hỏi tương tự, nếu phân tách đủ, sẽ tìm thấy trong những sự chia rẽ đó một khát vọng dễ nhận ra trong số những người có thiện ý và trong những ki-tô hữu đích thực muốn hàn gắn những chia rẽ đó, muốn chữa lành những vết thương và muốn tái thiết một sự hiệp nhất tất yếu ở mọi mức độ. Khát vọng này dậy lên trong nhiều người một mong muốn thực tâm cho một sự hòa giải, ngay cả trong những trường hợp khi không sử dụng trực tiếp từ ngừ này.
Một vài người coi việc hòa giải như một giấc mơ viễn vông vốn có lẽ trở thành thang giá trị nhằm biến đổi thực sự xã hội một cách lý tưởng. Đối với những người khác, việc hòa giải đạt được bởi những nỗ lực gian khổ, và vì vậy mục đích phải đạt được bằng vô vàn, vô số những ưu tư và hành động.
Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa, mong muốn một sự hòa giải thành thực và thích hợp là một sức mạnh lay chuyển cơ bản trong xã hội chúng ta, phản ảnh một khát vọng hòa bình không thẻ kìm hãm. Nó cũng mạnh mẽ ngang với những nhân tố gây chia rẽ, dù đây là một (so sánh) nghịch lý.
Nhưng sự hòa giải không thẻ kém sâu xa hơn chính sự chia rẽ. Mong muốn hòa giải và chính sự hòa giải, sẽ chỉ hoàn thiện và hữu hiệu trong phạm vi mà nó đạt đến đẻ chữa lành tội nguyên tổ, vốn là căn nguyên của mọi vết thương khác : còn gọi đó là “tội”.
QUAN ĐIỂM CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG
4. Vì thế, mỗi định chế hay tổ chức quan tâm đến việc phục vụ con người và bảo vệ họ trong những chiều kích căn bản, cần phải nghiên cứu cẩn thận tiến trình hòa giải, ngõ hầu thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, đồng thời rút ra những kết luận cần thiết.
Hội Thánh Kitô không thể nào lẫn tránh việc nghiên cứu vần đề này. Với sự tận tâm của Người Mẹ và sự hiểu biết của Nhà giáo, chính Hội Thánh phải sốt sắng và cẩn thận nghiên cứu để khám phá trong xã hội không chỉ các dấu vết của sự chia rẽ mà còn những dấu hiệu không kém ý nghĩa và hấp dẫn của việc mưu cầu hòa giải. Thực vậy, Hội Thánh biết rằng mình được trao ban khả năng và sứ vụ trình bày ý nghĩa đích thực, và thâm thúy về mặt tôn giáo, của việc hòa giải cũng như sự toàn vẹn của nó. Chỉ nguyên công việc đó Hội Thánh đã đóng góp nhằm làm sáng tỏ những lãnh vực chính yếu của vấn đề hiệp nhất và hòa bình.
Các vị tiền nhiệm của tôi đã không ngừng rao giảng sự hòa giải và kêu mời hòa giải toàn thể nhân loại, cũng như từng vùng và từng thành phần thuộc cộng đồng nhân loại, mà các ngài nhận thấy đang bị phân rã và bị chia rẽ . Và chính bản thân tôi, với sự thúc đẩy nội tâm mà tôi xác tín là tuân theo cả thần hứng từ trên cao lẫn những tiếng kêu của nhân loại, tôi đã quyết định nhấn mạnh đến đề tài Hòa giải, và tiến hành việc này theo hai cách ; mỗi cách thức đều có tính long trọng và cam go của nó. Trước hết là triệu tập Đại hội lần thứ sáu của Thượng Hội Đồng Giám mục ; kế đến là đặt việc Hòa giải như là trọng tâm của Năm Toàn xá được cử hành mừng kỷ niệm lần thứ 1950 của biến cố Cứu chuộc .
Khi phải chỉ định đề tài cho Thượng Hội Đồng, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ đề đã được nhiều anh em trong hàng giám mục gợi ra, một đề tài rất phong phú, đó là hòa giải, được nối kết chặt chẽ với đề tài sám hối .
Hạn từ và khái niệm đúng đắn về Sám hối quả là phức tạp. Nếu chúng ta nối kết sám hối với hoán cải (metanoia) được nói trong Tin Mừng Nhất lãm, thì chúng có nghĩa là sự thay đổi tận căn của con tim dưới ảnh hưởng của Lời Chúa và trong viễn cảnh Nước Trời . Thế nhưng sám hối cũng có nghĩa là thay đổi đời sống mình cho hài hòa với sự thay đổi của con tim ; cũng theo ý nghĩa này, việc thực thi sám hối được kiện toàn với việc phát sinh hoa trái chứng tỏ lòng sám hối  : toàn thể cuộc sống trở thành sám hối, nghĩa là cố gắng liên tục hướng tới cái tốt hơn. Thế nhưng, thực thi sám hối chỉ trở thành chân chính và hiệu nghiệm nếu được diễn tả bằng những hoạt động và những hành vi sám hối. Theo nghĩa này sám hối trong ngôn ngữ thần học và tu đức Kitô giáo, có nghĩa là khổ chế, nghĩa là một nỗ lực cụ thể và thường ngày của một người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, nhằm từ bỏ mạng sống mình vì Đức Kitô, như là phương thế duy nhất để lấy lại nó  ; một nỗ lực lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới , một nỗ lực nhằm khắc phục nơi chính mình những gì thuộc về xác thịt để cho những gì thuộc thần khí  có thể vượt thắng ; một nỗ lực liên tục nhằm vươn lên từ những gì thuộc hạ giới để tới những gì thuộc hạ giới nơi Đức Kitô đang ngự trị . Như thế sám hối là sự hoán cải di chuyển từ con tim đến hành động, và sau cùng tới toàn thể đời sống người Kitô hữu.
Trong mỗi ý nghĩa vừa nói trên, sự sám hối được nối kết chặt chẽ với sự hòa giải, bởi vì việc hòa giải với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân bao hàm việc khắc phục sự đổ vỡ căn bản là tội lỗi. Và việc này chỉ đạt được nhờ sự thay đổi nội tâm hay hoán cải để sinh hoa trái trong đời sống cá nhân qua những hành vi sám hối.
Văn kiện sơ khởi của Thượng Hội Đồng (được gọi là “Lineamenta"), được soạn thảo với mục đích duy nhất là trình bày đề tài và nhấn mạnh đến vài chiều kích nền tảng của nó, đã giúp cho các giáo hội trên khắp thế giới có thể suy tư trong suốt hai năm trời về những khía cạnh của một vấn đề có liên quan đến mỗi người, tức là vấn đề hoán cải và hòa giải. Nó cũng giúp họ rút ra được một động lực mới cho đời sống Kitô hữu và công tác tông đồ. Cuộc suy tư ấy được đào sâu hơn nữa trong việc chuẩn bị gần cho hoạt động của Thượng Hội Đồng, nhờ vào Tài Liệu làm việc (Instrumentum Laboris) đã được kịp thời gởi cho các giám mục và những cộng sự viên của các ngài. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của những người tham dự các phiên họp, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã dành trọn một tháng để bàn kỹ lưỡng về chính đề tài đó cùng với nhiều vấn đề có liên quan tới nó. Từ những cuộc tranh luận, công tác nghiên cứu chung và sự làm việc cần cù và cẩn thận, đã thâu lượm được một kho tàng phong phú và quý giá, được tổng hợp vào các Propositiones (kiến nghị).
Quan điểm Thượng Hội Đồng đã không xem thường các hành vi hòa giải (một số đó diễn ra cách bình thường không được ai chú ý) mà trong những cấp độ khác nhau đã giúp giải quyết nhiều căng thẳng, vượt qua nhiều xung đột và hàn gắn bao chia rẽ cả lớn lẫn bé, qua việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên mối quan tâm chính của Thượng Hội Đồng là khám phá giữa những hành động rải rác này, căn rễ ngấm ngầm - tạm gọi là sự hòa giải ở cội nguồn - đang diễn ra trong tâm trí của mọi người.
Đứng trước vấn đề hòa giải, dù phải thực hiện ở cấp độ nào đi nữa, thì đoàn sủng và tính độc đáo của Hội Thánh nằm ở chỗ Hội Thánh luôn phải quay về sự hòa giải tận cội nguồn nói trên. Bởi vì do sứ vụ thiết yếu của mình, Hội Thánh có bổn phận phải đi tới tận gốc rễ của vết thương nguyên thủy là tội lỗi ngõ hầu mang lại sự chữa trị, và tái lập sự hòa giải nguyên thủy, nguyên uỷ hiệu nghiệm của mọi hòa giải đích thực. Đây là sự hòa giải Hội Thánh quan niệm và khai triển nhờ Thượng Hội Đồng.
Kinh Thánh trình bày cho chúng ta về sự hòa giải này, khi mời gọi chúng ta cố gắng hết sức để đạt tới nó . Thế nhưng, Kinh Thánh cũng nói tiên vàn đó là hồng ân thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại . Lịch sử cứu độ, cho dù là của toàn thể nhân loại hay của từng cá nhân đều là lịch sử tuyệt vời về sự hòa giải : Sự hòa giải trong đó Thiên Chúa là Cha qua bửu huyết và thập giá của Con Ngài làm người đã giao hòa thế gian với chính Ngài, và như thế Ngài thiết lập một gia đình mới gồm những ai đã được giải hòa.
Việc hòa giải trở nên cần thiết bởi vì đã có những đổ vỡ do tội, từ đó phát sinh ra mọi hình thức đổ vỡ khác trong con người và xung quanh con người. Chính vì thế để sự hòa giải được hoàn toàn thì cần phải có sự giải phóng khỏi tội lỗi, tội lỗi cần phải nhổ tận rễ. Như vậy có một mối liên kết chặt chẽ nội tại giữa sự hoán cải với việc hòa giải, không thể nào tách rời hai thực thể đó, hay nói về cái này mà không nói về cái kia.
Thượng Hội Đồng đã đồng thời đề cập đến sự hòa giảicủa toàn thể gia đình nhân loại và sự thay đổi nơi con tim của từng cá nhân, đến việc trở về với Thiên Chúa. Thượng Hội Đồng làm như thế là vì muốn thừa nhận và cho thấy sự kiện là không thể có sự hiệp nhất giữa con người, nếu không có sự thay đổi nội tâm của từng cá nhân. Sự hoán cải bản thân là con đường cần thiết dẫn tới sự hòa hợp giữa các cá nhân . Khi công bố Tin mừng về sự hòa giảihoặc đề nghị thực hiện việc hòa giảinhờ các bí tích, Hội Thánh đang thi hành vai trò đích thực của mình là ngôn sứ, lên án những sự dữ nơi con người trong cội nguồn nhiễm độc của chúng, phơi bày cội rễ của những phân rẽ và mang lại niềm hy vọng có thể vượt thắng những căng thẳng và tranh chấp mà vươn đến tình huynh đệ thuận thảo và an bình ở mọi cấp độ, mọi tầng lớp của xã hội con người, Hội Thánh đang chuyển đổi điều kiện lịch sử của hận thù và bạo lực thành một nền văn minh tình yêu. Hội Thánh đang cống hiến cho mỗi người nguyên lý của Tin mừng và có tính bí tích về một sự hòa giảitại nơi cội nguồn của nó. Từ cội nguồn này mới phát sinh được các cử chỉ và hành động hòa giải khác, ngay cả trên bình diện xã hội.
Chính sự hòa giải đó là kết quả của sự hoán cải, là nội dung của Tông huấn này. Vì, như đã diễn ra khi kết thúc ba khóa họp Thượng Hội Đồng trước đây lần này các nghị phụ cũng đệ trình kết luận của Thượng Hội Đồng lên Giám mục Roma, vị chủ chăn toàn cầu của Hội Thánh và là người đứng đầu giám mục đoàn, với tư cách là chủ tịch Thượng Hội Đồng. Như là một bổn phận nghiêm minh và quý mến của tác vụ của tôi, tôi đã chấp nhận công tác phải soạn ra, từ nguồn phong phú lớn lao của Thượng Hội Đồng, một sứ điệp tín lý và mục vụ về đề tài sám hối và hòa giảiđể cống hiến cho dân Chúa như thành quả của Thượng Hội Đồng.
Trong phần một, tôi sẽ nói về Hội Thánh trong công tác thực hiện sứ mạng hòa giảicủa mình, trong việc làm cho các tâm hồn có thể quay về trong vòng tay Thiên Chúa, làm cho con người nối lại vòng tay với con người, với toàn thể vũ trụ.
Trong phần hai, tôi sẽ cho thấy nguyên nhân cội rễ gây nên mọi vết thương, mọi phân rẽ giữa con người với con người, nhất là giữa con người với Thiên Chúa : đó là tội lỗi.
Sau đó, tôi sẽ đề ra các phương tiện hỗ trợ cho Hội Thánh trong việc cỗ vũ và khích lệ một sự hòa giảitròn đầy giữa con người với Thiên Chúa và từ đó giữa con người với nhau.
Tông Huấn mà giờ đây tôi muốn trao đến tay các con cái của Hội Thánh cũng như tất cả những người dù có tín ngưỡng hay không, đang thành tâm chú ý đến Hội Thánh, là một lời đáp trả tương xứng với những gì Thượng Hội Đồng yêu cầu tôi. Và tôi nói rõ, vì đây là một bổn phận đối với sự thật và sự công bằng, Tông Huấn này cũng là một tác phẩm của chính Thượng Hội Đồng. Vì rằng nội dung của những trang sau đây phát xuất từ Thượng Hội Đồng, từ công việc chuẩn bị xa gần của Thượng Hội Đồng, từ bản "Tài liệu làm việc" (Instrumentum Laboris), từ những sự can thiệp của phòng họp hay trong các nhóm (Circuli Minores) của Thượng Hội Đồng, và nhất là từ "tập kiến nghị" (Propositiones). Ở đây chúng tôi có được thành quả công việc hợp tác của các Nghị phụ, trong đó có đại diện của các Giáo hội Đông Phương với di sản thần học, tu đức và phụng vụ rất phong phú và đáng kính trọng kể cả trong đề tài chúng ta bàn luận ở đây. Hơn nữa chính ban Thư ký Thượng Hội Đồng đã đánh giá cao trong hai khóa họp quan trọng, những thành quả và những phương hướng do cuộc họp Thượng Hội Đồng đề ra sau khi bế mạc. Chính ban Thư ký làm nổi bật tính năng động của những Propositiones trên, và đã vạch ra những đường nét thích hợp nhất cho việc soạn thảo Tông Huấn này. Tôi chân thành biết ơn tất cả những ai đã cộng tác trong việc biên soạn bản thảo này và, trung thành với sứ mệnh của tôi, tôi muốn trao lại những điều rút ra từ kho tàng tín lý và mục vụ của Thượng Hội Đồng, mà theo tôi có tính cách quan phòng cho cuộc sống con người vào thời điểm huy hoàng tuy cam go này của lịch sử.
Thật là thích hợp và ý nghĩa để làm điều này trong khi ký ức về Năm Thánh vẫn còn đậm nét trong tâm trí người dân, một năm đã được sống trong tinh thần sám hối, hoán cải và hòa giải. Ước gì khi được gởi đến anh em của tôi trong giám mục đoàn, đến các cộng viên của ngài như các linh mục, và phó tế, đến các nam nữ tu sĩ, và tất cả những ai có lương tâm chính trực, Tông Huấn này là một phương tiện để đức tin được thanh luyện, phong phú hóa và đào sâu. Ước gì Tông Huấn này cũng là chất men kích thích giữa lòng thế giới sự tăng trưởng của hòa bình, tình huynh đệ, hy vọng và niềm vui, - những giá trị nảy sinh từ Tin mừng được đón nhận, suy gẫm và sống ngày này qua ngày nọ theo gương Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà Thiên Chúa đã vui lòng hòa giải tất cả mọi sự với mình .

PHẦN I
HOÁN CẢI VÀ HÒA GIẢI
BỔN PHẬN VÀ SỰ DẤN THÂNCỦA HỘI THÁNH
CHƯƠNG I
DỤ NGÔN VỀ SỰ HÒA GIẢI
5. Mở đầu Tông Huấn này, tôi nghĩ đến một đoạn văn tuyệt vời của Tin mừng theo thánh Luca mà tôi đã cố gắng giải thích tính cách sâu thẳm về đạo nghĩa cũng như về nhân bản trong một văn kiện trước đây . Tôi muốn nói đến dụ ngôn “người con hoang đàng” .
TỪ NGƯỜI EM BỊ LẠC MẤT ...
Đức Giêsu nói :“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng :“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”, và Người bắt đầu kể câu chuyện bi thương về người con thứ : bỏ nhà mạo hiểm ra đi, quẳng hết phần tài sản vào một cuộc sống buông thả và trống rỗng, những ngày tha hương đen tối và đói khát, nhất là mất hết cả phẩm giá, nhục nhã, tủi khổ và rồi nỗi nhớ nhà, can đảm đứng lên trở về, người cha giang tay đón rước. Chắc hẳn người cha đã không quên con, luôn cất giữ mối tình trìu mến và qúy trọng đối với con. Vì thế ông ta đã luôn ngóng đợi con, và giờ đây giang tay ôm choàng lấy con, truyền lệnh mở tiệc chiêu đãi con trở về, người con “đã chết nay sống lại, đã lạc mất nay lại tìm thấy”.
Người con hoang đàng này là con người , là mỗi một con người : bị mê hoặc do cám dỗ tách lìa khỏi Cha để sống tự lập ; bị thất vọng về những ảo ảnh trống rỗng đã làm mình mê muội ; cô đơn, bị hạ nhục, bị khai thác khi cố xây dựng một thế giới cho riêng mình ; bị nỗi ước muốn trở về hiệp thông với cha dày vò trong khi lặn hụp trong hố sâu khốn khổ. Như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa ngóng trông đợi con mình trở về, và khi nó đến ôm choàng lấy nó trong vòng tay, mở tiệc mừng sự giao hòa phát sinh từ sự tái ngộ.
Yếu tố đánh động nhất trong dụ ngôn là sự tiếp đón tưng bừng và đầy yêu thương dành cho người con trở về : đây chính là biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ. Chúng ta hãy nói ngay rằng : hòa giải chủ yếu là ân huệ của Cha trên Trời.
... ĐẾN NGƯỜI ANH Ở LẠI NHÀ.
6. Nhưng dụ ngôn cũng họa nên bức tranh người anh từ chối không ngồi vào bàn tiệc. Anh ta chê trách người em đã lêu lổng và anh ta cũng trách cả người cha đã nồng hậu đón tiếp người con hoang đàng, còn bản thân anh, một người sống chừng mực làm việc cần cù, luôn trung thành với cha, với gia đình - theo như anh nói - thì lại không bao giờ có được một bữa tiệc liên hoan với bạn bè. Điều này chứng tỏ anh ta không hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha. Bao lâu mà người anh quá cầm chắc về mình, về những đức tính tốt của mình, nhưng lại ganh tỵ, kiêu căng, chua chát và giận dữ, đã không trở về và không giao hòa với cha và em mình, thì bữa tiệc vẫn chưa phải là một bữa tiệc mừng vui của sự đoàn tụ và tái khám phá.
Con người, mỗi một con người cũng là hiện thân của người anh cả. Tính ích kỷ làm anh ta trở thành ganh tỵ, làm chai cứng con tim, làm mù mắt anh ta và làm anh ta đóng chặt cửa tách biệt khỏi người khác và tách lìa khỏi Thiên Chúa. Lòng nhân hậu yêu thương và thương xót của người cha làm anh ta tức tối nổi khùng. Đối với anh ta, niềm hạnh phúc của việc tìm lại được đứa em thấm vị chua chát . Từ quan điểm này, anh ta cũng cần phải được trở lại để hòa giải.
Dụ ngôn “người con hoang đàng”, trước hết là câu chuyện về tình yêu khôn tả của người cha, của Thiên Chúa, của Đấng đã ban cho người con quà tặng của sự hòa giải hoàn toàn khi nó quay về với Người. Nhưng dụ ngôn, qua bức chân dung của người anh cả, cũng làm nổi bật tính ích kỷ làm anh em chia rẽ nhau, đây cũng là câu chuyện của gia đình nhân loại : nó nói lên hiện trạng của chúng ta và vạch cho chúng ta con đường phải theo...
Đứa con hoang đàng, trong niềm ao ước hoán cải và trở về trong vòng tay của người Cha để được tha thứ, tiêu biểu cho những ai ý thức tận trong tâm khảm họ sự hiện diện của lòng khao khát hòa giải ở mọi khía cạnh và không chút dè dặt, và những ai trong thâm tâm nhận ra được một cách chắc chắn rằng sự hòa giải này chỉ có thể có được nếu nó bắt nguồn từ sự hòa giải tiên khởi và nền tảng, sự hòa giải mang con người từ tình trạng phân ly đến tình thân hữu con cái với Thiên Chúa, Đấng mà họ nhìn nhận là có lòng thương xót không bờ bến. Nhưng nếu dụ ngôn được đọc từ một quan điểm của người anh, nó miêu tả sinh động một hoàn cảnh gia đình nhân loại bị chia rẽ bởi những hình thức ích kỷ. Nó nêu rõ những sự việc khó khăn hàm chứa trong việc thể hiện lòng ước ao và khát mong được thấy một gia đình được hòa giải và đoàn kết. Bởi vậy nó nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải biến đổi con tim thật sâu xa để tái khám phá ra được tấm lòng nhân hậu của người cha và qua việc vượt thắng những hiểu lầm và thù nghịch giữa anh chị em với nhau.
Dưới ánh sáng của dụ ngôn bất tận về lòng nhân hậu rửa sạch tội lỗi, Hội Thánh đón nhận tiếng kêu gọi mà câu chuyện này chứa đựng, và hiểu thấu được sứ mạng của mình, noi gương Chúa Ki-tô, phải hoạt động nhằm cải hoán các tâm hồn và hoà giải con người với Chúa và với nhau. Hai ý thực tại này liên kết với nhau một cách chặt chẽ.
CHƯƠNG II
TÌM VỀ NHỮNG NGUỒN MẠCH
CỦA SỰ HÒA GIẢI
DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ ĐẤNG HÒA GIẢI
7. Từ dụ ngôn đứa con hoang đàng chúng ta kết luận rằng sự hòa giải là quà tặng của Thiên Chúa, là sáng kiến của Người. Nhưng đức tin dạy chúng ta rằng sáng kiến đó được cụ thể hóa trong mầu nhiệm của Đức Ki-tô, Đấng cứu thế, Đấng hòa giải và Đấng giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi dưới hết mọi hình thức của nó. Thánh Phao-lô đã không ngần ngại tóm tắt trong nhiệm vụ và chức phận ấy tất cả sứ mạng vô song của Đức Giê-su Na-gia-rét, Ngôi Lời và Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta cũng có thể bắt đầu với mầu nhiệm trọng yếu của kế hoạch cứu rỗi, chìa khóa của Ki-tô học theo thánh Phao-lô, ngài viết : “Khi chúng ta còn là thù nghịch chúng ta đã được giao hòa với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con của Người. Phương chi, bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Con của Người, không phải chỉ có thế, chúng ta còn được vui mừng hoan hỷ trong Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, nhờ Người giờ đây chúng ta được sự hòa giải” , bởi vì trong Đức Ki-tô Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với mình, thánh Phao-lô cảm thấy hứng khởi khuyên nhủ các tín hữu Cô-rin-tô “Xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” . Sứ mạng hòa giải này thông qua cái chết trên thập giá được thánh Gio-an phát biểu với diễn ngữ khác, khi ông nhận xét rằng Đức Ki-tô phải chết, “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” .
Nhưng một lần nữa, thánh Phao-lô cho phép chúng ta mở rộng tầm mắt về công trình của Chúa ra chiều kích của vũ trụ, khi viết rằng trong Đức Ki-tô, Chúa Cha hòa giải với mình toàn thể thụ tạo trên trời dưới đất . Có thể nói một cách xác đáng về Đức Giê-su Ki-tô rằng : “Trong cơn giận dữ Người đã đứng ra giao hòa , và nếu Người là “Sự bình an của chúng ta”  thì Ngài cũng là “Sự hòa giải của chúng ta”.
Thật là hữu lý khi phụng vụ gọi cuộc khổ nạn và cái chết của Người, được tái diễn trong bí tích thánh thể, là “Hy tế hòa giải”  : hòa giải với Thiên Chúa, và với anh em, vì Đức Giê-su dạy rằng : phải hòa giải với anh em trước khi dâng của lễ .
Bởi vậy, từ những điều này và những đoạn đầy ý nghĩa khác trong Tân Ước, chúng ta có thể tập trung cách hợp lý những suy nghĩ của chúng ta về toàn bộ sứ mệnh của Đức Ki-tô như là Đấng hòa giải. Vì vậy, phải được công bố một lần nữa niềm tin của Hội Thánh vào công việc cứu chuộc của Đức Ki-tô, trong mầu nhiệm Vượt Qua của cái chết và sự phục sinh như là nguyên nhân sự hòa giải nhân loại, dưới hai khía cạnh : giải thoát con người khỏi tội lỗi và hiệp thông ơn nghĩa với Thiên Chúa.
Chính khi đứng trước cảnh tượng buồn thảm của những chia rẽ và những khó khăn trong cuộc hòa giải giữa 'con người' mà tôi muốn mời gọi mọi người hãy ngước nhìn lên 'mầu nhiệm Thập giá' như cao trào của vở kịch, trong đó Đức Ki-tô cảm nhận và hứng chịu tột độ bi kịch của việc con người tách rời khỏi Thiên Chúa, cho nên Người đã kêu lên những lời sau đây trong Thánh Vịnh : “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi, sao Ngài bỏ tôi!” , và đồng thời Người hoàn tất sự hòa giải của chúng ta. Với cặp mắt nhìn cắm lên mầu nhiệm Gôn-gô-tha luôn luôn phải nhắc nhở chúng ta về “chiều thẳng đứng” của sự chia rẽ và sự hòa giải trong mối tương quan con người và Thiên Chúa. Chiều kích đó, với cặp mắt đức tin luôn luôn đi trước “chiều ngang”, nghĩa là đi trước thực tại về sự chia rẽ giữa con người với nhau và về sự cần thiết phải hòa giải với nhau. Chúng ta biết rằng sự hòa giải giữa con người chỉ là, và chỉ có thể là kết quả của hành động cứu chuộc của Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng vương quốc tội lỗi, để tái lập giao ước với Thiên Chúa và phá đổ bức tường ngăn cách  mà tội lỗi đã dựng nên giữa con người.
HỘI THÁNH HÒA GIẢI
8. Bàn về cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, thánh giáo hoàng Lê-ô Cả nói : “Tất cả những điều mà Con Thiên Chúa đã làm và đã dạy về sự hòa giải của thế giới thì chúng ta không chỉ biết được từ những hành động của Người trong lịch sử đã qua, nhưng chúng ta cũng cảm nghiệm được hiệu năng qua những điều mà Người đang thể hiện trong hiện tại” . Chúng ta cảm nghiệm được sự hòa giải mà Người đã hoàn tất trong nhân tính của mình qua hiệu quả của những mầu nhiệm thánh, được cử hành trong Hội Thánh của Người. Chính vì Hội Thánh mà Người đã trao hiến mạng sống và thiết lập Hội Thánh làm dấu hiệu và phương thế cứu rỗi.
Điều này được thánh Phao-lô tuyên bố khi viết rằng Thiên Chúa đã ban cho các tông đồ của Đức Ki-tô được chia sẻ công việc hòa giải của Người. Ông viết : “Thiên Chúa đã trao ban cho chúng tôi tác vụ hòa giải ... và lời hòa giải” . Chúa Cha đã thương ký thác cho bàn tay và môi miệng của các tông đồ, những sứ giả của Người, tác vụ hòa giải, mà họ sẽ chu toàn một cách độc đáo, do quyền năng hành động “hiện thân của Đức Ki-tô” (in persona Christi).
Nhưng lời hòa giải cũng được ký thác cho toàn thể cộng đoàn tín hữu, cho toàn thể tổ chức Hội Thánh, nghĩa là bổn phận phải thực thi những gì có thể để làm chứng nhân cho sự hòa giải và để thực hiện trong thế giới.
Có thể nói được là Công Đồng Va-ti-ca-nô II, khi định nghĩa Hội Thánh như là một “bí tích, nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự thông hiệp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất giữa loài người”, và khi xác định nhiệm vụ của Hội Thánh là đạt tới “sự hiệp nhất toàn vẹn nơi Đức Ki-tô”, đối với con người ngày nay đang càng ngày càng gắn bó với nhau nhờ những mói dây xã hội, kỹ thuật, văn hóa” , thì đã nhìn nhận rằng Hội Thánh phải nỗ lực hết mình để đưa toàn thể nhân loại đến sự hòa giải trọn vẹn.
Vì thế, gắn liền với sứ mạng của Đức Ki-tô, chúng ta có thể tóm lược sứ mạng của Hội Thánh, tuy dù phong phú và phức tạp, vào bổn phận trung tâm là hòa giải con người với Thiên Chúa và với chính mình, với tha nhân, với toàn thể thụ tạo. Điều này mang tính cách trường tồn, bởi vì như tôi đã từng nói trong một dịp khác : “Bản tính của Hội Thánh là luôn luôn hòa giải” .
Giáo Hội thực hiện công cuộc hòa giải khi công bố sứ điệp hòa giải như vẫn làm xuyên suốt lịch sử của mình, kể từ công đồng các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem  cho đến Thượng Hội Đồng giám mục cuối cùng và năm toàn xá ơn cứu rỗi gần đây. Tính độc đáo của sự công bố này hệ tại sự kiện, đối với Hội Thánh sự 'hòa giải' được nối kết chặt chẽ với việc hoán cải con tim, đây là đường lối cần thiết để con người hiểu biết lẫn nhau.
Hội Thánh cũng thực hiện công cuộc hòa giải khi trình bày cho con người những đường lối và cống hiến những phương thế nhằm đạt đến sự hòa giải theo 4 khía cạnh nói trên. Những đường lối là sự hoán cải con tim và chiến thắng tội lỗi, cho dù tội lỗi đó là sự ích kỷ hay bất công, là tự đắc hay là khai thác người khác, là gắn bó với vật chất hoặc việc tìm kiếm khoái lạc vô độ. Các phương thế là chú ý lắng nghe Lời Chúa cách bền tâm, và yêu quý cầu nguyện cá nhân hay cộng đoàn ; và đặc biệt là các bí tích, là những dấu chỉ và khí cụ thực sự cho việc hòa giải. Về phương diện này, trong số các bí tích, trổi vượt hơn hết là Bí Tích quen gọi là Bí Tích Hòa Giải hay Sám hối ; chúng ta còn trở lại vấn đề này sau.
HỘI THÁNH ĐƯỢC GIAO HÒA
9. Đức Phao-lô VI, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi đã có công làm nổi bật sự kiện là để truyền giảng Tin Mừng thì Hội Thánh phải bắt đầu bằng việc cho thấy chính mình đã được Tin Mừng hóa, nghĩa là Hội Thánh mở rộng đối với Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô một cách đầy đủ và trọn vẹn để đón nhận cũng như đem ra thực hành . Cũng vậy, khi thu gom các suy tư của Đại Hội lần thứ tư của Thượng Hội Đồng Giám mục ra thành văn kiện, tôi cũng đã nói về một Hội Thánh phải được huấn giáo ngõ hầu thi hành công tác huấn giáo .
Bây giờ, tôi không ngại lấy lại sự so sánh đó để áp dụng vào đề tài tôi đang bàn đến, nhằm khẳng định rằng nếu Giáo Hội 'thực hiện công cuộc hòa giải', cần phải bắt đầu bằng một Giáo Hội 'được giao hòa'. Đàng sau lối diễn tả đơn giản và đầy ý nghĩa ấy là niềm xác tín rằng để có khả năng công bố và đề nghị việc hòa giải cho thế giới một cách hữu hiệu hơn, Hội Thánh càng phải trở thành một cộng đoàn đích danh của môn đệ Đức Ki-tô (dẫu rằng Hội Thánh vẫn là “một đoàn chiên bé nhỏ” của những ngày đầu tiên), được liên kết với nhau trong cuộc dấn thân không ngừng hoán cải về với Chúa và sống như một đoàn dân mới trong tinh thần và thực hành việc hòa giải.
Với con người thời đại vốn rất nhạy cảm với những chứng từ sống động cụ thể, Hội Thánh được kêu mời hãy đưa ra một gương mẫu cho việc hòa giải trước tiên riêng trong nội bộ của mình. Và vì mục đích này tất cả chúng ta phải làm việc để đem lại sự bình an cho tâm trí con người, để làm giảm bớt những căng thẳng, để vượt qua những sự chia rẽ, và để chữa lành những vết thương đau mà anh em đã gây ra cho nhau khi mà sự đối chọi lập trường trong những vấn đề tư kiến trở thành kịch liệt, và ngược lại, chúng ta phải cố gắng hiệp nhất trong những gì là trọng yếu cho đức tin và đời sống Ki-tô giáo theo như phương châm của người xưa rằng : “Trong những điểm hồ nghi thì để tự do, trong những điểm thiết yếu thì phải thống nhất, và trong hết mọi sự cần có bác ái” (in dubiis libertas ; in necessatiis unitas ; in omnibus caritas).
Dựa theo chuẩn mực đó mà Hội Thánh phải tiến hành hoạt động đại kết của mình. Để được hoàn toàn hòa giải, Giáo Hội biết rằng mình phải tiếp tục mưu cầu sự hiệp nhất giữa những người hiên ngang xưng mình là Ki-tô hữu nhưng lại phân rẽ nhau, ngay cả phân rẽ thành các Giáo hội và giáo đoàn và phân ly khỏi Giáo Hội Rô-ma. Giáo Hội Rô-ma tìm kiếm sự hiệp nhất được coi như hoa trái và diễn tả sự hòa giải thực sự. Sự hiệp nhất được đặt nền không phải trên sự che dấu những điểm gây nên chia rẽ,cũng không phải trên những thỏa hiệp dễ dãi có tính cách nông cạn và dòn mỏng. Sự hiệp nhất phải là thành quả của việc hoán cải thực sự nơi mỗi người, là thành quả của sự tha thứ cho nhau, của việc đối thoại thần học và tương giao huynh đệ, của cầu nguyện và ngoan ngoãn hoàn toàn đối với tác động của Thánh Thần, Đấng cũng là 'Thần Khí của sự Hòa Giải'.
Sau cùng, để có thể nói được rằng mình đã được hoàn toàn hòa giải, Hội Thánh cảm thấy có bổn phận phải nỗ lực hơn nữa qua việc thúc đẩy cuộc “đối thoại cứu rỗi” , để đem Tin Mừng đến những khu vực rộng lớn của nhân loại trong thế giới hôm nay nhưng không được chia sẻ niềm tin với mình, thậm chí do hậu quả của phong trào tục hóa đang phát triển, họ đứng xa Hội Thánh và chống lại Hội Thánh với một thái độ hờ hững lạnh lùng, nếu chưa đến nỗi là họ ngăn cản và bắt bớ Hội Thánh. Hội Thánh cảm thấy bổn phận cần nói một lần nữa cho mọi người những lời của thánh Phao-lô :“Xin hãy hòa giải với Thiên Chúa” .
Dù sao đi nữa, Hội Thánh cổ động việc hòa giải 'trong sự thật' và biết rằng không thể có hòa giải hay hợp nhất ở ngoài hoặc nghịch lại với sự thật.
CHƯƠNG III
SỰ KHỞI XƯỚNG CỦA THIÊN CHÚA
VÀ TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH
10. Là một cộng đoàn hòa giải và được giao hòa, Hội Thánh không thể nào quên nguồn mạch của hồng ân và sứ mạng hòa giải của mình là sáng khởi đầy tình nhân ái và thương xót của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu  và do tình yêu, Người đã tạo dựng nên con người  ; và Người tạo dựng con người để họ sống trong tình thân hữu với Người và thông hiệp với nhau.
SỰ HÒA GIẢI ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
Thiên Chúa trung thành trong kế hoạch đời đời, cả khi con người bị Thần Dữ thúc đẩy  và bị tính kiêu ngạo lôi kéo, đã thay vì sử dụng tự do mà Chúa đã ban cho để yêu mến và đi tìm điều thiện một cách quảng đại, con người lại từ chối vâng phục Chủ Tể và Cha của mình. Thiên Chúa trung thành cả khi con người thay vì dùng tình yêu để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, lại đối đầu với Người và coi Người như một đối thủ, và đã tự lừa dối mình, cậy dựa vào sức riêng mình, mà cắt đứt mối liên hệ với Đấng đã tạo nên mình. Bất chấp lỗi phạm về phía con người, Thiên Chúa vẫn 'trung tín với Tình Yêu'. Quả thực, câu chuyện nơi vườn Ê-đen làm chúng ta nghĩ về những hậu quả bi thảm khi chối từ người Cha, mang lại cảnh xáo trộn trong nội tâm con người, và phá hủy sự hòa điệu giữa nam nữ, giữa anh em . Dụ ngôn Tin Mừng cũng cho thấy hai người anh em, mỗi người mỗi cách, đã tách ly khỏi cha mình và gây nên một vết rạn nứt giữa họ với nhau. Việc từ chối tình yêu của Thiên Chúa là Cha mình và những tặng phẩm âu yếm của Người luôn là cội rễ của những phân rẽ nơi nhân loại.
Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa , “Đấng giàu lòng từ bi” , giống như người cha trong dụ ngôn, không đóng lòng lại với bất cứ đứa con nào. Người chờ đợi, tìm kiếm và đến gặp họ ở chính nơi mà sự từ chối hiệp thông đã khép chặt họ trong cô lập và phân ly. Người mời gọi họ tụ họp quanh bàn tiệc với niềm vui của buổi lễ mừng sự tha thứ và hòa giải.
Sáng khởi này từ phía Thiên Chúa đã được thực hiện cụ thể và hiển nhiên trong công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô, rộng tỏa khắp thế giới nhờ tác vụ của Giáo Hội.
Theo đức tin của chúng ta. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người và đến cư ngụ giữa thế giới ; Người đã đi vào lịch sử của thế giới, thâu hồi và quy tụ nó trong Người . Người mặc khải cho chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Người ban cho chúng ta “giới luật mới” của tình yêu , đồng thời thông chuyển cho chúng ta sự đoan chắc rằng con đường tình yêu đang mở ra cho tất cả mọi người, như vậy nỗ lực xây dựng tình huynh đệ toàn cầu không là việc vô ích . Bằng cuộc chiến thắng sự dữ và quyền lực tội lỗi nhờ cái chết trên thập giá, với tâm tình yêu mến vâng phục, Người đã đem ơn cứu độ đến cho mọi người và trở thành “sự hòa giải” cho tất cả. Trong Người Thiên Chúa hòa giải con người với chính mình.
Hội Thánh tiếp tục công bố sự hòa giải mà Đức Ki-tô đã làm vang vọng khắp miền Ga-li-lê và khắp xứ Pa-lét-tin , và Hội Thánh không ngừng mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin Mừng. Mượn lời kêu gọi của thánh Phao-lô, mà chúng tôi đã nhắc đến làm lời của mình, Hội Thánh nhân danh Đức Ki-tô tuyên bố :“Chúng tôi là những sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà kêu gọi. Vậy nhân danh Đức Chúa Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” .
Những ai đón nhận lời mời gọi này thì bước vào nhiệm cục hòa giải và cảm nhận được sự thật chất chứa trong một lời khẳng định khác của thánh Phao-lô, ngài nói Đức Ki-tô “là bình an của chúng ta, Người đã liên kết đôi bên lại và đã phá đổ bức tường thù nghịch ngăn cách ... như vậy, khi thiết lập hòa bình” Người làm cho đôi bên chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa . Đoạn văn này trực tiếp đến tình trạng xóa tan việc phân rẽ tôn giáo giữa Ít-ra-en như dân tộc được tuyển chọn trong Cựu Ước - và các dân tộc khác, tất cả đều được kêu mời làm nên thành phần của Tân Ước. Tuy vậy, nó còn chứa đựng việc xác nhận đặc tính phổ quát tinh thần mà Thiên Chúa muốn và được Người hoàn thành nhờ hy lễ của Người Con, Ngôi Lời làm người, không có giới hạn hay một loại trừ nào, dành cho tất cả nhưng ai đã hoán cải và tin vào Đức Ki-tô. Vì thế tất cả chúng ta – mọi người và mọi dân tộc - được kêu gọi vui hưởng hoa trái của việc hòa giải do Chúa muốn.
HỘI THÁNH - ĐẠI BÍ TÍCH HÒA GIẢI
11. Hội Thánh có sứ mệnh loan báo sự hòa giải này, và là bí tích của sự hòa giải trong thế giới. Hội Thánh là 'Bí Tích', nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ hòa giải trong nhiều cách thế khác nhau tuy khác biệt về giá trị nhưng tất cả đều kết hợp để đạt tới điều mà sáng khởi của lòng Thiên Chúa thương xót muốn dành cho con người.
Trước hết, Hội Thánh là Bí Tích bằng chính sự hiện hữu của mình như là một cộng đoàn được hòa giải để làm nhân chứng và hiện thực công cuộc của Đức Ki-tô trong thế giới.
Hội Thánh cũng là Bí Tích qua việc làm kẻ bảo vệ và giải thích Kinh Thánh, là Tin Mừng của sự hòa giải, bởi vì Tin Mừng thuật lại cho các thế hệ kế tiếp về kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, và trình bày cho mỗi thế hệ những đường lối dẫn đến sự hòa giải phổ quát trong Đức Ki-tô.
Sau cùng, Hội Thánh là Bí Tích nhờ có bảy Bí Tích, mà mỗi Bí Tích “làm nên Giáo Hội” theo cách thức riêng của mình . Do việc tưởng nhớ và tái diễn Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, các Bí Tích là nguồn mạch sự sống của Hội Thánh, và trong tay của Hội Thánh chúng là những phương thế cho việc trở về với Thiên Chúa và hòa giải giữa nhân loại.
CÁC PHƯƠNG THẾ HÒA GIẢI KHÁC
12. Sứ mạng hòa giải là đặc hữu của toàn thể Hội Thánh, đặc biệt của Hội Thánh đã được đón nhận vào chia sẻ tràn đầy vinh quang của Thiên Chúa, cùng với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, các thiên thần và các thánh, những kẻ đang chiêm ngắm và thờ kính Ba Ngôi Thiên Chúa, Hội Thánh trên trời, Hội Thánh trần gian và Hội Thánh trong luyện ngục được liên kết nhiệm mầu trong việc cộng tác với Đức Ki-tô để hòa giải thế giới về với Thiên Chúa.
Phương thế thứ nhất của hoạt động cứu rỗi là cầu nguyện. Chắc chắn rằng Đức Trinh Nữ, Thân mẫu của Đức Ki-tô và của Hội Thánh , cũng như các thánh đã tới đích điểm của cuộc lữ hành dương thế và chiếm được vinh quang Thiên Chúa, bằng sự chuyển cầu, các ngài nâng đỡ anh em mình còn đang tiến bước trong cuộc lữ hành trần thế, để được quyết tâm trong việc hoán cải, trong đức tin, trong việc chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã, trong việc hoạt động để thăng tiến sự hiệp thông và hòa bình trong Hội Thánh và trong thế giới. Trong mầu nhiệm các thánh hiệp thông, sự hòa giải phổ quát được hoàn tất trong thể thức thâm sâu nhất, và cũng có hiệu quả nhất cho việc cứu độ mọi người.
Còn có một phương thế khác đó là sự giảng thuyết. Là môn đệ của Thầy duy nhất Giê-su Ki-tô, đến lượt mình Hội Thánh là Mẹ và là Thầy, không hề mệt mỏi thúc giục con người hãy hòa giải. Và Hội Thánh cũng không hề ngại ngùng lên án sự dữ của tội, công bố sự cần thiết hoán cải, mời gọi và yêu cầu con người hãy “giao hòa” với nhau. Thực ra, đây là sứ mạng ngôn sứ của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, cũng như trong thế giới hôm qua. Đó cũng là một sứ mạng giống như Đức Giê-su, là Thầy và là Thủ lãnh của mình. Cũng như Người, Hội Thánh luôn chu toàn sứ mạng này với tâm tình của lòng thương xót và muốn đem đến cho mọi người những lời tha thứ, và mời gọi đến niềm hy vọng xuất phát từ thập giá.
Còn có phương thế hoạt động mục vụ khác, thường khó khăn và cam go, nhắm về đường lối, đôi khi khá dài, đưa mỗi người dù là ai hay ở đâu, trở về nhà Cha và thông hiệp với tất cả anh em.
Sau cùng là phương thế làm chứng tá, thường là luôn âm thầm. Điều này phát sinh từ hai điều nhận thức về phần Hội Thánh : Hội Thánh “hoàn toàn thánh thiện” ; nhưng Hội Thánh cũng cần phải tiến tới và “hàng ngày phải thanh luyện và đổi mới hơn cho đến ngày Đức Ki-tô giới thiệu Hội Thánh trong vinh quang không còn tì vết, nhăn nheo”. Thực vậy, vì tội lỗi của mình, nên đôi khi sự “chiếu tỏa trên khuôn mặt của Hội Thánh giảm bớt đi vẻ sáng” trước mắt những người nhìn ngắm Hội Thánh . Việc làm chứng tá không thể nào bỏ qua hai khía cạnh căn bản. Khía cạnh thứ nhất là dấu chỉ của lòng bác ái phổ quát mà Đức Giê-su Ki-tô đã để lại làm gia sản cho các môn đệ như một bằng chứng họ đã thuộc về Nước Trời. Khía cạnh thứ hai là việc chuyển tả ra trong những biểu hiện mới mẻ của việc hoán cải và hòa giải bên trong và ngoài Hội Thánh, bằng cách vượt lên những căng thẳng, bằng việc tha thứ lẫn cho nhau, bằng việc tăng trưởng trong tình huynh đệ và hòa bình là điều phải được trải rộng ra trên khắp thế giới. Bằng phương thế này, Hội Thánh sẽ trở thành hữu hiệu hơn cho việc kiến tạo điều mà Đức Phao-lô VI, vị tiền nhiệm của tôi đã đặt tên là “văn minh của tình yêu”.
PHẦN II
TÌNH YÊU LỚN HƠN TỘI LỖI
BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI
13. Theo lời của thánh Thánh Gio-an tông đồ : “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không có trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng thú tội lỗi chúng ta, thì Đấng trung tín và công minh sẽ tha thứ tội lỗi cho chúng ta” . Được viết ra từ buổi sơ khai của Hội Thánh, những lời đầy linh hứng này dẫn nhập một cách chính xác hơn bất cứ diễn ngữ nào khác của loài người về đề tài tội lỗi, một đề tài liên hệ chặt chẽ với sự hòa giải. Những lời ấy trình bày vấn đề tội lỗi trong chiều kích nhân bản : tội lỗi như một phần trọn vẹn của sự thật về con người. Nhưng những lời ấy đã nối kết lập tức chiều kích nhân bản với chiều kích thiên linh, nơi mà tội lỗi đối diện với sự thật của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu công minh, rộng lượng, và đầy tín trung, tình yêu được tỏ lộ nhất là nơi sự tha thứ và cứu chuộc. Vì thế, sau đó ít hàng, thánh Gio-an viết thêm “nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao hơn lòng chúng ta” .
Ý thức tội lỗi của mình, - hơn thế nữa, khi càng đi sâu vào bản ngã của mình - nhìn nhận rằng mình là một tội nhân, có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội, là bước đầu thiết yếu trong việc quay về với Thiên Chúa. Đây là kinh nghiệm của Vua Đa-vít “đã làm điều ác trước nhan Chúa” , và khi bị tiên tri Na-than khiển trách, Vua đã thốt lên :“Vâng, con biết tội mình đã phạm, và tội lỗi con cứ ở trước mặt con, con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài” . Tương tự như vậy, Chúa Giê-su đã đặt những lời thâm thúy sau đây vào miệng và trong tâm hồn của người con hoang đàng : “Cha ơi ! Con đã phạm tội đến trời và đến Cha” .
Thực vậy, việc trở về hòa giải với Thiên Chúa ngụ ý và bao gồm ý thức tự mình tách rời, một cách có ý thức và dứt khoát, ra khỏi tội lỗi mà mình đã rơi vào. Do đó, nó ngụ ý và bao gồm việc 'sám hối' với ý nghĩa đầy đủ nhất của thuật ngữ : hối hận, bày tỏ sự hối hận này, chấp nhận một thái độ thực sự hối hận - tức là thái độ của người bắt đầu đi vào con đường trở về với Cha. Đây là một luật chung, và mỗi cá nhân phải tuân thủ dựa theo hoàn cảnh riêng biệt của mình. Vì không thể nào bàn đến tội lỗi và hoán cải chỉ bằng những thuật ngữ trừu tượng được.
Trong những hoàn cảnh cụ thể của con người tội lỗi, trong đó không thể nào có hoán cải mà không có việc nhìn nhận tội lỗi của mình, tác vụ của Hội Thánh về sự hòa giải là can thiệp vào từng trường hợp cụ thể với một mục tiêu sám hối xác định. Tác vụ của Hội Thánh là can thiệp vào nhằm đưa con người đến chỗ “biết mình” - theo lối nói của thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na - đến chỗ loại bỏ tội lỗi, tái lập tình thân hữu với Thiên Chúa, đến một trật tự nội tâm mới, đến một cuộc hoán cải mới với Hội Thánh. Dĩ nhiên, ngay cả bên ngoài biên cương của Hội Thánh và các cộng đoàn tín hữu, sứ điệp và tác vụ sám hối được nhắm tới tất cả mọi người, bởi vì hết mọi người đều cần hoán cải và hòa giải .
Để chu toàn tác vụ sám hối cách thích đáng, chúng ta cần phải đánh giá những hậu quả của tội lỗi dưới “con mắt được soi dẫn”  bởi đức tin. Những hậu quả của tội lỗi là nguyên nhân của sự chia rẽ và rạn nứt, không chỉ trong mỗi cá nhân mà còn trong nhiều khâu của cuộc sống con người : trong quan hệ với gia đình, với nghề nghiệp và môi trường xã hội, như kinh nghiệm thường thấy, điều này được củng cố bởi một đoạn văn trong Kinh Thánh về thành Ba-ben và tháp của nó . Với ý đồ xây dựng một công trình được coi làm biểu tượng và tổ ấm của sự hiệp nhất, những con người này nhận thấy họ bị phân tán hơn trước đó, chia rẽ trong ngôn ngữ, chia rẽ giữa chính họ với nhau, không có khả năng nhất trí và đồng tâm.
Tại sao dự án đầy tham vọng đó đã thất bại ? Tại sao “các thợ nề xây cất uổng công”  ? Họ đã thất bại vì họ đã thiết kế như là dấu chỉ và bảo chứng của sự hợp nhất mà họ mơ ước, một công trình duy chỉ bằng chính tay họ, và quên đi hoạt động của Chúa. Họ chỉ chú ý đến chiều ngang của hoạt động và đời sống xã hội mà quên đi chiều dọc mà lẽ ra họ phải cắm rễ nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể của họ, lẽ ra họ phải hướng về với Người như là cứu cánh tối hậu của các tiến bộ của mình.
Có thể nói rằng bi kịch của con người ngày nay, cũng giống như của mọi thời kỳ lịch sử, chính là ở chỗ nó tương tự như kinh nghiệm của Ba-ben.
CHƯƠNG I
MẦU NHIỆM TỘI LỖI
14. Nếu chúng ta đọc đoạn trình thuật trong Kinh Thánh về thành và tháp Ba-ben dưới ánh sáng Tin Mừng, và nếu đối chiếu với đoạn văn khác về sự sa ngã của nguyên tổ, chúng ta có thể rút ra những yếu tố đáng giá để hiểu về 'mầu nhiệm tội lỗi'. Thành ngữ này, phỏng theo kiểu nói của thánh Phao-lô về ”mầu nhiệm của sự gian ác' , giúp chúng ta nắm được yếu tố tối tăm và mờ mịt hàm chứa trong tội. Dĩ nhiên, tội là sản phẩm của tự do con người. Nhưng nằm sâu trong thực tại nhân sinh còn có những thành tố làm cho tội vượt thực tại nhân sinh, trong một vùng chung đụng giữa lương tâm, ý chí, cảm giác của con người với các quyền lực đen tối, mà theo thánh Phao-lô, thì nó đang tác động trong thế giới đến nỗi gần như đô hộ thế giới .
KHÔNG TUÂN PHỤC THIÊN CHÚA
Điểm đầu tiên giúp chúng ta hiểu về tội lỗi được rút ra từ tường thuật của Kinh Thánh về việc xây dựng tháp Ba-ben : con người tìm cách xây một thành phố, tự tổ chức thành một xã hội, và trở nên hùng mạnh và quyền uy mà 'không cần Thiên Chúa', nếu không muốn nói là chống lại Thiên Chúa . Theo nghĩa đó, câu chuyện về tội đầu tiên trong vườn Địa Đàng và câu chuyện về tháp Ba-ben, mặc dù khác nhau đáng kể về nội dung và hình thức, nhưng có một điểm chung : trong cả hai chuyện đều có việc 'loại trừ Thiên Chúa', qua việc chống cự thẳng vào một trong những mệnh lệnh của Người, qua một hành động kình địch, qua kỳ vọng hão huyền là được “giống như Người” . Trong câu chuyện về tháp Ba-ben, việc 'loại trừ Thiên Chúa' được trình bày không phải dưới khía cạnh chống cự lại Người cho bằng lãng quên và thờ ơ đối với Người, ra như Thiên Chúa không có chỗ đứng trong những kế hoạch chung của con người. Nhưng trong cả hai trường hợp, 'mối quan hệ với Thiên Chúa' đều bị cắt đứt cách tàn bạo. Trường hợp ở vườn Địa Đàng cho thấy hết thực tại nghiêm trọng và bi kịch tạo nên bản chất cuối cùng và đen tối của tội lỗi : 'không tuân phục Thiên Chúa', bất tuân luật của Người, bất tuân quy tắc luân lý mà Người đã trao ban cho con người, khắc sâu vào tâm hồn con người, củng cố và hoàn thiện nó nhờ mạc khải.
'”Sự loại trừ Thiên Chúa”, “đoạn tuyệt với Thiên Chúa”, “không tuân phục Thiên Chúa”: trải qua suốt lịch sử nhân loại, đó là tội qua nhiều hình thức khác nhau. Nó còn có thể đi xa hơn tới chỗ 'phủ nhận' Thiên Chúa và sự hiện hữu của Người, đây là hiện tượng được gọi là 'vô thần'.
Đó là sự 'bất tuân' của một người, do một hành vi tự do, đã không nhận biết quyền chủ tể tối cao của Thiên Chúa trên cuộc sống của họ, ít là vào giây phút cụ thể mà họ vi phạm luật Thiên Chúa.
CHIA RẼ GIỮA ANH EM
15. Trong những trình thuật Kinh Thánh vừa nói ở trên, đoạn tuyệt của con người với Thiên Chúa đưa đến bi kịch là sự chia rẽ giữa các anh em.
Trong cuộc mô tả về “tội đầu tiên”, sự đoạn tuyệt với Gia-vê đồng thời phá vỡ mối dây thân hữu đã liên kết gia đình nhân loại. Vì vậy, những trang tiếp theo của sách 'Sáng Thế' cho chúng ta thấy người nam và người nữ ra như đã giơ ngón tay buộc tội lẫn nhau . Sau đó, chúng ta còn thấy người anh đã ghét em mình và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của nó .
Theo câu chuyện về tháp Ba-ben, hậu quả của tội lỗi là phân tán gia đình nhân loại, đã bắt đầu với tội đầu tiên và đã đạt tới hình thức tột đỉnh trên bình diện xã hội.
Đối với người muốn nghiên cứu về mầu nhiệm tội lỗi, không thể không biết mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu qua đó. Như là sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, tội là một hành động bất tuân của một thụ tạo đã chối bỏ, ít là cách ám tàng, Đấng là nguồn gốc hiện hữu của nó và gìn giữ cho nó được sống. Vì thế đó là hành động tự sát. Bởi vì khi phạm tội, con người từ chối phục tùng Thiên Chúa, cho nên sự cân bằng nội tâm cũng bị phá vỡ và chính vì thế trong họ nảy sinh những sự bất đồng và xung đột. Bị tổn thương như thế, con người cũng không thể tránh gây ra tai hại cho cấu trúc của mối quan hệ với người khác và với thế giới thụ tạo. Đây là một định luật khách quan và là một hiện thực khách quan, được kiểm chứng nhiều cách trong nội tâm con người, trong đời sống tinh thần cũng như trong xã hội, nơi mà người ta dễ nhìn thấy những dấu hiệu và hậu quả của sự hỗn loạn nội tâm.
Mầu nhiệm tội lỗi bao gồm hai vết thương mà tội nhân đã mở ra trong chính mình và trong mối quan hệ với đồng loại. Vì thế, ta có thể nói về tội 'cá nhân' và tội 'xã hội' : dưới một phương diện, mọi tội đều là 'cá nhân' ; dưới phương diện khác, mọi tội đều là 'xã hội', xét vì và bởi vì nó có những âm hưởng xã hội.
TỘI CÁ NHÂN VÀ TỘI XÃ HỘI
16. Tội lỗi, theo đúng nghĩa, luôn luôn là một 'hành vi cá nhân', bởi vì nó là một hành vi tự do của một cá nhân, chứ không phải là của một nhóm hay một cộng đồng. Cá nhân này có thể bị chi phối, kích động và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mạnh mẽ bên ngoài. Cá nhân cũng có thể bị tùy thuộc vào các khuynh hướng, các khuyết điểm di truyền và các thói quen gắn liền với điều kiện bản thân. Không ít lần những yếu tố bên trong và bên ngoài đó có thể làm suy giảm, hoặc nhiều hoặc ít, tự do của chủ thể và vì thế giảm bớt trách nhiệm và lỗi của họ. Nhưng một chân lý đức tin, được củng cố bằng kinh nghiệm và lý luận, đó là con người có tự do. Sự thật này không thể bị loại bỏ, chuyển sự khiển trách các tội của cá nhân sang các yếu tố bên ngoài, tựa như các cơ cấu, các hệ thống hay người khác. Nhất là điều này sẽ phủ nhận sự tự do và phẩm giá của con người, được biểu hiện - tuy một cách tiêu cực và khốc hại - trong trách nhiệm về tội đã phạm. Do đó, không có gì có tính cách cá nhân và bất khả chuyển nhượng trong mỗi cá nhân cho bằng công trạng về nhân đức hay trách nhiệm về tội.
Như một hành vi cá nhân, tội mang những hậu quả nghiêm trọng trước hết và trên hết nơi 'bản thân người phạm tội': nghĩa là trong mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng là nền tảng của đời sống con người, cũng như trong tinh thần của nó, bởi vì làm nhụt ý chí và làm lu mờ trí tuệ của nó.
Tới đây, chúng ta phải đề cập đến điều mà trong thời gian chuẩn bị Thượng Hội Đồng và trong quá trình làm việc, người ta thường gọi là 'tội xã hội'.
Thực ra, diễn ngữ và cách quan niệm của nó mang nhiều nghĩa khác nhau.
Trước hết, nói tới 'tội xã hội' là nhìn nhận rằng do tình liên đới nhân loại là một điều vừa huyền nhiệm và khó tả vừa thực sự và cụ thể, tội của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng cách nào đó đến những người khác. Đây là mặt trái của tính liên đới mà theo quan điểm tôn giáo được biểu lộ trong mầu nhiệm sâu thẳm và huy hoàng về 'sự thông hiệp các thánh', nhờ đó có thể nói rằng :“mỗi linh hồn vươn lên cao thì cũng nâng cả thế giới lên” .
Tiếc rằng luật thăng tiến này cũng được đối lại bằng luật 'suy thoái', do đó người ta có thể nói về 'sự thông hiệp tội lỗi', do đó một linh hồn hạ thấp mình trong tội sẽ lôi kéo theo cả Hội Thánh và một cách nào đó, kéo theo toàn thế giới. Nói cách khác, không có tội nào, kể cả tội thâm sâu kín đáo nhất, tội hết sức riêng tư, lại chỉ liên quan đến người đã phạm mà thôi. Mỗi tội đều có những âm hưởng đến toàn Hội Thánh và trên toàn thể gia đình nhân loại, tuy với nhiều hay ít trầm trọng và tổn thất. Theo nghĩa đầu tiên của từ này, chắc hẳn là mỗi tội đều có thể được coi như là 'tội xã hội'.
Tuy nhiên, một vài tội tự chúng tạo thành một cuộc tấn công trực tiếp vào đồng loại của mình, và nói một cách chính xác hơn theo ngôn ngữ của Tin Mừng là, chống lại anh em hay chị em của mình. Chúng xúc phạm đến Thiên Chúa, chính vì chúng xúc phạm đến đồng loại của mình. Những tội này thường được gọi là 'tội xã hội' và đây là nghĩa thứ hai của từ này. Theo nghĩa này, 'tội xã hội' là tội chống lại tình yêu đồng loại, và theo luật của Đức Ki-tô nó trở nên rất nghiêm trọng bởi vì nó liên can tới giới luật thứ hai, 'cũng ngang với điều thứ nhất' . Cũng vậy, từ 'xã hội' áp dụng cho mọi tội chống lại sự công bình giữa tương giao người với người, cá nhân đối với cộng đồng hoặc do cộng đồng đối với cá nhân. Cũng là 'xã hội' , mọi tội chống lại các quyền của con người, bắt đầu bằng quyền được sống và gồm cả quyền được sinh ra, hoặc tội chống lại sự toàn vẹn của thân thể con người. Cũng vậy, 'xã hội' là những tội chống lại sự tự do của người khác, đặc biệt chống lại sự tự do tối thượng được tin vào Thiên Chúa và thờ lạy Người ; 'xã hội'; là mọi tội chống lại phẩm giá và danh dự của đồng loại, cũng là 'xã hội' mọi tội chống lại công ích và những đòi buộc của nó liên quan tới toàn thể những quyền lợi và bổn phận của người công dân. Tiếng 'xã hội' còn có thể áp dụng cho những tội đã phạm hoặc thiếu sót - về phía những người lãnh đạo chính trị, kinh tế hay công đoàn, những người này tuy ở địa vị phải làm nhưng đã không làm một cách cần cù và khôn ngoan trong việc cải thiện và biến đổi xã hội theo những đòi hỏi và khả năng của một thời điểm lịch sử cụ thể ; cũng nói như thế về phía các người công nhân, qua việc vắng mặt hoặc bất hợp tác, đã không chịu dùng tài nghệ của mình thăng tiến an sinh cho chính các công nhân, cho gia đình họ và cho toàn bộ xã hội.
Nghĩa thứ ba của 'tội xã hội' ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Những mối quan hệ này không phải lúc nào cũng phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn có công bình trong thế giới, tự do và hòa bình giữa các cá nhân, các nhóm, và giữa các dân tộc. Như thế, cuộc đấu tranh giai cấp, cho dù người lãnh đạo hoặc người biện minh cho nó bằng ý thức hệ là ai đi nữa, là một 'tội xã hội'. Cũng vậy, cuộc đối đầu ương bướng giữa các khối quốc gia, giữa một quốc gia này với quốc gia khác, giữa những nhóm khác nhau trong một quốc gia - tất cả đều là 'tội xã hội'. Trong cả hai trường hợp, người ta tự hỏi có thể gán các trách nhiệm luân lý của những điều xấu đó, và do đó của tội, cho một người nào cụ thể hay không. Phải chấp nhận rằng những thực tại và hoàn cảnh vừa mô tả trên, khi chúng trở thành tổng quát và đạt những tầm kích rộng lớn như là những hiện tượng xã hội, thì hầu như trở nên không tên, cũng như những nguyên nhân của chúng thì phức tạp và không thể chỉ điểm được. Vậy nếu ai nói về tội xã hội thì diễn ngữ này có một nghĩa loại suy. Tuy nhiên kể cả khi nói, tội xã hội theo nghĩa loại suy, chúng ta đừng hạ giá trách nhiệm của những cá nhân có liên can tới nó. Đây là lời kêu gọi đến lương tâm của tất cả mọi người, để mỗi người nghiêm túc và can đảm nhận trách nhiệm của mình, hầu có thể thay đổi những điều kiện tai hại đó và những hoàn cảnh không thể chịu đựng được.
Sau khi đã trình bày cách rõ ràng và minh bạch như vậy, cần phải thêm rằng còn có một ý nghĩa đôi khi được gán cho tội xã hội một nghĩa không chính đáng và cũng không thể chấp nhận được mặc dầu hiện nay nó rất phổ biến trong một vài khu vực .
Người ta đối chọi một cách không phải là thiếu hàm hồ giữa tội xã hội và tội cá nhân, trong một phương thức mà cố tình hay hữu ý dẫn tới việc làm giảm nhẹ và gần như hủy bỏ tội cánhân và chỉ nhìn nhận lỗi lầm và trách nhiệm của xã hội. Theo quan điểm đó, một quan điểm biểu lộ khá rõ về nguồn gốc của nó từ những ý thức hệ và chế độ ngoài kitô giáo - đôi khi ngày nay đã bị chối bỏ bởi chính những người trước đây đã từng chính thức ủng hộ chúng, - hầu như mọi tội đều là tội xã hội, theo nghĩa người ta ít qui chiếu trách nhiệm cho những lương tâm cá nhân, nhưng cho một đơn vị mơ hồ hay tập thể vô danh, như là hoàn cảnh , chế độ, xã hội, cơ cấu và thể chế.
Khi Hội Thánh nói về những tình trạng tội lỗi hay khi Hội Thánh lên án như là tội xã hội một vài tình trạng nào đó hay cách cư xử tập thể của vài nhóm xã hội nào đó dù lớn hay nhỏ, hoặc ngay cả toàn thể quốc gia hay những khối các quốc gia, thì Hội Thánh biết và công bố rằng những trường hợp tội xã hội như thế là kết quả của sự tích lũy và tập trung của nhiều tội cá nhân. Đó là tội lỗi hoàn toàn mang tính cá nhân của những người tạo nên hay ủng hộ sự dữ, hoặc khai thác nó; những người có nhiệm vụ phải tránh, phải bài trừ hay ít là giới hạn những sự dữ xã hội nhưng họ đã không làm do sự lười biếng, sợ hãi hay có âm mưu giữ im lặng qua sự đồng lõa bí mật hay lãnh đạm; những người trốn tránh trách nhiệm vì cho là họ không có khả năng thay đổi thế giới ; hay cả những người tránh né các vấn đề đòi hỏi nỗ lực và hy sinh bằng cách viện ra những lý do của một trật tự cao hơn. Vì thế trách nhiệm thực sự nằm nơi chính những cá nhân.
Một tình trạng - hay cách tương tự, một thể chế, một cơ cấu, một xã hội, - tự nó không phải là chủ thể của những hành vi luân lý, vì thế tự nó không thể là tốt hay xấu.
Ở nguồn gốc mọi “tình trạng của tội lỗi” người ta luôn luôn tìm thấy những con người tội lỗi. Đây là một sự thật đến nỗi ngay cả khi một tình trạng có thể được thay đổi trong những khía cạnh cơ cấu và thể chế của nó bởi sức mạnh của luật pháp hay, như thường xẩy ra cách đáng tiếc, bởi luật của sức mạnh, thì thực tế sự thay đổi vẫn bất toàn, không kéo dài và sau cùng thành mây khói không có tác dụng - nếu không nói là phản tác dụng bao lâu những người có trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp về những tình trạng đó không chịu hoàn cải.
TỘI NẶNG VÀ TỘI NHẸ
17. Tới đây chúng ta đi đến một chiều kích sâu xa hơn của mầu nhiệm tội lỗi, một chiều kích mà tâm trí không bao giờ ngừng đắn đo suy nghĩ : đó là vấn đề sự trầm trọng của tội lỗi. Đây là vấn đề không thể tránh né và lương tâm Kitô giáo không bao giờ từ chối trả lời. Tại sao và tới mức độ nào tội có tính cách nghiêm trọng, trong việc xúc phạm đến Thiên Chúa và trong những hiệu quả gây cho con người ? Hội Thánh có một giáo huấn về vấn đề này, Hội Thánh đã tái xác nhận những yếu tố cơ bản của giáo huấn đó, cho dù nhìn nhận rằng không luôn luôn dễ gì mà định nghĩa những giới hạn rõ ràng và chính xác trong những tình trạng cụ thể.
Ngay từ trong Cựu Ước những cá nhân lỗi phạm một vài thứ tội - những tội phạm có chủ tâm , những hình thức khác nhau của dâm ô , ngẫu tượng , thờ các tà thần , - thì bị ra lệnh là “phải cất khỏi loài người” điều này cũng có nghĩa là bị xử tử hình . Đối lại, có những tội khác, đặc biệt là những tội phạm cách vô tình thì chúng được tha thứ bởi hy lễ đền tội .
Qui chiếu những đoạn văn trên, Hội Thánh qua nhiều thế kỷ đã nói về tội chết và tội tha được. Nhưng nhất là Tân ước đã làm sáng tỏ sự phân biệt này và những từ ngữ này. Tân ước có nhiều đoạn văn liệt kê và khiển trách mạnh mẽ những tội đáng bị luận phạt . Ngoài ra còn có việc Đức Giêsu tái xác nhận của Thập giới . Ở đây tôi muốn lưu ý đặc biệt đến hai đoạn văn đầy ý nghĩa thâm thúy.
Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, tác giả nói về tội dẫn đến cái chết (pros thánaton), đối lại với tội không dẫn đến cái chết (mè pros thánaton) . Dĩ nhiên quan niệm về cái chết ở đây là chết về tinh thần. Đó là vấn đề mất sự sống đích thực, “sự sống đời đời”, mà theo Thánh Gioan, là nhận biết Chúa Cha và Chúa Con  cùng hiệp thông và thân mật với Thiên Chúa. Trong đoạn văn đó, tội dẫn đến cái chết xem ra là tội từ chối Chúa Con  hay tôn thờ các tà thần . Dù sao đi nữa, bằng sự phân biệt về quan niệm như vậy, thánh Gioan có vẻ muốn nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng vô lường của điều tạo thành chính bản chất của tội, đó là sự loại trừ Thiên Chúa. Điều này được bày tỏ nhất là trong hành động bội giáo và thờ ngẫu tượng : khước từ tin vào chân lý mạc khải và đặt vài thực tại thụ tạo nào đó ngang hàng với Thiên Chúa, nâng chúng lên địa vị các ngẫu tượng hay tà thần . Nhưng trong đoạn văn này, ý định của vị tông đồ cũng nhấn mạnh đến niềm chắc chắn được ban cho người kitô hữu do sự kiện là họ được “sinh bởi Thiên Chúa” qua việc Con Thiên Chúa đến trần gian : người kitô hữu có một quyền lực bảo vệ mình khỏi sa ngã vào tội lỗi; Thiên Chúa bảo vệ họ và “sự dữ không thể chạm đến họ”. Nếu họ có phạm tội vì sự yếu đuối hay vô tình thì họ tin tưỏng sẽ được tha thứ, cũng vì họ được nâng đỡ bởi sự liên kết cầu nguyện của cộng đoàn.
Trong một đoạn văn khác của Tân ước, đó là Tin mừng Thánh Matthêu , chính Đức Giêsu nói về tội “lộng ngôn” phạm đến Chúa Thánh Thần mà “sẽ không được tha thứ”, với lý do là vì nó biểu lộ một sự từ chối ngoan cố, không chịu trở về với tình yêu của Chúa Cha đầy khoan nhân.
Dĩ nhiên ở đây là những kiểu nói mang tính cách triệt để và cực đoan loại bỏ Thiên Chúa, loại bỏ ân sủng của Ngài, và vì thế kháng cự lại với chính nguồn ơn cứu độ . Qua đó dường như con người tự ý trục xuất mình khỏi con đường tha thứ. Hy vọng rằng có rất ít người cố chấp tới tận cùng trong thái độ nổi loạn hay thậm chí thách thức đối với Thiên Chúa như thế. Hơn nữa Thiên Chúa trong tình yêu thương xót, thì cao cả hơn tấm lòng của chúng ta, như Thánh Gioan đã dậy chúng ta , và có thể đánh bại tất cả những kháng cự tâm lý và tinh thần của chùng ta. Vì thế, như thánh Toma viết :” xét đến sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, không ai phải tuyệt vọng về ơn cứu độ của bất cứ người nào trong cuộc sống đời này”  .
Nhưng khi chúng ta suy nghĩ đến vấn đề giữa ý muốn phản nghịch và Thiên Chúa công minh vô tận, chúng ta không thể không cảm nhận “sợ hãi và run rẩy” tốt lành như Thánh Phaolô gợi ý . Hơn nữa lời cảnh cáo của Đức Giêsu về tội “sẽ không được tha thứ” xác nhận sự hiện hữu của những tội có thể đem đến cho tội nhân sự trừng phạt của “ cái chết đời đời”.
Dưới ánh sáng của những đoạn Kinh thánh này, và những đoạn khác, các tiến sĩ và thần học gia, các thầy dạy tu đức và mục tử đã phân chia tội lỗi thành tội chết và tội tha được. Thí dụ như thánh Augustino nói đến: Crimina letalia hay mortifera (tội tử thương, tội chết người) đối lại với tội venialia (tha được) levia (nhẹ) hay quotidiana (lặt vặt thường ngày)  . Ý nghĩa mà người gán cho những tĩnh từ này đã gây ảnh hưởng tới huấn quyền tiếp sau của Hội Thánh. Sau thánh Augustino, thánh Toma đã phát biểu bằng những đạo lý hết sức khúc triết và trở thành vững vàng trong Hội Thánh.
Khi định nghĩa và phân biệt giữa tội chết và tội tha được, thần học về tội lỗi theo thánh Toma và những người tiếp nối không thể không qui chiếu về Kinh Thánh và do đó không thẻ không biết đến khái niệm về cái chết tinh thần. Theo thánh Toma, để có thể sống theo Thần Khí,, con người phải duy trì sự hiệp thông với nguyên lý tối thượng của sự sống là Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là cùng đích tội hậu của sự hiện hữu và sự hoạt động của con người. Thế mà tội lỗi là sự rối loạn do con người gây ra, chống lại nguyên lý sự sống ấy. Và khi “qua tội lỗi, linh hồn gây ra một sự rối loạn tới mức độ quay lưng với cùng đích tối hậu - Thiên Chúa - mà nó được ràng buộc nhờ đức ái, đó là tội chết; ngược lại, khi sự rối loạn không đạt đến mức độ quay lưng với Thiên Chúa, đó là tội tha được . Vì lý do này, tội tha được không làm mất ơn thánh sủng, tình thân hữu với Thiên Chúa, đức ái, và vì thế hạnh phúc vĩnh cửu; trong khi rõ ràng tội nặng làm mất những điều ấy.
Hơn nữa khi tội được xét từ quan điểm của sự trừng phạt đáng chịu, đối với thánh Toma và các tiến sĩ khác, tội chết là tội nếu không được tha thứ, sẽ dẫn đến hình phạt đời đời; Trong khi tội tha được là tội chỉ đáng lãnh hình phạt tạm thời (nghĩa là hình phạt bán phần có thể được đền ở đời này hay trong luyện ngục).
Khi nhìn tội từ quan điển chất thể của nó, những ý tưởng về sự chết về sự đoạn tuyệt với Thiên Chúa, Đấng thiện hảo tối cao, về sự lạc hướng trên đường dẫn đến Thiên Chúa hay về sự gián đoạn hành trình hướng về Ngài (đó là tất cả những cách thức định nghĩa tội chết), đều được nối liền với ý tưởng về sự trầm trọng hàm chứa trong nội dung khách thể của tội. Do đó, trong đạo lý và hoạt động mục vụ của Giáo hội, tội trọng được đồng hóa trong thực hành với tội chết.
Ở đây chúng ta có cái cốt lõi trong giáo huấn cổ truyền của Hội Thánh, đã được lập lại cách thường xuyên và mãnh liệt trong Thượng hội đồng vừa qua. Thật vậy, Thượng hội đồng không chỉ xác nhận lại giáo huấn của Công Đồng Trentô liên hệ đến sự hiện hữu và bản chất của tội chết và tội tha được  mà còn nhắc nhở rằng tội chết là tội mà đối tượng của nó là nội dung nặng và phạm với ý thức đầy đủ cùng ý chí ưng thuận. Còn phải thêm rằng - như Thượng hội đồng đã làm - một vài tội tự nội tại là nặng và đáng chết bởi vì nội dung của nó. Nghĩa là có những hành động tự nó và trong nó, không bi tùy thuộc vào các hoàn cảnh, thì luôn luôn sai lầm nghiêm trọng bởi đối tượng của nó. Những hành động này, nếu làm với sự nhận thức và tự do đầy đủ thì luôn luôn là tội nặng .
Đạo lý này, dựa trên Thập giới và lời rao giảng của Cưụ ước, được thu nhập vào lời giảng Keryma của các Tông đồ, và thuộc về giáo huấn tiên khởi của Hội Thánh cùng được Hội Thánh liên tục khẳng định tới ngày hôm nay, được kiểm chứng cách chính xác qua kinh nghiệm của các tín hữu qua các thời đại. Bằng kinh nghiệm con người biết rất rõ rằng dọc theo con đường của đức tin và công chính dẫn đến sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa trong đời sống tại thế này, cùng hướng tới sự hiệp nhất hoàn hảo với Người trong sự sống vĩnh cửu, con người có thể ngừng đi tiếp hay có thể đi lệch hướng, tuy vẫn không bỏ rơi con đường của Thiên Chúa và trong trường hợp này xảy ra tội nhẹ (tội tha được). Tuy nhiên không bao giờ được coi thường tội nhẹ, ra như nó có thể tự động bỏ quên hay là “nó chẳng đáng gì”.
Vì con người cũng biết qua kinh nghiệm đau thương rằng, bởi một hành động ý thức và tự do của ý muốn, nó có thể đổi tiến trình và đi theo hướng đối nghịch với ý muốn của Thiên Chúa, tự tách rời khỏi Thiên Chúa (aversio a Deo), từ chối hiệp thông thân ái với Ngài, tự cắt đứt khỏi nguyên lý sự sống là Thiên Chúa và hậu quả là chọn cái chết.
Cùng với toàn thể truyền thống của Hội Thánh, chúng ta gọi tội chết là tội do con người với tự do và ý thức, loại bỏ Thiên Chúa và lề luật của Người, giao ước tình yêu mà Ngài ban tặng, thích quay về với chính bản thân mình hơn, hay quay về với tạo vật hữu hạn, một điều trái với ý muốn của Chúa (conversio ad naturam). Điều này có thể xảy ra cách trực tiếp và chính thức trong những tội thờ ngẫu tượng, bội giáo và vô thần, hay bằng một cách tương đương như là trong mỗi hành động bất tuân giới răn của Chúa trong một chất thể nặng. Con người nhận ra rằng sự bất tuân Thiên Chúa phá hủy mối dây liên kết con người với nguyên lý sự sống : đó là tội chết nghĩa là một hành động xúc phạm đến Thiên Chúa cách nặng, và sau cùng quay ra phản lại với chính mình với sức phá hủy đen tối và đầy mãnh lực.
Trong khóa họp Thượng hội đồng, một vài nghị phụ đã đề nghị phân biệt tội thành ba loại theo thứ tự là tội nhẹ, tội nặng và tội đáng chết. Sự phân biệt ba loại như vậy có thể cho thấy rằng có một cấp độ nghiêm trọng giữa những tội nặng, nhưng một điều vẫn còn đúng là sự phân biệt chính yếu và tất định vẫn là giữa tội phá hủy đức ái và tội không hủy diệt đời sống siêu nhiên : không có cái gì khác nằm giữa sự sống và sự chết.
Cũng vậy, cần phải cẩn thận đừng giản lược tội chết vào hành động “lựa chọn cơ bản”(optio fundamentalis) - chống lại Thiên Chúa như người ta thường nói ngày nay ; hạn từ được hiểu như là sự khinh miệt rõ ràng và chính thức đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì tội nặng cũng hiện hữu khi người nào chọn lựa, với ý thức và tự do, vì bất cứ lý do gì, một điều rối loạn trầm trọng. Thật vậy, một lựa chọn như the tự nó bao gồm một sự khinh miệt lề luật Thiên Chúa, loại bỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và toàn thể tạo vật : con người quay lưng lại với Thiên Chúa và mất tình yêu mến. Như vậy sự định hướng cơ bản có thể được thay đổi cách triệt để bởi các hành động cá biệt. Dĩ nhiên có những tình trạng xảy ra cách phức tạp và tăm tối trên bình diện tâm lý, và có ảnh hưởng tới trách nhiệm chủ quan của tội nhân. Nhưng từ một nhận định thuộc lãnh vực tâm lý người ta không thể tiến hành xây dựng một phạm trù thần học như là “sự lựa chọn cơ bản”, hiểu theo nghĩa, một cách khách quan nó có thể làm thay đổi hay gây hồ nghi khái niệm truyền thống về tội chết..
Tuy dù mọi nỗ lực chân thành và khôn ngoan để làm sáng tỏ khía cạnh tâm lý và thần học của mầu nhiệm tội lỗi cần được trân trọng, nhưng Hội Thánh vẫn có bổn phận nhắc nhở tất cả những ai nghiên cứu vấn đề này về sự cần thiết phải trung tín với Lời Chúa dạy dỗ chúng ta về tội lỗi. Cũng vậy Hội Thánh phải nhắc nhở họ về nguy cơ làm giảm bớt cảm thức tội lỗi trong thế giới hôm nay. 
MẤT CẢM THỨC VỀ TỘI.
18. Trải qua bao thế hệ, nhờ Tin Mừng được đọc trong cộng đoàn Hội Thánh, tâm trí người Kitô hữu đã đạt đến một sự nhạy bén tinh tế, và một nhận thức sâu sắc về những hạt giống của sự chết được chứa đựng trong tội, cũng như một sự hiểu biết nhạy bén và sâu sắc để vạch mặt chúng dưới hàng ngàn chiêu bài mà tội lỗi xuất hiện trá hình. Đó là điều mà người ta gọi là cảm thức về tội.
Cảm thức này được đâm rễ trong lương tâm con người và như thể là nhiệt kế của nó. Nó được nối liền với cảm thức về Thiên Chúa, vì nó xuất phát từ mối tương quan có ý thức của con người với Thiên Chúa như là Đấng Tạo Hóa, là Chủ Tể và là Cha của mình. Do đó cũng như không thể nào bứng nhổ hoàn toàn cảm thức về Thiên Chúa hay bóp nghẹt hoàn toàn tiếng lương tâm, thì cũng không tài nào hủy diệt hoàn toàn cảm thức về tội được.
Tuy vậy, không hiếm lần trong lịch sử, với những thời kỳ dài ngắn khác nhau và dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau, ý thức luân lý của nhiều người trở nên bị vẩn đục cách nghiêm trọng. “Chúng ta có ý tưởng đúng đắn về lương tâm hay không?” - Tôi đã hỏi cách đây hai năm trong một diễn từ với các tín hữu – “phải chăng con người thời nay đang bị đe dọa vì lương tâm đã xuống dốc? Vì lương tâm bị biến dạng? Vì lương tâm bị tê liệt? Và chết hay không ? . Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc như thế đang xảy ra trong thời đại chúng ta. Điều này trở thành đáng lo ngại hơn nữa, bởi vì lương tâm được Công đồng định nghĩa như là “thâm cung và thánh điện của con người” . “có liên hệ mật thiết với tự do của con người ... Vì lý do đó, lương tâm tạo nên nền tảng của phẩm giá nội tại của con người và đồng thời của mối quan hệ với Thiên Chúa . Vì thế điều không thể tránh được là trong tình trạng này cũng có một sự lu mờ cảm thức về tội, điều có liên hệ mật thiết với lương tâm, sự tìm kiếm chân lý và khát vọng sử dụng tự do một cách có trách nhiệm. Khi lương tâm bị yếu nhược thì cảm thức về Thiên Chúa cũng bị lu mờ, hậu quả là khi đã mất đi hai điều qui chiếu nội tại này thì cảm thức về tội cũng bị mất đi. Điều nay giải thích tại sao vị tiền nhiệm của tôi Đức Piô XII có lần tuyên bố những lời trở thành thời danh rằng “tội của thế kỷ là sự mất cảm thức về tội” .
Tại sao điều này đã xảy ra trong thời đại của chúng ta ? Một cái nhìn vào vài khía cạnh của văn hóa đương thời có thể giúp chúng ta hiểu sự suy yếu dần dần của cảm thức về tội, chỉnh bởi vì những khủng hoảng của lương tâm và của cảm thức về Thiên Chúa vừa nói trên.
“Trào lưu tục hóa” tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản tuyệt đối không có Thiên Chúa, hoàn toàn tập trung vào sự sùng bái hành động và sản xuất, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy “mất linh hồn mình”. Thế nào trào lưu tục hóa cũng làm hao mòn cảm thức về tội. Cùng lắm tội chỉ còn là một điều xúc phạm đến con người. Nhưng chính đây là điều, chúng ta phải đương đầu với kinh nghiệm chua xót, như tôi đã nói đến trong thông điệp đầu tiên, đó là con người có thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa, nhưng rồi thế giới đó sẽ quay ra chống lại con người . Thực vậy, Thiên Chúa là nguyên khởi và cùng đích của con người và con người mang trong mình mầm mống thần linh . Do đó, mầu nhiệm Thiên Chúa mạc khải và soi sáng mầu nhiệm về con người. Bởi vậy thực là hão huyền nếu hy vọng đặt nền tảng cho một cảm thức về tội chống lại con người và chống lại những giá trị nhân loại, nếu không có cảm thức về tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, nghĩa là cảm thức đích đáng về tội.
Lý do khác làm mất đi cảm thức về tội trong xã hội hiện đại cần phải tìm thấy trong những sai lầm, trong việc đánh giá một vài khám phá khoa học về con người dựa trên vài quả quyết của tâm lý học, mối quan tâm muốn tránh tạo ra những mặc cảm tội lỗi hoặc không muốn đặt giới hạn cho tự do đã đưa tới việc khước từ không chịu chấp nhận ngay cả sự thất bại. Qua việc phóng đại bừa bãi về những tiêu chuẩn của xã hội học, người ta đã kết luận rằng tất cả những lỗi lầm đều qui trách cho xã hội như tôi đã nói, và cá nhân được tuyên bố là vô can. Ngoài ra một ngành Nhân-học-văn-hóa đã nhấn mạnh đến điều kiện và ảnh hưởng không thể thiếu được của môi trường và lịch sử tác dụng đến con người và hạ thấp trách nhiệm con người, đến nỗi không còn nhìn nhận khả năng thực hiện những hành vi nhân linh và do đó khả năng phạm tội.
Cảm thức về tội cũng dễ dàng bị suy sụp do ảnh hưởng của một lịch sử hệ thống luân lý muốn tương đối hóa các qui tắc luân lý, phủ nhận giá trị tuyệt đối và vô điều kiện của chúng, và từ đó phủ nhận những hành vi xấu xa tự bản chất, không tùy thuộc vào những hoàn cảnh mà chủ thể thực hiện. Đây là là một sự “đảo lộn và sụp đổ những giá trị luân lý” và “vấn đề này không phải do chỗ dốt nát về luân lý Kitô Giáo”, nhưng là “dốt về ý nghĩa, về những nền tảng và tiêu chuẩn của hành động luân lý” . Một hậu quả khác của việc đảo lộn luân lý là giảm thiểu khái niệm về tội đến nỗi nói rằng tuy tội có thực nhưng không ai biết đã có người nào phạm tội hay không.
Cuối cùng tâm thức về tội biến mất như đã xảy ra trong việc giáo dục giới trẻ, trong ngành truyền thông xã hội và ngay cả trong giáo dục gia đình, - khi mà tội được đồng hóa cách sai lầm với mặc cảm bệnh hoạn về tội lỗi, hay với việc vi phạm các qui tắc luật lệ mà thôi.
Do đó, sự mất cảm thức về tội là một hình thức hoặc hậu quả của sự phủ nhận Thiên Chúa, không chỉ dưới hình thức chủ nghĩa vô thần, nhưng còn dưới hình thức trào lưu tục hóa. Nếu tội phá vỡ mối liên hệ con cái với Thiên Chúa ngõ hầu xếp đặt đời sống của mình ra ngoài sự vâng phục Thiên Chúa, thì phạm tội không phải chỉ là phủ nhận Thiên Chúa. Phạm tội còn là sống dường như không có Chúa, khai trừ Chúa ra khỏi đời sống hằng ngày của họ. Một khuôn mẫu xã hội đã bị què quặt hay lệch lạc do một trong hai cách sống trên,, như thường được các phương tiện truyền thông xã hội truyền bá, rất dễ làm mất dần dần cảm thức về tội. Trong tình trạng đó, việc che mờ hay suy giảm cảm thức về tội phát sinh từ nhiều nguồn : từ chỗ loại bỏ hết mọi qui chiếu về Đấng Siêu Việt, nhân danh khát vọng của cá nhân muốn dành độc lập cho nhân vị; từ sự chấp nhận những khuôn mẫu đạo đức bị áp đặt bởi dư luận và lối sống quần chúng, cho dù bị kết án bởi lương tâm cá nhân; từ những điều kiện bi đát của xã hội và kinh tế đang đè bẹp một phần lớn nhân loại, gây nên khuynh hướng chỉ nhìn thấy các sai sót và lỗi lầm nơi bối cảnh của xã hội; sau cùng và một cách đặc biệt, từ sự lu mờ ý niệm về Thiên Chúa là Cha và Ngài có quyền chủ tể trên đời sống con người.
Ngay cả trong phạm vi suy tư và sinh hoạt của Hội Thánh, một vài trào lưu đã dẫn tới sự sa sút cảm thức về tội. Ví dụ : một số người đã thay thế những thái độ phóng đại của quá khứ bằng những lối phóng đại khác : từ chỗ nhìn thấy tội ở khắp mọi nơi, họ đi tới chỗ không thấy tội ở nơi nào hết; từ chỗ nhấn mạnh quá đáng về sự sợ hãi án phạt đời đời, tới chỗ rao giảng về một tình yêu Thiên Chúa khai trừ hết mọi hình phạt xứng đáng với tội; từ chỗ khắc nghiệt khi cố gắng sửa chữa lương tâm sai lầm, với việc tôn trọng lương tâm mà không dám nói lên sự thực. Và có cần phải thêm rằng sự hoang mang gây ra cho lương tâm của nhiều tín hữu do những sự khác biệt về ý kiến và giáo huấn trong môn thần học, trong việc giảng thuyết huấn giáo và linh hướng chung quanh những vấn đề quan thiết và tế nhị của luân lý Ki-tô giáo, đưa tới hậu quả là giảm sút cảm thức đích thực về tội, đến nỗi hoàn toàn khai trừ cảm thức đó hay không ? Và cũng không thể bỏ qua vài sai sót trong việc thực hành bí tích sám hối. Những sai sót ấy bao gồm những xu hướng làm lu mờ ý nghĩa Hội thánh của tội lỗi và cải hoán, và chỉ coi những chuyện đó như là chuyện riêng tư cá nhân ; hay ngược lại, xu hướng tiêu diệt giá trị cá nhân của điều tốt và điều xấu, và chỉ nhìn chúng dưới chiều kích cộng đoàn mà thôi. Còn nguy cơ nữa, điều chưa hoàn toàn bị diệt trừ, đó là cách cử hành máy móc làm mất đi ý nghĩa thâm sâu và hiệu năng đào tạo của Bí tích.
Việc khôi phục cảm thức đứng đắn về tội là cách thức ưu tiên để đương đầu với cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng đang đè nặng trên con người thời này. Nhưng chỉ có thể khôi phục cảm thức tội lỗi nhờ việc nhắc nhở cách minh bạch những nguyên tắc của lý trí và đức tin mà giáo huấn luân lý của Hội thánh vẫn chủ trương.
Có những lý do vững chắc cho phép hy vọng rằng một cảm thức lành mạnh về tội sẽ tái phát triển, đặc biệt là trong thế giới Ki-tô giáo và trong Hội thánh. Điều này sẽ được hỗ trợ nhờ một nền giáo huấn chân chính được soi sáng bởi Thần học Kinh thánh về Giao ước, nhờ việc chăm chú lắng nghe và tin tưởng đón nhận Huấn quyền của Hội thánh không ngừng soi dẫn các lương tâm, và nhờ việc thực hành chu đáo hơn nữa Bí tích Sám hối.
CHƯƠNG II
MYSTERIUM PIETATIS
19. Để có thể hiểu được tội lỗi, cần phải lưu ý đến bản tính của nó được mặc khải cho chúng ta trong nhiệm cục cứu rỗi : đó là mysterium inniquitatis (mầu nhiệm gian ác). Thế những trong nhiệm cục ấy tội không phải là nguyên lý chính yếu, lại càng không phải là kẻ chiến thắng. Tội lỗi giao tranh với một nguyên lý năng động khác mà ta có thể dùng kiểu nói hoa mỹ và gợi hình của thánh Phao-lô mà đặt tên là mysterium hoặc sacramentum pietatis (mầu nhiệm hay nhiệm tích đạo nghĩa). Giả như 'mysterium pietatis' không làm nên toàn bộ của động lực lịch sử ngõ hầu chinh phục tội lỗi con người, thì tội lỗi của con người sẽ làm kẻ chiến thắng và hủy hoại cho đến tận cùng, chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ bất toàn và thậm chí thất bại.
Chúng ta gặp thấy hạn từ mysterium pietatis trong một trong những lá thư mục tử của thánh Phao-lô, thư thứ nhất gởi ông Ti-mô-thê, nó xuất hiện một cách bất ngờ, ra như là do ngẫu hứng. Thánh Tông đồ đã dành nhiều đoạn sứ điệp của mình để giải thích ý nghĩa của trật tự trong cộng đoàn (trật tự phụng vụ và trật tự phẩm trật). Tiếp đó, Người nói đến vai trò của những người lãnh đạo, trước khi sang đến cách cư xử của ông Ti-mô-thê trong “Hội thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý”. Thế rồi, ở cuối đoạn văn, một cách đột nhiên tuy cũng có chủ ý sâu sắc, Người đã gợi lên yếu tố mang lại ý nghĩa cho tất cả những gì đã viết :“Chúng ta tuyên xưng rằng cao cả thay mầu nhiệm đạo nghĩa của chúng ta” .
Tuy không dám phản lại nghĩa đen của bản văn, chúng ta có thể mở rộng trực giác thần học đầy khởi sắc của thánh Phao-lô ra thành một viễn ảnh toàn diện hơn về vai trò của sự thật mà Người tuyên xưng đã giữ trong nhiệm cục cứu rỗi. Chúng ta lặp lại theo Người “Cao cả thay mầu nhiệm của đạo nghĩa”, bởi vì nó chinh phục tội lỗi.
Thế nhưng, ý nghĩa của đoạn văn ấy như thế nào theo tư tưởng của thánh Phao-lô ?
ĐÓ CHÍNH LÀ ĐỨC KI-TÔ
20. Thật là thâm thúy khi thánh Phao-lô trình bày “mysterium pietatis” thì Người chuyển tải nguyên văn một bài thánh thi về đức Ki-tô mà không lo móc nối những dòng trước đó cho hợp với cú pháp . Theo ý kiến của các học giả chuyên môn, thánh thi này được sử dụng trong các cộng đoàn Ki-tô nói tiếng Hy Lạp.
Theo lời lẽ của thánh thi, với nội dụng thần học phong phú và với lối hành văn hoa mỹ, các Ki-tô hữu thuộc thế kỷ thứ nhất đã tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm đức Ki-tô, theo đó :
- Người đã xuất hiện trong thực tại xác thịt con người, và đã được Thánh Thần đặt làm Đấng Công chính hiến thân cho những kẻ bất chính ;
- Người đã hiện ra với các thiên thần, bởi vì Người đã được đặt lên trên họ, và Người được rao giảng cho muôn dân như là kẻ mang lại ơn cứu độ ;
- Người đã được kính tin trong thế giới, như là kẻ được Chúa Cha sai đến, và được Chúa Cha cất về trời làm Đức Chúa .
Mầu nhiệm hay nhiệm tích 'pietas' là chính mầu nhiệm đức Ki-tô. Nói cách vắn tắt, đó là mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc, mầu nhiệm vượt qua của đức Giê-su, Con Thiên Chúa và Con của đức Maria : mầu nhiệm cuộc Khổ nạn và Chết, Phục sinh và tôn vinh của Người. Điều mà thánh Phao-lô đã muốn nêu bật khi trích dẫn những câu của thánh thi là mầu nhiệm này là nguyên lý sinh động tiềm ẩn làm cho Hội thánh trở thành nhà của Chúa, cột trụ và điểm tựa của chân lý. Noi theo giáo huấn của thánh Phao-lô, chúng ta có thể quả quyết rằng cũng chính 'mầu nhiệm của tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta' có khả năng thấm nhập vào tận cỗi rễ sâu kín của nỗi khắc khoải chúng ta. Khêu lên trong linh hồn một chuyển động hoán cải, ngõ hầu cứu chuộc nó và đặt nó trên nẻo đường hòa giải.
Cả thánh Gio-an nữa, chắc hẳn là cũng bàn về mầu nhiệm với những ngôn ngữ khác với thánh Phao-lô, đã có thể viết như sau :“phàm ai sinh bởi Chúa thì không phạm tội, nhưng Đấng sinh bởi Chúa gìn giữ họ, và sự dữ không thể đụng đến họ” . Trong lời khẳng định của thánh Gio-an có một niềm hy vọng dựa trên những lời hứa của Chúa : người Ki-tô hữu đã nhận bảo đảm và sức mạnh cần thiết để khỏi phạm tội. Do đó, không phải là chuyện không phạm tội nhờ nhân đức riêng của mình hay do bẩm sinh, như nhóm Ngộ đạo chủ trương. Nó là kết quả của tác động Thiên Chúa. Để khỏi phạm tội, người Ki-tô hữu đã được biết Chúa, như thánh Gio-an viết trong cùng một đoạn. Nhưng trước đó một ít, người viết :“Không ai sinh bởi Chúa lại phạm tội : bởi vì mầm giống của Chúa ở lại trong họ” . Nếu chúng ta hiểu “mầm giống” của Chúa, như vài nhà chú giải gợi ý, là đức Giê-su Con Thiên Chúa, thì chúng ta có thể nói rằng để khỏi phạm tội, hay để có thể được giải phóng khỏi tội, người Ki-tô hữu mang trong mình sự hiện diện của đức Ki-tô và mầu nhiệm của đức Ki-tô, tức là mầu nhiệm của lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa.
NỖ LỰC CỦA NGƯỜI KI-TÔ HỮU
21. Còn một khía cạnh của mysterium pietatis. Lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa đối với người Ki-tô hữu cần phải được kết hợp với lòng hiếu thảo của người Ki-tô hữu đối với Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa thứ hai của tiếng 'pietas' (eusébeia), đó là thái độ của người Ki-tô hữu bằng lòng hiếu thảo con cái của mình đáp lại lòng thương nhân hậu của Thiên Chúa như là người Cha.
Theo nghĩa này chúng ta có thể nói cùng với thánh Phao-lô rằng “cao cả thay mầu nhiệm đạo nghĩa của chúng ta”. Theo nghĩa này pietas, xét như là sức mạnh mang lại hoán cải và hòa giải, đối kháng sự gian ác và tội lỗi. Cũng theo nghĩa này, những khía cạnh cốt yếu của mầu nhiệm đức Ki-tô là đối tượng của pietas, theo nghĩa là người Ki-tô hữu đón nhận và chiêm ngắm mầu nhiệm, và từ đó rút ra sức mạnh tinh thần cần thiết để sống hợp với Tin Mừng. Ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng “không ai sinh bởi Chúa lại phạm tội” ; nhưng diễn ngữ mang một mệnh lệnh truyền khiến : được nâng đỡ bởi mầu nhiệm đức Ki-tô như là một nguồn nội tại của năng lực tinh thần, người Ki-tô hữu, bởi vì là con Thiên Chúa, được khuyến cáo đừng phạm tội, và dĩ nhiên họ nhận được mệnh lệnh là đừng phạm tội nhưng hãy sống cách xứng đáng với “nhà của Thiên Chúa, nghĩa là Hội thánh của Thiên Chúa hằng sống” .
HƯỚNG TỚI ĐỜI SỐNG GIAO HÒA
22. Như vậy khi lời Kinh thánh mặc khải cho ta mầu nhiệm của 'pietas' thì cũng mở rộng tâm trí con người tới sự hoán cải và hòa giải, được hiểu không phải là những khái niệm trừu tượng cao siêu nhưng như là những giá trị Ki-tô giáo cần được thể hiện ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Con người thời nay bị lừa đảo bởi việc mất cảm thức về tội và đôi lúc bị cám dỗ bởi ảo tưởng không phạm tội, đó là những điều không hợp tí nào với Ki-tô giáo, họ cần được nghe lần nữa lời khuyên của thánh Gio-an như là nói riêng với từng người một :“Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không phạm tội, thì chúng ta lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”  , và quả thật là “toàn thế giới đang ở dưới quyền lực của sự dữ” . Bởi thế mỗi người được lời chân lý của Chúa mời gọi hãy kiểm vấn lương tâm của mình cách xác thực, và hãy thú nhận rằng mình đã được sinh ra trong tội, như chúng ta đọc trong thánh vịnh 'Miserere' .
Tuy nhiên, dù bị đe dọa bởi sợ hãi và thất vọng, con người thời nay cần cảm thấy được nâng dậy bởi lời hứa của Chúa, lời mở ra hy vọng được hòa giải hoàn toàn.
Mầu nhiệm pietas, xét về phía Thiên Chúa, là chính lòng thương xót mà, tôi xin nhắc lại lần nữa - Chúa và Cha chúng ta giàu sang vô tận . Như tôi đã nói trong thông điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa , đó là tình thương mãnh liệt hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết. Khi nhận ra rằng tình thương của Thiên Chúa không chấm dứt trước tội lỗi của ta hay chùn lại trước những xúc phạm của ta, nhưng lại càng trở nên quan tâm và quảng đại hơn nữa ; khi chúng ta nhận ra rằng tình thương đó đi tới chỗ gây ra cuộc Khổ nạn và cái Chết của Ngôi Lời làm người, Đấng đã đồng ý cứu chuộc chúng ta bằng giá máu của mình, lúc đó chúng ta thốt lên lòng biết ơn :“Đúng vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, và hơn thế nữa :“Thiên Chúa là lòng thương xót”.
Mầu nhiệm pietas là con đường mà lòng thương xót của Chúa mở ra cho đời sống giao hòa.